Phần 2: Cuộc Hành Trình Về Dharamsala

13/09/201012:00 SA(Xem: 10022)
Phần 2: Cuộc Hành Trình Về Dharamsala

Phần 2: Cuộc hành trình về Dharamsala

4. Ngày 15 tháng 2, 2008


Hai ngày đã qua đi tại tu viện Sera Mey. Sáng nay tôi tọa thiềnhành trì trong sự an bình nhẹ nhàng. Niềm an vui trong đời sống tu việnnếp sống xa mọi thị phi trong hai ngày vừa qua đã mang lại cho tôi một sự an ổn rất tĩnh lặng của tâm. Thực là một điều kỳ diệu khi tâm cảm thấy an ổn và được che chở, khi trong lòng thấy rõ những pháp môn và sự hộ trì không đứt đoạn mà chư tổ và chư bổn sư trong dòng truyền thừa ban cho mình, liên tục từ thời Phật Thích ca đản sanh cho đến bây giờ. Vì mình nằm trong dòng liên tục đó, nên tâm rất an bìnhsung sướng trong sự hành trì mỗi ngày. Sự quán tưởng sùng kính không thể thiếu sót vào bốn lễ quán đảnh của đức BổnKim Cang Trì, đức Phật Bổn sơ của dòng Kim Cang thừa làm cho buổi thiền quán trở thành niềm thích thú say mê vì thấy rõ ràng là ngài ban cho mình một sự hộ trì không gián đoạn…

Hôm nay, tôi tham dự với phái đoàn đi thăm tu viện Zongkar Choede, là một tu viện nhỏ gần Sera Mey, và cũng nhân cơ hội đi thăm Hạ Mật Viện (Gyumed).[18] Năm 2002, tôi đã có dịp đi thăm Zongkar Choede và tham quan những pháp khí cổ của chùa như là tượng Phật thiên thủ thiên nhãn, tượng Phật Tara biết nói, tượng Phật Tara đứng, các dấu chân của đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm... Những pháp khí này đều được giữ gìn kỹ lưỡng và chỉ mở ra cho các phái đoàn hành hương đến tham bái.

Chuyến đi cũng khá dài. Trên đường đi, tôi nhắm mắt thiền quán. Các vị phụ nữ trong phái đoàn trêu ghẹo tôi, hỏi là sao anh ngủ hoài thế. Tôi cười nói rằng tôi không ngủ, và có nghe biết quý vị, nhưng tôi thường đi vào trong một tình trạng định trong sự chú tâm, lúc đó tâm rất là an bình sung sướng, trong lòng thấy rất là an lạc. Những lúc nhắm mắt như thế, tôi như đi vào một vùng sâu thẳm của của tiềm thức và rất an bình sung sướng. Tôi có thể ở trong trạng thái an lạc của thiền định đó rất lâu. Tuy không chú tâm vào chuyện quý vị nói hay vào những chuyện xung quanh mình nhưng tôi vẫn nghe và biết mọi sự.

Các vị đó lại càng trêu tôi, nói là thiền ngủ hả anh. Tôi cười nói: Ấy, quý vị cũng biết là một trong Sáu pháp du già của tổ Naropa là pháp môn Thùy Miên Du Già, bất cứ ai đã từng thọ lễ quán đảnh Tối thượng Du Già đều phải hành trì. Và để tôi kể lại hầu chuyện quý vị về chuyện của Tổ Tịch Thiên (Shantideva) như sau:

Lúc còn ở trong tu viện Nalanda, Tổ thường bị tăng chúng chê cười là suốt ngày chỉ ngủ, ăn và đi nhà cầu. Một hôm tăng chúng muốn mang Tổ ra làm trò cười và mong là sau đó, Tổ vì bị chê cười mà phải tự bỏ ra đi khỏi tu viện. Tăng chúng viện cớ mời Tổ lên tòa thuyết pháp. Tổ nhận lời, và không hề biết là họ đã xây một pháp tòa cao khổng lồ, nhưng không có bậc thang nào để cho Tổ bước lên. Hôm đó, họ mời một tăng đoàn đông đảo đến tham dựđịnh bụng sẽ làm một trận cười lớn. Khi Tổ đến nơi hội trường và thấy tình cảnh như vậy, Tổ đột nhiên vươn cánh tay, biến thành dài cho đến khi chạm vào tòa ngồi và biến tòa trở thành kích thước nhỏ lại bình thường. Tổ lên ngồi trên đó thuyết giảng và hỏi: Quý vị muốn nghe một bài giảng bình thường, trước đó đã từng nghe qua, hay là muốn nghe một bài giảng phi thường, trước đó chưa từng nghe bao giờ? Tăng chúng trả lời là muốn nghe bài giảng phi thường, mong rằng Tổ sẽ bị thất bại và phải xấu hổ mà bỏ tu viện ra đi.

Tổ bèn bắt đầu giảng về “Nhập Bồ Tát Hạnh” và khi tăng chúng nghe, họ đều ngạc nhiên cảm thấy bài giảng thật là kỳ diệu. Khi Tổ giảng đến chương Trí tuệ và đọc đến câu: “...những gì hiện hữu và không hiện hữu...” thì thân của Tổ bay lên lơ lửng trong không gian, trụ giữa đám mây, không còn thấy được. Tổ tiếp tục giảng chương 10 và chương cuối của “Nhập Bồ Tát Hạnh” trong trạng thái vô hình mà người thường không thể thấy được đó, chỉ có những vị có trình độ chứng ngộ cao mới có thể nghe được hai chương cuối và thấy được Tổ trong đám mây...

Tôi nói tiếp, quý vị cẩn thận nhé, nhiều khi thấy vậy mà không phải vậy, cho nên “thấy vậy mà không thấy vậy mới là thấy vậy” đó... Và mọi người đều cười vang!

Sau khi thăm tu viện Dzongkar Choede, được thầy viện trưởng của tu viện cho xem những pháp khí cổ xưa quý báu của chùa, mọi người ai cũng hoan hỷcúng dường thật nhiều. Chưa kể là còn được tu viện hậu đãi một bữa ăn trưa rất ngon.

Trên đường đi trở về tu viện Sera Mey, trong khi tôi đang nhắm mắt trì chú thì các chị đằng sau lại kêu réo và nói anh kể chuyện nghe nữa đi. Tôi nói kể chuyện gì bây giờ, thì một chị hỏi là tại sao anh không chịu đi hành hương với phái đoàn, anh có tướng khuôn mặt rất lạ, hai lông mày phượng thật dài và cong vút, ai nhìn anh cũng phải sợ tướng mặt Quan Công của anh, nếu chịu đi với phái đoàn thì đỡ lắm, vì kẻ gian trông thấy là sợ mà không dám đụng vào.

