Giải trừ kiếp nạn ăn thịt chó

17/12/20215:00 CH(Xem: 4436)
Giải trừ kiếp nạn ăn thịt chó
GIẢI TRỪ KIẾP NẠN ĂN THỊT CHÓ
Trần Kiêm Đoàn
 
hoi an
Lãnh đạo TP Hội An ký thỏa thuận hợp tác
"nói không với tiêu thụ thịt chó mèo" - Ảnh: Q.T.
Văn hóa ăn thịt chó? Mới nghe ra muốn bật cười. Ăn thịt chó thì làm gì có văn hóa đã chứ?!

Nhiều độc giả hơi ngờ ngợ khi đọc nhóm từ “văn hóa ăn thịt chó” vì theo cách nói thông thường thì “thịt chó hay ăn thịt chó” thì làm gì có văn hóa. Sở dĩ có sự thắc mắc nầy vì theo cách hiểu cổ điển thì “văn” là vẻ đẹp, vẻ sáng. Do vậy mà danh từ văn hóa thường dễ bị đồng hóa với hình dung từ văn minh, văn hiến, văn vẻ. Thực ra, văn hóa là cái lai lịch của một người, một khu vực xã hội hay cả một nước. Nếu có văn hóa quý tộc thì phải có văn hóa bình dân; có văn đại gia thì phải có văn hóa ăn mày mới công bằng chữ nghĩa.

Thế giới bao gồm nhiều hình thức và khu vực chuyên môn, chuyên biệt như ngày nay thì văn hóa cũng được định nghĩa như là “lối nghĩ, lối sống riêng của một cá nhân, một nhóm người hay xã hội nào đó…”. Vì thế trong văn hóa mẹ của môt quốc gia thì có hàm chứa nhiều “văn hóa con” (subculture) của từng nhóm chuyên môn hay xã hội nhỏ. Khi đã có một cộng đồng riêng của những người hưởng thụ, kinh doanh hay tham dự trong vòng giao lưu thịt chó thì tất nhiên phải có một hình thức tiểu văn hóa hay văn hóa con tạm gọi là Văn hóa ăn thịt chó (Dog eating culture) đã có mặt lâu đời từ khi có người và gia súc cùng sinh tồn trên dãi đất nầy. Tương tự như ở Mỹ có văn hóa ăn thức ăn nhanh (Fast-food culture), văn hóa ăn gà Tây (Turkey culture), văn hóa uống cà-phê (Coffee culture)…

Càng gần mùa Noel 2021, thế giới càng lùng bùng chao đảo với những tin tức thời sự u ám về chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai… Nhưng sáng hôm nay, từ một thành phố nhỏ Việt Nam bỗng loan ra một tin tức nhỏ nhưng lại phát tán một âm vang tương đối trong lành đã gây chấn động tương đối to vừa mang tính biểu tượng nhân văn, vừa gióng lên tiếng nói tiền phong trong tiến trình chấn hưng văn hóa: Thành phố Hội An tuyên bố chấm dứt việc ăn thịt chó, thịt mèo; đoạn tuyệt với thói cũ ăn thịt chó đã kéo dài bao nhiêu nghìn năm như một phần hấp dẫn trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Khi thế giới con người bốn phương gặp nhau thì sự khám phá “bên nầy Pyrenee là chân lý, bên kia là sai lầm” đã xuất hiện. Khi hai văn hóa cực kỳ khác nhau va chạm sẽ sinh ra sự khủng hoảng hay xung đột văn hóa mà từ chuyên môn tâm lý xã hội gọi là “cú sốc văn hóa” (cultural shock). Cú sốc văn hóa mạnh nhất mà người Việt Nam ra nước ngoài gặp sớm nhất là “văn hóa ăn thịt chó” của ta va chạm với “văn hóa nuôi và làm bạn với chó” của dân Mỹ. Vấn đề ăn thịt chó không dừng lại trong giới hạn thú vui ăn uống riêng của từng vùng văn hóa được cảm thông hay tôn trọng bởi người “ngoại đạo” mà đã trở thành dấu hiệu lạc hậu, thoái trào, độc ác của một dân tộc còn chìm trong bóng tối thiếu văn minh. Bởi vậy, biết bao người Việt ở nước ngoài đã bị phản ứng và đối xử một cách bất công và bất minh cũng chỉ vì xuất thân từ môi trường văn hóa ăn thịt chó; mặc dầu bản thân người đó chưa hề một lần nếm mùi thịt chó.

