Kiếp Sau Mình ở Đâu

15/11/201312:00 SA(Xem: 11135)
Kiếp Sau Mình ở Đâu

KIẾP SAU MÌNH Ở ĐÂU
Như Hùng

Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai

Mình! Chữ mình, nghe như âu yếm, thân thương, gần gũi và có duyên làm sao ấy. Nó vừa để chỉ cho chính mình, chàng, nàng, chúng ta, chúng mình, còn là tiếng gọi, tiếng kêu tràn ngập hạnh phúc, và đôi khi có chút dỗi hờn trách móc. Nó còn là tiếng thì thầm bên nhau, nói cho nhau nghe, những vỗ về, an ủi, năn nỉ, ỉ ôi. Nghĩa là nó có muôn ngàn hồng tía, sắc màu, hương vị, nghĩa ngữ, nghiã cảnh, nghĩa ý.

 Tôi đang ở vào chặng đường “ba mươi năm nhìn lại chuyện chúng mình” và đã vượt qua cái tuổi “biết mệnh trời” (tri thiên mệnh) được nữa chặng. Bây giờ thì “biết mạng đất” (tri thổ mệnh) và đang ở vào giai đoạn mà trong nhà Phật gọi là bệnh, một trong bốn chặng đường của kiếp nhân sinh, ai rồi cũng lần lượt đến (sinh, lão, bệnh, tử). Bây giờ dù mở mắt hay nhắm mắt, ở đâu và làm gì, cũng đều liên quan đến cái mạng của mình. Hôm nay nó ra làm sao, nhỏng nhẻo ở chổ nào, réo gọi đau đớn ở chổ mô, bửa nay mình làm sao vậy? Ủa mà sao bác sỹ không tìm ra bệnh nhỉ? Bệnh của người già, bệnh của thời gian, của tháng ngày chồng chất, đến hẹn lại lên, không cần mời gọi, bệnh của nghiệp. Biết rồi nói mãi, ba Cao ( cao máu, cao đường, cao mở) lần lượt tới thăm, người củ bệnh mới, bệnh củ bệnh mới, thi nhau tung hoành ngang dọc. Cái thực tại của bây chừ phần nhiều do thân bệnh làm chủ, cái tâm đôi khi cũng chào thua, vượt lên số phận, nghiệp quả, đớn đau, là cả một kỳ công, tư duy, quán chiếu, một cách nghiêm mật. Chỉ giận là lúc còn khoẻ mạnh, thân thể chưa bị vô thường đớn đau hành hạ, khi tâm còn minh mẫn, lại không chịu tu tập, bây chừ, dù có hối hận than trách, đổ thừa tại răng tại rứa thì cũng đã muộn. Nhưng nếu muốn tu, biết tu, quyết lòng tu, cho dù có muộn, vẫn còn hơn không. Ừ! Mà rốt cuộc không biết cái mạng của mình nó thuộc về đâu, đi về đâu, nằm ở đâu, tới ở đâu, trôi về đâu vậy ta? Cái nầy thì khó đó nghe.

Mình tu là mong giải thoát an lạc ở bây giờ và khi chết được vãng sanh về cảnh giới Cực Lạc. Thân tứ đại khi đến lúc phải trả về với tứ đại (đất, nước, gió, lửa), chỉ còn nghiệp lực dẫn đưa, đầu thai thọ nhận. Biết như vậy, tất cả đều bị chi phối bởi định luật vô thường, nhưng mình vẫn sinh tâm đắm nhiểm, hơn thua được mất, khổ đau trầm luân trôi nỗi. Mình quên đi cái vô hạn, chỉ tính cái hữu hạn, mình quên đi nguyên lý của vô thường (thành, trụ, hoại, không) quên chân lý của như thật. Hể mình còn tham sân si, c òn dính mắc, còn vấn vương, nào là nhà cao cửa rộng, nệm êm gối ấm, sự nghiệp giàu sang, gia đình sum vầy, con cháu đầy đàn. Rứa là mình mắc kẹt vào đó, rứa là mình dính cứng vào đó không lối thoát. Hẹn kiếp sau để đền ơn, báo ơn, trả ơn, trả nghiệp, rứa là mình trói vào đó, cột vào đó, buộc vào đó, không phương vẫy vùng. Một mai vô thường đến, làm sao đành lòng rủ bỏ ra đi, thong dong nhẹ bước?

