Bài 05

06/12/201212:00 SA(Xem: 5859)
Bài 05

PHẢN BIỆN 
HIỆN TƯỢNG THÍCH THÔNG LẠC
Toàn Không

05

XI). HT TTL: Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã lừa đảo mọi người. Tánh Biết, Tánh Thấy, Tánh Nghe, những tánh này là thường, lạc, ngã, tịnh, nó luôn luôn có trí tuệ diệu dụng, hằng giác, sáng suốt vô hạn, thế mà lại chui vào cái đải da hôi thúi. Thiền Sư Triệu Châu trả lời cho một thiền tăng hỏi đạo: biết mà cố phạm. Xưa Đức Phật cho những luận thuyết này là những loại luận thuyết trườn uốn như con lươn… Kinh Thủ Lăng Nghiêm là kinh phát triển của Đại Thừa, do người sau viết ra mạo nhậnPhật thuyết, nên lối lý luận thiếu chân thật, không logic, thường mâu thuẫn, v.v... Kinh này chỉ dạy cho chúng ta thấy Phật Tánh thường hằng sáng suốt từ vô thủy cho đến nay. Tất cả chúng sanh từ loài côn trùng, cầm thú đến loài người đều có, có mà ngu như con bò, nên thường chịu khổ từ kiếp này sang kiếp khác. Thà là chịu ngu như loài cầm thú còn hơn có Tánh Giác mà lại ngu thì mới buồn cười cho loại kinh sách xảo ngôn. Suy nghĩ chút xíu, chúng ta sẽ thấy rất nhiều cái sai trong kinh này ..[ĐVXP-Tập 8]

XI). Phản biện:

1). HT TTL nói rằng:Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã lừa đảo mọi người. Tánh Biết, Tánh Thấy, Tánh Nghe, những tánh này là thường, lạc, ngã, tịnh, nó luôn luôn có trí tuệ diệu dụng, hằng giác, sáng suốt vô hạn, thế mà lại chui vào cái đãy da hôi thúi” là miệt thị qúa đáng; Kinh Thủ Lăng Nghiêm là một Kinh khó hiểu nên nhiều người đọc không nắm được yếu chỉ của Kinh, nếu không hiểu nghĩa Kinh mà nói rằng Kinh Lăng Nghiêm lừa đảo mọi người thì không nên nói, bởi vì:

 Tánh nghe tánh thấy v.v… biểu trưng cho tánh Bồ Đề, nó luôn luôn có trí tuệ diệu dụng, sáng suốt vô hạn, nó thường hằng như hư không, chẳng tăng chẳng giảm, chẳng dao động; nó luôn luôn tồn tại dù đi đứng nằm ngồi hay chết đi nó vẫn không mất vì nó là bất diệt. Sinh tử tiếp nối, đều bởi dâm tâm, tâm không là dâm, nhân vì sắc che lấp thành tâm dâm; tâm dục làm ô nhiễm tánh thể diệu minh, tánh dục cuồng mê dễ làm mất năng lực chánh định, đọa lạc sinh tử che mất tự tánh chân thường.

 Tánh vốn chẳng phải thấy, gá nơi căn mà soi sáng; phân biệt theo vọng duyên, đều do tánh thấy. Thấy sắc thì tâm mờ tối, thấy tướng thì tâm phát sinh: đồng nơi tâm và mắt này mà phân chia có hơn có kém; cái tánh thấy tánh nghe v.v… có thể nói nó biểu hiện của bản thể chân như dưới cái dụng, vì bản thể chân như biểu hiện qua hiện tượng vạn hữu.

 Tại sao nó lại chui vào cái đãy da thịt hôi thối? Cái tánh thấy tánh nghe nó chẳng chui vào cái đãy da thịt hôi thối, mà nó đã có sẵn từ hồi vào nằm trong bụng mẹ và được sinh ra, chứ chẳng phải nó từ ngoài chui vào sau khi sinh ra đâu; nó vào bụng mẹ và được sinh ra bởi có liên quan nghiệp duyên của cá thể bản thể nghiệp thức của mỗi chúng sanh.

 Trong cuộc sống: chúng ta chấp tâm vướng viú cảnh duyênphán đoán thì phán đoán đó cũng chỉ là pháp tướng vướng mắc, chưa phải là pháp tánh. Sáu căn chạy theo sáu trần sinh ra dài ngắn, đẹp xấu, đúng sai, yêu ghét điên đảo, rồi bị cuốn theo việc được mất, vinh nhục, khen chê, vui buồn của dòng đời làm cho chân tánh bị lu mờ như mặt trời bị mây che, như nước vẩn đục làm mờ tính trong của nước, như bụi phủ mặt gương trong sáng vậy. Chúng ta hãy cùng xem một đoạn Kinh Lăng NghiêmĐức Phật dạy Tôn giả An Nan mà chúng ta cũng phải học như sau:

 “Ông A Nan nghe lời dạy bảo thâm thiết của Phật, sung sướng rơi nước mắt, vòng tay mà bạch Phật rằng: Con nghe diệu âm của Phật, dù nhận rõ chân tâm minh diệu vốn là tâm địa thường trú viên mãn, nhưng chỉ nhận trên pháp âm Phật nói; con đang dùng tâm vưng víu cảnh duyên thỏa mãn lòng ái mộ Phật.

 Con cũng chỉ nhận thức được một cách mơ hồ chưa dám nhận đó là tâm địa vốn có của mình. Mong Phật thương xót dùng viên âm dạy bảo, nhổ gốc nghi ngờ cho con được về với đường vô thượng giác.

 Phật bảo: Các ông còn lấy tâm vướng víu cảnh duyênnghe pháp, thì pháp đó cũng chỉ là pháp tướng vướng víu tạm thời, chưa phải nhận được pháp tánh. Ví như có người lấy ngón tay chỉ trăng, người trí nương ngón tay để tìm thấy trăng, nhưng nếu cho ngón tay là trăng, thì không những bỏ mất mặt trăng mà cũng bỏ mất luôn cả ngón tay nữa; vì ngón tay mà đã tưởng là trăng, thì cũng không biết thế nào là sáng, thế nào là tối!

