- Lời Nói Đầu
- 1 Phẩm Tựa
- 2 Phẩm Phương Tiện
- 3 Phẩm Thí Dụ
- 4 Phẩm Tín Giải
- 5 Phẩm Dược Thảo Dụ
- 6 Phẩm Thọ Ký
- 7 Phẩm Hóa Thành Dụ
- 8 Phẩm Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký
- 9 Phẩm Thọ-học Vô-học Nhơn-ký
- 10 Phẩm Pháp Sư
- 11 Phẩm Hiện Bửu Tháp
- 12 Phẩm Đề-bà-đạt-đa
- 13 Phẩm Trì
- 14 Phẩm An-lạc Hạnh
- 15 Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất
- 16 Phẩm Như Lai Thọ-lượng
- 17 Phẩm Phân Biệt Công Đức
- 18 Phẩm Tùy-hỷ Công Đức
- 19 Phẩm Pháp-sư Công-đức
- 20 Phẩm Thường-bất-khinh Bồ-tát
- 21 Phẩm Như Lai Thần-lực
- 22 Phẩm Chúc-lụy
- 23 Phẩm Dược-vương Bồ-tát Bổn-sự
PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
(SADDHARMA PUNDARIKA SUTRA)
Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Hội Phật Học
PHẨM THỨ BẢY
HOÁ THÀNH DỤ
(L'ancienne application)
Phật bảo các Tỳ-khưu: “Trong quá-khứ vô-lượng vô-biên có một đức Phật là Đại-Thông Trí-Thắng Như-Lai. Nước của Phật tên Hảo-Thành, kiếp tên Đại-Tướng.
Từ khi đức Phật Đại-Thông diệt độ đến nay, cũng rất lâu xa không thể tính được.
Đức Phật Thích-Ca sở dĩ biết sự-tích của đức Phật Đại-Thông là nhờ sức tri-kiến của Như-Lai, cho nên việc dù cách xa như thế, Ngài vẫn thấy như việc hiện nay.
Đức Đại-Thông Trí-Thắng thọ năm trăm bốn mươi vạn ức na-do-tha kiếp ([1]). Lúc còn ngồi đạo-tràng, Ngài đã phá xong ma-quân. Ma quân phá xong, Ngài tưởng sẽ đặng Vô thượng chánh-đẳng chánh-giác, nhưng pháp Phật chẳng hiện ra. Ngài bèn nhập định, ngồi xếp bằng, thân tâm bất động, trong một tiểu-kiếp. Pháp Phật vẫn chẳng hiện. Ngài tiếp ngồi cho đến tiểu-kiếp thứ mười, mà cũng không thành Phật.
Lúc bấy giờ, chư Thiên cõi trời Đao-lợi trải cho Phật một toà Sư-tử cao một do tuần, Phật vừa ngồi lên là đắc Vô thượng chánh-đẳng chánh-giác. Chư Thiên bèn rải hoa cúng dường không ngớt suốt mười tiểu-kiếp.
Đức Phật
Thích-Ca nói tiếp: “
Lúc Phật Đại-Thông chưa xuất gia, Ngài có 16 người con trai. Người thứ nhất tên là Trí-Tích. Các con của Ngài, mỗi người đều có những đồ chơi tốt đẹp báu lạ, nhưng khi nghe cha thành Phật, tất cả đều bỏ của báu đi đến chỗ Phật ở. Mấy bà mẹ khóc lóc theo đưa.
Ông nội là một vị chuyển-Luân Thánh-vương. Ông cùng một trăm đại-thần cùng theo đến cúng dường và chiêm bái đức Phật Đại-Thông.
Mười sáu vị vương-tử thỉnh đức Phật Đại-Thông chuyển pháp-luân.
