32- Sáng Mai Chim Hót, Quán Như

23/12/201212:00 SA(Xem: 4622)
32- Sáng Mai Chim Hót, Quán Như

1963 – 2013
NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI
TẬP BA (3/3)
Tuyển tập của 99 tác giả
và những lời Phê phán của 100 Chứng nhân
về chế độ Ngô Đình Diệm
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức Publications 2013
TẬP MỘTTẬP HAI ● TẬP BA

Chương Tám –  GỬI LẠI NGHÌN SAU
Suy nghiệm về một số bài học lịch sử

32
SÁNG MAI CHIM HÓT
Quán Như

Tranh Đấu Cà Nhõng

Tôi còn nhớ nhà văn Sơn Nam có lần tự giới thiệu trong thời gian Nam Bộ Kháng Chiến, anh là một loại chiến sĩ kháng chiến “cà nhõng”. Chữ này cũng diễn tả được hành trạng của tôi, “ngày em hai mươi tuổi.” Tôi thực ramột sinh viên tranh đấu cà nhõng. Không như anh Hoàng Nguyên Nhuận, nhìn được tiềm năng của Phật Giáo từ năm 1962 về cả phương diện tư tưởngchủ lực tranh đấu. Tôi đến với Phật Giáo vì đủ mọi lý do. Thứ nhứt là vì mê gái, người tình đầu của tôi, cô tôn nữ tóc dài, học ở trường Gia Long. Trong những lúc ngồi chờ người đẹp, tôi lại khám phá ra thư viện nhỏ ở chùa Xá Lợi của cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Tủ sách nhỏ này đầy đủ những sách vở về triết lý Phật Giáo cũng như về các triết gia Tây Phương, thần tượng của thế hệ tôi. Thứ hai là mê có bạn. Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn khởi đầu từ một nhóm nhỏ học Phật, họp nhau vào mỗi sáng Chủ Nhật học “giáo lý” và sau đó làm công tác xã hội ở xóm nghèo, xây cất trên một nghĩa địa, sau rạp Quốc Thanh trong chương trình của chị Cao Ngọc Phượng, nay là Sư Bà Chơn Không. Chưa có ý thức chánh trị rõ ràng, tôi chỉ là thứ dê nõn buồn sừng mới lớn, hay làm dáng trí thức, mê đọc sách, triết lý và văn nghệ, mê “hàm bà lằng”. Tôi không có gì để thù ghét chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà, nếu không muốn nói là mang ơn một số nhân vật dính líu tới chế độ này. Mẹ tôi quen với thân mẫu của Bác Sĩ Trần Văn Thọ, tức là nhạc mẫu của ông Ngô Trọng Hiếu, nguyên Đại Sứ Việt Nam ở Cam Bốt và Bộ Trưởng Bộ Công Dân Vụ sau này. Chính ông Thọ đã đề nghị với me tôi để trợ cấp cho tôi học hết năm đệ nhất. Ông còn nhờ ông Hồ Văn Kỳ Trân xin cho tôi vào học năm cuối ở trường Petrus Ký. Những người này là cột trụ của chế độ. Tôi có một người anh rễ lấy người chị họ của tôi đó là anh Lê Kim Đỉnh. Năm 1960 anh đã là Đại Úy trong Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ. Trong thời gian ở tạm nhà anh trước khi tìm chỗ trọ, anh hay nhắc tới “Cụ” với lời lẽ kính mến. Nào là sáng “Cụ” ăn cháo trắng, nào cụ ân cần cho mấy người lính gia nhân một ít tiền khi thấy mấy anh lính lấy đá liệng xoài trong dinh. Khi anh tôi xin đổi ra đơn vị tác chiến và tử trận, chị tôi nói “Cụ” có vẻ buồn và nói “Tội thằng Đỉnh.” Anh tôi là dân Huế nên cho dù chỉ là cấp bực nhỏ, nhưng “Cụ” còn nhớ và nhắc tới. Năm Đệ Nhất tôi học với một thầy dạy môn Lý Hoá. Vì học giỏi nên được thầy thương và tôi cũng quý mến thầy. Cho đến 40 năm sau thầy trò đã thành bạn tri kỷ vong niên. Thầy là cháu rễ của “Cụ”!