 Nay ông lấy sự phân biệt pháp âm của Ta mà cho là tâm, th́ì lúc không có pháp âm, lẽ ra ông phải còn phân biệt; ví như người ngủ trọ, hết ngủ thì đi, còn chủ quán trọ thì vĩnh viễn ở luôn không đi đâu nữa. Cũng vậy, nếu thật là tâm của ông thì không đi đâu, tại sao rời âm thanh thuyết pháp của Ta, cái phân biệt của ông không còn? Sự phân biệt về âm thanh đã vậy, sự phân biệt sắc, hương, vị, xúc, cho đến các phi sắc phi không của pháp trần cũng vậy. Rời đối tượng phân biệt ra cái phân biệt của ông phải thường còn, thì đó mới thật là tâm tánh của ông. Trái lại, hễ đối tượng không có, phân biệt cũng không còn, thế là tâm tánh của ông có chỗ trả về, như khách đến rồi đi, không còn là địa vị chủ nhân ông thường trú.

 Ông A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu tâm tánh con có chỗ trả về, vậy cái chơn tâm minh diệu Như Lai nói, vì sao lại không có chỗ trả về (?); xin Phật thương xót vì chúng con dạy bảo.

 Phật bảo: A Nan! Cái thấy mà ông thấy Ta, dù không phải là chân tâm minh diệu, nhưng nó là tánh thấy trong sáng chưa nhuốm trần lao; nó như vành trăng thứ hai chứ không đến nỗi như bóng trăng đáy nước. Ông hãy chín chắn lng nghe, nay Ta chỉ cho ông cái nghĩa không chỗ trả về.

 A Nan! Đại giảng đường này mở rộng, phương đông mặt trời lên thấy sáng suốt. Đêm ba mươi không trăng không mây mù, thấy tối đen. Chỗ có cửa mở thấy thông thương, chỗ có tường thấy ngăn bít, chỗ có phân biệt được thấy cảnh sắc; chỗ trống trơn thấy hư không, chỗ bụi cát tung lên thấy mịt mù, chỗ mưa tạnh mây tan thấy quang đãng.

 A Nan! Ông đã thấy các tướng biến hóa như vậy, nay Ta trả các tướng ấy về chỗ bản nhân của nó. A Nan! Cái sáng trả về cho mặt trời, vì không mặt trời thì không sáng; bản nhân cái sáng thuộc về mặt trời, cho nên trả về cho mặt trời. Tối đen trả về cho đêm ba mươi, thông thương trả về cho cửa. Ngăn bít trả về cho tường. Cảnh sắc trả về cho phân biệt, hư không trả về cho khoảng trống.

 Mịt mù trả về cho cát bụi, quang đãng trả về cho mưa tạnh mây tan; sự vật thế gian tuy nhiều, nhưng không ngoài các thứ đó.

 Còn cái thấy mà ông thấy tám thứ đó, ông định trả nó về đâu? Nếu ông trả về cho sáng thì lúc không có sáng lẽ ra ông không thấy được tối. Nhưng trước mắt ông, sáng và tối có sai khác mà cái thấy của ông thì không sai khác. Cái có chỗ trả về hẳn nhiên không phải là ông; còn cái thấy không thể trả về đâu, nếu không phải ông thì là ai len vô đó?

 Vậy nên biết rằng: Tâm ông vốn nhiệm mầu, thanh tịnh sáng suốt mà ông tự mê mờ bỏ mất gốc, nhận chịu luân hồi thường bị chìm đắm trong biển sanh tử; thế nên Như Lai gọi các ông là những người đáng thương xót!”

 Nghe Phật giảng rõ ràng như vậy, nếu chúng ta loại bỏ được tất cả những tâm vướng mắc cảnh duyên như sáng tối, thông bít, sắc không, trong đục là các tướng có chỗ trả về nơi sinh ra nó, và phát hiện ra cái không có chỗ trả về, tức là phát hiện được cái tánh thấy không có chỗ trả về vốn có của mình, đó là sự thường trú của tánh thấyhiện tượng biểu hiện của chân tâm. Nhưng cái tánh thấy nghe ấy cũng chỉ là vầng trăng thứ hai thôi chứ chưa thực hẳn là vầng trăng, vì như trên đã trình bày cái tánh thấy nghe này chính là cái dụng của chân tâm biểu hiện bằng tánh thấy nghe mà thôi; nếu không hiểu ý nghĩa sâu thẳm của lời Kinh Phật dạy lại có tà kiến về những lời dạy cao siêu này thì sao khỏi là người ruồng bỏ lời dạy qúy báu của Phật?

 Bởi vậy, nói: “Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã lừa đảo mọi người. Tánh Biết, Tánh Thấy, Tánh Nghe, những tánh này là thường, lạc, ngã, tịnh, nó luôn luôn có trí tuệ diệu dụng, hằng giác, sáng suốt vô hạn, thế mà lại chui vào cái đãy da hôi thúi” là không nắm vững lời Phật dạy.

2). HT TTL nói rằng:Thiền Sư Triệu Châu trả lời cho một thiền tăng hỏi đạo: biết mà cố phạm. Xưa Đức Phật cho những luận thuyết này là những loại luận thuyết trườn uốn như con lươn…” Muốn biết rõ có phải như tác giả Thông Lạc lên án không, chúng ta nêu ra câu chuyện hỏi đạo Thiền Sư Triệu Châu xem như thế nào?

Có người hỏi: Con chó có Phật tánh không?

Thiền Sư Triệu Châu trả lời: Không

Hỏi: Tại sao?

Đáp: Vì nó còn có nghiệp thức (Ý nói Phật tánh bị nghiệp thức che lấp mất)

Có người khác hỏi TS Triệu Châu: Con chó có Phật tánh không?

Đáp: Có

Hỏi tiếp: Có Phật tánh tại sao chui vào trong đãy da?

Đáp: Vì biết mà cố phạm.

 Cố phạm ở đây có nghĩa là cố phạm tội gây nghiệp báo nhân qủa nên phải chịu qủa báo vào trong đãy da, chứ không phải Ngài Triệu Châu trả lời theo kiểu luận thuyết trườn uốn như con lươn mà tác giả Thông Lạc không hiểu nên ám chỉ đâu. Bởi vì đây là thiện xảo của Phật, chư Tổ và chư Thiền sư, cùng một câu hỏi, mà đối với người này trả lời thế này, đối với người kia trả lời thế khác, lúc này trả lời thế này, lúc khác trả lời thế khác, đều là tùy theo căn cơ, hay nói cho rõ hơn, tùy theo bệnh “chấp thật” sâu hoặc cạn của chúng sinh mà cho thuốc khác nhau.