Tôi cười nói là, tôi cũng đã từng nghiên cứu về tướng học trước khi từ bỏ để theo đạo Phật, bây giờ quý vị muốn nói về tướng mạo, thì cho phép tôi hỏi là quý vị có bao giờ nghe tướng “thập trọc nhất thanh” và “thập thanh nhất trọc” chưa? Một chị trả lời, hình như là cái tướng trước tốt hơn cái tướng sau.

Tôi cười nói, đúng rồi, “thập trọc nhất thanh” là quý tướng, còn “thập thanh nhất trọc” là phá tướng. Mọi người hỏi tại sao vậy và tôi giải thích là vì “thập trọc nhất thanh” nghĩa là mười phần tướng xấu mà ở trong lại ẩn một quý tướng thì như đá ẩn ngọc quý, còn “thập thanh nhất trọc” là mười phần tướng tốt đẹp, lại phô bên trong một cái tướng rất xấu, cho nên gọi là phá tướng, vì chỉ một tướng xấu mà phá đi mất tất cả các tướng đẹp.

Và tôi kể chuyện là ngày xưa vua Càn Long thường hay trốn ra khỏi cung đình, cải trang để đi xem dân tình. Một hôm nhà vua cải trang thành dân thường đi ra ngoài thành, thấy một ông thầy bói ngồi xem tướng, mọi người bu lại đông đảo xin xem và khen hay. Vua cũng chen vào và chờ khi thầy bói rảnh một chút để hỏi là ông xem tướng tôi ra sao? Thầy tướng nhìn kỹ nhà vua xong nói rằng, tướng ông là tướng ăn mày. Nhà vua nghe xong phá lên cười ha hả và quay đi. Ông thầy tướng gọi giật lại và bảo, thưa ngài, tôi đã lầm, vì ban đầu xem tướng ngài thấy không có gì xuất sắc, nhưng khi ngài cười ha hả và quay đi thì tôi mới nhận ra, ngài có bộ hàm răng của rồng, long nha, cho nên đó là tướng “thập trọc nhất thanh”, và tướng của ngài là tướng làm vua.

Mọi người nghe xong thích thú lắm, nói anh kể nữa nghe đi và hãy coi tướng cho chị em chúng tôi. Tôi cười, nói đó là ngày xưa, tôi nghiên cứu tướng số, còn bây giờ theo đạo Phật, đâu còn coi tướng làm gì? Đức Phật đã dạy: Muốn biết đời trước ra sao thì hãy nhìn đời nay mình chịu quả gì, còn muốn biết đời sau ra sao, hãy nhìn mình đang tạo nhân gì đời nay. Vậy quý vị còn đòi coi làm chi?

Thấy mọi người ỉu xìu, tôi tội nghiệp bèn nói thêm, thôi vậy tôi đố quý vị: Tướng đàn bà kỵ nhất cái gì? Mọi người nhìn nhau, không ai trả lời được. Tôi mới thủng thẳng nói, nữ nhân kỵ nhất là tướng “tỵ tước, quyền cao, thanh thích nhĩ...”. Thấy mọi người ngơ ngác, tôi cười nói, “tỵ tước” nghĩa là mũi mỏng như sống dao, “quyền cao” nghĩa là lưỡng quyền nhô cao quá khổ, và “thanh thích nhĩ” nghĩa là tiếng nói cao the thé đâm vào lỗ tai. Đó là tướng đàn bà khắc chồng khắc con... đàn ông nào đụng vào thì tiêu cuộc đời. Mọi người nhao nhao hỏi, vậy chứ đi sửa mũi cho cao lên thì sao? Tôi trả lời là, mắt mũi gò má miệng và các đường rãnh trên mặt như là sông núi, nguồn mạch, tất cả phải hoà hợpthông suốt, nếu sửa và cắt đi thì chưa kể hình dạng bị thay đổi, phá các hòa hợp tự nhiên mà còn làm cho các nguồn mạch đó bị tắc nghẽn, và theo tướng số thì như vậy là phá tướng, ngay cả các sẹo khi bị thương tích cũng phá tướng của mình. Nói đến đây, tôi cũng phải nhắc nhở là thôi, các thầy thắc mắc mình làm gì mà ồn ào quá kìa!

(Trên xe buýt, vị trí của tôi là ngồi ở hàng ghế thứ hai, bên trong, cạnh cửa sổ. Còn Geshe Norbu thì ngồi ghế ngoài để dễ điều khiển phái đoàn. Do đó mà khi các vị phụ nữ ngồi sau hỏi gì, tôi phải hơi nhổm lên để trả lời. Các thầy thấy chúng tôi ồn ào, nên cũng nhìn chúng tôi như là hỏi, chuyện gì mà vui vẻ thế kia.)

Lúc đó, xe buýt đã gần về đến chùa và sau đó thì chúng tôi thủng thẳng chia tay nhau, đi về phòng. Hai vị Geshe dặn dò mọi người là người trong phái đoàn là phải tập hợp lúc 9 giờ đêm để lên đường đi hành hương theo chương trình. Ngay đêm đó, phái đoàn sẽ đi về Bangalore để hôm sau đi Kalkutta. Còn tôi thì không còn đi chung với phái đoàn nữa, và sáng sớm hôm sau, ngày 16 tháng 2 cũng sẽ rời Sera Mey để theo thầy viện trưởng đi Bangalore, và từ đó lấy vé xe lửa để đi về New Delhi và sau đó đi về Dharamsala.

Tôi về phòng nghỉ ngơi sau một ngày thăm viếng, đi bộ mệt mỏi và sau đó thiền quán như thường lệ trước khi vào giấc ngủ êm đềm trong bầu không khí an lành của tự viện.

