Bạn Trí Hoàn và Thảo Nguyên thân mến!
Đức Phật xác định bệnh khổ là một thực tại tất yếu của đời sống con người. Thân và tâm, theo Phật giáo, có mối liên hệ mật thiết với nhau nhưng giáo pháp đặc biệt chú trọng đến trị liệu tâm bệnh, chữa trị cho tâm hết tham ái, vô minh, chấp thủ để thành tựu giải thoát.
Thời Đức Phật còn tại thế, khi thân bị bệnh, ngoài việc điều phục nội tâm, Ngài vẫn chữa trị theo các phương pháp của y học. Sự kiện bác sĩ Kỳ-bà (quan ngự y của nước Ma-kiệt-đà) đã phát nguyện chăm sóc sức khỏe cho Đức Phật, trị liệu bệnh tật cho chư Tăng là minh chứng điển hình.
Trong kinh Phật, rải rác vẫn còn lưu lại một số cách trị bệnh theo trình độ y học thời bấy giờ. Vài trường hợp đặc biệt, như dịch bệnh ở Tỳ-xá-ly (kinh Châu báu, Tiểu bộ kinh) do các loài phi nhơn quấy nhiễu gây ra, Đức Phật dạy tán thán uy đức Tam bảo khiến chư thiên hoan hỷ, nhiếp phục loài phi nhơn, đẩy lùi dịch bệnh. Trường hợp khác, Đức Phật thường khuyên các Tỳ-kheo bị bệnh trì niệm và thực hành Thất giác chi để vượt qua tật bệnh (Kinh Tương ưng bộ, thiên Đại phẩm).
Như vậy, về căn bản, đối với việc trị liệu thân bệnh, quan điểm của Đức Phật là điều phục tâm và trị liệu theo y học. Có thể xem đây là cơ sở để hàng Phật tử ứng dụng nhằm đối phó với dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành hiện nay. Điều phục tâm để bớt hoang mang lo lắng, thấy rõ bệnh tật là do nghiệp để tích cực chuyển nghiệp, kể cả khi nghiệp đã chín muồi thì tùy duyên thuận pháp với sinh tử mà không hề sợ hãi. Trị liệu theo y học là chữa trị bệnh theo huớng dẫn của thầy thuốc, dựa trên cơ sở khoa học, phát huy tuệ giác để nói không với các liệu pháp thiếu trí tuệ, phản khoa học, mê tín, tà kiến.
Như vậy, việc đọc một dãy số, theo những người chủ trương đó là “Phương pháp chữa bệnh đơn giản theo tượng số Chu dịch”. Chúng ta không bàn về tượng số ở đây, chỉ đối chiếu với kinh Phật thì không thấy đề cập đến cách chữa bệnh này. Theo quan điểm của y học hiện đại thì việc đọc các con số (kể cả niệm danh hiệu Phật) dường như chẳng liên hệ gì đến vấn đề trị liệu Covid-19 cả.
Việc nuốt trùn sống (địa long) cũng vậy, theo y học cổ truyền, địa long chỉ có một số công năng như thanh nhiệt hạ sốt, trấn kinh, thông kinh, hoạt lạc, bình suyễn, hạ huyết áp, lợi niệu, tiêu phù... Với y học hiện đại, mặc dù có một số nghiên cứu về các dược tính của địa long được công bố nhưng từ nghiên cứu đến thực nghiệm và cho đến khi được các cơ quan y tế có thẩm quyền chuẩn y là cả một câu chuyện dài. Do vậy, những ai chủ trương nuốt trùn sống để phòng trị Covid-19 là không đúng với quan điểm y học hiện hành.
Riêng vấn đề những người chủ trương trị bệnh theo các cách nói trên “đều bàn đến triết lý và tu hành Phật giáo, thậm chí mặc y phục của cư sĩ và tu sĩ Phật giáo”, nếu thực sự là đệ tử Phật thì cần nhớ đến hai nguyên tắc căn bản của giáo pháp là từ bi và trí tuệ. Ở đây, xét kỹ các phương pháp trị liệu này, từ bi và trí tuệ đều thiếu vắng thì cần tỉnh thức và từ bỏ. Hãy học theo Đức Phật, điều phục tâm và trị liệu theo y học đối với các loại bệnh tật.
Chúc các bạn tinh tấn!