Phần Thứ Hai: Ấn Độ Suối Nguồn Thiêng Liêng- Trang 3

29/04/201112:00 SA(Xem: 13194)
Phần Thứ Hai: Ấn Độ Suối Nguồn Thiêng Liêng- Trang 3


MÙI HƯƠNG TRẦM

Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)
Nhà Xuất Bản Trẻ TP. Hồ Chí Minh 2003

PHẦN THỨ HAI
ẤN ĐỘ SUỐI NGUỒN THIÊNG LIÊNG (TT)
 
Dọc đường phương bắc 
Rừng Sala tại Câu-thi-na 
Xá-vệ và Cấp Cô Độc 
Hạt cải cho Phật 
Đường đi Nepal 
Lâm-tì-ni, khu vườn đã quên 
Kathmandou và khuôn mặt vàng

DỌC ĐƯỜNG HƯỚNG BẮC

Chúng tôi rời Varanasi đi ngược lên miền Bắc nhắm hướng Gorakhpur, gần biên giới Nepal. Gorakhpur cách Varanasi khoảng 180 cây số, là một thành phố nhỏ nhưng có đại học. Thế nhưng kẻ hành hương như tôi có biết đến đến Gorakhpur chỉ vì đây là trạm chuyển tiếp để đi thăm cách nơi quan trọng như Lâm-tì-ni, Câu-thi-na, Sravasti.

Chiếc Ambassador rời Varanasi rất sớm, nhắm hướng bắc, đi ngang Lộc Uyển lần cuối. Trời mưa nhẹ và đường trơn ướt, tôi lo ngại không biết tối ngay mình sẽ ngủ đâu, Câu-thi-na hay Gorakhpur. Khoảng cách 180 cây số thật ra không đáng kể, ngay cả tại Việt Nam tôi cũng tính mất cho bốn giờ là nhiều. Thế nhưng chiếc Ambassador này quá nguy hiểm, bốn bánh xe mòn nhẵn không còn chút gai, nó sẽ đưa tôi xuống đâu trên con đường trơn và hẹp này. Chúng tôi lấy đường số 29, qua Saidpur, đến Ghazipur, bên mặt chúng tôi sẽ là sông Hằng. Từ Ghazipur chúng tôi sẽ bỏ sông Hằng đi thẳng lên phía bắc, sau 60 cây sẽ băng sông Ghaghara, thêm 60 cây nữa là đến Gorakhpur. Nếu đến đó sớm chúng tôi sẽ đến thẳng Câu-thi-na, nơi Phật nhập diệt.

Rời Varanasi không bao lâu quả nhiên chiếc xe suýt gây một tai nạn. Trước một khúc quanh, tài xế thắng lại nhưng chiếc Ambassodor vẫn cứ trờ tới, hướng về một chiếc xe bò đậu dưới gốc cây với một bà già và một cô bé gái ngồi trên xe. Họ run rẩy ngồi bất động không có phản ứng, còn tôi lặng người đợi tai nạn tới như một ngày tại Delhi trên cầu bắc qua sông Yamuna. May thay lúc chỉ còn cách xe bò chưa đầy nửa mét thì xe hơi dừng lại. Chúng tôi ngồi đợi trời hết mưa mới dám ra đi, làm sao chiếc xe này đưa chúng tôi đi khắp vùng Bắc Ấn, tới trạm cuối cùng là Bhairawa thuộc lãnh thổ Nepal, tổng cộng cả ngàn cây số.

Tài xế nhìn tôi tỏ ý lo ngại khách không vừa lòng nhưng tôi còn cách nào khác hơn là đi liều vì làm sao đổi hợp đồng, thay xe trong cảnh hoang vu này. Tôi cũng không thể đòi anh đi chậm lại vì xe đâu có thể đi nhanh trên con đường hẹp và trơn này. Tôi đành đi và cố quên hiểm nguy.

Đường lên phía bắc này là một trong những đường chính của tiểu bang Uttar Pradesh của Ấn Độ mà đoạn này ngày xưa nằm trong vương quốc Kiều-tát-la (Kosala). Trong thời Phật tại thế thì nhà vua của Kiều-tát-la là Ba-tư-nặc (Pasenadi). Ông cùng tuổi với Phật, là một người rất mực khôn ngoan về chính trị, thông thái về triết học, lại là một nhân vật đầy tính người, thích ăn ngonphụ nữ đẹp. Trước khi được vua cha nhường ngôi, ông học tại đại học Takkasila và làm thống đốc tại Varanasi.

Vương quốc của Ba-tư-nặc trải dài từ đông sang tây khoảng 350 km, từ bắc xuống nam khoảng 270 km, phía tây quá Lucknow ngày nay, phía nam đến tận sông Hằng. Kinh đô của Kiều-tát-la chính là Xá-vệ (Sravasti), chỗ mà đức Phật được một thương gia có tên là Cấp Cô Độc cúng dường một vườn kỳ viên. Đây là nơi Phật lưu trú đến trên 25 mùa mưa và sẽ được nhắc đến trong những chương sau.

Ba-tư-nặc hết sức tôn trọng đức Phậttrở thành cư sĩ của Ngài và cũng vì thế mà Phật rất hay đến Kiều-tát-la để lưu trú và giảng pháp. Chỉ trong Tương Ưng bộ kinh [1] thôi ta có thể đếm Ba-tư-nặc đàm đạo với Phật 25 lần. Thế nhưng cũng vì hiếu sắc mà Ba-tư-nặc gây một thảm họa cho dòng Thích-ca.

Ngoài chính hậu, Ba-tư-nặc có thêm bốn bà vợ mà bà thứ tư là một người đẹp dòng dõi Thích-ca, tên là Vasabhakkhatiya. Bà này sinh ra một hoàng tử, tên là Vidudabha, về sau nối ngôi Ba-tư-nặc. Câu chuyện sẽ đơn giản nếu nó dừng tại đó. Khổ thay vị hoàng tử này khi lớn lên khám phá ra rằng 

blank

Bản đồ các vùng hoạt động của đức Phật. Chú thích: =Thị trấn trong thời Phật tại thế; o Thị trấn được xây dựng sau này; Xá-vệ: Savatthi; Lâm-tì-ni: Lumbini; Bodh Gaya: Bồ-đề đạo trường; Lộc uyển: Sarnath; Hoa Thị Thành: Pataliputra; Na-lan-đà: Nalanda; Vương Xá: Rajagaha; _._._ Biên giới Nepal-Ấn Độ; ......Đường đi của thương nhân [2]

mẹ mình không phải hoàn toàn là gốc quí tộc của dòng Thích-ca, bà là con gái của một vị hoàng tử - vị này không ai khác hơn là một anh em họ của thái tử Tất-đạt-đa - với một tiện nữ nô lệ. Dòng Thích-ca đã dâng cho vua Ba-tư-nặc một người bất xứng. Vị hoàng tử trẻ tuổi uất hận dòng Thích-ca từ đó. Khoảng năm 487 khi Ba-tư-nặc viếng vương quốc Thích-ca và hội đàm với Phật tại đó thì Vidudabha thừa cơ cha vắng mặt ở kinh thành, lấy cắp ấn kiếm, lật đổ phụ vương. Ba-tư-nặc bị mất ngôi, đi ngựa từ Ca-tì-la-vệ về Vương Xá để cầu cứu A-xà-thế. A-xà-thế cũng là con phản cha nhưng lại gọi Ba-tư-nặc bằng cậu. Mẹ của A-xà-thế, bà Vi-đề-hi là em gái của Ba-tư-nặc. A-xà-thế sẵn sàng đem quân chinh phạt nhưng đêm đó Ba-tư-nặc chết vì kiệt sức, thọ 76 tuổi.

Bây giờ Vidudabha rảnh tay đem quân đi trả thù dòng Thích-ca, dòng bên ngoại đã sinh ra mình. Kinh sách kể lại Phật ba lần ngăn ngừa được trận trả thù này nhưng qua lần thứ tư thì Vidhdabha không muốn nghe nữa, chiếm Ca-tì-la-vệ, thẳng tay giết tất cả thanh niên trong tuổi quân đội và cho phá hủy thành. Thành đó là quê hương Ca-tì-la-vệ (Kapilavatthu) của Phật mà ngày nay có tên là Tilaurakot thuộc địa phận Nepal. Đó là năm 485 hay 484, không lâu trước khi Phật nhập diệt.

Với Tần-bà-sa-la, Phật đã đem giáo pháp vào nước Ma-kiệt-đà, với Ba-tư-nặc vào nước Kiều-tát-la. Theo nhà Phật học Schumann thì “chính sách” truyền giáo của Phật rất rõ, trước hết Ngài tranh thủ các nhà vua và khi các quân vương theo Phật thì cả nước đều theo. Thế nhưng Phật không phải lúc nào cũng thành công. Vương quốc, nơi mà Ngài thất bại nặng nề, là Vamsa với nhà vua Udena tại kinh thành Kosambi. Vamsa nằm phía nam nước Kiều-tát-la, phía tây của Varanasi, ngày nay là quận Banda của tiểu bang Uttar Pradesh.

