Phần Thứ Hai

04/10/201012:00 SA(Xem: 21005)
Phần Thứ Hai

SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
Nhẫn Tế Thiền Sư
Tây Tạng Tự 2548 - 2004

2

Ngày 30 Avril 1936 – mùng 10-3-â.l.

Như thường lệ, viết thơ sơ thuật gởi cho anh mười. Samdhen có bảo viết thơ cho Mr. Liu Ming ở Calcutta cho hay chúng ta đã đến ải đồng Phariyong-Tibet, qua ngày sau nếu có ngựa thì đi Bhutan và dặn có gởi thơ thì gởi cho quan trấn ải ngài sẽ trao lại cho huynh. Đề như vầy :

Guru Grawa Samdhen Lama
Karap Dartrung Kushark
Phariyong Tibet.

Viết rồi giao cho Choundouss đem lại nhà Babon (quan) nhưng nhà quan chưa mở cửa, đem về chiều sẽ đem gởi.

Đoạn ăn ngọ với bột nhồi với canh cải xập xại phơi khô. Ăn rồi một chập, bần đạo lên rầm nhà đi tiểu, vì cầu tiêu ở trên rầm, cách họ làm bắt tức cười, lên rầm rồi xuống thang có xây vách đất một chỗ để tiêu và đổ rác, sau bán làm phân. Tiểu rồi, đứng trên rầm xem qua nhà quan Karap, phải cách chụp hình làm kỷ niệm, nghĩ vậy bèn xuống lầu nói với Samdhen, huỷnh cùng hai huynh Issê và Thinhless đồng chụp ảnh, rồi kế bần-đạo cũng y hướng cho huynh Samdhen chụp giùm.
[Hình dán tại đây đã hư.]

Lên rầm đứng một lát vậy mà lạnh run, thiệt xứ ở non Hi-mã, từ Ri-canh-căng đi lần lên cao hoài nên tuyết đóng trắng đảnh, hơi khí thở lần lần nghe mệt quá. Tại Phariyong nầy, xem mấy đảnh núi thấp và bình địa lung, thì như trên núi Điện, leo lần lên tới bình địa xem hữu đảnh thấy đảnh thấp. Vì vậy nên nhà họ cất lúm túm ít cửa. Xứ lạnh, vật chết tuy quăng ném cùng đường, xương, cốt, da, phẩn đầy nẻo, song sự thúi nghe cũng ít hơi như thây vật chết xứ ta.

Đây, bần-đạo tự do đi xem các nơi, chư huynh đi dạo cùng bần đạo lại ưa nói tiếng Hindi và Englis cùng bần-đạo, nhứt là trải qua mấy chỗ đông người như tại chợ vào tiệm, thì huynh Choundouss ưa nói Ăng-lê, vì bần-đạo có dạy huỷnh chút ít tiếng thường dùng. Ấy là ý như khoe người đồng ban, mình đi xứ thuộc địa Ăng-lê biết nói Hindi và Ăng-lê, nói cho họ biết mình nhiều chỗ du lịch. Nghĩ nhớ anh phán có nói : có đọc nhựt trình, trên khoản du lịch Tây-tạng, có một bọn đi lên núi ấy, có nhà nước giúp sức cho tiện sự đi, nhưng đi mà chẳng thấy về… Nay bần-đạo đi đây, găïp khí tuyết lạnh-lùng, hơi thở mệt nhọc thì mới rõ chút ít, định cho bọn ấy, một là bị bịnh ngộp thở và bịnh trẩn máu (gangrène) hoặc bị trợt tuyết sa hào, hoặc bị tuyết rã té xuống triền sâu, lạc đường chết đói, nghĩ vậy bắt thương tâm cho kẻ mạo-hiểm. Nghĩ cho bần-đạo, quả cả năm tại Trung thiên Ấn-độ, ấm lạnh hai mùa đã chịu quen, như tại Sarnath và Bodh-gaya, trọn mùa lạnh ở đó, sự lạnh xấp chín, mười lần trổi hơn xứ mình, lạnh đến đỗi tối ngủ, mền đắp mấy cái cũng không phỉ. Mắc tiểu, thì mình đợi sáng chớ không muốn tốc mền và ra ngoài tiểu, nói vậy thì biết sự lạnh dường bao. Hết mùa lạnh thì đã khởi đi Tây-tạng. Một tuần lễ tại Calcutta, mỗi ngày hai bữa tắm, không giờ nào hở quạt. Nhưng lúc lên tại non Hi-mã thành Ghoom, Darjeeling, chịu sự lạnh còn trối ngất. Đó là Ghoom còn ở dưới thấp, hà huống trải qua các trạm cho tới ải đồng Pharijong nầy, một ngày tấc đường một lên cao, tháng nực ở các xứ mà đây lạnh thấu xương, tuyết còn trắng núi lấp đường, hà huống là tới lập đông. Theo ý bần đạo, bọn mạo hiểm ấy không biết thì giờ, đi nhầm lối tuyết còn cao, gió còn lung. Họ lấy theo ngày giờ nóng nực xứ mình, họ cho là hết lạnh, họ đi lối tuần tháng giêng Annam thì họ lầm lắm. Tháng nầy là Avril mà đường núi bần-đạo đã trải qua nhiều nơi tuyết còn cao trên thước, lại đi cùng chư huynh đệ Tây-tạng, như huynh lama Samdhen nầy, khắp các nơi đều có người quen lớn, hoặc bổn-đạo của huỷnh. Đến đâu cũng có nhà ấm kính mà đụt lạnh, có củi lửa nước nôi ấm áp mà tay chưn bần-đạo còn lạnh như đồng thay, hà huống mạo hiểm như bọn nói trên, không thuộc đường cao nẻo thấp, lánh tuyết ẩn sương, không biết nơi đỗ đụt đợi thời giờ nên đi. Đừng tưởng có mặt trời mà tuyết phải tan, bần đạo vẫn thấy mặt trời chan chan nắng giọi mà tuyết vẫn trơ trơ, chỉ lần hồi bắt ở dưới đất tiêu lần ra nước rỉ rả chút đỉnh vậy thôi, chừng đủ thì giờ trời tối cũng rã tan, chẳng lựa có mặt trời. Như tại Pharijong nầy, cách núi tuyết chừng ngàn thước, thì ngày đêm bần đạo vẫn thấy trắng như vôi, có bữa sớm mơi ra thấy núi xanh um, chừng 10 giờ, 11 giờ thì tuyết xuống đã trắng đảnh, vậy thì biết chưa phải mặt trời làm rã nó. Nước đá đông đặc xem khác hơn tuyết đặc. Sự nầy bần-đạo nghĩ chưa ra, như gần suối nơi triền núi, sao nước suối không đông, mà trên mé suối tuyết đóng trắng bờ. Nước suối lạnh thì có mà không đặc. Lạnh đến đỗi hốp vào thì phun ra liền mà răng ê lưỡi quánh lận, thiệt quá đỗi lạnh. Nghĩ vậy bần đạo cho rằng : nếu bần đạo đi một mình, không có bọn Lama nầy, thì bần-đạo cũng phải chết lạnh hay chết vì tuyết chôn thân.

Buổi chiều độ 3 giờ, có một người Tây-tạng lại thăm Samdhen, chuyện vãn nghe cách rành rẽ, giọng nói hưỡn-đãi, cứ một chập liếc ngó bần-đạo, rốt lại người hỏi thăm Samdhen, huỷnh bèn thuật chuyện Bần-đạo là thầy tu hội viên của hội Đại-bồ-đề ở Calcutta, Bodh-gaya và Sarnath. Trải qua trên ít tháng tại Phật-đà-gia ở hết lòng cùng chư lama và các người Tây-tạng đến đó cúng dường, có nói Baha lama Dromo thương bần-đạo lắm, thuật việc cúng dường chủ tự Lama. Nghe qua người động lòng thương, bèn bảo khuyên Samdhen phải tận tâm điều-độ bần-đạo và khi đến Lhassa(1) dắt chỉ cho bần-đạo biết chư danh-thắng-tự và thắng cảnh. Đoạn người bèn nói tiếng Hindou với bần-đạo, bảo thầy phải ăn nhiều bữa như chư lama mới chịu nổi khí hậu xứ Tây-tạng, nếu thầy giữ ăn một ngày một bữa ngọ, thì yếu sức chịu lạnh lùng và khí hậu xứ chúng tôi không nổi. Tôi nghe đức lama đây nói, mấy ngày rày xem thầy có hơi mệt thở, thì tôi biết khí hậu đây, người yếu rất khó chịu. Thầy rán ăn cho nhiều cơm và bột sadou, tùy phong tục. Nói rồi người xá hai huynh đệ tôi mà đi về. Đoạn Samdhen nói ông đó bảo tôi khi đến Lhassa phải chỉ các thắng cảnh cho thầy và bảo tôi ăn cho lung cơm, vì đường đi Tây-tạng cực khổ lắm, gập ghềnh đèo ải, trải tuyết dầm sương, nếu ăn ít thì không đủ sức đi cho đến nơi. Kế chừng 1 giờ thì người trở lại nữa, bưng một nắp quả đường bột sadou đến nói tôi xin cúng dường hai thầy và bật tiếng Hindi với tôi nữa, coi mòi ưa nói chuyện, vui cười, khuyên lơn nhiều chuyện ích lợi cho bần-đạo, đoạn chuyện vãn với Choundouss một chập rồi xá kiếu về. Ấy là một người Tây-tạng thứ nhứt, lần đầu mà bần đạo đặng thấy xá bần đạo một cách cung kính. Sau đây Samdhen mới nói : người ấy là cha của hai cô vãi nhỏ tại chùa Galinhkha, và bần đạo có hỏi tên người ấy cùng huynh Isess, thì huỷnh cũng không biết, đoạn bà chủ nhà nói tên là Gounduss-Targhess. Phật tổ cũng khiến cho gặp người lành và đối đãi tử-tế, tuy vẫn là khách ngoại bang.

Chiều huynh Choundouss nói, mướn đặng hai con ngựa chở hành lý đi Bhutan, nhưng không có ngựa cỡi, anh em tôi đi kiếm mướn cùng làng mà không có. Samdhen nói : Thầy đau cẳng, sợ e đi bộ xa đường khó nổi, thiệt tôi không an tâm. Tôi nói : Không sao, bất quá đường đi như đường đi Népal. Bần đạo còn đi thấu sáu ngày đường núi Hi-mã miền Népal. Thì đây cũng trong dãy núi Hi-mã, không sao, có ngựa cũng tốt, không ngựa cũng tốt. Bàn luận xong việc ngày mai lên đường, cùng nhau các huỷnh ăn nước canh cải, mời tôi đôi ba phen, thôi cũng hoan-hỉ ăn một chén cho hạp lòng chúng. Đoạn huynh Choundouss nói với Samdhen rằng : Mai lên đường, vậy thầy xuất cho huynh đệ chúng tôi và hai ông bà chủ nhà uống một bữa nước cơm rượu xăng. Bần đạo nghe nói bèn nói : thôi để tôi hiến cho huynh đệ một đồng bạc Tây-tạng, mặc tình huynh đệ ẩm thực tùy hỉ ý muốn. Đoạn huynh Choundouss tiếp lấy đồng bạc, mượn ông chủ nhà đi mua nước cơm rượu ấy là tục của họ vậy. Cùng nhau xúm-xích họ nhậu. Thinhless hát thanh thao vui cười, hai huynh đệ : tôi Samdhen nhậu trà tới 10 giờ rưỡi rã tiệc của họ, hai huynh-đệ tôi nghỉ.

Ngày 1er Mai 1936 – 11-3-â.l.

Bữa nay thức dậy, lo thu xếp đồ hành lý ngủ, rồi dùng trà điểm tâm, đoạn 9 giờ ăn bột sadou với canh cải. Chín giờ rưỡi lên đường, tạm biệt chủ gia Pharijong (vì còn trở lại) đi Bhutan (Bửu-tàn). Huynh Issê và Choundouss ở lại đợi Mã-tử đem ngựa lại chở hành lý. Bốn huynh đệ đi trước, lần hồi lên dốc qua đảnh, trời đã lạnh lại thêm gió thổi, đã lên dốc còn bị gió ngược, tạt vào mặt, thở không kịp, phần hai lỗ tai bị gió lòn vào lạnh nhức thấu óc. Bần đạo mệt run cả hình, thở hào hển muốn hụt hơi, song cứ niệm Phật mà đi. Lên tới nửa dốc bèn cùng huynh đệ tạm thạch bàn nghỉ. Thấy huynh Thinhless guồi nơi lưng cốt đá Phật tổ, nặng 70, 80 kilos, lên dốc huỷnh thở ra khói. Nghĩ sự cũng thân con người mà huỷnh phải thân anh phụ trọng cực nhọc hơn các huynh đệ, nghĩ vậy bần đạo bắt cảm nghiệp của huỷnh. Đi đường hằng van vái chư Hộ-pháp, Long-thiên và chư sơn thần, thổ thần, chư quỉ thần đặng xin ủng hộ huỷnh, thân đai Phật cốt nặng nề, bần đạo xin niệm vãng sanh giúp chư thần đoạn nghiệp chướng và vãng sanh Tịnh-độ mà đền ơn ủng hộ huynh Thinhless, và hằng chú nguyện cho huỷnh kiếp nầy trả hết nghiệp báo tiền khiên, kiếp sau sanh vào phước-đức tộc gia, hưởng phước và thọ tam-qui ngũ giới làm thiện tác phước nhiên hậu thành Phật đạo. Trong lúc tạm nghỉ nơi thạch bàn tư duy và lòng chúc nguyện xong, bỗng trực nhớ tới sự lạnh lọt vào hai tai, bèn lấy mão lama xuống xủ hai cánh đậy trùm lỗ tai, và lấy khăn mouchoir bịt ngang lỗ mũi, đoạn huynh Samdhen chỗi gót thì ba huynh đệ cũng đồng đi. Họ sanh trưởng đất núi non, nên đi giỏi quá. Bần đạo lục thục đi sau với huynh Thinhless. Nhưng, tuy huỷnh vai guồi thùng nặng, nhưng hình vóc cao lớn bằng hai bần đạo, nên bước của huỷnh bằng rưỡi bần-đạo, huỷnh đi cũng mau hơn tôi. Nhờ đậy tai, bịt mũi đỡ gió, nên ít mệt như khi nãy, cứ xủ hai tay áo tràng, đi bớt lạnh. Đoạn qua đảnh, mừng xuống triền đỡ mệt, và đi và nghĩ cho cái xác tứ đại nầy, biết bao nặng nề, mang nó như mang gông nặng, đi mới một đôi giờ mà nó đã đuối và muốn nuỗng hơi. Bần đạo tư duy thế sự bèn nói với xác tục rằng : Còn sống một giờ, bần đạo cũng nguyện mượn thân tứ đại hành Phật sự, thế thế hằng nguyện y như thử. Còn nay, như ngươi có hết nghiệp thì cứ việc ngã-tử trên núi Hi-mã-lạp nầy đặng ta tác dụng cái khác mà hành Phật-sự. Và đi và thầm nói trong trí như vậy và so sánh với huynh Thinhless, thì lần hồi thân tứ đại bớt mệt, song lúc xuống nửa dốc núi lại gặp mưa tuyết, hột nhỏ như hột tiêu, áo mão ai nấy trắng phêu, ngó hai bên đường trắng dã. Huynh Isess trao cây dù của bần-đạo mà huỷnh đã cầm giùm lúc lên dốc, bần đạo mắc chống gậy, nhưng mưa tuyết có ướt-át gì, thôi để cho huỷnh che cho mát lòng đã cầm giùm cả vài giờ. Bần đạo chịu gió mưa tuyết ấy ước trên một giờ, đoạn huynh Samdhen bảo tạm nghỉ dùng trà, nhưng bần đạo sợ mệt mà dùng nước nó lỏng bỏng đi không đặng, bèn từ chối đi luôn, và lấy cây dù che đi, hai huỷnh và uống và đợi Thinhless, lúc nầy huỷnh đã đi chậm lại rồi. Nhờ cây dù che gió, bớt lạnh, bần đạo đi lần hồi, kế hai huynh theo kịp. Lúc nầy bớt mệt lại bớt lạnh đi kịp hai huỷnh, ráng đi, hai chưn mang giày đã ê chưn rồi, mấy đầu ngón cẳng đau quá, họ quen mang từ nhỏ tới lớn, mình bỏ giày đã bảy, tám năm, nay mang lại đi phải cáng-náng. Xứ nầy không mang giày thì cẳng chịu lạnh không nổi. Phút đã tới trạm Yasa, vào nhà quen của một ông Tây-tạng cư sĩ mà tạm nghỉ. Nhà chật hẹp, song cũng xen nhau tạm ngồi. Cô con gái của ông lật đật trải đệm để ghế nhỏ làm tợ cho Samdhen và bần đạo ngồi, đem trà rót cho hai huynh-đệ tôi dùng, kế huynh Isess nấu trà cũng chín rồi, đổ vào ống thục (vì huỷnh bươn bả đi trước đặng nấu trà). Hai huynh đệ dùng ước ba, bốn chén trà, thì huynh Thinhless đã tới, chó sủa hồ hào thì biết huỷnh đã tới, liền mang thùng thẳng vào nhà, an trí gần cửa trên sàng để củi, rồi vào chỗ huynh đệ đang ngồi, liền ngồi thở hào hển, huynh Samdhen bảo nhậu trà. Đoạn huynh Isess lo nấu canh cải đặng huynh đệ dùng bột. Chờ hai huynh Choundouss và Issê tới 5 giờ mà chưa thấy tới, anh em kẻ đi dạo đầu nầy, người đi nẻo nọ, chờ đợi hai huynh. Bần đạo 6 giờ mới nghe chuông ngựa, hai huynh bước vào thì Isess và Thinhless bước ra lấy đồ hành lý, mới có bột sadou, chớ nãy giờ con gái của ông chủ gia dưng một quảo nổ, mấy huynh đệ dùng đỡ đói. Đoạn hai huynh thuật sự mã tử nầy không tốt, 2 giờ mới đi là huynh đệ tôi cự với y lắm, chớ y nói để mơi mai sẽ đi, lại không chịu chở valise nói nặng, nên huynh đệ tôi phải mang.

Đoạn mã tử bước vào nói chi không biết mà chỉ Choundouss, song bần đạo biết ý, đó là nói huynh Choundouss cự với y. Đoạn cãi nhau một hồi. Huynh Samdhen phủ ủy bảo uống trà, thì hai bên đã êm và đưa tiền cho mã-tử, mã-tử uống trà rồi ra nhà trạm nấu ăn và nghỉ. Xóm nầy chỉ có ba cái nhà mà thôi, có một cái nhà để cho ngựa và mã tử ở, còn hai cái nhà, tùy ý ai tạm nơi nào cũng đặng, miễn biết xử điệu (trả tiền) thì tốt. Ấy là tiền củi lửa, dầu đèn và chủ nhà nấu ăn uống giùm cho cả. Huynh Samdhen hối mở rương lấy lễ vật. Một cái hình chùa tháp Phật-đà-gia, một tấm vải in cẳng Phật và một tấm tượng Phật tổ kiểu Burma, một cục xà-bong và một cục trà, một cái hộp quẹt, dưng cho chủ nhà, tiếp lễ và coi bộ mừng lắm, vì mấy thuở, xứ nầy mà có tượng Phật và mấy món dấu tích kia. Bèn đem bột sadou đáp lễ. Huynh đệ ăn uống rồi đồng lo ngủ.

Ngày 2 Mai 1936 – 12-3-â.l.

Ở chỗ nầy cũng lạnh, nhưng lạnh ít hơn ở Phari-jong, nên huynh Samdhen 5 giờ rưỡi còn trùm. Sáu giờ thu xếp hành lý, trà đã chín, nhồi bột ăn rồi 8 giờ rưỡi lên đường. Tạm biệt ông chủ và mấy cô em, đường xấu quá, hào hố, đá cục chinh-chồng, mang giày mà đi cấn một hai cục đá thốn thấu trong bàn chưn. Và đi và niệm Phật và niệm thần chú nguyện cho loài vi tế côn trùng tại túc hạ tán kỳ hình. Nhờ niệm vậy có lúc quên mệt, phút đã tới trạm Sinhgara, chỉ có một cái nhà trạm mà thôi. Huynh đệ đồng vào uống trà, mở hành lý cho ngựa nghỉ, trà còn trong chai thermo, uống mỗi người vài chén. Đợi huynh Isess nấu trà rồi sẽ uống tiếp. Trong khoảng đợi ấy, huynh đệ họ cùng một người hành khách cùng nhau đánh bài cào. Đoạn huynh Isess kêu vào uống trà và ăn sadou. Bần đạo xin kiếu vì sớm mơi ăn còn no, khi các huỷnh no nê rồi thì 12 giờ rưỡi lên đường. Bần đạo đi dở nên thường hay đi trước, đã cởi giày lột vớ bỏ vào túi dết đặng đi cẳng không, bớt đau và thong thả cẳng, đi chừng ngàn thước thì huynh Choundouss và Issê theo đã kịp và nói : thầy thủng thẳng đi, hai anh em tôi đi trước đặng trình thông hành (xin tại Pharijong : 8 người 2R.4A.) thì mới qua ải đặng. Nói rồi hai người đi liền, bần đạo ừ ừ, nhưng nhị cẳng cũng bươn bả theo họ, phải mang giày thì đi không kịp họ, đi tới khúc đường quẹo kia, hai người bèn dừng chơn nói : Quan ải trước kia, nghỉ đây, tôi đi trước rồi sau hai người sẽ đi. Issê bèn mở valise ra, lấy lễ vật sửa soạn đàng hoàng, huynh bèn ôm lễ vật ấy đi một mình thẳng đến Trấn ải quan, bảo bần đạo ngồi nghỉ, chờ trình thông hành rồi đi mới đặng. Đoạn Issê lúc khóa valise rồi, bèn bảo bần-đạo đi, thì tôi nói : Choundouss bảo ngồi đây chờ huỷnh trình rồi lại kêu đi, bây giờ huynh bảo đi, thôi đi thì đi. Lúc ấy vừa mở túi dết lấy tập sổ nhựt ký và viết ra, vừa mang kiến, ý nói ngồi đợi thì viết sự đã qua kẻo quên, huỷnh bảo đi thì có ý không vui, vì chưa kịp viết chi hết. Thôi, nhẫn tâm, kẻ bảo vậy, người bảo khác, bỏ đồ vào dết thì huỷnh đã đi trước rồi, đoạn vừa bước xuống thạch bàn thì huynh Samdhen và Thinhless với Issê đã tới. Bần đạo thuật việc Choun-douss đã đi trình passeport cho Babon, thì Samdhen bảo đi. Đi tới Quan ải địa đầu nửa Bhutan, thì bần đạo thấy bên kia suối có một cái nhà, cất theo kiểu lầu đài Tây-tạng mà bần đạo đã ngó thấy, nhưng kiểu cửa có khác. Ngang qua suối, bắt một cái cầu, trên lợp ván, hai đầu cầu có cửa cách chắc chắn. Khi qua cầu thì huynh Samdhen kêu Issê hỏi chi nhỏ nhỏ không biết, đoạn đi thẳng lại nhà hờ, lót sạp ván, huynh đệ đồng ngồi nghỉ. Bỗng Choundouss trong nhà Trấn ải quan bước ra đi thẳng lại Samdhen nói lia, đoạn thấy Sam-dhen lấy bóp tiền ra lấy tiền đưa cho Choundouss. Lúc ấy Choundouss bèn nói với bần-đạo rằng : Quan Babon đòi thêm tiền thuế hai tên mã-tử 8 annas, xấu quá. Bần đạo nói không bao nhiêu, đóng cho rồi. Đoạn huỷnh đi, mấy huynh-đệ rót trà trong chai thermo uống rồi thả đi lần, chỉ huynh Thinhless ở sau đợi mã-tử. Lúc ấy lấy réveil(1) ra xem đã 2 giờ. Huynh Samdhen đi với các huỷnh trước, bần đạo bết chưn, lục thục theo sau, đi tới một xóm nhà kia trên nổng, đường đi ở dưới thấp, có một cái nhà cầu cất đầu lộ tại nẻo bước lên xóm củi.

Huynh Samdhen và Choundouss ngồi nghỉ. Bần đạo cũng nghỉ, cẳng đã bết bát rồi, ước nghỉ tại xóm nầy là vừa, nhưng huynh Samdhen nói, đây không có nhà quen, lần tới trước có nhà quen. Đoạn đi, thì huynh Issê sụt sau với bần-đạo, ba huynh kia đi trước. Thiệt bết bát, bước muốn hết nổi, song biết sao, phải ráng hết gân cốt mà đi, đi tới khúc đường kia thấy Samdhen và hai huynh ngồi chờ, hai huynh đệ tôi đi tới thì Samdhen bảo ngồi nghỉ, chập lại đi trẽ vào đường hẻm bên tả vào làng Chakha có trạm bèn vào một cái nhà của người quen, đến cửa ngõ, huynh Samdhen và Choundouss còn đứng ngoài cửa chờ người mở, trên lầu chó sủa vang rân. Bần đạo thấy nhà ấy lòng mừng đặng nghỉ mệt, đoạn thấy hai huynh bước vào cửa thì bần đạo cũng đã tới cửa, bước vào thì thấy người chủ nhà mở cửa rồi đứng nép một bên, chào hai huỷnh, đoạn hai huỷnh trèo lên thang, thang ấy bằng một cái cây y mổ như máng heo ăn vậy , bần đạo cũng lên thang vào căn phòng, có một chú nhỏ lật đật quét. Bần đạo mỏi quá, đợi quét rồi bèn ngồi bẹp xuống rầm không đợi trải chi hết, đoạn huynh Samdhen lấy réveil ra xem đã 4 giờ 50, vừa móc khám và dù xong, thì mã-tử đã đến, mấy huynh kia xuống lầu, đem hành lý lên và sắp đặt nơi phòng. Phòng lớn rộng rãi, kế phòng có nhà bếp cũng rộng rãi. Mở rương, valise, lấy lễ vật ra dưng cho chủ gia, thì coi bộ anh chủ nhà mừng rỡ, ngồi chuyện vãn một chập bèn kiếu bước ra thẳng vào phòng bên kia, bưng trà và hột nổ với cốm dẹp lại dưng cho hai huynh đệ tôi. Đoạn bưng lại một nồi xăng đãi mấy huynh kia. Chính giữa cái nồi, có nhận một cái giỏ đương bằng hàng đen, chung quanh giỏ ấy là nếp xăng hèm. Đổ nước nóng chung quanh hèm ấy, nước hèm chảy lượt vào giỏ đoạn có gáo cây múc đổ vào chén uống. Uống hết nước nhứt, tới nước nhì, lấy giỏ ra, lấy nước nóng đổ vào nồi, có cây quậy lộn hèm, rồi qua nước ba, thì lấy giỏ lên, lấy cây có tiện đầu tròn như trái chùy tán nghiền hèm rồi đổ nước nóng vào quậy đều, đặt giỏ lượt vào múc uống, vậy mà cũng say vùi. Đoạn chờ huynh Thinhless. Tới 6 giờ tối huynh mới tới, coi bộ mệt ngất, bần đạo khi ấy xuống lầu đi ngoài, thấy huynh đã tới, chạy lại hỏi sao lâu trễ, huỷnh vừa thở vừa chỉ đầu nói nhức, chỉ ngực nói tức, chống cây đỡ thùng đứng nghỉ, bần-đạo rất thương và cũng than đường xa mang nặng. Kế hai huynh đệ đồng đi vào nhà, để thùng lên lầu, thì huỷnh xề ngồi nơi rầm, ngã dựa vào đống hành lý gần bên mà thở dốc ôm đầu. Samdhen hối Isess rót trà cho huỷnh uống. Đoạn bần đạo móc tiền bảo Choundouss mua xăng cho huỷnh uống đặng giải lao, huỷnh từ chối, song bần đạo nói : có xăng uống cho máu chạy bớt nhức đầu và tức ngực “Phai unhlờ sitro Katêkha poudou, xăng xú giác poudou.” Huynh Choundouss tiếp lấy tiền, nhưng nói, huỷnh không biết nói sao mà mua xăng. Thinhless giỏi tiếng Bhutan, để huỷnh khỏe rồi lại phòng chủ nhà nói mua. Đoạn trao tiền cho huỷnh, huỷnh bước ra, qua phòng trăm lia với chủ nhà, đoạn một chập trở lại ngồi như cũ. Bần đạo hỏi : “Xăng minh con ?” thì huỷnh nói một lát sẽ đem lại, coi bộ huỷnh cũng còn mệt lắm, kế xăng bưng lại một nồi như khi trước. Huỷnh đưa tiền cho Choundouss, rồi trả lại cho bần-đạo nói : Chủ nhà không chịu lấy tiền. Đoạn Choundouss uống với Thinhless. Thì Sam-dhen rằng : có xăng coi Thinhless hết mệt mỏi, ấy là lời nói giỡn. Uống xăng ăn bột tới 9 giờ rưỡi ngủ. Bần đạo cũng mỏi mê ngủ vùi tới 1 giờ thức đi tiểu và o bế bóp cẳng. Tại xóm trọ Chakha nầy ít lạnh vì ở dưới triền thấp.

Ngày 3 Mai 1936 – 13-3-â.l.

