Chiều Thơ Nhạc Hương Thiền

06/06/201312:00 SA(Xem: 15306)
Chiều Thơ Nhạc Hương Thiền
CHIỀU THƠ NHẠC HƯƠNG THIỀN
Phan Tấn Hải

Chiều Thơ Nhạc Hương Thiền hôm Chủ Nhật 2-6-2013 là một buớc tiến mới của Nhóm Hương Thiền trong việc phổ biến nhạc Thiền và tiếp cận người thưởng thức – nhạc hay, ca sĩ xuất sắc, trình diễn công phu, và mang nhiều nội dung xúc động, trong đó độc đáo là phần thơ nhạc Lửa Từ Bi để cúng dường 50 năm tưởng niệm Hòa Thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.

Đây là buổi văn nghệ lần thứ tư của Hương Thiền, một nhóm văn nghệ thành lập bởi nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát và nhiều thân hữu – không chỉ là từ các nghệ sĩ Quận Cam, nhưng cũng từ nhiều nơi xa tới đóng góp; cụ thể, Chiều Thơ Nhạc Hương Thiền hôm Chủ Nhật có các ca sĩ Đồng Thảo và Xuân Mai từ San Jose lái xe về góp mặt.

Hội trường của Viện Việt Học chật khắp khán giả, trong đó nhiều người, như anh Bùi Đức Nhượng tâm sự, anh chưa từng bỏ sót buổi văn nghệ nào của Hương Thiền. Và lần đi dự văn nghệ nào, anh Nhượng cũng dẫn theo một người bạn để chia sẻ niềm vui thưởng thức.

Khởi đầu, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát tập cho khán giả hát bào Hiện Pháp Lạc Trú, để sẽ cùng hợp ca vào cuối chương trình.

Và cũng theo truyền thống Hương Thiền, các MC Bùi Đường và Diệu Trang hướng dẫn 3 phút tĩnh tâm; lần naỳ, các nữ nghệ sĩ mặc áo trắng bước lên sân khấu ngồi 2 hàng như trong một thiền đường. Hình thức mới này làm đẹp mắt nhìn, nhưng thấy rõ là sân khấu Viện Việt Học hơi chật. Nhưng cũng là để tiếp theo là hợp ca bài Niệm Phật, một ca khúc của Võ Tá Hân phổ thơ Giác An. Cách sắp xếp này có lẽ là để dung hợp tinh thần Phật Giáo Bắc Tông: ngồi Thiền xong, là niệm Phật? Lời thơ và ý nhạc tuyệt vời, như:

Niệm Phật bên tuổi thơ
Thấy nâng niu cuộc đời
Niệm Phật bên già nua,
Xót thương thân phận người.

Có nhiều nét độc đáo của chương trình Hương Thiền lần này: Nhóm Trẻ Mây Từ lần đầu xuất hiện. Nhạc sĩ Doãn Quốc Hưng và hai ca sĩ Thanh Hương, Phương Hà trong chiếc áo đồng phục Nhóm Trẻ Mây Từ, một nhóm tu học dưới hướng dẫn của Thầy Thích Phước Tịnh, đã hướng dẫn khán giả hợ ca bài Tự Ngã Di ĐàDuy Tâm Tịnh Độ, một sáng tác mới của Doãn Quốc Hưng.

Đây cũng nằm trong truyền thống của các buổi văn nghệ Hương Thiền: luôn luôn có hướng dẫn khán giả hợp ca một bản nhạc. Lần này, là 2 bản, khi kể cả bài Hiện Pháp Lạc Trú của Nghiêm Phú Phát.

Truyền thống này dĩ nhiên hiếm thấy, có thể nói gần như không thấy, ở các buổi văn nghệ thích phòng. Hát chung giữa nghệ sĩ và khán giả là kiểu du ca, một truyền thống gắn liền với hình ảnh của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang.

huong_thien_2_-_copy_resized-content
Hàng trên, từ trái: Bùi Đường phỏng vấn Võ Tá Hân, Trần Anh Minh. Hàng dưới: Nhóm Trẻ Mây Từ với Thanh Hương, Phương Hà; và Hương thiền hợp ca.

