Phần Hai

09/03/201012:00 SA(Xem: 12515)
Phần Hai

thichtrithu-tuongniem-kyyeu

KỶ YẾU
VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG
GIÁO HỘI PHÂT GIÁO VIỆT NAM
Ấn hành PL 2536-DL 1993



Phần 2
Lời phát biểu của HT. Thiện Siêu
Thơ cảm niệm khóc Ôn
Thủ bút của Hòa Thượng
Cảm tác – Viếng cảnh Hương Sơn
Thiền sư tán
Cung duy
Bái niệm Hòa Thượng
Tôn sư thùy niệm
Kết dòng tiểu sử
Tưởng niệm Hòa Thượng Thích Trí Thủ
Bảo tháp HT Thích Trí Thủ
Nhân một bài thơ về Hòa Thượng Thích Trí Thủ
Khai kiến Quảng Hương Già Lam
Cảm niệm HT. Thích Trí Thủ
Những lời căn dặn
Tưởng niệm (thơ)

LỜI PHÁT BIỂU
CỦA HOÀ THƯỢNG THIỆN SIÊU TRONG BUỔI LỄ CHUNG THẤT
CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ THỦ TẠI GIÀ LAM
Ngày 20-4 Giáp Tý (20-5-1984)

Nam mô A Di Đà Phật

Giờ đây trước bàn linh trang nghiêm của cố đại lão Hòa thượng, tất cả Tăng Ni Phật tử chúng ta đang còn mang nặng trong tâm tư nỗi niềm bùi ngùi xúc động, thương tiếc nhớ tưởng một vị Cao Tăng, một bậc Thầy đạo hạnh cao thâm, chí nguyện kiên trinh, trọn đời hiến mình cho Đạo pháp và Dân tộc. Với cố giác linh Hòa thượng, tất cả chúng ta những người đã gần gũi, những người đã thọ ân pháp hóa, không ai không khắc cốt ghi tâm, những nụ cười hoan hỷ, những dáng điệu vui tươi, những cái nhìn từ mẫn, những câu nói hiền hòa đậm đà đạo lý, nên một khi nghe Hòa thượng viên tịch, tất cả Tăng Ni Phật tử nơi nơi không ai cầm được giọt lệ, như thấy mình đã mất một bóng cây đại thọ che mát, như thấy mình thiếu giọt nước cam lồ, như thấy mình không còn nơi nương tựa. Sự xúc động, sự nghẹn ngào đã dâng trào khắp tất cả mọi hàng Tăng Ni Phật tử, ở trong chùa, ở giữa đường , ở ngoài chợ, sau khi nghe tin Hòa thượng viên tịch. Sự thông cảm đó đã nói lên công lạnh lớn lao, cái chí nguyện cao cả của Hòa thượng đã ban bố cho hàng Tăng Ni Phật tử. Nên trước cái công lạnh lớn lao đó, dầu có nói mấy cũng không cùng, dầu có tả mấy cũng không hết, chỉ chúng ta lắng lòng suy tư, lắng lòng nhớ tưởng, chúng ta mới thấy rõ được những nét cao siêu, những nét thâm huyền, những nét đạo hạnh nơi Hòa thượng, Hòa thượng luôn luôn phát nguyện rằng :

Một lòng kính lạy Phật đà,
Đời đời con nguyện ở nhà Như lai.
Con hằng mặc áo Như lai,
Con ngồi pháp tọa Như lai muôn đời.

Đó là một lời nguyền thâm sâu phát xuất từ kinh Pháp Hoa, với ý nghĩa nhà Như lai là tâm đại từ bi, áo Như lai là tâm nhu hòa nhẫn nhục, tòa Như laiNhất thiết pháp không, đại từ biĐại bi, nhu hòa nhẫn nhụcĐại hùng, Nhất thiết pháp khôngĐại trí. Hòa thượng đã lấy câu kinh trong kinh Pháp Hoa làm cái chí nguyện cao cả của mình, suốt đời tuân theo suốt đời hành đạo. Nhờ đó mà trải qua bao nhiêu việc làm của Hòa thượng đều mang một sắc thái đậm đà đạo lý, mang một sắc thái tư lợi lợi tha, ích đời lời đạo. Dù tuổi già đã 76, nhưng Hòa thượng vẫn mỗi buổi sáng dậy thật sớm, hai giờ rưỡi, uống nước, tắm, rồi đi vào chùa lễ Phật 108 lạy trên một giờ đồng hồ, tiếp tục lại trì chú thêm một giờ đồng hồ nữa. Sự tu niệm chuyên cần đó không phải chỉ một ngày hai ngày mà luôn luôn hằng cả hai ba chục năm, không phải ở tại chùa mình mà bất cứ ở chùa nào, sáng nào cũng làm y như thế, không phải ở trong nước mà trong khi đi ra ngoại quốc dự đại hội, làm những việc Phật sự, Hòa thượng vẫn giữ công hạnh đó. Qua cái công hạnh đó để thấy rõ rằng chí nguyện Hòa thượng sâu xa biết chẳng nào, nếu ngược lại, một chí nguyện mỏng manh hời hợt thì làm sao thực hiện được một đạo hạnh thâm sâu lâu dài như thế. Một điều ấy cũng đủ cho tất cả hàng Tăng Ni phật tử chúng ta đời đời ghi nhớ, tất cả hàng Tăng Ni Phật tử chúng ta đời đời noi gương Hòa thượng và kính lạy bao nhiêu lạy cũng không vừa. Huống chi Hòa thượng không phải chỉ nghĩ riêng việc lợi mình giải thoát, còn nghĩ đến việc hoằng đạo lợi sanh, dìu dắt Tăng Ni trên đường chánh pháp. Hòa thượng từng tổ chức bao nhiêu Phật học đường ở Linh Quang, Báo Quốc Hải Đức, Già Lam, đào tạo những lớpTăng Ni nhỏ, đào tạo những lớp Tăng Ni lớn. Hòa thượng đã đeo đuổi công hạnh đào tạo Tăng Ni của mình suốt bao chục năm trường không biết mệt mỏi. Nhờ đức tánh từ hòa hoan hỷ bao dung, ngồi với Hòa thượng thì Hòa thượng trở thành Hòa thượng, đối với thanh niên thì Hòa thượng trở thành thanh niên,đối với Tăng trẻ Hòa thượng trở thành người trẻ, đối với em bé Hòa thượng cũng nói chuyện vui vẻ như một em bé. Do vậy đó mà bao nhiêu năm Hòa thượng sống với chúng Tăng không phải toàn là những người tu đạo lâu ngày, mà những người mới nhập đạo có, những người đi sâu trên con đường tu niệm có, những người mới pháp tâm có, tánh tình mỗi người mỗi chứng, đức hạnh mỗi người mỗi cách) thế mà Hòa thượng bao dung được tất cả dưới sự nâng niu giáo dục của mình, không từ bỏ một ai. Người có khả năng, Hòa thượng nâng đỡ theo khả năng, người khả năng kém Hòa thượng nâng đỡ theo khả năng kém, không để cho ai trở thành người vô dụng. Đó là một công đức lớn lao, một chí nguyện lớn lao, một bức gương sáng để hàng Tăng Ni Phật tử chúng ta soi sáng noi theo muôn đời không hết. Trong khi tổ chức giáo dục Tăng Ni, Hòa thượng đã có những cái nhìn xa thấy rộng, không phải chỉ gò bó trong một cách cổ xưa mà nâng đỡ Tăng Ni, giáo dục Tăng Ni có những kiến thức, những đức hạnh thích hợp với hoàn cảnh với thời cơ để phụng đạo lợi đời Hòa thượng đã từng mở ra đưa Tăng Ni đi thi để có những bằng Tiểu học rồi bằng Đại học đủ phương tiện để truyền dương chánh pháp. Không phải chỉ lo mặt tinh thần, Hòa thượng còn lo mặt vật chất cho Tăng Ni, đi đâu cũng mở những cơ sở kinh tế tự túc để cho Tăng Ni vừa làm vừa học, vừa nuôi sống vật chất; thể chất.,vừa nuôi sống tinh thần, để cho một người vừa có đủ cả hạnh cả bi cả trí cả thể, không thiếu mặt nào. Hòa thượng cũng đã góp chung với tất cả đồng bào, thương yêu tổ quốc, làm những điều mình có thể làm được, trải qua bao thời đại, khi nghe tin Hòa thượng viên tịch, không những chỉ những hàng Tăng Ni Phật tử trong đạo bùi ngùi xúc động, mà bao nhiêu những người không phải Tăng Ni Phật tử cũng bùi ngùi xúc động. Cố lắng lòng ôn lại những ánh mắt từ hòa, những nụ cười hoan hỷ, những dáng điệu bao dung, những cử chỉ êm đềm và những tâm tư rộng rãi quảng đại, chúng ta mới nhớ hết được những công đức cao dày, những công hạnh sâu xa của Hòa thượng, và có noi theo công hạnh của Hòa thượng để thực hành bước lên con đường sáng suốt lợi mình lợi đạo lợi đời) chúng ta mới có thể báo đáp được công đức của Hòa thượng một phần nào.

