CHÙA TỪ ÂN HAY NGÔI “CỔ TỰ THIÊN ẤN”
Thích Trung Định
Chùa Từ Ân tọa lạc trên một vùng đất rộng khoảng 6 sào Trung Bộ (3.000 m2), nằm bên bờ Bắc sông Hương, cách ngôi quốc tự Thiên Mụ khoảng 400 mét về hướng Đông.
Vùng đất này, (theo nhà Bác học Lê Quý Đôn, trong sách Phủ Biên tạp lục) thì từ nhiều năm về trước có tên là xã Hà khê (đối diện là xã Thọ Khang bên bờ Nam Sông Hương), thuộc huyện Kim Trà. Trải qua một thời gian sau đó lại đổi là xã Xuân Hòa, tổng Kim Long, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, rồi lại đổi là làng Xuân Hòa, xã Hương Long, huyện Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên. Năm Bính Dần, 1986, lại đổi là thôn Xuân Hòa, Xã Hương Long Thành Phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện này chùa được gắn biển số nhà 108 đường Nguyễn Phúc Nguyên, Thành phố Huế.
Chính diện chùa xây về hướng Nam. Ba hướng Đông, Tây và Bắc tiếp cận chùa là vườn nhà của cư dân.
Nhờ Nằm ở độ cao gần 1 mét so với mặt đường và nhờ con đường Tỉnh lộ, đoạn từ cầu Bạch Hổ lên đến chùa Thiên Mụ được mở rộng thênh thang, chạy song song với sông Hương êm đềm chảy ngang trước mặt, đã tạo cho vị trí chùa có một không gian yên bình, thoáng đãng.
1. Cảnh trí và kiến trúc chùa
Có thể nói, đất vườn chùa tuy không được rộng rãi, nhưng nhờ nằm ở vị trí cao ráo. Một Vị trí như đã được thiên nhiên ưu đãi để xây dựng chùa, nên cảnh trí chùa Từ Ân có một sắc thái hài hòa, trong sáng, mang đậm hương vị của chốn Thiền môn.
Trước mặt chùa là một công tam quan mang dáng dấp của lối kiến trúc tam quan các phủ đệ dưới vương triều nhà Nguyễn. Cổng tam quan này được kiến tạo trong lần trùng tu chùa vào năm Mậu Thân, 1848.
Cửa vào tam quan, trước năm Mậu Thân, 1968, có hình cung cả bên ngoài lẫn bên trong, bên trên cũng cấu tạo thành vòm cung, nên trông rất mềm mại. Trong lần trùng tu chùa vào năm Mậu Thân,1968, vì điều kiện khó khăn lúc bấy giờ, nên Hòa thượng trú trì đã cho sửa chữa các cửa lại bằng hình cung như thời đầu xây dựng, nên đường nét cổ kính của công tam quan đã có hơn 150 tuổi này, rất hoàn chỉnh về mặt kiến trúc.
Theo chiều rộng cửa giữa là tầng lầu được xây lộng bên trên để thờ tượng Hộ pháp. Phía ngoài, ở trên có khắc tấm biển bằng tiếng Việt “Chùa Từ Ân”. Hai bên có câu đối:
- Hương Biến Vô Trần Địa (bên phải, ngoài nhìn vào)
- Đằng Khai Bất Dạ Thành.
Mặt trước cửa vào tam quan có câu đối (câu chính giữa)
- Từ Phiệt Quá Tiền Xuyên Bạng Đáp Tùy Nha.
- Ân Ba Cực Đại Địa Thưởng Nguyệt Lâm Phong.
- Xa Mã Vãng Hoàn Tiền Trần Phi Nhiễm Tịnh (câu hai bên)
- Sơn Hà Tú Lệ Đại Khối Tổng Văn Chương. (bên trái, ngoài nhìn vào)
Bên Trong, tầng trên cũng có câu đối giống câu ở ngoài.