Phật đã đến Kosambi nhiều lần và năm 520, Ngài lại đến với hy vọng điều phục được nhà vua Udena. Nhà vua là một người chỉ ham mê thế tục, đối với chuyện tâm linh ông càng ngán ngẫm không muốn gặp Phật, câu chyuện xảy ra chẳng qua cũng chỉ vì các bà vương phi. Vợ chính của ông là Samavati, bà là người tha thiết với đạo pháp. Một bà khác trẻ hơn tên gọi là Magandiya tìm cách bôi nhọ Samavati để chiếm lòng sủng ái của vua, kế này xem ra đời nào cũng có. Bà kể vua nghe Samavati ngây người ngắm Phật lúc Ngài đi khất thực làm vua ghen tức ra lịnh bít cửa sổ của hoàng hậu. Về sau Samavati chết cháy vì bị Magandiya đốt cung điện ám hại. Cơ mưu bại lộ, Magandiya cũng chịu một cái chết thảm khốc bằng hình phạt tử hình.

Về sau con trai của Udena lại là người hâm mộ Phật pháp và nhà vua cũng bớt thành kiến với giáo pháptăng đoàn nhưng trong suốt 35 năm còn lại của đời mình, Phật không lưu trú một mùa mưa nào tại Kosambi nữa.

Kosambi nằm trên bờ sông Yamuna là điểm cực tây của vùng hoạt động lúc Phật còn tại thế. Điểm cực đông là Campa, chỗ cách Bhagalpur ngày nay khoảng 40Km. Điểm cực bắc là quê hương Ca-tì-la-vệ và cực nam là Uruvela, chỗ Phật tu khổ hạnh. Tổng cộng Phật đã du hànhhoạt động trong một vùng đất rộng khoảng 600x300 km.

Ngày nay vùng đất đó chỉ cần vài ngày là đi khắp. Phương tiện di chuyển đã thay đổi nhưng cảnh vật và tập quán người dân hầu như không đổi bao nhiêu. Dọc theo con đường đầy bụi là ruộng mía, là xe bò, là những đám rước tôn giáo đầy màu sắc và sự sùng tín. Xã hội Ấn Độ cho thấy một niềm say mê tôn giáo khó tưởng tượng, điều mà tôi chưa hề thấy tại Việt Nam hay Trung Quốc.

Lúc tôi đến Gorakhpur thì hình như nơi đây có biến động chính trị. Khắp nơi là công an cảnh sát đứng đầy, đường xá vắng vẻ. Tôi sực nhớ Ấn Độ là một xứ sở đầy tranh chấp chính trị mà nguồn gốc của chúng lại là tôn giáo. Đó là những hiềm khích dễ đổ máu giữa Hồi giáo, Ấn Độ giáo và các bộ phái tôn giáo lớn nhỏ. Nghỉ ăn trưa trong một khách sạn tại đây xong, chúng tôi vội vã đi Câu-thi-na. Một nhân viên khách sạn xin đi nhờ xe tôi, quê hương anh chính tại Câu-thi-na cách Gorakhpur 55 km. Người này nói được tiếng Anh, nhờ vậy mà chúng tôi được một người hướng đạo.
 

RỪNG SALA TẠI CÂU-THI-NA

Cuối năm 484 Phật rời Vesali đi về hướng Tây Bắc với một chủ ý rõ rệt: Ngài sẽ từ bỏ thân người sau gần 40 năm giáo hóa. Hướng đi của Ngài là Tây Bắc nên nhà Phật học Schumann cho rằng Ngài muốn nhập diệt trong một tu viện tại Xá-vệ, nơi Ngài từng sống rất lâu, nhưng trên đường đi Ngài chỉ đến được Câu-thi na (Kusinara), tên ngày nay là Kasia, nằm khoảng chừng giữa Vesali và Xá-vệ. Đó là giả thiết của Schumann, nhưng tôi không nghĩ khoảng cách địa lý là một trở ngại cho một thánh nhân như Phật và khám phá thêm trong kinh sách, Phật đã báo trước cho A-nan biết sẽ nhập niết bàn ba tháng trước đó, tại chỗ của bộ lạc Malla. Trên đường đi, Ngài đến Pava, gặp tại đó một người thợ rèn tên là Cunda. Pava ngày nay có lẽ là Fazilnagar, cách Câu-thi-na 16 km, nằm trên quốc lộ 28 nối Vesali với Gorakhpur. Đường Phật đi ngày xưa hẳn là một con đường nhiều dân cư mà ngày nay nó đã trở thành một quốc lộ nằm hướng đông tây, nối liền hai bang Bihar và Uttar Pradesh.

Người thợ rèn tốt bụng mời Phật và tăng đoàn thọ thực và nấu một thứ thức ăn mà ngày nay người ta đoán là một thứ nấm. Phật tự mình ăn thức ăn đó, không cho phép ai được đụng tới và nói với A-nan rằng, “khắp trời người, ta không thấy ai có thể ăn món ăn này mà sống sót”. Giờ cuối cùng của Ngài đã điểm và Cunda có cái hân hạnh nấu cho Ngài bữa ăn lần chót.

Rời nhà Cunda, đoàn tăng già ra đi, băng qua một con sông nhỏ mà ngày nay có tên là Little Gandak, đến Câu-thi-na. Đây không phải là chỗ xa lạ, Phật đã đến đây, nó thủ phủ thứ hai của bộ lạc Malla. Dưới tàng cây Sala, A-nan làm một chỗ nằm cho Phật nằm tạm và từ đây Phật không bao giờ đứng dậy nữa.

Chiều hôm đó Phật chỉ thị cho A-nan đừng lo lắng gì về việc mai táng Ngài, đã có nhân dân quanh vùng giúp đỡ. Đến lúc đó thì A-nan mới biết Phật sắp giã biệt tăng đoàn và khóc lóc than thở. Tối đó có một sa-môn tên Subhadda đến thăm Phật và bị A-nan cấm không cho vào. Vị đạo sư lúc đó như ngọn đèn sắp tắt nhưng vẫn nghe rõ lời van xin, bảo A-nan cho ông vào và Subhadda trở thành vị đệ tử cuối cùng của Phật lúc Ngài còn tại thế. Ngày hôm sau, Phật cho tăng già một dịp cuối được hỏi về đạo pháp nhưng tất cả mọi người đều im lặng. Lúc đó đêm đã gần kề, cuối cùng Phật nói: “Này chư vị, thật vậy, các pháp hữu vi đều vô thường, hãy tinh tấn”.

Sau đó Schumann kể lại Phật “bất tỉnh” nhưng theo kinh điển, Ngài đã đi vào thiền định, từ sơ thiền đến các xứ định rồi trở lại sơ thiền. Phật nhập định hai chiều thuận ngược như thế “đến hai mươi bảy lần” và cuối cùng đúng lúc nửa đêm “Ngài nhập tứ thiền, lặng lẽ mà đi” [3]. Ngài bỏ ứng thân bằng xác thịt này, bỏ một tâm thức mang tính cá thể và đạt tới một dạng bất khả tư nghìchúng ta gọi là “Đại Niết bàn”. Đó là năm 483 trước công nguyên.

Tôi từ Gorakhpur đến Câu-thi-na vào một chiều mưa, rừng cây Sala [4] ngày nay vẫn còn, lá xanh ngắt đẫm nước trông như ngọc. Đây là một nơi nhà dân chỉ có vài nóc, cách quốc lộ 28 khoảng vài trăm mét. Lúc tôi vào thì có một đoàn người Ấn Độ vào chiêm bái, nhưng khác hẳn với Lộc Uyển, đây là một nơi hết sức vắng vẻ. Bây giờ như thế nhưng ngày xưa, lúc Huyền Trang đến đây thì sao?

