Nghĩ Về Dịch Kinh Phật

31/01/201212:00 SA(Xem: 18727)
Nghĩ Về Dịch Kinh Phật

NGHĨ VỀ DỊCH KINH PHẬT
Cư Sĩ Nguyên Giác

nghivedichkinhphatPhiên dịch Kinh Phật là một cơ duyên hạnh phúc ngàn đời, không chỉ cho riêng những người dịch kinh, mà cả cho những dân tộc sẽ được đọc lời Đức Phật bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Chuyển ngữ kinh không chỉ sẽ thuận lợi trong việc hoằng pháp, mà còn dễ dàng đưa giáo pháp Đức Phật vào nền văn hóa dân gian qua các dạng khác như chuyện cổ tích, ca dao, thơ kệ, kịch nghệ, cải lương... vì ngôn ngữ là cửa vào tư tưởng. Do vậy, đó là những công trình xứng đáng tán thán và hỗ trợ.

Một công trình lớn như thế đang được thực hiện để dịch từ Hán tạng sang Việt ngữ, theo lời Tiến Sĩ Trần Kiêm Đoàn trong bài viết “Cá Nghe Kinh” đăng trên mạng Giao Điểm ngày 25-1-2012.

Trong bài có một số thông tin về việc dịch thuật như sau, trích:

“...Ngoài nước, năm 2004, kẻ viết bài nầy được mời vào Hội đồng phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam từ Hán tạng. Đây là một dự án sử dụng phần mềm của những chương trình chuyên dịch tinh tếhiện đại của vi tính vào công trình phiên dịch. Tất cả 2372 bộ Kinh trong Hán Tạng được phiên âm và lược dịch bằng máy vi tính trong vòng 28 giờ. Các bộ kinh ngắn chỉ cần dưới 10 giây đồng hồ. Các bộ kinh lớn như Hoa Nghiêm (80 quyển) dịch trong 11 phút, bộ Đại Trí Độ Luận 17 phút, và bộ Đại Bát Nhã (600 quyển) 50 phút...

...Bởi vậy, trong lĩnh vực nhân văn mà đặc biệtngôn từ, ngữ văn thì máy móc chỉ là phương tiện phụ trợ chứ không thể thay thế hẳn được con người. Khi cái máy vi tính làm công việc chuyển ngữ trong vòng 28 tiếng đồng hồ thì phải cần tới một đội ngũ của hàng trăm đầu óc chuyên môn, tinh lọc và hiệu đính trong một thời gian không thể dưới vài ba mươi năm. Đã hơn 10 năm qua và liên tục tới hiện tại, có từ 50 đến 100 tăng ni, học giả... đông nhất là ở chùa Châu Lâm và trung tâm Liễu Quán Huế đang tập trung vào công tác hiệu đínhhoàn thiện Đại Tạng Kinh Việt Nam sau khi Đại Tạng Kinh Hán Việt được dịch sang Thuần Việt bằng chương trình chuyển ngữ vi tính...”(hết trích – link: http://www.giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=6369 )

Dịch bằng phần mềm vi tính? Đây cũng là chỗ để suy nghĩ, và là nơi các học giả đang nhận nhiệm vụ dịch thuật cẩn trọng. Chúng ta không biết chính xác phần mềm có mức độ thế nào, nhưng thử đưa bài Bát Nhã Tâm Kinh chữ Hán để dịch ra Việt ngữ, không rõ rồi có thể ra gần gần đúng với một trong những bản đang tụng hiện nay hay không. Chưa nghe giáo hội công bố chi tiết nhiều hơn, nhưng chắc chắn đã có những vị cao tăng nêu lên các câu hỏi tương tự.

Dịch thuật trước tiên là diễn bằng ngôn ngữ của bản thân người dịch, và do vậy phản ánh cả trình độ của người dịch, không chỉ về ngữ vựng, mà còn cả một bối cảnh văn hóa mà người dịch trưởng thành.

Thí dụ, để dịch “tháng mười hai” sang Anh ngữ, chúng ta có chữ “December”’ tuy nhiên, khi dịch “tháng chạp,” có thể khó có chữ tương đương, và lúc đó đành phải lấy chữ “December” (nếu muốn chỉ dương lịch) hay “the last month of lunar year” (tháng cuối của năm âm lịch) để tạm dùng. Nghĩa là, ngôn ngữ trở thành ngón tay chỉ mặt trăng. Trong “tháng chạp,” người Việt cảm nhận có một không khí cận Tết, một làn gió se se lạnh, với những ngày cúng đưa ông Táo, có văng vẳng tiếng pháo sắp nổ, có giây phút sắp đi lễ chùa giao thừa... Nhưng “December” trong Anh ngữ lại là tháng của mua sắm, tháng của Noel, của tặng quà. Do vậy, dịch là một công trình văn hóa lớn.

