HÃY LÀM ĐẠO ĐỨC LAN TỎA RỘNG KHẮP: Trong bài nói chuyện với lớp 2016 tại Đại Học Phật Giáo Pháp Giới (DRBU), Nipun Mehta, người sáng lập của ServiceSpace đã trình bày giải thích về sức mạnh của tâm tĩnh lặng, sự nhận biết sâu sắc và sự thực hành những việc mà ông gọi là 3S: small – nhỏ, service – phụng sự, và surrender – đầu hàng. Trong bối cảnh một thế giới thay đổi với tốc độ chóng mặt và coi trọng tiền bạc, danh tiếng và quyền lực, bài nói chuyện của ông có đầy các ví dụ truyền cảm hứng của những mô hình ngược lại. Dựa trên hiểu biết từ người nông dân Masanobu Fukuoka với cuộc cách mạng Nông nghiệp tự nhiên, những câu chuyện dụ ngôn Sufi, những câu chuyện từ Tòa Bạch Ốc, một tu sĩ bái lạy và hơn thế nữa, những lời của ông Mehta chính là lời kêu gọi âm vang trở về những giá trị chung của nhân loại. Sau đây là bản ghi chép lại. Cảm ơn tất cả mọi người. Cảm ơn viện trưởng Susan Rounds, Tỳ Kheo Ni Hằng Trì, các giảng viên xuất sắc và hội đồng Đại Học Phật Giáo Pháp Giới. Và Hòa thượng Tuyên Hóa, người có tầm nhìn phi thường tạo ra một cái nôi trí tuệ như thế này. Nhiều năm trước, tôi nhớ mình đã rơi nước mắt khi lần đầu đọc các bài nhật ký của hai tu sĩ Phật giáo thực hiện cuộc hành hương Ba Bước Một Lạy dài 800 dặm (khoảng 1.287 km). Với sứ mạng mang lại hòa bình cho trái tim họ và cho thế giới, họ nhắm điểm đến là một nơi có tên Vạn Phật Thánh Thành. Tôi đọc phần mô tả về ngôi chùa này mà có cảm giác như đây là một vương quốc thần thoại. Để được đứng ở đây ngày hôm nay, và trong sự hiện diện của những vị sư trong hành trình bái lạy đó – Hòa Thượng Hằng Thật và giáo sư Mart Verhoeven là một vinh dự to lớn với tôi. Thật ra thì Hòa Thượng Hằng Thật không có mặt ở đây nhưng tôi chắc chắn là Hòa Thượng Hằng Thật đang xem trực tuyến (live-stream) từ Úc, vì vậy chúng ta vẫn xem như là Hòa Thượng Hằng Thật có mặt tại đây. Quả là một niềm vui sướng và là một đặc ân được chúc mừng các bạn, những học sinh khóa 2016 của Đại Học Phật Giáo Pháp Giới, vào lễ tốt nghiệp của các bạn. Tôi biết chúng ta luôn cố gắng thực tập buông bỏ, nhưng tôi nghĩ hôm nay thì an toàn để chúng ta có một ngoại lệ và mừng những công sức nỗ lực của tất cả các bạn. Xin chúc mừng! Các bạn đã tới đích! Nhiều năm qua, tất cả các bạn đã được đắm mình trong việc nghiên cứu học hỏi về đức hạnh dưới nhiều hình thức, qua nhiều truyền thống khác nhau. Từ triết học của Platon đến đạo Khổng, từ Long Thọ đến Darwin, từ triết học Kant đến Lão Tử, việc nghiên cứu học thuật của các bạn đã trải dài từ những bộ sách tư tưởng lớn của phương Tây đến những kinh sách vượt thời gian của phương Đông. Hôm nay, vào ngày lễ tốt nghiệp, tôi muốn nói rằng thế giới cần các bạn, những sinh viên của đức hạnh, hơn bao giờ hết. Việc giáo dục chính thức của các bạn có thể đã kết thúc, nhưng công việc việc suốt đời áp dụng những hiểu biết này mới chỉ là sắp bắt đầu. Xã hội ngày nay không thiếu những thông tin dành cho khối óc, nhưng những gì chúng ta rất thiếu là bắt tay thực hành và việc tu tập trong tâm chúng ta. Cái mà ngày nay thế giới cần là sự hồi sinh của đức hạnh. Trong vẻ hào nhoáng và quyến rũ của những ham muốn bất tận của chúng ta, chúng ta đã lãng quên việc sống thể hiện qua bàn tay-khối óc-trái tim của các giá trị này. Nói một cách khác, thế giới cần sự giúp đỡ của