Hôm nay trước Linh đài trang nghiêm hàng Tăng Ni Phật tử chúng ta vô cùng thành kính để tưởng niệm công đức Hòa thượng làm lễ ngày chung thất, chúng ta cầu mong Hòa thượng cao đăng Phật quốc, hồi nhập Ta bà, để dìu dắt chúng ta bước thêm những bước dài trên con đường đạo.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
 
 

THƠ CẢM NIỆM

KHÓC ÔN

Ngày ÔN đi con buồn hoen ánh mắt,
Trái tim côi hiu hắt giữa màn đêm
ÔN và Con - bao kỷ niệm êm đềm
Chừ ÔN mất - đời con ôi bé bỏng !
ÔN với con vốn như hình với bóng
Bóng theo hình đây đó khắp non sông
Và mấy ai hiểu được chí tang bồng 
Chân dấn bước lòng chưa hề nao núng.
Suốt cả đời ÔN thích hòa với chúng,
Sáu mươi năm chăm sóc những đàn con,
Cho đến khi sức lực sắp hao mòn 
ÔN vẫn nhắc: "Tre tàn măng mọc nhé !”
Trải thân tâm cho hàng Tăng chúng trẻ,
Báo tứ ân xướng lạy Phật hàng ngày,
Ôm ấp trong lòng ước nguyện lâu nay,
Lễ tứ động và hoàn thành tự điển
Thời gian trôi như dòng sông hằng chuyển,
Nhưng trái tim nồng ấm vẫn còn đây 
Kính dâng ÔN giọt lệ nóng vơi đầy, 
Xin chứng giám cho lòng con ấm lại.
Ngày 11/5/1984

THÍCH ĐẠT ĐẠO 

THỦ BÚT CỦA HÒA THƯỢNG

thichtrithu-tuongniem-kyyeu1993-2-1_jpg

THỦ BÚT CỦA HÒA THƯỢNG

Dịch âm: 

TRÚ BA LA MẬT tự tụng Hoa Nghiêm Kinh hữu cảm:
Phần hương nhất nguyện Pháp không vương,
Đại hạnh đồng tham biến cát tường, 
Sát hải trần thân thi diệu lực
Trầm kha chướng loại tận an khương.

thichtrithu-tuongniem-kyyeu1993-2-2

Dịch nghĩa: Do chính Hòa thượng dịch và ký tên.

CẢM TÁC

Viếng cảnh Hương Sơn 

Cỏ hoa có nhớ ta chăng?
Thời gian trai trẻ ta từng đến đây. 
Hôm nay dù khác râu mày!
Non sông gấm vóc nơi nầy như xưa. 
Đây khe Yến, nọ rừng Mơ,
Hỏi thăm người cũ tiếng tơ bàng hoàng
Am cửa Võng, suối Giải Oan,
Nam Thiên đệ nhất nét vàng còn tươi.
Chim kêu suối chảy hoa cười,
Đào nguyên e cũng hổ ngươi kém phần.
Bước lên mỗi bước tần ngần,
Bình yên đất mẹ trong ngần bề khơi!
A Di Đà Phật ai ơi
Ba ngàn thế giới gởi lời nhắn nhe.

THÍCH TRÍ THỦ
(Làm tại Chùa Hương ngày 11.4.1980)

Thiền sư tán

thichtrithu-tuongniem-kyyeu1993-2-3

Phiên âm:

VIỆT NAM PHẬT GIÁO GIÁO HỘI
TRUNG ƯƠNG TRỊ SỰ HỘI ĐỒNG NGUYÊN CHỦ TỊCH
CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG
THÍCH thượng TRÍ hạ THỦ THIỀN SƯ TÁN
Nhất thiết giai không tánh bổn lai
Tiêu diêu tự tại tuyệt trần ai
Trang nghiêm bi trí quang thiền viện
Viên mãn giới châu ánh điện đài
Giáo hội Tăng đoàn tiêu đại thụ 
Việt Nam giác uyển điểm Hoàng Mai
Vô tri Bát-nhã Ba-la-mật
Hỏa lý liên hoa đóa đóa khai. .
Phật lịch nhị ngũ tam nhất niên,
tuế thứ Đinh-mão, Mạnh xuân,
Vĩnh-Nghiêm tự trụ trì
Tỳ-kheo THÍCH-THANH-KIỂM phụng tán
Dịch nghĩa:
LỜI TÁN CÔNG ĐỨC CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG
THÍCH thượng TRÍ hạ THỦ THIỀN SƯ
NGUYÊN CHỦ-TỊCH HỘI-ĐỒNG TRỊ-SỰ TRUNG-ƯƠNG
GIÁO-HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Tự tại tiêu diêu tánh bản lai
Sắc không chẳng vướng bụi trần ai
Trí bi rực rỡ nơi thiền-viện
Giới đức hòa chan chốn điện đài .
Cột trụ nhà Tăng xây giáo-hội 
Vườn thiền đất Việt trổ hoàng mai
Tròn đầy Bát-nhã Ba-la-mật
Trong lửa hoa sen đóa đóa khai.
PL. 2581, năm Đinh Mão, tháng Mạnh xuân
Tỳ kheo THÍCH-THANH-KIỂM
Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm phụng tán.

CUNG DUY 
Dạ sĩ THÍCH THIỆN TRÍ

Nghe Hòa thượng xả thân...rất kinh ngạc
Như sấm vang sét nổ giữa lưng trời 
Khiến bà con choáng váng cả óc tai
Chan lệ nóng dầm dề khắp xứ sở. 

Đời Hòa Thượng rất nhiệt tình Phật sự
Dẫu gian lao nhưng Ngài vẫn quên mình
Đem giáo lýhóa độ quần sanh 
Bất chấp sự chông gai thời mạt pháp.

Bao lâu nay Ngài dày công đóng góp 
Bất tận tâm với sự nghiệp vị tha 
Ở trần gian Phật tử khắp gần xa 
Đều luyến cảm bởi nhờ ơn giáo hóa

Gương đạo hạnh ngày càng thêm rạng tỏ 
Cả Tăng Ni đều kính mến trông vào 
Niềm hy vọng chan chứa biết là bao 
Kết ruột tằm cùng nhau thêu Phật sự

Những ước mong tự tại với trời đất 
Cùng xây đắp cội phúc giữa sông
Gieo an vui giữa vô tận vô cùng 
Cho muôn loại ướp xông hương giải thoát.

Chuyện bất ngờ biết nói sao cho xiết
Lẽ vô thường sanh diệt dễ ai hay 
Mới xuân nay hội ngộ ở nơi này.
Sau hơn tháng đã an vui tịch diệt.

thichtrithu-tuongniem-kyyeu1993-2-4

Bái niệm Hoà Thượng 

Phiên âm:
Việt Nam Phật giáo Giáo hội Trung ương Trị sự ,
Hội đồng Cố Chủ tịch THÍCH thượng TRÍ hạTHỦ
Đại lão Hòa thượng Linh giám
VẠN CỔ TÂM CƠ HUYỀN TRÍ NGUYỆT
THIÊN THU SỰ NGHIỆP TẢI THIỀN PHONG.
Phật lịch nhị ngũ nhị bát niên. 
Giáp Tý quý xuân.
An Lạc tự trú trì
Tỳ kheo Thích Quảng Thạc bái niệm.
Dịch nghĩa: 
Bái niệm Đại lão Hòa thượng THÍCH thượng TRÍ hạ THỦ.
Cố Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương 
Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
BÁT NGÁT RỪNG THIỀN, SỰ NGHIỆP NGÀN ĐỜI, GIÓ QUYỆN
HUONG ĐƯA NGÀO NGẠT MÃI. .
MÔNG MÊNH BIỂN TRÍ, TÂM CƠ MUÔN THUỞ, TRĂNG LỒNG HOA
NỞ RÕ RÀNG THAY !
Quý xuân năm giáp Tý. Phật lịch 2528
Trú trì chùa An Lạc
Tỳ Kheo THÍCH QUẢNG THẠC
Kính bái. 

Tôn sư thùy niệm 

Phiên âm: 
Thanh sơn bất lão 
Lục thủy trường minh
Tưởng huệ mạng ân
Kỉnh tham Khánh hỷ.
Giáp Tý quý xuân
Chuyết đồ THÍCH ĐỨC TÂM cẩn chí.
Dịch nghĩa:NHỚ ƠN TÔN SU'
Non xanh xanh mãi không già
Nước trong trong sáng khôn lòa sáng trong
Âs sâu giáo dưỡng ghi lòng
Tấm gương Khánh-Hỷbóng lồng xưa sau.
Cuối xuân Giáp Tý 1984
Đệ tử Thích Đức Tâm
Kính bái.


Kết dòng tiểu sử
NGUYÊN HỒNG

Ấy là lúc cửa thiền đôi cánh khép,
Bóng chim nào lưu ảnh giữa trường giang?
Trong dáng từ bi chiếc áo the vàng,
Thùy kim thủ nâng niu hồn thảo mộc...

Vòi nước tưới cây cọng rau cho cá,
Con chó lân la làm bạn, con heo vòi vĩnh đòi ăn.
Chén trà đắc ý câu thơ, 
Bên võng ngồi nghe chuyện kể.

Đêm tĩnh mịch bưng đèn thăm giấc ngủ chúng Tăng,
Chuông sớm điểm sương tan, một trăm lẻ tám gối già chưa mệt.
Chăm sóc đạo tràng thiền tịnh: hai lớp còn mường tượng âm dung.
Đốc suất làm tự điển bách khoa: giấy mực hai lần còn ngơ ngẩn

Ôi hạnh nguyện vô cùng, thân người có hạn,
Bảy mươi sáu tuổi đời, năm mươi sáu tuổi đạo.
Ngày hai tháng tư người giải thoát an nhiên,
Biết làm sao? Biết làm sao ngăn niềm xúc động vô biên !
Thế giới vô thường, không có ngã ai mà sinh diệt,
Nhưng giọt lệ nhân thiên nghẹn ngào giờ ly biệt. 


BẢO THÁP HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ THỦ
THÍCH MINH TUỆ

Từ trước đến nay, đa phần chùa tháp, danh TăngPhật sự không được ghi lại. Bởi thế, khi cần tra cứu, tìm hiểu, chúng ta thiếu tư liệu, hoặc có chăng nữa thì tư liệu không được ghi lại ngay lúc đương thời, do người có trách nhiệm sưu tập. Trừ một số tự viện có bi ký, nhưng lại quá đại lược; số còn lại phải mãi đến thời gian lâu xa về sau mới được nghiên cứu, tìm hiểu, do người ngoại cuộc ghi chép. Từ đó, có thể có những ghi chép, phán quyết, đánh giá không thật chính xác, hơn nữa, còn bị lệch lại, xuyên tạc. Một số chùa tháp, danh Tăng, chúng ta phải tìm rãi rác trong Đại Nam nhất thống chí, . Ô châu cận lục, tư liệu các triều vua chúa...Ngoài sách viết bằng chữ Hán, chúng ta còn phải tìm trong những sách viết bằng tiếng Pháp, thí dụ như, tháp Tổ Liễu Quán, do toàn quyền thực dân Pháp là Sogny viết trong BAVH, năm 1928. Tổ khai sơn Chùa Quốc Ân, do một cố đạo Thiên Chúa, Cardière viết (BAVH,1941)... Vì thế, vừa để được phổ biến cho Phật tử phương xa rõ biết, vừa để ghi lại một bảo tháp tuy mới nhưng đã đi vào lịch sử, vừa để kỷ niệm ngày giỗ đầu Hòa thượng Thích Trí Thủ, đặc biệt là những sự kiện chung quanh vấn đề hình thành bảo tháp; chúng tôi thiết nghĩ phác họa lại hình ảnh bảo tháp Hòa thượng là một vấn đề cần thiết.

Hiện tại, có hai bảo tháp, một theo kiểu cổ, một theo tự phát họa của Hòa thượng lúc sinh tiền. Nhưng cả hai đều mang màu sắc tân kỳ. Tháp kiểu cổ, được xây dựng tại khuôn viên chùa Báo Quốc Huế, theo mong cầu của Hòa thượng và cũng đã được môn phái nhất trí (có phụ bản đính kèm ở cuối bài) để bái vọng. Tháp xây bằng đá chẻ, bảy tầng, đường nét rất nghệ thuật, quang cảnh thật hùng vĩ. Nhưng tháp này hiện chỉ để bái vọng. Còn tháp được xâydựng tại khuôn viên Tu viện Quảng Hiương Già Lam, nơi Hòa thượng đang an nghỉ là tháp rỗng, bảy tầng, kết hợp chan hòa sắc thái Việt Nam và mẫu hình kiểu kiến trúc của Phật giáo phương Nam. Đây là bảo thápchúng tôi đang đề cập.

Bảo tháp được tôn trí sau chánh điện về phía tay phải ( từ ngoài nhìn vào ) song hàng với Tổ đường, chệch về phía trái ngôi nhà lưu tàng vật kỷ niệm của Hòa thượng. So với toàn khuôn viên của chùa, khuôn viên của tháp chiếm khoảng 1 phần 8 diện tích, trong số hơn

400 thước vuông. Mặt tháp quay về hướng Tây. Khi vào cổng tam quan, đi qua dãy lầu phía tay phải, có vẻ sâu hun hút, chúng ta nhìn thấy bảo tháp bảy tầng. Trước tháp là một sân rộng tráng xi măng, với hai cấp đủ cho khoảng 500 Phật tử đứng hành lễ. Sân được trang trí với nhiều chậu cây kiểng, hoa lá và bồn cây, như mai , trắc bá diệp, sa kê, nguyệt quý.

Tháp dài cao bay tầng, khoảng 10 thước tây, uy nghiêm đẹp đẽ, nhưng khiêm nhường, thanh nhã. Châu tháp hình vuông rộng 9 thước tây, cao 9 tấc.Chung quanh chân tháp xây bằng gạch thẻ, ngoài gắn một lớp đá chẻ hình chữ nhật, màu xanh, kẻ mạch. Trên nền

Tháp, bao quanh bằng một lớp tường cao 6 tất, tô đá rửa màu xi măng đen. Khoảng giữa ba phía tường (sau và hai bên ) có chậu xi măng gắn liền với tường, hình chữ nhật, rộng 5 tấc, dài 1thước 3 tấc trồng sứ Thái Lan, hoa màu đỏ, tết đến khoe sắc với mai vàng.

Bốn góc tường là bốn trụ vuông, mỗi bề 5 tấc, không cao hơn tường bao nhiêu (1thước 3 tấc), trên gác bốn đèn chậu cũng bằng xi măng đen. Tường phía trước bảo tháp, cao giống tường ba phía, nhưng hai đầu không nối liền với trụ. Hai khoảng trống là hai cấp thang lên nền tháp, với năm cấp, rộng 9 tấc và bốn con kỳ lân chồm về phía chân thang.

Khoảng giữa tường, ngay với chánh điện bảo tháp là bia bằng xi măng, giữa gắn đá cẩm thạch màu đen,bề 60 phân, bề 90 phân tây. Lòng bia được khắc chữ in chân phương, sơn

Trắng, rất nổi. Bài bia "Tưởng niệm" do Hòa thượng Thích Thiện Siêu kính ghi.

Phía trước bia, nối liền với hai chân thang là một hồ cạn, hình bán nguyệt, đường kính 3 thước 7 tấc, giữa có 5 hòn non bộ , gọi là ngũ hành sơn : kim, mộc, thuỷ, hỏa thổ. Non bộ nhấp nhô trên mặt nước trong xanh và cá chép vàng bơi lội nhởn nhơ, tăng thêm vẻ hữu tình cho bảo tháp. .Non nước quyện với nhau nói lên sự hội ngộ, trung hòa, không thiên lệch, có mặt này mà vẫn không thiếu mặt khác, vừa khế lý, vừa khế cơ, tùy lúc, tùy môi trường, sắc không diệu hữu, chân trực như thị. Có thế, công đức mới trang nghiêm.

“Như thị chân, như thị huyễn, như thị công đức trang nghiêm”.( Câu kết của bài bia tưởng niệm cố Hòa thượng).

Trên nền tháp, còn có một đế tháp hình vuông, mỗi bề 4 thước 9 tấc,cao 8 tấc, trong đổ xà bần. Bốn phía xây gạch, ngoài gắn lớp đá Place, màu vàng sậm, nhiều hình, kẻ mạch. Trên mặt bằng, bao quanh chân trụ tháp, tô đá mài bằng xi măng trắng như một dãy lụa trắng cao viền, dài 4 thước 9 tấc, rộng 4 tấc.

Sừng sững trên tháp đài hai tầng là ngọn tháp cao bảy tầng, cũng hình vuông, đứng trên đài sen, trải sỏi trắng.Bao quanh đài sen là các cánh sen nở, ôm nâng bảo tháp.Tầng thứ nhất rỗng, cao 3 thước, rộng mỗi bề 1 thước 6 tấc tây, với bốn trụ tròn, có hình rồng nổi.

Mặt sau, nối liền hai trụ là một bức phong mai, lan có rồng chầu mặt trăng, có hoa văn, chữ thọ, đường nét xuyên rỗng. Khung giữa là hình bán thân nhìn nghiêng của Hòa thượng hình đội mũ hiệp chưởng, mang y gấm, tay phải bắt ấn cam lồ, tay trái lần tràng hạt. Hình đắp bằng thạch cao, màu trắng ngà nằm trên khung hình chữ nhật, rộng 8 tấc, dài 1 thước 2, do một điêu khắc gia đình hình thành, với sự phụ trợ của một đệ tử Hòa thượng, Sư cô Diệu Trang. Giữa lòng tầng một của bảo tháptượng Phật A Di Đà, cao 1 thước 2 kể cả đài sen, do Hòa thượng thỉnh từ hồi còn sinh tiền. Tượng được tô đắp theo kiểu Trung Quốc, nhưng xiêm y không có màu sắc sặc sỡ mà thuần màu nhà chùa, vàng nhạt gần gũi với thị giác Việt Nam hơn. Tượng đứng trên nền sỏi trắng. 

Trên tầng một của tháp là sáu tầng tháp hình dáng cổ lầu, được bóp dần để có hình tháp nhọn. Đỉnh tháp là hình tháp Xá lợi, kiểu nam truyền.Thân tháp toàn láng bằng xi măng. Các góc tháp nơi cong, có hình đầu long phụng. Các, hình rồng, phụng, lân mang ý nghĩa kiến trúc cổ truyền của đình chùa Việt Nam. Con số bảy tiêu biểu, theo truyền thống Ấn Độ. Bảy tầng tháp tiêu biểu cho lý tưởng siêu tuyệt viên mãn tối thượng của Đức Phật. Số tầng tháp xây cho các vị sư, tiêu biểu cho đức hạnh của vị sư viên tịch. Vào thời phong kiến, các Hòa thượng, Tăng cangTrú trì được xây tháp từ 5 tầng đến 7 tâng. Còn những vị sư bậc dưới có thể xây từ 1 đến 3 tầng.

Trong lòng nền tháp dưới chân đức Di Đà là nơi tàng Kim quan của Hòa thượng, kim tĩnh đổ toàn cát suối. Phần dưới đáy kim tĩnh vẫn là đất vườn và cũng ngang bằng với mặt vườn, phần trên để trống, bốn phía xây gạch, có hình chữ nhật rộng một thước rưỡi, dài hai thước rưỡi. Trên dưới không xây, để trống, có mục đích để Hòa thượng tiếp cận cả thiên lẫn địa. Khi thiên, địa và nhân hài hòa, thiên hạ được thái bình thịnh vượng.

Mặt bằng của chân tháp dài trải toàn sỏi đá trắng. Kim quan được tôn trí bằng cách từ trên hạ xuống, chứ không đẩy từ hộc ngoài vào hộc trong như khi tháp các vị Hòa thượng đã sẵn có tháp phần. Kiểu nhập tháp, Kim quan được đẩy từ ngoài vào, ở Á đông chỉ dành cho nhà Vua và nhà Sư, người thường không được hưởng truyền thống như thế.