Ở Dưới là bốn câu được lấy từ bài “Tứ Hoằng Thệ Nguyện”.
Câu 1. đọc từ bên phải qua
(Nội dung và bút tích các câu đối này đều được Hòa thượng trú trì Không Tâm - Trí Quảng cẩn đề trong lần trùng tu năm Mậu Thân,1968).
Cổng vào chùa, nằm về hướng Đông chính điện (Đặc biệt là cửa ở tam quan chùa luôn luôn đóng, chỉ đi lại bằng cửa phía Đông này). Sân chùa có độ cao hơn mặt đường gần 1 mét, được đúc bằng xi măng sạch sẽ, lại nằm dưới những tán lá xanh tươi của nhiêu cây cổ thụ hằng trăm năm tuổi, nên đã tạo cho cảnh trí chùa Từ Ân một không gian thông thoáng, mát mẻ.
Trước lần đại trùng tu năm Canh Thìn, 2000, chùa được kiến trúc theo mô hình chữ “Khẩu”. Chính điện chùa là một ngôi nhà rường ba gian. Cột kèo chạm trổ nhiều hoa văn theo phong cách xây dựng tiền đường, như nhiều ngôi chùa khác ở Thừa Thiên Huế.
Nằm phía trái chính điện là nhà khách, tiếp đến là một nhà “vỏ của”. Phía sau nhà hậu Tổ, là ngôi nhà mới được Hòa thượng trú trì Thích Trí Quảng cho tôn tạo lại vào năm Bính Thìn, 1979. Tiếp theo ngôi nhà này là Tăng xá và nhà trù.
Kiến trúc này đã có thay đổi và xây dựng thêm trong lần trùng tu quy mô vào năm Canh Thìn, 2000.
2. Cách thờ tự và bài trí trong chùa
Sau công cuộc đại trùng tu năm Canh Thìn, 2000, Hòa thượng trú trì vẫn tôn trí cách thờ tự theo truyền thống của Phật giáo Huế. Phần trước là chính điện thờ Phật, phần sau, ở giữa là bàn thờ chư vị trú trì viên tịch, hai bên là bàn thờ hương lịch Phật tử quá cố,
Phần trước, gian chính giữa, ở trên cao treo tấm biển “Sắc tứ Từ Ân Tự” (Tấm biển này, vào năm Canh Thìn, 2000, đã được Hòa thượng trú trí cho trùng khắc như nội dung bản cũ. Nhưng đã thay đổi hình chữ nhật bằng thủ quyển).
Án trên cao thờ ba pho tượng: Đức Phật A Di Đà (chính giữa), tả hữu là tượng Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí. Án dưới thờ tượng Bổn sư, hai bên tả hữu là tượng ngài A Nan và ngài Ca Diếp.
Gian bên trái thờ tượng ngài Địa Tạng Bồ tát (ngoài nhìn vào)
Gian bên phải thờ tượng ngài Quán Thế Âm Bồ tát.
Phần trước chính điện (bên phải) là bàn thờ tượng ngài Hộ Pháp, sau lưng là tượng ngài Hộ Pháp là nơi để Trống lớn (Đại cổ). Đối diện là nơi treo quả Đại hồng chung, đúc năm Giáp Thìn, 1844.
Phần sau nhà hậu Tổ, chính giữa, trên cao thờ Long vị ngài Tiên An Khánh Tường. Trước mặt, nhưng thấp hơn Long vị ngài Tiên An là Long vị của ngài Hải Thuận Lương Duyên (trong lồng kính). Bên trái Long vị ngài Tiên an là Chân dung Và long vị của Hòa thượng trú trì Không Tâm - Trí Quảng.