Đức Phật Thích-Ca bảo các Tỳ-khưu: Lúc Đức Phật Đại-Thông thành Phật, các nước Phật trong mười phương đều chấn động sáu cách. Trong các nước ấy, những chỗ tối tăm mà ánh sáng mặt trăng, mặt trời không soi được, lúc ấy đều sáng rỡ. Chúng-sanh trong đó đều đặng thấy nhau mà nói rằng: “Tại sao trong đây mà lại bỗng sanh chúng-sanh?”
Các cõi trời trong mười phương cũng chấn động. Chư Thiên biết có Phật ra đời, bèn kéo nhau đến chiêm bái và thỉnh Phật chuyển pháp-luân.
Đức Phật Đại-Thông Trí-Thắng nhận lời thỉnh của các Phạm-Thiên-vương và 16 vị vương-tử, trước nói Tứ-đế, kế nói Thập-nhị nhân-duyên, trước sau tất cả bốn lần, độ muôn ức Hằng-ha sa chúng-sanh.
Bấy giờ 16 vị vương-tử đều là đồng-tử xuất-gia làm Sa-di, các căn thông lợi, trí-huệ sáng-suốt, từng cúng dường trăm ngàn muôn ức đức Phật, tịnh tu phạm-hạnh. Các vị bạch Phật Đại-Thông: “Các vị Đại-đức Thanh-văn vô lượng muôn ngàn ức đây đã thành-tựu, kính xin Thế-Tôn vì chúng con nói pháp Vô thượng chánh-đẳng chánh-giác. Chúng con chí mong được tri-kiến của Như-Lai”.
Lúc đó, 8 muôn ức người trong bọn theo hầu Vua Chuyển-Luân, thấy 16 vị vương-tử xuất-gia, cũng xin xuất-gia theo. Vua cho.
Bấy giờ đức Đại-Thông nhận lời thỉnh của Sa-di, rồi qua 2 muôn kiếp sau mới ở trong hàng 4 chúng, nói kinh Đại-thừa “Diệu-pháp Liên-hoa Giáo Bồ-tát pháp Phật sở hộ niệm”
Phật nói kinh đó suốt 8 ngàn kiếp, không gián đoạn. Nói xong, Phật vào tịnh thất trụ trong thiền-định 8 muôn bốn ngàn kiếp.
Mười sáu vị Sa-di bèn thay Phật lên pháp-tòa, cũng trong 8 muôn bốn ngàn kiếp, rộng nói kinh Diệu-pháp. Mỗi vị đều độ Hằng-sa chúng-sanh, khiến phát tâm Vô thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Qua 8 muôn bốn ngàn kiếp, đức Phật Đại-Thông xuất định, bảo rằng: “ 16 vị Sa-di thật là ít có vì trí-huệ sáng-láng, các căn thông lẹ. Các hàng Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát nếu biết gần gũi và tin kính, thọ trì pháp của mấy vị ấy sẽ đặng đạo vô-thượng.
Đức Phật Thích-Ca bảo các vị Tỳ-khưu.: “Hằng-sa chúng-sanh được 16 vị Sa-di hoá độ, đời đời đều sanh ra cùng chung nghe pháp với các vị ấy. Và 16 vị ấy nay đã thành Phật.
Vị thứ nhất hiệu là……A-Súc }
} ở phương Đông
- nhì - ….Tu-Di-Đảnh }
- ba - ….Sư-Tử-Âm }
} - Đông-Nam
- tư - …. Sư-Tử Tướng }
- năm - ….Hư-Không-Trụ }
} -
- sáu - ….Thường-Diệt }
- bảy - ….Đế-Tướng }
} - Tây-Nam
- tám - ….Phạm-Tướng }
-chín - ….A-D-Đà }
} - Tây
- mười - …Độ-Nhất-Thế }
- 11 - ….Đa-Ma-La-Bạt }
Chiên-Đàn-Hương }
Thần-Thông }
} - Tây-Bắc
- 12 - ….Tu-Di-Tướng }
- 13 - …Vân-Tự-Tại }
} - Bắc
- 14 - …Vân-Tự-Tại Vương }
- 15- …. Hoại-Nhất-Thế }
thế-gian bố-uý } -Đông-Bắc
vị thứ 16 hiệu là……Thích-Ca Mâu-Ni } ở Ta-bà
Đức Phật Thích-Ca nói tiếp: “ CácTỳ-khưu, lúc chúng ta làm Sa-di, mỗi người giáo-hoá vô lượng trăm ngàn muôn hằng-hà sa chúng-sanh đã vì đạo Vô-thượng mà theo chúng ta nghe pháp. Những chúng-sanh đó đến nay có người đã trụ bậc Thanh-văn, ta thường lấy pháp vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác mà giáo-hoá.