Trên mạng Google cũng có phần mềm dịch nhiều ngôn ngữ, ở địa chỉ: http://translate.google.com/. Điểm cần suy nghĩ, nhiều công ty quảng cáo tại Hoa Kỳ, khi cần dịch các quảng cáo dù chỉ dài có nửa trang giấy, hay chỉ đọc trong có 30 giây trên đàì phát thanh hay TV, lại đưa cho các dịch giả chuyên nghiệp mà họ đã tin cậy. Tại sao họ không tiết kiệm bằng cách sử dụng phần mềm phiên dịch Google? Cũng có thể, họ sẽ sử dụng phần mềm là để kiểm soát xem bản dịch của người phiên dịch và của phần mềm có sai lệch bao nhiêu phần? Chúng ta, nơi đây, không biết chính xác tại sao.

Thêm nữa, đối với một số công ty quảng cáo, sau khi yêu cầu dịch giả chuyển từ Anh ngữ sang Việt ngữ, để dò mức độ chính xác liền đưa bản dịch này cho một dịch giả khác để yêu cầu dịch ngược sang Anh ngữ. Đó là công tác “Back-translation” (Dịch trở lại ngôn ngữ gốc) (1)

Nếu chúng ta thử dịch ngược một số bài Bát Nhã Tâm Kinh Việt ngữ về lại Hán ngữ, có thể sẽ không thấy gần nhau lắm. Nói như thế, không có nghĩa phủ nhận các bản văn không dịch ngược về chính xác, bởi vì chất thơ của người dịch, và vì cấu trúc độc đáo của các ngôn ngữ có thể sẽ không làm tiến trình dịch ngược chính xác được.

Tới đây, chúng ta có thể tìm một điển hình về dịch kinh để khảo sát. Nơi đây sẽ tập trung về cách dùng thì hiện tại (thí dụ, chữ ‘là’) và thì tương lai (thí dụ, chữ ‘sẽ là’) trong một bản kinh qua các bản dịch khác nhau.

Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, bản Hán Dịch: Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà; Việt dịch: Thích Đức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ, trích:

SÁU PHÁP

38 . PHẨM LỰC

KINH SỐ 3[71]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại bên bờ sông Ưu-ca-chi.[72] Bấy giờ, Thế Tôn đến dưới một gốc cây, tự trải toạ cụ mà ngồi, chánh thân, chánh ý, buộc niệm trước mặt.

Lúc ấy, có một bà-la-môn đi đến chỗ kia. Thấy dấu chân của Thế Tôn rất kỳ diệu, bà-la-môn này nghĩ thầm: ‘Đây là dấu chân của người nào, là trời, rồng, quỷ thần, càn-thát-bà,[73] a-tu-la, người hay phi nhân hay là Phạm thiên tổ tiên của ta?’ Lúc ấy, bà-la-môn liền theo dấu chân mà đi tới, từ xa trông thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây chánh thân, chánh ý, buộc niệm trước mặt. Thấy vậy, ông bèn hỏi:

“Ông là vị trời chăng?”

Thế Tôn bảo:

“Ta chẳng phải là trời.”

“Là càn-thát-bà chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Ta cũng chẳng phải là càn-thát-bà.”

“Là rồng chăng?”

Đáp:

“Ta chẳng phải là rồng.”

“Là dạ-xoa chăng?”

Phật bảo bà-la-môn:

“Ta chẳng phải là dạ-xoa.”

“Là Tổ phụ chăng?”

“Ta chẳng phải là Tổ [718a] phụ.”

Lúc ấy, bà-la-môn hỏi Thế Tôn:

“Vậy Ngài là ai?”

Thế Tôn nói:

“Người có ái thì có thủ[74], có thủ thì có tham ái, nhân duyên hội hợp sau đó từng cái sanh ra nhau như vậy, như vậy, năm khổ thủ uẩn không bao giờ chấm dứt. Vì đã biết ái rồi, thì biết năm dục, cũng biết sáu trần ngoài và sáu xứ trong, tức biết gốc ngọn thủ uẩn này.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Thế gianngũ dục;

Ý là vua[75] thứ sáu.