Huyền Trang kể “...Đây là nhà cũ của Cunda. Giữa đó là một cái giếng do ông này đào khi cúng dường thức ăn cho Phật. Dầu trải qua nhiều năm tháng lụt ngập, nước vẫn trong và ngọt. Về phía tây bắc thành phố [5] độ 3,4 dặm vượt qua sông Ajitavati [6], về bờ phía tây không xa lắm, chúng ta đến một khu rừng có cây Sala. Cây Sala như cây Huk, vỏ cây màu trắng xanh, lá lóng lánh và trơn dịu...Tại chỗ này có một tinh xá bằng gạch, trong đó là tượng đức Như Lai nhập Niết bàn. Ngài nằm đầu hướng về phía bắc như đang ngủ. Bên cạnh tinh xá là một ngọn tháp do vua A-dục dựng lên; dầu đã hư sụp, nhưng cũng còn cao gần 200 bộ...Phía bắc thành phố vượt qua sông và đi bộ khoảng 200 bước có một ngọn tháp. Đây là chỗ làm lễ trà tỳ [7] nhục thân đức Phật. Đất hiện tại đen vàng, than và đất trộn với nhau...” [8]

blank

Sơ đồ vùng Câu-thi-na. Chỗ ô vuông có chấm là chỗ Phật nhập Niết-bàn. Chấm đen có chữ “Einascherungsstupa” là chỗ cử hành lễ trà tỳ [9]

Ngày nay tôi đến thì tinh xá và tháp do vua A-dục xây vẫn còn. Nhưng theo tài liệu thì đền mà ngày nay ta thấy mới được xây lại năm 1956, thay thế đúng nơi “tinh xá bằng gạch” mà Huyền Trang kể lại. Trong tinh xá này là một bức tượng Phật nhập Niết bàn dài 6,2m bằng đá được hoàn thành trong thế kỷ thứ năm, đó chính là bức tượng mà Huyền Trang mô tả. Bức tượng này đã nằm dưới đống gạch vụn của tinh xá cũ và may thay được tìm thấy lại năm 1876 để hậu sinh như chúng ta được đảnh lễ. Đó là một cái đền có mái cao, buổi chiều trời mưa nên bên trong mát lạnh. Tượng Phật đắp y vàng nằm an tịnh, hai bàn chân để lộ ra ngoài. Tôi lặng lẽ tìm chỗ ngồi trên nền đá dưới chân tượng, trong đền mát lạnh và thơm mùi nhang khói, lòng biết rằng ở nơi đây hai ngàn năm trăm năm trước, có một vị đạo sư cũng phải lìa đời như mọi sinh vật trên trái đất này. Ngài chủ động lấy thân người, sinh ra và lớn lên trong số phận của đời làm người và cũng thông qua dạng người đó để chỉ dạy cho con người những nhận thứcphương pháp giải thoát khỏi vòng sinh tử. Đến ngày cuối cùng của đời mình Ngài cũng chịu bệnh tật và đau đớn, dùng chính thân mình để minh họa cho giáo pháp mình. Ngài là người thể hiện trước nhất và cụ thể nhất Bồ-tát đạo, cứu cánh của Đại thừa Phật giáo mà vài trăm năm sau mới bắt đầu phát triển.

Lần thiền định trong đền này này để lại cho tôi lòng an tịnh khó quên, nó khác hẳn tại Bodh Gaya, nơi đầy người qua kẻ lại. Lúc tôi ra khỏi đền thì trời đã dứt cơn mưa, lá cây Sala vẫn còn lóng lánh. Hỡi các cây Sala này, theo kinh điển thì tiền bối của các ngươi cũng đã chứng kiến phút nhập diệt của Phật:

“...Bốn cặp cây Sala, 
vươn tàng ra hợp lại,
thành một vầng mây lá, 
che phủ thân vàng kim,
nằm trên giường bảy báu...”

và cây lá như các ngươi mà cũng biết đau buồn:

“...Lá các cây Sala,
bỗng biến thành trắng xóa, 
như một rừng hạc trắng,
rồi thì lá hoa trái, 
vỏ cây và nhành cánh,
khô dần thành nứt nẻ, 
gẫy rụng lả tả rơi...”. [10]

blank

Sơ đồ tại tháp Nhập niết-bàn. Hình tròn màu đen ở giữa là tháp tròn cao 15m. Bên cạnh là chính điện (có chữ “Tempel”), trong đó có tượng Phật nhập niết-bàn dài 6,2m. Xung quanh là các tu viện [11]

Tôi đi vòng quanh tháp bên cạnh đền, lòng ngẩn ngơ. Ngọn tháp mà Huyền Trang cho là 200 bộ (khoảng hơn 60m) đó ngày nay chỉ đo được khoảng 15m. Có tài liệu cho rằng đó là chỗ thờ xá-lợi của Phật được chia cho bộ lạc Malla chứ không phải của A-dục xây. Ngay tại nơi đây, cách đền khoảng 1,5 km là nơi hỏa thiêu nhục thân đức PhậtHuyền Trang cũng đã mô tả, ngày nay chỉ là một ngọn đồi con đường kính 34m, cao 8m (xem hình 16). Đó là nơi cử hành lễ “Trà tỳ”, lễ hỏa thiêu cử hành khoảng một tuần sau khi Phập nhập diệt. Đó là buổi lễ không thể thiếu Ma-ha Ca-diếp, đại đệ tử của Phật, lúc đó đang ở Linh Thứu đã vội vã trở về tham dự. Lễ này được mô tả rõ ràng trong Đại Niết bàn kinh, phẩm Trà tỳ. Qua bao nhiêu năm tháng ngọn đồi này đã bị nhiều 

blankH 4: Lễ hỏa táng (trà tỳ) đức Phật. Bên mặt phía dưới là Ca-diếp đang chắp tay cầu nguyện. Bên cạnh là cư sĩ dang cúng dường hoa quả. Một tăng sĩ đang đổ hương trầm vào lửa từ trong một bình đựng bằng vỏ ốc. Phía trên là thiên nhân đang tấu nhạc, một vị khác đang rải hoa cúng dường [12]

người đào bới để tìm xá lợi Phật. Huyền Trang cũng từng nói ai đến đây với lòng chí thành sẽ tìm thấy xá lợi. Tôi không có chút tham vọng, biết mình làm sao đủ cơ duyên để tìm thấy cái gì, chỉ nhớ rằng lúc mình đến là một buổi chiều sau khi mưa tạnh, bầu trời hết sức quang đãng và lòng hết sức thanh thản. Điều bất ngờ là vềà sau tại Linh Quang tự gần Bắc Kinh tại Trung Quốc, tôi đã được chiêm bái răng Phật, một trong bốn chiếc răng được tìm thấy tại ngọn đồi con này, một trong các báu vật mà cả Long Vương, Đế Thích cũng giành nhau.

 [1] Samyuttanikaya
 [2] Hình trích của H.W.Schumann, sách đã dẫn
 [3] Theo “Phật thuyết đại bát niết bàn kinh“, Việt dịch của Thích Nhất Chân
 [4] Tên khoa học là shorea robusta
 [5] Có lẽ Huyền Trang nói Kasia bây giờ
 [6] Tức là sông Little Gandak
 [7] Lễ hỏa thiêu
 [8] Trích Thích Thiện Châu, sách đã dẫn
 [9] Hình trích của H.W.Schumann, sách đã dẫn
 [10] Kinh đã dẫn, Việt dịch của Thích Nhất Chân
 [11] Hình trích của H.W.Schumann, sách đã dẫn
 [12] Hình trích từ H.W.Schumann, Buddhistische Bilderwelt, Eugen Diederichs Verlag 1993



XÁ-VỆ VÀ CẤP CÔ ĐỘC

Vì Câu-Thi-Na chỉ là một làng nhỏ không có chỗ trú ngụ, chúng tôi cho xe lấy đường 28 đi thẳng về hướng Tây, nhắm Basti, cách đó khoảng 120 km. Trời đã tối, xe hư đèn, chỉ còn đèn “pha”, chói mắt xe chạy ngược chiều nên hết sức nguy hiểm. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được Basti, vào một khách sạn xác xơ nhưng có cái tên sang trọng là Suyash Palace. Hôm sau chúng tôi sẽ bỏ đường 28, lấy một con đường không tên lên hướng bắc, qua Balrampur đến một thị trấn tên gọi là Sravasti (Xá-vệ), ngày nay không có người ở.

Xá-vệ không gì khác hơn chính là kinh đô nước Kiều-Tát-la của nhà vua Ba-tư-nặc. Sravasti còn có tên là Savatthi, chính là nơi Phật lưu trú 25 mùa mưa, giảng vô số kinh sách mà ta thấy đầu kinh ghi là “Xá-vệ-quốc”. Tại Xá-vệ, Phật giảng hai bộ kinh cao cấp nhất về mặt trí huệ, đó là kinh Kim Cươngkinh Hoa Nghiêm. “Hội Hoa Nghiêm” được mở tám lần cho trời người được nghe, phần lớn là tại các cung trời, một lần trên địa cầu là tại rừng “Thệ Đa” tại Xá-vệ. Hai ngàn năm trăm sau hội này, nhiều nhà vật lý hiện đại kinh ngạc thấy rằng thế giới mô tả trong phẩm “Nhập pháp giới” của Hoa Nghiêm hoàn toàn trùng hợp với nhận thức của họ.

Rừng Thệ Đa có tên là Jetavana, có người gọi là Kỳ viên, đó là một khu vườn của một “trưởng giả” tên là Cấp Cô Độc. Vị này là một thương nhân rất giàu có, ông làm nghề “ngân hàng”, có lẽ ông nhiều của cải như Bill Gate thời nay. Nhưng ông khác với các thương nhân ngày nay ở chỗ rất tôn trọnghết lòng hỗ trợ Phật pháp.

Nhà ngân hàng Cấp Cô Độc có vợ người xứ Vương Xá, ông hẳn là người đầu tiên làm cái nghề nhiều lợi tức này của Ấn Độ. Ngày nọ, đến quê vợ giao dịch, ở tại nhà anh rể, ông thấy trong nhà chuẩn bị nhộn nhịp. Hỏi ra ông biết có người tên là “Đức Phật” ngày mai sẽ đến thọ thực tại đây. Tối hôm đó ông thao thức chẳng ngủ được, dậy sớm đi về phía rừng Trúc Lâm thì có người gọi ông bằng tên tộc. Như thời nay, các đại phú ngày xưa đều muốn dấu tên, ông giật mình hoảng sợ và mới hay người đó là đức Phật đang đi kinh hành buổi sáng. Trong bữa ăn ngày hôm đó, ông xin qui y và mời Phật về Xá-vệ nghỉ trong mùa mưa. Phật nhận lời và cho hay chỗ lưu trú chỉ nên yên tĩnh là được.