Kim quan của Hòa thượng là một loại gỗ quý. Phương pháp trị quan áp dụng theo lối cổ truyền đặc biệt. Những vật liệu để trị quan, gồm có 12 ký đất sét khô rây mịn, 1 ký xà phòng bột, 3 ký nếp nấu thành xôi nhão, 4 lít dầu phong, 3 xấp lá chuối hột, luộc chín. Ba thứ dầu quết trộn với nhau thành một chất dẻo, trét vào thành trong Kim quan, các kẻ mạch đắp thành hình con lươn bò quanh. Sau khi đất ráo và dínhchặt vào gỗ, đổ dầu phụng vào vài ba cái mâm, tiếp theo cứ từng tấm lá chuối một thả vào dầu cho thật thấm đều rồi dán vào phía trong, cả nắp Kim quan. Nhờ phương thức trị quan như thế, Kim quan khỏi cần bọc kẽm mà vẫn để được cả tuần, kể cả sự chịu đựng chao động, khi rước từ chùa Già Lam đến chùa Xá Lợi, quàng tại đây cho các phái đoàn tụng niệm, phúng điếu, chiêm bái, và từ đây trở về nhập tháp tại khuôn viên chùa Già Lam, không có một điều gì đáng tiếc xảy ra.

Hình ảnh Bảo tháp do Hòa thượng phác họa, được thiết trí tại khuôn viên Tu viện Quảng Hương Già Lam. Nơi nhục thân Hòa thượng an nghỉ cũng chính là nơi mà nhiều lần cố Hòa thượng nói đùa, nay trở thành hiện thực. Hòa thượng thường hay nói: Lúc hết làm Phật sự, mình xin về Tổ đình Từ Hiếu đánh chuông hầu Tổ. Nếu muốn an nhàn thích hợp hơn, mỗi năm có bốn mùa, ở bốn nơi. Tết và xuân ở Huế, hè ở Sài Gòn, thu ở Nha Trang, đông ở Đà Lạt. Còn nếu Phật Tổ có gọi về khẩn cấp thì cứ quàng ở luống rau khoai này (tức nơi tôn trí Bảo tháp hiện nay), trong ba năm, rồi chuyển về Huế hầu bên cạnh tháp Tổ khai sơn, Tổ Giác Phong, Tôn Tào Động.

 Bảo tháp tại Tu viện Quảng Hương Già Lam được khởi công xây dựng sau ngày cúng thất và hoàn chỉnh hình thành trong ngày đại tường của Hòa thượng, năm1986.
 
 


TƯỞNG NIỆM HT. THÍCH TRÍ THỦ 
( 1909 - 1984 )

Hòa-thượng họ Nguyễn, húy Văn Kính, Pháp danh Tâm Như, tự Đạo Giám, hiệu Thích Trí Thủ, sinh ngày 19 tháng 9 năm Kỷ Dậu (1909) tại Trung Kiên, Quảng Trị. 17 tuổi xuất gia, 20 tuổi thọ cụ túc giới, tự pháp đời thứ 48 phái thiền Lâm Tế .

Với chí nguyện thượng cầu hạ hóa Hòa thượng là một trong những vị đi đầu trong các cuộc chấn hưng phật giáo nước nhà. Mở nhiều Phật-học viện, trùng tu nhiều phạm vũ, khái sơn Quảng Hương Già Lam, mở nhiều đại giới đànphiên dịch giảng giải Kinh Luật Luận, Hòa-thượng không ngừng tiếp dẫn hậu lai cho Tăng tín đồ được nhờ ơn pháp vũ

Xuất thế tinh chuyên đã vậy, nào quên nhập thế độ sinh. Dầu tuổi già chẳng ngại đến thân, hạnh Phổ- hiền lợi đời lợi đạo. Biết thế sự lắm phen khe khắt, tâm hồn luôn hoan hỷ bao dung. Mãn cơ duyên tứ đại trả về đây. Song thọ Ta la chúng sanh truy niệm. .

NHƯ THỊ CHÂN, NHƯ THỊ HUYỄN 
NHƯ THỊ CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM 

(Hòa thượng viên tịch ngày mồng 2 tháng 3 năm Giáp Tý 1984) :

Tháp bia hình thành 19.9 Ất sửu 1985

Thất chúng đệ tử phụng lập

Kính ghi

Hòa thượng THÍCH THIỆN SIÊU
 
 


NHÂN MỘT BÀI THƠ VỀ HT. THÍCH TRÍ THỦ
THÍCH THIỆN HẠNH

NĂM 1937 Hòa thượng Thích Trí Thủ, vâng lệnh Bổn sư là Ngài ViênThành, về trú trì chùa Ba La. Nhân sự kiện này Hòa thượng Bích Phong, trú trì chùa Quy Thiện, cũng vừa là một nhà văn chương thi phú lỗi lạc trong giới Tăng sĩ Huế thời bấy giờ, đã đề tặng Hòa thượng Trí Thủ một bài thơ Đường, tựa đề " TRÍ THỦ PHÁP KHẾ TÂN NHẬM BA LA TỰ CHỦ CHI TẶNG, HÒA VẬN” - (Thơ tặng Hòa thượng Trí Thủ, người bạn đạo thân thiết, vừa được bổ nhiệm trú trì chùa Ba La). Bài thơ như sau:

thichtrithu-tuongniem-kyyeu1993-2-5_jpg

. Phiên âm:

"Quân thị nhân trung ương bát la
Y truyền bất quý tác dương gia
Pháp thừa sơ tổ đình tiền tuyết
Đạo khế năng nhân thủ lý hoa,
Giảng tịch nhi kim xưng cự phách
Phật trường ức tự chiếm cao khoa
Thí tương pháp trao hoành Nam Phổ
Nguyệt sắc quang hàm vạn khoảnh ba”.

. Tạm dịch:

"Thầy là đóa Đàm Hoa vô nhiễm
Thọ bát y không thẹn Đạo nhà
Thừa Tổ nghiệp ví bằng Tuệ Khả
Ngộ Phật tâm sánh với Diếp Ba
Chốn đèn sách Thầy không thua kém
Tuyển Phật trường lại chiếm thủ khoa
Pháp thuyền một mái về Nam Phổ
Bát Nhã trăng soi sáng mọi nhà “

1-2:

Ưu bát la (Utpala) tức Ưu bát la Long vương, là tên của một trong tám vị Long vương theo đó, họ thường cùng nhau dẫn theo nhiều quyến thuộc đến non Linh Thứu nghe Phật thuyết kinh Pháp Hoa và nhiều kinh Đại thừa khác.

Ưu bát la, còn là tên một loài hoa, hoa Ưu đàm bát la (Uđambara) mà ta quen gọi là hoa Ưu đàm hay hoa Ưu bát la. Loại hoa này thật hiếm hoi trổ bông, sử chép những ba trăm năm mới một lần trổ) và khi ấy có Thánh nhân ra đời, có Phật xuất thế. Bởi thế trong Hoa ngữ gọi là Linh Thụy hoa ; loài hoa ra đời mang niềm vui điềm lành đến cho nhân thế. Kinh Niết Bàn còn ví những hành giả hành trì Kinh Niết Bàn, sống trong phiền não mà không bị phiền não sử sai, như hoa Ưu bát la, hoa Bát đầu ma, hoa Câu- vật-đầu, hoa Phân-đà- lợi -mà cả hoa sen nữa chứ - là những loài hoa sanh ra và lớn lên từ chốn bùn lầy nước đọng nhưng chẳng chút lấm ô.

Người mà công hạnh uy dũng như tượng vương, long vương, và tâm hồn trong sáng vui tươi như hoa linh thụy, hoa vô nhiễm, ngữa lên không phụ ân Phật, nhìn xuống không thẹn chí kế thừa Tổ nghiệp. Đó là đức tánh, là đạo phong cốt cách của một Như Lai sứ giả, hành Như Lai sự, mà Thiền sư thi sĩ Bích Phong mang tặng Hòa thượng Thích Trí Thủ, lúc Người đến nhậm chức Trí trì chùa Ba La năm 1937. 

"Thầy là đóa Đàm hoa vô nhiễm
Thọ bát y không thẹn đạo nhà ". 

3-4:

Thuở xưa Tổ Bồ Đề Đạt Ma, từ Ấn Độ sang Trung Hoa không tìm được người để tâm truyền Chánh pháp, trọn ngày ngồi nhìn vào vách im lặng, trong chín năm tại chùa Thiếu Lâm Ở Trung Sơn. Chúng tăng không ai hiểu được. Người đời gọị Ngài là Bích quán Sa môn. ít lâu sau, có vị Tăng tên là Thần Quang, đến cầu đạo. Đường đi "Thiên Trượng) và nhiêu khê. Tới "Thiếu thất đình tiền", Thần Quang chấp tay im lặng “hàn lập tuyết” hướng về Ngài. Đến sáng, tuyết ngập đến đầu gối mà gương mặt vẫn thản nhiên. Bồ Đề Đạt Ma thấy thế thương tình quay trở ra quở: "Pháp chân thừa đâu dễ truyền. ông lấy gì để minh chứng cho lòng cầu đạo ?" Nghe qua Thần Quang lén lấy dao chặt đứt cánh tay trái để chứng minh lòng khẩn cầu chánh pháp của mình. Về sau Thần Quang được Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, tâm truyền Chánh pháp và có tên là "Tuệ Khả" làm vị nhị Tổ Trung Hoa.

Hồi Phật tại thế, có vị đại đệ tử tên là Ca Diếp) còn gọi là Ca Diếp Ba. Vị đệ tử này nổi tiếng về khổ hạnh, phạm hạnh, là lối tu nhằm tịnh hóa tâm hồn. Ông cũng còn nổi tiếng là bậc xuất chúng về thâm hiểu mật ý của Phật. Một hôm, Phật Thích Ca, dịch là “Năng Nhân", Ở trong hội Linh Sơn, tay cầm hoa sen đưa cao lên, cả hội chúng đều ngơ ngác, chẳng ai hiểu gì, chỉ một mình Ca Diếp Bađắc ý mĩm cười – niệm hoa vi tiếu - một cử chỉ biểu lộ sự lĩnh hội ý Phật. Về sau, Ca Diếp Ba được Phật Năng nhân, truyền trao Chánh pháp nhãn tạng, làm vị Sơ Tổ Ấn Độ, thống lãnh Tăng đoàn kế thừa Như Lai sự nghiệp.

