CHUYỂN HÓA CƠN GIẬN BẰNG SỨC MẠNH BÊN TRONG
Pháp thoại của Thầy Thích Minh Niệm
(Nguyên Tánh chuyển thành văn nói)
Kính thưa đại chúng hôm nay là ngày 22 tháng 6 năm 2014. Chúng ta đang có mặt tại tu viện Tường Vân trong khóa tu Một Ngày An Lạc. Tất cả chúng ta đang có mặt ở đây đều đang trên con đường tu tập chuyển hóa theo Đức Phật và chắc chắn rằng chúng ta đều thực tập trên nền tảng vững chắc của Tứ Diệu Đế.
Chúng ta nhắc sơ lại Tứ Diệu Đế: Đức Phật nói những gì chúng ta đang đeo duổi đam mê như là tiền bạc, quyền lực hay là sắc dục . . . có thể chúng ta cho rằng đó là những cảm giác hạnh phúc nhưng bản chất của nó sẽ đưa tới khổ đau tại vì khi chúng ta nghiện ngập vào những đối tượng đó thì chúng ta sẽ luôn luôn đi tìm nó, bức bách và cảm thấy khó chịu, không thoải mái, và khi chúng ta chiếm hữu đươc rồi thì chúng ta lại lo sợ nó mất đi, v.v.. Thế cho nên tài sắc, quyền lực . . . tất cả những thứ đó bản chất nó nếu mình dính vào nó, mình đam mê nó thì mình sẽ phải rơi vào cái trạng thái khổ đau, khổ đau vì vậy thành một sự thật có mặt trên thế gian này.
Tuy nhiên Đức Phật nói bản chất của cuộc đời không phải là khổ đau, khổ đau là do tham, sân và si của chúng ta, do chúng ta có tham, sân và si. Khi chúng ta có được hợp thể 5 uẩn này và chúng ta được là một con người thì trong bản năng của chúng ta có chứa sẵn chất liệu của tham, sân và si và vì tham, sân và si làm chủ lấy mình cho nên nó khiến cho chúng ta trở nên khổ đau.
Tập đế tức là nguyên nhân của khổ đau chính là tham, sân và si. Cái này chúng ta đừng có quên, chúng ta đừng có đổ thừa hoàn cảnh hay là người khác mà phải nhớ nguyên nhân khổ đau chính là bên trong của chúng ta. Và Đức Phật nói cuộc đời này cũng là an lạc, cuộc đời này cũng là Niết Bàn, cuộc đời này cũng là tịch diệt. Tịch diệt là một trạng thái hết phiền não, hết tham sân và si còn gọi là Nirvana hay là Niết Bàn. Cuộc đời này có chất liệu đó, nếu chúng ta có thể diệt được tham sân và si. Nếu diệt được tham sân và si thì chúng ta sẽ thấy cuộc đời này là an vui, là hạnh phúc, và Đức Phật đã cống hiến cho chúng ta rất nhiều phương pháp thực tập để làm sao có thể đạt được trạng thái an vui của Niết bàn ngay trong đời sống. Tuy nhiên chúng ta cần hiểu sâu sắc hơn về tham sân và si.
Ở trong tiếng Ấn Độ chữ tham là lobha, chữ lobha của Ấn Độ mang cái nghĩa rộng hơn là chữ tham mà chúng ta được biết. Thường thường chúng ta nghĩ tham theo nghĩa là mình có ít rồi mình muốn có nhiều hơn nữa thì mới gọi là tham, trong khi chữ lobha của tiếng Ấn Độ có nghĩa là hể mình có ý niệm mong muốn là khổ đau đã bắt đầu xuất hiện. Có muốn là có khổ đau, thí dụ như là mình muốn người đó phải lúc nào cũng dễ thương cho mình, hay là mình muốn món ăn lúc nào cũng vừa miệng mình, mình muốn hôm nay trời không có mưa để mình đi dự khóa tu, mình muốn tất cả những người nơi đây đều phải giữ im lặng tuyệt đối đừng có làm một cái gì ảnh hưởng tới cái sự tu tập của mình, và mình có rất nhiều cái muốn mà khi cái muốn đó nó không có thực hiện được thì tất nhiên là chúng ta sẽ khó chịu, sẽ có sự phản ứng. Vậy thì cái chữ lobba được hiểu là một cái sự mong muốn hơn là cái chữ tham mà tiếng Trung Quốc dịch. Người Trung Quốc dịch là tham thì tham chỉ là một phần nhỏ của lobha thôi, trong khi lobba có nghĩa là những cái điều nhỏ nhặt nhứt cũng có thể đưa tới những cái phản ứng bức bách khó chịu hay là khổ đau.
Cũng như vậy cái chữ dosa được dịch là sân, sân theo cái nghĩa mà chúng ta thường hiểu cái, chữ sân mà người Trung Hoa dùng và chúng ta cũng dùng chung luôn có nghĩa là một cơn giận, sân là một cơn giận, nhưng mà cơn giận chỉ là một cái cao trào của dosa thôi, trong khi dosa mang cái nghĩa rộng hơn đó là khi chúng ta có những cái phản ứng chống cự lại, một cái gì đó mà chúng ta không thích, chúng ta muốn loại trừ nó, chúng ta muốn tránh né nó, thậm chí chúng ta chỉ đơn giản là không thích thôi, không muốn tới gần, không muốn tiếp xúc, thì cái đó cũng được gọi là dosa. Vậy thì nếu mà các bạn là một cái người chăm tâm nghiêm túc để mà theo dõi cái tiến trình của cơn giận mình, thì các vị phải theo dõi luôn cái tiến trình những cái phản ứng nhỏ nhặt, như là khi người đó đóng cánh cửa lớn (mạnh) quá trong lúc mình đang ngồi thiền mình hơi bực, hoặc là trong lúc mình đang niệm Phật thì con chó hàng xóm nó lại sủa um sùm, mình có những cái ý niệm mình muốn đem con chó nó đi, hoặc là mình sẽ viết một cái thơ để cảnh báo với chủ nhà, cái đó nó cũng là dây mơ rễ má của tâm sân, hoặc là cái xà phòng của mình người đó không có hỏi mà người đó tự tiện dùng, rồi người đó trễ hẹn, hoặc là hôm nay mình đi dự khóa tu mà trời mưa, hoặc là đến đây có những người họ không chịu thực tập nghiêm túc, họ nói chuyện um sùm, thì tất cả những cái đó nó tạo ra cái phản ứng ở bên trong, khó chịu, bực bội, và mình muốn kháng cự lại cái tình trạng đó, muốn loại trừ cái đối tượng đó, thì cái đó được gọi là dosa. Cho nên các vị phải hiểu cái chữ dosa tiếng Việt mình dịch có thể nó sát hơn, đó là sự chống cự, hay là sự chống đối, hơn là cái chữ sân, tại vị sân là đỉnh cao của sự chống đối. Sân chỉ là một phần của sự chống đối thôi.
