Kinh Kim Cương Lược Giải

10/10/201212:00 SA(Xem: 17932)
Kinh Kim Cương Lược Giải


Lược giải
KINH KIM CƯƠNG
Dịch sang chữ Hán: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Dịch giải: Tỳ kheo Thích Minh Điền
Xuất bản: Chùa Hoa Nghiêm - VA. USA. - PL. 2550

luocgiaikinhkimcuong-bia
Thành kính đảnh lễ

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thành kính đốt nén hương lòng đảnh lễ Pháp Bảo cùng chư Phật thường trụ khắp mười phương.
Thành kính niệm ân giáo dưỡng của Hòa thượng bổn sư, Hòa thượng y chỉ, chư vị giáo thọ, chư thiện tri thức.
Nguyện hồi hướng công đức dịch giải pháp bảo này cũng khắp pháp giới chúng sinh đều được lợi lạc.

LỜI GIỚI THIỆU

Kinh Kim Cương là một bộ kinh có một vị trí đặc biệt trong lịch sử học tập và tu luyện của Phật giáo nước ta. Từ giữa thế kỷ thứ 7, trước cả Lục tổ Huệ Năng, thiền sư Thanh Biện của dòng thiền Pháp Vân đã nhờ đọc kinh này mà giác ngộ.

Đến những thế kỷ sau, không những nhờ đọc kinhgiác ngộ, người nước ta đã bắt đầu lý giải và mạnh mẽ xiển dương và truyền bá kinh này một cách rộng rãi qua những tác phẩm của họ. Chẳng hạn, chúng ta biết vua Trần Nhân Tông đã chú giải cho kinh Kim Cương. Rồi khi vua Lê Thái Tổ giành lại độc lập hoàn toàn cho đất nước, đã dùng kinh này như một bản kinh cơ bản để cho những ai muốn thực sự tu tậphoằng dương Phật pháp.

Đến thiền sư Minh Châu Hương Hải, ta hiện có được bản giải kinh Kim Cương lý nghĩa lần đầu tiên được viết bằng tiếng Việt. Và đặc biệt thi hào Nguyễn Du đã từng thổ lộ: "Ta từng đọc kinh Kim Cương ngàn lần lẻ". (Ngã độc Kim Cương thiên biến linh).

Như thế, qua lịch sử kinh Kim Cương đã có một sự hấp dẫn lạ lùng với dân tộc ta, và có những dấu ấn sâu sắc trên đời sống tinh thầnhọc thuật của lịch sử Việt Nam. Đến thế kỷ này, nhiều bản dịch và chủ giải kinh này đã xuất hiện.

Ngày nay, Tỳ kheo Thích Minh Điền chùa Phước Viên, phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam là một trong bao nhiêu người đang theo gót các vị tiền nhân, chuyên trì tụng, học hỏi, suy tầm kinh Kim Cương mong được thấu hiểu, cảm nhận lỹ nghĩa thâm thúy của kinh, hầu chuyển hóa cuộc sống của mình ra khỏi những trói buộcsi mê chấp thủ, và thầy đã lại dịch, chú giải kinh này góp phần liễu ngộ bé nhỏ của mình đối với nghĩa lý rộng sâu như biển cả của kinh Kim Cương.

Để tán thán tâm nguyệncông đức của thầy, tôi xin ghi lại nơi đây đôi dòng kính giới thiệu với Tăng Ni, Phật tửđộc giả xa gần. Cầu mong ơn pháp nhũ của đức Thế Tôn thấm nhuần khắp tới mọi người trong hiện tại và tương lai như đã từng xảy ra trong lịch sử quá khứ của dân tộc.

    Phật lịch 2543 - Dương lịch 2000
    Hòa thượng Thích Thiện Siêu
LỜI TỰA

Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa, gọi tắt là kinh Kim Cương, là quyển thứ 577 trong bộ kinh Đại Bát Nhã gồn có 600 quyển mà đức Phật thuyết giảng. Toàn kinh hiển bày diệu lý vô trụ, nhằm hóa giải mọi thứ tình chấp mang tính cục bộ sai lầm của vọng tâm chúng sinh. Diệu lý này được gọi là trí tuệ Bát Nhã.

Trí tuệ Bát Nhã là thứ trí tuệnăng lực xả ly hết thảy mọi chấp trước bởi thói quen dựng lập của tư duy hữu ngã, của nhị biên nhằm giúp hành giả sống lại với tự tính bản nhiên xưa nay của mình.

Những ai nhận được thật nghĩa của kinh này, thì cũng dễ dàng nhận được diệu nghĩa của những bộ kinh khác thuộc hệ phát triển. Vì tầm quan trong như vậy, nên đức Thế Tôn đã bỏ ra hai mươi hai năm để triển khai tuệ giác ngày.

Nay chúng ta là những trưởng tử của Như Lai, người kế thừa ngọn đèn chánh pháp của đức Thế Tôn, không thể nghiên cứuthực tập thứ trí tuệ này. Đó là kỳ vọng mà tôi muốn gởi gắm nơi mỗi học Tăng hiện tiền, cũng như những ai muốn giã từ vô minh phiền lụy. Nguyện cùng làm pháp lữ trên lộ trình thú hướng cứu cánh giải thoát giác ngộ.

Thành tâm niệm ân giáo dưỡng của Hòa thượng bổn sư, quý bậc Tôn sư, quý thiện tri thức đã làm trợ duyên cho chúng con trên bước đường tu tập.

Tâm thành ý thiển, không sao tránh khỏi những sai sót lỗi lầm, ngưỡng mong chư tôn Thiền đức từ bi chỉ giáo, để hàng hậu học chúng con được thấm nhuần diệu chỉ.


    • Đầu Hạ an cư
      Phật lịch 2542 - Dương lịch 1998
      Viết tại chùa Phương Viên, P. Tân Hiệp
      TP. Biên Hòa, T. Đồng Nai, Việt Nam
      Tỳ kheo Thích Minh Điền


PHẦN LƯỢC GIẢI

GIẢI THÍCH ĐỀ KINH

KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Kinh: Tiếng Phạn gọi là Sutra, dịch âm là Tu đa la, dịch nghĩa là quán xuyến và nhiếp trì. Tâm chúng sinh nhờ nương vào sự quán xuyến và nhiếp trì bởi chánh niệm tỉnh giác, nên tâm không lưu tán vào những nẻo ác, gọi là Kinh.

Ngoài ra, nhưng lời dạy của chư Tổ được ghi lại thì gọi là Ngữ Lục, trừ kinh Pháp Bảo Đàn của đức Lục tổ Huệ Năng là do ngài di chúc lại.

Kinh mang tính khế cơ và khế lý, nghĩa là thích hợp với từng căn cơ chúng sinh, và khế hợp chân lý.

Hệ kinh điển mang tính khế cơ được gọi là Bất liễu nghĩa. Hệ kinh này nhằm giúp cho chúng ta hình thành cho mình một phàm tuệ, bằng chánh niệm tỉnh giác, hầu thấu rõ mọi hoành tung thiện ác, để chúng ta chuyển hóa thân tâm và ngoại tại, nhằm đem lại sự bình ổn, sự tươi mát, an lạchạnh phúc cho cuộc sống tương duyên này.

Hệ kinh điển mang tính khế lý được gọi là Liễu nghĩa. Hệ kinh này nhằm giúp cho chúng ta hình thành cho mình một Thánh tuệ, tức sống đúng với bản giác sẵn có xưa nay của mình, ngõ hầu mở tung mọi lầm chấp bởi thói quen dựng lập của vọng tưởng.

Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa: Là dịch âm từ tiếng Phạn Vajra Prajnā Pāramitā, gọi tắt là Kim Cương. Kim cương là loại đá quý rất rắn chắc. Nó có công năng phá hoại hết thảy mọi thứ kim loại khác, mà không có thứ kim loại nào phá hoại được nó.

Phật dùng hình ảnh kim cương để dụ cho thứ trí tuệ Bát Nhã mà mỗi chúng sinh đều có. Thứ trí tuệ này có năng lực hóa giải hết thảy những dựng lập thuộc về tư duy hữu ngã, nhằm phá tung mọi chấp trước sai lầm của vọng tâm, hầu đưa chúng sanh thẳng đến giác ngộ.

Kinh này lấy ví dụ và đồng thời cũng là Pháp mà đặt tên, lấy thật tướng làm thể, lấy vô trụ làm tông chỉ thú hướng, lấy sự hóa giải mọi thứ tri kiến lập tri làm dụng.

Kinh này được kết tập theo ý đức Phật thuyết giảng ban đầu và ngài A Nan thuật lại, ngài Cưu Ma La Thập dịch văn Phạn sang văn Trung Quốc, và ngày nay chúng ta đang nghiên cứu bản này.

Song, muốn thể nhập chân lý, đòi hỏi chúng ta phải sử dụng quán chiếu Bát Nhã, nhằm dần dần thể nhập thật tướng Bát Nhã. Và muốn được vậy, trước hết chúng ta phải nhận ra nghĩa thú của kinh, rồi mới áp dụng hành trì.

Ngược lại, nếu chỉ lo tìm hiểu văn từ ngữ nghĩa, rồi tích tập cho đầy trí nhớ; mà không quán chiếu hành trì, thì chẳng khác nào đi tìm mùi vị của bánh vẽ, tự bản thân không thể giải trừ được những chấp thủ sai lầm thâm căn cố đế của vọng tâm, và khó mà thành tựu giải thoát giác ngộ. Rất mong hành giả liễu tri cho.

LƯỢC GIẢI

I. PHÁP HỘI NHÂN DO
Như thị ngã văn:

Nhất thời Phật tại Xá Vệ quốc, Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên dữ đại Tỳ kheo chúng thiên nhị bách ngũ thập nhơn câu. Nhĩ thời, Thế Tôn thực thời, trước y trì bát, nhập Xá Vệ đại thành khất thực. Ư kỳ thành trung thứ đệ khất dĩ, hoàn chí bổn xứ. Phạn thực ngật, thu y bát, tẩy túc dĩ, phu tòa nhi tọa.

    Dịch nghĩa:

    NHÂN DO PHÁT KHỞI HỘI BÁT NHÃ
Tôi nghe như vầy,
Vào một lúc nọ
Đức Phật hiện trú
Ở nước Xá Vệ
Trong khu vườn cây
Do Cấp Cô Độc
Cùng với Kỳ Đà
Tạo lập cúng Phật
Với chúng đệ tử
Một nghìn hai trăm
Năm chục Tỳ kheo
Cùng đến hội họp.

    Bấy giờ là lúc
    Gần giờ ngọ trai
    Nên đức Thế Tôn
    Đắp y cầm bát
    Vào trong thành lớn
    Của nước Xá Vệ
    Theo pháp khất thực.
Ở trong thành ấy
Thứ lớp khất thực
Rồi lại trở về
Chỗ cũ thọ trai.

    Ngọ trai vừa xong
    Đức Phật giải y
    Thu dọn bát pháp
    Rửa sạch đôi chân
    Trải tòa ngồi nghỉ.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Như thị: Như vậy, y như vậy, không sai khác thực tại. Nói sao nghe vậy, nghe sao nói vậy, thấy như thật thấy, nghe như thật v.v...
  2. Kỳ thọ, Cấp Cô Độc viên: Cây cảnh thì của Thái tử Kỳ Đà cúng dường, còn vườn đất thì do ông Cấp Cô Độc bỏ vàng mua lại của Thái tử Kỳ Đà. Một người cúng cây cảnh, một người cúng vườn đất để lập tịnh xá cúng dường đức Phậtgiáo đoàn.
  3. Thứ đệ khất thực: Pháp khất thực của đức Phật là theo thứ lớp từng nhà một để khất thực, chứ không lựa chọn giàu nghèo sang hèn, bởi chính tâm bình đẳng của Phật vậy.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Thể hiện cuộc sống chánh niệm tỉnh giác, chính là thực hiện nghệ thuật sống tốt đẹp nhất của đấng giác ngộ. Ở nơi tâm thể thường nhiên ngang qua bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi một cách nhẹ nhàng khoan thai và siêu thoát. Một cuộc sống không vồn vã hấp tấp, không ôm đồm tham đắm; mà thể hiện tâm bình thường thanh thoát và chính cái "Tâm bình thường là đạo" vậy.

Hằng ngày, đức Phật đi khất thực khi gần giờ ngọ trai, và theo thứ lớp mà khất thực một cách ung dung tự tại, chứ không sanh tâm phân biệt, lựa chọn giàu nghèo, sang hèn. Thọ trai xong, Phật giải ý, cất bát, rồi rửa sách tay chân, trải tòa ngồi nghỉ.

Cuộc sống thường nhiên của đức Phật nói lên tâm hành vô trụ, bởi chính thực tại tuệ giác. Đó là thiền cơ, nhằm xúc tác vào tâm hồn thầy Thiện Hiện, để thầy tác duyên thưa thỉnh đức Phật, nhằm triển khai thứ tuệ giác này cho đại chúng.

II. THIỆN HIỆN KHỞI THỈNH
Thời Trưởng lão Tu Bồ Đề tại đại chúng trung, tức tùng tòa khởi, thiên đản hữu kiên, hữu tất trước địa, hiệp chưởng cung kính nhi bạch Phật ngôn:

- Hi hữu Thế Tôn! Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ Tát, thiện phó chúc chư Bồ Tát! Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm, vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm?

Phật ngôn: "Thiện tai! Thiện tai! Tu Bồ Đề! Như nhữ sở thuyết, Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ Tát, thiện phó chúc chư Bồ Tát, nhử kim đế thính, đương vị nhử thuyết. Thiện nam tử, thiện nữ nhơn phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm, ưng như thị trụ, như thị hàng phục kỳ tâm".

- Duy nhiên, Thế Tôn! Nguyện nhạo dục văn.

    Dịch nghĩa:

    TRƯỞNG LÃO THIỆN HIỆN KHỞI THỈNH
Bấy giờ trong chúng
Trưởng lão Thiện Hiện
Từ tòa đứng dậy
Để hở vai phải
Gối phải quỳ xuống
Chấp tay thành kính
Bạch với Phật rằng:

    - Bạch đức Thế Tôn!
    Thật là hiếm có
    Như Lai thật khéo
    Để tâm giúp đỡ
    Các vị Bồ tát
    Và khéo giao phó
    Ân cần căn dặn
    Các vị Bồ tát.
    Bạch đức Thế Tôn!
    Nếu có thiện nam
    Cùng người tín nữ
    Phát tâm vô thượng
    Chánh đẳng chánh giác
    Thì phải làm sao
    An trụ tâm mình?
    Và bằng cách nào
    Hàng phục tâm ấy?
Đức Phật dạy rằng:
- Lành thay! Lành thay!
Nầy thầy Thiện Hiện
Như lời thầy nói
Như Lai thật khéo
Để tâm giúp đỡ
Các vị Bồ tát
Thật khéo giao phó
Ân cần căn dặn
Các vị Bồ tát.
Nay thầy nghe kỹ
Sẽ vì thầy nói:
- Nếu có thiện nam
Cùng người tín nữ
Phát tâm vô thượng
Chánh đẳng chánh giác
Nên như vậy trụ
Như vậy hàng phục
Cái tâm của mình.

    - Xin vâng bạch Phật!
    Con muốn được nghe.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Thiện Hiện: Cũng gọi là Thiện Kiết, là tên dịch nghĩa do khi sinh thầy thì có những điều lành. Còn tên Tu Bồ Đề là dịch âm tiếng Phạn Subhuti. Thầy là một trong số mười vị đệ tử lớn của Phật, và thầy có sở trường giải Không đệ nhất, nên cũng gọi là Không Sanh.
  2. Trưởng lão: Những vị đã trưởng thành trong chánh pháp gọi là Trưởng lão. Trưởng lão ở đây là căn cứ vào dạo lực, đạo phong, vào quả vị tu chứng; chứ không phải căn cứ vào tuổi tác, bằng cấp, địa vị. Thầy Tu Bồ Đề cũng được gọi là Trưởng lão Tu Bồ Đề.
  3. Thế Tôn: Là đấng mà cả thế gian đều tôn kính. Đó là một trong mười danh hiệu của một vị Phật.
  4. Như Lai: Tiếng Phạn là Tathagata, là một trong mười danh hiệu của một vị Phật. Như Lai là nương vào như thậtthành chánh giác, cho nên đoạn sau đức Phật dạy: "Không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai"
  5. Thiện hộ niệm: Khéo nhớ nghĩ đến để giúp đỡ và bảo hộ cho hàng Bồ tát tấn tu.
  6. Thiện phó chúc: Khéo dặn dò, nhắc nhở và giao phó pháp lớn cho hàng Bồ tát lớn từ Bát địa trở lên.
  7. Bồ tát: Dịch âm tiếng Phan Bodhisattva (Bô-đi-sát-toa). Dịch nghĩa là giác hữu tình, nghĩa là giác ngộ những thứ tình thức biến dạng liên tục bởi vọng tâm, và phát nguyện rộng lớn để độ thoát chúng sinh.
  8. A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề: Là dịch âm tiếng Phạn Anuttara Samyak Sambodhi: A dịch là Vô, Nuttara dịch là thượng, Sam dịch là chánh, Yak dịch là đẳng, Sam dịch là chánh, Bodhi dịch là giác. Là sự giác ngộ tột cùng không có gì so sánh được, chỉ cho trí giác ngộ của chư Phật, nó rời khỏi mọi cặp phạm trù đối đãi hai bên bởi thứ tri kiến chúng sinh. Bởi bản chất của các pháp là lìa khỏi mọi cặp phạm trù đối đãi của vọng tâm. "Nhất thiết pháp tùng bản dĩ lai, ly danh tự tướng, ly ngôn thuyết tướng, ly tâm duyên tướng, tất cánh bình đẳng, vô hữu biến dị, bất khả phá hoại, duy thị nhất tâm, cố danh chân như"(1).
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Sống chánh niệm tỉnh giácthể hiện oai nghi tế hạnh của một vị Tỳ kheo trong cuộc sống thường nhiên. Vì vậy cho nên, thực hiện đạo phong: Trên cung dưới kính, hòa kỷ hòa tha, khiêm hạ thanh nhàn, tịnh tâm và giải thoát", là cách sống thiện lành nhất.

Trên cung là thể hiện sự cung kính đối với những bậc thánh nhân, những bậc thầy đáng kính, cung kính những bậc tiền bối mà mình đã mang ơn. Dưới kính là thể hiện sự tương kính đối với những vị dưới mình như sư em, đệ tử, con cái, người giúp việc v.v... Thể hiện sự tương kính là một đức tính tốt đẹp, nhằm xóa đi những dị biệt do tính cống cao ngã mạn tự đắc gây nên, tạo tiền đề ngăn cách giữa mình và người khác. Hòa kỷ là tự thân mình không bị đầu độc bằng xì ke, ma túy, thuốc lá, rượu v.v... Không tự mình nuôi dưỡng những tâm lý không lành mạnh, tạo thành động cơ dẫn đến sầu bi khổ ưu não. Hòa tha là biết thực hiện hành động tương tức, nhằm lành mạnh hóa thân tâm mình và tha nhân cũng như môi trường sống.

Khiêm hạ là thể hiện đức tính khiêm cung, tự hạ mình xuống để học hỏi lẫn nhau trong cuộc sống trùng duyên này. Thanh nhànthể hiện tâm thái thanh thoát và nhẹ nhàng trong mọi hành vi cử chỉ. Tịnh tâmgiải thoát là không để cho tâm trôi về quá khứ và tương lai, hoặc bị dính mắc trong hiện tại. Sống đúng với tuệ giác thực tại, nên tâm không bị mê muội dật dờ, hay bị trói buộc.

Thể hiện nhân cách viên mãn ấy chính là thầy Thiện Hiện (Tu Bồ Đề). Thầy có cái danh "Không Sanh" mà "không chẳng sanh", nên đứng dậy thành kính thể hiện đầy đủ oai nghi tế hạnh của một vị Tỳ kheo, đảnh lễ đức Phật rồi thưa thỉnh, tác duyên để Phật chỉ rõ ra (khai thị) nghệ thuật an trụ tâmhàng phục tâm cho đại chúng.

    "Bạch đức Thế Tôn, có kẻ thiện nam cùng người tín nữ phát tâm Bồ đề, thì phải làm sao an trụ tâm mình và bằng cách nào hàng phục tâm ấy".
Thầy Thiện Hiện hỏi cách an trụ và cách hàng phục tâm, thì được đức Phật dạy: "Có kẻ thiện nam cùng người tín nữ phát tâm Bồ đề, nên như vậy trụ, như vậy hàng phục tâm ấy". Như vậy nghĩa là không thêm không bớt, mà chỉ là "cái nghe bằng chính cái nghe, cái thấy bằng chính cái thấy, cái ngửi bằng chính cái ngửi v.v...", tức "như thị" mà không khởi vọng tâm thêm bớt (chấp thủ, lập trước vật). Vì sao như vậy? Vì sinh tâm chấp thủ, lập trước vật chính là thói quen dựng lập của tư duy hữu ngã. Tự thân nó mang tính cục bộ chủ quan áp đặt của vọng thức lên thực tại, chứ không phải là bản thân thực tại. Bởi thực tại là "như thị", nên "không thể dùng văn tự để diễn bày, không thể dùng lời tiếng để nói phô, không thể dùng tâm duyên để nhận chân", mà "nên như vậy trụ, như vậy hàng phục tâm ấy". Bởi an trụ tâmđể tâm thể nhập vô thượng chánh đẳng chánh giác, và hàng phục tâm là để cho tâm không bị giao động tán loạn. Vì vậy cho nên, người phát tâm Bồ đề là trên cầu trí giác vô thượng, dưới hóa độ tất cả chúng sinh, và khi nào chúng sinh tâm (tức vọng tưởng) được hóa sạch thì trí giác ngộ mới hiện bày. Vọng thức hay tri kiến chúng sinh, chính là động cơ tạo thành chuỗi dài sinh diệt trong tự tâm, làm cho tâm mãi trôi dài trong dòng samsāra (dòng luân chuyển) vô tận, để rồi phải nhận lấy hệ quả sầu bi khổ ưu não triền miên. Nay được đức Phật khai thị nghệ thuật an trụ tâmhàng phục tâm bằng "như thị", tức thực hiện nghệ thuật sống lìa bỏ mọi chấp thủ của tình thức, của vọng tưởng thuộc về tư duy hữu ngã, thuộc về biến kế sở chấp(2).

Chúng ta thấy rằng, nhân loại ngày nay có những mối bất hòa, là do bởi mỗi người tự phó thác cho tình thức của mình điều khiển. Mỗi khi tình thức ấy không được soi sáng bởi tuệ giác và không được hướng dẫn bởi tình thương thì con người tự làm khổ mình, khổ người. Những cuộc chiến tranh đã diễn ra trên mọi chiến trường, đâu không phải là do tình thức cục bộ, ích kỷ, hẹp hòi của con người cộng lại? Mọi giải pháp hòa giải dựa trên tình thức, chỉ đem lại hòa bình nhất thời mà thôi. Vì vậy cho nên, đức Phật dạy: "Tâm bình thì thế giới bình". Và muốn cho tâm bình, thì phải biết cách an trụ tâmhàng phục tâm. Để nhận rõ thêm nghệ thuật an trụ và hàng phục này, thầy Thiện Hiện thưa: "Xin vâng bạch Phật! Con muốn nghe".

GHI CHÚ:

(1) "Hết thảy các pháp, từ trong bản chấtlìa tướng danh tự, lìa tướng nói năng, lìa tường tâm duyên, rốt ráo bình đẳng, không thể phá hoại, chỉ là nhất tâm, nên gọi chân như". Trích từ Luận Đại Thừa Khởi Tín của ngài Mã Minh.

(2) Tình thức có công năng chấp trước vào hiện tượng giới để tạo thành vọng tâm chủ quan (biến kế sở chấp, tức hiện tiền lập trước vật).



III. ĐẠI THỪA CHÍNH TÔNG
Phật cáo Tu Bồ Đề: Chư Bồ Tát Ma Ha Tát ưng như thị hàng phục kỳ tâm. Sở hữu nhất thiết chúng sinh chi loại, nhược noản sinh, nhược thai sinh, nhược thấp sanh, nhược hóa sinh, nhược hữu sắc, nhược vô sắc, nhược hữu tưởng, nhược vô tưởng; nhược phi hữu tưởng, phi vô tưởng, ngã giai linh nhập Vô dư Niết bàn nhi diệt độ chi. Như thị diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sinh, thiệt vô chúng sinh đắc diệt độ giả. Hà dĩ cố?

Tu Bồ Đề! Nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhơn tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ Tát.

    Dịch nghĩa:

    TÔNG ĐẠI THỪA CHÁNH YẾU
Phật dạy Thiện Hiện:
Những Bồ tát lớn
Hãy nên như vậy
Hàng phục tâm ấy:
Chỗ có hết thảy
Những loài chúng sinh
Hoặc sinh bằng trứng
Hoặc sinh bằng thai
Sinh nơi ẩm thấp
Sinh bằng chuyển hóa
Hoặc loài có sắc
Hoặc loài không sắc
Hoặc loài có tưởng
Hoặc loài không tưởng
Hoặc chẳng có tưởng
Hoặc chẳng không tưởng
Ta đều làm cho
Diệt độ hết thảy
Vào chốn Niết bàn
Vô dư rốt ráo.

