Nhà Thơ Sơn Cư: Thi Nhạc "Quê Hương & Dòng Sữa Mẹ"

03/10/20164:25 CH(Xem: 8467)
Nhà Thơ Sơn Cư: Thi Nhạc "Quê Hương & Dòng Sữa Mẹ"

NHÀ THƠ SƠN CƯ: 
THI NHẠC "QUÊ HƯƠNG & DÒNG SỮA MẸ" 
Nguyên Giác

 

blankĐó là những dòng thơ  Thiền đơn sơ, bình dị, và đẹp sáng ngời. Bạn có thể đọc đi, đọc lại, đọc nhiều lần, đọc chậm và rồi đọc nhanh, những dòng thơ Thiền đó vẫn đầy sức mạnh lay chuyển tâm hồn bạn.

Cho dù đọc thế nào đi nữa, những dòng thơ sau đây vẫn hiển lộ ra từng chữ nhẹ nhàng như bước chân của người thi sĩ, nhưng rất mực trầm hùng như bước đi của bậc mang hạnh nguyện Bồ Tát:

…Từng bước chân đi, hoa cười đất mẹ
Từng bước chân đi, xây dựng ngày mai
Từng bước chân đi, phút giây màu nhiệm
Từng bước chân đi, ta về thênh thang…

Đó là thơ của Sơn Cư, một nhà thơ còn được Phật Tử trang trọng gọi  là Hòa Thượng Thích Tịnh Từ, Viện Trưởng Tu Viện Kim Sơn.

Thơ không chỉ để làm đẹp chữ... Thơ không chỉ để ngâm nga, ca vịnh... Thơ không chỉ để làm hài lòng những người trí thức... Thơ không chỉ để chứng tỏ nghệ thuật tinh vi rèn chữ, luyện câu. Với nhà thơ Sơn Cư, thơ là những chữ tự nhiên thốt lên, khi nhìn thấy lẽ vô thường của vũ trụ, khi thấy mây hợp rồi tan, khi thấy hoa nở rồi tàn. Đối với nhà thơ Sơn Cư, chữ trong thơ cũng là những đột khởi để trình bày giáo lý vô thường, vô ngã, như các dòng thơ sau:

Ngắm nhìn đám mây bay, hỏi mây bay về đâu
Hỏi mây bay về đâu, về đâu?
Ngắm nụ hồng bên dậu, hỏi hoa đẹp mấy ngày
Hỏi hoa đẹp mấy ngày, mấy ngày?

Và thơ không chỉ để nhìn thấy, để nói lên... Và thơ không chỉ để trao tặng cho đời sau như di chỉ tiền nhân... Và thơ không chỉ để lưu vào viện bảo tàng nghệ thuật... Và thơ không chỉ để ngợi ca giáo lý của Đức Phật... Và thơ không chỉ để ép vào trang giấy cho đời sau... Đối với nhà thơ Sơn Cư, thơ còn là để trao truyền giáo pháp giác ngộ của chư Phật, là cảnh giác về luật nhân quả, là mời gọi thở những khoảnh khắc hiện tiền để vượt tới bờ giải thoát. Như các dòng thơ sau:

Nhân quả qua ngày tháng, thời gian mặc ai say
Trú tâm trong tĩnh động, tụ tán giọt sương bay
Đừng đắm chìm ngày qua, đừng ước mơ chuyện tới
Thở cười đi sẽ thấy, cuộc đời mãi tinh khôi...

Thơ cũng không có nghĩa là sống trên mây, không có nghĩa là tự cuốn trôi vào dòng chữ miệt mài tháng ngày, không có nghĩa là rời bỏ quê nhà biền biệt, không có nghĩa là chỉ gắn bó với mây trắng trời xanh...  Với Thiền sư Thích Tịnh Từ, dù là trong cương vị nhà thơ Sơn Cư, hay trong phận sự người sa môn trưởng lão đang làm nơi nương tựa cho tứ chúng, thơ còn là mời gọi đừng bỏ xa quê hương, đừng quên lời hiếu thảo với mẹ cha, đừng chạy theo ánh sáng thị thành phương xa để quê xóm nhỏ một thời. Vậy, đó, nhà thơ Sơn Cư viết:

Quê hương em đẹp lắm
Xin anh nhớ về thăm
Đường đi có hoa nở
Lối về không xa xăm.

.

Quê hương em xóm nhỏ
Đêm nghe trời hát ru
Dạy con thơ hiếu thảo
Ấm dậy cả chiều thu…

Một chương trình thơ nhạc đặc biệt sẽ thực hiện với chủ đề “Quê Hương & Dòng Sữa Mẹ” – chủ đề thi nhạc Thiền tâm linh nhân tiệc chay kỷ niệm 35 năm thành lập Tu Viện Kim Sơn, Bắc California, Hoa Kỳ...

