Đi Kiện Thầy Tu

10/10/20227:43 SA(Xem: 9777)
Đi Kiện Thầy Tu

ĐI KIỆN THẦY TU
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn
    

Thích Đạo Quảng và Trần Kiêm Đoàn
Thầy Thích Đạo Quảng và
Nhà văn Trần Kiêm Đoàn

Mỹ có nền dân chủ pháp trị, một thể chế dân chủ được cho là có nhiều ưu điểm nhất về mặt pháp lý và nhân sinh. Nhưng Mỹ cũng lại là ngã tư, ngã tám của nhân loại nên đã hội tụ cũng như phân nhánh nhiều khuynh hướng tâm lý phức tạp và khi sự phức tạp mang tính cực đoan, phương tiện hành xử sẽ trở thành vọng động làm phát sinh khủng hoảng. Khủng hoảng thừa hay khủng hỏang thiếu nào đều có mặt tiêu cực của nó. Luật pháp Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình về khía cạnh “khủng hoảng thừa” với một hệ thống luật pháp chằng chịt tới mức… lạm phát!

Theo Hồ sơ ABA của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ thì có khoảng 1.300.000 luật sư ở Hoa Kỳ vào thời điểm tháng 6 năm 2022. Có 75 phần trăm trong tổng số luật sư toàn cầu hành nghề ở Hoa Kỳ và 94 phần trăm tổng số các vụ kiện trên thế giới diễn ra trên xứ Hoa Kỳ: Từ ngài chủ tòa Bạch Ốc đến kẻ vô gia cư đều xông xáo đi kiện khi gặp chuyện bất bình. Riêng cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Mỹ, tuy chỉ mới có một lịch sử khoảng năm mươi năm nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng “nhiễm xạ luật pháp” trong xã hội nầy.

Trong vòng bốn năm chục năm qua, chùa chiền Việt Nam ở Mỹ xây dựng càng nhiều, quyền quản lýsở hữu chùa viện càng đa dạng thì hiện tượng “đi kiện thầy chùa” càng lắm đa đoan!

Chùa Việt Nam ở Mỹ có ba hình thức chính: đó là chùa Tư, chùa Hội và chùa Thầy.

Chùa Tư, là do tư nhân hay một nhóm tư nhân tự bỏ tiền của ra để mua nhà, mua đất xây chùa rồi mời một vị tu sĩ nào đó về làm trụ trì hay trú trì (住持, jūji). Đây là chức vụ quản nhiệm ngôi chùa, đặc biệt là về phương diện giáo pháp, lễ nghi. Trong trường hợp này, vị tu sĩ được mời ở vị thế như một người lãnh đạo tinh thần thuần tuý, còn cơ sở vật chất nằm trong tay tư nhân. Bởi không có quyền sở hữu nên Thầy trú trì có thể bị mời ra khỏi chùa trong một sớm một chiều và rất có thể với nhiều trường hợp bi hài diễn ra đầy nghịch lý.

Hình thức dựng chùa thứ hai và tương đối phổ biến nhất là chùa Hội. Đó là ngôi chùa được dựng lên do một hội Phật học, đạo tràng Phật tử hay một hội đoàn tương tự. Thầy trú trì được thỉnh về để chăm lo công việc lễ nghi cho chùa nên thường ít bị phiền não bởi vấn đề “cơm áo gạo tiền”!

Chùa Thầy, là khi vị tu sĩ tự đứng ra lập chùa với quyền sở hữu trọn vẹn hay một phần của ngôi chùa nên về mặt pháp lý không ai có quyền chủ động đưa thầy ra khỏi chùa như trường hợp của chùa Tư và chùa Hội.

Trong dòng lịch sử ngắn 50 năm của đạo Phật Việt Nam tại Hoa Kỳ và hải ngoại, những hình thức phân hóa và xung đột nội bộ trong chùa đi đến chỗ khiếu kiện, những động thái thuê mướn luật sư, mang nhau ra tòa phân xử là chuyện khá thường tình. Nhiều người, đa số là các tu sĩ trẻ chưa quen với văn hóa xứ nầy đã bày tỏ là bị “sốc” vì chưa quen với hình thức đi kiện thầy tu… vốn không hề hay hiếm khi xảy ra với nếp sinh hoạt Phật giáo truyền thốngViệt Nam. Ngược lại, trong nhiều năm qua, người người Việt ở Mỹ mà nhất là ở Hoa Kỳ đã chứng kiến hay được thông tin về những vụ kiện giữa Phật tử và các tu sĩ xảy ra khá thường xuyên với sự can dự của luật sư và tòa án… Hậu quả là có khi đi tới những mức độ nghiêm trọng như triệt hạ cả ngôi chùa và làm ô nhiễm thanh danh của người tu sĩ cũng như phải chi tiêu những số tiền đáng kể cho thầy kiện, trung gianán phí.