Tôi không có gì để oán hận với chế độ mà hầu hết các anh em trong đoàn Sinh Viên Phật Tử là những nhân vật elite trong tương lai của chế độ. Trong đoàn sinh viên Phật Tử có hàng tá Bác sĩ, Dược Sĩ, Giáo Sư Đại Học, Luật Gia, Hành Chánh, Kỹ Sư, tức là giai cấp ăn trên ngồi trước trong tương lai. Có nhiều người có gia đình di cư nên trên lý thuyếtthành phần chủ lực ủng hộ chế độ. Có một anh là con của một chủ hãng sơn lớn, nghĩa là thuộc thành phần đại tư bản. Có nhiều người đẹp sau này sẽ là mệnh phụ phu nhân như hai chị MD và MH, đẹp như tranh vẽ, có anh làm ở Tòa Đại Sứ nước ngoài. Chúng tôi là những thành phần rường cột của chế độ, và nếu không có vụ thảm sát đài phát thanh Huế! Và “vụ Phật Giáo” bùng nổ chỉ vì lệnh cấm treo cờ ngũ sắc, tượng trưng cho hoà bình an lạc. 

sangmaichimhotTôi nhút nhát, không phải là típ hành động. Chỉ mê làm văn, làm báo, ham đọc triết lý, mê gái và làm thơ tình! Đúng như hình ảnh của Sơn Nam mô tả là một thứ … cà nhõng. Nhưng cái này có là cái kia có. Chuyện này dẫn tới chuyện sau. Từ 63 dẫn đến 64, 65, rồi 66. Thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi. River of No Return. Nhóm sinh viên hiền lành học giáo lý và làm công tác xã hội mỗi sáng chủ nhật đã dần dần biến thành một đoàn quân vô úy, vô cầu, từ tranh đấu bảo vệ quyền tự do tôn giáo, đến tranh đấu cho công bằng xã hội, rồi đến mục tiêu tối hậu là hoà bình và tự chủ cho đất nước. Giả sử không có vụ cấm treo cờ Phật Giáo, chúng tôi đã trở thành một thứ “one-dimentional” như Herbert Marcuse đã nói, sẵn sàng bảo vệ chế độ, bởi vì phá huỷ chế độ cũng là phá hủy vị thế ăn trên ngồi trước của thành phần elite như chúng tôi.

Tác phẩm Engaged Buddhism: The Buddhist Movement of 1963-66 là một chuyện bất đắc dĩ. Khi anh Hoàng Nguyên Nhuận từ Songkhla qua Úc vào năm 1982, lúc đó tôi làm ăn khấm khá, nên nổi hứng, mua một máy sắp chữ Việt Varityper - lúc đó chưa có software tiếng Việt như hiện nay - để Anh Nhuận viết lại những gì mà anh biết về phong trào. Anh không viết ra thì bao nhiêu chuyện sẽ bị chôn vùi và Phật Giáo vẫn còn bị các nhóm chống cộng Taliban chỉ tay đổ lỗi. Nhưng anh Nhuận lúc đó ham vui, nên hứa quảng hứa tiều, không chịu viết. Khi chúng tôi ra tạp chí Chuyển Luân, dĩ nhiên làm nhiều cờ động và phướng động. Tuy nhiên đáng buồn là có nhiều Phật Tử cho đến bây giờ tâm vẫn động. Chúng tôi nhận được thư của một trong những người trụ cột của Hội Cư Sĩ hải ngoại, chất vấn về sự khôn ngoan của “Giáo Hội và Quý Thầy” khi đem cả lực lượng Phật Giáo ra đối đầu với sức mạnh vô song của guồng máy chiến tranh của Mỹ. Nghĩa là người đại diện cư sĩ hải ngoại lập luận như những “cha nhà thờ” thù nghịch với Phật Giáo là, chính cuộc tranh đấu 63-66 là một trong những nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của chế độ Miền Nam. Dĩ nhiên những cư sĩ loại này lúc nào cũng không quên nhắc tới Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất “chính thống” hai ba ngàn năm! Anh Nhuận vừa ham chơi vừa phải lo làm ông ác, nên một cựu sinh viên tranh đấu “cà nhõng” như tôi phải bỏ bê gia đình vài năm để hoàn thành tác phẫm này, nhắc nhở cho quý vị cư sĩ trên biết các truyền thống của Giáo Hội và quý Thầy: tranh đấu cho hòa bình và an lạc của chúng sinh, và chúng sinh gần gũi nhứt là người Việt Nam. Nhiều người trách là tại sao tác phẩm không viết tiếng Việt. Quý vị lớn tuổi có thể đọc tiếng Anh nhiều hay ít, nhưng thế hệ con tôi không đọc tiếng Việt thông suốt. Tôi muốn thế hệ con tôi biết những người thuộc thế hệ tranh đấu 63-66 đã làm gì.

