Viên Giác Số 255 Tháng 6 Năm 2023

20/06/20233:02 CH(Xem: 955)
Viên Giác Số 255 Tháng 6 Năm 2023
VIÊN GIÁC SỐ 255 THÁNG 6 NĂM 2023
TẠP CHÍ CỦA KIỀU BÀO & PHẬT TỬ VIỆT NAM TỴ NẠN
TẠI CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC
Zeitschrift der Vietnamesen und Buddhistischen Vietnam-Flüchtlinge
in der Bundesrepublik Deutschland
CHỦ TRƯƠNG (HERAUSGEBER)
Congr. d. Verein Vietn. Buddh. Kirche e. V.
Karlsruher Str.6 - 30519 Hannover - Deutschland
SÁNG LẬP CHỦ NHIỆM Hòa Thượng Thích Như Điển
CHỦ BÚT Phù Vân Nguyễn Hòa
QUẢN LÝ TÒA SOẠN Thị Tâm Ngô Văn Phát
Screenshot (422)PDF icon (4)Viên Giác 255 June 2023 TToàn Tập PDF

THƯ TÒA SOẠN

Người đi biển, kẻ lái xe, phi công lái máy bay v.v… tất cả đều phải qua những quy trình luyện tập công phu để có bằng lái của những phương tiện nầy. Nếu ai không có bằng lái do cơ quan đương nhiệm cấp, người đó phải tự học và được những cơ sở trách nhiệm chứng thực. Như vậy những giấy tờ ấy mới có giá trị. Đây là một nguyên tắc chung của tất cả các Quốc Gia trên thế giới ngày nay.

Học nghề, học chữ, học đi, học nói v.v… tất cả đều phải có Thầy, Cô dạy cho và sau đó tự mình biến chế ra kiến thức tự chủ, độc lập của riêng mình. Tất cả đều phải lấy căn bản từ sở học ở trường với Thầy, Cô Giáo; ở nhà với Cha, Mẹ, Ông Bà và ở trường đời với bè bạn. Không một ai chẳng đi học mà thành người hữu dụng trong xã hội cả. Thỉnh thoảng cũng có một vài trường hợp cá biệt; nhưng việc nầy thật là hy hữu. Do vậy người Âu Châu thường nói rằng:”Thiên tài chỉ có một phần trăm; 99 phần trăm còn lại, chính là mồ hôi của mỗi người”. Đây có thể là câu châm ngôn căn bản để con người đi vào đời và xã hội. Tục ngữ Việt Nam của chúng ta cũng có câu: ”Không Thầy đố mầy làm nên” cũng nằm trong ý nghĩa nầy.

Trong Đạo thì sao? Dĩ nhiên là cũng không khác ở đời là mấy. Nếu ở đời có trường học, được gọi là ”lò đúc nhân tài”, thì ở Đạo cũng có rất nhiều trường được mở ra hoặc gia giáo, hoặc được tổ chức có tính cách chính quy qua các trường lớp như: sơ, trung, đại học hoặc Phật Học Viện để đào tạo người tu sĩ ấy thành tựu những việc tu và việc học căn bản. Sau khi tốt nghiệp sẽ đi vào Đạo hay vào Đời, mang sở tu sở học của mình để đi phụng sự cho tha nhân. Đây là sự giáo dục, đào tạo vốn có từ xưa cho đến nay. Tất cả đều phải tuân theo một quy trình như vậy. Người mới vào chùa phải học luật, trước để biết oai nghi cử chỉ đi đứng nằm ngồi mà hành trì hằng ngày tại chùa. Sau đó mới học Kinh rồi học Luận. Kinh, Luật. Luận có thể là bằng chữ Hán hay chữ quốc ngữ hoặc nhiều ngôn ngữ khác như Pali, Sanscrit chẳng hạn.

