- Mục Lục & Lời Người Dịch Và Lời Người Biên Tập
- Chương I. Lịch Sử Và Hoàn Cảnh Tây Tạng
- Chương Ii. Phật Giáo Thời Tiền Truyền
- Chương Iii Phật Giáo Tây Tạng Thời Hậu Truyền
- Chương Iv Tông Khách Ba Và Tư Tưởng Phật Học
- Chương V Văn Vật Phật Giáo Tây Tạng
- Chương Vi Nét Đặc Sắc Của Phật Giáo Tây Tạng
- Chương Vii Chế Độ Và Sự Quan Hệ Giữa Chính Trị-tôn Giáo
CHƯƠNG VII
CHẾ ĐỘ
VÀ SỰ QUAN HỆ GIỮA CHÍNH TRỊ-TÔN GIÁO.
Tiết 1
Sự Khởi
Đầu Và Sự Chấm Dứt
Thể Chế
Chính-Giáo Hợp Nhất.
Các vua nhà Nguyên với Lạt Ma giáo.
Nhà Nguyên khởi nghiệp ở vùng sa mạc phía bắc Trung Hoa. Đây là triều đại cường thịnh bật nhất về vũ lực của Trung Quốc. Nhưng lại có chính sách rất mềm mỏng đối với Tây Tạng. Chính sách nầy có từ thời Thái tổ Thành Cát Tư Hãn, vì muốn biểu thị sự kính trọng đối với Lạt-ma giáo, đến thời Thế Tổ Hốt Tất Liệt, Lạt-ma giáo được người Tây Tạng truyền bá khắp các xứ Mông-Cổ. Điều này về mặt chính trị chỉ là một phuơng pháp, nhưng mặt tố chất thì Mật giáo Tây Tạng có hàm tố chất của Bổng giáo nên dễ tương thông về khí chất, do vậy nên các lãnh tụ Mông Cổ mới chọn Phật giáo làm tín ngưỡng chính của họ.
Thời sơ Nguyên, phái Tát Già của Phật giáo Tây Tạng đang thời kỳ cực thịnh. Lúc vua Nguyên Ýù Tông (Mông Kha Hản) tại vị, ông sai Hốt Tất Liệt thống suất đại quân chinh phạt phương Nam từ Cam Túc đến Xuyên Tây rồi qua sông Kim Sa đánh chiếm Đại Lý, rồi từ huyện Côn Minh của Vân Nam tiến vào Tây Tạng. Bấy giờ vị tổ thứ năm của phái Tát Già là Phát Tư Ba hãy còn rất trẻ. Mới bảy tuổi ông đã đăng đàn thuyết pháp và “tung hoành vô địch”. Do đó, khi tấn kiến Hốt Tất Liệt ông nhận được ưu lễ rất hậu, kịp đến khi Hốt Tất Liệt lên ngôi hoàng đế liền quyết định lấy Phật giáo làm quốc giáo cho Mông Cổ. Hốt Tất Liệt nghinh đón và tôn Phát Tư Ba làm quốc sư và ban cho ngọc ấn, lại lệnh cho Phát Tư Ba chế tạo tân tự cho Mông Cổ. Năm Chí Nguyên thứ sáu (1260) chính vua Nguyên Thế Tổ ban hành tân tự Mông Cổ, và lệnh cho mọi người (Mông Cổ) trong thiên hạ trực tiếp sử dụng loại tân tự nầy. Đến thời vua Thuận Đế, do nội địa bị suy thóai và sau đó phải lui về laị sa mạc phía bắc. Từ thời Thành Cát Tư Hãn đến lúc Hốt Tất Liệt lên ngôi, người Mông Cổ dùng chữ Uùy-Ngột-Nhi do Tháp Tháp Thống A chế tạo. Do đó, người Mông Cổ gọi chữ do Phát Tư Ba chế tác là “tân tự”. Loại tân tự nầy có hình dạng hơi vuông, na ná giống tự dạng của Thổ Phồn và chỉ có hơn nghìn chữ.
Do Nguyên Thế Tổ hết mực kính ngưỡng, và tôn quý Phát Tư Ba, phong ông làm Đại Bảo Pháp Vương đồng thời lấy mười ba vạn hộ của Tây Tạng để thù đáp công đức của Phát Tư Ba, coi đó như lễ vật cúng dường.Chí Nguyên năm thứ 12 (1275), Phát Tư Ba trở về lại Tây Tạng, trên đường ông đi qua các tỉnh như Thanh Hải, Tây Khương, Tiền Tạng và Hậu Tạng. Đồng thời cũng để điều tra số hộ khẩu của các địa khu nầy, đúng là tổng cộng có mười ba vạn hộ. Thực tế, thời ấy nhà Nguyên coi Tây Tạng như một quận huyện. Việc thiết lập quan chức cai trị tại Tạng thổ đều giao do Phát Tư Ba quyết định. Phát Tư Ba với tư cách là lãnh tụ tôn giáo nhưng lại kiêm luôn lãnh tụ chính trị tại Tây Tạng. Mệnh lệnh của đế sư và chiếu sắc của hoàng đế nhà Nguyên được song hành tại Tây Tạng. Đây quả đúng là thể chế chính-giáo hiệp nhất (chính trị và tôn giáo).
Cũng từ sự kiện này dẫn đến việc kiến lập vương triều Tát-Già ở Tây Tạng.Về phương diện gia phong hàm Đế sư, thì đã có từ thời vị tổ thứ tư –tức thúc phụ của Phát Tư Ba. Nhưng mãi đến đời vua Nguyên-Thuận-Đế, Chí Chính năm thứ năm (1345), thì ưu thế và địa vị của phái Tát Già mới bị phái Già Cử đoạt lấy. Trước sau phái Tát Già thống trị Tây Tạng ước có khoảng trăm năm; trong khoảng thời nầy mỗi khi có vị Đế sư viên tịch, thì người kế thừa phải là người cùng tông phái. Đồng thời vị Đế sư tuy ở kinh thành nhưng lại ra hiệu lệnh kiến tạo tịnh xá, và tự viện ở các nơi. Phải nói từ đông sang tây (từ Trung Quốc đến Tây Tạng) đâu đâu cũng có hành quán của Lạt-ma giáo. Trên từ hoàng đế, tôn thất, hậu phi, dưới đến đại thần, sĩ thứ không ai là không bái mộ, quy y đối với Phật giáo Tây Tạng. Nhân đó mà thời kỳ nầy Lạt-ma giáo lưu hành khắp cả Trung Hoa lẫn Mông Cổ.
Đệ tử của Phát Tư Ba là Thiệm Ba. Ông nầy cũng là một vị thần đồng thiên tài, mới mười tuổi mà đã tinh thông các loại pháp-đàn Mật giáo. Về sau ông đi Ấn Độ để cầu học giáo pháp, khi hồi hương ông trở thành một vị Lạt ma “Thần dị trác trứ”. Lúc đến kinh thành ông được Nguyên Thế Tổ phong làm quốc sư.
Theo sự ghi chép của Nguyên sử, thì từ đấy về sau tất cả các vị Đại Nguyên Đế Sư đều đến từ Tây-Tạng. Thứ tự có các vị sau: Đạt-Nhĩ-Mã-Ba-Lạp-Thiệt-Lý, Y Đặc-Trác-Thực-Lâm-Tẩm, Sách-Lạt-Thực-Ba-Ngạc-Nhĩ-Gia Lặc, Trác Khắc Gia Lặc Xán, Đa Nhĩ Tề Ba Lặc, Tang Tiết Trác Thiệt, Bảo Ba Lặc Tạng Bố, Ban Châu Nhĩ Tiển Tạng.
Vị hoàng đế sau cùng của nhà Nguyên là Thuận Đế, và người thọ phong Đế sư từ vị hoàng đế nầy là Già Sán Chân. Thuận Đế là ông vua hôn muội, bị mê hoặc bởi bí thuật và đắm chìm trong dâm lạc. Theo Nguyên sử thì gọi là Bình Chương Chính Sự Cáp Ma, ông nầy sai người em rễ là Ngốc Lỗ Thiếp Mộc Nhi đến nói với tăng nhân Tây Tạng là hãy đến trước vua mà thực hành thuật vận khí có tên là “Diễn Thiệt Nhi” (ba chữ nầy có nghĩa là đại hoan hỷ lạc, tức thuật nam nữ giao tiếp của pháp Vô thượng du già). Già Sán Chân nhân đạt được bí pháp nầy mà được phong Đế Sư, và được nhận tăng lữ Lạt-ma làm Tư đồ. Mỗi Tư đồ được nhận ba hoặc bốn cô gái trinh con nhà lành, và coi các cô gái này như là của “cúng dường”. Thuận Đế nhà Nguyên chìm đắm với thuật này, nên Già Sán Chân cùng các đệ tử và những sủng thần trước mặt vua mà coi như chỗ để bày trò nam nữ khoả thân, và gọi nơi nầy là “Thổ Tức Ngột Lai” (ý nói là sự vô ngại). Những tệ nạn của Phật giáo Tây Tạng cũng nhân đó mà đạt đến cực điểm.
Lại nữa, cũng theo Nguyên sử. Sở dĩ có tệ nạn trên là do có sự ưu đãi và bảo hộ của chế độ chính trị, kèm theo là sự thịnh hành của Lạt-ma giáo. Đâý là nguyên nhân dẫn đến việc các Lạt-ma tung hoành mặc sức mà không lý gì đến quốc pháp như: trộm cướp, giết người, hoặc nhận báu vật và mỹ nhân làm của hối lộ, hoặc tự ý che chở thương nhân để thu thuế v.v. Tất cả đều xuất phát từ việc phái Tát Già bị cuốn hút vào quyền lực chính trị mà ra!
Sau khi phái Tát Già bị “chìm”, thì Hồng giáo liền có phái Già-Cử tại Tây Tạng lại nổi lên kiến lập “Xá Tháp Vương Triều” Hiện nay vẫn còn Hồng giáo Lạt-ma tại các địa khu như: Tây Khương, Bất Đan, Tích Kim, Ni Bạc Nhĩ và Lạp Đạt Khắc. Phái Già-Cử là một chi phái của phái Cổ-Già–Cử. Phái Cổ-Già-Cử còn có một tiểu chi phái tên là phái Cáp Tông (Lha – tsun-pa), do tiểu phái này có liên hệ với Lạt-ma Cáp–Tông (tên gốc là Kun–bzan-rnam rgyal, sinh năm 1595 hoặc 1569 ?) thuộc địa phận Cống Ba, ở về phía đông nam Lạp Tát. Lạt-ma Cáp Tông là người đứng ra lập giáo đoàn Tích Kim, đến nay chi phái nầy vẫn còn tại chùa của vị đại Lạt ma Lạp Bốc Lăng (Labrang=Blabran) ở Tích-Kim, và tại đây người ta tôn xưng ông là “Thủ hộ chủ”. Ngoài nhiệm vụ là lãnh tụ cai quản giáo đoàn trong cả nước, ông còn là vị Lạt ma có ảnh hưởng lớn đối với chính quyền. Đại đa số tăng đồ của tiểu chi phái nầy đều cưới vợ, sinh con.
Phật giáo tại Bất–Đan còn do một tiểu chi phái của phái Già Cử truyền vào từ nam bộ Tây Tạng ở thế kỷ mười bảy(17)sau công nguyên, xưng là Nam phương phái (Lho- hbrag- pa). Vị lãnh tụ giáo đoàn của phái này được tôn là “Lạt Ma Bảo Vương” hoặc “Pháp Vương”. Vị lãnh tụ đời thứ nhất có vợ, nhưng từ đó về sau tất cả các lãnh tụ giáo đoàn đều độc thân. Từ khi du nhập đến nay luôn gây được ảnh hưởng rất lớn đối với chính quyền, cho nên tự viện của phái nầy cũng là vương cung của Bất –Đan. Tiếp bước phái Già-Cử là phái Gia-Nhĩ-Mã. Ung Chính năm thứ ba (1725), đời Thanh Thế Tông, vua nước Tích Kim lễ thỉnh vị Lạt ma đời thứ chín của phái Già Nhĩ Mã đến Tích Kim trác tích. Nhưng về tự viện thì tự kiến lập. Càng về sau ảnh hưởng của phái Già-Nhĩ -Mã càng nhỏ dần ở Tích Kim, duy vào năm Sùng Trinh thứ tám (1635), đời vua Trang Liệt Đế nhà Minh, người của phái Già Nhĩ Mã nổi lên lật đổ “Xá Tháp Vương Triều” của Tạng Ba–Hản.
Lạt Ma Giáo Và Triều Minh.
Chính sách của triều Minh đối với Ô-Tư-Tạng vẫn theo phép trước đây của nhà Nguyên, do vì người dân tại bản địa Tây Tạng có thói quen tôn sùng Lạt-ma giáo. Theo “Minh sử ngoại truyện” thì: “Những năm đầu của năm Hồng-Vũ, Minh Thái Tổ đích thân trị loạn ở đất Thổ Phồn của nhà Đường xưa. Ông nhận ra rằng cách duy nhất để chế ngự dân bản địa là lợi dụng tăng nhân, bằng cách nhờ tăng nhân hóa đạo dân chúng khiến họ hướng thiện và tuân thủ quốc pháp. Lại sai viên ngoại lang hành tỉnh Thiểm Tây là Hứa Duẫn Đức cai trị Thổ Phồn; Ông nầy liền cử quan chức cũ của nhà Nguyên đến kinh sư rồi theo “cựu pháp” mà nhận chức hàm. Trong khi đó vị Đế sư nhiếp chính của Ô-Tư-Tạng là Nam Gia Ba Tạng Bốc. Trước hết ông nầy sai sứ đến kinh sư triều cống, và được vua Minh Thái Tổ tỏ vẻ rất vui, liền ban cho Thiền–y bằng lụa đỏ, cùng với mão, hài, ngân lượng”.