 Cũng vì các Ngài biết được tâm người hỏi muốn chấp có hay chấp không mà các Ngài trả lời khác nhau, mục đích là đưa người hỏi đến chỗ bế tắc không thể suy nghĩ gì được cả, từ chỗ không thể suy nghĩ ấy nếu người tham thiền cơ duyên đã chín mùi rồi thì người đó liền đại ngộ chỉ trong sát na. Để thấy rõ là các Thiền sư đều hành theo đức Phật, chúng ta hãy cùng đọc một đoạn trong “Công Án của Phật Thích Ca” do Hòa Thượng Thích Duy Lực dịch như sau:

 Một hôm ngoại đạo hỏi Phật: Hôm qua Ngài thuyết pháp gì?
Phật nói: Thuyết pháp nhất định.
Ngoại đạo lại hỏi: Hôm nay thuyết pháp gì?
Phật nói: Pháp chẳng định.
Ngoại đạo nói: Tại sao hôm qua thuyết pháp nhất định, nay lại thuyết pháp chẳng định?
Phật nói: Hôm qua “định”, hôm nay “chẳng định”.

 Đây là Phật đưa người này vào chỗ bế tắc suy nghĩ, nếu cơ duyên đầy đủ thì liền ngộ, còn không thì cứ thế mà thắc mắc mà tham đi.

 Một hôm khác sau khi Thế Tôn thăng tòa, có một Bà La Môn đến cúng dường hoa Ngô đồng.
Phật bảo: Buông xuống đi!
Bà La Môn buông hoa bên tay trái xuống.
Phật bảo tiếp: Buông xuống đi!
Bà La Môn buông hoa còn lại bên tay phải xuống.
Phật lại bảo: Buông xuống đi!
Bà La Môn nói: Nay hai tay con đã không còn gì, sao Phật còn bảo buông cái gì xuống nữa?
Phật nói: Chẳng phải Ta bảo ông bỏ hoa, ông phải buông xả ngoài lục trần, trong lục căn, giữa lục thức, nhất thời xả hết đến chỗ không còn gì để xả; ấy chính là buông thân xả mạng của ông.
Bà La Môn ngay đó ngộ vô sanh nhẫn (thể nhập lý không sinh không diệt)

 Chúng ta thấy rõ thiện xảo của chư Thiền sư không khác gì những gì đức Phật đã từng làm, vì vậy không nên giữ tà kiến sai lầm mà báng bổ các vị Thiền sư và cho những luận thuyết của các ngài là những loại luận thuyết trườn uốn như con lươn con trạch (thường hay chui trườn uốn trong nước bùn để trốn nguy hiểm) là không nên.

3). HT TTL nói rằng:Kinh Thủ Lăng Nghiêm là kinh phát triển của Đại Thừa, do người sau viết ra mạo nhậnPhật thuyết, nên lối lý luận thiếu chân thật, không logic, thường mâu thuẫn, v.v...” Tác giả Thông Lạc đã không nêu ra các chứng minh cho điều mình viết, sự thật chẳng ai đủ trí tuệ để viết Kinh Lăng Nghiêm lý luận có thứ lớp, có logic, không mâu thuẫn, chỉ có các bậc Bồ Tát, Tổ Sư mới có thể căn cứ vào lời Phật dạy để viết ra mà thôi, nên chúng ta phải vững tin không nên vì sự không hiểu của mình rồi nói những điều thiếu suy nghĩ mà sinh tội phỉ báng bậc Thánh.

4). HT TTL nói rằng:Kinh này chỉ dạy cho chúng ta thấy Phật Tánh thường hằng sáng suốt từ vô thủy cho đến nay. Tất cả chúng sanh từ loài côn trùng, cầm thú đến loài người đều có, có mà ngu như con bò, nên thường chịu khổ từ kiếp này sang kiếp khác; thà là chịu ngu như loài cầm thú còn hơn có Tánh Giác mà lại ngu thì mới buồn cười cho loại kinh sách xảo ngôn”..

 Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng vì bị vô minh che lấp như trên đã viết, nên chưa thấy tánh, chưa thấy tánh thì mọi chúng sanh chỉ sử dụng bộ óc để suy nghĩ, mà bộ óc thì tùy nghiệp đã tạo từ kiếp trước để có trí hiện tại, thông minh hay ngu đần đều tùy thuộc ở nghiệp đã tạo. Rõ ràng rằng tác giả không hiểu và không chấp nhận mỗi chúng sinh đều có Phật tánh, cũng không biết rằng Phật tánh bị vô minh che lấp, nên mới nói “Thà là chịu ngu như loài cầm thú còn hơn có tánh giác mà lại ngu”. Bởi vì tánh giác bị vô minh che lấp như mây che mặt trời, như nước bị quấy động làm đục mất tính trong của nước không thể thấy vật ở dưới đáy, như gương bị phủ bụi không thể thấy mặt mũi được

 Do không hiểu bản tâm diệu giác sáng suốt sẵn có của mình, nên từ mê, chứa chấp thêm mê, khởi sanh ra các đường luân hồi mãi. Do nhận thức sai lầm khiến cho con người bỏ mất bản tâm thanh tịnh, bản giác thường trú của mình; nếu tu hành liễu đạt được tự tâm diệu giác hiển lộ. Cũng như mây đã tan hết nên sẽ thấy mặt trời, như nước đã lặng trong sẽ thấy các vật dưới đáy rõ ràng, như gương đã lau sạch hết bụi sẽ thấy mặt mũi rõ ràng. Người tu đến liễu đạt lúc đó sẽ hiểu biết suốt thông, dù là người ngu si vô học không biết một chữ như Lục Tổ Huệ Năng bên Trung Hoa chẳng hạn, khi Ngài ngộ rồi thì không ai có thể cãi lại Ngài, vì khi Đạt đạo sẽ có đủ Tam minh Tứ trí Lục thông, nghĩa là có Tuệ Giác hiển lộ và biết ra khỏi sinh tử luân hồi y như vị A La Hán vậy.

5). HT TTL nói rằng:Nếu suy nghĩ chút xíu, chúng ta sẽ thấy rất nhiều cái sai trong kinh (Lăng Nghiêm) này”, nhưng thực ra tác giả Thông Lạc đã không dẫn chứng được những chỗ sai, tại sao sai, thế nào là đúng là sai. Chúng ta đã đọc một đoạn lời Phật giảng về cái tánh thấy ở trên và còn biết bao nhiêu lời giảng trong Kinh Lăng Nghiêm như bảy lần phá bỏ vọng thức bị nhận lầm là tâm, và mười phen chỉ rõ cái tánh thấy biết của con người không phải là cái thấy biết ở giác quan, làm sao an trụ tâm, cách tu “Phản Văn Văn Tự Tánh”, v.v... đều là những bài học qúy giá cả chứ chẳng thể bảo là sai trái được.