các bạn để đạo đức được lan tỏa rộng khắp. Nếu bạn tìm kiếm tin tức về sự đổi mới đầy hứa hẹn nhất trong ngày, bạn sẽ nhanh chóng bắt gặp từ ngữ thông dụng mới nhất này: trí tuệ nhân tạo. Trong 15 năm, trong mỗi giây, chiếc máy tính nhanh nhất của chúng ta sẽ thực hiện các hoạt động nhiều hơn tất cả các tế bào thần kinh có trong tất cả bộ não của tất cả những người còn sống trên thế giới. Hãy tưởng tượng xem. Hiện tại, chúng ta có xe không người lái trên đường, những cái máy viết nên những cuốn tiểu thuyết được đề cử trao giải thưởng, và những người máy (robots) quản lý toàn bộ các khách sạn. Elon Musk đã lo ngại mô tả sự phát triển của trí tuệ nhân tạo là việc "mời gọi quỷ đến", và ông ấy là một trong những nhà tiên phong của lĩnh vực này! Nhà khoa học nổi tiếng Stephen Hawking cảnh báo chúng ta rằng trí tuệ nhân tạo có thể là "đưa đến sự chấm dứt của nhân loại". Tất nhiên vấn đề vốn không nằm ở bên trong kỹ thuật, mà nằm ở việc chúng ta đã thu hẹp tầm vóc rộng lớn của khả năng suy tưởng tìm hiểu của con người trở thành những gì bán được trên thị trường. Chúng ta đã biến món quà tài năng kết nối đa chiều giữa con người trở thành một loạt các giao dịch tự tối đa hóa. Không phải là chúng ta đã quên mất giá trị đích thực của bản thân, mà đúng ra là chúng ta đang mò mẫm lầm chỗ để tìm chúng. Có một câu chuyện Sufi nổi tiếng về Mulla Nasruddin, người đã đánh mất chìa khóa của mình vào một đêm nọ. Khi ông tìm chìa khóa trên lề đường, vài người hàng xóm tham gia tìm giúp. Sau khi cuộc tìm kiếm không có kết quả, một trong số họ hỏi, "Mulla, chính xác thì ông làm rơi chìa khóa chỗ nào?" "Trong nhà tôi". Mấy người hàng xóm bất ngờ với câu trả lời, "Thế tại sao chúng ta lại điên khùng tìm dưới cột đèn này?" Mulla lập tức trả lời, ''Thì ở đây có nhiều ánh sáng mà." Nói tóm lại, vấn đề của chúng ta cũng tương tự. Xã hội ngày nay muốn chúng ta được thừa hưởng hệ thống giá trị của thị trường. Chấp nhận tuân theo, chúng ta sẽ được thưởng những tước vị hào nhoáng trên danh thiếp, danh vị bằng cấp sau tên mình, và tiền trong trương mục ngân hàng của chúng ta. Những miếng mồi lấp lánh của tiền bạc, danh vọng và uy tín có thể thu hút sự chú ý của chúng ta nhưng chúng ta sẽ không tìm thấy chìa khóa của mình dưới những tia sáng lấp lánh đó đâu. Bởi vì đó không phải là nơi ta đánh rơi chìa khóa. Chìa khóa để có được hạnh phúc bắt rễ sâu xa và bền vững đã, đang và sẽ luôn nằm bên trong mỗi chúng ta. Trong cơn sốt chạy hướng về trí tuệ nhân tạo, chúng ta quên mất trí thông minh mộc mạc của con người, chứ chưa nói đến trí tuệ. Chúng ta đã quên rằng chúng ta là những sinh vật có khả năng về sự rộng lượng, lòng từ bi, lòng tha thứ khoan dung và vô vàn đức hạnh khác. Những kỹ thuật bên ngoài sẽ không đưa chúng ta tới trí tuệ. Nó phải là sự chuyển hóa bên trong. Chắc chắn là những đổi mới như trí tuệ nhân tạo có thể gia tăng năng suất lao động cho chúng ta, thậm chí là hoạt động sáng tạo của chúng ta, nhưng không bao giờ một con người máy (robot) sẽ có thể làm được trách nhiệm hồi sinh đức hạnh. Khiến đức hạnh được lan tỏa là trách nhiệm không còn gì để hoài nghi của con người. Đó luôn là công việc bên trong. Bằng cách tham gia vào những thách thức này, không phạm sai lầm, bạn sẽ phải bơi ngược dòng luân lưu của xã hội. Nhưng bạn cũng sẽ thuận dòng luân lưu sâu xa nhất của quy luật tự nhiên. Tôi biết những nhà diễn thuyết trong lễ tốt ngiệp thường đáng lẽ nên truyền cảm hứng để các bạn làm một cái gì đó nổi bật trên thế giới, để trở thành một ai đó, để làm một điều gì đó lớn lao và quan trọng. Nhưng đây không phải là một ngôi trường đại học điển hình thông thường, và các bạn không phải là một lớp học điển hình thông thường. Vì vậy, tôi tin rằng tôi sẽ không gặp rắc rối nào trong phần tiếp theo của lời khuyên này. Tìm hiểu nghệ thuật của việc không làm gì cả. Trong thế giới của chúng ta ngày nay, không làm gì là bị một sự bị chê bai. Chúng ta đánh đồng nó với sự lười biếng và không chịu hoạt động, như nghĩ thơ thẩn trên chiếc ghế bành với một túi khoai tây chiên và xem TV. Đó không phải là điều tôi muốn nói ở đây vì nó chỉ là sự không vận động về cơ thể. Câu mà chúng ta cần bắt đầu hỏi là "Đầu óc tâm trí chúng ta làm gì trong từng phút giây?" Nếu nó chạy mãi trên bánh xe quay vòng vô tận của những thói quen vô thức và tập quán tư duy, thì làm một việc gì đó cũng vô ích như, nếu không muốn nói là hơn, việc lười nhác trên chiếc ghế của bạn mà thôi. Trong thực tế, sự thúc giục hành động này có thể thường gây bất lợi cho sự lành mạnh cá nhân và tập thể. Martin Luther King Jr. đã cảnh báo chúng ta điều này khi ông nói "Hãy cẩn thận, đừng lầm lẫn hoạt động là tiến bộ." Chúng ta biết sự thật này thông qua kinh nghiệm. Hãy nghĩ về cách chúng ta lấp đầy khoảng trống trong cuộc trò chuyện bằng việc luôn miệng nói những lời trống rỗng, hay nghĩ xem chúng ta khỏa lấp thời gian trống trong lịch trình của mình bằng việc nhấn nút làm mới (refresh) trang Facebook của chúng ta thế nào (150 lần mỗi ngày – theo các nhà nghiên cứu). Tôi nhớ có một người bạn từng hỏi tôi là "Nipun, sự tràn ngập thông tin đang giết chết tôi. Anh có thể đề nghị cho tôi một nhu liệu ứng dụng (apps) về thiền được không?" Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là "Có, nó được gọi là nút tắt." Thật khó cưỡng lại việc làm một việc gì đó. Nếu như làm một việc gì đó giống như các đường nét vẽ trong một bản vẽ thì không làm gì sẽ là những khoảng trắng trống trên trang giấy đó. Nếu làm một việc gì đó giống như hát một bài hát tuyệt diệu thì không làm gì giống như sự tĩnh lặng giữa các nốt nhạc. Nếu làm một việc gì đó giống như mọi người đang nắm tay nhau thành vòng tròn thì không làm gì giống như khoảng trống ở giữa. Nếu chúng ta làm một việc gì đó mà không hiểu không làm nghĩa là gì, thì chúng ta sẽ tạo ra sự hỗn loạn và thiếu hòa hợp. Có lẽ không ai hiểu điều này rõ hơn một nông dân Nhật Bản canh tác nhỏ có tên Masanobu Fukuoka. Trong khoảng thế chiến thứ hai, một ngày nọ, chàng trai ấy đang ngồi dưới một gốc cây. Trong tích tắc, anh ấy nhận ra tất cả những gì được tạo ra từ tâm trí vốn đều sai cả. Được truyền cảm hứng, anh ấy đi khắp nơi chia sẻ sự hiểu biết này với mọi người, và thất bại thảm hại. Không ai hiểu. Thay vì bỏ cuộc, chàng trai làm một việc mà thoạt nhìn thì có vẻ kỳ lạ nhưng hóa ra lại rất thông minh. Anh ta chuyển qua việc trồng trọt. Để thực hiện việc này, anh chọn cách thể hiện sự hiểu biết của mình theo một cách mà người bình thường nào cũng có thể hiểu được tương quan. Thế là Fukuoka đảm nhận toàn bộ nông trại cằn cỗi của cha mình và bắt đầu thử nghiệm một