VỀ ĐÂU HỠI NGƯỜI
Cao Huy Hóa
Vào đầu tháng 7/2017, một người thân đã gửi cho tôi một email, kèm tấm ảnh chụp mộ cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl, một ngôi mộ mới tinh vì ông vừa tạ thế. Chắc hẳn người gửi muốn chia sẻ với tôi về cảm nhận ngôi mộ của một danh nhân thời hiện đại - vị thủ tướng của một cường quốc châu Âu từ năm 1982 đến năm 1998, từ nước Đức phân ly đến nước Đức thống nhất, một công trình sư chủ chốt của Cộng đồng châu Âu, (cùng với cựu Tổng thống Pháp François Mitterand) - một sự nghiệp lừng lẫy như thế mà ngôi mộ chỉ có diện tích khiêm tốn, giản dị, không mái che, không thành quách, không dựng bia, chỉ có thánh giá gỗ có gắn tên Helmut Kohl (1930-2017).
Ông trở về với đất, mà đất thì bình đẳng với mọi người… Chỉ cần cái huyệt mấy mét vuông cho người nằm xuống. Cái khác biệt là bên ngoài thân xác, bên ngoài cái huyệt. Đó là điều rất nhiều người lo. Cứ theo tập quán của ta, con người chưa trả xong nợ đời, dầu cho còn khỏe, đã nghĩ chuyện táng. Rất nhiều người đã có mộ phần trước giờ an giấc ngàn thu, và những ai từ 70 tuổi trở lên mà chưa có mộ phần thì ngày càng bị thôi thúc - lo trước cho con cái đỡ lo - vì đất đai ngày càng khó. Như ở Huế, nghĩa trang thành phố phải mở rộng, lan ra xa, rồi thêm một nghĩa trang phía Bắc. Không chỉ ở thành phố, ở nông thôn miền cát trắng ven phá Tam Giang, trước đây độn cát mênh mông, mộ phần ở đâu cũng được, thì ngày nay cát có chủ, rồi rừng phi lao chắn cát, rồi nuôi tôm, khai thác titan, lập trang trại trên cát, nên địa điểm chôn cất không còn tự do như trước.
Chuyện mồ mả là chuyện thiêng liêng của cá nhân, gia đình và dòng họ, cho nên một thời gian dài sau năm 1975, chiến tranh qua đi, những gia đình và dòng họ giàu có - một số lớn là nhờ ngoại viện - đã chỉnh trang, xây mới lăng mộ thật hoành tráng, thành trong thành ngoài, nhà bia, mô-típ hoa văn thật tỉ mỉ, nhiều màu sắc; từ đó, nhiều nghĩa trang huy hoàng khai sinh, được người dân gọi là thành phố ma, thành phố lăng mộ như ở An Bằng, Phong Hải… Đến một lúc bão hòa, càng ngày mọi người càng nhận ra một sự thật: Không thể dành nhiều đất cho quá nhiều người chết, mà cần đất cho người sống ngày càng sinh sôi, với biết bao công trình quốc kế dân sinh! Có lẽ chính quyền địa phương nên tính toán quy hoạch nghĩa trang, dành cho mỗi cái lăng cái mộ một diện tích chấp nhận được.
Tình thế đi đến một cuộc cải cách phương thức an táng: hỏa táng thay vì địa táng. Hỏa táng đã có lịch sử từ lâu đời. Trước Phật giáo, xã hội Ấn Độ đã có tục hỏa táng, và đến thời Đức Phật, vua Tịnh Phạn và Đức Phật cũng được hỏa táng. Nhiều người trung lưu thành thị ngày càng nghiêng về khuynh hướng thiêu, và mong chờ nhiều thành phố đầu tư các công trình lò thiêu. Thay vì xây lăng tẩm, mồ mả, mộ chí làm chi cho phiền phức, tốn kém, người sắp ra đi đã dặn dò, cát bụi trở về với cát bụi; vậy thì chỉ một dúm tro trong hũ cốt gửi chùa “để nghe kinh kệ” là quá đủ. Có trường hợp người sắp mất chẳng muốn lưu giữ gì, sau khi chết, cứ cho gió cuốn tro bay trên núi rừng hoặc cửa sông, cửa biển. Nhà văn nữ Quỳnh Dao (Đài Loan), 80 tuổi, dặn dò con lo chuyện hậu sự, trong thư có đoạn: “Khi còn sống, nguyện là ánh lửa, cháy hết mình tới phút cuối cuộc đời. Lúc chết đi, nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi”1 .