Phía sau nhà hậu Tổ là ngôi nhà được xây dựng vào năm Bính Thìn, 1976. Bên trong, trên cao có treo tấm biển sơn son thiếp vàng: “Sắc Từ Từ Ân Tự” (Tấm biển này, nguyên trước treo trong Chánh điện, nhưng trong lần đại trùng tu chùa vào năm Canh Thìn, 2000, Hòa thượng trú trì đã cho đem tôn trí tại ngôi nhà này).
Dưới tấm biển “Sắc tứ” là bàn thờ Linh Vị Chương Hoàng hậu, ngời đã truyền lệnh trùng hưng của chùa Thiên Ấn vào năm đầu niên hiệu Tự Đức, Mậu Thân,1848.
Ngoài ra còn có treo 3 câu đối, một câu khắc năm Thành Thái Thứ 9, Đinh Dậu 1897, có nội dung:
- Hoan Hỷ Viên Trung Ngữ Diễn Xa Lai Hành Phước Quả.
- Đề Hồ Trị Thượng Bát Công Thủy Mãn Tịnh Trần Duyên
( Câu này treo nơi hai trụ ở cửa giữa)
Hai câu khắc vào năm Bảo Đại thứ thứ 9, Giáp Tuất, 1934 và Bảo Đại thứ 11, Bính Tý, 1936, có nội dụng:
- Triệu Bình Chương Khai Tế Lưỡng Triều Ngoại Đỗ Thanh
Phan Nội Cư Hoàng Các.
- Hàn Thừa Tướng Công Danh Nhất Lộ Văn Vi Kim
Bối Võ Tác Can Tương.
- Hương Ngự Cộng Chiêm Thiên Trập Tái Hàn Tuyên Kỷ Tín
Tham Đáp Y Quốc Thủ.
- Hồng Lam Truyền Thắng Địa Nhất Môn Phong Cự Quả
Năng Đơn Thọ Từ Nhan.
(Hai câu này treo ở bốn trụ trước bàn thờ Linh vị bà Từ Dũ).
3. Giai đoạn hình thành
Theo ý kiến của các soạn giả viết lịch sử chùa gần đây, khi đề cập đến “Giai đoạn hình thành” ngôi chùa này, là vào khoảng niên hiệu Hồng Đức, đời vua Lê Thánh Tôn (1470-1497), trong chính sách di dân từ các vùng Sơn Nam, Kinh Bắc, Thanh Hóa, Hoan Châu ở Bắc Hà vào khai hoang, lập ấp tại xứ Thuận Hóa, thì cũng từ đó, những ngôi chùa làng được hình thành.
Điều này, dù không có sử liệu nào minh chứng, nhưng cũng có phần thuyết phục. Bởi lẽ, khi cư dân đã có cuộc sống tương đối ổn định trên vùng đất mới, thì chắc chắn cũng là lúc họ nghĩ ngay đến việc lập chùa để làm nơi nương tựa tinh thần và thể hiện niềm tín ngưỡng tâm linh là truyền thống vô cùng tốt đẹp mà dân tộc Việt Nam từ đời này sang đời khác vẫn luôn tiếp nối một cách trân trọng cho đến ngày nay.
Vùng đất này, thời bấy giờ đã được gọi là xã Hà Khê, thuộc huyện Kim Trà, thì ngôi chùa này hình thành với tên gọi “Chùa làng Hà Khê”, cũng rất phù hợp với giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ. Đến thời kỳ địa danh này thay đổi thành xã Xuân Hòa, tổng Kim Long, huyện Hương Trà, thì trên chùa làng Hà Khê lại thay đổi thành “Chùa làng Xuân Hòa”, cũng là điều mà lịch sử hình thành ngôi chùa này không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, cái tên “Thiên Ấn tự” vẫn chưa tìm thấy xuất hiện vào thời điểm nào, sau tên “Chùa làng Hà Khê” và “chùa làng Xuân Hòa” như đã nói ở trên.
Gần đây, có soạn giả đã đề cập đến thời điểm xuất hiện tên “Thiên Ấn Tự”, nhưng cũng chỉ là sự suy đoán, nên vẫn không xác định cụ thế được thời điểm ra đời của tên “Thiên Ấn tự”.
