CHUYẾN DU LỊCH NHỚ ĐỜI ĐẾN TÂY TẠNG
Nguyễn Văn Dũng
(VietNamNet) - Đó là chuyến đi
Tây Tạng của tôi và nhà thơ Văn Cầm Hải từ ngày 17/9 đến 25/9. Có nhiều cách đến
Tây Tạng.
Chúng tôi chọn
con đường từ Hà Nội đi Nam Ninh, từ Nam Ninh bay sang Thành Đô, rồi từ Thành Đô bay lên Lhasa.
Lhasa là thủ phủ của
Tây Tạng, là “thành phố của chư thiên”, ở độ cao 3.700m so với mặt nước biển, nghĩa là cao hơn nhiều so với ngọn Phanxipang của
chúng ta. Các nhà địa chất
quả quyết rằng, 40 triệu năm trước,
Tây Tạng nằm sâu
dưới đáy biển - Bán đảo
Ấn Độ di chuyển đụng phải lục địa châu Á rồi dội lên thành cao nguyên
Tây Tạng, trong đó có dãy Himalaya với ngọn Everest cao 8.848,2m, cao
nhất thế giới, và hàng trăm ngọn núi khác cao trên 7.000m. Ngày nay trên cao nguyên
Tây Tạng vẫn còn nhiều hồ nước mặn với đủ các loài hải sản. Ở chợ Barkhor, nơi các quầy mỹ nghệ, người ta bày bán nhiều vỏ ốc biển làm quà kỷ niệm. Không biết chúng là
hậu duệ thứ bao nhiêu đời của cụ ốc tổ 40 triệu năm trước. Lên núi cao tìm cái chỉ có dưới biển sâu, đó là điều lạ lùng trong
vô số những điều lạ lùng của vùng đất được mệnh danh là “Nóc nhà thế giới” này.
Đừng chờ đợi điều gì bạn từng gặp,
Tây Tạng thuộc về một
cảnh giới khác. Là vùng đất lạ lùng và huyền bí. Là nơi trời và đất
gặp nhau.
Mặt trời,
mặt trăng cùng muôn ngàn
tinh tú là bè bạn.
Tây Tạng là cội nguồn của những con sông thiêng:
Hằng Hà, Ấn Hà, Brahmaputre, Mekong,
Hoàng Hà, Dương Tử... Đỉnh
Ngân Sơn là
trung tâm thế giới, là
núi Tu di của cõi
hồng trần.
Tây Tạng rộng gấp bốn lần diện tích
Việt Nam. Đất trời
mênh mông và tĩnh lặng đến nao lòng.
Không gian Tây Tạng trong vắt và sâu thẳm, khiến
mọi vật ta nhìn tưởng như rất gần mặc dù nó ở rất xa.
Thiên nhiên Tây Tạng rực rỡ một thứ sắc màu thuần tuý và
thanh tịnh trong suốt, nó
đánh thức năng lực trực giác nơi mỗi
con người.
Tây Tạng, mây chỉ một màu trắng tinh khôi để cho
mặt trời mặc sức tô điểm. Nước không bao giờ sôi tới 100 độ. Còn nắng thì vàng hươm và
say đắm lạ lùng.
Tây Tạng có nhiều hồ lớn,
thiêng liêng và đẹp vào hàng đệ
nhất thiên hạ. Như hồ Namtso, ở độ cao 4.718m. Sự tĩnh lặng
tuyệt đối và vẻ diệu kỳ của nó không thể nói nên lời. Sông Tsangpo bắt nguồn từ
Ngân Sơn, chảy từ tây sang đông dọc theo Himalaya, rồi đổ ra vịnh Bengale trước khi hào phóng trích một phần
sinh khí cho ba con sông lớn
Hoàng Hà, Dương Tử,
Cửu Long.
Ai từng đi qua đoạn đường khoảng 500km từ Lhasa đến Shigatse (thành phố lớn thứ 2 của
Tây Tạng) hẳn thấy rằng đó là
con đường hùng vĩ và hiểm nguy nhất
trong đời. Có lẽ
vì vậy mà người ta chỉ đi
một lần. Lần
trở lại Lhasa
chúng tôi đi dọc theo sông Yarlung Tsangpo. Từ cội nguồn, sông không
màu mè, làm dáng làm duyên. Sông, đục màu đất đen, chảy xiết như để kịp mang
sinh khí tài bồi cho một nơi nào đó. Hoá ra cũng như
con người, để có dòng nước mát lành hoà thân vào biển cả, sông cũng phải tự mình rèn giũa, chắt lọc, gạn đục khơi trong. Bên phải
chúng tôi, sông Tsangpo khi gần, khi xa, khi ẩn sâu dưới tầng tầng
vực thẳm chỉ còn như một dải lụa đào.
Tây Tạng có một nền văn hoá độc đáo và thâm hậu, trong đó
Phật giáo đóng
vai trò chủ đạo. Nhưng
Phật giáo Tây Tạng không còn là
Phật giáo Ấn Độ, cũng chẳng phải
Phật giáo Trung quốc, mà là thứ
Phật giáo đặc trưng của
Tây Tạng, vừa đầy tính
lý luận khúc chiết vừa đầy tính
mật tông ảo diệu.