Thực thì, từ giữa triều Nguyên cho đến những năm cuối triều Minh. Về chính trị, Tây Tạng tuy đã thống nhất nhưng vẫn tồn tại cục diện bộ lạc phân lập. Vì thế đối với Tây Tạng, triều Minh vẫn áp dụng chính sách như trước đây của triều Nguyên chứ không biến đổi gì nhiều. Triều Nguyên lấy một vị Lạt-ma tối cao trong số các Lạt ma tôn lên làm giáo chủ, và áp dụng cách cai trị trung ương tập quyền để cai quản toàn Tạng. Triều Minh thì tuỳ vào quyền lực của tăng nhân các phái mà phân vùng để họ cai quản. Sở dĩ vậy là vì thứ nhất, phái Tát Già đang trong xu thế suy sụp. Thứ hai, phái Tát Già vốn rất thân thiết với triều Nguyên, mà nhà Nguyên nay đã lui về bắc mạc để cố thủ. Do đó, nhà Minh lại tăng thêm vị Lạt ma thứ hai để cùng Đại Lạt ma của phái Tát Già cai quản đất nước Tây Tạng. Vua Minh Thái Tổ sách phong bốn vị Lạt-ma và cho họ được có địa vị và đặc quyền ngang nhau.
Khi vua Minh Thành Tổ tức vị (1403), thì Đại Lạt- ma Nam Gia Ba Tạng Bốc đã viên tịch. Vì vậy, đối với bảy vị Đại Lạt-ma của Tây-Tạng, vua Thành Tổ nhà Minh đều phong tôn hiệu “Vương”: phong Đại Bảo Pháp Vương Tây Thiên Đại Tự Tại Phật cho vị Đại Lạt-ma của phái Gia Cử, hoặc phong Đại Thừa Pháp Vương, Đại Từ Pháp Vương v.v. cuối đời nhà Minh, Tây Tạng có tám người được phong Pháp vương, hai người được nhận Tây Thiên Phật Tử, chín người được tôn làm Quán Đảnh Đại Quốc Sư và mười tám người được phong hàm Quán Đảnh Pháp Sư. Lại chế định sau khi vị Pháp vương viên tịch, thì phong hiệu Pháp vương cho người kế vị pháp tự theo tập truyền. Mỗi vị Pháp vương hằng năm phải triều cống nhà Minh một lần.
Thời sơ Minh, nhà cải cách Tông Khách Ba của phái Tân Cam Đan vừa mới hưng khởi nên đối với chính phủ của Minh triều chưa có ảnh hưởng mấy. Do đó, ông chỉ được thọ phong là Vương trong tư cách là Đại Lạt-ma, còn lại phần đông là các Đại Lạt-ma của phái Hồng-mạo. Đến đời vua Minh Thần Tông, năm Vạn Lịch thứ tư (1576), Yêm Đáp Hản được nhà Minh phong làm Thuận Nghĩa Vương, ông nầy liền nghinh đón vị Đạt Lai đời thứ ba đến Môn cổ hoằng hóa. Sự giáo hóa của Hoàng giáo nhờ dó mà truyền thẳng vào đại sa mạc phía nam lẫn phía bắc (Nội Mông và Ngoại Mông).
Lạt Ma Giáo và Triều Thanh
Nhờ vị Đạt Lai đời thứ ba du hóa theo một trục dài theo hướng đông xuyên qua các tỉnh như: Cam, Thanh, Tuy, Ninh. Ngài cảm hóa các bộ tộc Mông Cổ ở Thanh Hải và Hà Sáo, khiến Yêm Đáp Hãn một đời dụng binh bỗng dưng từ bỏ binh nghiệp, kính tín Phật pháp, và quy y Hoàng giáo. Sau khi Nguyên Thuận Đế-Yêm Đáp Hãn lui về sa mạc phía bắc và tuyên bố Lạt-ma giáo là tín ngưỡng chính của Bắc mạc (Ngoại Mông). Một lần nữa Lạt-ma giáo lại có được cơ hội truyền vào các bộ tộc Mông Cổ ở Bắc mạc.
Nhân vì Phật giáo Tây-Tạng dưới triều Thanh có nhiều mối quan hệ với các bộ tộc Mông Cổ. Do đó, nay xin giới thiệu trạng huống phân bố của các bộ tộc chủ yếu thời bấy giờ như sau: (hình)
Theo ghi chép của“Thánh Vũ-Ký”, thì do đức Đạt Lai đời thứ nhất là Căn Đôn Châu Ba vốn là hậu duệ của Tây Tạng vương thất, do đó ông gom cả quốc vương và giáo chủ vào tay mình rồi dần dà làm cho Hoàng giáo nắm cả đại quyền chính trị và tôn giáo.Thực ra, thì thời đức Đạt Lai đời thứ nhất, các địa khu của Tây Tạng cục diện chủ yếu là do các vị Pháp vương của phái Hồng giáo phân trị. Vì thế, dù đức Đạt Lai đời thứ nhất có nắm cả quyền chính-giáo đi nữa thì củng chỉ là quyền mang tính cục bộ. Mãi đến thời đức Đạt Lai đời thứ năm, do bộ Hoà Thạt Đặc của Mông Cổ bấy lâu vẫn chăn nuôi ở Ô Lỗ Mộc Tề, bỗng cuối đời nhà Minh bộ nầy lại di chuyển nghiệp du mục của họ đến Thanh Hải, vị thủ lĩnh của bộ nầy là Cố Thỉ Hản, ông nầy dùng thế lực của mình gây sức ép lên các địa phương Khương, Tạng và sai Đệ Ba Tang Tiết cung phụng đức Đạt Lai đời thứ năm đang cư trú ở Tiền Tạng. Trong khi đó Tạng Ba Hãn được Hồng giáo của phái Già Nhĩ Mã ủng hộ thì đang cai trị ở Hậu Tạng. Nhân vì Đệ Ba Tạng Tiết hướng về Cố Thỉ Hãn mà tố cáo Tạng Ba Hãn ngược đãi bộ chúng, và cố ý huỷ diệt Hoàng giáo, và là người khinh thầy, giết bạn. Do đó, vào năm Thuận Trị thứ hai (1645), đời Thanh Thế Tổ. Cố Thỉ Hãn xuất quân tấn công tiêu diệt Tạng Ba Hản; lấy chùa Trát Thập Luân Bố ở Hậu Tạng giao về cho thầy của đức Đạt Lai đời thứ năm là Ban Thiền quản lý.
Tuy Cố Thỉ Hãn sau đó để con trai của mình là Đạt Nhan Hãn lưu lại Hậu Tạng để trông coi việc chính trị. Nhưng Đạt Nhan Hãn là người kính tín đức Đạt Lai đời thứ năm hết mực, nhân đó mà việc cai trị ở Tiền Tạng lại do vị đại thần dưới trướng của đức Đạt Lai là Đệ Ba Tang Tiết nắm giữ. Chính điều nầy mở đầu cho việc phái Hoàng giáo thống nhất Tây Tạng và cũng là đầu mối đưa đến việc Ban Thiền và Đạt Lai phân trị ở Tiền Tạng và Hậu Tạng. Đồng thời cũng khởi đầu cho việc người Mông Cổ lên làm tạng vương thống trị Tây Tạng.
Đức Đạt Lai đời thứ năm lần đầu tiên tiếp xúc với Thanh triều là vào năm Sùng Đức thứ bảy(1642), đời vua Thanh Thái Tông. Bấy giờ đức Đạt Lai sai sứ đến Thịnh kinh (Thẩm Dương ngày nay) dâng biểu và gọi vua nhà Thanh là “Mạn Thù Xá Lợi Đại Hoàng Đế”, có người nói “Mạn Thù” là chuyển âm của tiếng “Mãn Châu”. Thanh triều rất vui, liền sai sứ đáp lễ và gọi đức Đạt Lai là “Kim Cang Đại Sĩ”. Thanh Thuận Trị năm thứ chín (1652), đức Đạt Lai đời thứ năm đến Bắc Kinh chầu, và được Thanh triều phong làm” “Tây Thiên Đại Thiện Tự Tại Phật Lĩnh Thiên Hạ Thích Giáo Phổ Thông Ngạc Tề Đạt Lai Lạt Ma”. Đó là lần đầu tiên Hoàng giáo Tây Tạng hướng về chính phủ Trung Quốc để nhận địa vị Pháp vương một cách hợp pháp. Thực thì thời bấy giờ đức Đạt Lai tuy đã là lãnh tụ chính-giáo tối cao, nhưng thực tế quyền lực của Ngài chỉ nằm ở Giáo-vụ chứ không ở Chính vụ. Thực quyền chính trị vẫn do Đệ Ba Tang Tiết nắm giữ. Chính vì lý do nầy mà Đệ Ba Tang Tiết mới “hiệp thiên tử dĩ lệnh chư hầu” (mạo lệnh thiên tử sai khiến chư hầu”. Ông ta luôn nhân danh đức Đạt Lai đưa ra mệnh lệnh chính trị, nên vào năm Khang Hy thứ hai mươi mốt (1682) đời Thanh Thánh Tổ, đức Đạt Lai đời thứ năm viên tịch, nhưng Đệ Ba Tang Tiết giữ bí mật không phát tang, lại còn mượn danh đức Đạt Lai để thỉnh cầu triều đình nhà Thanh phong ông làm quốc vương Thổ Bá Đặc (tức Tây Tạng). Không chỉ có vậy, Đệ Ba Tang Tiết còn chống lại người cháu của Cố Thỉ Hãn đang nắm quyền tại Tây Tạng là Lạp Tạng Hãn.Khang Hy năm thứ ba mươi lăm (1696), nhà Thanh mới biết tin về đức Đạt Lai viên tịch. Bấy giờ Đê Ba Tang Tiết lại mật trình lên triều Thanh vị Đạt Lai đời thứ sáu, vị nầy vừa tròn mười lăm tuổi, có tên là La Bốc Tạng Nhân Thanh Trác Dương Gia Mục Thố.
Lại nói về Lạp Tạng Hãn, sau khi biết rõ âm mưu của Đệ Ba Tang Tiết, ông liền bắt và giết ngay, rồi cũng tự mình lập lên một vị Đạt Lai đời thứ sáu, có tên là Y- Tây Gia MụcThố. Việc làm nầy của Lạp Tạng Hãn đưa đến cục diện có hai vị Đạt Lai chân, ngụy. Việc Lạp Tạng Hãn sát hại Đệ Ba Tang Tiết gây nên sự bất mãn cực lớn đối với bộ tộc Chuẫn-Nhĩ-Cát ở tây Mông-Cổ. Bởi lâu nay bộ tộc này cấu kết mật thiết với Đệ Ba Tang Tiết . Do đó, năm Khang Hy năm mươi lăm (1716), Lạp Tạng Hãn bị Sách Vượng A-Lạp-Bố-Đát-người của bộ tộc Chuẩn Cát Nhĩ mưu hại. Một lần nữa, vị Đạt Lai đời thứ sáu do Lạp Tạng Hãn lập lên bị cho là ngụy. Vì vậy tộc người Tạng ở tỉnh Thanh Hải mới lập riêng một vị Đạt Lai đời thứ sáu có tên là La Bốc Cách Tang Gia Mục Thố, và được tôn làm lãnh tụ Lạt-ma giáo tại Thanh Hải. Kết quả, mọi người đồng ý là vị Đạt Lai do Đệ Ba Tang Tiết lập lên làm vị Đạt Lai đời thứ sáu, còn vị Đạt Lai được lập lên ở Thanh Hải phải đợi đến sau khi quân Thanh đánh bại bộ tộc Chuẩn-Cát-Nhĩ mới chính thức trở thành vị Đạt Lai đời thứ bảy, đó là vào năm Khang Hy thứ năm mươi chín (1720). Và lễ đăng quang được tổ chức tại Lạp Tát- có nơi lại nói đó là Đạt Lai đời thứ sáu.
Bình định xong biến loạn, nhà Thanh dùng người con trai của Lạp Tạng Hãn là Khương Tề Nãi, cho ông nầy nắm quyền cai trị ở Tiền Tạng, và cho Đài Kiết-Phã –La-Nãi nắm quyền ở Hậu Tạng. Khi Thanh Thế Tông- Ung Chính lên ngôi, ông bèn bãi bỏ nhà Tiềm-để (nơi ở của vị vua lúc chưa nhiếp chính) và dùng nhà nầy làm chùa Lạt–Ma, sau trở thanh cung Ung Hoà ở Bắc Kinh. Việc làm nầy là nhằm biểu thị lòng tôn sùng của các vua nhà Thanh đối với Phật giáo Tây Tạng. Đến năm Ung Chính thứ hai (1724), Khương Tề-Nãi gặp nạn. Trong lúc quân bình loạn của Thanh triều chưa tới được Tiền Tạng thì Phã La Nãi đã dẹp yên được được loạn. Nhờ có công dẹp loạn, Thanh triều phong Phã La Nãi làm quận vương, cho tổng lý cả Tiền Tạng lẫn Hậu Tạng. Cùng lúc Thanh triều cho lưu lại Tây Tạng hai vị chánh, phó đại thần để điều khiển hai ngàn quân Thanh được lấy từ hai tỉnh Tứ Xuyên và Thiểm Tây đang đồn trú tại Tạng thổ. Việc làm nầy của Thanh triều mở đầu chế độ Trú Tạng Đại Thần của nhà Thanh đối với Tây Tạng, và cũng từ đó Tây Tạng chính thức trở thành lãnh thổ nội thuộc Trung Quốc.
