Tường Thuật Nhanh Về Khóa An Cư Kiết Hạ Năm 2019 Tại Như Lai Thiền Tự

26/06/20191:02 SA(Xem: 7595)
Tường Thuật Nhanh Về Khóa An Cư Kiết Hạ Năm 2019 Tại Như Lai Thiền Tự

TƯỜNG THUẬT NHANH VỀ
KHÓA AN CƯ KIẾT HẠ NĂM 2019 TẠI NHƯ LAI THIỀN TỰ

Ban Truyền Thông Liên Phật Hội

 

truong-ha nhu lai thien tu
Trong năm 2019, tại hải ngoại có khá nhiều điểm tổ chức các khóa An Cư Kiết Hạ (Trường Hạ), nhưng nổi bật nhất có lẽ là Khóa An Cư Kiết Hạ được tổ chức tại Như Lai Thiền Tự (San Diego, California) với 274 hành giả tăng ni từ nhiều nơi quy tụ về, bao gồm các trú xứ ở Úc châu, Canada, Việt Nam và hơn 20 tiểu bang của Hoa Kỳ.

Sự kiện quan trọng này do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ (GHPGVNTNHK) và Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Thế giới (GHTGKSTG) đồng tổ chức. Hai vị đồng Hóa chủ và Trưởng ban Tổ chức là Hòa thượng Thích Nguyên Siêu, hiện là Tổng Thư Ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, Viện chủ chùa Phật ĐàTu viện Pháp Vương, thuộc GHPGVNTNHK và Hòa thượng Thích
Hồi, hiện là Tổng Vụ Trưởng Tổng vụ Tăng sự của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Thế giới, Viện chủ Như Lai Thiền Tự, thuộc GHTGKSTG.

Ban Chứng Minh Trường Hạ gồm các vị Đại lão Hòa thượng Thích Thắng Hoan, Thích Giác Lượng và Thích Minh Thông. Ban Điều Hành gồm Đại lão Hòa thượng Thích Thắng Hoan đương vi Thiền chủ, Hòa thượng Thích Minh Tuyên, đương vi Phó Thiền chủ và Hòa thượng Thích Phước Thuận là Sám chủ, Yết-ma A-xà-lê và Tuyên Luật sư. Ban Giáo Thọ do Hòa thượng Thích Thái Siêu là Trưởng ban. Ngoài ra còn có sự trợ giúp của rất nhiều chư vị tôn túc khác trong Ban Giáo Thọ, Ban Chức Sự, Ban Quản Chúng và nhiều ban khác.

Trường Hạ được khai mạc từ ngày 16 tháng 6 và bế mạc vào ngày 26 tháng 6, tạo điều kiện tu tập miên mật trong suốt 10 ngày cho tất cả các hành giả tăng ni về tham gia. Đặc biệt, ngoài thời khóa tu tập dành cho các hành giả tăng ni, trong suốt khóa tu còn có các buổi thuyết giảng giáo pháp đều đặn để nam nữ cư sĩ Phật tử cũng được nghe thuyết pháp. Nếu chỉ xét riêng về điểm này, phần Pháp âm Trường Hạ đã có hơn 20 thời thuyết phápđặc biệt hầu hết đều được truyền hình trực tiếp qua các kênh Youtube, Facebook và nhiều website Phật giáo có đông đảo người xem như các trang Hoa Vô Ưu (hoavouu.com), Như Lai Thiền Tự (nhulaithientu.net), Quảng Đức (quangduc.com), Liên Phật Hội (lienphathoi.org)... Hoạt động truyền thông này đã giúp đưa Pháp âm từ Trường Hạ đến với hàng trăm ngàn Phật tử trên khắp thế giới, giúp cho hiệu quả lợi lạc của khóa tu càng được nâng cao. Ngoài ra, hình ảnh khóa tu cũng được Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường ghi nhận và chuyển đến đại chúng thông qua nhiều website Phật giáo.