Hằng-sa chúng-sanh đã được hoá-độ trong thuở đó, nay là Tỳ-khưu các ngươi vậy, còn sau khi ta diệt độ rồi, những Thanh-văn trong đời vị-lai cũng là những chúng-sanh ấy. Tuy nhiên cũng có hàng đệ-tử không nghe kinh này, không hay không biết những hạnh của Bồ-tát, tưởng với mớ công-đức tu tập được là đã diệt độ và đắc sanh Niết-bàn.
Nên biết chỉ do Phật-thừa mới được diệt độ, không có thừa nào khác. Có khác là những phương-tiện nói pháp của các đức Như-Lai mà thôi.
Đến đây, đức Phật Thích-Ca đưa ra một tỷ-dụ.
Có một chỗ chứa nhiều châu báu. Muốn đến nơi ấy, phải trải qua một con đường nguy hiểm, dài năm trăm do-tuần, lại thêm hoang vắng, không người, đáng ghê, đáng sợ.
Một đám người muốn đến nơi ấy để lấy của báu. Họ được một người thông-minh sáng-suốt dẫn đường. Dù vậy, vì đường dài, bọn ấy mệt nhọc, sợ sệt, tỏ ý chán-nản.
Thương xót bọn ấy sao lại có ý bỏ của báu mà lùi bước, vị dẫn đường mới ở nơi ba phần đường, dùng phép lạ, hoá ra một cái thành và bảo bọn kia vào ở, sẽ được an ổn, sung sướng, còn muốn tiến thêm nữa để đến chỗ trân bảo thì cũng tiện.
Bọn kia nghe theo, vào thành ở, được an ổn.
Khi biết chúng đã hết mệt mỏi, vị dẫn đường mới nói: Thành ấy là ta biến hoá ra để cho chúng ngươi tạm nghỉ mệt, chớ chẳng phải nơi mà bọn ngươi phải đi đến. Hãy cố-gắng thêm, chỗ chứa châu báu gần đây!
Biết tâm chúng-sanh, sợ con đường dài thành Phật, phải cần khổ lắm mới đi đến chỗ cuối cùng, Phật như vị dẫn đường mới tạm nói có hai thứ Niết-bàn, một cho Thanh-văn, một cho Duyên-giác. Rồi, vì chúng-sanh tưởng hai nơi đó là cứu-cánh, Phật phải đưa sự thật ra là sự tu hành như thế chưa xong, cần phải tiến nữa, vì cũng gần tới đích rồi.
*
* *
Huyền nghĩa
1.Đức Phật Đại-Thông Trí-Thắng ra đời rồi diệt độ không biết lúc xa xưa nào mà nói, mà tính cho được. Vậy nhất định Ngài không phải một nhân-vật lịch-sử mà là một nhân-vật được tạo ra để tượng-trưng cho một ý gì đó.
2.Đại-Thông là thông biết rộng lớn, vậy là Toàn-tri (Omniscience). Trí Thắng là cái trí-huệ, cái sáng-suốt hơn tất cả những trí-huệ, sáng suốt khác (Lumière, Sapience, Intelligence supranormale). Phân tách danh-hiệu Đại-Thông Trí-Yhắng, ta thấy chỗ dụng tâm của Phật là nhân-cách-hoá (personnifier) Tâm.