Đời vua Thanh Cao Tông, năm Càn Long mười hai (1747), Phã La Nãi từ trần, con trai là Châu Nãi Mặc Đặc lên kế vị. Ông nầy lại ngầm cấu kết với bộ tộc Chuẩn Cát Nhĩ để làm phản. Kết quả, vị Trú Tạng Đại Thần của Thanh triều là Truyền Thanh và bộ hạ của ông đều bị hạ sát dưới tay của Châu Đảng. Tiếp đó Thanh triều liền sai Tổng đốc Tứ Xuyên là Sách Lăng thống suất đại quân tiến vào Tây Tạng để thảo phạt. Sau sự biến nầy, chính sách của Thanh triều đối với Tây Tạng không còn phong các tước hiệu như: Hãn, Vương, Bối Lặc, Đài Khiết.v.v.. như trước. Cải cách của Thanh triều tại Tây Tạng là lập ra bốn Cát Bố Luân, và phân chia địa giới cho họ cai trị, nhưng tất cả dều do đức Đạt Lai tổng lý toàn cục. Đây cũng là dịp để khôi phục lại chế độ chính-giáo hiệp nhất lần nữa. Trong khi đó vị Trú Tạng Đại Thần của Thanh triều chỉ xử lý ở địa vị giám đốc.
Đây là thời kỳ đầy những náo động về việc đức Đạt Lai đời thứ sáu là chân hay ngụy.Vị lãnh tụ tinh thần tối cao của Tây Tạng bấy giờ là Ban Thiền đời thứ năm. Ban Thiền vâng mệnh nhà Thanh di trú đến Tiền Tạng. Tại đây tuy xa, nhưng Ban Thiền vẫn điều hành Chính-Giáo sự vụ ở Hậu Tạng. Năm Khang-Hy ba mươi bốn (1695), Ban Thiền nhận được chiếu của Thanh triều triệu đến Bắc Kinh. Tại Bắc Kinh, Ban Thiền được Thanh Thánh Tổ phong tước hiệu Ngạch Nhĩ Đức Ni.
Càn–Long năm bốn mươi bốn (1779), Ban Thiền đời thứ sáu đến kinh kỳ. Do trước đó vua Càn–Long đã quy y với Ban Thiền, và đích thân nhà vua cũng đã từng lãnh thọ giáo nghĩa Phật pháp từ Ban Thiền. Do đó, khi Ban Thiền đến kinh thành thì cả hoàng tộc triều Thanh, các quan đại thần cùng phi tần, thái giám ai ai cũng kính trọng Ban Thiền như kính Phật. Trên đường từ Tây Tạng đến Bắc Kinh, Ban Thiền (đời thứ sáu) nhận được rất nhiều tài vật cúng dường. Chẳng may năm sau đó vì mắc phải dịch bệnh đậu mùa, Ban Thiền đời thứ sáu viên tịch tại Bắc Kinh, tục huynh của Ngài là Thân Ba Hô Đồ Khắc Đồ phụng di cốt và toàn bộ tài vật cúng dường về lại Tây Tạng. Trong lúc chưa kịp đem số tài vật này ra phân phát, thì tục đệ của Ngài là Xá-Mã-Nhĩ-Ba một tín đồ Hồng giáo, bí mật dụ người Khuếch Nhĩ Khách (Ni Bạc Nhĩ) vào Tây Tạng cướp lấy toàn bộ của cải ở Trát Thập Luân Bố. Hay tin, Thanh triều bèn phái Phúc Khang-An làm đại thần mang quân từ Thanh Hải tiến vào Tây Tạng đánh bại quân Khuếch Nhĩ Khách. Tây Tạng lại một lần nữa được yên bình. Có điều là sau cuộc bình loạn lần nầy ở cõi ngoài, quyền lực Thanh triều trở nên lớn mạnh hơn, bằng cách nhà Thanh trao thêm quyền bính cho vị Trú Tạng Đại Thần, cho vị nầy có toàn quyền quyết định mọi việc tại Tây Tạng. Tất cả mọi quyền lực về hành chánh đều do Thanh triều nắm giữ, Đạt Lai và Ban Thiền chỉ trông coi về Tôn giáo vụ, và hoàn toàn không dính gì đến quyền lực hành chánh, dù rất nhỏ. Lại một lần nữa có sự chia cắt giữa chính trị và tôn giáo, hình thức chia cắt nầy kéo dài mãi đến những năm cuối nhà Thanh.
Chính Trị Và Tôn Giáo Tại Tây Tạng Vào Cuối Triều Thanh .
Cuối triều nhà Thanh, do vì triều đình đối xử bất xứng với Tây Tạng, trong đó có việc Triệu Nhĩ Phong âm mưu đánh phá vùng biên cảnh (tức nội địa Tây Tạng), và thi hành chính sách cải cách điền địa, gây bức hại tôn giáo, khiến đức Đạt Lai đời thứ mười ba phải lưu xuất sang Ấn Độ. Ngài tìm đến và trình bày rõ với người Anh (quốc) về nội tình Tây Tạng; đồng thời yêu cầu người Anh giúp đỡ bằng cách đối kháng lại Thanh triều. Biết được chủ ý của đức Đạt Lai, Thanh triều bèn tước bỏ danh hiệu Đạt Lai Lạt Ma của ngài, lệnh cho vị Trú Tạng Đại Thần phỏng tầm cho bằng được một vị Linh-nhi mới, và tôn lập thành một vị tân Đạt Lai. Việc làm nầy của triều Thanh khiến dư luận thế giới xôn xao. Từ đó mối quan hệ giữa Tây Tạng và Thanh triều trở nên xấu hẳn. Khi cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) nổ ra, đức Đạt Lai mới từ Ấn Độ phản hồi Tây Tạng. Một mặt Ngài tuyên bố Tây Tạng độc lập, mặt khác ngài phái quân đội Tây Tạng tiến vào vùng biên cảnh của Tứ Xuyên (nay là tỉnh Tây Khương), trực tiếp ổn định Tây Khương, và mưu việc thu phục lại vùng biên cương mà Thanh triều đã chiếm trước đây. Vị phó đại thần của Triệu Nhĩ Phong đi vào khu vực “Trung-Anh lãnh thổ” bài xích triều đình Mãn Thanh là cố chấp qua chính sách bế quan. Đến đây chế độ Trú Tạng Đại Thần của Thanh triều coi như chấm dứt. Nhưng chính phủ Bắc Kinh lại lập ra chế độ mới với tên gọi: Trú Tạng Biện Sự Trưởng Quan. Chế độ nầy chưa kịp thực thi tại Tây Tạng, đức Đạt Lai đã lập lên tại Tiền-Tạng chế độ Chính-Giáo Đại Quyền.
Năm Dân Quốc mười ba (1924), đức Đạt Lai đời thứ mười ba và Ban Thiền đời thứ chín có sự bất hoà, nhân đó Ban Thiện từ Thanh Hải đến Bắc Kinh và hướng về Thanh triều. Thấy vậy, đức Đạt Lai liền khôi phục Tiền Tạng, Hậu Tạng thành thể chế Chính-Giáo hiệp nhất. Bấy giờ chính phủ Dân quốc trung ương vào năm thứ mười bảy (1928) bắc phạt thành công. Do đó, năm Dân quốc mười tám (1929) sai Bắc Bình Ung Hoà Cung Lạt Ma là Cống Giác Trọng Ni làm Uỷ-vấn chuyên viên vào Tây Tạng, và được đức Đạt Lai bày tỏ sự hoan nghênh. Kịp đến lúc Cống Giác Trọng Ni về lại Bắc Kinh, đức Đạt Lai liền phái người đến Bắc Kinh làm Tổng đại biểu cho Tây Tạng, lại phái thêm Sở Thần Đan Tăng làm phó đại biểu và thiết lập Biện Sự Xứ tại Bắc Kinh. Đây cũng là bước đầu khôi phục lại mối quan hệ giữa chính phủ Dân quốc với Tây Tạng. Năm Dân quốc hai mươi tám (1939), Ngô Trung Tín vào Tây Tạng chủ tọa lễ đăng quan của đức Đạt Lai đời thứ mười bốn, sau đó thiết lập tại Tây Tạng một cơ quan có tên là: Trú Tạng Biện Sự Xứ, cơ quan nầy không thể so sánh với nha môn của Trú Tạng Đại Thần của nhà Thanh. Nhưng trên phương diện quan hệ song phương thì đây là cơ quan rất trọng yếu. Đến khi chiến tranh kháng Nhật thắng lợi, Tây Tạng liền đặc phái một đoàn đại biểu đến Nam Kinh chúc mừng, vì khi ấy chính phủ Dân quốc đã dời đô về Nam Kinh. Cũng trong năm nầy (1939), vào ngày 25 tháng 12, khai mạc Quốc Dân Đại Hội tại Nam Kinh để chế định Hiến pháp. Tây Tạng phái một đoàn đại biểu gồm mười tám người đến tham dự. Dân quốc năm ba mươi bảy (1948), là năm bắc đầu thi hành Hiến pháp đã được Quốc Dân Đại Hội thông qua, đó là tiến hành tổng tuyển cử để bầu Tổng thống và phó Tổng thống. Các tộc người Tạng tạm cư ở nội địa Trung Quốc và địa phương Tây Tạng cũng chọn hai mươi đại biểu, tất cả đều đến Nam Kinh tham dự. Chẳng lâu sau nổ ra cuộc chiến tranh. Tháng 7 năm 1949, Tây Tạng ra lệnh cưỡng ép nhân viên của Trung Ương Trú Tạng rời khỏi Lạp Tát. Như vậy mối quan hệ song phương giữa chính phủ Dân quốc và Tây Tạng vỏn vẹn được hai mươi năm thì cáo chung.
Trên thực tế, thì bấy giờ nhân viên do chính phủ Dân quốc đặc phái đến Tây Tạng tựa hồ họ chẳng thiết tha gì với bản địa. Bấy giờ có một người Tây phương ở trong hàng ngũ quân đội Nhân Dân Giải Phóng, khi đoàn quân này tiến vào Tây Tạng. Nhưng ông lại là người sau cùng rời khỏi Tây Tạng, ông có tên Hán ngữ là Ninh Khang Đức. Chính ông viết cuốn “Tây Tạng kiến văn lục”. Tiết 12, trang 133, ông có lời bình sau: “Tôi với tư cách khách quan mà nhận xét về vị đại quan của Trung Quốc là Trần tiên sinh và người phó của ông là Lưu tiên sinh; đối với Tây Tạng, hai vị nầy có thái độ không tốt, tựa hồ họ chẳng lưu tâm tìm hiểu gì về dân tình của Tây Tạng một cách căn bản, họ tự đại thái quá, và luôn dùng uy quyền để sai khiến người dân bản xứ, trong khi đó tâm lý của dân Tây Tạng luôn phải ẩn nhẩn chịu đựng. Chính phủ Trung Quốc phái những người như vậy đến Tây Tạng khó lòng tạo được sự dung hợp giữa hai bên Trung-Tạng, thật là uổng công”. (bản dịch của Trần Trừng- Chánh Trung bản).
TIẾT II
PHẬT GIÁO
MÔNG CỔ
Người Mông Cổ Và Tôn Giáo Gốc Của Họ.
Phần mở đầu quyển một của bộ sách Đa-Tang Mông Cổ Sử viết: “Trung bộ vùng Á Tế Á, bắc có các sơn hệ làm ranh giới với Tây Bá Lợi Á, nam giáp Cao Ly, Trung Quốc, Thổ Phồn, sông Tế Hồn (Sihoun), và sông Lý Hải, tây khởi từ sông Phục Nhĩ Gia (Volga), đông giáp biển Nhật Bản. Từ thời thái cổ đã là nơi cư trú của ba giống dân du mục mà người đời thường gọi là Đột Quyết, Thát Đát và Mông Cổ, hoặc còn gọi là Đông-Hồ, là Nữ-Chân. Sự khu biệt nầy là y cứ vào phương diện ngôn ngữ và hình mạo của họ là chính. Cổ sử Trung Quốc gọi họ là Bắc Địch, về sau còn phân ra Hung Nô, Tiển Ty, Thát Bạt, Đột Quyết, Kiết Đan và Nữ Chân. Họ là những dân tộc du mục rất hiếu chiến, qua nhiều thời kỳ họ thường gây tai hoạ cho đất nước Trung Hoa. Nhất là sự xuất hiện của Thành Cát Tư Hãn - người làm chẤn Động thế giới.