Sáng, lúc 3 giờ thì Samdhen đã thức, kêu Isess thức nấu trà, nhưng huỷnh còn mê ngủ, đoạn một chập lâu Samdhen bèn kêu nữa, nói đã 4 giờ rồi, thức nấu trà. Bận nầy Isess thức lo đi rửa mặt rồi nấu trà. Bần đạo cũng chỗi dậy, thu xếp đồ ngủ rồi cũng đi rửa mặt. Isess kêu mã-tử. Ai nấy đều xúm lại uống trà ăn sadou rồi 6 giờ tạm biệt chủ gia Chakha lên đường. Bần đạo đã xuống lầu đi theo Choundouss và Isess, ra tới đường thì Choundouss bảo, thầy thủng thỉnh đi sau, cứ một đường đi tới. Hai anh em tôi đi trước đặng sắm sửa chỗ trú ngụ. Nói rồi hai huỷnh đi như dông. Bần-đạo thỉnh thoảng đi, vì hôm qua đã bết rồi, nhờ đêm nay bóp cẳng nên mang giày đi cũng khỏe. Kế huynh Samdhen đã đi tới gặp bần đạo, đến một khúc đường kia không có xóm nhà ở gần, huỷnh nói : tạm nghỉ đây dùng trà. Tôi nghe nói dòm lại chỗ huỷnh ngồi không thấy khay trà, sao huỷnh nói dùng trà. Huỷnh cởi bớt y phục (vì đã nực rồi) để nơi thạch bàn gần lộ rồi đi tiểu, trở lại ngồi nghỉ, thì huynh Isess và hai mã-tử với hai ngựa đã tới, nói đi tới trước kia có nước, nghỉ nấu trà mới đặng. Xách đồ đi chừng 50 thước, bèn thấy có chỗ cũ của hành khách lấy đá làm táo nấu ăn. Thì Samdhen bèn bảo Isess mở gói lấy khảm cụ trải bên lộ ngồi. Mã-tử mở hành lý thả ngựa cho ăn. Hai mã-tử quơ củi, Isess lại khe múc nước. Kế Thinhless tới, để thùng xuống nghỉ, rồi huỷnh cùng tôi đi lại khe nước. Tôi lau mình vì chốn nầy không lạnh, tiện dịp lau mình, giặt vớ và khăn. Rồi việc lên phơi đồ và đồng ngồi uống trà ăn bột sadou (ăn với đường). Qua 10 giờ rưỡi lên đường, lúc nầy bần đạo đã cởi giày đi cẳng không, thật khỏe cẳng, và cặp vớ chưa mấy khô, lấy kim (surêté) ghim trên nóc dù và che và phơi vớ vì trời nắng chan chan. Đi tới 1 giờ chiều, cũng tạm nghỉ bên đường như trước, nhưng không có uống trà, chỉ lo lại mương kế đó rửa mặt. Bần đạo thấy nước nhiều chảy mạnh, tiện việc gội cái đầu, đoạn lên ngồi nghỉ, kế huynh Thinhless đã tới cũng ngồi nghỉ, huynh Samdhen chỉ cái nhà lầu vách sơn vôi trước kia đã thấy và nói : Đó là nhà Quốc-tự và nhà công sở Trấn quan Bahalama xứ Bhutan, còn chừng ba cây số ngàn nữa thì tới. Đoạn 2 giờ đi, trước mắt thấy nhà cửa lầu đài, nhưng đi bết cẳng mà không thấy tới, lần lượt đi riết xế qua đã tới thành Patrô, quan ải nước Bhutan (là Kinh-đô cách đây 10 cây số) thì đã có Issê chực sẵn đón, rồi cùng nhau hiệp hành đi vào cửa kinh-đô là một cái cầu bắt ngang qua suối sâu như cầu quan ải Xana-Chamba nhưng tốt hơn, trên nóc nhà cầu sơn vẽ có viết chữ bùa “Âm-ma-ni-bát-mê-hồng” trên đó, đoạn qua cầu ấy rồi lên dốc, đường cẩn đá núi láng, đã mệt mà gặp cái dốc nầy thêm duyên mệt uối, nghỉ hai lần vậy mới tới nhà thiền của Baha-lama, thì có huynh Choundouss, đứng chực đón, lúc ấy đã 3 giờ rưỡi chiều, gặp nhau họ trăm lia rồi dẫn lại cái nhà lầu gần nhà Baha, đem đồ hành lý lên và tạm nghỉ ngoài hàng ba các từng lầu thứ nhì đã sắp đặt đàng hoàng, bèn khui thùng đem ba tượng Phật nhỏ ra và lấy đủ lễ vật : trà, đường, savon, nước sông Gange, tượng lớn Bodh-gaya và tượng Phật tổ kiểu Burma và anh lạc, rồi mấy huỷnh đồng bưng lại Baha-lama, xa nhà ngụ ít chục thước. Bần đạocoi chừng đồ đạc và huynh Isess lo nấu trà. Bốn huynh lại Baha dưng lễ ra mắt rồi một chập lâu huynh Thinhless về guồi thùng Phật cốt lớn đem lại Radja. Bần đạo rảo mắt xem qua khóm Kinh-đô Bhutan, thua Népal lung lắm, nghĩ cho là một cõi Viên-ngoại dân giã mà chưa tấn hóa. Đoạn mấy huỷnh rồi việc ra mắt Bahalama, bèn trở về chỗ ngụ, bưng lễ vật đi ra mắt Đại vương và các danh tự tại kinh đô, tới tối 8 giờ mới dùng sadou. Bần đạo mỏi mệt lắm, cả ngày đi đường không cơm, nên cũng dùng bột với muối, rồi 9 giờ ngủ.

Ngày 4 Mai 1936 – 14-3-â.l.

Sớm thức dậy, Samdhen và Choundouss dẫn nhau đi đem lễ vật lại Baha nữa, và trở về bưng lễ vật đi viếng các chỗ nữa. Bần-đạo và Thinhless ở nhà coi đồ, còn Isess thì lấy đồ lama mặc đi dạo phố. Mười một giờ rưỡi, họ về. Đoạn có người lại mời Samdhen lại nhà Radja hầu chuyện, tục của họ, đi đâu phải đem chén riêng của họ theo đặng dùng trà. Samdhen có nói với bần-đạo, ngày mai sẽ đem bần-đạo đi ra mắt Baha. Các huỷnh đi, kẻ đi đầu nầy, người đi đầu kia. Bần đạo ở nhà viết nhựt ký, rồi lấy máy chụp hình bỏ vào áo xuống lầu đặng lén chụp hình nhà Baha và đền đức Đại-vương với nhà trên đảnh. Đoạn trở về chỗ ngụ rủ Isess đi dạo phố phường. Huỷnh bảo Thinhless coi đồ, hai huynh đệ xuống lầu đi, xuống tới đầu dốc đường qua nhà cầu chùa Kinh-đô phút gặp huynh Issê đi về, có người bưng nổ và các vật thực đi với huỷnh. Huỷnh bảo Isess trở về sắp đặt thâu đồ nấu ăn, nên huỷnh phải trở lại. Thì Issê nói : Lama và Choundouss đã về tới cầu kia, thầy đi thẳng lại đó sẽ gặp, bần đạo đi thẳng xuống dốc thì thấy hai thầy trò về. Samdhen hỏi : Thầy đi đâu ? – Tôi muốn đi dạo xem phố phường. Huỷnh bèn bảo Choundouss dẫn đi. Tới chỗ họ bày hàng bán theo lề đường, chớ không có chợ thì Choun-douss dừng bước, bần đạo cũng y theo huỷnh, đặng xem dãy bán đồ, thì phần nhiều là vật ăn, lê lần bước tới người thứ tư thì Choundouss có quen nên ngồi xuống, thì tên bán đồ kêu cô bán xăng lại mua đãi Choundouss. Bần đạo dòm thấy một cái đãy(1) kiểu Bhutan, bèn hỏi mua, Choundouss hỏi giá cả thì tên bán đòi 1 rupee anglais, tôi nói mắc, bèn trả tới 12 annas, chịu bán, bèn lấy tiền trả và mua thêm sợi dây cột giày Bhutan giá 10 annas Tây-tạng. Đoạn xem một hơi nữa thì không vật chi đáng mua làm kỷ-niệm. Huynh Choundouss uống thêm một ống tre xăng nữa rồi đi chỗ khác. Lên dốc chùa gặp một người ngồi bán sau chùa, thấy cái ống khóa Bhutan, muốn mua, hỏi giá đòi 1R.8A. anglais, mắc quá, thôi đi. Choundouss bèn dẫn đến xem chỗ nữ-công, vào đó thấy bốn cô dệt vải, hàng, gấm, thiệt bỏ màu tốt đẹp, nhưng tơ chỉ thô lắm, song cũng đáng khen, vì xứ ta nữ-công thua xứ người, chỉ xuất tiền mua mà thôi, đoạn về, thì huynh Samdhen bảo ngồi nhậu trà ăn nổ. Kế huỷnh bảo thôi sẵn dịp Choundouss đi lại Bahalama thầy hãy đi với huỷnh lại ra mắt Baha cho rồi, vì tôi có nói trước với ngài rồi, chớ mai sẽ nhiều người lắm. Theo chơn Choundouss lại nhà thiền Baha, vào đó thì huynh Choundouss đảnh lễ, bần đạo bước tới trước Đại-đức cũng đảnh lễ và bước lại cúi đầu trước pháp tòa của ngài, ngài bèn cúi đầu đụng đầu bần-đạo mà đáp lễ. Đoạn thối lui đứng một bên Choundouss, thì Đại-đức hỏi, Choundouss thuật việc bần-đạo là hội-viên của hội Đại-bồ-đề ở Bodh Gaya theo Samdhen đi Tây-tạng, thì Đại-đức nhìn bần-đạo và chắc lưỡi có ý thương và khen ngợi (ấy là tục của họ, chắc hít là tỏ ý chịu và thương). Đoạn Choundouss chỉ qua phía tay trái, bần đạo dòm theo, bèn thấy chỗ thờ Phật thì thẳng lại lễ bái, đoạn Baha bảo trị-sự rót nước sửa soạn nơi bàn cúng dường Phật, thì Choundouss biết nên bảo bần-đạo lễ bái nơi ấy nữa, rồi cũng thối-bước đứng bên Choundouss dòm xem Baha, thì tác còn nhỏ, lối 40 ngoài, tôi vẫn nhớ mặt ngài có đến Phật-đà-gia. Đoạn ngài bưng bát cơm trước tợ ngài, kêu Choundouss bảo dùng, Choundouss bước tới bợ tay vào khều chút ít vào tay rồi thối lui bỏ vào miệng, rồi bảo bần-đạo bước tới thọ thực, thì bần-đạo cũng làm y theo huỷnh. Rồi hai huynh đệ xá kiếu đi về, ra tới căn phòng trống thấy một vị lama đương ngồi vẽ, trước mặt có căng bố trắng, trên bố có vẽ họa đồ (plan) chùa tháp Phật-đà-gia. Coi cách vẽ là kiểu âu-châu, ngay thẳng bằng nét, khen thầm. Đạo huỷnh đi lại phòng kế đó, bước vào thấy hai vị lama ngồi may đồ y phục, kế đó có cái đơn một vị lama (chắc là thơ ký) nên thấy ngồi viết kinh. Trước đơn tợ có khám(1) thờ đức Chuẩn-đề. Xem rồi bèn xá kiếu về… Samdhen hỏi đã ra mắt Baha rồi hé. – Rồi. – Thôi uống trà và dùng bột sadou. Vưng theo ý người, ăn rồi nằm nghỉ 15 phút, kế chỗi dậy bóp cẳng, còn nhức mỏi quá. Đoạn 4 giờ trời mưa rỉ rả, hơi lạnh đã thấm, mình mẩy rởn óc cả. Tối lại 8 giờ huynh-đệ họ ăn cơm, bảo bần đạo dùng, bần đạo từ hẳn. Đoạn họ đánh phé ăn đột bàn tay tới 10 giờ rưỡi ngủ. Đêm nay bần-đạo ngủ vùi vì sự mỏi mê ba ngày đường.

Ngày 5 Mai 1936 – 15-3n-â.l.

Sáng 5 giờ thức dậy nghe cả xác tục nhức nhối. Samdhen bèn lấy một hộp thuốc của Baha-Ghoom cho, đưa cho bần-đạo bảo nhai uống hết đau đớn. Song hột thuốc cứng quá, bần đạo lén bỏ vào đãy chớ không uống.

8 giờ rưỡi, dùng nổ lót lòng. Chín giờ rưỡi Sam-dhen sắm lễ đi viếng danh tộc, trước khi đi có hai người khách đem dưng cho Samdhen một xấp đũi(2) đỏ, đeo Choundouss một xấp đũi trắng, ấy là sự đáp lễ nhau, mời ăn nổ dùng trà, đoạn hai người xin thỉnh hai cốt Phật nhỏ về cúng dường bữa rằm rồi đem trả lại, tục của họ vậy. Đoạn Samdhen cùng Choundouss với Issê khuân lễ vật đi viếng danh tộc. Bần đạo ở nhà, muốn viết thơ gởi về đạo-tràng cho hay rằng đã đến nước Bhutan, nhưng hỏi thăm thì không có nhà thơ, không có cò riêng. Các thơ từ xứ nầy muốn gởi ra ngoại quốc đều đi qua Pharijong, dùng cò Inde-Anglaise mà gởi. Nghe vậy nên không muốn gởi, tưởng có cò riêng nước họ thì gởi, bằng cũng dùng cò India thì có quí gì. Qua 11 giờ bần-đạo ăn ngọ một mình, vì mấy huỷnh chưa về, ăn gần tàn bữa, thì mấy huỷnh về, ăn cơm rồi. Samdhen thấy bần đạo có hơi bần thần, bèn rủ đi dạo, bảo đem máy chụp ảnh theo, đặng lén chụp Pháp đường (là nơi Bahalama mỗi tháng 1er và 15 thuyết pháp, cả nam nữ xuất gia và cư-sĩ đều đến nghe). Đoạn đến nơi, ở xa xa lén chụp rồi trở lại gần tới cầu-chùa, thì Samdhen bảo Choundouss và bần đạo đứng gần ngũ-tháp trước cửa cầu, huỷnh chụp ảnh xong, bước lại chỗ bán đồ đương(1) bằng tre của Bhutan nội hóa, xem và hỏi mua một cái mủng có nắp (của chư tu hành ăn cơm) đòi 1 rupee Ăng-lê. Samdhen nói mắc quá, để mủng xuống chỗ cũ và rủ nhau lại ngồi nơi Ngũ-tháp hứng gió mát. Chập lâu về đến chỗ ngụ, thì bần-đạo nghe mỏi mê và lạnh quá, bị mửa, mở đồ ngủ lấy mền trùm, nằm mê mệt tới 1 giờ khuya mới thức.
[Hình dán tại đây đã hư.]

Ngày 6 Mai 1936 – 16-3n-â.l.

Cả đêm hôm qua vùi vẫn không hay biết chi cả, có lúc mở mắt thấy mấy huỷnh chơi bài ăn đột cười giỡn với nhau. Đoạn khuya 1 giờ sáng thức giấc, nghe bớt mỏi mê, nhưng sôi ruột, đoạn nghe huynh Samdhen kêu hỏi : Thầy bớt không ? ¬– Bớt. – Quá 3 giờ đi đại thì tả rất nhiều. Kế sáng 6 giờ còn đi tả một lần nữa. Huynh Samdhen bảo nấu trà sữa cho bần-đạo dùng, sẵn huỷnh có mua tại Calcutta một hộp sữa đặc Ăng-lê. Choundouss khui rồi rót ra cho Isess nấu trà cả huynh-đệ đều dùng với nếp dẹp, rồi Samdhen bảo Isess nhồi sadou cho bần đạo dùng với buerre Bhutan, nhưng bần đạo mới ăn cốm dẹp nên dùng ba vắt bột rồi thôi. Samdhen ép ăn thêm, song no quá phải từ kiếu. Issê hầu tàn với chư huynh đệ. Ăn rồi Choun-douss và Issê khuân lễ vật đi viếng danh tộc nữa vì ba bữa rồi đi chưa hết. Nghĩ vậy, rất có túc thế nhân duyên cùng huynh Samdhen quá, nên chi huỷnh hết lòng lo cho bần-đạo từ chút, khi mạnh lúc đau huỷnh đều đối đãi rất tận tình.

Trưa dùng ngọ, chiều cũng dùng trà sữa, chớ không dùng sadou. Tối 8 giờ cũng dùng trà sữa rồi nghỉ. Đêm nay ngủ êm ả, nghe trong mình đã hiện khí hậu ấm áp, không phải mê mệt như hôm qua, nên chi cởi hết y phục, ngủ không xót xái lại êm giấc.

Ngày 7 Mai 1936 – 17-3n-â.l.

Ngủ luôn đêm thức giấcmột lần đi tiểu, rồi luôn một giấc tới sáng. Đi lại máng nước lau mình, rửa mặt, súc miệng xong nấu trà sữa dùng với nổ điểm tâm. Đoạn huynh Samdhen mượn viết thơ gởi tên Bhagwondos ở Bodh-gaya mua 80 hình postal Chùa tháp và hình Phật tổ, vì đến đâu dưng lễ ra mắt cũng có hình nầy, cả thảy đều ưa chịu. Nhờ cách đối đãi cùng quan dân danh-tộc hào-phú các nơi nên huynh đi đến đâu cũng dễ chịu, cả thảy hoan nghinh, vì vậy mà bần-đạo đặng tùng hưởng sự êm ả, thảy đều vui lòng cùng bần-đạo không điều chướng ngại. Nếu cùng ai ắt có sự trành tròn khó dễ, không dễ để bước vào xứ của họ đâu. Nay huynh thân-hành đi viếng một người danh tộâc Bhutan tuy không làm quan chớ cũng là một tay Bổn-đạo danh tiếng trong xứ Bhutan.

Lúc nầy rảnh hỏi thăm huỷnh cái cơ-sở tôn chỉ của nước Bhutan nầy. Bần-đạo xem người Bhutan và Tibetain không khác tiếng nói mường tượng, hai đàng chuyện vãn cũng thông hiểu, hay là người xưa gốc là Tây-tạng nhơn đến đào tạo xứ nầy, nên chi cách ăn mặc không khác bao nhiêu, cũng một thứ áo, đều mặc khác là áo cụt hơn, bận thì trôn áo chí gối, quần xà-lỏn. Đờn bà áo cụt quần dài, trước mang tã (dệt màu). Chư tu-hành ăn mặc y như Tây-tạng Lama. Huỷnh đáp rằng : Lời thầy luận đó phải rồi, sáng ý lắm, xứ nầy chư lama cũng thọ phái chùa Tây-tạng, Đại-đức Baha-lama tôn chức cho và viên quan chức sắc đều thọ ấn sắc nhà vua Tây-tạng, y một luật nước Tây-tạng, tiếng nói của họ trọ-trẹ chút ít, nên người Bhutan và Tây-tạng chuyện vãn cũng phổ thông vậy. Kinh kệ sách vở đều thỉnh mua tại Lhassa. Xứ Bhutan cũng rộng đất đai chớ chẳng phải một khóm nầy (là nơi huynh-đệ mình đến ở ngụ đây) thôi đâu, cách đây chừng năm, sáu ngàn thước cũng chùa, cũng phố xá lầu đài như đây, cũng có trấn quan, dân cư cũng rải rác như đây, rồi cách chín, mười ngàn thước từ thành phố ấy cũng còn có thành phố khác vậy. Chỗ nào cũng có Quốc-tự, Quốc-miếu, hễ có một quan trấn thì có một vị Bahalama đồng cùng nhau chia mối trị dân, trong đạo ngoài thế. Bần-đạo nghe qua thì nghĩ cho giống như nước nhà ta tam-kỳ dân tộc vậy, tiếng nói trọ-trẹ cùng nhau. Thiệt họ khéo lựa chỗ đóng đô, chung quanh núi bao như hàng rào đá, có suối nước chảy khắp nơi, cây cối thạnh mậu. Súc vật sung túc, gà vịt như xứ ta, chỉ có con heo thì ròng loại heo rừng chẳng thấy heo cụt mỏ bông lan như xứ ta. Tục họ không chịu ở dưới đất, nhà cất lầu cất gác mà ở, còn ở dưới chứa khí cụ và súc vật. Họ ở núi non, mọi vật đều kém, nên mắc mỏ lắm. Nhà cửa vẽ vời, cách vẽ thì theo kiểu vở của Tàu. Trong xứ họ chỉ có nghề dệt, kỳ dư không thấy xưởng chi cả, có thợ rèn, thợ đúc chút ít, đồ nội hóa còn thô tháo, cách ăn ở như người Cao-man, còn dơ dáy lắm. Thí như một bọn năm người, thì bần đạo chỉ sợ cách ở dơ của huynh Isess, quần áo, đầu cổ, mình mẩy, tay chơn, chẳng có chỗ nào là sạch, mỡ dầu, mũi dãi bôi quẹt khắp nơi. Họ ưa lấy beurre thoa mặt bôi môi và râu tóc. Cách của họ là người rừng núi mới tấn hóa, họ ở theo miền Hi-mã-lạp-sơn, kém dân nên xứ trồng tỉa đủ nuôi thân. Còn đồ mà bán ra ngoại quốc chỉ có món đường đỏ và lông thú, nhứt là lông con trâu (là mao ngưu), trừu, dê, chó. Bởi xứ lạnh, tạo-hóa phải sanh vậy, chúng thú đều phải lông lá sum-sê đặng chịu khí hậu. Như loài chim, loài có cánh, đều có lông nhiều, đến đỗi mộât con quạ, sáo, két, nhồng, se-sẻ, bồ câu, gà vịt, xem hình lớn bằng hai xứ ta, nhưng họ bắt đặng làm thịt nhổ lông rồi thì không lớn hơn, chỉ nhiều lông mà xem ra lớn vóc. Bần đạo thấy một con ó, coi hình lớn bằng hai, ba lần con ó xứ ta, trái cây cũng vậy lớn mã lắm, như trái ớt sừng trâu bằng cườm tay, phơi khô rồi còn bằng ngón cẳng cái vậy, vân-vân…

Ngày 8 Mai 1936 – 18-3nh-â.l.

Như thường lệ, điểm tâm rồi huynh Choundouss rủ đi lại nhà thiền Baha-lama, bèn theo chưn huỷnh, đến hai huynh-đệ đảnh lễ Đại-đức, đoạn ngài cụng đầu đáp lễ. Xong mời ngồi. Ngày nay tại nhà thiền, ngài có lễ cúng dường, chư tăng-sư lo chưng dọn bàn tam cấp, nhang đèn, bình tịnh thủy, cỗ bột có nắn bông màu gắn vào cỗ, bày bố y phong tục, cặm cờ, treo phan, cái. Huynh Choundouss hỏi : Xứ của thầy có giống sự chưng dọn cỗ bàn vậy chăng ? – Phan, cái, nhang, đèn, giống, cỗ bàn lại giống kiểu người Tàu. Đoạn Đại-đức mời dùng xăng, huynh Choundouss dùng một chén đoạn kiếu về. Ra ngoài, bần đạo về trước, Choundouss còn trẩn lại đi viếng thơ ký liêu kế đó. Đoạn về lo lấy kim, chỉ, mạng vớ, kế một chập huynh-đệ đồng dùng ngọ. Ăn ngọ rồi, huynh Isess nghe lời bần-đạo khuyên lơn, chịu thế trừ tu-phát, bần đạo thế phát giùm. Sam-dhen và Issê đi mua vật thực, cải, gạo, beurre. Lúc bần đạo đang cạo râu, bỗng có tên Tênzi là tên giúp sự cho Samdhen lúc tại Bodh-gaya, nay ở Ghoom đi đến xứ Bhutan, thấy bần-đạo thì mừng rỡ chào nhau. Đoạn bần-đạo hỏi : Đến đây rồi đi Tây-tạng chăng ? Huỷnh rằng : Đi chớ. Đoạn Choundouss về, đem vật thực về. Kế Issê đem gạo về. Chiều lối 3 giờ, người nhà quan trấn sai đem gạo hiến cho Samdhen thì Samdhen có hiến cho người ấy một tấm hình chùa tháp Phật-đà-gia. Người tỏ dấu cám ơn rồi về. Một chập lâu, đem lại một bao vật thực (đồ chay phơi khô và thịt khô), đoạn Samdhen tặng cho một gói thuốc bá bịnh. Kế người ngồi chơi, chuyện vãn, Samdhen nói : Tại chùa Chuẩn-đề nầy ở không an, vì nhiều người ra vào, đồ đạc khó giữ chẳng tiện vì ở ngoài hàng ba. Người ấy liền bảo huynh Samdhen cho người theo lại chùa Quốc-tự, người bẩm với quan, rồi chọn phòng liêu, dọn đồ lại ở. Đoạn sai Issê đi với một người đồng xứ cùng Samdhen (đến ngụ tại Bhutan). Ba người đi, một chập trở lại nói quan từ hàng cho một bên sạch sẽ trên lầu và bảo dọn đi lại ở. Đoạn huynh đệ đồng mang đồ hành lý lại Quốc-tự. Đêm nay huynh-đệ ngủ ấm áp, nhưng nước nôi không tiện, chỗ tiêu, tiểu hôi hám lắm.

Ngày 9 Mai 1936 – 19-3nh-â.l.

Nhựt thường, sớm thức lo súc miệng, rửa mặt, ít nước, huynh Isess pha cho cả huynh đệ một nồi nước rửa mặt. Bần đạo thấy vậy, súc sơ rửa sơ, đoạn lấy cây chà răng và tấm tre nạo lưỡi, khăn đi thẳng lại chùa Chuẩn-đề (chỗ cũ) có máng nước, đi tiêu rồi lại máng xối chải răng nạo lưỡi, rửa mặt, lau mình. Trở về Quốc-tự điểm tâm trà và nổ. Đang khi ngồi điểm tâm, thì bỗng có một người, mặt áo Bhutan tới gối, đi cẳng không, lưng đai gươm, hình đẫm thấp, râu cụt, bước vào, thì cả thảy huynh-đệ đồng đứng dậy, bần đạo y theo. Người bảo “Xú, xú.” : ngồi, ngồi. Đoạn người bước lại chuyện trò với Samdhen một chập, thì Sam-dhen gởi mấy phong thơ (gởi qua Pharijong). Người lấy rồi bước ra. Bần-đạo hỏi thì mới rõ người ấy là Quan chánh-từ-hàng của Trấn quan, quản xuất cả thảy việc thâu xuất tiền tài, lương phạn, kho tàng trong quận nầy. Hỏi thăm Tênzi, thì Choundouss nói : Nó về nhà nó cách đây hai ngàn thước, ấy là đồng quê vợ của huỷnh, chừng bọn ta đi Tibet thì nó sẽ đi theo. Đoạn một lát Samdhen nói : Bữa nay có lễ cúng dường lớn, có Bahalama và Babon Radja, vậy huynh đệ mình cũng đi, mặc đồ tử tế. Huynh Samdhen trao cho bần đạo một cái áo lá hàng tàu của huỷnh bảo bận và huynh Isess phụ bận đồ lama giùm. Chín giờ huynh đệ đồng ăn cơm, rồi đi đến Pháp-đàn. Thấy chư tăng-sư, nào bổn đạo cư sĩ, nữ nam lão ấu lần lượt tới đạo tràng. Huynh-đệ còn rảo bước ở ngoài, chập lâu mới đi đến cửa nhà Pháp-đường, huynh Samdhen và bần đạo vào lạy, thì thấy ở trong Pháp-đàn đã có đôi ba trăm người đang lạy. Trong Pháp-đàn chưng dọn một cái bàn Pháp tọa chính giữa, trước Pháp tòa có bàn án trang trí một cốt Phật tổ Thích-ca lớn 0m.50 và hai cốt nhỏ hai tấc hoàn bằng bạch thạch của Samdhen thỉnh giùm cho Trấn quan, và trước có một bàn cúng dường lễ vật, tịnh bình và các món khác theo tục lệ của xứ Bhutan. Phía tả có một Pháp-đàn bày bố vật thực cúng dường, cũng chưng dọn tử tế, có tràn phan, bửu cái lớp treo, lớp cắm trên bàn. Lạy rồi hai huynh đệ tôi thối lui ra ngoài đi hữu nhiễu Pháp đàn như chư Lama Bhutan và Bổn đạo nữ nam. Tới trời đã gần đứng bóng mà Hòa-thượng Pháp-sư và Trấn quan chưa tới, nắng nực quá, huynh đệ đồng đi kiếm chỗ đụt mát. Ước lối đúng ngọ, có tuần-cảnh-nhơn mời mấy huynh đệ vào Pháp đàn ngồi vì đã gần tới giờ cúng dường, chỗ huynh đệ ngồi gần Pháp tòa chung với chư Tăng sư. Ngồi ước nửa giờ thì nghe kèn trống inh ỏi, bỗng thấy chư Tăng phò Hòa-thượng vào Pháp đàn, kế đại đức là Trấn quan, chư tăng phò Hòa-thượng pháp sư lên Pháp tòa, ngài tuổi tác mới 60 ngoài, râu bạc (tục Bhutan, Tây-tạng chư tăng tự ý cạo râu hay để cũng đặng), mặt tròn, hình tích gương mặt râu ria in như ông chủ Có Phú Cường, ngồi đội mão Tỳ-lư đắp y hàng tím (hàng Tàu có bông chữ thọ). Đoạn Trấn quan lại ngồi trên tấm nệm cao ở trước bàn án Pháp tọa cùng chư tăngsáu vị, ngồi dài theo đó, đồng day mặt ngó vào Pháp tọa. An tọa rồi, thì Hòa-thượng xướng… tụng kinh một chập bỗng kèn trống nổi lên inh ỏi. Có bốn vị mang mặt nạ Rồng, cầm đuốc bước tới trước Pháp đàn múa (hỏi ra là Hỏa long thần dưng lửa). Bốn vị hỏa long-thần múa, ước nửa giờ, rồi phà lửa khắp nơi Pháp đàn trong rồi ra ngoài, ước nửa giờ phà lửa khắp rồi (ấy là đem lửa đốt nhơn tâm các tật xấu xa), bèn vào Pháp đường múa một hồi nữa thì vô buồng. Đoạn cả thảy lẳng-lặng nghe Hòa-thượng tụng kinh cúng dường. Ban đầu dưng hương, có đủ thứ hương : thiên hương, đồ hương, trần thủy hương, tô lạc. Mỗi món dưng cúng rồi, thì chủ đàn là Trấn quan bèn đem cho chúng hội Tăng sư và bổn-đạo đều huệ hưởng hơi các vật. Trấn quan là người biết kinh kệ lung lắm, nên trong dịp cúng dường người thạo quá. Ngài đẫm thấp mập mạp trắng trẻo, mày rô, râu mép, râu cằm đen trại, đầu sói trước mỏ ác tới đảnh thượng, từ tai chí ót tóc đen huyền. Tướng mạo quang minh, mặc tròn như trăng rằm, tốt tướng lắm. Mới ngó xán qua như Khuê-lạc-tử lúc còn râu. Ngài mặc ở trong áo hàng trắng, ngoài áo lá hàng kim tuyến kiểu Lama, ngoài đắp y tím trơn. Trong cơn cúng dường từ món, mỗi món ngài thay y khác hết. Tục cúng Phật rồi thì dưng cho chư tăngchúng hội, nên mỗi món mỗi thay y cúng dường. Có y kim tuyến (hàng Tàu, người Tây-tạng và Bhutan ưa dùng), y hàng tím chữ thọ. Cúng rồi tụng kinh. Đoạn gần rốt cuộc, ngài mặc triều phục võ tướng, đội mão lớn cúng dường rồi thì mặt trời chen lặng. Mang giỏ phát cơm và vật thực trộn lộn, phát khắp cả hội chúng trong ngoài. Ăn rồi, tụng kinh một chập, đoạn có người bưng trên mâm nhiều chén chung bằng thau, trong chén có năm viên bột ngọt, đem đi khắp pháp đàn, ai muốn dùng thì kêu, vì dùng rồi thì bỏ tiền cúng dường trong chén mà hườn lại. Nên bưng đi, tùy ý ai muốn thì kêu, bằng không thì thôi. Đó là rốt cuộc cúng dường, đoạn cả thảy hội chúng đồng tụng kinh tán công-đức chủ đàn, rồi rã cuộc là 7 giờ tối. Bần đạo cúng 6 anna Tây-tạng.