    Diệt độ như vậy
    Không thể tính hết
    Số lượng chúng sinh
    Nhưng thật hoàn toàn
    Chẳng thấy chúng sinh
    Được mình diệt độ.
    Vì sao như vậy?
    Này thầy Thiện Hiện
    Vì nếu Bồ tát
    Mà có ý tưởng
    Ngã, nhơn, chúng sanh
    Cùng tưởng, thọ giả
    Tức không thể gọi
    Là bậc Bồ tát.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Đại thừa: Tiếng Phạn là Mahayana (Ma ha diễn) nghĩa là cỗ xe lớn. Phật lấy cỗ xe lớn để ám chỉ cho pháp lớn không ngằn mé, nhằm giúp hành giả hóa giải mọi lầm chấp của tự tâm, để hình thành cho mình một tâm thể cũng rộng lớn không ngằn mé, tức đạt thành nhất thiết trí.
  2. Chính tông: Là tông chính yếu để thành tựu trí giác vô thượng, cũng gọi là Phật tâm tông.
  3. Bồ tát Ma Ha tát: Là Bồ tát lớn, chỉ cho hàng Bồ tát từ Bát địa trở lên.
  4. Sở hữu nhất thiết chúng sinh chi loại: Chỗ có hết thảy các loài chúng sinh. "Sở hữu" ở đây ám chỉ cho những gì thuộc về chấp thủ của tâm (tâm sở hữu pháp...), còn vật thì không có sở hữu. Sở hữu là thuộc về tình thức, thuộc loài hữu tình, thuộc tâm chúng sinh.
  5. Noãn sinh: Loài sinh bằng trứng như chim ca, v.v..., ở đây dụ cho loại hình tư tưởng, mưu mô, xảo trá. Kế cao dụ cho chim bay, mưu sâu dụ cho cá lặn v.v...
  6. Thai sinh: Loài sinh ra từ bào thai như người, heo, chó v.v..., ở đây dụ cho loại hình tư tưởng thuộc về đa dâm sắc dục, tâm nghiêng về bản năng.
  7. Thấp sinh: Loài sinh ra từ ẩm thấp như vi khuẩn, lăng quăng v.v..., ở đây dụ cho loại hình tư tưởng nhỏ mọn, đê hèn, bẩn thỉu...
  8. Hóa sinh: Loài sinh bằng chuyển hóa như ở các tầng trời, như bướm, ong v.v..., ở đây dụ cho loại hình tư tưởng lập lường, tráo trở, trước sau bất nhất...
  9. Hữu sắc: Loài có hình sắc. Ở đây dụ cho loại hình tư tưởng nương vào sắc mà hình thành, đối tượng của nó là sắc trần.
  10. Vô sắc: Loài không có sắc chất như thổ địa, thần tài..., ở đây dụ cho loại hình tư tưởng lưỡng phân, nghĩa là một nửa trừu tượng, một nửa cụ thể. Đất thì có, mà thổ địa thì không, tài lời thì có mà thần tài thì vô hình trung. Hoặc những khái niệm như lông rùa, sừng thỏ (thỏ, rùa thì có mà lông rùa, sừng thỏ thì không có).
  11. Hữu tưởng: Loài có tưởng, ở đây dụ cho những tư tưởng trừu tượng như độc lập, tự do v.v...
  12. Vô tưởng: Loài không tưởng. Ở đây dụ cho loại hình tư tưởng hoàn toàn trừu tượng thuộc về siêu thực, như thượng đế, ông trời...
  13. Phi hữu tưởng: Loài chẳng có tưởng. Ở đây dụ cho trạng thái trầm không của người tu thiền định sai lạc, thuộc về tưởng trầm không, nên rơi vào cõi phi thưởng.
  14. Phi vô tuưởng: Loài chẳng không tưởng. Ở đây dụ cho trạng thái trệ trịch của người tu thiền định sai lạc, gọi là ngậm nước chết của hầm sâu vô minh, nên rơi vào cõi phi phi tưởng.

    Mười loại chúng sinh ở trên đều thuộc về đối tượng của tâm thức, từ cụ thể đên trừu tượng, và có cùng một mẫu số chung, đó là tưởng.
  15. Vô dư Niết bàn: Niết bàn rốt ráo, tức không còn sanh thân hữu dư. Nhưng ở đây còn sanh thân hữu dư mà Phật lại bảo độ chúng sinh vào Vô dư Niết bàn, như vậy chúng sinh ở đây chính là vọng tưởng.
  16. Ngã tưởng: Những hình thái tư tưởng do tư duy về mình mà hình thành.
  17. Nhân tưởng: Những hình thái tư tưởng do tư duy về những người khác mà hình thành.
  18. Chúng sinh tưởng: Những hình thái tư tưởng do tư duy về nhiều yếu tố khác nhau mà hình thành (giả chúng duyên nhi sinh tưởng).
  19. Thọ giả tưởng: Những hình thái tư tưởng được hình thành bởi những cảm thọ từ thô đến tế, kể cả thọ mạng của dòng thức (yêu tố chấp ngã bởi Mạt Nahạt giống), kể cả trạng thái thiền địnhtâm thức rơi vào trần không trệ tịch (rơi vào ngậm nước chết, rơi vào vô ký, cũng là một dạng thọ giả tưởng vi tế) cho đến phi tưởng, phi phi tưởng đi nữa cũng vẫn còn bị tưởng phi tưởng khống chế.

B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn này đức Phật dạy tông chánh yếu của Đại thừa là độ hết thảy chúng sinh. Chúng sinh thì nhiều vô số kể, nhưng không ra ngoài mười loại: Loài sinh bằng trứng, loài sinh bằng bào thai, loài sinh ở nơi ẩm thấp, loài sinh bằng sự chuyển hóa, loài có sắc, loài không sắc, loài có tưởng, loài không tưởng, loài chẳng có tưởng, loài chẳng không tưởng. Hành giả phải độ hết thảy chúng sinh ấy vào Niết bàn rốt ráo (vô dư). Niết bàn vô dưNiết bàn không còn sanh thân hữu dư. Nhưng ở đây vẫn còn sanh thân hữu dư mà Phật lại bảo độ vào Niết bàn vô dư, thì chúng sinh ấy chính là vọng tưởng.

Những vọng tưởng từ những mưu cao kế sâu, những tư tưởng đa dâm sắc dục, những tư tưởng nhỏ mọn đề hèn, những tư tưởng lập lường tráo trở trước sau bất nhất, những tư tưởng đắm sắc tham tài, mộng mơ tơ tưởng, tin tưởng viễn vông v.v... cho đến trạng thái trầm không trệ tịch của những người thiền định sai lạc, rơi vào ngậm nước chết, rơi vào vô ký không, ngất ngây huyền ảo (phi phi tưởng).

Mười loại chúng sinh ấy có cùng một mẫu số chung là tưởng. Tưởng được hình thành ngang qua tâm thức của mỗi chúng ta, bởi bốn trạng huống:

  1. Những tư tưởng do tư duy về mình mà hình thành (ngã tưởng).
  2. Những tư tưởng do tuy duy về người khác mà hình thành (nhân tưởng).
  3. Những tư tưởng do tư duy về nhiều yếu tố mà hình thành (chúng sinh tưởng).
  4. Những tư tưởng do tư duy về những cảm thọ mà hình thành (thọ giả tưởng), kể cả những hạt giống thọ mạng về từng sanh thân, cũng như trạng thái trầm không trệ tịch của thiền định sai lạc, rơi vào phi tưởng, phi phi tưởng.
Diệt độ hết thảy chúng sinh vào chốn Niết bàn vô dư, mà thật hoàn toàn chẳng thấy chúng sinh được mình diệt độ. Vì cớ sao? Vì năng độ cũng là do tâm, mà sở độ cũng là tâm. Độ hết thảy chúng sinh tức sở độ không còn, thì năng độ cũng chấm dứt, tức tư duy hữu ngã không còn dựng lập.

Và mỗi khi trong tâm không còn chấp thủ, không còn lập trước vật, thì hành giả mới sống đúng với trí huệ Bát Nhã của mình. Trí huệ Bát Nhã chính là: "Tâm thể rộng lớn thênh thang, không còn chướng ngại, chẳng chút sợ hãi, lìa hẳn điên đảo, sạch hết mộng tưởng, rốt ráo Niết Bàn".

Ngược lại, nếu vị Bồ tát mà còn ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng thì không thể gọi là bậc Bồ tát. Bởi bậc Bồ tát là giác hữu tình, nghĩa là giác ngộ hết thảy mọi thứ tình chấp của tự tâm, hằng phát nguyện rộng lớn với pháp lớn không ngằn mé(1), nhằm rộng độ chúng sinh vô biên. Con đường Bồ tátcon đường chim bay không lưu vết, con đường của đạo học chứ không phải là con đường của triết học. Vì vậy cho nên đức Phật dạy: "Nên như vậy trụ, như vậy hàng phục tâm ấy".

Đó cũng chính là nghệ thuật sống bằng thực tại tuệ giác, bởi trí tuệ Bát nhã của vị giác hữu tình. Vì cớ sao? Vì "Diệu hạnh của Bồ tát là vô trụ" vậy.

GHI CHÚ:

(1) Đại thừa: Tâm siêu việt tư lượng: phi tư lượng.



IV. DIỆU HẠNH VÔ TRỤ
Phục thứ, Tu Bồ Đề! Bồ Tát ư pháp, ưng vô sở trụ, hành ư bố thí.

Sở vị bất trụ sắc bố thí, bất trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp bố thí. Tu Bồ Đề! Bồ Tát ưng như thị bố thí, bất trụ ư tướng. Hà dĩ cố? Nhược Bồ Tát bất trụ tướng bố thí, kỳ phước đức bất khả tư lương.

Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Đông phương hư không khả tư lương phủ?

- Phất dã, Thế Tôn!

- Tu Bồ Đề! Nam, Tây, Bắc phương, tứ duy thượng hạ hư không khả tư lương phủ?

- Phất dã, Thế Tôn!

- Tu Bồ Đề! Bồ Tát vô trụ tướng bố thí, phước đức diệc phục như thị, bất khả tư lương. Tu Bồ Đề! Bồ Tát đản ưng như sở giáo trụ.

    Dịch nghĩa:

    DIỆU HẠNH KHÔNG TRỤ
Lại nữa Thiện Hiện
Ở nơi các pháp
Bồ tát không nên
Trụ tâm vào chúng
Thực hành bố thí
Nghĩa là bố thí
Không trụ nơi sắc
Thanh, hương, vị, xúc
Không trụ nơi pháp.

    Này thầy Thiện Hiện
    Là bậc Bồ tát
    Nên y như vậy
    Thực hành bố thí
    Không trụ nơi tướng.
    Vì sao như vậy?
    Vì bậc Bồ tát
    Chẳng trụ nơi tướng
    Thực hành bố thí
    Thí phước đức ấy
    Không thể nghĩ lường.
    Này thầy Thiện Hiện
    Ý thầy thế nào?
    Có thể đo lường
    Được cõi hư không
    Ở phương Đông chăng?
Bạch đức Thế Tôn
Không thể lường được.

Này thầy Thiện Hiện
Hư không phương Nam
Phương Tây, phương Bắc
Bốn phía dưới trên
Có thể đo lường
Cõi ấy được chăng?

Bạch đức Thế Tôn
Không thể đo lường.

Này thầy Thiện Hiện
Bồ tát bố thí
Không trụ nơi tướng
Thì phước đức ấy
Lại cũng như vậy
Không thể lường được.
Này thầy Thiện Hiện
Bồ tát chỉ nên
An trụ tâm mình
Như lời vừa giảng.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Pháp: Gọi chung mọi hiện tượng vật lý, tâm lý, hữu vi, vô vi...
  2. Vô sở trụ: Không chỗ trụ. Sở trụ là pháp sở hữu của tâm, được vọng thức kiến lập khi xúc cảnh.
  3. Bố thí: Đem sức lực hoặc tài vật giúp cho chúng sinh thì gọi là tài thí. Đem chánh pháp ra giảng giải cho người hiểu, để thoát khỏi vòng mê muội, khổ đau thì gọi là pháp thí. Còn bố thí ở đây là xả ly chấp ngãchấp pháp, cũng gọi là hằng thuận pháp tính.
  4. Bất khả tư lượng: Không thể suy nghĩ và đo lường được vì không có tư duy hữu ngã can dự vào, tức tâm đã xả ly mọi tư lượng.

B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn này đức Phật dạy: " "Các Bồ tát ở nơi các pháp không nên trụ tâm vào chúng thực hành bố thí", Vì sao? Vì đem tâm trụ vào các pháp, thì tướng tâm trụ ấy là pháp sở hữu của tâm, chứ không phải bản thân các pháp, mà bản thân các pháp là "Như thị". Vì vậy cho nên, Bồ tát không trụ tâm các pháp mà hành bố thí. Bởi hành bố thí ở đây có nghĩa là hằng thuận pháp tính tức "Cái nghe bằng cái nghe, cái thấy bằng cái thấy v.v..", mà không khởi vọng tâm chấp thủ, thì sự bố thí ấy thuộc động cơ chấp ngã nên không khỏi vướng mắc ta, người, chúng sinh, thọ giả và vẫn bị sầu bi khổ ưu não khống chế.

Vì vậy cho nên, ở đoạn sau đức Phật dạy: "Nên không ta, không người, không chúng sinh, không thọ giảthực hành hết thảy pháp lành, tức đắc đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác".

Đây chính là sự xả ly rốt ráo, tức bố thí Ba la mật vậy. Tâm bố thí hay xả ly là pháp đứng đầu trong "Lục độ Ba la mật" của một vị Bồ tát. Xả sạch chấp ngãchấp pháp là chánh nhân thành Phật.

Vì cớ sao? Vì xả bỏ mọi chấp thủ, chính là giải trừ động cơ dẫn đến sầu bi khổ ưu não. Thực hiện thực tại tuệ giác chính là bít cửa sinh diệt (Samāra: dòng chảy tâm vật lý: luân hồi). Xóa sạch mọi tình chấp (tức sinh đã tận, lậu đã tận), nên đạt được Niết bàn rốt ráo, thì phước đức ấy không thể suy lường.

Như hư không của mười phương thế giới vô sở hữu, nhưng dung chứa sum la vạn tượng trong ấy. Tâm vô sở trụ của Bồ tát cũng lại như vậy. Vì sô sở hữu nên thường tịch, vì trống không, không tự ngã nên thường chiếu. Đó chính là diệu hạnh vô trụ của một vị Bồ tát.

Ngược lại, nếu bố thí tiền của dù nhiều đến cỡ nào đi nữa cũng có hạn lượng, chỉ giúp người thoát khỏi nghèo đói, và chỉ có phúc đức hữu lậu mà thôi. Nếu động cơ chấp ngã vẫn chưa được giải trừ, thì cũng không thoát khỏi dòng sinh tử với bao khổ lụy bi ai.

Vì vậy, cho nên đức Phật dạy: "Bồ tát chỉ nên an trụ tâm mình như lời vừa giảng", đó mới là "như lý thật kiến".


V. NHƯ LÝ THẬT KIẾN
Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Khả dĩ thân tướng kiến Như Lai phủ?

- Phất dã, Thế Tôn! Bất khả dĩ thân tướng đắc kiến Như Lai. Hà dĩ cố? Như Lai sở thuyết thân tướng, tức phi thân tướng.

Phật cáo Tu Bồ Đề: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng: nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai".

    Dịch nghĩa:

    THẤY CHÂN NHƯ
Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy thế nào?
Có thể chấp vào
Cái thân sắc tướng
Mà cho rằng thấy
Được Như Lai chăng?

    Bạch đức Thế Tôn
    Không thấy vậy được
    Không thể chấp vào
    Cái thân sắc tướng
    Mà cho rằng thấy
    Được đức Như Lai.
    Vì sao như vậy?
    thân tướng ấy
    Như Lai nói rằng
    Chẳng phải thân tướng.
Phật bảo Thiện Hiện:
Phàm sở hữu tướng
Đều là hư vọng
Nếu thấy các tướng
Phi tướng (sở hữu)
Tức thấy Như Lai.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Thân tướng: Là cái tướng duyên sinh mang tính tổng hợp (vô ngã), cũng gọi là hợp thể năm uẩn, nó thuộc sinh diệt biến dị (mang lý tính vô ngãvô thường).
  2. Thân Như Lai: Là pháp thân trí tướng. Vì thân trí tướng, cho nên vượt thoát mọi khái niệm giả lập của tâm thức. Vì vậy cho nên, nói pháp thân chẳng phải là thân tướng (tức không thuộc thân tướng hữu vi).
  3. Sở hữu tướng: Là tướng sở hữu của tâm, do tâm thức dựng lập mà có.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn này đức Phật dạy: "Thân sắc tướng không phải là Như Lai".

Vì sao như vậy? Vì thân sắc tướng là hợp thể của năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), nên nó tùy thuộc vào nhau mà hiện khởi, không có chủ tác (vô ngã), không mang lý tính cá thể biệt lập (duyên sanh), không thường tại (vô thường) mà luôn luôn biến đổi từ dạng này sang dạng khác cho đến vô cùng.

Vì vậy cho nên, nếu nhìn thật sâu lòng thực tại, thì chẳng có thân tướng nào khác thân tướng nào, bởi: "sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc" nghĩa là vừa ở dạng hạt(1), vừa ở dạng sóng năng lượng. Bởi mọi hiện tượng đều đang trở thành do lý tính vô ngãvô thường, cho nên "thân tướng tức phi thân thướng", nghĩa là "thân tướng không phải là pháp thân trí tướng của Như Lai". Vì vậy, nhìn thực tại bằng vọng kiến thì tầm nhìn ấy trở nên phiến diệnsai lầm. Bởi vọng kiến là sản phẩn giả lập của tâm thức, chứ không phải là bản thân thực tại, mà bản thân thực tại là "như thị", tức là "thấy chân thật như lý".

Còn "Phàm tướng sở hữu đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng phi tướng (tức không bị biến kế sở chấp đánh lừa) tức thấy Như Lai". Như là thể tịch nhiên vắng lặng, mà Lai dụng chiếu soi của tánh giác. Còn tướng sở hữu chính là tướng chấp thủ của tâm thức (pháp sở hữu của tâm). Vì vậy cho nên, phải liễu ngộ pháp không, để tự chứng vào thực tại bằng cách hóa giải mọi động cơ trói buộc ban đầu, tức "hốt sanh nhất niệm vô minh" hay chính là tri thức suy luận (sở hữu tướng) bởi thói quen dựng lập của tâm thức, nên rơi vào biên kiến: đoạn thường, thật giả, có không v.v...

Cái "tình thức" của chúng ta bị chia sẻ manh mún bởi sự lộng hành vô độ của công họa sư tâm ý, đó chính là động cơ tạo nên dòng sinh diệt để phải đi vào muôn kiếp lạnh lùng với bao mùi vị đắng cay, sầu bi khổ ưu não.

Tổ Huệ Năng nói: "Phật pháp là pháp chẳng hai", tức "như thị". Vì vậy cho nên hành giả phải tức thời tỉnh giác để vượt thoát xu hướng phân tích của bộ óc (biến kế sở chấp) mà tự nó mang tính áp đặt chủ quanphi lý lên thực tại.

Vượt lên trên mọi "tri kiến lập tri", tức "Kiến chư tướng phi tướng", mới thành tựu Thánh đế đệ nhất nghĩa (tức thực tại tối thượng), mới thấu rõ pháp thân thường tại (kiến Như Lai), cũng gọi là lý tánh tuyệt đối, thường hằng và phổ quát của vũ trụ vạn hữu.

Vì vậy trong kinh Niết Bàn, đức Phật dạy: "Nếu trong tâm không còn vọng tưởng (kiến chư tướng phi tướng), thì bên ngoại vạn pháp hiện toàn chân" (tức kiến Như Lai). Tin được như vậy mới gọi là "chánh tín hy hữu".

GHI CHÚ:

(1) Hạt: Quart là hạt căn bản của điện tử.


VI. CHÁNH TÍN HY HỮU
Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn: "Thế Tôn! Phả hữu chúng sanh đắc văn như thị ngôn thuyết chương cú sinh thật tín phủ?"

Phật cáo Tu Bồ Đề: "Mạc tác thị thuyết. Như Lai diệt hậu, hậu ngũ bách tuế, hữu trì giới tu phước giả, ư thử chương cú, năng sanh tín tâm, dĩ thử vi thật.

Đương tri thị nhơn, bất ư nhất Phật, nhị Phật, tam, tứ, ngũ Phật, nhi chủng thiện căn, dĩ ư vô lượng, thiện vạn Phật sở, chủng chư thiện căn. Văn thị chương cú, nãi chí nhất niệm, sanh tịnh tín giả.

Tu Bồ Đề! Như Lai, tất tri tất kiến, thị chư chúng sinh, đắc như thị vô lượng phước đức.

Hà dĩ cố? Thị chư chúng sinh vô phục ngã tướng, nhơn tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng, vô pháp tướng, diệc vô phi pháp tướng.

Hà dĩ cố? Thị chư chúng sinh nhược tâm thủ tướng, tắc vi trước ngã, nhơn, chúng sinh, thọ giả; nhược thủ pháp tướng, tức trước ngã, nhơn, chúng sinh, thọ giả.

Hà dĩ cố? Nhược thủ phi pháp tướng tức trước ngã, nhơn, chúng sinh, thọ giả. Thị cố, bất ưng thủ pháp, bất ưng thủ phi pháp.

Dĩ thị nghĩa cố, Như Lai thường thuyết: Nhữ đẳng Tỳ kheo tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả. Pháp thượng ưng xã, hà huống phi pháp!

    Dịch nghĩa:

    NIỀM TIN CHÂN CHÁNH RẤT HIẾM CÓ
Thiện Hiện bạch Phật:
Bạch dức Thế Tôn
Hoặc có chúng sinh
Được nghe Phật dạy
Chương cú như vậy
Mà có thể sinh
Lòng tin thật chăng?

    Phật bảo Thiện Hiện:
    Thầy đừng nói vậy
    Sau khi Như Lai
    Vào chốn Niết bàn
    Năm trăm năm sau
    Có người trì giới
    Tu tạo phước đức
    Gặp chương cú này
    Cũng có khả năng
    Sinh được tín tâm
    Điều này là thật
    Nên biết người này
    Đã trồng căn lành
    Không những ở nơi
    Một, hai, ba, bốn
    Năm đức Thế Tôn
    Mà đã ở nơi
    Vô lượng ngàn vạn
    Đức Phật như vậy
    Nên khi nghe chương
    Kinh kệ như thế
    Nhẫn đến nhất niệm
    Sinh lòng tín định.
Này thầy Thiện Hiện
Như Lai tất biết
Tất thấy người ấy
Chứng đắc như vậy
Phước đức vô lượng.
Vì sao như vậy?
Vì những chúng sinh
Không còn tướng ngã
Không còn tướng nhơn
Không tướng chúng sinh
Không tướng thọ giả
Không còn chấp pháp
Lại cũng không chấp
Tướng chẳng phải pháp.

    Vì sao như vậy?
    chúng sinh ấy
    Nếu tâm chấp tướng
    Tức bị dính mắc
    Vào tướng ngã, nhơn
    Chúng sinh, thọ giả
    Nếu chấp tướng pháp
    Tức bị dính mắc
    Vào tướng ngã, nhơn
    Chúng sinh, thọ giả
    Tại sao như vậy?
    Chấp tướng phi pháp
    Tức bị dính mắc
    Vào tướng ngã, nhơn
    Chúng sinh, thọ giả
    Vì vậy cho nên
    Không nên thủ pháp
    Cũng không chấp thủ
    Vào tướng phi pháp.
Bởi chính nghĩa này
Như Lai thường nói
Các thầy Tỳ kheo
Phải biết rõ rằng
Những pháp ta nói
Cũng như thuyền bè
Dùng để sang sông
Pháp còn phải xả
Huống hồ phi pháp.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Sinh thật tín: Sinh lòng tin thật, nghĩa là tin tự tánh vốn thanh tịnh, không hư vọng, không bị sai lạc bởi biến kế ở chấp.
  2. Chủng chư thiện căn: Trồng các căn lành. Căn lành thì phi thiện ác, chính là diệu dụng của bản thể.
  3. Nhất niệm sinh tịnh tín: Nhất niệm sinh lòng tin sạch. Nhất niệmniệm thuần nhất, là chánh niệm bởi tuệ giác được tại.
  4. Vô pháp tướng: Không tướng pháp, nghĩa là đối với tất cả pháp không khởi tâm kiến lập.
  5. Vô phi pháp tướng: Không kiến lập tướng phi pháp nghĩa là: không rơi vào ngoan không, cũng không rơi vào trầm không trệ tịch của thiền định sai lạc.
  6. Như phiệt dụ giả: Như thuyền bè để qua sông, qua sông rồi thì bỏ bè lại. Pháp là phương tiện để giúp cho hành giả thú hướng đến giác ngộ giải thoát, và mỗi khi đã sống được tính giác rồi thì bỏ pháp.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Phật dạy tâm vô sở trụ chính là tu nhân vô tướng, mới thành tựu quả vô tướng. Nhân vô tướng, nghĩa này rất sâu mầu nêm thầy Thiện Hiện sợ rằng, sau khi Phật diệt độ chúng sinh nghe được chương cú này khó sinh được tín tâm. Nên Phật dạy: "Sau thời tượng pháp (tức mạt pháp) nếu có người xuất gia tu trì giới đức, thì đối với thật nghĩa của kinh này cũng sinh được tín tâm". Vì sao? Vì những người này đã gieo trồng căn lành nơi nhiều đức Phật rồi. Bởi vậy cho nên chúng sinh nào sinh lòng tin trong sạch, tức tâm vô sở trụ, mới khế hợp với trí Bát nhã và được phước đức vô lượng. Vì sao được phước đức vô lượng? Vì phước đức này chính là phước đức tính, tức vượt khỏi tư duy hữu ngã (xả liễu ngã pháp). Bởi do xả sạch ngã pháp nên không lấy gì để đo lường được, nên gọi là vô lượng.

Do xóa sạch vọng kiến, cho nên tướng pháp và tướng phi pháp đều không, như dùng thuyền bè để sang sông, mỗi khi qua được bờ bên kia rồi thì bỏ bè lại, cũng như mây tan chính là trời vậy, chứ không khởi ý tìm trời nữa.

Tổ sư đã dùng hình ảnh bóng trăng và dòng nước, cũng như bầu trời và áng mây để chỉ bản thể tịch chiếu:

    Ngàn sông có nước ngàn sông trăng
    Muôn dặm không mây muôn dặm trời.
Nếu còn bị kẹt vào tướng pháp tức rơi vào biên kiến: đoạn thường, có không, thật giả v.v... Nếu còn bị kẹt vào tướng phi pháp tức rơi vào ngoan không, hoặc rơi vào trần không trệ tịch của thiền định sai lạc.

Vì vậy cho nên, hành giả phải sạch hết sở kiến mới khế hợp với thực tại tuệ giác, mới vỡ lẽ "vô đắc vô thuyết".


VII. VÔ ĐẮC VÔ THUYẾT
- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Như Lai đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề da? Như Lai hữu sở thuyết pháp da?

Tu Bồ Đề ngôn: "Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, vô hữu định pháp danh A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, diệc vô hữu định pháp Như Lai khả thuyết. Hà dĩ cố?

- Như Lai sở thuyết pháp giai bất khả thủ, bất khả thuyết, phi pháp, phi phi pháp. Sở dĩ giả hà?

- Nhứt thiết Hiền thánh giai dĩ, vô vi pháp nhi hữu sai biệt.

    Dịch nghĩa:

    KHÔNG ĐẮC CŨNG KHÔNG NÓI
Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy thế nào?
Như Lai có đắc
Đạo quả Vô thượng
Bồ đề hay chăng?
Như Lai có pháp
Để nói ra chẳng?

