11. Phẩm Hạnh Bồ Tát

07/06/201012:00 SA(Xem: 19619)
11. Phẩm Hạnh Bồ Tát

DUY-MA-CẬT SỞ THUYẾT KINH
Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch từ Phạn sang Hán
Tỳ Kheo Thích Duy Lực Dịch Từ Hán Sang Việt
Từ Ân Thiền Đường Santa Ana, Hoa Kỳ Xuất Bản 1991

 

Phẩm Hạnh Bồ Tát Thứ Mười Một 

Khi đó, Phật đang thuyết pháp nơi vườn Am La Thọ, vườn ấy bỗng nhiên rộng rãi trang nghiêm. Cả chúng trong hội đều hiện sắc vàng. A Nan bạch Phật rằng:

-Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà có điềm lành ứng hiện như thế?

Phật bảo A Nan:

-Ấy là Duy Ma CậtVăn Thù cùng đại chúng cung kính vây quanh, khởi ý muốn đến, nên báo hiệu điềm lành trước.

Lúc ấy Duy Ma Cật nói với Văn Thù rằng:

-Hãy cùng đi gặp Phật để các Bồ Tát được cúng dường lễ bái thỉnh pháp.

Văn Thù nói:

-Lành thay! Nay chính là lúc nên đi.

Duy Ma Cật liền dùng thần lực đem cả chúng cùng tòa sư tử để trên bàn tay phải, đến nơi Phật ở, rồi để xuống đất, đảnh lễ chân Phật, đi nhiễu theo hướng tay phải bảy vòng, nhất tâm hiệp chưởng đứng sang một bên. Các Bồ Tát, đại đệ tửThích Phạm Tứ Thiên Vương v.v... Cả thảy liền xuống tòa, đảng lễ chân Phật, cũng đi quanh bảy vòng rồi đứng sang một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn y theo lễ thường, hỏi thăm các Bồ Tát xong, bảo ngồi lại chỗ cũ. Cả chúng đều vâng lời. Khi đại chúng an tọa, Phật bảo Xá Lợi Phất:

-Ngươi có thấy thần lực tự tại của Bồ Tát đại sĩ làm đó chăng?

-Vâng! Con đã thấy.

-Ý ngươi thế nào?

-Bạch Thế Tôn! Con thấy những việc làm ấy bất khả tư nghì. Chẳng phải ý thức suy nghĩ có thể làm được.

Lúc ấy A Nan bạch Phật rằng:

-Thế Tôn! Nay con ngửi mùi hương xưa nay chưa từng có, là hương gì?

Phật bảo A Nan:

-Là mùi hương từ lỗ chân lông của Bồ Tát cõi kia.

Khi ấy, Xá Lợi Phất nói với A Nan rằng:

-Lỗ chân lông của chúng tôi cũng ra mùi hương này.

-Nan hỏi:

-Mùi hương này từ đâu đến?

Đáp:

-Đấy là trưởng giả Duy Ma Cật xin cơm thừa của Phật từ cõi Chúng Hương đem về. Đại chúng ăn nơi nhà Ngài, tất cả lỗ chân lông đều ra mùi huơng như thế.

Nan hỏi Duy Ma Cật:

-Mùi hương này giữ được bao lâu?

Đáp:

-Đến khi tiêu cơm.

Hỏi:

-Cơm này bao lâu mới tiêu?

Đáp:

-Thế lực của cơm này đến bảy ngày mới tiêu. Lại nữa, A Nan, nếu là Thanh Văn chưa vào chánh vị, ăn cơm này rồi, đến khi vào chánh vị mới tiêu. Người đã vào chánh vị, ăn cơm này rồi, đến khi tâm được giải thoát mới tiêu. Chưa phát tâm đại thừa, ăn cơm này rồi, đến khi phát tâm đại thừa cơm mới tiêu. Đã phát tâm đại thừa, ăn cơm này rồi, đến khi đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn mới tiêu. Đã đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, ăn cơm này rồi, đến khi được một đời kế vị Phật mới tiêu. Ví như có thuốc gọi là Thượng Vị, kẻ uống thuốc này, những độc trong thân diệt hết rồi mới tiêu. Cơm này cũng thế, khi diệt hết tất cả độc phiền não rồi mới tiêu.