Ở phần trước chúng tôi đã trình bày về tín ngưỡng tôn giáo của các dân tộc du mục ở vùng Trung–Á mà giới học giả gọi tín ngưỡng nầy là Tát Mãn giáo. Theo ghi chép của Đa Tang Mông Cổ Sử thì tín ngưỡng của dân tộc Thát Đát bị liệt vào loại mê tín. Điều đó cũng dễ hiểu, vì đối với các dân tộc du mục còn man dã cư trú ở khu vực bắc bộ Á Châu, tín ngưỡng của họ đều mang tính mê tín giống nhau. Tất cả họ đều thừa nhận có một vị Chủ tể, vị Chủ tể nầy hiệp với (Ông) Trời và có tên là Nhật Đằng Cách Lý (Tangri). Họ sùng bái cả nhật, nguyệt, sơn, hà thuộc ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ). Họ dùng cây gỗ hoặc lông thú để chế tác ngẫu tượng có tên là Ông-Cang (Ongon) và treo lên vách tường rồi hướng về mà lễ bái. Họ quan niệm rằng con người sau khi chết sẽ tái sinh ở một đời khác kế tiếp, và cũng sinh hoạt như ở đời hiện tại nầy. Họ cho rằng tai họa là do ác quỷ gây ra, muốn khỏi thì phải dùng phẩm vật để cúng, hoặc mời (thầy) Tát Mãn cầu đảo. Tát Mãn là một loại hình tôn giáo đầu tiên trong sinh họa tín ngưỡng tôn giáo của thời nguyên thủy. Chức năng của Tôn giáo-sư của thời kỳ nầy gồm nhiều chủng loại như: huyễn thuật gia, thầy giải mộng, thầy bói toán, chiêm tinh và kiêm luôn y thuật v.v.. Các Tôn giáo-sư tự nhận họ là người thân cận với thần linh. Họ tự cho là họ biết được mối quan hệ bí mật giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Họ đánh trống và đọc tụng thần chú, hồi lâu phân phát cho đến ngây lịm, lúc ấy sẽ được thần linh đỡ lấy thân thể họ và rồi họ nhảy múa tứ tung cùng lúc họ nói ra những lời về kiết hung, họa phúc. Những việc nhân sinh đại sự, người ta đều tin vào lời nói của Vu-Sư (tức Tôn giáo sư). Và họ tin một cách rất thâm thiết”. (bản dịch của Hồng Thừa Quân- trang 33).
Chương 69 của sách “Mã Khã Ba La Hành Ký” cũng có đề cập đến “Thần Đạo của người Thát Đát”, và nói rằng: “Người Thát Đát tin là có thần.Vị Thần có tên là Nạp-Xích Cai (Nacigay).Đây là vị Địa thần, là thần bảo vệ và giúp đỡ con cháu, sinh, súc vật và ruộng lúa của họ. Thần thọ nhận lễ cúng rất lớn. Người ta dùng vải hoặc lông thú để bài trí thần vị. Đức tin nầy của người Thát Đát, theo chú thích của Sa Hải Ngang thì: “người Thát Đát tin là có một vị thần sáng tạo, tạo ra tất cả mọi vật hữu hình và vô hình, mọi hành vi tốt xấu của con người, thần đều thấu hiểu và có sự thưởng phạt phân minh” (bản dịch của Hồng Thừa Quân –trang 246-249).
Đằng Cách Lý là tên của vị thiên thần, Nạp Xích Cai là tên vị địa thần. Tát Mãn giáo tuy quan niệm có một vị thần tối cao ở trên trời, nhưng kỳ thực họ thuộc tín ngưỡng đa thần. Minh Thần Tông, năm Vạn lịch thứ năm (1577) Hoàng giáo Tây Tạng được truyền đến Mông Cổ, và rồi Tát Mãn giáo của bản địa dần dà bị Hoàng giáo dung hợp. Trải qua thời gian bị mất dần thế lực.
Hốt Tất Liệt Với Hồng Giáo Tây Tạng.
Thành Cát Tư Hãn tự mình tách khỏi và chống lại hai mươi nước Liêu, Kim để dấy khởi cơ nghiệp. Nhưng phải kinh qua bốn người con và hai người cháu, đó là: Oa Hoắc Đài, Thuật Xích, Sát Hiệp Đài, Đà Lôi, Qúi Do và Mông Kha, đến đời Hốt Tất Liệt mới diệt được nhà Nam Tống, thống nhất Trung Quốc về dưới quyền ông. Phật giáo được người Mông Cổ đón nhận như tín ngưỡng phổ biến của họ. Điều đó có được là nhờ vào sự mở đầu ở thời đại Nguyên Thế Tổ-Hốt Tất Liệt.Trước đó, đại đa số dân Mông Cổ đều tín ngưỡng Tát Mãn giáo, có nơi còn có dấu tích của Cơ Đốc giáo.
Vậy Phật giáo được du nhập Mông Cổ vào thời kỳ nào? Câu trả lời chậm nhất là vào đời Nguyên Hiến Tông-Mông Kha Hãn. Đa Tang Mông Cổ Sử quyển hai, chương năm, nói: Sau khi tức vị, Mông Kha liền sai hoàng đệ là Hốt Tất Liệt nắm quyền cai trị vùng đất có nhiều hộ dân ở sa mạc phía nam. Lấy tăng nhân là Hải Vân coi về Thích giáo vụ, lấy Lý Chí Thường coi về Đạo giáo vụ, sau đó phong Tây Thẩm Tăng Na Ma làm Quốc sư, cho trông coi bao quát mọi việc về Phật giáo. Vị “Na-Ma” nầy có người hiểu nhầm là Lạt-ma, thực thì vị Na Ma nầy có quan hệ với vị tổ đời thứ tư của phái Tát Già. Trong cuốn “Uy Khương Tộc Hành Ký” của Lỗ Khắc Hắc Nhĩ cũng chép là thời Mông Kha Hãn: “ Thành Hoà Lâm của Mông Cổ đã từng đến với tăng lữ Lạt ma Hồng giáo”. Lại thấy trong cuốn Đa Tang Mông Cổ Sử quyển ba, chương một nói: “Trước khi Phát Tư Ba chưa đến Mông Cổ, thì hai vị Hãn sau Thành Cát Tư Hãn cũng từng mời vị Lạt ma có tên là Sagtcha pandita (Tát Già Ban Trí Đạt) từ Thổ Phồn đến Mông Cổ, và nhờ vị nầy chế tác mẫu tự cho Mông Cổ, việc chưa xong thì vị Lạt ma nầy viên tịch”.
Như vậy, rõ là trước thời Hốt Tất Liệt, Phật giáo đã được truyền vào Mông Cổ. Chẳng qua thời nầy các vị Hãn của Mông Cổ không nghiêng về một tôn giáo nào. Riêng Hốt Tất Liệt là người từng đến Tây Tạng nhiều lần, hơn nữa lúc chưa lên ngôi Hốt Tất Liệt cũng đã quy y Tam Bảo rồi. Đương thời các Lạt ma Tây Tạng đã từng đem Phật giáo từ Uý Ngột Nhi, Thổ Phồn truyền giảng khắp các doanh tướng của các vị vương Mông Cổ. Sau khi Mông Kha Hãn từ trần, Hốt Tất Liệt tự lập lên làm Hãn và dùng Phát Tư Ba làm Đế sư, đồng thời nhờ ông nầy chế tác tân tự cho dân Mông Cổ. Nguyên Thế Tổ, năm Chí Nguyên thứ sáu (1269) xuống chiếu ban hành sử dụng tân tự, chiếu có đoạn viết: “ Nước ta dẫn khởi nghiệp từ phương Bắc, phong tục còn chuộng theo xưa, chưa kịp chế tác mẫu từ. Vì thế, phàm khi dùng đến văn tự phải cậy đến Hán tự hoặc Uý Ngột tự. Ngay bản triều ta mà nói, thì việc chế tác văn tự cho Mông Cổ vẫn chưa hoàn bị. Do đó, Ta đặc mệnh cho quốc sư Phát Tư Ba sáng chế ra Mông Cổ tân tự. Nay ban hành lệnh cho muôn dân hãy dùng tân tự Mông Cổ để dịch, viết, thay cho tất cả các văn tự khác, mục đích sao cho mọi việc đều thuận ngôn đạt sự”. Đây quả là một cống hiến cực kỳ to lớn đối với văn hóa Mông Cổ.
Khi đã ổn định triều chính, Hốt Tất Liệt phỏng theo chế độ của Hán tộc mà kiến lập nhà Thái miếu ở Yên Kinh. Chí Nguyên năm thứ ba (1266), lạc thành nhà Thái miếu, lệnh cho tăng lữ làm các Phật sự trong bảy ngày đêm. Từ đó về sau quy định mỗi năm đều dùng lễ nầy làm “Vĩnh thức”. Chí Nguyên năm hai mươi hai (1285), một lần nữa Nguyên Thế Tổ sai Phát Tư Ba và những vị tăng trong Pháp phái hãy tham khảo, đối chiếu và khâm định lại kinh bản của Hán tạng và Thổ Phồn Tạng để tuyển thành một bộ “ Chí Nguyên Pháp Bảo Khám Đồng Tổng Lục”.
Nhà Nam-Tống tiêu vong vào năm Chí Nguyên mười bảy (1280). Nguyên Thế Tổ băng hà năm Chí Nguyên ba mươi mốt (1294). Người kế vị Nguyên Thế Tổ là Nguyên Thành Tông-Nạp Ma Hạ. Thành Tông là người dốc lòng tin Phật một cách cực kỳ thành tâm. Do đó, ông cho Tất Lan Nạp Thức Lý (con trai ông) thay vua cha xuất gia làm tăng, và lệnh cho ông nầy phiên dịch Phạn kinh ra Mông Cổ văn, và ban hiệu cho Lịch Sĩ Sổ Đại là “Phổ Đồ Minh Quảng Chiếu Hoằng Biện Tam Tạng Quốc Sư”. Đời vua Nguyên Võ Tông, Chí Đại năm thứ ba (1310), có cao tăng Tây Tạng là Pháp Quang đến Mông Cổ chỉnh sửa thêm Mông Cổ tân tự do Phát Tư Ba chế tác. Lại có các học giả Trung Quốc và các vùng ở Hồi Cốt đem tạng kinh Tạng văn dịch ra thành tạng kinh Mông Cổ văn. Từ đó về sau trải qua các đời vua nhà Nguyên như: Nhân Tông, Anh Tông, Thái Định Đế, Văn Tông, Thuận Đế, đời đời đều sùng tín Phật giáo Tây Tạng. Lúc Minh Thành Tổ hưng nghiệp ( 1369) thì Nguyên Thuận Đế như ông già quay về quê cũ- Bắc mạc; và rồi Phật giáo Mông Cổ có một thời bị lãng quên. Cả trăm năm sau Hoàng giáo Tây Tạng một lần nữa được truyền đến Mông Cổ, khi ấy Phật giáo tại Mông Cổ mới có cơ phục hưng.
Hoàng giáo Du Nhập Mông Cổ
Hoàng giáo truyền đến Mông Cổ chủ yếu là ở khu vực Nội Mông, thuộc bộ tộc Ngạc Nhĩ Đa Tư của A Nhĩ Đát Hãn (Sử nhà Minh gọi ông là Yêm Đáp Hãn). Thoạt tiên, A Nhĩ Đát Hãn đưa quân vào cướp phá Trung nguyên. Về sau quy phục vua Mục Tông nhà Minh và được phong làm Thuận Nghĩa Vương. Ông thỉnh được tạng kinh Tây Tạng có chữ viết bằng vàng. Đồng thời ông cũng nghênh đón nhiều vị Lạt-ma đến Nội Mông để giáo hóa dân bản địa. Có một sự kiện tối chủ yếu liên quan đến chuyện nghinh đón Lạt-ma đến Nội Mông, đó là người cháu ngoại của A Nhĩ Đát Hãn có tên là Triệt Thầm Hồng Đài Cổ, sau khi ông nầy chinh phục Tây Tạng, ông lại quy y phật giáo Tây Tạng. Chính Triệt Thầm là người cung thỉnh một vị Lạt-ma danh tiếng của Tây Tạng là Khấu Ba Khắc Thực cùng về Mông Cổ với ông. Minh Thần Tông, Vạn Lịch năm thứ tư (1576), Lạt ma Khấu Ba Khắc Thực diện kiến Yêm Đát Hãn và khuyên ông quy y Lạt ma giáo, Yêm Đát Hãn hứa sẽ thực hiện. Ngoài ra, năm Vạn Lịch nguyên niên ( 1573), Yêm Đát Hãn đánh phá ven vùng Cáp Lạp Đỗ Nhĩ Bá Đặc có bắt sống một số người Tạng, trong đó có Lạt ma A Lý Khắc, ông nầy cũng khuyên Yêm Đát Hãn quy y Phật giáo.
Nhờ vậy mà Vạn Lịch năm thứ năm (1577), Yêm Đát Hãn phái chuyên sứ vào Tây Tạng nghênh thỉnh đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ ba là Tỏa Lãng Gia Mục Thố tuần tích Mông Cổ, và ban tặng ngài danh hiệu “Thánh Thức Nhất Thiết Ngõa Tề Nhĩ Đạt Lai Lạt Ma”. Ông lại vì đức Đạt Lai mà kiến tạo chùa tại thành Quy Hóa thuộc xứ Tuy Viễn. Yêm Đát Hãn một đời chinh chiến, vậy mà ông vứt bỏ binh nghiệp quy y đầu Phật, và nỗ lực dùng văn trị, và nghe theo sự giáo hóa của đức Phật, tinh tấn làm việc thiện, nghiêm cấm bộ chúng không được sát hại. Điều đó đánh dấu sự khởi đầu thịnh hành của Hoàng giáo ở mạn nam Mông Cổ (Nội Mông). Đức Đạt Lai đời thứ ba viên tịch, sau chuyển sinh làm Đạt Lai đời thứ tư, kế vị với pháp hiệu là Vinh Đan Gia Mục Thố. Bấy giờ nhằm vào thời tằng tôn của Yêm Đát Hãn là Đồ Cổ Long Hãn, nhân vì Đồ Cỗ Long Hãn xuất thân từ giới quý tộc võ nghiệp nên ông được dân vùng bắc mạn Mông Cổ (Ngoại Mông) hết sức yêu quý.