Và chữ cuối cùng là cái chữ moha được dịch là si. Si chúng ta lại hiểu theo cái kiểu của người Trung Hoa dịch , đó là si là một tình trạng vô minh, thiếu hiểu biết về bản chất chân thật của con người mình, hay là bản chất chân thật của vũ trụ vạn hữu, đó gọi là vô minh, trong khi cái chữ moha được hiểu rộng hơn là khi mình không có biết cái gì xảy trong tâm mình, mờ mịt, nhìn vào nó như một đám sương mù , nhìn không thấy gì hết. Mình đang giận mà không thấy mình đang giận, mình đang ích kỷ nhỏ nhoi mà mình nghĩ mình đang cao thượng, mình có lỗi mà mình lại nghĩ người khác chính là nguyên nhân gây ra cái đau khổ của mình, thì cái này gọi là si. Si là mờ mịt, hay là mù mờ, mình nhìn mà mình không thấy được tình trạng của chính mình, mình không hiểu được con người của mình, thì cái đó cũng được gọi là si. Cho nên cái nghĩa của si nó rất rộng, vậy thì khi chúng ta nắm được cái nghĩa rộng như vậy, thì sự tụ tập của chúng ta sẽ sát hơn, nó sẽ bao trùm được những phiền não của mình tại vì mình cứ nghĩ là tham là mình mong muốn có nhiều, bây giờ mình tu ròi mình đâu có mong muốn cái gì vật chất nữa đâu mà gọi là tham? Hoặc là sân, mình cũng đâu có nổi giận đùng đùng, mình đâu có nhảy dựng như ngày xưa đâu mà gọi là sân? Và thậm chí là si cũng vậy, mình đâu có u mê dại khờ, đam mê một cái gì đâu mà gọi là si? Nếu mà mình nghĩ theo cái nghĩa cô đọng như vậy, hay là phiến diện như vậy thì minh sẽ không có biết hết được những cái phiền não của mình. Thật ra những phản ứng kia, những cái phản ứng nhỏ nhặt, những sự mong muốn nhỏ nhặt, những sự chống cự nhỏ nhặt, hay là những tình trạng mù mờ nhỏ nhặt kia đều có dây mơ rễ má với tham sân và si cả, đến lobba, dosha hay là moha cả, đều ảnh hưởng tới cái phiền não gốc ở trong tâm chúng ta. Nếu mà chúng ta không có biết gì về nó , không có nhận dạng ra được thì tất nhiên là chúng ta sẽ trở thành nô lệ của nó, bị nó điều khiển. Cho nên chúng ta có rất nhiều phương pháp để tu tập. Tuy nhiên phương pháp tụ tập nào cũng phải nhắm thẳng vào cội rễ của phiền não là tham sân và si.
Đức Phật là một người giác ngộ toàn vẹn, trong cái giác ngộ đó Đức Phật thấy rằng tâm của mình quyết định nên cái thấy của mình, tâm mình như thế nào thì mình sẽ nhìn cuộc đời này như thế ấy. Cái này được diễn đạt trong kinh Hoa Nghiêm là :"Vạn pháp duy tâm tạo" tức là "Các pháp đều do tâm tạo ra". Các pháp là gì? Tức là mình nhìn cuộc đời này theo kiểu nào, vui hay là buồn, đáng sống hay là không đáng sống, nó đều tùy thuộc vào tình trạng tâm hồn của mình. Khi mình vui, mình an lạc, mình ổn, thì mình sẽ nhìn thấy mọi thứ đều vui, đều an lạc và đều ổn. Còn nếu tâm mình có vấn đề, có căn thẳng, có bức bối (bực bội?), có mệt mõi, rệu rã, hoặc là nó có sự sợ hải, nói chung là nó có phiền não thì nhìn mọi thứ đều bất ổn, cho nên Đức Phật đề nghị chúng ta nên thay đổi cái bên trong, thay đổi chính cái tình trạng tham sân và si của mình, điều chỉnh nó lại thay vì chúng ta cố gắng thay đổi cái bên ngoài. Hoàn cảnh rất là khó thay đổi, chúng ta không thể nào thay đổi hết mọi hoàn cảnh, cũng như chúng ta không thể nào thay đổi những người sống chung quanh mình theo cái ý mình muốn được, cái đó là vấn đề không thể, tại vì cái xã hội này, cái môi trường chúng ta sống sở dĩ nó tồn tại là nó đứng trên những điều kiện khách quan, ngoài tầm tay của chúng ta và người kia cũng vậy, người kia là người thương yêu của mình, mà lỡ họ là một người không dễ thương, một người khó chịu, thì chúng ta chỉ đóng góp vào sự thay đổi đó thôi chớ chúng ta không phải là người duy nhứt thay đổi được người đó. Vậy thì trước khi mà mình có thể chờ đợi cái sự thay đổi toàn vẹn của người đó thì mình nên cố gắng thay đổi cái thấy, cái nhìn của mình trước, tức là cái mà mình có thể thay đổi được đó là tâm của mình. Mình có thể biển từ tâm bất an trở thành tâm an, mình có thể biến tâm phiền não trở thành tâm không phiền não, mình có thể biến từ tâm khổ đau trở thành tâm an vui hạnh phúc, cái đó là cái mình có thể làm được. Và Đức Phật bỏ ra nhiều năm trời để cố gắng chỉ dạy cho chúng ta những phương pháp để chuyển hóa tâm hồn của mình. Mà một trong những thứ làm khổ mình nhứt đó là cơn giận. Mình tu gì không biết nhưng mà mỗi ngày phải bớt giận thì sự thực tập của mình mới có kết quả. Còn mình tu gì mà lúc nào mình cũng vẫn còn độc tài cố chấp, lúc nào mình cũng hằn học, bực bội, lúc nào mình cũng dùng quyền lực để đàn áp người khác, lúc nào mình cũng nhảy dựng lên mỗi khi có điều bất như ý xảy ra, thì mình phải kiểm tra lại chuyện tu học của mình. Một, là mình thực tập chưa có tinh chuyên, chưa nghiêm túc; hai,là mình thực tập với một thái độ rất là sai, cái cách thực tập của mình sai; ba, có thể là mình chưa nắm đủ những thông tin, những kỹ thuật trong phép thực tập; bốn, là phương pháp thực tập chưa phù hợp với mình.
Tại vì có rất nhiều tiêu chuẩn để có thể thẩm định phẩm chất tu học của mình, mà một trong những tiêu chuẩn đó chính là cơn giận. Muốn biết người này tu giỏi cở nào thì thử coi cơn giận của họ lớn cở nào, họ có còn giận như trước nữa không? Tôi nói giận như trước nghĩa là ta vẫn còn giận, giận cho tới khi thành thánh thì thôi. Nhưng mà cái giận của một người tu tập nó phải khác cái giận của người bình thường. Có thể là người bình thường khi gặp một điều trái, hoặc là họ tìm cách trả đủa, phải trừng phạt người khác, phải làm cho người kia khổ thì mình mới bớt khổ, phải nói một câu làm cho người kia phải tái mặt, phải rơi nước mắt thì mình mới thấy đã, thấy dễ chịu. Còn mình là một người tu tập thì mình không làm như vậy, không phản ứng như vậy. Khi người đó làm khổ mình, khi người đó tấn công mình, khi người đó đem tới những điều bất hạnh cho mình thì phản ứng đầu tiên của người gọi là tu tập có phẩm chất là quay vào bên trong. Quay vào bên trong làm gì? Chưa biết, nhưng không quay ra bên ngoài, không tiếp tục rượt đuổi theo người đó để trả đủa, để trừng phạt. Khi nhà chúng ta bị kẻ nào đốt cháy nhà mà trong nhà mình có chứa nhiều tài sản quý giá, nếu mình hăng hái rượt đuổi theo kẻ mà mình chỉ mới tình nghĩ là kể đốt nhà mình thôi thì chắc chắn căn nhà mình sẽ cháy tan tành, mà một khi mình túm được người đó rồi thì mình tát cho người đó vài cái tát tai là cùng, hoặc đem ra tòa mà cuối cùng thì những sản vật trong gia dình mình cháy hết, cho nên Đức Phật nói cách đó rất là vô minh, cách đó không có khôn ngoan.