A Nan bạch Phật rằng:

-Thế Tôn! Cơm hương này hay làm Phật sự như thế, thật chưa từng có.

Phật bảo:

-Đúng thế! Đúng thế! Đúng thế! A Nan. Có cõi Phật hoặc dùng ánh sáng của Phật mà làm Phật sự. Hoặc nhờ các Bồ Tátlàm Phật sự. Hoặc dùng người huyễn của Phật hóa ra mà làm Phật sự. Hoặc dùng quần áo, ngọa cụ của Phật mà làm Phật sự. Hoặc dùng cây Bồ Đềlàm Phật sự. Hoặc dùng cơm ăn mà làm Phật sự. Hoặc dùng vườn tược, lâu đài mà làm Phật sự. Hoặc dùng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẽ đẹp mà làm Phật sự. Hoặc nhờ thân Phật mà làm Phật sự. Hoặc dùng hư khônglàm Phật sự. Như thế, tùy sự nhân duyên cảm ứng của mọi chúng sanh đều được vào luật hạnh.

Hoặc dùng các thí dụ như mộng huyễn, bóng vang, tượng trong gương, trăng dưới nước, dương diệm v.v... mà làm Phật sự. Hoặc có cõi Phật trong sạch tịch lặng, chẳng nói năng, chẳng khai thị, vô thức vô tác, vô vilàm Phật sự.

Như thế, A Nan! Oai nghicử chỉ của chư Phật, phàm tất cả việc làm đều là Phật sự. A Nan! Vì có bốn loại ma và tám mươi bốn ngàn cửa phiền não khiến chúng sanh bị lao nhọc, nên chư Phật dùng những pháp này mà làm Phật sự. Ấy gọi là pháp môn Nhập Nhất Thiết Chư Phật. Bồ Tát nhập pháp môn này, thấy tất cả cõi Phật nghiêm tịnh chẳng cho là vui mừng, chẳng ham, chẳng khen. Thấy tất cả cõi Phật bất tịnh cũng chẳng lo buồn, chẳng ngại, chẳng chê. Đối với chư Phật sanh tâm trong sạch vì sự hoan hỉ cung kính chưa từng có. Công đức bình đẳng của chư Phật, vì giáo hóa chúng sanh nên thị hiện những cõi Phật như trên.

A Nan! Ngươi thấy quốc độ của chư Phật, đất đai có số lượng, chứ hư không thì chẳng có số lượng. Cũng thế, sắc thân của chư Phật có số lượng, chứ trí huệ vô ngại thì chẳng có số lượng. A Nan! Những sắc thân của chư Phật như oai tướng, chủng tánh, giới, định, huệ, giải thoát tri kiến, sức vô sở úy, pháp bất cộng, đại từ đại bi, oai nghi, sở hành và thọ mạng thuyết pháp giáo hóa thành tựu chúng sanh nghiêm tịnh cõi Phật, đầy đủ Phật pháp v.v... thảy đều chẳng khác. Nên gọi là Chánh Biến Tri, cũng gọi là Như Lai, cũng gọi là Đại Giác.

A Nan! Vô Thượng Bồ Đề của chư Phật, trí huệ biện tài bất khả tư nghì chẳng có hạn lượng. Nếu ta rộng thuyết nghĩa ba câu này, dù ngươi được thọ mạng bằng số kiếp cũng chẳng thể lãnh thọ hết. Dẫu cho tất cả chúng sanh trong đại thiên thế giới đều được đa văn bậc nhất như A Nan, đắc niệm tổng trì, những người đó thọ mạng bằng số kiếp cũng chẳng lãnh thọ hết.