Cái chỗ đó thật sự là yên tĩnh nhưng đắt tiền. Cấp Cô Độc tìm ra được một khu vườn xanh tươi, nằm ở phía tây nam kinh thành Xá-vệ. Thế nhưng vườn đó có chủ, nó là của Jeta, con trai nhà vua Ba-tư-nặc. Jeta không chịu bán cho Cấp Cô Độc nhưng dại dột nói chơi thêm “100.000 đồng tiền vàng cũng chưa chắc chịu”. Chẳng may cho Jeta là Cấp Cô Độcthương nhân, rất sành về hợp đồng mua bán. Theo luật thời đó hễ ai nêu giá là phải bán, nếu nhất định không bán thì đã không nêu giá. Cấp Cô Độc kiện vị hoàng tử, buộc phải bán với cái giá khổng lồ 100.00 đồng tiền vàng. Và công minh thay, nền tư pháp của thời quân chủ ngày đó không hề bênh vực con vua cháu chúa, Jeta phải bán với giá này. Người ta cho rằng số tiền này đủ để mua vàng trải đầy khu vườn. Đó là năm 526.

Khu vườn này được trồng cây cối rậm rạp, một phần là xoài nên có khi được gọi là “rừng xoài”. Ngày nọ có một người đến thăm Phật vì lòng tò mò. Ông là nhà vua Ba-tư-nặc, trị vì nước Kiều-tát-la. Ông nghe sa-môn Cồ-đàm là con trai của Tịnh PhạnTịnh Phạn thật ra là vua của một tiểu quốc thần phục Kiều-tát-la. Đúng ra ta chỉ nên gọi Tịnh Phạn là thống đốc [1] thì phải hơn. Ba-tư-nặc đến tìm Cồ-đàm với sự dè dặt:

“Ba-tư nặc: Thưa Cồ-đàm, phải chăng Ngài là người tự xưng là Phật đã hoàn toàn giác ngộ?”

“Phật: Đúng thế, ta tự xưng như thế!”

“Ba-tư-nặc: Các vị Sa-môn và Bà-la-môn khác cũng trả lời tôi là họ cũng giác ngộ hoàn toàn. Làm sao Ngài còn trẻ tuổi và xuất gia chưa lâu mà gọi là giác ngộ hoàn toàn được?”

“Phật: Thưa quốc vương, có bốn thứ ta không nên coi thường vì tuổi còn trẻ: người chiến sĩ, con rắn độc, đốm lửa và vị tỉ-kheo” [2].

Trước sự hùng biện hóm hỉnh của Phật, Ba-tư-nặc không hề thấy bị xúc phạm. Ông là nhà vua, cùng trẻ tuổi như Phật thế nhưng không được liệt vào “bốn thứ”. Ngược lại ông xin qui y trở thành cư sĩ.

Kể từ năm 508 Phật xem vườn Kỳ viên là trú xứ mùa mưa của mình, Ngài ở đó suốt 18 mùa mưa. Gần đó cách 600m về phía đông có một khu vườn khác tên gọi là Pubbarama của tín nữ Visakha tặng tăng đoàn, tại đó Phật lưu trú sáu mùa mưa.

Từ Basti đi Xá-vệ, đường dẫn qua những làng mạc vô danh, qua những đám rừng rậm có thể làm ta hãi sợ. Bên mặt của con đường xe chạy là con sông Rapti, ngày xưa tên gọi là Achiravati. Kinh thành Xá-vệ ngày xưa nằm trên bờ sông này, nhờ thế mà thuận đường mua bán vì sông chảy về phía đông nam nhập chung với Hằng hà. Trên đường đi, chúng tôi gặp một trận mưa to tưởng chừng như đại hồng thủy kéo tới và cũng nhờ thế mà khi đến Kỳ viên tại Xá-vệ thì mây đen đã tan, để lộ một vùng cây cối xanh tươi không thể nào tả xiết.

Cám ơn thay Nhà nước Ấn Độ, mặc dù dân nghèo lam lũ, mặc dù đạo Phật đã biến mất cách đây 10 thế kỷ nhưng vẫn để tâm săn sóc khu vườn lịch sử này để cho hậu thế có thể tìm thấy trú xứ của Phật trong một tình trạng xứng đáng với tầm vóc của nó.

Tôi bước chậm rãi trong Kỳ viên trên con đường hẹp tráng xi măng mà bây giờ đã sạch bóng sau cơn trưa và nhận rằng lòng mình lúc nào cũng bình an khi đến các thánh địa. Đó là lòng bình an kỳ lạ dù tâm lữ khách háo hức lớn hơn mọi chỗ tôi từng đi qua. Ở đây tôi cảm nhận một không khí thuần tịnh, ở Vesali một khí sắc vương giả, ở Bodh Gaya một tâm tư kính sợ, ở Linh Thứu một lòng cảm động vô hạn, ở Câu-thi-na một khí lực mát lạnh buồn bã, ở Lộc Uyển một lòngï hân hoan. Nhưng ở mọi nơi, lòng bình an luôn luôn chan hòa trong mọi cảm nhận đó, nó làm nền cho chúng phát khởi.

Đây là cây bồ-đề mệnh danh “A-nan”, nó được A-nan cho mang một nhánh [3] từ cây bồ-đề gốc tại Bodh Gaya về và do chính tay Cấp Cô Độc trồng. Cây này được trồng vì dân chúng Xá-vệ hỏi Phật khi Ngài đi vắng thì lấy gì để cung kính. Phật cho trồng cây này và đã từng thiền định dưới gốc này một đêm. Ngày nay Phật đã đi vắng, tôi đành cung kính Ngài bằng cách thắp một cây hương cắm dưới gốc cây.

Đi thêm khoảng 100m nữa thì bên trái là đền Gandhakuti, chỗ thiêng liêng nhất của Kỳ viên, đó là trú xứ của Phật, chỗ Ngài ở suốt 18 mùa mưa, ngày nay chỉ còn nền đá. Trên nền này đã có nhiều công trình xây dựng sau đó, chúng cũng lại bị đổ nát theo thời gian. Theo tài liệu khoa học thì nền gạch nung còn lại ngày nay là từ thời đại Gupta (320-510 sau công nguyên). Trong thế kỷ thứ 5 lúc Pháp Hiển đến đây, ông còn thấy dấu tích một ngôi tháp gỗ bảy tầng đã bị cháy, thay vào 

blank 

Sơ đồ vườn Kỳ viên. Phía trên là Gandhakuti. Phía dưới bên mặt là cây bồ-đề [4]

đó là một ngôi tháp gạch hai tầng. Hai thế kỷ sau, lúc Huyền Trang đến thì ngôi tháp gạch cũng đã đổ nát. Có lẽ các viên gạch đỏ này là di tích nền tháp xây trong thế kỷ thứ năm đóù. Những cảnh thành hoại trong các kiến trúc xây dựng này chỉ nhắc tôi nhớ lại kinh Kim CươngPhật thuyết ngay tại chốn này:

Tất cả pháp hữu vi,
Như bào mộng, như huyễn thuật, như bọt nước,
Như sương mai, như tia chớp,
Cần phải quán như vậy.

HẠT CẢI CHO PHẬT

«Năm trăm năm trước Công nguyên, Phật Cồ-đàm, vị đạothế gian của lịch sử, đã sống trên trái đất này và du hành liên tục không biết mệt mỏi từ nơi này qua nơi khác, để tìm gặp được càng nhiều người càng tốt trong thời gian Ngài còn tại thế.

Một lần nọ có một bà mẹ đến tìm gặp Ngài tại một ngôi đền, khóc lóc thảm thiết. Bà mang đứa con đã chết trên tay và khóc lóc làm mọi người động lòng thương xót; vì ai cũng biết mất con là nỗi đau đớn lớn nhất trên đời. Bà mẹ van xin: “Hãy để tôi gặp Phật Cồ-đàm”, vừa nói vừa gần như ngất lịm vì đau đớn. “Hãy cho tôi gặp Ngài, Ngài sẽ có một phép lạ. Ai cũng nói Ngài có thể cứu con tôi. Hãy để tôi tới Ngài”.

Phật Cồ-đàm cho bà vào gặp ngay. Trước cửa, các tỉ-kheo đang cầu nguyện cho chúng sinh được giải thoát; sau cánh cửa, vị đạo sư ngồi trong sự an lạc với chính mình và thế gian. Với ánh mắt Phật, Ngài nhìn thi hài tí hon của đứa trẻ rồi nhìn khuôn mặt bà mẹ. Hơi ấm khó tả tỏa ra từ hào quang của Ngài bao trùm căn phòng, Ngài để cho người mẹ tuyệt vọng dần dần lấy lại được bình tĩnh, để cho bà sắp xếp được tư tưởng đang rối loạn.