Huynh đệ về chỗ ngụ, huynh Isess về trước hồi mặt trời xế lối 4 giờ, nấu trà và cơm, nên lúc về tới liêu ngụ thì đã có trà dùng, kế 8 giờ rưỡi dùng cơm. Cơm nước rồi, tụng kinh một chập rồi ngủ.
[Hình dán tại đây đã hư.]

Ngày 10 Mai 1936 – 20-3nh-â.l.

Nhựt thường. Điểm tâm hột nổ với trà. Vào ra quan sát cử chỉ người Bhutan, không chi lạ, bèn vào liêu ngồi vá quần, ngày giờ như thoi đưa, phút huynh Isess bưng cơm, mời ăn ngọ. Đang khi ngọ thời, bần đạo dâng chén lên trán cúng dường, ngó qua Isess thấy huỷnh cũng bưng chén cơm của huỷnh ngang trán nhái bần đạo. Đoạn bần đạo cúng rồi, để cơm xuống nói với huỷnh rằng : Sự cúng dường đừng nhái không nên, huynh không phải người tu hành, huynh không biết sự cúng, thì cứ việc ăn, còn bần đạo cúng thì là lẽ thường, huỷnh đã ngó thấy thường ngày, từ ở Ghoom tới đây là hai tháng ngoài, biết rồi còn nhái chi. Đoạn huynh Samdhen nói : Y thường kiêu ngạo tới tôi nữa, y có tật đó xấu lắm. Bần đạo bèn dã-lã nói rằng : Không sao, hậu kiếp sẽ cúng dường lung lắm, trong kinh Phật có nói : Lúc Phật đi khất thực, đi ngang qua đám trẻ chơi, thì trong đám trẻ nhỏ ấy có một đứa hốt một nắm cát cúng dường bỏ vào bát của Phật. Phật vui thọ, đoạn nói với Xá Lợi Phất rằng : Kiếp sau sẽ có một vị vua tên Asoka cất 80.000 tháp Phật, ấy là đứa nhỏ ấy. Đoạn huynh-đệ cười nói, Isess hậu kiếp sẽ cúng dường lung lắm y như thầy nói, huynh-đệ đồng ăn ngọ. Ăn rồi, nghỉ ngơi, bần đạo đi chùi cái nồi nhôm để dùng cơm, đoạn cũng nghỉ như họ.

Ngày 11 Mai 1936 – 21-3nh-â.l.

Nhựt thường không chi lạ, vào ra Quốc tự, thấy chính giữa là chùa cất riêng cao lớn, xây tường đá núi, trên nóc lợp tôle, đảnh tự bằng đồng. Chung quanh cất phòng liêu khám thất, có chỗ công-thính, khám tù. Có hai người tội nhơn xiềng cẳng. Đêm có vọng canh, khắc sanh hai. Ngày thiên hạ vào ra như đi chợ, lớp thầy tu (100 vị) lớp thầy thợ làm công, thợ mộc, thợ hồ, coolie. Thợ hồ không thiện nghệ như xứ ta, chỉ biết xây tường xây cột, vậy nên không thước tấc chi (không biết làm tráng đắp bông, họa hoa tế kiển, những fronton), trần lộ thì dùng cây. Thợ mộc, thợ chạm còn thô dụng chỉ niển, không biết bắt cho rành, chạm sơ sài như trẻ mới học xứ ta. Lấy màu son vẽ làm lịch. Chùa miễu lầu đài nhà cửa đều làm trang cửa lộ rồi sơn vẽ làm như lồng bồ câu xứ ta. Hồ thì chỉ lấy đất sét có cát pha, đập rồi đãi nhuyễn mà làm hồ có trộn vôi tro chút ít. Nói tắt là họ mới tấn hóa công nghệ còn vụng-về. Nhưng cả nước đều là đạo Phật, lòng dạ phần đông tốt, hảo tâm. Theo sự tham lam vật chi ai bỏ quên hay đổ ngoài sân trước ngõ thì đâu cứ y nguyên đó, đến trẻ nhỏ cũng vậy, không bò què bò quẹt ăn cắp ăn kiêu. Tuy họ mới tấn hóa vật chất, chớ trí não của họ thật sống bằng tinh thần. Thân thể không cần, có tiền thì nửa phần ăn, nửa phần cúng dường, ngộ thiệt. Ăn lấy no chứ không lấy ngon. Mặc cho ấm chứ không cần tốt, mình mẩy không lo cho sạch, chỉ lo sạch cái tâm. Ăn uống sạch hơn Miên, Mọi xứ ta mà cách ở y Cao-miên, tấn hóa hơn Mọi, ăn trầu cũng với cao tầm dung, hút thuốc cũng còn y lá chớ không xắt. Cả thảy nhơn-dân đều mặc đồ vải bô, thao đuổi nội hóa có mỗi nhà quan nhà giàu thì sắm đồ hàng toàn để dùng trong đám tiệc. Cách họ ở cũng như Cao-miên, không ngồi ghế ván, chỉ ngồi dưới đất hay trên rầm. Sự cung kỉnh thầy thì thua xứ Cao-miên. Đờn bà còn xen lộn vào đám thầy tu hoặc thấy thầy tu như người thường, không mọp, không tránh đường như Cao-miên.

Ngày 12 Mai 1936 – 22-3nh-â.l.

Nhựt thường. Ngọ thực rồi, huynh đệ rủ nhau đi xuống suối giặt y phục. Bần đạo giặt diệm rồi, bèn tuốt hết quần áo, vận chăn nhỏ, xuống suối tắm. Từ ngày xa Phật-đà-gia tới nay không có tắm, chỉ lau mình mà chịu. Nay tắm phỉ xác phàm lắm, khỏe khoắn, tuy là nước suối lạnh không thua nước đá, nhưng giờ trưa nầy, mặt trời cũng thạnh. Tắm rồi nhờ có nắng cũng đỡ, tắm gội rồi lên phơi nắng một giờ nghe trong xác tục nhẹ nhàng hết sức. Mấy huynh kia không ai dám tắm, chỉ gội đầu rửa mặt là cùng sự, họ sợ lạnh lắm. Tắm rồi, còn đợi đồ phơi cho khô, trong khoảng ấy hỏi thăm Issê mới biết nước Bhutan có ba thành mà thôi. 1o Kinh đô là Damtang cách cả thành Patrô nầy mười cây số ngàn và một Quan-ải nữa, kế ranh Kalimpong, tên là Hắc cũng có một trấn quan như đây mà nhỏ hơn. Đoạn đồ khô, thâu y phục. Về.

Ngày 13 Mai 1936 – 23-3nh-â.l.

Nhựt thường, lúc ăn ngọ rồi, cũng rủ nhau đi xuống suối tắm rửa tùy ý. Bữa nay có Samdhen rủ đi lên khúc suối trên xa, không có ai, nhiều kẻ lộn xộn. Đoạn tới một khúc suối vắng vẻ, trên bờ có đồng cỏ và một cội cây. Huynh đệ đồng ngồi trên cỏ chơi một chập rồi mới tùy ý tắm giặt. Bần đạo đi dọc theo mé suối lượm vài cục đá bạc làm kỷ niệm. Đoạn Samdhen ra tắm, bần đạo bèn tắm với huỷnh còn Choundouss,
Issê và Isess sợ nước. Samdhen lạnh run, tắm sơ lên trùm áo phơi nắng. Ấy họ đã quen phong thổ mà còn lạnh hà huống bần đạo, nhưng phải tắm cho khỏe xác phàm. Tắm rồi, phơi khô y phục, huynh đệ họ chơi carte cho qua buổi. Samdhen trải vải dưới cội cây ngủ. Bần đạo rảo bước ra suối lượm đá. Khi đồ khô rồi, huynh đệ thu xếp đi về. Lúc về đến phòng liêu thì cùng nhau nghỉ ngơi rồi uống trà. Đoạn một huynh Bhutan Lama say xăng vào liêu đi xiên tó, nói nhầy nhựa cằn rằng chi đó. Mấy huynh kia trả lời lại. Lúc họ vào mở tủ của họ, lộn xộn bần đạo mất cái hộp đựng xà bông. Thôi họ cứ việc dùng, ta cũng vui lòng hết cực cùng vật chất một món.
Ngày nay thấy dân nam-nữ nạp thuế gạo như mấy bữa trước. Tối xem kinh rồi ngủ.

Ngày 14 Mai 1936 – 24-3nh-â.l.

Nhựt thường lệ. Bữa nay cũng đi tắm. Đây thuật về cách cư xử của chư tu hành Bhutan : mỗi ngày có một Lama trị nhựt, quản xuất chúng tăng vào ra phải trình, người thế có việc chi can thiệp với đại chúng, hoặc thăm viếng, hoặc đem dưng lễ vật ẩm thực, cũng phải trình cho Trị-nhựt. Người có phép cầm roi da phạt đòn đại chúng, nếu có ai sái phép. Mỗi ngày, phần chánh phủ, thì chiều 6 giờ có cắt vọng canh, hễ tới giờ thu không thì người cai quản vọng canh lấy roi da nẹt trên thạch bàn ba tiếng, thì dân canh biết, liền khắc một chập sanh lại hai tiếng. Cả đêm phân nhau canh gác, khắc sanh hai.
Thấy họ đắp cốt Phật đất giã nhuyễn. Xứ núi đá, nhưng họ còn chưa thạo nghề trổ đá, cách đắp cốt cũng khéo coi cũng đặng.

Ngày 15 Mai 1936 – 25-3nh-â.l.

Nhựt thường, bữa nay ăn ngọ rồi đi dạo đồng ruộng. Xứ nầy có cấy thứ lúa bông như bông cỏ. Có hai thứ : một thứ lông đuôi cụt gọi là Nễ, thường nhơn-dân dùng làm hèm rượu xăng ; một thứ lông đuôi dài gọi là Trô, thường nhơn-dân dùng làm bột sadou, rang rồi xay, đi xa đường đem theo khỏi nấu, phương tiện lúc hết gạo dùng cũng đỡ lắm. Cũng có cấy lúa, gạo đỏ là phần nhiều. Nấu cơm cứng ít nở. Đoạn huynh đệ trải vải ngồi chơi một chập. Kế có huynh đồng xứ (Lađặc) cùng Samdhen (huynh Isess đi lại nhà kêu) đến ngồi chuyện vãn một chập, bèn lấy túi trà (Issê về liêu lấy trà, beurre và chén) đi về nhà gần đó nấu trà thục. Huynh đệ một giây lát đồng đi đến nhà của huỷnh. Chỗ ở trên lầu thứ ba của cái nhà lầu ngoài hàng ba phía tả, chật hẹp, bề dài lối ba thước, bề ngang lối một thước, chỗ nấu ăn lại ở nơi lầu thứ nhì. Đến đó thì hai huynh đệ tôi và Samdhen vào ngồi nơi chỗ phòng chái, còn các huynh đệ ở dưới nhà bếp. Chập lâu con gái của huỷnh đem trà lên rót mời dùng. Còn chư huynh đệ ở nhà bếp uống xăng. Bữa nay bần đạo nghe êm bụng, bần thần mỏi mê cả châu thân, nhứt là cái cẳng đau nhức mỏi lắm. Chiều 4 giờ về, bần-đạo mê mết nhưng cũng gắng gượng. Tối ngủ nghe trong mình nóng nảy lắm, nhức mỏi cả đêm, song sáng cũng bớt. Huynh Samdhen nghe rên, huỷnh hỏi hoài : nhứt đầu bớt chăng ? Bần đạo nhức đầu vì nhiều điển âm nhập thấp (cẳng đau). Vuốt đều, đem âm thấp ra thì tự nhiên hết các chứng bịnh.

Ngày 16 Mai 1936 – 26-3nh-â.l.

Nhựt thường lệ, trong mình còn nóng lạnh, mỏi nhức bớt chút ít. Ngày nay phải nằm hoài. Đưa cho Samdhen 10 rupee đặng chi phí. Huỷnh bảo Choun-douss đổi tiền Tây-tạng, đoạn huỷnh bảo bần đạo bỏ túi chút ít, phòng có lúc dùng hữu dụng, tôi lấy phân nửa số huỷnh trao là 29 đồng 2 sous. Chiều Choundouss đi độ lương phạn nơi dinh Trấn quan. Khuya thức giấc nghe bớt mỏi mê.

Ngày 17 Mai 1936 – 27-3nh-â.l.

Thường lệ, song bữa nay Samdhen sớm mơi chưa điểm tâm, lo sắm sửa lại viếng Trấn quan, cám ơn vật thực ngài hộ và nói ở lâu cảm khí hậu nhức mỏi. Trấn quan bảo đi dầm nước nóng. Ngài cho người lo vụ đó và cho mượn chòi bố (tente). Đoạn 8 giờ, huỷnh về, thì ở nhà đã dùng điểm tâm rồi, huỷnh bảo lo khuân đồ ngủ đồ nấu ăn đi ra mé suối. Đoạn huynh-đệ lo mang đi, đến mé suối dựng chòi, có người của Trấn quan phụ giúp. Đoạn Isess lo nấu ăn, còn hai người của quan lo ôm rơm rải trong chòi rồi đem đồ vào, rồi lo đi hầm đá hòn, đổ nước vào máng. Đến khi đá đã đỏ, thì gắp đá (bằng kềm sắt spécial pour…) bỏ vào máng, sôi ục-ục, nước nóng lối 36, huynh Samdhen dầm trước nửa giờ, vào trùm (uống một chén nước cơm rượu) trùm một hơi mồ hôi ra lai láng như xông. Kế bần-đạo cũng đi dầm, khi vô chòi huỷnh cũng bắt uống một chén xăng rồi trùm. Huỷnh nói : như vậy khí độc, nước độc sẽ xuất ra hết, hết đau, mời bần đạo trùm một chập, mồ hôi ra, lau mình, nghe nhẹ nhàng xác tục. Bần đạo nghĩ cho, nhờ đá đốt đỏ, bỏ vào nước, ra khí đá, nên gân cốt đặng mạnh. Cách họ bày theo tục lệ của họ ở nơi núi non, nhưng thiệt tốt lắm, song tốn củi lắm. Đoạn chiều 6 giờ dầm một lần nữa. Trọn ngày chư huynh đệ và mấy người quân sai đều dùng xăng, vui cười, hò hát chơi tới khuya. Tội nghiệp Issê say xăng bị đòn. Đêm nay ngủ khỏe không nhức mỏi. Khuya thức giấc, nghe trong mình như cựu lệ không còn mê mệt.

Ngày 18 Mai 1936 – 28-3nh-â.l.
Sớm mơi uống xăng ăn sadou, đợi đốt đá đỏ rồi sẽ đi dầm. Bần đạo lấy valseline mentholée thoa mặt cho Issê bị té sưng mặt mày, đoạn lo đi dầm nước đá nóng, mơi một lần, chiều một lần. Cả thảy huynh đệ đều dầm, trừ Machen Isess không chịu dầm. Đêm nay ngủ khỏe khoắn. Ngày nay cạo đầu. Ăn ngọ rồi, bần đạo ra bóng cây ngồi cạo đầu, cạo nửa cái đầu, thì Issê Sonnam ra thấy bèn cạo giùm. Hoan-hỉ.
Mấy ngày rày chiều rảnh học thêm tiếng Tây-tạng.

Ngày 19 Mai 1936 – 29-3nh-â.l.

Nhựt thường, sớm điểm tâm rồi lo đi dầm nước đá nóng. Đoạn 9 giờ ăn bột với canh, ăn rồi đi ra bóng cây nằm nghỉ. Một giờ lo sắm sửa thu xếp đồ đạc đặng trở về Quốc tự, chờ coolie tới mang đồ. Hai giờ trời mưa bộn, lạnh. Bần đạo nằm ngoẻo dựa trên gói hành lý, qua 3 giờ rưỡi trời bớt mưa, đoạn huynh Samdhen bảo Issê Sonnam, Isess và bần đạo, bốn huynh-đệ về trước, để Issê và Choundouss ở lại đợi coolie. Trời còn mưa rỉ rả, huynh đệ thả về lần. Tới Quốc tự vào liêu nghỉ ngơi. Isess lo nấu trà. Đoạn có Tênzi đến, bần đạo bảo ngồi nghỉ, huỷnh ngồi rồi mở khăn gói cơm ra ăn, bần đạo còn bột sadou và đồ ăn phát hồi 1 giờ rưỡi không ăn, cho huỷnh ăn. Đoạn trà đã khuân lên, uống trà. Qua 6 giờ, coolie vác đồ về tới, trời vẫn còn mưa lâm râm, lạnh lắm. Tám giờ tối mới ăn cơm. Đêm nay ngủ khỏe khoắn.

Ngày 20 Mai 1936 – 30-3nh-â.l.

Nhựt thường, điểm tâm rồi tụng kinh. Kế có một cô lại xem quẻ cùng Samdhen, rồi việc cô lãnh phép và thuốc về. Đoạn 10 giờ rưỡi. Isess, cơm khuân lên, chư huynh-đệ đồng cúng dường rồi ăn ngọ. Đoạn 1 giờ chư huynh-đệ sắm sửa đi Pháp đàn, rủ bần đạo, bèn từ kiếu xin ở nhà. Vì đã có đi một lần rồi, đã dự biết phong-tục hữu-vi pháp của chư tu hành Bhutan rồi, nay có đi cũng vậy. Isess cũng ở nhà. Đoạn các huỷnh đi, hai huynh-đệ ở nhà nghỉ ngơi. Ba giờ thả đi ra cầu chùa đi tới ngũ tháp Trấn-quan cựu thì hai huynh đệ dừng bước xem chơi, huynh Isess bèn nói : năm tháp đây là : tháp lớn ở giữa là Trấn-quan cha, bốn tháp chung quanh là Trấn-quan con. Bần-đạo hỏi : còn Trấn-quan hiện tại phải là con không ? – Không, cha của ngài đang làm quan tại Kinh-đô Bumtăng. Đoạn hai huynh-đệ rủ nhau đi hái rau húng-lủi theo bờ ruộng ở gần đó. Hái rồi trở ra ngũ tháp, Isess rủ đi lại mé lộ xem trẻ nhỏ thảy lỗ bằng đá hòn. Chập lâu đi về, bần đạo nghỉ ngơi, còn Isess lo nấu trà đợi Samdhen về uống. Kế 6 giờ huynh-đệ nơi Pháp đàn về uống trà nghỉ mệt. Tám giờ họ dùng cơm mời bần-đạo song bần đạo rằng êm ruột không dùng. Ngủ. Đêm nay thức tới khuya chưa ngủ, đến lúc ngủ lại chiêm bao thấy chú cả Êm và ông nhạc-gia, hai người đồng đi cúng dường nơi một cái nhà của một ông thầy pháp. Thức giấc rồi ngủ lại.

Ngày 21 Mai 1936 – mùng 1-4-â.l.

Nhựt thường, tụng kinh mơi rồi điểm tâm cơm nguội với nước muối ớt. Ăn rồi một mình bần đạo thả đi xuống suối qua cầu lại Pháp-đàn, thấy dân sự dọn dẹp Pháp-đàn, cờ xí hạ hết, ấy là hết cúng dường đủ số của Trấn-quan vái cúng. Thả lần ra suối ngoài xem rồi trở lại ngũ quan tháp, trẽ vào ruộng hái rau húng đặng đem qua Pharijong vì tại đó không có, để dành bỏ canh, hái rồi trở về lượm vài cọng lúa Nê và Trô khô để đem về xứ cho biết lúa xứ Bhutan. Về đến liêu, huynh đệ đã dùng cơm rồi, bần đạo bèn nghỉ một chập rồi ăn ngọ. Ăn ngọ rồi, Samdhen rủ ra ruộng chơi cho qua ngày giờ, hoan hỉ đi ra đó, huỷnh bảo mua xăng uống, uống rồi về. Về đến nơi, huỷnh rên đau mình, mua một ống tre xăng. Tối 7 giờ nấu xăng với hột gà và bỏ hột the (thuốc) uống. Cả thảy huynh đệ đồng dùng. Đoạn huỷnh trùm, rên và bỏ ăn cơm chiều. Bần đạo cũng uống vài chén cây xăng, khó uống quá, song huỷnh bảo uống cho khỏi đau mình vì khí hậu xứ nầy, uống xăng rồi nghỉ.

Ngày 22 Mai 1936 – mùng 2-4-â.l.

Nhựt thường lệ 9 giờ điểm tâm rồi bần đạo một mình thả ra suối lựa nơi vắng-vẻ tắm. Tắm vừa rồi thì trời chuyển mưa, mây trùm đảnh núi phía tây đen mịt. Kế mưa đã rớt hột, bần đạo về, về đến phòng đã 11 giờ rưỡi. Samdhen hỏi có tắm không ? – Có, trời chuyển mưa phải về, tắm sơ sịa vậy thôi. Trải đồ ngủ nằm nghỉ. Hai giờ thức thấy trời mưa lớn. Ba giờ qua có cô xem quẻ bữa 30-3-â.l., dẫn mẹ tới, có bưng một quảo nổ đem dưng đáp lễ. Thấy bà mặt mệt biết đau, nên bữa nọ cô con xem quẻ cho mẹ và thỉnh phép bùa và thuốc. Nay bớt nên trả lễ. Samdhen chuyện nầy cũng hết đau, tối huỷnh dùng cơm rồi nghỉ.

Ngày 23 Mai 1936 – mùng 3-4-â.l.

Nhựt thường, lúc sớm đang khi dùng trà thì Choundouss bảo bần đạo, bữa nay đi ghi passeport, viếng Bahalama rồi qua Trấn quan. Đoạn huỷnh dặn : Trấn quan ngài biết tiếng Englis, nếu có hỏi cốt Phật tại xứ của thầy phải không ? – thì nói phải. Bởi anh em tôi nói thỉnh tại chùa nơi xứ Ceylon Langka là quê quán của thầy. Có hỏi giá thì nói cốt lớn 500 rupee, hai cốt nhỏ 200 rupee, phải nói ở trong chùa chớ ngoài không có… Đoạn 8 giờ điểm tâm rồi, huynh Samdhen nói. Ngày mai thầy đi cùng tôi dễ hơn vì thầy không thạo nhiều Hindi. Kế 9 giờ huynh Choundouss bảo đi cùng huỷnh lại Hòa-thượng. Đến đó thì không có ngài, ngài đi qua Trấn quan, lúc lên lầu Baha, lại gặp Phán quan của Trấn quan. Choundouss chào và nói chuyện ghi passeport, thì ngài xin coi passeport, bần đạo trao cho ngài coi. Kế ngài xem rồi giao lại và nói : Để bữa đi viếng Trấn quan và từ biệt ngài rồi sẽ xin ghi luôn thể, vậy tiện hơn. Ngài về, thì huynh đệ rủ tôi ra phường buôn bán chơi, đi xuống dốc gần tới cầu, phút gặp Bahalama, ngài cỡi ngựa đi về tới đó gặp huynh đệ tôi và hỏi, anh em chào ngài rồi Choun-douss nói sự ghi passeport. Ngài bèn nói đặng. Ngài đi về. Hai huynh đệ nói thôi đi luôn ra cầu chơi một lát, để cho Đại-đức về uống trà nghỉ mệt một lát rồi huynh đệ sẽ trở lại liêu ngài mà ghi passeport. Anh em đi ngang phường con buôn, qua cầu, rảo quanh ngũ tháp, đứng nơi bóng mát chơi, thì huynh Choun-douss bèn nói : Tôi bây giờ không có tiền, bởi từ ngày Samdhen thâu Lama nhỏ tới nay thì lấy chìa khóa giao cho Lama nhỏ, lại gọi huynh đệ tôi không tốt. Thầy cũng thấy, từ ở Bodh-Gaya cho tới Bhutan nầy, một tay tôi đi nói đầu nầy đầu kia, hội hàm bổn đạo, chỗ 5 đồng, 10 đồng, chỗ dưng lễ nầy vật nọ cũng tôi, nay Samdhen gọi tiểu lama tốt, anh em tôi không tốt. Thôi ! đi và bần-đạo nói : Tôi thấy và cũng có để ý biết chút đỉnh trong ấy… Huỷnh nói : Như xâu-chuỗi trường của tôi đã dưng cho Trấn-quan, tôi hỏi xâu chuỗi khác thì Samdhen không cho, lại cho tiểu-đạo. Bao nhiêu đó thầy biết, nhưng tôi không lo, không sợ chi, ăn rồi tôi thả đi, có đêm ngủ nơi khác… Thầy thấy mọi việc tôi lo tại Bhutan nầy, hết gạo, hết lương phạn vật thực vân vân… thì cũng một tay tôi, đến Trấn quan bẩm gởi rồi cấp cho… Đoạn hai huynh đệ trở lại nhà thiền Baha, đến nơi ra mắt đảnh lễ rồi ngồi. Ngài bảo đưa passeport, bần đạo trao cho Choundouss dưng lên, đoạn ngài ghi và nhận ấn của ngài. Uống trà rồi, từ kiếu về…

Về tới phòng Samdhen hỏi đi đâu ? Tôi nói đi Baha ghi Passeport, coi bộ huỷnh không vui và nói : tôi nói để mai đi với tôi lại Trấn-quan ghi. Bần đạo nói : bây giờ Bahalama ghi, sau sẽ đến quan, nói rồi trao passeport cho huỷnh xem, huỷnh thấy và hiểu ý của tôi muốn có hai đàng ghi, nên vui lòng và nói. Vậy tốt lắm… Chiều lại Choundouss đi ngủ chỗ khác. Samdhen mới vui cười chuyện vãn.

Ngày 24 Mai 1936 – mùng 4-4-â.l.

Nhựt thường lệ. Sáng Choundouss về. Samdhen nghe nằm lì, chập lâu dậy, song không nói tới Choun-douss. Trà điểm tâm cũng không dùng, ngồi day mặt nơi khác. Đến lúc Choundouss bước ra thì huỷnh mới chuyện vãn. Bữa cơm 9 giờ, huỷnh không dùng chỉ uống chút xăng, khi Choundouss đi thì huỷnh mới trò chuyện. Thôi sự của người ta mình không nên xen vào và cũng không nên động tâm, mặc tình huynh đệ họ, để coi cách họ đối đãi nhau sao. Bần đạo lãnh phần cơm rồi giặt hậu (áo hậu) chờ tới 11 giờ ăn ngọ. Ăn ngọ rồi nghỉ trưa.

Ngày 25 Mai 1936 – mùng 5-4-â.l.

Nhựt thường lệ, bữa nay Samdhen và Choundouss đã hòa, bần đạo mừng lòng, họ vui mình mới an lòng. Buổi cơm 9 giờ cũng lãnh phần cơm để chờ tới ngọ mới cúng dường và ăn. Huynh Samdhen sình ruột phải uống xăng, mời bần đạo dùng, nhưng bần đạo từ chối.

Ngày 26 Mai 1936 – mùng 6-4-â.l.

Bữa nay ăn ngọ cơm và muối vì không có rau. Họ ăn lúc 9 giờ, bần đạo cùng lãnh phần cơm chờ tới ngọ mới cúng dường rồi ăn. Ngày nay Trấn quan sẽ đến ngụ tại phòng tư của ngài nơi Quốc-tự. Quan lại và dân lo dọn dẹp quét tước tưng bừng. Chiều ngài thân hành đến. Ngài khi nào muốn hành đạo (tụng kinh) bất câu mấy ngày, thì đến liêu riêng của ngài nơi Quốc-tự. Bình thường thì ở nơi quan nha cách chùa chừng một cây số ngàn.

Ngày 27 Mai 1936 – mùng 7-4-â.l.

Nhựt thường lệ. Chín giờ cũng lãnh phần cơm chờ tới ngọ cúng dường rồi dùng. Bữa nay có cải bẹ xanh, bần đạo chấm muối ăn sống, lâu ngày đạm bạc thật vừa miệng. Ăn ngọ rồi không chi vui dạ, bèn ra hàng ba làm quen với Lama họa sư ngồi cho màu giùm cái họa đồ của huỷnh. Huynh đệ thấy bần đạo cho màu, đều xúm lại xem, trầm trồ gọi tốt. Lama mời xơi trầu cùng cao tầm dung.

Ngày 28 Mai 1936 – mùng 8-4-â.l.

Nhựt thường lệ, điểm tâm nổ với trà, đoạn ra ngoài cùng cho màu họa đồ chơi cho qua buổi. Đoạn 9 giờ Samdhen dùng bột sadou với beurre bỏ muối, chia cho bần đạo và Choundouss ăn. Còn mấy huynh kia xơi cơm. Đến giờ ngọ, không có cơm, bần đạo dùng bột xú còn dư với muối. Lúc 9 giờ rưỡi có cô xem quẻ hôm nọ dắt lại một cô có con, xem quẻ cho đứa con, xem rồi thỉnh Samdhen đến nhà cúng giùm. Mười giờ Samdhen, Choundouss, Issê Sonnam đồng đi. Bần đạo khi dùng ngọ rồi, một mình thả xuống suối tắm sơ vì nước lạnh quá, bị mưa luôn cả đêm nên ngày nay, trời ấm cũng lạnh hơn các bữa. Tắm rồi thả dọc lối Quan nha rồi về đã 2 giờ, nghỉ mệt.
Tối nầy Samdhen không về, thầy trò ngủ tại thân chủ gia.

Ngày 29 Mai 1936 – mùng 9-4-â.l.

Nhựt thường lệ, điểm tâm trà với nổ. Trưa ăn ngọ cơm với mước muối ớt. Mười giờ rưỡi thầy trò Samdhen về tới xơi bột xú. Chiều ra cho màu họa đồ giùm cho Bhutan Lama. Đây là kiểu họ vẽ đặng kết vào chính giữa tấm che trên bàn án của Phật như plafond.

Ngày 30 Mai 1936 – mùng 10-4-â.l.

Nhựt thường lệ, điểm tâm trà với nổ, đoạn ra cho màu họa đồ. Chín giờ huynh đệ họ dùng bột xú, 11 giờ bần đạo ăn ngọ cơm với nước muối ớt và cải (ganga) chiên, đoạn rồi nghỉ. Chiều lại, họ dùng cơm nước rồi. Choundouss nói : bữa nay tôi phải đi ngủ nơi nhà tình nhân cho vui lòng ân nghĩa. Đoạn huynh-đệ tôi ngủ.

Ngày 31 Mai 1936 – 11-4-â.l.