Khởi đầu cho việc Hoàng giáo có mặt ở ngoại Mông Cổ, trước tiên phải nói đến công trạng của A Ba Đại Hãn. Ông là tằng tổ của Thổ Tạ Đồ Hãn. Trong biểu văn của Thổ Tạ Đồ Hãn thuộc Khách Nhĩ Khách bộ chép rằng: “Trong nước vốn chưa có Phật giáo, nhưng từ lúc Tằng tổ ta bái yết đức Đạt Lai Lạt Ma, và được Ngài ban hiệu cho tằng tổ ta là Ngoã Sát Lạt Tái Âm Hãn. Từ đó Phật giáo trong nước mới ngày càng sáng rỡ như nhật tinh”. Trong cuốn “Mông Cổ Cập Mông Cổ nhân” của Bao Tư Đắc Niết Phu (Pozdneyeff)thì chép: “A Ba Đại Hãn là người Mông Cổ đầu tiên hoằng truyền Lạt ma giáo tại Mông Cổ”. A Ba Đại Hãn cung thỉnh vị đệ tử của đức Đạt Lai đời thứ ba là Đại Từ Mại Đạt Lý Hô Đồ Khắc Đồ đến trú tích tại một ngôi chùa gần sông Đồ-lạp của bộ tộc Khách Nhĩ Khách để tuyên dương Phật hóa. Đại Từ Mại Đạt Lý nhận được sự hoan hỷ và kính ngưỡng cực lớn của người dân Mông Cổ. Nhân đó ông được A Ba Đại Hãn tặng tôn hiệu là “Đại Từ Nặc Môn Hãn” hoặc “ Bác Thạc Khắc Đồ Tề Nông”.
Lại nói bộ tộc Ách Lỗ Đặt ở tây Mông Cổ quy y Phật giáo, việc nầy có khả năng là vào cuối đời nhà Minh. Vạn Lịch năm bốn mươi bốn (1616), các Quân trưởng của bộ Ách Lỗ Đặt đều quy y Lạt ma giáo; trong khi các địa khu khác gồm: Khoa Bố Đa, A Nhĩ Thái, U Lê, Tháp Nhĩ Ba Cáp Đài, Thanh Hải v.v… cũng đều quy y Lạt ma giáo. Trong số đó, con của Quân trưởng Ba Đồ Lỗ Hồn Đài Kiết thuộc bộ Chuẩn Cát Nhĩ được cho xuất gia làm tăng. Quân trưởng của các bộ đều cho một con trai đi xuất gia làm tăng lữ, vị Quân trưởng nào không có con trai thì nuôi một dưỡng tử nam trong cùng bộ tộc để cho xuất gia làm Lạt ma. Khách Nhĩ Đan Hãn của Chuẩn Cát Nhĩ bộ cũng đã từng vào Tây Tạng làm Lạt ma, và được đức Đạt Lai ban thưởng tôn hiệu là “Bác Thạt Khắc Đồ Hãn”. Sách Vượng A Lạp Bố Đát cũng thuộc Chuẩn Cát Nhĩ bộ, noi theo Phá Lạp Tạng Hãn vào Tây Tạng xuất gia làm Lạt ma và được đức Đạt Lai ban tôn hiệu là “Bảo Quyền Đại Khánh Vương”. Về sau ông nầy kiến lập chùa Cổ-Nhĩ-Tráp ở phía bắc sông Y-Lê để cúng dường, tăng lữ của chùa có hơn sáu nghìn vị .
Phật Giáo Mông Cổ Với Triết Bố Tôn Đan Ba.
Sự xuất hiện của Triết Bố Tôn Đan Ba (Rje-btsun-dam-pa-Chí Tôn Bảo Vương), về phương diện lịch sử Phật giáo tại Ngoại Mông Cổ mà nói, thì Triết Bố Tôn Đan Ba quả là một viên ngọc quý vô cùng trọng yếu. Căn cứ theo danh xưng thì Triết Bố Tôn Đan Ba là đệ tử của Tông Khách Ba đại sư, nhưng về mặt lịch sử thì ông có liên hệ với phái Tước Nang của đại học giả Đa La Na Tha. Những năm cuối đời ông du hóa ở vùng ngoại Mông. Về sau vị Đại Lạt Ma là tổ thứ năm của phái Tước Nang trú tại Lạp Tát cải quy về phái Cách Lỗ, trong khi đó Đa La Na Tha chuyển sinh thành Triết Mộc Tôn Đạt Nhĩ Lạp Đáp của Hoàng giáo. Danh xưng Triết Bố Tôn Đan Ba là chuyển âm của Triết Mộc Tôn Đạt Nhĩ Lạp Đáp.
Do đâu mà Triết Bố Tôn Đan Ba trở thành Khố Luân Hoạt Phật? Chế độ Hoạt Phật khởi đầu là do Sách Vượng A Lạp Bố Đát thuộc bộ tộc Chuẩn Cát Nhĩ, ông là người kiến tạo chùa để cúng tăng. Do vị lãnh tụ của bộ tộc Chuẩn Cát Nhĩ đối địch lại triều nhà Thanh. Do đó, đương thời triều Thanh cấm chỉ việc giao tiếp giữa Triết Bố Tôn Đan Ba với Chuẩn Cát Nhĩ bộ, vì vậy nên Sách Vượng A Lạp Bố Đát Hãn bèn lấy danh xưng là Tây Lặc Đồ, và mời bốn vị Đại Lạt-ma chứng minh làm chủ trì. Từ đó, phàm hễ gặp vấn đề gì trọng đại nghi nan, hoặc kế sách khẩn yếu ông đều vấn ý bốn vị Đại Lạt-ma rồi mới quyết định, cũng từ đó thiết lập một hệ giáo quyền với đầy đủ uy tín. Về sau do có sự bất hoà giữa bộ tộc Chuẩn Cát Nhĩ và Khách Nhĩ Khách, nhân đấy Thanh Thánh Tổ phái quân đến tiểu trừ, nhưng Thanh triều lại biểu lộ sự ưu đãi với Phật giáo Mông Cổ. Với các Lạt-ma, nhà Thanh gia phong tước hiệu như: Quốc sư, Thiền sư v.v… Đồng thời nhà Thanh còn cho khởi công xây cất nhiều tự viện và tăng thêm sự phong tặng danh hiệu Đại Lạt-ma, cho hưởng thêm nhiều đặc quyền.Lúc Đa La Na Tha du hóa vùng biển cảnh của Ngoại Mông (vào thời của A Ba Đại Hãn. Do đó, có thuyết nói Đa La Na Tha cũng tức là Đại Từ Mạt Đạt Lý). Ông được bộ tộc Khách Nhĩ Khách hết sức kính ngưỡng và quy y. Bộ tộc nầy có lập chùa tại Khố Luân. Lúc chuyển thế lại nhằm vào đời vua Thánh Tổ nhà Thanh, và được thọ phong làm Triết Bố Tôn Đan Ba Hô Đồ Khắc Đồ. Khang Hy năm thứ ba mươi (1691), Thanh Thánh Tổ tuần hạnh (vua đi chơi) vùng biên cảnh Sát Cáp Nhĩ Đa Luân Nặc Nhĩ, bấy giờ Triết Bố Tôn Đan Ba mới có dịp hội kiến với vị hoàng đế nhà Mãn Thanh. Theo Ba Đức Lôi (Badeley) thì Triết Bố Tôn Đan Ba sinh vào năm Sùng Trinh thứ tám (1635) đời vua Minh Trang Liệt Đế và tịch vào năm Ung Chính nguyên niên (1723), đời vua Thanh Thế Tông. “Đại Thanh Hội Điển Sự Liệt” cũng chép: “Năm Khang Hy ba mươi hai phong Triết Bố Tôn Đan Ba Hô Đồ Khắc Đồ làm Đại Lạt-ma, cho lập chùa ở Khố Luân thuộc bộ tộc Khách Nhĩ Khách, rộng truyền phái Hoàng giáo tại đây”.
Trong khoảng thời gian từ vua Khang Hy đến vua Càn Long, Triết Bố Tôn Đan Ba có phần nào nhận sự ưu ngộ của triều đình nhà Thanh. Khang Hy năm thứ ba mươi (1691), sau khi gặp Thánh Tổ cho đến năm Khang Hy thứ bốn mươi, trong khoảng mười năm liền, năm nào ông cũng nhận được chiếu của vua Thanh vời đến Bắc Kinh, mỗi lần hội kiến lần nào ông cũng đều nhận được phẩm vật do Thánh Tổ ban tặng. Khi tiếp xúc, giữa ông với vua Thanh không có sự cách ly. Khang Hy năm sáu mươi mốt (1722), ông tuy thân suy, bệnh nặng nhưng vẫn cố gắng làm đúng lời giao ước với Thanh Thánh Tổ từ lúc tuổi còn bảy mươi, nay tuổi đã chín mươi là phải gặp nhau. Tiếc rằng khi ông đến kinh kỳ thì Thánh Tổ đã băng hà. Ông yết kiến vua ở Tử-cung. Truy điếu lại những việc giữa hai người khi vua còn sinh tiền; hai năm sau đó, năm Ung Chính nguyên niên (1723), ông chưa kịp về lại Khố Luân thì viên tịch tại một ngôi chùa của Hoàng giáo ở Bắc Kinh.
Vua Thanh Thế Tông–Ung Chính vốn là một tín đồ thuần thành của Phật giáo, nên đối với Triết Bố Tôn Đan Ba-vị Đại Lạt-ma của Hoàng Khảo Thánh Tổ, vua càng trân trọng quý kính vô cùng. Ung Chính dùng lễ rất hậu để tiếp đãi. Có chuyện trùng hợp rất lạ là Thánh Tổ thăng hà nhằm ngày giáp ngọ, Triết Bố Tôn Đan Ba cũng viên tịch ngày giáp ngọ, khiến người trong thiên hạ cho rằng cả hai đều là bậc phi thường! Chuyện cũng lạ là không thấy Lý Thẩm Viện cản ngăn việc vua Ung Chính phá lệ, đó là việc nhà vua đích thân đến trước kim quan của Triết Bố Tôn Đan Ba hành đại điếu lễ bằng cách treo màn cúng trà, và xưng hiệu là “Khải Pháp Triết Bố Tôn Đan Ba Đại Lạt Ma”, lại còn đặc phái đại thần hộ tống di cốt của Triết Bố tôn Đan Ba về Khố Luân.
Việc kiến tạo tự viện ở Khố Luân xẩy ra vào năm Khang Hy thứ năm (1666), còn Triết Bố Tôn Đan Ba thì thường vãng lai trác tích tại Khố Luân. Nhưng có một việc được khởi sự vào năm Càn Long thứ sáu (1741). Năm Càn Long hai mươi hai (1757), Triết Bố Tôn Đan Ba sáng lập Cao đẳng tôn giáo học viện Trác Ni Đặc tại Khố Luân. Học viện hình thành một số học bộ, mỗi học bộ được chia ra thành nhiều cấp học. Đại để là thiết lập bốn học bộ:
1.Hiển giáo học bộ–một ngành học chuyên nghiên cứu Phật giáo.
2.Mật giáo học bộ-chuyên nghiên cứu áo nghĩa Phật giáo Tây Tạng.
3.Thiên văn học bộ-chuyên nghiên cứu các hiện tượng tinh tú và khí hậu tự nhiên.
4.Y dược học bộ-chuyên nghiên cứu y thuật và cách sử dụng dược liệu.
Hai học bộ 3 và 4, nguyên trước đây là chức năng của Tát Mãn giáo. Đến thời nầy được Phật giáo hóa thành phương tiện giúp đời.
Khi học xong chương trình, tăng sinh phải qua một cuộc khảo thí rất chuẩn mực. Học vị tốt nghiệp phải được Triết Bố Tôn Đan Ba- là tước hiệu (danh từ chung) chứ không phải riêng chỉ vị Triết Bố Tôn Đan Ba như lúc ban đầu – chuẩn nhận. Do cách tổ chức tu học có tính quy mô và sư phạm như vậy nên Khố Luân trở thành Trung tâm chính trị, tôn giáo của Ngoại Mông Cổ. Về mặt giáo dục, thì đây đúng là thánh địa của Lạt-ma giáo tại Ngoại Mông. Trung tâm nầy thu hút tăng lữ khắp nơi trong xứ Mông Cổ quần tụ về tu học.