Bà đưa cho Phật xem thi hài đứa con rồi gọi: “Con của con đã chết. Con làm sao bây giờ. Bạch Thế Tôn, Ngài hãy giúp con. Hãy cứu nó sống dậy! Ngài là chúa tể của sự sống chết, đã vượt qua sống chết. Hãy cứu chúng con. Nó là niềm vui của gia đình. Từ nhiều năm nay, chúng con không mong gì hơn là được đứa con. Bây giờ nó chết vì một thứ bệnh hiểm nghèo. Hãy mang ánh sáng lại trong mắt của nó. Hãy công bằng. Đứa con nhỏ tuổi này chết đi quá sớm”.

Bà van cầu đức Thế Tôn và Phật cứ để như thế cho đến lúc bà im lặng. Ngài nhìn đứa trẻ và đưa tay rờ vầng trán đã lạnh. Cuối cùng Ngài nói: “Hãy nghe ta, hỡi người đàn bà tốt dạ và trung thành. Nàng hãy đi từ nhà này qua nhà khác trong đô thị này và hãy xin một hạt cải của một nhà chưa có ai chết. Hãy mang hạt cải đó về đây và để xem ta có thể làm được gì không”.

Người đàn bà nghe xong mừng rỡ. Bà quì dưới chân Phật, cảm tạ bằng cách rờ chân của Ngài. Phật để hai tay trên đầu bà, truyền năng lượng an lạc lên người bà. Với phước lành đó, bà ôm đứa con ra đi.

Bà đi suốt ngày trong thành phố, từ nhà này qua nhà khác, và xin hạt cải của tất cả gia đình mà trong đó chưa có người thân nào chết cả. Đi tới đâu, bà cũng kể chuyện thương tâm của mình, kể hoài, nhưng bà không tìm ra một gia đình nào mà chưa từng đối diện với cái chết. Không mệt mỏi, bà vẫn tiếp tục tìm kiếm, chỉ với hi vọng, xin được một vài hạt cải đem về cho Phật, để Ngài cứu sống con mình.

Cuối ngày, bà vẫn không tìm ra được hạt nào cả, vì thực tế cái chết đến với tất cả mọi người. Nhiều người xót thương, đề nghị cho bà vài hạt cải, nhưng giấu chuyện trong nhà có người chết. Nhưng người đàn bà nọ không đồng ý, bà không thể lừa dối Phật. Bà chỉ cần tìm ra một gia đình mà trong đó chưa có ai chết cả.

Mặt trời đã lặn. Trong ánh sáng cuối ngày, bà đứng đó với thi hài đứa con trên tay, và nghĩ về những câu chuyện hôm nay bà đã được nghe. Bà không có một hạt cải nào cả và bỗng nhận ra rằng, không ai thoát được cái khổ này cả, cái khổ mà trước đó bà nghĩ rằng chỉ mình phải chịu.

blank

H 20: Nền đá đền Gandhakuti, nơi câu chuyện này xảy ra (Ảnh của H.W.Schumann)

“Ta không phải là một ngoại lệ, con ta cũng không phải là người duy nhất phải chết”, lần đầu tiên bà nghĩ thế. “Cái gì có sinh, ắt cái đó có diệt. Đó là điều không thể thay đổi, vì thế ta phải kiếm cái không bao giờ sinh và cũng không bao giờ diệt, phải tìm chân lý trường cửu mà các bậc hiền nhânđức Phật đang giảng thuyết. Ngài đã đưa ta vào đúng đường”. Bà cảm tạ, nghiêng mình về hướng Phật đang lưu trú.

Đêm dần buông khi bà về lại đền Phật ở, thi hài đứa con vẫn ở trong tay. Bà mẹ trẻ đó không tìm ra được một hạt cải nào, nhưng được một tri kiến mà bà mang trong lòng như một ngọn lửa bập bùng.

Càng tới gần Phật, bà càng cúi đầu. Sau đó bà để đứa con dưới chân Ngài và nói: “Bạch Thế tôn từ bi, con đã hiểu những gì Ngài muốn nói. Cái vô thường thì phải chết, không thể tránh khỏi. Nhờ Ngài, con đã thấy một chút của chân như, cái chân như đó không chết, trong con và trong mọi thứ. Cái chân như đó cũng chính là cái mà đứa con của con đã thấy, ít nhất là trong một chốc ngắn ngủi, trước khi nó tìm kiếm một đời sống khác. Và cái chân như đó, con đã thấy ngay lúc con còn sống. Ánh sáng của tự tính thường hằng là cái duy nhất vĩnh cửu. Và từ nay về sau, con xin dựa vào nó thôi”.

Đức Phật mỉm cườigật đầu đồng ý, khi người mẹ xin Ngài tiếp dẫn cho thần thức đứa con được sinh vào cõi Phật, trong đó thức người chết được lưu trú trong một giai đoạn, không bị thời giankhông gian lung lạc.

Cùng với các tăng sĩ, Phật đặt thi hài đứa trẻ lên một đống lửa và để cho thân cháy, trong lúc tâm của đứa trẻ được đưa về cõi của tự tính, từ đó mà mọi hiện tượng phát sinh” [5].

Câu chuyện này được nhiều người biết và tôi đã nghe nó từ hồi còn nhỏ. Nhưng hồi đó tôi có ngờ đâu đây là một câu chuyện có thật và sẽ có một ngày mình sẽ đến tại chỗ xảy ra sự tích này. Trong ngôi đền Gandhakuti này, Phật ngồi trong phòng, « sau cánh cửa, an lạc với chính mình và thế gian ». Biển giới thiệu đền này còn ghi rõ, ở đây có một cầu thang đi lên tầng trên và Ngài thường xuất hiện sau cánh cửa nọ. Ôi, đây là chỗ bậc đạo sư phát tỏa hơi ấm bình an và êm dịu cho những ai đến với Ngài, trong đó có người thiếu phụ mất con. Người đàn bà « tốt dạ và trung thành » này tên là Kisagomi, quê tại xứ Xá-vệ này, dòng dõi nghèo nàn, bị gia đình chồng hất hủi. Sau khi con mất, bà đã xuất giatrở thành một tôn giả đắc quả A-la-hán.

Ngày xưa đọc câu chuyện trên, tôi thầm nghĩ sao Phật không dùng thần thông cứu đứa trẻ, Ngài là bậc toàn năng mà. Ngày nay tôi biết rằng cái chết chỉ là một sự chuyển tiếp, chắc gì sống sótmay mắn và cái chết là rủi ro. Và tôi biết một điều quan trọng hơn là Phật, dù là bậc toàn năng, Ngài không can thiệp vào đường đi nghiệp lực của bất cứ ai, Ngài chỉ giảng cho chúng ta nghe cơ cấu và tác động của chúng. Ngài cho thấy động lực của mọi đời sống, mọi tái sinh là « tham, sân, si », đó là lòng tham ái, sự giận dữ và óc vô minh. Chúng sinh ra mọi dạng đời sống trong một vòng tròn bất tận mà Ngài gọi là « mười hai nhân duyên ». Nếu ai muốn thoát khỏi vòng sinh tử đó thì người đó tự tinh cần tu học, không ai có thể làm thế cho ai.

Vì lẽ đó mà Phật đã giáo hóa cho Kisagomi và có lẽ cho cả thần thức đứa con, nhưng Ngài không cứu ai khỏi cái chết. Ngay tại Xá-vệ này cũng còn có một nàng thiếu phụ khác mất con được Phật giáo hóa. Nàng tên là Ubiri [6], một trong bốn thứ phi của Ba-tư-nặc, sinh được con gái có tên là Jiva. Jiva bị chết sớm, nàng đứng khóc tại nghĩa trang bên bờ Achiravati. Phật đi ngang, chỉ nghĩa trang hỏi nàng, trong đó có 84.000 người con gái tên là Jiva, nàng khóc cho ai ? Câu nói nghe qua lạnh lùng đó mà giáo hóa được cho Ubiri, về sau bà cũng trở thành tôn giả đắc quả A-la-hán.

Ngày nay tại Xá-vệ, chúng ta còn được thấy chỗ đức Phật phải tránh qua một bên khi Vidudabha đem quân tàn sát dòng Thích-ca. Nơi đó có một ngôi tháp mà Pháp Hiển đã thấy hồi thế kỷ thứ năm. Ngày đó Ngài cũng phải nhìn thảm họa xảy ra cho dòng dõi mình, chúng phải diễn ra đúng qui luật nhân quả mà hẳn Phật là người đại trí thấy rõ hơn ai hết.

Sai trái thay những ai cho rằng đạo Phật là chỗ dung thân cho những người yếu đuối bi quan. Ngược lại, kẻ đi trên đường Phật giáo là người tự mình nắm lấy số phận của chính mình mà trên con đường đó Phật hay Bồ-tát chỉ là người hỗ trợ. Người Phật tử đích thật phải là người tinh tấn, kẻ chiến đấu chống lại khuynh hướng xấu ác nằm ngay trong tâm mình, kẻ « tự thắng chính mình ».