Nhựt thường lệ, điểm tâm rồi, kế huynh Samdhen sai Issê đi vận lương nơi Trấn quan, bần đạo liền theo chơn Issê, nói đi ra cầu nơi nhóm chợ mua hộp quẹt và thuốc. Đến nơi mua một cái hộp quẹt lớn 4 đồng 2 paisa = 8 sous Tây-tạng. Đoạn hai huynh đệ đi thẳng lại nhà tình nhân của Choundouss, đến nơi lên thang lầu, thấy huỷnh đứng nơi cửa đón rước. Issê muốn nói cợt, song huỷnh nháy và nói : “Ghơ hơ rờ mêdoucera adun hay nải khelta : có khách chẳng nên nói cợt.” Huỷnh mời vào, trải thảm nơi sàn mời ngồi, thì liền cô bạn của huỷnh rót xăng mời uống, huỷnh mời bần đạo, hoan hỉ uống một chén rồi dự kiếu. Hai huỷnh và người khách uống xăng với nhau. Uống rồi đồng ra đi. Đến ngay chỗ núi có cái hang còn thấy khói đóng đen, huỷnh bèn chỉ và nói rằng : ấy là nơi quan xử tử kẻ sát nhơn. Cách xử tử xứ Bhutan lạ quá : Đem người tội sát nhân đến mé suối và cái thây bị sát tử cũng khiêng đem đến đó, rồi nấu cơm đồ ăn cho tội nhơn ăn no nê, đoạn cột bó người tội nhơn với cái tử thi của nó đã sát hại, cột bó hẳn hòi rồi quăng xuống suối. Ấy là hai mạng đồng đi âm-ti…

Bần đạo hỏi, vậy Tibet luật ấy cũng xử một cách đó phải không ? – Không. – Tây-tạng khác hơn, bỏ tù, rồi mỗi ngày đánh đòn hoặc 10, 20, 30, 40, 50 roi tùy án nặng nhẹ.

Đoạn tới ngũ tháp, thì hai huỷnh đi thẳng lại nhà Trấn quan, còn bần đạo đi về Quốc tự, về tới nơi ra cho màu họa đồ chơi rồi 11 giờ ăn ngọ, kế Samdhen rủ đi ra mé suối chơi, đến nơi ngồi nơi mé suối uống rachi với Isess, uống rồi thì trời mưa tới, đi về. Bần đạo nghỉ. Kế 2 giờ có Khố quan đến liêu nói với Samdhen : gạo và nổ đã bỏ bao rồi và đem để tại hàng ba trước đây : 20 bao da gạo và 5 bao nổ. Samdhen theo chơn ra xem và nói cám ơn rồi mời Khố quan vào ngồi và lấy hình lớn nhỏ (Phật) tặng cho Khố quan. Thiệt huỷnh xử thế khéo léo, làm cho mọi người kính mến. Quan thọ lãnh cám ơn rồi xuống lầu. Huynh Samdhen bèn nói với bần đạo rằng : Trấn quan đã cấp gạo và nổ 25 bao, còn cấp đồ ăn, đồ chay đồ mặn rồi đợi đưa tiền giá 4 cốt Phật thì sẽ lên đường. Quan nói 4 cốt Phật giá đáng 2000 R, song tôi nói 1000 R là đủ giá cả các hạng. Thiệt huỷnh lanh lợi để ân hoàn. Nhờ có huỷnh mà bần đạo đặng người ngoại bang cung kỉnh và dựa hơi huỷnh mà đặng tử tế an ổn, đến đâu cũng đặng người hoan nghinh, vào ra đất khách dễ dàng như ở xứ mình.

Ngày 1er Juin 1936 – 12-4-â.l.

Nhựt thường lệ, điểm tâm rồi ra cho màu họa đồ. Kế 11 giờ ngọ thực rồi đi cùng Samdhen đến quan nha xin ghi thông hành. Đến đó vào thơ ký phòng việc thì thầy ký đang đánh lúc-lắc (đổ-hột) với bọn họ. Chờ ước 1 giờ mới có thầy ký phụ, ghi tên họ trước vào thông hành, đoạn chờ tới 2 giờ thì thầy đem lên phòng việc quan nha đặng hầu ký tên và đóng dấu. Về đến Quốc-tự 3 giờ, dùng trà rồi tối họ dùng cơm rồi nghỉ.

Ngày 2 Juin 1936 – 13-4-â.l.

Nhựt thường lệ, điểm tâm trà nổ, khi rồi việc thì Samdhen nói : Ngày mai 14 xấu ngày quá, nên để cho bọn coolie chuyển lương phạn đi trước, mốt rằm, huynh đệ mình sẽ lên đường tốt hơn. Bần đạo nói : ngày nay đã đúng ngày giáp một tháng ở Bhutan. Trưa ăn ngọ với canh cải dưa. Trọn ngày lo sửa soạn hành lý. Chiều lại có một cô Tây-tạng đến dưng xăng và thỉnh thuốc và chiều có hai huynh Tây-tạng đến, đem dưng xăng và rachi, huynh đệ đồng dùng. Bần đạo dùng xăng chớ không dùng rachi.

Tối hai huỷnh ngủ tại liêu cùng huynh đệ ta, còn Choundouss và Issê đi đến nhà quen nghỉ. Trọn ngày nay lo sắp đặt hành lý.

Ngày 3 Juin 1936 – 14-4-â.l.

Nhựt thường lệ. Điểm tâm rồi, bần đạo nói với Samdhen rằng : “Hom thoda paisa manta hai”, bần đạo hỏi Samdhen chút ít paisa. Huỷnh bèn đưa cho bần đạo phân nửa rupee Tây-tạng = 15 annas de 4 paisa (15 cắc Tây-tạng = 4 sous). Bỏ túi đi chơi ngoài cầu, đoạn Sonnam ra tới gặp, rủ đi lại nhà quen của Choun-douss đặng kêu huỷnh đi ; Choundouss và Issê nơi nhà quen đi ra gặp nhau, đồng về Quốc-tự. Bữa nay ăn ngọ với cà chiên, Issê đi xóm đem về năm trái cà, ăn một trái.

Trọn ngày lo thu xếp hành lý. Trấn quan có cho quan lại đến lo phần việc bảo dân mang gạo và các vật nội bọn. Quan lại biên tên chia phần cho coolie. Samdhen nói : Trấn quan trả 800 rupee bạc mặt, còn 200 trả bằng gạo 20 bao, với nổ và vật thực khác. Phần coolie chuyên gạo thì về phần Trấn quan, còn vật của chúng ta (hành lý) thì sở phí mình chịu. Trấn quan có cho hai con ngựa cỡi. Ăn uống của Lại quan mình phải chịu.

Ngày 4 Juin 1936 – 15-4-â.l.

Bữa nay là ngày từ giã nước Bhutan, nên sáng thức sớm, lo trà nổ điểm tâm, bần đạo lo xếp đồ ngủ lại, rồi 8 giờ rưỡi, Isess đem cơm lên, huynh đệ ăn cơm với Quan lại ba người, một người lo việc chở chuyên hành lý qua Pharijong, còn hai người mã-tử ăn rồi 9 giờ, mã-tử lo đi xuống trạm ngựa gác yên hai con ngựa. Chín giờ rưỡi Samdhen và bần đạo đi lại viếng Baha-lama đặng từ giã ngài mà lên đường. Ra mắt Đại-đức, ngài đãi xăng cho Samdhen và Choundouss còn bần đạo không dùng. Ngài kỉnh lễ lên đường, một bao nổ, vải vàng, vải xanh, vải trắng và mỗi món ít thước cho hai người. Đoạn xá từ lên đường. Qua khỏi ngũ tháp có tình nhân Choundouss đón dưng xăng nhưng Samdhen trả tiền xăng. Đoạn hai huynh đệ tôi lên ngựa. Mười một giờ rưỡi đến chùa Kết-xú-la-khăn (chùa có mội nước). Có bọn Tibetain nam nữ vài mươi người chực đón thỉnh Samdhen và nội bọn vào chùa. Họ cúng dường tùy hỉ chút ít (đôi ba cắc Tây-tạng), Samdhen đãi xăng cho bổn đạo. Bần đạo đãi trà nội bọn. Đoạn thầy trò họ tụng kinh, phát niệt cùng nhau, còn bần đạo rảo bước xem cảnh chùa, đi lại chỗ nhà thác nước, thấy chính giữa cái miễu ấy có cái ống-che(1) lục tự “Án-ma-ni-bát-mê-hồng” cắm giữa chỗ đường nước chạy tròn (ấy là luân chuyển pháp luân) xem rồi đi quanh chùa thì thấy cũng có ống pháp luân để cho bổn đạo đến chùa quay và niệm lục-tự Quan-âm. Trước cửa chùa cho hai cái máy ấy, hằng ngày có người ngồi đó mà quay cái máy lục-tự ấy.

Qua tới 1 giờ, rồi việc cúng dường, vào điện lễ Phậtbần đạo cúng 6 cắc Tây-tạng. Kiếu sư chùa ra đi. Bốn giờ tới trạm quan ải cất cao lớn, trong quan ải cũng có chùa Quốc-tự có một vị Lại quan cai quản, trạm ải tên Doncguêss-zon. Vào quan ải thì có người dắt vào điện Phật Quan-âm, huynh-đệ đồng nghỉ. Lại quan đãi trà nổ. Tối lại cũng hộ cơm. Tối nghỉ an.

Ngày 5 Juin 1936 – 16-4-â.l.

Thức sớm sắp đặt hành lý. Bảy giờ Lại quan hộ trà và cơm lạt lót lòng rồi thì từ biệt Doncguêss-zon đi, 10 giờ rưỡi tạm mé lộ dùng trà, bột xú với canh cải bẹ, 11 giờ rưỡi đi tới 1 giờ 20 gặp xóm vào đụt mưa, mua xăng uống. Issê, Choundouss và Isess đi luôn không ghé. Uống xăng rồi, mã-tử gác yên ngựa, từ biệt chủ nhà, đi riết tới 4 giờ thì đã tới trạm nhỏ Sinhgarap. Vào nhà gần trạm nghỉ, vì trạm nầy nhỏ không có Lại-quan nên ngụ nhà dân. Lính mã-tử và Lại quan bảo chủ gia phải cho cỏ ngựa ăn và cơm nước cho họ, chủ nhà có ý co cự thì bọn nhà quan nói : Người ngựa quốc gia, dân sự phải châu cấp, bằng không thì dỡ nhà đi, chớ ở trong Quốc-vương thủy thổ làm chi không lợi ích nước nhà. Hai đàng cãi cọ
nhau hoài rốt việc chủ gia cũng phải chìu theo Lại quan, tối cơm nước rồi nghỉ.

Ngày 6 Juin 1936 – 17-4-â.l.

Thức sớm trà nổ điểm tâm. Samdhen cho chủ gia nổ và chút ít tiền. Bảy giờ lên ngựa đi, từ giã Sinhgarap trạm đi, đường đi lên dốc núi lần lần trời lạnh, lên cao chừng nào thì sự lạnh càng tăng 9 giờ rưỡi tới tiểu trạm Yasa, vào nhà nghỉ lúc trước đặng nghỉ, ông chủ nhà đi khỏi, chỉ còn cô gái con của ổng ở nhà và ít người đờn ông lạ mặt. Vào đó trà nước rồi nấu cơm. Khi đến trạm, thì con ngựa của huynh Samdhen bị lên dốc, nên mệt té nhào chết giấc. Mã tử kêu nói, thì huynh đệ đồng ra lo xông thuốc cho uống nước muối, lần hồi con ngựa khỏe lại, bần đạo thấy trên lưng ngựa có một mụt ghẻ lớn bằng đồng bạc, thì xin vôi xức ghẻ ấy và nghĩ rằng : Con ngựa nầy bị có ghẻ chính giữa chỗ gác yên, bị yên đè cấn mụt ghẻ, phần Samdhen cao lớn nặng cân, phần lên dốc đảnh nên ngất đuối. Lúc Samdhen ra thấy ngựa như vậy thì hỏi lăng xăng, bần đạo nói ngựa lên dốc nhiều mà ít nghỉ chơn, phần bị mụt ghẻ đau nên tới đây đuối mệt mà té. (Bị Samdhen ép đi quá và tánh huỷnh nóng nảy lắm, bần đạo biết ý người và có lúc động lòng cho loại vật bị ép đi không đặng nghỉ, có lúc ngựa đứng nghỉ mệt, huỷnh đánh đi không kịp nghỉ.) Cơm nước rồi 11 giờ rưỡi lên đường thì hai huynh đệ đi bộ một đỗi cũng xa, cứ lên dốc riết, đến hai phần đảnh thì tuyết còn trắng núi, trời gió, mưa tuyết lạnh quá. Khi ấy hai con ngựa đi đã tới. Samdhen hỏi, sao con ngựa nầy cỡi đặng chăng ? Bần đạo nói : huynh nặng cân, cỡi con ngựa của tôi vì nó khỏe mạnh, để tôi cỡi con ngựa của huynh. Thuận tình, lên yên, bần đạo không vui mà cỡi ngựa, song nếu bần đạo không cỡi thì Samdhen không cỡi và e sanh buồn. Lên lưng ngựa đứng thẳng cẳng trên chưng đứng cho hổng đít vì sợ cấn ghẻ nơi lưng ngựa, cỡi cách nầy con ngựa đi dễ dàng và coi bộ nhẹ nhàng vì thấy nó đi lung, song bần đạo gò cương không cho đi lung, đi một đỗi tới nơi đường bình lộ, bần đạo bảo mã-tử ngừng ngựa đặng xuống đi tiểu, ấy là ý không đành cỡi mà bảo mã tử dắt ngựa đi, bần đạo đi bộ, tới một chỗ đất cỏ, có một cô Tây-tạng chăn bò, kêu dưng Lạc (Dhahi), bần đạo đi tới, Samdhen hỏi ăn Dhahi không ? – Không. – Đoạn mấy người quan sai, họ uống ăn cùng nhau, bần đạo thả bộ đi trước, lên nhiều dốc rất mệt, nhưng thầm tưởng : thà ta chết mệt chứ không đành thấy con ngựa chết mệt vì ta, tư duy suy nghĩ rồi cứ đọc kinh cầu nguyện vừa tụng vừa đi, đi như vậy chừng vài cây số, thì người ngựa đã theo kịp, thì thấy Samdhen cỡi ngựa huỷnh, còn Choundouss cỡi con ngựa của tôi. Khi thấy thì động lòng cho cái nghiệp lực của con ngựa, lúc gặp họ thì bần đạo bảo Choundouss cứ việc cỡi, bần đạo đi bộ một hơi nữa, tuy mệt nhưng vì sự thương con ngựa, làm cho bần đạo thêm lực mạnh, đi riết, bỗng gặp Isess, huynh đệ đồng đi sau, thủng thỉnh đi hoài, lên nhiều cái dốc le lưỡi bỗng đã đến bình địa, ngó xuống xa xa thấy người ngựa đều nghỉ. Lần hồi xuống dốc khỏe chơn, trước mặt đã thấy thành thị Pharijong. Lúc tới chỗ họ nghỉ, Samdhen kêu bần-đạo bảo nghỉ và uống trà. Thuận tình, ngồi nghỉ uống một chén trà. Kế mã-tử bắt kế ngựa, bần đạo bảo Choundouss cỡi, nhưng huỷnh từ chối. Bần đạo sợ sanh buồn nên lên yên đi. Bốn giờ đã tới Pharijong chuyến nầy ngụ nhà khác, chớ không ngụ tại nhà của hai vợ chồng già lúc trước.

Vào nhà của một cô Tây-tạng, ngụ, hành lý lần lượt đã tới, nhưng gạo và vật nặng nề chưa tới. Nhà nầy rộng hơn nhà chuyến trước. Trà nước rồi nghỉ ngơi. Song nghỉ đâu đặng, Samdhen có đơn riêng nghỉ đặng, phần bần đạo bị ba người Lại quan ăn uống hoài, một lát xăng, một lát trà-nổ, cứ vậy riết tới khuya, họ lại trạm ngựa nghỉ, thì bần đạo mới nghỉ đặng.

Ngày 7 Juin 1936 – 18-4-â.l.

Nhựt thường lệ, điểm tâm, ăn ngọ, rồi cùng Issê rảo ra chỗ nhóm chợ, mua 6 chiêm đường cát, phút gặp huynh Tanzine Guêgane mời về chỗ ngụ, đãi xăng, bần đạo uống một chén với đường, còn Issê cứ gầm uống, bần đạo hối về. Ra về Issê ghé các tiệm mua thuốc hút, song họ sợ lính kín của quan nên không bán, về tới chỗ ngụ, nói không thuốc Nađặc mà cũng không có thuốc hút, bỗng có một người quen lại thăm nói : để tôi mua giùm cho, không quen mặt mua họ không bán đâu. Đoạn Issê đưa tiền cho người ấy đi mua, một lát trở lại đưa nửa gói 5 điếu nói : còn có 5 điếu giá 6 sous Tây-tạng. Trọn ngày lần lượt bọn coolie mang gạo và rương, gói đến. Ba sai quan cứ ăn uống tới tối, lúc 6 giờ thì bọn coolie đã đến đủ hết.
Xong việc, họ cơm nước và uống xăng tới 8 giờ, rồi tiệc, họ lui, bần đạo trải đồ ngủ, nghỉ.

Ngày 8 Juin 1936 – 19-4-â.l.

Sớm điểm tâm, kế mua xăng đãi ba người Sai quan vì bữa nay họ trở về Bhutan, Samdhen kêu ba người vào đơn hiến cho mỗi người một xấp vải trắng (2R.) một cục trà, và 1 đồng bạc Tây-tạng, cấp cho gạo, muối, đường, bộng sườn bò, nổ, beurre, đủ vật, họ lãnh rồi từ giã ra về. Ăn ngọ với nước muối ớt. Đoạn một chập lúc rồi ngọ, có hai người đến lãnh bao ngựa chở gạo và hành lý, đòi giá 15 rupee mỗi con, cả thảy 18 con. Lúc họ về, bần đạo hỏi Samdhen thì huỷnh nói : mắc mỏ quá, vậy chở gạo sao thấu, thôi để bán gạo rồi lấy bạc còn tốt hơn là mướn ngựa chở. Chập lâu bỗng có huynh Ngô-trúc, đồng hương với Samdhen ở Bhutan qua, tay cầm một con chồn dồn rơm bước vào thăm Samdhen, chào hỏi nhau xong, Samdhen cầm con chồn nộm ấy nói với tôi rằng : thầy mua nó đem về xứ bán chắc đặng tiền, bần đạo nghe thấp thố tưởng huỷnh nói huỷnh đem về xứ huỷnh, mới hỏi : Sao ? ¬– Huỷnh nói lại nghe mới rõ. Bần đạo hỏi ? – Giá bao
nhiêu ? – Thì Isess nói : 3 rupee – Issê nói 10 R, rốt nghe huynh Samdhen nói bên Bhutan giá 4 R. Tôi bèn nói : tại xứ tôi giá 5 cắc, không thiếu gì, có ai thèm dùng. Nghe nói vậy huỷnh chưng hửng, huỷnh nói tiếng Tây-tạng với các huynh kia, rồi đồng nhau xẻn lẻn hơi mắc cở. Ấy là ban đầu họ cầm bần đạo là điên, thôi cũng nhẫn tình. Nội buổi chiều họ uống xăng, cô chủ gia đem về một cô, đã say mèm rồi, cùng nhau họ giao bôi tới tối. Ca hát, tha hồ ôm ẩm rất thô. Đến tối 8 giờ qua mà còn chén thù chén tạc, bần đạo ngồi trơ đó niệm Phật, mặc tình gió dục bốn bên, cầm tâm nhẫn nhục. Nhà chật hẹp, chỗ ngủ của bần đạo là nơi đón khách, họ còn cụng chén, thì bần đạo vẫn ngồi lì chờ đến mãn tiệc mới nghỉ đặng, cả ngày luống ngồi. Khuya rồi mà Choundouss vẫn còn ôm ẩm nữ khách là người ban đầu huỷnh khinh là loạn phụ dâm nữ. Đến lúc nhiều chén quên hết, lửa dục đốt tiêu tâm tánh. Bần đạo thấy khuya rồi bèn nói, thôi đem nhau chỗ khác chơi. Kế huynh Ngô-trúc ôm chồn đến, say mèm, kêu nói om sòm. Chừng huynh Samdhen nơi liêu huỷnh cất tiếng rầy Issê và Ngô-trúc, nhờ vậy họ mới chịu nín và ngủ. Phong tục của xứ người như vậy, mình là khách lạ, như nước lòng sông, tùy tục chớ có biết nói sao. Mọi việc nhờ Phật lực mà mình tập đặng tánh nhẫn nại, chớ chi mình là kẻ ngoài trần, ắt chịu không nổi cái thói nhơ nhớp huê nguyệt của dân nam nữ Tây-tạng. Thiệt họ ăn ở không ngại ngùng, cái tục tệ đó thật là dã man, họ ăn ở còn theo thú vật, thân thể dơ dáy, dâm dục hỗn loạn, chỉ có lòng nhẫn nhục mới chịu nổi, trối thây.

Đây thuật chuyện huynh Ngô-trúc, người tuổi lối 50, vốn là người xứ Ladakh, là người đồng hương cùng Samdhen, Isess và Issê, còn Choundouss và Issê Sonam là người xứ Khâmpá. Xứ Ladakh là thuộc địa… Xứ Khâmpá là thuộc địa Tàu, hai xứ đều trong vùng Hymalaya Tibet.

Huynh Ngô-trúc khi nhỏ chịu thọ của nhơn dân trong xứ cấp cho đi đến Lhassa tu. Sau lớn lên ra thế, không dám về xứ, qua Bhutan đỗ ngụ. Ấy là phong tục xứ người, thọ của xuất gia, nếu không xong thì đi xứ khác lập gia đình chớ không trở về xứ đặng, nếu về xứ thì nhơn dân cũng đuổi vân vân…

Ngày 9 Juin 1936 – 20-4-â.l.

Nhựt thường lệ, bữa ngọ nay ăn sadou (Cham-jpapáp) với cải bẹ xào. Pharijong lạnh quá, tuyết còn đóng đầy núi, bần đạo bị hôm qua nay ho quá.

Ngày 10 Juin 1936 – 21-4-â.l.

Nhựt thường lệ, ngọ cơm nguội hôm qua hấp lại ăn, rồi lo sắp đặt hành lý đặng mai lên đường. Có mượn Choundouss đổi giùm 20 rupee tiền Tây-tạng. Bần đạo lấy ra ba tấm giấy bạc 10 rupee, nói với Samdhen rằng : Chỉ còn có bao nhiêu tiền để đi về đủ không ? – Huỷnh rằng : Thầy đừng lo, tôi có hiếm(1) đây, hết thì lấy dùng. Tôi nói, vậy tốt lắm, chừng về Calcutta sẽ tính trả lại cho huynh. Chiều bữa ấy, huynh đệ lo hành lý rồi cùng nhau uống xăng, theo tục họ, hễ gần từ giã thì làm tiệc xăng, không thịt cá chi hết, uống như uống dấm chua son, song họ ưa quá, vì xứ lạnh, uống nó lần hồi ấm áp. Bần đạo cũng tùy hỉ một hai chén.

Rồi tiệc bần đạo cho cô chủ nhà 2 rupee vì thấy mấy bữa ngụ tại nhà cổ, cực khổ không nài, mang nước xa năm, sáu trăm thước bằng một cái thùng lớn chứa ước hai thùng dầu hôi. Cô từ chối, nhưng bần đạo nói : Tôi là kẻ tu hành không nói chơi, cô cứ thọ lãnh, huynh-đệ cũng đồng ép, cô thọ lãnh và cám ơn, và mừng rỡ.

Ngày 11 Juin 1936 – 22-4-â.l.

7 giờ uống trà rồi, tạm biệt Pharijong, lên ngựa đi tới 12 giờ gặp quán tại xóm Dark, ghé uống trà rồi ăn ngọ bột với nước muối. Qua một giờ lên ngựa đi tới làng Tuy-na vào nhà quen đỗ ngụ, người chủ nhà cũng tử-tế. Samdhen hiến cho trà và một tấm hình Tháp Bodh-Gaya, đoạn chủ gia cũng có đáp lễ. Họ cơm chiều, bảo bần đạo dùng, bần đạo rằng : Ăn ngọ bột còn no lắm. Samdhen cằn rằng : Nếu thầy giữ lệ ngọ, e yếu sức chăng ? – Không. – Đêm ấy ngủ khá vì mê mệt sự đi đường. Tới đây phải đổi ngựa, mướn ngựa khác. Lúc ra đi thì có hai người của đức Bahalama Bhutan sai đi Tây-tạng cũng đồng nhập bọn đi, vì Samdhen cho đi chung. Khi đi tới Tuy-na thì bên mé hữu đường có một cái hồ nước lớn và dài thăm thẳm, hồ ứ, nên muỗi lung quá.

Ngày 12 Juin 1936 – 23-4-â.l.

Bữa nay thức sớm, 2 giờ thức lo trà nước rồi, 3 giờ lên ngựa, đi tới xóm Đôdark đã 8 giờ rưỡi, tạm ngồi trước sân nhà quen, nấu trà uống, Samdhen cho mã-tử tiền uống xăng, đoạn mã-tử trở về. Bần đạo cùng Samdhen uống trà đợi huynh-đệ còn đi sau với bầy la, mã chở gạo và hành lý sẽ tới. Mười giờ họ tới, 10 giờ rưỡi dùng bột với trà bỏ muối, họ dùng thịt sống. Ăn rồi, đi mướn ngựa không đặng, đoạn 11 giờ rưỡi Samdhen còn ghé mua xăng đãi bọn mã-tử, bần đạo thả bộ đi trước, đi theo mé hồ, muỗi mòng bay theo đen mịch, và đi và quạt, đi ước ba cây số ngồi nghỉ, chập lâu, thầy trò Samdhen, Sonnam đi tới, cũng ngồi nghỉ, đoạn Samdhen nói : Nay không có ngựa, tôi nói với mã-tử cho 2 rupee đặng tạm cỡi hai con ngựa của y, mà y không chịu. Đoạn huynh-đệ lần lượt đi, bần đạo cởi vớ giày đi cẳng không, đi riết tới 3 giờ gặp xóm, hỏi xăng không có, trời gió lạnh lẽo quá.

Từ Pharijong tới đây mới hết đồng trống, đường đi bằng thẳng, ước sửa soạn chút ít thì xe hơi đi đặng, nhưng bị trống trải gió quá, đi đường phải cây dù che hướng gió. Lần lượt đi tới 4 giờ thì trời mưa, lạnh càng thêm, đoạn bầy la, mã với bọn Choundouss, Issê, Isess và mã tử đã tới, gặp bọn bần đạo ngồi nghỉ, chừng bần đạo thấy Choundouss và Isess cỡi ngựa, thì Choundouss bảo Isess xuống ngựa và huỷnh cũng xuống, rồi bảo bần đạo cỡi, bần đạo bèn nghĩ rằng : Có lẽ cũng gần tới chỗ đỗ ngụ, cỡi chi cho mang tiếng cỡi, nên từ chối không cỡi, tuy đã mỏi cẳng, đến lúc gặp Samdhen mà huỷnh cũng không cỡi, đi riết tới xóm Kala trời vẫn còn mưa, ghé một nhà kia hỏi ngụ không đặng, qua một cái nữa gần đó hỏi cũng không đặng, đoạn mã tử bảo đi lần tới trước kia chừng sáu, bảy trăm thước sẽ có nhà quen với y, chắc hỏi ngụ đặng. Trời còn mưa lạnh lẽo, đồng đi cùng nhau, phút đã tới nhà quen ấy, mã-tử vào hỏi, bèn ra kêu nội bọn vào. Chủ gia chỉ một cái nhà bếp, trong có nhốt bò và chứa phân, thì Choundouss cùng huynh đệ vào quét dọn, chủ gia ôm bao bố đem vào trải dưới đất làm nệm, huynh-đệ đem hành lý vật dụng vào ấy là đồ ăn, ngủ. Bần đạo còn đứng ngoài cửa, phút thấy chủ nhà bưng một giỏ phân dê lộn rác rến đem vào chỗ ngụ ấy, thì bần đạo tưởng là rác bụi đem đổ mấy chỗ ướt át hoặc hũng. Đến khi huynh-đệ sắp đặt xong, thì Samdhen kêu bần đạo vào bảo : thầy ngồi nghỉ, thì bần đạo vào ngồi gần bên Samdhen, thấy trước đơn một cái cà-ràng sắt và một đống phân dê rác đổ đó, thì không hiểu là chi. Đến khi thấy chủ gia bưng vào trong một cái mẻ bê ít cục than lửa phân bò đổ trong cà-ràng rồi đi, thì huynh Bhutan bèn lấy cái ống bễ da ra rồi hốt cứt dê bỏ trên than lửa, mới thổi bễ, khói bay nghi ngút, nội bọn đều hì hít nước mắt nước mũi nhỏ sa, một chập chừng vài ba phút thì phân dê phừng cháy, đoạn Isess lo nấu trà, nấu cơm. Bần đạo nghĩ rằng : Từ Pharijong tới đây núi không cây cỏ mọc nổi vì bị tuyết đóng đầy đảnh hằng ngày, nên nhơn-dân đồng dùng phân súc vật làm củi. Một đêm nay ngủ trong chuồng bò, nhưng cũng đặng ấm áp, cám ơn chủ gia.

Ngày 13 Juin 1936 – 24-4-â.l.

Tối hôm qua Samdhen đã có chút ít tiền cho chủ gia, nên sáng nầy thức dậy sớm. Ba giờ mã-tử lo gác yên, gác hành lý rồi. Hai huynh-đệ lên ngựa cùng nội bọn lên đường. Hôm qua đi bộ mê mệt, nay đi ngựa đỡ quá, nếu đi bộ nữa chắc bết. Lần lượt đi theo triền núi, đường bằng thẳng, không đèo ải như đường từ Ghoom tới Pharijong và Pharijong qua Bhutan vậy. Dễ đi nhưng lạnh quá, tuy đường bằng song nó là bình địa trên đảnh, gió lung, tuyết nhiều, đảnh chót ngó thấp chủm như núi đất, nơi nào đảnh cao thì đường đi ít gió nhờ đảnh che.

Tới 9 giờ, ghé mé suối, thổi phân dê nấu trà uống, 10 giờ rưỡi ăn bột với nước muối rồi đi (11 giờ rưỡi) đi riết tới 4 giờ rưỡi thì gặp xóm Marguết, vào xóm hỏi chỗ ngụ, phước gặp nhà sạch-sẽ, vợ chồng chủ gia cũng tử tế, cho phòng ngủ sạch sẽ. Lo nấu ăn, đây có củi phân bò và củi chút ít. Samdhen nói : Đây chủ nhà tử tế quá, bần đạo nói : Vậy đáng cho y chút đỉnh. Samdhen rằng : Có rồi, trà và tiền chút ít. Đoạn bần đạo lấy ra 10 rupee, trả cho Samdhen 4 rupee, tiền mượn tại Pharijong và Bhutan, và cho huynh-đệ 4 rupee tự ý mua đồ ăn uống và đổi 2 rupee tiền Tây-tạng. Họ coi bộ vui mừng, ấy là đời kim tiền. Họ ăn cơm rồi ngủ.