Biết sáu pháp trong ngoài.

Nên niệm diệt gốc khổ.

“Cho nên phải tìm phương tiện diệt trừ sáu sự trong ngoài. Bà-la-môn, hãy học điều như vậy.”

Bà-la-môn nghe Phật dạy như vậy, tư duy nghiền ngẫm, ôm ấp trong tâm không rời, liền từ trên chỗ ngồi dứt sạch trần cấu, được mắt pháp trong sạch.

Bấy giờ bà-la-môn nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.”(hết trích)

(Link: http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-58_4-11938_5-50_6-2_17-116_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark)

Chú ý, trong văn bản trên, thì hiện tại được sử dụng. Từ câu hỏi (Ông là vị trời chăng?) cho tới các câu đáp đều dùng thì hiện tại, nghĩa là nói chuyện ngay trước mắt.

Nơi đây, chúng ta có thể dẫn bản kinh tương đương từ tạng Pali, trong này được Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch ra bằng cách sử dụng thì tương lai.

Trong Kinh Tăng Chi Bộ (từ tạng Pali: Anguttara Nikàya), Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt như sau, trích:

Chương Bốn Pháp

Phẩm 04-06

IV. Phẩm Bánh Xe

(36) Tùy Thuộc Thế Giới

1. Một thời, Thế Tôn đang đi trên con đường giữa Ukkatthà và Setabbya. Bà-la-môn Dona cũng đang đi trên con đường giữa Ukkatthà và Setabbya. Bà-la-môn Dona thấy trên những dấu chân của Thế Tôn có dấu bánh xe một ngàn cọng, với vành xe, trục xe và đầy đủ tất cả các tướng khác. Thấy vậy, vị ấy suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Những dấu chân này không phải là của loài Người!"

2. Rồi Thế Tôn từ trên đường bước xuống, đến ngồi dưới một gốc cây, ngồi kiết-già, thân thẳng, đặt niệm trước mặt. Bà-la-môn Dona theo dấu chân của Thế Tôn, thấy Thế Tôn đang ngồi dưới một gốc cây đẹp đẽ, khởi lên tịnh tín, các căn tịch tịnh, tâm ý tịch tịnh, đạt được tịnh chỉ do điều phục tối thượng, giống như một con voi được điều phục, được phòng hộ với căn tịch tịnh, thấy vậy Bà-la-môn Dona liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, thưa với Thế Tôn:

- Có phải thưa Tôn giả, Ngài sẽ là vị tiên?

- Hỡi này Bà-la-môn, Ta sẽ không là tiên.

- Có phải thưa Tôn giả, Ngài sẽ là Thát-bà?

- Hỡi này Bà-la-môn, Ta sẽ không Thát-bà,

- Có phải thưa Tôn giả, Ngài sẽ là Dạ-xoa?

- Hỡi này Bà-la-môn, Ta sẽ không Dạ-xoa.

- Có phải thưa Tôn giả, Ngài sẽ là loài Người?

- Hỡi này Bà-la-môn, Ta sẽ không là Người.

- Hỏi "Ngài có phải sẽ là tiên không?", Ngài trả lời: "Này Bà-la-môn, Ta sẽ không phải là tiên". Hỏi "ngài có phải sẽ là Càn-thát-bà không?", Ngài trả lời: "Này Bà-la-môn, Ta sẽ không phải là Càn-thát-bà". Hỏi "Ngài có phải sẽ là Dạ-xoa không?" Ngài trả lời: "Này Bà-la-môn, Ta sẽ không phải là Dạ-xoa". hỏi "Ngài có phải sẽ là loài Người không?", Ngài trả lời: "Ta sẽ không phải loài Người". Vậy sở hành của Ngài là gì và Tôn giả sẽ là gì?

3. - Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là chư Thiên, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là Càn-thát-bà, Ta có thể là Dạ-xoa, Ta có thể là Người, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt dứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Ví như, này Bà-la-môn, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng, sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, này Bà-la-môn sanh ta trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà-la-môn, Ta là Phật, hãy như vậy thọ trì.

4.

