Thư Viện Hoa Sen

12 Phẩm Đề-bà-đạt-đa

23/05/201012:00 SA(Xem: 10714)
12 Phẩm Đề-bà-đạt-đa
PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA

(SADDHARMA PUNDARIKA SUTRA)
Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Hội Phật Học Nam Việt - Chùa Xá Lợi 1962

 

PHẨM THỨ 12
ĐỀ - BÀ - ĐẠT - ĐA

(Phẩm này nằm chung tromg phẩm 11 của bản dịch Pháp văn)

Lúc bấy giờ, Phật bảo các vị Bồ-tát và bốn chúng: “Trong quá khứ vô lượng kiếp, ta đã cầu Kinh Pháp-Hoa không lười mỏi. Trong nhiều kiếp, ta thường làm vua, phát nguyện cầu đạo Bồ-đề, lòng không thối chuyển. Vì muốn đầy đủ 6 pháp ba-la-mật, ta siêng làm việc bố-thí, lòng không mến tiếc một vật gì, dầu đó là tiền bạc, của báu, đất đai, vợ con, tôi tớ hay thân thể của ta.

“Vì lòng mến Pháp đó, ta nhường ngôi cho thái-tử và truyền rao trong dân chúng, ai nói được pháp Đại-thừa cho ta nghe, ta sẽ trọn đời hiến thân làm tôi đòi hầu hạ”.

“Một vị tiên nhận tuyên nói Kinh Diệu-Pháp nếu nhà vua không trái ý ông. Vua chịu và theo hầu hạ vị tiên, làm đủ mọi việc, trải qua một ngàn năm, hết lòng siêng năng vì trọng pháp”.

Phật nói thêm: “Nhà vua thuở ấy là ta, còn vị tiên là Đề-Bà-Đạt-Đa đây. Ta nay thành bậc Đẳng Chánh-giác là nhờ vị thiện-tri-thức đó. Trong vô lượng kiếp về sau, Đề-Bà-Đạt-Đa sẽ thành Phật, hiệu là Thiên-Vương nước của Phật là Thiên-Đạo.

Phật Thiên-Vương trú ở đời 20 trung-kiếp, hằng-sa chúng-sanh nhờ pháp mầu của Phật mà đặng quả A-la-hán, hoặc phát tâm Duyên-giác, Vô-thượng đạo, đặng vô-sanh-nhẫn đến bậc bất thối chuyển.

Sau khi Phật Thiên-Vương nhập Niết-bàn, Chánh-pháp trụ 20 trung-kiếp. Nhờ cúng dường tháp bảy báu đựng toàn thân xá-lợi của Phật Thiên-Vương mà chúng-sanh đặng quả A-la-hán, ngộ Bích-chi-Phật, phát tâm Bồ-đề.

Phật Thích-Ca bảo các Tỳ-kheo: “Trong đời vị-lai, thiện-nam, thiện-nữ nào nghe phẩm Đề-Bà-Đạt-Đa mà sanh lòng trong sạch kính tin, không nghi ngờ, thời những thiện-nam, thiện-nữ ấy không đọa vào ba đường ác, được sanh sang các nước Phật và nơi người đó sanh, thường được nghe Kinh Diệu-Pháp. Nếu sanh vào cõi Nhân Thiên, thời hưởng sự vui sướng tột cùng; nếu sanh trước mặt Phật, thời từ hoa sen hoá sanh.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Trí-Tích([5]) thị-giả của Phật Đa-Bảo bạch xin phép Phật Đa-Bảo trở về nước. Đức Phật Thích-Ca mới bảo Bồ-tát Trí-Tích: “Thiện nam-tử, hãy chờ giây lát. Ở đây có Bồ-tát Văn-Thù, ông và Văn-Thù có thể cùng nhau ra mắt mà luận nói pháp mầu, xong rồi sẽ về”.

