HIẾU –
PHƯƠNG CÁCH BÁO HIẾU THEO
NGUYÊN THỦY VÀ ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO
Đức Quang
Vu Lan là ngày tri ân, tưởng niệm, nghĩ về, truyền thông, nối kết giữa con cái và cha mẹ.[1] Nghĩa là ngày báo hiếu. Để làm được trọn vẹn ý nghĩa của ngày Vu lan, người con Phật cần biết phương pháp báo hiếu theo lời dạy của Phật trong cả hai truyền thống Nguyên thủy và Đại thừa. Nói cách khác nghĩa là nhằm nhận diện được những điểm dị và đồng của hai truyền thống, qua đó có thể hiểu rõ hơn đâu là cách báo hiếu tốt nhất.
Trong kinh tạng Nguyên thủy, bài học đầu tiên là sự kính trọng, bởi nhận thức được sự cao quý của cha mẹ. Sự kính trọng là bước đầu giúp người con nhận thức được vị trí cao quý của cha mẹ, là tính chất cơ bản giúp người con luôn trong tâm thế yêu và kính để học hỏi và cung dưỡng. Vì vậy, đức Phật khẳng định vị trí cao quý của cha mẹ, rằng: “cha mẹ là Thượng đế” (Phạm Thiên).[2] Hẳn vì, khái niệm Thượng đế là cao nhất đối với xã hội-tôn giáo của Ấn Độ đương thời, và cha mẹ được đặt ngang hàng với đấng sáng tạo. Nghĩa là đức Phật mong muốn con cái phải biết kính trọng và phụng dưỡng cha mẹ như đối với chính thần linh vậy.[3] Đây là cuộc cách mạng trong việc tâm linh hóa, giá trị hóa địa vị cao quý của hai đấng sinh thành từ công hạnh, sự hy sinh và sinh dưỡng của cha mẹ- sữa mẹ nuôi dưỡng ta trong nhiều đời kiếp còn nhiều hơn nước bốn biển[4]. Do đó, là người con hiếu hạnh, trước và trên hết là phải biết tôn trọng, yêu thương, quý kính cha và mẹ.
Thứ đến, là người con hiếu nên tự ý thức được trách nhiệm cùng bổn phận của mình đối với cha mẹ, gia tài, truyền thống gia đình, và tổ tiên tâm linh. Phật dạy, “tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời”[5]. Đây là năm trách nhiệm và nghĩa vụ của một người con nên tạc dạ khắc ghi và thực hiện. Nghĩa là người hiếu hạnh phải làm được ba việc: bảo vệ được đời sống gia đình hiện tại ấm êm-hạnh phúc bằng phụng dưỡng cha mẹ hiện tiền; giữ gìn được sản nghiệp, và (3) lưu giữ được truyền thống văn hóa tâm linh đậm bản sắc của gia đình/giòng tộc cho các thế hệ tương lai.
Dưới đây là những cách thức đức Phật thực hiện để cung dưỡng cha mẹ. Tư liệu cung cấp những hình ảnh sống động về cách báo hiếu của các tiền thân Phật, “ngài làm việc kiếm tiền nuôi cha mẹ, đến thời cha ngài qua đời, ngài phụng dưỡng mẹ mình.”[6] Và “với tài sản thu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thu hoạch đúng pháp, tự làm mình an lạc, hoan hỷ, chơn chánh đem lại an lạc, giúp cha mẹ được an lạc hoan hỷ”[7]. Do đó, cụ thể hóa sự tri ân và báo ân bằng việc phụng dưỡng vật chất và đem lại niềm vui tinh thần.
Hơn nữa, việc báo ơn cha mẹ không chỉ dừng ở việc phụng dưỡng thể xác, mà hướng tới giảng dạy chánh pháp. Bởi vì, “Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ-kheo, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến 100 tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha”[8]. Như thế, người con hiếu phải biết hướng dẫn xây dựng lòng tin cha mẹ quay về nương tựa ba ngôi Tam Bảo, thực hiện cuộc sống hiền thiện đạo đức là bỏ ác làm lành, gây dựng cho cha mẹ có tinh thần nhân đạo, sống với chánh tri kiến từ bỏ tà ngụy. Phật dạy, “cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này. Nhưng này các Tỳ-kheo, ai đối với mẹ cha không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ.”[9] Ở lời dạy này, đức Phật đã nhấn mạnh đến ý nghĩa cao quý của việc hướng dẫn cha mẹ đến con đường hoàn toàn giải thoát.