Và từ một sinh viên tranh đấu “cà nhõng” tôi phải đóng vai sử gia thứ thiệt! Xin cám ơn anh Nhuận đã cho tôi cơ duyên thành một “sử gia”.

Sáng Mai Chim Hót (Thơ Cao Quảng Văn)

Năm nay là năm kỷ niệm 40 năm ngày phát động phong trào Phật Giáo tranh đấu 1963. Nghĩa là ngay cả những người trẻ nhứt như tôi lúc bấy giờ cũng đã xấp sỉ tới... lục tuần. Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi thấy cần phải phát động phong trào 40 năm, vì nếu chờ đến 50 năm, một số người tham gia phong trào hoặc là…tùng tâm sở dục bất du cũ hoặc đã giải nghiệp. Nếu bác Mậu không viết Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, trước khi Bác qua đời thì uổng biết bao! Nếu cụ Mẫu không viết Sáu tháng Pháp Nạn như một chứng nhân, những người tự xem mình là “cha nhà thờ” thà mất nước không thà mất Chúa còn tiếp tục lấy ngọn tay…chỉ Phật Giáo, cho những người tham dự các phòng trào này là “đồ gây rối”, “cánh tay nối dài”, “đâm sau lưng chiến sĩ” hay cả một lô các lời mắng chửi thô tục khác. Cám ơn Bác Mậu và bác Mẫu! Khi phòng trào chạy tội lên mức cao điểm, qua tác phẩm của “chó lộn giống” Trần Trung Quân, nhiều Phật Tử cũng đâm ra nghi ngờ. Phải chi Phật Giáo đừng tranh đấu mình đã thắng Miền Bắc từ khuya rồi. Có nhiều Phật Tử “thuần thành” hỏi thẳng: “ Thầy Trí Quang có phải là Cộng Sản không?” Nhiều anh em ngày xưa tham dự Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội qua Úc tỏ ra chống Cộng tới khuya, trong khi các “cha nhà thờ” chỉ chống cộng tới chiều! Cám ơn Bác Mậu, Bác Mẫu, Bác Kha. Cám ơn anh Quang, anh Charlie Nguyễn, anh Ngọc, anh Nhuận và anh Hồng Quang. Quí Bác và quí Anh như những Triệu Tử Long, đơn đao phó hội, Đương Dương Trường Bản. Tác phẩm của quý vị như sư tử hống, như tiếng thét Lâm Tế, là hèo gậy đánh những người lúc nào cũng tự xưng là Phật Tử thuần thành, là trưởng tử Như Lai, nhưng thờ ơ với những ước mơ của Giáo Hội từ thời chấn hưng, từ thời Giáo Hội phải đối đầu với cuồng vọng cải đạo của một Giáo Hộithế lựcgiàu có nhất, cái mơ ước để đồng bào mình được an lạc, hoà bình khiến cho Phãt Giáo phải đối đầu với guồng máy chiến tranh, một tổ hợp kỹ nghệ và quân sự hùng mạnh nhất.