(Sự suy đoán này, đã dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc như có soạn giả đã quả quyết rằng: “Tên Thiên Ấn tự có từ năm 1848 đếm năm 1897”. Trong khi đó sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã chép rõ: “Thiên Ấn tự, tại xuân Hòa xã bất tri hà đại sở kiến. Tự Đức Sơ, phụng ngã Chương Hoàng Hậu quyên tỉ trùng tu”. Như thế thì phải hiểu là trước năm Mậu thân, 1848, ngôi chùa này đã được gọi là Thiên Ấn tự chứ không thể là tên Thiên Ấn tự có từ năm 1848 đến năm 1897. Hơn nữa chính sử đã cho biết: vào năm Nhâm Tuất, 1862, vì kiêng húy chữ “Thiên” là trời, nên vua Tự Đức đã cho đổi tên những chùa có chữ “Thiên”, như là chùa Thiên Mụ thành chùa Linh Mụ, chùa Thiên Ấn thành chùa Từ Ân.
Ngoài ra, có soạn giả lại cho rằng: “Vào năm Thành Thái thứ 9 (1897), tên chùa (Thiên Ấn ) được đổi thành Từ Ân tự, đồng thời được sắp vào chùa công”.
Chùa Thiên Ấn cũng là chùa làng, nên cũng không thoát ra ngoài thông lệ này. Nhất là trong suốt thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi đến cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn với nhà Tây Sơn, kéo dài ròng rã hơn mấy thế kỷ. Đất nước lâm vào cảnh chiến tranh loạn lạc, dân chúng phiêu dạt tha phương, những ngôi chùa làng không có người chăm nom, gìn giữ nên phải tiêu điều, hoang phế.
Do đó, mà sau khi tình hình đất nước ổn định, thì ngôi “Thiên Ấn tự”, nhân trong giấc mộng, Chương hoàng hậu thấy “thần nhân” báo cho biết là trên vùng đất (chùa Từ Ân hiện nay) có ngôi “cổ tự” bị hoang phế, từ đó, bà truyền lệnh khai hoang cựu tích này, rồi cho lệnh trùng tu.
4. Giai đoạn từ năm 1848 đến năm 1918 (70 năm)
- Công cuộc trùng tu lần thứ nhất.
Công cuộc trùng tu chùa Từ Ân lần thứ nhất vào năm Mậu Thân, 1848, do Chương Hoàng Hậu tức Mẫu hậu của vua Tự Đức ra lệnh phổ khuyến trùng tu. Chính sử không ghi chép nguyên nhân khiến chương Hoàng hậu ra lệnh trùng tu chùa Thiên Ấn, Nhưng theo lời bà kể lại cho quần thần, thì nhân bà nằm mộng thấy có vị “thần nhân” báo cho biết là: “Trên vùng đất chùa Từ Ân tọa lạc hiện nay, có dấu tích một ngôi “cổ tự” bị hoang phế chỉ còn trơ lại cái nền chùa đổ nát, pháp tượng, pháp khí đang bị dầm mưa dãi nắng.”
Từ đó, bà truyền lệnh cho khai hoang cựu tích này, trong lúc khai hoang, lính tráng lại tìm thấy một chiếc y của của chư Tăng còn nguyên màu vàng. Bà liền xuống lệnh cho trùng hưng ngôi cổ tự đã bị hoang phế này.
Có thế nỏi, đây là lần trùng tu thứ nhất đã được chính sử ghi nhận. Lần trung tu này, do Chương Hoàng hậu ngoại hộ và Đại sư Tiên an Khánh Tường, đang trú trì Linh Hựu Quán, được mời lên đảm đương công việc, sau khi công việc trùng tu hoàn tất, lại mời ngài làm trú trì. Sự kiện này, trong Long vị của ngài hiện phụng thờ tại nhà hậu Tổ chùa từ Ân, nội dung khắc rõ : “Từ lâm Tế, tam thập thất đại, Linh Hựu trú trì, trùng hưng Thiên Ấn tự, húy Tiên An tự Khánh Tường đại sư giác linh nghê tọa”.