    Thầy Thiện Hiện thưa:
    Như ý con hiểu
    Nghĩa của Phật nói
    Không có pháp gì
    Nhất định gọi là
    Vô thượng Bồ đề
    Lại cũng không có
    Pháp gì nhất định
    Để Như Lai nói.
Vì sao như vậy?
Vì như lời dạy
Của đức Như Lai
Không thể chấp thủ
Không thể tỏ bày
Là chẳng phải pháp
Chẳng phải phi pháp.

    Vì sao như vậy?
    Hết thảy Thánh hiền
    Đều lầy vô vi
    Làm pháp tu hành
    Nhưng chỗ chứng đắc
    Lại có sai khác.
A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Vô đắc vô thuyết: Không được gì cả, cũng không có pháp gì được nói ra.
  2. Vô hữu định pháp: Không có pháp gì nhất định, nên nói pháp chẳng qua là giả lập mà thôi.
  3. Phi pháp, phi phi pháp:Chẳng pháp chẳng không pháp, tức là lìa hẳn bốn tướng: ngã, nhơn, chúng inh, thọ giả nên không rơi vào kiến lập: có không, đoạn thường, thật giả v.v... Cũng không rơi vào trầm không trệ tịch.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đến đoạn này Phật phá chỗ nghi của đại chúng là Phật có chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác và có thuyết giảng chánh pháp. Phật hỏi thầy Thiện Hiện: "Như Lai có đắc Vô thượng Bồ đề, và có thuyết giảng pháp chăng?".

Thầy Thiện Hiện thưa: "Theo ý con hiểu nghĩa của Phật dạy là: Không có pháp gì quyết định gọi là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng không có pháp gì được nói ra", nghĩa là không có chỗ chỉ, như mây tan chính là mặt trời vậy thôi.

Đến đây sợ đại chúng bị kẹt vào ngoan không nên thầy Thiện Hiện thưa: "Như lời Phật dạy là: không thể chấp thủ, không thể tỏ bày là pháp, là chẳng pháp. Và hết thảy Thánh hiền đều lấy vô vi làm nơi thú hướng, nhưng chỗ chứng đắc lại có sai khác". Nghĩa là tâm không kiến lập tất cả pháp, không rơi vào ngoan không, cũng không rơi vào trầm không trệ tịch; mà là thường tịch thường chiếu. Đây chính là tâm vô sở trụ, nên dòng sinh diệt dừng bặt. Tâm không còn thi vi tạo tác nên gọi là vô vi.

Đó cũng là nghệ thuật chuyển thức thành trí bằng vô công dụng hạnh, bằng sở quán không, nên năng quán đi vào tịch tịnh (năng sở song vong). Và nhờ nương vào định lực bản nhiên, tạo nên lực chuyển y nhằm quét sạch hầm sâu vô minh, làm cho tánh giác hiển lộ. Song, tùy theo lực dụng công miên mật hay giải đãi sai khác, nên lực chuyển y cũng đẩy tới những quả vị sai khác. Vì vậy cho nên, người thì vào hàng Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, cho đến Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác mới hết sai biệt. Vì vậy hành giả phải y vào pháp vô vi này mà an trụ tâm, mới có cơ duyên vượt thoát sinh tử.


VIII. Y PHÁP XUẤT SINH
- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Nhược nhân mãn tam thiên đại thiên thế giới thất bảo dĩ dụng bố thí thị nhơn sở đắc phước đức, ninh vi đa phủ?

Tu Bồ Đề ngôn: "Thậm đa, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Thị phước đức tức phi phước đức tánh, thị cố Như Lai thuyết phước đức đa".

- Nhược phục hữu nhân ư thử kinh trung thọ trì, nãi chí tứ cú kệ đẳng, vị tha nhân thuyết, kỳ phúc thắng bỉ. Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề! Nhứt thiết chư Phật cập chư Phật A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề pháp, giai tùng thử kinh xuất. Tu Bồ Đề! Sở vị Phật pháp giả tức phi Phật pháp.

    Dịch nghĩa:

    Y PHÁP XUẤT SINH
Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy thế nào?
Nếu có người đem
Bảy món quý báo
Đầy khắp ba nghìn
Đại thiên thế giới
Dùng để bố thí
Thử xem người này
Được phước nhiều chăng?

    Thầy Thiện Hiện thưa:
    Bạch Phật, thật nhiều
    Vì sao bảo nhiều?
    phước đức ấy
    Tức chẳng phải là
    Thật tính phước đức
    Vì vậy cho nên
    Như Lai nói rằng
    Được nhiều phước đức.
Nếu lại có người
Thọ trì kinh này
Nhẫn đến thọ trì
Chỉ một bài kệ
Vỏn vẹn bốn câu
Rồi vì người khác
Thuyết giảng cho họ
Thì phước đức này
Vượt thắng người trước.
Vì sao như thế?

    Này thầy Thiện Hiện
    Hết thảy chư Phật
    Và pháp vô thượng
    Chánh đẳng chánh giác
    Của chư Thế Tôn
    Đều từ thật nghĩa
    Trong kinh này ra.
    Này thầy Thiện Hiện
    Pháp mà Phật nói
    Tức không ở nơi
    Pháp tướng nói ra.
A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Thất bảo: Bảy món quý báu như: vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách.
  2. Tam thiên đại thiên thế giới: Lấy núi Tu Di làm trung tâm, chung quanh có bảy núi và tám biển, lại có núi Thiết Vi làm bức thành bao quanh ở ngoài, đó gọi là một tiểu thế giới. Gộp một ngàn tiểu thế giới lại thì thành một tiểu thiên thế giới. Gộp một ngàn tiểu thiên thế giới lại thì thành một trung thiên thế giới. Gộp một ngàn trung thiên thế giới lại thì thành đại thiên thế giới. Tam thiên đại thiên thế giới là cách gọi của ba loại: tiểu thiên, trung thiênđại thiên.
  3. Phước đức tính: Tính phước dức do vô công dụng hạnhthành tựu.
  4. Tứ cú kệ: Bài kệ bốn câu, tức bốn thứ tình chấp của tâm: một là có, hai là không, ba là cũng có cũng không (tư tưởng lập lường), bốn là không có không không.

    Lìa được bốn thứ chấp thủ ở trên thì tứ cú có nghĩa là:
    1. Tâm quảng đại: Là tâm rỗng lặng rộng lớn, trùm khắp mười phương, xuyên suốt ba thời(1).
    2. Tâm đệ nhất: Là tâm rời khỏi đối đãi hai bên(2).
    3. Tâm bình thường: Là tâm không thi vi tạo tác, không sinh diệt biến đổi, mà thường tịch, thường chiếu.
    4. Tâm không điên đảo: Là tâm không dựng lập bởi biến kế sở chấp, bởi tư duy hữu ngã với những mơ mộng tơ tưởng triền miên, những lý luận dài dòng.
  5. Phật pháp giả tức phi Phật pháp: Phật pháp ấy tức chẳng phải Phật pháp, nghĩa là pháp mà Phật nói ở đây chính là tâm ly tưởng (phi tương lượng), chứ không phải ở lời nói, không nơi pháp tướng nói ra.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn này Phật so sánh phước đức về bố thí hữu vi với người thọ trì kinh Kim Cương. Phật dạy: "Cho dù đem đồ bảy báu đầy khắp ba ngàn thế giới rộng lớn ra để bố thí, tuy phước đức lớn nhưng không hợp với phước đức tính, nên không hợp với đạo giải thoát".

Bởi thật tính phước đức chính là sống đúng với bản giác thường nhiên, nên khế hợp với trí Bát nhã, mới vượt thoát được sinh tử khổ đau. Vì vậy cho nên, chỉ có người nào ở nơi thật nghĩa của kinh này mà thọ trì, nhẫn đến chỉ thọ trì bài kệ bốn câu thôi, thì người này vượt thắng người trước. Vì cớ sao? Vì bố thí thuộc hữu vi, cho dù nhiều đến cỡ nào đi nữa, cũng chỉ có hạn lượng, và không thể giúp người vượt thoát sinh tử.

Còn người ở nơi kinh này thọ trì, cho dù chỉ thọ bài kệ bốn câu, tức xả ly tứ cú, nên thành tựu tâm quảng đại, tâm đệ nhất, tâm bình thường, tâm không điển đảo; rồi nói cho người khác rõ thật nghĩa của kinh tức tự tha lưỡng lợi, thì phước đức này vượt thắng phước đức trước. Vì vậy cho nên đức Phật dạy: "Hết thảy chư Phật và Pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác của các đấng Thế Tôn đều từ thật nghĩa ở trong kinh này mà ra, nghĩa là pháp Như Lai nói không ở pháp tướng nói ra"(ly tưởng).

Bởi vậy ly tưởng nên tâm vô sở trụ, vì tâm vô sở trụ nên vượt thoát sầu bi khổ ưu não, ra khỏi sinh tử luân hồi. Tâm không, nên thường tịch thường chiếu, mới khế hợp với trí tuệ Bát nhã "Bát nhã vô tri, vô sở bất tri, Bát nhã vô kiến, vô sở bất kiến" tức đạt thành chánh biến tri với tuệ giác thực tại, thành tựu vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vì vậy cho nên, Phật dạy: "không phải ở nơi pháp tướng nói ra", tức không nơi vọng tâm giả lập, không kẹt vào vô ký không, cũng không dật dờ huyền ảo, mà ở nơi "nhất tướng vô tướng" vậy.

GHI CHÚ:

(1) Thụ cùng tam tế, hoành biến thập phương.

(2) Tâm tuyệt đãi, chủ bạn cụ túc.


IX. NHẤT TƯỚNG VÔ TƯỚNG
- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Tu Đà Hoàn năng tác thị niệm: ngã đắc Tu Đà Hoàn quả phủ?

Tu Bồ Đề ngôn: "Phất dã, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Tu Đà Hoàn danh vi Nhập lưu, nhi vô sở nhập, bất nhập sắc, thanh, hương,vị, xúc, pháp, thị danh Tu Đà Hoàn".

- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Tư Đà Hàm năng tác thị niệm: ngã đắc Tư Đà Hàm quả phủ?

Tu Bồ Đề ngôn: "Phất dã, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Tư Đà Hàm danh Nhất Vãng lai, nhi thiệt vô vãng lai, thị danh Tư Đà Hàm".

- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? A Na Hàm năng tác thị niệm: ngã đắc A Na Hàm quả phủ?

Tu Bồ Đề ngôn: "Phất dã, Thế Tôn! Hà dĩ cố? A Na Hàm danh vi Bất lai, nhi thiệt vô bất lai, thị danh A Na Hàm".

- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? A La Hán năng tác thị niệm: ngã đắc A La Hán đạo phủ?

Tu Bồ Đề ngôn: "Phất dã, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Thiệt vô hữu pháp danh A La Hán. Thế Tôn! Nhược A La Hán tác thị niệm: ngã đắc A La Hán đạo; tức vi trước ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả.

Thế Tôn! Phật thuyết ngã đắc vô tránh tam muội, nhơn trung tối vi đệ nhất, thị đệ nhất ly dục A La Hán. Thế Tôn, ngã bất tác thị niệm, ngã thị ly dục A La Hán. Thế Tôn! Ngã nhược tác thị niệm: ngã đắc A La Hán đạo. Thế Tôn tức bất thuyết Tu Bồ Đề thị nhạo A Lan Na hạnh giả. Dĩ Tu Bồ Đề thiệt vô sở hành, nhi danh Tu Bồ Đề, thị nhạo A Lan Na hạnh".

    Dịch nghĩa:

    NHẤT TƯỚNGKHÔNG TƯỚNG
Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy thế nào?
Bậc Tu Đà Hoàn
Có thể nói rằng
Ta chứng được quả
Tu Đà Hoàn chăng?

    Thầy Thiện Hiện thưa:
    Bạch đức Thế Tôn!
    Không thể nghĩ vậy
    Vì sao không nghĩ?
    Tu Đà Hoàn
    Gọi là vị Thánh
    Đã được vào dòng
    Nhưng không chỗ nào
    Chẳng dính vào sắc,
    Thanh, hương, vị, xúc
    Chẳng dính pháp trần
    Thì mới được gọi
    Thánh Tu Đà Hoàn.
Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy thế nào?
Bậc Tư Đà Hàm
Có thể nghĩ rằng
Ta chứng được quả
Tư Đà Hàm chăng?

    Thầy Thiện Hiện thưa:
    Bạch đức Thế Tôn!
    Không thể nghĩ vậy
    Vì sao không nghĩ?
    Tư Đà Hàm
    Gọi là vị Thánh
    Một lần đến đi
    Mà thật chẳng có
    Tướng đến và đi
    Mới được gọi là
    Thánh Tư Đà Hàm.
Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy thế nào?
Bậc A Na Hàm
Có thể nghĩ rằng
Ta chứng được quả
A Na Hàm chăng?

    Thầy Thiện Hiện thưa:
    Bạch đức Thế Tôn!
    Không thể vậy được
    Vì sao không được?
    A Na Hàm
    Gọi là vị Thánh
    Với tên không lại
    Thật không chẳng lại
    thế cho nên
    Gọi A Na Hàm.
Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy thế nào?
Bậc A La Hán
Có thể nghĩ rằng
Ta chứng được quả
A La Hán chăng?

    Thầy Thiện Hiện thưa:
    Bạch đức Thế Tôn!
    Không nghĩ vậy được
    Vì sao không được?
    Vì thật chẳng có
    Pháp A La Hán.
    Bạch đức Thế Tôn!
    Nếu A La Hán
    Mà còn nghĩ rằng
    Ta có chứng được
    Quả A La Hán
    Tức còn chấp thủ
    Ngã, nhân, chúng sinh
    Và tướng thọ giả.
    Bạch đức Thế Tôn!
    Phật bảo con được
    Tam muội không tranh
    Là bậc a La Hán
    Lìa hẳn tham dục
    Bậc nhất trên đời.
    Con thì không nghĩ
    Con là A La Hán
    Lìa hẳn tham dục.
Bạch đức Thế Tôn!
Nếu con còn nghĩ
Là con chứng được
Quả A La Hán
Thì đức Thế Tôn
Không bảo con rằng
Thiện Hiện thích tu
Hạnh không trần cấu
Nhưng Thiện Hiện này
Sạch hết sở hành
Phật mới bảo con
Thiện Hiện thích tu
Hạnh A Lan Na.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Tu Đà Hoàn: Là phiên âm từ tiếng Phạn Srotapanna, dịch nghĩa là Dự lưu (dự vào dòng thánh), cũng dịch là ngược dòng sinh tử (nghịch lưu).
  2. Tư Đà Hàm: Là phiên âm từ tiếng Phạn Skardagāmin, dịch nghĩa là Nhất vãng lai.
  3. A Na Hàm: Là phiên âm từ tiếng Phạn Anāgāmin ānagāmi, dịch là Bất lai (không lại).
  4. A La Hán: Là phiên âm từ tiếng Phạn Arahant, dịch nghĩa là Sát tặc (giết giặc phiền não), cũng dịch là Ứng cúng, nghĩa là được trời người cúng dường, cũng dịch là Vô sinh, nghĩa là chấm dứt sinh tử luân hồi.
  5. Vô tránh tam muội: Là tam muội không tranh, đây là chánh định cao tột, vì đã xả ly bốn tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả nên không còn tranh chấp.
  6. A lan na hạnh: Là hạnh không còn nhiễm ô loạn động, không còn bị trần duyên câu thúc mà được tự do tự tại.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Ở đoạn trước, đức Phật dạy: "Ở nơi quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác thật chẳng đắc gì?". Vì vậy cho nên, đại chúng phát nghi là đã từng nghe Phật nói có bốn quả thánh Thanh văn, sao nay Phật lại nói chẳng có đắc gì? Đức Phật hiểu được chỗ nghi hoài nghi của đại chúng, nên gạn hỏi thầy Thiện Hiện về sở hành và chỗ chứng đắc của bốn bậc thánh Thanh văn.

  1. Quả Dự lưu (quả Tu Đà Hoàn): Nghĩa là đã dự vào dòng thánh, cũng gọi là nghịch lưu (ngược dòng sinh tử). Quả vị này dứt bỏ được kiến hoặc trong ba cõi, lội ngược dòng đời, nghĩa là chẳng trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sinh vọng tâm. Vị này, từng bước đi về giải thoát giác ngộ, và chỉ có tâm xả ly chứ chẳng có chỗ nhập. Cũng bởi không có chỗ nhập, nên mới được gọi là dự vào dòng thánh; còn nếu có chỗ nhập tức bị dính mắc vào ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả thì đang ở địa vị phàm phu vậy. Phàm và thánh khác nhau ở chỗ tâm còn chấp trước hay không mà thôi.

  2. Quả Tư Đà Hàm: Nghĩa là hành giả đã cắt bỏ được tham, sân, si (ba đây buộc ràng), thoát hẳn ba cõi (dục, sắc và vô sắc), đã giải trừ được căn bản phiền não (mười món có năng lực sai sử, cũng gọi là thập sử). Vị này luôn sống đúng năm nhân cách căn bảnmười điều thiện, nên được tựtại ở trong nhân gian hoặc ở cõi trời. Vì vậy cho nên, gọi là bậc vãng lai, thật chẳng có chỗ đi lại, mà chỉ có tâm xả ly.

  3. Quả A Na Hàm: Là bậc ở bên trong không còn tham dục, bên ngoài không còn đắm cảnh (tâm cảnh câu quyên), vì vậy cho nên không bị ba cõi dục, sắc, vô sắc câu thúc, nên gọi Bất lai, thật chẳng có chỗ lại.

  4. Quả A La Hán: Là hành giả đạt thành tâm cảnh nhất như, nên không còn lý luận tranh chấp, không còn thuận nghịch phân ranh, không bị được mất hơn thua, vinh nhục sai sử. Đến quả vị này thì: sinh đã tận, lậu đã tận, đã sạch hết phiền não, nên cũng gọi là sát tặc (giết giặc phiền não), gánh nặng đã để xuống, thoát hẳn luân hồi nên cũng gọi là vô sinh. Vị này được trời, người cúng dường nên cũng gọi là bậc ứng cúng, dã thành tựu tuệ giác cứu cánh, nhưng thật ra trong tâm vị ấy không còn thi vi tạo tác gì cả, tức đã sạch hết sở hành.
Tóm lại, sự chứng đắc bốn quá thánh Thanh văn tuy có sai biệt, nhưng tâm xả ly của những vị ấy là một, nên chẳng vị nào còn khởi niệm thấy mình chứng đắc nọ kia. Vì nếu tâm còn thấy mình chứng đắc nọ kia, tức bị dính mắc vào bốn tướng nhân, ngã, chúng sinh, thọ giả. Song, tâm hành ở đây chính là xả ly không năng sở. Vì xả ly không năng sở, nên "Đắc vô sở đắc, Thuyết vô sở thuyết", cũng được gọi là nghệ thuật "Trang nghiêm Tịnh Độ" vậy.

X. TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ
Phật cáo Tu Bồ Đề: "Ư ý vân hà? Như Lai tích tại Nhiên Đăng Phật sở, ư pháp hữu sở đắc phủ?"

- Phất dã, Thế Tôn! Như Lai tại Nhiên Đăng Phật sở, ư pháp thật vô sở đắc.

- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Bồ Tát trang nghiêm Phật độ phủ?

- Phất dã, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm thị danh trang nghiêm.

- Thị cố, Tu Bồ Đề! Chư Bồ Tát Ma Ha Tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm; bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.

Tu Bồ Đề! Thí như hữu nhân thân như Tu Di sơn vương. Ư ý vân hà? Thị thân vi đại phủ?

Tu Bồ Đề ngôn: "Thậm đại, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Phật thuyết phi thân, thị danh đại thân".

    Dịch nghĩa:

    TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ
Phật bảo Thiện Hiện
Ý thầy Thế nào?
Như Lai thuở trước
Nơi Nhiên Đăng Phật
Đem tâm cầu pháp
Có được gì chăng?

    Bạch đức Thế Tôn
    Không được gì cả
    Như Lai ở chỗ
    Đức Phật Nhiên Đăng
    Tâm đối với pháp
    Thật chẳng được gì.
Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy thế nào?
Là bậc Bồ tát
Thật có trang nghiêm
Cõi nước Phật chăng?

    Bạch đức Thế Tôn
    Chẳng trang nghiêm
    Vì sao như vậy?
    Trang nghiêm cõi Phật
    Tức chẳng trang nghiêm
    Gọi là trang nghiêm.
Vì vậy cho nên
Này thầy Thiện Hiện
Chư Bồ tát lớn
Nên y như vậy
Sinh tâm thanh tịnh
Không nên trụ vào
Hình sắc sinh tâm
Không nên trụ thanh,
Hương, vị, xúc, pháp
Mà sinh vọng tâm.
Nên không chỗ trụ
Mà sinh tâm ấy.

    Này thầy Thiện Hiện
    Thí như có người
    Thân như núi chúa
    Tu Di cao lớn
    Ý thầy thế nào?
    Thân ấy lớn chăng?
Thầy Thiện Hiện thưa:
Bạch đức Thế Tôn
Thân ấy rất lớn
Nghĩa ấy thế nào
Vì Phật thường dạy
Rốt ráo vô ngã
Mới gọi thân lớn
(Phi thân thị danh đại thân).

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Nhiên Đăng Phật: Đức Phật Nhiên Đăng, một vị Phật đời quá khứ.
  2. Trang nghiêm: Trang nghiêm cõi Phật gồm có:

    - Tô điểm và trang sức cho đẹp bằng những thứ thuộc vật chất, như xây chùa, tạo tượng, trang thiết nơi thờ Phật, thờ Bồ tátthánh hiền tăng.
    - Dùng công đức phước trí như tu thiền, tu tịnh, tụng kinh niệm Phật, bái sám, trì chú, giữ gìn trai giới, cúng dường, bố thí, phóng sinh để làm an lạc thân tâmlợi ích cho coi nước.
  3. Tịnh Độ: Cõi nước sạch đẹp và thanh tịnh, nơi không bị năm thứ uế trược (ngũ trược) làm ô nhiễm.

    Trang nghiêm Tịnh Độ có ba cách:

    1. Trang nghiêm theo pháp thế gian: Bằng cách làm chùa, đúc chuông, tô đắp tượng Phật, Bồ tát, sao chép kinh điển, bố thí cúng dường, làm lợi về phương diện vật chất.
    2. Có tâm "Thượng cung, hạ kính" đối với mọi người, không phân biệt giai cấp, địa vị, giàu nghèo, sang hèn, Tăng hay tục.
    3. Thực hành Giới, định, tuệ, làm cho thân tâm thanh tịnh (Muốn được Tịnh Độ nên tịnh tâm mình, tùy tâm thanh tịnh cõi Phật mới tịnh).
  4. Tu Di Sơn vương: Núi chúa Tu Di, Trung Hoa dịch là Diệu Cao Sơn. Núi này cao đến tám muôn bốn ngàn do tuần, mỗi do tuần bằng mười dặm, một dặm bằng tám câu lô xá, mỗi câu lô xá dài bằng âm thanh tiếng trâu lớn rống từ xa. Tu Di Sơn xung gọi là Ngũ Tu Di, tức biểu trưng cho thân năm ấm, dụ cho tâm chấp thủ ngã pháp.
  5. Phi thân thị danh đại thân: Phi thân là xả sách tâm chấp thủ ngã pháp, nên mới gọi là thân lớn không ngằn mé, tức đạt được pháp thân vô tướng.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Ở đoạn trước đức Phật nêu lên bốn quả Thanh văn làm cho đại chúng khởi nghi là: Đức Phật Thích Ca xưa kia đem tâm cầu pháp nơi Phật Nhiên Đăng có chỗ chứng đắc, và có chỗ sở đắc thì cũng phải có cõi Phật để trang nghiêm? Phật hiểu rõ chỗ nghi của đại chúng, nên gạn hỏi thầy Thiện Hiện rằng: "Phật có sở đắc không? Thật có trang nghiêm cõi Phật không?"

Thầy Thiện Hiện thưa: "Bạch đức Thế Tôn, chẳng đắc gì cả, cũng chẳng trang nghiêm gì. Vì sao như vậy? Vì trang nghiêm cõi Phật tức chẳng trang nghiêm, gọi là trang nghiêm".

Bởi nếu tâm có sở đắc, tức chỉ đắc vọng và tâm bị bốn tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả khống chế. Vì lẽ ấy cho nên: "nơi tâm cầu pháp thật chẳng đắc gì?" Bởi chẳng đắc gì nên chẳng khởi ý trang nghiêm, mới thật trang nghiêm cõi Phật tự tâm. Vì cõi Phậtcõi tịnh, và muốn làm cho tâm thanh tịnh thì chẳng khởi vọng tâm.

Ở kinh Duy Ma, đức Phật dạy: "Muốn được Tịnh độ, nên tịnh tâm mình, tùy tâm thanh tịnh, cõi Phật mới tịnh".

Phật dạy các Bồ tát lớn, không nên ở nơi sáu trần mà khởi vọng tâm; tức không đối cảnh sanh tình, bởi sanh tình thì bị tình thức cuốn vào dòng sinh tử của muôn kiếp lạnh lùng, với đầy khổ lụy bi ai.

Không khởi vọng tâm, tức tâm không chỗ trụ nên được thông lưu. Phật lấy núi chúa Tu Di cao tám muôn bốn ngàn do tuần để dụ cho cái tâm chấp ngã, chấp pháp của chúng sinh. Núi Tu Di cũng được gọi là Ngũ Tu Di, tức thân năm ấm của chúng sinh. Khởi tâm chấp vào năm thụ uẩn, tạo thành tám muôn bốn ngàn trần lao phiền não. Từ tình thức chấp thủ ngã và pháp, kết thành bốn tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, rồi sinh vọng tâm phân biệt "ta và của ta, ta và khác ta", để rồi mãi trôi vào tâm sinh diệt của muôn kiếp luân hồi.

Vì vậy cho nên trong kinh Đại Tạng, đức Phật cùng dạy: Chúng sinh do động cơ chấp thủ ngã pháp, nên bị đọa vào ba biển lớn (tham, sân, si) không cùng tận, để mãi ở trong địa ngục vô gián. Đem tâm chấp thủ, lập trước vật, tức bị dính mắc vào năm thủ uẩn (danh sắc) tạo thành mười tám giới phân biệt, nên kinh nói "Địa ngục lớn thì có mười tám chỗ, kế đó có năm trăm chỗ, không lường sự khổ sở".