 Nhân tiện, cũng xin lược trích vài đoạn của Thích Huệ Hưng phỏng dịch cuốn “Pháp Môn Tu Chứng Lăng Nghiêm Đại Định” để lưu ý hành giả tu theo Kinh Lăng Nghiêm như sau: “Phần nhiều người tu hành quan niệm đạt đến trạng thái tĩnh lặng, dứt niệm gọi là đã đắc định, nhưng thật ra vẫn chưa thoát khỏi khuôn khổ của tâm thức; chúng ta cần phải xã bỏ tâm thức dưới mọi hình thái mới hy vọng đạt được tánh định sẵn có của tự tâm, khi đã lìa bỏ được tâm thức vọng niệm đó, ta mới nhận rõ được thể tánh thấy nghe, hiểu biết thường tại trong các giác quan của mình.

 Nếu cố gắng cưỡng ép tâm thức sanh diệt để cho yên định, thì chưa tỏ ngộ được chân tâm bất động sẵn có, mà sẽ nhận lầm sự giả tưởng là chân thật; thân ta dầu trải qua vô số kiếp trong nẻo luân hồi, nổi trôi trong hằng sa thế giới, nay đây mai đó, cái tánh thấy vẫn thường hằng như hư không, chẳng bao giờ suy giảm, dao động. Nếu hiểu được nơi thân mình cái diệu tánh sẵn có, luôn luôn bất động, không liên hệ đến thân cảnh vọng động lao xao, căn tánh là chân thể của vạn vật, vạn vật là giả tướng của căn tánh.

 Cái chân tâm sâu kín nhiệm mầu vẫn tàng ẩn dưới dạng tánh thấy nghe thường nhật, ngày nay người học đạo ỷ lại vào tánh (thiên chân) của mình, không cầu đến chỗ cứu cánh; nghe luận đến căn tánh hiện khởi, lại chấp thủ lấy bản thể thường tịch, lìa bỏ sự tu chứng. Mới an trụ vào bậc sơ giải nhân không (có tri kiến vô ngã) đã tự mãn, không ngờ rằng vi tế nghiệp (vi tế phiền não) vẫn chưa tiêu, làm sao thoát khỏi cảnh giới tình trần; Tâm sinh diệt chưa dứt, làm sao vượt khỏi muôn trùng khổ não trong ba cõi để đạt chứng viên thông, như người canh giữ kho vàng mà vẫn chịu nghèo nàn khổ lụy vậy”.

 Về tu chứng lược tóm mục: “Vào đường tu chứng, con đường tinh tấn” theo Thích Huệ Hưng như sau: “Hạ thủ công phu đầu tiên là chuyên nghe trở lại tự tánh”. Nghe trở lại tự tánh không phải là lối nghe thông thường bằng nhĩ căn, hiểu biết bằng nhĩ thức, mà chỉ là tánh nghe trong nhĩ căn, tức là cái lý thể vô phân biệt. Với tánh nghe này, dù có hay không có âm thanh vẫn được sáng tỏ rõ ràng, không sai sót, giống như tánh thấy vậy. Như tấm kiếng dù có hình hay không hình, kiếng vẫn sáng tỏ.

 Đây chỉ căn cứ vào cái quán xét tiếng tăm, nêu rõ cái thể tánh nghe, không lấy cảnh động tịnh bên ngoài làm tánh nghe... Khi đạt được tánh nghe này mới biết nó sẵn có tự bao giờ, không do tu mới thành, chúng ta bị ám thị ngoại cảnh do loạn tâm nên không biết. Phải tự nghe trở vào bên trong tự tánh của mình, tuyệt đối một niệm không móng khởi, hồi quang phản chiếu vào tự tánh; khiến diệu cảnh thường hiện hữu, vắng lặng, trong sáng, không được gián đoạn, thiền gọi là công phu miên mật.

 Chú tâm thường xuyên vào tự tánh gọi là nhập lưu, vọng ngoại theo tiếng gọi là xuất lưu; dùng cách nhập lưu trở về tự tánh gọi là hiệp giác (hợp với tánh giác), lìa bỏ mọi âm thinh ngoại cảnh (thinh trần) gọi là bội (trái ngược) trần (phủi bỏ trần cảnh). Một khi hành giả không chú tâm vào tiếng tăm bên ngoài, chỉ hướng vào trong tánh nghe an trụ lặng lẽ, thời những phân biệt thô thiển không còn nữa, tánh nghe sẽ hiện rõ như mặt nguyệt mùa thu, trong suốt. Nếu thoáng chốc lưu tâm đến âm động bên ngoài, tánh nghe sẽ mờ mịt, không còn sáng suốt nữa; vì vậy không bao giờ quan tâm đến động tịnh, (động tịnh đều không) mới thành tự tánh bản định.

 Thực hành lâu dài chắc chắn thành tựu, thể dụng viên dung kín nhiệm đều do tâm địa phát ra. Đó gọi là phát minh bản tánh, chân như diệu giác sáng suốt.

 Tu đến đây là cùng tột của sự vong trần (quên), về công năng ngôi vị, ngang hàng Sơ quả của Thanh Văn. Kinh Kim Cang nói: Gọi là nhập lưu mà thật ra không có chỗ vào, vì không vào, sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp nên gọi là Tu-Đà-Hoàn. Đây là khi lìa được thanh trần thì 6 trần kia đều chấm dứt.

 Căn diệt nhưng tánh vẫn còn; căn trần đều dứt năng sở đều vong (mất, chết), không còn tự tha, chỉ một pháp tánh gọi là nhân không, địa vị đồng thời với A La Hán, quả thứ tư của Nguyên Thủy; Kiến hoặcTư hoặc đều chấm dứt (cái thấy hiểu sai lầm và nghiệp tập đều chấm dứt). Khi thoát khỏi cả căn và trần, tịch cảnh (tâm tịnh) hiện ra, đó là cảnh sở giác (cảnh được ngộ). Cái trí chiếu soi cảnh sở giác gọi là năng giác (trí ngộ, trí chứng), trí năng giác và cảnh sở giác đều rỗng lặng, không còn tương đãi đối lập nhau; đến đây ra khỏi giác quán, lìa được pháp chấp, đoạn dứt phân biệt phiền não nhỏ nhiệm.