Năm Đinh Dậu, 1897, niên hiệu Thành Thái thứ 9, vua ban biển vàng “Sắc tứ” cho chùa Từ Ân. Biển có 5 chữ: “SẮC TỨ TỪ ẤN TỰ “ Lạc khoản đề: “Thành Thái cửu niên”. Như thế là kể từ năm Đinh Dậu, 1897 trở về sau, chùa có tên là “Sắc tứ Từ Ân tự”. Ngày nay thường gọi tắt là CHÙA TỪ ÂN.
Cũng trong năm nầy, để tưởng nhớ công đức lớn lao của Chương Hoàng Hậu, một bậc mẫu nghi của tiền triều, người ta đã có công trùng hưng chùa Thiên Ấn, nên cả hai triều vua Thành Thái (1889-1907) Và Duy Tân ( 1907-1916) đều có “Sắc chỉ” liệt chùa Từ ân vào danh sách một trong bảy quan tự ở kinh đô Huế.
Trong khoảng thời gian 70 năm - từ năm 1849 đến năm 1918 – đã có bốn ngài kế tục trú trì. (Ngài Tiên An Khánh Tường, ngài Thanh Tịnh Tâm Thể, ngài Thanh Nhàn Tâm Quảng, ngài Thanh Nguyên Tiên Giang) nên chùa không bị gián đoạn chức vị trú trì năm nào.
5. Giai đoạn “Chư sơn” quản nhiệm (1918 – 1955) (37 năm)
Sau khi được vua Khải Định châu phê, Bộ lễ đã chuyển giao bản tấu sớ này cho “Chư sơn”, sau đó được sơn môn Thừa Thiên Huế lưu giữ, đến năm Tân Mão, 1951, lại giao cho Văn phòng Giáo Hội Tăng Già Trung Việt, tại chùa Linh Quang, Huế. Nhưng hiện nay, có lẽ vì những xáo trộn trong cuộc tranh đấu của Phật giáo với chính quyền Ngô Đình Diệm năm Quý Mão, 1963, đến biến cố quân sự đầu năm Mậu Thân, 1968, nên tờ tấu sớ này đã bị thất lạc.
Nhưng hiện còn một tư liệu có giá trị lịch sử đang được chư tôn đức chùa Từ Ân phụng giữ, đó là tờ Biên bản của Giáo Hội Tăng Già Trung Việt, được lập nên để kiểm kê tài sản của chùa vào ngày 14.03.1954 (Ngày 10 tháng 2 năm Giáp Ngọ). Trong biên bản này có có nhắc câu: “Niên hiệu Khải Định năm thứ 3, Bộ Lễ giao chùa Từ Ân cho Sơn môn quản nhiệm để phụng thờ.”
Như thế là từ sau khi “Chư sơn” tiếp nhận để quản nhiệm vào năm Mậu Ngọ, 1918, thì chùa Từ Ân không còn nằm trong hệ thống các Quân tự ở kinh đô nữa. Nhưng đặc biệt số “tự điền” trước đây triều đình cấp cho chùa, khoảng 4 mẫu Trung Bộ (2 hécta) tại thôn Triều Thủy, tổng Quảng Xuyên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên thì nhà chùa vẫn được giữ phần canh tác để thu hoa lợi nuôi Tăng chúng.
Đến sau ngày 30.4.1975, chính quyền và Hợp tác xã Nông nghiệp huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trưng dụng tất cả số tự điền này. Hiện tại chùa Từ Ân không còn khoảng ruộng đất nào, nhưng vẫn còn lưu giữ 28 tờ trích lục do sở Địa chính tỉnh Thừa Thiên cấp vào năm Ất Hợi,1935.