5. Ngày 16 tháng 2, 2008


Sáng sớm, 5 giờ, tôi đã thức dậy tắm rửa sạch sẽ và ngồi túc trực chờ thầy viện trưởng để khởi hành đi Bangalore. Sau khi làm vệ sinh cá nhân xong, trời vẫn còn tờ mờ sáng. Tôi đóng hết cả hành lý lại gọn gàng và ra ngồi trước bàn ăn lớn bên ngoài. Trong khi chờ đợi, tôi định pha ly cà phê uống, nhưng xem lại thì trong bình thủy chẳng còn tí nước nóng nào. Tôi đành lấy chút nước trái cây hộp ngồi nhâm nhi. Khoảng mười phút sau, một số các vị sư nhỏ tuổi, đệ tử của thầy viện trưởng đã tề tựu đến để tiễn đưa thầy đi. Tôi cũng nhân tiện hỏi chương trình đi về Dharamsala và những ai sẽ đi. Một vị thầy trẻ nói được chút đỉnh Anh ngữ bảo tôi là chuyến xe lửa sẽ khởi hành vào lúc 8 giờ tối mai 17 tháng 2, và sẽ đến New Delhi vào lúc 9 giờ sáng ngày 19 tháng 2. Như thế có nghĩa là cuộc hành trình trên xe lửa sẽ kéo dài 2 đêm, một ngày, tổng cộng khoảng 32 giờ ngồi trên xe lửa.

Tôi cần phải sửa soạn tinh thần, bởi vì chuyến đi về Dharamsala này có vẻ không dễ dàng lắm. Dù sao, tôi cũng đã quen với các điều kiện sinh sống và tiêu chuẩn của vùng Bắc Mỹ. Còn xe lửa ở Ấn Độ này thì khác hẳn, bao gồm nhiều toa xe kéo với nhau. Mỗi toa chia làm nhiều phòng, thông với nhau qua một hành lang hẹp dùng để di chuyển. Tuy có máy lạnh, nhưng mỗi phòng có tổng cộng tới 8 giường ngủ, chia làm 6 giường xếp chồng thành 3 tầng và 2 giường ngủ còn lại xếp chồng thành hai tầng dọc theo hành lang. Dù là trên xe lửa tôi sẽ có giường ngủ, nhưng tôi sẽ phải chia chung một phòng với 7 người xa lạ khác, không biết họ là ai. Tôi chặc lưỡi tự bảo, cũng chẳng có gì đáng giá trong các hành lý của mình, bao gồm một cái va-li và một cái va-li xách tay.[19] Chỉ có thuốc cá nhân và tiền thì cần phải cẩn trọng, và tôi đã chuyển các thức tối cần thiết đó sang một cái túi ruột tượng đeo quanh lưng. Vậy là yên chí để đi du hành.

Sáu giờ sáng, thầy viện trưởng đi ra ngoài và sửa soạn lên xe khởi hành. Vị phó viện trưởng từ hòa đã đến để chúc lên đường vui vẻ và tặng khăn trắng cho thầy cũng như cho tôi. Cũng như mọi lần, thầy phó viện trưởng ôm đầu tôi, vuốt má và đọc kinh ban sự an lành. Bao giờ bên thầy phó viện, tôi cũng cảm động rưng rưng trong lòng... Nhất là trong không khí của buổi từ giã này, mặc dù thầy phó viện cũng sẽ đi đến Dharamsala sau đó.

Chiếc xe đã chuyển bánh, buổi sáng gió thổi lành lạnh vào xe, tôi kéo cổ áo lên và thầm nguyện, xin giã từ Sera Mey lần thứ hai, xin nguyện cầu cho tương lai, con sẽ có dịp quay về và nhất là có đủ duyên để thành tăng sĩ, mau đạt giác ngộ để cứu độ mọi chúng sinh thoát khỏi khổ đau.

Thầy viện trưởng bắt đầu trì tụng, ngài vẫn có thói quen trì tụng khoảng nửa tiếng sau khi xe bắt đầu lăn bánh. Có lẽ là ngài gia hộ cho chuyến đi được an bình. Còn tôi, tôi cũng yên lặng hành trì, sáng nay dậy quá sớm, tôi không có đủ giờ để hành trì phần công phu sáng.

Khoảng một tiếng sau, thầy viện trưởng gọi tôi, con có thấy Ấn Độ không? Tôi thưa: Vâng, nghèo quá, thưa thầy. Xe chạy qua thị trấn lớn Mysore, mà nguyên cả khu phố chính trông thật tồi tàn khổ sở. Hai bên đường dân chúng đang xăn quần lên để đào mương. Cuộc sống nghèo khổ làm tôi mủi lòng và cầu nguyện cho họ.

(Tôi nhớ đến hồi cách đây 10 năm, hãng của tôi gửi tôi về Việt Nam công tác, khảo sát đường dây điện cao thế, tôi cố tình đi chuyến xe lửa tốc hành từ Hà Nội vào Sài Gòn, cũng tương tự như chuyến xe lửa tôi sẽ phải đi hôm nay, để tìm hiểu đời sống của dân chúng. Ngồi trên xe lửa rời Hà Nội, tôi không ngăn được nước mắt vì nhớ lại cảnh khổ của người dân, nhất là khi nhớ lại tình cảnh của một em gái đi làm trong quán cà phê ca hát karaoke. Trông em cỡ khoảng 17, 18 tuổi, vừa bưng cà phê, vừa ôm con búp bê trong tay, mặt còn rất ngây thơ. Tôi hỏi, em thích búp bê lắm sao, quê ở đâu, sao không ở nhà đi học. Em nói thích búp bê lắm, quê ở Hà Đông (cùng quê với mẹ tôi) và phải đi bưng cà phê vì cha mẹ buôn bán thua lỗ phá sản, không có tiền sinh sống ở quê, nên phải lên Hà Nội bưng cà phê. Tôi hỏi thế em muốn đi học không. Em nói chỉ mơ ước có đủ tiền đi học ra nghề thợ may. Và còn bao nhiêu người và bao nhiêu chuyện như thế. Trên chuyến xe lửa về Sài Gòn, tôi cứ ứa nước mắt thương cho những cảnh đời thật buồn bã vô vọng, và tôi ngồi trì chú sám hối 100 chủng tự Phật Kim Cang Tát Đỏa,[20] hồi hướng cho em cũng như tất cả những cảnh đời khốn khó ấy để họ được tiêu trừ nghiệp dĩ mà có thể thoát ra để vươn lên…)