Loại ngôn ngữ chế giễu người đến từ vùng có văn hóa ăn thịt chó thật là cay độc, thô bạo, đại khái như:

“Mẹ kiếp! Đồ dân ăn thịt chó thì cũng chả làm ăn ra cái thá gì! (F- cking dog eater can’t drive for sh- t)…”

Học trò con nít bản xứ Âu Mỹ gây lộn nhau với trẻ con đồng lứa Việt Nam hay châu Á, khi bị thua trong đôi co về thể lực hay cãi nhau đuối lý thì câu chửi bậy “đồ ăn thịt chó” như một thứ vũ khí tinh thần áp đảo đối phương. Trẻ con nước ngoài bêu riếu thói ăn thịt chó đã thế, nhưng thế giới người lớn vẫn bị lây nhiễm tiếng xấu. Chuyện gần đây thôi, hai nhân vật gồm một da trắng và một người Việt tuổi trung niên, giữ chức vụ quản lý trong một ngân hàng ở San Francisco, khi có sự xung đột mạnh, cũng rơi vào tình trạng người Việt bị mạ lỵ là “đồ ăn thịt chó bẩn thỉu”! Kẻ bị mạ lỵ đã điên tiết xách súng ra dằn mặt kẻ mạ lỵ nên bị vào tù thật quá xót xa và oan uổng. Nói tóm lại, mảng văn hóa ăn thịt chó là một vết thô nhám, một kiếp nạn ẩm thực cần được tẩy xóa và xếp kín lại để cho tổng thể văn hóa truyền thống Việt Nam không còn mang mặc cảm tự ty, đứng thẳng mình giữa cộng đồng văn hóa địa cầu.

Hôm nay, có tin vui về một sự chuyển biến trong vòng sinh hoạt văn hóa ăn thịt chó. Báo Dân Trí và nhiều nguồn thông tin trong nước đưa tin: Sáng 10/12/2021, UBND TP Hội An (Quảng Nam) tổ chức lễ ký kết trực tuyến với tổ chức FOUR PAWS (tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu) về cam kết loại bỏ việc sử dụng thịt chó và mèo ra khỏi thành phố.

Đây là lần đầu tiên, một thành phố của Việt Nam có hành động kiên quyết chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2021 và kéo dài trong 2 năm. Thỏa thuận này cũng nhấn mạnh mục tiêu cải thiện phúc lợi vật nuôi thông qua các chương trình tiêm chủng và loại trừ bệnh dại, giúp ngăn chặn hiểm họa có thể bùng phát đại dịch. Thông qua thỏa thuận này, giờ đây, TP Hội An có thể định vị mình là "thành phố đầu tiên của Việt Nam không buôn bán thịt chó, mèo và thân thiện với khách du lịch"…

Ngoài nước, các tờ báo ngoại ngữ, báo giấy cũng như truyền thanh và online: AP, Straits Time, News Yahoo.com, UCANews… cũng đồng thời hớn hở đưa tin vui “Thành phố Hội An của Việt Nam cam kết loại bỏ dần việc tiêu thụ thịt chó và mèo (Vietnam’s Hoi An city pledges to phase out dog and cat meat consumption.)”

Từ nghìn xưa trong văn hóa ẩm thực, thịt chó được xem như là một món ngon và “chịu chơi” pha một chút giang hồ vặt trong nếp sinh hoạt văn hóaxã hội Việt Nam. Đã bao nhiêu nghìn năm qua, ăn nhậu thịt chó được xem là vừa khoái khẩu, vừa góp phần chữa nhiều căn bệnh… theo cánh đàn ông, tới cái mức thống khoái như: “Ở trần gian không ăn một miếng dồi chó; chết về âm phủ đâu biết có mà ăn!”