Cách khôn ngoan là trở về cứu chửa căn nhà của mình trước, chửa cháy trước, rồi chuyện gì hạ hồi phân giải. Khi mình nổi giận thì căn nhà mình bốc cháy. Thì bây giờ câu hỏi đặt ra là: rượt đuổi để tát một tát tai cho đả? hay là quay về chửa căn nhà? Thì một hành giả tức là một người đang bước lên trên con đường tu tập chuyển hóa, thì phải có một động thái là quay vào chửa căn nhà trước, còn cái phương pháp chửa căn nhà thì tùy thuộc vào các pháp môn mỗi người đang hành trì mà chửa cháy . Nhưng hành động đã cho thấy người này đang tu tập, và tu tập có phẩm chất đó là dừng cuộc rượt đuổi để quay vào bên trong, nhìn vào tình trạng của mình. Mình phải biết cái gì đang xảy ra trong tâm của mình, cơn giận đã xuất hiện, xuất hiện lớn cỡ nào và sức tàn phá của nó cỡ nào và nó đang bắt đầu điều khiển ra lời nói và hành động như thế nào. Suốt tiến trình cơn giận xuất hiện trong tâm thức của mình, mình đều ghi nhận hết, mình đều biết được hết, thì đây là một người được gọi là một người sống trong tĩnh thức.
Người sống trong tĩnh thức là người trước hết luôn nhận diện được tất cả những gì xảy ra trong con người mình mà đặc biệt nhứt là tâm của mình. Tại vì sao? Tại vì tâm là nguồn gốc của khổ đau và của hạnh phúc. Cho nên mình tu gì thì tu cũng phải tu tâm. Câu này nghe rất quen, rất bình dị: Tu tâm dưỡng tánh, nhưng kỳ thực đó chính là cốt tủy của Đạo Phật. Mình tu mà tu ngoài da, tu sơ sơ không, tu trên hình thức không, mà không thấy gì trong tâm mình hết, tu mà vẫn cứ giận hờn hoài, mà không thấy đó là một vấn đề, tu mà cứ nổi nóng hoài mà không thấy đó là một vấn đề, thì rất là nguy hiểm. Có thể chúng ta chưa có chạm được trái tim của Đạo Phật.
Có một người hỏi chứ: "Thầy tu thiền lâu năm thầy còn giận không? ". Câu trả lời của tôi là: "Còn, chút chút". Nhưng cái giận của người hành trì lâu năm phải rất khác người bình thường. Nó còn chút phản ứng nhỏ nhoi ở bên trong, nó không hài lòng, nó còn cái đó, tức là khi mình đổi diện với một điều trái nghịch, một điều bất như ý, thì trong tâm mình le lói một chút phản ứng không hài lòng, thì cái đó vẫn là dây mơ rễ má của tâm sân, nhưng có đều những cành nhánh lớn mình đã chặt được rồi, còn những cái gốc rễ như vậy mình chưa đào tận cùng được, chớ mình không nhảy dựng lên, không la hét, không nguyền rủa, không mắng chửi, hoặc là không có hai mắt long sòng sọc lên, không có mặt một đống nhưng mình phải nhìn thấy rất rõ tình trạng của mình. Tôi thì tu thiền cho nên công việc chính của tôi là suốt ngày ngồi giữ tâm mình thôi, quan sát tâm thường trực, khi mình nói cũng quan sát tâm có sự trình diễn, có sự đối phó, có sự khoe khoang có sự bực tức hay không. Khi mình làm việc chung với những người khác cũng vậy, người không có khả năng ngang như mình, mình có bực tức,khó chịu, mình có độc đoán hay không thì đó là những lúc công phu tu tập mình có thể phát triển được tốt nhứt.
Đối với chúng tôi những giờ ngồi thiền không quan trọng bằng sau khi rời gối ngồi thiền, tiếp xúc với cuộc sống, tiếp xúc với mọi người. Tâm mà đối với cảnh, đó là cơ hội để có thể thấy hết được những phiền não của mình. Hồi nảy Quý thầy có phanh phui chút lý lịch của tôi. Đó là làm một chuyến tu bụi đi vòng nước Mỹ. Đây là từ mới, tu thì phải tu ở chỗ thanh tịnh sạch sẽ, chớ tu ở chỗ bụi bậm mà tu cái gì? Thì thật ra là tôi cũng muốn trải nghiệm thêm những hoàn cảnh khắc nghiệt, thậm chí là rất nguy hiểm tới tính mạng của mình. Khi tôi chọn chuyển đi đó mình đã nghĩ tới chuyện có thể chết, tại vì rất nguy hiểm. Mình có thể gặp thú dữ ở trong rừng, có thể mình gặp sư tử núi hay là rắn độc, hay là sói, hoặc mình có thể gặp những người. .Ở Mỹ cũng có những người ba trợn vì tâm thần họ có súng, hứng là họ bắn thôi, thấy mình đi lang thang ở trong rừng họ sợ, họ tưởng là người xấu họ bắn ngay, hoặc là mình đi ngang khu nhà của họ chẳng hạn, rồi có thể mình bị lạc đường, rồi mình đói khát, hoặc là mình, có khi mình đi trên những xa lộ mình có thể gặp những tai nạn giao thông chẳng hạn, nhiều thứ lắm cho nên nếu mình sợ chết thì mình không thể đi được mình phải lấy cái chết ra mình đặt cuộc luôn tất là có thể chết. Và khi mình chấp nhẩn rồi thì rất là khoẻ. Hên quá chưa chết! Giống như khi người đó đối xử với mình tệ, có nhiều người Mỹ vẫn còn kỳ thị người Á đông, hoặc là có nhiều người bản chất của họ rất khó chịu, thì cái hành trình lang bạc của tôi một phần là sống ở núi rừng mang lều lên rừng núi ở, một phần là xuống những nông trại của người Mỹ để làm thiện nguyện, làm rẫy, làm nương để họ cho mình một phòng ở, cho thức ăn, và cho mình một số lương khô để mình tiếp tục cuộc hành trình. Rồi cho nên có nhiều người họ bóc lột sức lao động của mình, hoặc là họ có những thái độ khinh miệt hay là thậm chí là xúc phạm mình, thì mình rất dễ chấp nhận. Tại vì sao? Tại vì mình đặt vào vị trí là không có gì hết, khi tôi chọn cái hành trình đi tu bụi là tôi bắt đầu đặt mình vào vị trí con số không. Không có đại đức gì ở đây hết, không có ông thầy dạy thiền gì hết, không có tu hai mươi mấy năm gì hết, coi như mình là người mới bắt đầu có mặt trong cuộc đời này, để mở lòng ra học hỏi và khám phá. Tưởng tượng như mình từ hành tinh khác tới vậy, cái gì mình cũng muốn khám phá và học hỏi cho nên không có sẵn một bản ngã để đối phó. Tât nhiên là ở trong sâu thẳm bản năng sinh tồn vẫn còn, tức là sức chịu đựng của mình tới lúc nào đó sẽ bùng vỡ nhưng hầu hết những cách đối xử không dễ thương của người khác mình dễ dàn chấp nhận được tại vì mình đã không có sự đòi hỏi. Mình không đặt trước là người đó phải đối xử với mình như thế này hay như thế khác, cái gì cũng được hết cái gì mình cũng chịu hết thì tự nhiên là mình sẽ lướt qua hoàn cảnh đó rất dễ dàng. Đức Phật nói sở dĩ chúng ta nổi giận là vì chúng ta có quá nhiều sự đòi hỏi, sự mong muốn từ khác. Nổi giận là gì? là phản ứng thể hiện sự không hài lòng, sự bất mãn. Đó là bản năng tự vệ. Khi chúng ta là một con người thì chúng ta tồn tại hai bản năng: bản năng sinh tồn và bản năng tự vệ. Bản năng sinh tồn tức là mình phải có thức ăn, phải có chỗ để che nắng che mưa, phải có quần áo mặc, một số các điều kiện căn bản như vậy để mình có thể sống sót được. Còn bản năng tự vệ là cái gì ảnh hưởng tới sinh mạng mình, thì mình phải phản ứng, thí dụ như trời giông bão thì mình phải tìm chỗ trú ngụ, hay gặp thú dữ thì mình phải tìm cách chạy hay né tránh. Tất cả những phản ứng đó đều là phản ứng tự vệ để giữ lấy mạng này. Nhưng câu nói kia, câu nói không dễ thương kia, hành động không dễ thương kia đâu giết chết mình đâu mà mình cũng tự vệ, mình cũng nhảy dựng lên, mình cũng co tay, co chưn, rồi mình lên hẳn một kế hoạch để trả đũa người đó, thì cái này gọi là những phản ứng dư thừa, không cần thiết. Chỉ vì mình ít có nhìn vào bên trong, nhìn vào tâm hồn của mình, mình phản ứng riết rồi mình quen, mình tưởng chuyện ấy là bình thường, nhưng theo tuệ giác của Đức Phật là dư thừa.