 Schumann dùng từ “Gouverneur“ để chỉ vị trí của Tịnh Phạn
 [2] Trích Tương Ưng bộ kinh 3,1.
 [3] Theo một tài liệu thì Mục Kiền Liên dùng thần thông đến lấy nhánh con đó ở Bodh Gaya trong nháy mắt
 [4] Hình trích của S.Dhammika, sách đã dẫn
 [5] Trích “The snow lion’s turquoise mane“ của Surya Das, bản dịch “Sư Tử tuyết bờm xanh“ của tác giả, Nhà xuất bản Tp Hồ Chí Minh, 1999
 [6] Trích Tăng già thời Đức Phật, Thích Chơn Thiện, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991
 

ĐƯỜNG ĐI NEPAL ^

Tôi đã đến thủ đô Kathmandu của Nepal bằng máy bay nhưng đi đường bộ từ Ấn Độ qua Nepal là một chuyện không đơn giản. Tôi đang vạch kế hoạch đi từ Xá-vệ đến Ca-tì-la-vệ nằm bên kia biên giới Ấn Độ, thuộc nước Nepal. Đường này dài chỉ khoảng hơn 140Km, có lẽ chính là đường ngày xưa Phật từ Xá-vệ về thăm quê hương, cũng là đường mà Vidudabha đem quân đi tàn sát dòng Thích-ca. Tôi thì nhắm hướng Ca-ti-la-vệ với một ý định hòa bình hơn nhiều, tôi đến Lâm-tì-ni (Lumbini) gần đó để thăm chỗ Phật đản sinh. 

Từ Xá-vệ, tôi về lại Balrampur, kiếm chỗ ăn trưa rồi theo chỉ dẫn của sở du lịch, đi về hướng Đông, nhắm hướng Naugarh, rồi từ Naugarh đi ngược hướng bắc khoảng 20Km là đến biên giới Nepal. 

Chúng tôi cho xe chạy nhanh không kể nguy hiểm vì nghe nói buổi tối biên giới đóng cửa. Đường đi vắng người làm tôi lấy làm kỳ, dù sao giữa hai nước Ấn Độ-Nepal cũng hẳn phải có thương nhân qua lại. Theo bản đồ thì đường từ Naugarh lên phía bắc, tới biên giới tôi sẽ gặp trạm biên phòng " Checkpoint Birdpur ". Sau khi chạy xe suốt một đoạn đường vắng vẻ, khoảng 6 giờ chiều chúng tôi đến đó thực. 

Trạm biên phòng chỉ có duy nhất một người lính Ấn Độ bồng súng canh gác và không có xe cộ chờ đợi làm tôi ngờ ngợ. Người lính nhìn tôi chăm chú khi tôi ngoan ngoãn rút giấy tờ ra trình. Ông cho chúng tôi qua biên giới nhưng chiếc xe phải ở lại. Thì ra đây chỉ là một " checkpoint " dành cho người đi bộ. Tôi chỉ còn hai giải pháp, hoặc là cho xe chạy lui tìm trạm biên giới khác, hoặc bỏ xe xách va-li đi bộ qua Nepal tìm xe khác đi Lâm-tì-ni. 

Tôi nhìn quanh trạm biên phòng. Đây là một nơi vắng vẻ, bóng tối đã buông màng, đâu đây có tiếng khỉ vượn kêu hú. Không, tôi không dám qua biên giới với chiếc va-li trong tay, làm sao kiếm ra xe trước khi bất trắc xảy ra. Tôi xách va-li trở lại chiếc Ambassador yêu quí, anh tài xế tuy không nói được tiếng Anh nhưng tốt bụng, tối nay tôi ngủ đâu cũng không sao, miễn an toàn là được. 

Sau khi trao đổi với người lính bằng tiếng địa phương, tài xế hộc tốc phóng xe lui về hướng Naugarh. Đến Naugarh, anh lấy đường đi Pharenda, từ Pharenda xe lại ngược hướng bắc đi Nautanwa, đó là thị trấn cực bắc của quận Maharajganj để đến trạm biên giới Sonauli. Đường vòng này tốn chúng tôi thêm cả trăm cây số, đi xe thêm hai tiếng đồng hồ nhưng đó là quyết định đúng. Trên đường đi dần dần tôi lấy lại sự an tâm vì xe cộ chạy ào ạt, biên giới xem ra không đóng cửa ban đêm và hàng quán bên đường cho tôi thấy đây là đường xá của khách lữ hành. 

Sonauli hiện ra với một rừng xe, xe vận tải, xe du lịch. Hai bên đường là vô số hàng quán chật ních những người, đèn sáng choang. Tôi nhảy xuống xe và bỗng nhớ bến phà Hải Phòng cũng như các bến phà trên đường đi Hạ Long. Đó là những nơi mà kẻ bán hàng rong hầu như nhiều hơn người mua, nơi mà " xe con " tìm cách lách qua mặt các chiếc xe tải, tìm cách đi trước và nhận lại những tiếng nguyền rủa. Đây là một trong hai trục đường chính từ Ấn Độ đi Kathmadu, nơi thương nhându khách qua lại. Xung quanh tôi đầy người nước ngoài, lác đác có ai nói tiếng Đức, Anh và Pháp. Họ cũng mang ba-lô như tôi, đa số mặt mày rất trẻ. Chúng tôi phải tới trạm biên phòng làm thủ tục xuất Ấn Độ và nhập Nepal. Trạm này làm việc nhặm lẹ làm tôi ngạc nhiên, tôi đoán là mỗi ngày họ giải quyết hàng trăm hàng ngàn người nước ngoài như chúng tôi, những kẻ phiêu lưu đi đường bộ dưới chân Hy-mã lạp sơn này. 

Tôi đến Nepal, đây là mảnh đất của vua Tịnh-phạn ngày xưa, quê hương của thái tử Tất-đạt-đa. Nơi đây hai ngàn năm trăm nước có một con người vĩ đại của dòng Thích-ca được sinh ra và có vô 
 

blank


Vùng biên giới Ấn Độ-Nepal với vị trí của Lâm-tì-ni (Lumbini), Ca-tì-la-vệ (Taulihava). Kapilavatthu trong địa phận Ấn Độ là tên của thị trấn thế chỗ Ca-tì-la-vệ sau khi bị Vidudabha phá hủy [71] 

số người vô danh cũng của dòng Thích-ca bị giết hại. Trời đã tối nhưng không lạnh, tôi yên tâm cho xe chạy từ từ về thị trấn Bhairawa chỉ cách biên giới 7 Km. Đây là thị trấn cực nam của Nepal, có một sân bay nhỏ nối liền với thủ đô Kathmandu. Bhairawa là thị trấn mới xây, hầu như nó dành để tiếp đón khách du lịch đến thăm Lâm-tì-ni. Trên đường từ Xá-vệ tới đây tôi ghi nhận ngoài bản chỉ đường thông thường của Ấn Độ có những bản ghi tiếng Anh sơn màu xanh, chỉ hướng về Lâm-tì-ni hay Ca-tì-la-vệ còn bao nhiêu cây số. Hỏi ra thì đó là của người Nhật làm, họ còn bỏ tiền ra hỗ trợ xây đường sá dẫn đến vùng đất của nguồn suối thiêng liêng này. Nhờ thế mà khách du lịch và kẻ hành hương có thể tìm lại miền đất đã quên này. Cũng vì thế mà Bhairawa ra đời, cách Lâm-tì-ni khoảng hơn hai mươi cây số, với nhiều khách sạn quốc tế hiện đại và không hề rẻ tiền. 

Khách sạn tôi ở mang tên " Nirwana " (Niết-bàn), một cái tên siêu thế gian tôi chưa hề thấy trong nhiều chuyến đi. Làm thủ tục check-in, tôi đưa giấy tờ ra và thầm nghĩ mình đang "nhập Niết-bàn". Buổi tối, ngồi trong lounge uống bia để quên hết mọi nhọc nhằn và hồi hộp của ngày hôm nay, tôi chợt thấy mình còn ham bia rượu và thầm nghĩ nếu " nhập Niết bàn " mà dễ như thế thì đỡ cho tôi biết bao nhiêu. 

LÂM-TÌ-NI, KHU VƯỜN ĐÃ QUÊN ^

Vương quốc của vua Tịnh-phạn thật ra rất nhỏ. Theo ký sự của Huyền Trang, tiểu quốc Thích-ca có một chu vi chừng 4000 lí (khoảng 1880Km). Theo Schumann đó là một vùng đất dài và hẹp với 180.000 dân, có một diệïn tích chừng 2000 cây số vuông, kinh đô là Ca-tì-la-vệ với khoảng 8000 dân. Tiểu quốc Thích-ca thần phục nước Kiều-tát-la, mỗi năm phải đóng thuế, bản thân vua Tịnh- phạn có khi phải đi hội họp tại Xá-vệ, kinh thành của Kiều-tát-la cách đó khoảng 140km. 