Vậy nên, người con hiếu hạnh theo truyền thống Nguyên thủy có bốn việc cần nằm lòng để thực hiện. Một là sự tôn trọng và quý kính cha mẹ. Hai là sự tự ý thức trách nhiệm với ba vấn đề lớn gồm: phụng dưỡng cha mẹ để nuôi lớn hạnh phúc, gìn giữ sản nghiệp, và bảo vệ gia phong-văn hóa tâm linh gia tộc. Ba là đem lại niềm vui bằng việc cung dưỡng cả đời sống vật chất cũng như thức ăn tinh thần. Cuối cùng là hướng dẫn tu tập Phật pháp để tự mình có thể gỡ bỏ được mọi đau khổ là vậy.
Trong Đại thừa Phật giáo, vấn đề báo hiếu được chú trọng và trình bày ở hai bản kinh rất phổ biến là Đại Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh[10] (Kinh Địa Tạng) và Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh[11]. Đầu tiên, Kinh Địa Tạng, bản kinh được Phật thuyết giảng trên cung trời Đao Lợi, cho thánh mẫu Maya- nhấn mạnh yếu tố hiếu đạo của Phật, với phương pháp độ mẹ bằng chánh pháp.[12] Lại nữa, trong bản kinh cũng đề cập đến câu chuyện báo hiếu của ngài Quang Mục, một tiền thân của Địa Tạng Bồ Tát.[13] Nội dung toàn bộ câu chuyện thuyết về bốn phương thức báo hiếu của Quang Mục và theo lời dạy của La Hán, thời đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục, như sau: Quang Mục vì mẹ đã khuất mà cúng dường, làm phước[14] ;La Hán chỉ dạy phương pháp niệm danh hiệu Phật, cùng xây đắp Phật tượng[15] ;thành tâm, cung kính, cúng dường, đảnh lễ Phật tượng[16] và với tâm bi mẫn, pháp nguyện rộng lớn.[17] Như thế, việc báo hiếu theo Đại thừa đối với cha mẹ đã khuất, nhấn mạnh ở sự trợ lực của chư Phật Bồ Tát Thánh Tăng, cùng với sự nội tu giới định tuệ của người con nhằm trợ giúp cho hương linh phụ mẫu quá cố được về cõi an lành.
Thứ đến, Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh, diễn tả phương pháp báo hiếu của tôn giả Mục Kiền Liên (Mahāmaudgalyāyana): nương nơi uy thần của mười phương Tăng,[18] và cúng dường tứ sự nhân ngày tự tứ, nương sức thành tâm chú nguyện của chư Tăng mà mẹ cha hiền tiền được sống thọ cũng như cha mẹ trong bảy đời quá khứ được an vui chốn thiện lành[19]; duy trì, giữ gìn và thực hành pháp Vu lan.[20] Đây là diễn trình cụ thể của việc báo hiếu theo nghi thức của Phật giáo Đại thừa.
Ngoài ra còn có thêm hai bài kinh Phật Thuyết Phụ Mẫu Ân Nan Báo[21] và Phật Thuyết Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh.[22] Kinh Phật Thuyết Phụ Mẫu Ân Nan Báo chủ yếu nhấn mạnh việc giúp cha mẹ có niềm tin, có giới, có đa văn, có bố thí, có trí tuệ; và đặc biệt là có niềm tịnh tín với Phật, Pháp, và Tăng.[23] Theo Phật Thuyết Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh, đức Phật đã khẳng định ân đức của cha mẹ là vô lượng, cần phải báo đáp bằng hai phương pháp: tạo phước chép kinh, thiết lễ Vu Lan, cúng Phật và chư Tăng[24] ; vì cha mẹ đọc tụng trì kinh Phụ Mẫu Ân Trọng Đại Thừa Ma Ha Bát Nhã Ba-la-mật Kinh để tiêu trừ nghiệp chướng, thường gặp Phật pháp, đạt được giải thoát.[25]
Với truyền thống tư tưởng Đại thừa, bốn bản kinh văn này đã không chỉ nhấn mạnh đến báo ơn cha mẹ đã khuất mà còn hướng đến cung dưỡng để phát triển các giá trị tâm linh và vật chất cho cha mẹ hiện thế. Phương pháp chính là nương nhờ và cúng dường Tam bảo, tựa nơi công đức tu hành/pháp lực của chư Tăng. Lại thêm người làm con phải có nội công tu tập, cùng tâm thành chí thiết, biết tu tập pháp niệm hồng danh Phật, đảnh lễ tượng Phật cùng phát tâm từ bi vì tha nhân mà lập hành Bồ Tát, là con đường đi đến Phật quả.
