NHÌN TỪ KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Thích Nguyên Hiệp
Hành hương về những địa danh đặc biệt nào đó để tỏ lòng kính ngưỡng và mong nhận được ân phúc là điểm chung của nhiều tôn giáo. Trong Phật giáo, hành hương giữ một vai trò khá quan trọng trong đời sống tâm linh của người Phật tử, và có thể nó được thực hành từ sau khi Đức Phật diệt độ.
Vấn đề hành hương trong đạo Phật, có thể nhiều người đã biết, được đề cập đến trong kinh Đại Bát Niết Bàn, bản kinh ghi lại những lời giáo huấn sau cùng của Đức Phật, “Này Ananda, đó là bốn Thánh tích, người thiện tín cư sĩ cần chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ananda, các thiện tín tỷ-kheo, tỷ-kheo-ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ sẽ đến với niềm suy tư: Đây là nơi Như Lai đản sanh; đây là nơi Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng chánh giác; đây là nơi Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng; và đây là nơi Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn.”
Vì sao người Phật tử cần quay về chiêm ngưỡng và đảnh lễ những Thánh tích này? Điều này đã được Đức Phật nêu ra, “Này Ananda, những ai trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh vào cõi thiện, cảnh giới chư thiên.”
Tín (saddhā/śraddhā) là một trong những yếu tố quan trọng, được nhắc đến trong kinh điển như là điều kiện cần thiết giúp người Phật tử nhập vào thánh đạo. Người Phật tử với chánh kiến, sau khi tư duy, sẽ đặt tín tâm của mình vào Đức Phật và giáo pháp của Ngài, thực hành với nhiệt tâm không nghi ngại. Tín trong Phật giáo được đặt cơ sở trên chánh kiến và chánh tư duy, nhưng Tín cũng là nền tảng để người Phật tử thực hành chánh kiến và chánh tư duy. Bởi vậy Tín là yếu tố thiết yếu cho việc xây dựng nên đời sống tôn giáo, cũng là yếu tố duy trì đời sống tôn giáo.
Trong một bối cảnh có nhiều giáo phái và triết thuyết cùng hành hoạt, việc vắng bóng bậc Đạo sư dễ khiến người đệ tử thối thất niềm tin, điều có thể đưa họ quay sang quy ngưỡng những giáo phái khác. Quay về bốn thánh tích là quay về với Đức Phật qua sự biểu trưng của những nơi chốn liên quan, từ đó duy trì sự “thâm tín” và phát triển đời sống tâm linh.
Nỗi lo lắng về việc vắng mặt của bậc Đạo sư sẽ đưa đến sự mất định hướng trong giới đệ tử đã được thể hiện qua việc “tựa cửa khóc than” của tôn giả A-nan. Và Đức Phật đã dạy rằng, sau khi Ngài diệt độ chính Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya) là Đạo sư của các Phật tử. Nhưng Pháp và Luật sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn đối với những người có sự thâm tín vào Bậc đã thuyết giảng những điều đó. Chiêm bái thánh tích sẽ giúp người đệ tử giữ vững niềm tin khi họ tận mắt chững kiến những nơi chốn liên quan đến bậc Đạo sư lịch sử của họ (điều rất cần thiết vào thời điểm sau khi Đức Phật vừa diệt độ).
Ý nghĩa này sẽ phần nào rõ ràng hơn nếu chúng ta đề cập đến việc thờ phụng xá lợi (śarīra) ở đây; bởi vì hành hương trong Phật giáo luôn gắn liền với tín ngưỡng phụng thờ tháp (thūpa/stūpa) và xá lợi, điều cũng được đề cập đến trong kinh Đại Bát Niết Bàn, “Này Ananda, vì lý do gì, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xứng đáng xây tháp? Này Ananda, tâm của dân chúng sẽ hoan hỷ khi nghĩ đến: ‘Đây là tháp của Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri.’ Do tâm hoan hỷ như vậy, khi thân hoại mạng chung, họ sẽ sanh lên thiện giới, cảnh giới chư Thiên. Này Ananda, vì lý do này, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xứng đáng xây tháp.”
Tháp trong thời kỳ đầu được xây dựng nhằm để tôn trí xá lợi của Đức Phật và những vật dụng mà Ngài đã dùng khi còn tại thế; và sau đó tháp được xây dựng tại những nơi gắn liền với những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Ngài, để đánh dấu địa danh và tưởng niệm (điều được thực hiện rất quy mô dưới triều đại vua Ashoka). Nhưng trong tất cả các tháp, tháp thờ xá lợi Đức Phật được xem là quan trọng và thiêng liêng hơn cả. Nhưng tại sao tháp thờ xá lợi được xem là quan trọng và thiêng liêng?