Ngày 14 Juin 1936 – 25-4-â.l.

Sáng thức sớm 6 giờ điểm tâm cơm nguội với trà bỏ muối (ấy là cơm hôm qua, Samdhen thấy đã bốn, năm bữa rồi bần đạo không có ăn cơm vì họ không nấu, cứ ăn ngọ bột, nên chiều hôm qua họ ăn còn dư, huỷnh bảo Isess để dành cho bần đạo sáng điểm tâm). Cơm ước một tô, bần đạo bèn chia, mỗi người đồng ăn, rồi lên đường, chủ gia cho mướn hai con ngựa, cho con (15 tuổi) làm mã-tử. Vợ chồng đồng đưa ra tới đường. Lên ngựa đi tới 9 giờ, phút gặp nhà thơ, tạm ghé trước đường uống xăng ăn bột rồi đi. Đoạn 12 giờ tạm ghé mé suối ăn ngọ bột nước muối rồi đi, 4 giờ tới làng Tzanhtra. Vào hỏi nhà ngụ, cũng ngụ trong nhà bếp chật hẹp dơ dáy. Họ lo cơm nước, bần đạo cũng làm vui lòng họ, bảo rót một chén xăng ngồi chấm chút lúc họ ăn hồ hào. Đêm nay ngủ ít vì bị bò chét cắn quá. Song trước khi ngủ Samdhen nói, nay ngủ tới 6 giờ mới thức, trà nước rồi sẽ đi, vì đường đi còn 13 cây số ngàn sẽ tới Giăng-sê là nơi đỗ ngụ ít ngày. Choundouss ghé xóm mướn ngựa, sáng sẽ đem tới đây (1 rupee mỗi con và huê hồng mã-tử). – Thầy coi mắc quá. Bữa nay đi 21 cây số, 1 rupee 4 anna. Mai đi có 13 cây số.

Ngày 15 Juin 1936 – 26-4-â.l.

6 giờ thức, điểm tâm trà bột. Choundouss và mã tử đã tới, gác yên rồi, lên đường, 10 giờ tới xóm tạm ghé uống xăng, dùng trà, ăn bột. Bần đạo ngọ bột với nước muối ớt. Mười một giờ rưỡi lên đường. Một giờ đã tới Giăng-sê thành, mới bước tới địa phận, thì thấy một cái nhà không nóc (kiểu Tây-tạng) trên có một cây Thánh giá thập tự, quanh tường rào có cây cối sum-sê, cảnh xem sạch sẽ, nhà cửa đẹp đẽ (cũng kiểu Tây-tạng), khi đi qua khỏi đó, tới một cái cầu, khỏi cầu bần đạo hỏi nhà chi, Choundouss bèn nói, đó là nhà của quan Ănglê, mướn đất Tây-tạng ở đó, và quan và kẻ làm việc lối 30 người. Qua khỏi cầu ngó lên đảnh núi, thấy lầu đài, tháp, tường nguy nga, hỏi ra là Trấn-quan-đài, trải qua nhà cửa phố xá, đường đi đều có vẻ sạch hơn các địa phận Tibet đã trải qua, nhưng chẳng sánh sự sạch sẽ nơi Inde-Anglais đặng. Đây, quanh co, đường hẻm phút tới nhà ngụ, mã-tử tại Tzanhtra đi trước hỏi giùm rồi, và chủ gia cũng đã sửa soạn phòng ngụ tử tế. Vào sắp đặt hành lý chỗ ngủ, chỗ ăn an bài, bần đạo nghỉ, họ lo ăn uống. Samdhen trả tiền chở chuyên cho mã-tử Pharijong và mã-tử Tzanhtra, họ dùng xăng rồi về. Tối lại, huynh-đệ họ dùng bột và thịt, bần đạo cứ lệ cũ, một chén xăng chúm chép với họ. Ăn uống rồi, họ luận đạo cùng bần-tăng, nói việc ăn thịt, Samdhen rằng : Thầy không ăn thịt vì ý gì ? – Không ý gì, bần đạo ăn vào đau bụng, bị mổ xẻ, quan thầy cấm. Trước khi mổ xẻ cũng ăn thịt vậy. Samdhen rằng : ở Tibet, chư tăng đều dùng thịt, vì kẻ tu-hành ăn thịt thì loài vật đặng siêu thăng. Bần đạo rằng : Đạo Phật nhị thừa và nhiều pháp môn, tự ý nước nào theo phong tục nước nấy, không sao, tùy hỉ chỗ dùng. Bần đạo muốn nói : Sao không ăn thịt dòng họ : ông bà, cha mẹ, anh em, cho mau siêu thăng ? Song nghĩ vì, nếu nói ra e sanh sự chẳng vui. Bần đạo nói : Phật đạo như đám mưa, chúng sanh như cây, dây, cỏ trong rừng, nhiều hạng, nhiều loại, lúc mưa sà xuống, tùy sức, tùy phận mà rút hưởng nước ấy vân vân… Samdhen nghe qua ngồi trơ và gật đầu, đoạn nói : Phải, phải. Bần đạo bèn tiếp : Vì vậy xin đừng cười kẻ khác môn mình và khác ý mình. Thôi khuya rồi, ngủ. Êm giấc.

Ngày 16 Juin 1936 – 27-4-â.l.

Nhựt thường lệ, điểm tâm rồi, cùng chư huynh đệ Samdhen làm đầu, đồng đi xem thành phố, chợ nhóm. Quanh quẹo con đường, trải phố nầy nhà kia quán nọ, phút thấy chùa : cất kiểu Tây-tạng, trên tháp bằng đồng như tháp Népal nhưng nhỏ hơn. Samdhen nói chùa nầy 1000 tăng chúng. Chùa nhỏ hơn chùa tại Lhassa. Bần đạo xem qua, tưởng rằng : nhỏ của nước người, song lớn và đông hơn xứ mình, phút tới chợ nhóm, buôn bán, đồ Anglais có, đồ Tây-tạng có, đồ Népal có, vì có chút ít người Népal đến ngụ tại đây. Lúc đi cũng đã có gặp một, hai người Népali. Xem rồi các nơi buôn bán hai bên lề đường phố và chùa. Bần đạo mua hai cái hộp quẹt (anglais) giá 8 sous Tây-tạng và cải củ giá 18 sous với 12 sous đồ bột cà-ri và 4 sous ớt bột. Bỗng có người lính tuần cảnh tại China đi Lhassa về tới đây, gặp Samdhen mừng rỡ và mời về chỗ ngụ. Samdhen và Choundouss đi, bần đạo không đi, cùng hai người Bhutan xẩn bẩn theo quán chợ nhóm xem, bỗng gặp Issê và Sonnam đến, cùng nhau rảo một chập nữa. Issê bèn rủ đi vòng xem thành phố và về luôn. Lúc đi ngang qua một dãy nhà thấp hẹp, dòm vào tối tăm. Issê bèn nói : đây là nhà hàng Tibet. Đi lần lượt tới Post-office và Hospital civil, kế tới nhà ngụ là 11 giờ. Bước lên lầu thấy Samdhen ngồi trước phòng, Isess bán gạo. Bần đạo vào đơn, xắc củ cải, rồi ăn ngọ bột với lá củ cải chấm nước muối ớt. Còn củ cải rắc muối để dành nấu mai ăn ngọ. Chiều lại họ ăn cơm với nhau, bần đạo chỉ giữ lệ ngọ trung rồi thôi.

Đoạn tối bàn luận cùng nhau. Samdhen hỏi bần đạo, Quốc độ của thầy niệm Nam mô Buddha, Darma, Sangha rồi thôi sao ? Tôi thường nghe cả thảy chư Bí-sô Ceylon niệm ba bực đó thôi, không như Quốc độ Tibet thường niệm bốn : Nam mô Guru, Buddha, Darma, Sangha. Có vị Bí-sô Burma cãi với tôi, tôi nói : Nếu không có thầy giảng dạy làm sao biết pháp Phật tu hành, nên chi phải niệm Guru là thầy trước. Bần đạo rằng : Phái tiểu-thừa niệm ba ngôi, còn đại thừa niệm bốn ngôi. Phải vậy. Đoạn huỷnh hỏi tôi : Nalanda là nơi chư La-hán tả kinh luật, vậy thầy có nhớ vị nào hội chép kinh luật chăng ? – Bần đạo nói : Nalanda là nơi Darma địa, khi Phật niết bàn rồi thì chư đệ tử nhóm lại tả kinh, luật, luận. Tôn giả Ca-diếp (Kassyapa) ngài Chấp chưởng Tăng già theo lời di chúc của Phật và đặng truyền y bát là bực nhứt tổ (Sơ tổ sư). Ngài nhóm chư La-hán tại Nalanda mà lo chép kinh, thì Ananda nói kinh, Upali nói luật, còn Ca-diếp thì tăng-già. Sau đời vua Asoka thì nhóm tại Patna Kinh đô. Samdhen bèn bảo Choundouss biên vào sổ tên ba vị La-hán tả kinh như lời bần-đạo. Đoạn huỷnh nói : Khi tới Lhassa, tôi sẽ đem thầy ra mắt một vị Đại-đức Bahalama biết đủ thứ tiếng. Ấy là đức Phật-tử Rahula tái sanh. Ôi ! thầy thấy đặng ngài thì thầy sẽ biết, thiệt quang minh tướng mạo, mũi ngay, tai lớn, mắt to sáng suốt như sao. Ngài nghe đủ thứ tiếng, thầy đến ra mắt ngài và nói tiếng Annam rất tiện. Tổ sư sẽ trả lời bằng tiếng nước của thầy và sẽ nói cái trình độ tu hành của thầy và sẽ giáo hóa thầy, còn nhiều vị Bahalama nữa, tôi sẽ đem thầy ra mắt đủ hết. Vì khi thầy còn ở Ghoom, lúc ra mắt Bahalama Dromo Gheshay, thì ngài có bảo tôi, khi đến Lhassa phải đem thầy viếng cả thảy chùa và ra mắt cả thảy chư Bahalama và đức Quốc Vương Tây-tạng.

Bần đạo nghe qua bèn chấp tay nói cám ơn Đại-đức Bahalama Ghoom và huynh. Lúc còn ở Bodh Gaya thì tôi có ra mắt ngài và huynh có thuật việc tôi muốn đi Tây-tạng, thì ngài có nói : Đặng lắm và đi không khó nhọc chướng ngại chi cả. Lời tiên tri ấy, đến nay cũng y nguyên. Đoạn huynh đệ nghỉ.

Ngày 17 Juin 1936 – 28-4-â.l.

Nhựt thường lệ, sớm điểm tâm trà bột, đoạn mượn cối đâm bột cà-ri. Lúc ấy Samdhen rủ bữa nay đi ăn nhà hàng Tibet. Bần đạo nói : Đã lâu không dùng cà-ri, hôm qua đã có mua củ cải, vậy bữa nay tôi ăn cà-ri và cơm. Huỷnh nghe qua hối Isess nấu cơm cho tôi dùng ngọ. Isess nói mới có 8 giờ rưỡi, vậy để một lát sẽ nấu. Bần đạo đâm rồi bột cà-ri, bèn lấy cải củ trộn bột cà-ri rồi đem xuống bếp nấu, nấu rồi thì Isess nấu cơm giùm. Mười giờ thì huynh đệ họ kéo nhau đi hết, chỉ có một bần đạo ở nhà lo cơm ngọ, cơm và đồ ăn đã sẵn rồi. Mười một giờ huynh đệ họ về, thì bần đạo đương ăn ngọ. Lúc ấy có một vị Lama là người đồng xứ cùng Samdhen đến thăm, đãi xăng, họ ăn thịt sống uống xăng, đàm đạo vui vẻ cùng nhau, bần đạo chỉ tùy hỉ. Đến chiều họ rã tiệc xăng, thì Lama khách kiếu về. Samdhen kỉnh hai mủng(1) gạo và cốm dẹp. Isess bưng đồ đưa về. Đoạn tối lại, Lama khách và Isess trở lại, người có xin phép Bahalama ở đêm với Samdhen, nên trở lại bèn xuất tiền mua xăng đãi nội bọn, cùng nhau họ uống xăng tới 8 giờ rồi ăn cơm, cơm rồi uống xăng nữa tới 9 giờ rưỡi bãi tiệc ngủ. Bần đạo cũng vui lòng cầm chừng với họ chút đỉnh xăng. Người thợ dệt cũng dưng xăng, cô chủ nhà cũng dưng xăng, làm cho Choundouss và Issê say mèm.

Ngày 18 Juin 1936 – 29-4-â.l.

Không chi lạ, sáng thức, trời mưa hồi khuya cho tới sáng còn rỉ rả, bần đạo đi tiêu vào thẳng xuống nhà bếp múc nước rửa mặt, song hết nước. Đến 8 giờ mới có nước, nhưng nước đục như nước cơm vo ban đầu, rửa mặt rồi vào liêu điểm tâm cùng họ, họ mời ăn bánh canh thịt. Samdhen nài ép mấy lần, bần đạo chỉ từ chối, cứ nhồi bột ăn lạt vậy, cứ nói ăn thịt đau bụng, nên từ quyết. Đoạn tới ngọ, không cơm, không bột, chỉ có một chén đậu nành rang của cô chủ gia hộ, tiện việc bần đạo bèn dùng nó ăn ngọ. Các huỷnh đã ăn Thúc bá hồi 9 giờ nên không ăn ngọ. Đến chiều 3 giờ thấy huynh Samdhen bảo cô chủ mua beurre giùm và huỷnh bảo huynh đệ xúc gạo một mủng và nửa bẹ sườn dê khô đặng đem dưng vào chùa. Còn mua bánh trái đường bột, lo làm cỗ đặng mai cúng dường tại điện Phật của cô chủ nhà. Huỷnh nói : Ngày mai mùng một, nên lo cúng vía. Bần đạo liền hoan hỉ bèn lấy một tấm giấy bạc Tây-tạng thứ 2 rupee ănglê trao cho huỷnh và nói : xin cho tôi hùn cúng 1 R tại chùa và 1 R tại nhà. Huỷnh tiếp lấy và nói : Tốt lắm, vậy mai đi vào chùa cúng dường. Đoạn chiều lại 4 giờ rưỡi, có lama đồng hương với Samdhen đi với một vị lama nhỏ đến viếng. Samdhen bèn đãi xăng, uống vừa tất một hồ xăng, thì Samdhen cậy đi với Isess đem lễ vật cúng dường vào chùa. Hai người đi ước vài giờ trở lại cùng nhau nhậu xăng, ca hát với nhau đến 8 giờ, họ ăn cơm cùng nhau, Samdhen nói ngày mai không cơm, bột ngọ chi hết, vậy thầy nên dùng chút ít cơm cùng anh em tôi. – Tôi ăn đậu nành rang còn no, chư vị dùng, để tôi dùng xăng cho ấm. Đoạn họ ăn cơm rồi còn uống xăng nữa tới 9 giờ mãn tiệc, ngủ, hai vị lama khách cũng ngủ tại phòng cùng huynh đệ.

Ngày 19 Juin 1936 – mùng 1-5-â.l.

Sáng thức sớm rửa mặt mày, đắp y rồi cùng huynh đệ, có hai huynh Khampa cũng đồng vào điện Phật, tại nhà ngụ và cúng dường và nhậu trà theo cách Tây-tạng. Họ làm cách hữu vi theo họ, còn bần đạo chỉ tụng kinh Pháp-hoa. Từ 6 giờ cho tới 9 giờ rồi sự cúng dường. Thì cô chủ đem Thúc bá thịt (bánh canh thịt) vào dưng mỗi người một chén kiểu và một chén bột trộn đường, có một mủng bột cổ và chư vật cúng dường. Bần đạo mượn Samdhen nhồi bột ăn với nước trà, còn chén bánh canh thịt thì cô chủ bưng đi sớt cho mấy huynh. Rồi việc ra sửa soạn 10 giờ rưỡi đi vào chùa, khi đến liêu Lama đồng xứ, thì tạm đó uống trà, một chập có một vị Lama bước vào, ai nấy đồng đứng dậy.

Ngài vào liêu riêng rồi ra cũng ngồi chung đơn uống trà. Thì Samdhen nói, lama nầy là Bahalama ở chùa nầy cũng đồng xứ cùng tôi. Đoạn 11 giờ rưỡi dưng mỗi người một bát cơm. Tôi cùng Samdhen cơm đường với nho khô, còn chư huynh đệ thì cơm và đồ mặn. Ăn rồi dùng một chập trà nữa, đoạn hai vị lama chủ dẫn huynh đệ vào chùa, trước vào chùa thiền, rộng lớn, thờ Phật Thích-ca và chư Tổ-sư, đoạn lên từng trên, mỗi chỗ đều có cúng chút ít tiền và nhang. Hết chùa thiền qua Tháp sáu từng, dẫn lên tới chóp tháp thì bết cẳng, thở ra khói. Khi đến chót đứng nghỉ một chập vào điện chánh lễ bái, lần hồi trở xuống từ từng, mỗi từng đi nhiễu hữu và lễ bái mỗi điện, xuống tới dưới chót thì đếm là 108 điện, thờ đủ chư Phật, Lịch-đại-tổ-sư và chư lama-tổ, còn nhiều điện nữa, nhưng cùng nhau kéo về tới nhà ngụ là 2 giờ.

Samdhen 4 giờ đi thăm danh tộc và cậy mướn ngựa. Lúc trở về nói xong việc ngựa rồi. Khi tối lại hỏi thăm Choundouss những cốt Phật, cốt Tổ-sư Lama cao lớn trong chùa bằng cây phải chăng ? – Không phải. Cả thảy bằng đồng. – Bần đạo hỏi nữa : Chớ không có cốt nào bằng đất đắp như bên Bhutan mà chúng ta đã ngó thấy vậy sao ? – Huỷnh rằng : Không có, lớn nhỏ toàn là đồng cả. Ôi ! nghĩ cho nhiều cốt Phật cao lớn đôi ba thước tây, còn riêng có một cốt Tổ-sư Lama ngồi đụng nóc chùa, cao có bốn thước tây, nếu là bằng đồng thì nặng biết bao nhiêu, chắc là đúc bộng… Kế lúc gần ngủ Samdhen rằng : Mơi mai có bốn ngựa chở đồ và Issê, Isess với hai huynh Khampa đi trước, mốt có bốn con ngựa, tôi, thầy, Choundouss và Sonnam đi sau. Vậy mơi thức sớm, gói cả hành lý của thầy chừa đồ ngủ gác yên ngựa như mọi lần đủ ngủ ấm thôi. Đoạn ngủ.

Ngày 20 Juin 1936 – mùng 2-5-â.l.

Thức sớm, huynh đệ sửa soạn hành lý. Tám giờ có ngựa lại, hai con gác hành lý đi trước với hai huynh Khampa, đoạn 8 giờ rưỡi ăn bột và thịt nấu bún, bần đạo ăn với nước muối rồi 9 giờ Issê, Isess lên ngựa đi trước. Samden, Choundouss, Sonnam và bần đạo, ngày mai mới có bốn con ngựa lên đường. Ngày nay không ăn ngọ, 4 giờ chiều cô chủ gia đem hộ một chén nổ (né) dùng đỡ bữa cũng qua ngày. Đoạn lúc 5 giờ có một vị tiểu lama lại chơi, Samdhen bảo bần đạo ở nhà, huỷnh cùng Lama khách đi thăm người quen và mướn may lá lót yên ngựa. Hai người ra đi, bần đạo một mình ở nhà, kế một lát có huynh Lama Lađặt lại ngồi ngoài với Choundouss cùng nhau uống xăng, lối 6 giờ Samdhen về với tiểu lama, huỷnh bị uống rachi say mèm, vào phòng ngụ kêu Choundouss bảo đãi xăng cho bạn đồng hương. Huỷnh kêu Lama đồng hương và nói và khóc, tỏ ý lâu ngày gặp nhau, nay gặp mừng lắm. Huynh đồng hương có ý cằn-rằn quở trách tiểu lama, sao đi với Samdhen lại để Samdhen uống quá chén. Tiểu lama nói tỏ ý, huỷnh bị Babon ép uống, nhưng không bao nhiêu, bị huỷnh yếu nên say. Bảy giờ rưỡi thì huỷnh ngủ. Huynh đồng hương lúc 8, 9 giờ mãn tiệc về.

Đêm nay Choundouss sanh dâm tâm, mượn bần đạo 4 cắc Tây-tạng cho tình nhơn. Huỷnh làm cho Issê Sonnam cũng ngủ không đặng cứ vô ra hoài. Tiểu lama cũng không ngủ. Bần đạo dòm tình hình lấy làm thương ôi cho thế tục, vì dâm mà phải trầm luân nơi khổ bể. Bần đạo tư duy thị sự, đoạn niệm Phật rồi nghỉ.

Ngày 21 Juin 1936 – mùng 3-5-â.l.

Sớm mơi thức dậy, Samdhen có hơi bẽn lẽn cùng cô chủ gia, song cũng rán giả lả hỏi han chuyện vãn, rồi lấy 3 R đền đáp tiền phòng. Bần đạo có viết thơ gởi về Nam Việt. Samdhen mượn cô chủ cho người bỏ thùng giùm có đưa vài cắc tiền nước.

Đoạn 8 giờ điểm tâm vì có mã tử đem bốn con ngựa lại rồi, ấy là ngựa hộ tống, vì Samdhen có quen với Bơda-Alessir Trấn quan nguyên nhung tại Giăng-sê, nên có xin trát quan, đặng đến các trạm trình cho quan, làng sở tại đặng mướn ngựa giùm, chỗ nào ở ngụ đêm thì có chỗ ăn nằm tử tế và có củi nước đủ lẽ, nếu không có trát ấy, dầu có tiền cũng khó kiếm chỗ ngụ, khó mướn ngựa, khó có củi nước.

Thiệt cũng đáng kính tánh ý lanh lợi xử thế của huynh Samdhen, lấy tép nhử tôm, đem cơm đổi gạo. Làm quen các nơi danh tộc hào phú, quan dân, nhờ vậy mà đi tới đâu cũng đặng người kính mến và nội bọn an ổn, bần đạo dựa chút hơi ấy mà đặng trải qua các hiểm trở đất Tây-tạng.

9 giờ ngựa gác yên xong, bốn huynh đệ đồng tạm biệt Yangksê thành, chào chủ gia, xuống lầu lên ngựa. Đường đi cũng dễ, chỉ có một cái đèo cao mà thôi, còn bao nhiêu đều là đường bằng. Các huynh quen theo phong thổ, cả thảy nhơn dân đều biết cỡi ngựa làm chưn, nên lên lưng ngựa giục sải, tế như bay. Còn bần đạo mẹ đẻ đến lớn không biết cỡi ngựa, vì xứ Việt-nam, đường sá thông thương, xe hơi, xe ngựa hằng dùng, nên không biết cỡi ngựa, ngựa đi thủng thẳng thì đặng, bằng nhảy sải, thì hỏng đít hòng té xuống đất, nên đi sau chót, cho nhảy cà xọt, đau đít đau hông, nhưng cũng rán mà theo họ, nếu không thì lạc đường. Niệm Phật mà đi. Tới một khoảng đường kia, mấy huỷnh dừng ngựa chờ, khi bần đạo tới thì Samdhen nói : Sao lâu vậy, đường xa mà đi vậy thì không tới sớm đặng. Bần đạo có ý buồn lòng, trả lời rằng : Mới lần thứ nhứt bần đạo cỡi ngựa, cỡi đi lung quá không đặng, mấy huynh cứ việc đi trước, bần đạo lần hồi theo sau, nói rồi họ đi. Coi ý huynh Samdhen giận, bần đạo nhẫn nhục đi sau 10 giờ rưỡi thì họ đã tới làng Guôi-si, ghé đổi ngựa. Bần đạo bị đi sau, nên lúc qua cầu Guôi-si thì cho ngựa đi thẳng, vì ngỡ mấy huynh đã đi xa rồi. Bỗng có một cô Tây-tạng chạy sau kêu ngừng ngựa, bần đạo bèn quày ngựa lại, tới cô Tây-tạng xuống ngựa, cô dắt ngựa vào nhà trạm, bần đạo theo sau, khi vào đó thì thấy mấy huỷnh đã ăn bột uống trà rồi.

Choundouss mời ngồi rồi bảo dùng bột và trà, rồi đổi ngựa đi nữa. Samdhen ngồi trong đơn ở trong phòng yên ổn không quở tới bần đạo, nhưng bần đạo an lòng nhẫn nhục, vui cười với Choundouss và nói : Con ngựa đi không đặng, bần đạo bị nó nhảy cà xọt nên mệt quá, và nói và cười, ăn sơ sài bột, uống sơ vài chén trà, đoạn Samdhen trong đơn bước ra, bần đạo dã lã cười nói, hỏi : huynh trà rồi sao ? Đoạn huỷnh thấy bần đạo tươi cười thì huỷnh ăn năn bèn nói : Thầy hãy dùng bột cho khá vì đường còn xa. Bần đạo nói : ăn rồi, ăn rồi, bèn đứng dậy ra giúp người gác yên ngựa. Cô chủ nhà cầm cái trát xem rồi, trao lại cho Samdhen. Ngựa xong rồi 11 giờ rưỡi lên đường, chuyến nầy đặng con ngựa đi chạy, êm ái, bần đạo không sút tấc đường cũng đồng với các huỷnh. Hai giờ tới làng, trình trát xin đổi ngựa, nhưng có một cô chủ gia kia đứng dưới ngựa xá Samdhen xin tạm nghỉ mai lên đường vì ngựa ở xa đổi không kịp. Huynh Samdhen cũng hoan hỉ vì tiếng nài nỉ. Cô nọ bèn dắt thẳng về nhà, đơn tợ tử-tế. Không có đồ ăn chay, nên Samdhen mượn cô chủ gia mua hột gà ăn đỡ.

Ngày 22 Juin 1936 – mùng 4-5-â.l.

2 giờ sáng thức, trà nước xong, 4 giờ lên ngựa 9 giờ tới làng Gialum đổi ngựa, ăn bột ngọ rồi 10 giờ rưỡi lên ngựa lối 1 giờ tới một chỗ núi trùm tuyết trắng phao, huynh đệ đồng xuống ngựa nghỉ đoạn thấy cảnh tốt, bèn chụp hình rồi trà nước nghỉ một chập lên đường. Ba giờ chiều tới xóm Gia-ra, xuống ngựa vào nhà trạm cận đường nghỉ ngựa, thì đã gặp các huynh đi trước với toán la chở hành lý. Cùng nhau xăng, trà, bột rồi hỏi thăm làng Năng-cann-sê đường còn bao xa, thì chủ gia nói còn xa lắm, nếu đi bây giờ thì khuya mới tới, tốt hơn là nghỉ đây sáng đi. Nghe qua, Samdhen bảo các huynh Isess, Issê và hai huynh Khampa lo đi trước với hành lý. Bốn huynh đệ ở lại nghỉ, mua cỏ cho ngựa ăn, nghỉ đêm tại đây. Thương thay Samdhen cả buổi chiều cho tới khuya bị kiết, đi ngoài liền đeo. Phần chốn nầy núi tuyết tứ phía bao quanh, thêm gió thổi nên lạnh lẽo hết sức, huỷnh đi hoài mệt lắm, lạnh lắm. Khuya huỷnh nghỉ êm. Bần đạo bốn lớp mền còn lạnh, phần bị ngủ dưới đất không đơn, giường chi hết, phần vách đá không tô, hơi lạnh càng thêm. Đêm nay bần đạo không ngủ.

Ngày 23 Juin 1936 – 5-5-â.l.

Sáng trà nước xong, Samdhen hết kiết. Sáu giờ rưỡi lên ngựa đi, ngựa chạy, gió dồi, tuyết lạnh, đi tới làng Năng-cann-sê đã 10 giờ rưỡi. Lúc ấy thì đã có chư huynh đệ đi trước hôm qua, đứng chực đón. Xuống ngựa vào nhà của một vị chủ gia quan lại nghỉ. Làng nầy đông đảo, có hồ nước chạy dài theo chưn núi, đây có đài quan cất trên đảnh xem ra cũng oai nghi. Isess xầm xì to nhỏ, ý nói nhà quan trang nghiêm, giàu có. Samdhen nghe qua, sắp đặt đơn tề chỉnh, chủ gia có cho một cô tiểu nữ hầu trà nước. Isess vào ra, dường như làm chim mồi nói năng cùng chủ nữ, nên chi chủ nữ mới xin coi quẻ. Isess vào nói nhỏ với Sam-dhen, huỷnh lại càng khoái ý nói : Đặng. Họ xầm xì, nhưng cử chỉ ấy bần đạo đều thấu đáo. Isess đi hỏi tuổi, chập lâu vào nói : Samdhen xủ quẻ, làm mặt. Xem quẻ rồi viết các việc trao cho Isess đem cho chủ nữ. Lạ chi cái thói đờn bà ham điều dị đoan, và buộc đờn ông cũng thuận theo họ. Đoạn một chập chủ gia vào ra mắt Samdhen tỏ ý cám ơn và xin phái quy y nội nhà. Samdhen càng khoái ý, làm mặt làm mày, lấy phái đã làm sẵn, đem ra làm đủ lễ, niệt, chú đủ điều, Isess làm sứ đệ đi. Chừng ông chủ gia mới đem thịt dê khô và tiền lễ vào dưng, huynh đệ họ coi bộ khoái lắm. Biết đặng một nhà thì ra quen cả xóm, bọn con cái và bà chủ nhà đi cùng các nhà hào hộ trong làng đồn nói rủ ra, nên cả buổi chiều sáu, bảy cô ăn mặc tử tế, đầu cung diện ngọc tới xin xem quẻ, xin phái, xin niệt, thi lễ cúng dường, Samdhen càng bày vẽ linh đình. Kế kẻ ít tiền đem chút ít tiền thỉnh niệt, tới khuya rồi việc. Huỷnh còn phòng hờ giờ sáng, lấy vải vàng vải đỏ xé làm niệt, hỏi bần đạo có vải vàng, cho huỷnh. Bần đạo nói có cái y ngũ điều đó huynh dùng thì dùng. Huỷnh lè lưỡi, rằng không dám. Đoạn ngủ.

Ngày 24 Juin 1936 – mùng 6-5-â.l.