Mười tám giới phân biệt ở trong tâm địa của chúng ta, nó khống chế gian hãm không cho chúng ta được tự do tự tại. Bởi không có ai câu thúc chúng ta suốt đêm ngày bằng những hành tướng tâm lý phụ tùng (biến kế sở chấp) xấu ác ở trong tâm chúng ta.

Đó chính là địa ngục, tức là chỗ bất xứng ý. Đời không bao giờ như ý, mà ý cũng chẳng như đời, nên tự mình tạo thành địa ngục trần gian, giam hãm tâm mình trong được mất, hơn thua, thương ghét, thân thù v.v... Mỗi khổ này được mệnh danh là "Trần sa hoặc" nghĩa là phiền não khổ đau nhiều như cát bụi.

Và mỗi khi thấu rõ những nỗi thống khổ ấy, chúng ta mới tìm cách vượt ra, mới bắt đầu hướng đến giải thoát giác ngộ, hay hướng đến cõi Tịnh độ của tự tâm, hay cách trang nghiêm cõi lòng thanh tịnh. Bởi có trang nghiêm cõi lòng thanh tịnh, thì sóng đời trong chúng ta mới dừng vỗ. Và mỗi khi làn sóng tâm dừng bặt, thì hai chấp mới chấm dứt (nhị chấp vĩnh đoạn), mới đạt được pháp thân lớn không ngằn mé (phi thân thị danh đại thân). Đây là nghệ thuật nuốt núi Tu Di, tức "chiếu kiến ngũ uẩn giai không" nghĩa là xả sạch chấp thủ ở nơi danh sắc (ngũ uẩn). Vì "phước đức vô vi vượt thắng tất cả".


XI. VÔ VI PHÚC THẮNG
- Tu Bồ Đề! Như Hằng hà trung sở hữu sa số, như thị sa đẳng Hằng hà. Ư ý vân hà? Thị chư Hằng hà sa ninh vi đa phủ?

Tu Bồ Đề ngôn: "Thậm đa, Thế Tôn! Đản chư hằng hà, thượng đa vô số, hà huống kỳ sa".

- Tu Bồ Đề! Ngã kim thiệt ngôn cáo nhữ. Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn, dĩ thất bảo mãn nhỉ sở hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới dĩ dụng bố thí, đắc phước đa phủ?

Tu Bồ Đề ngôn: "Thậm đa, Thế Tôn!"

Phật cáo Tu Bồ Đề: "Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhơn ư thủ kinh trung, nãi chí thọ trì tứ cú kệ đẳng, vị tha nhơn thuyết, nhi thử phước đức thắng tiền phước đức.

    Dịch nghĩa:

    PHƯỚC ĐỨC VÔ VI VƯỢT THẮNG TẤT CẢ
Này thầy Thiện Hiện
Ví lấy số cát
Có trong sông Hằng
Mỗi hạt cát ấy
Là mỗi sông Hằng
Ý thầy nghĩ sao?
Số cát của trong
Những sông Hằng ấy
Có nhiều lắm chăng?

    Thầy Thiện Hiện thưa:
    Bạch Phật nhiều lắm
    Chỉ những sông Hằng
    Đã là quá nhiều
    Không thể đếm hết
    Hà huống số cát
    Của nhiều sông Hằng.
Này thầy Thiện Hiện
Nay ta nói thật
Để thầy biết rằng
Nếu có thiện nam
Cùng người tín nữ
Đem đồ bảy báu
Nhiều như số cát
Đầy cả ba ngàn
Đại thiên thế giới
Những sông Hằng ấy
Dùng để bố thí
Được phước nhiều chăng?

    Thầy Thiện Hiện thưa:
    Bạch Phật nhiều lắm.
Phật bảo Thiện Hiện
Nếu có thiện nam
Cùng người tín nữ
Ở nơi kinh này
Nhẫn đến thọ trì
Bài kệ bốn câu
Rồi nói cho người
Thì những vị ấy
Được phước nhiều hơn
Phước đức người trước.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Vô vi phúc: Phước đức do xa lìa nhân chấp ngã và chấp pháp.
  2. Hằng hà sa số: Số cát trong sông Hằng ở xứ Ấn Độ. Một thành ngữ dùng để ám chỉ cho số nhiều.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn này đức Phật lấy số cát của một sông Hằng, rồi mỗi hạt cát dụ cho mỗi sông Hằng, rồi nhân lên để tìm số lượng cát của nhiều sông Hằng ấy thì nhiều vô số kể. Người đem đồ bảy báu nhiều như số cát trên những sông Hằng ấy đem ra bố thí thì được phước cũng rất nhiều.

Song, dù nhiều đến cỡ nào đi nữa cũng có hạn lượng, và đồ bảy báu ấy chỉ giúp cho người vượt qua được cơn đói nghèo nhất thời mà thôi, chứ không giúp người thoát khỏi luân hồi sinh tử khổ đau.

Vả lại, nếu có kẻ thiện nam cùng người tín nữ nào ở nơi kinh này, nhẫn đến chỉ nương vào bài kệ bốn câu, nhận rõ nghĩa thú, thọ trì rồi nói cho người khác nghe hiểu thọ trì, thì phước đức lớn hơn người bố thí đồ bảy báu ở trên.

Vì sao như vậy? Vì nương vào bài kệ bốn câu, tức lìa hẳn bốn thứ chấp thủ: có, không, cũng có cũng không, không có không không (ly tứ cú), sống với tâm tuyệt đãi (tâm đệ nhất, sống với tâm bình thường (tâm không thi vi tạo tác), sống với tâm không điên đão (tâm không bị biến kế sở chấp đánh lừa), trực chứng Niết bàn, chấm dứt luân hồi sinh tử khổ đau.

Phần tự lợi đã xong, rồi nói cho người tức tự tha lưỡng lợi, thì phước đức vô vi này vượt thắng tất cả. Phước đức vô vi chính là phước đức tính, tức sống với tuệ giác thực tại, nên mới xa lìa điên đão vọng tưởng, rốt ráo Niết bàn. Người nào sống được như vậy, mới thật sự là người biết "Tôn trọng chánh giáo".


XII. TÔN TRỌNG CHÍNH GIÁO
Phục thứ Tu Bồ Đề! Tùy thuyết thị kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng, đương tri thử xứ, nhất thiết thế gian; thiên, nhân, A Tu La giai ưng cúng dường như Phật tháp miếu. Hà huống hữu nhân tận năng thọ trì đọc tụng. Tu Bồ Đề! Đương tri thị nhân, thành tựu tối thượng đệ nhất hy hữu chi pháp. Nhược thị kinh điển, sở tại chi xứ, tức vi hữu Phật, nhược tôn trọng đệ tử".

    Dịch nghĩa:

    TÔN TRỌNG CHÍNH GIÁO
Lại nữa Thiện Hiện
Tùy chỗ nói kinh
Nhẫn đến chỉ một
Bài kệ bốn câu
Nên biết nơi ấy
Hết thảy thế gian
Trời, người, tu la
Đều nên cúng dường
Như tháp miếu Phật
Huống nữa có người
Đọc tụng, thọ trì
Toàn bộ kinh văn.

    Này thầy Thiện Hiện
    Nên biết người ấy
    Thành tựu được pháp
    Tối thượng hiếm có
    Đệ nhất trên đời.
    Nếu có chỗ nào
    Loại kinh điển này
    Tức chính nơi ấy
    đức Thế Tôn
    Và những đệ tử
    Quý trọng của Phật.
A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Thế gian: Thế giới, thời gian, không gian. Thời gian gồm có quá khứ, hiện tại, vị lai. Không gian bao hàm vũ trụ vạn hữu.
  2. Nhất thiết thế gian: Hảy thảy thế giới, nghĩa là bao hàm không gian, thời gianvạn hữu: Từ các cõi trời, người, a tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục cho đến Thanh văn, Duyên giácBồ tát.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn này đức Phật dạy: Thật nghĩa của kinh này là đệ nhất. Bởi vậy cho nên nơi nào có nói kinh này (tức tâm vô sở trụ), nhẫn đến chỉ nói bài kệ bốn câu (lìa hẳn bốn thứ tình chấp), thì hết thảy thế gian: từ các cõi trời, người, a tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, cho đến Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát đều đến cúng dường như tháp miếu Phật.

Cúng dường ở đây chính là xả sạch vọng tưởng: xả hết những tự ngôn, tự ngữ trong tâm của mình. Từ những vọng tưởng phàm phu cho đến những vọng kiến về khổ, tập, diệt, đao (Thanh văn), về mười hai nhân duyên (Duyên giác), về lục độ của Bồ tát, từ hàng Sơ địa cho đến Cửu địa. Xả hết những tình phàm lượng thánh ấy, thì bản giác mới hiện bày.

Bởi vậy cho nên, Phật nói người nào đọc tụng, thọ trì toàn bộ kinh văn, thì nên biết người này thành tựu pháp hy hữu tối thượng đệ nhất. Pháp hy hữu tối thượng đệ nhất là pháp hiếm có, không gì so sánh được, tức tâm xa lìa mọi tưởng, thực hiện tự tại tuệ giác nên bốn thứ tình chấp: ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả không thể khống chế, và sống lại với bản giác thường nhiên xưa nay của mình.

Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật dùng hình ảnh tháp Đa Bảo trụ giữa hư không, để ám chỉ chỗ vô trụ. Không trụ ở nơi sáu phàm tình, cũng không trụ ở nơi thánh giải. Trụ chỗ vô trụ chính là thủy giác trở lại với bản giác vậy thôi. Vì vậy nên đức Phật nói: "Chỗ nào có kinh pháp này tức chính nơi ấy có Phật (dụ cho tánh giác) và có những vị đệ tử quý kính của đức Thế Tôn". Những vị đệ tử quý kính ở đây là những vị chứng đạo sau Phật, mà chứng đạo sau Phật chính là chư Tổ vậy. Vì vậy cho nên phải "Như pháp thọ trì" mới thật sự sống được với tánh giác của mình.
XIII. NHƯ PHÁP THỌ TRÌ
Nhĩ thời, Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn: "Thế Tôn! Đương hà danh thử kinh, ngã đẳng vân hà phụng trì?

Phật cáo Tu Bồ Đề: "Thị kinh danh vi Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, dĩ thị danh tự nhữ đương phụng trì. Sở dĩ giả hà?

Tu Bồ Đề! Phật thuyết Bát Nhã Ba La Mật, tức phi Bát Nhã Ba La Mật, thị danh Bát Nhã Ba La Mật.

Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Như Lai sở hữu thuyết pháp phủ?"

Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn: "Thế Tôn! Như Lai vô sở thuyết".

- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Tam thiên đại thiên thế giới sở hữu vi trần, thị vi đa phủ?

Tu Bồ Đề ngôn: "Thậm đa, Thế Tôn!"

- Tu Bồ Đề! Chư vi trần, Như Lai thuyết phi vi trần, thị danh vi trần; Như Lai thuyết thế giới, phi thế giới, thị danh thế giới.

Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Khả dĩ tam thập nhị tướng kiến Như Lai phủ?

- Phất dã, Thế Tôn! Bất khả dĩ tam thập nhị tướng đắc kiến Như Lai. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết tam thập nhị tướng, tức thị phi tướng, thị danh tam thập nhị tướng.

Tu Bồ Đề! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, dĩ hằng hà sa đẳng thân mạng bố thí. Nhược phục hữu nhân ư thử kinh trung, nãi chí thọ trì tứ cú kệ đẳng, vị tha nhân thuyết, kỳ phước thậm đa.

    Dịch nghĩa:

    THỌ TRÌ NHƯ PHÁP
Bấy giờ Thiện Hiện
Bạch với Phật rằng:
Bạch đức Thế Tôn
Phẩm kinh quý này
Tên gọi là gì?
Hết thảy chúng con
Làm sao phụng trì?

    Phật bảo Thiện Hiện
    Kinh này gọi là
    Kim Cương Bát Nhã
    Ba la mật đa
    Các thầy hãy nên
    Thọ trì như tên
    Nghĩa ấy thế nào?
    Này thầy Thiện Hiện
    Phật nói Bát Nhã
    Ba la mật đa
    Tức phi Bát Nhã
    Ba la mật đa
    Gọi là Bát Nhã
    Ba la mật đa.
    Này thầy Thiện Hiện
    Ý thầy thế nào?
    Như Lai thật có
    Thuyết pháp hay chăng?
Thầy Thiện Hiện thưa
Bạch đức Thế Tôn
Như Lai chẳng thuyết.

    Này thầy Thiện Hiện
    Ý thầy nghĩ sao?
    Những hạt bụi nhỏ
    Ở trong ba nghìn
    Thế giới rộng lớn
    Bụi có nhiều chăng?
Thầy Thiện Hiện thưa:
Bạch Phật nhiều lắm.

    Này thầy Thiện Hiện
    Những hạt bụi nhỏ
    Như Lai nói rằng
    Tức chẳng hạt bụi
    Mới là hạt bụi.
    Như Lai nói rằng
    Thế giới rộng lớn
    Tức phi thế giới
    Mới là thế giới.
    Này thầy Thiện Hiện
    Ý thầy thế nào?
    Có thể căn cứ
    Vào ba hai tướng
    Mà cho rằng thấy
    Được Như Lai chăng?
Bạch đức Thế Tôn
Không thấy vậy được
Không thể căn cứ
Ba mươi hai tướng
Mà cho rằng thấy
Được đức Như Lai
Vì sao như vậy?
Như Lai nói
Ba mươi hai tướng
Tức là phi tướng
Mà tạm gọi là
Ba mươi hai tướng.

    Này thầy Thiện Hiện
    Nếu có thiện nam
    Cùng người tín nữ
    Đem thân mạng mình
    Nhiều như số cát
    Ở trong sông Hằng
    Dùng để bố thí.
    Và lại có ngời
    Ở trong kinh này
    Nhẫn đến thọ trì
    Chỉ bốn câu kệ
    Rồi nói cho người
    Thì phước đức này
    Nhiều vô số kể.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

  1. Vi trần: Hạt bụi nhỏ. Lớn hơn vi trần bảy lần gọi là kim trần. Kim trần là vật thể có khả năng xuyên qua các kẽ hở của kim loại. Hạt bụi nhỏ nhiệm nhất gọi là lân hư trần, nghĩa là hạt bụi láng giềng với hư không. Một lân hư trần trong thời gian một tích tắc nó vừa ở dạng hạt (quart) vừa ở dạng sóng (phi hạt). Lân hư trần thay đổi hình dạng rất nhanh, nên không có thứ gì gọi là vật chất cuối cùng cả. Bởi tất cả mọi hiện tượng đều là vô ngã, nên đều là giả danh.
  2. Thế giới: Thế là đổi dời, giới là phương vị, thế giới cũng như thế gian (từ thế gian đã giải ở trước). Thế giới rộng lớn tức vĩ mô, lân hư trần tức vi mô, cả hai đều vô ngã, nên Phật dùng thành ngữ "tức phi... thị danh".

    Thế giới quan: Những khái niệm thuộc về tâm thức.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Ở đoạn trước Phật nói kinh này là hơn tất cả, nên phải tôn trọngthọ trì. Thầy Thiện Hiện muốn biết tên kinh và làm sao để thọ trì?

Đức Phật dạy: "Kinh này tên là Kim Cương Bát Nhã ba la mật đa, cứ theo tên là phụng trì". Như vậy có nghĩa là vừa tên kinh mà đồng thời vừa là pháp. Song, pháp Kim Cương Bát Nhã Ba la mật đa là pháp gì? Chẳng có pháp gì cả? Mà chính là tâm vô sở trụ, chứ không phải ở nơi tên gọi. Vì vậy cho nên Phật bảo "Bát Nhã Ba là mật tức phi Bát Nhã Ba la mật, thị danh Bát Nhã Ba la mật": Bát Nhã Ba la mật là ở nơi tâm vô sở trụ, tâm không kiến lập tất cả pháp, mà tạm gọi là Bát Nhã ba la mật mà thôi. Như vậy thì cả tên kinh lẫn pháp đều phải lìa, mới ở nơi tâm vô sở trụ được.

Như thế, thì Như Laithuyết pháp chăng? Hiểu được ý này nên thầy Thiện Hiện thưa: "Như Lai chẳng thuyết pháp gì". Vì ở đoạn trước Phật chỉ rõ thật nghĩa của Bát Nhã Ba la mật chính là tâm thể vô trụ, tâm xả ly nhị pháp (chấp ngã và pháp), tâm không kiến lập vọng tưởng. Nếu Như Laithuyết pháp gì tức có sở thuyết, mà sở thuyết tức bị rơi vào đối đãi hai bên, và bị bốn tướng không chế.

Đến đây đại chúng nhận được thật nghĩa của "Nhân không và pháp không", nhưng lại nghĩ rằng: Như Lai có ba mươi hai tướng quý và như vậy là Như Lai cũng có ngã, mà đã có ngã đương nhiên cũng có ngã sở, thì chấp thủ vẫn còn.

Để giải nghi cho đại chúng, đức Phật chỉ rõ tận cùng của cực vi trần tức phi vi trần, có nghĩa là vừa ở dạng hạt (Quart), vừa ở dạng sóng, tức vừa hạt vừa phi hạt. Và cả thế giới kia cũng cùng một dạng như vậy, đều là hợp thể vô ngã. Bởi mọi hiện tượng đều vô ngã, nên chẳng có hiện tượng nào có thực thể. Vì không thật thể nên không có hiện tượng nào cố định cả (vô ngãvô thường). Vì vậy cho nên, sắc thân ba mươi hai tướng quý của Như Lai cũng chỉ là hợp thể vô ngã, mà đã là vô ngã thì không có đầu mối và không có kết cục. Ngược thời gian tìm về quá khứ thì không thể tìm ra sự bắt đầu, ngược thời gian xuôi về tương lai cũng không tìm ra sự kết thúc, cho nên có sinh sinh đi bao nhiêu nữa, đối với bầu vũ trụ này cũng không thể tăng thêm, và diệt diệt bao nhiêu đi nữa trong bầu thế giới này cũng không giảm, mà chỉ là sự dổi dạng thay hình bởi những hợp thể vô ngã trong dòng samsāra (dòng luân chuyển) vô tận này mà thôi(1).

Bởi mọi hợp thể đều mang lý tính vô ngãvô thường cho nên cực vi trần tức phi vi trần, thế giới tức phi thế giới, ngã tức phi ngã, phi ngã tức ngã, ngã phi ngã tức phi, và ngã - phi ngã - phi phi (bởi cả hai đều không), mới khế hợp với thực tại tuệ giác, tức Bát Nhã Ba la mật. Khởi tâm lập trước vật là thói quen dựng lập của tư duy hữu ngã, thuộc biến kế sở chấp, cho nên nếu sinh tâm chấp trước thì bị bốn thứ tình thức: ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả khống chế. Thấy ngã thật có là cái thấy lầm chấp của hàng phàm phu. Thấy ngã không thật là cái thấy làm chấp không của ngoại đạo. Thấy ngã duyên sanh vô chủ tác, không cố định, nó chỉ là hợp thể vô ngã, nên không thể đem vọng kiến giả lập của tâm thức để khẳng định là gì, hoặc phủ định không gì, bởi cả hai đều không khế hợp với đương tại. Thấy mọi hiện tượng đều do nhiều yếu tố liên hệ cấu hợp mà thành (duyên sinh), nên không chấp nhận tạo vật chủ (Thượng đế); bởi không có cái gì từ cái một mà có ra cả. Đó chính là tầm nhìn của hàng nhị thừa ngang qua hiện tượng giới (sắc pháptâm pháp), tức khảo sát trên mặt tướng.

Còn cái thấy của "bất nhị", cái thấy bởi "tuệ quán đồng nhất thể", một là tất cả và tất cả là một bởi "pháp giới thông hóa", chủ bạn cụ túc, chủ bạn tuyệt đãi mới là rốt ráo. Vì vậy cho nên, không thể nhìn Như Lai qua thân tướng hợp thể, mà phải thấu suốt cái bản trụ bản hữu của Như Lai, tức pháp thân thường tại, vượt ngoài mọi khái niệm giả lập của tâm thúc chúng sinh.

Sở dĩ chúng sinh trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử là vì chấp ngãchấp pháp. Nương vào trí tuệ Bát Nhã tức giải trừ tư duy hữu ngã, xóa sạch hai thứ chấp trước ở trên (xã liễu ngã pháp), mới ra khỏi luân hồi sinh tử khổ đau.

Ngược lại, nếu đem thân mạng ra để bố thí nhiều như số cát của sông Hằng đi nữa, cũng không giúp người ra khỏi luân hồi sinh tử, không thể giải trừ động cơ dẫn đến sầu bi khổ ưu não của muôn kiếp lạnh lùng. Vì vậy cho nên, không bằng phước đức thọ trì thật nghĩa của kinh này, dù chỉ thọ trì bài kệ bốn câu tức "ly tứ cú", rồi giảng nói cho người nhận rõ nghĩa thú và sống với tuệ giác của mình.

Thực hành "Tứ cú kệ" chính là xả ly tư duy hữu ngã (phi tư lương), thì ngã phápchấp pháp mới chấm dứt. Đoạn hết bốn tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả (nhị cấp vĩnh đoạn) thì "Tịch diệt hiện tiền".

GHI CHÚ:

(1) Tiền tiền vô thỉ, hậu hậu vô chung, sinh sinh bất tăng, diệt diệt bất giảm.


XIV. LY TƯỚNG TỊCH DIỆT
Nhĩ thời, Tu Bồ Đề văn thuyết thị kinh, thâm giải nghĩa thú, thế lệ bi khấp, nhi bạch Phật ngôn: "Hi hữu Thế Tôn! Phật thuyết như thị thậm thâm kinh điển, ngã tùng tích lai sở đắc huệ nhãn, vi tằng đắc văn như thị chi kinh.

Thế Tôn! Nhược phục hữu nhân đắc văn thị kinh, tín tâm thanh tịnh, tắc sanh thật tướng. Đương tri thị nhân, thành tựu đệ nhất hi hữu công đức.

Thế Tôn! Thị thật tướng giả, tức thị phi tướng, thị cố Như Lai thuyết danh thật tướng.

Thế Tôn! Ngã kim đắc văn như thị kinh điển, tín giải thọ trì, bất túc vi nan. Nhược đương lai thế, hậu ngũ bá tuế, kỳ hữu chúng sanh đắc văn thị kinh, tín giải thọ trì, thị nhân tức vi đệ nhất hi hữu. Hà dĩ cố? Thử nhơn vô ngã tướng, vô nhơn tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng. Sở dĩ giả hà?

Ngã tướng tức thị phi tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng, tức thị phi tướng. Hà dĩ cố? Ly nhứt thiết chư tướng tức danh chư Phật".

Phật cáo Tu Bồ Đề: "Như thị, như thị! Nhược phục hữu nhân đắc văn thị kinh, bất kinh, bất bố, bất úy, đương tri thị nhân, thậm vi hi hữu. Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề? Như Lai thuyết đệ nhất Ba La Mật, tức phi đệ nhất Ba La Mật, thị danh đệ nhất Ba La Mật. Tu Bồ Đề! Nhẫn nhục Ba La Mật, Như Lai thuyết phi Nhẫn nhục Ba La Mật, thị danh Nhẫn nhục Ba La Mật. Hà dĩ cố?

Tu Bồ Đề! Như ngã tích vi Ca Lợi Vương cát triệt thân thể, ngã ư nhĩ thời vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng. Hà dĩ cố? Ngã ư vãng tích, tiết chi giải thời, nhược hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, ưng sanh sân hận.

Tu Bồ Đề! Hựu niệm quá khứ, ư ngũ bá thế tác nhẫn nhục tiên nhân. Ư nhĩ sở thế, vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng.

Thị cố, Tu Bồ Đề! Bồ Tát ưng ly nhất thiết tướng phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm. Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm; ưng sinh vô sở trụ tâm. Nhược tâm hữu trụ tức vi phi trụ. Thị cố, Phật thuyết Bồ Tát tâm bất ưng trụ sắc bố thí. Tu Bồ Đề! Bồ Tát vị lợi ích nhất thiết chúng sinh cố ưng như thị bố thí. Như Lai thuyết nhất thiết chư tướng tức thị phi tướng, hựu thuyết: nhất thiết chúng sinh tức phi chúng sinh. Tu Bồ Đề! Như thị chân ngữ giả, thiệt ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả. Tu Bồ Đề! Như Lai sở đắc pháp, thử pháp vô thật vô hư.

Tu Bồ Đề! Nhược hữu Bồ Tát tâm trụ ư pháp nhi hành bố thí, như nhân nhập ám tức vô sở kiến. Nhược Bồ Tát tâm bất trụ pháp nhi hành bố thí, như nhân hữu mục, nhật quang minh chiếu, kiến chủng chủng sắc.

Tu Bồ Đề! Đương lai chi thế, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, năng ư thử kinh thọ trì đọc tụng, tức vi Như LaiPhật trí huệ tất tri thị nhân, tất kiến thị nhân, giai đắc thành tựu, vô lượng vô biên công đức.

    Dịch nghĩa:

    LÌA HẾT CÁC TƯỚNG, TỊCH DIỆT HIỆN TIỀN
Bấy giờ Thiện Hiện
Nghe dạy kinh này
Hiểu sâu nghĩa thú
Rơi lệ mừng khóc
bạch Phật rằng:
Bạch đức Thế Tôn
Thật là hiếm có
Phật nói kinh điển
Thâm sâu như vậy.
Từ trước đến nay
Mặc dù chính con
Đã được mắt tuệ
Nhưng chưa từng nghe
Kinh nào như vậy.
Bạch đức Thế Tôn
Nếu lại có người
Được nghe kinh này
Tín tâm thanh tịnh
Tức sinh thật tướng
Nên biết người ấy
Thành tựu công đức
Hiếm có đệ nhất.
Bạch đức Thế Tôn
Chính thực tướng này
Tức là phi tướng
đức Như Lai
Tạm dùng lời gọi
Thực tướng vậy thôi.
Bạch đức Thế Tôn
Con nay được nghe
Kinh điển như vậy
Tin hiểu thọ trì
Không gì là khó
Năm trăm năm sau
Nếu có chúng sinh
Được nghe kinh này
Tin hiểu thọ trì
Nên biết người này
Hiếm có đệ nhất.
Vì sao như vậy?
Vì chính người này
Không còn chấp tướng
Ngã, nhân, chúng sinh
Và tướng thọ giả
Nghĩa ấy thế nào?
Vì tướng ngã ấy
Tức là phi tướng
Tướng nhân, chúng sinh
Và tướng thọ giả
Tức là phi tướng.
Vì sao như vậy?
Xả ly mọi tướng
Gọi là chư Phật.

