Nghiên cứu về cơ sở hình thành & quá trình phát triển của bản kinh Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng

15/11/20143:19 SA(Xem: 10941)
Nghiên cứu về cơ sở hình thành & quá trình phát triển của bản kinh Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng

NGHIÊN CỨU VỀ CƠ SỞ HÌNH THÀNH
& QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA BẢN KINH 
Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng

 Chúc Phú

phat thuyet dai bao phu mau an trong kinh, ban chu Nom
Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh, bản chữ Nôm

Đức Phật là bậc Thánh nhân đã được khẳng định về phương diện lịch sử1, những cống hiến cụ thể của Ngài trong nhiều lãnh vực, đã được nhân loại ở mọi thời kỳ ca ngợi và tôn vinh. Chính vì vậy, một trong mười hiệu của Đức Phật được gọi là Thế Tôn2: Bậc tôn quý nhất trong thế giới. Đây là tín niệm xuất hiện rất sớm khi Phật còn tại thế và được nhiều truyền thống Phật giáo công nhận mãi đến hôm nay.

Tuy nhiên, khi Đấng Tối Tôn thể hiện sự cung kính của Ngài đối với một đống xương vô định nằm bên vệ đường, được ghi lại trong kinh Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng, đã mở ra những quan ngại sâu sắc về mức độ khả tín của bản kinh này. Chuyên khảo sau đây cố gắng làm sáng tỏ cơ sở hình thành, tầm mức ảnh hưởnggiải pháp ứng xử đối với bản kinh nêu trên.

Khái lược lịch sử về một số truyền bản

Sau quá trình khảo sát nghiêm túc về các bộ Đại tạng kinh Hán ngữ hiện có3, chúng tôi đã không phát hiện toàn văn của bản kinh Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng. Đây là dấu hiệu sơ khởi cho thấy các nhà biên tập Đại tạng kinh đã có một sự thẩm sát đúng mực, khi không đưa bản kinh này vào Đại tạng kinh. Tuy nhiên, khảo sát cũng phát hiện nhiều truyền bản đặc thù của bản kinh Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng, hoặc có cùng nội dung nhưng khác biệt về tên gọi.

* Bản tiếng Việt: Kinh Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng được nhiều bậc tôn túc dịch ra tiếng Việt. Đơn cử như bản dịch của ngài Thích Huệ Đăng (1962); Hòa thượng Thích Huyền Tôn (1965); Hòa thượng Trí Quang (1994); Nhựt Chiếu… Trong bản kinh này, ngoài phần duyên khởi ghi lại sự kiện Đức Phật lạy đống xương khô, bản kinh còn nêu ra sự phân biệt giữa xương đàn ông và phụ nữ. Đặc biệt, bản kinh đã đề cập đến mười công ơn của cha mẹ và phương thức báo hiếu của con cái. Phần cuối, bản kinh tán thán công đức việc in ấn, quảng bá, và mô tả các dạng thức địa ngục mà kẻ bất hiếu phải trải qua.

blank
Đại Báo Phụ Mẫu trong Kinh bản nhà Nguyễn

* Bản nhà Nguyễn: Trong thư viện chùa Thắng Nghiêm, Khúc Thủy, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, hiện còn bảo lưu bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh nguyên tác bằng chữ Hán. Bản chúng tôi hiện có là ảnh chụp lại từ bản kinh này. Bản kinh được trùng khắc vào ngày rằm tháng Bảy, năm Thiệu Trị thứ bảy (1847). Trang đầu bản kinh cho thấy, tàng bản tại chùa Càn An, trại Nam Đồng, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Gọi tắt là bản nhà Nguyễn.

* Bản Trịnh-Nguyễn: Chúng tôi may mắn được Tiến sĩ Trần Trọng Dương, thuộc Viện nghiên cứu Hán Nôm tặng bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh bằng chữ Hán có kèm theo bản chú âm chữ Nôm. Theo Tiến sĩ Hoàng Thị Ngọ, nguồn gốc của bản kinh này vốn của Giáo sư Demieville (1894-1979), hiện được lưu giữ tại Hội nghiên cứu Á Châu ở địa chỉ: 52 Rue du Cardinal Lemoine, 75005, Paris, với ký hiệu PD 2350. Văn bản gốc này đã được ông Tạ Trọng Hiệp bồi dán, sao chụp và mang về tặng giới Hán Nôm trong nước năm 1979. Bản kinh này do Tuyên Quận Công Trịnh Quán, con của Hoằng Tổ Dương Vương Trịnh Tạc, cho in lại vào đầu thế kỷ XVIII4. Bản kinh này xin được gọi tắt là bản Trịnh-Nguyễn.

* Bản tại Đài Loan: Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Shingen Fukuhara5, thì trong khoảng mười năm trở lại đây (năm 2003), tại Đài Loan đã tổ chức ấn hành rộng rãi bản kinh này. Bản chúng tôi hiện có mang tựa đề: Phật thuyết phụ mẫu ân trọng nan báo kinh, do Quang Minh sơn Phổ Giác Thiền sư Hoằng Pháp Bộ ấn hành vào năm 2010. Bản kinh được biên dịch sang tiếng Hoa giản thế và cả tiếng Anh song song. Điều đáng quan tâm là, bản kinh này đã mạnh dạn sáng tạo nhiều hình ảnh minh họa sống động.

