Bài 5 (Bồ Đề Đạo Tràng)

23/04/201112:00 SA(Xem: 16135)
Bài 5 (Bồ Đề Đạo Tràng)

ĐẠO VÀ ĐỜI TRONG 24 NGÀY TRÊN ĐẤT PHẬT
CHUYẾN HÀNH HƯƠNG 03-2011
Hoàng Thị Bích Ti

Bài 5

Lời người viết:

Bài viết này chỉ nhắm vào mục đích cung cấp một số hình ảnh, dữ kiện trung thực về cuộc hành trình 24 ngày trên xứ Ấn mà chúng tôi đã đi qua. Chuyến đi này hẳn nhiên không phải là một cuộc du sơn, ngoạn thủy; mà đích thực là một chuyến hành hương đầy thử thách, không huyền thoại hoá. Đối với chúng tôi, đi một ngày là học một ngày. Học từ chính mình. Học từ người. Học trong cái dỡ và trong cái hay. Đi trong chánh niệm và đi trong niềm tin bất thối chuyển.

 Hoàng Thị Bích Ti
Va/2011

 

Bồ Đề Đạo Tràng

 Chúng tôi đến khu vực Bồ Đề Đạo Tràng vào vào giữa trưa. Ông trưởng đoàn đã lo cho mọi người chỗ tạm trú ở một khách sạn nhỏ bên kia đường của đạo tràng. Theo lịch trình, cả đoàn ở lại khách sạn này năm đêm. Mỗi ngày khi trời chưa sáng tỏ, chúng tôi cùng quý tăng, ni vào đạo tràng để đảnh lễ, tụng kinh. Chiều thì đi thăm viếng mấy chùa và có lần đi phát quà. Thường thường, trước khi vào đại tháp; ông bà chủ đoàn, chuẩn bị sẵn tràng hoa cho mỗi người để cúng phật. Cô con gái nhỏ bé nhưng rất tháo vát của ông bà thì lo việc quay phim, làm thành CD cho mỗi chuyến đi, phát cho mọi người. Trước khi ghi tên, dù không xem CD nhưng tôi nghe kể là hình ảnh trong CD của chuyến hành hương năm 2010 rất đẹp và sạch sẽ. Suốt cuộc hành trình, mỗi lần đến những chổ cần quay phim, ông trưởng đoàn luôn miệng nhắc nhở bà con mặc áo lạnh bên trong áo tràng để quay phim cho đẹp. Trời buổi sáng rất lạnh. Mỗi người mặc hai, ba cái áo ấm bên trong, ngoài mặc áo tràng nên người nào trông cũng mập mạp, tròn quay. Một vị kia chỉ mang theo cái áo jacket màu đỏ, áo dày nên không thể mặc bên trong áo tràng. Có hôm, cảm thấy xốn xang vì đã vài lần được nhắc nhở là cái áo màu đỏ của mình vô phim không đẹp nên chị bỏ hàng, không theo chúng tôi đi nhiễu ba vòng mà ra ngoài ngồi một mình, chờ cả đoàn.

 Thường khi chúng tôi vào đại tháp khi trời còn chưa sáng nên hàng quán hai bên đường đều đóng cửa. Xế trưa khi trở ra thì kẻ mua, người bán tấp nập và những người ăn xin thì bám riết theo chúng tôi. Người ta bán đủ loại tràng hạt, chuông, bồ đoàn, hình tượngvô số khăn áo. Khăn quàng cổ và những chiếc sari sặc sỡ là những món hàng quốc hồn quốc túy của xứ Ấn. Khăn thì nhiều loại vô cùng, giá nào cũng có, từ 70 rupees cho đến 2,000 rupees. Vì rất khó phân biệt, nên việc chọn khăn cũng là một nghệ thuật. Theo như lời giải thích của một người bán hàng tốt bụng thì khi chiếc khăn lụa được vò thành một đụn, từ từ bung ra chứ không nằm yên một đống mới là hàng lụa quý. Điều bực mình nhất là mua bất cứ món gì cũng phải trả giá. Bởi giá cả thì trời ơi đất hởi, không biết đâu mà mò vì nói thách. Đưa gía 700 rupees, nhưng có người trả 200 cũng bán lẹ làng.