Còn ở đây, những cảnh làm tôi mủi lòng nhất không phải là những người ăn mày. Dĩ nhiên là cũng có những người ăn mày trông rất tội. Nhưng cảnh mủi lòng nhất là khi tôi nhìn thấy những phụ nữ Ấn Độ, gầy như que củi, có lẽ là họ rất thiếu ăn và suy dinh dưỡng. Vậy mà họ phải làm quần quật trong các công trường xây cất, đầu đội những thúng đá hay những thúng cát thật to, mang đổ vào những chỗ trộn hồ hay vào các móng làm nền nhà. Vơi tôi, những người đó đáng thương và đáng quý. Họ không hề đi ăn xin, làm việc cực nhọc và nhẫn nhịn các khó khăn trong đời sống, không than van. Mà đặc biệt là họ vẫn mặc bộ quần áo quốc phục tha thướt Saree của Ấn Độ, màu sắc sặc sỡ, trong khi làm việc ở một môi trường xây cất nặng nhọc và bụi bặm bẩn thỉu như thế. “Có cái gì tương phản mà thương xót.” Đôi khi tôi lặng nhìn họ làm việc cực khổ như vậy rất lâu. Mà lạ một điều, phụ nữ làm khuân vác như vậy rất nhiều trong các công trường, thế mà công việc loại đó lại thấy hiếm đàn ông đụng vào. Nhiều khi tôi không hiểu cái văn hóa của họ như thế nào và họ nghĩ gì. Một lần, tôi đánh bạo đến gần một người phụ nữ khuân vác đó, và cho họ ít tiền rupee, nhưng họ chỉ nhìn tôi trân trối và không chịu lấy...

Phải nói thực tình là đi nhiều cũng học được rất nhiều điều, nhất là mở mắt to ra để thấy những mảnh đời xót xa... Tôi quý hình ảnh những người đó, làm việc rất cực nhọc, nhưng không đi ăn xin. Viết đến đây nước mắt tôi vẫn còn chực muốn trào ra... Tôi làm gì được cho họ? Có chăng chỉ còn những lời cầu nguyện chân thành hồi hướng đến họ.

Mà nói đến ăn xin, tôi nhận xét thấy một điều thật tương phản giữa người Ấn Độ và người Tây Tạng. Đó là, người Ấn Độ đi ăn xin rất nhiều, nhan nhản trên những đường phố ở Ấn Độ. Người Ấn Độ ăn mày còn vào cả trong các tu viện đi ăn xin các du kháchchư tăng, nhất là trong những dịp lễ lạt lớn khi có nhiều người ngoại quốc về tham dự. Và họ níu kéo cả tay áo của du khách, làm phiền cho đến khi xin được tiền mới thôi. Ngược lại, trong suốt những lần đi về các tu viện và các trại tỵ nạn của người Tây Tạng, cũng như trong suốt thời gian ở tại Dharamsala, tôi chưa hề thấy một người Tây Tạng nào đi ăn xin! Có những người Tây Tạng rất nghèo khó, làm việc cực nhọc kinh khủng để kiếm sống, nhưng họ không đi ăn xin, không ăn cắp, và họ rất vui vẻ, hiếu khách và dễ dàng chia sớt vật dụng thức ăn cho người khác. Điều này cũng làm cho tôi phải sinh lòng kính trọng nền văn hóa đặc biệt ấy.

Đến đây, tôi lại bồi hồi nhớ đến lần công tác ở Việt Nam, khi đó tôi vào thăm Huế, chợ Đông Ba, dân chúng cũng có cái nét giống như người Tây Tạng, rất giữ nề nếp, đi bán chè cũng mặc áo dài, nhưng chân đi đất vì nghèo, và cũng giữ cái liêm chính không ăn cắp vặt. Tôi nghĩ, người Huế giữ được cái truyền thống của mình, làm cho du khách đến thăm phải sinh lòng kính trọng...

Sau năm tiếng đi xe, chúng tôi tới Bangalore. Thầy viện trưởng đưa tôi vào khách sạn quen, trong đó đã thấy có nhiều vị tăng quen biết đang ở. Tôi còn được hơn một ngày để đi dạo chơi thành phố Bangalore. Khác với lần thầy viện trưởng dẫn tôi đi Bangalore năm 2002, hồi đó, ngài dẫn tôi đi thăm thú nhiều nơi. Bây giờ, ngài đã già hơn, và chỉ dặn tôi là thích đi chơi đâu thì cứ đi, còn thầy chỉ ở trong phòng của khách sạn thôi.

Tôi cũng đâu có thích thú đi chơi gì lắm. Đầu tiên là về phòng tắm rửa sau chuyến đi dài 5 tiếng mệt mỏi. Sau đó, tôi cần một thời thiền định để an tâm, rồi mới đi đâu thì hãy tính sau. Tôi kính chào thầy và đi về phòng mình.

Trong thời thiền quán, không biết tại sao lòng tôi cứ xúc động liên miên và trào nước mắt. Phải chăng là vì những ưu tư lo lắng của thầy viện trưởng khi ngài kể lại cho tôi nghe những khó khăn hiện giờ tu viện phải đương đầu... Những lo lắng về các vấn đề chính trị thế giớiảnh hưởng của chính phủ Ấn Độ, làm cho tu viện càng ngày càng gặp khó khăn trong đời sống của chư tăng... Hay là vì tôi thấy thầy đã già đi, không còn như năm 2002, khỏe mạnh và dẫn tôi đi thăm mọi nơi... Những kỷ niệm quá khứ trở về, mà ngày hôm nay, tất cả như là giấc mộng.

Sau thời thiền quán, tôi ngủ một giấc chưa kịp thức dậy thì có tiếng gõ cửa. Hai vị tăng thị giả của thầy viện trưởng rủ tôi đi ăn cơm trưa trễ và nhân tiện mua chút gì về cho thầy. Chúng tôi ăn nhanh nhanh để mang thức ăn về phòng cho thầy, và tôi ngồi bên thầy suốt buổi ăn trưa thật trễ đó. Nghe thầy kể chuyện điều hành của tu viện, những khó khăn hiện tại của thầy cũng như của đức Đạt Lai Lạt Ma đối với tình hình Tây Tạng và với nhóm tu tập pháp môn Shugden Dorje...

Khi thầy ăn xong và nằm nghỉ, tôi xin phép thầy ra ngoài đi dạo một vòng, nhân tiện gửi vài lá điện thư thăm hỏi và kể chuyện cho bạn bè về chuyến đi của mình.


Trên đường về phòng, tôi ghé qua một tiệm trái cây bên lề đường mua một ký quýt lớn. Tôi biết thứ quýt lớn, tươi và ngọt này, thầy viện trưởng rất thích, định bụng để cúng dường ngài sau thời nghỉ ngơi. Lần trước năm 2002, tôi cũng rất thường mua quýt này cúng dường thầy dùng sau thời gian nghỉ trưa.