    Phật dạy Thiện Hiện
    Như vậy! Như vậy!
    Nếu lại có người
    Được nghe kinh này

    Không sinh kinh ngạc
    Không có hoài nghi
    Chẳng chút sợ hãi
    Nên biết người này
    Rất là hiếm có
    Vì sao như vậy?
    Này thầy Thiện Hiện
    Như Lai nói rằng
    Rốt ráo đệ nhất
    Tức chẳng phải là
    Rốt ráo đệ nhất
    Mà tạm gọi là
    Rốt ráo đệ nhất.
    Này thầy Thiện Hiện
    Nhẫn nhục rốt ráo
    Như Lai nói rằng
    Tức chẳng phải là
    Nhẫn nhục rốt ráo
    Vì sao như vậy?
    Này thầy Thiện Hiện
    Như ta thuở xưa
    Bị vua Ca Lợi
    Cắt đứt thân thể
    Chính ta lúc ấy
    Không chấp tướng ngã,
    Không chấp tướng nhân,
    Không tướng chúng sinh,
    Không tướng thọ giả
    Vì sao như vậy?
    Vì ta thuở ấy
    Thân thể bị cắt
    Ra từng phần nhỏ
    Nếu ta còn chấp
    Tướng ngã, tướng nhân,
    Và tướng chúng sinh
    Cùng tướng thọ giả
    Tức sanh sân hận.
    Này thầy Thiện Hiện
    Ta nhớ thuở trước
    Trong năm trăm kiếp
    Làm Tiên nhẫn nhục
    Trong bấy nhiêu kiếp
    Không chấp tướng ngã,
    Không chấp tướng nhân,
    Không tướng chúng sinh,
    Không tướng thọ giả
    Vì vậy cho nên
    Này thầy Thiện Hiện
    Bồ tát nên lìa
    Hết thảy mọi tướng
    Phát tâm vô thượng
    Chánh đẳng chánh giác
    Không nên trụ sắc
    Mà khởi vọng tâm
    Không nên trụ thanh,
    Hương, vị, xúc pháp
    Mà khởi vọng tâm
    Hãy nên sinh tâm
    Không trụ các tướng
    Nếu tâm còn trụ
    Tức là phi trụ.
    Vì vậy cho nên
    Phật thường dạy rằng
    Bồ tát không nên
    Trụ vào sắc tướng
    Mà hành bố thí.
    Này thầy Thiện Hiện
    Vì sự lợi ích
    Hết thảy chúng sinh
    Bồ tát hãy nên
    Bố thí như vậy.
Như Lai nói rằng
Hết thảy các tướng
Tức là phi tướng
Cũng lại nói rằng
Hết thảy chúng sinh
Tức phi chúng sinh.
Này thầy Thiện Hiện
Như Lai là bậc
Nói ra lời chơn
Nói ra lời thật
Nói ra lời như
Nói không hư dối
Nói chẳng biến đổi.
Này thầy Thiện Hiện
Pháp Như Lai chứng
Không thật không hư.
Này thầy Thiện Hiện
Nếu bậc Bồ tát
Tâm trụ chấp pháp
Thực hành bố thí
Thì chẳng khác gì
Người vào chỗ tối
Tức chẳng thấy gì.
Nếu tâm Bồ tát
Chẳng trụ chấp pháp
Thực hành bố thí
Thì cũng như người
Có hai mắt sáng
Dưới ánh mặt trời
Thấy rõ tất cả
Các loại hình sắc.
Này thầy Thiện Hiện
Về đời sau này
Nếu có thiện nam
Cùng người thiện nữ
Ở nơi kinh này
Thọ trì đọc tụng
Thì đức Như Lai
Lấy trí tuệ Phật
Biết rõ người ấy
Đều được thành tựu
Công đức vô lượng
Không có ngằn mé.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Tướng hay tưởng: Là tướng dựng lập của tâm thức (phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng), tướng sở hữu (tâm sở hữu pháp). Gồm có bốn hình thái vọng tưởng như đã giải ở trên. Ly tưởng hay ly tướngxa lìa mọi tướng dựng lập của tâm thức. Trong kinh A Hàm, đức Phật dùng từ phi như lý tác ý để chỉ vọng tưởng, và như lý tác ý để chỉ cho chân như, tức cái dụng chiếu soi của bản thể tịch nhiên vắng lặng.
  2. Thâm giải nghĩa thú: Hiểu sâu thật nghĩa và nhận ra nơi thú hướng.
  3. Tịch diệt: Sinh diệt đã tận nên tâm thể tịch nhiên vắng lặng hiện hữu.
  4. Thật tướng: Là tướng tịch chiếu thường nhiên của tâm thể, chứ không như tướng của vọng tâm sinh diệt huyễn hư.
  5. Đệ nhất: Là tuyệt đãi nên không có gì so sánh được.
  6. Bất kinh, bất bố, bất úy: Là không kinh ngạc, không hoài nghi, không lo âu sợ hãi.
  7. Đệ nhất Ba la mật: Rốt ráo đệ nhất, không gì so sánh được. Thành tựu sáu thứ rốt ráo, gọi là lục độ Ba la mật.
  8. Nhẫn nhục Ba la mật: Nhẫn nhục rốt ráo, nhờ nương vào sự soi chiếu Bát Nhã Ba la mật nên tâm không còn tác ý dọ dẫm bởi những tâm lý phụ tùng như tư duy hữu ngã, nên mới gọi là nhẫn nhục Ba la mật.
  9. Ư nhữ sở thể: Trong bấy nhiêu kiếp.
  10. Phi trụ: Không trụ, không vọng.
  11. Nhược tâm hữu trụ tức vi phi trụ: Nếu tâm có chỗ trụ thì không phải là cách trụ theo nghĩa chân thật.
  12. Nhất thiết chúng sinh tức phi chúng sinh: Hết thảy chúng sinh (chỉ cho vọng tâm) tức không phải là những chúng sinh (tức những hiện tượng thuộc thực tại). Bởi những chúng sinh sai biệt ấy chỉ là giả danh, còn những hiện tượng thuộc thực tại thì không ở nơi tên gọi, không ở nơi khái niệm giả lập. Hơn nữa, mọi hiện tượng đều vô ngã.
  13. Chơn ngữ: Lời chơn, tức không ở nơi sự vọng thuyết về đạo Bồ đề của chư Phật, mà là bản giác trực nhận qua thực tướng.
  14. Thật ngữ: Lời thật, tức không ở nơi sự vọng thuyết về Tứ đế của Thanh văn.
  15. Như ngữ giả: Lời như, tức không ở nơi sự vọng thuyết về mười hai nhân duyên của Duyên giác.
  16. Bất cuống ngữ giả: Là chẳng nói lời bịa đặt, hư dối.
  17. Bất dị ngữ giả: Là chẳng nói lời sai khác với bản thân thực tại
  18. Pháp vô thực vô hư: Tức không ở nơi kiến lập của vọng thức, không rơi vào ngoan không, cũng không rơi vào trầm không trệ tịch; mà là "như thị", tức bản thân thực tại.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Thầy Thiện Hiện nghe Phật nói kinh này, nhận được nghĩa thú nên vui mừng chảy nước mắt, vì từ khi được mắt tuệ cho đến nay, chưa bao giờ được nghe kinh nào nói về thật nghĩa và thú tướng rốt ráo như thế.

Nếu có người nghe được kinh này, nhận rõ nghĩa lý và thú tướng, sinh tín tâm thanh tịnh thì thật tướng hiện bày. Đó mới là người thành tựu công đức hiếm có đệ nhất. Thật tướng là phi tướng, tức chỉ cho tâm thể thường tịch, thường chiếu như nhiên, chứ không kiến lập tất cả pháp nên gọi phi tướng, mà tạm mượn ngôn từ để ám chỉ về thật tướng vậy thôi.

Không những chỉ riêng thầy Thiện Hiện nghe được kinh này tin hiểu thọ trì một cách dễ dàng như vậy, mà những người khác khi nghe được kinh này tin hiểu thọ trì cũng dễ dàng như vậy, cho dù trải qua thời tượng pháp hay mạt pháp đi nữa. Vì sớ sao? Vì những vị này đã xả ly bốn tưỏng: nhân, ngã, chúng sinh, thọ giả. Tưởng là hư vọng nên phải xa lài hết mọi tưởng, thật tướng mới hiện bày (ly nhất thiết tướng thị danh chư Phật).

Nếu còn bị tưởng đánh lừa bởi công họa sư tâm ý (biến kế sở chấp), thì không bao giờ tiếp xúc được với thực tại. Bởi bản thân thực tại là "như thị", nên xa lìa "tướng tâm duyên, tướng nói năng, tướng danh tự". Đó chính là thật nghĩa, nên trong kinh Lăng Nghiêm, Phật cũng dạy: "Tri kiến lập tri thị vô minh bổn, tri kiến phi kiến tư tức Niết Bàn": Thấy biết mà lập biết là gốc của vô minh, thấy biết mà không lập biết tức là Niết bàn.

Vì vậy cho nên, Phật dạy người nào nghe được kinh này mà không sinh kinh ngạc, cũng không hoài nghi, không còn sợ hãi, thì nên biết vị này rất là hiếm có, tức thành tựu rốt ráo đệ nhất. Rốt ráo đệ nhất chính là tuệ giác thực tại, tức là nơi tâm thể tuyệt đãi, nên không bị vọng thức đánh lừa làm cho sai lạc.

Trí tuệ rốt ráo đệ nhất này bao hàm sáu thứ Ba la mật là: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấnthiền định. Vì vậy cho nên, chư Phật dạy: "Nhẫn nhục Ba la mật tức phi nhẫn nhục, thì danh nhẫn nhục Ba la mật" nghĩa là nhẫn mà không khởi ý tính toán dọ dẫm, được mất hơn thua, nên nhẫn hay không nên tức tâm đã xả ly chấp ngãchấp pháp một cách rốt ráo, mà tạm gọi là nhẫn nhục Ba la mật vậy thôi.

Để minh chứng, Phật dẫn tích xưa Phật bị vua Ca Lợi xâm phạm thân thể, nhưng Phật không sinh tâm sân hận, bởi Phật đã vô hiệu hóa mọi vọng tưởng (ngã, nhân, chúng, sinh, thọ giả). Không kiến lập vọng tưởng nên không giận, không thù.

Xả ly mọi tưởng tức sinh thật tướng, chứ chẳng có sở tướng gì cả. Vì vậy cho nên, phải sinh cho mình cái tâm vô trụ. Nếu tâm còn sở trụ tức trụ vọng tâm, nên Phật nói: "tức vi phi trụ" nghĩa là không phải nghĩa trụ của chơn như. Tâm vô trụ tức xả ly rốt ráo, cũng có nghĩa là hằng thuận pháp tánh đức: Cái nghe chỉ bằng cái nghe, cái thấy chỉ bằng cái thấy... mà không khởi vọng tâm thêm bớt. Vì lợi hữu tình, Bồ tát nên bố thí như vậy.

Như Lai ói hết thảy tướng tức chẳng phải tướng: nghĩa là những vọng tưởng ấy không phải tướng đương tại, bởi tướng thực tại thì "như thị", nên không ở vọng tâm giả lập.

Hết thảy chúng sinh tức chẳng chúng sinh: nghĩa là những "giả chúng duyên nhi sinh", ấy cũng do tâm thức biến hiện, chỉ là giả danh(1)], nên không phải ở bản thân hiện tượng. Hơn nữa, mọi hiện tượng đều mang lý tính vô ngãvô thường nên không thể khẳng định là gì, cũng không thể phủ định không gì. Vì vậy cho nên, lời Như Lai nói là "lời chân", nghĩa là không vọng nói về đạo Bồ đề của chư Phật. "Lời thật" là không vọng nói về pháp Tứ đế của Thanh văn. "Lời như" là không vọng nói về pháp mười hai nhân duyên của Duyên giác. "Lời không thật không hư" là không kiến lập tất cả pháp, cũng không rơi vào ngoan không, không rơi vào trầm không trệ tịch, cũng không rơi vào vô ký dật vờ.

Tổ Huệ Năng cũng nói: "Niệm trước chẳng sinh tức tâm, niệm sau chẳng diệt tức Phật. Lìa cả tướng tức tâm, thành tất cả tướng tức Phật", tức là chỉ cho bản thể tịch chiếu.

Ngược lại, nếu còn trụ tâm ở nơi các pháp thực hành bố thí, thì chẳng khác nào người vào chỗ tối chẳng thấy được gì. Nghĩa ấy thế nào? Thí dụ: Mình nhìn cái hoa y như cái hoa trước mắt, tức như thị. Ngược lại, mình nhìn cái hoa mà chấp nơi tâm trụ là hoa hồng, hoa lan, hoa cát ti da v.v... và như vậy là bị thấy nơi cái giả danh, hồng, lan, cát ti da... chứ không thấy như thật thấy, nên Phật nói như người vào chỗ tối. Bởi "Phật pháp là pháp chẳng hai"(2), nhưng tâm chúng sinh thường sống với pháp thứ hai bởi biến kế sở chấp của mình, nên xa rời thực tại. Trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật duỗi cánh tay xuống đất, rồi hỏi thầy A Nan: "A Nan thấy cánh tay của ta như thế này là ngược hay xuôi?"

A Nan thưa: "Những người trong thế gian cho thế là ngược, còn không thì không biết thế nào là ngược hay xuôi".

Phật lại hỏi thầy A Nan: "Những người trong thế gian cho như thế là ngược, còn như thế nào họ cho là xuôi?"

A Nan thưa: "Đức Như Lai đưa cánh tay lên, năm ngón tay chỉ thẳng lên hư không, như vậy là xuôi".

Phạt dạy: "Cùng một cánh tay này chứ không chi khác, chẳng qua chỉ thay đổi phương hướng; thế mà những người trong thế gian chấp thế này là xuôi, thế kia là ngược, đó là điên đảo, điên đảo là đó vậy".

Vì vậy cho nên, ở nơi kinh này Phật dạy: "Tâm Bồ tát chẳng trụ nơi pháp, thực hành bố thí thì cũng như người có đôi mắt tốt lại có ánh sáng mặt trời, thấy rõ tất cả mọi thứ sắc loại". Thực hành bố thí ở đây chính là hằng thuận pháp tính, tức cái nghe chỉ bằng cái nghe, thấy chỉ bằng cái thấy (như thị), mà không khởi vọng tâm thêm bớt, lập trước vật nên mới thấy như thật thấy, nghe như thật nghe.

Phật bảo: "Về đời vị lai nếu có người nào ở nơi kinh này đọc tụng thọ trì, thì chính Như Lai lấy trí tuệ Phật, thấy biết rõ ràng người ấy thành tựu công đức vô lượng", tức ra khỏi sinh tử luân hồi. Vì vậy cho nên, "Công đức trì kinh vượt thắng tất cả".

GHI CHÚ:

(1) Nội ngoại chư pháp tận tri bất thật, tùng tâm biến hiện tức thị giả danh - Văn Cảnh Sách của ngài Linh Hựu.

(2) Kinh Pháp Bảo Đàn của Tổ Huệ Năng.
XV. TRÌ KINH CÔNG ĐỨC
Tu Bồ Đề! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, sơ nhật phần dĩ, hằng hà sa đẳng thân bố thí, trung nhật phần phục dĩ hằng hà sa đẳng thân bố thí, hậu nhật phần diệc dĩ hằng hà sa đẳng thân bố thí; như thị vô lượng bá thiên vạn ức kiếp dĩ thân bố thí. Nhược phục hữu nhân văn thử kinh điển, tín tâm bất nghịch, kỳ phước thắng bỉ. Hà huống thơ tả, thọ trì đọc tụng, vị nhân giải thuyết!

Tu Bồ Đề! Dĩ yếu ngôn chi, thị kinh hữu bất khả tư nghị, bất khả xứng lượng, vô biên công đức. Như Lai vị phát đại thừa giả thuyết, vị phát tối thượng thừa giả thuyết. Nhược hữu nhân năng thọ trì, đọc tụng, quảng vị nhân thuyết, Như Lai tất tri thị nhân, tất kiến thị nhân, giai đắc thành tựu bất khả lượng, bất khả xứng, vô hữu biên, bất khả tư nghị công đức. Như thị nhân đẳng tác vi hà đảm Như Lai A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề! Nhược nhạo tiểu pháp giả, trước ngã kiến, nhơn kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, tức ư thử kinh bất năng thính thọ, đọc tụng, vị nhân giải thuyết.

Tu Bồ Đề! Tại tại xứ xứ, nhược hữu thử kinh, nhất thiết thế gian; thiên, nhân, A Tu La, sở ưng cúng dường. Đương tri thử xứ, tức vi thị tháp, giai ưng cung kính, tác lễ vi nhiễu, dĩ chư hoa hương, nhi tán kỳ xứ.

    Dịch nghĩa:

    CÔNG ĐỨC TRÌ KINH
Này thầy Thiện Hiện
Nếu có thiện nam
Cùng người tín nữ
Sáng sớm đem thân
Bố thí nhiều như
Số cát sông Hằng
Trưa lại đem thân
Bố thí nhiều như
Số cát sông Hằng
Chiều đến đem thân
Bố thí nhiều như
Số cát sông Hằng
Bố thí thân thể
Như thế cho đến
Trăm ngàn vạn ức
Vô lượng số kiếp.
Với lại có người
Nghe kinh điển này
Lòng tin chẳng trái
Thì được phước báu
Vượt thắng người kia
Huống nữa lại còn
Biên chép đọc tụng
Thọ trì giảng giải
Cho người khác hiểu.

    Này thầy Thiện Hiện
    Nói tóm tắt lại
    Công đức kinh này
    Vô lượng vô biên
    Không thể nghĩ bàn
    Chẳng cân lường nổi.
    Như Lai vì người
    Phát tâm đại thừa
    Mà nói kinh này
    Vì người phát tâm
    Phật thừa tối thượng
    Giảng nói kinh này.
    Nếu có người nào
    đủ khả năng
    Đọc tụng thọ trì
    Rộng nói cho người
    Thì chính Như Lai
    Thấy rõ người ấy
    Thành tựu công đức
    Không có hạn lượng
    Không thể xưng gọi
    Không thể nghĩ bàn
    Và không ngằn mé.
    Những người như thế
    Tức là những người
    Gánh vác được đạo
    Vô thượng chánh đẳng
    Chánh giác của Phật
    Tại sao như vậy?
    Này thầy Thiện Hiện
    Nếu thích pháp nhỏ
    Tức bị vướng mắc
    Về những kiến chấp
    Ngã, nhân, chúng sinh
    Và tướng thọ giả
    Thì nơi kinh này
    Không thể nghe nổi
    Huống nữa thọ trì
    Đọc tụng giảng thuyết
    Cho người khác nghe.
Này thầy Thiện Hiện
Bất cứ nơi nào
Nếu có kinh này
Thì cả thế gian
Trời, A tu la
Và cả nhân loại
Nên đến cúng dường
Phải biết nơi ấy
Chính là tháp Phật
Đều nên thành kính
Lễ bái cúng dường
Dùng các hoa hương
Rải quanh nơi ấy.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Sơ nhật, trung nhật, hậu nhật: Sáng sớm, ngọ trưa, chiều tối.
  2. Tín tâm bất nghịch: Lòng tin thanh tịnh, không chống trái.
  3. Bất khả tư nghì, bất khả xứng lượng: Không thể nghĩ bàn, không thể cân lường.
  4. Tối thượng thừa: Cỗ xe tối thượng, cũng gọi là Phật thừa, không gì so sánh được.
  5. Tiểu pháp: Pháp nhỏ, chỉ cho pháp đối của nhị thừa, dùng để đối trị với tám vạn bốn ngàn phiền não trần lao.
  6. Ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến: Tâm kiến lập về ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn này đức Phật so sánh người bố thí tài vật thuộc pháp hữu vi, cho dù người ấy mỗi ngày ba thời: sáng trưa chiều đem thân mạng mình ra để bố thí nhiều như số cát sông Hằng, trải qua vô lượng kiếp đi nữa, cũng không sánh bằng có người nghe kinh này, lòng tin không chống trái, biên chép, thọ trì, lại còn giảng giải cho người hiểu. Vì sao như vậy? Vì công đức trì kinh này chính là xả ly chấp ngãchấp pháp, nên đưa đến "Sinh đã tận, lậu đã tận, gánh nặng đã để xuống, những việc nên làm đã làm xong, từ nay không còn trở lại trạng thái luân hồi sinh tử nữa".

Như vậy, trì kinh ở đây chính là tâm vô sở trụ. Bởi tâm vô sở trụ nên chúng sinh được độ vào Niết Bàm vô dư, dòng luân hồi dừng bặt, vượt thoát sầu bi khổ ưu não. Còn phước đức bố thí ở trên không thể giúp người vượt thoát sinh tử. Người nào đạt được như vậy, mới là người gánh vác được đạo vô thượng Bồ đề của đức Như Lai, mới là người kế thừa ngọn đuốc trí tuệ tối thượng của Phật để trao lại cho đại chúng.

Nếu ham thích pháp nhỏ, tức ở nơi phương tiện của Nhị thừa thì bị rơi vào kiến chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Và người nào đang kẹt vào tình thức, đang bị chấp thủ không chế, thì ở nơi kinh này không thể nghe nổi, huống nữa thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết cho người.

Còn những ai thọ trì được kinh này, tức thành tựu tâm vô sở trụ nên thoát ly mọi tướng (ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả). Bởi thoát ly mọi tướng, nên không còn bị phiền nãosở tri chướng ngại. Vì vậy cho nên, Phật dạy: "Nơi nào có kinh này(1) thì cả thế gian trên từ chư Thiên, loài A tu la, và cả nhân loại nên đến cúng dường, bởi chính nơi ấy là tháp miếu Phật". Cúng dường ở đây là có nghĩa là hằng thuận pháp tánh, tức xả ly mọi chấp trước một cách rốt ráo, thì tính giác hiển lộ.

Bởi tháp miếu của Phật trụ giữa hư không(2), nghĩa là vô sở trụ. Bởi trụ vô sở trụ, cho nên chúng sinh trong lục đạo cúng dường ở đây nghĩa là đem tâm ra khỏi nhị chấp, tức xóa sạch kiến chấp về: ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, cũng chính là "Năng tịnh nghiệp chướng".

GHI CHÚ:

(1) Tức chỉ cho tâm đã thoát ly chấp ngãchấp pháp.

(2) Như trong kinh Pháp Hoa Phật nói.
XVI. NĂNG TỊNH NGHIỆP CHƯỚNG
Phục thứ Tu Bồ Đề! Thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì, đọc tụng thử kinh, nhược vị nhân khinh tiện, thị nhân tiên thế tội nghiệp ưng đọa ác đạo, dĩ kim thế nhân khinh tiện cố, tiên thế tội nghiệp tức vi tiêu diệt, đương đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

Tu Bồ Đề! Ngã niệm quá khứ, vô lượng A tăng kỳ kiếp ư Nhiên Đăng tiền, đắc trị bát bách tứ thiên vạn ức na do tha chư Phật, tất giai cúng dường thừa sự, vô không quá giả. Nhược phục hữu nhân, ư hậu mạt thế, năng thọ trì đọc tụng thử kinh, sở đắc công đức, ư ngã sở cúng dường chư Phật, công đức bách phần bất cập nhứt, thiên vạn ức phần, nãi chi toán số thí dụ sở bất năng cập.

Tu Bồ Đề! Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân ư hậu mạt thế, hữu thọ trì đọc tụng thử kinh, sở đắc công đức, ngã nhược cụ thuyết giả, hoặc hữu nhân văn tâm, tắc cuồng loạn hồ nghi bất tín. Tu Bồ Đề! Đương tri thị kinh nghĩa, bất khả tư nghị, quả báo diệc bất khả tư nghị.

    Dịch nghĩa:

    SẠCH HẾT NGHIỆP CHƯỚNG
Lại nữa Thiện Hiện
Có kẻ thiện nam
Cùng người tín nữ
Đối với kinh này
Thọ trì đọc tụng
Mà bị người khinh
Thì những tội nghiệp
Nhiều đời về trước
Của người ấy tạo
Đáng ra phải đọa
Vào các đường ác
Song do ngày nay
Bị người khinh tiện
Nêu tội nghiệp ấy
Đều được tiêu trừ
Lại còn đắc đạo
Vô thượng Bồ đề.

    Này thầy Thiện Hiện
    Ta nhớ quá khứ
    Nhiều kiếp lâu xa
    Trước khi được gặp
    Đức Phật Nhiên Đăng
    Chính ta đã gặp
    Tám trăm bốn nghìn
    Muôn ức do tha
    Các đấng Thế Tôn
    Ta đều cúng dường
    Thành tâm phụng thờ
    Chẳng sót vị nào.
    Nếu lại có người
    Ở thời mạt sau
    Thường hay thọ tri
    Đọc tụng kinh này
    Thì công đức ấy
    So với công đức
    Thừa sự cũng dường
    Chư Phật của ta
    Như đã nói trên
    Thì ta chẳng bằng
    Chỉ một phần trăm
    Phần ngàn muôn ức
    Cho đến toán số
    Thí dụ chẳng kịp.
Này thầy Thiện Hiện
Ở kiếp mạt sau
Có kẻ thiên nam
Cùng người tín nữ
Đối với kinh này
Thọ trì đọc tụng
Thì được công đức
Nếu ta nói hết
Hoặc có người nghe
Tâm sinh cuồng loạn
Nghi ngờ chẳng tin.
Này thầy Thiện Hiện
Nên biết ý nghĩa
Ở nơi kinh này
Không thể nghĩ bàn
Quả báo cũng vậy
Không thể nghĩ bàn.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Khinh tiện: Khinh rẻ và nhạo báng
  2. Vô lượng a tăng kỳ kiếp: Nhiều kiếp không cùng.
  3. Na do tha: Băng mười vạn (100.000).
  4. Mạt thế: Đời mạt pháp. Pháp Phật chia ra ba thời: Chánh pháp, tượng phápmạt pháp.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn này đức Phật dạy: "Nếu có người thiện nam tín nữ thọ trì đọc tụng kinh này, bị người khinh khi nhạo báng thì những tội nghiệp nhiều kiếp về trước của người ấy tạo ra, đáng phải đọa vào đường ác, nhưng không bị đọa mà còn đắc đạo".