Qua đây, cả truyền thống Nguyên thủy và Đại thừa đều nhấn mạnh đến việc tri ân và báo ân cha mẹ. Hiếu hạnh là vấn đề quan trọng được đức Phật quan tâm và đề cao. Tuy nhiên, về phương cách báo hiếu, như trên ta nhận thấy có những điểm dị biệt. Với Nguyên thủy Phật giáo, báo hiếu là nhấn mạnh đến cha mẹ hiện tiền trong các phương diện như: tôn quý, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn truyền thống tâm linh và gia sản, cung cấp đầy đủ các loại thứ ăn từ vật chất đến tinh thần, hướng cha mẹ đến với Phật pháp. Trong khi đó, các nhà Đại thừa thì không chỉ nhấn mạnh đến việc báo hiếu cha mẹ hiện tiền mà còn cha mẹ đã quá vãng. Quan tâm nhiều vào vấn đề báo hiếu cho cha mẹ đã khuất với ba góc độ chính: cầu nguyện tha lực của chư Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng; tự nỗ lực tu tập gồm: bố thí tạo phước, thiết trai cúng dường, tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật; phát đại nguyện lực, phát tâm bồ đề, trưởng dưỡng từ bi tâm, để nuôi lớn hạt giống giác ngộ. Tóm lại, cả hai trường phái đều xác nhận, báo hiếu cha mẹ hiện tiền là không chỉ cung dưỡng đủ đầy vật chất mà còn hướng dẫn cha mẹ có lòng tịnh tín với Tam bảo, có đủ đầy tín, giới, đa văn, thí, tuệ giác. Nghĩa là phương pháp báo hiếu tốt nhất, không gì khác là giúp cha mẹ tin hiểu và giác ngộ Pháp Phật, cũng là con đường diệt khổ dứt hẳn luân hồi.
Delhi, tiết Vu Lan 2018.
[1] Đức Quang, Vu Lan tại https://thuvienhoasen.org/a28509/vu-lan
[2] Xem ‘Chương Ba Pháp, Phẩm Sứ Giả Của Trời,’ trong Kinh Tăng Chi Bộ, 1996, Thích Minh Châu dịch, VNCPH. Việt Nam, Hồ Chí Minh, t.1, tr.236-237: “Phạm Thiên, này các Tỳ Kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Các Đạo sư thời xưa, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Đáng được cúng dường, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì có sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ kheo, là cha mẹ đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời.” Và Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, t.1, tr.685.
[3] W. Rahula, Đức Phật đã dạy những gì, Thích nữ Trí Hải dịch, Nxb. Tôn giáo, tr.181.
[4] Kinh Tương Ưng, Sđd, t.2, tr.314.
[5] Kinh Trường Bộ (2013), Sđd, tr.628.
[6] Tham khảo “Chuyện Hiếu Tử Sutana” trong Kinh Tiểu Bộ (2002), Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, t.7, tr. 20-29.
[7] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, t.1, tr. 679
[8] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, t.1, tr.119.
[9] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, t.1, tr.119 - 120.