6. Ngày 17 tháng 2, 2008


Sáng sớm thiền tọa hành trì khá yên ổnan bình. Thành phố Bangalore bắt đầu hoạt động náo nhiệt kể từ 7 giờ sáng. Một ngày trong thành phố lớn bắt đầu bằng lễ cúng dường của đền thờ Ấn Độ giáo không xa nơi khách sạn của chúng tôi lắm. Người Ấn Độ hành lễ cúng dường vào mỗi sáng rất sớm, và họ cũng gọi những buổi lễ ấy là lễ cúng dường, Ấn ngữ gọi là “puja”, sau đó thì họ đi làm, và thành phố bắt đầu tấp nập, ồn ào. (Nếu vào giờ sáng sớm đi làm ấy, bạn ra đường thì thấy nơi hai chân mày giao nhau, giữa trán mỗi người đều có một chấm bằng phấn màu đỏ. Đó là vệt phấn ban phép lành hộ trì.[21] Chấm ban phép lành này khác với chấm son màu đỏ của các bà Ấn Độ, tượng trưng cho một đóa hoa đã có chủ, nghĩa là phụ nữ đã có chồng).

Đền thờ Ấn Độ giáo cầu nguyện rất ầm ỹ, vì họ bắc loa phát những lời cầu nguyện đó ra các góc đường sáng sớm, làm buổi thiền tọa của tôi phải chấm dứt để chuyển sang tụng chú.

Buổi sáng hôm nay, thầy viện trưởng dẫn chúng tôi đi ăn sáng rất trễ. Thầy có ý muốn dẫn tôi vào một tiệm ăn Ấn khá ngon, chuyên làm thức ăn sáng với các món thuần tuý của Ấn Độ như là món bánh kẹp “dosa”, giống như món bánh kếp “pancake” thật mỏng, bên trong bỏ nhân bằng khoai tây nghiền và chứa rất nhiều gia vị Ấn Độ. Tuy bánh khá ngon mà tôi không dám ăn nhiều vì bánh quá nhiều dầu và bụng không quen với các món gia vị Ấn Độ. Thầy dùng món điểm tâm “itry”, giống như món bánh bò, chấm vào các dĩa sốt cà chua, hoặc dừa giã nhuyễn, tất cả các nước sốt ấy lại cũng đầy gia vị. Lần đầu tiên, nghe thầy dạy là món “itry”, mà với giọng đọc Ấn Độ quá nhanh, tôi cứ ngỡ món ấy tên là “italy”, và cứ gọi tên như thế làm thầy cười quá.

Vì ăn sáng quá trễ nên sau khi về phòng chúng tôi đi ăn trưa cũng rất trễ và mua thức ăn mang về phòng cho thầy. Thầy bảo là tối nay chúng ta sẽ đi ra trạm xe lửa lúc 7 giờ để lấy chuyến tàu đi New Delhi lúc 8 giờ 15.

Tối hôm đó, khi lên được xe lửa tôi mới biết là vì mua vé khó khăn nên giường của tôi và thầy viện trưởng ở hai toa xe khác nhau. Như vậy là tôi sẽ phải ngồi riêng một mình trên một toa xe khác, cạnh toa xe của thầy. Khi vác được va-li để dưới gầm giường và ngồi trên giường, tôi nhìn lại toa xe để định vị trí của xe lửa Ấn Độ, mà đây là lần đầu tiên tôi bước lên. Cũng chẳng khác gì xe lửa Việt Nam lắm. Giường của tôi ở tầng giữa cho nên muốn ngồi thì phải khom lưng. Nhưng thường thì giường từng giữa chỉ được hạ xuống khi đi ngủ, còn những lúc ban ngày thì treo lên để tất cả các hành khách có thể ngồi thẳng lưng cho thoải mái. Vì chuyến xe này là chuyến tốc hành cho nên thời gian đi từ Bangalore đến New Delhi chỉ mất 32 tiếng, các chuyến xe bình thường phải mất 40 tiếng mới đến nơi.

Lên xe lửa ngồi một lúc thì các hành khách chia chung phòng với tôi bắt đầu lên xe. Hai tầng giường trên cùng là hai cô thiếu nữ Ấn nằm. Hai tầng dưới cùng là hai vợ chồng Ấn trung niên. Đối diện với tầng của tôi là một thanh niên Ấn cỏ vẻ là sinh viên, mang bài sách vở ra học trên xe lửa. Còn hai giường kia dọc hành lang thì có một thanh niên Ấn nằm, giường trên cùng thì bỏ trống. Tôi bỡ ngỡ khi nhìn thấy hai vợ chồng trung niên Ấn lấy ổ khóa ra và khóa các hành lý của họ vào dây xích của xe lửa đã có sẵn để dùng vào việc bảo vệ an toàn, chống mất cắp. Tất cả đều thật lạ lùng mới mẻ với tôi, và tôi mở to mắt ra quan sát mọi sự chung quanh mình.

Xe lửa chuyển bánh không được bao lâu thì nhân viên cho ăn tối. Chuyến tốc hành này cũng khá tốt vì bao gồm cả các bữa ăn. Tuy các phần ăn mỗi bữa không nhiều, nhưng đủ để cho no lòng cho người ăn quen đồ ăn Ấn. Các món ăn hoàn toàn thuần túy Ấn Độ, nghĩa là ăn chay, và thật nhiều gia vị. Do đó, tôi chỉ dám ăn khoảng một phần ba của phần ăn, còn lại thì đành phải bỏ thôi, vì không muốn đau bụng và rắc rối nếu lỡ mang bệnh.

Sau bữa ăn tối, mọi người chia chung phòng chuyện trò trao đổi thoải mái, không khí vui như trong một gia đình. Còn tôi thì không nói gì cả, vì không biết tiếng Ấn, và ngồi nhắm mắt dưỡng thần. Đang nhắm mắt thiền định thì thầy viện trưởng ghé qua xem tình hình của tôi ra sao. Ngài hơi quan tâm đến tôi vì biết đây là lần đầu tiên tôi đi xe lửa Ấn Độ. Tôi chắp tay kính lễ thầy và thưa là mọi chuyện tốt đẹp, và đưa thầy về chỗ của ngài để nghỉ ngơi.

Sau đó, hai vợ chồng Ấn đi ngủ, và tôi cũng đi làm vệ sinh, rồi hành trì trong tư thế nằm trước khi vào giấc ngủ qua hôm sau.