kỹ thuật mà anh gọi là "Canh tác không làm gì cả". Theo đó, anh cho rằng mình sẽ cố gắng giảm thiểu dấu ấn can thiệp của mình trên nông trại. Anh nói "Hãy để thiên nhiên tự trồng cây". Và công việc của anh là càng không can thiệp càng tốt. Trong phạm vi nông trại của mình, Fukuoka quy định chính xác thế nào là "Không làm gì": không nhổ cỏ, không cày bừa, không phân bón và thuốc trừ sâu. Điều này không có nghĩa là ngày nào anh ấy cũng chỉ ngồi không. Không hề. Anh thường nói khôi hài rằng "không làm gì" là việc rất cực nhọc. Cuối cùng, hiểu biết này đã được chứng thực là đúng. Đối với một người nông dân, điều này có nghĩa là sản lượng phải cao, và các sản phẩm phải tốt. Và với Fukuoka, chắc chắn là thế rồi. Mọi người trên khắp thế giới bay đến chỉ để nếm những quả táo của anh. Và điều đó cũng không có gì ngạc nhiên vì những trái táo của anh không phải là những trái táo độc canh bình thường. Thật ra, nông trại Fukuoka trông không hề giống một trang trại. Trông nó giống một khu rừng rậm, không có quy củ và hoang dại. Khi thực hiện "Không làm gì", Fukouka chỉ đơn giản là tạo không gian cho tất cả các thành phần phức tạp của hệ sinh thái kết nối có tổ chức và tìm thấy một trạng thái cân bằng tự nhiên. Trong mỗi miếng táo của Fukuoka, những gì bạn nếm không chỉ là sự phong phú của một quả táo hay thậm chí một cây táo mà còn là sự đóng góp to lớn của toàn bộ hệ sinh thái, tất cả đều kết nối với nhau một cách vô hình bên trong. Cá nhân tôi không biết đến thí dụ của Fukuoka cho đến mãi sau này trong cuộc hành trình của mình, nhưng tôi ngay lập tức đã tìm thấy sự tương đồng với cách thức mà ServiceSpace hướng đến "cánh đồng xã hội". Thay vì cây cối, chúng tôi có con người. Thay vì đất, chúng tôi có tâm trí. Thay vì các loại trái cây, cái mà chúng tôi nuôi trồng là hành vi phục vụ. Trong khi chúng tôi áp dụng nguyên lý Không-làm-gì vào công việc của ServiceSpace, không có lý do gì để chúng ta không thể tạo ra các mối quan hệ của chúng ta, kỹ thuật của chúng ta, các tổ chức của chúng ta, và các cộng đồng của chúng ta theo cách này. Những nguyên tắc này vô tận và phổ quát, và tạo ra chu trình đạo đức bất cứ nơi nào chúng được tìm thấy. Trong khi làm việc theo cách này, chúng tôi đã học được rằng một hệ sinh thái luôn luôn lớn hơn các thành phần của nó cộng lại. Khi tốt nghiệp đại học, tôi đã không biết mình có thể bỏ qua tất cả các câu hỏi đặc trưng về việc làm một việc gì đó. Tôi đã không biết rằng khi ai đó hỏi, "Bạn sẽ làm gì?", không định rõ ra cũng không sao. Tôi vẫn không biết viết gì trên lá đơn mà người ta để trống để ghi nghề nghiệp. Nhưng những gì tôi biết là trả lời câu hỏi "Bạn giá trị bao nhiêu?". Trong câu trả lời của bạn có thể bao gồm các hình thức tài sản không phải là tiền bạc cũng không sao, chẳng hạn như lòng biết ơn. Với câu hỏi kế hoạch 10 năm của bạn là gì, trả lời là tôi không biết cũng không sao. Như thiền sư Shunryu Suzuki từng nhấn mạnh, chỉ khi bạn không biết là bạn đang mở đến khả năng vô hạn mà thôi. Và hãy nhớ, giá trị đời sống con người của bạn sẽ luôn luôn nhiều hơn tổng các điều trong sơ yếu lý lịch của bạn cộng lại. Hôm nay đây, khi các bạn đang tìm ra sắc thái cho cuộc hành trình của mình, tôi muốn gửi tới các bạn ba chữ S của mô hình Không làm gì đã là sự hướng dẫn cho cuộc đời tôi.