Nhìn lại quảng đường mà Hòa thượng Thích Trí Thủ đã đi qua, trong ngót 3/4 thế kỷ, công hạnh tu trì, sự nghiệp truyền thừa chánh pháp và những cống hiến lớn lao cho Giáo hội, cho ngôi nhà Phật giáo nói chung, mẫu người như vậy, thấy cũng hiếm hoi trong hậu bán thế kỷ 20. Cho nên Thiền sư thi sĩ Bích Phong đã ví von Hòa thượng Thích Trí Thủ với những nhân vật lịch sử thời Phật, như Ca Diếp và sau Phật như Huệ Khả. Quả thật là không ngoa ngôn.

“Thừa Tổ nghiệp ví bằng Tuệ Khả
Ngộ Phật tâm sánh với Diếp Ba.”

5-6:

Nay thì với bạn bè đồng thuyền cùng hội trong sự nghiệp học hành tham cứu hoằng pháp lợi sanh, Hòa thượng cũng là người lỗi lạc. Đã vậy, trong kỳ thi tuyển để thọ giới cự túc, tại chùa Từ vân Đà Nẵng vào năm 1928, Hòa thượng đã trúng tuyển thủ Sa di trong số 300 giới tử. Bổn sư là Ngài Viên Thành lấy làm hài lòngban cho pháp hiệu Thích Trí Thủ.

"Chốn đèn sách thầy không thua kém
Tuyển Phật trường lại chiếm thủ khoa.”

7-8:

Chùa Ba La do Hòa thượng Viên giác, bổn sư Ngài Viên Thành, dựng lập. Ngài Viên Thành là bổn sư của Hòa thượng Thích Trí Thủ. Chùa tọa lạc tại làng Nam Phổ, xã Phổ Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên

Nay với tay chèo cự phách, Hòa thượng sẽ đưa con thuyền Chánh pháp về cập bến Ba La. Nơi đây, Hòa thượng sẽ rót ánh sáng trăng Lăng Già mầu nhiệm, nhuần thấm muôn nhà.Thật vậy, bây giờ tại vùng đất trời Ba La Vỹ Dạ, hễ nhắc đến Hòa thượng Ba La thì không mấy ai không biết, vì trong thời gian dừng trú tại dây, Hòa thượng đã gieo rắc ánh Đạo đến khắp vùng. 

"Pháp thuyền một mái về Nam Phổ
Bát Nhã trăng soi sáng mọi nhà.”

Bây giờ, bài thơ còn đó, mà người làm bài thơ đã tặng lẫn người được tặng bài thơ, đều đã đi cách xa chúng ta những muôn vạn dặm dường chân lý! Vói thì không thấu mà tìm thì biết đâu !

Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy 
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
(Hương Hải Thiền Sư)

Cho hay, thiền sư đến và đi không hề để lại dấu tích. Người khổ lụy hữu tình ở lại, thì còn chưa sạch được âm thừa bi lụy. Hôm nay, ngày lễ giỗ đầu của Hòa thượng, đọc lại bài thơ mà tưởng nhớ đến Người ! Tâm tư dạt dào thương tiếc không nguôi!

50 năm qua rồi, 50 năm, kể từ ngày bài thơ xuất hiện (1937), vun vút băng qua trên ngút ngàn sự đổi thay qua nhân tâmthế sự, hình bóng Người cũng thôi không còn nữa với thời gian, nhưng công hạnh của Người được xưng tụng trong bài thơ thì hãy còn kia và ngày một hiện thực rõ nét. "Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương".


KHAI KIẾN QUẢNG HUƠNG GIÀ LAM
THÍCH ĐỨC CHƠN

Để kỷ niệm lần thứ 30, ngày khai kiến Quảng Hương Già Lam (26.l.1962 - 26.l.1992) chúng tôi xin ghi lại đôi nét đại cương về nguồn gốc và quá trình tạo dựng ngôi chùa nầy, với ý niệm "uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ người trồng cây.”

Người đầu tiên tạo dựng tu viện Quảng Hương Già LamHòa thượng Thích Trí Thủ.

Sự nghiệp hàng đầu trong đời sống đạo của Hòa thượng Thích Trí Thủ là đào tạoTăng tài để hoằng pháp lợi sanh. Thực hiện sự nghiệp ấy, Hòa thượng đã thành lập nhiều Phật-học-viện: Phật học viện Linh QuangPhật học viện Báo Quốc- Huế, Phật học viện Phổ Đà - Đà Nẵng, Phật học viện Hải Đức - Nha Trang , Phật học viện Linh Sơn - Đà Lạt. Rồi Hòa thượng quan tâm đến việc lập Phật học viện tại miền Nam, nên vào năm l961, Hòa thượng đích thân tìm đất xây chùa tại Sài Gòn. Mãi đến ngày 26.1.1962 Hòa thượng mới chính thức ký giấy mua đất hiện tại có diện tích 3940 m2, để xây dựng chùa Già Lam. Tổng số diện tích đất hiện nay là 4.211 m2, vì năm 1964 mua thêm 96 m2. Năm 1981 mua thêm 175 m2, tất cả đều đã trước bạ xong, tọa lạc tại xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.

Chủ trương ban đầu của Hòa thượng xây dựng Quảng Hương Già Lam để có nơi cư trú tu học cho lớp Tăng sinh trẻ, có trình độ đại học đời cũng như đạo

Tăng sinh đến Quảng Hương Già Lam nhập chúng tu học khóa đầu tiên vàonăm 1962 là 6 vị. Về sau mỗi năm mỗi đông và cao điểm nhất là vào đầu năm 1975 với tổng số Tăng sinh viên là 120 vị.

Chương trình Phật học, tất cả sinh viên Tăng đều học trường Cao đẳng PhápHội, các khóa đầu, về sau học tại Viện Đại học Vạn Hạnh. Chương trình thế học,tùy khả năngsở trường của sinh viên Tăng tự chọn Ngành học: y, dược, luật, triết, kiến trúc, văn chương... Sau một thời gian đào tạo, một số lớn đã ra trường, được phân bố đi các nơi phục vụ Đạo pháp, Dân tộc.

Chùa Già Lam, lúc đầu Hòa thượng đặt tên là Giải Hạnh Già Lam, Giải là học, để hiểu, để nâng cao kiến thức , phát triển trí tuệ. Hạnh là hành trì, tu chứng, nâng cao công hạnh tu tập để phát triển mặt phước đức. Học để biết (Giải) mà tu, để có khả năng và trình độ trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, là mặt lợi tha. Tu để thực chứng (Hạnh), để hoàn thành đại nguyện giải thoát sinh tử, là mặt tự lợi. Do đó học và tu, hay giải và hạnh là hai vấn đề tương quan mật thiết (Giải hạnh tương ứng) trong đời sống của một Như Lai sứ giả. Đây chính là mục tiêu đào tạo Tăng tài của Hòa thượng. Trong ý hướng đó, Hòa thượng đã đặt tên chùa là GIẢI HẠNH GIÀ LAM.

Năm 1964, Hòa thượng lại đổi tên chùa là QUẢNG HƯƠNG GIÀ LAM. Quảng HươngPháp danh của một Tăng sinh tu học tại Phật- học-viện Trung phần Hải Đức Nha Trang, sau được bổ nhiệm làm trú trì chùa Khải Đoan Ban Mê Thuột, đã tự thiêu lúc12 giờ 25 phút ngày 18 tháng 8 năm Quý Mão (5.10.1963), trước mặt chợ Bến Thành Sài Gòn, để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm trước đây. Sau cái chết vì Đạo cao cả của Tăng sinh Quảng Hương, Hòa thượng Thích Trí Thủ đã quyết định đổi tên chùa là Quảng Hương Già Lam thay thế Giải Hạnh Già Lam, để kỷ niệm một Tăng sinh tuẩn đạo. Từ dạo đó, có tên gọi Quảng Hương Già Lam.

Già Lam là phiên âm Phạn văn Asharam là nơi thanh vắng, yên tĩnh, nơi thờ Phật, nơi chúng Tăng cư ngụ tu hành. Già Lam là tên khác của chùa. Cho nên,đúng ra phải gọi chùa Giải Hạnh hy chùa Quảng Hiương. Phật tử đến chùa , thay vì phải gọi là Giải Hạnh Già Lam, Quảng Hương Già Lam, chỉ gọi tắt chùa Già Lam. Về sau, Phật tử còn gọi Hòa thượng khai sơn Quảng Hương Già Lam là Ôn Già Lam, Hòa thượng Già Lam...Gọi lâu thành quen, nên Già Lam là danh từ chung đã trở thành danh từ riêng, chùa Già lam.

Về mặt kiến thiết cơ sở, chúng tôi không căn cứ theo thứ tự thời gian, mà phân làm hai phần chính và phụ cho dễ thấy:

. Phần chính gồm có: Chánh điện, nhà Tăng, nhà Tổ, Thiền thất, cổng Tam quan, Tháp Hòa thượng khai sơn.

1. Ngôi chánh điện: Lễ đặt đá xây dựng chánh điện ngày 19.9. Giáp Thìn(24.10.1964) Lối kiến trúc theo hình bát giác, mỗi cạnh 5 mét, do kiến trúc sư Kỳ vẽ đúc bê tông cốt thép, hai tầng, tầng trên là điện thờ Phật, tầng dưới là thư viện. Sau ngày đặt đá 5 tháng là việc xây dựng hoàn tất. Lễ thỉnh Phật an vị vàongày 15.2 Ất Ty (17.3.1965).

Năm 1981, chánh điện được nới rộng thêm để đáp ứng nhu cầu lễ bái của Phật tử ngày càng đông. Phần nới rộng này cũng gồm hai phần; phần trong nối chung với chánh điện: 8m x 8m; phần ngoài là tiền đường, hai bên thờ linh và để chuông trống: l4m x 7m. Toàn bộ đều đúc bê tông cốt thép, hai tầng. Tầng trên là chánh điện, tầng dưới là lớp học.

2. Nhà Tổ: Gồm dãy lầu hai tầng, nằm phía sau lưng chánh điện: 11m x 7m.

Tâng trên thờ Tổ, tầng dưới làm trai đường. Xây xong năm 1967.