Vương quốc của Tịnh-phạn có 9 thị trấn, trong đó có một nơi tên là Devadaha. Tại Devadaha có hai chị em lọt vào cặp mắt xanh của vua Tịnh-phạn, người chị là Ma-gia (Maya), người em là Pajapati. Ma-gia không ai khác hơn là vị hoàng hậu sinh ra thái tử Tất-đạt-đa. Pajapati cũng tặng cho vua Tịnh Phạn hai con, một trai một gái. 

Một ngày nọ trong tháng năm của năm 563 trước công nguyên, bà Ma-gia lúc đó đã 40 tuổi, thấy mình sắp sinh, xin với vua Tịnh-phạn rời hoàng cung, về quê tại Devadaha để sinh con đầu lòng. Đó là tục lệ thời đó, ngày nay nhiều nơi vẫn còn. Thế nhưng bà không tới kịp Devadaha. Cách kinh thành chừng 25km, ngang một khu vườn tại làng Lâm-tì-ni, dưới một gốc cây mà có người gọi là hoa Vô Ưu, người khác gọi là cây Sala, bà sinh một người con trai mà ngày sau thành Phật

Sinh xong, hoàng hậu Ma-gia không còn lý do về nhà cha mẹ nữa, bà trở lại Ca-tì-la-vệ. Ba ngày sau hoàng cung mời đạo sĩ A-tư-đà đến xem tướng cho thái tử, hai ngày sau đó một đoàn gồm tám bà-la-môn đến tham dự lễ đặt tên cho thái tử. Trong đoàn tám người đó thì người trẻ nhất trong số đó tên gọi là Kiều-trần-như. Ba mươi năm sau, Kiều-trần-như gặp lại thái tử và ta được biết ông chính là người trong nhóm năm người được Phật giáo hóa tại Lộc Uyển sau khi đắc đạo

Bảy ngày sau khi sinh, Ma-gia mất, kinh sách chép bà tái sinh ngay vào cõi trời Đao Lợi. Bà ở tại đó để đợi Phật có ngày lên thuyết pháp cho bà nghe và 80 năm sau lúc Phật nhập Niết Bàn tại Câu-thi-na cách chỗ sinh chừng 100km, bà hiện xuống khóc tiễn. 
 

Ca-tì-la-vệ và Lâm-tì-ni sớm bị chìm vào quên lãng sau khi dòng Thích-ca bị diệt vong. Trong thế kỷ thứ năm lúc Pháp Hiển đến thì ở đây đã thành bình địa, ông chỉ nhắc đến một phế tích không rõ ràng. Lúc Huyền Trang đến khoảng hai trăm năm sau, ông ghi rằng một địa danh tên hiện nay là Tilaurakot (cũng có tên là Taulihawa) phải là thành Ca-tì-la-vệ cũ. Còn Lâm-tì-ni thì được Huyền Trang tìm ra chính xác. Ông thấy nơi đó có một trụ đá của vua A-dục và ghi rõ trụ đã bị hư hại, đầu trụ là hình con ngựa nằm lăn lóc trên mặt đất. Sau đó không còn ai biết đến Lâm-tì-ni. 

blank

May thay, năm 1806 các nhà khảo cổ đào bới ra được Lâm-tì-ni và tìm thấy lại trụ đá của vua A-dục, nhưng hình đầu con ngựa nay đã mất. Kì diệu thay, người ta còn đọc trên trụ đá hàng chữ sau đây : " Hai mươi năm sau khi đăng quang, nhà vua Devanampiya Piyadasi [72] đến đây và tỏ lòng ngưỡng mộ vì Phật, người minh triết của dòng Thích-ca, đã được sinh tại đây. Ngài cho dựng phiến đá và một trụ đá để kỷ niệm nơi sinh của đức Thế Tôn. Làng Lâm-tì-ni được miễn giảm khỏi đóng thuế và giảm phần nộp lợi tức xuống còn 1/8 [73]". Đó là năm 245 trước công nguyên

Tôi đến đây vào một buổi sáng trời đẹp. Con đường từ Bhairawa dẫn đến Lâm-tì-ni được UNESCO xây dựng, còn đoạn đi tiếp từ Lâm-tì-ni về Tilaurakot (tức là Ca-tì-la-vệ ngày xưa) chưa hoàn tất. Lâm-tì-ni là một khu vực xanh tươi nằm dưới chân Hy-mã lạp sơn, phía Bắc là những đỉnh núi tuyết lóng lánh. Lúc tôi đến hoa Vô Ưu không thấy nở, nó chỉ nở vài ngàn năm một lần khi có bậc đại giác sinh ra. 

Trong vườn Lâm-tì-ni được rào bọc cẩn thận, ngày nay ta thấy còn một hồ nước, huyền sử chép là nơi rồng hiện lên tắm Phật. Hồ bây giờ tuy còn nước nhưng rêu xanh bám đầy mặt hồ. Gần đó là trụ đá của A-dục cao 6,4 m, phía trên có một niền sắt siết chặt, được rào bọc cẩn thận và nhờ đó những hàng chữ nói trên, viết bằng ngôn ngữ Brahmi và Ma-kiệt-đà vẫn còn đọc được. Tôi cũng ném vào đó vài đồng tiền như mọi người, lòng đầy hoài vọng và xúc cảm làm sao một trụ đá mà sống trên hai mươi thế kỷ được. Lúc tôi đến, đền thờ hoàng hậu Ma-gia đang được tu bổ, lều bạt ngổn ngang trên một nền gạch đỏ thẫm. Đi quanh nền gạch của đền này, nghe nói nó mới xây dựng trong năm 1933, tôi cố tìm một kẻ nứt để cắm một nén nhang nhưng lạ thay không sao tìm thấy. Di tích trong đền này được dời tạm qua một căn nhà khác, vào đó thì thấy một phiến đá khắc họa lại sự tích đản sinh. Theo nhiều tài liệu phiến đá này được hình thành trong thế kỷ thứ hai hay thứ năm sau công nguyên
 


 

blank 

Quyết định của vua A-dục ghi trên trụ đá tại Lâm-tì-ni [74]

Trong nắng sớm bỗng có những tiếng trống nhỏ. Từ xa đi về phía chúng tôi là một nhóm khoảng bốn năm người. Họ theo đường ruộng đến Lâm-tì-ni, cứ đi vài bước lại đánh một tiếng trống. Đó là những thanh niên trẻ, người Âu có người Á có. Họ mặc đồ đen, không rõ tu sĩ hay cư sĩ, mặt mày thành kính, rõ là đang đi thiền hành. Đến đền thờ hoàng hậu Ma-gia họ đi vòng quanh đền cả chục lần, tiếng trống nhỏ đều đều vang lên. Chúng tôi chắp tay vái chào nhau với một lòng thiện cảm không nói ra lời. Không rõ các vị mặc đồ đen này thuộc giáo phái nào nhưng về sau tôi lại gặp nhiều người như thế tại Cửu Hoa sơn tại Trung Quốc, thái độ họ cũng hết sức thành kính

Trong gió mai bỗng có tiếng phần phật, nhìn lại tôi thấy một nhóm người khác đang giăng những hàng giây có mang những lá cờ hình tam giác. Những lá cờ sa xuống đầu tôi, trên đó là vô số Tạng ngữ. Đó là cách cúng dường của người Tây Tạng, họ viết kinh lên cờ và cho nó tung bay trong gió. Những lá phướn trắng vàng và đỏ tung phần phật hòa trong tiếng trống dưới nắng sớm mang lại cho tôi một niềm an bình rộn rã. Tôi đi quanh quẩn trong vườn, không muốn rời, một chị người châu Á đi ngang nhắc khẽ tôi " Clockwise ". Tôi cám ơn chị, lúc đó tôi đi ngược chiều nên chị nhắc tôi hãy đi theo chiều kim đồng hồ. Đó là cách đi nhiễu quanh các tháp tượng, luôn luôn phải theo chiều kim đồng hồ mới thuận theo chiều của phước lạc. 

Tiếng trống đã dứt, các thanh niên áo đen đã tìm chỗ ngồi thiền định dưới ánh sáng mặt trời êm dịu, mặt nhìn về hướng đền hoàng hậu Ma-gia. Chúng tôi tìm chỗ ngồi thiền định dưới gốc cây, đó là chỗ tôi có thể cắm nhang. Đó là nén nhang Việt Nam cuối cùng trong ba-lô tôi.
 
 

KATHMANDU VÀ KHUÔN MẶT VÀNG 
 
 

Từ Lâm-tì-ni tôi trở về khách sạn Nirwana và tiếc thay phải làm thủ tục " xuất Niết-bàn " để lên máy bay từ Bhairawa về Kathmandu, thủ đô Nepal. Có ba hãng hàng không nội địa với những cái tên đáng kính ngưỡng là Buddha Air, Lumbini Airways và Necon Air chở hành khách từ quê hương của Tất-đạt-đa về Kathmandu cách khoảng 250km. Cuối cùng tôi chọn Necon Air. Đây là công ty hàng không nội địa lớn nhất của Nepal với vài chiếc máy bay hiệu Avro 44 chỗ ngồi. 