Chuyện hỏa táng đã trở nên phổ biến toàn cầu. Nước Nhật đất chật người đông, người chết được hỏa táng với lễ nghi rất thành kính và trang trọng. Nước Mỹ dân đông mà đất thì mênh mông cũng đã quen với hỏa táng. Hồi năm 1950, ở Mỹ, nếu ai đó đề nghị người thân nên thiêu sau khi chết, thì ý kiến đó nghe rất chối tai và bị phản ứng quyết liệt, nhưng ngày nay, khoảng một nửa số người Mỹ chọn hỏa táng, xem như đơn giản hơn, và tôn trọng môi trường sinh thái hơn là chôn cất theo lối cổ truyền.
Nhưng chuyện người chết vẫn luôn luôn là vấn đề quá lớn của người đang sống, và cũng liên quan ít nhiều đến sự tồn tại của trái đất. Hỏa táng sử dụng lò thiêu, mà lò thiêu thì cần sức nóng kinh khủng, khoảng từ 800 đến 1.000 độ C. Người ta đã nói nhiều đến vấn nạn biến đổi khí hậu, hâm nóng trái đất, hạn hán, lũ lụt… Làm sao giảm đà tăng nhiệt độ của trái đất, chứ theo cái đà này thì gây ra biết bao hệ lụy cho chúng sinh. Hỏa táng thì gây nên vấn đề gì? Chỉ dẫn chứng nước Mỹ: Hỏa táng tại Mỹ phát ra khủng khiếp 600 triệu pounds carbon dioxide vào khí quyển hàng năm, làm đầu độc trái đất.
Có giải pháp nào tốt hơn hỏa táng, để không góp phần làm nóng trái đất? Trên thế giới, trước những vấn nạn toàn cầu, luôn luôn có những người đi trước, những người tượng trưng cho lương tâm của thời đại, lo cái lo của hành tinh, thì mới nghĩ ra chuyện mà nghe qua, ai cũng có thể giật mình, thế nhưng triết lý của họ thật cao cả.
Con người vốn đã nặng ân tình với trái đất, lại khai thác tàn bạo trái đất, giết hại chúng sinh, phá hoại môi trường, chi bằng sau khi thần thức đã rời bỏ xác phàm, thân tứ đại trở về với đất, nên theo cách nào đó có lợi cho đời sống? “Cái gì sẽ xảy ra nếu thân xác của chúng ta có thể giúp nẩy nở một cuộc sống mới sau khi chúng ta chết đi, thay vì được ướp hương, chôn cất hay biến thành tro?” Đó là tâm nguyện của một người phụ nữ, bà Katrina Spade, từ đó bà lập dự án tổ chức một hệ thống gọi là “natural decomposition process” (tiến trình tái tạo tự nhiên) để biến người chết thành đất giàu chất dinh dưỡng, làm vinh danh cho cả người và trái đất. Ý tưởng và dự án của bà đã được bà giãi bày trong chương trình Ted Talk2 , ngày 14/7/2017, với đề tài: “When I die, recompose me” (tạm dịch: “Khi tôi chết, hãy tái tạo tôi”). [*]
Chuyện này không phải là xa lạ trong tự nhiên, suy cho cùng, cái chết trở lại phục vụ cho đời sống, cây cỏ chết đi lại làm giàu cho đất. Và điều này cũng đúng cho sinh vật. Nhiều chủ nông trại bên Mỹ đã biến thân xác con bò chết thành phân hữu cơ trong quá trình phân hủy tự nhiên. Trong phần lớn những thiết kế, xác con bò được phủ lên một ít lớp dăm bào, vốn có độ carbon cao, và để ngoài thiên nhiên, nhờ gió cung cấp oxygen và mưa tạo độ ẩm. Khoảng chín tháng, tất cả trở thành phân hữu cơ giàu dinh dưỡng. Thân xác con vật được phân hủy hoàn toàn, chỉ trừ răng.
Từ chuyện con bò, bà bắt đầu thiết kế một hệ thống cho người. Bà đã tạo một mô hình đặt trên nền tảng khoa học về phân hữu cơ biến hóa từ cái chết của thú vật nuôi. Bà hợp tác với những chuyên gia về khoa học thổ nhưỡng, tái tạo, về chăm sóc cái chết đa dạng, về luật học và kiến trúc. Bà đã tạo nguồn tài chính từ những nhà sáng lập và cá nhân nhằm mục đích thiết kế một nguyên mẫu của hệ thống đó, và bà đã nghe nhiều chục ngàn người ở khắp nơi trên thế giới cần giải pháp có thể thực thi. Trong những năm sắp đến, mục tiêu của bà là xây dựng cơ sở thực hiện dễ dàng cho việc tạo phân hữu cơ người đúng như nguyên mẫu ở chính thành phố Seattle. Bà cho biết: “Hãy tưởng tượng, một phần công viên công cộng, một phần nhà tang lễ, một phần nơi tưởng niệm cho những người thân yêu, nơi ta có thể kết nối lại với các vòng đời của tự nhiên và đối xử với thân xác ta bằng sự tôn trọng và dịu dàng!”.
