Lưu Đình Long
Nếu như thật thà… yêu thương thì mình sẽ không cần người ta phải “đáp đền” tình thương yêu của mình. Mình chỉ cần biết mình thương người ta (thật nhiều), rồi thôi, rồi mong cho người ta thật hạnh phúc, lúc nào cũng giữ được nụ cười trong veo trên môi, như thể ngày xưa mới gặp.
Nếu như thật thà… sẻ chia thì mình sẽ chịu khó ngồi nghe người ta nói, hàng giờ, hàng ngày. Nghe những điều cũ kỹ, cứ lặp đi lặp lại, nhưng đó là những điều rất đỗi thiêng liêng, hoặc là những ách tắc trong lòng người ta chưa gỡ được. Nghe như một cách để đồng cảm, để khai thông suối nguồn, để người ta được nhẹ nhàng hơn một chút, để họ thấy không cô đơn và lẻ loi trong một hành trình dài… Với tôi, thì đó cũng là một cách thực tập về hạnh yêu thương (từ bi) của Bụt, Bồ tát. Chư Bụt và Bồ tát cũng với công hạnh ấy mà nét mặt lúc nào cũng an nhiên, dẫu chúng sanh có thầm thì chuyện gì… Bởi chỉ cần ngồi yên nghe đã là một phép mầu mang tên dung chứa, hầu ôm ấp nỗi khổ niềm đau cho người rồi.
Nếu như thật thà… thương, thì khi mình làm một điều gì đó cho ai không bao giờ mình khởi lên ý niệm: “Người ấy sẽ biết ơn mình, sẽ thế này, thế kia… với mình”. Và vì không khởi điều đó nên sẽ không vỡ tan trong nỗi thất vọng (bởi có thể người ta không thế này, thế kia, hoặc người ta không đủ sức để “trả ơn” theo cách mà mình mong chờ). Có rất nhiều người gặp tôi và than thở về điều này, đằng sau nỗi thở than, muộn phiền ấy luôn là hờn trách, giận lẫy… Tại sao mình lại khổ vì thương hoặc vì sự chăm sóc, lo lắng cho một đối tượng nào đó? Vì mình còn mong cầu, vì tình thương của mình không phải là vô điều kiện, vì sự “hy sinh” hay sự hiến tặng kia dù không có một hợp đồng nào cụ thể nhưng sâu xa trong ý niệm của việc làm ấy là có sự tính toán, có cả một xấp hợp đồng mang tên “mong cầu”.
Bụt dạy, khi tâm ta còn mong cầu thì ta còn khổ. Bởi, nếu mong cầu ấy không như ý thì ta sẽ khổ vì “Cầu bất đắc ý”, còn nếu cái ta mong cầu thành tựu thì rồi có lúc nó cũng hoại diệt, rời xa theo quy luật duyên sinh, duyên diệt; lúc đó ta khổ vì “Ái biệt ly”. Có cái nào thuộc về yêu thương xa lìa mà ta không khổ? Thế nên, nếu yêu và thương, thì cũng phải nhận diện nó nằm trong chuỗi vô thường sanh diệt, đến đi như hơi thở, mong manh như gió, thoảng qua và sẽ “về nơi cuối trời”.
Nếu thật thà thương yêu, thì ta sẽ thấy rõ bản chất của tình thương chính là chất liệu của hạnh phúc chứ không phải là khổ đau. Do vậy, bất kỳ cái gì nhân danh tình thương mà gây ra hệ lụy, khổ đau thì thực chất đó không phải là tình thương mà là sự ích kỷ, buộc ràng… Khi lắng nghe con tim, lắng nghe những tiếng vui, tiếng khổ của đời ta sẽ nghe được điều đó, một thanh âm trong lành, chân thật!
Nếu như thật thà… là bạn của nhau thì ta sẽ không đòi hỏi người ta làm gì cho mình cả, và người ta chắc chắn cũng sẽ không đòi hỏi ở mình. Những lời nói, hành động dành cho nhau tự nhiên như là “khát thì uống”, “đói thì ăn” vậy đó. Khi tình bạn (hoặc tình yêu) là chân thành, thật thà thì người ta sẽ biết lắng nghe, biết hành động, biết nghĩ cho nhau, và tất nhiên sẽ làm cho nhau hạnh phúc. Mình đói thì mình ăn, và mình no. Cũng vậy, mình thương yêu thật thà thì mình sẽ làm cho người mình thương hạnh phúc. Một cái làm no bụng, an cái thân; một cái làm no lòng và ấm áp tận trong tâm hồn! Đơn giản thế mà đâu phải ai, bao giờ mình cũng có thể nhận nhìn được điều đó. Mà có khi nhận nhìn được thì có khi do những tập khí thương yêu kiểu thế gian huân tập nhiều đời đã làm mình quên mất trong khi hành xử, nên mình vẫn cứ trách, hờn, mong muốn thế này, thế nọ…
Và… mình khổ, tất nhiên, mình khổ thì làm sao mình có thể tặng cho người thân, thương, bạn bè mình hạnh phúc, bằng an? Và những mối quan hệ đổ vỡ từ đấy, từ những yêu thương ngỡ như thật thà, chân thành nhưng thực chất là những yêu thương mang màu chiếm hữu, chứa đựng bên trong lớp vỏ thương yêu ấy là những mong cầu, những đòi hỏi…
● "Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay - số 13