Nhìn lại chặng đường đã qua, mọi hình thức xung đột nội bộ tôn giáo chỉ có người thua mà không ai là kẻ thắng vì sản phẩm tối ưu của tôn giáo không thể cân đo đong đếm bằng hình tướng phàm trần mà bằng tinh thần giải thoát, mặc khải tín tâm. Trước búa rìu dư luận, định kiến tôn giáo và nhu cầu tạo sự giật gân của môi trường truyền thông đại chúng, những người nhập cuộc cũng như kẻ đứng bên lề, rốt cuộc chẳng ai vui hay hưởng được giá trị thực tế hoặc được lợi lộc gì sau những vụ tranh chấp thiếu vắng hương vị từ bi, chất liệu trí tuệ và những tấm lòng nhân hậu lẽ ra phải có của chốn cửa thiền.

Hầu như sau những tro tàn của các hình thức chạy đua và nhập cuộc bầy đàn, hủy hoại nhiều năng lượng tâm linh cũng như phí phạm tiền củathời gian theo những thủ tục pháp lý, rốt cuộc chẳng đến đâu thì mọi người - nạn nhân cũng như người chủ xướng - đều trở thành những kẻ thua cuộc trong ý nghĩa thiện lành nhất của không gian tâm linh.

Vụ “đi kiện Thầy chùa” xẩy ra gần đây nhất là trường hợp chùa Tam BảoBaton Rouge. Thầy trú trì chùa Tam Bảo, Thích Đạo Quảng (TĐQ) đã bị bốn trong số hơn vài trăm thành viên trong đạo tràng chùa Tam Bảo đứng đơn kiện. Nguyên đơn, gồm bốn nữ thí chủ chùa Tam Bảo, đã mướn luật sư nộp đơn kiện, buộc tội thầy Đạo Quảng có dính líu vào quan hệ tình dục và sai phạm việc quản nhiệm chùa (sexual misconduct and mismanagement of the temple). Mục đích sau cùng của vụ kiện là xin phán quyết tòa án để đuổi (sic) Thầy ra khỏi chùa và thay thế các “candidate Thầy” khác mới toanh, hợp khẩu vị đang xếp hàng chời đợi (Lời cư sĩ Minh Tâm, có chăng phần nào là cường điệu?!)

Cụ thể nội dung các tiêu đề buộc tội gồm có:

1-  Vi phạm tình dục (Impregnation): Cáo buộc thầy TĐQ đã có quan hệ tình dục với một nữ tu được bảo trợ từ Việt Nam qua chùa Tam Bảo làm công tác tôn giáo theo diện R.1 và nữ tu nầy đã mang thai bởi Thầy, nên sau đó bị Thầy đưa trở về Việt Nam. Tuy nhiên, những chi tiết khách quan để hỗ trợ cho sự cáo buộc nầy như bằng chứng y khoa, nhân chứng trực tiếp và lời khai của chính nữ tu “nạn nhân” đều không có. Ngoài thông tin “khẩu thiệt vô bằng” kiểu Thị Kính - Thị Mầu của phía nguyên đơn đi kiện thầy tu, thiếu bằng chứng thuyết phục để tòa án địa phương căn cứ đi xa hơn trong quá trình phân xử ngày 29 tháng 8 năm 2022,

2-  Buôn người (Human trafficking): Cáo buộc thầy TĐQ đại diện chùa Tam Bảo đứng ra bảo lãnh các tu sĩ Phật giáo từ Việt Nam qua Mỹ theo diện R.1 là một hình thức “buôn người”. Vẫn không có bằng chứng hợp pháp, cụ thể và khả tín làm căn bản pháp lý cho sự cáo buộc nầy.

3-  Tắc trách (Mismanagement): Cáo buộc thầy TĐQ đã làm cho sự luân lưu về tài chánh của nhà chùa bị sút giảm. Tăng chúng trong chùa ngày càng vắng.

Được biết trong phiên tòa ngày 29 tháng 8 năm 2022 vừa qua, tòa án quận hạt Baton Rouge đã ra phán quyết chung thẩm rằng: Vấn đề nội bộ của chùa Tam Bảo cần phải được giải quyết theo tinh thần dân chủ là tiến trình bầu cử Ban Hộ Trì Tam Bảo (hội đồng hộ tự) và bày tỏ sự tín nhiệm thầy trụ trì cần được tiến hành đúng theo tinh thần nội quy của Chùa. Đây là quy định cơ bản theo tinh thần Tu Chính Án số 1 của Hiến Pháp Hoa Kỳ về tính độc lập giữa Chính quyền và Tôn giáo (Separation of Church and State).