A Nan bạch Phật rằng:

-Từ nay về sau, con chẳng dám tự cho là đa văn nữa.

Phật bảo A Nan:

-Chớ nên khởi tâm thối lui. Tại sao? Ta nói ngươi đa văn bậc nhất trong hàng Thanh Văn, chứ chẳng phải trong hàng Bồ Tát. Hãy thôi, A Nan! Người có trí chẳng nên so sánh với bậc Bồ Tát. Biển sâu, vực thẳm còn có thể đo lường, chứ thiền định, trí huệ, tổng trì biện tài, tất cả công đức của Bồ Tát thì chẳng thể lường được. A Nan! Các ngươi hãy bỏ qua sở hành của Bồ Tát, sức thần thông biến hóa trong nhất thời của Duy Ma Cật, tất cả hàng nhị thừa dầu trãi qua trăm nghìn kiếp tận sức biến hóa cũng chẳng làm được.

Bấy giờ, Bồ Tát cõi Chúng Hương chắp tay bạch Phật rằng:

-Thế Tôn! Chúng con khi mới thấy cõi này, sanh tâm cho là thấp kém, nay tự hối trách, lìa bỏ tư tưởng ấy. Tại sao? Phương tiện của chư Phật bất khả tư nghì. Vì độ chúng sanhtùy cơ ứng hiện cõi Phật chẳng đồng. Bạch Thế Tôn! Xin ban ít pháp cho chúng con, để khi trở về cõi kia được tưởng nhớ Như Lai.

Phật bảo các Bồ Tát:

-Có pháp môn Hữu tận, vô tận giải thoát các ngươi nên học.

Sao gọi là Hữu tận? Ấy là pháp Hữu vi.

Sao gọi là Vô tận? Ấy là pháp Vô vi.

Bồ Tát thì chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi.

Thế nào là chẳng tận hữu vi?Ấy là chẳng lìa đại từ, chẳng bỏ đại bi, thân tâm phát khởi nhất thiết trí mà chẳng tạm quên, giáo hóa chúng sanh mà chẳng nhàm chán. Thường tùy thuận nơi hạnh tứ nhiếp, hộ trì chánh pháp chẳng tiếc thân mạng, vun trồng thiện căn chẳng có nhàm mỏi, nguyện thường an trụ nơi phương tiện hồi hướng, cầu pháp chẳng giãi đãi, thuyết pháp chẳng bỏn xẻn, siêng năng cúng dường chư Phật, bào nơi sanh tửvô sở úy. Đối với những việc vinh nhục tâm chẳng buồn vui, kính người học như Phật mà chẳng khinh sơ học, khiến kẻ đọa nơi phiền não phát khởi chánh niệm. Đối với sự xa lìa lợi lạc chẳng cho là quý, chẳng thích vui của mình, tùy hỉ vui của người. Nơi thiền định tưởng như địa ngục, nơi sanh tử tưởng như vườn hoa. Gặp kẻ cầu xin tưởng như bậc thầy. Xả bỏ tất cả tưởng như đầy đủ nhất thiết trí. Gặp kẻ phá giới khởi tâm cứu độ. Xem pháp Ba La Mật tưởng như cha mẹ mình, xem pháp trợ đạo tưởng như quyến thuộc mình. Phát khởi thiện căn chẳng có ngằn mé. Dùng những việc nghiêm tịnh của các cõi Phật để thành tựu cõi Phật mình. Đầy đủ tướng tốt, pháp thí vô hạn, tịnh thân khẩu ý,trừ tất cả ác, đầy đủ trí dũng nên chẳng sợ sanh tử lâu dài. Nghe vô lượng công đức của Phật mà chí nguyện chẳng mỏi. Dùng gươm trí huệ phá giặc phiền não. Ra vào sanh tử gánh vác chúng sanh khiến được giải thoát. Dùng đại tinh tấn hàng phục bọn ma. Thường cầu vô niệm trí huệ thật tướng. Hành thiểu dục tri túc mà chẳng bỏ pháp thế gian. Tùy thuận thế tục mà chẳng hoại oai nghi. Dùng thần thông trí huệ dẫn dắt chúng sanh. Đắc niệm tổng trì, việc nghe chẳng quên, khéo phân biệt căn cơ, đoạn dứt nghi hoặc của chúng sanh, dùng biện tài thuyết pháp, diễn thuyết vô ngại, hành nơi thập thiện, thọ phước trời người, tu tứ vô lượng, khuyến thỉnh thuyết pháp, mở đường Phạm Thiên. Tùy ý tán thán, đắc âm thanh Phật, thân khẩu ý thiện, đắc Phật oai nghi, thâm nhập thiện pháp, tăng hạnh thù thắng, dùng giáo pháp đại thừa thành tựu Bồ Tát tăng, tâm chẳng buông lung, việc thiện chẳng mất. Hành pháp như thế gọi là Bồ Tát chẳng tận hữu vi.