 Bây giờ tiếp đến thoát ly trí trùng (cùng nhau) không (hai cái không), tức là trí diệt hết cả cái trí và cảnh không đã nói ở trên; bởi vì cái trí “trùng không” vừa khởi lên chưa đầy đủ nên cái trí và cảnh không đó trở thành cảnh sở không, và cái trí trùng không thành trí năng (sức làm việc) không, cả hai vẫn tồn tại. Vì vậy, chẳng những trí cảnh sở không kia phải dứt, mà cái trí trùng không cũng phải diệt luôn. Khi duyên ảnh chướng ngại vi tế đó chấm dứt, thành tựu được pháp giải thoát (pháp không), tánh thể chơn quang hiển lộ, trần (thế gian) sa (sai lầm) hoặc ((lừa dối, mê loạn) sạch hết.

XII). HT TTL: Tác giả Thông Lạc viết:

“Kinh Viên Giác không phải kinh sách Phật thuyết mà do các Tổ thuyết, nhưng các Tổ khôn khéo gán cho Phật thuyết để dễ lừa đảo tín đồ Phật Giáotín đồ Phật Giáo cũng dễ tin tưởng là tất cả kinh đều do Phật thuyết vì kinh sách Đại Thừa tập kinh nào cũng bắt đầu bằng câu: Như thị ngã văn nhất thời Phật tại Xá Vệ Quốc, kỳ thọ Cấp Cô độc viên dữ ... , chỉ nội câu này cũng đủ lừa đảo người khác rồi. Kinh sách Đại Thừa nào cũng có hai phần: 1- Dụ dỗ 2- Hăm dọa”.

XII). Phản Biện:

1). Chư tổ là những người đã đạt đạo nên sự hiểu biết rất rộng lớn, tuy không thể bằng Phật, nhưng so với những người chưa đạt đạo thì các Ngài vượt trội về trí tuệ. Hơn nữa, các vị Tổ Sư của Phật giáo không bao giờ có những lời lẽ trái với ý Phật, các Ngài có viết ra thì cũng dựa vào những lời nói của Phật mà viết thành Kinh Luận, vì thời Phật tại thế những lời giảng dạy của Phật không được ghi lại, mà chỉ được kết tập sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn 3 tháng và các lần kết tập khác mãi về sau này kể cả Kinh Tạng Nguyên Thủy Nam Truyền chứ không riêng gì Kinh Tạng Bắc Truyền; nên khi kết tập không thể tránh được một số vấn đề còn sót chưa nêu ra hết, nhất là những vấn đề khó khăn cao siêu ít được đề cập đến.

 Chúng ta thử phân tích sơ qua một vài phẩm của kinh Viên Giác để thấy rõ ý Kinh như sau:

VIÊN GIÁC: Viên tức là Viên mãn, GIÁC tức là Bồ-đề, Viên mãn Bồ-đề chính là Phật quả; bởi vì công đức đầy đủ, không có điều gì là không hiểu biết trọn vẹn nên gọi là VIÊN GIÁC.

1- PHẨM THỨ NHẤT BỒ TÁT VĂN THÙ hỏi rằng: “Thế nào là nhân địa tu hành của Như Lai; khi đã phát tâm rồi làm sao để khỏi đọa vào tà kiến?” Phật đáp: Như Lai có Đà-la-ni gọi là Viên Giác. Tánh Viên Giác sinh ra tất cả các pháp thanh tịnh Chân Như, Bồ Đề, Niết BànBa La Mật. Tu hành của Như Lai đều y viên giác mà đoạn trừ vô minh được thanh tịnh sáng suốt.

Chúng sanh từ vô thỉ bị nhiều thứ điên đảo làm mờ tính giác: Lầm nhận tứ đại giả hợp làm thân mình, chấp cái vọng niệm sinh diệt duyên theo 6 trần cho là thật tâm mình; vì mê lầm nên sinh tử luân hồi được gọi là vô minh.

Như Lai biết các pháp đều hư huyển như hoa đốm nên không còn luân hồi; biết các pháp là không, cái biết ấy cũng không luôn: dứt cả có và không, gọi là tùy thuận tánh Viên Giác.

2- PHẨM THỨ HAI BỒ TÁT PHỔ HIỀN hỏi rằng: “Nếu các pháp và thân tâm đều huyễn hóa, tại sao phải tu pháp huyển?” Phật dạy: Tất cả cảnh vật (thế giới, chúng sanh) đều sanh trong Diệu tâm Viên giác của Như Lai, các pháp diệt mà tính Viên Giác vẫn còn ví như hoa đốm diệt hư không vẫn còn. Nếu cảnh diệt thì huyển tâm diệt theo, lúc đó tâm Viên Giác tự hiện.

Tu là phải: xa lià cảnh giới hư vọng huyển hóa, xa lià tâm biết xa lià, cái xa lìà cũng là vọng cần xa lià luôn, cái lià xa lià cũng huyển phải xa lià; như vậy không còn gì để xa lià. Đây là dùng cái huyển tu các pháp huyển, biết các pháp đều huyển thì lià được huyển, lià được huyển tức là Giác.

3- PHẨM THỨ BA BỒ TÁT PHỔ NHÃN hỏi rằng: “Muốn cầu tâm Viên giác thanh tịnh của Như Lai phải suy nghĩ thế nào, an trụ ra sao và tu thứ lớp thế nào?” Phật khai thị: Suy nghĩ chính niệm, xa lià vọng huyển, tu phép CHỈ (Samatha), giữ cấm giới, ở chỗ vắng sống yên ổn, suy nghĩ Thân do 4 duyên đất nước gió lửa hòa hợp mà có, khi 4 thứ này tan rã thì thân ở đâu, nên nó chỉ là giả tạm huyển hóa. Bốn duyên hòa hợp với 6 căn tai mắt mũi lưỡi thân ý, trong ngoài hợp lại thành cái thân giả tạm rồi khởi ra các phân biệt vọng tưởng, các vọng tưởng này y như có cái hình tướng duyên theo bóng dáng 6 trần sắc phong hương vị xúc pháp nên gọi là Tâm, tâm này hư vọngnếu không có trần thì không phân biệt được nữa, rút cục không còn thấy cái gì gọi là Tâm.

 Như vậy huyển thân diệt, huyển tâm diệt, huyển trần diệt, nên cái huyển diệt cũng diệt luôn; bởi thân tâm và tướng trần cấu hư huyển đã hoàn toàn diệt, nên Viên Giác phi huyển hiện. Khi “huyển cấu” hết, “pháp đối trị” trừ, “trí đối trị” cũng không, thì tâm không động, thanh tịnh hiện; tâm thanh tịnh, căn, thức, trần, 4 đại, 12 xứ, 18 giới v.v…, tất cả đều thanh tịnh không động.