Với lậu hoặc chưa đoạn,

Ta có thể là tiên,

Có thể Càn-thát-bà,

Có thể là loài chim

Hay đi đến Dạ-xoa,

Hay vào trong thai người,

Với Ta lậu hoặc tận,

Bị phá hủy, trừ khử

Như sen trắng tươi đẹp

Không bị nước thấm ướt,

Đời không thấm ướt Ta,

Do vậy Ta được gọi,

Ta là Phật Chánh giác,

Hỡi này Bà-la-môn.” (hết trích)

(Link: http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-1150_5-50_6-1_17-49_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark)

Chỉ thêm một chữ “sẽ” – hay chỉ thiếu một chữ “sẽ” – nghĩa kinh hẳn nhiên khác nhau. Nơi đây, chúng ta không thể khẳng định chính xác lời Đức Phật nói với vị Bà La Môn như thế nào, vì các kinh đã lưu giữ ở dạng truyền khẩu rồi nhiều năm sau mới ghi vào chữ viết. Do vậy, hoặc là trí nhớ ảnh hưởng, hoặc là do diễn dịch sai khác tùy vị thầy.

Nơi đây chúng ta tìm bản tương tự ở Hán Tạng, nhưng bản dịch sẽ do vị thầy khác thực hiện.

Đó là Kinh Tăng Nhất A Hàm, bản Việt dịch: Hòa thượng Thích Thanh Từ; Hiệu đính: Hòa thượng Thích Thiện Siêu; xuất bản bởi Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Đặc biệt, cuối bản này có ghi chú của Cư Sĩ Bình Anson, một học giả Nam Tông, về tính tương thích của đoạn cuối kinh khi đối chiếu Hán Tạng và Pali Tạng.

Trích như sau:

“XXXVIII.1. Phẩm Lực (1)

3. Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở nước Ma-kiệt, bên bờ sông Ưu-ca-chi.

Bấy giờ Thế Tôn đến dưới một gốc cây trải tòa ngồi, chính thân, chính ý, buộc niệm ở trước.

Có một Phạm chí đi đến chỗ đó, Phạm chí này thấy dấu chân của đức Thế Tôn rất là kỳ diệu, liền nghĩ: 'Dấu chân này của người nào? Là của Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Nhơn, Phi nhơn; Phạm thiên, Tổ tiên ta chăng?

Khi đó, Phạm chí noi theo dấu tiến đến trước, xa thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây, chính thân, chính ý buộc niệm ở trước; thấy rồi liền nói:

- Ngài là Trời chăng?

Thế Tôn bảo:

- Ta chẳng phải là Trời.

- Là Càn-thát-bà chăng?

- Ta chẳng phải Càn-thát-bà.

- Là Rồng chăng?

- Ta chẳng phải rồng.

- Là Dạ-xoa chăng?

- Ta chẳng phải là Dạ-xoa.

- Là Tổ phụ chăng?

- Ta chẳng phải Tổ phụ.

Lúc đó, Phạm chí hỏi Thế Tôn:

- Thế Ông là ai?

[#]

Thế Tôn bảo:

- Có ái thì có thọ, có thọ thì có ái, nhân duyên hội họp rồi sau mỗi mỗi tương sinh. Như thế, năm thạnh ấm không có lúc đoạn dứt. Đã biết ái thì biết ngũ dục, cũng biết sáu trần bên ngoài, sáu nhập bên trong, tức biết gốc ngọn của thạnh ấm này.

Lúc ấy Thế Tôn liền nói kệ:

'Thế gian có ngũ dục,

Ý là vua thứ sáu,

Biết sáu thứ trong ngoài,

Hãy nhớ dứt mé khổ'.

Thế nên, hãy cầu phương tiện diệt sáu việc trong ngoài. Như thế, Phạm chí, nên học điều này.

Bấy giờ, Phạm chí kia nghe Phật dạy như thế, tư duy luyện tập không rời tâm, liền ngay chỗ ngồi, các trần cấu dứt, được pháp nhãn thanh tịnh.

Bấy giờ Phạm chí ấy nghe Phật dạy xong, hoan hỷ vâng làm.

[#]

Ghi chú:

Đoạn [#]...[#] dường như không tương thích với tinh thần của bài kinh. Bài kinh tương đương trong Tăng Chi Bộ là kinh "Tùy thuộc thế giới", AN IV.36, trong đó, Đức Phật trả lời Bà-la-môn (Phạm chí) Dona rằng:

- "... Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là chư Thiên, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là Càn-thát-bà, Ta có thể là Dạ-xoa, Ta có thể là Người, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt dứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Ví như, này Bà-la-môn, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng, sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, này Bà-la-môn sanh ta trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà-la-môn, Ta là Phật, hãy như vậy thọ trì."

