Trả lời báo chí, ông Biền nói: “Sự thật thì chùa Tam Chúc không mang nét văn hóa dân gian Việt Nam. Với các nhà chuyên môn về văn hóa có thể dễ dàng nhận ra, ngôi chùa được xây dựng trên khu đất không có lịch sử văn hóa, cũng không gắn với tín ngưỡng tâm linh của người dân trong vùng mà đơn giản nơi đó chỉ là vị trí đẹp, được doanh nghiệp lựa chọn xây dựngmục đích phát triển kinh tế hơn là văn hóa tâm linh.

Khi vào bên trong chùa, kiến trúc xây dựng cũng không mang bản sắc dân tộc mà đem từ các nước trên thế giới kết hợp lại tạo ra một công trình lạ mắt với du khách nhưng lại không mang hồn cốt văn hóa tôn giáo Việt Nam”.

Vì thế, chuyên gia nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam - PGS.TS Trần Lâm Biền khẳng định, chùa Tam Chúc không nằm trong hệ thống văn hóa tôn giáo của Việt Namthực chất đây chỉ là công trình xây dựng do cá nhân tạo ra nên việc xây như nào, thờ ai trong đó là do người bỏ tiền ra quyết định chứ không ảnh hưởng đến văn hóa dân gian của người Việt, cũng không thể coi đây là ngôi chùa mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

“Chỉ cần việc xây dựng chùa Tam Chúc không sai với giấy phép được cấp, không vi phạm các quy định của pháp luật thì việc lựa chọn nhân vật để thờ là quyền của người xây dựng. Họ thờ chính họ, người thân của họ hay bất kỳ một cái gì khác thì đó được coi là quyền tự do tín ngưỡng.

Nhưng nhiều người dân vẫn đang có sự nhầm lẫn mà lên tiếng phản đối, chứ thực sự đây là quyền cá nhân mỗi người. Cũng giống như anh xây một ngôi nhà cho riêng mình, trong ngôi nhà đó anh bày biện những gì là quyền của anh” - PGS.TS Trần Lâm Biền so sánh.

Trả lời Báo Thanh tra, Thượng toạ Thích Minh Quang - trụ trì tại chùa Tam Chúc nói: “Chùa Tam Chúc ngoài điện chính thờ Phật thì có nhà thờ Tổ và nhà thờ Tứ Ân. Ở trên biển đề là đền Tứ Ân là sai. Nhà thờ Tứ Ân là để thờ những người có công lao lớn kiến tạo, xây dựng chùa, hay còn gọi là Thờ hậu, thờ những người có công lao, đóng góp lớn xây dựng chùa đã có từ ngàn đời nay.

Tôi ví dụ chùa Hưng Long tôi đang trụ trì tại Ninh Bình, cách đây 500 năm có một bà cụ đã hiến 1 ngàn mẫu đất để xây dựng chùa. Mộ cụ vẫn còn đang ở trong chùa Hưng Long và cụ được tạc tượng thờ trong chùa. Cư sĩ - Phật tử Diệu Liên được thờ tại nhà thờ Tứ Ân là bởi cư sĩ đã có công đóng góp rất lớn trong việc xây dựng chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính và các ngôi chùa ở Trường Sa. Vì vậy, với công lao lớn đó, nhà chùa muốn lập thờ, đúc tượng đồng để tri ân, tưởng nhớ người có công. Tôi nghĩ đó là chuyện hết sức bình thường, nhưng nhiều người không biết lại có ý chỉ trích”.

Theo Thượng toạ Thích Minh Quang, việc lập và thờ ai trong nhà thờ Tứ Ân là quyền của sư trụ trì. Giáo hội Phật giáo cũng không có quy định nào về việc lập người thờ trong nhà thờ Tứ Ân.

Lâu nay việc thờ hậu tại các chùa vẫn luôn được duy trì, là nét đẹp, mang giá trị truyền thống văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam. Những câu chuyện thờ hậu từ các bà hoàng hậu, hoàng phi đã được sử sách lưu truyền và ghi chép lại. Đó là những người đã hiến đất, tài sản, công sức để xây dựng những ngôi chùa, đình, đền và không thu tiền, để cộng đồng, người dân hưởng lợi, chính vì vậy mà họ được người dân tôn vinh, tưởng nhớ và ghi công.

Việc thờ cư sĩ Diệu Liên tại đền Tứ Ân (chùa Tam Chúc) đúng hay sai, TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phât giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ chia sẻ với PV: Tại chùa Tam Chúc có “điện Tứ Ân” một nơi thờ riêng không nằm trong nơi thờ Phật, theo quan niệm của Phật giáo Việt Nam trong khuôn viên đất chùa vẫn có thể xây ”đền hay điện” để thờ, ngoài tam bảo là nơi thờ Phật. Việc đến “đền Tứ Ân” người hiểu biết nhận ra ngay là nơi thờ người có công với chùa, chứ không thể nhầm lẫn như trong một số bài viết.

“Người có công đức xây dựng chùa, khi mất đưa vào chùa thờ đây là việc làm theo truyền thống từ xa xưa, đâu có trái. Nếu chưa ai “bầu hậu” thì công đức xây chùa không thể được “ký hậu” hay sao. Trong xã hội từ xưa tới nay có chùa nào cấm người “ký hậu”, có chăng là không đủ điều kiện để xây riêng.

Do không gian rộng, do có điều kiện xây dựng, “đền Tứ Ân” được xây to và đẹp. Nhưng so với “điện Tam thế”, “điện Pháp chủ”... đâu phải to hơn, việc thờ này không sai về hình thức, không trái với luật tục. Có chăng với con mắt của người quen nhìn cái nhỏ thì có vẻ phô trương. Mặt khác “điện Tứ Ân” chưa bài trí đủ các đối tượng tôn thờ (theo tứ trọng ân) nên nhiều người chưa hiểu cho rằng, chỉ thờ mỗi người đã mất. Vậy cũng xin xét kỹ nhiều chùa làng, do chật hẹp thờ vong ngay trong nhà chính điện, nhiều nơi còn khó khăn, con cháu muốn có gian thờ vong riêng mà đâu có điều kiện để xây”, TS Bùi Hữu Dược khẳng định.

Theo tìm hiểu của PV, tại chùa Tam Chúc thờ tất cả những người có công xây chùa và có công phát triển Phật giáo Việt Nam như: Sư Tổ Đạt ma; Thiền sư Khuông Việt; Đỗ Thuận Pháp sư; Thiền sư Nguyễn Minh Không; Hòa thượng Thích Thanh Tứ.

Được biết, cư sĩ Diệu Liên là người có công lớn xây dựng chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, 9 ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa.

Trà Vân