4- PHẨM THỨ BẢY BỒ TÁT OAI ĐỨC hỏi rằng: “Mong Đức Thế Tôn rộng vì chúng con nói ra tất cả phương tiện tiệm thứ và người tu hành gồm có mấy hạng, khiến cho Bồ-tát ở trong hội này và chúng sanh đời mạt, người cầu Đại thừa mau được khai ngộ, dạo chơi trong biển Đại tịch diệt của Như Lai”. Phật nói: Vì căn tánh chúng sanh không đồng, phiền não sâu cạn khác nhau, nên lập ra ba quán để tùy nghi thực hành như sau:

Thứ nhất, tu tập Xa-ma-tha: Tu lâu ngày dần dần khiến tâm không động vắng lặng như gương chiếu, đây cũng gọi là tu Thiền Chỉ. 

Thứ hai, tu tập Tam-ma-bát-đề: Tu lâu ngày dần dần nhìn thấy các pháp đều như huyễn như mộng, nhằm viễn ly tham muốn chấp thủ, đây cũng gọi là tu Thiền Quán. 

Thứ ba, tu tập Thiền-na: Tu lâu ngày dần dần lặng dứt mọi tâm niệm như âm thanh im bặt trong đồ vật, không bao giờ còn cơ hội vọng thanh nữa; đây cũng gọi là đoạn phân biệt nhằm thấy thật tướng.

 Tu tập ba pháp Thiền này, cũng giống như chúng ta hành trì Thiền Tứ Niệm Xứ:

Niệm Thân: Là quay lại quán chiếu thân Tứ Đại dựa trên những đặc tính Khổ, Vô thường, Vô ngã

Niệm Thọ: Là nhìn vào những cảm thọ về khổ, vui, không khổ không vui dựa trên những đặc tính Khổ, Vô thường, Vô ngã;

Niệm Tâm: Là trở lại nhìn vào những chuyển biến của tâm thức nhằm có thể điều khiển tâm một cách thiện xảo dựa trên những đặc tính Khổ, Vô thường, Vô ngã;

Niệm Pháp: Là nhìn vào những hiện tượng hiện hữu giữa cuộc đời dựa trên những đặc tính Khổ, Vô thường, Vô ngã.

 Đây chính là những pháp tu truyền thốngchúng ta cũng có thể thấy được trong nhiều Kinh điển của cả Bắc truyền và Nam truyền, và Kinh Viên Giác cũng không ngoài trường hợp này; bên cạnh đó, Bồ Tát còn phải luôn luôn ghi nhớ vấn đề giữ giới

 Thực tế mà xét, chúng ta thấy những kinh điển của Bắc truyền chẳng có kinh nào trái với tôn chỉ căn bản của Phật thuyết cả, chẳng có ai biện luận bác bỏ được những lý lẽ mà các kinh Bắc truyền nêu ra. Tất cả đều nhằm vào lý lẽ vô thường, khổ, vô ngã, không, đều dạy con đường diệt khổ, ra khỏi luân hồi, chấm dứt sinh tử để tiến tới giải thoát; như vậy làm sao nói rằng các kinh của Bắc truyền là sai lời Phật dạy được? Đã không sai lời Phật dạy thì bảo rằng: “lừa đảo người khác” là không đúng lý.

2). Tác giả Thông Lạc nói rằng: “Kinh sách Đại Thừa tập kinh nào cũng bắt đầu bằng câu: Như thị ngã văn nhất thời Phật tại Xá Vệ Quốc, kỳ thọ Cấp Cô độc viên dữ..., chỉ nội câu này cũng đủ lừa đảo người khác rồi”, nghĩa là kinh nào cũng nói Phật thuyết tại vườn Cấp Cô Độc nước Xá Vệ là không chính xác, vì có những Kinh Bắc truyền đức Phật thuyết tại những nơi khác chứ không phải tất cả đều thuyết tại vườn Cấp Cô Độc, chúng ta hãy cùng đọc một số dẫn chứng có được dưới đây Phật đã giảng để chứng minh:

- Giảng Kinh Phạm Võng tại Bồ Đề Đạo tràng Ấn Độ.

- Giảng Kinh Địa Tạng tại cung Đế Thích cõi trời Đạo Lợi.

- Giảng Kinh Kim Cang nơi vườn Cấp Cô Độc nước Xá Vệ.

- Giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa tại núi Kỳ Xà Quật nước Ma Kiệt

- Giảng Kinh Nhân Quả nơi Hội Linh Sơn, núi Linh Thới.

- Giảng Kinh Lăng Nghiêm nơi vườn Cấp Cô Độc nước Xá Vệ.

- Giảng Kinh Duy Ma Cật nơi vườn Am La Thọ, nước Tỳ Da Ly.

- Giảng Kinh Ưu Bà Tắc nơi vườn Cấp Cô Độc nước Xá Vệ.

- Giảng Kinh Viên Giác nơi Thường Tịch Quang Trang Nghiêm cho hàng Bồ Tátđệ tử nhập chính định nghe.

- Giảng pháp Thập trụ nơi cung Đế Thích cõi trời Đạo Lợi, Dục giới.

- Giảng pháp Thập Hạnh nơi cung trời Diệm Ma thuộc Dục giới.

- Giảng pháp Thập Hồi Hướng tại cung trời Đâu Suất.

- Giảng pháp Thập Thiền Định nơi cung trời Hóa Lạc.

- Giảng pháp Thập Địa nơi cung trời Tha Hóa.

- Giảng pháp Thập Kim Cương nơi cõi Sơ thiền Phạm Thiên.

- Giảng pháp Thập Nhẫn nơi cõi Nhị thiền Quang Thiên.

- Giảng pháp Thập Nguyện nơi cõi Tam thiền Tịnh Thiên.

- Giảng Tâm Địa môn nơi cung Đại Tự Tại Thiên Vương cõi Tứ thiền.

 Xem như thế mà nói kinh Bắc truyền Đức Phật chỉ giảng một chỗ tại vườn Cấp Cô Độc nước Xá Vệ thì có đúng không?