Từ xa tôi đã thấy đây phải là chiếc máy bay cũ nhất mà tôi từng bước lên. Đó là chiếc máy bay có ba bánh, bánh sau thấp hơn hẳn hai bánh trước nên thân máy bay không thẳng mà nghiêng, thứ máy bay tôi từng thấy tại xứ ta thời còn nhỏ xa xưa. Lên cầu thang tôi thấy rõ hàng ngàn những chiếc đinh tán cũ kỹ trên thân máy bay và tự hỏi liệu chúng còn sức chịu đựng. Nhìn kỹ tôi thấy lờ mờ hàng chữ " chế tạo tại vương quốc Anh " và nghĩ rằng chiếc máy bay của thời cố hỉ cố lai này chắc có may mắn thoát khỏi trận oanh tạc của Hitler trong thời thế chiến thứ hai. Nó cũng sẽ mang lại may mắn cho tôi. 

Tôi sớm quên chiếc máy bay cũ kỹ này vì mãi ngắm nhìn rặng Hy-mã lạp sơn từ trên không. Chúng tôi bay về hướng đông bắc, ngọn Everest nằm phía trước, hành khách không thể thấy. Thế nhưng rặng Hy-mã lạp sơn là một dãy núi dài trên 6000km, khắp nơi là những đỉnh toàn trên 7000m, núi tiếp núi, mây liền mây, không phân biệt được đâu là mây đâu là núi. Về sau rời Kathmandu đi Bangkok lần đầu tiên tôi được thấy đỉnh Everest. Đỉnh núi đầy tuyết nên phải nhìn kỹ ta mới thấy được nó, bầu trời và đỉnh núi hòa lẫn vào nhau một màu. Chiều cao của Everest thật là khủng khiếp, giữa các đỉnh bảy tám ngàn mét mà nó vẫn như một chiếc nón chụp lên các đỉnh. 

Nhìn các rặng núi luôn luôn tôi có lòng kính sợ, nó phải là trú xứ của thánh thần. Tôi nhớ lại biển cả, tuy nó cũng mênh mông nhưng nó gây cho tôi sự thân tình gần gũi. Những ngọn núi trắng óng ánh màu tuyết, dưới gió núi chúng tung những đám bụi trắng đầy băng giá. Trên những đỉnh đó hẳn không có sinh vật, cây cối không mọc được, chim chóc không thể bay tới, con người không thể leo lên. Thế nhưng hầu như chúng có thần, chúng xa lánh với sinh vật, thù nghịch với sự sống, nhưng chúng vẫn thu hút con người ngưỡng mộ hướng nhìn về chúng. 

Về sau tôi biết rằng trên đó vẫn có cây cỏ, chim chóc bay lên đến độ cao năm sáu ngàn mét và con người, một thứ sinh vật kỳ lạ, nó leo lên được các ngọn núi tuyết ấy, có kẻ không cần mặt nạ dưỡng khí. Và hơn thế nữa, có những kẻ độc cư trên các ngọn núi tuyết ấy hàng chục năm. Và nếu con người khi sống trên mặt biển một vài ngày thì tâm lý xã hội đã thay đổi như tôi hay nghe nhiều người kể lại, thì những kẻ sống trên núi cao cũng sớm có những nhận thức khác lạ như Govinda kể trong tác phẩm "Con đường mây trắng" [75] . Vì thế tôi không ngạc nhiên khi biết những người sống trên núi cao từ năm này qua năm khác thường có những khả năng phi thường

Máy bay đến gần Kathmandu, phía dưới là núi đồi với vô số ruộng lúa nằm trên các bậc cấp. Máy bay hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Kathmandu, nền hàng không của vương quốc Anh không phải tầm thường, tôi tự nhủ. Sân bay Kathmandu tuy nhỏ nhưng hiện đại, nhìn quanh toàn khách nước ngoài. Sảnh đường đón khách của sân bay có một bức bích họa to lớn diễn tả sự tích Phật đản sinh, chỗ tôi mới viếng sớm hôm nay. Thì ra Nepal rất hãnh diện về Lâm-tì-ni, đó là một thánh tích nằm trong nước họ. Trên bất cứ một bản đồ nào của họ, dù nhỏ tới mấy, ta cũng tìm thấy hàng chữ ghi Lâm-tì-ni ở cực nam nước Nepal. Dĩ nhiên khách đến Nepal không phải chỉ vì Lâm-tì-ni mà có một số lớn người đi leo núi, họ theo các tuyến "trekking" trên sườn Hy-mã lạp-sơn. 

Tôi ngạc nhiên thấy Nepal xem ra tiến bộ hơn Ấn Độ trong nhiều phương diện, nhất là cung cách làm việc trong sân bay, khách sạn, các công ty du lịch. Đây là một xứ nhỏ, dân ít, tiếp xúc nhiều với bên ngoài nhờ khách du lịch. Đời sống xã hội của Nepal cũng đượm màu tôn giáo như Ấn Độ, nơi đây Ấn Độ giáoPhật giáo hầu như quyện vào nhau để trở thành một. Tại các ngã tư đường trong thành Kathmandu thường người ta tìm thấy một trụ đồng, bốn mặt có bốn tượng đức Thích-ca tay bắt ấn nhìn ra bốn phía. Gần đó là vô số đền tháp, thờ các vị thần Ấn Độ giáo trong dạng thiên nhân, dạng phẫn nộ, dạng voi, dạng khỉ. 

Kathmandu là một thành phố nhỏ nhưng có đến bảy đền tháp được Liên Hiệp Quốc thừa nhận là "di sản văn hóa". Đó là các đền đài phần lớn được xây bằng gỗ, ngày nay bị phủ đầy bằng một lớp bụi dày, không có ngân sách nào tu bổ cho chúng. Tại trung tâm Durbar Square khách du lịch lui tới tấp nập, họ hối hả chụp hình hầu như sợ rằng một ngày gần đây các đền đài đó sẽ sụp đổ vì sự tàn phá của thời gian

Các đền tháp nọ có thể không còn đứng vững được lâu nhưng nghệ thuật tôn giáo của Nepal chắc vẫn sống mãi, tôi hy vọng thế. Tôi nhớ một ngày nọ tại Delhi, mình lang thang trên một con đường lớn. Trước một tiệm kim hoàn sang trọng tôi thấy một bức tượng nằm trong tủ kính. Tượng trình bày một dáng hình hết sức cao quí, tay cầm lưỡi kiếm. Đầu tượng màu xanh đậm mang vương miện năm cánh, tượng trưng cho năm trí. Mặt bức tượng được phủ bằng một lớp vàng mờ, nét mặt rất trẻ và thanh thoát. Tay mặt tượng cầm lưỡi kiếm bốc lửa, bên trái là hoa sen mang kinh Bát-nhã, bàn tay trái hướng ra ngoài bắt ấn giáo hóa. Tôi biết đó là tượng Văn-thù Sư-lợi, vị bồ-tát chủ trí huệ. Bức tượng này hẳn hết sức đắt tiền, nằm trong tiệm kim hoàn không phải để bán mà để trang hoàng. Tôi càng thấy xa vời, không thể mua. Tôi đến Janpath, khu vực buôn bán của Delhi thì chỉ tìm thấy tượng Văn-thù Sư-lợi bằng đồng, nét thô, còn khuôn mặt bằng vàng mà tôi ưa thích đó không có. Hình tượng thì bằng đất hay đồng cũng chỉ là hình tượng, chất liệu và xấu đẹp không quan trọng, ta nên có tâm vô phân biệt, tôi tự nhủ. Không, nhưng tôi muốn thế, muốn nhìn ngắm khuôn mặt vàng của Văn-thù và hỏi ra mới biết bức tượng đó là nghệ thuật của Nepal. 

Vì thế đến Kathmandu, trong lúc mọi người khác tìm đường leo núi, tôi đi tìm bức tượng. Và đã tìm thì ra. Ngày nay bức tượng Văn-thù với khuôn mặt phủ vàng mờ nằm trong phòng làm việc của tôi. Những lúc bí không tìm ra tài liệu, chữ nghĩa khi làm việc, tôi đều nhìn và hỏi thử khuôn mặt vàng cao quí đó. 

Ngày nọ, tôi được biết Văn-thù Sư-lợi có "đạo trường" – có người xem là trú xứ – tại Ngũ Đài sơn thuộc tỉnh Sơn Tây ở Trung Quốc. Vì Văn-thù đã giúp nhiều lần khi tôi cần đến, tôi quyết đi Ngũ Đài sơn đảnh lễ Ngài. Về sau tôi mới hay cơ duyên còn cho mình đi nhiều nơi nữa trên đất nước Trung Quốc mênh mông này.
 
 

[71] Hình trích của S.Dhammika, sách đã dẫn 
[72] tức là A-dục 
[73] Thông thường là ¼ 
[74] Hình trích của H.W.Schumann, sách đã dẫn 
[75] Govinda, Sách đã dẫn
 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/10/2014(Xem: 6613)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.