Thông thường khi sống nhẹ nghiệp, thì lúc chết mới mong nghiệp nhẹ. Tâm lượng rộng lớn bao dung, nhận ra chân lý cao tột, một lòng hướng thiện. Phải chuyển hóa, đổi thay, buông bỏ, xa rời, thì mới được nhẹ nhàng, chứ không nó nặng nề, kéo mình về nơi tăm tối. Như vậy sẽ khổ đau, sẽ chìm mãi, chìm dài dài, sẽ lận đận mãi, lận đận dài dài. Rứa là, khổ cả một đời một kiếp, bon chen cả một đời, lận đận cả một đời, khổ đau cả một đời, một đời đau khổ. Than thở cùng ai đây, ai chia sẽ san sớt, ai gánh dùm mình cái nghiệp trả vay?

Hình như mọi lo lắng quá mức, những tốn kém công sức tiền của không cần thiết, gọi là để chuẩn bị cho mình, hoặc cho người chết. Có phải, để người sống nhìn vào cho đẹp, cho thơm, cho có tiếng vang, cho thật đặc biệt, vừa lòng thiên hạ xóm giềng, vui lòng đẹp mặt kẻ đến người đi, cho người chết thì ít mà người sống thì nhiều. Mồ to mả lớn, cúng kiến linh đình, giết hại sinh linh, cổ tiệc đầy bàn, gọi mời tới tấp. Giả như lúc ấy mình đang ở thế giới bên kia, đang thong dong đi mây về gió, đang du ngoạn sơn thủy hữu tình, đang thăm chổ nầy viếng chổ nọ. Thình lình gọi giật ngược lại, triệu thỉnh hương linh về gấp gấp, mau mau, để hưởng lộc con cháu. Lúc ấy, mình phản ứng như thế nào? Tức quá đi thôi, chứ chưa nói có về được, và có phép để về hay không nữa. Ủa! Không lẽ khi mình đã về thế giới bên kia, rồi lại phải chờ con chờ cháu cúng kiến mình mới có để ăn, để mặc, giả như con cháu quên hoặc không chịu cúng, thì mình phải làm sao, chuẩn bị bằng cách nào đây, chờ đến lúc ấy, muộn rồi chăng? Đó là lúc nói mình thong dong nhẹ nghiệp, nếu chẳng may nặng nghiệp, vì khi sống không lo tu tập, không biết hướng thiện, không phân biệt chánh tà, tạo muôn ngàn ác nghiệp, gây khổ đau cho muôn loài, nên khi chết nghiệp lực dẫn dắt về nơi tăm tối, thì làm sao đi mây về gió, quay về hưởng lộc con cháu? Ừ còn phải xin phép đi đường, visa nhập cảnh, công an cảnh sát đứng đầy tra xét, đường về ngăn sông cách lối, mà biết về có được không, chứ đừng nói hưởng được lộc con cháu.

Khi mình còn sống, đang trông cảnh ngắm người, đang thăm viếng bạn bè, đang ở đâu và làm gì đó, đang vui vẻ ở bên nầy, đang tụ hội ở bên kia, đột nhiên bà xã hay ông xã hoặc con cái của mình, gọi điện thoại bảo về nhà ăn cơm gấp, cả gia đình đang chờ đang đợi, đang ngóng, đang trông. Lấy cớ tìm lý do, kiểm soát theo lệnh ai đó, thử xem mình đang ở đâu và làm gì, hoặc thật lòng gọi về. Nghĩa là có muôn ngàn lý do, và lý do nào cũng khiến cho mình phải phiền lòng bực mình cả. Tâm lý cùng phản ứng tức thì của mình lúc đó ra sao, đùng đùng nổi giận, suýt xoa tiếc nối, vì đang vui với cảnh với người, không muốn bị quấy rầy, không muốn hình bóng của ai xen vào tâm trí, người củ kẻ mới dập dìu. Rứa mà, tự nhiên bị làm phiền, bị gọi về tới tấp, nghĩ có tức không, phát điên lên được chứ. Sự quan tâm lo lắng, hay làm phiền đều tùy vào mức độ nhận biết cảm thông của mình. Có biết bao người mong bị quấy rầy, làm phiền mà cũng không có, không được, lẽ ra mình phải vui mừng cảm tạ vì còn ai đó quan tâm. Khi đang sống ở đây mà lúc vô thường, khổ đau bệnh tật viếng thăm mình còn bất lực, huống gì mai sau đi về bên ấy, sao không lo sợ đắn đo, hụt hẩng, cho dù vậy biết lo có được không, có thoát không, hành trang lên đường nặng nhẹ, mới là câu hỏi và trả lời lớn.