7. Ngày 18 tháng 2, 2008


Sáng sớm tinh mơ tôi đã thức dậy đánh răng rửa mặt sạch sẽ và hành trì. Dù sao, tôi cũng không thể ngủ được vì đêm qua, anh chàng thanh niên đối diện tầng giường của tôi ngáy to quá, cộng thêm hai vợ chồng Ấn ở từng dưới và anh chàng ở giường bên hành lang cũng ngáy, làm thành bản hòa tấu suốt đêm dài. Tôi cố gắng cả đêm trì chú nên khi mệt quá cũng thiếp đi vài tiếng.

(Hình như là tôi có nghiệp thu hút tiếng ngáy! Lần tôi về chùa Trúc Lâm của thầy Thanh Từ tu tập năm 1998, nhân chuyến đi công tác tại Việt Nam, tôi cũng bị tình trạng như thế, bên cạnh giường của tôi là phái đoàn nha sĩ từ Sài Gòn về chữa răng cho chư tăng, có một vị nam nha sĩ mập mạp to lớn và ngáy rất là to, làm tôi phải xin đổi phòng xuống nhà bếp ngủ mới được yên.)

Nguyên ngày hôm nay trên xe lửa có biết làm gì đâu! Trừ những lúc nhân viên phát phần ăn cho các bữa ăn, tôi thường hay ngồi khoanh chân thiền định, cho nên trong ngày mấy lần thầy viện trưởng ghé qua chỉ thấy tôi nhắm mắt xếp bằng. Còn các vị hành khách Ấn Độ kia thì chuyện trò vui vẻ (sau này thầy kể lại với tôi là ghé qua thăm, thì chỉ thấy như thế). Người Ấn Độ di chuyển rất nhiều bằng xe lửa, và họ có một thói quen khá hay, là khi chia chung phòng, họ làm thân với nhau và coi nhau như người trong một gia đình, truyện trò đùa giỡn cho qua hai ngày dài trên xe lửa.

Sau này, khi không khí quen thuộc với nhau, vào những bữa cơm, các vị Ấn Độ chung phòng đó hỏi tôi đi về Ấn làm gì, tại sao không chịu ăn gì cả, và họ cũng bắt đầu dạy tôi vài ba chữ tiếng Ấn, vâng dạ, không, có v.v... Họ còn hỏi tôi theo đạo gì mà cả ngày ngồi nhắm mắt hoặc tụng lẩm bẩm trong miệng. Tối hôm sau đó, tôi ngủ được yên ổn vì anh chàng thanh niên ở giường đối diện ôm cả chồng sách qua học với bạn và ngủ luôn ở bên kia. Tôi ngủ được và thấy khoẻ khoắn hơn nhiều.

8. Ngày 19 tháng 2, 2008


Sáng hôm đó chuyến xe lửa đến New Delhi lúc 9 giờ. Thầy viện trưởng và hai vị sư phụ tá cùng tôi đi đến nhà riêng của một trong hai vị sư này để nghỉ ngơi và dùng bữa trưa.

Khi bước chân ra khỏi nhà ga xe lửa, đến ngoài đường, điều đầu tiên đập vào thị giác, cũng như tràn đầy khứu giác của tôi là thành phố New Delhi thật là... đông dân và bẩn thỉu. Cảnh đập vào mắt là xe chen chúc chật cả mọi nơi, xe taxi chui ra được khỏi cái sân của nhà ga là một kỳ công. Vị tài xế phải vận dụng toàn thân người, vừa lái, vừa la hét om sòm cho những xe hơi và xe lam ba bánh khác nhích ra, bấm còi inh ỏi, và có lúc phải nhoài người ra khỏi xe để xem có đi lọt ra khỏi những khoảng cách bé xíu và sát rạt với các xe khác. Thật quả là nếu chưa đi đến New Delhi, chắc chắn không thể tưởng tượng ra nổi một thành phố kỳ cục như vậy. Mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy lái, không cần ngưng khi đèn đỏ, hễ không có xe là cứ chạy luôn. Đúng là một màn biểu diễn lái xe kinh hồn.

Tràn đầy khứu giác là mùi xăng nhớt và ô nhiễm. Bụi dơ bay loạn trong không khí và ô nhiễm đến độ nhìn vào khoảng không chỉ thấy một màu mờ mờ... Không khí khó thở đến mức độ tôi cảm thấy muốn ho. Rất tiếc là tôi không mang theo khẩu trang để đeo. Tự nhiên tôi đưa tay bịt mũi... và e ngại sẽ bị viêm cuống họng.

Rồi cũng về đến nhà vị sư phụ tá trong một ngõ hẻm. Người tài xế taxi nhất định không dám lái xe vào. Thầy và chúng tôi phải xuống đi bộ một quãng mang theo tất cả hành lý nặng nhọc vì đường gập ghềnh quá độ, không thể kéo hành lý trên bánh xe lăn, mặc dù hành lý nào cũng có bánh xe.

Vào được nhà thì thầy đi nghỉ. Tôi cũng thấy mệt và buồn ngủ, nên sau khi rửa mặt và làm vệ sinh, xin với vị sư phụ tá vào phòng trong để ngủ trên một cái ghế trường kỷ. Tôi thầm nghĩ là chuyến hành trình khó nhọc đi về Dharamsala sẽ thật sự bắt đầu từ New Delhi này đây.

Khi ngủ dậy, tôi cảm thấy sự lo ngại của tôi đã thành sự thật: tôi bắt đầu ho và cảm thấy có đờm trong cổ họng và trong xoang mũi. Có lẽ tôi đã bị nhiễm trùng cổ họng và viêm xoang mũi[22] rồi. Thây kệ, tôi ngồi xếp bằng, hành trì cho đến khi người trong nhà gọi tôi ra dùng cơm trưa.

Đến chiều hôm đó thầy viện trưởng gọi tôi vào phòng dặn dò. Ngài nói vé xe lửa không mua được vì số lượng người đổ về Dharamsala quá đông. Vì thế nên tôi phải lấy vé xe buýt để đi về Dharamsala, (thầy viện trưởng sẽ đi xe lửa đến đó). Trên xe buýt sẽ rất chật chội, nên ngài dặn tôi để hết hành lý lại tại nhà vị sư phụ tá, chỉ mang tối thiểu đồ đạc và bỏ vào trong hành lý xách tay để tránh nặng nhọccực khổ khi di chuyển. Khi xong thời gian tu học tại Dharamsala thì tôi chỉ phải ghé qua New Delhi lấy hành lý gửi tại đây và ra phi trường New Delhi để đi thẳng về Montreal. Tôi nhân tiện thưa với thầy về số tiền mang theo để cúng dường đức Đạt Lai Lạt Machư tăng. Vì phải đi một mình trên chuyến xe buýt, nên tôi cảm thấy ngại ngùng nếu phải mang nhiều tiền trong người, và xin cúng dường lên thầy ngay để thầy lo liệu mọi chuyện hộ cho tôi. Thầy hoan hỷ nhận lời.