* Bản tại Hàn Quốc: Theo nghiên cứu của Trần Minh Quang6, có nhiều bản kinh được lưu giữ tại Hàn Quốc cùng mang tên Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Bản tại Song Khê tự, in năm Khang Hi thứ hai mươi (1681); bản tại Thiên Bảo sơn Phật Nham tự, in vào năm Khang Hi hai mươi sáu (1687); bản tại Hoa Sơn Long Châu tự, in vào năm Gia Khánh nguyên niên (1796).

* Bản tại hang động Đại Túc: Đại Túc là một quần thể hang động ở Trung Quốc, chứa đựng trên 50.000 bức tượng, điêu khắc và minh văn của nhiều tôn giáo, trong đó có Phật giáo. Quần thể hang động này do một vị cao tăng thời Nam Tống (1127-1279) tên là Triệu Trí Phượng tổ chức kiến tạo. Trong hang động thứ 15, đã thể hiện tác phẩm Phụ mẫu ân trọng kinh biến kinh văn kệ tụng7. Ngài bản minh văn khắc trên đá này còn kèm theo những hình ảnh điêu khắc về mười ân của cha mẹ. Gọi tắt là bản Đại Túc.

* Bản biSơn Đông: Khắc trên đá, mang tên: (khuyết 1 chữ) ân trọng kinh. Trong bản văn thì ghi là: Báo phụ mẫu ân (khuyết 1 chữ) kinh. Bản này được khắc vào năm Càn Hữu thứ ba (950). Bản rập của văn bia này hiện đang lưu tại Đại học Bắc Kinh, Mâu thuyên tôn nghệ phong đường, mang số hiệu 21487. Ngoài ra,  tại Sơn Đông còn có một bản bia ký mang tên Phật thuyết báo phụ mẫu ân trọng kinh,  khắc in vào thời Bắc Tống, năm Hi Ninh thứ ba (1070).  Bản rập của văn bia này hiện đang lưu tại Đại học Bắc Kinh, Mâu thuyên tôn nghệ phong đường, mang số hiệu 214888.

tap 132, Don hoang bao tang
bản Đôn Hoàng.

* Bản chép tay Đôn Hoàng: Bản này hiện được bảo lưu tại Đôn Hoàng Bảo Tạng, tập 132, từ phần cuối trang 145 đến đầu trang 1499. Theo nghiên cứu của tác giả Hồ Văn Hòa10, bản kinh chép tay này xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ X, cuối thời kỳ Ngũ Đại, đầu giai đoạn Bắc Tống. Bản kinh cũng đề cập đến mười ân của cha mẹ, cách thức báo đáp của hiếu tửmô tả khổ cảnh địa ngục. Một trong những điểm đặc thù của bản kinh chép tay này, đó là phần duyên khởi không đề cập đến câu chuyện Đức Phật lạy đống xương khô11. Gọi tắt là bản Đôn Hoàng.

* Bản Phụ mẫu ân đức tán văn: Bản này hiện được bảo lưu tại Đại tạng kinh Đại chính tân tu, tập 47, số 1983, nằm trong tác phẩm Tịnh độ ngũ hội niệm Phật lược pháp sự nghi tán, do Sa-môn Pháp Chiếu soạn vào niên hiệu Đại Lịch (766-779)12. Bài tán văn bao gồm 72 câu, thể hiện dưới dạng thể thơ năm chữ, mô tả mười ân của cha mẹ từ khi hoài thai, đến khi mẹ trăm tuổi vẫn còn thương con tám mươi. Bản tán văn là một tác phẩm thơ ca mang phong cách thơ Đường. Cuối bản văn là sự khuyến tu về Tịnh độ. Gọi tắt là bản Tán văn.

Qua 9 nguồn tư liệu liên quan đến bản kinh Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng đã cho thấy, hiếu đạo là một trong những nội dung quan trọng được quan tâmthể hiện trong nhiều cách thức khác nhau. Trong những truyền bản vừa nêu, đã có sự kế thừaảnh hưởng qua lại, về tư tưởng, hình ảnh và cả ngôn ngữ.

Đối khảo giữa các truyền bản và thực chất nội dung bản kinh

* Giữa bản nhà Nguyễn và các bản Việt dịch

 Kinh Báo ân cha mẹ do Hòa thượng Thích Huyền Tôn dịch rất sát với bản nhà Nguyễn, từ phần Tiền phương tiện, nội dung chính cho đến phần hồi hướng. Bản của ngài Thích Huệ Đăng về cơ bản vẫn y cứ vào bản nhà Nguyễn. Hòa thượng Trí Quang cũng dịch bản kinh này với tên gọi kinh Báo ân cha mẹ, được chỉnh lý nhiều chỗ. Ngoài ra, cư sĩ Nguyên Thuận dịch là Phật thuyết kinh cha mẹ ơn trọng khó báo đáp; Tuệ Đăng - Nguyễn Minh Tiến dịch là Báo đáp công ơn cha mẹ; Thích Đạo Quang dịch là Kinh Phật nói về ân nặng của cha mẹ khó báo đáp… Những dịch phẩm này tuy có khác biệt đôi chút, nhưng cùng chuyên chở nội dung như bản nhà Nguyễn.