Sau khi tiếp nhận chùa, Sơn môn Tăng Giả Thừa Thiên đã cử Tỳ kheo Trừng Tâm - Phước Quả (thế danh của ngài là Dương Văn Bình) về trú trì. Ngài tu theo hạnh Đầu đà rất tinh tấn, mỗi ngày chỉ ăn một bữa. y áo cũng rất giản dị. Đến ngày 29.12 năm Bính Thân, (ngày 29.01.1957, năm Bính Thân kéo dài đến hết ngày 30.01.1957) thì ngài tịch tại chùa Từ Ân.
Ở đây, có một điều cần nêu lên để được rõ hơn là trước khi ngài Trừng Tâm Phước Quả viên tịch, thì Giáo hội Tăng già Thừa Thiên đã cử Tỳ kheo Thích Hoằng Thơ, đệ tử ngài Thanh Đức Tâm Khoan, (1934-1937) trú trì chùa Kim Tiên, về trú trì.
(Có lẽ, trong khoảng thời gian này, ngài Phước Quả vì tuổi già, hoặc lâm bệnh nên Giáo Hội mới cử ngài Hoằng Thơ về thay). Ngài Hoằng Thơ trú trì chùa Từ Ân không rõ được mấy năm thì ngài lâm bệnh, nên xin nghỉ.
Như thế là trong suốt thời gian 37 năm - từ năm 1918 đến năm 1955 - chùa Từ Ân đã có hai ngài kế tục trú trì (ngài Trừng Tâm - Phước Quả và ngài Thích Hoằng Thơ) nên chùa không bị gián đoạn chứ vị trú trì năm nào.
6. Giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1992 (37 năm)
-Công cuộc trùng tu lần thứ hai.
Sau Khi ngài Thích Hoằng Thơ lâm bệnh, nên xin nghỉ chức vụ trú trì, Tổng Trị sự Giáo hội Tăng già Trung Việt, đã đề xuất ý kiến với Hòa thượng Chơn Đạo Chánh Thống, trú trì chùa Quy Thiện, Huế, xin cử vị trưởng tử của ngài là Hòa thượng Không Tâm Trí Quảng về kế tục trú trì chùa Từ Ân. “Giấy công cử” đã được Hòa thượng Thích Mật Nguyện, Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Trung Việt ấn ký ngày 27.2.1955 ( ngày 6 tháng 2 năm Ất Mùi).
Hòa thượng Không Tâm Trí Quảng là đệ tử của Hòa thượng Chơn Đạo Chánh Thống - một bậc danh tăng, đa văn, bác học, là vị Giáo thọ tài năng ở các Phật học đường: Từ Quang, Huế, Phật học đường Quán Sứ, Hà Nội, Phật học đường Thập Tháp, Bình Định. Ngài không chỉ là bậc Cao tăng tinh thông Tam tạng giáo điển, là vị Thiền sư “văn hay chữ tôt”, mà còn là một nhà văn hóa Phật giáo lừng danh của Sơn Môn Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ. Thơ văn và bút tích của ngài còn lưu lại trong tập “Thủy nguyệt tùng sao” đã thể hiện tài văn chương và đạo phong vô cùng khoáng đạt của ngài
Sau khi được Bổn sư chấp nhận, Hòa thường Trí Quảng rất siêng năng, cần mẫn chấp tác việc chùa, lại chăm chỉ học tập Kinh luật, nên được Bổn sư thế độ cho thọ Sa-si giới, đặt pháp danh là Không Tâm, pháp tự là Trí Quảng, thể nhập đời 41 dòng Thiền Lâm Tế, đời thứ 21 dòng Thiền Vạn Phong Thời Ủy.