Theo truyền thống tôn giáo Bà-la-môn, xác thân của một người được cho là mang nhiều tội lỗi và bất tịnh. Nên đối với một xác chết trước khi hoả thiêu, người ta sẽ có những phương thức thanh tẩy, hoặc bằng trì tụng kinh chú, hoặc nhúng thân xác đó xuống nước những con sông thiêng.
Phật giáo xem thân thể là bất tịnh, nhưng không xem một xác chết có thể trở nên trong sạch nhờ vào những phép thuật hay nước của một dòng sông nào đó. Thân xác sau khi huỷ hoại sẽ được trả về lại với tứ đại đất nước gió lửa. Và như vậy thân xác đó, trong bất cứ hình thức nào, không đáng để chấp thủ. Nhưng nếu vậy thì việc phụng thờ xá lợi và trở về chiêm bái những tháp thờ xá lợi có đi ngược lại nguyên tắc này không?
Đức Phật và giáo pháp của Ngài về cơ bản là đi ngược lại truyền thống tôn giáo Bà-la-môn. Đức Phật và những người xuất gia theo Ngài được xem là chọn con đường đi ngược với lề thói chung của cuộc đời, và điều này thường được nhắc đến như một sự “lội ngược dòng”, mà thuật ngữ Phật học gọi là “nghịch lưu”. Nhưng nghịch lưu không chỉ là từ bỏ những “tài, sắc, danh, thực, thuỳ” thường tình mà thế gian tìm cách theo đuổi và coi như lẽ sống, đi ngược dòng luân hồi sanh tử, mà còn là sự đảo nghịch những quan niệm và tập tục của xã hội thời bấy giờ mà tất cả bị chi phối sâu sắc bởi tôn giáo truyền thống Bà-la-môn. Điều này cũng thể hiện ngay trong bài kinh Đại Bát Niết Bàn và có liên quan đến việc phụng thờ xá lợi.
Theo quan niệm của xã hội thời bấy giờ, hướng Nam là hướng của thần chết, và xác chết của bất cứ ai, luôn được hoả thiêu ở đó. Nhưng đối với Đức Phật, Bậc đã chọn con đường “nghịch lưu”, nên việc hoả thiêu nhục thân của Ngài đã không theo quy ước này. Khi Đức Phật nhập diệt, dân chúng thuộc bộ tộc Malla đã khiêng thân xá lợi của Ngài đi về hướng Bắc, sau đó đi vào trung tâm thành phố rồi đưa sang hướng Đông và hoả thiêu. Hướng Đông được xem là hướng cát tường, điều được xem là thích hợp với thân xá lợi của Bậc giác ngộ.
Như đã nói, nhục thân của bất cứ ai, trong quan niệm của đạo Phật, cũng chỉ là sự kết hợp của đất nước gió lửa. Tuy nhiên nhục thân của Đức Phật, trong ý nghĩa “bình bát trôi ngược”, được xem là vượt qua khỏi những giới hạn thông thường; và xá lợi của Ngài còn lại sau khi hoả thiêu là biểu trưng cho sự đạt ngộ và hương thơm phạm hạnh còn lưu lại ở cõi đời. Phụng thờ và chiêm bái xá lợi do vậy là kính ngưỡng đạo đức và trí tuệ của một Bậc giác ngộ.
Nhưng ý nghĩa quan trọng hơn cả của việc phụng thờ và chiêm bái xá lợi chính là thể hiện lòng kính ngưỡng, sự thấu hiểu về Đức Phật và giáo pháp của Ngài. Trong nhiều bản kinh Đức Phật dạy rằng: Ai thấy pháp là người ấy thấy Phật, và ai thấy Phật là người ấy thấy pháp. Xá lợi chính là Phật thân còn lại sau khi Đức Phật vắng bóng ở cõi đời này.
Từ thời Đức Phật cho đến thế kỷ thứ 2 (tr. TL), tín ngưỡng phụng thờ tượng Phật chưa có mặt. Vì vậy những đệ tử đã sử dụng những biểu tượng như hoa sen, cây bồ đề, bánh xe Pháp luân và ngôi tháp để tưởng nhớ đến bốn sự kiện đản sanh, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập diệt của Đức Phật, và qua đó cũng tưởng nhớ đến Ngài. Nhưng vượt lên trên bốn biểu tượng này, xá lợi được xem là quan trọng và thiêng liêng hơn cả, vì đó là những gì trực tiếp liên hệ đến Phật thân. Vì trong ý nghĩa rằng ai thấy Phật là thấy Pháp, và ai thấy Pháp là thấy Phật, nên trở về chiêm ngưỡng xá lợi là trở về chiêm ngưỡng Phật và giáo pháp của Ngài. Chiêm ngưỡng xá lợi như vậy là để thấy Phật, thấy Phật là thấy Pháp, và thấy Pháp không chỉ là ôn lại lời dạy của Phật mà còn để thấy được bản chất thực của cuộc đời.