Thêm vào đó, với hoàn cảnh của một xã hội nghèo, sự ăn uống thiếu chất dinh dưỡng thì thịt chó được tận dụng như một nguồn bồi dưỡng chất đạm là điều rất đáng thông cảm và chia sẻ. Tuy nhiên, khi tình trạng xã hội và kinh tế đã khá hơn mà thói quen lâu đời kinh doanh và tiêu thụ thịt chó vừa gây dị ứng cho cộng đồng thế giới, vừa đánh động chính lương tâm của người trong nước mà đén ngày nay vẫn giữ nguyên trạng như cũ thì thói cũ ấy sẽ trở thành thoái hóa, lạc hậu.

Thật khó tránh khỏi sự ngỡ ngàng đến cau mày khi cộng đồng quốc tế liệt Việt Nam vào “Tứ nhân bang thực cẩu nhục”; mặc dầu chỉ có 6.3% người Việt có ăn thịt chó; trong lúc đó, 88% lánh xa, nhất là cộng đồng người theo đạo Phật thì tuyệt đối nghiêm khắc cấm ăn thịt chó từ xưa tới nay bởi nó vừa sát sinh, vừa bất tịnh.

Ngày hôm nay, báo chí thế giới đã vẽ ra bản đồ các nước còn ăn thịt chó trong thế kỷ 21 gồm có 4 nước: Trung Quốc, Nigeria, Thụy Sĩ và Việt Nam. Theo ước tính thì mỗi năm bốn nước nầy giết và ăn thịt khoảng 30 triệu con chó. Xếp loại thì Trung Quốc là nước ăn thịt chó “vĩ đại” nhất thế giới, thứ nhì là Việt Nam; tiếp theo là Nigeria và Thụy Sĩ. Xem bản đồ các quốc gia ăn thịt chó, người ta thấy bị thiếu Hàn Quốc. Tìm hiểu ra, thì thấy hãng tin AP trả lời rằng:

Ngày 25/11/2021 chính phủ Hàn Quốc cho biết, họ sẽ lập ra nhóm công tác xem xét đề nghị việc ăn thịt chó là phạm pháp sau khi Tổng thống Moon Jae-in cho rằng truyền thống này đã đến lúc phải chấm dứt. Thực tế hiện nay, các nhà hàng bán thịt chó đang lần lượt đóng cửa ở Hàn Quốc vì thế hệ trẻ xứ nầy càng ngày càng quay mặt lánh xa dần món ăn thịt chó bởi họ coi chó, mèo là vật nuôi giải trí hơn là gia súc giết làm thực phẩm.

Thế giới ngày nay có 197 quốc gia, nhưng chỉ có 4 quốc gia đã liệt vào trong từ điển bách khoa ẩm thực và du lịch thế giới là “xứ sở vẫn đang đang ăn thịt chó” và 16 nước có khuynh hướng thích nấu món ăn thịt chó. Tuy nhiên, người Việt Nam ngày nay đại đa số đều muốn chấm dứt việc ăn thịt chó. Theo Bangkok Post loan tin, kết quả cuộc thăm dò ý kiến của cơ quan Four Paws tại Việt Nam gần đây thì có 88% người Việt ủng hộ việc chấm dứt ăn thịt chó. Cuộc thăm dò nghiên cứu còn cho biết Việt Namquốc gia thứ hai sau Trung Quốc ăn nhiều thịt chó nhất thế giới; với 6.3% dân số ăn thịt chó. Đây là một tin vui – không phải là “tin vui giữa giờ tuyệt vọng” – mà là sự thức thời và tinh thần quyền biến linh động theo hoàn cảnh của đại chúng Việt Nam.

Vấn đề nào trên thế giới cũng thường có hai phía Thuận… (Pro) và Chống… (Con). Vấn đề ăn thịt chó cũng không là trường hợp ngoại lệ.

Phía Thuận thì cho rằng: Vật dưỡng nhơn! Con vật sinh ra là để hiến thịt cho người ăn. Chó, mèo cũng là loài gia súc như heo, bò, gà, vịt. Ăn thịt chó cũng như ăn thịt heo, thịt bò… chứ có khác gì đâu. Sợ ăn, cử ăn hay tránh ăn thịt chó cũng bắt nguồn từ cái tâm chủ quan phân biệt vô nguyên cớ của con người mà thôi.