Còn tôi, sau khi cúng dường tịnh tài xong, tôi cũng thấy trong lòng hoan hỷ và nhẹ nhõm. Đồng thời, tôi đã bắt đầu thực sự hiểu ra sự khó nhọc của đời sống ở đây, khi đi lang thang trên các nẻo đường gập ghềnh, và nhất là lúc phải leo cầu thang cao vời vợi để đi vào nhà ga xe lửa. Ở đây chẳng làm gì có thang cuốn bằng máy, cho nên tôi đi thu xếp lại hành lý, và chỉ chọn những vật dụng tối cần thiết để mang đi về Dharamsala trong cái va-li xách tay. Còn lại bao nhiêu đồ đạc, tôi nhét chật cứng vào trong va-li to và gửi lại đây cùng với cái thangka đức Phật Dược sư mà thầy viện trưởng đã cho người may lại (rất đẹp và khá lớn). Xong xuôi, tôi thở phào và cầu nguyện cho chuyến đi xe buýt tối nay được mọi sự an lành.

Đúng 4 giờ chiều, vị sư phụ tá đón tôi đi ra trại tỵ nạn của người Tây Tạng để chờ sẵn, vì trại tỵ nạn Tây Tạng rất gần trạm xe, có thể đi bộ ra được. Chuyến xe sẽ khởi hành lúc 6 giờ chiều, nhưng cần phải đi sớm để còn xếp hành lý lên trên xe. Vị sư phụ tá dẫn tôi vào trong một căn nhà nhỏ nghèo nàn để đợi chuyến xe buýt. Tôi nhân tiện đi vòng vòng khu phố của trại tỵ nạn.

Dọc khu phố có đầy các gian hàng bán trên vỉa hè. Đường sá và không khí cũng vẫn ô nhiễm và bẩn thỉu. Tôi quay trở về căn nhà ngồi nhắm mắt tụng chú, và chìm vào trong một giấc ngủ ngắn. Khi căn nhà ồn ào tiếng nói thì tôi tỉnh giấc và thấy rất nhiều vị tăng sĩ của Sera cũng tụ họp tại đây để lấy xe buýt như tôi đi về Dharamsala. Như vậy có nghĩa là trên xe buýt sẽ không đáng ngại lắm, vì hành khách gần như chỉ toàn các tăng sĩ Sera. Một vị tăng đến gần tôi và tự giới thiệu bằng Anh ngữ, tên là Achoo. Vị này được chỉ định đi theo tôi để giúp đỡ khi cần và chúng tôi có 3 người, sẽ ngồi gần nhau: hai tăng sĩ là Achoo, cháu của thầy viện trưởng tên là Tenzin Kelsang và tôi.

Tôi nhìn kỹ Achoo. Đó là một tăng sĩ trung niên, nhưng vẫn nhỏ tuổi hơn tôi khá nhiều, khuôn mặt thật hiền lành chất phác. Tôi thấy rất là cảm mến. Vị tăng sĩ cháu của thầy viện trưởng thì tôi đã quen biết từ năm 2002 và tôi thường hay giúp đỡ tịnh tài để tu học. Tôi cảm thấy yên tâm và nghĩ thầm: cho dù chuyến hành trình sẽ thật là cực nhọc, nhưng bên những người bạn tăng sĩ này, tôi sẽ cảm thấy trong lòng ấm áp và vui vẻ.

Lúc 6 giờ chiều, chúng tôi đi bộ ra bến xe, mỗi người tự xách hành lý của mình. Bến đã đông người và hai ba chiếc xe buýt đang nhận người lên xe và chất hành lý. Bến xe thì thực là bẩn thỉu vì bò lớn bò bé đi thanh thản và lâu lâu làm một bãi phân to tướng. Tôi cứ phải nhắc chừng hai vị tăng đi theo để tránh phân bò, họ cười nói là không có sao. Thật đúng là Ấn Độ! Tôi nghĩ bụng nếu hai vị này đạp phân mà leo lên xe buýt ngồi cạnh mình thì quả là khó khăn, chưa kể là nếu hành lý phải xếp dưới chân chỗ ngồi.

Cuối cùng chuyến xe của chúng tôi cũng đến, hai vị tăng đẩy tôi lên xe buýt cho lẹ, mang theo cả cái hành lý xách tay duy nhất của tôi và của họ lên xe. Ba chỗ ngồi của chúng tôi thuộc hai hàng ghế cuối cùng. Tôi vào ghế ngồi và để va-li xách tay của tôi dưới gầm ghế là hết chỗ. Hai vị tăng đành phải ra khỏi xe, ném hành lý của mình lên để cho lơ xe chụp lấy và xếp lên mui. Đi như vậy, nếu bị mưa thì lãnh đủ, vì bên trong hành lý sẽ ướt hết. Mà cái lối ném hành lý lên mui xe cũng thật là thủ công nghệ: các sư tung hành lý lên cao cho lơ xe chụp lấy và sắp trên mui. Nếu có lỡ tay chụp hụt mà rớt xuống thì ở dưới ráng mà chụp lại. May mà chư tăng chỉ thường dùng loại hành lý bằng bao vải bố và trong hành lý chỉ phần lớn là quần áo, nếu có chụp hụt cũng chẳng vơ đồ đạc gì.

Thế mới biết là hai ngày qua đi xe lửa sướng hơn rất nhiều, vừa có giường, vừa có chỗ để hành lý rộng hơn xe buýt nhiều lắm. Tôi lại nghĩ thầm, chuyến hành trình này xuống thêm một cấp nữa nhé...