Năm 20 tuổi (Ất Hợi, 1935) Hòa thượng đăng đàn thọ Tỳ kheo Bồ tát giới tại giới đàn Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang, Quảng Trị. Đại giới đàn này, ngài Ngộ Tánh Phước Huệ (1875-1963), Tổ khai sơn chùa Hải Đức, Huế, làm Đàn đầu Hòa thượng. Hòa thượng đắc Thủ Sa-di trong giới đàn này, được Bổn sư ban pháp hiệu là Bích Đàm.
Sau khi đắc giới, Hòa thượng xin theo học tại Phật học viện Tây Thiên. Hòa thượng theo học lớp này, cũng là lớp Trung học đầu tiên trong một Phật học viện nổi tiếng là một trung tâm đào tạo Tăng tài nghiêm túc và có chất lượng học tập tốt nhất của Phật Giáo Việt Nam lúc bấy giờ.
Năm Ất Dậu,1945 sau cách mạng Tháng tám, Hội Việt Nam Phật học bổ nhiệm Hòa thượng về làm Chánh Hội Phật học tỉnh Quảng Trị.
Năm Đinh Hợi, 1947, được sự hướng dẫn của Hòa thượng Trừng Nguyên Đôn Hậu, Chánh hội trưởng Hội Việt Nam Phật học, Hòa thượng vào đảm nhận chức vụ Phó Hội trưởng và trú trì chùa Tỉnh Hội Quảng Nam, Đà Nẵng.
Năm Tân Mão, 1951, Giáo hội Tăng già Thừa Thiên, mời Hòa thượng làm Giáo thọ tại Phật học đường Báo Quốc, Huế.
Ngày 27.02.1955 (mồng 6 tháng 2 năm Ất Mùi), Giáo hội Tăng già Trung Việt, ký quyết định “công cử” Hòa thượng về trú trì chùa Từ Ân, thay ngài Thích Hoằng Thơ.
Trong thời gian này Hòa thượng đang tham học với bào huynh là Hòa thượng Trừng Gia Hưng Mãn, tại chùa Kim Tiên, Huế. Không phụ lòng ủy thác của Giáo Hội, sau hai năm về trú trì, Hòa thượng đã không ngừng nỗ lực sửa chữa, tôn tạo ngôi chùa Từ Ân trở nên một Tòng lâm rộng rãi, khang trang
Năm Đinh Mùi, 1967, Giáo Hội miền Vạn Hạnh cung thỉnh Hòa thượng làm Giáo thọ cho lớp Chuyên khoa Phật học Liễu Quán tại chùa Linh Quang. Đây là lớp “Chuyên khoa Phật học” cao cấp, một lớp học mà chư tôn đức thời bấy giờ đánh giá là đã đào tạo nên nhiều vị Tăng tài cho Giáo hội.
Năm Mậu Thân, 1968, được sự ngoại hộ của Đoan Huy Hoàng Thái hậu Hòa thượng tiếp tục cho trùng tu và mở rộng chùa Từ Ân. Đây là lần trùng tu thứ hai. Và cũng là lần trùng tu khá qui mô.
Cũng trong năm 1968 này, sau khi ngài Chơn Đạo Chánh Thống Bổn sư của Hòa thượng viên tịch, Môn đồ cung thỉnh Hòa thượng kế thế trú trì chùa Quy Thiện, Huế.
Từ năm Canh Tuất, 1970 cho đến những năm về sau, Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên, cung thỉnh Hòa thượng làm Tôn chứng tại các giới đàn Báo Quốc, Từ Hiếu, Quốc Ân… Và trong suốt gần 10 năm liên tiếp, từ năm 181 đến năm 1990 Hòa thượng được cung thỉnh vào hành Giáo phẩm Hội Đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế.