Nghĩa ấy thế nào? Thọ trì kinh này tức sống đúng với thật tướng Bát Nhã. Do sống đúng với thật tướng Bát Nhã, nên không còn sinh tâm chấp thủ nơi lời khinh tiện nhạo báng, nên giải trừ được chấp ngãchấp pháp. Bởi giải trừ được nhị chấp, nên đoạn tận chướng phiền não là tham, sân, si, mạn nghi... và chướng sở tri. Hành giả đạt thành nhân không và pháp không, nên giải trừ được nghiệp chướng nhiều đời, và chứng đắc đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Vì những lẽ trên, nên đức Phật so sánh công đức phụng sự cúng dường chư Phật không sót vị nào, với công đức thọ trì kinh này, thì công đức trước không bằng phần trăm, phần ngàn muôn ức, cho dù dùng hằng số của toán học để so sánh thí dụ cũng không thể so sánh được.

Công đức thọ trì kinh này vô lượng vô biên, vì đã xóa sạch vọng kiến, nên cũng không lấy gì để so sánh tính toán được. Nghĩa thú của kinh cũng không thể nghĩ bàn, bởi kiến chấp đã đoạn tận. Do kiến chấp đã đoạn tận, nên "Năng tịnh nghiệp chướng". Do năng tịnh nghiệp chướng nên quả báo cũng không thể nghĩ bàn. Bởi "Cứu cánh vô ngã" vậy.XVII. CỨU KÍNH VÔ NGÃ
Nhĩ thời, Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn: "Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm, vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm?"

Phật cáo Tu Bồ Đề: "Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm giả, đương sanh như thị tâm: Ngã ưng diệt độ nhứt thiết chúng sinh, diệt độ nhứt thiết chúng sinh dĩ, nhi vô hữu nhứt thiết chúng sinh thiệt độ giả. Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề! Nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng tức phi Bồ Tát. Sở dĩ giả hà? Tu Bồ Đề! Thiệt vô hữu pháp phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm giả.

Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Như Lai ư Nhiên Đăng Phật sở, hữu pháp đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề phủ?"

- Phất dã, Thế Tôn! Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa. Phật ư Nhiên Đăng Phật sở, vô hữu pháp đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

Phật ngôn: "Như thị! Như thị! Tu Bồ Đề! Thật vô hữu pháp Như Lai đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Tu Bồ Đề! Nhược hữu pháp Như Lai đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề giả, Nhiên Đăng Phật tắc bất dữ ngã thọ ký: "Nhữ ư lai thế đương đắc tác Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni". Dĩ thật vô hữu pháp đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, thị cố Nhiên Đăng Phật dữ ngã thọ ký tác thị ngôn: "Nhữ ư lai thế đương đắc tác Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni". Hà dĩ cố? Như Lai giả, tức chư pháp như nghĩa. Nhược hữu nhân ngôn: Như Lai đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Tu Bồ Đề! Thật vô hữu pháp Phật đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Tu Bồ Đề! Như Lai sở đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, ư thị trung, vô thật vô hư, thị cố Như Lai thuyết: Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp. Tu Bồ Đề! Sở ngôn nhất thiết pháp giả, tức phi nhất thiết pháp, thị cố danh nhất thiết pháp. Tu Bồ Đề! Thí như nhân thân trường đại?"

Tu Bồ Đề ngôn: "Thế Tôn! Như Lai thuyết nhân thân trường đại, tức vi phi đại thân, thị danh đại thân".

- Tu Bồ Đề! Bồ Tát diệc như thị. Nhược tác thị ngôn: Ngã đương diệt độ vô lượng chúng sanh. Tức bất danh Bồ Tát. Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề! Thật vô hữu pháp danh vi Bồ Tát. Thị cố, Phật thuyết nhất thiết pháp vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả. Tu Bồ Đề! Nhược Bồ Tát tác thị ngôn: Ngã đương trang nghiêm Phật độ, thị bất danh Bồ Tát. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm. Tu Bồ Đề! Nhược Bồ Tát thông đạt vô ngã pháp giả, Như Lai thuyết danh chân thị Bồ Tát.

    Dịch nghĩa:

    CỨU CÁNH VÔ NGÃ
Bấy giờ Thiện Hiện
Bạch với Phật rằng:
Bạch đức Thế Tôn
Có kẻ thiện nam
Cùng người tín nữ
Phát tâm vô thượng
Chánh đẳng chánh giác
Thì phải làm sao
An trụ tâm mình
Và bằng cách nào
Hàng phục tâm ấy?

    Phật bảo Thiện Hiện
    Những kẻ thiện nam
    Cùng người tín nữ
    Phát tâm Bồ đề
    Thì nên như vầy
    Mà sinh tâm ấy
    Ta phải diệt độ
    Hết thảy chúng sinh
    Được diệt độ rồi
    Mà thật chẳng thấy
    Một chúng sinh nào
    Được mình diệt độ.
    Vì sao như vậy?
    Này thầy Thiện Hiện
    Nếu vị Bồ tát
    Mà còn tướng ngã,
    Mà còn tướng nhân,
    Còn tướng chúng sinh
    Còn tướng thọ giả
    Thì chẳng phải là
    Một vị Bồ tát.
    Vì sao như vậy?
    Này thầy Thiện Hiện
    Thật chẳng có pháp
    Phát tâm vô thượng
    Chánh đẳng chánh giác.
Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy nghĩ sao?
Như Lai ở nơi
Đức Phật Nhiên Đăng
Có chứng được pháp
Vô thượng chánh đẳng
Chánh giác hay chăng?

    Bạch đức Thế Tôn
    Thật chẳng đắc gì.
    Theo con hiểu nghĩa
    Của Thế Tôn nói
    Như Lai ở nơi
    Đức Phật Nhiên Đăng
    Thật chẳng có được
    Pháp gì gọi là
    Vô thượng Bồ đề.
Phật dạy Thiện Hiện:
Đúng vậy! Đúng vậy!
Thật chẳng có pháp
Như Lai chứng đắc
Gọi là vô thượng
Chánh đẳng chánh giác.
Này thầy Thiện Hiện
Nếu thật có pháp
Như Lai chứng đắc
Vô thượng Bồ đề
Thì Phật Nhiên Đăng
Đã không thọ ký
Bảo với ta rằng
Về đời sau này
Ông sẽ thành Phật
Với danh hiệu
Thích Ca Mâu Ni.
Bởi không có pháp
Chứng đắc vô thượng
Chánh đẳng chánh giác
Vì vậy cho nên
Đức Phật Nhiên Đăng
Mới thọ ký rằng
Về đời sau này
Ông sẽ thành Phật
Với danh hiệu
Thích Ca Mâu Ni.
Tại sao như vậy?
Như Lai chính là
Nghĩa như các pháp
Nếu có người nói
Như Lai đắc quả
Vô thượng Bồ đề
Thì chính người ấy
Nói lời không thật.
Này thầy Thiện Hiện
Thật không có pháp
Như Lai chứng đắc
Đạo quả vô thượng
Chánh đẳng chánh giác.
Này thầy Thiện Hiện
Đạo quả vô thượng
Chánh đẳng chánh giác
Như Lai chứng đắc
Ở trong pháp ấy
Không thật không hư
Vì vậy cho nên
Như Lai nói rằng
Hết thảy các pháp
Đều là Phật pháp.
Này thầy Thiện Hiện
Nói hết thảy pháp
Tức chẳng phải là
Hết thảy các pháp
Mà tạm gọi là
Hết thảy các pháp.
Này thầy Thiện Hiện
Thí như thân người
Dài lớn không ngằn?

    Thầy Thiện Hiện thưa:
    Bạch đức Thế Tôn
    Thân người dài lớn
    Tức chẳng thân lớn
    Mà tạm gọi là
    Thân lớn vậy thôi.
Này thầy Thiện Hiện
Là bậc Bồ tát
Lại cũng như vậy
Nếu nói lên rằng
Ta sẽ diệt độ
Vô lượng chúng sinh
Thì chẳng thể gọi
Là bậc Bồ tát.
Vì sao như vậy?
Này thầy Thiện Hiện
Thật chẳng có pháp
Gọi là Bồ tát
Vì vậy cho nên
Ta mới bảo rằng
Hết thảy các pháp
Không ngã, không nhân,
Cũng không chúng sinh
Và không thọ giả.
Này thầy Thiện Hiện
Nếu vị Bồ tát
Tác ý nói rằng:
Ta phải trang nghiêm
Cõi nước của Phật
Thì không thể gọi
Là bậc Bồ tát.
Vì sao như vậy?
Như Lai nói
Trang nghiêm cõi Phật
Tức chẳng trang nghiêm
Mà tạm gọi là
Trang nghiêm vậy thôi.
Này thầy Thiện Hiện
Là bậc Bồ tát
Thì phải thông đạt
Ngã, pháp đều không
Như Lai gọi là
Bồ tát thật sự.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Như Lai giả tức chư pháp như nghĩa: Như Lai chính là nghĩa như của các páp (tức như thị chứ không ở nơi vọng thức kiến lập).
  2. Vô thực vô hư: Không thực, không hư, nghĩa là không thể dùng vọng tâm để xác quyết là gì, cũng không thể phủ nhận không gì.
  3. Thân trường đại: Thân dài lớn không ngằn mé, chỉ cho pháp thân.
  4. Vô ngã pháp: Không ngã, không pháp tức rời khỏi mọi cặp phạm trù đối đãi giả lập của nhị biên, của vọng tâm.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn trước thầy Thiện Hiện đã thưa hỏi Phật về cách an trụ và hàng phục tâm, nhằm tác duyên cho đại chúng phát tâm Bồ đề. Đến đoạn này, thầy Thiện Hiện cũng lập lại câu hỏi trước, câu hỏi tuy một nhưng ý thì lại khác. Hỏi lần trước để tác duyên cho đại chúng phát tâm cầu trí giác vô thượng. Nếu hành giả không phát tâm cầu trí giác vô thượng, thì sẽ lọt vào phàm phu.

Đến đoạn này thì đại chúng đã nhận ra nghĩa thú, đã phát tâm cầu vô thượng chánh đẳng chánh giác, nhưng sợ hành giả bị kẹt vào niệm chúng sinh, cho nên đức Phật dạy: "Chúng sinh được diệt độ rồi, nhưng không còn thấy một chúng sinh nào được mình diệt độ".

Vì năng độ là tâm, mà sở độ cũng là tâm, và mỗi khi chúng sinh tâm đã độ hết, thì năng độ cũng đi vào tịch tĩnh. Năng sở đều không (năng sở song vong), thì tánh giác mới hiển lộ. Đó chính là xả ly ngã pháp một cách rốt ráo vậy.

Thầy Thiện Hiện lập lại câu hỏi trước là để phá bỏ năng độ và sở độ. Đức Phật nhắc lại tích xưa nơi đức Phật Nhiên Đăng, là để quét sách niệm năng chứng và sở chứng. Nếu đức Phật Thích Ca bị kẹt vào năng chứng và sở chứng, thì Phật Nhiên Đăng không bao giờ thọ Ký cho Phật Thích Ca là về đời sau ông sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

Vì sao như vậy? Vì Như Lai chính là nghĩa Như của các pháp. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật cũng dạy:

"Hết thảy các pháp đều là Phật pháp, do con không hiểu nên theo vô minh mà trôi lăn, ở nơi Bồ đề nà thấy không thanh tịnh, ở nơi giải thoát mà khởi buộc ràng". Hết thảy các pháp ở đây là pháp như thị, chứ không ở nơi vọng tâm kiến lập, nên Phật nói:

"Như Lai đắc pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác, ở nơi pháp ấy không thật, không hư". Nghĩa là không rơi vào chấp thủ đoạn thường, không kiến lập không, cũng không rơi vào trầm không trệ tịch, mà thường tịch, thường chiếu. Bản thể thường tịch, thường chiếudiệu dụng của pháp thân, cho nên Phật nói: "Thân dài lớn không ngằn mé". Và "Thân lớn tức chẳng thân lớn, mới là thân lớn", nghĩa là sạch hết nhị chấp mới đạt được pháp thân siêu việt số lượng.

Vì vậy cho nên, nếu vị Bồ Tát mà nói rằng: "Ta phải diệt độ vô lượng chúng sinh, thì chẳng thể gọi là bậc Bồ Tát". Vì sao như vậy? Vì thật chẳng có pháp gì gọi là Bồ Tát, tức năng độ không, mà năng độ không thì sở độ cũng không. Nếu kiến lập năng độ và sở độ tức bị rơi vào đối đãi của nhị thừa, và bị bốn tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả khống chế. Bởi lẽ ấy nên, nếu Bồ Tát khởi ý nói rằng "Ta phải trang nghiêm cõi nước Phật, thì không thể gọi là Bồ Tát". Vì sao như vậy? Vì cõi Phậtcõi tịnh, nếu khởi ý trang nghiêm tức rơi vào vọng tâm sinh diệt.

Vì vậy cho nên đức Phật dạy: "Trang nghiêm cõi Phật tức chẳng trang nghiêm gì, mới là trang nghiêm". Qua hai ý trên, chúng ta thấy rằng: khởi ý độ chúng sinh đã là vọng, mà khởi ý trang nghiêm cõi Phật cũng là vọng. Vì vậy cho nên, muốn trang nghiêm cõi Phật của tâm hồn mình thì phải sạch hết năng độ và sở độ, năng chứng và sở chứng, cõi "Duy tâm Tịnh Độ" mới hiện bày. Đây chính là con đường học đạo, chứ không phải là con đường của triết học, của lý luận với mớ kiến thức giả lập.

Bởi chính đạo học nên thủy giác trở lại với bổn giác vậy thôi, tức là thủy bổn bất nhị. Cùng một ý này, Cổ đức nói:

    Khởi trừ phiền não càng thêm bệnh
    Thú hướng chơn như cũng là tà
    Hằng thuận chúng duyên vô quái ngại
    Niết bàn, sanh tử thảy không hoa.
Vì vậy Bồ Tát phải thông đạt ngã, pháp đều không, với "Tuệ quán đồng nhất thể" bởi "pháp giới thông hóa" mới chính là Bồ tát.
XVIII. NHẤT THỂ ĐỒNG QUÁN
- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Như Lai hữu nhục nhãn.

- Như thị, Thế Tôn! Như Lai hữu nhục nhãn.

- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Như Lai hữu thiên nhãn phủ?

- Như thị, Thế Tôn! Như Lai hữu thiên nhãn.

- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Như Lai hữu huệ nhãn phủ?

- Như thị, Thế Tôn! Như Lai hữu huệ nhãn.

- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Như Lai hữu pháp nhãn phủ?

- Như thị, Thế Tôn! Như Lai hữu pháp nhãn.

- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Như Lai hữu Phật nhãn phủ?

- Như thị, Thế Tôn! Như Lai hữu Phật nhãn.

- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Như Hằng hà sa trung sở hữu sa. Phật thuyết thị sa phủ?

- Như thị, Thế Tôn! Như Lai thuyết thị sa.

- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Như nhất Hằng hà trung sở hữu sa, hữu như thị sa đẳng Hằng hà. Thị chư Hằng hà sở hữu sa số Phật thế giới, như thị ninh vi đa phủ?

- Thậm đa, Thế Tôn!

Phật cáo Tu Bồ Đề: "Nhĩ sở quốc độ trung sở hữu chúng sinh, nhược can chủng tâm, Như Lai tất tri. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết chư tâm, giai vi phi tâm, thị danh vi tâm. Sở dĩ giả hà? Tu Bồ Đề! Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.

    Dịch nghĩa:

    TUỆ QUÁN ĐỒNG NHẤT THỂ
Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy thế nào?
Như Lai Thế Tôn
nhục nhãn chăng?

Bạch đức Thiện Thệ
Như Lai Thế Tôn
Cũng có nhục nhãn.

Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy thế nào?
Như Lai Thế Tôn
thiên nhãn chăng?

Bạch đức Thiện Thệ
Như Lai Thế Tôn
Cũng có thiên nhãn.

Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy thế nào?
Như Lai Thế Tôn
tuệ nhãn chăng?

Bạch đức Thiện Thệ
Như Lai Thế Tôn
Cũng tuệ nhục nhãn.

Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy thế nào?
Như Lai Thế Tôn
pháp nhãn chăng?

Bạch đức Thiện Thệ
Như Lai Thế Tôn
Cũng có pháp nhãn.

Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy thế nào?
Như Lai Thế Tôn
Phật nhãn chăng?

Bạch đức Thiện Thệ
Như Lai Thế Tôn
Cũng có Phật nhãn.

    Này thầy Thiện Hiện
    Ý thầy nghĩ sao?
    Như hết thảy cát
    Ở trong sông Hằng
    Như Lai gọi nó
    Là cát hay chăng?

    Bạch đức Thiện Thệ
    Như Lai Thế Tôn
    Gọi nó là cát.

    Này thầy Thiện Hiện
    Ý thầy nghĩ sao?
    Như hết thảy cát
    Ở trong sông Hằng
    Cứ mỗi hạt cát
    Là mỗi sông Hằng
    Mỗi hạt được xem
    Một thế giới Phật
    Thì số thế giới
    Như thế nhiều chăng?

    Bạch đức Thế Tôn
    Nhiều vô số kể.
Phật bảo Thiện Hiện
Tất cả chúng sinh
Trong những cõi nước
Nhiều vô số ấy
Cứ mỗi chúng sinh
Có tâm thế nào
Như Lai biết hết
Vì sao biết được?
Như Lai bảo rằng
Hết thảy các tâm
Đều là phi tâm
Nghĩa ấy thế nào
Này thầy Thiện Hiện
Dòng tâm quá khứ
Không thể nắm bắt
Dòng tâm hiện tại
Không thể nắm bắt
Dòng tâm vị lai
Không thể nắm bắt.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Nhục nhãn: Con mắt bằng thịt, con mắt của nhân loại thấy rõ năm nhân cách nhằm: bảo vệ mạng sống, bảo vệ nguồn sống, bảo vệ hạnh phúc lứa đôi, bảo vệ sự trong sáng của ngôn ngữ, bảo vệ sự định tĩnh và trong sáng của tâm hồn.
  2. Thiên nhãn: Con mắt của chư Thiên ở các cõi trời, con mắt thấy rõ sự sai biệt trong sáu đường nhằm quy về mười điều thiện. Thiên nhãn có hai: một là do quả báo mà được, hai là do tu mà được.
  3. Tuệ nhãn: Con mắt trí tuệ, con mắt của hàng Thanh văn ngang qua quán chiếuTứ Đế để nhằm giải trừ động cơ tạo nên sầu bi khổ ưu não, thẳng đến tịch diệt. Con mắt của hàng Duyên giác ngang qua quán chiếu mười hai nhân duyên, nhằm xóa sạch vô minh, cắt đứt dòng sinh tử luân hồi.
  4. Pháp nhãn: Con mắt của chánh pháp, con mắt thấy Tứ Đế chứng bốn quả Thanh văn (pháp nhãn của Nhị thừa). Còn pháp nhãn của Đại thừa là trực chứng chân đế với "Tuệ quán đồng nhất thể".
  5. Phật nhãn: Con mắt Phật, cái thấy của chư Phật, cái thấy viên thông vô ngại bởi pháp giới thông hóa, một là tất cả tất cả là một, cái thấy thật tướng của các pháp, cái thấy bất nhị. Một vị Phật có đủ năm loại mắt, từ nhục nhãn cho đến Phật nhãn.
  6. Nhĩ sở quốc độ: Ngần ấy cõi nước.
  7. Can chủng tâm: Bao nhiêu thứ tâm.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn trước đức Phật dạy cứu cánh vô ngã, nên không có chúng sinh được độ thoát, cũng không có quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác để chứng đắc, và cũng không có cõi Phật để trang nghiêm, nghĩa là không có sở đắc, cũng chẳng thấy gì, làm cho đại chúng khởi nghi là Phật không có mắt sao chẳng thấy gì? Đức Phật hiểu được chỗ nghi của đại chúng, nên xác quyết lại là Phật có đủ năm loại mắt:

1. Nhục nhãn: Con mắt bằng thịt của nhân loại, để nhìn đúng sự vật và sống đúng năm nhân cách.

2. Thiên nhãn: Con mắt của chư Thiên ở các tầng trời do thanh tịnh được tứ đại ở cõi sắc, nên trong thấy rõ chúng sinh trong sáu đường, và sống đúng mười nghiệp lành (thập thiện).

3. Tuệ nhãn: Con mắt của hàng Nhị thừaThanh vănDuyên giác, do quán bốn chân lý (Tứ diệu đế) và mười hai nhân duyên (Thập nhị nhân duyên) nhằm hóa giải vô minh (động cơ dẫn đến sầu bi khổ ưu não), cắt đứt mắt xích sinh tử luân hồi.

4. Pháp nhãn (mắt pháp): Con mắt của hàng Bồ tát với tầm nhìn bằng tuệ quán thể đồng nhất, làm cho "Tầm nhìn rộng lớn thênh thang, không còn chướng ngại, chẳng chút sợ hãi, lìa hẳn điên đảo, sạch hết vọng tưởng, rốt ráo Niết bàn" nhằm trực chứng chân đế. Không như pháp nhãn của hàng Tiểu thừa chỉ thấy pháp Tứ đếThập nhị nhân duyên, ngang qua quán chiếu những hiện tượng tâm vật lý bởi duyên sinh vô ngã mà thôi.

5. Phật nhãn (mắt Phật): Con mắt của chư Phật, với tầm nhìn xuyên suốt từ hiện tượng đến bản thể. Song cái nhìn ấy không bị khu biệt bởi vọng thức, nên không mang tính cục bộ hạn hữu, và không sai lạc thực tại. Tầm nhìn với pháp giới thông hóa bằng trí tuệ tuyệt đãi (Bát nhã), thấy một là tất cả, tất cả là một, cái thấy dung thông vô ngại (sự sự vô ngại, lý lý vô ngại, sự lý vô ngại).

Ngược lại, cái thấy của hàng phàm phu là cái thấy của vọng tâm, mang tính chủ quan và áp đặt bởi biến kế sở chấp nên thường xa rời thực tại, và bị rơi vào tình chấp: có không, đoạn thường, thật giả v.v...

Vì vậy cho nên, tâm của chúng sinh có nhiều như số cát sông Hằng đi nữa, đức Phật cũng biết đó là những tâm vọng. Chúng sinh luôn bị vọng tâm câu thúc, nên chẳng sống được với chân tâm bất sinh bất diệt của mình. Và bản chất của vọng tâm là luôn luôn sinh diệt, luôn luôn trôi chảy về bất tận, cho nên tâm quá khứ không thể nắm bắt, tâm hiện tại không thể nắm bắt, tâm vị lai không thể nắm bắt. Tâm cả ba thời gian đều không thể nắm bắt, nên không chỗ được, gọi là đắc vô sở đắc.

Vì vậy cho nên, phải rời bỏ vọng tâm mới tiếp xúc được với thực tại với tầm nhìn "Tuệ quán đồng nhất thể" bởi vạn pháp như, vạn pháp bản trụ bản hữu, mới thấu rõ "Pháp giới thông hóa".

XIX. PHÁP GIỚI THÔNG HÓA
- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Nhược hữu nhân mãn tam thiên đại thiên thế giới thất bảo dĩ dụng bố thí, thị nhân dĩ thị nhân duyên đắc phúc đa phủ?

- Như thị, Thế Tôn! Thử nhân dĩ thị nhân duyên, đắc phúc thậm đa.

- Tu Bồ Đề! Nhược phúc đức hữu thật, Như Lai bất thuyết đắc phúc đức đa. Dĩ phúc đức vô cố, Như Lai thuyết đắc phúc đức đa.

    Dịch nghĩa:

    PHÁP GIỚI THÔNG HÓA
Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy thế nào?
Nếu lại có người
Đem đồ bảy báu
Đầy khắp ba nghìn
Đại thiên thế giới
Dùng để bố thí
Người ấy gieo duyên
Bố thí như vậy
Được phước nhiều chăng?

    Bạch đức Thế Tôn
    Thật đúng như vậy
    Người ấy gieo duyên
    Bố thí như vậy
    Được phước rất nhiều.
Này thầy Thiện Hiện
Giá như phước đức
Mà có thật thể
Như Lai chẳng nói
Được phước đức nhiều
Song phước đức ấy
Chẳng có thực thể
Như Lai mới nói
Được phước đức nhiều.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Nhược phúc đức hữu thật: Nếu phước đức có thật thể, tức bất di bất dịch, thì không thể nói nhiều ít được.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn này đức Phật lần nữa so sánh phước đức bố thí thuộc về hữu vi với phước đức vô vi nó có hệ quả sai biệt. Phật dạy: "Như có người đem đồ bảy báu đầy khắp ba ngàn thế giới rộng lớn ra bố thí, dầu được phước đức nhiều, nhưng phước đức ấy không có thật thể."

Vì sao không thật? Vì những thứ bảy báu ấy là vật có sẵn trong vũ trụ, nên sự bố thí ấy mang tính lạm nhận của tình thức mà thôi, và căn cứ trên tình thức mới nói nhiều ít được. Hơn nữa, bố thí bởi sự lạm nhận của tình thức chính là mầm mống của chấp ngã, và ngã chấp càng nhiều thì khổ đau càng lắm, nên cũng không thoát khỏi sầu bi ưu khổ não, không thể ra khỏi sinh tử luân hồi.

Vì vậy cho nên, hành giả phải thấu rõ "Pháp giới thông hóa" ngang qua "Tuệ quán thể đồng nhất", mới khế hợp với tâm vô trụ. Bởi tâm vô sở trụ nên không thể đo lường, vì vậy nói phước đức ấy nhiều vô số kể. Bố thí bởi nhân không, pháp không tức xả sạch hai chấp ngãpháp ngã (xả liễu ngã pháp), cũng gọi là hằng thuận pháp tính. Đó chính là nghệ thuật "Ly sắc ly tướng".XX. LY SẮC LY TƯỚNG
- Tu Bồ Đề ! Ư ý vân hà? Phật khả dĩ cụ túc sắc thân kiến phủ?

- Phất dã, Thế Tôn! Như Lai bất ưng dĩ cụ túc sắc thân kiến. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết cụ túc sắc thân, tức phi cụ túc sắc thân, thị danh cụ túc sắc thân.

- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Như Lai khả dĩ cục túc chư tướng kiến phủ?

- Phất dã, Thế Tôn! Như Lai bất ưng dĩ cục túc chư tướng kiến. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết chư tướng cụ túc, tức phi cụ túc, thị danh chư tướng cụ túc.

    Dịch nghĩa:

    LÌA SẮC LÌA TƯỚNG
Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy nghĩ sao?
Có thể căn cứ
Sắc thân cụ túc
Mà cho rằng thấy
Được Như Lai chăng?