Đức Phật nói nếu các vị có trái tìm lớn, đủ lớn, rộng lớn, thì các vị có thể ôm lấy hết những khó khăn kia không có khó khăn gì hết, một cách rất dễ dàng. Cái này còn tuỳ thuộc vào dung lượng trái tim các vị. Tim của chúng ta có sức chứa của nó, có cái dung lượng. Chúng ta có chữ nhẫn nhục và trong truyền thống thực tập Phật giáo Đại thừa có nhẫn nhục ba la mật ..santiparamitta. Nhẫn nhục là gì? Nhẫn nhục không phải là mình cắn răng chịu đựng. Thí dụ dung lượng trái tim mình là một gang, nó chỉ bằng một gang thôi mà sự khó chịu của người kia cũng là một gang luôn thì mình không cách nào có thể chứa đựng được. Trong trường hợp này mình phải nới dung lượng trái tìm mình lên một gang rưỡi thì mình mới ôm được cái khó khăn của người kia. Mà nếu mình nới trái tim mình lên thành một gang rưỡi rồi mà sự khó chịu của người kia cũng tăng theo một gang rưỡi luôn thì mình phải làm sao? Nới thành 2 gang. Câu hỏi đặt ra là tại sao mình phải nới mà tên kia không chịu nới, tên kia không chịu thu lại sự khó chịu? Để giải quyết một tình trạng như thế này thì: 1. người kia phải giảm bớt sự khó chịu thì mình mới sống chung được hay là mình có thể giữ được liên hệ này tốt đẹp, 2 là mình phải nới rộng trái tìm mình ra. Có 2 cách để giải quyết. Nhưng mình nhìn kỹ đi, người kia không thể thay đổi được trong lúc này. Họ đuối rồi, kiệt sức rồi và họ không có một phương pháp tu tập nào cả. Họ không may mắn như mình, được sinh hoạt tu học, được nghe các thầy thuyết giảng., được tiếp xúc với giáo lý thậm thâm mầu nhiệm của Đạo Phật. Cho nên mình có nhiều cơ hội thay đổi hơn người kia, cho nên mình xung phong muốn được thay đổi. Vậy thì trong trường hợp này mình sẽ học cách để nới trái tim mình từ một gang rưỡi thành 2 gang. Câu hỏi vẫn còn, đó là làm sao để nới trái tim từ một gang rưỡi thành 2 gang? Ai cũng muốn nới trái tim mình rộng hơn hết phải không? Mà đâu phải mình muốn là được đâu! Đâu phải từ một gang rưỡi mình úm ba la biến thành 2 gang . Không có đâu, trái tim mình nó cũng cứng đầu lắm! Nhiều khi mình muốn tha thứ mà không tha thứ được, mình muốn thương mà thương không nỗi, thương không vô, chớ không phải mình không muốn. Thì vấn đề còn lại là mình phải biết phương pháp thực tập như thế nào để trái tim mình được nới rộng ra.
Trong kinh agutaranikaya tăng chi bộ Đức Phật đưa ra một hình ảnh rất tuyệt vời mà tôi rất yêu thích hình ảnh này và nó mãi là một hình ảnh đẹp để nhắc nhở sự tu tập của tôi. Đó là Đức Phật nói nếu có người nào đó lấy một nắm muối bỏ vào trong một tô nước thì tô nước đó mặn lắm, không uống được. Phải không? Một nắm muối bỏ trong một tô nước thôi thì tô nước đó mặn lắm, nhưng nếu người đó lấy nắm muối thảy xuống dòng sông, người đó có thể thảy thêm vài chục nắm nữa thì nước của dòng sông vẫn uống được như thường. Tại sao? Tại vì lượng nước quả mênh mông thành ra vài chục nắm muối không nghĩa lý gì cả.
