Viên Giác Số 256 Tháng 8 Năm 2023

20/08/20232:55 CH(Xem: 986)
Viên Giác Số 256 Tháng 8 Năm 2023
VIÊN GIÁC SỐ 256 THÁNG 8 NĂM 2023
TẠP CHÍ CỦA KIỀU BÀO & PHẬT TỬ VIỆT NAM TỴ NẠN
TẠI CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC
Zeitschrift der Vietnamesen und Buddhistischen Vietnam-Flüchtlinge
in der Bundesrepublik Deutschland
CHỦ TRƯƠNG (HERAUSGEBER)
Congr. d. Verein Vietn. Buddh. Kirche e. V.
Karlsruher Str.6 - 30519 Hannover - Deutschland
SÁNG LẬP CHỦ NHIỆM Hòa Thượng Thích Như Điển
CHỦ BÚT Phù Vân Nguyễn Hòa
QUẢN LÝ TÒA SOẠN Thị Tâm Ngô Văn Phát
Viên Giác Số 256 Tháng 8 Năm 2023PDF icon (4)Viên Giác Số 256 Tháng 8 Năm 2023

THƯ TÒA SOẠN

Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1979 đến nay, năm 2023 nầy đúng là 44 năm hơn. Trong hơn 44 năm gần nửa thế kỷ của đời người đó, Viên Giác đã mang đến một món ăn tinh thần cho người Việt đang cư trú tại Cộng Hòa Liên Bang Đức nói riêng và cho những người Việt sống rải rác trong 32 nước khắp nơi trên thế giới nói chung. Nếu việc nầy xảy ra trước năm 1975 thì đó là một việc bất khả tư nghì. Vì việc nầy chẳng ai nghĩ trước được và cũng chẳng có ai mong đợi cả. Vào thời buổi xa xưa ấy nếu có Sinh viên Việt Nam nào ra ngoại quốc du học, sau khi tốt nghiệp đa phần đã về nước để phục vụ cho lý tưởng của mình. Hoặc giả cũng có những nhân viên đi làm công vụ ở ngoại quốc, nhưng nhiều lắm cũng vài tháng, vài năm thôi, ít ai trong chúng ta nghĩ rằng mình phải sống lưu vong nơi đất khách quê người đã gần hoặc hơn nửa thế kỷ như thế. Có người cũng đã trở thành người thiên cổ, không bao giờ có cơ hội để trở lại thăm quê nữa. Có người chấp nhận lấy nơi nầy làm quê hương và cũng có nhiều người đã tìm về chốn cũ. Đúng là ”tất cả các pháp đều bất định” như trong Kinh Đại Bát Niết Bàn quyển thứ 2 Đức Phật đã dạy.

Khi ở lại chốn nầy để nương thân, ai trong chúng ta rồi cũng phải tự vạch cho mình một lối đi để giúp chính cá nhân mình và lo cho con trẻ đời sau có chỗ đứng trong xã hội tạm cư nầy. Do vậy mà cha mẹ phải tất bật suốt năm nầy qua tháng nọ, phải làm lụng nuôi thân và chăm sóc đàn con đàn cháu ăn học cho đến khi thành tài mới mãn nguyện. Vì cha mẹ luôn nghĩ rằng tương lai của con cái quan trọng hơn cả sự sống của mình trong hiện tại, nên mới hy sinh như vậy và bây giờ thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt Nam chúng ta đang ở ngoại quốc rất thành công so với nhiều dân tộc khác đang tỵ nạn hay di cư đến một nước thứ ba để sinh sống. Cái khó nhất có thể nói là vấn đề ngôn ngữTôn Giáo cũng như nhiều lãnh vực khác nữa. Chuyện ăn uống vẫn là chuyện phụ trong đời sống hằng ngày, và ở những bước đầu tiên ấy ít ai trong chúng ta mong muốn hưởng thụ về đời sống vật chất cả. Nếu có dư thừa chút ít cũng dành dụm để gửi về quê, nuôi Ông Bà và những người thân trong gia đình. Vì nghĩ rằng ở ngoại quốc chúng ta còn có nhiều cơ hội để tìm ra tiền, hơn là quê hương của mình sau năm 1975 còn nhiều khổ đau cả về vật chất lẫn tinh thần; nên chẳng có ai trong hơn một triệu người ra đi khỏi quê mẹ thuở ấy mà chỉ an hưởng lo cho chỉ riêng mình hay gia đình mình đang sống ở ngoại quốc được.