 Cái tâm cảnh khi mình đang sống như thế nào, thì lúc đi về thế giới bên kia nó cũng tương tự như thế, nhẹ nhàng ở hiện tại, hạnh phúc trong từng hơi thở, tỉnh thức trong từng suy tư, lâng lâng thoát tục, an lạc thường hằng bất tận, thì về đâu, đến đâu, ở đâu, cũng đều được tự tại. Ngoài nghiệp lực dẫn đưa, khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm, trong nhờ đục chịu, thì không một ai, chưa một ai, sẽ không có một ai, đủ quyền năng làm khác đi, làm thay đổi, đưa ta về cảnh giới thiên đường được. Ngoài chính mình, do mình làm chủ quyết định, thì không một ai, đấng quyền năng nào, tối cao nào, có đủ năng lực để tác tạo chuyển hóa nghiệp quả của mình cả.

Ta đang thong dongthế giới khác, cảnh khác, ta đang chịu hình phạt, đày đọa, do những tạo tác từ trước. Ta đang trả, phải trả, bằng lòng để trả, chấp nhận để trả, miễn cưỡng để trả, cam lòng để trả, thì cũng phải trả vì là nhân quả. Lúc nào mình cũng cầu cho nhau “sinh thuận tử an”, làm sao ta an được, khi cứ liên tục quấy rầy, bằng cách nầy hình thức nọ? Cầu mong thẳng đường mình về cực lạc, cứ sao kêu gào, đẩy mời, nhắc nhở, liệu ta có nhẹ nhàng rủ sạch ra đi, nhẹ bước trở về?

Có chuyện nầy mình kể qúy vị nghe nhé, chị Hai mình năm nay được bảy mươi ba tuổi, dịp tết vừa rồi con trai kế của chị từ Mỹ về thăm gia đình. Mấy anh em tụi nó cùng với chị ngồi nói chuyện, chị bảo sau nầy má chết, tụi con nhớ chôn má gần bà ngoại (mẹ của chúng tôi) ở đây gần con gầncháu, tụi con đi laị nhang khói thăm viếng mả mồ cũng tiện. Chị nói như vậy cháu nào nghe cũng cho là hợp lý, hợp với tâm nguyện của má mình, khi tôi nghe cháu kể lại, cũng cho là hợp tình hợp lý, tiện lợi mọi đường. Cháu kể đến đây thì nó ngưng kể và uống nước nên tôi nghĩ như vậy, rồi cháu kể tiếp: Tối đó má con nằm ngủ, bả thấy ba con về bảo với má: “sao khi bà chết mà đòi chôn ở gần chổ mẹ, mà không chôn cạnh tui”? Tôi nghe các cháu nói, anh cũng thường về báo mộng, nhân đây tôi cũng nói sơ qua anh rể của tôi một chút, anh mất ở độ tuổi bảy mươi hai, anh bị bệnh về phổi, nghe bác sỹ nói bị ung thư, anh mất đã mấy năm rồi. Lúc sống anh ít biết tu, nên khi chết vẫn còn lưu luyến, vướng bận chi đó, nên chưa chịu đi đầu thai. Cả đời anh hầu như sống ở bên quê vợ, khi anh lập gia đình, làm ăn, sinh con đẻ cái, có dâu rễ nội ngoại vẫn ở bên quê vợ, nhưng khi chết lại chôn ở bên quê mình. Chị Hai tôi lấy chồng trong thời chiến tranh nên không về quê chồng, vẫn ở bên quê cha mẹ, chị tôi cả đời ở bên quê cha mẹ nhưng khi chết anh lại đòi phải chôn ở bên anh, bên quê chồng, nghe cũng nghịch lý đó nhỉ? Ừ mà cái chuyện chôn cất ở đâu, nhiều khi mình không thể làm chủ được, chết rồi mà. Dù sống hay chết, có phải vì không được như ý mà mình phát sinh phiền lòng, nổi giận, đau khổ? Mình tu là tu ở cái chổ nầy, ở cái chổ biết cái gì phát sinh, chánh niệm hay tạp niệm, làm chủ cái gì, giác ngộ hay không mới là điều quan trọng, vượt thoát buông bỏ hay không mới là việc lớn. Tu trong mọi hoàn cảnh, cảnh giới, tình huống, trạng thái, tâm thức, là ở cái chổ nầy, tại đây, lúc nầy, ở đây.