Đức Phật nói ai cũng có những khó khăn, ai cũng có những nghịch cảnh hết, chớ không phải một mình mình có đâu, đừng tự nhận mình là người khổ nhứt trên đời. Ở đây ai cũng tự nhận mình là người khổ nhứt trên đời hết, không ai là khổ nhì, khổ ba hết, mỗi người đều có những khó khăn, các vị có những khó khăn của quý vị, và tôi cũng có những khó khăn của mình. Tuy nhiên vấn đề còn lại là mỗi chúng ta có một thái độ như thế nào để đón nhận những khó khăn đó. Hoặc là dung lượng trái tim của chúng ta lớn như thế nào để đón nhận những khó khăn đó. Một câu nói không dễ thương hay một hành động không dễ thương không làm mình nổi giận được nếu trái tim mình đã đủ lớn rồi, còn mình nổi giận, còn mình bực tức, là tại vì trái tim mình nhỏ xíu, mình tu tập, mình làm ăn sao mà cuối cùng trái tim mình không phải một tô mà là một chén, hay có một chum, cho nên vài cục muối vào là nó mặn chát. Và Đức Phật nói các vị trái tim chúng ta hay lắm, tuyệt vời lắm, nó có khả năng nới rộng, tới cái mức là vỏ lượng, không còn biên giới, vô lượng tâm, nó không còn giới hạn nữa, nó còn vượt cả đại dương nữa, đừng nói chi một dòng sông. Nhưng nói chi cho cao siêu chúng ta chỉ mơ ước mình là một dòng sông thôi, trái tim mình là một dòng sông để rồi những người xung quanh mình muốn thảy vào bao nhiêu muối cũng được, vài chục nắm, thậm chí là vài vạ cũng không sao hết. Đức Phật nói cái này tùy thuộc vào dung lượng trái tim mình, vậy thì chữ santi, chữ nhẫn nhục, có nghĩa là mở trái tim ra để đón nhận những khó khăn mà không loại trừ. Nhẫn nhục tiếng Việt mình có thể dịch là chịu đựng, tiếng Hán Việt là nhẫn nhục, nó tương đương với tiếng Việt mình là chịu đựng, chịu là đồng ý, là chấp nhận. Mình có đứa con hư, mình chịu, mình có một người chồng không dễ thương, mình chịu, mình có cuộc sống có khá nhiều khó khăn, chưa có hướng nào giải quyết hết, mình chịu. Hoặc là khi mình đến khám bịnh, bác sĩ nói: "Này chị, chị đã bị ung thư rồi" thì lúc đó mình không chịu. Làm sao mình bị ung thư được? Tại sao không phải là người nào khác mà lại là mình? Cho nên mình đã nhảy dựng lên, khóc lóc, than trời trách đất. Rồi 2, 3 tuần sao mình mới bắt đầu chịu, tức là chấp nhận mình đang bị bịnh ung thư. Ung thư là một sự thật không thể chối cãi được. Thì các bác sĩ mới nói khi chúng ta bắt đầu chịu rồi, chấp nhận sự thật đang xảy ra mà không còn chống cự lại nữa thì tiến trình trị liệu đã bắt đầu xảy ra, nghĩa là những tế bào ung thư ngưng phát tác, còn khi mà mình không chịu, mình tiếp tục kháng cự, kháng cự sự thật đó thì khổ đau sẽ xuất hiện và các tế bào ung thư phát tán rất nhanh. Mình có đứa con hư, mình phải học cách để mình chấp nhận, đó là sự thật. Chấp nhận không có nghĩa là bỏ cuộc, chấp nhận là không chống cự lại, không có chiến tranh, chấp nhận để rồi tìm cách tháo gỡ. Vậy thì chữ chịu là đồng ý, còn chữ đựng có nghĩa là chứa., giống như mình có cái chén mình đựng được bao nhiêu đó nước, còn mình có cái lu thì mình đựng được một số lượng nước lớn hơn, rồi mình có một dòng sông thì mình chứa đựng được nhiều nước, vậy thì trái tim các vị cũng có khả năng đựng, đựng nhiều hay đựng ít tuỳ thuộc vào công phu tu tập của các vị.
Chúng ta thường ca ngợi mẹ là biển thái bình phải không? Mẹ là biển thái bình rạt rào, nhưng nhiều lúc mẹ cũng nổi giận như thường, nhiều lúc mẹ cũng muốn từ bỏ con mình như thường. Vậy thì mẹ mà muốn trở thành biển thải bình thì mẹ cũng phải tu tập, chớ không phải tự dưng mà mình có thể trở thành biển Thái Bình liền. Không phải mình sinh con ra rồi mình trở thành biển Thái Bình liền. Biển Thái Bình là khả năng lớn nhứt trong tim người mẹ có thể đạt được nhưng cũng phải luyện tập thì mới trở thành biển Thái Bình được. Như vậy chúng ta có thể thấy 2 nguyên nhân rõ nhứt đưa tới cơn giận: đó là chúng ta có quá nhiều sự mong muốn và đòi hỏi từ người khác, và chúng ta chưa có một dung lượng trái tim đủ lớn để chấp nhận những khó khăn của mình. Đó là 2 lý do lớn nhứt. Tại sao chúng ta hay mong muốn và đòi hỏi người khác? Cái này cũng chỉ là chuyện bình thường thôi. Trong bản năn tự nhiên của chúng ta, như Đức Phật nói, là luôn luôn luôn có một thói quen mong muốn mọi thứ xảy ra theo ý mình, tại vì bản chất của ta là si, là vô minh, cho nên ta tưởng cuộc đời dễ như vậy, là cứ muốn mọi thứ theo ý mình là được, mà khi mình tu tập mình cũng muốn nhiều lắm, muốn mọi thứ diễn ra y như ý mình. Nhưng chúng ta quên rằng cuộc đời là tập hợp những điều như ý và bất như ý. Có những thứ xảy ra như ý mình, nhưng cũng có những thứ xảy ra khác với ý của mình, mà ý của mình thì sao? Ý mình đâu cố định đâu, cũng sáng nắng chiều mưa phải không, không biết làm sao cho vừa lòng mình, giá sử có một thượng đế để chiều theo ý mình thì ông đó cũng đừ luôn, cũng mệt luôn, tại mình đổi ý hoài. Thành ra gọi là như ý mình thì sao mới gọi là như ý? Vì vậy cho nên mình sẽ phải đổi đầu với những điều bất như ý. Đức Phật nói các vị đã vui vẽ đón nhận những điều như ý rồi thì cũng nên học cách để đón nhận những điều bất như ý, đó là bí quyết sự sống. Bạn muốn sống vững chải và an lạc trong cuộc đời này thì bạn phải học cách để chấp nhận càng nhiều càng tốt những điều bất như ý xảy ra đối với mình chớ, không phải là mình chống cự lại, không phải là mình bỏ chạy, mà phải học cách để chấp nhận. Nói thì dễ như vậy mà làm thì rơi nước mắt cũng không được, làm sao mà mình chắp nhận được những điều bất như ý như vậy kia chứ? Mong muốn có khác với đòi hỏi, mong muốn là mình muốn rồi mình tự làm, còn đòi hỏi là mình muốn mà nhờ người khác làm cho mình. Muốn người khác làm cho mình như ý của mình, cho nên gọi là đòi hỏi. Mong muốn và đòi hỏi là một trong những lý do lớn khiến cho mình nổi giận. Nói đơn giản là nổi giận là vì trái ý mình nên mình nổi giận thôi, nghĩa là trái ý mình tức là mình có cái mong muốn như ý mình phải không? Vậy khi mình thu lại những mong muốn của mình, thu bớt lại, không thu hết được thì thu bớt lại. Thí dụ một ngày mình có một ngàn cái muốn, hôm nay quyết định là 900 cái muốn thôi. Còn có một ngày tu an lạc là còn có bao nhiêu? 100 cái muốn thôi thì tự nhiên mình có hạnh phúc ngay. Mình muốn nhiều quá! muốn luôn những điều không cần thiết, những cái muốn của mình rất là dư thừa. Vậy thì làm sao cho mình có thể buông bỏ hết sự mong muốn, sự đòi hỏi? Thì Đức Phật nói: Cách duy nhứt, đó là quay vào bên trong, nuôi dưỡng những giá trị quý báo bên trong. Tại vì chúng ta lầm tưởng rằng khi chúng ta có được những cảm giác sung sướng dễ chịu từ hoàn cảnh bên ngoài, như là sự yêu thương, sự kính trọng, sự nể phục, đó là những tiện nghi về tinh thần, hoặc là những tiện nghĩ về vật chất như vàng bạc, của báu, các tài sản, v.v...Những thứ đó mang lại cho chúng ta một cảm giác êm dịu, ngọt ngào, thoải mái, và chúng ta cho rằng như vậy là mình có hạnh phúc. Đức Phật nói: Sai rồi! Bản chất những thứ đó là vô thường, là biến dịch, nó không tồn tại được, mình rượt đuổi, mình nắm giữ một thứ mà bản chất là không tồn tại thì làm sao có hạnh phúc vĩnh viễn được? Cho nên Đức Phật nói rằng đừng lang thang đi tìm hạnh phúc bên ngoài nữa.