Trong thời gian chuẩn bị tổ chức An Cư Kiết Hạ, Ban Truyền Thông Liên Phật Hội đã có buổi thỉnh vấn truyền hình trực tiếp nhị vị Hòa thượng đồng Trưởng Ban Tổ chức về các thông tin liên quan và cũng đã kịp thời thông tin đến đại chúng. Nhờ đó, đã có rất nhiều Phật tử khắp nơi cùng chú tâm theo dõi sự kiện này. Chúng tôi cũng đã có mặt tại Trường Hạ ngay từ ngày khai mạc để gởi đến đại chúng các hình ảnh và video clip trong từng ngày tu tập. Đặc biệt, hầu hết các buổi giảng pháp của chư Tôn đức đều được chúng tôi truyền hình trực tiếp và phát đi trên website chính thức của Liên Phật Hội.

Như Lai Thiền Tự là một trong những tự viện có diện tích khá rộng rãi ở thành phố San Diego. Tuy nhiên, với sự quy tụ của gần 300 vị tăng ni cùng với các Phật tử ngoại hộ đạo tràngPhật tử thính pháp thì không gian này cũng đã trở nên phần nào hạn chế và là một khó khăn thách thức cho Ban Tổ chức. Mặc dù vậy, với sự sắp xếp hợp lý và khoa học, chúng tôi nhận thấy tất cả các hoạt động trong Trường Hạ đều diễn ra không kém phần trang nghiêm thanh tịnh, kể cả những hoạt động cần nhiều không gian như đi kinh hành, khất thực... Các hoạt động thường xuyên khác như quá đường, thính pháp, tụng kinh, tọa thiền... cũng đều được sắp xếp tổ chức hết sức thuận tiệnnghiêm trang.

Điểm qua thời khóa tu tập trong một ngày tại Trường Hạ, có thể thấy rõ sự tinh cầnđạo tâm tu tập của đại chúng. Giờ thức chúng là từ 4 giờ 30 sáng và chỉ tịnh buổi trưa từ 1 đến 2 giờ chiều, cho đến giờ chỉ tịnh cuối ngày là 10 giờ tối. Như vậy, các hoạt động trong ngày đã chiếm đến hơn 15 giờ liên tục. Trong đó gồm các thời khóa đều đặn mỗi ngày là tụng kinh, tọa thiền, kinh hành, nghe thuyết giảng... Ngoài ra, trong chương trình cũng có các buổi thuyết trình dành cho các vị tăng ni trẻ thuộc cả hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền, tạo cơ hội để các vị chia sẻ kinh nghiệmnhận thức tu tập cùng đại chúng. Ban giảng sư phụ trách các buổi thuyết giảng gồm nhiều vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng với các chủ đề thuyết giảng phong phú dành cho chư vị tăng ni cũng như một số buổi giảng chung cho cả nam nữ cư sĩ Phật tử. Có thể nói, đây là một cơ hội quý giá đã giúp cho đông đảo Phật tử khắp nơi được nghe thuyết pháp trong suốt 10 ngày diễn ra Trường Hạ. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng dành một buổi thiền trà vào tối Chủ nhật ngày 23 tháng 6 để tạo không khí trao đổi thân mật và ấm áp cho đại chúng tu tập.

Ban Tổ chức cũng cử hành Lễ tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức và Đức Cố Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất sĩ Thế giới Thích Giác Nhiên vào sáng Chủ nhật ngày 23 tháng 6. Buổi lễ đã để lại ấn tượng sâu xa trong lòng chư Tôn đức tăng ni và Phật tử qua việc cung tuyên tiểu sử Bồ Tát Thích Quảng Đức và Đức Cố Pháp chủ Thích Giác Nhiên cùng nhắc lại công hạnhhành trạng của quý ngài.

Tiếp sau buổi lễ này là nghi thức Cổ Phật Khất Thực, cũng là một hoạt động đặc biệt nhằm nhắc lại truyền thống khất thực hóa duyên đã có từ thời Phật còn tại thế. Nhân dịp này, Ban Truyền Thông Liên Phật Hội cũng đã được nhị vị Hòa thượng Thích Nguyên Siêu (Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hoa Kỳ) và Thích Minh Hiếu (Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng Pháp Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Thế giới) dành cho một cuộc phỏng vấn ngắn về ý nghĩa của việc chư tăng đi khất thực. Buổi phỏng vấn này đã được chúng tôi ghi hình và truyền hình trực tiếp trên website Liên Phật Hội.