3). Tác giả Thông Lạc viết câu: “Kinh sách Đại Thừa nào cũng có hai phần: 1- Dụ dỗ 2- Hăm dọa”; tác giả Thông Lạc hiểu như thế nào mà viết như vậy? Tất cả các lời trong các kinh Bắc truyền cũng tương tự như các kinh Nam truyền, thường nêu ra:

- Sự thực ở đời là vô thường, khổ, vô ngã, v.v…

- Niết Bàn là thường, lạc, ngã, tịnh v.v…

- Muốn thoát hết khổ được vui Niết Bàn thì phải giữ giới phải tu hành, phải thế này phải thế nọ, nghĩa là phải tuân thủ những điều kiện khó khăn vất vả v.v… nên cực.

- Lấy việc giữ giới: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ làm đầu, vì những thứ ấy làm tâm ô nhiễm tánh thể diệu minh, làm mất chánh định, đọa lạc sinh tử, che mất chân thường của người tu.

- Phải tự tu tâm mình, không ai tu thay được, nhưng có rất nhiều pháp môn tu, hành giả phải tự lựa lấy pháp môn thích hợp nhất để tu, và phải tuân theo pháp môn chỉ dẫn để tu hành; còn phải kiên nhẫn bền lâu, tinh tấn hành tri kiên cố mới có thể đạt qủa giải thoát, chứ chẳng phải là dễ đâu.

- Việc tu này của Phật giáo nói chung là tùy ý mỗi người định liệu lấy chứ không dụ dỗ như một vài Tôn giáo khác dùng đủ mọi cách dụ dỗ o bế người của đạo Phật. Đạo Phật cũng chẳng hăm dọa ai, có làm theo hay không là tùy mỗi người định liệu lấy. Bởi vì khi tu theo Bắc truyền trong bất cứ pháp môn nào cũng đều phải tuân theo những lời chỉ dẫn trong pháp môn tu nên không dễ dàng mà rất gò bó từ thân đến tâm, chứ chẳng phải là dễ dàng như ngồi chơi sơi nước ăn bánh đâu mà lầm to.

 Như có đạo nêu ra tín lý: Nếu tin vị Giáo chủ thì được lên Thiên Đàng, chẳng cần làm gì chỉ cần tin và cầu xin thôi là được ban cho mọi thứ theo ý muốn, lúc chết được lên Thiên Đàng sống sung sướng đời đời, còn được vô số các Thiên nữ hầu hạ nữa, thì đây là dụ dỗ cho một phần thưởng quá sức hậu hĩnh như thế ai mà chẳng ưa thích. Còn nếu không tin thì phải đọa xuống hỏa ngục đời đời, thì đây là hăm dọa nếu không tin sẽ bị trừng phạt đầy xuống hỏa ngục chịu khổ sở vĩnh viễn, một hình phạt nặng nề ghê tợn như thế ai mà chẳng sợ chứ; thật là qúa đáng về sự dụ dỗ dọa nạt của con người trên thế gian này!

 Hai giáo lý của 2 Tôn giáo hoàn toàn khác hẳn nhau, một đằng chẳng cần làm gì cả, một đằng phải giữ giới luật nghiêm túc, phải nhớ tuân theo phuơng pháp tu hành có thể gọi là ngày đêm cực nhọc lâu dài mới mong đạt đạo, phần thưởng này là do hành giả tự làm lấy mà hưởng chứ Phật có cho không đâu. Như vậy chúng ta thấy rõ sự khác biệt giữa Phật giáo với các Tôn giáo khác, bởi vậy không nên lẫn lộn, nếu lẫn lộn mà gán ghép cho Phật giáo Bắc truyền dụ dỗđe dọa con ngườivô lý hết sứcchứng tỏ sự thiên lệch bất công của mình mà thôi.

XIII). HT TTL: Đức Phật Di Lặc không có, đó chỉ là một Đức Phật tưởng tượng của các nhà Đại Thừa Bà La Môn, Đức Phật Di Lặc đã được kinh sách Đại Thừa nói đến rất nhiều. Đó là một thâm ý nham hiểm của các nhà Đại Thừa Giáo, đưa Đức Phật Di Lặc ra để làm một cuộc cách mạng Phật Giáo lật đổ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, thay thế bằng vị giáo chủ mới là Phật Di Lặc. .(ĐVXP-Tập 7)

XIII). Phản Biện:

1). Tác giả TTL viết: “Đức Phật Di Lặc không có, đó chỉ là một Đức Phật tưởng tượng của các nhà Đại Thừa Bà La Môn; Đức Phật Di Lặc đã được kinh sách Đại Thừa nói đến rất nhiều”. Tác giả Thông Lạc đã không đọc Kinh điển Nam truyền nên nói sai rằng Đức Di Lặc do sự tưởng tượng của các nhà Đại thừa tạo dựng lên; sự thật thì trong kinh Chuyển Luân Thánh Vương (Cakkavati Sìhanàda Sutta) thuộc Kinh Trường Bộ Nam Truyền (Majjhima Nikàya) nơi trang 346, do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch như sau:

 “Này các Tỷ kheo, khi tuổi thọ loài Người lên đến tám vạn tuổi, có Thế Tôn tên là Metteyya (Di Lặc) sẽ ra đời, là vị A la hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; như Ta nay sinh ra ở đời này, là bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Vị này tự mình biết, chứng, và tuyên thuyết quả đất này, gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, Thế giới này với Sa môn, Bà la môn, loài Trời, loài Người; như Ta hiện nay tự mình biết, chứng và tuyên thuyết quả đất này, gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, Thế giới này với Sa môn, Bà la môn, loài Trời và loài Người. Vị này sẽ thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa lý văn tự đầy đủ và tuyên thuyết đời sống phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh; như Ta hiện thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa lý văn tự đầy đủ và tuyên thuyết đời sống phạm hành hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh. Vị này sẽ có khoảng vài ngàn vị Tỷ kheo Tăng đoàn; như Ta hiện nay có khoảng vài trăm vị Tỷ kheo Tăng đoàn vậy…”

 Như vậy mà nói: “Phật tương lai Di Lặc là sản phẩm tưởng tượng của Phật giáo Bắc truyền” thì thật là oan Thị Kính, cũng giống như có người ngồi trong đáy giếng mà nói việc xảy ra ở trên trời vậy.