Ở trong kinh Pháp Hoa nói chúng ta là những gã cùng tử, chúng ta có những thứ tự làm cho mình có hạnh phúc được mà không tự khơi dậy, lại đi xin xỏ hạnh phúc từ người khác. Khi các vị tu tập có phẩm chất, các vị quay vào bên trong để mời ra được những chất liệu của sự thư dãn thoải mái, của sự thanh thản, của sự bình án, của sự tự do giải thoát, của sự bao dung, độ lượng, của nhẫn nhục, của yêu thương, tất cả những cái đó là tài sản của một con người, những giá trị quý báu của tâm hồn, và từ rất lâu rồi, chúng ta đã bỏ bê, đã không nuôi dưỡng, chúng ta đi tìm kiếm những cái bên ngoài, cần một sự kính trọng của người khác thì mình mới sống được, cần một sự yêu thương, cần một cú điện thoại thôi là cũng ngủ được. Thì tất cả những đòi hỏi đó là tại vì thiếu cái chấtở bên trong, thiếu tài sản ở bên trong. Chúng ta sở dĩ làm một gã cùng tử tha phương cầu thực là tại vì chúng ta không biết rằng trong chéo áo có viên ngọc minh châu. Đức Phật nói các vị cũng như tôi các vị ai cũng có những giá trị bên trong rất là tuyệt vời mà khi các vị chịu quay về để khơi dậy, để nuôi dưỡng thì các vị sẽ cảm thấy đủ, thấy no. Cái tôi, cái bản ngã các vị không còn hướng ra bên ngoài để tìm kiếm những thức ăn cảm xúc nữa. Nó đã no đủ rồi. Nó không có mong muốnk, không có đòi hỏi, không hướng ra bên ngoài nữa, hoặc là hướng nhưng rất ít. Mà khi chúng ta không hướng ra bên ngoài nhiều, không chờ đợi, không mong cầu cái gì, thì không có cái gì có thể đụng được chúng ta cả, đừng nói gì là quật ngả. Chúng ta sở dĩ bị quật ngả là tại vì chúng ta quá cầu cạnh, quá cần những thứ bên ngoài. Khi chúng ta không cần nữa hoặc là có cũng được, không có cũng không sao tại vì chúng ta có cái bên trong rồi.
Tu tập phải có hỷ lạc. Ở bên thiền tập chúng tôi có câu "Thiền duyệt vi thực": lấy thiền làm thức ăn, niềm vui từ thiền định làm thức ăn, thức ăn cho bản ngã, không phải thức ăn cho bao tử. Khi mình có niềm vui từ thiền định, mình không khó chịu nữa. Mình khó chịu là gì? Là mình đòi hỏi cái gì bên ngoài nó không như ý mình.
Thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ có câu:" Phản quang tự kỹ bổn phận sự bất tùng tha đắc". Thiền sư không phải dạy dành cho những người tu thiền không, dạy cho tất cả chúng ta, cái câu này nó cần thiết cho tất cả chúng ta,những người đang tu tập hướng tới giải thoát trong đời sống hiện tại. "Phản quang tự kỷ" là quay vào bên trong để nhìn lại mình di, đừng hướng ra bên ngoài, "bất tùng tha đắc" : không được cái gì đâu. Hướng tới bên ngoài được cái gì đâu, hãy quay vào bên trong. Mà mình tu 20 năm rồi mà chưa chịu quay vào bên trong, hoặc là quay vào rất là ít, rất là sợ quay vào bên trong. Tại sao sợ? Chúng ta giống như người bỏ nhà đi chơi, chơi lâu rồi, qua nhà người khác chơi. Chơi đến nổi nhà mình nhà dột cột xiêu mà không biết. Khi người ta không cho mình trú ngụ nữa, đuổi mình đi thôi về nhà mình ở đi,thì mình chạy về tâm hồn mình hỡi ôi rồi cũng nát nhầu, cũng vỡ vụn, sân si đủ thứ hết, lúc nào cũng căn thẳng mệt mõi, lúc nào cũng hờn tủi, cũng trách móc giận hờn. Trạng thái cô đơn là gì? Cô đơn là không ai cho mình dựa dẫm nữa, không ai cho mình ở ké nữa, đuổi mình đi, cho nên mình rơi vào cô đơn, tại vì mình không có đi vào căn nhà của mình, căn nhà đóng cửa chặt quá không vào được, hay là quên mã số không vào được tâm hồn của mình. Có nhiều người ngồi thiền mà không tịnh tâm được cứ chạy vòng vòng, vòng vòng ở ngoài. Đâu phải muốn vô được là vô đâu. Nhưng căn nhà mình rồi thì mình phải vô thôi, tìm cách đi vào để sửa sang lại. Khi tâm hồn mình như một căn nhà được sửa sang, khang trang, sạch sẽ, gọn gàng, và an toàn, thì mời người khác tới chơi, chứ bây giờ con người mình mệt mõi căng thẳng, khó chịu, sân si như vậy mà có thương ai thì chỉ làm người khác khổ thôi. Cho nên tụ tập, có thể nói cách khác là về nhà, trở về với căn nhà đích thực của mình. Ở nơi đó nhìn nó rệu rã, nát nhầu như vậy, nhưng sâu thẳm bên trong nó chứa rất nhiều của báu. Nó có thể đưa mình tới vị trí giác ngộ thành Phật được. Nó có thể trở thành một người có tình thương quảng đại được, nó có thể thương rất nhiều người và thương mà không cần điều kiện được. Ở trong căn nhà đó cũng kỳ diệu lắm, cho nên đừng nản lòng. Hành trình tu tập là hành trình quay về tâm, hướng về nội tâm để khám phá, để chuyển hoá những năng lượng tiêu cực, và khơi dậy những năng lượng tích cực.
Một trong những lý do quan trọng nữa khiến chúng ta nổi giận đó là nhìn mọi thứ một cách rất sai lệch. Thấy như vậy mà không phải như vậy đâu. Người đã nói như vậy chứ không ý gì hết, chỉ là vô tình thôi. Người đã hành động như vậy chỉ vì trong nhứt thời người đó không kềm chế được cảm xúc, chớ không có ý mạo phạm, không có ý khinh miệt, không có ý coi thường mình. Hồi tôi còn là một sư chú sa di tôi thích 2 câu thơ và tôi viết thư pháp. Hai câu đó treo ngay đầu nằm của mình để thường nhắc nhở và tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ và thực tập theo 2 câu đó. Đó là:
Thanh thủy bản vô ưu, nhân phong tầm diện
Thanh Sơn giai bất lão, vị tuyết bạch đầu
Thanh Thuỷ bản vô ưu, thanh thủy tức là mặt nước trong, mặt hồ thì luôn luôn trong, bản vô ưu là vốn không buồn rầu, không nhăn nhó, nhưng vì gió thổi, gió tác động vào cho nên mặt hồ lăn tăn, nó xiêu vẹo, nhìn thấy nhăn nhó, nhưng khi hết gió rồi thì mặt hồ sẽ trong trở lại. Vậy thì khi thấy mặt hồ nhăn nhó thì phải thấy được mặt hồ trong, sẽ trong, với điều kiện giúp người đó lấy gió ra đi. Khi người ta nhăn nhó mình chạy mất chét rồi. Vậy mà nói tu từ bi cái gì? Khi người đó khó chịu, khi người đó đang bị phiền não bứt ngặt, người đó không thể làm chủ được thì mình là người tụ tập phải thấy được bản chất của người này là mặt hồ trong chớ không phải là mặt hồ nhăn nhó suốt đời, tức là phải tách ra được giữa hiện tượng và bản chất. Sự nhăn nhó của người đó chỉ là một hiện tượng. Hiện tượng thì có sanh và có diệt, có lên và có xuống, xuất hiện rồi sẽ biến ngay thôi. Vấn đề là chúng ta phải giúp. Mình là người có tình thương với người đó, phải đưa cánh tay tới giúp người đó lấy cái sự nhăn nhó đó ra để trả lại cái nguyên thủy của người đó, đó là một mặt hồ trong, thì mình mới là người tử tế, mình là người dễ thương, người đạo đức hay là người có tu tập chuyển hoá.