Nhìn lại xe buýt, tôi mới học thêm một điều mới lạ: xe buýt ở đây có hai tầng. Tầng trên toàn là giường nằm, rộng rãi đỡ khổ hơn là ngồi ghế. Dĩ nhiên là giường trên xe buýt nhỏ hơn giường trên xe lửa nhiều. Ngay cả tầng dưới cũng chia hai bên. Bên của tôi chỉ toàn là chỗ ngồi, còn bên kia có tới ba cái giường. Mỗi giường đều có hai cánh cửa có thể khép kín lại để bớt bị ồn ào và dễ nghỉ ngơi. Vậy mà vị tăng sĩ phụ trách mua vé hộ tôi không mua được, chắc vì mua trễ nên đã hết chỗ giường nằm trên xe buýt.

Giá vé đi xe buýt từ New Delhi về Dharamsala khá rẻ. Đoạn đường dài khoảng 511km, mà giá vé khoảng 600 rupees (gần 15$ đô la). Còn giá vé của giường nằm chỉ đắt hơn có 200 rupees (thêm 5$ đô la). Vì đường đi leo núi đèo, ngoằn ngoèo khúc khuỷu, rất là xấu, cho nên xe buýt sẽ chạy rất chậm. Nhanh lắm thì cũng phải 12 tiếng là tối thiểu.

Ngồi vào chỗ trên xe buýt mới thấy vấn đề. Xe làm tại Trung quốc cho nên chỗ ngồi rất nhỏ và hẹp. Hình như xe làm ra để chở những người gầy gò và nhỏ con. Không thoải mái chút nào như xe buýt vùng Bắc Mỹ. Đành vậy, tôi cố ngồi thu nhỏ lại.

Xe khởi hành sau 15 phút, vị tăng sĩ Achoo tuy gầy nhưng cao, nên ngồi ghế sau tôi cũng không thoải mái chút nào. May quá, một vị tăng sĩ khác ngồi chỗ ghế bên cạnh Achoo là bạn thân của vị tăng trẻ mua vé giường bên cạnh, và sau khi trò chuyện thân tình đã chui vào nằm chung giường của vị tăng sĩ trẻ đó. Achoo thích quá, ngả lưng nằm trên hai ghế. Còn tôi vội vàng lấy hành lý xách tay ra khỏi dưới ghế, đặt vào dưới chân chỗ của vị tăng đã bỏ vào giường nằm để chúng tôi có thể dễ dàng duỗi chân. Vui vẻthoải mái cho cả Achoo lẫn tôi và Tenzin Kelsang ngồi cạnh tôi. Chúng tôi duỗi chân được nên thoải mái hơn trước, lúc hành lý còn ở dưới gầm ghế. Còn Achoo thì nằm ở đàng sau và ca hát luôn miệng những bài hát Tây Tạng hay Ấn Độ đang nổi tiếng thời thượng.

Tôi ngủ được một chút thì xe buýt ngừng bánh tại một tiệm ăn. Chúng tôi xuống xe kiếm gì ăn vì đi từ 4 giờ chiều, chưa ăn gì cả nên bụng đã bắt đầu sôi sục. Mà cũng chẳng ăn được nhiều vì tiệm ăn Ấn Độ làm thức ăn rất cay và thêm quá nhiều gia vị. Tôi ăn chút chút, còn Achoo, Tenzin Kelsang và hai vị tăng sĩ ngủ giường bên cạnh thì ăn rất nhiều. Nhìn họ ăn uống ngon lành, tôi thấy thèm. Khi bồi bàn mang giấy tính tiền ra để chúng tôi trả thì tôi thấy giá quá mắc, chắc là tại ăn khuya giữa đường nên bị bắt chẹt. Nhìn các sư ngần ngại trước giá tiền, tôi lẳng lặng cầm lấy biên lai và ra trả tiền cho tất cả năm người. Dù sao, tôi vẫn là người đến từ Bắc Mỹ và có thể trả thoải mái cho họ.

Khi lên trở lại xe thì các lơ xe đi soát vé. Chúng tôi gặp rắc rối vì anh chàng Ấn Độ lơ xe chẳng hiểu ất giáp gì, thấy Achoo ngồi một mình hai ghế thì kêu ầm ỹ lên, la hét và xô Achoo sang một bên, bảo rằng còn chỗ cho một người hành khách khác. Achoo phân trần, nhưng phần thì tiếng Ấn Độ không rành, phần thì Achoo hiền quá, nên anh lơ xe làm dữ, đổ cho Achoo là ăn gian một ghế. Tôi phải can thiệp và mở cửa của giường nằm đối diện, kêu vị tăng sĩ kia chui ra và trình vé. Anh lơ xe giận dữ càu nhàu cấm không cho vị tăng sĩ đó chia giường chung với bạn. Thật là vô lý. Cuối cùng, anh lơ xe đuối lý và bỏ đi để cho chúng tôi yên ổn muốn làm gì thì làm. Thế là tạm yên ổn.

Chưa được bao lâu thì lại có rắc rối. Vị hành khách ngồi trước tôi hạ thấp lưng ghế xuống để nằm ra và ngủ. Vì thế chỗ của tôi ngồi trở thành chật hẹp vô cùng và tôi không thể xoay xở. Một mặt, tôi không muốn bắt vị đó dựng lưng ghế lên, mặt kia, tôi cũng không muốn hạ lưng ghế mình làm khổ Achoo nằm ngay đàng sau tôi. Thật là khổ, vì chỗ hẹp quá đến nỗi bắp vế và bàn tọa của tôi ê ẩm và muốn bị vọp bẻ! May quá, hơn một tiếng đồng hồ sau thì thì xe ngừng cho hành khách đi nhà vệ sinh. Và khi trở lại xe, Tenzin Kelsang nhỏ con hơn tôi nhiều, chịu đổi chỗ cho tôi ngồi mé ngoài để tôi được tự do hơn một chút.

Lúc đó trời đã bắt đầu khuya và lạnh. Sau khi lên lại xe, tôi phải lôi hết tất cả hai cái áo ấm ra, một cái là áo bông vải, cái kia là áo bành tô mùa đông của Canada mặc vào mới tạm thoải mái.

Tôi cố gắng ngủ gà ngủ gật. Được một lúc thì tạm ngủ yên. Nhưng đang ngủ thì bỗng giật nẩy mình. Xe cán cái ổ gà to đến độ, tôi nảy mình tung lên trên ghế, đầu đập vào trần xe đau điếng người. Tỉnh dậy nhìn lại, đường xe chạy bắt đầu leo núi, xe chạy cán ổ gà quá nhiều, mà ghế chúng tôi là hai hàng cuối cùng sau xe, nên bị nhồi khủng khiếp. Thế mà xe cũng chẳng phải là chạy nhanh lắm.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/10/2014(Xem: 6611)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.