Trong sự nghiệp nhiếp hóa đồ chúng, Hòa thượng cũng không ngừng chăm lo giáo dưỡng đệ tử, để có thế hệ kế thừa cho tương lai Đạo pháp. Đệ tử đắc pháp của ngài không nhiều, nhưng đều là những bậc lương đống của Phật giáo. Sự nghiệp các đệ tử của ngài, cũng đã đóng góp một phần rất lớn vào sự phát triển của Phật giáo ngày nay, nhất là trên lãnh vực đào tạo Tăng tài, văn hóa giáo dục. Như quý Hòa thượng Quán Thông, Quán Tâm (chúng tôi chưa tìm thấy pháp danh của hai ngài này), Hòa thượng Như Chánh - Quán Chơn. Như Trí - Quán Không , Như (?) Quán Việt… Ni sư Như Triệt - Quán Thành…
Đầu mùa Thu năm Nhâm Thân, pháp thể Hòa thượng khiếm an. Đến giờ Sửu ngày canh Tuất, 22 tháng 11 năm Nhâm Thân (1 giờ 45, ngày 15.12.1992), ngài an nhiên thị tịch tại chùa Từ Ân , Huế. Hòa thượng trụ thế 78 năm (theo âm lịch) với tháp hiệu “Niết Bàn tháp”.
7. Giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2012 ( 20 năm)
- Công cuộc trùng tu lần thứ 3.
Sau khi Hòa thượng Không Tâm Trí Quảng viên tịch, Môn đồ suy sử vị trưởng tử của ngài là Hòa thượng Như Chánh - Quán Chơn kế tục trú trì. Suốt thời gian 20 năm đảm nhận chức vụ trú trì, Hòa thượng Quán Chơn không chỉ chăm lo nuôi dưỡng Đồ chúng, để có người kế thừa mạng mạch Chánh pháp, mà Hòa thượng cũng không ngừng nỗ lực trùng tu, tôn tạo chùa ngày một thêm khang trang.
Năm Canh Thìn, 2000, với sự ngoại hộ đắc lực của nam nữ Phật tử xa gần, đặc biệt là gia đình Phật tử Phạm Đăng Cảnh, cháu Đức Từ, ở Thừa Thiên Huế, Hòa thượng cho đại trùng tu chùa Từ Ân. Đây là công cuộc trùng tu lần thứ ba, lần trùng tu này có dự án qui mô. Chánh điện được mở rộng và nâng cao, nhưng vẫn giữ phong cách kiến trúc ban đầu, là không xây dựng tiền đường như nhiều ngôi chùa ở Thừa Thiên Huế
Nằm về phía phải Chánh điện là nhà chuông tứ giác, kiến trúc như một bi đình theo lối cổ điển Á đông (Trong nhà chuông nầy treo quả Đại hồng chung được đúc vào năm PL.2.550, Bính Tuất là năm 2006) do Phật tử Đồng Sĩ - Nguyễn Khắc Hiền, Nguyên Đồng - Trần Thị Hạnh và Nguyên Minh - Nguyễn Thị Xuân, phụng cúng). Phía sau nhà chuông là Tăng xá được xây dựng hai tầng rộng rãi, khang trang, nên càng làm cho cảnh trí chùa vừa hài hòa, đẹp đẽ, vừa ẩn mật, nghiêm trang.
Có thể nói, công cuộc trùng tu chùa vào năm Canh Thìn, 2000, Hòa thượng trú trì không chỉ làm cho ngôi “cổ tự” có dấu ấn lịch sử hằng mấy trăm năm, trở về vị trí xứng đáng trong quần thể chùa tháp ở miền đất cố đô Huế, mà Hòa thượng còn tạo điều kiện để nuôi dưỡng thế hệ Tăng tài cho tương lai Đạo pháp và cho quần chúng Phật tử có nơi tôn nghiêm để hành trình, tu tập, trong ý thức trách nhiệm lớn lao của một vị trú trì.
Thích Trung Định lược thuật
- Từ khóa :
- chùa Từ Ân
- ,
- Cổ tự Thiên Ấn