 Trong tất cả những gian hàng, hình ảnh mà tôi cảm động nhất là những chú bé con ôm từng bó cỏ bồ đi bán. Cỏ thì bán được bao nhiêu? Không biết có còn ai trải cỏ để ngồi hay không và bây giờ ai mua cỏ để làm gì? Vì không thể đem cỏ qua cửa hải quan, nên tôi đành lượm một nhánh, ép vào sách mang về. Sau này qua những nơi khác, tôi mới biết chỉ có Bồ Đề Đạo Tràng có bán cỏ bồ mà thôi. Theo lời của ni cô Tâm Thảo thì giáo hội phật giáo của Thái Lan lo việc trang hoàng trong tháp chính, nơi có tượng Đức Thế Tôn. Mỗi ngày, ban chủ lễ đều thay y cho Phật. Phật tử có thể thỉnh ba y này tại đây.

 Hồi tưởng lại những nơi mà tôi đã đi qua trong đoạn đường 24 ngày, Bồ Đề Đạo Trạng là nơi đã để lại trong lòng tôi một dấu ấn sâu đậm nhất. Không thể tưởng tượng ở một nơi mà mới đặt bước chân đầu tiên đi xuống những bậc tam cấp vào đại tháp, chưa thấy gì hết, chưa nghe một lời kinh hay một tiếng chuông mà toàn thân tôi rúng động, nước mắt tuôn rơi. Mỗi bước chân đi là mỗi một bước trở về với con người của chính mình. Trở về trong niềm hân hoan, vui sướng khôn xiết. Không thể tưởng tượng trên thế gian này có một đạo tràng mà những người con phật từ khắp nơi trên thế giới về quỳ xuống, cùng cúi đầu đảnh lễ, cùng cúng dường những phẩm kinh bằng những ngôn ngữ khác nhau. Nơi đây, đức thế tôn đã trở thành bậc Chánh Đẳng, Chánh Giác. Nơi đây, lời kinh chẳng bao giờ ngừng. Nơi đây, trời đất giao hòa và chư thiên như lúc nào cũng hiện diện chung quanh .

 Bước vào trong đạo tràng, là bước vào một thế giới khác. Một thế giới mà tất cả đều hoà đồng, từ ngôn ngữ, màu da cho đến không gian và cây cỏ. Những người phật tử áo trắng, áo vàng, áo nâu, áo xám hay áo đỏ đi từng đoàn vào lễ phật. Họ cầu nguyện hay cúng dường những câu kinh bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Họ tu theo những pháp môn khác nhau. Họ hành lễ khác nhau. Người thì quỳ lạy. Kẻ thì gục đầu hay lạy dài, “gối quỳ, đầu chấm đất.” Nhưng tất cả năm màu áo ấy,những pháp môn ấy, những lời cầu nguyện, những cái lạy đều mang một ý nghĩa chung, đều hướng về chánh pháp. Như những con sông cùng đổ ra biển vậy. 

 Ở nơi đây cũng có một số thanh thiếu niên mặc áo sư tây tạng trà trộn vào bên trong để xin tiền. Có những người lính canh thỉnh thoảng chìa ra những bó lá bồ đề dấu sẵn trong túi, mời mọc người mua. Dĩ nhiên cũng có những sự lừa lọc mua bán dưới mọi hình thức như ở bất cứ nơi nào có sự hiện hữu của những tín đồ ngoan đạo với lòng tin tôn giáo. Cũng nơi đây, người ta đã cố thương mãi hoá khu thánh tích này dựa vào đức tin chân thành của người phật tử. Nhưng không hiểu sao, điều lạ lùng mà tôi cảm nhận mạnh nhất là không có bất cứ một thứ ô trược hay những kẻ ô hợp nào có thể mảy may làm tổn thương đến cái uy nghiêm của khu thánh địa này.Giờ viết lại những dòng chử này, tôi vẫn còn nhớ lại cái cảm xúc lạ kỳ của những lần ngồi tĩnh toạ dưới bóng mát của gốc linh mộc, những lần đảnh lễ dưới chân tượng Bồ Tát Quán Thế Âm hay những đêm bỏ đoàn cùng một chị bạn đồng hành, vào trong đại tháp ngồi giữa những lời kinh râm ran.. Ở nơi thánh địa này, tôi đã gặp một vị ni cô trẻ trì tụng kinh Pháp Hoa nhiều năm. Tụng một chử là quỳ lạy một chữ. Tôi đã gặp một nhà sư khổ hạnh, Việt nam. Y áo cũ mèm, đi chân đất. Hai gót chân đều nứt nẻ, dơ dáy nhưng lòng từ bi thì toả sáng như hoa trăng. Tôi đã gặp một ông Mỹ già quê ở tận Texas, ngồi xe lăn, tay chân lỡ loét, một mình tìm đến Bồ Đề Đạo Tràng. Với sự giúp đỡ của nhà sư Việt kia, mỗi ngày ông được hai chú nhỏ đẩy xe lăn quanh đại tháp để cầu nguyện. Ở nơi đây, tôi có cảm tưởng như ngay cả những sỏi, đất hay những chiếc lá bồ đề đều có tri thức. Và khi bất cứ một chiếc lá bồ đề nào rơi xuống, lá đều biết vì sao mình rụng, và rụng cho ai.