-- (Bình Anson, 02-2004) (hết trích)

(Link: http://old.thuvienhoasen.org/kinhtangnhataham-38-39.htm)

Có thể chú ý nơi đây, trong đoạn ghi chú của Cư Sĩ Bình Anson có dẫn đoạn kinh do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ Tạng Pali, trong đó sử dụng cách đặt câu theo văn phạm của thể điều kiện (conditional sentence), nghĩa là “đối với thế này... thì có thể thế kia...”

Do vậy, chúng ta sẽ thấy nghĩa dị biệt ở:

- câu hỏi và trả lời đều ở thì hiện tại (2 bản dịch từ Bán Tạng),

- câu hỏi và trả lời đều ở thì tương lai (bản Việt dịch từ Pali của HT Thích Minh Châu)

- câu giải thích của Đức Phật ở bản dịch của HT Thích Minh Châu là ở thể điều kiện.

Nếu tìm đọc bản Anh Văn dịch từ Tạng Gandharan, chúng ta sẽ thấy dùng ở thì tương lai. Học giả Linda Blanchard, trên trang nhà http://justalittledust.com/blog/?p=768 với bài viết nhan đề “Revisiting Dona the Brahmin” (Đọc Lại Kinh Về Bà La Môn Dona) đã nói về một số cổ bản trong tạng kinh bằng tiếng Gandharan, được khám phá và lưu giữ năm 1994 bởi British Library (Thư Viện Anh Quốc).

Các kinh văn tìm được này được suy đoán là đã giấu trong các nồi đất sét, chôn xuống đất thay vì quăng bỏ đi sau khi chép lại từ một thư viện ở nơi bây giờ là vùng viễn đông Afghanistan, trong khoảng giữa Jalalabad và Peshawar, một khu vực từng có nên văn hóa cường thịnh có tên là Gandhara. Các bản văn Phật Giáo tìm được còn một phần đọc được, được ước tính là đã viết từ giữa thế kỷ đầu tiên, tức là khoảng năm 50 sau công nguyên, trong đó có kinh AN 4.36 (Kinh Tăng Chi Bộ 4.36).

Theo Linda Blanchard, bản viết bằng ngôn ngữ Gandharan xưa cổ hơn bản Pali.

Riêng bản kinh AN 4.36 này, sử dụng ở thì tương lai, từ câu hỏi của Bà La Môn cho tới câu trả lời của Đức Phật. Nơi đây, người viết sẽ dịch ra Việt ngữ bản Anh văn do Blanchard diễn lại từ cổ bản Gandharan. Ghi nhận, toàn văn dùng thì tương lai, chỉ duy câu cuối Đức Phật nói là dùng thì hiện tại.

Trích dịch, nơi đây sẽ theo sát nghĩa từng chữ:

Đức Thế Tôn, đang đi giữa các thị trấn, đã bước ra khỏi đường lộ. Ngồi gần một gốc cây, ngài an nghỉ trong ngày.

Gần như cùng lúc đó, một Bà La Môn tên là Dhona đi cùng một đường lộ. Dhona nhận thấy các hình bánh xe trên dấu chân của Đức Phật trên mặt đường lộ trước mặt, hình dấu bánh xe ngàn cánh, mọi phần đầy đủ, sắc nét, chói sáng. Theo dấu chân Đức Phật, Dhona thấy Đức Phật trước đó đã đi trên đường lộ, đã bước ra khỏi đường lộ và ngồi gần một gốc cây. Tướng diện Đức Phật đẹp, bình an, phong thái bình an, đạt mức cao nhất an bình của luyện tâm... một người bảo vệ, được huấn luyện, được kiểm soát, với mọi căn kềm chế, như một mặt hồ vắng lặng, trong sáng.

Thấy Đức Thế Tôn, Bà La Môn tới gần, và nói:

“Thưa ngài, ngài sẽ là một vị trời?”

“Bà La Môn, ta sẽ không là một vị trời.”

“Thưa ngài, ngài sẽ là một càn thát bà?”

“Bà La Môn, ta sẽ không là một càn thát bà.”

“Thưa ngài, ngài sẽ là một dạ xoa?”