Quốc hiệu Việt Nam của chúng ta được liên tục thay đổi từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến nay cũng đã mấy ngàn năm trôi qua của lịch sử. Nào là Lạc Việt, Âu Việt, Việt Thường, Bách Việt, Việt Nam v.v... tất cả đều mang chữ Việt đứng đầu hay sau hai chữ dùng làm quốc hiệu ấy. Chữ Việt có nghĩa là vượt qua, độ lượng v.v... Đây là ý nghĩa của con cháu Lạc Hồng chúng ta giữ nước và dựng nước. Nếu không có Lạc Việt, Bách Việt ngày ấy thì không có Việt Nam bây giờ, đã có mặt khắp nơi trên thế giới ngày nay. Cho nên trong cái dở bao giờ nó cũng chứa đựng nhiều cái hay và ngược lại, đôi khi nhiều cái hay trong đó cũng hàm chứa nhiều điều sai trái. Cũng giống như người ta thường nói rằng lúc hội ngộ cũng có nghĩa là sắp chia ly và trong chiến tranh luôn luôn có chứa đựng mầm mống của sự hòa bình an lạc và trong sự hòa bình đó người ta đang chuẩn bị cho chiến tranh là vậy.

Sau năm 1975 người Việt tự do chúng ta như đàn ong vỡ tổ, mỗi người, mỗi gia đình đều mong muốn thoát thân khỏi chế độ hà khắc của người cộng sản Việt Nam mới thay ngôi đổi chủ tại miền Nam Việt Nam. Khi ra ngọai quốc bơ vơ trăm lối đi mới. Họ chỉ nương tựa vào với nhau qua hình thức các Cộng đồng hay những Tổ chức Tôn Giáo. Do vậy mà chùa chiền, Niệm Phật Đường lần lượt được thành lập khắp nơi trên năm châu, bốn bể dầu lớn hay nhỏ để sưởi ấm vấn đề tâm linh cho mình. Kể từ đó những vị lãnh đạo tinh thần được cung thỉnh đến để Trụ Trì và những nghi thức quan, hôn, tang, tế được hình thành và nhu cầu càng ngày càng nhiều; nên nhiều cơ quan ngôn luận của Phật Giáo được ra đời để đáp ứng về nhu cầu Tôn Giáo, mà tờ đặc san Văn Hóa Phật Giáo Viên Giác tại Hannover đã bắt đầu xuất hiện từ đầu năm 1979. Lúc đầu Thầy Trò chúng tôi cũng chưa có ý niệm về một tập san hay một tạp chí phải làm như thế nào. Rồi thì cứ tìm hiểu từng ngày, từng tháng, từng năm như vậy để có được tờ báo Viên Giác như ngày hôm nay. Phải nói rằng trải qua nhiều sự cần mẫn tìm tòi học hỏi, làm việc mới có được. Dĩ nhiên sự thành tựu ấy không phải chỉ có một người, mà phải nhiều bàn tay đóng góp xây dựng như viết bài, đánh máy, trang trí, dán tem, bỏ báo vào bì, đi bưu điện gửi báo v.v... và v.v... còn nhiều việc không tên nữa không thể nào kể hết được. Đầu tiên có Phật Tử Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp xung phong lo giùm khâu trang trí; phần tôi lo gom góp bài vở. Sau đó có Chị Nga, Sư Bà Diệu Ân v.v... Phật Tử Thị Chánh Trương Tấn Lộc lo vấn đề đánh máy, bỏ dấu. Kế tiếp Anh Mai Vi Phúc làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Viên Giác từ năm 1981 đến 1982 thì Anh nghỉ và khổ báo từ A5 đổi thành hình thức A4 tồn tại và thay đổi cho đến ngày hôm nay. Kế tiếp Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo hình thành và cũng do Phật Tử Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp đảm trách. Tờ báo Viên Giác từ năm 1980 đến năm 2004, trong vòng 25 năm như thế Bộ Nội Vụ Liên Bang Đức, phụ trách về vấn đề Văn Hóa ở Bonn của Tây Đức đã giúp đỡ cho chúng tôi phần in ấn cũng như tem thư từ 75%, sau đó còn 50%, xuống 25% và cuối cùng là bảo hòa. Bởi vì sau 25 năm người Việt Nam chúng tôi tự lo được vấn đề tài chánh để tồn tại cũng như phát triển.