daovadoi-501

daovadoi-502

Đại Tháp –H.T.B.Ti chụp- 2011
Linh Mộc - Cội Bồ Đề, nơi đức Phật ngồi thiền định -
ảnh-H.T.B.Ti- 2011

daovadoi-503

Dấu chân Phật - ảnh, H.T.B.Ti

 daovadoi-504

Bàn thờ Bồ Tát Quán Thế Âm –HTBT-2011

(Nghe truyền rằng rất linh ứng, những ai đến đây đảnh lễ và có ước nguyện gi’ thì đứng cuối bậc thềm, nhắm mắt bước tới trước, nếu tới được ngay dưới chân ngài và hai tay sờ được chân tượng thì lời ước nguyện được chứng giám.”

 

Những hạt đậu biết nhảy.

 Những ai đã là phật tử thì hẳn không xa lạ gì với bài học “Những hạt đậu biết nhảy”. Bài học dạy về sự nhất tâm, mối then chốt trong việc trì tụng. Nhất tâm đem đến sự cảm ứng cho người xưng táng. Câu chuyện, “Những hạt đậu biết nhảy” cũng dạy về lòng từ bi của một cao tăng ,biết dùng phương tiện quyền xảo tiếp dẫn chúng sinh, khế cơ, thí pháp và tuỳ theo căn cơtế độ 

Chuyện kể rằng, có một cao tăng trong một chuyến du hành, ngang qua một làng kia. Từ trên dốc cao nhìn xuống những mái nhà tranh, ngài nhìn thấy một mái nhà có lớp hào quang tươi đẹp bao quanh. Kinh ngạc, ngài bèn rảo bước tới túp lều đó mong tìm gặp người có đủ phước báu, một chân nhân có những hào quang toả sáng kia. Đứng trước mái tranh xơ xác, ngài gặp được người chủ nhân, một bà lão nghèo chuyên trồng đậu để sống qua ngày. Hỏi ra thì bà chẳng có phép tu gì, lại còn không biết chử. Nhưng với lòng thành cầu pháp, có người đã dạy cho bà câu “Án Ma Ni Bát Di Hồng” để bòn chút phước báu. Để tự kiểm soát mình, bà cụ lấy chén đậu để trước mặt. Nhủ lòng, mỗi lần niệm xong một câu là lấy một hột bỏ vào cái chén không kế bên. Tuổi già, quên trước quên sau, thay vì “Án Ma Ni Bát Di Hồng”, bà cứ “ Án Ma Ni Bát Di…Vàng” mà niệm. Cứ như thế, bà niệm nhuần nhuyển bằng một tấm lòng thành, không phút xao lãng. Thời gian sau, mỗi lần bà niệm xong một câu là một hạt đậu tự động nhảy qua chén bên kia, cho đến hột cuối cùng . Nghe kể xong, vị cao tăng đó liền kêu lên: “Ôi bà lão đáng thương ơi! Cụ đã niệm sai rồi! Từ đây trở đi phải niệm “Án Ma Ni Bát Di Hồng” chứ đừng có “Án Ma Ni Bát Di…Vàng nữa cụ ơi!”

 Tiển khách ra cửa xong, bà cụ lại niệm phật tiếp . Vị cao tăng hoan hỉ lắm khi nghe tiếng “Án Ma Ni Bát Di Hồng” xướng lên. Leo trở lên con dốc cao đầu làng, nhìn ngoái lại thì ngài mới giật mình vì thấy những ánh hào quang của bà lão kia đã tắt lịm. Chợt hiểu ra, ngài tất tả, băng xuống con dốc cao, gõ cửa, và kêu rằng: “Này cụ ơi! Người sai là bần tăng đây. Xin cụ hãy niệm “Án Ma Ni Bát Di Vàng” như trước đi!” Dĩ nhiên, bà lão lại vâng lời, niệm “Án Ma Ni Bát Di Vàng” như cũ. Và khi vị cao tăng đó leo tới trên đầu dốc và nhìn ngoái lại thì ánh hào quang đã trùm phủ căn nhà của bà lão đó như trước.