Từ 10 giờ 30 sáng Chủ Nhật, ngày 9 tháng 10 năm 2016.

Tại Tu Viện Kim Sơn

574 Summit Rd, Watsonville, CA 95076

Chương trình sẽ có những dòng thơ Sơn Cư, những dòng nhạc Thiền phổ từ thơ Sơn Cư, với góp mặt của nhiều văn nghệ sĩ như Ngọc Huyền, Hiếu Nghĩa, Quảng Kiên, Thụy Vỵ, Vstar Kids Jenny Đan Anh, Victoria Thúy Vi, Bảo Trân… cùng các nghệ sĩ trong các ca đoàn Sợi Nắng, Lạc Pháp, Hương Thiền, Tuệ Đăng Bắc Nam Cali, đoàn vũ Tuổi Thần Tiên…

Hòa Thượng Thích Tịnh Từ cho biết tiệc chay nhằm thêm ngân quỹ cho việc lợp mái, trang trí nội thất Chánh ĐiệnQuán Âm Pháp Đường Tu Viện Kim Sơn (hiện đã hoàn tất hơn 80%) cần sớm hoàn thành trước mùa mưa năm nay.

Hòa Thượng Thích Tịnh Từ khi giải thích trong bài “Nhân duyên sự thành lập Tu Viện Kim Sơn” đã viết:

“…Sự ra đời của Tu Viện Kim Sơn được khởi đi, nuôi dưỡng từ khi làn sóng di dân tìm tự do của người Việt đến Hoa Kỳ năm 1975. Song thao thức kiến lập Tu Viện Kim Sơn đợi đến bảy năm sau mới đủ nhân duyên hình thành. Phòng xá cư trú cho người về tu học tại Tu Viện đã được xây dựng. Ngôi nhà Đại Bi rộng hai chục ngàn bộ vuông đã mở cửa sinh hoạt đầu năm 2001. Tu Viện Kim Sơn đã trở thành mái ấm, mái nhà chung, soi sáng tâm linh của mọi giới phật tử.

Đạo Phật Việt Nam có mặt tại Hoa Kỳ và các quốc gia tây phương là một sự kiện đáng mừng. Điều đáng mừng hơn nữa là các trung tâm tu học, các cơ sở chùa viện mỗi ngày được thành lập, xây dựng rộng lớn khắp các quốc gia trên thế giới. Điểm nổi bật và đáng khích lệ lớn nhất là các bậc thầy đi trước đã quan tâm, hết lòng trong việc nuôi dưỡng, giáo huấn các lớp tăng, ni trẻ để phụng sự đạo Phật hôm nay và ngày mai.

Tu Viện Kim Sơn đã có chương trình tu học cho các lớp xuất gia trong mười năm qua. Hằng năm tại Tu Viện có một tháng tu học dành cho tuổi trẻ và các giới phật tử trở về tập sống hạnh của người xuất gia trong truyền thống Phật Giáo nguyên thủy. Thời gian khóa tu bắt đầu từ ngày 15 tháng 07 đến ngày 15 tháng 08 dương lịch. Trong năm, các phật tử, các thân hữu cũng có thể trở về tu viện để học phật pháptu tập thiền quán trong các khóa tu ngắn hạn từ ba cho đến mười ngày.

 Tu Viện đã xây hoàn tất ngôi nhà Đại Bi để đón người về tham dự các khóa tu. Ngôi nhà có 32 phòng ở và sinh hoạt, có trên 50 phòng vệ sinh và nhà tắm. Hơn 300 chỗ đậu xe. Hồ Thanh Lương chứa hai triệu rưỡi galons nước cũng đã được thực hiện. Hiện nay Tu Viện đang khởi công xây Thiền Đường, Quán Âm Pháp Đường và Ngôi Bảo Điện. Cơ sở nầy rộng trên 24 ngàn bộ vuông, đủ chỗ cho 1250 thiền sinh tọa thiền trong các khóa tu và có đủ tiện nghi cho mọi giới Phật tử đến nghe pháp trong các sinh hoạt tu học, lễ hội…”

Xin hoan hỷ chúc mừng chương trình thi nhạc "Quê Hương & Dòng Sữa Mẹ" sẽ thành công lớn.

Nhiều thông tin về Tu Viện Kim Sơn lưu ở trang: http://www.kimson.org/

PHOTO:

Hòa Thượng Thích Tịnh Từ, cũng là nhà thơ Sơn Cư, trong một buổi thuyết pháp

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.