6 giờ uống trà, huỷnh nghe ở ngoài có tiếng, hay tiếng giày thì ngóng cổ qua cửa sổ dòm chừng ấy là tưởng cho còn ai tới xem quẻ hay cần thọ phái hoặc xin niệt. Vì ngày hôm qua tiền công quả trên 1 rupee.

Ngóng không ai, 7 giờ xứ nầy mặt trời lên cao bằng xứ ta 10 giờ, vì 4 giờ sáng đã có mặt trời lên cả sào. Đoạn ngựa gác yên rồi, đồng lên đường, ngựa không mấy mạnh, xấu mã lắm, đi lối sáu, bảy cây số thì mã tử vào làng đổi ngựa, không vào xóm, ngồi đỡ ngoài bờ lộ chờ. Đoạn có ngựa, đồng đi tới 12 giờ rưỡi thì tạm ghé làng Pê-tê, đổi ngựa và ăn ngọ luôn và nghỉ luôn đêm tại trạm nầy.

Ngày 25 Juin 1936 – mùng 7-5-â.l.

Sáng thức sớm, 5 giờ lên ngựa đi, ngựa lên đảnh núi Nhaip-xốc-la (nhaip là đất, xốc là lưng) lên đèo nầy ước vài giờ mới tới đảnh, xuống ngựa, vì xuống cái dốc ải nầy, ngựa dắt đi còn trợt lên trợt xuống, hà huống là cỡi. Đi bộ trút 3 giờ đồng hồ mới tới triền bình địa, mệt ngất lên ngựa đi tới 10 giờ rưỡi tới làng Dum-bô-chê xóm Nhaip-xốc. Vào xóm trình trát, có quan lại tiếp trát xem, đoạn mời vào căn nhà có đơn tợ tử tế, uống trà đợi đổi ngựa. Đoạn 11 giờ rưỡi ngọ bột rồi lên ngựa đi, 12 giờ rưỡi thì tới bến đò. Mã tử dắt ngựa về. Samdhen nói : Thầy ở đây ngủ một đêm với Issê và hai người Khampa, còn tôi cùng Choundouss, Isess và Sonnam qua đò vào làng xin mướn ngựa rồi đi luôn đàn bộ đến Xú-xuol, còn thầy sáng đi đường thủy với ba huynh đệ kia. – Đặng. Đoạn ba huỷnh xuống đò bằng da đi qua bến bên kia xóm. Trên núi mà có ngọn hồ nầy, hỏi ra giòng 50, 60 cây số. Khi họ xuống đò, bần đạo có chụp hình. Chừng họ qua bển rồi, thì bần đạo lại bến đò cùng hai huynh Khampa đem hành lý lại chỗ bến chất đồ gần đó mà nghỉ. Chập lâu thì người ngựa Issê đã đến, toán la chở 12 bao da gạo và rương với hành lý đã đến, chất các vật trên bến, mã-tử và la-tử trở về, có huynh Tanzine Guêgane cũng tới, năm người đồng tạm nghỉ nơi bến. Sẵn nước bần đạo bèn giặt áo, khăn, vớ, mũ, đoạn tắm sơ. Nước ngọn hồ nầy có chỗ chảy mạnh có chỗ ương, chỗ bến nầy nước rỉ rả chảy, nước hơi đứng. Nước cũng lạnh như đồng, tắm sơ lược thôi. Chiều lại đồ khô, mặc vào, kế gió thổi cát bay lấp đầu cổ, quần áo trắng phao. Issê bàn lấy vải che sơ gần đống thùng chất của bọn Népal chỗ khuất gió, lấy đồ ngủ của bần đạo trải rồi mời lại tạm ngồi trốn gió. Cám ơn huỷnh, lại đó ẩn gió đỡ quá. Mấy huỷnh bèn lấy đá làm táo nấu trà uống và nấu ăn chiều. Các huỷnh đi rảo trên bến lượm phân bò khô đem lại lò lấy ống bễ da thổi lửa nấu ăn. Cách nầy cũng ngộ, nhờ ống bễ, phân bò cháy có ngọn không sợ gió, lại mau sôi mau chín, bần đạo ngồi xem cách họ cực lựcbữa ăn chiều cũng khá thương. Họ ăn uống rồi thì kế trời có hơi muốn mưa, vừa rớt hột thì họ lấy vải căng che chỗ bần đạo ngồi, song mưa vừa ướt áo rồi thôi. Cả buổi tối tới khuya mới hết gió. Năm huynh đệ chèo queo ngủ. Bần đạo ngủ gần huynh Tanzine Guêgane, khuya thức giấc thì trăng đã gần chen lặn. Chung ra ngoài, hết gió, ít lạnh, ngồi ngoài hút tàn một điếu thuốc, chun vào nghỉ.

Ngày 26 Juin 1936 – mùng 8-5-â.l.

4 giờ sáng thức dậy, lo nấu trà uống, uống chừng hai giội trà, kế bọn đò tới, chất hành lý vào hai chiếc đò da, chất rồi đồng xuống đò chèo đi. Trải qua nhiều khúc rạch hồ nước bị hàn ngăn chảy ồ ào như xối, có nhiều khúc rộng lớn mênh mông, hai bên mé nhà cửa xóm làng cũng đông đảo. Trên đảnh cây mọc không nổi vì tuyết, nhưng theo bến có chỗ xóm ở có trồng cây cối sum sê. Đi tới 8 giờ, thấy một cảnh chùa cất dựa hông núi, ngó xuống ranh hồ xem qua đẹp đẽ. Bần đạo muốn chụp hình, nhưng trời u ám chụp không đặng. Đi một đỗi nữa trời thanh tỏ lại, gặp một cảnh bến có nhà, có cù lao, có miễu, bần đạo bèn chụp ảnh cảnh ấy. Đò da lúc chậm lúc mau vì ngọn nước, hai con đò (đờn ông) hò hát u ơ chèo rỉ rả 9 giờ rưỡi tới làng Xú-soul. Đò ghé bến, chất đồ lên, Guêgane đi dọ coi Samdhen tới chưa, dọ xong trở xuống bến, vác đồ hành lý ngủ của bần đạo và dắt bần đạo đi đến chỗ ngụ, đến nơi thấy một mình Samdhen ngồi chong ngóc, thấy hai huynh đệ vào, bèn chào hỏi, đoạn hỏi bần đạo hôm qua ở tại bến đò Cô-trúc Nhaip-xốc-la tốt chăng, đêm ngủ đặng chăng ? – Ôi ! cực vì gió lung quá, cát bụi đầy mình, thêm tối trời mưa, chỗ ngủ ngắn chẳng đầy thước, cả đêm chèo queo mà chịu. Huỷnh cười rằng : Tôi hôm qua vào xóm, tới chiều mới có ngựa, ngựa lại xấu mã, cà xọt tới Xú-soul nầy cùng Choundouss 10 giờ. Isess 11 giờ, Sonnam 12 giờ khuya mới tới, tôi tới trước, xóm đóng cửa ngủ hết, kêu rát cổ mới đặng nổi chỗ ngụ lôi thôi, tôi rầy la đưa trát ra, họ mới nhúc nhích, cực quá. – Đoạn 10 giờ ăn bột với nước muối rồi 10 giờ rưỡi lên ngựa đi tới làng kia… gặp Choundouss và Isess ở dưới bóng cây chực đón, có người trong xóm cũng sẵn đó. Xuống ngựa, uống trà, uống xăng, đổi ngựa xong rồi đi, chỉ có con ngựa của bần đạo, không đổi, để đi tới Lhassa. Mười hai giờ rưỡi đi, ngựa lúc đi mau lúc chậm. Hai giờ rưỡi đã tới Giăng-mạch, huynh đệ đồng xuống ngựa vào nhà trạm nghỉ luôn đêm.

Ngày 27 Juin 1936 – mùng 9-5-â.l.

Sáng 6 giờ lên ngựa. 9 giờ tới Nhê-thăng, nghỉ luôn sáng sẽ lên đường, bần đạo mừng vì ngựa còn đi xa đường, nghỉ vậy tốt lắm.

Samdhen nói : Còn 30.000 thước tới Lhassa, vậy ngày mai sẽ tới nơi rồi, bần đạo rất mừng, mấy tháng mệt mỏi, nay nghe mai tới Lhassa mừng hết mệt. Đoạn 11 giờ rưỡi ăn ngọ bột với canh cải. Đường đi từ Yangk-sê tới Nhê-thăng, khó ít vì đèo dốc ít, đường bằng lung, nên ngựa cũng dễ đi. Bần đạo nói với Samdhen đổi giùm 2 rupee tiền Tây-tạng đặng bần đạo cho huynh đệ 1 rupee ăn uống tự tứ cho vui, vì mai tới Lhassa, trải mấy ngày đường cực nhọc, nhưng Samdhen đưa 15 trăng-nga nói : ít, ít tốt hơn, nhiều quá họ ăn uống say sưa. Đoạn bần đạo lấy tiền ấy đem xuống lầu vào chỗ phòng ngụ mấy huỷnh, nói với Choundouss, bần đạo cho huynh đệ vui một bữa vì mai tới Lhassa, họ mừng rỡ tiếp lấy tiền rồi ăn uống cùng nhau, bần đạo cũng đồng ngồi hoan hỉ ít chén xăng. Tới tối khuya họ mới rã tiệc. Đêm nay ngủ êm ả.

Ngày 28 Juin 1936 – mùng 10-5-â.l.

5 giờ sáng, trà nước xong lên ngựa, đi tới 8 giờ rưỡi tới làng Đung-gar, bốn huỷnh đổi ngựa rồi đi, 10 giờ rưỡi tới chùa tên Dzêss-bung, chùa lớn có tới 7.700 tăng chúng, có một cảnh nhỏ cận bên, hằng ngày có 100 tăng sư lo cúng dường, ấy là Tăng sư chùa lớn thay đổi lo việc. Chùa nhỏ nóc vàng chói rực. Đoạn huynh đệ đến nhà quen ngoài xóm nghỉ uống trà nghỉ ngựa, chập lâu có một vị lama đồng hương Samdhen đến, chào nhau rồi uống vài chập trà, đoạn dẫn nội bọn đi viếng chùa nhỏ. Chùa nầy là chùa Tổ, thờ các vị Lama Tổ sư tịch diệt, có cốt có y mão Quốc Vương, gươm vía, giáp sắc, mão sắc treo đầy cột hàng ba. Đoạn đi lễ bái đủ chỗ rồi thì Samdhen có cúng dường chút ít, bần đạo không tiền lẻ, nên xuôi qua. Về chỗ ngụ 1 giờ rưỡi lên đường.

3 giờ tới Kinh-đô Tây-tạng là thành Lhassa, ngựa đi ngang đảnh núi nhỏ trên có cất nhà, xem ra tốt đẹp, dãy dọc, dãy ngang, hỏi ra là nhà dưỡng bịnh của đức Boda Lama Quốc Vương, kế đó là cửa thành, vào cửa thành thì trước hết đi ngang qua Quốc-tự của Quốc Vương Lama, cất trên đảnh núi, xem ra không biết mấy nóc, khảm vàng rực rỡ năm, sáu từng lầu. Lúc còn đi đường xa xa lối ba, bốn cây số đã thấy phía hậu Đền chùa rồi. Kêu là Đền vì phần riêng của Quốc Vương, song Quốc Vương là một vị Đại-đức Lama nên gọi Chùa. Một mình làm vua sãi mà cũng vua toàn quốc cai trị quan dân. Lần lượt nẻo quẹo đường quanh, người ngựa đã tới chỗ ngụ, có người chực sẵn rước vào một căn phòng sẵn có đơn tợ. Ấy là nhà trong vòng thành Dinh-quan Tứ-trụ Thừa-tướng nước Tây-tạng. Samdhen đã có quen trước và cũng có thơ từ trước. Căn nhà ở gần bên tên Đầu bếp của Thừa-tướng. Người đầu bếp cũng vui vẻ, tiếp rước chỉ phòng sắp đặt hành lý, an đơn rồi, thì vợ chồng đầu bếp hộ củi phân bò, cà ràng, nước cho tổng khậu Isess nấu trà giải lao. Tối lại họ ăn chiều, rồi lo nghỉ ngơi. Huynh Samdhen nói : đây là nhà cửa trong vòng thành Quan Thừa-tướng. Dinh Ngài ở gần đây phía tả phòng nầy, mai huynh đệ mình sẽ ra mắt ngài.
[Hai hình dán tại đây đã hư.]

Ngày 29 Juin 1936 – 11-5-â.l.

Sớm mơi thức sớm, 7 giờ trà, bột điểm tâm, đoạn đổi giấy bạc 2 rupee ra tiền Tây-tạng, hườn cho Sam-dhen 15 trăng-nga lấy bữa 27 Juin. Trưa lại ăn ngọ bột với cải củ trắng nấu cà-ri (bần đạo 9 giờ đi chợ mua). Qua 11 giờ 20 có người ở đằng Dinh-quan Thừa-tướng lại nói : Giờ nầy Quan tiếp khách, thì ba huynh đệ Samdhen, Choundouss và Bần đạo liền theo chơn tiểu-lại-quan. Mấy huynh kia khuân lễ vật : 2 bao gạo, vải Bhutan và các vật hình Bodhgaya tháp, nước sông Gange, trái ngâu tại tháp Phật-đà-gia, lá Bồ-đề, đất nền Nalanda, đem lại Dinh. Lên lầu, vào phòng khách, thì đã có Quan-lớn và Bà-lớn ngồi tại phòng. Các quan lại đem lễ vật vào, ba huynh đệ theo chơn, đến phòng bèn chào Quan và bà lớn. Đoạn ba huynh đệ đem vải, anh lạc tặng ngài. (Trước khi đi, thì tên đầu bếp có cho hay rằng : Quan lớn muốn cho Bần đạo đắp y phục Bí-sô ra mắt ngài, chớ không muốn bần đạo mặc đồ Tây-tạng ra mắt ngài.) Đoạn hai ông bà ngó trân bần đạo, chấp tay xá đáp lễ, rồi mời ngồi trên đơn. Tục người Tây-tạng nhà nào cũng có đơn tợ sẵn sàng, vì đất Phật, chư tu hành hằng hay đến nhà nên phải có đơn tợ, chớ không ghế ván như xứ khác. Kẻ thấp hèn thì ngồi trên rầm trên đất, chẳng đặng ngồi đơn. Đoạn an đơn rồi, thì Quan đàm đạo cùng Samdhen, kế bà-lớn kiếu vô, truyền quan lại sắm sửa trà bánh. Bà-lớn bèn vào phòng kế đó, một chập bước ra, bần đạo xem qua thì bà-lớn trang điểm, cài tóc, đeo ngọc, châu cách lạ lùng con mắt bần đạo. Tại Yank-sê chỉ thấy đầu cung gắn ngọc thạch. Đến đây lại thấy đầu cột ngôi sao ba chuôi gắn ngọc, tóc rẽ làm hai treo trên hai góc ngôi sao bỏ xả hai bên tai khỏi vai, đoạn dưới vóc bính rồi đâu hai bính ra sau lưng, có một sợi ngọc điệp cột hai bính ấy. Hai bên tai đeo hai tấm ngọc thạch xung quanh cẩn vàng lớn lấp tai, mặc áo vận tả hàng tử tế, liền có thế nữ bưng một cái bàn nhỏ sơn phết để vòng trước cái nệm vuông áo gấm. Bà lại nệm ấy ngồi, bà kêu thế nữ nói nhỏ, thế nữ bèn bưng một cái plateau(1) bạc có bình trà bình sữa, bình đường bằng bạc trên ấy, đoạn quan lại bưng để trước tợ mỗi người. Choundouss ngồi trên khảm nhỏ trải trước đơn, chớ không đặng ngồi đơn. Đoạn thế nữ bưng bình sữa và đường đem lại tợ Quan-lớn trước. Quan rót sữa bỏ đường vào trà rồi, thì kế Samdhen, Bần đạo và Choun-douss. Quan lớn và bà mời xơi trà, đoạn trà xong, thế nữ dưng bánh thuẫn, nhưng ba huynh đệ không ăn, thế nữ rót trà thêm, nhưng ba huynh đệ dự kiếu. Trà rồi, bèn thấy một người trai ốm cao, ăn mặc đồ âu-phục bước vào ngồi tại chiếc nệm của bà lớn ngồi làm trà khi nãy. Đầu tóc vóc hai bính rồi thắt như hình bánh neo ngay trên xoáy thượng, giữa bánh neo có giắt ngọc thạch xanh, y như Quan-lớn. Quan-lớn nói tiếng Tây-tạng cùng người trai ấy, thì người trai ấy bèn nói tiếng Ăng-lê hỏi bần đạo quê hương xứ nào ? – Thưa Annam quốc. Quan lớn nghe thông ngôn lại thì nói Annam, Annam, hai, ba lần thì bần đạo nói, ừ, ừ, tỏ ý biết và có thấy trong họa đồ.
[Hình dán tại đây đã hư.]

Người trai bèn hỏi, từ xứ của thầy đến Ấn-độ, đi bằng chi ? – Đi tàu 10 ngày tới Madras, ngồi xe lửa từ Madras đến Bérarès ba ngày ba đêm. Đoạn quan lớn cùng Samdhen chuyện vãn một chập rồi ba huynh đệ từ kiếu về chỗ ngụ. Mười hai giờ rưỡi Samdhen thuật lại rằng : Huỷnh học với Quan rằng : Bần đạo chịu cực khổ tới Lhassa, trải bốn tháng trời theo huynh đi các nơi. Tại xứ đường xá xe cộ chớ không từng cỡi ngựa trèo non lên đèo xuống ải. Quan khen ngợi và huỷnh nói bần đạo ăn chay ngọ. Quan nghe khen nói : Biết kinh kệ nhiều rồi nên mới đặng bực ngọ trung. Quan hỏi huỷnh sao chư Lama không ngọ trung chay lạt. Huỷnh nói còn bực thấp và còn lập công quả nên ăn chưa đặng. Qua 1 giờ rưỡi huynh đệ kéo nhau đi viếng chùa Kinh đô tại thành phố. Chùa nầy tên Lhassa Chô-khăng (Sakia muni), rộng lớn, không biết mấy cung điện Phật và Tổ-sư, mỗi điện lễ bái cúng dường 1 trăng-nga. Bốn giờ mà chưa tất, bèn kéo về, hẹn ngày khác sẽ viếng nữa, lúc về ghé chùa nhỏ tên Chomi-chúchđorgiê hành hương và cúng tiền. Chùa lớn và nhỏ không có tăng chúng ở, chỉ để cho chư tăng các tự xa tới viếng Kinh đô, ở kinh-kệ. Tối lại họ ăn đêm, bần đạo cứ lệ cũ, ngồi thiền, niệm Phật tới giờ ngủ.

Ngày 30 Juin 1936 – 12-5-â.l.

Nhựt thường lệ, trưa dùng ngọ cốm dẹp với cải củ kho, vì hết bột cà-ri. Trọn ngày nghỉ mệt không đi đâu. Bần đạo nói với Samdhen, bần đạo muốn mua chút ít đồ Ăng-lê, đem tết Quan Thừa-tướng. Huỷnh bèn bàn luận cùng huynh đầu bếp, thì người nói để mua bánh biscuit, beure và trà ăng-lê tết tốt.
Học thêm tiếng Tây-tạng.

Ngày 1er Juillet 1936 – 13-5-â.l.

Nhựt thường lệ, điểm tâm trà bột rồi, thì Samdhen nói : Bữa nay ăn một bữa cơm, bèn bảo tổng khậu nấu cơm cho bần đạo ăn ngọ. Xứ Lhassa củi quế gạo châu. Hơn mươi ngày mới ăn một bữa cơm. Mười một giờ bần đạo ăn cơm ngọ với cải kho hôm qua. Các huỷnh lo kết cờ và giấy in thần chú, gọi ngày mai đem cúng chùa. Kế 1 giờ Quan lớn sai người đem beurre Tây-tạng, cải bẹ trắng và bột né hộ. Đầu bếp nói Quan hộ hai thầy, Samdhen cho người bưng đồ vài cắc Tây-tạng. Hai giờ đầu bếp lấy 12 rupee của bần đạo đi chợ mua đồ tết, đem về hai hộp bánh lạt và hai chai nước xì yểu, nói beurre và trà không có. Vậy hai chai xì yểu cũng quí quá giá 9 rupee ngoài. Bốn giờ đem lễ vật cùng Samdhen đi viếng Quan lớn. Chào xong, mời ngồi, quan lớn bữa nay bật tiếng Hindou với Bần đạo, chuyện vãn trút giờ, trà Tây-tạng cạn chén rút về. Kế tối Quan sai người lại mời hai huynh đệ lại dinh xem hát bóng. Tám giờ tối, hai huynh đệ theo chơn sai nha, đến phòng khách dinh Thừa tướng, thì đã thấy có đông người khán giả tựu đông rồi. Quan lớn bận áo nhỏ ngồi ghế đẩu (tabouret) gần bàn để máy chớp bóng. Ông bà mời huynh đệ tọa đơn rồi thì Quan bèn tắt đèn khí, đoạn mở máy chớp bóng, hình rọi vào tấm vải lớn một thước bề dài, tám tấc bề ngang. Hình rọi hát toàn bản Tây-tạng, du hồ thuyền da, chúng dân thầy thợ làm cầu, đúc trụ, hát rằm mang mặt nạ, đức Quốc Vương Lama dạo thành. Lớp chót hát bản Anglais giễu. Chín giờ hết bản, bà lớn đãi trà, thuốc, lúc vặn đèn thì thấy có Quan sứ Népal và toán quan lại quân lính của ngài lối mười người đồng có dự khán, đoạn hát một lớp nữa, hết lớp ấy hai huynh đệ kiếu về là 10 giờ. Bà lớn cách niềm nở với Bần đạo, tỏ ý thương người tuổi tác, xa phương cực khổ đến Tây-tạng, nên bà niềm nở, nói với Samdhen, bảo bần đạo có buồn thì lại chơi đừng ngại. Bà mời hút thuốc rồi chính tay bà quẹt cho bần đạo đốt thuốc.

Ngày 2 Juillet 1936 – 14-5-â.l.

Sớm điểm tâm trà sữa, ấy nhờ đầu bếp mua giùm sữa tươi, 9 giờ ăn bột không ăn ngọ kịp, vì cùng huynh đệ đi dạo Thành phố. Phố xá cất y như kiểu Yanksê, không có nóc, cất rầm ở trên như plafond, sạch sẽ hơn các quận đã trải qua, nhưng cũng có sự dơ dáy, không có chợ chỉ che giại theo lề đường bán và bán trong phố. Có chợ riêng bán thịt lối vài chục thớt. Đồ bán phần nhiều đồ Anglais-Calcutta đem đến, có dân Népal qua buôn bán, có người đạo Dehamoden ở cũng bộn. Đi giáp khắp chỗ buôn bán rồi về 12 giờ rưỡi tới nhà.

Ngày 3 Juillet 1936 – 15-5-â.l.

Bữa nay điểm tâm cải salade chấm muối, không có giấm mà trộn salade. Đoạn 9 giờ Quan Thừa tướng cho người lại bảo, giờ nầy đi đảnh lễ Quốc Vương Bơda Lama(1) đặng. Bảo rằng : Bần đạo phải đắp y Bí-sô, chớ không nên bận đồ Tây-tạng đi yết kiến Quốc Vương. Y theo lời dạy, rồi cùng huynh đệ của Samdhen bốn người khuân lễ vật y như đồ lễ dưng Thừa tướng ngày nọ, đi ra đường thành phố, cả người đi đường đều dòm bần đạo, ấy là lạ mắt họ lắm. Bần đạo chỉ cứ đi không chút ngại ngùng. Khi đến nhà Thiền Lama-Quốc, nghĩa là chư tăng sư của Quốc Vương Lama, thì huynh đệ đem lễ vật vào đó, lên lầu thì có một vị lama ra chào và mời vào liêu một vị lama gần đó tạm ngồi uống trà đặng chờ vị lama hầu cận Quốc Vương đến dẫn lộ. Đồng đi lên lầu ngự điện Ratrinh Labrăng Dziđê, trụ tại căn phòng quan hoàng môn để lễ vật trên bàn trình cho hoàng môn xem xét sắp đặt rồi, đoạn mới cho vào. Mở cửa Ngự điện, huynh đệ đồng bước vào. Samdhen đi trước, kế bần đạo, Choundouss, Issê và Sonnam. Lét ngó, thấy đại đức Bơda Lama Quốc Vương tác còn thơ (hỏi lại thì mới 27 tuổi, thế ngôi Tả-lê Lama(2) Quốc Vương tịch, đặng bốn năm), mặt mày sáng láng, ngồi nơi long đơn, trước có tợ sơn son phết vàng. Trên đơn trải gấm Tây-tạng. Nội bọn chỉ bần đạo đắp y vàng rực từ trên sấp dưới, làm cho Quốc Vương chăm chỉ ngó ngay, các Lama và quan nội điện đều để mắt. Đoạn Samdhen đảnh lễ, bần đạo y theo, rồi Samdhen đem anh lạc lại long tợ dưng và cúi đầu ngay Quốc Vương. Đại đức bèn tay mặt (thủ ma kỳ đầu) rờ đầu Samdhen, đoạn có vị Lama cầm một nắm niệt lụa điều đứng kế long tợ, lấy một sợi niệt ấy giắt lên cổ Sam-dhen, rồi huỷnh bèn thối lui đứng chấp tay hầu, bần đạo cũng y theo huỷnh, rồi thối lui lại đứng chấp tay gần huynh. Lét xem chung quanh Long-điện, chỗ cất riêng cho ngài ngự nghỉ khỏe lúc ít việc nước, chớ thường ở tại Tapola(1) Quốc tự, có Long điện chánh thì cách sơn vẽ rất thiện nghệ, có điện Phật cùng điện tiền Tả-lê Lama Quốc Vương. Xem ra cũng nguy nga rực rỡ. Ba huynh kia đều y theo tiền bốiđảnh lễ Quốc Vương. Đoạn Đại đức Tả-lê Lama chỉ cái đơn phía hữu trước Long-đơn, bảo Samdhen tọa đơn, còn bốn huynh đệ tôi, quan hầu cận bèn mời xuống lầu vào một căn phòng khách thết trà Tây-tạng. Phòng có đơn tợ đẹp đẽ, tapis hàng màu trải trên đơn, tợ cũng sơn vẽ rực rỡ. Quan hầu mời bần đạo ngồi nơi đơn cao, tợ lớn hơn các chỗ kia, đoạn bảo ba huynh đệ kia ngồi đơn thấp tợ nhỏ, rồi giao việc cho quan phòng trà. Người bèn đặt chén trà (tàu) trước mỗi người, rót trà mời giải lao. Hai chập trà, chừng 20 phút, thì huynh Samdhen trên Long điện xuống bước vào phòng trà nói : Xong rồi các việc, vậy huynh đệ mình lui. Đồng kiếu quan phòng trà ra về. Về dọc đường cả người bổn quốc nam nữ đại tiểu trên đường và hai bên phố đều dòm ngó bần đạo xầm xì. Huynh Samdhen nói, họ xúm xem thầy và nói : Cha chả vàng lườm. Bần đạo tươi cười vững lòng vững bước như không người và nói với Samdhen rằng : Tốt lắm, tốt lắm, tôi muốn cả xứ Lhassa đều biết y phục của nhà Phật là vậy. Chừng bần đạo phút nhớ tới huynh Dammajoti và Samdhen đã có nói : Có Bikku Rahula (Patna) đi Tây-tạng hằng niên. Dhammajoti có nói tại Bodh Gaya với bần đạo, trước khi đi Lhassa rằng : Năm nay Rahula Bikku sắm sửa đi Tây-tạng và ở lại ít năm học tiếng Tibet. Tôi muốn viết thơ cho thẩy, gởi huynh đi với thẩy. Nhưng bần đạo nói : Tôi không muốn vì thẩy dầu có đi rồi biết đường đi nước bước xứ Tibet mặc dầu, chớ gẫm cũng không bằng người Tây-tạng, vậy nên tôi muốn đi cùng Samdhen Lama dễ hơn, có lẽ người thạo hơn Rahula. Khi nghĩ nhớ sự ấy, thì và đi và hỏi Samdhen rằng : Ủa, vậy chớ người bổn quốc không từng thấy y phục phật pháp của tôi mặc đây sao ? Vậy chớ Rahula bí-sô ở Patna thường đi Lhassa, nhơn dân xứ nầy không thấy sao ? Samdhen rằng : Rahula bí-sô đâu dám mặc y phục vàng như thầy vậy, người mặc y phục theo Lama sư và y phục người thế Tây-tạng. Nếu thẩy mặc đồ vàng thì phải bị bắtđánh đuổi ra khỏi nước, vì xứ Lhassa trọng sắc vàng lắm. Sắc Phật chỉ đặng làm y, làm áo, làm mão thì đặng, còn ai dùng làm chăn, làm quần, làm vớ, làm giày bằng sắc vàng ấy thì bị phép nước bắt đánh đòn, lột đồ ấy rồi đuổi ra khỏi nước. Nhơn dân quăng đá mắng chưởi. Ấy là tục lệ xứ nầy vậy.

Còn thầy lại là khác, chỉ có một mình thầy đặng ân huệ ấy. Vì khi thầy đi tới xứ Lhassa, mặc đồ Tây-tạng, đặng ở trong vòng thành dinh Thừa tướng. Đến bữa ra mắt Quan, quan lại muốn cho thầy đắp y phục Bí-sô theo xứ thầy, ấy là ngài đặng thơ trước và biết thầy là Bí-sô của hội Maha-Bodhi-Sociéty, thảy đều mặc trên dưới y phục sắc vàng. Vì ngài có đi Bodh Gaya, Calcutta và Sarnath cúng dường, nên biết y phục ấy. Nay ngài lại muốn thấy, nên không phải tự ý thầy. Lúc đến viếng Quan, cả người trong dinh đều thấy, và đã đồn rân khắp thành thị, phần đông đều hiểu trước thầy là người quen của nhà Thừa-tướng quốc. Đến nay đi ra mắt Quốc Vương thì Thừa tướng đã có tâu trước, lại đi với bọn tôi, đi con đường đến Ngự điện, ai ai thấy cũng biết, lại thêm lúc đi có Lama quan cận sự đem đường, nào ai không biết, nào ai dám nói. Lại thêm lúc về tuy nội bọn đi không có Lama quan dẫn đường, nhưng nhơn dân quan-lại xem thấy cái niệt điều trên cổ cũng đủ biết ở trong Ngự điện, hoàng thiền mà ra. Bần đạo nghe qua, niệm Phật và cảm đức oai linh Phật lực ủng hộ làm cho bần đạo an ổn các nơi vô chướng ngại. Về đến nhà ngụ đã 11 giờ
rưỡi nghỉ ngơi rồi ăn ngọ bột với canh cải bẹ trắng. Chiều y lệ.