Small (nhỏ) - là chữ S đầu tiên: Tập trung vào những điều nhỏ mời gọi chúng ta buông xả những kết quả và sống trọn vẹn ở hiện tại. Khi chúng ta định hướng bản thân mình tới những hành động nhỏ và những hiệu ứng nhỏ, chúng ta học cách mang lợi ích những hiệu ứng lan tỏa.
Mấy năm trước đây, tôi nhớ dì tôi kể cho tôi nghe một câu chuyện về một tai nạn của dì trên đường xa lộ 101. Chiếc xe quay tròn 180 độ, va mạnh vào tường thấp phân cách giữa hai chiều đường, tấm gương chắn gió bị bể và cô con gái một tuổi của dì ở ghế sau xe đang hét lên. Khi dì tôi đang cố bình tâm trở lại, thì một người đàn ông lịch sự dừng lại, bước tới bên cửa sổ xe và nói, “Thưa bà, bà có sao không?” “Tôi vừa gọi số cấp cứu 911, sẽ rất tuyệt vời nếu ông có thể giúp tôi tìm kính đeo mắt của tôi, như thế tôi có thể nhìn rõ hơn”. Kính đeo mắt của dì tôi bị văng đi và ông ấy đã giúp dì tôi tìm kính. Giữa lúc ấy thì ông ta có cuộc điện thoại gọi đến - “Cưng, anh không thể nói chuyện lúc này được”, anh ta nói và tiếp tục giúp đỡ. Rồi anh ta lại nhận được cuộc gọi nữa, “Cưng, anh sẽ gọi lại sau”. Lúc này, cảnh sát đang trên đường tới hiện trường, và mọi thứ đã được ổn định đôi chút. Khi anh ta nhận được cuộc gọi thứ ba, anh ta nói, “Cưng, anh sẽ đến đó ngay”, dì tôi nói, “Có vẻ như ông rất cần phải đi đâu đó. Tại sao ông không đi đi? Chúng tôi an ổn rồi”. Và người đàn ông đó đáp lại, “À, đó là sinh nhật 6 tuổi của con gái tôi, và gia đình đang đợi tôi về để cắt bánh. Nhưng bà biết đấy, thưa bà, nếu đó là con gái tôi ở ghế sau, thì tôi hy vọng rằng ai đó cũng sẽ dừng lại để chăm sóc cho tới khi mọi người yên ổn”. Anh ta ở lại cho tới khi cảnh sát tới.
Đó là một hành động đẹp, nhưng nếu quý vị hỏi dì tôi, sẽ thấy hiệu ứng mạnh mẽ nhất không phải tác động lên dì tôi hay con gái của dì, mà đó là tác động lên một người thậm chí không có mặt ở hiện trường – là cậu tôi. Cậu tôi có thể không bao giờ đi qua một chiếc xe bị mắc kẹt trên đường mà không nghĩ gì đến sự việc có lần một người lạ dừng lại để giúp đỡ gia đình mình như vậy. Và tất cả những người cậu tôi giúp sẽ giúp đỡ những người khác và dây chuyền như thế sẽ tiếp nối.