Vị Thầy, Cô giảng pháp cần phải nương vào Kinh, Luật, Luận để giảng. Nếu không, sẽ chỉ là những kinh nghiệm bình thường của mỗi người; nhất là Phật tử thường hay thích nghe về vấn đề tâm lý, xã hội hơn là những giáo lý khô khan và cao siêu khó tiếp thu. Những điều dễ hiểu cũng giống như đi dưới chân núi để tìm vàng bạc và đá quý. Chắc là đã có nhiều người đến nhặt trước rồi. Nếu muốn tìm trân châu, mã não, xa cừ, xích châu , hổ phách v.v… bắt buộc người đi tìm phải leo lên núi cao hay đào sâu vào hang núi mới có; người học Phật bắt buộc cũng phải dụng công thật lâu dài, trì chí, cố gắng, nhẫn nại, tìm tòi, nghiên cứu v.v… như thế; chứ không phải một sớm một chiều chúng ta có thể tìm ra lối mòn của chân như Phật tánh được. Do vậy có rất nhiều người nản chí lui về và tìm cái gì dễ dãi hơn. Đây là lý do chính mà những người học Phật chỉ muốn làm thỏa mãn lòng tin của mình qua những lời giải đáp đơn thuầntính cách chữa cháy của quý vị giảng sư. Dĩ nhiên không có ai có quyền cấm đoán những vị pháp sư giảng pháp tùy theo trình độ cao thấp của người nghe; nhưng nếu cảm thấy lập luận ấy chưa vững hay không có căn cứ thì cứ tuyên bố rằng: ”Theo quan điểm của riêng tôi là như vậy”. Điều nầy chẳng có gì xấu hổ cả, mà nếu có sai thì trách nhiệm chỉ thuộc về một mình mình chịu mà thôi. Trong khi đó nhiều vị giảng sư bảo rằng: Phật nói cái nầy, Phật không nói cái kia… nhưng trên thực tế thì chính vị giảng sư ấy chưa đọc vào Tam Tạng Thánh Điển của Phật Giáo. Đây là điều tai hại không nhỏ kể cả vị Pháp Sưthính chúng.

Trong quá khứ chư Tổ rất dè dặt khi truyền pháp cho Tăng Sĩ cũng như Cư Sĩ. Còn bây giờ thì Phật Pháp quá đời thường, do vậy có một số chư vị Tôn Túc đã dịch những Kinh Văn như: Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan, Thí Thực. Rồi tiếp theo những Kinh Đại Thừa khó hơn như: Pháp Hoa, Niết Bàn, Hoa Nghiêm, Đại Bảo Tích, Đại Bát Nhã v.v… và những Luật, Luận dễ hiểu để chư Tăng Ni và Phật tử dễ nắm bắt, hành trì. Gần đây nhất từ năm 1994 đến nay, cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh, người chủ trương dịch Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh từ chữ Hán sang tiếng Việt và lấy lại nhan đề là Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh. Tuy chưa hoàn hảo hoàn toàn; nhưng dẫu sao đi nữa thì đây là một bước tiến quan trọng lúc ban đầu, để cho những ai không rành chữ Hán dễ bề nghiên cứu qua 202 tập bằng tiếng Việt nầy.

Kể từ năm 2021 đến nay trong vòng hai năm Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã thành lập được hai Hội Đồng. Đó là Hội Đồng Hoằng PhápHội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kể cả quốc nội và Hải Ngoại. Các Ban ngành, tổ chức, kết hợp rất nhịp nhàng; nên chỉ trong một thời gian ngắn như vậy Thanh Văn Tạng đợt một đã được ấn hành xong gồm 29 tập; trong đó có 24 Tập gồm Kinh, Luật, Luận và 5 quyển Tổng Lục do Hòa Thượng Tuệ Sỹ biên soạn rất công phu. Tất cả đều có tính cách hàn lâm như các văn kiện học thuật khác của thế giới đương đại. Đây là một thành quả không nhỏ chỉ trong một thời gian ngắn ngủi mà thực hiện được như vậy và đây cũng là tài liệu căn bản để Tăng NiPhật Tử nghiên tầm học hỏi, tra cứu để giảng giải Kinh điển. Tránh việc đi quá đà tâm lý quần chúng mà: ”Lìa Kinh giảng nghĩa thì sẽ nói oan cho ba đời chư Phật”.

Sau Thanh Văn Tạng sẽ là Bồ Tát Tạng. Bồ Tát Tạng cũng sẽ phân chia ra Kinh, Luật và Luận và Tạp Tạng. Đây có thể gọi là Tạng của Đại Thừa Phật Giáo, được tham cứu những ngôn ngữ khác khi dịch như: tiếng Sanscrit, tiếng Pali, tiếng Nhật, tiếng Hoa, Tiếng Tây Tạng. Sau khi Tạng nầy hình thành sẽ nhập tạngcuối cùngMật Tạng. Tạng nầy gồm những Kinh, Luật, Luận của Kim Cang Thừa. Vị giảng sư hay Phật tử nào muốn nghiên cứu sâu xa hơn thì có thể vào trong biển Pháp nầy để truy tầm những viên kim cương bảo châu của Phật Pháp. Thời gian chưa biết là còn phải dịch thuật, biên chép, in ấn trong bao lâu nữa; nhưng đã có cái bắt đầu rồi, chắc chắn sẽ có cái chấm dứt. Chúng ta phải hy vọng là như vậy.