3.Ai cũng có tâm, và tâm ai cũng như tâm ai, đồng đại thông trí thắng như nhau. Nhưng nếu tâm ấy mà bị dục-vọng, vô-minh che đậy, thì gọi là chúng-sanh. Trái lại, nếu vô-minh, dục-vọng dứt, tâm trở lại cái căn-bản “đại thông trí thắng” của nó, thì gọi là Phật.
4.Muốn trở lại căn-bản ấy, phải trải qua thời-kỳ tu sửa, lau quét. Đó là chỗ trong kinh nói: ngồi đạo-tràng (tham thiền), đã phá ma-quân (diệt trừ những tâm-niệm độc ác, sai quấy).
5.Nhưng không phải thắng được thất tình lục dục rồi gọi là đủ, rồi gọi là đã trở về với cái căn-bản “đại thông trí thắng”. Phải sống mãi trong cái vô-dục đó mới được. Đây là chỗ kinh bảo Phật Đại-Thông Trí-Thắng nhập định đến 10 tiểu-kiếp.
6.Định mãi trong cái vô-dục mới đạt đến cái phút “lên ngồi Toà Sư-Tử”, lên ngôi Phật, mới thấy tất cả các “Pháp” của Phật hiện bày trước mắt, mới được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
7.Lúc Phật chưa xuất-gia, có nghĩa là lúc Tâm chưa hướng thiện, hướng thượng.
8.Lúc ấy Phật có 16 người con. Đây kinh ám chỉ cái gọi là” Thập lục tri-kiến” của chúng-sanh, của những tâm, chưa thấy Đạo, còn kẹt trong vòng cố chấp có ta, có người, có những cái của ta và những cái của người, 16 vị vương-tử ấy cũng có thể ám chỉ “thập lục tâm” gồm 8 nhẫn và 8 trí, sau khi tu hành. Nói một cách khác, tâm sống theo phàm-phu (chưa xuất-gia) có 16 cái đặc-tánh (propriétés) hay 16 cái “thấy biết” (connaissances) sái quấy. Nhưng khi tâm đã trở về với cái bản-nguyên trong sạch, sáng suốt của nó (xuất-gia) thì 16 cái ấy trở thành 8 nhẫn và 8 trí. Về sau sẽ nói thêm về đoạn này.
9.Chuyển-Luân Thánh-vương tượng trưng cho “tâm vương”, 16 vị vương-tử cũng như 8 muôn ức người tôi hầu đều tương trưng cho “tâm sở”, tạm gọi “tánh nết” của tâm cho dễ hiểu. Nhưng trong tánh-nết ấy, có loại chánh, có loại phụ. Chánh là vương-tử; phụ là tôi hầu. Một khi loại chánh đã cải tà, đã xuất-gia, thì loại phụ cũng đi theo.
10. Bắt đầu thuyết pháp, Phật Đại-Thông nói về Tứ-đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo), sau nói về Thập nhị nhân-duyên, rốt hết mới nói tới Pháp-Hoa. Đó là lịch trình tu học thứ lớp. Muốn chuyển tâm, bỏ phàm-phu theo thánh, trước tiên con người, trong chỗ thâm tâm, phải nhìn nhận đời là khổ, sống là khổ. Rồi phải hiểu luôn do đâu khổ sanh (Tập), biết nguồn gốc của khổ rồi thì trừ khổ được (diệt), nhưng trừ bằng phương pháp nào, đó là phần “Đạo” của pháp Tứ-đế. Cao hơn một từng là pháp Thập-nhị nhân-duyên. Nguyên nhân khổ là Dục, mà có Dục là vì Vô-minh, có Vô-minh mới sanh quả khổ, và quả khổ hiện tiền làm nhân cho những quả khổ tương lai, quây quần như vậy mãi, như bánh xe lăn, không biết đâu đầu đâu đuôi. Nhưng nếu hiểu và tu được pháp Thập-nhị nhân-duyên thì được sáng-suốt và giải-thoát. Có hai điều kiện này rồi, mới tiến thêm một bước mà học cái Chân lý cuối cùng (Kinh Diệu-Pháp) để đạt đến chỗ Giải-thoát, Giác-ngộ hoàn toàn.