Ngày 4 Juillet 1936 – 16-5-â.l.

9 giờ ăn bột với cải chua xào. Đoạn 9 giờ rưỡi có một vị Lama ở dinh Thừa tướng lại mời đi hành hương, nơi Quốc tự Hoàng thành Tapola. Huynh đệ đồng đi với Lama dẫn lộ. Khi đến trước Quốc tự thì Bần đạo có chụp ảnh chùa. Qua cầu, vào cửa chùa lần bước lên không biết mấy cấp thang, mệt ngất, chùa cất trên đảnh, lên cao chừng nào dòm xuống thành thị như thấy bàn cờ. Hôm qua có đưa cho Samdhen 2 rupee mua beurre cúng đèn trong chùa, ấy là tiền dầu. Beurre thắng đổ vào bình, bưng vào chùa, Lama dẫn lộ, bèn kêu ông từ chùa đi theo đặng chế beurre trong các đèn lưu ly các điện, chùa rộng lớn nhiều lầu nhiều nóc, nóc nào cũng thếp vàng. Hành hương đủ các điện, đều có cúng tiền cầu chúc phước cho Đàn na tín thí, vì bần đạo ít đức, e không đủ chia cho đàn na.
[Hình dán tại đây đã hư.]

Rốt chói mắt vì thấy nhiều điện Phật toàn bằng vàng ròng, lư, đèn, lục bình các món làm bằng vàng. Rồi việc cúng dường, đến cúng dường tháp của chư Tả-lê Lama Quốc vương tịch diệt. Ôi đến nơi : thấy tháp (cũng trong Quốc tự) cao lớn, cả trên dưới đều thếp bọc vàng ròng, chạm trổ, ngọc thạch xanh, đỏ, vàng, trắng, lưu ly, pha lê, trân châu, thủy xoàng của Quan dân cúng dường gắn cùng tháp, trước tháp trên bàn để lư hương, đèn lưu ly toàn bằng vàng, lớp dọc lớp ngang, châu ngọc kết thành, có cây vàng, lá bạc, trái ngọc bông châu, bần đạo chưa từng thấy. Ấy là tháp Tả lê Lama Quốc Vương tân tịch đã bốn năm rồi. Còn 12 cái tiền Quốc Vương cũng tốt đẹp, lớn nhỏ không đồng, nhưng cũng toàn thếp vàng gắn ngọc gắn châu, có liễn theo biên chạm, tràng phan, phướng của người Tàu đến cúng dường. Có một vị từ tháp dắt chỉ, cắt nghĩa châu ngọc cái nào giá quí báo thế nào. Có chỉ một cây cột cận tháp trổ bông, ấy là tai nấm lạ lùng mọc một chùm như bông đá dưới biển (corail) bông nấm ấy có làm thùng bao kiến chụp và khóa lại.
[Hình dán tại đây đã hư.]

Người nói : trước khi Quốc Vương tịch, thì chỉ chỗ cất tháp và nói chỉ cột sẽ trổ bông, chỉ đương kim Tả lê Lama nối ngôi. – Xong việc cúng tháp, sang qua nơi phòng kinh. Kinh chất đầy kệ không biết mấy ngàn mà kể. Một căn phòng lớn chung quanh làm kệ để những bản khắc kinh, rộng lớn hơn cái Bibliothèque Saїgon. Xong rồi, tiền nước cho ông từ rồi ra về, quận xuống núi chùa khỏe ru, không mệt như lúc đi lên, thở ra khói. Vị Lama dẫn lộ (ấy là Lama đồng hương của Thừa tướng và ở trong nhà Thiền của Thừa tướng cất đặng nuôi người tu đồng hương cũng trong chùa, chư tăng đồng hương lối 300 sư) cũng đưa huynh đệ về nơi liêu ngụ, khi ra về Samdhen có hộ chút ít tiền.

Ngày 5 Juillet 1936 – 17-5-â.l.

Nhựt thường lệ. Điểm tâm rồi, huynh Samdhen mượn viết thơ gởi cho ông Liu Ming ở Calcutta, bần đạo viết chữ Anglais còn thô tháo quá, song cũng rán lật tự điển viết toàn bức thơ, thuật việc đi qua Bhutan, đi đến Lhassa, quan Nguyên Nhung ải Yanksê có giúp trát dễ mướn ngựa, nên đi mau. Đoạn Bần đạo cũng luôn dịp tả ít hàng cho Thiên-chơn đạo tràng, cho chư huynh đệ trong ngoài rõ bần đạo đã tới Lhassa. Đợi qua ngày mai sẽ đem đến nhà thơ gởi recommandeé…
Trưa ngọ với cốm dẹp, cải chua sống. Chiều lệ thường.

Ngày 6 Juillet 1936 – 18-5-â.l.
Nhựt thường lệ, trà sữa điểm tâm, trưa ăn ngọ bột với cải và khoai um. Trọn ngày ở nhà nghỉ ngơi. Samdhen lo đi viếng hào tộc, quan lại có quan lớn. Lễ vật tốn kém cũng bộn.
Học thêm tiếng Tây-tạng.

Ngày 7 Juillet 1936 – 19-5-â.l.
Điểm tâm với khoai lang tây luộc. Trưa ngọ cốm dẹp cải asperge Tây-tạng trộn salade với cải chua. Trọn ngày nghỉ, dạo chợ chơi và học thêm tiếng Tây-tạng.

Ngày 8 Juillet 1936 – 20-5-â.l.

Sớm trà cốm dẹp điểm tâm. Sáu giờ rưỡi đi hành hương nơi chùa Kinh đô tục kêu là chùa chợ, đi với Choundouss, Issê, Isess, còn Samdhen ở nhà đặng đem lễ viếng hào tộc quen. Đến chùa đi cúng cùng các điện, cùng chư Lama đang tụng kinh. Đoạn xong việc ra về, lại dãy hàng bông mua thêm khoai lang, cải củ. Isess và bần đạo về trước, hai huynh kia còn đi dạo chợ. Về đến nhà 8 giờ rưỡi, vào đơn ngồi, phút thấy vị Lama dẫn lộ đi Quốc tự ngày nọ bước vào, lại có hai vị Lama một già một trẻ theo chơn. Mời ngồi, vị Lama dẫn lộ ngồi trên đơn của bần đạo còn hai vị kia ngồi nơi tapis dưới đất. Có một mình bần đạo nên nói bập lếu một, hai tiếng Tây-tạng với Lama quen ngồi gần. Còn Isess mắc ở ngoài chuyện chi với cô đầu bếp. Lúc huỷnh vào, bần đạo bảo lấy chén đãi trà, huỷnh y lời. Đoạn trà một chập thì Choundouss với Issê về, bước vào chào hỏi, chuyện vãn với ba vị rồi thông ngôn lại rằng : Ba sư đây tới thăm thầy chẳng phải thăm anh em tôi. Ấy là Quan Thừa tướng bảo họ ra mắt thầy, vì họ là Lama chùa Quốc tự ở nhà thiền của Quan lớn tên là Trzăngpá Khâmtrzanh, ấy là lama đồng hương với Thừa tướng sai đến. Nói rồi, thì vị Lama già và trẻ bèn đứng dậy lấy anh lạc hàng rộng dài, một ổ beurre Tây-tạng, một gói tiền (50 yô-vang) đem lại để trên tợ trước bần đạo. Huynh Lama quen trước bèn đứng dậy chấp tay xá nói : Ấy là lễ huynh đệ tôi ra mắt mừng thầy tới Lhassa. Đoạn lấy anh lạc choàng trên cổ Bần-đạo, tỏ kỉnh mừng. Chuyện vãn một chập, kế Samdhen đi viếng hào gia về, thấy tự sự và ba vị Lama học chuyện, huỷnh mừng quá và nói với bần đạo rằng : Ba vị Lama nầy là người của Thừa tướng, ở nhà thiền Thừa tướng đến rước thầy, vì Thừa tướng có nói với tôi rằng : Thừa tướng xem thầy như người đồng hương, sau đây ít bữa thầy sẽ đến ở nhà thiền của Thừa tướng tại chùa cùng 300 chư tăngcúng dường. Tôi ban đầu nói đem thầy đến nhà thiền đồng hương của tôi, nhưng Thừa tướng dành thầy và nói : Phần tôi thì cúng dường tại nhà thiền chư sư Lađặt, còn phần thầy thì cúng dường nơi nhà thiền của Thừa tướng. Tôi phải chịu. Bần đạo nói tốt lắm, tốt lắm. Quan lớn tỏ lòng thương đến rất tốt. Đoạn ba vị kiếu về. Samdhen nói, thầy bây giờ như người tu đồng hương cùng Thừa tướng, ước thầy muốn ở lại Lhassa mấy năm tu hành cũng có ẩm-thực y phục của Thừa tướng bao bọc cả thảy. Bần đạo rằng : Ấy cũng nhờ đi cùng chư huynh mới đặng tử tế, nếu đi một mình hay cùng kẻ khác cũng bơ vơ, có ai ngó đến. Nghe qua, các huỷnh vui lòng. Bần đạo rằng : Huynh Samdhen đây, Quan dân hào gia phú tộc đều biết danh, nhờ vậy mà tôi đặng hạnh phúc. Ngày nay, tôi đặng cung kỉnh như vầy quí quá, tốt tôi ấy là tốt huynh đệ, ấy tôi là người của Lama và chư huynh, ai nấy nghe qua cũng mừng. Choun-douss rằng : Bây giờ thầy như ghe bị cột đỏi, như xe lửa đã cột wagon, lễ mừng chút đỉnh, lễ đáp phải to. Bần đạo cười rằng : Sự cúng dường dầu tốn bao nhiêu cũng không sợ, chỉ đặng phúc hạnh an ổn xứ nầy là quí. Xong việc, Samdhen bàn luận lễ vật cúng dường tại nhà thiền Thừa tướng, tốn hao lối 50 rupee. – Đặng, đặng, tốt, tốt. – Kế đến ngọ trung. Nay ăn cơm cùng cải xào. Chiều lại Samdhen rủ đi chùa chợ với huỷnh. – Đặng. – Theo chơn đi hành hương, các điện cũng cúng tiền như sớm mơi. Khi đến cúng dường nơi chư Lama hành kinh, thì các huynh ngó trân vì sớm mơi đã có cúng. Rồi về tới nhà gặp Thừa tướng ông bà đứng hóng mát với người con trai. Samdhen khóm róm xá, bần đạo cúi đầu chào, đoạn Quan bảo con đem bần đạo vào thơ phòng chỉ xứ sở trên carte.

Ngày 9 Juillet 1936 – 21-5-â.l.

Sớm trà sữa cốm dẹp điểm tâm. Đoạn Samdhen bảo đi chợ đặng mua đồ sắm lễ cúng dường, bần đạo rằng hết tiền lẻ, còn có 8 rupee, vậy huynh đổi giùm giấy 100 rupee. Lấy giấy cent(1) trao cho huỷnh, bèn kêu Choundouss đi đổi giùm. Huỷnh bảo ăn ngọ sớm chút đặng rồi Choundouss đem bạc về thì đi chợ. – Đặng. – Chín giờ lo cúng dường ăn ngọ luôn, cốm dẹp cùng cải xào đủ bữa. Một chập lâu, Choundouss đem giấy bạc đổi về. Samdhen đếm rồi giao lại bần đạo 50 rupee, còn giao cho Choundouss 50 rupee, đổi giùm 30 rupee ra tiền nhỏ và mua beurre, trà, cùng vật khác. Đoạn huỷnh cùng cô bạn của đầu bếp đi chợ, bần đạo chẳng đi theo làm gì. Bèn rủ Sonnam đi xuống sông đặng tắm giặt. Tới bến đò, thấy tại bến nam nữ lớn nhỏ tắm giặt đông đảo, bèn đi dọc theo bờ đê kiếm nơi vắng tắm. Xuống một chỗ chỉ có một người đang giặt đồ, bèn giặt đồ rồi tắm. Sonnam giặt giùm cái áo, tuy không mấy sạch, nhưng cũng cám ơn. Khi về đến nhà, một lát có người đằng dinh Thừa tướng đem 30 rupee tiền nhỏ lại. Ấy là đổi bạc đàng Quan lớn, chớ ai có lung mà đổi. Choundouss đếm và thâu số tiền. Samdhen bèn chỉ beurre mua 8 rupee và trà đã mua rồi. Đoạn còn chờ Quan lớn mua giùm một cái đèn đặng cúng vào chùa, chiều y lệ.

Ngày 10 Juillet 1936 – 22-5-â.l.

Nhựt thường lệ, điểm tâm rồi, 8 giờ bèn sắm sửa đi chợ. Samdhen hỏi thầy muốn đi đâu ? – Đi dạo chợ, ngồi hoài mỏi mê quá. Đoạn ra đi, đến trước chùa Chô Khăng, ghé Chùa vào điện Lama Tổ sư đảnh lễ và sang qua Điện Phật-tổ lễ bái, rồi quày trở ra đi dạo phường phố. Thấy quán có hột thơm (cà-ri) mua ít món hột rồi đi đến chỗ bán hàng bông mua ba cây cải asperge đoạn về. Các huỷnh đi xóm, một mình Issê ở nhà với Bần đạo, Bần đạo đâm hột ngò, quế, nghệ (bột cà-ri), đoạn nấu cà-ri cải chua với cải măng, chiên khoai. Mười hai giờ thiếu 15 ăn ngọ bột với đồ ăn ấy. Đoạn chiều có hai vị Lama quen bữa nọ, ở Trzăngpá Khâm trzanh đến viếng và hỏi thăm Samdhen chừng nào bần đạo đi hành hương nơi Trzăngpá Khâm trzanh. Ba người đàm đạo, Lama mập quen trước ngồi nơi đơn của bần đạo, tay vò tay bần đạo một cách trìu mến, quyến luyến. Cứ một chập lâu ngó Bần đạo cười và nói một, hai tiếng dễ hiểu. Bần đạo cũng đáp lại. Mãn hai từng trà, hai huỷnh kiếu về. Samdhen rằng : họ đến hỏi ngày thầy đi hành hương nơi nhà thiền Thừa-tướng. Tôi cũng nói với họ, đã sắm sửa lễ vật rồi, mốt sẽ đi. Tôi nói : Thầy đã đi nhiều chỗ và đã ba, bốn tháng trời rồi, tiền hao tốn phí lộ lung, nên đến đây tiền cũng còn không đủ xây. Sự cúng dường nầy, tôi cho mượn sắm lễ, sau về Calcutta trả lại. Nói như vậy với họ, họ mừng quá, và như thế họ ít đèo bồng, chừng đi hành hương lễ vật đủ lẻ, họ mới kiêng thầy. Bần đạo chỉ cười.

Chiều đi dạo phường xá với Sonnam, đi thẳng đến chợ thịt đặng huỷnh mua thịt, vào đó cũng có ít chục thớt toàn thịt trâu-ly. Mua rồi ra quán mua một cục savon 7 trăng nga rồi về. Tối họ ăn đêm, bần đạo ra ngoài ngồi niệm Phật.

Ngày 11 Juillet 1936 – 23-5-â.l.

Nhựt thường lệ, lúc đang dùng trà, tên thợ may đem áo lại cho Choundouss. Huỷnh bèn bảo Bần đạo đưa giùm cuốn vocabulaire(1) của bần đạo cho huỷnh đặng lấy tấm giấy bạch của huỷnh để trỏng hôm qua. (Bần đạo có thấy huỷnh để và có ý không đẹp, vì xấp giấy cộm sách e hư sách, nên chi lúc huỷnh đi, thì bần đạo lấy xấp giấy bạch xếp nhỏ bỏ túi, ý làm vậy cho sau huỷnh hết để vào sách và giấy bạch sẽ dùng đi ngoài.) Khi huỷnh lật sách đặng lấy giấy ấy thì không có, bèn kiếm táo tát nói : Tấm giấy ấy mất rồi, bèn kêu Sonnam hỏi có thấy chăng ? – Không ? – Samdhen cũng kiếm giùm, tốc đồ của Bần đạo kiếm không có. Bần đạo hỏi kiếm thứ chi, Samdhen rằng : một tấm giấy bạch có gói ở trỏng một tấm giấy 2 rupee của Choundouss để trong cuốn sách của thầy. Bần đạo nói : Ôi thôi ? hôm qua cuốn sách ấy lấy ra nhiều người xem đọc, đem ra ngoài xem đọc, thì tấm giấy ấy còn đâu. Choundouss rằng : Tối tôi mới để, không ai thấy. Bần đạo nói : Sao không bỏ túi lại bỏ trong sách. Không tiền trả cho thợ may, nên coi bộ buồn xo, Samdhen lấy giấy 2 rupee đưa cho huỷnh, Bần đạo bèn nói : Không bao nhiêu, để tôi đưa cho huỷnh 2 rupee và nói và móc túi lấy một tấm giấy bạc 2 rupee đưa cho Choundouss (không dè trong tấm giấy bạch ấy có giấy bạc, té ra có, vậy làm bộ cho huỷnh đặng trả bạc ấy lại cho huỷnh, ấy cũng một sự dạy người đừng hơ hỏng). Chín giờ điểm tâm bột, khoai chiên. Mượn cô đầu bếp mua sữa (2 trăng nga), đường cát 5 trăng nga, 2P. Nấu trà sữa. Isess lo quảy đồ đi trước với một ông Lama (Lađặt), bần đạo thấy mang quảy (beurre, trà, bột vân vân…) đi bộ cực, bèn hộ mỗi vị ít trăng nga. Rảnh học thêm tiếng Tây-tạng.

Ngày 12 Juillet 1936 – 24-5-â.l.

Nhựt thường lệ. Điểm tâm rồi, sửa soạn đồ hành lý, đợi đem năm con ngựa tới sẽ đi cúng dường tại chùa Dzêsbung. Xuất 2 rupee cho Choundouss mua bánh in lạt china, đường cát, nho khô và táo khô đặng đem theo dùng tại Chùa, mua hết 1 rupee ngoài. Quan Thừa tướng bảo huynh đầu bếp đem lại một cái đèn bạc kiểu Tây-tạng, thứ thắp bằng tô dầu (beurre), đèn ấy của ngài, ngài nhượng lại cho tôi cúng dường tại nhà Tăng-già của ngài là Trzăng pá khâm trzanh, ngài bảo cúng dường rồi đem về mướn khắc tên bần đạo, xứ sở rồi sẽ gởi về Tăng-già để làm dấu tích. Mười giờ rưỡi có ba ông Lama (Lađặt) ở tại chùa Dzêsbung nhà Sangha Lađặt là Pithu Khâm trzanh đem năm con ngựa tới, các huỷnh lo gác yên đoạn 11 giờ thì năm huynh đệ lên ngựa, ba vị Lama quảy giùm hành lý Samdhen, còn bần đạo y theo lời Samdhen bảo, đem đồ ngủ và y phục Bí-sô theo. Mười hai giờ rưỡi tới Chùa, vào Tăng già Lađặt đỗ ngụ, chư Lama Lađặt tiếp rước tử tế, ấy là đồng hương cùng Samdhen. Samdhen và Choun-douss đã sắm đủ lễ đặng cúng dường, tục của họ, người xứ nào thì cúng dường tại Tăng già xứ nấy. Thấy hai huỷnh bàn tính lăng xăng, lễ vật sắp đặt bàn luận cùng huynh chủ liêu, tiền cúng dường cho chư Lama, tiền và anh lạc cho Hòa thượngYết ma, giáo thọ, lúc họ bàn luận rồi, thì Bần đạo bèn nói với Samdhen rằng : Tôi muốn cúng dường tại nhà thiền Tăng già Lađặt, vậy huynh sắm giùm lễ vật y như huynh đặng mai cúng dường một lượt. Nghe bần đạo nói, huỷnh vui lòng đẹp ý, bèn trăm tiếng Tây-tạng lại cho các Lama có mặt tại đó nghe, ai nấy cũng tỏ lòng mừng. Samdhen bảo vậy thầy xuất ra 8 rupee đặng đổi tiền, mai hộ cúng chư Lama. Bần đạo rằng : còn beurre, trà cúng dường y như huynh nữa, huỷnh nói : thầy muốn vậy càng tốt, vậy phải 8 rupee nữa là 16 rupee. Tôi sẽ mượn người mua beurre và trà. Các huỷnh trăm nhau, coi ý mừng rỡ lắm, vì tưởng việc ấy tôi không để ý, vì lễ cúng dường tại Tăng già đồng hương của Thừa tướng tốn nhiều lắm. Đến nay nghe qua và thấy bần đạo xuất y số 16 rupee theo lời Sam-dhen bảo, thì họ trầm trồ lắm. Chừ coi bộ họ trọng đãi bần đạo lắm, lo trà sữa dưng cho bần đạo. Bần đạo nói với Samdhen rằng : Sự cúng dường đằng Trzăng pá khâm trzanh tôi không ngờ mà Thừa tướng chiếu cố đến tôi, chớ sự cúng dường tại Tăng già Lađặt thì tôi để ý đã lâu, vì tôi đi với huynh, nhờ huynh, biết huynh, huynh là người Lađặt, thì tôi cũng như người xứ Lađặt. Nay đã đến nhà Thiền Lađặt thì toại ý tôi lắm, nên muốn y như huynh cúng dường. Huỷnh thông ngôn lại, các huỷnh đồng vui cười mừng rỡ. Bần đạo nghĩ vì, tu hành không bao nhiêu đức hạnh, kém phước, mỏng đức, nên phải cầu chút ít phước thiện đặng chia Đàn na tín thí có lòng hộ trợ cho Bần-đạo đi đến Tây-tạng. Nên chi tới các cảnh chùa đều cúng dường ít nhiều. Tưởng Phật nên trọng Tăng, xuất huyết mạch cho bần tăng đi đến đất Phật, thiệt Phước bất đường quyên, nhưng bần đạo xét mình “Thổn kỳ đức hạnh”, thọ tiền hộ phí cúng dường, không đành ăn ngon, mặc ấm, tiếc từ đồng để đến Tây-tạng đặng đi hành hương cầu phước cho Đàn na. Nay gặp sự cúng dường thì đẹp ý lắm. Choundouss ăn năn lời kiêu ngạo khi nãy.

2 giờ có hai vị Lama Tăng già Thừa tướng tới thăm, có đem bình trà lễ mừng và sau đem cơm hộ mỗi vị một chén. Bần đạo quá ngọ không dùng, nhưng cũng cúng dường lục đạo, đoạn các huỷnh cũng ăn mỗi người chút đỉnh, rồi xin hồi, nhưng hai Lama để lại ba chén phần Samdhen, Choundouss và bần đạo, còn mấy chén kia bưng về. Lúc họ về rồi Choundouss cợt rằng : Nhà Thiền của thầy không có beurre, nên cơm khô rang. Cái tiếng Choundouss ngạo cơm không beurre khi nãy thì không lạ chi cái tánh ganh gổ, vì nhà thiền cúng nhiều mà tiếp đãi không đúng. Ôi ! đời phải biết nghe tiếng, biết cử chỉ tốt xấu, mà làm cho hòa hảo, vậy mới ăn vào lời Phật nói : Đắp y của Phật thì phải ở cùng người một cách hòa hiệp, nhịn nhục, rộng rãi, hoan hỉ cho vui dạ người, an ổn phận mình, trúng với câu : Nhu hòa nhẫn nhục y. Nên chi Bần đạo thừa dịp mà bòn phước cho đàn na, cúng dường chung cùng các huỷnh tại nhà thiền Pi-thu La-đặt cho vui lòng hai bên, thà nhịn ăn, thiếu mặc để tiền mà làm việc phải, thì đồng tiền đàn-na không chết. Tỉ dụ như hột giống gieo vào ruộng tốt, cho nên Phật nói : Nhử đẳng thị chúng sanh chi lương phước điền. Thì làm sao cho phải Phật đệ tử cho chúng sanh nhờ phước đức thì làm… Nghĩ vậy mà bần đạo cứ xửcùng nội bọn, không dám làm phiền lòng người mà cũng không để cho người sanh tâm tội lỗi…

Từ ngày theo chơn cùng Samdhen nội bọn, đến ngày nhập thành Lhassa, thì trải qua biết mấy phen, ôm lòng nhẫn nhục, chịu sút, chịu thua, lời nói năng, sự ăn uống, cử chỉ động tịnh, đi đứng nằm ngồi, cho đến chỗ muốn của người cũng kiếm thế làm cho toại ý của họ, không chao không mích. Hòa lòng người cũng an lòng mình chút ít, có khi giọt lụy nước phiền tràn đổ, vì sự quá ép tánh tình, quá khổ tâm thức, nhưng trong cơn Thiền định, lộ hiện chơn tâm, trưng cuộc đời giả hiệu, dường như kép hát đóng tuồng, buồn, vui, mạnh, yếu, chẳng qua là nội sân khấu giả trang đó thôi, vào cửa buồng hết lớp, đồng nhau không râu, không mão, không ghét, không thương, thể tánh đồng nhứt. Nhờ vậy mà bần đạo biết mấy phen đánh đổ tâm trần cạnh tranh, biết mấy phen lấy Phật cam lồ ba giọt mà tưới tắt lửa lòng, xác tục. Sự qua Trung thiên Ấn-độ cùng đi Tây-tạng nầy, nhờ trải qua mấy chỗ mích lòng phàm, động tánh tục, mà bần đạo mới biết cái nhẫn nhục Phật dạy là thuốc hay trị phiền não, làm cho bần đạo tự thắng mấy phen, hòa bình mấy trận, làm cho biết mấy kẻ ăn năn, thức đạo.

Tự thắng đạo thường tồn…
Thối tha pháp năng một.

Phải quá, có tu mới biết thương người tu, thử đi ra chịu cùng thế tục, như Phật và chư Tổ sư thuở xưa, mới biết cái Pháp cao thượng của Phật đánh đổ cả nhân duyên của Phật là đúng đắn. Nhưng, chư tu hành có mấy sư đắc Vô sanh pháp nhẫn, trong muôn một mà vẫn còn e chưa đặng. Phàm-tâm, huyết tâm, sắc tâm, tam hỏa nội ứng, khó mà tắt nó cho tiêu tận, hằng nung nấu sôi nổi trào ao ba cái nghiệp xấu là : tham, sân, si, hằng ẩn núp trong u toái tam tâm, chờ ngoại hiệp thì nội ứng, muôn điều không sai một, y như điện khí, dây văn dây võ hòa hiệp thì sanh lửa, như lôi khí, âm dương hòa hiệp thì nổi tiếng ầm ì. Những bực tu hành trong đạo Phật, mấy ai biết làm người can hai đàng khắc nghịch cho hòa hảo. Phật đạothủ trung, vậy muốn can hai bên thì phải đứng chính giữa (trung gian) mà biện lẽ phải chẳng đặng tắt lửa lòng sôi nổi hai bên, thế phải có đủ phương tiện thiện xảo ngôn từ biện luận mới đặng.

Cái thí dụ trên đó tỉ như : Trong lòng người tu hành tam hỏa hằng ẩn, gặp nhân ngoại thì sanh duyên nội nghĩa là : Tỉ như : Lửa hờn giận ẩn trong, chờ gặp kẻ thù nghịch thì nổi dậy, hoặc gặp tiếng nghịch, tiếng hiếp, thì huyết tâm sôi nổi, hỏa huyết phừng nóng thức não, chúa soái (động ổ) thì ngã tướng phát xung, rung động cả chư thức căn : nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý. Mắt trợn, tai dảnh, mũi phì, môi bậm, lưỡi cong, tay chơn cả thân cử động run rẩy, ý tánh lừng-lẫy liệu luận, cự cùng chẳng kháng cự tùy sức. Tỉ một sự đó đủ biết, làm một vị Phật đệ tử, gặp cơn nội ứng ngoại hiệp thì điều đình làm sao ? Tắt lửa hay vùi lửa ?…

Ngày 13 Juillet 1936 – 25-5-â.l.

Sớm điểm tâm trà bánh. Đoạn Samdhen hỏi tên bần đạo đặng viết sớ lại, ba người cúng dường. Sam-dhen, Choundouss và bần đạo để vào sớ là Annam Gơ-long Nguyễn Văn Tạo. Rảnh, bèn bước lên rầm nhà thiền xem cảnh chùa. To tát rộng lớn, nhà thiền các xứ cất dầy đeo. Một cảnh chùa lớn, ba cảnh chùa nhỏ. Lời Samdhen cắt nghĩa rằng : Chùa lớn, chùa nhỏ đều có phần, mấy nhà tăng già đậu cất. Nên mỗi ngày đều có phần cắt mỗi tăng già là mấy vị Lama cúng dường, không lộn xộn. Kế 11 giờ rưỡi nhà tăng già hộ cơm chay, trộn đường và beurre mỗi vị một chén chung, cúng ngọ rồi ăn. Một giờ có Hòa thượng đến, thiền chủ mời huynh đệ đi dự sự cúng dường. Một trăm mấy vị Lama tăng đồng tựu, khởi sự tụng kinh cúng dường. Ba chập trà xong, tụng kinh rồi đọc sớ. Kế dùng bột nấu với thịt. Đoạn thiền chủ mời huynh đệ vào. Samdhen đi trước vào Đạo tràng đảnh lễ Phật, pháp, tăng rồi đi thẳng lại Thượng tọa Lama cả dưng anh lạc và cúi đầu lãnh niệt, kế bần đạo, kế Choun-douss và Issê Sonnam. Xong rồi lui ra đơn ngồi, thiền chủ dưng bột thịt, các huỷnh đồng ăn lấy lễ rồi Lama đạo bưng về liêu ngụ. Bần đạo có đưa thêm 2 rupee cho Samdhen vì huỷnh nói còn thiếu. Lúc cúng dường, Samdhen chụp ảnh hai lần. Gần hườn kinh thì Choun-douss đem tiền vào cúng dường chư sư. Ba giờ rưỡi lễ tất, huynh đệ về liêu. Bần đạo hộ cho hai người đạo trù phòng tại ngụ liêu mỗi người ít trăng nga, họ rất mừng vui. Thiền chủ có đem anh lạc và tiền 5 trăng nga đáp lễ, bần đạo hiến lại cho Samdhen. Chiều tối các huỷnh dùng bột thịt rồi nghỉ.

Ngày 14 Juillet 1936 – 26-5-â.l.