Trong số những người Mỹ khả kính có mối tương quan lâu dàitích cực với chùa Tam Bảo và thầy TĐQ, luật sư Roger K. Ward và nhà Tâm lý Trị liệu John W. Pickering đang hành nghề tại địa phương Baton Rouge, đều đã chính thức lên tiếng bày tỏ sự kính phục nhân cách trong sángchính trực của thầy TĐQ, song song với lời ca ngợi vai trò tích cực của đạo tràng chùa Tam Bảo phục vụ các chương trình từ thiện và công tác cộng đồng tại địa phương. Luật sư Roger K. Ward là luật sư Di Trú chính thức thụ lý các hồ sơ R.1 của chùa Tam Bảo, đồng thời cũng là luật sư từng có thân chủ là nguyên đơn khiếu kiện đã hoàn toàn bác bỏ sự chụp mũ, bôi nhọ, xúc phạm danh dự hoàn toàn vô căn cứ của nguyên đơn (Xin xem tài liệu đính kèm).

Thay lời kết luận

Sau đây, người đang viết những dòng nầy xin được đưa ý kiến cá nhân của mình vào đây như một sự dẫn chứng và trải nghiệm thực tế chứ chẳng phải là lý thuyết suông hay viết chuyện hư cấu mà một nhà văn, nhà báo, nhà thơ… thường ứng dụng.

Năm 1982, gia đình chúng tôi làm thuyền nhân vượt biển, sau hơn một năm trôi nổi qua các trại tỵ nạn Hồng Kông, Chimawan, Bataan chúng tôi được định cư tại Mỹ. Lần đầu được đặt chân lên đất Mỹ là thành phố Baton Rouge, tiểu bang Louisiana và được Hội Chiến Sĩ VNCH  Baton Rouge bảo trợ.  Bởi vậy, cái duyên được tiếp cận với Bà con người Việt Baton Rouge là một dấu ấn tinh thần đầy ân tình đồng hương quý báu và khó quên đối với tôi. Sau này, khi đã tái định cư ở California, được về lại Baton Rouge, chùa Tam Bảo, được gặp các đạo hữutình cờ biết thầy Thích Đạo Quảng là một thiện duyên gặp thiện tri thức đối với tôi.

Được biết, thầy TĐQ sinh năm 1968 ở Huế, xuất gia với Hòa thượng Thanh Từ ở tuổi thanh xuân và qua Mỹ theo diện H.O vì cụ thân sinh là cựu tù Cải tạo. Tôi hơn thầy TĐQ 22 tuổi và cũng trình luận án Ph.D trước Thầy 22 năm, nên đó là nguyên nhân tôi có nhiều dịp tiếp cận với Thầy về chuyện đạo, chuyện đời và chuyện học hành chữ nghĩa.

Tôi xin phép dài dòng riêng tư một chút như thế để chân tình nói đến hai điều: Một, thầy TĐQ là một tiến sĩ Tâm Lý Học, vừa làm trụ trì chùa Tam Bảo, vừa dạy đại học ở New Orlean nên đôi khi tiếng nói của Thầy đối với đại chúng bị phán xét là hơi hơi “lên lớp” với người đối diện nên có nhiều trường hợp đã tạo ra sự hiểu lầm đáng tiếc.  Bản thân tôi cũng đã “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” như thế nên trong thư chúc mừng nhân ngày thầy ĐQ tốt nghiệp Ph.D ở Walden University tôi có chút xíu nửa đùa, nửa thật nhắn rằng: “Ông Nghè thường rất dễ bị hiểu lầm là ‘đe hàng tổng’ đó Thầy nghe!” Có chăng, đây cũng là một trong nhiều khởi điểm cho tâm lý “mặc cảm chữ nghĩa” đưa đến phản ứng đồng môn, đồng đạo chống Thầy và xa Thầy?

Lần sau cùng ghé chùa Tam Bảo ở lại viếng cảnh chùa và tham gia tu học một tuần, tôi được sinh hoạt hằng ngày với các tăng ni trẻ từ Việt Nam qua diện R.1. Có dịp chia sẻ suy nghĩ với các tu sĩ trẻ tôi được nhận ra một điều là ứng dụng nề nếp tu học ở Việt Nam trong điệu sống Mỹ thật là khó; có khi hơi dị ứng và thành xa lạ. Do đó, nhiều tu sĩ trẻ qua Mỹ theo điều kiện hoằng pháp đã xin trở về Việt Nam vì muốn tìm một con đường và môi trường xuất gia, tu học thích hợp. Thực trạng này giúp lý giải một phần về hiện tượng tại sao có một số tu sĩ trẻ mới qua Mỹ được vài tháng đã vội xin về lại…