* Giữa bản nhà Nguyễn và bản Trịnh-Nguyễn

Theo khảo sát, bản nhà Nguyễn được in lại dựa trên nội dung của một bản gốc tương tự như bản Trịnh-Nguyễn, có gần 30 điểm khác biệt về cách sử dụng chữ, câu, và trật tự các phân đoạn giữa hai bản này. Đặc biệt, bản Trịnh-Nguyễn có 19 hình minh họa, bao gồm 10 hình minh họa về 10 công ơn cha mẹ và 9 hình minh họa tương ứng với các sự kiện được đề cập trong kinh. Riêng về 10 hình minh họa công ơn cha mẹ của bản Trịnh-Nguyễn, rất giống với 10 hình minh họa (còn gọi là Biến tướng đồ) của bản Hàn Quốc, tàng tại Thiên Bảo sơn Phật Nham tự, in vào năm Khang Hi hai mươi sáu (1687)13. Phải chăng bản Trịnh-Nguyễn và bản Hàn Quốc có chung một liên hệ nguồn cội? Trong khi đó, bản nhà Nguyễn không có những hình minh họa này.

Ở phần sau của bản nhà Nguyễn và bản Trịnh-Nguyễn, đều đính kèm một bản kinh mang tên Phật thuyết báo phụ mẫu ân trọng kinh. Bản kinh này đã được học giới xác định là ngụy kinh, hiện thu lục vào Đại tạng kinh Đại chính tân tu, tập 85, mang số 2887, mục Nghi tợ bộ với tên gọi: Phật thuyết phụ mẫu ân trọng kinh14. Ngay từ rất sớm, bản Phật thuyết phụ mẫu ân trọng kinh này đã được Sa-môn Minh Thuyên xác định là một bản ngụy kinh vào năm 695 thời nhà Đường15.

Qua đối khảo đã xác định rằng, bản kinh Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng có mặt tại Việt Nam rất sớm và mang tính ổn định về phương diện văn bản. Để tiện việc so sánh với những bản chữ Hán khác, chúng tôi tạm gọi bản nhà Nguyễn và bản Trịnh-Nguyễn thành tên gọi chung là bản Phật thuyết.

* Cơ sở hình thành bản Phật thuyết

Bản Phật thuyết có nguồn gốc từ Trung Quốc, tuy nhiên để xác định chính xác thời điểm hình thành và ai là tác giả thực sự của bản kinh là điều không dễ dàng. Về dịch giả Cưu Ma La Thập, có nhà nghiên cứu cho rằng do người sau thêm vào16. Bên cạnh đó, sau khi đối chiếu danh mục dịch phẩm của ngài Cưu Ma La Thập trong các bộ kinh lục, chúng tôi đã không phát hiện tác phẩm này. Cảm nhận bước đầu cho thấy, bản Phật thuyết được tập thành từ nhiều bản kinh liên quan đến hiếu đạo, trong Đại tạng kinh cũng như trong kho tàng văn hiến Phật giáo Trung Quốc.

Trước hết, việc mô tả mười ân của cha mẹ trong kinh Phật thuyết có nguồn gốc từ Phụ mẫu ân đức tán văn do Sa-môn Pháp Chiếu soạn. Sa-môn Pháp Chiếu được Đường Đại Tông (752-779) phong làm Quốc sư vào niên hiệu Đại Lịch năm thứ ba (768)17. Quốc sư là người đạo cao đức trọng, bản thân nhiều lần cơ cảm thấy các vị Bồ-tát, Thánh hiền. Sư sáng tác Tịnh Độ ngũ hội niệm Phật lược pháp sự nghi tán, hai quyển, bao gồm nhiều bài tán mà trong đó có Phụ mẫu ân đức tán văn. Phụ mẫu ân đức tán văn chính là bài văn tán thán mười công đức của cha mẹ từ khi hoài thai, sanh thành dưỡng dục, được trình bày nối tiếp trong 72 câu thơ.

Mở đầu, Tán văn viết:

累劫有因緣.

今來託母胎.

月餘生五胞.

七七六情開18

Trong khi đó, ở ân thứ nhất, bản Phật thuyết chép:

累劫因緣重.

今來託母胎.

月逾生五臟.

七七六精開

Trong một khổ thơ gồm 20 chữ, nhưng chỉ thay bốn chữ 有, 餘, 胞, 情 bằng bốn chữ 重, 逾, 臟, 精 và giữ nguyên vần, điệu, thì xem như được sao chép trọn vẹn. Các khổ thơ sau giữa bản Tán văn và bản Phật thuyết cũng trong tình trạng tương tự như vậy.

Mười ân này cũng được phát hiện trong bản chép tay Đôn Hoàng và bản Đại Túc. Bản chép tay Đôn Hoàng thì chỉ đề cập tên của mười ân. Trong khi đó bản Đại Túc vừa nêu tên của mười ân, nhưng dưới mỗi ân có khi được khắc bài tán Khuyến hiếu văn của Thiền sư Từ Giác19; đôi lúc lại khắc bài Tán văn của Quốc sư Pháp Chiếu20. Điều đó cho thấy mười ân trong bản kinh Phật thuyết được định hình từ nhiều nguồn.

Thứ hai, vấn đề phân biệt xương cốt của nam nữ được mô tả rất rõ trong bản kinh Phụ mẫu ân trọng thai cốt. Chúng tôi hiện có một bản biệt hành của kinh này. Ngoài ra, theo Tiến sĩ Shingen Fukuhara thì bản kinh Phụ mẫu ân trọng thai cốt hiện tồn tại ở Hàn Quốc, được khắc in vào năm Hồng Vũ thứ 11 (1378)21.