 

 Một hôm, trưởng đoàn cho biết là quý thầy, đại đức Thích Trúc Thông Phổ của thiền viện Trúc Lâm Tuệ Quang sẽ làm chủ lễ cho buổi “nhắp kéo” và quy y cho những ai muốn tham gia vào ngày mai, dưới tán bồ đềBồ Đề Đạo Tràng. Nhiều người trong đoàn là đệ tử của thầy Thích Thanh Từ, có người tu theo Tịnh độMật tông và cũng có hơn chục người chưa từng quy yvội vàng ghi tên. Với nhiều người trong đoàn, đây là một mối duyên lành không dễ gì có được dù trong nhiều kiếp tìm cầu. Theo như lời giảng của quý tăng, ni; lễ “nhắp kéo” là một buổi lễ tuyên thệ. Dưới sự dẫn dắt của quý tăng ni, người phật tử phát nguyện đoạn một lọn tóc và nguyện khi hội đủ duyên lành trong đời này hay đời sau thì sẽ xuống tóc đi tu. Được tham gia một buổi lễ như vậy dưới cội bồ đề, nơi chư Phật quá khứ, chư Phật vị lai đều thành đạo ở đây nên nhiều người rất hoan hỉ. Ai chưa quy y thì làm lễ quy y. Ai muốn nhắp kéo thì được toại nguyện. T. một cô bạn trong đoàn của tôi vui mừng lắm. Trong chuyến xe của tôi, T. là một người linh hoạt nhất. T. có nụ cười rất đẹp, lúc nào cũng nở rộ trên môi. Tôi đặc biệt thương mến T. vì tính tình T. thẳng thắn, hay giúp đỡ người trong đoàn. Suốt quãng đường dài mệt mỏi, T. chia xẻ từng viên thuốc cho những ai cần đến. Cơm cũng chia. Áo cũng chia. Giày cũng chia luôn. Lúc nào T. cũng có sẵn vitamin hay kẹo để tiếp tế cho mọi người và miệng thì mau mắn: “Mời bác, mời cô, mời chị ăn chút vitamins hay chút kẹo để lấy sức!”. Giấy ghi tên vừa đưa tới, T. mau mắn ghi tên cho mình và ông chồng (lúc đó không có mặt). Viết xong, còn hối tôi viết tên xuống cho mau.

Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi tụ họp lại ở phòng tiếp tân của khách sạn, chuẩn bị vào đại tháp. T, buồn buồn báo tin là hai vợ chồng cô đã rút tên ra. Tôi kinh ngạc, vì hôm qua cô bạn của tôi là người hăng hái tham gia nhất. Tôi hỏi tại sao, vì sợ bạn có khúc mắc gì. Giọng T. nhẹ tênh: “Em không biết, em nghe mấy ổng xầm xì với nhau về chuyện thầy niệm: “Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni” thay vì “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni” nên mấy ổng thấy không thoải mái. Ông xã em muốn rút ra”. Tôi nóng lòng, nên nói: “Thì mấy ổng cứ vẫn niệm “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” đi, nếu muốn. Ông xã T. thấy chưa sẵn sàng thì chờ dịp khác không sao, nhưng T. đã quyết định rồi, sao lại lấy tên ra?”. “ Ờ, em quen rồi chị ơi! Bao nhiêu năm trong gia đình phật tử em niệm sao thì bây giờ vẫn vậy. Còn chuyện xuống tóc thì đâu có được, em cũng muốn lắm! Nhưng đi hai vợ chồng mà! Đứa này đứa kia sao được.” Nói xong, T. vội vàng quay đi và tôi thì ngậm ngùi sắp hàng theo mọi người vào đại tháp.

Hình như chỉ còn khoảng hơn ba mươi người phát tâm qui y và làm lễ nhắp kéo. Xiêm áo chỉnh tề xong, cả đoàn theo qúy tăng ni vào đại tháp nhiễu ba vòng và lễ Phật. Lễ xong thì trời cũng vừa hừng sáng, thầy Thích Thông Hạnh, phó viện chủ Trúc Lâm Thiền Viện Thường Chiếu tỉnh Đồng Nai, cùng thầyThích Trúc Thông Phổ, phó viện chủ Trúc Lâm Thiền Viện Tây Thiên tỉnh Vĩnh Phúc cùng quý tăng ni cùng chủ trì buổi lễ qui y và nhắp kéo cho chúng tôi dưới tàng cây bồ đềBuổi lễ diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm và đầy cảm động. Những sợi tóc nhẹ nhàng rơi xuống trong lời kinh trang nghiêm. Nhẹ nhàng. Như lời hứa trở về của những đứa con. Những lời hứa đã từng bị quên lãng trong muôn kiếp trôi lăn theo miếng cơm, manh áo. Và hôm nay, lời hẹn nguyện đó một lần nữa được nói lên với cả tấm lòng thành. Buổi sáng thật đẹp. Gió mơn man. Những chiếc lá bồ đề trên đầu réo rắt trong tiếng hót của lũ chim muông trong vườn, trong lời kinh vang vang, trong những khoảnh khắc giao hoà của trời đất. Một vài chiếc lá rơi xuống. Những chiếc lá bồ đề. Lá rớt trên vai. Lá nằm trên vạt áo. Những chiếc lá làm chứng nhân cho lời nguyện thề của những đứa con tha phương.