Như vậy, nhìn từ kinh Đại Bát Niết Bàn, hành hương là quay trở về bốn thánh tích để chiêm ngưỡng và đảnh lễ; và tháp cũng như xá lợi luôn có liên hệ mật thiết đối với việc hành hương của người Phật tử. Và hành hương trước hết nhằm giúp người đệ tử Phật tăng trưởng tín tâm của mình.
Từ tín tâm, hành hương là dịp người Phật tử gieo trồng thiện nghiệp, điều kiện cần để một người sau khi mạng chung được sanh về thiên giới. Bởi vì hành hương trong Phật giáo thường được kết hợp với việc thực hành bố thí (dana), và bố thí được xem có ý nghĩa và gặt nhiều phước lành hơn cả khi cúng dường lên bậc giác ngộ (qua những biểu tượng) với tâm tịnh tín.
Hành hương với lòng thâm tín và tâm thanh tịnh sẽ đưa người Phật tử tại gia đi đến việc thực hành hạnh “xuất gia”. Khi thực hiện một chuyến hành hương là người Phật tử phát nguyện rời bỏ những “sinh hoạt thế tục” trong một khoảng thời gian nào đó để sống một đời sống “không nhà”. (Trong ý nghĩa này mà một vài người khi bàn về hành hương đã liên hệ nó với thuật pravrajyāta (Pali: pabbajjāta). Pravrajyāta thường được dịch là xuất gia, đi ra khỏi, hay rời bỏ đời sống trần tục. Và pravrajita, hay pravrājaka là người rời bỏ đời sống trần tục).
Vẫn từ kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật dù khuyên hàng đệ tử nên chiêm ngưỡng và đảnh lễ Tứ động tâm, nhưng điều đó không có tính ép buộc, nó hoàn toàn là điều tự nguyện. Và hành hương trong Phật giáo không mang tính cộng đồng với thời gian và những điều kiện được ấn định cụ thể. Các tín đồ Phật giáo có thể hành hương về các thánh tích vào bất kỳ thời điểm nào họ thấy thích hợp. Và mục đích của hành hương, như đã nói, là để tăng trưởng tín tâm, gieo trồng thiện nghiệp, thanh tịnh tâm ý (và hẳn còn những mục đích khác nữa); và những sinh hoạt tại các thánh tích thường là đảnh lễ, thực hành thiền định và trì tụng kinh chú, v.v…
Hành hương của người Phật tử về một nơi nào đó sẽ có nhiều ý nghĩa hơn khi người hành hương hiểu được những sự kiện đã gắn liền với địa danh đó. Người hành hương khi ấy không chỉ trở về một địa danh địa lý, mà còn quay trở lại với con người lịch sử liên quan đến địa danh đó. Trở về với một thánh tích chỉ để tham quan, nói cách khác là không phải vì ước nguyện tâm linh, thì đó chỉ là một cuộc viếng chơi mà không phải là một hành trình tâm linh thực sự. Và như vậy, hành hương về các thánh tích, cần phải được thực hiện cùng lúc với sự quay về đời sống tâm linh bên trong. Hành trình tâm linh đích thực do đó là quay về và sống theo lời Phật dạy (ai thấy Pháp là thấy Phật).
Nhưng tuy vậy, được trở về quê hương Đức Phật để chiêm bái, đảnh lễ những thánh tích mà ta từng biết qua những trang kinh, sử ký là ước mơ của những người con Phật. Hành hương về nơi mảnh đất Đức Phật đã ra đời và lớn lên, rồi xuất gia, thành đạo và thuyết giảng những giáo pháp mang giá trị phổ quát đó quả thực là niềm hạnh phúc lớn lao. Chiêm bái các thánh tích là dịp để ta suy ngẫm nhiều vấn đề trong cuộc sống. Trong lặng im và suy nghiệm, hành hương là dịp để người ta hiểu sâu hơn về cuộc đời và thân phận con người.
Cuộc sống trôi chảy miên man bất tận, đời người quả thật ngắn ngủi trong dòng chảy đó. Ý thức về sự vô thường ngắn ngủi của kiếp người, nỗ lực vượt lên những điều nhỏ nhặt đời thường để tìm tới những gì tốt đẹp hơn là điều Đức Phật đã thiết tha dạy bảo trong bài kinh Đại Bát Niết Bàn. Và biết đâu một ngày nào đó, ta được đi qua những mảnh đất mà Đức Phật đã lưu dấu, và cuối cùng dừng lại ở Câu-thi-na, bất chợt nghe trong tháp thờ Mahaparinirvana vọng ra lời kinh, “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật”.