Tinh thần hòa hợpnỗ lực tu tập của đại chúng tăng ni được thể hiện rõ nét qua sự thực hiện nghiêm túc thời khóa tu tập mỗi ngày cũng như sự hoan hỷ sống chung hòa hợp trong suốt những ngày cùng nhau tu tập.

Một điểm nhấn khác nữa của Trường Hạ này là sự tích cực đồng lòng ngoại hộ của các vị nam nữ cư sĩ, đã chăm lo chu đáo cho mọi điều kiện sinh hoạt, ẩm thực của chư tăng ni trong suốt thời gian tu tập. Theo thông tin từ Ban Tổ chức, có khoảng 10 tự viện trong vùng lân cận cũng như từ các tiểu bang khác ở Hoa Kỳ và gần 20 cá nhân, tổ chức cư sĩ đã cúng dường tịnh tài và lo việc ẩm thực mỗi ngày cho Trường Hạ, với sự trực tiếp tham gia các công việc nấu nướng, bày biện, dọn rửa... của rất đông nam nữ cư sĩ Phật tử. Tuy công việc hết sức nhọc nhằn bận rộn nhưng chúng tôi nhận thấy rõ một điều là ai nấy đều tỏ ra hoan hỷmãn nguyện khi được tham gia công việc phụng sự trong Trường Hạ. Quả thật, có đi một vòng quanh nhà trù mới thấy hết được những đóng góp lớn lao của sự ngoại hộ mà các vị nam nữ cư sĩ Phật tử đã hân hoan kính dâng lên Trường Hạ lần này, và cũng qua đó có thể thấy được tinh thần tu học hòa hợp của mọi người ngay trong những công việc nhọc nhằn vất vả nhưng vẫn luôn tươi cười hòa nhã và nhường nhịn lẫn nhau. Có thể nói, Trường Hạ này không chỉ là một khóa tu học cho các vị tăng ni, mà cũng là một khóa tu học, một cơ hội thực hành hết sức quý giá cho các vị nam nữ cư sĩ Phật tử tham gia ngoại hộ.

Sáng nay, 25 tháng 6, ngày áp cuối của Trường Hạ, Ban Tổ chức đã dành thời gian cho một buổi tổng kết về Trường Hạ với phần trình bày của Hòa thượng Trưởng ban Tổ chức và ý kiến nhận xét của chư Tôn đức chứng minh cũng như ý kiến từ các đại diện của đại chúng tăng ni tham gia Trường Hạ. Ban Truyền Thông Liên Phật Hội đã truyền hình trực tiếp nội dung này. Đây là những đánh giá vô cùng hữu ích để chúng ta có một cái nhìn khách quan về sự kiệnchắc chắn cũng sẽ giúp cho chư Tôn đức có được những kinh nghiệm quý giá nhằm hoàn thiện hơn nữa khi tổ chức các Trường Hạ trong tương lai.

Hòa thượng Thích Nguyên Siêu thay mặt Ban Tổ chức nêu ra 8 ý kiến tổng kết từ Trường Hạ này. Qua đó, Hòa thượng bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến chư Tôn đức chứng minh Trường Hạ cũng như toàn thể đại chúng tăng ni đã vân tập tham gia tu tập trong Trường Hạ, đồng thời cũng không quên nhấn mạnh vai trò ngoại hộ quan trọng của các vị nam nữ cư sĩ, đã cúng dườngphụng sự chu đáo mọi nhu yếu của chư tăng ni trong suốt thời gian An Cư Kiết Hạ.