    Bạch đức Thế Tôn
    Không thấy vậy được
    Không thể căn cứ
    Sắc thân cụ túc
    Mà cho rằng thấy
    Được đức Như Lai
    Vì sao như vậy?
    Như Lai nói
    Sắc thân cụ túc
    Tức chẳng ở nơi
    Sắc thân cụ túc
    Mà tạm gọi là
    Sắc thân cụ túc.
Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy thế nào?
Có thể căn cứ
Các tướng cụ túc
Mà cho rằng thấy
Được Như Lai chăng?

    Bạch đức Thế Tôn
    Không thấy vậy được
    Không thể căn cứ
    Các tướng cụ túc
    Mà cho rằng thấy
    Được đức Như Lai
    Vì sao như vậy?
    Như Lai nói
    Các tướng cụ túc
    Tức chẳng ở nơi
    Các tướng cụ túc
    Mà tạm gọi là
    Các tướng cụ túc

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Cụ túc sắc thân: Thân sắc tướng đầy đủ với ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp của Phật (tướng cụ túc thuộc về sắc thân của Phật).
  2. Cụ túc chư tướng: Các tướng đầy đủ, tức mười danh hiệu của một vị Phật (tướng cụ túc thuộc về danh xưng).
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Ở đoạn này đức Phật dạy: "Không thể căn cứ vào sắc thân ngũ uẩn với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp mà cho rằng thấy được Như Lai". Vì sao như vậy? Vì thân sắc tướng là thân hợp thể năm thụ uẩn, mang lý tính vô ngã, nên bị vô thường chi phối. Thân ấy chỉ là thân phương tiện để độ sinh mà thôi, chứ không phải là pháp thân. Bởi thân Như Laipháp thân trí tướng, thuộc bản trụ bản hữu, không có tướng sinh cũng không có tướng diệt, nên không tìm đâu ra khứ lai (vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ cố danh Như Lai). Vì vậy cho nên, không thể căn cứ vào sắc thân cụ túc để thấy Như Lai.

Như vậy thì có thể căn cứ vào các tướng cụ túc(1) để thấy Như Lai chăng? Cũng không thể căn cứ vào chư tướng cụ túc để thấy Như Lai. Vì cớ sao? Vì sắc thân là hợp thể năm uẩn mang tính vô ngã, và bị vô thường chi phối, nên sắc thân không. Bởi sắc thân không, thì mười danh hiệu giả lập của tâm thức cũng không. Vì nghĩa ấy cho nên tìm Như Lai, thấy Như Lai qua văn từ ngữ nghĩa bởi mớ kiến thức vay mượn qua nghiên cứu học hỏi, qua bằng cấp học vị đều chỉ là hình bóng của vọng trần mà thôi; chứ không bao giờ thấy được Như Lai, không bao giờ giải thoát giác ngộ.

Bởi con đường giác ngộcon đường của đạo học, chứ không ở nơi triết học. Hiểu được thật nghĩa của kinh, cho nên Cổ đức dạy rằng, con đường học vấn là con đường leo cây chuyền nhánh:

    "Leo cây, chuyền nhánh thật chẳng rành
    Dốc đá buông tay mới đại danh
    Tuyết lạnh trăng thanh câu chẳng có
    Đầy thuyền chỉ có bóng trăng thanh".
Danh sắc không tức ngã pháp không, nên không thể thấy được pháp thân Như Lai ngang qua thân danh sắc sinh diệt, cũng không thể tìm pháp thân qua danh từ ngữ nghĩa. Vì vậy phải lìa sắc, lìa tướng mới thấu rõ "Phi thuyết sở thuyết".

GHI CHÚ:

(1) Mười danh hiệu của một vị Phật.XXI. PHI THUYẾT SỞ THUYẾT
- Tu Bồ Đề! Nhữ vật vị Như Lai tác thị niệm: Ngã đương hữu sở thuyết pháp. Mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Nhược nhân ngôn: Như Lai hữu sở thuyết pháp. Tức vi báng Phật, bất năng giải ngã sở thuyết cố. Tu Bồ Đề! Thuyết pháp giả, vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp.

Nhĩ thời Huệ Mạng Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn: "Thế Tôn! Phả hữu chúng sinh, ư vị lai thế, văn thuyết thị pháp, sanh tín tâm phủ?"

Phật ngôn: "Bỉ phi chúng sinh, phi bất chúng sinh. Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề! Chúng sinh giả, Như Lai thuyết phi chúng sinh, thị danh chúng sinh".

    Dịch nghĩa:

    KHÔNG NGƯỜI NÓI PHÁP
    CŨNG KHÔNG CÓ PHÁP GÌ ĐƯỢC NÓI RA.
Này thầy Thiện Hiện
Thầy đứng nghĩ rằng
Như Lai khởi niệm
Ta có thuyết pháp
Thầy đừng nghĩ vậy
Vì sao đừng nghĩ?
Nếu có người nói
Như Lai cũng có
Thuyết giảng chánh pháp
Tức phỉ báng Phật
Chẳng hiểu những lời
Giảng giải của ta.
Này thầy Thiện Hiện
Thuyết pháp ấy là
Không một pháp nào
Có thể nói ra
Mà tạm gọi là
Thuyết pháp vậy thôi.

    Bấy giờ Huệ Mạng
    Thiện Hiện bạch Phật:
    Bạch đức Thế Tôn
    Có những chúng sinh
    Ở đời vị lai
    Nghe nói pháp này
    Sinh lòng tin chăng?
Phật bảo Thiện Hiện
Kia chẳng chúng sinh
Chẳng không chúng sinh
Vì sao như vậy?
Này thầy Thiện Hiện
Chúng sinh chúng sinh
Như Lai bảo rằng
Chẳng phải chúng sinh
Mà tạm gọi là
Chúng sinh vậy thôi

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Thuyết pháp: Tuyê nói chánh pháp. Chỉ có bán thân và ứng thân Như Lai mới có nói pháp. Còn pháp thân Như Lai thì lìa tướng lìa lời (tuyệt ngôn tuyệt lự), không có thuyết pháp.

    Kinh Lăng Già nói: "Ứng hóa thân thuyết về Tam thừa, báo thân thuyết về Thập địasáu ba la mật. Còn pháp thân thuyết về nghệ thuật ly ngôn ly tướng" (thuyết pháp giả, vô pháp khả thuyết).
  2. Huệ Mạng Tu Bồ Đề: Người gồm đủ pháp thân huệ mạngthọ mạng thế gian, nên cũng gọi là cụ thọ (trưởng lão). Bậc thánh lấy trí tuệ làm thọ mạng, nên thầy Tu Bồ Đề cũng được gọi là cụ thọ Thiện Hiện (Tu Bồ Đề đã giải ở trên).
  3. Bỉ phi chúng sinh: Kia không phải là chúng sinh theo nghĩa phàm phu, mà là chúng sinh đã dự vào dòng thánh (chỉ cho những bực thượng căn thượng trí).
  4. Phi bất chúng sinh: Chẳng không chúng sinh, nghĩa là đã dự vào dòng thánh nhưng cũng mang thân sinh diệt vậy.
  5. Chúng sinh chúng sinh giả: Cái chất liệu chúng sinh trong chúng sinh ấy chính là những vọng tưởng (chúng sinh tâm).
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn này đức Phật nói về pháp thân Như Lai không có thuyết pháp, tức ám chỉ cho bản thể thường tịch thường chiếu, nên xa lìa năng thuyết pháp và sở thuyết pháp. Bởi xa lìa năng thuyết và sở thuyết, nên nếu nói pháp thân Như Laithuyết pháp tức phỉ báng Phật, không hiểu được lời giảng của Như Lai.

Ở nơi bản thể thường nhiên, nên không một pháp nào được nói ra, mà tạm gọi là thuyết pháp vậy thôi. Vì pháp Bát nhã Ba la mật đa chính là tâm vô sở trụ. Bởi tâm không sở trụ nên chẳng thuyết gì cả.

Phật dạy đến đây thì trong đại chúng có chỗ hoài nghi là Phật ra đời có tu chứng, có thuyết pháp để hóa độ chúng sinh, nhưng nay Phật lại nói: "Không có một pháp nào được nói ra". Hiểu được hoài nghi của đại chúng, nên thầy Huệ Mạng Thiện Hiện thưa: "Bạch đức Thế Tôn, ở đời sau này nếu có chúng sinh nghe được pháp này, có sinh lòng tin chăng?"

Phật dạy: "Kia chẳng chúng sinh, chẳng không chúng sinh" nghĩa là không phải chúng sinh thuộc chủng tính phàm phu, mà là những chúng sinhcăn khí Đại thừa nên có khả năng tin được thật tướng Bát nhã của mình. Song, những bực thượng căn thượng trí này cũng mang thân chúng sinh vậy thôi. Vì tin vào thật tướng Bát nhã, cho nên mới nhận ra chất liệu chúng sinh trong chúng sinh ấy, tức dòng vọng tưởng sinh diệt liên tục. Bởi nhận ra bóng dáng vọng tưởng của khách trần huyễn hóa, nên không còn kẹt vào năng thuyết và sở thuyết không, nên "Không một pháp nào có thể đắc" vậy.XXII. VÔ PHÁP KHẢ ĐẮC
Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn: "Thế Tôn! Phật đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, vi vô sở đắc da?"

Phật ngôn: "Như thị! Như thị! Tu Bồ Đề! Ngã ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, nãi chí vô hữu thiểu pháp khả đắc, thị danh A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

    Dịch nghĩa:

    KHÔNG PHÁP CÓ THỂ ĐƯỢC
Thiện Hiện bạch Phật:
Bạch đức Thế Tôn
Phật đắc vô thượng
Chánh đẳng chánh giác
Là chẳng đắc gì
Có phải vậy không?

    Phật dạy Thiện Hiện
    Như vậy! Như vậy!
    Này thầy Thiện Hiện
    Quả vị vô thượng
    Chánh đẳng chánh giác
    Mà ta chứng đắc
    Nhẫn đến chẳng có
    Chút pháp đẻ đắc
    Mời được gọi là
    Đắc quả vô thượng
    Chánh đẳng chánh giác.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Vô sở đắc: Không có sở đắc, tức chánh quán về trung đạo đệ nhất (nghĩa chân thật số một), nên vô sở đắc. Vì vậy cho nên, nếu có sở đắc tức là đắc vọng vậy.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Ở đoạn trước Phật dạy là không có người nói pháp, cũng không có pháp gì được nói ra, nên đại chúng sinh nghi là Phật có đắc đạothành Phật không? Hiểu được chỗ hoài nghi của đại chúng, nên thầy Thiện Hiện thưa:

"Phật được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác là không có sở đắc, có phải vậy không?"

Phật dạy: "Đúng vậy! Đúng vậy! Quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác mà ta chứng được, nhẫn đến chẳng có chút pháp có thể được".

Vì sao như vậy? Vì ở nơi tâm thể thường nhiên bất sinh bất diệt, nên chẳng thọ may trần. Vì chẳng thọ mảy trần, nên tuyệt ngôn tuyệt lự. Vì tuyệt ngôn tuyệt lự, nên không có pháp được nói ra. Vì không có pháp được nói ra, nên năng thuyết và sở thuyết không, mà tạm gọi là đắc vậy.

Nếu như có chỗ đắc, và có pháp được nói ra, tức rơi vào đối đãi của hai bên, thuộc giả lập của tâm thức, thuộc cảnh giới của vọng tưởng huyễn hư, chứ không phải ở nơi tâm thể thường nhiên, ở nơi thật tại.

Bởi ở nơi tâm thể thường nhiên, nên không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả; tức nhị chấp được đoạn tận (nhị chấp vĩnh đoạn). Do xả sách chấp ngã, chấp pháp, nên vị Bồ tát "Tịnh Tâm hành thiện" vậy.
XXIII. TỊNH TÂM HÀNH THIỆN
Phục thứ, Tu Bồ Đề! Thị pháp bình đẳng vô hữu cao hạ, thị danh A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Dĩ vô ngã, vô nhơn, vô chúng sinh, vô thọ giả. Tu nhứt thiết thiện pháp, tức đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Tu Bồ Đề! Sở ngôn thiện pháp giả. Như Lai thuyết tức phi thiện pháp, thị danh thiện pháp.

    Dịch nghĩa:

    TỊNH TÂM HÀNH THIỆN
Lại nữa Thiện Hiện
Pháp ấy bình đẳng
Không cao không thấp
Nên gọi vô thượng
Chánh đẳng chánh giác.
Nếu đem cái tâm
Không ngã, không nhân,
Cũng không chúng sinh
Và không thọ giả
Ra để thực hành
Hết thảy pháp lành
Tức đắc vô thượng
Chánh đẳng chánh giác.

    Này thầy Thiện Hiện
    Như Lai nói rằng
    Thiện pháp ấy là
    Chẳng phải thiện pháp
    Mà tạm gọi là
    Thiện pháp vậy thôi.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Thị pháp bình đẳng vô hữu cao hạ (vô thượng): Có bốn nghĩa:

    1. Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp, không tăng không giảm, nên gọi vô thượng.
    2. Pháp ấy thanh tịnh tuyệt đãi, nên gọi vô thượng.
    3. Pháp ấy lìa hẳn bốn tướng: ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, nên gọi vô thượng.
    4. Pháp ấy xã sạch chấp ngã, chấp pháp, nên gọi vô thượng.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn trước đức Phật dạy là không một pháp có thể đắc, nhưng sợ đại chúng hiểu lầmkiến lập ngoan không, nên đoạn này Phật dạy: "Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp, nên gọi vô thượng chánh đẳng chánh giác".

Thế nào là vô thượng? Bởi pháp thân thanh tịnh tuyệt đãi nên không có cao thấp, không có tăng giảm, không có cấu tịnh. Xa lìa bốn tương nhân, ngã, chúng sinh, thọ giả, nên không kiến lập ngã và pháp. Bởi ngã, pháp đều không nên tự ngôn ngữ tự dứt bặt (ngôn ngữ đoạn đạo tâm hành xứ diệt) nên không bị danh sắc không chế, tức "Sinh đã tận, lậu đã tận, những việc nên làm đã làm, từ nay không còn trở lại trạng thái sinh tử nữa".

Thông đạt ngã pháp đều không, nên nhị biên chẳng sanh. Bởi nhị biên đều dứt nên gọi vô thượng, cũng gọi là pháp thân thanh tịnh. Bởi sống với pháp thân thanh tịnh, nên tâm diệu dụng vô cùng tận. Vì vậy cho nên Phật dạy: "Đem tâm không ta, không người, không chúng sinh, không thọ giảthực hành các thiện pháp, tức đắc đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác".

Bên trong tâm không sở đắc (bất thọ nhất trần), bên ngoài thì hằng thuận chúng duyên (vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp), tức tánh cùng tướng hợp (tánh dữ tướng hợp), mới khế hợp với trí tuệ Bát nhã, với tầm nhìn "Pháp giới thông hóa" vậy. Vì vậy cho nên, trong những phước đức thì "Phước trí không gì so sánh được".


XXIV. PHÚC TRÍ VÔ TỈ
- Tu Bồ Đề! Nhược tam thiên đại thiên thế giới, trung sở hữu chư Tu Di sơn vương, như thị đẳng thất bảo tụ, hữu nhân trì dụng bố thí. Nhược nhân dĩ thử Bát Nhã Ba La Mật kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng, thọ trì đọc tụng, vị tha nhân thuyết, ư tiền phúc đức bách phần bất cập nhất, bách thiên vạn ức phần, nãi chí toán số thí dụ sở bất năng cập.

    Dịch nghĩa:

    PHƯỚC TRÍ KHÔNG GÌ SÁNH ĐƯỢC
Này thầy Thiện Hiện
Nếu có người đem
Bảy món quí báu
Số nhiều bằng những
Núi chúa Tu Di
Ở trong ba nghìn
Đại thiên thế giới
Dùng để bố thí.
Và lại có người
Thọ trì đọc tụng
Kinh Bát nhã này
Nhẫn đến chỉ một
Bài kệ bốn câu
Rồi nói cho người
Thì phước bố thí
Của người ở trước
Chẳng bằng một phần
Trăm ngàn muôn ức
Cho đến dùng toán
Với những hằng số
So sánh thí dụ
Cũng không thể bằng.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
    Phúc trí vô tỷ: Phước đứctrí tuệ không gì so sánh được.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn trước đức Phật dạy: "Nên đem cái tâm không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giảthực hành hết thảy thiện pháp, tức đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề".

Đến đoạn này lần nữa, đức Phật so sánh phước đức hữu vi với phước đức trí tuệ, thì phước đức trí tuệ không gì so sánh được. Vì sao như vậy? Vì phước đức do sự bố thí thuộc hữu vi, cho dù đem đồ bảy báu ra để bố thí đầy khắp ba nghìn đại thiên thế giới đi nữa cũng chỉ nằm trong hữu hạn. Còn phước đức trí huệ, tức thọ trì kinh Bát nhã Ba la mật đa thì không thể nghĩ bàn. Bởi thọ trì kinh này chính là lìa bỏ mọi chấp thủ, nên pháp sở thuyết không. Bởi năng thuyết, sở thuyết không nên đưa đến quả vô lậuvô thượng chánh đẳng chánh giác. Nhân vô lậu chính là xả lý chấp ngãchấp pháp, cho nên không thể lấy gì để so sánh thí dụ được. Vì vậy cho nên, đức Phật dạy chỉ thọ trì bài kệ bốn câu, rồi nói cho người khác thì phước trí này vượt thắng tất cả. Thọ trì bài kệ bốn câu nghĩa là xả ly bốn tướng: nhân, ngã, chúng sinh, thọ giảthành đạt: Tâm quảng đại, tâm đệ nhất, tâm bình thường và tâm không điên đảo, rồi giảng nói cho người, tức thực hiện "Tự tha lưỡng lợi" thì phước trí vô biên.

Thọ trì kinh, hay bài kệ bốn câu chính là xả sách chấp ngãchấp pháp, nên năng quán và sở quán không, mới thấu rõ rằng: "Hóa vô sở hóa".

XXV. HÓA VÔ SỞ HÓA
- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Nhữ đẳng vật vị Như Lai tác thị niệm: Ngã đương độ chúng sinh. Tu Bồ Đề! Mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Thiệt vô hữu chúng sinh Như Lai độ giả. Nhược hữu chúng sinh Như Lai độ giả, Như Lai tức hữu ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Tu Bồ Đề! Như Lai thuyết hữu ngã giả, tức phi hữu ngã, nhi phàm phu chi nhân dĩ vi hữu ngã. Tu Bồ Đề! Phàm phu giả, Như Lai thuyết tức phi phàm phu, thị danh phàm phu.

    Dịch nghĩa:

    HÓA ĐỘ MÀ KHÔNG CÓ SỞ HÓA
Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy thế nào?
Quí thầy chớ nghĩ
đức Như Lai
Tác ý nói rằng
Ta phải hóa độ
Hết thảy chúng sinh.

    Này thầy Thiện Hiện
    Thầy đừng nghĩ vậy
    Vì sao đừng nghĩ?
    Thật không chúng sinh
    Được Như Lai độ
    Nếu có chúng sinh
    Được Như Lai độ
    Hóa ra Như Lai
    Mắc vào bốn tướng:
    Nhân, ngã, chúng sinh,
    Và tướng thọ giả.
Này thầy Thiện Hiện
Như Lai nói ngã
Tức chẳng có ngã
Mà người phàm phu
Cho rằng có ngã.

    Này thầy Thiện Hiện
    Người phàm phu ấy
    Như Lai nói là
    Chẳng phải phàm phu
    Mà tạm gọi là
    Phàm phu vậy thôi.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Hữu ngã: Chấp có cái ngã tồn tại độc lậo, bất di bất dịch.
  2. Phi hữu ngã: Chẳng có cái ngã, mà là những hiện tượng mang lý tính vô ngã, đi từ dạng này đến dạng khác cho đến vô cùng, nên trong thực tế không tìm đâu ra cái gì là ngã bất di bất dịch.
  3. Phàm phu giả Như Lai thuyết phi phàm phu: Phàm phu ấy Như Lai nói chẳng phải là phàm phu, nghĩa là phàm phu chỉ là khái niệm giả lập mà thôi, thật chẳng có phàm phu.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn này đức Phật phá nghi của đại chúng cho rằng, Như Laihóa độ chúng sinh. Như Lai chính là pháp thân bất sinh bất diệt, là cảnh giới chân như tuyệt đãi, nên không một pháp có thể đắc. Chỉ có hóa thânbáo thân Như Lai mới dùng phương tiện độ sinh mà thôi.

Nếu Như Lai còn khởi ý là "Ta phải hóa độ chúng sinh", tức bị dính mắc vào bốn tướng: nhân, ngã, chúng sinh, thọ giả, và vẫn bị tình thức khống chế bởi động cơ trói buộc ban đầu (tức hốt sinh nhất niệm vô minh). Vì vậy cho nên, pháp thân Như Lai không có hóa độ chúng sinh (tức năng độ và sở độ không). Và mỗi khi "năng sở song vong" thì trí Bát nhã mới hiện tiền. Vả lại nếu có năng độ (Như Lai) tức có ngã, và có sở độ (chúng sinh) tức có phàm phu. Nhưng trên thực tế, ngã chỉ là hợp thể của năm ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), chỉ có giả danh chứ không tìm đâu ra thực thể.

Phàm phu cũng chỉ là giả danh, chứ chẳng tìm đâu ra thực thể phàm phu. Như vậy, ngã và ngã sở không, tức "hóa vô sở hóa" bởi chính diệu dụng của tuệ giác thực tại. Vì vậy cho nên sự hóa độ ấy chỉ là danh từ gượng nói mà thôi.

Vì trong cảnh giới chân như, không tìm đâu ra năng độ và sở độ, mà là vô sinh bởi bản thể tịch chiếu. Do bản thể tịch chiếu vắng lặng sáng soi, cho nên con đường của triết học không thể với tới cảnh giới này, mà phải là con đường của tâm học, của đạo học vậy.

Song, dù vô sinh nhưng ứng hóa thân Như Lai vẫn mãi độ sinh không mệt mỏi, nhằm giúp chúng sinh cũng đạt đến vô sinh, mỗi khi nhân ra "Pháp thân phi tướng".XXVI. PHÁP THÂN PHI TƯỚNG
- Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Khả dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai phủ?"

Tu Bồ Đề ngôn: "Như thị! Như thị! Dĩ tam thập nhị tướng quan Như Lai".

Phật ngôn: "Tu Bồ Đề! Nhược dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai giả, Chuyển Luân Thánh Vương tức thị Như Lai!"

Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn: "Thế Tôn! Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, bất ưng dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai".

Nhĩ thời Thế Tôn nhi thuyết kệ ngôn:

    Nhược dĩ sắc kiến ngã,
    âm thanh cầu ngã.
    Thị nhơn hành tà đạo.
    Bất năng kiến Như Lai.
    Dịch nghĩa:

    PHÁP THÂN PHI TƯỚNG
Này thầy Thiện Hiện
Ý thầy nghĩ sao?
Có thể nương vào
Ba mươi hai tướng
Quán Như Lai chăng?

    Thầy Thiện Hiện thưa:
    Như vậy! Như vậy!
    Lấy ba mươi hai tướng
    Quán đức Như Lai.
Phật bảo Thiện Hiện
Nếu căn cứ vào
Ba mươi hai tướng
Để quán Như Lai
Tức vua Chuyển luân
Cũng Như Lai chăng?

    Thiện Hiện bạch Phật:
    Bạch đức Thế Tôn
    Như con hiểu nghĩa
    Của Thế Tôn dạy
    Là không căn cứ
    Ba mươi hai tướng
    Quán thấy Như Lai.
Bấy giờ Thế Tôn
Liền nói kệ rằng:
"Nếu lấy sắc thấy ta
Lấy âm thanh cầu ta
Người ấy hành đạo
Chẳng thấy được Như Lai".

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
    1. Bàn chân phải bằng phẳng vững chãi.
    2. Chỉ dưới bàn chân có xoáy tròn như hình bánh xe có ngàn nan hoa.
    3. Ngón tay thon dài.
    4. Chân tay mền dịu.
    5. Trong kẽ tay, kẽ chân có da mỏng như giăng lưới.
    6. Gót chân đầy đặn.
    7. Mu bàn chân nổi cao đầy đặn
    8. Bắp chân như tướng lộc vương.
    9. Tay dài quá đầu gối.
    10. Năm căn ẩn kín.
    11. Thân mình cao lớn cân đối.
    12. Những lỗ chân lông toát ra màu xanh.
    13. Những lông trên mình uốn lên về bên phải.
    14. Thân thể sáng chói như vàng thắm.
    15. Quanh mình thường có hào quang chiếu ra một trượng.
    16. Da mỏng và mịn.
    17. Lòng bàn chân, bàn tay, hai vai và trên đỉnh đầu đều đầy đặn.
    18. Hai nách đầy đặn.
    19. Thân như sư tử.
    20. Thân thể vuông vức ngay ngắn.
    21. Hai vai tròn trịa cân phân.
    22. Bốn mươi cái răng.
    23. Rawng trắng trong đều nhau và khít.
    24. Bốn cái răng cửa trắng trong và lớn nhất.
    25. Hai bên má cao đầy đặn như sư tử.
    26. Nước bọt trong miệng thơm.
    27. Lưỡi rộng và dài.
    28. Giọng nói âm vang như giọng đức Phạm Thiên.
    29. Mắt xanh biếc.
    30. Lông mi như ngưu vương.
    31. Có chòm lông trắng thường chiếu sáng giữa hai lông mày.
    32. Trên đỉnh đầu có cục thịt nổi cao như hình búi tóc.
  • Tam thập nhị tướng:: Gọi đủ là tam thập đại tướng đại nhân, ba mươi hai tướng tốt của đấng đại nhân. Tướng này không riêng gì Phật có mà tướng chung của đại nhân. Người tại gia có tướng này thì gọi là bậc đại Chuyển Luân thánh vương, bậc xuất gia thì gọi là đấng Giác ngộ vô thượng.

    Ba mươi hai tướng là:

    Vua Chuyển Luân vương cũng có ba mươi hai tướng như Phật.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Ở đoạn này đức Phật dạy thân phi tướng. Vì vậy cho nên, không thể căn cứ vào ba mươi hai tướng tốt ở nơi sắc thân mà quán thấy Như Lai. Vì sao như vậy? Vì Chuyển Luân thánh vương cũng có ba mươi hai tướng tốt, nhưng không phải là Như Lai, vì chưa thành tựu quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Vậy muốn thành tựu quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác thì phải nương vào giới, định, tuệ (Tam vô lậu học), bởi con đường đạo học. Vì pháp thân Như Lai là thân "trí tướng" nên phải tức thời xa lìa tự tâm hiện lượng, xa lìa mọi cặp phạm trù đối đãi của hai bên, mới chứng được pháp thân phi tướng.