3. Thiền thất: Xây dựng năm 1970. Bê tông cốt thép hai tầng: 11m x 6m.Trước 1975 có đức Tăng Thống Hòa thượng Thích Tịnh Khiết ở, sau đó Thượng tọa Thích Trí Quang ở. Sau 1975, Thượng tọa Thích Thiện Minh ở. Hiện nay làm nhà lưu niệm lưu trữ những kỷ vật của Hòa thượng Thích Trí Thủ. .

4. Tháp Hòa thượng Thích Trí Thủ: Diện tích mặt bằng: 7m50 x 7m50, cao12m, gồm 7 tầng, bê tông cốt thép. Xây xong ngày 19.9. ất Sửu (1985). Nằm sau chánh điện bên cạnh nhà Tổ phía trái. Do thất chúng đệ tử Hòa thượng phụng lập

5. Cổng Tam quan: Phía trước sân, ngay với chánh điện, cao 6m ngang 2m40, rộng 7m, bê tông cốt thép, cổ lầu, lợp ngói âm dương, trên thờ tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn và tượng Hộ Pháp. Xây xong năm 1988.

6. Nhà Tăng: Gồm có hai dãy lầu hai bên chánh điện, hai tầng bê tông cốt thép:

Dãy lầu phía bên trái chánh diện 24m x 11m. Xây xong năm 1966. Tầng trên phòng chư Tăng ở, tầng dưới, một nửa ở, một nửa làm phòng khách. Dãy lầu phía bên phải chánh điện: 20m x 7m, xây xong năm 1967, phần trên phòng chư Tăng ở. Tầng dưới, một nửa làm giảng đường, một nửa làm kho. 

. Phần phụ:

1. Nhà bếp: Xây gạch, lợp tôn xi măng: 9m x 5m, trên nóc nhà bếp có một hồ chứa nước, bê tông cốt thép, cao 8m, dung tích 16m3. Xây xong năm 1965.

2. Nhà kho: Xây gạch, lợp tôn: 12m x 6m dùng làm nhà kho. Dãy nhà này được xây dựng đầu tiên đối với cơ sở Già Lam hiện nay. Xây năm 1962. Số học Tăng nhập học khóa đầu tiên, ở dãy nhà này. 

3. Nhà thờ cốt: Dãy nhà này 15m x 7m nằm phía bên phải sân chùa, gần hai ngôi mộ cổ. Xây năm1972, làm nhà ký nhi, nhà trệt. Sau 1975 sửa lại làm nhà thờ cốt. Năm 1986 đúc mái bằng bê tông cốt thép dự bị lên lầu để thờ cốt.

4. Hai ngôi mộ cổ: Ngày đầu tiên Hòa thượng vào mua khu đất này, hai ngôi mộ cổ đã rêu phong cũ kỹ rồi, lại thêm cây cối um tùm, hai tấm bia bị mòn khuyết không còn chữ. Từ ngày xây dựng Già lam đến nay không thấy thân nhân đến thăm viếng. Tuy vậy chùa vẫn bảo quản tốt, hằng ngày lo hương khói đầy đủ.

Ngoài hai ngôi mộ cổ trong khuôn viên chùa còn có một dãy mộ 12 ngôi đã chôn sẵn. Có lẽ chủ đất trước đây dự định làm nghĩa trang nên chôn một dãy kế tiếp nhau có hàng lối. Số mộ này chùa vẫn bảo quản và hương khói mỗi ngày, thỉnh thoảngthân nhân đến thăm viếng chạp giỗ.

. Chuông, Tượng: 

Tượng Bổn Sư bằng xi măng ngồi, cao 2m5, thếp vàng, thờ tại chánh điện, an vị ngày 17.3.1965. 

Tượng Quán Âm lộ thiên, cao 4m5, đứng giữa hồ sen đường kính 6m, sâu 2m.Thiết trí năm 1968

Một chuông u minh, đường kính 1m, nặng 330 ký. Đúc năm 1966 tại chùa Hải Đức Nha Trong chuông có khắc bài ký sự nguyên văn như sau, chúng tôi xin trích ra đây để quý vị thấy rõ tiến trình xây dựng cơ sở Già Lam. Những gì đã xây dựng trước năm 1966 đều có ghi trong đó, ngoài ratiếp tục xây dựng sau năm 1966 đến nay, 1992.

KÝ SỰ

Quảng Hương Già Lam là chi nhánh của Phật-học-viện Trung phần, thành lập năm 1956, đến năm 1961, Phật-học-viện Trung phần đã đào tạo được một số học Tăng học xong Trung học, (nội điển cũng như ngoại điển) cần vào Sài Gòn tiếp tục các ngành đại học

Để có nơi cư trú thuận tiện cho số học Tăng ấy, ban quản trị Phật-học-viện ủy nhiệm tôi thiết lập Già Lam này.

Quảng Hương Già Lam tọa lạc trên một khu đất rộng 4000 m2[5] thuộc xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, số 300[6]đường Lê Quang Định, Gia Định. Cơ sở của Già Lam hiện gồm có:

- Một chánh điện bát giác, hai tầng, trên thờ Phật, dưới thư viện.

- Một Tăng xá lầu hai tầng, 24m x 11m.

- Một Tăng xá trệt 20m x 7m.

- Một nhà kho 12m x 6m.

- Một nhà trai 11m x 7m.

- Một nhà bếp 9m x 5m.

Tất cả đều vách gạch, mái Fibrociment, lầu đúc bê tông cốt sắt. Pháp khívật dụng trang bị đầy đủ

Mọi giấy tờ về động sản và bất động sản của Phật-học-viện Trung phần ở Nha Trang cũng như của Quảng Hương Già Lam ở SàiGòn đều do tôi đứng tên với tư cách Giám-viện, thừa ủy nhiệm của Ban Quản trị Phật-học-viện Trung phần.

Như vậy Già Lam nầy đương nhiên và là tài sản của Phật-học-viện Trung phần, trước đây thuộc hội Phật giáo Trung phần, nay thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

Làm tại SàiGòn 31.3.1966

Giám viện Phật-học-viện Trung phần

(đã ký tên)

THÍCH TRÍ THỦ.

Trên đây là nói về nguồn gốc và sự kiến tạo Già Lam. Tiếp theovấn đề nhân sự. Có nhân sự tốt mới kiến tạo và giữ vững hướng đi của Phật học viện được.

Già Lam được kiến tạo cơ sở tương đối đầy đủ tiện nghi và đã đào tạo được một số Tăng sĩ có khả năng phục vụ Giáo hội các nơi. Kết quả ấy trước hết là nhờ công lao đức độ của Hòa thượng Thích Trí Thủ, kế đến là Thượng tọa Thích Đổng Minh rất nhiệt tình trong việc xây dựng Già Lam từ đầu.

Khi Già Lam hình thành, có các vị trú trì giúp việc Hòa thượng, chăm lo đời sống hằng ngày của Tăng chúng. Hòa thượng Thích Trí Thủ với chức vụ Giám viện. Trong thời gian đầu Hòa thượng ở tại Hải Đức Nha Trang nhiều hơn. Từ1964 về sau, Hòa thượngGià Lam nhiều hơn. Vị trú trì đầu tiên của Già LamĐại đức Thích Phước Chương. Vị thứ hai là Đại đức Thích Huyền Giác Vị thứ ba là Đại Đức Thích Đức Nhơn.

GIỚI PHẬT TỬ CÓ:

- Ông bà chủ đất Bùi Văn Sử cúng một nửa, chỉ trả tiền 1/2.
- Đạo hữu Trần Đình Long, lo thủ tục giấy tờ nhà đất, điện nước và xây dựng giai đoạn đầu
- Đạo hữu Trần Đình Lợi, lo việc đốc công xây dựng nhà Tăng, nhà Tổ...
- Đạo hữu Võ Đình Diệp giúp việc thiết kế họa đồ xây dựng.
- Đạo hữu Nguyên Thành, Nguyên Thắng, Tâm Nghĩa là những đại thí chủ trong việc xây dựng cơ sở chính của Già Lam. Ngoài ra còn nhiều vị khác nữa, nhưng không ghi hết vào đây được.

Nhân ngày kỷ niệm tròn 30 năm xây dựng Quảng Hương Già Lam, tôi xin ghi lại đôi nét đại cương để tỏ lòng biết ơn những người đã dày công xây dựng.

Chúng tôi hằng mong được sự nhất tâm hộ trì của các bậc Tôn túc trưởng lão, chư Đại đức Tăng Ni cùng Thiện nam tín nữ gần xa, để Quảng Hương Già Lam mãi mãi là nơi truyền thừa Chánh pháp, lợi lạc quần sanh, như tâm nguyện của Hòa thượng Thích Trí Thủ, khai kiến Quảng Hương Già Lam.
 
 


CẢM NIỆM 

 Hòa Thượng THÍCH TRÍ THỦ 

C.T.H.Đ.T.S.T.Ư.G.H.P.G.V.N
T.T THÍCH TRÍ QUẢNG
Trưởng Ban Hoằng Pháp T. Ư.GHPGVN

Con xin kính lễ Hòa-thượng, vị Ân Sư luôn luôn là bóng câyche mát chúng con. 

Con xin kính lễ Hòa-thượng, vị Minh sư thường thắp sáng ngọn đèn trí tuệ soi đường cho chúng con. 

Con xin kính lễ Hòa-thượng, vị Bồ-Tát đời đời hằng hữu bên cạnh những người cùng mang tâm nguyện dìu dắt chúng sanh đồng đến bờ giác.

Mỗi khi tưởng nhớ đến Hòa-thượng, như khơi dậy một tình cảm kính mến, quý trọng lưu lại đậm nét trong tâm hồn tôi, cùng gợi nhắc lại hình ảnh một bậc danh Tăng gương mẫu của thời đại đã từng đóng góp nhiều công đứctrí tuệ trong việc đào tạo Tăng tài cũng như chấn hưng Phật giáo.