Về công việc chuẩn bị, Hòa thượng cũng nêu tên và cảm tạ 16 vị tăng ni đã phát tâm trang trí toàn bộ khuôn viên Đạo tràng. Mặc dù đây là công việc hết sức nặng nhọc, các vị đã tích cực hoàn thànhhoàn thành rất tốt để Trường Hạ có được một khung cảnh trang nghiêmthuận lợi cho sự tu tập của đại chúng. Nhân đây, Hòa thượng cũng tán dươngcảm tạ đạo tâm tu tập của toàn thể 274 vị tăng ni, là yếu tố quan trọng để Trường Hạ được thành tựu viên mãn trong ý nghĩa cùng nhau tu tập các phạm trù Giới Định Tuệ, dẫn đến Tăng-già thanh tịnhhòa hợp, làm hưng thịnh và truyền thừa lâu bền mạng mạch Phật pháp.

Hòa thượng cũng bày tỏ sự cảm tạ sâu sắc đối với đạo tình của chư Tôn đức chứng minh đã dành cho những người tổ chức trường hạ cũng như đại chúng tăng ni về tu học.

Cuối cùng, Hòa thượng ghi nhận sự đóng góp quan trọng trong lãnh vực truyền thông, đã đưa hình ảnhtin tức của khóa An Cư Kiết Hạ đến với Phật tử khắp nơi trên thế giới. Về hình ảnh có Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường đã phục vụ trong những ngày đầu Trường Hạ và Ban Truyền Thông Liên Phật Hội tiếp tục phục vụ từ đầu cho đến ngày bế mạc. Về truyền thông, Hòa thượng trực tiếp bày tỏ lời cảm ơn đến cư sĩ Quảng Hải Phan Trung Kiên thuộc Ban Truyền Thông Liên Phật Hội đã tận tụy phục vụ công việc đưa tin và truyền hình trực tiếp suốt từ ngày khai mạc cho đến ngày bế mạc.

Sau phần trình bày của Hòa thượng Thích Nguyên Siêu, Hòa thượng Phó Thiền chủ Thích Minh Tuyên đã mời một số các vị Tôn đức cho ý kiến nhận xét đánh giá về Trường Hạ lần này.

Hòa thượng Thích Minh Hiếu trong Ban Giáo Thọ Trường Hạ đã nêu ra một số nhận xét, qua đó Hòa thượng đã tán dương sự hòa hợp giữa hai Giáo hội khi cùng đứng ra tổ chức tốt đẹp Trường Hạ lần này, bất kể sự khác biệt về truyền thống tu tập. Qua đó, Hòa thượng cũng nhấn mạnh đây là yếu tố quan trọng để dẫn đến một Tăng đoàn thanh tịnhhòa hợp, làm nền tảng cho sự phát triển dài lâu của Phật pháp.

Hòa thượng Thích Phước Thuận trong vai trò Tuyên Luật sư cũng nêu ra một số nhận xét. Qua đó, Hòa thượng đặc biệt nhắc nhở và sách tấn các vị tăng ni phải chú tâm hơn nữa đến oai nghi giới hạnh và tinh thần tu tập nghiêm túc, dù là trong Trường Hạ này cũng như trong đời sống tu tập thường nhật. Hòa thượng nhấn mạnh, trên con đường còn đang tu tập thì không có ai là người hoàn hảo, toàn thiện, nhưng nếu người tu không chịu nhận ra ý nghĩa tu là sửa, không chịu nhận rõ khuyết điểm của mình để sửa chữa, tu tiến, thì dù có trải qua trăm lần An Cư Kiết Hạ cũng không thể đạt được kết quả gì. Nhận xét thẳng thắn và lời sách tấn của Hòa thượng đã được đại chúng cùng hoan hỷ vỗ tay đón nhận.

Tiếp đến, khi được mời thay mặt chư tăng tham gia Trường Hạ nêu ý kiến, Thượng tọa Thích Minh Quang đã nhấn mạnhtán dương tinh thần hòa hợp, chia sẻ, sự hiểu nhau nhiều hơn giữa hai thế hệ đi trước và đi sau, và điều này dẫn đến sự tin cậy nhiều hơn vào thế hệ tăng ni trẻ. Hòa thượng bày tỏ hy vọng rồi đây các vị tăng ni trẻ sẽ có nhiều người đủ năng lực và được giao đứng ra gánh vác việc tổ chức các Trường Hạ trong tương lai.