Theo “Tuy Phục Kỷ Lược” của Tùng Quân thì: “Sở dĩ gọi Khố Luân là Thành-quyển, vì ở đó có quá nhiều Lạt-ma làm “cây” che chắn, nên gọi là Khố Luân” (ý nói có quá nhiều Lạt-ma, và mọi quyền về kinh tế, chính trị, tôn giáo đều do Lạt-ma nắm giữ.Giống cái chuồng bị vây bởi rất nhiều cây)
Lúc vua Càn Long vừa tức vị, Triết Bố Tôn Đan Ba Hô Đồ Khắc Đồ có đến kinh thành yết kiến, và ông được vua Càn Long ban cho hai vạn lạng bạc và “Huỳnh Sắc Vi Kiều” (?). Càn Long năm thứ mười chín (1754), cho thiết lập Thương Trát Đặc Ba, đặt ra chức Ty Sa Tỉ Nạp Nhĩ và một số chức khác để trông coi “tục sự”. Ít lâu sau cho lập Trú Khố Luân Biện Sự Đại Thần, nhằm hạn chế quyền lực của vị Hoạt Phật, cũng là để phòng ngừa thế lực vị Hoạt Phật khi trở nên quá mạnh.
Thanh triều lệnh cho Khố Luân hướng về Tây Tạng mà phỏng tầm Hô Tất Lặc Hãn. Thời vua Gia Khánh tìm được vị Triết Bố Tôn Đan Ba đời thứ tư, thời vua Đạo Quang tìm được vị đời thứ năm. Đến thời vua Hàm Phong, tuy không còn gắn bó mật thiết với Triết Bố Tôn Đan Ba như thời Khang Hy, nhưng cũng không gây tổn hại đến những gì tốt đẹp mà các đời vua trước đã gây tạo.
Vào đời Thanh Đức Tông, Quang Tự năm thứ tư (1878), tình hình có biến động, vị đại thần của Thanh triều tại Khố Luân là Chí Cương –ông nầy từ chối việc khi đối diện với Triết Bố Tôn Đan Ba thì phải lạy ba lạy và khấu đầu chín lần. Ngược lại, ông ra lệnh cho vị Triết Bố Tôn Đan Ba đời thứ tám (1870-1924) phải đứng lên mỗi khi nghinh tiếp vị Biện Sư Đại Thần của triều đình.
Kết quả, do vị Mông Cổ Biện Sự Đại Thần vừa mới thông hiếu với Thanh triều, do đó nhà Thanh buộc Chí Cương phải nhượng bộ. Quang Tự năm hai mươi hai (1896), vị Biện Sự Đại Thần của Mãn Châu trú tại Khố Luân trở nên tế nhị trong cung cách ứng xử hơn, nhưng vẫn yêu cầu Triết Bố Tôn Đan Ba phải đứng lên mỗi khi có sự tiếp xúc với nhau giữa hai người.
Cuối đời nhà Thanh, triều đình trở nên hủ bại, và với Phật giáo lại càng trở nên lạnh nhạt. Chẳng hạn năm Quang Tự thứ hai mươi bốn (1908), vị Biên cương đại thần của hai tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam là Triệu Nhĩ Phong phụng chỉ đi kinh lược vùng biên cảnh, nhân đấy ông phá hoại sức mạnh của Lạt-ma giáo, đến độ ông cho quân Thanh xé lấy bìa cứng của những quyển kinh để làm đế giầy. Cũng cùng năm nầy, đức Đạt Lai đời thứ mười ba chống lại Bắc Kinh, buộc vị đại thần nhà Thanh mỗi khi tiếp kiến hoặc ban yến v.v… phải quỳ mà bái lạy ngài. Vua Thanh là Phổ Nghi, Tuyên Thống năm thứ hai (1910), Triệu Nhĩ Phong xuất quân tiến chiếm Lạp Tát, bức hại đức Đạt Lai, buộc ngài phải lưu vong sang Ấn Độ. Đồng thời nhà Thanh cũng tước bỏ danh hiệu Đạt Lai của ngài. Cùng lúc tại Khố Luân, Đức Nghĩa Sũng Mộc Phô bị thương, nhân đấy vị Biện Sự Đại Thần của Thanh triều tại Khố Luân là Tam Đa, không lý gì đến Lạt-ma, cứ tiến hành việc nghiêm phạt người của Khố Luân. Khiến Triết Bố Tôn Đan Ba phải diện kiến Tam Đa để yêu cầu sớm ổn định tình hình. Tam Đa không đồng ý lại còn quở trách và đòi bồi thường tổn hại cho Mộc Phô, đem phạm nhân ra trước Lý Thẩm Viện xử phạt, đồng thời tấu thỉnh triều đình cách chức các vị Lạt-ma cao cấp đang nắm giữ chưởng quản Tục-sự và Chủ-kế.
Kết quả: Nhà Thanh bị diệt vong, năm Dân Quốc nguyên niên ( 1912), Ngoại Mông Cổ liền tuyên bố độc lập. Vị Triết Bố Tôn Đan Ba ở Khố Luân tự lập lên làm hoàng đế, thành lập nhà nước Đại Mông Cổ, lấy niên hiệu là Cộng Đới.
Phật giáo và Ngoại Mông Cổ độc lập
Năm Dân Quốc nguyên niên (1912), đại tổng thống tuyên bố giúp đỡ và ủng hộ các vị vương công Trát Tát Khắc của Mông Cổ. Người Mông Cổ nào có công với đại cuộc thì chiếu chức vụ hiện hữu mà thăng lên một cấp, còn như chức Hãn và Thân Vương vì không có cấp nào cao hơn, thì phong chức cho con hoặc cháu của các vị ấy. Dân quốc năm thứ tư (1915), tháng sáu nền độc lập của Ngoại Mông Cổ bị thủ tiêu, chính phủ Bắc Kinh liền phái sứ thần đến Khố Luân sách phong Triết Bố Tôn Đan Ba làm “Ngoại Mông Cổ Bác Khắc Đa Triết Bố Tôn Đan Ba Hô Đồ Khắc Đồ Hãn”. Trước khi Ngoại Mông Cổ tuyên bố độc lập, thì Triết Bố Tôn Đan Ba được tấn phong tước vị Vương Công, nay chính phủ Bắc Kinh cũng cho ông truy nhận lại tước vị nầy. Về chính trị, chính phủ Ngoại Mông được tự trị. Đây là thời kỳ mà Phật giáo tại Ngoại Mông phát triển cực thịnh.
Đến năm Dân quốc thứ tám (1919), Triết Bố Tôn Đan Ba và Vương Công của Ngoại Mông tự yêu cầu chính phủ Bắc Kinh triệt tiêu chế độ tự trị ở Ngoại Môn. Chính phủ Dân quốc liền phái Từ Thọ Tranh làm Tây Bắc Trù Biên Sứ trông coi mọi việc giao hảo ở Ngoại Mông. Người kế nhiệm Từ Thọ Tranh là Trần Nghị. Dân quốc năm thứ mười(1921) tháng hai, người Bạch Nga là Ân Cầm Ba Long công hãm Khố Luân nhằm phò giúp Triết Bố Tôn Đan Ba lên làm quân vương ở Ngoại Mông Cổ. Việc nầy khiến cho vùng Ngoại Mông không do đâu mà được tự chủ và có được nền độc lập lần thứ hai. Nhưng người của Quốc Dân Đảng ở Ngoại Mông là Tô Ái Ba Đồ Nhĩ nổi lên đánh lại Ân Cầm nhờ có sự trợ lực của Hồng quân do Tô-liên yểm trợ. Cũng trong năm nầy, tháng bảy Hồng quân tấn công Khố Luân và lập lên “Mông Cổ Quốc Dân Chính Phủ”. Lại cũng lấy Triết Bố Tôn Đan Ba làm vị nguyên thủ.
Năm Dân quốc mười ba (1924), vị Triết Bố Tôn Đan Ba đột ngột viên tịch. Sau sự cố nầy, Ngoại Mông Cổ bước vào hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chế độ nầy cải tổ chính phủ thành chế độ “Mông Cổ Nhân Dân Cộng Hòa Quốc”. Phế bỏ chế độ Chính–Giáo hiệp nhất, cấm chỉ việc truy tìm sự chuyển sinh của Triết Bố Tôn Đan Ba như trước, và triệu tập quốc dân hội nghị để chế định Hiến pháp, và tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa. Bãi bỏ tất cả mọi đặc quyền của các tước vị như: Hãn, Vương Công, Đài–Kiết, Hô Đồ Khắc Đồ, Hô Tất Lặc Hãn v.v… Không để các Lạt-ma tham gia hoạt động chính trị, và thanh niên từ mười tám tuổi trở lên không được xuất gia làm tăng. Dân quốc năm thứ mười bảy (1928), Mông Cổ nhân dân cách mạng đảng tổ chức đại hội lần thứ bảy, ra nghị quyết tịch thu tất cả tài sản của các Chùa, cưỡng bức tăng lữ hoàn tục. Dân quốc năm hai mươi hai (1931), nhà nước xã hội chủ nghĩa Mông Cổ mới đưa ra chính sách ôn hoà đối với Phật giáo.
Hiến pháp của Ngoại Mông Cổ có 81 điều, trong đó có một điều quy định: “Người dân có quyền tín ngưỡng tôn giáo, và có quyền phản đối tín ngưỡng tôn giáo”. Chính điều quy định nầy khiến người dân Ngoại Mông Cổ ngày càng ít thỉnh mời các tăng lữ tụng kinh cầu nguyện, cũng như ngày càng cạn dần những người nhiệt thành với đức tin tôn giáo. Đồng thời người tự nguyện xuất gia cũng giảm.
Do đó, mà vào năm Dân quốc thứ sáu (1917), tăng lữ phật giáo ở Ngoại Mông Cổ có đến 116.577 vị, đến năm Dân quốc hai mươi mốt (1931) con số nầy giảm xuống còn 82.000 vị.
Trên thực tế, chính phủ xã hội chủ nghĩa Mông Cổ không thể coi thường tiềm lực của Phật giáo ở chính đất nước họ; do đó mà năm 1964, chính phủ Ngoại Mông Cổ cử một phái đoàn đại biểu Phật giáo đến Ấn Độ tham dự đại hội “Thế Giới Phật Giáo Đồ Liên Nghị Hội” lần thứ bảy
Nội Mông Cổ Và Chương Gia Hoạt Phật.
Chương–Gia (Lcan-skya) là danh hiệu dùng để tôn xưng vị lãnh tụ tôn giáo ở mạn nam Mông Cổ (Nội Mông). Chương–Gia là người đầu tiên khai mở nền Phật giáo Nội Mông, dường như Chương–Gia cũng đồng thời với Triết Bố Tôn Đan Ba của Ngoại Mông. Nội Mông có 49 tộc người Mông so với Ngoại Mông có ba bộ với 39 tộc người Mông. Thời vua Thanh Thánh Tổ còn tại vị có chế định; các vương công và các tước hiệu khác ở Ngoại Mông khi được vua ban ngân lượng, vải lụa như thế nào, thì các vị Quân trưởng của Nội Mông cũng y như thế mà ban tặng.
Nhờ thỉnh được vị Chương–Gia Hô Đồ Khắc Đồ là đệ tử của đức Đạt Lai đời thứ năm đến kiến lập chùa Vị- Tông (còn gọi là chùa Đông miếu hoặc Hoàng tự) ở Đa Luân Nặc Nhĩ, và đồng thời cũng để truyền bá Phật giáo ở cả Nội và Ngoại Mông Cổ. Chương Gia là người thuộc tỉnh Thanh Hải, người đời gọi ông là A-Cát Vượng La Bố Tang Khước Lạp Đan. Ông vào Tây Tạng tu học, nhờ đó được thân cận đức Đạt Lai đời thứ năm, và nhiều vị học giả nổi tiếng. Ông cầu học giới luật cùng các Pháp môn khác, về sau mới trở thành vị Chương–Gia Hô Đồ Khắc Đồ đời thứ mười bốn. Khang Hy năm hai mươi sáu (1687), ông đến Yên Kinh yết kiến Thanh Thánh Tổ. Khang hy năm bốn mươi bốn (1705), ông được ban Kim Ấn và tước hiệu “Quán Đảnh Phổ Chiếu Quảng Từ Đại Quốc Sư”.
Tháng giêng, Khang Hy năm thứ ba mươi bảy (1698). Tháng giêng, Khang Hy năm bốn mươi mốt (1702), tháng hai, Khang Hy năm bốn mươi chín (1710), vua Thánh Tổ nhà Thanh ba lần đích thân đến Ngũ Đài Sơn để trông coi việc trùng tu chùa Đại Văn Thù, và chùa nầy trở thành “Bổn Sơn” của Lạt ma giáo ở Nội Mông Cổ. Thanh Thế Tông, Ung Chính năm thứ năm (1727), vua phát mười vạn lượng vàng, và lệnh cho Chương Gia Hô Đồ Khắc Đồ đời thứ mười lăm kiến lập chùa Thiện–Nhân. Chùa ở về phía tây nam chùa Vị-Tông (nên còn gọi là Tây miếu hoặc Thanh Tự). Càn Long năm thứ sáu (1741), vua Thanh Cao Tông lệnh cho Chương Gia đời thứ mười lăm và Ban Thiền đời thứ bảy cùng nhiều vị dịch giả khác, đem bộ phận Đan Châu Nhĩ của Tây Tạng Đại Tạng Kinh xem có phần nào chưa dịch ra Mông Cổ ngữ thì hãy dịch cho hoàn bị. Đồng thời vua xuống lệnh khắc in và phổ biến.
Càn-Long năm hai mươi ba (1758), vua lại lệnh cho Chương Gia đời thứ mười lăm và Trang Thân Vương cùng các vị dịch giả hãy tuyển định thành một bộ “Mãn, Hán, Mông-Cổ, Tây-Phồn Hiệp Bích Đại Tạng Toàn Chú” gồm có 88 quyển, cùng với bộ “Đồng Văn Vận Thống” gồm 08 quyển.