Doãn Quốc Hưng, con trai của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, cũng có một văn phong đầy sức mạnh trong bài thơ 5 chữ mà anh tự phổ nhạc. Lời gọn, ngắn, nghĩa xúc tích, nói thẳng vào sự giác ngộ. Thí dụ, ngay như ở đoạn đầu:

Khi niệm A Di Đà
Là gọi Phật trong ta
Phật tánh là cái Biết
Chẳng tìm ở đâu xa.

Đây cũng là tư tưởng truyền thống Thiền Tịnh Song Tu của Phật Giáo Việt Nam.

Lần đầu tiên, Hương Thiền đưa hình thức phỏng vấn trở thành một tiết mục: Bùi Đường phỏng vấn nhạc sĩ Võ Tá Hân, người sáng tác cả ngàn ca khúc cho Phật Giáo, trong đó có các trường ca phổ Kinh A Di Đà, Kinh Kim Cang...

Câu hỏi đầu tiên Bùi Đường hỏi, vì sao âm nhạc tới chùa chỉ mới vòng ngoài thôi. Võ Tá Hân, một Tiến sĩ Kinh tế nhiều năm làm việc ở Singapore và mới trở về Quận Cam khi về hưu, nói rằng nhạc chỉ mới sử dụng trong Gia Đình Phật Tử, hay là văn nghệ sau thời nhật tụng. Do vậy ông muốn phổ nhạc để góp sức cho sinh hoạt nhà chùa. Ông nói, ông thời nhỏ học từ Quốc Gia Âm Nhạc, lớn lên mới nghĩ tới sáng tác, và chủ yếu phổ nhạc là để học thêm kinh kệ. Nhạc sĩ tuy khiêm tốn nhưng kho tàng âm nhạc của ông thực là đồ sộ.


Một điểm độc đáo mới còn là mục Lửa Từ Bi, tưởng niệm Hòa Thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Lời thơ Vũ Hoàng Chương tự thân đã có sức mạnh:

Lửa, lửa cháy ngất tòa sen,
Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ,
quỳ cả xuống
Hai vầng sáng rưng rưng
Đông Tây nhòa lệ ngọc
Chắp tay đón một mặt trời mới mọc ...

Phổ nhạc do Tâm Nguyện, tức Nghiêm Phú Phát. Nghệ sĩ Xuân Mai, từ San Jose tới, đã ngâm thơ với giọng cực kỳ xúc động. Sáo do Ngọc Nôi đệm. Vũ Quang Vinh hát. Băng video trích đoạn, cho thấy hình ảnh Phật Tử quỳ lạy trong khi HT Thích Quảng Đức ngồi vững vàng trong lửa.
huong_thien_3_-_copy_resized-content
Hàng trên, từ trái, theo chiều kim đồng hồ: Lâm Dung, Doãn Quốc Hưng, Đồng Thảo, Võ Quang Vinh, song ca Ngọc Sương và Duy Hiển, Xuân Mai, song ca Lâm Dung và Xuân Thanh, sáo Ngọc Nôi.

Một bất ngờ mới trong Chiều Thơ Nhạc Hương Thiền là nhạc sĩ Trần Minh Anh: với chiếc đàn guitar, anh ngồi kể về nhân duyên phổ nhạc hai đoạn thơ ngắn của Sư Viên Minh, nghe như thơ hài cú và rất Thiền vị. Như đoạn đầu:

Sư chèo thuyền đi đâu...
Sao phải nhọc công chèo
- A ha! Đâu cũng là biển cả.
Ngại chi ta chẳng chèo!