Phía Chống thì cho rằng: Chó khác với trâu bò, heo gà. Tuy cũng là động vật gia súc nhưng chó là con vật rất gần gũi với người. Chó có thể lựcgiác quan bén nhạy, mẫn cảm với con người hơn bất cứ giống động vật nào khác. Chó biết nghe, biết sủa, biết giữ nhà, biết phản ứng phù hợp với tình cảm và ý muốn của con người. Trong nhiều trường hợp, chó có thể giúp người, cứu người và sống với chủ với sự trung thành vô hạn. Chó còn có khả năng sắc bén không thua chi con người như trường hợp các quân khuyển, chó thám thính, chó mang tin, chó đánh hơi, chó dắt người mù, chó chết theo chủ. Như thế thì giết chó làm thịt để ăn thì thật là vô tình và độc ác.

Theo ước tính thì hiện nay… “dân số” chó trên toàn thế giới có khoảng 900 triệu con. Trung Quốc có khoảng 84 triệu con, Mỹ có 77 triệu con, Việt Nam có khoảng 5.4 triệu con. Cứ trung bình 7 người Mỹ thì có 2 con chó, 15 người Trung Quốc có 1 con chó và 18 người Việt Nam có 1 con chó. Nhưng chó để ăn thì hẳn nhiên khác với chó để chơi! Dân Mỹ mê chó hơn mê bạn. Người Mỹ từ trẻ đến già đều ham chơi với chó. Không thiếu những phu nhân Huê Kỳ suốt mùa dịch bệnh ở nhà đan áo ấm cho chó làm vui và dắt chó dạo chơi.

Xin tạm đưa ra những con số và hình ảnh nầy để khẳng định đôi nét khái quát về văn hóa ăn thịt chó. Nếu gặp người Trung Hoa hay Việt Nam mà cao hứng bàn về chuyện ăn thịt chó thì cũng chẳng sao. Nhưng với người phương Tây, nhất là người Mỹ mà nói chuyện ăn thịt chó thì cảm giácphản ứng tâm lý của họ, mặc nhiên hay minh nhiên, cũng gần giông giống như nghe chuyện mọi rợ ăn thịt người! Bất luận họ cao hơn hay thấp hơn trong thế đứng xã hội, đấy là thói quen văn hóa. Sinh hoạt cộng đồng văn hóa thế giới là một quá trình nghe và hiểu nhau chứ chẳng ai có quyền áp đặt văn hóa của mình lên văn hóa của người khác cả. Tuy nhiên, nguyên tắc đa số (dẫu là tương đối hay tuyệt đối) vẫn là nguyên tắc cơ bản để hòa đồng và hòa hợp văn hóa. Trong một xã hội đa văn hóa như xã hội cư dân Mỹ hay xã hội nhỏ hợp chủng tạm thời như các đoàn du lịch gồm nhiều quốc gia tham dự thì sự hòa đồng văn hóa là nguyên tắc cơ bản để có chung sinh hoạt.

Trong Đại hội Văn hóa Toàn quốc Việt Nam vào tháng 11- 2021 vừa qua, những nhân vật có quyền lựctrách nhiệm đã lập đi lập lại và nhấn mạnh vai trò chấn hưng văn hóa gồm hai nỗ lực chính: (1) Chấn chỉnh văn hóa và (2) thực hành văn hóa. Chính quyền thành phố Hội An đã tiên phong cùng một lúc làm hai việc vừa cụ thể vừa phát huy văn hóa Việt Nam là: Chấm dứt ăn thịt chó, thịt mèo.

Người Việt trong và ngoài nước cuối năm cũ 2021 và đầu năm mới 2022 sẽ rất hân hoan khi thấy dòng văn hóa dân Việt mình sẽ được lọc sạch và loại bỏ dần mảng văn hóa tối tăm ăn thịt chó. Ước mong năm sau, thời điểm nầy trong khắp cả trên 60 tỉnh thành Việt Nam, người dắt chó trên đường sẽ tươi nụ cười bầu bạn, không còn ai nghĩ tới nuôi chó rồi giết nó để ăn.

Sacramento Mùa Noel 2021

Trần Kiêm Đoàn
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/03/2023(Xem: 8891)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.