Ngài Gorampa Sonam Senge sinh năm 1429 ở vùng Gowo thuộc Kham, tại địa điểm được gọi là Bomyungda. Cha của Ngài là ông Rutsa Zhangkyab còn mẹ của Ngài là bà Gyalwamen. Ngài xuất gia năm lên tám hay mười với thầy giáo thọ tên Kunga Bum và tiếp tục các nghiên cứu ban đầu với Gowo Rabjampa Sherab Palwa và Kachupa Chinzang – những vị được cho là đã ấn tượng trước sự thông tuệ của Ngài. Một miêu tả tiểu sử tuyên bố rằng trong giai đoạn thực hành Văn Thù, Ngài có giấc mơ đặc biệt về việc vung con dao trong không trung. Cũng vào khoảng thời gian ấy, Ngài trở nên nổi tiếng là Gorampa, bởi danh tiếng về sự uyên bác lớn lao. Trong suốt cuộc đời, Ngài đã có nhiều giấc mơ tiên tri và hư huyễn.
Mười chín tuổi, Ngài đến Tu viện Nalendra; tại đó, Ngài hạnh ngộ và thọ nhận giáo lý từ Tôn giả Rongton Sheja Kunrik (1367-1449), vị đạo sư Sakya vĩ đại, người viên tịch chỉ một năm sau đó. Hai mươi mốt, Ngài di chuyển đến Phật học viện Dreyul Kyetsal; tại đây, Ngài đã học hỏi Bát Nhã, Luật và Luận với Ngài Sangye Pal (1412-1485) và nhiều vị khác.
Ngoài hai mươi, Ngài lâm bệnh và không thể đi đến các Phật học viện khác nhau như dự định. Thay vào đó, năm 1453, Ngài đến sống ở Ngor Ewam Choden, nơi Ngài bắt đầu học hỏi Mật điển mở rộng dưới sự dẫn dắt của Tôn giả Ngorchen Kunga Zangpo (1382-1456). Ngài cũng thọ nhận giáo lý từ Đức Muchen Konchok Gyaltsen (1388-1469), Khenchen Khacharwa và Gungru Sherab Zangpo (1411-1475). Chính Gungru Sherab Zangpo là vị cuối cùng hướng dẫn Ngài Gorampa viết tác phẩm triết học nổi tiếng nhất của Ngài, được biết đến là Phân Biệt Tri Kiến (Tawa Shenje).
Hai mươi sáu tuổi, Ngài Gorampa thọ giới Cụ Túc. Ngài đã thọ toàn bộ giáo lý Lamdre hai lần cũng như nhiều chỉ dẫn Mật điển khác từ Đức Kunga Zangpo và nhiều bậc thầy khác tại Ngor. Trong những giáo lý này có Mật điển Dākārnava, điều mà Ngài đã truyền lại cho Khenchen Konchok Tsultrim. Sau khi Đức Kunga Zangpo viên tịch vào năm 1456, Ngài tiếp tục tu học tại Ngor, chủ yếu dưới sự dẫn dắt của Đức Muchen. Bên cạnh những vị thầy đã được nhắc đến, chư đạo sư của Ngài bao gồm Đức Konchok Gyaltsen (1388-1469), Kunga Wangchuk (1424-1478) và Chopal Sherab.
Ba mươi hai tuổi, Ngài khởi hành về Kham, được các thành viên gia đình thúc giục trở về nhà. Ngài dừng lại để ghé thăm Drayul Kyetsal. Các đạo sư trước kia của Ngài ấn tượng với sự uyên bác của Ngài đến mức chư vị thuyết phục Ngài ở lại giảng dạy. Trong nhiều năm tiếp theo, Ngài đã giảng dạy, thực hành và biên soạn mở rộng. Khi bậc thầy thuở ban đầu của Ngài – Đức Sangye Pal rút khỏi chức vụ trụ trì Drayul Kyetsal và tiến hành nhập thất, Ngài đã trở về và đảm nhiệm vị trí người đứng đầu Tu viện cũng như tiếp tục giảng dạy.
Năm 1466, Ngài thành lập Tu viện Tanak Serling, nơi Ngài đã sống và giảng dạy trong nhiều năm, mặc dù thỉnh thoảng Ngài cũng có những chuyến hoằng pháp đến các Tu viện khác. Ngài viết rất nhiều trong giai đoạn này và đã soạn một vài trong số những tác phẩm quan trọng nhất, nhận được hỗ trợ từ quý tộc liên hệ với triều đình Rinpung. Năm 1473, Ngài thành lập Tu viện khác được gọi là Tanak Tubten Namgyal, nơi Ngài thiết lập một chương trình bao gồm đầy đủ các môn cả về Hiển và Mật. Ngài chủ yếu dạy ở đó trong thập niên tiếp theo.
Năm 1483, Ngài được tấn phong là vị trụ trì thứ sáu của Ngor – Ngor Khenchen. Ngài đã dạy các chủ đề Hiển và Mật khác nhau ở đó, đặc biệt là Lamdre, cho đến năm 1486. Sau đó, Ngài từ chức trụ trì và tiến hành việc tấn phong vị trụ trì thứ bảy – Konchok Pal (1445-1514).
Tại các học viện khác nhau mà Ngài lưu lại, Ngài nổi tiếng là một đạo sư vĩ đại. Ngài du hành rộng khắp để ban quán đỉnh và chỉ dẫn cho đệ tử. Một vài trong số những đệ tử nổi bật nhất của Ngài là Bumtrak Sumpa (1432-1504), Wangchuk Drupa, Sangye Rinchen (1450-1524), Jamyang Kunga Chozang (1433-1503) và Konchok Pal.
Sau khi không còn nắm giữ ngai tòa tại Ngor, Ngài trở về Tanak, giảng dạy và biên soạn mở rộng cho đến cuối đời. Trên đường đến Tanak từ Sakya, Ngài đã lâm bệnh và qua đời vào năm 1489. Trong cuộc đời, bởi sự thông tuệ tuyệt vời, Ngài được công nhận rộng rãi là vị tái sinh của Đức [Jetsun] Drakpa Gyaltsen (1147-1216).
Các trước tác của Ngài tạo thành mười ba quyển. Nổi tiếng và có sức ảnh hưởng nhất là Phân Biệt Tri Kiến, một nghiên cứu vô cùng có sức ảnh hưởng về Trung Đạo Tây Tạng, thứ miêu tả chi tiết những cách giải mã khác nhau về triết học Trung Đạo được tranh luận tại các Tu viện Tây Tạng. Tác phẩm này phê phán các quan điểm mà Ngài Dolpopa Sherab Gyaltsen (1292-1361) của truyền thống Jonang và Ngài Tsongkhapa Lobzang Drakpa (1357-1419) – vị Tổ của truyền thống Geluk ủng hộ. Kết quả là, chính quyền Tây Tạng đã cấm các tác phẩm của Ngài ở U và Tsang dưới thời của Đức Dalai Lama thứ 5. Trước tác của Ngài dường như vẫn tiếp tục được đọc và lưu truyền ở Kham và Amdo và hiện nay, trước tác của Ngài là nền tảng cho chương trình tại các Tu viện khác nhau liên hệ với Sakya.
Nguồn Anh ngữ: https://treasuryoflives.org/biographies/view/Gorampa-Sonam-Sengge/1985.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.