Nhìn thế giới đảo điên vì chiến tranh, dịch bệnh mà lòng người lại dửng dưng với niềm tin. Đa phần chỉ lo cho cái ăn, cái mặc mà quên đi việc vun xới vườn hoa tâm linh của mình. Tục ngữ Nga có nói rằng: ”Mất tiền là không mất gì hết cả. Mất danh dự là mất một phần lớn của cuộc đời. Ai đánh mất niềm tin, kẻ ấy mới là kẻ mất hết tất cả”. Niềm tin như trong Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: ”Tín vi đạo nguyên công đức mẫu”; nghĩa là: “Niềm tin là sự khởi nguồn, là công đức gốc”. Như vậy chúng ta nếu có mất cái gì thì cũng có thể tìm lại được; nhưng nếu để mất niềm tin thì khó có thể có cái gì đó để bù trừ; nhất là niềm tin vào một Tôn Giáo. Bây giờ thì cử tri mất niềm tin nơi những người làm chính trị. Khi chưa được phiếu bầu, thì ứng viên hứa hẹn đủ điều; nhưng khi đã đắc cử rồi thì xem thiên hạ chẳng ra gì hết và quên luôn những gì đã hứa khi ra tranh cử. Đây là cái bệnh làm chính trị, kể cả những người lãnh đạo các xã hội dân chủ. Khi đã nắm quyền hành và thế lực trong tay rồi thì không muốn nhường ghế cho người khác. Bệnh nầy gọi là bệnh chấp thủ như nhà Phật thường hay gọi. Nếu cái tự ngã quá lớn như vậy thì người lãnh đạo làm sao làm cho xã hội có thể phát triển được? Đây là mấu chốt của tất cả mọi vấn đề khi con người vẫn còn tham sống sợ chết (tham sanh, úy tử).

Sáu mươi năm trước là năm Quý Mão và năm nay 2023; một chu kỳ của 60 năm của lại về với người con Phật đó đây. Sự kiện lịch sử của Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu vì sự bình đẳng giữa các Tôn Giáo vào ngày 20 tháng 4 âm lịch năm 1963 và quả tim bất diệt của Ngài vẫn còn đó. Đây là một trong những sự kiện nổi bật nhất thuở bấy giờ, khiến cho thế giới phải rúng động. Quả tim ấy nay vẫn còn tôn thờ tại Việt Nam Quốc Tự ở Sài Gòn, nhằm nhắc nhở chúng ta, những người con Phật phải luôn thực hiện tâm Đại Hùng, Đại LựcĐại Từ Bi để giữ nước và dựng nước. Nếu một đất nước dầu cho ở thể chế nào đi chăng nữa, mà không có được những đức tin kiên cố, dõng mãnh phi thường nầy thì đất nước ấy chỉ có cái xác mà không có cái hồn của Dân Tộc đi kèm theo đó để làm cho quê hương được tồn tại lâu dài trong lòng con dân của nước Việt.

Thế giới bây giờ tất cả đều tính theo năng suất lao động và sự tiến bộ của khoa học được đo theo chiều rộng với số lượng người xử dụng máy móc. Trong khi đó sự tiến bộ của tinh thần thì không có số thống kê rõ ràng. Vật giá bất cứ loại nào bây giờ cũng tăng khá chóng mặt. Chỉ có giá trị tinh thần của các Tôn Giáotâm linh cũng như đạo đức con người thì tuột dốc đáng kể; nhưng rất ít người quan tâm đến và giá trị ấy xem ra rất rẻ, so với những giá trị vật chất khác.

Rồi đây chẳng biết ra sao nữa, nếu cứ đà nầy phát triển thì con người sẽ lâm vào thế mê hồn trận và quả đất sẽ tàn lụi dần với những phát minh vô giới hạn của máy móc, xe tăng, chiến đấu cơ… dùng để sát thủ chính mình; chỉ cần lợi nhuận mà không quan tâm đến vấn đề đạo đức, luân lý của loài người hay những sinh vật khác đang sống chung trên quả địa cầu nầy với chúng ta.

Mùa Xuân đã đến mang theo bao nhiêu niềm hy vọng. Do vậy Ban Biên Tập Báo Viên Giác của số 255, sau 44 năm xuất bản, đã được chư Tôn Đức Tăng Ni và quý Phật tử khắp nơi trên thế giới thương tưởng, yêu mến ủng hộ từ tinh thần đến vật chất; nên mới còn tồn tại cho đến ngày nay. Ân ấy xin khắc cốt ghi lòng và xin niệm ân tất cả quý vị. ● Ban Biên Tập Báo Viên Giác

Xem các năm trước:

Viên Giác Số 255 Tháng 6 Năm 2023








Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.