Tây Tạng có đến 16.000
tu viện lớn nhỏ. Jokhang là
tu viện thiêng liêng và
nổi tiếng nhất, nằm ở
trung tâm Lhasa. Ở đây có bức tượng Jowo Rinpoche -
tượng Phật Thích ca Mâu ni thời trai trẻ. Đó là bức tượng
tuyệt vời nhất mà khả năng
con người có thể làm nên. Các
Lạt ma khi
đăng quang đều được tổ chức ở ngôi đền này. Hàng ngày, hàng chục nghìn người dân
Tây Tạng từ khắp nơi trên đất nước
mênh mông đổ về đây
chiêm bái. Họ lạy:
chắp tay khỏi đầu, trán, cằm, ngực rồi nằm dài xuống đất,
thành kính và khiêm nhẫn. Không biết họ
cầu nguyện điều gì? Cho họ, cho người thân, hay cho đất nước họ? Cách không xa Jokhang về
hướng tây là điện Potala. Đây là điện thờ vĩ đại nhất
Tây Tạng, cao 120m, ngang 360m, tổng diện tích 360.000m2, 13 tầng, 999 phòng, mái mạ vàng. Là nơi đặt
bảo tháp chứa di cốt các vị
Lạt ma. Là
trung tâm lãnh đạo tôn giáo và chính trị
trong suốt 400 năm. Potala là kho tàng nghệ thuật
tôn giáo, và là nơi cất giữ không kể xiết những tranh tượng, kinh sách
vô giá của
Phật giáo Tây Tạng.
Dân
Tây Tạng rất sùng đạo. Đối với họ sống là để
phục vụ đạo pháp,
đời sống vật chất là
phương tiện để vươn tới đỉnh cao
tâm linh. Còn cái chết chỉ là
đánh dấu một giai đoạn
trong vòng sinh tử miên viễn.
Tây Tạng là quê hương của những bậc
thánh nhân, những vị
bồ tát, những
đạo sĩ sống cô tịch và
độc cư nơi
rừng sâu núi thẳm để
tu tập thiền định. Trong những người ta gặp trên đường phố: anh phu xe, chị quét rác, lão ăn xin... rất có thể một vị
bồ tát nào đó đã
hoá thân sống
cuộc đời bình thường giữa
thế gian mà ta không hay.
Ý nghĩ ấy làm trái tim ta bừng sáng và dậy lên một niềm
hạnh phúc không ngờ.
Nhưng,
ấn tượng nhớ đời về chuyến đi lại thuộc về một khía cạnh khác: tổ chức. Mãi khi đến Thành Đô,
chúng tôi mới được
thông báo: lên
Tây Tạng, áp suất thấp, không khí loãng, dưỡng khí thiếu, lượng oxy trong não thiếu, bởi vậy cấm
vận động tay
chân không cần thiết, cấm ăn no,
tuyệt đối cấm tắm và gội đầu; cấm những người mắc bệnh phổi, tim, gan, áp huyết, các bệnh đường
hô hấp... người thông dịch còn nói nhỏ với tôi, và “không trên tuổi 40”. Vậy là tôi vướng cả hai, vừa áp huyết cao vừa thừa đến 24 tuổi.
Đoàn
chúng tôi gồm 24 người, kể cả hướng dẫn viên và người thông dịch. Tất cả đều người
Trung Quốc, trừ hai
chúng tôi. Anh chàng thông dịch khỏe mạnh,
vui vẻ,
sốt sắng, nhưng chỉ trọ trẹ một ít tiếng Việt và không biết gì về
Tây Tạng. (Sau mới hay, trong công ty những người nói sõi tiếng Việt và
hiểu biết về
Tây Tạng không ai
đủ sức khoẻ
chịu đựng khí hậu khắc nghiệt trên cao nguyên này). Thế là suốt một tuần ở
Tây Tạng,
chúng tôi sinh hoạt, ăn, ở theo chế độ của người
Trung Quốc. Điều này dẫn đến một trở ngại khác: Trong
tình trạng nhức đầu, khó thở,
mất ngủ, buồn nôn, do
ảnh hưởng của “độ cao”,
chúng tôi không sao nuốt nổi đống
thức ăn thấm đẫm mỡ, chất sốt lầy nhầy, và “mùi Tàu”
kinh dị. Thường mỗi ngày,
chúng tôi chỉ ăn được chén cháo trắng là một trong những món có trên bàn ăn sáng của họ.
Chúng tôi đã
trải qua những ngày ở
Tây Tạng mà nay mỗi lần nhớ lại vừa vui vui, vừa tự hào, vừa thấy như vẫn còn run. Tôi có một bài học từ chuyến đi đầy
ấn tượng ấy: Phải có
đủ sức khoẻ, chỉ đi với tour tổ chức cho đoàn
Việt Nam (hướng dẫn tiếng Việt, ăn ở theo chế
độ người Việt), và với
tâm thức của một kẻ
hành hương chứ không là một khách du lịch quen tìm sự hưởng thụ
dễ dãi.
Nguyễn Văn Dũng(Huế, 10/2003)