Tưởng cũng cần khách quan để nhận định rằng, trong các dịp thăm viếngsinh hoạt với đạo tràng chùa Tam Bảo vợ chồng chúng tôi cũng từng được các đạo hữu trong số những nguyên đơn hiện nay đứng ra kiện thầy TĐQ lần này, đã mời thăm nhà và dùng bữa. Cảm tưởng trực tiếp của chúng tôi về các chị đều là những Phật tử thuần thành và rất có đạo tâm thường nói đến mục đích xây dựng cho chùa Tam Bảo, nhằm tạo ra một mội trường tinh thần cần thiết cho sự ổn định, thanh tịnh để hoằng pháptu học. Các chị cũng có lời phàn nàn là tính thầy TĐQ quả bộc trực và có khi thẳng thắn đến nóng nảy… (?) Nhưng khi nghe tin “đi kiện Thầy tu” của các chị thì câu hỏi lớn nhất cũng hiện ra, rằng là: Tại sao Đạo tràng Tam Bảo không tạo ra một môi trường đối thoại tương hòa, tương kính, tương thân… để giải quyết vấn đề trong tinh thần lục hoà, từ bi, trí tuệ của đạo Phật suốt bao năm qua quý vị đã tu họccần phải “vác chiếu ra tòa” như thế (?!)

Đối với đại chúng khách quan và thiện hữu của chùa Tam Bảo, ai cũng lấy làm tiếc vì sự việc xảy ra không tương xứng với phương danh cùng ảnh hưởng tốt đẹplâu dài của chùa Tam Bảo và thầy TĐQ, vị trụ trì chùa đã ngót 20 năm. Từ một cơ sở khiêm tốn, Phật tử (dĩ nhiên có các vị đứng đơn khiếu kiện đóng vai “khai quốc công thần” cửa Phật) đã cùng với thầy trụ trì, đạo tràngthân hữu chung sức, chung lòng gây dựng được một cơ sở chùa viện, bảo tháp… tôn nghiêmđẹp đẽ nhất vùng như ngày nay.

Sự vụ “đi kiện thầy chùa” của chùa Tam Bảo xảy ra sau cơn Đại dịch Covid-19 cũng là một vấn nạn đáng đầu tư suy nghĩ vì đây chính là Cột Mốc Thời Gian (Turning Point) rất quan trọng mà tâm lý thường tình bị tác động nghiêm trọng bởi tinh thần dao động, phương thức phòng chống quá mới mẽ và sự biến động kinh tế, xã hội tận gốc rể. Sự xung đột tâm lý và tệ trạng phân hóa xã hội là điều khó tránh khỏi. Nơi đâu cũng có, lúc nào cũng có những xao động lạ lùng và có khi nghịch lý; nhưng bất luận vô vàn thử thách, miễn có một chân tâm làm phương tiện thiện xảo cho sự hóa giải xung đột nột tâm và ngoại cảnh để trở về bản tính tự tại, thanh tịnh tu học cho tuổi già được an nghỉ và tuổi trẻ được vươn lên mới đúng là tinh thần cốt tủy Phật giáo.

Cả hai người Mỹ thân hữu Đạo tràng chùa Tam Bảo nói trên và nhiều nhân vật cộng đồng địa phương cũng như đại đa số hội hữu và thân hữu đều có chung quan điểm, bày tỏ sự mong ước và lời chúc lành cho thầy trú trì TĐQ và Phật tử cùng thân hữu chùa Tam Bảo sớm khép lại trang “tờ rơi” đầy biên kiếnbất tịnh để mở ra một trang mới mang tinh thần phá chấp, hóa giải và hỷ xã đến cho mọi người cùng tu học và an vui.

Sacramento, Sept. 4, 2022

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn

 

Đính kèm thư của luật sư ủng hộ Thầy Thích Đạo Quảng:
THƯ BẠCH HÓA KHÔNG NIÊM KÍNH GỬI ĐẠO TRÀNG CHÙA TAM BẢO

____________________________
THEO DÒNG SỰ KIỆN:

Phóng sự cộng đồng - Đài truyền hình SBTN

 

Việt Báo loan tin sự kiện:
https://vietbao.com/p301409a313271/2/tru-tri-chua-phat-giao-o-louisiana-bi-to-lam-su-co-dinh-bau-su-co-bi-tu-choi-pha-thai-vi-da-qua-tre-va-bay-ve-viet-nam
Tinh Tấn Magazine & Nhật báo Viễn Đông loan tin sự kiện:
https://tinhtan.org/2022/09/02/toa-de-nghi-cac-dao-huu-bo-phieu-giai-quyet-vu-thay-tru-tri-chua-viet-o-louisiana-bi-to-pham-gioi/ 
Tin tức từ báo Mỹ:
Buddhist temple leader in Louisiana accused of recruiting Vietnamese nuns for sex




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/01/2024(Xem: 3260)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.