Thanh Sơn giai bất lão, vị tuyết bạch đầu: thanh sơn là ngọn núi xanh nhưng do . . .giai bất lão nghĩa là vốn không già nhưng vì tuyết phủ, mùa đông tuyết về phủ ba bốn tháng trời, mình xớn xơ xớn xác nhìn ngon núi này mình tưởng ngon núi già, cho nên trắng bạc màu. Không phải, tuyết phủ thôi, mùa đông qua rồi thì ngọn núi sẽ xanh trở lại thôi mà. Người đó chỉ khó chịu trong một giai đoạn, người đó chỉ đáng ghét trong một giai đoạn thôi rồi thì mọi thứ đều là vô thường, sự khó chịu đó cũng là vô thường, sự không dễ thương đó cũng vô thường. Vậy thì nếu mình muốn thấy được bản chất của đối phương, mình sẽ không nổi giận. Tại vì mình kẹt trên hiện tượng nên mình mới nổi giận. Vậy thì làm sao để thấy được sự khác biệt giữa hiện tượng và bản chất? Cái này cần độ bình tĩnh rất lớn . Nó cần có sự tĩnh tại, cần một sức sống nội tâm vững vàng. Tại vì khi mình nhìn vào bên trong mình nuôi dưỡng sức sống nội tâm, mình có cái thấy sáng suốt luôn luôn, thì khi nhìn vào bất cứ câu chuyện nào, một đối tượng nào, một tình huống nào, mình cũng thấy được bản chất của câu chuyện, thay vì mình cứ rượt đuổi theo hiện tượng. Cho nên tôi mê Đức Phật mà muốn xách gói đi theo Đức Phật, chỉ vì một câu nói thôi. Đó là năm tôi16 tuổi tôi đọc cuốn sách trong đó có ghi câu Đức Phật tuyên bố mà cảm thấy khủng khiếp quá đó là: Không có con người xấu xa mà chỉ có hành động xấu xa mà thôi. Câu này vượt hơn hẳn mọi tôn giáo khác, không có con người xấu xa mà chỉ có hành động xấu xa: hành động là nhất thời, hành động là vô thường hành động là hiện tượng, còn con người là bản chất. Đức Phật nói bản chất thì ai cũng có thể là một vị Phật hết, nhưng trên mặt hiện tượng thì họ không xài được chất Phật đó. Họ không có sự khéo léo trong sự tu tập cho nên họ để cho chất chúng sanh chế ngự. Thành ra mình nhìn vào đó thấy toàn là chúng sanh không thấy Phật đâu hết. Nhưng nếu mình là người tử tế, mình là người tốt bụng, thì mình tới giúp người đó đi, lấy cái chúng sanh ra để coi chất Phật hiện lên. Các vị biết là cách mình xuất hiện trước người nào mình có thể mời lên chất Phật hay là chất chúng sinh trong người đó ra. Tôi nói lại: cách mình xuất hiện trước người nào mình có thể mời lên chất Phật hay là chất chúng sinh trong người đó ra.. Năng lượng của mình bình an, mình nói giọng mình cũng bình an, cách hành xử mình cũng bình an thành ra người kia sẽ ứng xử với mình một cách rất là bình an. Mình khó chịu trước, mặt hầm hầm thấy ghét, tu gì cái mặt quẹo đeo như trái chuối khô, mà nói một câu cụt ngủn không đầu đuôi gì hết, có tính chất phán xét nữa, thành ra người kia phản ứng là phải . Đúng không? Cho nên người kia trở nên không dễ thương, có thể một phần do chính chúng ta. Chúng ta đã phát ra cái năng lượng nào rồi. Thành ra nhiều khi mình tu tập mình đừng nôn nóng sửa người khác. Sửa mình trước. Đức Phật nói khi mình thật sự đã sửa được rồi và năng lượng của mình thật sự tốt, đẹp, an bình rồi thì chắc chắn sẽ mời được năng lượng an bình của nguời kia ra. Có một câu chuyện một đứa bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được một ông chú đem về nuôi. Ông chú này làm nghề mãi võ nên con bé cũng phải học võ và 2 chú cháu giống như 2 thầy trò nương tựa vào nhau để mà sống còn, làm nghề sơn đông mãi võ. Mỗi lần trình diễn người thầy sẽ ôm cây cột rất là to, giữ chặc, rồi con bé phí thân lên trên đầu ngọn cây đứng một chân, thì mọi người sẽ vỗ tay tán thưởng, và nhờ vậy mà kiếm sống qua ngày. Và cứ mỗi lần trình diễn người thầy hay dặn cô bé học trò nhỏ của mình :"Này con, con giữ cân bằng cho thầy, và thầy sẽ giữ cân bằng cho con. Hai thầy trò mình phải giữ cân bằng qua lại cho nhau thì mình mới có thể sống còn được. Đứa bé cãi lại nói: " Thầy nói như vậy không đúng, còn giữ cân bằng phần con, thầy giữ cân bằng phần thầy, mỗi người tự giữ cân bằng phần mình là giữ gìn cho nhau".Đức Phật khen, cô bé nói đúng hơn, tức là nhiều khi mình ép ông xã mình đi tu, .
Đi dự Một Ngày An Lạc, mình cứ là một người an lạc đi, đi một ngày an lạc về có sẵn nụ cười trên môi, không hạch hỏi, không hỏi nhà dọn dẹp chưa, rồi chén bát rửa chưa,tại sao giờ này chưa nấu cơm, rồi v.v...Không có càu nhàu khó chịu như những ngày bình thường. Thấy cái gì cũng nhỏ hết. Cảnh không quan trọng nữa, giữ tâm bình an rất quan trọng. Khi nào mình tu tập tới mức mình chỉ giữ tâm mà không giữ cảnh, là mình đã đi những bước rất là xa rồi. Giữ năng lượng an lạc này về tới nhà luôn, không để cho ngoại cảnh xâm chiếm, không có vì bất cứ lý do gì mà mình phải bỏ tâm mình để chạy theo cảnh hết, thì tự nhiên những hành động mình tỏa chiếu năng lượng an lạc như vậy thì mùa sau ổng đi thôi. Ổng nói bà này tu hay quá, người này từ giỏi quá, mà mình không cần phải động viên, không cần phải nhắc nhở, không cần phải nói lẻo nhẻo trong lỗ tai, không cần phải tụng kinh cho ổng nghe suốt ngày, là ổng có thể đi với mình được. Cái này có tính tương tác, năng lượng tu tập mình có thể kéo dẫn theo sự tu tập của những người khác. Tôi có viết 4 câu thơ trong cuốn sách "Hiểu về trái tim" như thế này:
Tùy thuận theo hoàn cảnh
Không buộc theo ý mình
Giữ tâm không giữ cảnh
Tâm bình cảnh cũng bình
(vỗ tay)
Khi viết được những câu này thì mình cũng bầm dập lắm rồi, mình cũng đã từng rượt đuổi theo cảnh, là bị cảnh quật tơi tả. Thấy không được gì hết, cuối cùng không có chỗ nương nhờ nữa, thôi chạy về tâm thôi. Nương tựa vào tâm cho chắc ăn. Đức Phật cũng đã từng nói: Các vị, thôi thì hãy tự thấp đuốc lên mà đi, đừng chờ đợi vào Như Lai, chờ đợi những cái bên ngoài nữa. Khi mình học được chữ tùy thuận theo hoàn cảnh, cảnh sao cũng được hết, người đó sao cũng được hết, mình không cần ý kiến gì hết, không cần chen vô, không cần người đó phải như thế này như thế kia mình mới chịu, thì mình cũng đã có những bước đi rất là xa trên sự tu tập. Tùy thuận là mình hay mỉm cười, sao cũng được hết anh, em muốn quyết định làm sao tôi cũng đồng ý hết, mẹ dễ mà con, con cứ làm miễn đúng là được rồi, chớ không cần mình phải bỏ vô ý kiến thứ hai, mà ý kiến thứ hai tệ hơn ý kiến thứ nhứt, ý kiến mình chừng nào sáng hơn ý kiến người kia thì mình mới xin được cho ý kiến, chớ đâu mắc gì mà mình người lớn là phải có ý kiến. Cho nên thôi kệ, tùy thuận.