Thế nào là Bồ Tát chẳng trụ vô vi? Ấy là tu học quán không mà chẳng chứng pháp không. Tu học vô tướng vô tác mà chẳng chứng vô tướng vô tác. Quán vô khởi mà chẳng chứng vô khởi. Quán pháp vô thường mà chẳng chán pháp thiện. Quán thế gian khổ mà chẳng ghét sanh tử. Quán pháp vô ngã mà dạy người chẳng thôi. Quán pháp tịch diệt mà chẳng diệt hẳn. Quán pháp xa lìathân tâm tu thiện. Quán pháp chẳng chỗ về mà về nơi thiện pháp. Quán pháp vô sanh mà dùng pháp sanh gánh vác tất cả. Quán pháp vô lậu mà chẳng dứt tập lậu. Quán vô sở hành mà dùng pháp hành giáo hóa chúng sanh. Quán pháp hư vô mà chẳng bỏ đại bi. Quán ngôi pháp chánh mà chẳng theo tiểu thừa thủ chứng. Quán pháp hư vọng chẳng bền, vô nhân, vô chủ, vô tướng, vì bổ nguyện chưa mãn mà vẫn tu phước đức, thiền định. trí huệ. Tu pháp như thế gọi là Bồ Tát chẳng trụ vô vi.

Lại nữa, vì sẵn đủ phước đức nên chẳng trụ vô vi, sẵn đủ trí huệ nên chẳng tận hữu vi. Vì đại từ đại bi nên chẳng trụ vô vi, vì thỏa mãn bản nguyện nên chẳng tận hữu vi. Vì thu tập pháp thuốc nên chẳng trụ vô vi, tùy bệnh cho thuốc nên chẳng tận hữu vi. Biết bệnh chúng sanh nên chẳng trụ vô vi, diệt bệnh chúng sanh nên chẳng tận hữu vi. Các Chánh sĩ! Bồ Tát tu theo pháp này thì chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi. Ấy gọi là pháp môn Tận, Vô Tận Giải Thoát, các ngươi nên học.

Bấy giờ, những Bồ Tát cõi kia nghe được pháp này đều rất vui mừng, dùng diệu hoa đủ các màu sắc và mùi hương rãi khắp cõi đại thiên thế giới, cúng dường Phậtkinh pháp này, cùng các Bồ Tát rồi đảnh lễ chân Phật, tán thán việc chưa từng có rằng Phật Thích Ca khéo hành phương tiện nơi cõi này.

Nói xong bỗng biến mất, trở về cõi Chúng Hương.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/07/2012(Xem: 102964)
20/05/2010(Xem: 55242)
06/09/2013(Xem: 15891)
14/05/2010(Xem: 61518)
10/10/2014(Xem: 43171)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.