Thứ ba, việc mô tả quá trình hình thành và phát triển của thai nhi, được đề cập đầy đủ nhất trong kinh Đại Bảo Tích, quyển 55, Phật vị A Nan thuyết xử thai hội, đệ thập tam22. Bản kinh Đại Bảo Tích mô tả chi tiết quá trình hình thành, phát triển của thai nhi từ tuần thứ nhất đến tuần thứ ba mươi tám của thai kỳ, và đặc tả những nỗi khổ của người mẹ khi hoài thai cũng như thời điểm sinh con. Xét về niên đại lịch sử, kinh Đại Bảo Tích được ngài Bồ Đề Lưu Chi (562-727) cùng những người khác dịch và tập thành vào thời nhà Đường. Bản kinh Đại Bảo Tích này là một cơ sở lý luận quan trọng, nhằm lý giải về quá trình sinh trưởng của một con người, theo quan điểm Phật giáo. Qua xem xét nội dung cho thấy, bản Phật thuyết thừa kế không trọn vẹn kinh Đại Bảo Tích.

Từ ba điểm phân tích nêu trên đã minh chứng rằng, bản kinh Phật thuyết được tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Ở đây, chỉ xét riêng bài Tán văn của Quốc sư Pháp Chiếu, được biên trước thành mười ân trong bản kinh Phật thuyết nổi tiếng này, đã đủ cơ sở để khẳng định rằng, đây là một bản kinh được trước tác tại Trung Quốc. Nói theo chuyên ngữ Phật học, thì kinh Phật thuyết chính là một bản ngụy kinh.

Vài nét về ngụy kinh và thử lý giải tại sao bản ngụy kinh Phật thuyết
được lưu hành lâu dài
và sâu rộng?

Vài nét về ngụy kinh

Thời ngài Đạo An (314-385), mặc dù số lượng kinh điển được phiên dịch chưa nhiều, thế nhưng những tác phẩm kinh điển nghi ngờ cũng là một vấn đề nan giải, được ngài quan tâm, theo sát. Theo thống kê của ngài Đạo An trong Tổng lý chúng kinh mục lục, đến thời ngài, đã có 30 quyển kinh điển mang dấu hiệu nghi ngờ nằm trong 26 bộ23.

Thậm chí ngay từ thời Lương Võ Đế (464-549), vấn đề chế tác kinh điển Phật giáo đã là một thực trạng đáng báo động, được chính thức ghi nhận trong bản văn sám hối hiện khá phổ biến tại Việt Nam: Từ bi tam muội Thủy sám24. Vào thời nhà Đường, ngài Trí Thăng (658-740) đã soạn bộ kinh lục mang tên Khai nguyên thích giáo lục, gồm 20 quyển. Theo thống kê từ bộ kinh lục này, số lượng kinh điển nghi hoặcngụy vọng rất lớn, bao gồm 1.074 quyển, nằm trong 406 bộ25.

Ở đây, nguyên do vì sao để phát sinh một lượng lớn kinh điển nghi hoặcngụy vọng (chữ dùng trong Khai nguyên thích giáo lục) xuất hiện? Theo chúng tôi, kinh điển nghi, ngụy sở dĩ xuất hiện từ những lý do sau.

Thứ nhất, người xưa không phân định rạch ròi, giữa kinh, luật và luận. Đơn cử như Sa-di thập giới kinh, vốn là một tác phẩm về luật, nhưng đưa vào Tạp kinh lục trong Xuất Tam tạng ký tập26. Có những trước tác của người sau, nhưng do vô tình hay cố ý nên vẫn được xếp vào kinh.

Thứ hai, một vài trước tác kinh điển liên quan đến sự tác động của vua chúa. Đây là trường hợp của Võ Tắc Thiên khi chỉ đạo trước tác kinh Đại Vân vào niên hiệu Thiên Thọ năm thứ hai (691)27. Đó  cũng là trường hợp của Cao vương Quan Thế Âm kinh28, liên quan đến Cao Hoan, con thứ hai của Văn Tuyên Đế29.

Thứ ba, kinh điển của các tôn giáo khác đôi khi xen lẫn vào, do sơ suất hay có chủ ý. Đây cũng là trường hợp sai lầm của Phí Trường Phòng trong tác phẩm Lịch đại Tam bảo ký30, về bộ luận Tăng khư (僧佉論)31, một luận thư của triết phái Số luận (Samkhya), được ngài Trí Thăng chỉ ra trong tác phẩm Khai nguyên thích giáo lục32. Đó cũng là trường hợp cúng rượu, thịt mang ảnh hưởng nghi lễ của các tôn giáo khác, xuất hiện trong bản kinh La-phược-noa thuyết cứu liệu tiểu nhi tật bệnh33,

Thứ tư, trước tác kinh điển nhằm bản địa hóa Phật giáo. Tư tưởng của Phật giáo tuy có những điểm chung mang tính toàn nhân loại, nhưng vẫn có những giá trị riêng có, đặc thù. Hai trong những quan điểm tạo nên sự xung đột âm ỉ và lâu dài giữa Phật giáo đối với hệ tư tưởng bản địa Trung Quốc, đó là vấn đề HiếuKính.

Chỉ xét riêng vấn đề thể hiện sự cung kính đối với quân vương, đã tạo nên một cuộc tranh luận lớn giữa Phật giáođại diện chính quyền phong kiến Trung Quốc trong một thời gian dài, mà toàn bộ nội dung được thu lục thành một tác phẩm gồm sáu tập trong Đại tạng kinh, mang tên Tập Sa- môn bất ưng bái tục đẳng sự34. Riêng về vấn đề hiếu đạo, dẫu rằng Phật giáo vẫn xem hạnh hiếu là một trong những đức hạnh cao tột, tuy nhiên cách thức báo hiếu của Phật giáo có những chuẩn mực khác hẳn Nho gia. Do vậy, sự ra đời của bản kinh Phật thuyết, dường như là một nỗ lực mang tính chủ kiến của giới sĩ phu, nhằm tác động về hai chuẩn mực đạo đức HiếuKính theo khuôn mẫu Nho gia Trung Quốc. Theo Hajime Nakamura, bản kinh này được soạn thảo tại Trung Quốc nhằm tùy thuận quy chuẩn hiếu hạnh của Nho giáo35. Với Giáo sư Shimizu Masaaki, thì bản kinh này khá phổ biến trong những quốc gia chịu sự ảnh hưởng của Nho giáo36.

Nếu tạm ước định kinh điển Phật giáo chính thức có mặt tại Trung Quốc vào những năm đầu thế kỷ, thì chỉ với khoảng thời gian tám trăm năm, nhưng đã có một lượng lớn kinh điển ngụy tạo xuất hiện như bản thống kê của ngài Trí Thăng đã chỉ ra. Đây quả là một thách thức, một trở lực không nhỏ, trong việc bảo toàn tính chân thực của kinh điển Phật giáo. Và cũng từ đây, đã phần nào hé lộ chủ kiến của giới sĩ phu, hoặc thậm chí là chủ ý của triều đình phong kiến Trung Quốc, trong việc quảng bá nhiều bản ngụy kinh ra những nước có sử dụng ngôn ngữ chữ Hán, trong đó có cả Việt Nam.

Thử lý giải nguyên nhân bản kinh Phật thuyết được quảng bố ở Việt Nam

Trước hết, về vấn đề niên đại. Bản nhà Nguyễn được xác định in vào năm 1847, bản Trịnh-Nguyễn in vào đầu thế kỷ XVIII37. Riêng đối với bản Trịnh-Nguyễn, Giáo sư Shimizu Masaaki thuộc Đại học Osaka, Nhật Bản, sau khi tham khảo công trình nghiên cứu của Giáo sư Ogawa, cũng như đối chiếu về vấn đề chữ húy kỵ, cấu trúc của tác phẩm, so sánh các hình ảnh minh họa giữa ba bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh của Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam; đã đi đến kết luận, bản Trịnh-Nguyễn được in trước thế kỷ XV38. Gần đây, Tiến sĩ Trần Trọng Dương sau những phân tích, đối chiếu chuyên sâu về phương diện ngữ âm học lịch sử, đã nhận định rằng: dịch phẩm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh có lẽ được thực hiện trước đời Trần, với độ lùi thời gian tối thiểu từ 2-3 thế kỷ39.

Như vậy, bản kinh Phật thuyết có nguồn gốc từ Trung Quốc, có niên đại xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng thời nhà Lý (1009-1225), muộn nhất là đầu thời nhà Minh (1368). Nhận định này dựa trên cơ sở những công trình nghiên cứu từ bản chép tay Đôn Hoàng, bản Đại Túc, bản Hàn Quốc, bản Phật thuyết, niên đại của Thiền sư Viên Thái và thời điểm nhà Minh xâm lược nước ta.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Ứng Thiên thứ 14 (1007), vua Lê Long Đỉnh đã sai em mình là Minh Xưởng và Chưởng thư kýHoàng Thành Nhã sang Tống xin kinh Đại tạng. Năm Cảnh Thụy thứ 2 (1009), Minh Xưởng chính thức thỉnh kinh Đại tạng đem về40. Vào năm Thuận Thiên thứ 9 (1018), vua Lý Công Uẩn đã sai Viên ngoại lang Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Tống xin kinh Tam tạng41. Vào năm Thiên Thành Thứ 7 (1034), vua Tống lại ban kinh Đại tạng42. Như vậy, sự giao lưu kinh điển giữa Việt NamTrung Quốc đã có sự khởi đầu từ rất sớm. Đây là ba cột mốc niên đại quan trọng, đánh dấu sự mở đầu và quá trình tác động lâu dài của hệ thống kinh văn chữ Hán đối với đất nước Việt Nam, trong đó có cả bản kinh Phật thuyết.

Ở đây, sở dĩ bản kinh Phật thuyết xuất hiệnlưu hành rộng rãi tại Việt Nam, theo chúng tôi là do hội tụ những yếu tố sau.

Thứ nhất, bản Phật thuyết được gắn với tên tuổi của một bậc dịch giả nổi tiếngngài Cưu Ma La Thập. Đây là một cách thức gán ép tên tuổi có sự cân nhắc và toan tính. Vì lẽ, tên của ngài Cưu Ma La Thập đã gắn liền với nhiều dịch phẩm kinh điển quen thuộc, đã đi vào lòng người Việt Nam như kinh A Di Đà, kinh Duy Ma Cật, kinh Pháp hoa… Do đó, khi thấy kinh Phật thuyết do ngài Cưu Ma La Thập dịch, thì dễ dàng tạo nên một sự tin tưởng tuyệt đối, đối với nhiều giới và nhiều người.

Thứ hai, bản kinh Phật thuyết áp dụng một kỹ thuật quảng bố, khuếch trương mang tính kinh điển. Theo kinh Phật thuyết, nếu ai muốn báo đáp công ơn cha mẹ thì phải in ấn và quảng bố kinh này. Không những thế, kinh Phật thuyết còn đặc biệt nhấn mạnh, nếu như ai phát tâm in một cuốn kinh thì sẽ thấy được một vị Phật, in mười ngàn cuốn kinh thì sẽ thấy được mười ngàn Đức Phật. Mãi đến ngày hôm nay, kỹ thuật quảng bố này vẫn còn tác dụng, không những tại Việt Nam mà còn ở những quốc giasử dụng ngôn ngữ chữ Hán.

Thứ ba, chính sách đồng hóa của nhà Minh. Năm 1385, nhà Minh yêu cầu nhà Trần cung cấp 20 Tăng nhân43, năm 1395, nhà Minh yêu cầu cung cấp thêm một lần nữa44, và sau đó trao trả toàn bộ số Tăng nhân này về nước vào năm 140345. Từ năm Giáp Ngọ (1414) nhà Minh bắt đầu chính sách cai trị nước ta, cấm con trai, con gái không được cắt tóc, phụ nữ mặc áo ngắn, quần dài, đồng hóa theo phong tục phương Bắc46. Năm Mậu Tuất (1418), mùa thu tháng 7, nhà Minh sai Hành nhân Hạ Thanh, Tiến sĩ Hạ Thì sang thu lấy các loại kinh sách ghi chép về sự tích xưa nay của nước ta47. Năm Kỷ Hợi (1419), nhà Minh sai Giám sinh Đường Nghĩa sang ban các sách Ngũ kinh, Tứ thư, Tính lý Đại toàn, Vi thiện âm chất, Hiếu thuận sự thực, cho Nho học các phủ châu, huyện. Sai Tăng học truyền giảng kinh Phật tại Tăng Đạo ty48.  Có một sự kiện đáng chú ý ở thời kỳ này, đó là Thiền sư Viên Thái (1400-1460?) đã dịch Đại báo phụ mẫu ân trọng kinhPhật thuyết báo phụ mẫu ân trọng kinh49. Điều này xác định, hai bản kinh vừa nêu đã xuất hiện tại nước ta trong thời kỳ nhà Minh.

Ngoài ba lý do để bản kinh Phật thuyết được quảng bố và lưu hành rộng rãi vừa nêu, thì sự đồng tình và ủng hộ của chính quyền phong kiến ở mọi thời kỳ, là một trong những yếu tố quan trọng, nhằm đảm bảo tính ổn định của văn bản, dù được sao chép và in ấn trong nhiều giai đoạn khác nhau.

Nhận định và khuyến nghị

Khách quan mà nhìn nhận, bản kinh Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng đạt đến sự thành công nhất định trong việc đề cao hiếu đạo. Do mang ảnh hưởng của dòng văn học Biến văn50, nên bản kinh này đã tạo ra một sự sự rung cảm sâu sắc, lay động lòng người. Đây là một trong những thành công của dòng văn học Biến văn Trung Quốc, đã góp phần làm nên nhiều tác phẩm văn hiến của Phật giáo, trong đó có cả bản kinh Phật thuyết.

Mặc dù đã hình thành và tồn tại trên 500 năm, thế nhưng thực chất bản kinh Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng là một bản kinh được ngụy tạo tại Trung Quốc. Đây là một sự thực mà chúng tôi đã chỉ ra trong những phân tích và đối khảo ở trên. Dẫu rằng bản kinh này đã quen thuộc với Phật tử Việt Nam, nhưng một khi đã xác định, đó không phải là kinh văn do Đức Phật thuyết; thì các cấp lãnh đạo Phật giáo Việt Nam cần phải thẩm sát, và đưa ra những giải pháp tháo gỡ phù hợp về bản kinh ngụy tạo này.

Thực sự, ngay từ thời nhà Minh, một trong những đại diện tiêu biểu của Phật giáo Trung Quốc là ngài Liên Trì (1535-1615), đã phát hiện điều này và thể hiện trong tác phẩm Trúc song tùy bút51. Ở đây, chúng tôi xin được mượn lời của ngài thay cho lời kết của chuyên khảo.

Có hai kinh ngụy đề là Phụ mẫu ân trọng kinh, trong đó không hoàn toàn giống nhau nhưng đều giả danh các vị dịch sư thời xưa. Hai người bạn ta, mỗi người khắc ván in một kinh. Hai bạn đó đều là các bậc hiền sĩ, trung hiếu thuần chính, thấy các sách nay khuyến hiếu mà chẳng xét đến tính chất ngụy tạo của chúng. Có người nói: “Chỉ lấy nội dung đủ để khuyến hiếu của các sách đó mà thôi, dường như chẳng cần phân biệt chúng là thật hay giả”. Ta nói: “Ông chỉ biết đến một cái lợi mà chẳng biết đến hai cái hại. Một cái lợi thì đúng như ông nói, khuyên người ta thực hành hiếu đạo, há chẳng phải là việc tốt sao? Cho nên nói là một điều lợi. Còn hai cái hại là những gì? Một là những người vốn chẳng tin Phật, thấy các sách đó thì càng thêm phỉ báng: “Lời Phật thô kệch, quê mùa như vậy, đã biết các kinh khác thế nào”. Rồi coi chúng ngang với các pháp bảo vô thượng rất sâu trong Đại tạng. Làm cho tội lỗi của họ càng nặng. Đó là một cái hại. Hai là người vốn tin Phật chỉ có tín tâm, chưa từng đọc rộng nội điển, thấy những lời lẽ thô kệch, quê mùa đó, cũng lại sinh ra nghi ngờ, vì vậy mà cho rằng những kẻ báng Phật chưa hẳn là sai trái, do đó đã khuấy động hoặc chướng đối với họ. Đó là hai. Thế là hại nhiều mà lợi ít. Huống hồ khuyến hiếu tự có Đại phương tiện báo ân kinh cùng Vu lan kinh, biết bao nhiêu thứ thật sự do Phật thuyết lưu thôngthế gian, cần gì phải dùng thứ ngụy tạo đó!52.

 

 

 

(1) Xem, Schumann, Đức Phật lịch sử, Trần Phương Lan, dịch, NXB. TP.HCM, 2000.

(2) 大正藏第 54 冊 No. 2131 翻譯名義集序. Nguyên văn:  天上人間所共尊故.

(3) Đại Chánh tạng, Gia Hưng tạng, Cao Ly tạng, Vạn tục tạng, Càn Long tạng, Kim tạng, Trung Hoa tạng...

(4) Hoàng Thị Ngọ. Nghiên cứu về chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Tóm tắt luận án Phó Tiến sỹ khoa học ngữ văn, chuyên ngành Hán Nôm, Hà Nội, 1996, tr. 21.

(5) 福原信玄, 關於 (佛説父母恩重難報經).

(6) 陳明光, 大足石刻 (報父母恩德經變) , 宣考與辯正-寶頂山 (報德經變) 軌範探本窮源. 法鼓佛學學報第一期, 頁 201.(民國九十六年),臺北:法鼓佛教研修學院.

(7) 藏外佛教文獻第 04 冊 No. 0036 父母恩重經變經文偈頌.

(8) 陳明光, 大足石刻 (報父母恩德經變) , 宣考與辯正-寶頂山 (報德經變) 軌範探本窮源. 法鼓佛學學報第一期, 頁 201. (民國九十六年),臺北:法鼓佛教研修學院.

(9) 黃永武 主 編. 敦煌寶藏, 第132冊, 號 九一九三伯, 佛說父母恩重經, 台北市, 新文豐出版社, 1986, 145-149頁.

(10) 胡文和, 對大足寶頂《父母恩重經變》重新研究, 中華佛學學報第15期 (p124-126): (民國91年), 臺北: 中華佛學研究所.

(11) 黃永武 主 編. 敦煌寶藏, 第132冊, 號 九一九三伯, 佛說父母恩重經, 台北市, 新文豐出版社, 1986, 145頁. Nguyên văn: 佛說父母恩重經.  如是我聞: 一時佛在王舍城伊沙崛山中, 與諸比丘眾二萬八千人, 俱及諸菩薩, 無量無邊八部四眾, 圍繞世尊. 時有聖者, 名曰阿難, 問於如來, 父母恩德. 彼諸菩薩. 咸共贊言: 善哉! 爾時如來, 告阿難曰: 諦聽, 諦聽, 父母恩德有其十種, 何等為十?

(12) 大正藏 第47 冊 No. 1983 淨土五會念佛略法事儀讚.

(13) 陳明光, 大足石刻 (報父母恩德經變) , 宣考與辯正-寶頂山 (報德經變) 軌範探本窮源. 法鼓佛學學報第一期, 頁. 192.(民國九十六年),臺北:法鼓佛教研修學院.

(14) 大正藏第 85 冊 No. 2887 父母恩重經.

(15) 大正藏第 55 冊 No. 2153 大周刊定眾經目錄, 卷第十五, 偽經目錄. Bản kinh lục này được thực hiện vào năm Thiên Sách Vạn Tuế nguyên niên, tức năm 695.

(16) 福原信玄, 關於 (佛説父母恩重難報經). Nguyên văn xem tại:  http://www.fureai.or.jp/~fuku/sakuhin/all.htm.

(17) 大正藏第 49 冊 No. 2035 佛祖統紀, 卷第四十一.

(18) 大正新脩大藏經第 47 冊 No. 1983 淨土五會念佛略法事儀讚末, 父母恩重讚文.

(19) 藏外佛教文獻第 04 冊 No. 0036 父母恩重經變經文偈頌. Nguyên văn: 古佛未生前, 疑然一相圓, 釋迦猶 (thiếu một chữ) 會, 迦葉豈能傳. Đây là câu nằm trong tác phẩm Khuyến hiếu văn của Thiền sư Từ Giác, nhưng được Triệu Trí Phượng cho khắc ở mục đầu tiên, Đầu Phật kỳ cầu tự tức, tại hang thứ 15 của Bảo Đảnh Sơn, thuộc quần thể hang động Đại Túc.

(20) 藏外佛教文獻第 04 冊 No. 0036 父母恩重經變經文偈頌. Nguyên văn: 究竟憐憫恩: 百歲惟憂八十兒, 不捨作鬼也憂之. So với nguyên tác Tán văn thì có khác biệt một vài chữ.

(21) 福原信玄, 關於 (佛説父母恩重難報經). Nguyên văn xem tại:  http://www.fureai.or.jp/~fuku/sakuhin/all.htm

(22) 大正藏第 11 冊 No. 0310 大寶積經, 卷第五十五, 佛為阿難說處胎會第十三.

(23) 大正藏第 55 冊 No. 2145 出三藏記集, 卷第五, 新集安公疑經錄第二.

(24) 大正藏第 45 冊 No. 1910 慈悲水懺法, 卷下. Nguyên văn:  或邪解佛語僻說聖意. 非法說法. 法說非法. 非犯說犯. 犯說非犯. 輕罪說重. 重罪說輕. 或抄前著後. 抄後著前. 前後著中. 中著前後. 綺飾文詞安置己典. 或為利養名譽恭敬. 為人說法無道德心.  

(25) 大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第十八.

(26) 大正藏第 55 冊 No. 2145 出三藏記集, 卷第四.

(27)  牧田諦亮, 疑經研究-中國佛教中之真經與疑經-, 華崗佛學學報第04期 (p296):(民國74年),臺北: 中華學術院佛學研究所.

(28) 大正藏第 85 冊 No. 2898 高王觀世音經.

(29) 大正藏第 49 冊 No. 2037 釋氏稽古略, 卷二.

(30) 大正藏第 49 冊 No. 2034 歷代三寶紀, 卷第十三, 大乘阿毘曇有譯錄第五.

(31) Bộ luận này cũng còn gọi là luận Tăng-già (僧伽論),  luận Kim thất thập, do ngài Chân Đế dịch. Xem, 大正藏第 54 冊 No. 2137 金七十論.

(32)大正藏 第55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第十.

(33) 大正藏 第二十一冊 No. 1330, 囉[口*縛]拏說救療小兒疾病經.

(34)    大正藏第 52 冊 No. 2108 集沙門不應拜俗等事.

(35) Hajime Nakamura, Indian Buddhism. Delhi: Motilal Banarsidass, 2007. p.227.

(36)  Shimizu Masaaki, A Phonological Reconstruction of the 15th Century Vietnamese Using Chữ Nôm 字喃 Materials, International Conference on Vietnamese and Taiwanese Studies National Cheng Kung University. Taiwan, Oct 16-17, 2010. p.2. Cf: This sutra is also quite popular among other countries under Confucian influenced.

(37) Hoàng Thị Ngọ, Nghiên cứu về chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Tóm tắt luận án Phó Tiến sỹ khoa học ngữ văn, chuyên ngành Hán Nôm, Hà Nội, 1996, tr.21.

(38) Shimizu Masaaki, “A Phonological Reconstruction of the 15th Century Vietnamese Using Chữ Nôm 字喃 Materials, International Conference on Vietnamese and Taiwanese Studies National Cheng Kung University, Taiwan, Oct 16-17, 2010. p.4.

(39) Trần Trọng Dương (2011), “Phật thuyết có phải là dịch phẩm Nôm của thế kỷ XII?”, tạp chí Ngôn ngữ, số 4 (263), tr.31-47.

(40) Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, tập 1, NXB. KHXH, Hà Nội, 2004, tr.241.

(41) Sđd, tr.255.

(42) Sđd, tr.270.

(43) Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, tập 2, NXB. KHXH, Hà Nội, 2004, tr.181

(44) Sđd, tr.201.

(45) Sđd, tr.221.

(46) Sđd, tr.252.

(47) Sđd, tr.258.

(48) Sđd, tr.259.

(49) Lê Mạnh Thát, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, tập 1, NXB.TP.HCM, 2001, tr.15.

(50) Đồng Văn, Biến văn Đôn Hoàng, NXB. Hồng Đức, 2013, tr. 269-270. Nguyên văn: Biến văn ban đầu là văn bản của Tục giảng, tên gọi của Biến văn ban đầu bắt nguồn từ việc Biến văn lấy đề tài là những câu chuyện thần thông biến hóa trong kinh Phật, về sau xuất hiện các chuyển biến dân gian mô phỏng Tục giảng, văn bản của loại này cũng có thể gọi là Biến văn. Đề tài của Biến văn mở rộng sang lãnh vực đời thường, nhưng vẫn giữ đặc điểm thần kỳ biến hóa. Về hình thức, chủ yếu là văn xuôi xen kẽ văn vần, có nhập vận sáo ngữ, thể hiện quan hệ mật thiết với tranh vẽ trong quá trình biểu diễn.

(51) 嘉興藏第 33 冊 No. B277 雲棲法彙(選錄)(第12卷-第25卷), 竹窗三筆, 偽造父母恩重經.

(52) Châu Hoằng Đại sư, Bút ký bên cửa trúc (Trúc song tùy bút), Thích Viên Thành dịch, NXB.Tôn Giáo, 2002, tr.348-349.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/07/2012(Xem: 102964)
20/05/2010(Xem: 55242)
06/09/2013(Xem: 15891)
14/05/2010(Xem: 61517)
10/10/2014(Xem: 43171)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.