Các vị biết một trong 4 tính chất của vô lượng tâm là tính chất của tùy hỷ phải không? Tính chất của hỷ vô lương tâm, thì hỷ có nghĩa là mình nâng đỡ, mình ủng hộ, theo những ý kiến của người khác. Tùy hỷ theo những việc làm, hành động của người khác nếu đó là những hành động đúng đưa tới sự an lạc thật sự . Vậy thì tùy thuận theo hoàn cảnh, không buộc theo ý mình. Tới đây là đã bớt giận hơn một nữa rồi. Một nửa sự giận hờn của chúng ta là do buộc theo ý của mình, bây giờ không buộc nữa, mở ra, sao cũng được, không có mất mạng đâu? Không cần phải tự vệ kinh khủng như vậy .
Giữ tâm không giữ cảnh: hồi đó tôi nhớ Hòa thượng Minh Tâm trên chùa Huệ Nghiêm HT nói mỗi lần đi một chuyến từ thiện về mất 2, 3 tuần lễ mới lấy lại tâm ban đầu. Trước khi làm từ thiện tâm mình ổn, bình thản, tiếp xúc với mọi thứ rất nhẹ nhàng, làm một chuyến từ thiện cũng giúp đời giúp người nhưng tâm mình rộn ràng, còn có những bực bội, có những cái không hài lòng nữa, rồi phải bắt đầu thực tập 2 tuần sau mới lấy lại tâm ban đầu. Các vị biết rất là khó giữ tâm bình an. Phải niệm Phật nhiều lắm, phải trì chú nhiều lắm, phải lạy sám hối nhiều lắm, phải thiền định nhiều lắm mới kiếm được tâm bình an, vậy mà những chuyện cỏn con làm phá vỡ tâm bình an thì thiệt là uổng. Cho nên phải ý thức, tức là phải có ý niệm hứa trong lòng là cố gắng bảo vệ tâm bình an của mình. Còn hoàn cảnh không quan trọng. Tại vì sao? Tại vì tâm bình thì cảnh cũng bình. Câu này là diễn giải câu của Đức Phật là tâm bình thế giới bình. Khi tâm mình ổn rồi, lo cái bên trong đi, thì mình thấy cái gì cũng được hết, dù bên ngoài có còn bất ổn nhưng mình vẫn thấy ổn như thường, không có hại gì tới mình hết, không có khó chịu nữa, cho nên phải ráng lo giữ tâm mình. Thành ra mình lo giữ tâm, rồi mình không để ý cái bên ngoài lắm. Nấu ăn dỡ một chút cũng không sao, người đó hơi ồn một chút cũng không sao, đừng vì chuyện thức ăn không ngon hay người đó làm ồn mà tâm mình nổi sóng gió. Nổi sóng gió rồi rất khó để đưa trở lại vị trí ban đầu. Thành ra cố gắng học giữ tâm. Chúng ta đang tu tập là chúng ta học cách để chăng tâm để giữ tâm, giữ tâm quân bình. Và tôi xin cam đoan với các vị rằng nếu các vị thật sự đã quay vào bên trong, thường trực nghĩ về tâm, quan sát tâm, giữ lấy được tâm của mình thì phiền não rơi rụng rất là nhanh, trong đó có cơn giận. Cơn giận sở dĩ lộng hành như vậy là vì chúng ta không quan sát nó, không để ý tới nó, cứ quan sát để ý người khác, cái bên ngoài không à, cho nên bây giờ chúng ta học cách để quay vào bên trong, mà phải quan sát cơn giận ở những trạng thái nhỏ nhặt nhứt, ở những trạng thái dây mơ rễ má của nó như là sự bực bội,thí dụ như khi mình mở khoá mà mở nhầm chìa khoá chính mình chớ không ai khác, mình cũng bực, uống nhầm ly nước còn nóng bỏng miệng cũng bực, bước xuống cầu thang mà còn một bậc nửa mà tưởng hết, rồi bước hụt chân cũng giận, mở đèn lên, mở hoài không sáng, đứt hồi nào mà không ai nói cho mình biết cũng giận, gọi điện thoại không bắt máy cũng giận, mà đèn đỏ cũng giận luôn tại vì 8 giờ có pháp luật thoại rồi mà bay giờ còn đèn đỏ nữa, những cái đó dư thừa, rất là dư thừa. Nếu mình có đời sống bên trong, tâm mình lúc nào cũng có công việc của nó làm, quan sát, không để ý bên ngoài nhiều lắm thì những cái nhỏ nhặt như vậy nó lướt qua rất dễ dàng. Cho nên các vị tu tập thì đừng bỏ qua những phiền não nhỏ nhỏ đó, đừng xem thường nó, tại vì nó sẽ đóng góp nên những cơn giận lớn của mình, nó gặm nhấm tâm hồn minh.
Chúc các vị có một ngày tất nhiên an lạc là mục đích cuối cùng, nhưng để có được an lạc thì chúc các vị có một ngày có nhiều cơ hội để nhìn vào bên trong. Ở nhà mình thì mình bận rộn, mình phải lo những cái bên ngoài, còn bâyggiờ mình đi tới đây rồi, người ta lo hết rồi, mà tới đây ban tổ chức cũng đã lo hết rồi thì bây giờ mình không cần phải lo cái bên ngoài nữa, mình phải lo cái bên trong của mình thôi. Một ngày ở đây các vị dành thời gian để ngồi yên xuống nhìn vào tâm hồn mình để thấy căn nhà mình bây giờ nó làm sao rồi, nó đang thiếu cái gì, và nó đang dư cái gì để tìm cách giúp đỡ, cố gắng thường xuyên quan sát lấy những cái tâm bực bội, những cái tâm khó chịu, cái tâm hay cằn nhằn, cái tâm hay kháng cự, hay loại trừ, để ý cái tâm đó. Mà như đã nói, muốn bớt đi những sự chống cự, thì bớt đi những sự mong cầu, bớt tham thì sẽ bớt sân, tại vì sân là do tham mà ra, tham mà không được thì sân thôi, thành ra bớt tham thì sẽ bớt sân. Chúc các vị có thật nhiều cơ hội để nhìn vào bên trong, để thấu hiểu bản thân mình để làm chủ lấy tâm hồn mình, để rồi cuối cùng các vị có những cái an lạc đích thực.
Xin cảm ơn các vị đã lắng nghe