Mô hình suy nghĩ chính ngày nay trói buộc chúng ta phải nghĩ chuyện lớn, kiếm soát cuộc sống, để được chú ý. Nhưng đừng làm gánh nặng cho chính mình bằng việc nghĩ chuyện lớn. Chuyện nhỏ bé là điều tuyệt đẹp bởi những chuyện nhỏ kết nối lại. Những điều quý vị từ bỏ về tác động lớn và tầm vóc của hành động, thì quý vị sẽ nhận lại được trong sự nhận thức và hiểu biết về các sự liên kết tương quan lẫn nhau. Những nhận thức đó phối hợp với sự khéo léo thuần thục sẽ cho phép quý vị khai thác sức mạnh của hiệu ứng lan tỏa.
Trong tổ chức Sevice Space (Không gian phục vụ), chúng tôi định nghĩa điều này như là một sự chuyển dời từ Sự lãnh đạo thành Thang dẫn. Một người làm thang dẫn tốt đẹp sẽ trợ giúp những người khác vươn tới những tầm cao lớn hơn trong tiềm năng của họ. Các vị Bồ tát là những người làm thang dẫn hoàn hảo. Họ chạy đến đáy của của chiếc kim tự tháp thay vì chạy lên đỉnh, họ chú ý đến những bờ cạnh thay vì chú ý đến trung tâm. Họ làm việc ở hậu trường, không ở dưới ánh đèn sân khấu. Nếu một người làm thang dẫn làm tốt đẹp công việc của mình, thì chẳng ai biết đến để cảm ơn họ cả, vì điều ấy gần như là không thể biết đến, đôi khi ngay cả đối với chính những người làm thang dẫn ấy, để chỉ vào bất kỳ một điều “đặc biệt” họ đã làm. Những món quà của họ nằm ở trong sự hoàn toàn tự nhiên. Những hành động rất tự nhiên, nhỏ bé và rất nhiều ấy của họ đã làm việc đồng điệu với sự phát triển lớn hơn và như thế hiệu ứng lan tỏa đạt tới những kết quả phi thường. Những kết quả mà luôn luôn phù hợp khía cạnh đức hạnh.
Service (Phục vụ) là chữ S. thứ hai. Với một tấm lòng phục vụ, chúng ta có thể khởi động những mối kết nối đang ngủ yên và tái tạo lại lãnh vực phục vụ này.
Rõ ràng rằng mọi hành động đều tạo ra một mối liên hệ. Nhưng chất lượng của mối liên hệ ấy được xác định dựa trên các ý định ẩn sau nó. Nếu chúng ta hành động trên tinh thần trao đổi qua lại hoặc tệ hơn là khai thác bóc lột, thì nó sẽ giới hạn tầm vóc của mối liên hệ đó. Mối quan hệ đó cuối cùng sẽ đổ vỡ hoặc thất bại. Nhưng khi một hành động nhỏ nhưng vô ngã, thì nó sẽ tháo mở ra một hiệu ứng tái tạo có thể tiếp tục tạo dựng cho đến vô tận.
Năm ngoái, tôi được mời tham dự vào hội đồng cố vấn của tổng thống Obama để giải quyết sự nghèo đói và bất bình đẳng. Quả là một vinh dự, tôi đã rất vui vẻ phục vụ. Tại buổi gặp mặt đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc, chúng tôi đã thực hiện một vòng mở đầu chung quanh câu hỏi – Điều gì khiến cho quý vị hy vọng ? Trước khi tôi kịp nghĩ điều gì đó thông thái để nói thì đã tới lượt tôi rồi. Và đây là điều tự nhiên xuất hiện trong tâm trí tôi, « À! Điều khiến cho tôi có hy vọng chính là tình thương. Điều khiến cho tôi hy vọng là đọc những câu truyện trên tờ NewYork Times kể về việc một người trả tiền cà phê cho người xếp hàng ngay phía sau mình, và 226 người cũng làm theo như vậy. Hai trăm hai mươi sáu người xúc động tình nguyện trả tiền cho người sau. Điều cho tôi niềm hy vọng đó chính là cuộc sống đã đáp ứng rõ ràng không sai lầm với những sự tiến lên của tình thương.