Ngay khi ấy, Bồ-tát Văn-Thù và các Bồ-tát tùy tùng ngồi trên hoa sen lớn, từ nơi cung Rồng Ta-Kiết-La trong biển lớn, tự nhiên vọt lên không trụ trong hư-không, đến núi Linh-Thứu, từ hoa sen bước xuống, làm lễ đức Phật Đa-Bảo và Thích-Ca, kế hỏi thăm Bồ-tát Trí-Tích, rồi ngồi qua một bên.

Bồ-tát Trí-Tích hỏi Bồ-tát Văn-Thù: “ Ngài qua cung Rồng hoá độ được bao nhiêu chúng-sanh?” Văn-Thù đáp: “Vô-lượng. Nếu Ngài không tin, sẽ tự chứng biết”.

Văn-Thù nói chưa dứt lời, vô số Bồ-tát ngồi hoa sen, từ biển vọt lên đến núi Linh-Thứu, trụ trong hư-không. Tất cả đều do Bồ-tát Văn-Thù hoá độ.

Bồ-tát Trí-Tích thấy vậy, nói một bài kệ khen:

Đức của Đại-Trí thật là mạnh-mẽ

Hoá-độ được vô lượng chúng-sanh,

Nay trong đại-hội này,

Tôi đã nhận thấy rõ:

Đại-Trí nói nghĩa “Thực-Tướng”

Mở bày pháp “Nhất-Thừa”

Rộng độ các chúng-sanh

Khiến mau thành “Bồ-đề”.

Văn-Thù nói: “Ở biển, ta chỉ thường tuyên thuyết Kinh Diệu-Pháp”. Trí-Tích hỏi: “Kinh này rất thâm diệu. Vậy có chúng-sanh nào siêng tu theo kinh này mà mau thành Phật không? Văn-Thù đáp: “Có con gái của Long-Vương. mới lên 8 tuổi mà đầy đủ trí đức, trong khoảnh-khắc phát Bồ-đề-tâm là được bậc bất thối-chuyển, biện tài vô ngại, từ-bi rộng lớn, công-đức đầy đủ, có khả năng đến Bồ-đề”.

Trí-Tích không tin: “Chính đức Phật Thích-Ca còn phải trải qua vô lượng kiếp chứa nhiều công đức, làm những hạnh khó mới thành đạo Bồ-đề, làm sao tin được câu chuyện Long-nữ trong chốc lát mà chứng thành Chánh-giác?”.

Nói luận chưa xong, Long-nữ bỗng hiện ra, làm lễ Phật, rồi đứng qua một bên, nói một bài kệđại ýxưng tán Pháp-thân và cho biết nàng đã nghe được tiếng của Pháp nên đã thành Bồ-đề. Nhưng việc này chỉ Phật chứng biết mà thôi.

Bấy giờ Xá-Lợi-Phất nói với Long-nữ: “Thân gái nhơ uế, có 5 điều chướng-ngại([6]), lại đường Phật xa vời, phải trải qua vô lượng kiếp cần khổ mới đi cùng, mà ngươi nói tu không bao lâu là chứng được vô-thượng Chánh-giác. Làm sao tin được?”.

Long-nữ bèn lấy một hạt châu hiến dâng đức Thích-Ca. Phật nhận.

Long-nữ hỏi Trí-Tích: “Tôi hiến châu, Thế-Tôn nhận lấy, việc ấy có mau chăng?”.

Mau, Trí-Tích đáp.

Ông hãy lấy sức-thần của ông xem đây, tôi thành Phật còn mau hơn việc đó.

Chúng hội liền thấy Long-nữ thoạt nhiên biến thành nam-tử, đủ hạnh Bồ-tát, qua cõi Vô-cấu phương nam ngồi hoa sen báu, thành bậc Đẳng-Chánh-giác..

Bồ-tát Trí-Tích và Văn-Thù làm thinh.