Ngày thứ 9 của khóa An Cư Kiết Hạ năm 2019 tại Như Lai Thiền Tự đã sắp kết thúc và sáng ngày mai (26 tháng 6) sẽ là lễ Bế mạc. Cho đến giờ phút này, có thể nói khóa An Cư Kiết Hạ đã thành công viên mãn. Và như vậy, trong năm 2019 này, cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng và Phật tử Hải ngoại nói chung, đã được chứng kiến một sự kiện lịch sử nổi bật trong các hoạt động Phật sự thường niên tại hải ngoại.

Sở dĩ chúng tôi nhấn mạnh đây là một sự kiện lịch sử, bởi vì trong suốt gần 40 năm qua, cá nhân chúng tôi dù đã từng theo sát rất nhiều sự kiện Phật sự tại hải ngoại, nhưng đây là lần đầu tiên mới được nhìn thấy một khóa An Cư Kiết Hạ với số lượng tăng ni đông đảo và được đồng tổ chức bởi hai Giáo hội: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ và Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Thế giới.

Đức Thế Tôn trước khi nhập Niết-bàn đã có lời di ngôn: Giới luật là thầy của hàng tứ chúng sau khi ngài nhập diệt. Để duy trì và phát triển tinh thần tu học “lấy giới làm thầy” thì không thể không duy trì chế định của Phật về việc tổ chức An Cư Kiết Hạ hằng năm, vì đây chính là dịp để chư tăng ni cùng vân tập hòa hợp tu tập củng cố giới đức và răn ngừa, tu sửa mọi khiếm khuyết trong sự tu tập. Mặc dù điều kiện sinh hoạt trong thời hiện đại tạo ra quá nhiều khó khăn nên chư Tôn đức không thể duy trì được chế định An Cư Kiết Hạ trong 3 tháng đúng như Phật chế định, nhưng việc tổ chức khóa An Cư Kiết Hạ 10 ngày như thế này cũng có thể xem là một nỗ lực quý giá đáng ghi nhận và mang lại nhiều lợi lạc thiết thực cho chư vị tăng ni cũng như hàng cư sĩ nam nữ Phật tử.

Người Phật tử luôn mong đợi được nương tựa vào sự dẫn dắt của một Tăng-già hòa hợpthanh tịnh. Vì thế, để kết thúc bài tường thuật nhanh về Khóa An Cư Kiết Hạ năm 2019 tại Như Lai Thiền Tự, chúng tôi xin được mượn lời Hòa thượng Thích Minh Hiếu sáng nay khi thầy nhắc lại một di huấn quan trọng của đức Thế Tôn: “Ngày nào các vị tỳ-kheo còn ngồi lại với tinh thần hòa hợp, cùng bàn bạc, chia sẻ với tinh thần hòa hợp... và rời khỏi nơi hội họp cũng với tinh thần hòa hợp, thì ngày đó Chánh pháp Như Lai vẫn sẽ còn trụ thế lâu bền, mãi mãi.” Ý nghĩa lời dạy này thật sâu sắc biết bao, thiết thực biết bao. Vì thế, người Phật tử hôm nay luôn mong đợi có một ngày Tăng đoàn khắp nơi sẽ cùng “ngồi lại với tinh thần hòa hợp”, để có những khóa An Cư Kiết Hạ không chỉ là do hai Giáo Hội đồng tổ chức, mà sẽ có những khóa An Cư Kiết Hạ với tất cả các Giáo Hội, với tất cả các tông phái, hệ phái cùng tham gia, để người Phật tử cư sĩ nam nữ khắp nơi đều được quay về cung kính nương tựa dưới cội Bồ-đề thanh tịnhhòa hợp của chư Tăng Ni thuộc đủ mọi truyền thống tu tập khác nhau trong Phật giáo.

Ghi nhanh lúc 12 giờ 30 phút ngày áp cuối Trường Hạ (25 tháng 6 năm 2019)

Ban Truyền Thông Liên Phật Hội

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.