[10]Tên tiếng Phạn là क्षितिगर्भ बोधिसत्त्व पूर्वप्रणिधान सूत्र (Kṣitigarbha Bodhisattva Pūrvapraṇidhāna Sūtra), tiếng Trung Quốc: 地藏菩薩本願經, tiếng.Anh ‘Sutra of the Fundamental Vows of the Bodhisattva Kṣitigarbha’. Kinh được ngài Thật-xoa-nan-đà là tu sĩ người Vu Điền dịch, thời nhà Đường ở trong Taishō Tripiṭaka tập 13 số 412. 紙本 來源:大正新修大藏經刊行會編/ 東京:大藏出版株式會社. (http://tripitaka.cbeta.org/T13n0412)
[11]佛說盂蘭盆經 do thầy Trúc Pháp Hộ (226-303) người Nguyệt Chi phiên dịch từ Phạn sang Hán trong 大正藏, T16. No.0685. (http://tripitaka.cbeta.org/T16n0685_001). Kinh Vu lan bồn, Trí Quang dịch Việt, Nhà in Sen Vàng, Sài Gòn, 1971. (https://thuvienhoasen.org/p16a22001/4/kinh-vu-lan)
[12] “Không những như vậy, sự ký thác này, và kinh đại nguyện này của Địa tạng đại sĩ, được Phật thực hiện và tuyên thuyết khi ngài lên Đao lợi thuyết pháp cho mẹ, trước ngày nhập niết bàn. Như vậy, chính việc đem chúng sinh ký thác cho Địa tạng đại sĩ, và việc nói về đại nguyện của Địa tạng đại sĩ, là việc báo hiếu của Phật, đối với mẹ và đối với chúng sinh.” Xem ‘Ghi Về Địa Tạng Đại Sĩ,’ trong Kinh Địa Tạng, 1999, Trí Quang dịch, VNCPH Việt Nam, Hồ Chí Minh, tr.42.
[13] T13. No.0412. 0781a29-b01: 光目母者即 解脱菩薩是
[14] T13. No.0412. 0780c18-c19: ‘遇一女人,字曰光目,設食供養.’
[15] T13. No.0412. 0780c26-27: ‘汝可志誠念清淨蓮華目如來,兼塑畫形像.’
[16] T13. No.0412. 0780c28: ‘光目聞已,即捨所愛,尋畫佛像,而供養之。復恭敬心,悲泣瞻禮.’
[17] T13. No.0412. 0781a24-25: ‘汝大慈愍,善能為母發如是大願’
[18] T16. No.0685. 0779b08-09: ‘當須十方眾僧威神之力乃得解脫.’
[19] T16. No.0685. 0779b12-27: “十方眾僧於七月十五日僧自恣時,當為七世父母及現在父母厄難中者,具飯、百味五果、… 時佛勅十方眾僧,皆先為施主家呪願七世父母行禪定意,然後受食。初受盆時,先安在佛塔前,眾僧呪願竟,便自受食。”
[20] T16. No.0685 0779c20: “若一切佛弟子應當奉持是法”
[21] Do An Thế Cao, người An Tức, dịch vào thời Hậu Hán trong 大正藏, 佛說父母恩難報經, T.16. No.0684. (tripitaka.cbeta.org/zh-cn/T16n0684_001)
[22] Khuyết danh dịch giả, 大正藏, 父母恩重經, T85. No.2887. (tripitaka.cbeta.org/T85n2887_001)
[23] T16. No. 0684 0778c-0779a: 若父母無信,教令信,獲安隱處;無戒,與戒教授,獲安隱處;不聞,使聞教授,獲安隱處;慳貪,教令好施,勸樂教授,獲安隱處;無智慧,教令黠慧,勸樂教授,獲安隱處。如是信如來…諸法甚深…教令信聖眾…
[24]T85. No.2887 1403a10-12: 能為父母作福造經。或以七月十五日能造佛槃盂蘭盆。獻佛及僧得果無量。能報父母之恩. Và T85. No.2887 1404a17-19: 若有一切眾生。能為父母作福造經燒香請佛禮拜供養三寶。或飲食眾僧。當知是人能報父母其恩.
[25] T85. No.2887 1404a11-13:若善男子善女人。能為父母受持讀誦書寫父母恩重大乘摩訶般若波羅蜜經一句一偈。一逕耳目者所有五逆重罪悉得消滅。永盡無餘。常得見佛聞法。速得解脫.
- Từ khóa :
- Hiếu
- ,
- Phương Cách
- ,
- Báo Hiếu
- ,
- Nguyên Thủy
- ,
- Đại Thừa Phật Giáo