11. Lúc đầu, sự giác-ngộ, thức-tỉnh, phải bắt từ tâm mà phát sanh ra. Do đây nói Phật Đại-Thông thuyết pháp.
12. Nhưng về sau, phải thay cái giác ngộ tại tâm bằng cái hành trong giác-ngộ. Do đây kinh nói: 16 vị vương-tử thay Phật thuyết pháp với nghĩa: những tánh-nết của tâm đã được hoán cải theo chiều hướng của giải-thoát và giác-ngộ, và mỗi sự phát hiện của những tánh-nết ấy trong tư tưởng, lời nói, việc làm đều hợp với sự giác-ngộ, giải-thoát, đều là những bài thuyết-pháp (discours, sermons) sống.
13. Thuyết-pháp là “khẩu giáo” (dạy bằng miệng). Cư xử, ăn ở như thế nào cho hợp Đạo, như hiện thân của Giải-thoát và Giác-ngộ, là “thân giáo”. Vì vậy kinh nói: “ các hàng Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát, nếu biết gần-gũi và tin kinh, thọ trì pháp của mấy vị ấy (16 vương-tử), sẽ đặng đạo Vô-thượng.
14. 16 vương-tử đã thành Phật, có nghĩa 16 tâm-sở đã chuyển thành những đức-tánh. Những đức-tánh ấy là gì? Cứ xem những danh-hiệu Phật của các vị là thấy:
Phật A-Súc…là Vô-động, Bất-động, Vô sân-nhuế.
- Tu-Di-Đảnh là Hướng-thượng
- Sư-Tử-Âm là Chánh-Ngữ
- Sư-Tử-Tướng là Chánh-Nghiệp
- Hư-Khộng-Trụ là Chánh Định
- Thường-Diệt là Tịch-tĩnh
- Đế-Tướng là Đế-Thích Tướng Thiện
- Phạm-Tướng là Phạm-Thiên-vương
- A-Di-Đà là Vô-lượng-quang, Vô-lượng-thọ
- Độ-nhất-thế thế-gian khổ là Đại-từ Đại-bi
- Đa-Ma-la…là Vô-Cấu, tức Thanh-tịnh
- Tu-Di-Tướng là Đại, là Thái, là Tuyệt-đối
- Văn Tự-tại là Thông đạt vô-ngại trong tâm
- Văn Tự-tại vương là làm chủ sự tự-tại
- Hoại Nhất-thế thế-gian bố uý là Vô-uý
- Thích-ca Mâu-ni là Năng nhân, hay thương mọi loài.
15. Nhưng con đường thành Phật quá dài và quá kham-khổ. Vì sợ người sanh
chán, nên Phật phương-tiện nói có hai thứ Niết-bàn, tức là nói có hai đích, để dẫn dụ người tu hành, thí như cái thành được biến hoá ra để cho khách bộ hành tạm nghỉ (hoá thành).
16. Nhưng sao Ô. Burnouf lại dịch là “L'ancienne application”? Sự tu học theo
lối trước, lối xưa, xưa hơn thời thuyết kinh Pháp-hoa, thì lấy quả Thanh-văn,
Duyên-giác làm mãn nguyện. Với lối mới, theo kinh Pháp-Hoa, phải lấy việc
thành Phật làm cứu-cánh. Tu theo lối trước là “ancienne application”
[1] Ô.Burnouf
dịch:cinquante quatre fois cent mille myriades de kôtis de kalpas.