Cơ sở hạ tầng là đơn giản. Sau khi liệm người chết trong vải liệm, gia đình và bạn bè đưa thi hài đến huyệt, ở đó đã chứa hệ thống phân hủy tự nhiên. Trong suốt nghi thức lễ tang, họ nhẹ nhàng đặt thi hài vào huyệt và phủ lên đó dăm bào. Từ đây bắt đầu sự biến đổi nhẹ nhàng từ người sang đất. Khoảng một vài tuần tiếp theo, thân xác phân hủy một cách tự nhiên. Vi khuẩn chuyển hóa xác thành carbon, rồi protein, để tạo ra chất mới, làm giàu đất đai. Đất đó có thể được dùng để gây dựng đời sống mới. Biết đâu trên đó, một cây lên tươi tốt và kết trái? Như phảng phất chuyện Tấm Cám, cô Tấm biến thành chim vàng anh, rồi cây xoan đào, rồi khung cửi, chuyển hóa thành tro, rồi tro thành cây thị, rồi quả thị thành Tấm. Nếu cô Tấm trong cuộc đời này chết đi, biết đâu sẽ thành tro, rồi thành cây?
Kế hoạch của bà Katrina Spade đã tiến hành đến đâu? Từ năm 2014, tổ chức của bà đã làm một dự án thí điểm trên vùng đồi của North Carolina với khoa Forensic Anthropology tại Đại học Tây Carolina, với năm xác hiến tặng. Bà đã cùng làm việc rất tốt với các đại học khác. Những nhà khoa học về thổ nhưỡng tại Đại học Washington State, những sinh viên mới tốt nghiệp, đã làm việc để biến răng thành phân. Bà đã nghe ý kiến từ những cộng đồng ở Nam Phi, Úc, Anh, Canada và nhiều nơi khác. Tổ chức của bà mong giúp những cá nhân, tổ chức, những đô thị tự trị thiết kế để áp dụng trong những thành phố riêng của họ.
o0o
Ý tưởng về chuyển hóa thân xác con người thành đất tốt cũng mới manh nha, và mới chỉ có năm trường hợp hiến xác để biến ý tưởng thành thực tế. Ý tưởng đó chắc chắn là lạ lùng, khó nghe, không thể chịu nổi đối với phần đông mọi người, phản lại tình cảm và đạo đức tôn trọng người chết đã trở thành thiêng liêng. Tôi như thế này mà khi chết đi thành phân? Không có nấm mộ, không có tấm bia, rồi mất hút, ai mà chịu thấu?
Dầu sao, trước những vấn nạn ngày càng trầm trọng mà nhân loại và trái đất đang gánh chịu, thì chuyện người chết về đâu cũng sẽ có nhiều lựa chọn. Và khi đó, phong tục, tập quán và lương tâm cũng sẽ xét lại các hình thức lựa chọn đó. Về đâu hỡi người… Phải chăng đó là nấm mồ, là tro rải trên sông, trên biển, trên núi, là hũ cốt trong chùa… và cũng có thể là phân, cho vòng đời tái sinh, mênh mông, vô tận?
Chú thích:
1. Tâm thư xúc động của Nữ sĩ Quỳnh Dao, trên website Phật tử Việt Nam.
2. “Ted Talk là diễn đàn của tổ chức TED nhằm trao đổi kiến thức mới cho mọi người. TED là một cộng đồng toàn cầu, chào đón mọi người từ mọi ngành kiến thức và văn hóa muốn hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới. Chúng tôi tin một cách nồng nhiệt vào sức mạnh của ý tưởng để thay đổi thái độ, lối sống và cả thế giới. Chúng tôi xây dựng mạng TED. com như là nơi trao đổi tri thức tự do từ những nhà tư tưởng giàu cảm hứng sáng tạo trên thế giới, và một cộng đồng của những người ham hiểu biết để dấn thân với ý tưởng mới”.
(Trích dịch từ trang web TED.com)
Cao Huy Hóa | Văn Hóa Phật Giáo 15-4-2018
Thư Viện Hoa Sen
Chú thích thêm của BBT:
(*) Quý độc giả vào trang của TED với link sau đây có phần phụ đề tiếng Việt cùng với 21 ngôn ngữ khác:
https://www.ted.com/talks/katrina_spade_when_i_die_recompose_me/transcript
https://www.ted.com/talks/caitlin_doughty_a_burial_practice_that_nourishes_the_planet/transcript
Bài đọc thêm:
Hỏa Táng (Tâm Diệu biên soạn)
- Từ khóa :
- Về đâu hỡi người