Từ năm 1984 có thêm sự đóng góp tích cực của Đạo Hữu Thị Tâm Ngô Văn Phát, rồi Anh Như Thân lo đảm trách phần Layout cho tờ báo cho đến ngày hôm nay. Ngoài Chị Nga ra, Chú Sanh, Thiện Đạo Uông Minh Trung cũng đã trở thành thư ký đánh máy bài vở và sách của tôi viết hay dịch trong suốt mấy mươi năm qua. Hơn 30 năm nay Đạo Hữu Nguyên Trí Nguyễn Hòa, có bút danh là Phù Vân làm nhiệm vụ Chủ Bút của tờ báo. Phần tôi sau khi về ngôi Phương Trượng năm 2003 chỉ làm nhiệm vụ Chủ Nhiệm Sáng Lập của tờ báo nầy. Cho đến nay từ hình thức cho đến nội dung đã được cải tiến rất nhiều nhờ vào sự tận tâm của vị Chủ Bút săn sóc tờ báo bằng cách mời gọi các Văn Thi Hữu và những người thân quen đóng góp bài vở, hình ảnh bìa cũng như nội dung bên trong tờ báo của hằng trăm văn sĩ, họa sĩ, học giả Cư Sĩ cũng như chư Tôn Đức khắp nơi cả trong lẫn ngoài nước. Đây là một công đức không nhỏ mà tôi luôn phải tri ân với vai trò cũ cũng như mới của mình cho tờ tạp chí Viên Giác nầy.

Bây giờ Đạo Hữu Chủ Bút cũng đã trên 80 tuổi, sức khỏe thay đổi nhiều; nên tôi đã đề nghị Đạo Hữu Nguyên Trí Nguyễn Hòa bút hiệu Phù Vân đảm nhận phần Chủ Nhiệm; phần tôi là Chủ Nhiệm Sáng Lậpchúng tôi đã tìm thêm được một cộng tác viên đắc lực có khả năng về viết lách cũng như chăm sóc về hình thức và nội dung của tờ báo để giúp cho vị Chủ Nhiệm đỡ phải lo nhiều việc như lâu nay. Đó là Phật Tử Nguyên Đạo Văn Công Tuấn. Anh là một Kỹ sư, nay đã về hưu sẽ có nhiều thời gian chăm sóc cho tờ báo. Mặc dầu Anh cũng phải đang lo giúp cho việc hình thành Đại Tạng Kinh Việt Nam do Hòa Thượng Tuệ Sỹ và Hội Đồng Hoằng Pháp cũng như Hội Đồng phiên dịch Tam Tạng Lâm Thời của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chủ trương; nên cũng khá bận rộn. Thế nhưng Phật Tử Nguyên Đạo cũng đã hoan hỷ nhận lời làm Chủ Bút cho tờ báo Viên Giác kể từ số 256 của tháng 8 năm 2023 nầy. Kính mong chư Tôn Đức và Quý độc giả và các Văn Thi Hữu quan tâm hỗ trợ cho.

Có lúc tờ báo Viên Giác đã xuất bản lên đến 5.000 số; có lúc 3.000 số và trong hiện tại con số độc giả thường xuyên ủng hộ để tờ báo sống còn là 1.000 vị. Cứ hai tháng Viên Giác đến với Quý độc giả một lần như vậy; nhưng trong tương lai thì chưa biết như thế nào đây. Vì lẽ bây giờ báo giấy ít còn phổ biến phổ thông như ngày xưa nữa. Vả lại người trẻ đi làm, ít có thời gian để đọc báo nhiều trang như tờ Viên Giác. Người lớn tuổi đã lần lượt qua đời ở ngoại quốc không ít; trong khi đó thế hệ thứ hai thứ ba sinh ra ở đây thì ít rành Việt ngữ. Do vậy con đường và công việc sắp tới sẽ mở lối như thế nào thì vị Chủ Nhiệm và Chủ Bút sẽ có lời tâm sự đến Quý Vị sau. Riêng tôi với tư cách là Chủ Nhiệm Sáng Lập tờ báo Viên Giác nầy rất hoan hỷ tán trợ, dầu ở dưới bất cứ hình thức nào mà qua ngôn ngữ mình có thể chuyển tải được bánh xe pháp đến với mọi người, mọi nhà đang sinh sống trên thế giới là một công việc báo ân Phật tuyệt vời rồi. Bởi lẽ tờ báo Viên Giác là một trong nhiều tờ báo Đạo sống và tồn tại lâu nhất cho tới ngày nay sau hơn 44 năm kể cả ở trong cũng như ngoài nước, mà điều nầy vào ngày 1 tháng 1 năm 1979 chúng tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến. Xin chân thành cảm ơn Quý Vị nhiều.

Chủ Nhiệm Sáng Lập Báo Viên Giác
Thích Như Điển





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.