Dõi theo quá trình hành đạo của Hòa-thượng, mọi người không khỏi thán phục hạnh nguyện tiếp dẫn hậu lai của Ngài được thể hiện tích cực trong việc Ngài đích thân mở nhiều Phật Học Viện, nhiều đại Giải đàn, phiên dịch, giảng giải Kinh, Luật, Luận. Sự hiện hữu của các Chánh Đại Diện các Tỉnh, Quận, Trụ trì, Hiệu trưởng, Giám học các trưởng Bồ Đề, Giảng sư Đại học do Hòa-thượng đào tạo đã nói lên sự xây dựng thành công tốt đẹp của Ngài trong việc phục vụ lợi ích cho Đạo cũng như đời. 

Đặc biệt khởi đầu từ thời kỳ đen tối của lịch sử Phật Giáo năm 1963, tôi có điều kiện gần gũi, làm việc chung với Hòa thượng, tôi càng quý mến đức hạnh Ngài hơn. Nơi Hòa thượng tôi luôn bắt gặp tấm lòng ưu tư miệt mài xây dựng trong tương lai đạo pháp cho tươi sáng. Hòa thượng thường bày tỏ sự kỳ vọng ấy với tôi trong việc nâng đỡ, đào tạo những nhân tố tốt đẹp để lãnh đạo Phật giáo. Tôi thiết nghĩ sống dưới sự dẫn dắt chỉ dạy của Hòa thượng, tất cả chúng ta, Tăng Ni cũng như Cư sĩ không ai không cảm thấy đã thọ ơn giáo dưỡng của Ngài. 

Thành tựu được những công đức rộng lớn như vậy, Ngài luôn luôn biểu lộ đức tính hiền hòa khiêm tốn, kính trọng người trên, hoan hỷ bao dung, nâng đỡ người dưới. Khi xét thấy công việc nào cần cho Đạo pháp, Ngài sẵn sàng tiếp nhận dù có phải tự hạ mình trước người nhỏ hơn. Trong giại đoạn tình hình Phật giáo đầy khó khăn phân hóa, tôi không sao quên được hành động rất mực khiêm tốn của Ngài khi Ngài dẫn đầu Ban trừ bị các Hòa thượng đến đảnh lễ Hòa thượng Thiện Hòa để thỉnh Hòa thượng Thiện Hòa ra đảm trách lãnh đạo Viện Hóa Đạo mặc dù Hòa thượng Thiện Hòa chỉ là học trò của Ngài.

Tuy nhiên, nhận thấy đức tính ôn hòa, bao dung, khiêm nhường, một lòng vì Đạo pháp của Hòa thượng yếu tố cần thiết dể đưa con thuyền Phật giáo ra khỏi cơn sóng gió bấy giờ, nên các Hòa thượng Thượng tọa trong Ban chỉ đạo Viện Hóa Đạo đã cung thỉnh Ngài giữ nhiệm vụ Viện trưởng Viện Hóa Đạo nhiệm kỳ 5.

Chính tại đức lãnh đạo sáng suốt của Ngài qua hai nhiệm kỳ 5 và 6 làm tăng thêm niềm mến phục, nâng cao uy .tín Ngài trong hàng Giáo phẩm các hệ phái nên Ngài được lời làm Trưởng Ban vận động thống nhất Phật giáo sau khi đất nước hoàn toàn độc lập.

Mặc dù Ngài tuổi lớn bận rộn nhiều Phật sự, Hòa thượng không bao giờ xao lãng thời khóa tu niệm hằng ngày. Đặc biệt nhất khi Ngài ra Hà Nội họp Đại hội Thống nhất Phật giáo Hòa Thượng phải giải quyến biết bao nhiêu việc khó khăn, Ngài vẫn giữ đúng công phu hành trì lễ Sám mỗi ngày của Ngài. Tôi còn nhớ đã thưa với Ngài rằng: "Hòa thượng già yếu nên giữ gìn sức khỏe". Hòa thượng dạy tôi một điều, tôi thiết nghĩ mọi người tu hành chúng ta đều phải đổ tâm suy nghĩ và ghi nhớ: "Bây giờ còn đủ sức khỏi mà không sám hối, mai kia bịnh hay chết bấy giờ có muốn lạy Phật cũng không lạy được”.

Ngoài ra, tôi cũng không sao qụên được lời tâm sự chân thành của Hòa thượng, một bậc Cao Tăng nhiều uy đức nhưng vẫn không hề tự mãn với những thành quả của Ngài. Hòa thượng hiện hữu trên cuộc đời, tâm hết sức trong trắng, không so đo tính toán hoặc không vướng phải kiêu mạn của một người giỏi cứu nhân độ thế. Đức hạnh Ngài càng cao, tâm càng khiêm tốn luôn phụng sự chúng sanh với tất cả chân tình. Ngài dạy: "Điều Ngự Giác Hoàng TRẦN THÁI TÔN tuy làm được nhiều việc cho Nước cho Đạo còn cảm thấy chưa đủ, nay mình tự xấu hổ chưa giúp ích gì cho Đạo”. Câu nói thật dễ mến, đầy khiêm nhường của Ngài như vẫn còn văng vẳng bên tôi, nhắc nhở chúng ta đừng tự thỏa mãn với những việc làm nhỏ bé của mình, phải nổ lực đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc nhiều hơn.

Tôi còn nhớ mỗi những lúc sống kề cận với Ngài, luôn luôn nghe Ngài nhắc đến lời phát nguyện duy nhất dù bất cứ nơi nào và đối với bất cứ ai: "Nguyện đời đời kiếp kiếp chúng ta cùng nhau làm bà con quyến thuộc trong ánh đạo Từ bi để hộ trì Chánh pháp còn mãi ở thế gian lợi lạc chúng hữu tình.”

Trên bước đường hành đạo, mỗi khi chạm phải chông gai khó khăn nhớ đến lời phát nguyện của Hòa thượng, tôi lại tìm được một nguồn an ủi ấm áp, một sự khích lệ nồng nhiệt cho những ai mang tâm nguyện dấn thân trên lộ trình hành Bồ tát đạo.

Nơi Ngài, tỏa sáng hình ảnh một hành giả Pháp Hoa kiểu mẫu với tâm từ bi tràn đầy lòng nhu hòa nhẫn nhục cao độ và luôn trụ ở Pháp không, làm tất cả mọi việc khó khăn trên cuộc đời, nhưng trước vinh nhục khen chê Ngài chỉ mỉm cười:

“Một lòng kính lạy Phật Đà
Ngàn đời con nguyện ở nhà Như Lai
Con hằng mặc áo Như Lai
Con ngồi Pháp tọa Như Lai muôn đời”. 

Bốn câu thơ Hòa thượng bộc bạch đối trước Phật như man mác thâm sâu trong tâm hồn tôi, tạo thành một điểm tựa êm trú êm đềm cho những hành giả Pháp Hoa trong đời sóng gió ngũ trược ác thế này.

Khó khăn mấy, gian lao mấy, Cũng có Hòa thượng song hành bên cạnh chúng ta, chan hòa tình thương cho chúng ta tiêu tan mọi chướng nghiệp trầm kha, mang lại mọi sự an lành tươi mát.Tình thương Ngàì hằng ấp ủ cho đàn con em kế thừa chí nguyện của Ngài cũng như hạnh nguyện tan biến thân vào trong Pháp giới để hoằng truyền chánh pháp Như Lai tồn tại mãi trên thế gian lợi lạc chúng hữu tình. Một lần nữa thể hiện dũng mãnh sâu xa, thật cảm động qua bốn câu kệ mà Ngài cảm tác khi tụng xong bộ Kinh Hoa Nghiêm, được Hòa thượng đọc lên trong buổi lễ Ngài trao quyết định ra mắt Ban Hoằng pháp Trung ương tại Giảng đường chùa Xá Lợi vào cuối năm 1983: :

"Phần hương nhất nguyện Pháp không vương.
Đại hạnh đồng tham biến kiết tường.
Sát hải trần thân thi diệu lực,
Trầm kha chướng loại tận an khương.”

Bốn câu kệ Ngài ban cho như một lời nhắc nhở làm tăng thêm nguồn sinh lực nuôi dưỡng thân huệ mạng của tôi, gợi cho tôi liên tưởng đến Ngài Phổ Hiền Bồ Tát. Phải chăng sự hiện hữu của Hòa thượnghiện thân của Ngài Phổ Hiền trong thời đại của chúng ta, một vị chân tu suốt đời làm việc không biết mệt mỏi, hết lòng tận tụy phục vụ Đạo pháp và Dân tộc cho đến khi Ngài nhắm mắt, lìa bỏ huyễn thân, chúng ta vẫn còn cảm nhận sâu sắc ý thức phục vụ nhiệt tình vì mọi người của Ngài vẫn còn mãi mãi sáng rỡ. Ngài vẫn hiện hữu bên cạnh chúng ta với những hạnh nguyện và những việc làm cao quý, hòa thân vĩnh cửu cùng Chân Thiện Mỹ trong dòng thời gian vô tậnkhông gian vô cùng.
 
 


Những lời căn dặn
THÍCH QUANG THỂ

Tháng 3 năm Giáp Tý, mùa xuân đã về mang theo biết bao tươi đẹp, dịu hòa. Mọi vật vô cùng hoan lạc dưới trời xuân ấm áp. Ngoài sân chùa, giàn lan, chậu cúc vẫn tiếp tục điểm hoa. Những cành mai đang độ trổ mầm non, xinh tươi mát mẻ trên những khuôn mặt ấy đã và đang mơn mỡn phún phính, biết chắc rồi đây mùa xuân đi qua sẽ mang đi theo những gì tươi trẻ măng tơ đầy hy vọng về với dĩ vãng.

Thật vậy, giữa lúc mùa xuân tươi mát thì mọi người Phật tử vô cùng bàng hoàng khi nghe tin “Hòa thượng Thích Trí Thủ Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam viên tịch”.