Thứ nữa, thân sắc tướng thuộc pháp hữu vi sinh diệt. Còn pháp thân Như Lai thì thuộc về bản trụ bản hữu, chủ bạn cụ túc, chủ bạn bất nhị.

Đức Di Lặc nói:

    "So sánh thân sắc tướng
    Không thể biết được Phật
    Pháp thân mới là Phật
    Vua chuyển luân khác Phật
    Quả báo và tướng tốt
    Nhờ phước đức tạo thành
    Chân pháp thân phi tướng
    Chỉ thấy sắc, nghe tiếng
    Người ấy chẳng hiểu Phật
    chân như pháp thân
    Thức tâm không với tới".
Vậy muốn quán Như Lai thì phải quán thế nào? Phải quán tánh pháp giới, nhưng tánh pháp giới không phải là thứ mà mắt có thể thấy, ý có thể suy, tâm có thể lãnh hội được. Bởi tánh ấy xưa nay không tướng mạo, nó lìa hết thảy mọi thứ nắm bắt của tình thức huyễn hư.

Vì vậy cho nên đức Phật dạy:

    "Nếu lấy sắc thấy ta
    Lấy âm thanh cầu ta
    Người ấy hành đạo
    Chẳng thấy được Như Lai".
Bởi Như Lai chính là pháp thân phi tướng, mà vô tướng ở đây không đồng nghĩa với đoạn diệt.XXVII. VÔ ĐOẠN VÔ DIỆT
- Tu Bồ Đề! Nhữ nhược tác thị niệm, Như Lai bất dĩ cũ túc tướng cố, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Tu Bồ Đề! Mạc tác thị niệm. Như Lai bất dĩ cụ túc tướng cố, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

- Tu Bồ Đề! Nhữ nhược tác thị niệm: Phát A Nậu Đa La Tâm Miệu Tam Bồ Đề tâm giả, thuyết chư pháp đoạn diệt tướng. Mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm giả; ư pháp bất thuyết đoạn diệt tướng.

    Dịch nghĩa:

    KHÔNG RƠI VÀO ĐOẠN DIỆT
Này thầy Thiện Hiện
Nếu thầy nghĩ rằng
Như Lai chẳng do
Thân tướng đầy đủ
Mà đắc vô thượng
Chánh đẳng chánh giác.

    Này thầy Thiện Hiện
    Thầy đừng nghĩ rằng
    Như Lai chẳng do
    Thân tướng đầy đủ
    Mà đắc vô thượng
    Chánh đẳng chánh giác.
Này thầy Thiện Hiện
Nếu thầy nghĩ rằng
Những người phát tâm
Thú hướng vô thượng
Chánh đẳng chánh giác
Là nói những pháp
Rơi vào đoạn diệt
Đừng nên nghĩ vậy
Vì sao đừng nghĩ?
Vì người pháp tâm
Cầu đạo vô thượng
Chánh đẳng chánh giác
Ở nơi pháp ấy
Chẳng bao giờ nói
Đến tướng đoạn diệt.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
    Đoạn diệt tướng: Tướng đoạn diệt, tướng chấp đoạn, hoặc rơi vào vô ký.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Ở đoạn XXIII, đức Phật dạy: "Tịnh tâm hành thiện" nghĩa là "Lý cùng tướng hợp". Đến đoạn XXVI, đức Phật dạy "Pháp thân phi tướng", nhưng sợ đại chúng lầm chấp và tướng đoạn diệt, nên đoạn này đức Phật phá nghi là: "Người phát tâm cầu đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, ở nơi pháp ấy chẳng bao giờ nói tướng đoạn diệt" . Vì sao không nói tướng đoạn diệt?

Vì "Lý cùng tướng hợp" mới gọi là đắc đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức thủy giác trở lại với bản giác; thủy bản bất nhị mà tạm gọi là đắc đạo vậy thôi.

Bởi vậy cho nên Phật dạy: "Do không còn chấp trước vào nhân, ngã, chúng sinh, thọ giảthực hành hết thảy pháp lành, tức được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác".

Vả lại, người tu tạo phước đức hữu lậu thì mới có quả báo thân tướng tốt đẹp thuộc về hữu vi mà thôi (sắc thân cụ túc), chứ không thể đắc đạo quả vô thượng Bồ đề. Bởi đạo vô thượng Bồ đề là phải từ nhân vô lậu giới, định, tuệ mà ra.

Ngược lại, khi được trí giác vô thượng thì cũng thành tựu "Phước trí nghiêm thân". Và mặc dù phước trí nghiêm thân nhưng không rơi vào tham đắm phước trí, nên không rơi vào biên kiến: đoạn thường v.v... Bởi không rơi vào đoạn thường, nên gọi là "Bất thọ bất tham".
XXVIII. BẤT THỌ BẤT KHAM
- Tu Bồ Đề! Nhược Bồ Tát dĩ mãn Hằng hà sa đẳng thế giới thất bảo trì dụng bố thí. Nhược phục hữu nhơn, tri nhất thiết pháp vô ngã, đắc thành ư nhẫn. Thử Bồ Tát thắng tiền Bồ Tát, sở đắc phước đức. Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề! Dĩ chư Bồ Tát bất thọ phúc đức cố.

Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn: "Thế Tôn! Vân hà Bồ Tát, bất thọ phúc đức?"

- Tu Bồ Đề! Bồ Tát sở tác phúc đức, bất ưng tham trước, thị cố thuyết bất thọ phúc đức.

    Dịch nghĩa:

    KHÔNG THỌ KHÔNG THAM
Này thầy Thiện Hiện
Nếu có Bồ tát
Đem đồ bảy báu
Đầy khắp thế giới
Như cát sông Hằng
Dùng để bố thí.
Với lại có người
Biết hết thảy pháp
Đều là vô ngã
Thành tựu pháp nhẫn
Thì Bồ tát này
Phước đức hơn hẳn
Vị Bồ tát kia
Vì sao như vậy?
Này thầy Thiện Hiện
Vì chư Bồ tát
Chẳng nhận phước đức.

    Thiện Hiện bạch Phật:
    Bạch đức Thế Tôn
    Sao nói Bồ tát
    Chẳng nhận phước đức?
Này thầy Thiện Hiện
Các vị Bồ tát
Tu tạo phước đức
Chẳng nên tham trước
Cho nên nói rằng
Chẳng nhận phước đức.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Nhất thiết pháp vô ngã: Hết thảy mọi pháp đều là vô ngã, tức không có cái ngã tồn tại độc lập, mà chỉ là hợp thể nên không có tự tánh, bởi không tự tánh nên không thể xác quyết là gì, cũng không thể phủ nhận không gì.
  2. Đắc thành ư nhẫn (Pháp nhẫn): Là thấu suốt lý vô sinh, nên cũng gọi là vô sinh pháp nhẫn.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Phật dạy rằng, muốn thành tựu đạo quả vô thượng Bồ đề thì phải thực hiện "Phước trí nghiêm thân", nghĩa là "Lý tướng cùng hợp". Nhưng sợ đại chúng bị kẹt vào tham đắm phước đức, nên đoạn này Phật dạy: "Hết thảy pháp vô ngã".

Thế nào là vô ngã? Vô ngã nghĩa là không có bản ngã tồn tại độc lập, mà là nương vào nhau mà hiển khởi theo nguyên lý: "cái này có mặt vì những cái kia có mặt". Vì vậy cho nên, mọi hiện tượng chỉ là hợp thể mang lý tính vô ngã nên không có tự tính; vì không có tự tính nên không cố định (vô thường). Vì vô ngã, vô thường nên nó đi từ dạng này sang dạng khác cho đến vô cùng.

Vô ngã là nhìn về mặt không gian, và vô thường là nhìn về mặt thời gian. Vạn pháp vô thường, vô ngã theo hai chiều tăng giảm và theo bốn giai đoạn: thành, trụ, hoại, không trong dòng sinh diệt biến dị vô tận. Vì vậy cho nên không thể khẳng định là gì, cũng không thể phủ định không gì. Bởi rời khỏi hai phạm trừ: khẳng định và phủ định, nên tâm không kiến lập ngã, pháp. Do tâm không kiến lập ngã, pháp, nên thành tựu pháp nhẫn. Vì thành tựu pháp nhẫn, nên bố thí mà không thọ nhận phước đức. Bởi không thọ nhân phước đức nên không khởi lòng tham. Vì không khởi lòng tham chấp trước, nên tâm được tự tại vô ngại, mới khế hợp với tuệ giác thực tại.

Ngược lại, nếu Bồ tát đem đồ bảy báu đầy đủ khắp thế giới rộng lớn với số lượng như số cát sông Hằng ra để bố thí đi nữa, mà tâm không sống đúng với trí tuệ Bát nhã, thì không bao giờ thành tựu pháp nhẫn. Không thành tựu pháp nhẫn thì không thể ra khỏi luân hồi sanh tử khổ đau. Vì vậy cho nên, sở hành của Bồ tát là "Oai nghi tịch tịnh" vậy.XXIX. UY NGHI TỊCH TĨNH
- Tu Bồ Đề! Nhược hữu nhân ngôn: "Như Lai, nhược lai, nhược khứ, nhược tọa, nhược ngọa, thị nhân bất giải ngã sở thuyết nghĩa. Hà dĩ cố? Như Lai giả, vô sở tùng lai diệc, vô sở khứ, cố danh Như Lai.

    Dịch nghĩa:

    OAI NGHI TỊCH TỊNH
Này thầy Thiện Hiện
Nếu có người nói
Như Lai có tướng
Đến, đi, nằm, ngồi
Thì chính người ấy
Chẳng hiểu được nghĩa
Mà ta giảng nói.
Vì sao chẳng hiểu?
Như Lai
Chẳng từ đâu đến
Cũng chẳng đi về đâu
Nên gọi Như Lai.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
    Đức Phật có đủ ba thân là: Hóa thân, Báo thânPháp thân. Ở đây đức Phật nói về Pháp thân Như Lai.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn này đức Phật nói về pháp thân Như Lai. Một vị Phật thì có đủ ba thân là: Hóa thân, Báo thânPháp thân. Riêng pháp thân thì phi tướng, nên "không thể dùng lời nói để luận bàn, không thể dùng danh từ để diễn tả, không thể dùng tâm duyên để nhận chân".

Vì vậy cho nên, pháp thân Như Lai không có tướng đến, đi, nằm, ngồi. "Như Lai là không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu". Bởi Như Lai chính là nghĩa Như của các pháp (chư pháp như nghĩa).

Vả lại, Niết Bàn không có trụ xứ, nên đến được cảnh ấy gọi là đi thật chẳng có tướng đi. Thoát khỏi dòng sinh tử gọi là lại, thật chẳng có tướng lại. Vì những lẽ ấy, cho nên đức Phật không khởi vọng tâm trụ ở Niết Bàn, cũng không khởi vọng tâm giải trừ sinh tử, bởi cả hai tướng ấy đều là tướng sinh diệt. Hiểu được lẽ này nên Cổ đức cũng dạy:

    "Khởi trừ phiền não càng thêm bệnh
    Thú hướng chơn như cũng là tà
    Hằng thuận chúng duyên vô quái ngại
    Niết bàn sinh tử thảy không hoa".
Và mặc dù Phật không khởi vọng tâm trị Niết bàn, không khởi vọng tâm giải trừ sinh tử, nhưng Phật luôn ở trong Niết bàn và cũng không rời sinh tử để hóa độ chúng sinh không mệt mỏi.

Như Lai chính là pháp thân vô tướng, nên phải nhận chân Như Lai ngang qua trí tuệ Bát nhã, mới thấu rõ "Như Lai không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi như Lai".

Hiểu được lẽ này, nên ngài Long Thọ nói: "Hư không vô sở hữu, không tướng mạo, không trụ xứ, nhưng bao hàm sum la vạn tượng trong ấy". Tổ Long Thọ dùng hình ảnh hư không để dụ cho chân tâm vô trụ, bởi vô trụ cho nên rỗng không, không tự ngã. Vì rỗng không, không tự ngã cho nên bao hàm. Vì bao hàm cho nên thời gian, không gian không thể khởi dụng. Vì thời gian, không gian không thể khởi dụng nên không tìm đâu ra khứ lai, nên gọi Như Lai.

Vì vậy cho nên, Như Lai chính là bản lai của tất cả pháp, cùng khắp không gian, cùng khắp thời gian, không sinh, không diệt, không đoạn, không thường, không thật, không giả, nên gọi Niết bàn.

Niết bàn rỗng không không trụ xứ, nên không thể khởi vọng tâm kiến lập Niết bàn. Bởi không khởi tâm kiến lập Niết bàn, nên không gì trói buộc được, gọi là giải pháp. Như Lai chính là giải thoát giác ngộ, nên gọi đức PhậtGiác giả. Vả ở nơi tâm của chúng sinh gọi là Phật tính. Và Phật tính thì vô thủy vô chung, nên gọi là vô sinh. Những ai chứng được pháp này, gọi là đắc vô sinh pháp nhẫn, tức thể nhập với thật tướng Bát nhã Ba la mật đa của mình. Đó cũng chính là "Lý cùng tướng hợp".XXX. NHẤT HIỆP LÝ TƯỚNG
- Tu Bồ Đề! Nhược thiên nam tử, thiện nữ nhân, dĩ tam thiên đại thiên thế giới, toái vi vi trần. Ư ý vân hà? Thị vi trần chúng, ninh vi đa phủ?

Tu Bồ Đề ngôn: "Thậm đa, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Nhược thị vi trần chúng thiệt hữu giả, Phật tức bất thuyết thị vi trần chúng. Sở dĩ giả hà? Phật thuyết vi trần chúng, tức phi vi trần chúng, thị danh vi trần chúng. Thế Tôn! Như Lai sở thuyết tam thiên đại thiên thế giới, tức phi thế giới, thị danh thế giới. Hà dĩ cố? Nhược thế giới thật hữu giả, tức thị nhất hiệp tướng. Như Lai thuyết nhất hiệp tướng, tức phi nhất hiệp tướng, thị danh nhất hiệp tướng".

- Tu Bồ Đề! Nhất hiệp tướng giả, tức thị bất khả thuyết, đản phàm phu chi nhân, tham trước kỳ sự.

    Dịch nghĩa:

    LÝ CÙNG TƯỚNG HỢP
Này thầy Thiện Hiện
Nếu có thiện nam
Cùng người tín nữ
Đem cả ba nghìn
Đại thiên thế giới
Nghiền nát thành bụi
Ý thầy nghĩ sao
Bụi ấy nhiều chăng?

    Thầy Thiện Hiện thưa:
    Bạch Phật thật nhiều
    Vì sao bảo nhiều?
    Vì những bụi ấy
    Nếu có thật thể
    Thì Phật chẳng nói
    Là những hạt bụi.
    Tại sao như vậy?
    Như Lai nói
    Những hạt bụi ấy
    Tức phi hạt bụi
    Mới là hạt bụi.

    Bạch đức Thế Tôn
    Như Lai nói rằng
    Thế giới ba nghìn
    Đại thiên rộng lớn
    Tức phi thế giới
    Mới là thế giới.
    Vì sao như vậy
    nếu thế giới
    Mà có thật thể
    Thì đó chỉ là
    Một tướng giả hợp
    Như Lai nói rằng
    Một hợp tướng ấy
    Tức phi hợp tướng
    Mới là hợp tướng.
Này thầy Thiện Hiện
Một hợp tướng ấy
Thì không thể nói
(Thật là tướng gì)
Chỉ người phàm phu
Tham chấp việc ấy.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Nhất hợp tướng: Một tướng giả hợp, từ tướng cực vị (quark: hạt căn bản điện tử), cho đên tướng thê giới (nghĩa là từ vi mô đến vĩ mô) đều là một tướng giả hợp, mang lý tính vô ngã, nên luôn luôn chuyển biến từ dạng này sang dạng khác cho đến vô cùng (vô thường).
  2. Nhất hợp lý tướng: Lý cùng tướng hợp nhất.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đến đoạn này đức Phật dạy hết thảy mọi pháp đều mang lý tính vô ngã. Từ lớn như đại thiên thế giới, cho đến nhỏ nhiệm nhất như cực vi trần, đều vô ngã. Bởi mang lý tính vô ngã, nên vạn hữu trong hiện tượng giới mới hình thành.

Ngược lại, nếu hạt bụithực thể (cái gì đó chính là cái gì đó), tức có cái ngã bất di bất dịch (hữu ngã), thì mọi hiện tượng vậy lý, tâm lý không thể tương lập, tương thành, tương sinh, tương hoại được. Vì vậy cho nên, trong vũ trụ này không có thứ gì từ cái một mà sinh ta tất cả(1), mà phải gồm nhiều yếu tố (duyên) mới tạo thành. Những thứ gì đã từ nhân duyên sinh, thì cũng bị nhân duyên diệt để chuyển hóa đến vô cùng. Lý tính vô ngã bao hàm vạn hữu, từ hiện tượng vậy lý cho đến hiện tượng tâm lý. Vô ngã là nhìn về mặt không gian của hiện tượng, và vô thường là nhìn về mặt thời gian của hiện tượng.

Hạt bụi không (vô ngã), nên tương thành hạt bụi. Thế giới không, nên tương thành thế giới. Vi mô không, nên ba nghìn đại thiên thế giới không. Bởi vi mô và vĩ mô đều là tướng hợp nhất với lý tính tương lập, tương thành, tương sinh, tương hoại. Nó mãi đi từ dạng này sang dạng khác, cho đến vô cùng bởi lý tính chủng tử sinh hiện hành, rồi hiện hành tạo thành chủng tử, tương tác sinh diệt lẫn nhau cho đến vô cùng.

Vì chuyển từ dạng này sang dạng khác, cho nên không thể khẳng định là gì, cũng không thể phủ định là không. Vì không thể khẳng định cũng không thể phủ định, nên cứu cánh nhị biên đều dứt tuyệt, gọi là
"Lý cùng tướng hợp, chủ bạn bất nhị" bởi "pháp giới thông hóa".

Vì những lẽ trên, nên đức Phật dạy "Phải xa lìa tự tâm hiện lượng"; bởi cái năng hiện của tự tâmtri kiến, nên cái sở hiện của tự tâm là lập tri. Và chính vì "Tri kiến lập tri" nên tâm rơi vào chấp thủ: có không, đoạn thường, thật giả v.v... mà phải "chẳng sinh tri kiến" thì thật tướng Bát nhã mới hiện bày.

GHI CHÚ:

(1) Thượng đế.XXXI. TRI KIẾN BẤT SINH
- Tu Bồ Đề! Nhược nhân ngôn: Phật thuyết ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến. Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Thị nhân giải ngã sở thuyết nghĩa phủ?

- Phất dã, Thế Tôn! Thị nhân bất giải Như Lai sở thuyết nghĩa. Hà dĩ cố? Thế Tôn thuyết ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, tức phi ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, thị danh ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến.

- Tu Bồ Đề! Phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm giả, ư nhất thiết pháp ưng như thị tri, như thị kiến, như thị tín giải, bất sinh pháp tướng. Tu Bồ Đề! Sở ngôn pháp tướng giả, Như Lai thuyết tức phi pháp tướng, thị danh pháp tướng.

    Dịch nghĩa:

    CHẲNG SINH TRI KIẾN
Này thầy Thiện Hiện
Nếu có người nói
Phật nói kiến lập
Ngã, nhân, chúng sinh
Kiến lập thọ giả.
Này thầy Thiện Hiện
Người ấy có hiểu
Nghĩa ta nói chăng?

    Bạch Phật chẳng hiểu
    Người ấy chẳng hiểu
    Nghĩa Như Lai nói
    Vì sao chẳng hiểu?
    Thế Tôn nói
    Ngã kiến, nhân kiến
    Với chúng inh kiến
    thọ giả kiến
    Tức phi kiến lập
    Ngã, nhân, chúng sinh
    Và kiến thọ giả
    Mới là thấy ngã,
    Thấy nhân, chúng sinh
    Và thấy thọ giả.
Này thầy Thiện Hiện
Phát tâm vô thượng
Chánh đẳng chánh giác
Đối với các pháp
Nên biết như vậy
Nên thấy như vậy
Tin hiểu như vậy
Chẳng sinh tướng pháp.

Này thầy Thiện Hiện
Những tướng pháp ấy
Như Lai bảo rằng
Tức phi tướng pháp
Mà tạm gọi là
Tướng pháp vậy thôi.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
  1. Kiến: Sự suy nghĩ, nghiên cứu tìm tòi để hiểu rõ mà chọn lựa, khẳng định sự lý, kể cả ý nghĩa chính đáng và bất chính. Hạng người phàm phu, chưa bước lên thánh đạo, thì bất cứ toan tính mưu kế gì cũng đều là kiến cả. Có bốn loại kiến chấp: Ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến.
  2. Bất sinh pháp tướng: Không sinh tướng pháp, nghĩa là không kiến lập vọng thức lên các pháp.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn này đức Phật dạy: "Nếu người nào nói rằng, Phật nói có ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiếnthọ giả kiến, thì người ấy không hiểu nghĩa Như Lai nói".

Vì sao? Vì kiến lập về ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả là của hàng tiểu căn tiểu trí thuộc về nhị thừa, bởi tầm nhìn hạn hữu. Họ cho rằng tâm duyên vào một cái gì đó mới thành tri kiến, chứ không có loại tri kiến phi kiến, tức tâm vô sở trụ được. Phật bảo người nào nhìn như vậy tức bị "lập tri" trong lúc nhìn, nên bị vọng kiến choáng mất bản tâm thanh tịnh sáng suốt của mình, và bị sở tri đánh lừa nên không thể thấy được ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả (tức không thấy như thật).

Vì vậy cho nên, "Người phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì đối với các nên thấy như thế, nên biết như thế, nên hiểu như thế". Nghĩa là thấy như thật thấy, biết như thật biết, hiểu như thật hiểu, đó là cách an trụ tâm; "không sinh tướng pháp" tức không khởi vọng tâm kiến lập bởi thấy, nghe, hay, biết (kiến văn giác tri), đó là cách hàng phục tâm. Hiểu được như vậy mới nhận ra "Ứng hóa phi chơn".
XXXII. ỨNG HÓA PHI CHÂN
- Tu Bồ Đề! Nhược hữu nhân dĩ mãn vô lượng A tăng kỳ thế giới thất bảo trì dụng bố thí. Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân phát Bồ đề tâm giả, trì ư thử kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng, thọ trì đọc tụng, vị nhân diễn thuyết, kỳ phước thắng bỉ.

Vân hà vị nhân diễn thuyết? Bất thủ ư tướng, như như bất động. Hà dĩ cố?

    Nhứt thiết hữu vi pháp,
    Như mộng, huyễn, bào ảnh.
    Như lộ, diệc như điển,
    Ưng tác như thị quán.
Phật thuyết thị kinh dĩ, Trưởng lão Tu Bồ Đề cập chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, nhất thiết thế gian: Thiên, Nhân, A Tu La... văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỉ, tín thọ phụng hành.

    Dịch nghĩa:

    ỨNG HÓA PHI CHƠN
Này thầy Thiện Hiện
Nếu có người đem
Những đồ bảy báu
Đầy khắp vô lượng
Vô số thế giới
Dùng để bố thí,
Và có thiện nam
Cùng người tín nữ
Phát tâm vô thượng
Chánh đẳng chánh giác
Ở nơi kinh này
Thọ trì đọc tụng
Nhẫn đến chỉ một
Bài kệ bốn câu
Rồi nói cho người
Thì phước người này
Hơn hẳn người trước.

Vậy phải làm sao
Thuyết giảng cho người
Chẳng chấp thủ tướng
Như như bất động
Vì sao như vậy?

    Hết thảy pháp hữu vi
    Như mộng, huyễn, bọt, bóng
    Như sương mù, điện chớp
    Hãy nên quán như vậy.
Phật dạy kinh xong
Trưởng lão Thiện Hiện
Cùng chư Tỳ kheo
Chư Tỳ kheo Ni
Nam, nữ cư sĩ
Hết thảy thế gian
Từ hàng chư Thiên
Hàng A tu la
Và cả nhân loại
Nghe lời Phật dạy
Đều rất hoan hỷ
Tín nhận hành trì.

A. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
    Bất thủ ư tướng: Không chấp thủ nơi tướng, tức tướng của biến kế sở chấp, của vọng thức.
B. TÌM HIỂU NỘI DUNG
Đoạn cuối này đức Phật xác quyết lại một lần nữa rằng: "Công đức thọ trì Kim Cương Bát nhã Ba la mật đa là hơn tất cả". Vì bố thí thuộc pháp hữu vi (vật chất) chỉ giúp người qua khỏi đói nghèp trong hiện kiếp mà thôi, không thể giải trừ động cơ dẫn đến sầu bi khổ ưu não, không thể chấm dứt được chuỗi dài sinh tử luân hồi để giải thoát giác ngộ.

Vả lại, muốn giải thoát giác ngộ thì phải thọ trì kinh này, nhẫn đến chỉ thọ trì bài kệ bốn câu tức xả ly tứ cú, rồi giảng thuyết cho người (tự tha lưỡng lợi) thì phước đức này vượt thắng tất cả. Vì thọ trì kinh Kim Cương tức sống đúng với bản giác sẵn có của mình, nên dòng diệt sinh mới đoạn tận.

Còn:

    Hết thảy pháp hữu vi
    Như mộng, huyễn, bọt, bóng
    Như sương mù, điện chớp
    Hãy nên quán như vậy.
Đức Phật dạy xong, trưởng lão Thiện Hiện cùng với quý thầy Tỳ kheo, quý Thỳ kheo Ni, nam nữ cư sĩ, hết thảy thế gian, từ hàng chư thiên, hàng a tu la và cả nhân loại nghe Phật nói pháp đều rất hoan hỷ, tin nhận hành trì.

Lược giải kinh Kim Cương hết.

Thành kính đốt nén hương lòng đảnh lễ Pháp Bảo cùng chư Phật thường trụ khắp mười phương.
Thành kính niệm ân giáo dưỡng của Hòa thượng bổn sư, Hòa thượng y chỉ, chư vị giáo thọ, chư thiện tri thức.
Nguyện hồi hướng công đức dịch giải pháp bảo này cũng khắp pháp giới chúng sinh đều được lợi lạc.

Chùa Phước Viên
Thành Phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai, Việt Nam
19 giờ 50 phút
Ngày 29 tháng 03 năm Kỷ Mão
(14-05-1999)
Tỳ kheo Thích Minh Điền






Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/06/2010(Xem: 57727)
09/06/2010(Xem: 32768)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.