Tôi không có được tiếng hét sư tử hống của quý Bác quý Anh, tôi đành ngồi xuống nghiên cứu “tờ a tờ b”, nghe kể chuyện của những ngày hùng tráng của một đạo quân trẻ tuổi vô cầu, vô úy, thung dung tựu nghĩa như truyền thống Nho gia. Chưa có một giai đoạn nào trong lịch sử, ngay cả trong đám tang của cụ Phan Chu Trinh và Trần Văn Ơn, thanh niên có mặt đông đảo như vậy và theo tôi, đây là một thành tựu lón lao nhất của Phong Trào Tranh Đấu Phật Giáo vào các năm 1963 và 66. Phật Giáo không còn là một thứ tôn giáo “tĩnh” của quý Thầy, quý Bác trong khuôn hội. Phật giáo không còn là một thứ tôn giáo cầu siêu cầu an để an ủi những thân nhân còn sống và những người đi hết quá trình thành trụ dị diệt của một kiếp người. Phật Giáo đã trở thành một triết lý hành động “vui nhộn” của đám đông, của những thanh niên thuộc thành phần elite lãnh đạo quốc gia. Không còn ai tin vào Phật Giáo “thuần túy” “không chính trị” của mấy thầy cúng Cổ Sơn Môn hay những sư ông sư bà sợ “cha nhà thờ” chụp mũ, sợ mất của Đàn Na Tín Thí. Còn gì vui hơn khi khám phá ra hành động là một thứ giải nghiệp. Phục vụ dân tộc trong tinh thần Đạo Pháp chớ không phải cổ võ cho ngoại nhân bỏ bom bỏ đạn trên đầu trên cổ của đồng bào mình và đồng thời lo bảo vệ mấy ngôi chùa bằng gạch bằng đá và mấy pho tượng Phật bằng gỗ sơn son thép vàng. Đội ngũ thanh niên trong phong trào tranh đấu phân biệt được đâu là mục tiêu rốt ráo và đâu chỉ là phương tiện. Như Thiền Sư Đơn Hà dạy đệ tử: Phật Gỗ, Phật Đất không phải là Phật. Chùa chiền gạch đá nguy nga chưa chắc đã là chùa. 

Bốn mươi năm kỷ niệm không phải chỉ ngồi lại nhớ chuyện cá nhân, tình cảm mặc dù những chuyện này là những duyên khởi trùng trùng trong cuộc hành trình vào Phật Giáo của đội ngũ thanh niên sinh viên tranh đấu. Nhớ lại phong trào tranh đấu là để nhớ đến ý nghĩa lớn lao mà các thanh niên tranh đấu đã tìm thấy được trong Phật Giáo: một tôn giáo phục vụ cho những ước vọng hoà bình, an lạc, một lối sống giúp con người thoát khổ và mưu cầu hạnh phúc. Và trong chiến tranh Việt Nam, còn hạnh phúcan lạc nào hơn là đất nước không còn chiến tranh, để trẻ con thảnh thơi “hát đồng dao ngoài đường." Về phương diện cá nhân, nhờ tác phẩm này tôi đã tìm thấy người em gái lưu lạc ba mươi ba năm trước. Cám ơn Trờì Phật. Cám ơn quý Thầy. Cám ơn những người đã hy sinh trong cuộc tranh đấu. Cám ơn cha mẹ, anh em, bằng hữu.

Tôi đã nghe tiếng chim hót sáng mai.

 

Quán Như 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/09/2010(Xem: 47030)
31/05/2012(Xem: 10748)
16/10/2014(Xem: 25772)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.