Huyền nghĩa

Đứng về mặt mạch kinh mà bàn, đáng lẽ phẩm “Đề-Bà-Đạt-Đa” này nằm chung trong phẩm “Hiện Bảo-Tháp” mới phải, vì câu chuyện Phật Đa-Bảo chưa dứt.

Ai có đọc lịch-sử đức Phật Thích-Ca, đều biết Đề-Bà-Đạt-Đa là một người ganh tị và ác độc, mấy phen mong làm hại Phật mà không được. Thế mà xưa kia là thiện-tri-thức (bạn lành) của Phật và trong vị lai lại sẽ thành Phật hiệu là Thiên-Vương, nước hiệu là Thiện-Đạo.

Ai ở đời mà không có kẻ thù? Nhưng đừng xem đó là kẻ thù mà là bạn lành, vì có kẻ chọc cho chúng ta nóng giận, chúng ta mới có dịp học đức nhẫn-nhục. Do đây Phật đưa ra câu chuyện vị tiên, nói Kinh Diệu-Pháp trong thời quá-khứ và vị tiên ấy là Đề-Bà-Đạt-Đa.

Lại nữa, không ai ác hoài, ác riết rồi cũng có lúc thành thiện. Bởi cớ Kinh nói Đề-Bà-Đạt-Đa sẽ thành Phật lấy hiệu là Thiện-Vương, mà Vua cõi Trời lẽ cố nhiên phải là người thiện tột bậc. Nước của Phật có tên là Thiện-Đạo. Ý Kinh muốn nói tâm của ngưới ác (nước) đã hướng theo con đường thiện.

Người ác trở thành thiện là một gương thức tỉnh cho biết bao chúng-sanh khác. Vì ý này nên Kinh nói Phật Thiên-Vương, trong lúc hiện tiền cũng như sau khi nhập Niết-bàn, độ rất nhiều người.

Thí-dụ trên hơi khó hiểu, khó tin, cho nên Phật dạy: “Trong vị lai, ai nghe phẩm này mà tin chắc, không nghi ngờ, thời không đoạ vào ba đường ác và được sanh sang các nước Phật”. Ví sao? Nghe phẩm này mà tin, là tin con người có thể cải ác tùng thiện, là tin tự mình có khả-năng hoán cải đời mình. Có tin là có làm, có làm cho nên hết ác (ra khỏi ba đường ác). Hết ác thời phải thành thiện, thành trong sạch (sanh về các nước Phật). Lại còn nghe được Kinh Diệu-Pháp, là còn có cơ nghe nói đến Chân-lý.

*
* *

Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu câu chuyện giữa hai Bồ-tát Trí-Tích và Văn-Thù.

Đã nói Bồ-tát là tượng-trưng cho một đức-tánh, cho một cái gì vô hình vô tướng.

Trí-Tích là “cái trí được súc-tích”, tức là cái trí phàm-phu do những bài học kinh-nghiệm tích-trữ mà thành. Như trí của nhà toán-học là do sự tích-trữ nào những bài học, nào những kinh-nghiệm của mình mà thành. Có thể xem cái trí này là cái mà người Pháp gọi là “Intellect”.

Văn-Thù cũng là trí, nhưng là Đại-Trí (Intelligence, Sagesse).

Nghe chuyện người dữ hoá hiền, hiền đến thành Phật, trí phàm phu làm sao hiểu và tin được? Không hiểu, không tin, tức không để ý, và không để ý nên phải bỏ. Do đây Kinh nói Bồ-tát Trí-Tích bạch với Phật Đa-Bảo nên đi về.