“Bà La Môn, ta sẽ không là một dạ xoa.”

“Thưa ngài, ngài sẽ là một người?”

“Bà La Môn, ta sẽ không là một người.”

“Được hỏi là, ‘Thưa ngài, ngài sẽ là một vị trời?’ ngài nói rằng, ‘Bà La Môn, ta sẽ không là một vị trời.’ Được hỏi là, ‘Thưa ngài, ngài sẽ là một càn thát bà?’ ngài nói rằng, ‘Bà La Môn, ta sẽ không là một càn thát bà.’ Được hỏi là, ‘Thưa ngài, ngài sẽ là một dạ xoa?’ ngài nói rằng, ‘Bà la Môn, ta sẽ không là một dạ xoa. Được hỏi là, ‘Thưa ngài, ngài sẽ là một người?’ ngài nói rằng, ‘Ta sẽ không là một người.’ Vậy rồi, thưa ngài, ngài sẽ là ai?”

“Bà La Môn, ta là Bậc Giác Ngộ. Ta là Bậc Giác Ngộ.” (hết trích dịch)

Chú ý câu cuối: “Brahmin, I am the Awakened One. I am the Awakened One.” Có thể dịch là Người Giác Ngộ, tuy nhiên để không nhầm với câu ‘ta sẽ không là một người’ nên được dịch là Bậc Giác Ngộ.

Như thế, bản Gandharan viết ở thì tương lai.

Trong bản Anh ngữ dịch từ Tạng Pali bởi nhà sư Thanissaro Bhikkhu, Kinh Anguttara Nikaya AN 4.36 “Dona Sutta: With Dona” (link: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an04/an04.036.than.html) sẽ được người viết dịch ra Việt ngữ như sau để đối chiếu. Ghi nhận, các câu hỏi và đáp đều ở thì hiện tại, nhưng lời giải thích của Đức Phậtvăn phạm dùng ở thể điều kiện (would be = có thể là), song song cách dùng ‘if they were not abandoned” (nếu chúng không bị loại bỏ) nhưng cách đặt câu này là điều kiện cách không có thật (were not), nghĩa là đã không xảy ra, rồi kế tiếp là dùng câu “those are abandoned by me” (chúng đã bị ta loại bỏ) là thì hiện tại và là chuyện có xảy ra. Trong văn phạm Việt ngữ, không được minh bạch như Anh ngữ chỗ này.

Trích dịch như sau:

Một hôm, Đức Phật đang đi trên đường giữa Ukkattha và Setabya, trong khi Bà La Môn Dona cũng đi cùng đường như thế. Dona thấy dấu chân Đức Phật. in hình bánh xe ngàn cánh với cọng và trục in đầy đủ trên lộ. Khi thấy, Dona chợt nghĩ, “Tuyệt vời! Thực tuyệt vời! Đây không phải dấu chân của loài người!”

Rồi Đức Phật rời đường lộ, tới ngồi dưới gốc một cây – chân xếp bằng, thân thẳng. tâm chú niệm trước mặt. Dona theo dấu chân, thấy Đức Phật ngồi nơi gốc cây: tự tin, gợi lên tự tin, các căn bình an, tâm bình an, đạt sự kiểm soátan tĩnh cao nhất, thuần thục, cảnh giác, các căn phòng hộ, một đại nhân. Thấy Đức Phật, Dona bước tới và nói, “Thưa Thầy, ngài là một vị trời?”

“Không, bà la môn. Ta không là một vị trời.”

“Ngài là một càn thát bà?”

“Không...”

“... một dạ xoa?”

“Không...”

“...một người?”

“Không, bà là môn. Ta lhông phải là một người.”

“Khi được hỏi, ‘Ngài là một vị trời?” ngài trả lời, ‘Không, ta không phải một vị trời.’ Khi được hỏi, ‘Ngaì là một càn thát bà?’ ngài đáp, ‘Không, bà la môn. Ta không phiả là một càn thát bà.’ Khi được hỏi, ‘Ngài là một dạ xoa?’ ngài đáp, ‘Không, bà la môn, ta không phải là một dạ xoa.’ Khi được hỏi, ‘Ngài là một người?’ ngài trả lời, ‘Không, bà la môn. Ta không phải là một người.’ Vậy rồi ngài là gì?”

“Bà la môn, các lậu hoặc mà bởi chúng -- nếu chúng không bị loại bỏ -- ta có thể là một vị trời: Những lậu hoặc bị ta loại bỏ, gốc rễ chúng đã bị hủy diệt, làm y hệt như gốc rễ cây palmyra, bị nhăn chận các điều kiện để phát triển, không để cho khởi dậy tương lai. Các lậu hoặc mà bởi chúng -- nếu chúng không bị loại bỏ -- ta có thể là một càn thát bà... một dạ xoa... một người. Những lậu hoặc đó đã bị ta loaị bỏ, gốc rễ chúng đã bị hủy diệt, làm y hệt như gốc rễ cây palmyra, bị nhăn chận các điều kiện để phát triển, không để cho khởi dậy tương lai.

“Cũng y như một hoa sen đỏ, xanh hay trắng -- mọc trong nước, lớn trong nước, vươn cao trên mặt nước -- đứng không bị nhiễm ô bởi nước, tương tự như thế ta – sinh trong thế gian, lớn trong thế gian, đã vượt qua thế gian -- sống không nhiễm ô bởi thế gian. Bà la môn, hãy nhớ rằng ta ‘đã giác ngộ.’” (hết trích dịch)

Trong phần ghi chú, nhà sư học giả Thanissaro nói rằng, Bà La Môn Dona đặt câu hỏi trong thì tương lai, nên đã gây ra nhiều cuộc thảo luận rằng có phải Dona hỏi về tương lai hay hiện tại của Đức Phật. Thanissaro dẫn ra cuốn văn phạm tiếng Pali “Introduction to Pali” trong đó A.K. Warder nói rằng thì tương lai thường dùng để chỉ sự ngạc nhiên về một điều gì đó ở hiện tại. Nơi đây, đó là sự ngạc nhiên của Dona khi thấy dấu chân Đức Phật.

Nhưng Thanissaro cũng nói, có thể rằng các câu trả lời của Đức Phật đối với các câu hỏi của Dona là một hình thức ‘chơi chữ’ – nên đã được đặt trong thì tương lai (ta sẽ không là...) nhưng hàm cả nghĩa hiện tại và tương lai.

Thanissaro cũng ghi nhận rằng Đức Phật trong kinh đã nhiều lần không tự xem như là ‘một người,’ bởi vì, theo Thanissaro:

...một người đã giác ngộ không thể bị định nghĩa ở bất kỳ cách nào hết. Về điểm này, hãy xem Trung Bộ Kinh MN 72, Tương Ưng Bộ Kinh SN 22.85, Tương Ưng Bộ Kinh 22.86, và bài ‘"A Verb for Nirvana" (Một Động Từ Cho Niết Bàn). Bởi vì, một tâm có chỗ để dính mắc thì bị ‘trụ’ vào bởi sự dính mắc đó, một người đã giác ngộ không có chỗ nào trong bất kỳ thế giới nào: đó là lý do vì sao người đã giác ngộ không bị nhiễm ô bởi thế gian, y hệt hoa sen không nhiễm ô bởi nước.” (hết trích dịch)

Tất cả những trình bày nêu trên không có ý nói rằng đã có vị nào dịch sai, hay dịch không chính xác, cũng không dám có ý nói rằng các bản Hán Tạng, Gandharan và Pali có gì chính xác hơn khi so với nhau. Chuyện đó là chuyện của những người khảo sát văn bản.

Nơi đây, chúng ta muốn nói rằng thêm hay bớt một chữ (như chữ ‘sẽ’) là bản văn có thể đã có nghĩa khác.

Do vậy, nếu dịch bằng phần mềm, cho dù được điều chỉnh lại bởi các học giả, là công việc cần sự chú ý cực kỳ cẩn trọng. Chúng tathể không cần dịch ngược (back-translation) để dò sự chính xác, nhưng đời sau có thể sẽ tranh cãi chỉ vì những sơ suất của một bản dịch.

Cả nước đang chờ đợi một Đại Tạng Kinh Việt Ngữ, và công trình phiên dịch của giáo hội chắc chắn đang để lại một dấu ấn rất lớn trên dòng lịch sử của Phật Giáo Việt Nam.

 

GHI CHÚ:

Xem thêm ở: http://en.wikipedia.org/wiki/Translation

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/07/2012(Xem: 102963)
20/05/2010(Xem: 55242)
06/09/2013(Xem: 15890)
14/05/2010(Xem: 61510)
10/10/2014(Xem: 43170)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.