Khi chúng ta hành động trong sự phục vụ, chúng ta làm thăng tiến nguyên nhân của tình thương. Cuộc sống không có sự lựa chọn khác và chỉ có phản ứng theo. Khi ấy, những cái bản ngã của chúng ta không cần đến để cứu thế giới nữa. Những mối quan hệ của chúng ta được củng cố bằng những hành động nhỏ của sự phục vụ sẽ tự nhiên làm việc cứu thế giới.
Thị giả của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài A Nan đã một lần hỏi Phật rằng, “Trên con đường Đạo rất dài này, dường như những người bạn cao quý là một nửa con đường rồi”. Đức Phật đáp lại, “Không đâu, Anan, đó không phải là một nửa con đường. Mà đó là cả con đường”. Không phải 60%, không phải 3/4, cũng không phải là 90% mà là 100%. Trong từng hành động nhỏ nhất của sự phục vụ, chúng ta đang xây dựng một một mối quan hệ nhân duyên – và một môi trường với những mối quan hệ nhân duyên cao quý này, theo như Đức Phật, đó là tất cả những gì chúng ta thực sự cần.
Trong thế giới được liên kết ngày nay, các bạn đều nhận thức rất rõ về số lượng của những kết nối – nhưng cũng cần nhớ theo dõi chất lượng của những kết nối ấy. Các nhà nghiên cứu cho chúng ta biết rằng trong một căn phòng chỉ với 50 người, thì có thể có hơn 100 triệu nghìn tỷ kết nối đặc thù. Một trăm triệu nghìn tỷ kết nối chỉ với 50 người. Thường thì tiềm năng đó không bao giờ được đạt đến vì lợi ích cá nhân và những dụng ý riêng áp đặt những hạn chế nhân tạo lên tiềm năng này. Hãy tưởng tượng mình đang nắm giữ một không gian của lòng từ bi cho tất cả chúng sinh ở trong phạm vi ảnh hưởng của mình. Bây giờ hãy tưởng tượng tiềm năng của tất cả chúng sinh đang cùng làm cho nhau việc giống như vậy.
Surrender (Quên mình) là chữ S thứ ba. Bằng những hành động nhỏ, chúng ta gieo hạt giống; với tấm long phục vụ, chúng ta trồng trọt, chăm sóc. Nhưng trước khi gặt hái, còn một bước quan trọng nữa: quên mình.
Trong năm 2005, cảm thấy như đang ở đỉnh cao của công việc phục vụ của mình, vợ tôi và tôi bán mọi thứ đang có và bắt đầu một cuộc hành hương đi bộ ở Ấn Độ. Ý định của chúng tôi là tu hạnh từ bỏ. Chúng tôi tới Tu Viện Gandhi (Gandhi Ashram) và đi bộ về phương Nam – kết thúc với chặng đường dài cả ngàn cây số. Chúng tôi ăn mọi đồ ăn và ngủ bất cứ chỗ nào được được cho. Lúc này, Ấn Độ đang trong những tháng hè, có những ngày nhiệt độ cao tới 115 độ F. Chúng tôi có thể đã đi bộ 30 dặm vào ngày hôm trước, có thể bị đói, có thể không ngủ ở những chỗ tiện nghi. Có thể ai đó đối xử ác với chúng tôi. Hàng tỷ thứ có thể không đúng như ý, nhưng có một điều khó khăn nhất đó là sự bất an – Tôi có thể ăn món bổ dưỡng nhất, được trao tình yêu thương sâu đậm nhất, nhưng tâm trí tôi hẳn là đang chạy đua về sự bình an cho ngày mai.