Phật Thích-Ca mời ở lại luận nói pháp mầu với Văn-Thù, là ý nói: Phàm trí không hiểu được đâu, phải Đại-Trí, Thánh-Trí như Văn-Thù mới giải được. Cũng như chúng ta, khi nghe câu chuyện Đề-Bà, thì trí phàm nông cạn của chúng ta làm sao tin được, nhưng khi chúng ta vận-dụng cái trí thanh-tịnh (Huệ), như khi ngồi thiền quán sát chẳng hạn, thời chúng ta sẽ thấy Hiền Thánh từ đâu mà ra, há chẳng phải trong biển khổ của chúng-sanh. Đây là chỗ Kinh nói Bồ-tát ngồi hoa sen, từ dưới biển vọt lên vô số.

Ở trong biển sanh-tử khổ não là vì vô-minh, mà vô-minh là chưa dùng được cái sức mạnh hoá độ, hoán cải của Đại-Trí hay Trí-Huệ. Có được sự sáng suốt rồi là hiểu được cái Chân, cái Thật (Đại-Trí nói nghĩa “Thực-tướng”).

Trí-phàm hay Trí-Tích lại hỏi nữa, vì còn nghi ngờ: Nghe hiểu được Chân-lý (tức là Kinh Diệu-Pháp) có thể làm cho con người mau thành Phật (tức là được sự giác-ngộ vô thượng) không?

Đại-Trí đáp: “Được, và cái được ấy chẳng dành riêng cho một ai cả. Bất luận già, trẻ, bé, lớn, nam, nữ, miễn có đầy đủ trí đức, tu hành “đừng thối chuyển”, từ-bi rộng lớn, biện tài thông suốt, công đức đủ đầy là năng đạt đến Bồ-đề, thí như câu chuyện Long-nữ.

Việc làm trong cõi hữu hình, như dưng ngọc cho Phật, Phật đưa tay nhận lấy, dầu mau thế mấy, vẫn phải mất một ít thời giờ. Đến như việc tỉnh ngộ (thành Phật) là việc của cảnh vô-hình nội tâm thì mau hơn cái nháy mắt.

Nhưng ai biết mình tỉnh ngộ. Chỉ có tâm mình biết mà thôi. Đây là nghĩa của câu: Chỉ có Phật chứng biết mà thôi.

Chúng ta thường nghe nói: Tu nhất kiếp, ngộ nhất thời, câu này có thể là nghĩa của câu chuyện trên.

Phải trải qua muôn ngàn ức kiếp cần khổ như đức Phật Thích-Ca mới thành Chánh-giác. Điều ấy chắc chắn như vậy, vì Long-nữ ắt cũng phải trải qua con đường ấy mới đầy đủ những điều-kiện đã kể. Nhưng khi nhân duyên đã đầy đủ, thì một đêm cũng đủ cho trái tượng hình.

Tu thì lâu như đi từ đây xuống Mỹ-tho phải mất đôi giờ, nhưng đến châu-thành Mỹ-tho là việc trong nháy mắt.

Lại nữa ai cũng có Phật-tánh, tức là có cái vốn Phật như nhau, thì đâu phải vì nữ mà không tỉnh ngộ được? Tuy nhiên, nữ mà muốn tỉnh ngộ thành Phật, ngoài công phu tu hành, phải rèn cho chí mềm yếu của mình trở thành chí cương-quyết của nam-nhi (biến thành nam-tử), phải thực hành đầy đủ 6 pháp ba-la-mật và phải giữ lòng trong sạch (qua cõi Vô-cấu mà ngồi).

Còn khích-lệ nào hơn cho người tu hành?!

Số phận hẩm hiu của con người không phải chẳng có lối thoát. Tuỳ ta mà tương-lai sẽ được huy-hoàng..!

[5] Trí Tích chữ Phạn là: Pradjnâkûta _- Pradjnâ là trí, kûta là tích trữ. Vậy đây ý kinh muốn chỉ cái trí súc-tích của người chớ không phải cái dại-trí sẳn có. sẽ giải rõ trong phần Huyền nghĩa.

[6] Chẳng đặng Phạm-Thiên, Đế-Thích, Ma-Vương, Chuyển-Luân-Thánh-Vương và Phật

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: