09. Phẩm Nhập Pháp Môn Bất Nhị

07/06/201012:00 SA(Xem: 20264)
09. Phẩm Nhập Pháp Môn Bất Nhị

DUY-MA-CẬT SỞ THUYẾT KINH
Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch từ Phạn sang Hán
Tỳ Kheo Thích Duy Lực Dịch Từ Hán Sang Việt
Từ Ân Thiền Đường Santa Ana, Hoa Kỳ Xuất Bản 1991

 

Phẩm Nhập Pháp Môn Bất Nhị Thứ Chín 

Bấy giờ, Duy Ma Cật bảo các Bồ Tát rằng:
-Các nhơn giả! Bồ Tát làm sao nhập pháp môn bất nhị? Hãy tùy sở ngộ của mình mà nói ra.
Trong hội có Bồ Tát tên là Pháp Tự Tại nói:
-Các nhơn giả! Sanh diệt là nhị. Pháp vốn chẳng sanh, nay cũng chẳng diệt. Đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn này, gọi là nhập pháp môn bất nhị.
Đức Thủ Bồ Tát rằng:
-Ngã với sở là nhị. Vì có ngã mới có sở. Nếu chẳng có ngã thì chẳng ngã sở. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Bất Thuấn Bồ Tát rằng:
-Thọ với chẳng thọ là nhị. Nếu pháp chẳng thọ thì bất khả đắc, vì bất khả đắc nên vô thủ xả, vô tác, vô hành. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Đức Đảnh Bồ Tát rằng:
-Cấu với tịnh là nhị. Nếu thấy thật tánh của cấu, thì tướng chẳng tịnh, cũng là thuận theo tướng diệt. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Thiện Túc Bồ Tát rằng:
-Động với niệm là nhị. Bất động thì vô niệm, vô niệm thì chẳng phân biệt. Thông đạt lý này là nhập pháp môn bất nhị.
Thiên Nhãn Bồ Tát rằng:
-Nhất tướng vô tướng là nhị. Nếu biết nhất tướng tức là vô tướng, cũng chẳng chấp vô tướng, vào nơi bình đẳng. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Diệu Tý Bồ Tát rằng:
-Tâm Bồ Tát, tâm Thanh Văn là nhị. Kẻ quán tâm tướng vốn không, như huyễn hóa, thì chẳng có tâm Bồ Tát, tâm Thanh Văn. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.

Phất Sa Bồ Tát rằng:

-Thiện với bất thiện là nhị. Nếu chẳng khởi thiện, bất thiện thì vào nơi vô tướng. Kẻ thông đạt lý này là nhập pháp môn bất nhị.

Sư Tử Bồ Tát rằng:

-Tội với phước là nhị. Nếu thông đạt tánh tội, thì với tánh phước chẳng khác. Kẻ dùng trí huệ Kim Cang thấu liễu tướng này vốn chẳng trói mở. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.

Sư Tủ Ý Bồ Tát rằng:

-Hữu lậu vô lậu là nhị. Nếu chứng được các pháp bình đẳng thì chẳng khởi niệm lậuvô lậu, chẳng chấp nơi tướng, cũng chẳng trụ nơi vô tướng. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.

Tịnh Giải Bồ Tát rằng:

-Hữu vi vô vi là nhị. Nếu lìa tất cả số lượng, tâm như hư không, thì trí hụệ trong sạch, chẳng có chướng ngại. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.

Na La Diên Bồ Tát rằng:

-Thế gian xuất thế gian là nhị. Thế gian tánh không tức là xuất thế gian, ở trong đó chẳng nhập chẳng xuất, chẳng trào chẳng tan. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.

Thiện Ý Bồ Tát rằng:

-Sanh Tử Niết Bàn là nhị. Nếu thấy tánh sanh tử thì chẳng có sanh tử, chẳng trói chẳng mở. Vậy chẳng sanh tử cũng chẳng Niết Bàn. Kẻ hiểu như thế là nhập pháp môn bất nhị.

Hiện Kiến Bồ Tát rằng:

-Tận với bất tận là nhị. Pháp nếu cứu cánh, thì tận và bất tận đều là tướng vô tận. Tướng vô tận tức là không. Không thì chẳng có tướng tận và bất tận. Ngộ nhập như thế, là nhập pháp môn bất nhị.

Phổ Thủ Bồ Tát rằng:

-Ngã với vô ngã là nhị. Ngã còn bất khả đắc, phi ngã làm sao đắc. Kẻ thấy thật tánh của ngã thì chẳng khởi nhị pháp. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.

Điện Thiên Bồ Tát rằng:

-Minh với vô minh là nhị. Thật tánh của vô minh tức là minh. Minh cũng bất khả đắc, lìa tất cả số lượng. Ở trong đó bình đẳng chẳng khác. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.

Hỷ Kiến Bồ Tát rằng:

-Sắc với không là nhị. Sắc tức là không. Chẳng phải sắc diệt rồi mới không. Tánh sắc tự không. Thọ, tưởng, hành, thức cũng thế. Ngũ uẩn với không là nhị. Ngũ uẩn tức là không. Chẳng phải ngũ uẩn diệt rồi mới không. Tánh ngũ uẩn tự không. Thấu đạt lý này là nhập pháp môn bất nhị.

Minh Tướng Bồ Tát rằng:

-Tứ đại khác với không đại là nhị. Tánh tứ đại tức là tánh không đại. Như quá kứ, vị lai tánh không, thì hiện tại cũng không. Nếu biết thật tánh chư đại như thế, là nhập pháp môn bất nhị.

Diệu Ý Bồ Tát rằng:

-Nhãn với sắc là nhị. Nếu ngộ biết tánh nhãn, nơi sắc chẳng khởi tham sân si gọi là tịch diệt. Cũng thế, nhĩ - thanh, tỷ - hương, thiệt - vị, thân - xúc, ý - pháp là nhị. Nếu ngộ biết tánh lục căn, nơi lục trần chẳng khởi tham sân si gọi là tịch diệt. An trụ trong đó là nhập pháp môn bất nhị.

Vô Tận Ý Bồ Tát rằng:

-Bố thí với hồi hướng nhất thiết trí là nhị. Tánh bố thí tức là tánh hồi hướng nhất thiết trí. Cũng thế, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ với hồi hướng nhất thiết trí là nhị. Tánh của sáu Ba La Mật tức là tánh hồi hướng nhất thiết trí. Kẻ ở trong đó ngộ nhập nhất tướng là nhập pháp môn bất nhị.

Thâm Huệ Bồ Tát rằng:

-Không với Vô tướng, Vô tác là nhị. Không tức vô tướng, vô tướng tức vô tác. Ba cửa giải thoát này: không với vô tướng, vô tác nghĩa là vô tâm, ý, thức. Một cửa giải thoát tức ba cửa giải thoát. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.

Tịch Căn Bồ Tát rằng:

-Phật Pháp Tăng là nhị. Phật tức Pháp, Pháp tức Tăng. Tam bảo đều là tướng vô vi, bằng như hư không. Tất cả pháp cũng thế. Kẻ hành theo pháp này là nhập pháp môn bất nhị.

Tâm Vô Ngại Bồ Tát rằng:

-Thân với thân diệt là nhị. Thân tức là thân diệt. Tại sao? Kẻ thấy thật tướng của thân thì chẳng thấy có thân và thân diệt. Thân và thân diệt chẳng hai chẳng khác. Đối với pháp chẳng khác này chẳng khiếp sợ. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.

Thượng Thiện Bồ Tát rằng:

-Thân khẩu ý nghiệp là nhị. Tam nghiệp ấy đều là tướng vô tác. Vậy thân vô tác, tức khẩu vô tác. Khẩu vô tác, tức ý vô tác. Tướng vô tác của tam nghiệp này là tướng vô tác của tất cả pháp. Kẻ có trí huệ tùy thuận tướng vô tác như thế, là nhập pháp môn bất nhị.

Phước Điền Bồ Tát rằng:

-Phước hạnh, tội hạnh, bất động hạnh là nhị. Thật tánh của ba hạnh tức là tánh không. Tánh không thì chẳng phước hạnh, tội hạnhbất động hạnh. Vậy, chẳng sanh khởi ba hạnh là nhập pháp môn bất nhị.

Hoa Nghiêm Bồ Tát rằng:

-Do ngã khởi nhị là nhị. Kẻ thấy được thật tướng của ngã thì chẳng khởi nhị pháp. Chẳng trụ nơi nhị pháp thì chẳng có năng biết và sở biết. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.

Đức Tạng Bồ Tát rằng:

-Có tướng sở đắc là nhị. Nếu vô sở đắc thì chẳng thủ xả, cũng chẳng kẻ thủ xả. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.

Nguyệt Thượng Bồ Tát rằng:

-Tối với sáng là nhị. Chẳng tối chẳng sáng thì chẳng có nhị. Tại sao? Như nhập định Diệt Thọ Tưởng thì chẳng có tối sáng. Tất cả pháp tướng cũng thế. Kẻ nhập nơi bình đẳng là nhập pháp môn bất nhị.

Bảo Ấn Thủ Bồ Tát rằng:

-Ưa Niết Bàn, chán thế gian là nhị. Nếu chẳng ưa Niết Bàn, chẳn chán thế gian thì chẳng có nhị. Tại sao? Hễ có trói mới có mở. Nếu vố chẳng trói thì ai cần mở? chẳng trói chẳng mở, thì chẳng ưa chẳng chán. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.

Châu Đảnh Vương Bồ Tát rằng:

-Chánh đạo tà đạo là nhị. Kẻ trụ nơi chánh đạo thì chẳng nên phân biệt tà chánh. Lìa hai thứ này là nhập pháp môn bất nhị.

Lạc Thập Bồ Tát rằng:

-Thật với chẳng thật là nhị. Kẻ thấy thật tướng còn chẳng thấy có thật, huống là chẳng thật. Tại sao? Thật tường chẳng phải là sở thấy của nhục nhãn, có huệ nhãn mới thấy được. Mà huệ nhãn này thì chẳng có thấy với chẳng thấy. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.

Các Bồ Tát mỗi mỗi đã nói xong như trên, rồi hỏi Văn Thù: Thế nào là nhập pháp môn bất nhị của Bồ Tát?

Văn Thù đáp:

-Theo ý tôi, nơi tất cả pháp vô ngôn vô thuyết, vô thị vô thức, lìa nơi vấn đáp. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.

Khi đó Văn Thù hỏi Duy Ma Cật rằng:

-Chúng tôi mỗi mỗi đã tự nói xong. Nay đến lượt Nhơn giả nói: "Thế nào là nhập pháp môn bất nhị của Bồ Tát?"

Duy Ma Cật im lặng. Văn Thù tán thán rằng:

-Lành thay! Lành thay! Cho đến chẳng có văn tự, lời nói mới là chơn nhập pháp môn bất nhị.

Khi thuyết phẩm này rồi, ở trong chúng có năm ngàn vị Bồ Tát đều nhập pháp môn bất nhị, đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/07/2012(Xem: 102964)
20/05/2010(Xem: 55242)
06/09/2013(Xem: 15892)
14/05/2010(Xem: 61518)
10/10/2014(Xem: 43173)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.