Tôi nói với người cháu rằng: Bộ má con cả đời làm vợ chưa đủ hay sao mà khi chết lại xuống đó làm vợ tiếp tục nữa? Chôn ở đâu, để ở đâu, bằng cách nào, không còn là điều quan trọng nữa, sống ra sao, chết ra sao, mới là điều đáng nói. Thật ra chôn cất, cũng chỉ là tập quán mà thôi, nếu muốn mình có thể thay đổi và làm cách khác vẫn được. Chị Hai tôi nhờ biết tu, hy vọng chị sẽ an lạc, bình thản đón nhận tất cả, mong là vậy. Tôi nói với cháu, má con mất thiêu ra tro là tiện nhất, thờ ở đâu cũng được, để ở đâu cũng tiện, đổ sông đổ biển gì cũng khỏe, chứ chôn cất mả mồ, quy hoạch tới lui, dời chổ nầy chổ nọ. Nếu chôn cất mà quyến luyến vấn vương, tiếc thân tiếc mạng, chờ con đợi cháu đến thăm viếng, lỡ con cháu bận rộn chưa tới, không chịu tới, mình nằm ở đó, chờ rồi đợi, ngóng rồi trông, sẽ sinh đau khổ giận hờn, rứa là dù chết vẫn khổ, dằn vặt đọa tiếp tục, khi sống đã vậy thì chết cũng vậy không thể khác hơn được. Người biết tu là biết buông xả mọi thứ, không còn bận lòng, khi chết đó là sự giải thoát nhẹ nghiệp, khi thân tứ đại bị hỏa thiêu cũng không khởi lên đau đớn, không khởi sự tiếc nối, không khởi niệm sân hận. Khi sống, nhờ mình biết tu tập quán chiếu, sớm nhận ra chân lý ngay từ lúc sanh tiền, nên mọi việc đều bình thản chấp nhận. Để tránh làm buồn lòng người mất, gia đình nên làm theo di nguyện của người chết, đừng làm trái ý, kể cả thương ghét, để người mất không khởi tâm sận hận oán trách, lưu luyến, nếu muốn đổi thay điều gì phải có sự ưng thuận từ trước. Đó là tu sơ sơ, chứ nếu tu kỷ, tu chín mùi, tu rục, thì tất cả đều bình đẳng, an nhiên, bình đẳng lúc sống và khi chết, tâm làm chủ, tâm tác tạo, tâm là đạo, một khi làm chủ được tâm của mình, thì kiểu gì cách gì cũng được, cách gì kiểu gì cũng xong, cái gì điều gì cũng đều được thong dong tự tại. Tu ngay từ bây giờ, mọi sự chuẩn bị là phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, mọi huân tập tốt đẹp vào chủng tử là phải huân tập ngay từ bây giờ, đừng chần chừ, chậm trể.

Giờ thì, qúy vị nghe phiên của tôi nhé, số là phía bên nàng của tôi, có ông anh rể họ, anh ở trên miền Bắc Cali, thỉnh thoảng anh xuống dưói Nam Cali nầy chơi, gặp dịp có tiệc ở nhà em gái kế của mình tôi. Hôm ấy anh thấy tôi ăn chay, anh kêu tên và nói: Dũng bửa ni ăn chay hả? Không chờ tôi trả lời anh nói tiếp: Thứ khác có chay không? Anh nói xong, anh cười một trận thật là thoải mái, thật nên thơ, thật đẹp, cười rổn rang. Tôi không biết phải diễn tả trận cười của anh ra làm sao nữa, anh cười mỉa mai hay cười sảng khoái, anh cười trước bàng quang thiên hạ như cười vào chổ không người, anh cười như không cần biết có người chung quanh, không có đối tượng, không cần phản ứng của kẻ khác, không cần biết thiên hạ nghĩ sao, mà cho dù nghĩ sao thì đã sao, anh cóc cần thiên hạ nghĩ, anh cười thoải mái tự nhiên như chưa bao giờ được cười, anh hết cười mà giọng cười vẫn còn đọng lại, âm thanh thoang thoảng mơ hồ. Thấy anh cười sung sướng như vậy, phản ứng của tôi ra làm sao qúy vị biết không? Tôi chỉ cười trừ, cười an ủi, nếu làm sự so sánh về tiếng cười, nụ cười, thì nụ cười của tôi xa lắc nụ cười của anh, tôi cười mĩm, cười gượng gạo, cười không được tự nhiên, cười không thành tiếng, cười cho có cười, cười trong đau khổ. Nghĩa là tôi cười thua anh, không được tự nhiên, không sảng khoái, cười chỉ để mà cười, cho có lệ, đỡ lúng túng, không biết mần răng. Vậy là tôi thua anh ở tiếng cười, nụ cười, thua xa lắc, xa lơ, thua như chưa bao giờ được thua.

Tiếng cười, tạm cho qua đi, tôi thầm nghĩ: Thứ khác mà tôi chay được thì tôi đã thành Phật rồi. Sau đó tôi thức tỉnh, tôi quán chiếu, cho đó là một công án, một sự đánh động vào tâm thức, một sự động não, một sự chấn động toàn thân tâm, sự vùng lên bật dậy bản năng đích thực ở trong tôi, một sự chạm thẳng vào cái bản ngã, sự thách đố cái thường tình ở trong tôi, một sự kiểm tra nội lực, sở đắc tu tập trong tôi. “ Bửa ni ăn chay hả? Thứ khác có chay không ?” Vế thứ nhứt anh đưa ra, liên quan đến việc ăn uống chay mặn, sinh mạng, sự sống của muôn loài, lòng từ bi, nhân phẩm. Nhưng vế thứ nhì thì khác, nó cao xa diệu vợi, phải nhón chân với lên hái xuống, phải đào bới cất công tìm tòi, nó ở chổ khác, nơi khác, ở trong tận cùng của tâm ý. Vậy thì, thứ khác, điều khác, sự khác, mà anh muốn nói, nó là thứ gì, điều gì, cái gì, là gì, và tại sao là thứ khác, mà không phải thứ nầy, cái nầy, cái kia, thứ nọ? Chay ở đây là sao, trong ý nghĩa thông thường của chay mặn, ẩn dụ, mật ngôn, ẩn ý? Vì lòng từ bi thương xót chúng sanh, không nở giết hại, gây thêm khổ đau, nên mới ăn chay. Không muốn tạo nghiệp nhân quả sát hại chúng sinh nên ăn chay, hay là ăn chay để bệnh tật giảm bớt, cho nhẹ nghiệp, nghĩa là có nhiều lý do dẫn đến việc ăn chay. Nhưng thứ khác, điều khác, nếu không chay tịnh, không biết kìm chế, hóa giải, thì sẽ nặng nghiệp vô cùng, lắm khi còn hơn nghiệp sát nữa. Vậy thì chay nầy là chay gì đây, chay của không tạo nghiệp, cởi bỏ tham ái oán thù, thân tâm đều thanh tịnh? Thông thường, nghiệp phát sinh đều do thân, khẩu, ý cùng với vô minh, tham, sân, si. Vậy thì muốn an lạc giải thoát, thì phải chay tất cả, phải tịnh tất cả, chứ không đơn thuần chỉ có việc ăn uống. Thật ra, mình tu tập mọi thứ ở chung quanh, nơi người thân kẻ lạ, những ngang trái thị phicuộc đời, công án nơi đâu cũng có, giác ngộ, bùng vỡ luôn ở trong ta, giật mình tỉnh thức, có nhận ra, lúc nào và bao giờ, do chính mình quyết định.

Có lần tôi hỏi mình của tôi: Kiếp sau mình có gặp lại? Cả tôi và nàng đều trả lời là không. Chắc qúy vị thầm nghĩ, tại hai mình ấy không có hạnh phúc? Thật sự thì chúng tôi tạm gọi là hạnh phúc, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, chưa hối hận, không chiến tranh, hưu chiến, đình chiến, chỉ có hòa bình, sóng yên biển lặng như tờ, tháng ngày lững lờ trôi như thế, bình bình yên yên. Không biết có phải đó là một thứ như tên gọi là hạnh phúc? Hay hạnh phúc là phải đi tìm, phải đấu tranh, phải giành giật, phải khấy động nó lên, để rồi tìm cách lắng xuống cho dù có xót xa, của những tiếc nối muộn màng, của những ước mơ không bao giờ đến? Nếu vậy thì hai mình đây không dám, chắc tại nghiệp duyên còn ràng buộc. Khi trả lời là không, có lẽ cả hai đều không mong ngày gặp lại trong hình dáng và thân xác nầy, không mong ngày gặp lại trong tâm cảnh nầy, không mong ngày gặp lại trong nghiệp quả luân hồi nầy, chắc là vậy, cho là vậy đi. Cũng có thể, do vì thích tu nên khi gặp lại thì mong không còn ái nghiệp bám theo, chỉ muốn làm bạn đồng tu, cùng nhau đi trên con đường giải thoát, bình đẳng với tất cả, không thân không sơ, cùng chung một Phật tánh.

Nhưng cũng có người lại muốn, nếu có gặp thì gặp người khác, cảnh khác, tâm thức khác mới vui, mới có ý nghĩa, mới đọng lại trong tâm dài lâu hơn. Người mới, môi trường mới, tâm cảnh cũng mới, nên có nhiều thách đố, có nhiều chướng duyên, thuận duyên, có nghịch cảnh, thuận cảnh, có nhiều thứ bậc giai tầng, nên sự rung động mới mãnh liệt sâu xa, mới gợi nhớ dài lâu, mới lưu lại dấu ấn đậm đà. Hay người khác, kẻ khác, và ai đó là một sự trả nghiệp, lỡ tạo, lỡ vay, nên phải trả, chỉ có vậy thôi. Thỉnh thoảng mình thấy, tại sao người ta ly dị, người ta bỏ nhau, người ta giận nhau, người ta đau khổ với nhau, đơn giản vì họ phải trả nghiệp. Này nhé, ta suy nghĩ ở dạng trả nghiệp, chứ không phải tạo nghiệp, ai tạo ráng chịu, ai trả cũng ráng chịu luôn. Người tu, là cầu mong nghiệp quả đã tạo từ vô lượng kiếp về trước, đến tận hôm nay, nguyện xin đến hết, để mình trả một lần cho xong, cho rảnh nợ, không còn dây dưa níu kéo, không chần chừ, không hẹn dịp khác, kiếp khác mới đến, mới trả. Xin trả hết ở kiếp nầy, một lần rồi thôi, đến hết trả hết, đến nữa đi trả nữa đi, trả cho hết, trả cho xong, trả không thiếu, không dư, không thừa, có bao nhiêu trả bấy nhiêu. Để mai sau ta nhẹ gánh, nhẹ nợ, ta thong dong tự tại trên mọi lối đi về, không còn đuổi theo bám chặt. Người tu cầu mong như vậy, và chỉ có vậy, còn mình thì mong sao đây? Sạch nợ, xong nợ, hết nghiệp với người nầy nhưng lại vướng với người khác, hết cái nầy, chuyện nầy, lại dính cái khác, chuyện khác. Cái nầy chay cái khác lại không chay, cái nầy tịnh, cái khác lại không tịnh. Vậy là, mình trả nghiệp hay tạo nghiệp, dứt nghiệp hay đổ hô cho nghiệp, tại nghiệp, tội cho nghiệp?

Kiếp nầy hay kiếp sau mới trả hết nghiệp, trả kịp không vậy, trả có hết không vậy? Ừ! Sao cứ tạo nghiệp hoài vậy? Nghiệp, có thiện, ác, không thiện cũng không ác, làm sao để không tạo nghiệp, dứt nghiệp, chuyển nghiệp, nhiều nghiệp thế, biết chọn cái nào, cho vừa với mình đây? Nghiệp nào không tạo nhân ác, có quả lành, có lợi thì làm, cái nào nhẹ thì làm, cái nào không có nghiệp, dứt nghiệp, chuyển nghiệp thì làm, cái nào thong thả thì làm, cái nào đây vậy ta?

Mình ơi! Kiếp sau mình ở đâu cho ta theo với.

Ừ mình!

Kiếp sau mình trả ở đâu cho ta trả với?

Ừ mình! Nghiệp đó mình.

Như Hùng

(CÙNG TÁC GIẢ)

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
17/10/2010(Xem: 78628)
01/12/2019(Xem: 13088)
17/05/2021(Xem: 3224)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.