 Hòa thượng Già Lam viên tịch! Hòa thượng đã ra đi, tôi đau điếng cả người - thật là như tiếng sét đánh bên tai - Tôi vô cùng xúc động và lạnh cả người như có một cái gì làm cho tôi nghẹn ngào nói không ra lời, tôi cứ lầm thầm cho là tin nhầm, không tin sự việc xảy ra như vậy. Mặc dù, tôi ở chùa Thọ Quang tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng nhưng được biết Hòa thượng vì trong tháng giêng năm ấy, Ngài về kỵ Tổ ở Huế. Người xuất hiện với những nụ cười hoan hỷ và nói chuyện với chư Tăng, tiếng nói trâm ấm đầy tình đạo vị: “Các thầy làm gì đi nữa, miễn là đem lòng tha thiết của mình để phụng sự chúng sanh tức là báo đáp hồng ân của chư Phật”. 

Giờ đây, Hòa thượng đã vĩnh viễn ra đi, Ngài ra đi quá sớm làm cho chúng tôi sửng sốt, bùi ngùi thương tiếc và tôi không bao giờ quên những lời căn dặn lý tưởng nhất và tha thiết nhất của Ngài. Vì lúc sanh tiền, đối với đạo Hòa thượng luôn luôn khuyên dạy các đệ tử xuất gia của Ngài hãy thực hành tu tập trí tuệ sáng suốt như trong Cảnh sách: “Người rõ Đạo thì đi, đứng, nằm, ngồi không có gì chẳng phải Đạo. Người ngộ pháp thì tung hoành tự tại, không có cái gì không phải pháp”.

Đối với tôi lúc còn học tăngPhật Học Viện Báo quốc, Ngài đã khuyên tâm khuyên dạy với những hình ảnh tôi khó mà quên được như Người sắp xếp cho tôi nghe luật riêng và còn trao truyền cho kinh nghiệm tu hành “tu học là phải kiên trì chịu khó, chịu khổ”: Và có lần Hòa thượng đã nhắc nhở tôi khi đã làm Phật sự “Quang Thể học không như các thầy khác nhưng nhờ kiên trì chịu khó, chịu khổ thì làm gì cũng đạt kết quả”. Ngài còn căn dặn tôi người xuất gia trước hết là lời thề nguyện về sự tu hành căn bản. Đó là phải nghiêm trì cấm giới mà trong đoạn văn hồi hướng hai thời công phu đã ghi: 

“Bất nhiễm thế duyên 
Thường tu phạm hạnh 
Chấp trì cấm giới 
Trần nghiệp bất xâm”.

Đông thời người xuất gia phải có cái dũng khí, phải có tinh thần trảeh nhiệm tuyệt đối là: 

“Hàng phục chúng ma 
Thiệu long Tam Bảo”.

Sau hết, hoạt động tích cực để thể hiện cái chí nguyện cầu trí giác Bồ đề

“Đản hữu lợi ích 
Vô bất hưng sùng”

Chính vì những lời căn dặn ấy mà sau khi tôi rời khỏi Phật học viện Báo Quốc ra làm Phật sự năm 1954 - Hòa thượng lúc đó là Phó Hội trưởng Tổng Trị sự Phật giáo Trung phần, tôi lại được Tổng Trị sự cử về trú trì chùa Tỉnh hội Đà Nẵng là biết bao phức tạp. Khó khăn nhất là quan điểm giữa Tăng già và các cư sĩ ở đây -. Tôi có thưa với Hòa thượng vào đó họ chưa hiểu con nên khó mà chu toàn Phật sự - Ngài dạy "Không ai biết Quang Thể, chỉ một người biết Quang Thể là đủ, kiên trì nhẫn nhụclàm Phật sự", cũng như lời căn dặn ấy - tôi y giáo phụng hànhlàm Phật sự liên tục Do đó Ngài có tâm sự: “Có nhiều thầy dù học rộng biết nhiều, Quang Thể học không bằng các Thầy khác, Quang Thể đi chậm mà còn duy trì được cơ sở và Phật sự liên tục, dù sống dưới bối cảnh xã hội nào cũng lợi lạc quần sanh là quý rồi”.

Với dân tộc, Hòa thượng đã thể hiện lòng yêu nước của mình bằng những hoạt động đấu tranh cho sự phục hồi quyền sống của một dân tộc, đấu tranh cho hòa bình Việt Nam, thế giới và Ngài đã khẳng định “chỉ có tình thương mới xóa bỏ hận thù”. Với tư cách lãnh đạo Giáo hội, Hòa thượng đã kêu gọi lương tri con người. Còn mọi mâu thuẫn thì hòa giải trong ý thức cộng tồn và tương liên, chứ không thể giải quyết trong sự hận thù. Gần đây, trong bài diễn văn đại lễ Phật Đản 2527, Ngài đã kêu gọi hòa bình thế giới, “chống chiến tranh hạt nhân, chống quân sự hóa khoảng không vũ trụ”, vì đó là tiếng nói của đạo hòa bình, luôn luôn tha thiết với hoà bình, đúng với truyền thống của Phật giáo.

Với Giáo hội, Hòa thượng đã cùng với các vị lãnh đạo Giáo hội để phản đối, sự kỳ thị tôn giáo nhất là vụ đàn áp Phật tử Cao nguyên Trung nguyên Trung phần 1961 và Ngài đã từng chia xẻ số phận với Phật giáo đồ trong cuộc vân động chống đàn áp và kỳ thị tôn giáo -Ngài đã từng vào tù ra tội dưới thời Diệm năm 1963. Từ công cuộc vận động tự do tín ngưỡng công bằng xã hội, Ngài không lúc nào vắng mặt hàng lãnh đạo Giáo hội trong những bước gian nan nguy hiểm. 

Hòa thượng đã hy sinh tất cả cuộc đời của mình cho Phật sự, từ xuất gia cho đến ngày vĩnh biệt Ngài luôn luôn lấy Phật sự và những sự thành tựu của Giáo hội làm lý tưởng sống cho đời mình nhưng và thể hiện cho bằng được lòng trung thành với lý tưởng Phật đà. Vì vậyHòa thượng lại hay nhắc nhở những chuyển biến Phật sự gay go khó khăn nhất là thời gian vận động thống nhất phật giáo Việt Nam

Ngài đã tâm tình với chúng tôi “Mình chỉ cố giữ đạo, còn danh từ này, danh từ nọ là vô nghĩa”. Ngài chỉ có chí nguyện "Thượng cầu hạ hóa, Tăng trưởng báo Phật ân”. Cho nên Hòa thượng luôn luôn đề xuất khai mở Phật học viện, giới đàn, đạo tràng để giáo hóa hàng xuất gia cũng như Phật tử tại gia với hoài bão truyền thừa "thuyết pháp độ sanh”, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức. Và Ngài còn khuyên dạy Phật tử."Dù ở vào bất cứ hoàn cảnh nào, người con Phật phải sống đúng chánh pháp và làm cho chánh pháp được phổ truyền sâu rộng". 

Hòa thượng đã ra đi, giờ đây bên tai tôi như còn vang lại những lời căn dặn thâm trầm của Ngài thật thấm thía và cảm động biết bao. Đó là những bài học quý giá để thể hiện cho sự tu hànhphụng sự Phật pháp.

Hôm nay, nhân ngày giỗ đầu của Ngài, những người như chúng tôi chỉ biết ôn lại những lời chỉ giáo sự nghiệp tu hành, công năng hóa đạo của Ngài.Hòa thượng thật xứng đáng là tấm gương sáng mà hàng xuất gia chúng tôi noi theo. Nhờ Ngài ân cần căn dặn mà bấy lâu chúng tôi giữ vững được niềm tin để lo gánh vác, đóng góp Phật sự hoàn cảnh có nhiều khó khăn trong tương lai, chúng tôi nguyện sách tấn tu hành, hoằng dương Phật Pháp đúng như những lời căn dặn của Ngài. .
 
 

TƯỞNG NIỆM

Vội vã ra đi tự cỏi nầy,
Già Lam tu viện Quảng Hương đây!
Muôn lòng đau xót cùng trông ngóng,
Mà chẳng tìm đâu bóng dáng Thầy ! 

Thầy vội ra đi quá bất ngờ,
Đàn con mất mẹ sớm bơ vơ.
Gương lồng bốn tịnh Thầy soi sáng,
Dòg nước Tào khê ngập ánh từ.

Thầy ngự trên tòa Thượng phẩm cao, 
Hoa sen đua nở tự tiêu dao
Tây phương trở gót xin hồi nhập,
Tiếp độ chúng sanh tự thuở nào!

HẢI TUỆ

[1] VÔ TRI. Mượn chữ trong Bát nhã Vô- tri luận của Ngài Tăng Triệu. Vô-tri nghĩa là không biết, tức là không có cái biết thủ tướng. Thường thường nói Bát-nhã là trí, trí thời có biết, có biết thời có thủ tướng, nếu có thủ tướng (nhận có đối tượng) thời không khế hợp với nghĩa vô sanh. Nay muốn nói rõ cái chân trí của Bát-nhã là vô thủ, vô duyên, tuy chứng chân đế mà không thủ tướng, nên gọi là Vô-tri. 

[2] HỎA LÝ LIÊN HOA. Gọi tắt là hỏa trung liên, nghĩa là sen trong lửa, một quang cảnh hy hữu, siêu tuyệt cả tư tưởng phân biệt của tỉnh thức, dụ cho bậc đại trượng phu, tuy sinh tử trong tam giới, nhưng vẫn không bị ô nhiễm trong tam giới trói buộc. Đó là cảnh giới sinh tử nhất như, pháp môn bất nhị hay nhất thiết giai không

[3] Thượng tọa Thích Quảng Thạc dịch
[4] Khánh-Hỷ là tên Ngài A-nan.
[5] 4.000m2 là lấy số tròn, đúng theo văn bản là 3.940m2
[6] 300 là số nhà trước 1975, hiện nay là số 498/11 Lê Quang Định, quận Gò Vấp.

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/09/2010(Xem: 46994)
31/05/2012(Xem: 10729)
16/10/2014(Xem: 25739)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.