Lễ xong, mọi người vui vẻ kéo nhau về khách sạn. Dõi mắt tìm, nhưng tôi không thấy T. đâu. Nhỏ Mắt Đen chạy tới bên tôi, la thất thanh, mũi đỏ như trái cà chua: “Trời ơi! Chị T. ơi! Mắc chứng gì mà khóc hù hụ qúa trời! Hồi nãy đó! Lúc làm lễ quy y đó! Em khóc quá chừng luôn! Kỳ quá! Quê gì đâu! Em quỳ ở trển mà cảm tưởng như em là đứa nhỏ đang quỳ trước mặt cha mẹ, và bị cha mẹ rầy la vì ham chơi dzậy đó, chị ơi! Làm em tủi thân, khóc quá chừng luôn! …Kỳ quá, em giải thích hổng được!“

Tôi cười: “Ừ, nhiều người khóc lắm!” Ni cô ĐH (mẹ của Mắt Đen) cười vui, nói: “Qui y rồi thì phải tập ăn chay nữa đó!”. Mắt Đen chẩu môi: “Gì? Con ăn chay giỏi lắm mờ!” Chỉ ni cô, Mắt Đen nó tía liai: “Chị biết hôn? Hôm nay em quy y nên “ngoại” dzui lắm! Ngoại cứ đòi..”độ” em hoài! Em đâu thích ăn mặn đâu! Nhưng mà chị T. biết sao hôn, tại ông chồng em hết trơn. Ăn chay được vài tháng là phải bỏ. Mỗi lần ra tiệm ăn là ổng cứ năn nỉ em ăn theo ổng với hai đứa nhỏ nên riết rồi em phải đầu hàng luôn.”

Rời đại tháp, chúng tôi về khách sạn để dùng bữa cơm trưa, và sau bữa ăn sẽ cùng đi viếng vài chùa gần đó. Khi tôi bước vô phòng ăn thì mọi người đã về đông đủ. Tôi đưa mắt tìm T. và thoáng thấy T. đang ngồi với một vài người khác. T. cũng nhìn thấy tôi, đưa tay chỉ một chổ trống gần đó. Ánh mắt T. trầm ngâm. Nụ cười tươi thắm không có trên môi như mọi khi. Tôi gật đầu ra dấu cám ơn. T. cũng nhẹ gật đầu đáp trả…

Tôi bưng phần cơm của mình tới chổ ngồi. Nhỏ Mắt Đen ngồi đằng xa, đưa tay vẫy vẫy. Ni cô Đ.H nhìn theo tay M.Đ, mỉm cười vui vẻ. Một người ngồi trong bàn chào tôi, rồi cúi đầu niệm Phật trước khi ăn. Tôi cũng cúi đầu. Và nghe bên tai lời kinh vàng vang vọng:  Này, Vô Tận Ý! Nếu có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát nầy, dù vào lửa lớn, lửa chẳng cháy được, vì do sức uy thần của Bồ tát nầy được như vậy."

Tôi ngước lên khi lời kinh vừa dứt…

Và có lời thưa rằng:

Kính bạch thầy, bạch quý tăng ni cùng quý chư tôn đức,

Qua lời Phật dạy trong phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa nói trên, ai dám không tin danh hiệu Phật chính là câu thần chú?

Ôi!

Án Ma Ni Bát Di Vàng!
Án Ma Ni Bát Di Xanh! 

Ôi!

 Mô Bụt!

Ôi!

 Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!

Ôi! Thương thay!!! Hôm nay ở tại Bồ Đề Đạo Tràng này có một người phật tử không thể phát lời thệ nguyệnNiềm tin tắt lịm. Nụ cười tắt lịm. Tắt lịm. Như ánh hào quang của bà lão trồng đậu trong truyện vậy, bạch thầy!…

 

H.T.B.Ti
Va 04/18/2011

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/10/2014(Xem: 6557)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.