2). Tác giả TTL viết:Đó là một thâm ý nham hiểm của các nhà Đại Thừa Giáo, đưa Đức Phật Di Lặc ra để làm một cuộc cách mạng Phật Giáo lật đổ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, thay thế bằng vị giáo chủ mới là Phật Di Lặc”. Làm sao có thể thay thế Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng Phật tương Lai Di Lặc được, trong khi ở tất cả các Chùa Bắc truyền đều thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, hành theo Kinh của Phật Thích Ca. Nếu có thờ Phật Di Lặc (tương lai) và Phật A Di Đà (qúa khứ) thì Phật Thích Ca là chính và ở giữa. Như thế làm sao nói rằng làm cuộc cách mạng lật đổ Đức Phật Thích Ca và thay thế bằng Phật Di Lặc đúng với ý nghĩa của chữ “lật đổ” và “thay thế”?

 Mặt khác, chính Đức Phật Thích Ca đã thọ ký cho Bồ Tát Di Lặc sẽ đắc qủa Phật trong tương lai xa chứ không phải là gần, nếu tính theo thời gian thì còn lâu lắm. Trong thời gian từ Phật Thích Ca cho đến khi Phật Di Lặc ra đời không có một vị Phật nào ở giữa thời gian đó cả; như vậy giáo lý của Phật Thích Cađộc tôn của Phật giáo suốt chiều dài từ Phật Thích Ca cho đến khi Đức Phật Di Lặc ra đời, thì làm gì có vụ tranh dành lật đổ như tác giả dựng lên.

 Có muốn lật đổ Phật giáo là các đạo khác dựng lên một Thượng Đế tưởng tượng theo ý con nguời mà thôi, họ muốn lật đổ Phật Thích Ca Mâu Ni để thay bằng Thượng Đế của họ. Họ đã chiếm đốt phá chùa chiền, họ đã giết Phật tử, tiêu diệt Phật giáo suốt từ Trung Đông, Ấn Độ tới Nam Dương rộng lớn như thế. Họ đã dụ dỗ bằng mọi cách, từ hăm dọa cho đến các tiểu xảo hòng lấy người của Phật giáo hầu triệt tiêu đạo Phật và bành trướng đạo của họ; việc này đã xảy ra từ ngàn xưa và hàng ngày ngày nay ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhất là hiện nay tại Á châu.

 Bây giờ chúng ta đang mất dần các Phật tử do chính sách mua chuộc của ngoại đạo, các Phật tử vì không hiểu giáo lý của Phật nên một số người sẵn sàng đổi đạo vì những lời dụ dỗ và những quyền lợi vật chất nhỏ nhặt; bằng chứng ở Nam Hàn Phật giáo đang mất dần Phật tử, trở thành thiểu số rồi, vì sự hoạt động của ngoại đạo qúa mạnh mẽ. Bởi vậy, thiết nghĩ, cứ theo cái đà này thì chỉ trong năm bảy nghìn năm nữa đạo Phật sẽ biến mất, chẳng cần năm bảy ngàn năm, chỉ trong năm bảy trăm năm nữa đạo Phật sẽ biến mất thôi, nói chi tới khi Phật Di Lặc ra đời còn qúa xa xôi; vì thế nên bỏ ý nghĩ rằng Phật Di Lặc lật đổ thay thế Phật Thích Ca là chuyện tưởng tượng không thật vậy.

 Cũng không trách nhiều tác giả Thông Lạc về vấn đề âm mưu dựng Phật Di Lặc lên để thay thế lật đổ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vì cái nạn ở Việt Nam từ nửa thế kỷ về trước có người tuyên bốhiện thân của Đức Di Lặc, nên một số người nhẹ dạ tin theo, rồi họ viết in sách mập mờ đánh lận dùng một số kinh sách của Phật giáo làm chính, lồng xen vào trong những phần không phải của Phật, làm cho người đọc đi vào mê hồn trận nên tưởng là Phật giáo thật, tưởng là Đức Di Lặc ra đời; nếu thật là Di Lặc hiện thân thì chẳng bao giờ tự xưng ra như thế, sự tự xưng này nhiều người không biết, lại tưởng là Phật giáo thật, rõ ràngthời mạt pháp nên có người vỗ ngực tự xưng Di Lặc như thế.

 Việc này xảy ra cũng là bởi từ khoảng gần ba phần tư thế kỷ về trước có người dùng chiêu bài Phật giáo viết và phổ biến Hội Long Hoa sắp tới rồi để hành ngoại giáo, họ nói: “Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng đón Hội Long Hoa của Phật Di Lặc giáng thế!” Một tiếng nói ấy làm cho nhiều người tưởng thật nên tạo ra nghìn nghìn vạn người tin theo về mở Hội Long Hoa; họ chẳng biết rằng Đức Di Lặc ra đời còn tít mù tăm khoảng trên 8 triệu năm nữa! Như thế thì mở hội để đón ai chứ?

 Bởi vậy để đáp ứng điều mong mỏi của những người ấy liền có người từ xưng là hiện thân Đức Di Lặc. Đối với Phật giáo các vị đắc đạo chẳng bao giờ vỗ ngực tự xưng rằng: “ta đã đắc đạo, ta là vị này vị kia” để lộ ra sự kiêu mạn, những người như thế Đức Phật bảo là người “tăng thượng mạn, tự mạn, tà mạn cần phải dẹp bỏ”.

 Tác giả Thích Thông Lạc viết “không có Di Lặc” là một điểm sai, rồi lại viết “các nhà Đại thừa đưa Phật Di Lặc ra làm cuộc cách mạng lật đổ thay thế Đức Phật Thích Ca” thì thật oan cho Phật giáo Bắc truyền biết dường nào! Vì đây chỉ là những ý nghĩ, những việc làm của một vài người mà làm cho nhiều người hiểu lầm gây tai hại cho Phật giáo. Chúng ta hãy ý thức cho sâu xa rõ ràng, đừng mắc mưu một vài người mà đi sai lời Đức Phật dạy, hãy cùng nhau trở lại theo chính pháp của Phật, mong lắm thay.

 (Còn tiếp)

Toàn Không

TRÍCH DẪN THAM KHẢO

 - Kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ Đề Cương, Pháp Sư Thích Từ Thông

- Pháp Môn Tu Chứng Lăng Nghiêm Đại Định do Thích Huệ Hưng dịch
- Tổng luận Kinh Lăng Nghiêm của Hòa Thượng Thích Thiện Siêu.
- Bồ Tát hạnh trong kinh Viên Giác của Thích Nguyên Tịnh.
- Đại Phương Đẳng Viên Giác Kinh Lược Giải, HT Thích Giải Năng dịch.
- Kinh Viên Giác do HT Thích Duy Lực dịch giảng.
- Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống thuộc Kinh Trường Bộ.
- Kinh Di Lặc do Chùa Xá Lợi ấn tống 1973.



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.