Trải qua nhiều đời, các vị Chương Gia Hô Đồ Khắc Đồ luôn hướng về triều Thanh mà giữ lòng trung thành, không bao giờ có ý dời đổi. Những trú xứ mà các vị Chương Gia thường trác tích là ở Đa Luân, Bắc Kinh và Ngũ Đài Sơn. Ung Chính khi còn “tiềm để” đã từng tham học giáo nghĩa Phật pháp với Chương Gia, và tự nói ông đối Thiền đã có được cơ chỉ, đó là nhờ sự trợ duyên của Chương Gia đời thứ mươi lăm. Những năm vua Khang Hy tại vị, Ung Chính luôn tinh tấn tham thiền, ngẫu nhiên ông hốt ngộ, nhân đó cóù vị thiền tăng hiệu Tánh Âm ca ngợi ông có được sự đại ngộ sâu xa, ông không dám tin lời tán thán của vị thiền tăng. Ông bèn đến hỏi Chương Gia, Chương Gia bảo không phải vậy, và khen Ung Chính tiến bộ rất nhiều trong tu thiền. Do đó, khi lên ngôi Ung Chính hết mực kính ngưỡng Chương Gia, ông tán thán Chương Gia là “bậc siêu nhân tái sinh, độ đại thiện tri thức, bậc phạm hạnh tinh thuần, viên thông vô ngại, lúc bờ cõi thanh nhàn, ta hơn mười lần tiếp trà với ngài, nhân đó mà đắc đại phương tiện, liễu giải được cứu cánh của đạo thiền”. (Ngự Tuyển Ngữ Lục, quyển 18). Trong “Hậu Từ Văn” ông lại nói: “Chương Gia, người có tư chất linh dị, phù nghiệm hiển nhiên, khiến giáo pháp lưu hành, giảng dạy đồ chúng, ngày thêm quần tụ” (Ung Chính Đế Thiện Nhân Tự Ngự Chế Bi).
Vị Chương Gia đời thứ mười chín viên tịch tại Đài Bắc–Đài Loan, năm 1957. Lúc còn là đồng ấu Ngài đã tỏ ra linh dị. Sau khi đến Đài Loan, lúc nhàn rỗi Ngài tự thuật với các pháp sư người Hán rằng; lúc tám nước liên minh đánh Bắc Kinh, bấy giờ Từ Hy Thái Hậu hồn kinh phách tán không biết phải hành xử như thế nào, bèn cho vời vị Chương Gia Hoạt Phật (tuy lúc ấy tuổi còn ấu niên) đến hỏi xem nên phải làm gì. Chương Gia chỉ đường, nhờ đó Từ Hy chạy trốn thóat hiểm. Có lần Từ Hy Thái Hậu mắc chứng đau bụng lâu mà không ngớt, liền yêu cầu vị ấu niên Chương Gia Hoạt Phật dùng tay đè lên bụng Thái Hậu, lúc bàn tay Kim Cang của vị Chương Gia Hoạt Phật vừa ấn lên bụng, lập tức cơn đau của Thái Hậu mất biến.
Khi triều Thanh kết thúc, Viên Thế Khải một lần nữa lại dùng mỹ hiệu mà vua Khang Hy đã dùng để ban tặng Chương Gia là “Quán Đảnh Phổ Chiếu Quảng Từ” còn thêm bốn chữ “Hoằng Tế Quang Minh”. Về sau, Từ Thế Xương lại tặng thêm bốn chữ “Triệu Nhân Xiển Hóa”. Sau đó còn ban tặng đức hiệu “Hộ Quốc Tịnh Giác Phụ Giáo Đại Sư”, và Ngài cũng từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trọng yếu. Tóm lại, Chương Gia đời thứ mười chín là người có đủ mọi vinh, suy trước lúc viên tịch.
TIẾT III
CHẾ ĐỘ
PHẬT GIÁO MÔNG –TẠNG
Thứ Hạng Lạt-Ma:
Giáo Đoàn Lạt-Ma Mông-Tạng.
Từ đời nhà Thanh, do vấn đề chính trị, tôn giáo hỗn hợp mới tạo nên giáo đoàn Lạt-ma Mông Tạng và được chia ra nhiều thứ hạng. Riêng về danh xưng cũng rất phức tạp, xin đơn cử mấy thứ hạng sau:
(1)- Phân loại theo chức hàm, có tám loại; 1-Chuyển Thế Hô Đồ Khắc Đồ, 2-Chuyển Thế Nặc Môn Hãn, 3- Hô Đồ Khắc Đồ, 4- Nặc Môn Hãn, 5-Ban Đệ Đạt, 6-Kham Bố, 7-Xước Nhĩ Tề, 8- Hô Tất Lặc Hãn.
(2) phân loại theo nhậm chức có mười bảy:1 -Quốc sư, 2-Thiền sư, 3-Trát Tát Khắc Lạt Ma, 4-Phó Trát Tát Khắc Đạt Ma, 5- Trát Tát Khắc Đạt Ma, 6- Phó Đạt Lạt Ma, 7- Phó Đạt Lạt Ma, 8- Hư Hàm Đạt Lạt Ma, 9-Tô Lạp Lạt Ma, 10-Thương Tát Đặc Ba, 11-Đức Mộc Tề, 12- Cách Tư Qui, 13-Cách Long, 14-Ban Đệ. Chức hàm tính từ Trát Tát Khắc Lạt Ma trở lên thì dùng Ấn, từ Tô Lạp Lạt Ma trở xuống thì dùng Trác (thẻ), và từ Đức Mộc Tề trở xuống mới được phép có đồ chúng. Lại nữa, tại các châu như: Thiểm (huyện Thiểm thuộc tỉnh Hà Nam), Cam (huyện Trương Dịch thuộc tỉnh Cam Túc), Thao (huyện Lâm Đàm thuộc tỉnh Cam Túc), Dân (thuộc huyện Cũng-Xương thuộc Cam Túc) thì tuỳ hoàn cảnh mà đặt định. 15-Đô Cang, 16-Tăng Cang, 17-Tăng Chánh. Các chức nầy đều được nhận Trác(thẻ).
(3) Tuỳ theo nơi cư trú, được phân làm bốn loại: 1-Trú Kinh Lạt ma, tức các Lạt ma trú tích tại các chùa như: Nhiệt Hà, Thịnh Kinh (nay là Thẩm Dương), Đa Luân Lặc Nhĩ, Ngũ Đài Sơn. Ở những nơi nầy phải là các Lạt ma có chức hàm như, Chương Gia Hô Đồ Khắc Đồ, Mãn Châu Nhĩ Hô Đồ Khắc Đồ. 2-Tây Tạng Lạt ma:gồm có Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Ngạch Nhĩ Đức Ni v.v… 3-Tây Phồn Lạt ma: gồm các Lạt ma ở các chùa thuộc đất Phồn, như : Lãng-Trang, Tây Ninh, Mộc Lý, Sạ Nha, Sát Mộc Đa, Loại Ô Tề v.v…4-Du Mục Lạt ma: tức các vị Lạt ma ở các địa khu du mục như: Quy Hóa Thành, Thổ Mặc Đặc, Sát Hiệp Nhĩ, Tích Tứ Đồ Khố Luân, 49 kỳ ở Nội Trát Tát Khắc, Khách Nhĩ–Khách, A–Lạp Thiện v.v…. Loại 1 và 2, phải xuất thân từ chức hàm Hô Tất Lặc Hãn, loại 3 và 4, không nhất thiết phải xuất thân từ Hô Tất Lặc Hãn.
(4) Các Lạt-ma tuỳ theo tự viẹân cư trú, và được chia thành sáu loại: 1-Các vị tốt nghiệp từ Hiển Giáo Học Bộ thì có: Lan Chiên Ba Lạt ma, Cát Bố Sở Lạt ma, Hiệp Nhĩ Ba Lạt ma. 2- Các vị tốt nghiệp từ Bí Mật Học Bộ thì có: Tạp Khắc Lâm Ba Lạt ma. 3-Các vị tốt nghiệp từ Y Học Bộ thì có: Mãn Lan Ba Lạt ma, Mãn Sa Lạt ma. 4-Các vị tốt nghiệp Thời Luân Học Bộ thì có: Tề Lâm Ba Lạt ma. 5-Các vị Bộ trưởng của bốn bộ thì có: Tô Ni Đặt Lạt ma, Cầu Thứ Đặc Lạt ma, Mãn Ba Lạt ma, Điện Cát Nhĩ Lạt ma. 6-Trên bốn bộ có Tổng Bộ trưởng của các bộ Lạt ma với tên gọi là Tây Lôi Lạt ma. Trực thuộc Tây Lôi Lạt ma, còn có Đạt Lạt ma và Phó Đạt Lạt ma.
(5) Những Tăng, Ni bình thường cũng được chia thành bảy loại: 1-Cách Long, 2-Ban Đệ, 3-Học Nghệ Ban Đệ , 4-Tăng Lữ của Đài Khiết Nguyện, 5-tuỳ vào số đồ đệ mà Lạt ma có được chức hàm hoặc nhậm chức hàm, 6-Ô Ba Thập, 7-Sư nữ được gọi chung là Tề Ba Hản Sát.
Cách tổ chức Tự Viện rất hiện đại của Phật giáo Tây Tạng.
Hiện nay bên trong các ngôi đại tự viện của Tây Tạng được chia thành nhiều Trung bộ học viện độc lập, và tên gọi của học viện là Trát Thương; trong mỗi Trung bộ được chia ra nhiều Tiểu bộ, và gọi là Khương Thốn. Mỗi ngôi đại tự đều chọn một nơi thích đáng ở trung tâm để thiết lập Tổng điện – đây là nơi mà toàn thể tăng chúng trong chùa tập trung để tụng kinh vào giờ công phu khuya. Mỗi Trung bộ cũng có một Điện. Điện là nơi để tất cả tăng chúng trong bộ tập trung tụng kinh vào giờ ngọ; mỗi tiểu bộ cũng có một Điện, Điện nầy được bao quanh bởi nhiều tăng phòng. Ở giữa Điện xây một Đan Trì. Mỗi Trung bộ đều có trường sở dùng làm nơi giảng kinh và biện luận. Chùa Triết Phong được chia thành bảy Trung bộ, chùa Sắc Lạp có bốn Trung bộ, chùa Cam Đan có hai Trung bộ.
Chức sự trong chùa gồm có hai loại:
1-“Cơ Tự” là người quản lý toàn bộ tài sản của chùa, chữ Cơ Tự có nghĩa là tổng quản lý. Có Chánh và Phó Cơ tự. Cạnh đó còn có nhiều người trợ lý cho Chánh, Phó Cơ tự. Họ là những người chuyên về trông coi, lo liệu mọi sinh kế trong chùa, nhưng không chịu trách nhiệm về oai nghi của chúng tăng.
2-“Nghĩa-Ngạc” là người chịu trách nhiệm về oai nghi của tất cả chúng tăng của chùa. Nghĩa Ngạc giống như vị Thủ tọa của Phật giáo Trung Quốc vậy. Đây là chức vụ có quyền tối cao đối với mọi sinh hoạt trong chùa. Có Chánh, Phó Nghĩa Ngạc, cùng nhiều người trợ lý. Vị Duy-Na thì quản về giờ giấc, thời khóa tụng niệm nơi đại điện; vị Lảnh chúng phụ trách việc tụng kinh của đại chúng, nhưng không chịu trách nhiệm về oai nghi.
Chức sự của mỗi Trung bộ lại được phân làm ba:
1-Kham Bố-tức vị Trú trù. Vị nầy phụ trách giáo dục tăng chúng trong một Trung bộ, cũng vừa là Giáo Thọ Sư và Giáo Giới Sư trông coi về oai nghi của đại chúng. Khi ở Biện luận trường, thì vị Kham Bố làm chủ trì. Kham Bố chịu trách nhiệm giao tiếp với chính phủ về mọi Phật sự của chùa. Do đó, Kham Bố là chức vị mà nếu không phải là người chân tu và thực học thì không thể đảm trách. Trường hợp khi có nhân duyên đặc thù thì lấy chức vị Cách Tây sung vào. Mỗi Trung bộ suy cử một vị Kham Bố, và một số vị trợ lý.
2-Đương Gia, mỗi Trung bộ có một số vị Đương-Gia với nhiều trợ lý. Các vị nầy phụ trách việc quản lý tài sản, cũng như lo việc kinh doanh, họ là những người chi phối mọi chi dùng trong một Trung bộ.
3-Củ-Sát, tiếng Tạng gọi là “Cách quả” (kẻ đôn đốc mọi người làm điều thiện). Củ-Sát là vị giám đốc oai nghi của chúng tăng khi ở nội điện cũng như lúc ở Biện luận trường. Những vị là Phổ thông tăng đều có thể sung vào chức vị Đương Gia và Củ-Sát, vì không cần phải có học vị Cách Tây.