Sáu giờ trà bánh điểm tâm. Sáu giờ rưỡi có vị Lama thiền chủ (chef du Sangha) ở nhà thiền Trzăng-pá Khâm-trzanh lại rước, thì Samdhen bảo Choundouss đi trước với bần đạo, huỷnh còn mắc việc sẽ đi sau. Hai huynh đệ đi, khi đến cửa nhà thiền Trzăng-pá, thì thiền chủ sẵn chực rước lên lầu mời lại tọa đơn. Liếc sơ thấy mười phần đẹp đẽ, đơn trải gấm tàu, tợ son sơn phết vàng, chỗ Bần đạo ngồi nệm cao gấm tốt, tợ lớn chưng dọn sạch sẽ, vách treo phan hàng tòng tụi, gần bên có tiểu tọa cho Đại tăng sư (cai quản 4000 tăng chúng) ngồi tiếp chuyện cùng Đàn na. Trà ba từng, thiền chủ mời vào nhà thiền lễ Phật và xem Đạo tràng. Cùng Choundouss vào lễ Phật, Tổ sư Lama, Talê Lama. Đoạn đi xem từ điện, từ tả chí hữu, rốt đó là vị Hộ pháp, Thiên long : Mặt rồng mình người, cúng dường chút ít. Xong việc ra ngoài, Choundouss chụp hình Bần đạo đứng trước nhà thiền rồi vào đơn nghỉ. Một chập có Samdhen lại với ba huynh kia, thiền chủ mời tọa đơn kế Bần đạo, coi bộ huỷnh dường có nét xẻn lẻn, vì thấy sự tiếp đãi cách long trọng và nhà thiền mười phần đẹp đẽ…, song chập lâu bần đạo bảo huỷnh ra chụp hình chơi dã lã cho vui lòng, thiền chủ thiết đãi bánh trái cũng trọng. Đoạn đạo bưng bột và đồ xào chay cho bần đạo, còn bột và đồ mặn cho năm huỷnh. Huỷnh bảo bần đạo ăn ít ít vì một lát còn dưng cơm nữa, ăn rồi chuyện vãn, đoạn 11 giờ rưỡi hộ cơm với lạc (dehi). Kế 1 giờ chư tăng tựu trên 400 chư sư. Samdhen bèn chụp ảnh chư tăng hai lần hết film.

Khởi sự cúng dường, tụng kinh, cúng trà, đoạn có đạo đem trà cúng dường ra đãi. Samdhen rằng : trà cúng dường, âm phước. Sự cúng dường chỉ có Đại lão quản chúng thượng tọa, chẳng có Hòa thượng, 2 giờ đọc sớ rồi, Thiền chủ mời vào, bần đạo vào lễ Phật Pháp tăng rồi ra. Tụng kinh một chập nữa, kế 2 giờ rưỡi hườn kinh. Choundouss lãnh phần hộ tiền cho chư sư. Samdhen bảo đưa thêm 4 rupee. Xong việc hộ tăng, thiền chủ mời vào đơn, an tọa, trà một chập, kế đạo bưng lên cho bần đạo một mâm đồ chay, các huỷnh đồ mặn, thịt dê khô, sườn, đùi để y trong dĩa cổ, cách trọng đãi hơn Lađặt nhà Thiền. Ăn xong, chuyện vãn một chập, Samdhen nói cùng Bần đạo. Quan Thừa tướng có gởi đến hai cái thơ cho thiền chủ, bảo chưng dọn tử tế, cũng như cuộc cúng dường Đại thí-chủ, vì thầy là ngoại quốc đến cúng dường, tuy ít mà quí lắm, nên Quan Thừa tướng ân cần căn dặn Thiền chủ, nếu sơ lược có lỗi, vì vậy mới gấm trải phan phướng chưng dọn rình rang. Chuyện xong huynh Samdhen bèn lấy ra một gói tiền một sợi anh lạc đáp lễ (phần riêng của huỷnh). Song thiền chủ hồi gói tiền lại…

Đoạn huynh đệ từ kiếu lui về Lađặt Sangha. Chiều lại bần đạo lấy ra 2 rupee trao cho Samdhen rằng : Tiền nầy Bần đạo xin đáp tạ chủ liêu ngụ, tiền củi nước chút ít và nói và vui cười với huỷnh rằng : Nay rồi các việc, Bần đạo giao số tiền nầy cho huynh đền đáp giùm, Bần đạo như rồi việc, không còn biết chi nữa, mọi việc gì nữa huynh lo lấy, bần đạo hết rồi.

Ngày 15 Juillet 1936 – 27-5-â.l.

Trà sữa điểm tâm cùng bánh China xong. Sam-dhen trao một sợi anh lạc rằng : Bây giờ huynh đệ ta lo đi viếng Hòa thượng Lađặt. Đi quanh co lên đảnh xa bộn, mệt điếng, đến liêu đại đức. Samdhen có đem lễ vật theo : một bao gạo, hàng Bhutan một xấp và các hình Phật Bodhgaya, nước sông Gange, bưng vào liêu, đảnh lễ dưng anh lạc, cúi đầu trước Đại đức, hai tay rờ đầu và cụng đầu, kế bần đạo cũng vậy, còn mấy huynh kia tay rờ đầu chớ không cụng đầu. Đoạn ngài mời ngồi nơi đơn, đạo đãi trà. Ngài cùng Samdhen với Isess chuyện trò, còn Choundouss cùng bần đạo ngồi kề, cứ phẳng lặng. Bần đạo lét mắt ngó đại đức chán chường, còn nhỏ tuổi lối 25, mặt mày sáng sủa, nói năng đề đạm, chập lâu xá kiếu về, vừa bước ra cửa liêu thì Lama đầu bếp mời nán ngồi đợi dùng bánh canh thịt rồi về. Từ chối hết sức không đặng phải hầu đãi thực. Bần đạo chỉ vớt bột ăn lấy lễ, đoạn ăn xong kiếu về, thì Đại đức sai đạo hộ mỗi vị một cái niệt. Xuống lầu, vào điện Tổ sư Lama cúng dường chút ít, lễ bái rồi lui ra về. Tám giờ tới ngụ liêu. Đoạn có Đạo đằng chùa nhỏ của huynh đồng hương cùng Samdhen sai lại rước huynh đệ đi nghỉ mát dưới cội cây tại rừng chồi chùa nhỏ. Đến nơi thấy cây cối bộn bàn, tàng lớn cội to xem ra cũng đẹp. Thì huynh đồng hương với Samdhen đem tapis hai tấm tợ ra trải dưới cội cây cho huynh đệ tạm ngồi, đoạn có người đem bình xăng đến cho các huỷnh dùng, chỉ Samdhen và bần đạo xin kiếu, uống trà. Bần đạo vì không hợp ý vui chơi, nên giả đau răng đi kiếm nơi khác ngồi, nằm trên thạch bàn riêng nghĩ tư duy. Nội khóm rừng ấy cũng có đông người tới nghỉ mát uống trà, đổ hột chơi giỡn, thảy đá, hò hát. Phần đông là chư Lama, phe nào chơi theo phe nấy, không ai trà trộn khác phe. Người tu hànhvui chơi đổ hột thật cũng kỳ, nhưng ấy là tục xứ đã quen. Mười hai giờ ăn ngọ dưới bóng cây với một cái bánh in lạt với một chén trà, rồi đi nằm riêng nơi thạch bàn, tới 4 giờ về liêu ngụ, nằm nơi đơn tới giờ đi ngủ, ngậm ngùi đời mạt pháp.
Đêm nay trời mưa dầm.

Ngày 16 Juillet 1936 – 28-5-â.l.

7 giờ ăn bột cùng cải xào, 8 giờ rưỡi có ông sư Lama già đến rước đi hành hương mấy chùa, bởi ông thạo các nơi nên lãnh dẫn lộ. Đến chùa lớn, trước khi tới chùa lớn, ghé một chỗ điện Phật khác và đóng dấu niêm. Sandhen rằng : Chìa khóa điện nầy Quan Thừa tướng giữ, mỗi ba tháng có cúng dường mới mở cửa. Trước điện có Lama thủ thiền, sắm sửa cúng nước tụng kinh. Samdhen dưng nơi cửa điện một sợi anh lạc rồi cúng tiền cho vị Lama ấy. Bần đạo cũng y theo lấy tiền cúng dường. Lama bèn nổi chập-chỏa, trống, tụng kinh cúng tịnh bình. Đoạn huynh đệ kiếu đi đến chùa lớn, Lama lão dẫn đi các điện cúng dường lễ bái. Khi đến một cái điện Phật Thích Ca, thì thấy trước cửa điện có một tấm bảng chạm sơn son phết vàng, huyền chính giữa cửa điện chạm bốn chữ : thiện chi giáng hoàng , vào cúng dường lễ bái, thì Lama lão nói với Lama từ tại điện giây lâu, thì Lama từ đi theo nội bọn, mở cửa cho lễ bái hành hương xem viếng các điện, đến nhà thiền thì hết. Nhà thiền rộng lớn, nệm trải khắp nơi, đầu nầy ngó qua đầu kia xa lắc ước trên một trăm thước. Chạm trổ sơn vẽ xem nguy nga. Nhà thiền thờ chư Tả lê Lama tổ sư, có tháp để cốt của chư Tổ sư. Ôi nói không cùng, mỗi chỗ chút ít tiền dầu cúng dường. Qua chùa nhỏ, đi cúng các điện, các nơi xong tới nhà thiền chạm vẽ sơn phết rực rỡ, nhưng nhỏ, Samdhen khoe rằng : Đây là chùa của chúng tôi Lađặt, thầy xem tốt không ? Hai bên nhà thiền có tủ kê sơn son phết vàng, mỗi bên 500 cốt Phật đủ thứ… Khi ra nhà thiền, đi vòng qua xem nhà bếp, người đầu bếp dắt chỉ, phần nào của chùa nào. Chỉ cái nồi phần chùa của Thừa tướng chùa lớn. Hai cái nồi bề ngang ba thước bề sâu một thước rưỡi, nói rồi trà và trôi nước cho chư sư ăn khi cúng dường. Ra về còn hai chùa nữa, Samdhen nói thôi để khi khác, nay mệt quá. Về ăn ngọ cơm đường với dehi. Đền ơn cho Lama lão ít yoyăng.
Tiếp điển tổ sư.

Ngày 17 Juillet 1936 – 29-5-â.l.

Điểm tâm bột với cải xào, trưa ngọ bột chiên với đường. Mười hai giờ rưỡi có ngựa tới, gác yên, đoạn tạm biệt chùa Dzêsbung và chư Lama Lađặt, đi về Lhassa. Một giờ 45 tới nhà ngụ, liền đó có huynh đầu bếp mừng hỏi. Samdhen thuật sự bần đạo cúng dường hai nhà thiền, tốn kém cũng bộn. Đầu bếp day qua Bần đạo nói : Lama chef nhiều tiền quá. Đáp rằng : Bần đạo là người tu hành, tiền không có, ấy là tiền của Đàn na hộ phí bần đạo để cúng dường. Chuyện vãn vui vẻ rồi. Đầu bếp ra về. Mượn Isess cạo đầu. Tối lại trời mưa, đã hai đêm mưa dầm, núi đóng tuyết trắng phao, lạnh lẽo rồi đêm nay còn mưa nữa, nên lạnh thêm.

Ngày 18 Juillet 1936 – mùng 1-6-â.l.

Sớm mơi thức ra trước tiểu, thấy nước ngập lai láng, ngọn nước rạch nhỏ gần chợ tràn trề, ngó xung quanh núi tuyết đóng trắng phích. Điểm tâm rồi cùng Isess đi chợ, mua ít trăng nga hàng bông, bữa nay nấu chay cho các huỷnh xơi. Tối các huỷnh cũng ăn bột với đồ chay còn dư. Tối ngủ, khuya 11 giờ trời mưa, phòng ngụ dột ướt khắp nơi, bần đạo nổi đèn, Issê Sonnam thức, ôi thấy dột ướt cùng, lấy dù che mấy chỗ có đồ. Bần đạo cũng che dù nơi đầu đơn dột ướt, ngủ thì sáng thức mền ướt ráo.
Samdhen dường đã muốn hết tiền, nên coi ý đã hà tiện.

Ngày 19 Juillet 1936 – mùng 2-6-â.l.

Điểm tâm, phơi đồ, lên rầm nhổ cỏ, sửa soạn mướn gánh đất bồi bổ. Lúc bần đạo xơi ngọ rồi, nằm nghỉ, thì nghe la chở đất tới, Issê và Sonnam đem lên bồi bổ, Samdhen cũng nghỉ trưa, khi thức dậy lên xem đoạn xuống kêu bần đạo thức dậy, bảo lên rầm xem, bảo đôi ba lần, bần đạo cũng thuận tình lên xem, trở xuống vào liêu nói : Tốt quá. Huỷnh nói đất đó mua hết 24 trăng nga, nói hai lần, bần đạo hiểu ý, bèn nói : Tiền đất ấy để tôi trả cho, coi bộ huỷnh hơi thẹn, nói không, không, để tôi trả. Bần đạo vui cười rằng : Vậy thôi phần huynh nửa tôi phân nửa và nói và móc túi lấy ra một tấm giấy bạc 2 rupee để trên tợ của huỷnh, rồi lên đơn ngồi. Huỷnh dường thẹn mặt vì biết Bần đạo đoạt ý của huỷnh, huỷnh nói trưa sao buồn ngủ quá, rồi nhắm mắt. Bần đạo thấy vậy, thấy tấm giấy còn trên tợ, bước lại lấy giấy bạc đem qua cô đầu bếp mượn đổi giùm tiền lẻ. Huỷnh hay, hỏi Isess, Isess nói bần đạo mượn đổi tiền. Huỷnh làm thinh, bần đạo vào đơn ngồi viết nhựt ký…

Tình đời theo lối thế kỷ mạt pháp nầy, tăng tục đều sống bằng tiền, bạn bằng tiền, thương ghét tùy tiền. Ôi ! Ôi ! đời kim tiền, có chi lạ cho cái máu tham lam, nghe hơi đồng thì vui thì cung phụng, vắng hơi đồng thì mặt mày đổi sắc, bạc đãi, thô lời… Chán biết cái tâm đời…

Đoạn 4 giờ có một Lama tới viếng huỷnh, rốt chuyện rồi huỷnh nói với bần đạo : Vị Lama đây là tăng-sư tại nhà thiền Thừa tướng Trzăng-pá Khâm-trzanh, hỏi thầy đến cúng dường tại đó ra thế nào ? Đạo chúng cúng dường thế nào, nhà thiền ra sao ? Bần đạo rằng : Sự cúng dường tốt lắm. Cả thảy đều tốt, không chi lạ. Huỷnh thông ngôn lại, đoạn Lama khách kiếu về. Mấy huỷnh rủ đi chợ, bần đạo chối từ, ở nhà nấu trà sữa uống chơi. Chợ búa đường xá ướt át, bữa trước đi rồi, sình nẩy ngập dày, nay còn đi chi, để cho họ đi cho biết…

Luận : nghĩ mình Thích-tử, chữ nhẫn làm đầu, nên chi muôn điều ngàn việc đều phải nhẫn nhục. Đất khách, người lạ, ta là kẻ tha phương, mọi lời xuất khẩu phải dè dặt, nhu hòa, nhỏ nhẹ, cho ngoan lời nói, nơi xứ người như nước chìu lòng sông rạch, thì muôn việc dễ dàng, xuôi xếp. Vì xét vậy, mà từ ngày cùng bọn Samdhen theo chưn đi Tây-tạng, bốn nguyệt dư không một mảy mích lòng. Ở ăn đều dè dặt, đến sự họ cợt diễu lời nói, bần tăng cũng phuôi pha hoan hỉ nhẫn nhục cho qua ngày. Cho đến đồng tiền, bần đạo cũng chịu thua sút, chìu ý mà xuất phát ít nhiều. Đời mạt pháp, người Tăng kẻ tục đồng tánh, máu tham tài nung nẩy, nghe hơi đồng tâm ý khoái nhiên, đã đạt được đặng tâm người mà còn để cho mích dạ, phiền lòng, nghịch ý, thì không đáng mặt Phật đệ tử. Khắp hoàn vũ, có nơi nào mà chẳng sống vì tiền tài, tranh, đấu, cấu xé, chẳng thương nhau, giết lẫn nhau, binh đao dấy động, đống chiến-thi chất-ngất thành non, máu tử-trận tràn-lan như biển cả, cũng vì cái huyết tham tài. Gặp đời mạt-pháp, bần-đạo hổ vì đức bạc phước mỏng, không dùng đặng cái đức hạnh của nòi Thích-tử mà phục lòng người, lại buộc phải dụng tiền tài mà thắng thói đời, thật cho là thậm-sỉ cho con nhà Phật đạo. Song nhớ câu Phật dạy chư Bồ-tát, Thinh-văn đệ tử rằng : “Hành Bồ-tát đạo, đạt pháp-giới tánh thiên nhiên, tùy thuận chúng sanh : thân, ngữ, ý, bất trụ tâm, bất trước pháp, vô phước đức tánh, như như bất động, thị danh Phật đệ tử.” – Vì vậyBần đạo vui lòng tùy thuận, cùng bọn Samdhen không ai cấm trách đặng, mấy tháng trời nương gót tới Lhassa. Tới đây cùng Quan trong xứ cũng chìu ý thuận lòng, làm cho người người vui thấy, đường đườngchướng ngại. Mấy cảnh chùa đại chúng hoan nghinh, tiếng đồn khắp vui nghe tên Bần đạo là thầy tu Nam-việt tới Lhassa. Vua quan dân cùng cả tăng sư mới lần nhứt biết người cõi Việt Annam…

Ngày 20 Juillet 1936 – 3-6-â.l. Tibet 1er6.

Sớm trà sữa điểm tâm, đoạn xuất tiền chợ mua hàng bông nấu chay đãi các huỷnh. Hao của tốn công cho vui lòng người cho an thân mình nương trong đất khách. Nay ăn ngọ sớm, rồi mượn Choundouss đem film ra tiệm chụp hình mướn rửa. Chập lâu về, đem film về nói nhà chụp hình đòi ăn mắc quá 6 rupee 3 film. Samdhen rằng : Thôi để đó, Quan Thừa tướng có hứa sẽ chụp ảnh bọn mình và nói sẽ rửa film giùm cho mình, đợi ít lâu sẽ rửa. Bữa nay không ăn ngọ vì 9 giờ ăn bột với đồ xào cùng các huỷnh rồi thôi. Chiều lúc 5 giờ rưỡi đang ngồi lần chuỗi một mình nơi đơn bỗng có Quan lớn và bà lớn lại viếng nội bọn, bần đạo ra chào. Quan hỏi thăm Samdhen vậy Bần đạo đi viếng các cảnh và hành hương mấy chùa rồi ý tứ và nói thế nào ? Sam-dhen rằng : Khen tốt đẹp và chùa rất lớn tốt. Quan mặc đồ âu phục nỉ rằn và bà mặc trong đồ Tây-tạng ngoài áo mát âu châu. Vào liêu dòm cùng rồi khen sạch sẽ, đoạn chừng 15 phút, hai ông bà kiếu về. Samdhen nhái bần đạo cách chào Quan lớn theo cách Tây-tạng. Đêm nay lạnh lẽo vì cả đêm mưa dầm y như mấy đêm trước. Nghĩ mình ăn gởi ở nhờ, muôn bề phải hạ mình chiều lụy.

Ngày 21 Juillet 1936 – 4-6-â.l.

Sớm trà điểm tâm rồi, đoạn huynh Samdhen bảo tổng khậu hấp cơm cho nóng cho Bần đạo dùng, vì chiều hôm qua ăn cơm có để dành cho Bần-đạo. Đồ chay xào hôm qua cũng còn. Cơm và đồ ăn đổ trộn lộn, hấp, đến chừng bưng lên bần đạo thấy nhão nhẹt như cháo đặc, vị tình ăn chút ít, còn lại bao nhiêu các huỷnh chia nhau ăn hết. Mười giờ rưỡi, bần đạo ăn bột với cải xào rồi sắm sửa. Mười một giờ cùng huynh đệ đi hành hương tại chùa Séra, cách thành phố lối 3.000 thước. Lúc đi sẵn tiện đường quanh lại nẻo nhà đúc bạc in giấy xem. Nhà đúc bạc ở gần trại lính, vào trại lính xem trước, rộng rãi, trại cất ba bên, đoạn Samdhen hỏi thăm một cô đứng trước cửa rằng : Nhà đúc bạc chỗ nào ? Cô bèn chỉ ở phía tả trại lính nầy. Huynh đệ đồng đi, đến nơi sẵn có thầy làm việc biết nội bọn vì người vô ra chơi nơi nhà Đầu bếp và có mượn Bần đạo xem tay, người là quan lại của Thừa tướng. Thầy dắt xem chỗ đúc bạc, sous, rồi đi qua chỗ khác, lại có thầy khác đem đi xem chỗ in giấy bạc, máy móc đều mua của Anglais, xứ nhỏ, nên xưởng công nghệ nhỏ nhen, nhưng cũng là quá, máy chạy điển khí vì có nhà đèn khí. Xem xong bèn kiếu thầy đi ra cửa thẳng qua Chùa cách 1.500 thước. Đường xá dễ đi nhưng phải cởi giày đi qua mấy ngọn suối nhỏ, phải chi không mưa mấy đêm rồi, thì suối cũng không tràn láng, đường xá khô ráo. Đến chùa thẳng đến nhà liêu của Bơda Lama là anh của Choundouss đỗ ngụ sáng sẽ hành hương. Đến nơi Samdhen và bần đạo tọa đồng đơn một liêu, còn bốn huynh kia tọa đơn nơi nhà trù. An tọa trà ít từng, bèn sắm sửa anh lạc và gói tiền đặng ra mắt Bơda Lama. Phần bần đạo 10 yôgăng. Samdhen vào liêu đảnh lễ trước kế bần đạo, lễ rồi đem anh lạc và gói tiền dưng tại tợ Đại đức, Đại đức bèn lấy anh lạc choàng cổ và hai tay rờ đầu và cụng đầu mỗi người. Samdhen và Bần đạo thì ngài mời tọa đơn trước đơn của ngài. Bốn huynh đệ kia thối lui qua bên trù phòng. Ngài và Samdhen chuyện vãn và hằng liếc ngó bần đạo, hỏi thăm xứ Bần đạo. Trà ba từng, hai huynh đệ đồng xá kiếu về ngụ liêu. Samdhen rằng : Đại đức là anh ruột của huynh Choundouss. Tôi nghe qua bèn hỏi : Sao chư Bơda Lama đều còn nhỏ tuổi hết vậy. Huỷnh rằng : Đó là chư tiền bối Tả lê Lama Hòa thượng, truyền y bát trước khi tịch diệt. Chư tăng sư đều có thiệt nghiệm. Chư đại lão thọ ký các ổng lúc còn nhỏ và truyền y bát trước ngày tịch. Đoạn bần đạo bước ra đi ngoài, gặp Choundouss bèn hỏi Bơda Lama là chi của huynh ? – Nói : là anh ruột của tôi. Tôi 31 tuổi, huỷnh 32 tuổi, còn một người em nữa của lama ở tại nhà thiền người Khampa ở trước kia, vừa nói vừa chỉ cho bần đạo cái nhà thiền ấy. Bần đạo nói : Cha mẹ huynh lấy làm có phước mới đặng con là Đại đức Lama. Nội dòng họ có hai người tu hành, thì phước hưởng cả họ không hết. Đoạn vào liêu ngồi nghỉ kế 4 giờ Lama trù phòng dưng thực. Samdhen dùng, bần đạo xin kiếu. Xuất 1 rupee mua beurre, mai cúng đèn.

Tối ngủ dưới hàng ba từng hạ, đêm nay cũng còn mưa dầm, nhờ mền nhiều lớp, nệm mền của nhà ngụ phụ giúp, nên ấm áp ngủ yên. Khuya một mình thức, ngồi định tư duy.

Ngày 22 Juillet 1936 – 5-6-â.l.

Sớm cùng Isess đi lên mạch nước rửa mặt rồi về ngụ liêu cùng Samdhen đồng tọa. Trà ít từng, kế trên phòng dưng bột và cải xào thịt. Ăn cải còn thịt gắp bỏ vào đĩa huynh Samdhen, ăn rồi, trà nước, đợi chư Lama cúng dường rồi mới đi hành hương đặng. Nội chùa Séra có năm cảnh chùa, chia ra mỗi cảnh là mấy chỗ ngồi cho đủ 5.500 vị Lama. Mười giờ, có tiểu Lama về, thì Samdhen rằng : huynh Lama đó về, thì sự cúng dường đã rồi, mình sắm sửa đi hành hương, huỷnh sẽ dẫn đường và theo chế dầu các điện. Đoạn chập lâu, huynh đệ đồng đi cảnh chùa lớn trước, cúng dường các điện rồi tới nhà thiền 2.500 chỗ ngồi. Gần đó có điện Phật tổ, thấy có bảng của China cúng treo trước có bốn chữ : “Phước-trường-hằng-hộ”, đi cúng dường đủ mấy cảnh rồi 1.500 chỗ ngồi, chỗ 1.000, rốt hết tới chùa của Quan Absơre. Đến nơi cửa chùa còn bế vì chư Lama còn tụng kinh. Thấy nam nữ đứng chực trước hàng ba chùa cũng đông. Sáu huynh đệ dừng bước cũng chờ chừng 5 phút, bỗng cửa chùa mở, có một vị Lama trung niên, mặc đồ Lama hàng, choàng flanelle điều, tay cầm biểu hiệu, bước ra ngoài hàng ba đứng, đoạn quơ biểu hiệu, chư lama chen nhau đi ra cửa, đông như kiến cỏ, lớn nhỏ kéo ra. Đoạn thấy có đôi ba tiểu niên (10, 11, 12) tiểu Lama bước ra, thì Samdhen nói : Đó là Bơda Lama đã thọ ký rồi sẽ là Đại đức Thượng tọa hay đã là Thượng tọa. Lúc 1.500 lama ra rồi hết, thì những thiện nam tín nữ đều kéo vào, huynh đệ chúng tôi đi sau rốt. Vào nhà thiền lễ bái đại điện Phật tổ và Tổ sư rồi, đồng đi cúng dường PhậtTổ sư các điện, mỗi chùa nơi điện nào cúng tiền thì trên điện có để mâm cỗ đổ gạo tràn cho Đàn na biết mà tùy hỉ. Có chỗ cúng tiền trong bình bát Phật tổ. Rốt việc về, đi qua nhiều cảnh vườn cây, thấy chư lama đang ngồi dưới bóng tụng tập kinh kệ, có giáo-thọ, yết-ma làm đầu. Về tới ngụ liêu, đã 12 giờ. Từ phòng dưng đồ ăn ngọ. Trên mâm để một dĩa bàn bánh bao thịt, hai dĩa cải chua Samdhen bảo ăn, bần đạo ăn cải chua, huỷnh ăn bánh bao, kế huỷnh bẻ bánh bao lấy nhưn thịt bỏ vào chén huỷnh còn bao bột ngoài bỏ vào chén bần đạo, thôi cũng hoan hỉ ăn bột gởi gần thịt. Ăn uống rồi, hộ huynh hướng đạo ít trăng nga và Trù phòng Lama ít trăng nga, rồi sáu huynh đệ đồng kiếu từ đi về. Bốn giờ tới nhà ngụ, một đêm không ngủ, rệp đói, đêm nay cắn liền đeo, mòn rồi cũng ngủ tới sáng.

Ngày 23 Juillet 1936 – 6-6-â.l.

Nhựt thường lệ. Sớm điểm tâm trà bột. Trưa ngọ bột và cải xào. Samdhen đi viếng Quan lớn trở về nói : Bữa nay trả tiền đèn cho Quan lớn. Bần đạo bèn lấy ra 16 rupee 4 anna trao cho Samdhen. Chiều huỷnh đem trả cho quan lớn. Tổng cộng sự cúng dường tại Dzêsbung, hai nhà thiền là 104 rupee. Nữ nam đi ăn uống dưới bóng cây cả ngày, chiều về ca lý dọc đường inh-ỏi. Samdhen mua lò, y muốn Bần đạo hùn tiền nên nhắc hoài số tiền mua.

Trời mưa đêm từ hôm ở Dzêsbung tới nay còn mưa đêm. Tối nay cũng còn mưa dầm, lạnh, song ngủ đặng vì có phơi nệm và bỏ cái đơn cây ra ngoài sân phơi, nên rệp không chích, ngủ êm.

Ngày 24 Juillet 1936 – 7-6-â.l.

Sớm điểm tâm trà sữa, Samdhen bảo Isess hấp cơm nguội chiều hôm qua các huỷnh ăn còn dư với đồ xào cho bần đạo dùng. Nhưng bần đạo không ăn. Các huỷnh ăn bột. Bần đạo rằng : 11 giờ sẽ ăn. Sớm ăn đồ dư không cúng dường đặng, nên không muốn dùng. Lâu lâu có một bữa cơm, ăn vào khó chịu, chi bằng ăn bột quí hơn vì hằng ngày ăn đã quen ruột, còn cơm năm, mười bữa mới có một bữa, thì có ích chi. Xứ nầy có kẻ cả năm chưa biết hột cơm là gì, chỉ ăn bột mà thôi. Như huynh đầu bếp ở gần, từ ngày đến Lhassa tới nay không thấy huỷnh và vợ con ăn cơm. Samdhen có cho hai lần gạo thì vợ con và huỷnh mới có ăn. Thiệt củi quế gạo châu, củi cứt bò, mà từ hôm đến đây tới nay mà huynh Samdhen nói mua hết 9 rupee. Nên chi phải mua cái lò đất thổi ống bễ cho ít hao củi phẩn. Huỷnh nói mua hết vài đồng rupee cái lò đất ấy…

Thôi mình lo đi mua hàng bông. Choundouss bảo Sonnam đi mua giùm. Mười một giờ ăn ngọ bột với cải xào và cải chua. Đoạn huynh Choundouss rủ đi chơi, đi một vòng chợ, mua một xâu chuỗi Tibet 2 trăng nga. Về ghé nhà quen của huỷnh, cô chủ gia mời uống xăng, hoan hỉ uống ba chén, in như nước cơm thiu, rồi coi tay giùm cho cổ và một cô ở gần. Đoạn kiếu về, thấy Isess sửa soạn mang đồ bên vai, hỏi đi đâu ? – Đi chùa Dzêsbung vì tên thợ may Lama chùa ấy đến nói : Lama già mà Bần đạo đã coi mạch định chết, nay đã chết, nên Isess đi thăm và cúng. Ôi, người đời mới thấy đó nay đà mất đó. Thân giả hiệp, có bao lâu. Chiều nay Bần đạo bần thần quá đỗi, mê mệt vì trời mưa dầm luôn mười đêm, mưa dầm, ban ngày khá bữa mưa bữa không. Bị xứ lạnh, chanh phong thổ là một, thêm sự lạnh một ngày một tăng thêm, nên khó chịu, khí thở lạnh lẽo bắt ho. Ngủ ít, khuya Samdhen kêu mượn hộp quẹt vì trời mưa dột chỗ huỷnh nằm. May chỗ Bần đạo ít dột.





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/10/2014(Xem: 6943)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :