Làm sao để kiếp sau tôi không phải gặp lại người đó nữa?

17/03/20174:00 SA(Xem: 8438)
Làm sao để kiếp sau tôi không phải gặp lại người đó nữa?
LÀM SAO ĐỂ KIẾP SAU
TÔI KHÔNG PHẢI GẶP LẠI NGƯỜI ĐÓ NỮA? 

Nguyễn T. Long

Nhiều năm về trước, khi vào các trang mạng Phật giáo, tôi thường xem mục Hỏi-Đáp.

Có một câu hỏi khá lý thú mà tôi gặp lại nhiều lần trên các trang mạng khác nhau, chắc hẳn không phải là do một người hỏi. Lý do là vì cách phát biểu, diễn tả chữ nghiã khác biệt, nhưng tôi cố gắng cô đọng lại thành câu hỏi với các từ ngữ chủ yếu: Làm sao để kiếp sau tôi không phải gặp lại người đó nữa?

Thử tìm hiểu tại sao mà người ta lại phải khắc khoải, nao lòng đến thế trong kiếp nhân sinh?

Đây là một câu hỏi (với dấu?) mà cũng có thể là một lời tự thán não nùng (!), không biết giải quyết ra sao  trong thế lưỡng nan.

Điểm trọng yếu ở đây là 2 chữ “kiếp sau”. Người ta có thể không hoàn toàn tin theo giáo lý Phật giáo hoặc là người vô thầnvẫn có thể tin vào kiếp sau. Trong khi đó, khái niệm này lại liên hệ chặt chẽ đến các ý niệm cốt lõi của đạo Phật về nghiệp, nhân quả, luân hồi …, không thể bỏ qua được .

Như vậy, nếu không đặt vấn đề kiếp sau ở đây thì việc phân tích, lý giải… sẽ rẽ sang một con đường khác.

Thoạt nghe, câu hỏi có vẻ như không được thuận… nhĩ cho lắm! Thời tuổi trẻ, ai cũng có một lần (thường thì nhiều lần!), mong hình ảnh một người nào đó mình sẽ gặp trở lạikiếp sau vì kiếp này không có duyên nợ mà gần gũi nhau được. Nhưng đó chỉ mới là chuyện yêu đương trai gái. Tương quan xã hội có muôn mặt và phức tạp hơn nhiều: liên quan giữa các thành viên trong một (đại) gia đình, như thường thấy ở nước ta hay Á Đông nói chung, giữa bạn bè, bằng hữu, hàng xóm láng giềng, nơi làm việc…, thành thử chuyện không muốn thấy/ gặp ai nữa cũng là chuyện thường tình. Vấn đề đặt ra ở đây, với sác xuất cao, là người ta đã quá chán, quá khổ… mà không dứt, không thoát ra được. Đó là một trong tám cái khổ của kiếp người.

Sinh, lão, bệnh, tử – 4 cái khổ đầu tiên, ai cũng biết – kế đến là cầu bất đắc (muốn mà không được), ái biệt ly (thương yêu mà phải xa lià), oán tăng hội (giận ghét mà phải sống chung) và ngũ ấm thịnh suy khổ (thân tâm (quá) mạnh/yếu). Phân loại như vậy cho dễ hiểu nhưng đi sâu vào một trường hợp cá biệt mới có thể thấy khi một nỗi khổ biểu hiện, nó đều mang những nỗi khổ khác ở trong đó. Một trong tất cả cũng như tất cả trong một.

Thứ đến là các ý niệm về “tôi” và “người đó”: chủ thể và đối tượng trong cái nhìn phân cách nhị nguyên.Quan điểm của câu hỏi này là tôi và người đó sẽ y chang như kiếp này trong kiếp sau mà “tôi” thì không còn muốn gặp lại nữa. Tiền đề này lại dẫn đến một số vấn đề:

1/ Có gì bảo đảm tôi và người đó kiếp sau sẽ cùng làm người hay không?

2/ Giả dụ cùng làm người, có thể gặp lại nhau hay vẫn giống y như kiếp trước nữa chăng?

Theo nhà Phật,

a/ Làm người không dễ, nó khó như cái ví dụ thường dẫn trong sách: có con rùa mù sống trong đại dương, 100 năm mới nổi lên mặt nước một lần và cái đầu của nó phải chui qua được một cái lỗ của một khúc cây trôi lềnh bềnh trên mặt nước! (nên nhớ là nó mù!). Khó tới như vậy mà dân số địa cầu vẫn tăng lên là làm sao? Có 2 cách giải thích: 1/ một cặp vợ chồng có thể có nhiều con và 2/ việc tái sinh (đầu thai) làm người của chúng sinh từ những cảnh giới khác như Đức Đạt lai Lạt ma đã nói, chính vô lượng cảnh giới chúng sinh ấy đã làm cho vũ trụ dãn nở.

b/ Quan niệm có 6 nẻo luân hồi thường được nhắc đến là: 3 cảnh giới cao: thiên, á thiên và người và 3 cảnh giới thấp: sinh vật trong địa ngục, ngạ qủysúc sinh. Gốc của nó là 3 nguồn tâm Tham, Sân, Si, qua 3 biểu tượng là con gà, con rắn và con heo, thưởng được minh họa trong Bánh xe luân hồi trên các tranh của Phật giáo Tây Tạng. Chúng sinh trong 6 đường này đều chịu luật luân hồi chi phối cả nhưng điều đáng chú ý nhất là chỉ có cõi người mới có khả năng tu hành, thoát khỏi vòng sinh tử vì biết thế nào là khổ. Đức Phật lịch sử cũng thành đạo từ cõi Ta bà này vốn có nghiã là “kham nhẫn”.

c/ Người ta có thể trở lại làm người nếu tu theo 10 điều gọi là Thập thiện nghiệp nhưng chuyện đó nằm ngoài khuôn khổ của bài này. Chỉ muốn nói thêm một chút về quan niệm tiên khởi trong việc “làm người” theo quan điểm Phật giáo.

Y học Âu Mỹ xác quyết từ cả thế kỷ nay, con người thành hình là do sự thụ thai của trứng và tinh trùng, không thấy đả động gì đến yếu tố tinh thần, tâm linh trong đó cả. Linh hồn là một khái niệm khác, hoàn toàn không có trong Phật giáo, cũng chẳng rõ là khi nào thì thai nhi hay trẻ sơ sinh có linh hồn, thường được coi là vĩnh hằng, bất biếnsau khi chết, linh hồn có thể lên thiên đàng hay xuống địa ngục. Cũng chỉ là một truyền thuyết tôn giáo hay tín ngưỡng khác mà trong đạo Phật thì có giải thích chi ly hơn: ý niệm về thần thức.

Không có thần thức nhập vào trứng khi thụ thai thì không có phôi thai (embryo), do đó không trở thành phôi sinh (foetus), không phát triển thành bào thai, thành người được. Đó là yếu tố ắt có và đủ (sine qua non) thứ ba ngoài trứng và tinh trùng. Phật giáo Tây Tạng lý giải về vấn đề sống-chết rất mạch lạc là như vậy nhưng kinh nghiệm thiền quán có thể cân đo được không? Khối lượng (mass) không đổi ở bất cứ nơi nào nhưng trọng lượng (weight) thì tùy theo sức hút của trái đất. Thần thức của người chết có còn áp dụng được các định luật vật lý như người sống nữa không?! Vậy thì thần thức là gì?

Nó không thuộc vào thế giới của sắc thân, thường được xem như là thức thứ tám (Tàng thức hay A lại da thức) trong 8 thức của con người trong khi Tâm lý học của Tây phương chỉ chia tâm thức con người ra làm 6 thức, năm thức đầu đến từ ngũ quan và thức thứ sáu là ý thức như trong Duy thức học của Phật giáo nhưng không có thêm 2 thức nữa là Mạt naA lại da thức.

Tàng thức chứa đựng tất cả những chủng tử tốt-xấu của một con người như những hạt giống, tùy theo điều kiện, do chính người đó tạo ra hay do ảnh hưởng đến từ bên ngoài (như môi trường sinh sống, xã hội chung quanh…), hạt giống lành-thiện hay ngu-ác có thể nẩy mầm, phát triển trong tâm thức, thành cây, hoa trái… và tác động vào hành động. Nhưng chỉ khi nào thức biến thành trí, đó mới là kết quả của sự tu tập.

Thần thức có quan hệ mật thiết với nghiệp vốn là những năng lượng của hành động có ý thức. Có biệt nghiệp và cộng nghiệp cũng như có chánh báoy báo, của cá nhân cũng như của tập thể.

Định luật bảo toàn năng lượng, một khám phá vào thế kỷ XVIII ở Âu châu, đã chứng minh sự chuyển dạng của năng lực nghiệp trong Phật giáo: năng lượng đó có thể thay đổi hình thể nhưng bất biến trong thể tính, khối lượng. Mặt khác, con người lại có sự tự do của ý chí, tự do lựa chọn chớ không phải chỉ thuần tuân theo bản năng như loài thú. Đó cũng là lý do tại sao người ta có thể tu, tu để chuyển nghiệp.

Bằng không thì hóa ra là định mệnh chủ nghiã mất rồi, mọi chuyện đều do định mệnh an bài như Bà la môn giáo, vốn tin vào một đấng sáng tạo (Phạm Thiên) đã xếp đặt tất cả mọi chuyện, một điều đi ngược lại với giáo lý nhà Phật: tất cả đều do duyên sinh mà duyên (điều kiện) thì ngoài nghiệp cũ, cũng một phần do chính con người tạo nghiệp mới trong kiếp này. Bởi vậy mới có câu: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.” (Kiều – câu 420 -Nguyễn Du) hay “Định mệnh ở trong tay ta chứ không ở trong các ngôi sao ở trên trời.” (Julius Caesar – Shakespeare) cho thấy “các cụ” ngày xưa, dù Đông hay Tây, cũng rất uyên thâm về kiếp nhân sinh.

Vai trò của thần thức cá nhân như thế rất linh động, nó thay đổi liên tục, tiếp nối từ kiếp này qua kiếp khác do định hướng từ nghiệp quả của chính người đó.

Từ đó, có thể đưa đến các nhận định sau:

1/ Khả hữu tính tôi và người đó đều trở lại làm người khá là mong manh. Có thể trở thành đôi chim sống cùng một tổ hay thành cây trầu, cây cau quấn quýt vào nhau, như những hình thức gắn bó khác của nghiệp lực cũ, không nhất thiết phải là người.

2/ Đạo Phật nói về tam giới gồm có dục giới, sắc giớivô sắc giới. Sinh linh sống trong các cảnh giới này có những đặc tính riêng biệt về khung cảnh sống, về thân tâm… Cho dù tam giới xuất hiện đồng thời nhưng chúng sinh trong các cõi không thấy và cũng không giao thiệp được với nhau vì thiếu nghiệp kết nối chung để phát sinh mối quan hệ qua nhận thức. Như thế, chuyện gặp lại không đáng ngại, chỉ sợ không nhận ra được thôi!

Không nhận ra được, dù có đầu thai trong cùng một cảnh giới (ví dụ như làm người) đi nữa, vì chẳng thể nào có sự biểu hiện hình tướng y chang như kiếp trước được. Có thể hiểu, sẽ có những con người mới tinh! mà nhiều lắm ta có thể nói, hình tướng sẽ không khác mà cũng chẳng giống như cũ, do sự liên tục tiếp cận, tác động của những nhân duyên mới vào tàng thức, nhưng biểu hiện của nghiệp thì không đổi nếu không có sự tu hành.

Thầy Nhất Hạnh, trong một bài thuyết pháp, có dẫn mẩu chuyện của một nữ văn sĩ nổi danh miền Nam cũ, đại ý chuyện kể về một bà cô già, có gia đình, lớn tuổi mới đi tu nhưng cũng nương tựa cửa chuà có đến hàng chục năm, trong lúc hấp hối, chỉ thều thào: Cho tôi xin một muỗng nước mắm. Gia đình thất kinh (chắc tưởng là ma nhập!), cho là người tu rồi thì ước muốn cuối cùng này cũng không thể giúp cho thoả mãn được. Riêng Thầy Nhất Hạnh thì chia sẻ quan điểm rất rõ: Việc tu học như vậy thì không thành công, nhưng để giải quyết vấn đề, cách tốt nhất là làm theo ý muốn của người sắp chết.

Tôi cho rằng nó hợp với lý-tình hơn cả bởi vì một khi thoả mãn được những ham muốn, thèm khát, bị dồn nén đã lâu, cái cảm xúc đó sẽ biến mất, không còn cái năng lượng của nghiệp lực giận hờn, nuối tiếc… sẽ còn tiếp tục đến nhiều kiếp sau.

Như vậy thì câu hỏi “làm sao” phải được trả lời “như thế nào”.

Xưa nay, chẳng hề có một thứ thuốc trị bá bệnh (panacea) như người ta vẫn ảo tưởng, nhưng qua các trình bầy về nhận định ở trên, điều cụ thể và xác thực nhất là giải quyết vấn đề ở đây và bây giờ, ngay trong kiếp này bởi vì làm chủ được (các) kiếp sau chỉ có các vị đạo sư, các bậc hiền nhân thấu thị… , như 14 đời liên tục của các vị Đạt lai Lạt ma, không phải là chuyện của người phàm! Ngắn gọn, cứ việc “chặt đẹp” (clean cut) bằng gươm Trí tuệ!

Việc trình bầy các nhận thức thì khá thô thiển, đề tài ”siêu hình” thì bao quát, rộng lớn như thuốc sắc năm mười chén, chỉ còn dùng được một muỗng chữa bệnh, không mong gì hơn là chia sẻ ít cảm nhận với bạn đọc về một hệ lụy của kiếp người.

Mong thông cảm với sự vụng về của người viết. Xin đa tạ!

Nguyễn T. Long
14/Jan – 09/Mar/2017
(Sáng Tạo | Thư viện Văn học Nghệ thuật)

Tạo bài viết
17/10/2010(Xem: 80423)
01/12/2019(Xem: 14005)
17/05/2021(Xem: 3996)
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…
Nhà sư Ajahn Santamano, người đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trên khắp Anh quốc trong năm qua, đang liên tục cư trú tại lều trại, nói chuyện với người qua đường và tổ chức các cuộc biểu tình để nhắc nhở mọi người về "sự thông đồng" của Hoa Kỳ và phương Tây trong cuộc diệt chủng dân Palestine. "Hoa Kỳ là thủ phạm chính gây ra cuộc diệt chủng này đang diễn ra ở Palestine", Thượng Tọa Santamano nói với Anadolu, trích dẫn việc Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí và tài trợ Israel. Thầy đặc biệt chỉ trích các vụ đánh bom bệnh viện và vụ thảm sát hàng loạt trẻ em.