Tại các tiểu Trung bộ cũng có những vị giống như ở Trung bộ. Duy có vị chưởng quản oai nghi của tăng chúng thì có tên là “Khương Thôn Cách Ngạch”. Ý nói đây không phải là vị đạo sư mới đến trong năm nay của Tiểu trung bộ. Phần lớn các chức vị trên đều tuỳ vào niên hạn mà họ đã tu học tại chùa. Người xuất gia tại Tiểu trung bộ, sau khi nhận chức vị Khương Thôn Cách Ngạch mới được tiến vào Lão học chúng, mới được Yết ma (hội nghị) về các Phật sự lớn nhỏ trong Tiểu trung bộ của mình, mới được quyền phát biểu ý kiến. Các tân học chúng mới đến không được phép bình nghị cũng như tham gia hội nghị.
Giáo Dục Và Khảo Thí.
Việc giáo dục và khảo thí tăng lữ được chia làm hai loại:
I. Chuyển thế tục nhiệm: Cần có sự tuyển định Linh-nhi để xác định xem Linh-nhi đó có phải là Đạt Lại Lạt Ma chuyển sinh hay không. Việc tuyển định do các vị Hô Tất Lặc Hãn hoặc Hô Đồ Khắc Đồ đảm trách. Một khi sự tuyển định được xác nhận, sau đó mới cử hành lễ đăng quang cho vị Linh nhi là Đại Lai Lạt Ma chuyển sinh. Đồng thời cử tuyển một vị Đại Lạt Ma có học đức khiêm-tôn làm thầy cho Linh nhi, cạnh đó cũng chọn lấy một số vị có học tài làm phụ tá cho vị Đại Lạt-ma để lo việc giáo dục Linh-nhi. Hàng ngày Linh-nhi vẫn phải học kinh điển và chấp tác như các tăng lữ phổ thông, nhưng về sinh hoạt có phần phong phú hơn; như có người trợ giúp trong việc nghiên cứu, việc giảng biện, so với phổ thông tăng thì nhân duyên đầy đủ và thuận lợi hơn. Đủ hai mươi tuổi Linh nhi mới được thọ cụ túc giới-Tỳ kheo giới. Sau khi thọ giới Tỳ kheo, Linh nhi phải vượt qua cuộc khảo thí học vị Cách Tây, thì mới chính thức được hành xử chức vụ và quyền hạn đã có từ kiếp trước.
II .Khảo thí tấn nhậm: Đây là chế độ của các ngôi đại tự viện. Các vị là Phổ thông tăng, trước phải học thông Hiển giáo và phải được khảo thí để 1ấy học vị Cách Tây. Khi đã có học vị Cách Tây mới được tiến nhập Cử-Ba- chuyên nghiên cứu Mật pháp. Một khi được sung vào các chức vị như Củ-Sát, Cử-Ba sau đó mới được thăng làm “Kham Bố Cử Ba”. Trong các chức vị, Kham bố là tối tôn. Khi được chức vị Kham Bố Cử Ba mới được thăng lên làm Pháp Vương (toàn bộ chỉ có hai vị). Từ chức vị Pháp Vương mới được thăng lên làm tọa chủ chùa Cam- Đan, gọi là “Cam Đan Trì Ba”. Phải trải qua các giai đoạn như thế mới xứng là truyền nhân của đại sư Tông Khách Ba; tức phải do khảo thí mà lần lượt thăng nhậm các danh vị tối cao và tối tôn.
Thực ra khi đã được tiến nhập Cử Ba để học Mật pháp, lại cũng chia thành hai loại.
1. Các vị chưa từng chịu khảo thí để lấy học vị Cách Tây bởi ba ngôi đại tự, nhưng các vị nầy trước đó đã từng theo học và tu tập với một vị Sư trưởng và đã học xong “Tập Mật Kim Cang Đại Giáo Chủ Kinh” và kinh “Nghi quỷ”, thậm chí là thuộc lòng, nhưng phải đợi khi nào nhân số Cử Ba của ba ngôi đại tự bị khuyết thì mới khảo thí để bổ khuyết. Cử Ba cũng có hai loại: Thượng Cử Ba – tức Cử Ba của ba ngôi đại tự. Hạ Cử Ba-tức Cử Ba trực tiếp tiến nhập. Tính luôn cả Thượng, và Hạ Cử Ba chỉ có một nghìn vị, vì số lượng mỗi loại Cử Ba được giới hạn ở con số năm trăm vị. Sau khi được tiến nhập, trong năm năm đầu phải chấp tác mọi việc trong chùa trong cương vị của một Sa-di thừa sự các Tỳ kheo, như nấu cơm, xách nước v.v… chẳng hạn. Đến năm thứ sáu mới được thọ giới Tỳ kheo nhưng vẫn còn chấp sự của một Sa-di. Hạng Cử Ba nầy lấy việc học tập Mật bộ Nghi quỷ làm chính.
2. Các vị sau khi đã vượt qua khảo thí để lấy học vị Cách Tây mới được tiến nhập Cử Ba. Khi đã được tiến nhập Cử Ba trong năm đầu, oai nghi của các vị nầy giống như một Sa-di, không được hành lễ ở chính điện, ngoài trừ lúc bị thiếu, và cũng phải thừa sự các vị Tỳ kheo. Cuối năm thứ hai, vị trí mới ngang bậc Thượng tọa, mọi việc chấp tác được có phương tiện trợ giúp. Nếu ai có sức học vượt trội, có thể được khảo hạch để thăng lên hạng Kham Bố.
Trình Tự Khảo Thí Cách Tây.
Những vị chưa khảo thí Cách Tây đều phải qua một lịch trình học tập lâu dài, và được chia ra hai giai đoạn:
1. Những vị đã nhập tự được năm, sáu năm thì hai năm đầu phải y chỉ một Tỳ kheo để học tập phương thức luận sơ cấp về Nhân Minh.
2. Trong năm, sáu năm tiếp theo, phải rộng học về giải thích “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” thuộc bộ “Đại Bát Nhã Kinh”. Nếu nghiên cứu một cách thông đạt bộ luận Hiện Quán Trang Nghiêm, tất nhiên đối với thứ đệ của Tam thừa càng hiểu rõ hơn về thứ đệ của Đại thừa, được vậy mới là người tu hành có được sự liễu giải kiên cố, và không bị sai lầm.
3. Sau năm thứ sáu là giai đoạn chuyên nghiên cứu về “Nhập-Trung Luận” của Nguyệt-Xứng. Bộ luận gồm có mười phẩm, giảng về Thập Địa và Thập Hạnh; đặc biệt là phẩm thứ sáu chứng minh một cách rất tinh tường: Chư pháp là do duyên khởi, chư pháp vốn là tánh không. Tu hành theo Trung Quán mới có khả năng đoạn phiền nảo, xuất sinh tử. Do đó, đây quả là bộ luận vô cùng thiết yếu đối với người tu.
4. Phải trải qua hai hoặc ba năm kế tiếp để chuyên nghiên cứu Giới Luật học. Vì đến đây tuổi cũng sắp đến hai mươi, là tuổi chuẩn bị thọ đại giới. Do đó, cần phải hiểu rõ những gì là: “khai giá trì phạm và chỉ trì chỉ tác”.
5. Cuối cùng, trong thời gian chờ đợi khảo thí Cách-Tây, tăng sinh phải học kỹ luận Cu- Xá. Đây là bộ luận giải rõ một cách tường tận về sinh tử, Niết bàn, về tổng, về biệt, về nhân duyên, nhân quả v.v… Luận Cu- Xá là một yếu điển của A Tỳ Đạt Ma.
Đồng thời trong suốt thời gian học trình, mỗi năm vào mùa đông, họctăng phải dành một tháng để học Nhân Minh luận. Bởi Phật giáo Tây Tạng đặc biệt chú trọng phương pháp luận lý. Theo họ bất luận vị học tăng ấy học pháp điển nào , tu pháp môn gì, và giảng thuyết kinh luận gì đi nữa mà không nắm vững chính lý để biện luận và quyết trạch , thì chẳng khác người đi trên bùn lại cho rằng bùn không lún.
Khảo thí Cách–Tây được phân ra bốn bậc, và có liên hệ đến thời gian học luận Cu- Xá. Điều này lại do Kham Bố của các học viện Trung bộ lượng định về học lực, dù đẳng cấp được phê chuẩn là không đồng đẳng.
1-Đầu Đẳng Cách–Tây:
Một năm trước kỳ khảo thí để lấy học vị Cách–Tây, thì vào mùa hạ của năm đó các tăng thí sinh đều phải cu hội về tại Ma-Ni Viên – nơi ở của đức Đạt Lai--để cùng tham dự cuộc khảo thí với mười sáu người. Hai bên phải lập tông và hỗ tương biện luận. Vị thị giả của đức Đạt Lai Lạt Ma phụ trách việc đọc đề cương, trong khi đó các vị Kham Bố đóng vai chứng pháp nhân. Trong lúc diễn ra biện luận, đức Đạt Lai thường buông màn ngồi nghe. Danh xưng đệ nhất, đệ nhị Cách Tây trực tiếp được ước lược và khảo định trong thời gian diển ra biện luận. Kế tiếp là tổ chức pháp hội vào mùa đông. Các vị trong độ tuổi được ứng khảo của các Trung bộ học viện, lúc nầy tại các biện luận trường của học viện mình đều phải tiếp nhận đề tài biện luận để lập tông. Có Kham Bố và các vị Đại đức được đặc tuyển làm chứng pháp nhân. Bước kế tiếp là các vị đệ nhất, đệ nhị Cách Tây vào ngày mùng một tháng giêng phải vân tập về tại cung Đạt Lai. Mỗi vị phải tự lập tông, và đối biện pháp nghĩa. Có đức Đạt Lai Lạt Ma, các vị Kham Bố của ba ngôi đại tự và tất cả những yếu nhân của chính phủ đều đến tham quan chứng kiến. Sau cùng là thời điểm truyền lập tông được phát ra từ chùa Đại Chiêu. Người ứng thí tiếp nhận tất cả mọi vấn nạn từ ba ngôi đại tự để biện luận, phải đợi ngày bế mạc Đại hội mới biết ai là người trúng học vị Cách Tây. Đây là một trong những cách khảo thí để tuyển chọn học vị Cách Tây khó nhất.
2-Nhị đẳng Cách Tây:
Các tăng thí sinh ở hạng Nhị đẳng Cách Tây, vào mùa đông ai ở Trung bộ học viện nào thì cùng nhau tổ chức biện luận. Nhiên hậu vào tháng hai năm sau, được truyền đến Tiểu Chiêu Tự để cùng với đại chúng của ba ngôi đại tự biện luận. Các tăng thí sinh nầy vào mùa hạ của năm trước đó vẫn phải đến Ma Ni Viên để tham gia biện luận. Chẳng qua là vì lối khảo thí nầy không nghiêm cách bằng Đầu Đẳng Cách Tây.
3-Tam Đẳng Cách Tây
Cách khảo thí nầy được tổ chức trước đại điện thuộc tự viện mà tăng thí sinh đang cư trú. Vẫn phải lập tông, nhưng về biện luận thì không mấy khúc mắc. Có thể mời người đại diện Kham Bố đến để tiếp nhận biện luận. Đây là lối Cách Tây mang tính tượng trưng dành cho những vị tuổi đã lớn và có vốn học vấn ít ỏi, hoặc họ chỉ được học sơ lược một bộ kinh luận nào đó nhưng chưa hoàn tất vì tuổi đã luống. Do đó, họ chỉ cần cái danh dự Cách Tây mà thôi.
Những vị trúng Đầu đẳng và Nhị đẳng Cách Tây sẽ có hai con đường để chọn:
- Một là thóai ẩn nơi sơn cốc, tinh tấn tu hành cầu giải thoát. Nhưng đôi lúc vì nhu cầu, Chính phủ phải thu nhận họ. Do đó, họ không thể tĩnh tu mà phải đảm nhiệm chức vị Kham Bố.
- Hai là chuyển thẳng vào hàng ngũ Cử -Ba để tiến tu Mật pháp. Chức vị tối cao của họ là thăng nhậm làm Cam Đan Trì Ba, những vị còn lại, sau thời gian đã trở thành Cử-Ba còn lưu trú tại tự viện sẽ được phái đến các chùa trong cùng chi phái của ba ngôi Đại tự để nhận chức vị Kham Bố.
Những vị Đệ tam, Đệ tứ đẳng Cách Tây chỉ có ẩn cư tĩnh tu, bởi đại đa số họ là những người không được Chính phủ lưu tâm thu dụng.
Tổng kết:
Nền giáo dục của người Tây Tạng có thể nói chỉ duy nhất là dùng để nghiên cứu Phật học. Họ giảng dạy phương pháp nghiên cứu Phật học để sao cho việc điều lý được nghiêm cẩn. Chính vì vậy mà nhiều quốc gia theo Phật giáo trên thế giới không quốc gia nào theo kịp. Khi người Tây Tạng luận đàm về bất kỳ bộ kinh nào, họ luôn tập trung theo sát nội dung của bộ kinh ấy và tuyệt đối không “bàng trưng phiếm dẫn”, không hỏi đông đáp tây, hoặc né tránh lòng vòng. Do đó, họ không bị rơi vào tệ bác tạp và hỗn loạn. Trong biện luận, câu chữ luôn tuân theo luận thức Nhân Minh để vấn và đáp, chứ không “tuỳ khẩu loạn thuyết”. Họ cho rằng, nếu không y chiếu theo phương pháp Nhân Minh luận thì lý chứng không thể hiển lộ một cách phân minh. Nhờ vậy mà Phật giáo Tây Tạng có khả năng đào tạo và bồi dưỡng phẩm chất cho rất nhiều nhân tài Phật giáo.