Trong rất nhiều cách thức ảnh hưởng thâm sâu, chuyến hành hương đó là về sự quên mình. Mọi người thường nghĩ về sự quên mình như là một niềm tin về “nhân nào thì quả đấy”. Nhưng sự trở lại của nghiệp quả thì mang quá nhiều sắc thái. Đơn giản là vì các bạn làm việc thiện thì không có nghĩa là quý vị sẽ thấy một hành động thiện ở ngày hôm sau. Sự lôi cuốn là điều có nhiều hơn về sự quên mình đối với dòng chảy của cuộc sống. Liệu chúng ta có được tâm thế bình thản để đón nhận tất cả những gì cuộc sống ban tặng cho mình không – điều tốt, điều xấu, điều đáng sợ? Liệu chúng ta có niềm tin rằng bất cứ một nỗi đau hay niềm vui mang tính cá nhân nào đơn giản chỉ là một sự bù đắp cho một sự cân bằng lớn hơn không? Liệu chúng ta có được một trái tim đủ lớn để dung chứa mọi sự tưởng thưởng cho những ai làm việc cực nhọc và với những hậu quả do sai lầm của ai đó không? Đây không phải là những câu hỏi có được câu trả lời. Chúng là những câu hỏi cần được hỏi với sự tinh tấn, thậm chí ngay cả trong những giây phút khó khăn cam go nhất của cuộc đời. Và trong sự tỉnh thức đó về sự quên mình, những lời của T.S Eliot trở nên thật sống động, “Hãy chờ đợi, nhưng đừng hy vọng. Bởi vì hy vọng có thể sẽ là hy vọng điều gì đó sai lầm”.
Xã hội hiện đại của chúng ta rất giỏi tạo ra những giải pháp đối trọng. Một phong trào thể thao để giải quyết tình trạng béo phì; sự chánh niệm của tâm trí để giải tỏa sự căng thẳng; một phong trào cây xanh để giải quyết sự suy thoái môi trường. Nhưng giữa những giải pháp đối trọng ấy, tôi hy vọng rằng các bạn cũng sẽ mang đến cho cuộc sống một sức mạnh hợp nhất của sự phát triển. Một sức mạnh mà được sinh ra từ sự quên mình, từ việc học cách phục vụ và rồi chờ đợi với tâm thế bình thản và tin tưởng. Khi chúng ta làm đủ những hành động nhỏ của việc phục vụ, mỗi một kết quả nhân duyên ấy sẽ giúp gắn kết với nhau để dệt lên tấm vải đàn hồi. Tấm vải ấy mạnh hơn cả một tấm vải căng lò xo để nhảy nhún bật. Cho dù trở ngại gì đi nữa, thì nõ sẽ tự nhiên bật trở lại ngay.
Vì vậy, khi các bạn tạo nên con đường của đức hạnh trên thế gian này, tôi hy vọng rằng sức mạnh của ba chữ S – small, service and surrender (nhỏ, phụng sự và quên mình ) – sẽ mãi ở bên các bạn.
Tôi muốn kết thúc với một câu chuyện nhỏ. Khi tôi ở khoảng tuổi các bạn, tôi sắp phải làm một quyết định quan trọng trong đời mình. Tôi nhớ là mình đã đụng gặp thầy Hằng Thật ở hành lang trong chùa Berkeley. Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi rất ngắn gọn và bình dị, nhưng thầy ấy đã chia sẻ cho tôi một câu mà nó vẫn còn ở mãi trong tôi kể từ đó.
Thầy ấy nói “Tôi chưa bao giờ hối tiếc vì đã lựa chọn con đường khó khăn nhất đối với bản ngã của mình”.
Tôi đã nhiều lần nghĩ về câu này, và hôm nay đây, tôi muốn mời các bạn, những sinh viên của đức hạnh, hãy không chỉ đi trên con đường mà ít người đi trên đó, mà hãy tiến bước thêm xa hơn. Hãy chọn con đường ít người đi trên đó, con đường mà gần như chưa bao giờ đặt chân tới, con đường khó khăn nhất đối với bản ngã.. Tất cả các bạn, lớp học 2016 này, đang chuẩn bị làm những điều tuyệt vời trên thế gian này. Trên suốt hành trình, tôi mong những hành động thiện nhỏ của các bạn sẽ mở tung ra hiệu ứng lan tỏa bất tận. Mong rằng tấm lòng phục vụ của cac bạn sẽ được nuôi dưỡng nâng niu trong nôi kén của tình bạn cao quý. Cầu mong cho sự quên mình của các bạn sẽ khiến các bạn trở thành một phương tiện cho sự phát triển vĩ đại hơn. Và trên hết tất cả, cầu mong sao mỗi mỗi các bạn sẽ xây dựng một môi trường đức hạnh để chuyển hóa cuộc đời của các bạn và thắp sáng lên thế giới này. |