Lời thơ như công án, và nhạc cũng tuyệt vời. Giọng ca Trần Minh Anh trong khi vừa đàn, vừa vỗ đàn... chuyển được ý thơ mang mang. Hóa ra cõi này vô thường, đâu cũng là biển cả, nhưng ngay khi thấy tâm mình là biển, phải ra sức chèo...

Nghe như hình ảnh của Tâm Kinh:... gate gate paragate parasamgate bodhi svaha... qua đi, hãy đi qua bờ bên kia, hỡi trí tuệ, hãy thành tựu như thế...

Trong Chiều Thơ Nhạc cũng có giây phút bùi ngùi. Như khi trình diễn ca khúc Chiếc Nhạn Bay Rồi, nhạc Đông Quân phổ thơ Huyền Không để tưởng niệm Sư Bà Thích Nữ Trí Hải, bậc nữ lưu hàng đầu của Phật Giáo Việt Nam, cũng là dịch giả văn học xuất sắc.

... Sóng vỗ sông dài hướng đại dương
Tang tình khúc hát tiễn lên đường
Ba sinh dù có ngàn thương nhớ
Tiếng vỗ bàn tay về một phương...

Ca khúc này với giọng ca Kim Cúc, và minh họa bởi Hương Thiền, tất cả trong trang phục áo dài trắng, đã làm khán giả như hình dung như một cánh chim nhạc đang bay lưng trời vào cõi vô cùng. Không ngờ âm nhạc có sức bay xa như thế...

huong_thien_1_-_copy_resized-content
Hình ảnh trong Chiều Thơ Nhạc.

Ca sĩ Đồng Thảo, từ San Jose xuống, đã gây bất ngờ với giọng ca rất độc đaó và xuất sắc. Trong chiếc áo dài đỏ màu rượu vang, điểm hoa... cô hát bài Hồ Như của Hoàng Quốc Bảo, trong đó lời đang sẵn mang mang Thiền ý:

Đôi lúc ta buồn hơn bến sông
Đời trôi qua như tiếng muôn trùng
Đôi lúc ta buồn hơn cỏ dại
Cuộc tình xưa khuya thức khi mai
Đôi lúc ta cười môi rất khô
Lòng quạnh như trăng dãi hiên nhà
Đôi lúc đường về quê mịt mù
Ngựa hồ như đứng hí thiên thu...

Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo bây giờ đã xuất gia, hiện là nhà sư trong Thiền Phái Trúc Lâm, thuộc Thiền Viện Đại Đăng ở California.

Trong chương trình còn có nhiều nghệ sĩ, ca sĩ xuất sắc khác. Như Kim Ngân, một cô giáo của Viện Việt Học. Nhưng đây không phải là bất ngờ, vì Kim Ngân đã nổi tiếng trong nhiều buổi văn nghệ từ mấy năm qua. Kim Ngân là một điển hình cho thấy Viện Việt Học là nơi long hổ ẩn phục rồng.

Hay như Diệu Nga, Lâm Dung, Xuân Thanh, Ngọc Sương và Duy Hiển, Quốc Cường, Thạch Thông... Tất cả đều có giọng ca tuyệt vời. Đêm văn nghệ thành công hơn mong đợi.

Trong Chiều Thơ Nhạc còn có Phạm Đình Nghiệp (piano), Quốc Võ (keyboard), Nguyễn Trí Dũng (guitar), Nguyễn Thu An (violin), Anh Minh (saxophone).

Nhóm Hương Thiền cũng cho biết đang mời gọi sự đóng góp của những người yêu văn nghệ. Hiện nay nhóm sinh hoạt mỗi chiều Thứ Năm hàng tuần ở Chùa Liên Hoa, 9561 Bixby Ave, Garden Grove, CA 92841. Phone:(714) 636-7725. Nhóm mong mỏi có thêm nhiều nhân sự mới để hoạt động phong phú hơn.



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/03/2023(Xem: 9694)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.