1. Luật Là Gì? Giới Luật Là Gì?

16/10/201012:00 SA(Xem: 25084)
1. Luật Là Gì? Giới Luật Là Gì?

THƯỢNG ĐẾ, THIÊN NHIÊN, NGƯỜI, TÔI & TA
Cao Huy Thuần
Trung tâm văn hóa Khuông Việt xuất bản, 1999 
Nhà xuất bản TP Hồ Chi Minh, 2000

BÀI THỨ NHẤT

LUẬT LÀ GÌ?
GIỚI LUẬT LÀ GÌ?

LUẬT LÀ GÌ?

Tưởng là dễ. Thật ra rất khó định nghĩa luật. Khó đến nỗi chẳng ai định nghĩa được. Hiện tượng luật bàng bạc khắp trong mọi hiện tượng xã hội; làm sao chiết ra được từ những hiện tượng xã hội một thứ hiện tượng gọi là hiện tượng luật? Lấy tiêu chuẩn gì mà chiết? Lấy tiêu chuẩn gì mà gọi đó là hiện tượng luật? 

Khó khăn lại còn lớn hơn nữa, vì làm sao có một định nghĩa duy nhất về cái gọi là luật từ xưa cho đến nay, từ vùng văn hóa này qua vùng văn hóa khác, Trung Hoa, Ả Rập, La Mã, mỗi vùng có một quan niệm khác nhau về luật?

Chịu! Không ai định nghĩa được. Cho nên đành phải chấp nhận một định nghĩa tương đối. Mở sách giáo khoa về luật ra, sách nào cũng nói: luật là những nguyên tắc, những quy phạm (normes) về hành động xã hội. Nhưng sách nào cũng cảnh cáo liền: đó chỉ là một định nghĩa tạm bợ, một bước khởi hành để tiếp tục suy nghĩ. Và nói ngay: "nguyên tắc" ở đây có thể là những điều luật, chiếu chỉ, hoặc cách xử sự, phong tục, tục lệ, hoặc quyết định của tòa án, của trọng tài.

Điều luật: chuyện này dễ hiểu trong các nước có truyền thống luật thành văn. Ở ta, ngày xưa đã có những bộ luật: luật Hồng Đức, luật Gia Long. Quyết định của tòa án: chuyện này hơi khó hiểu hơn một chút vì hơi xa với những "nguyên tắc". Nhưng đó cũng là luật vì hai lẽ chính: một là luật ở các nước common law như Mỹ chẳng hạn chủ yếu là luật bắt nguồn từ những bản án; hai là có những ngành luật như luật hành chánh của Pháp là thứ luật tạo dần dần từ những bản án, một thứ luật án lệ.

Nhưng cái này mới khó: phong tục, tục lệ, cách xử sự. Luật gồm những nguyên tắc hành động, nhưng trong xã hội có những nguyên tắc hành động khác mà không phải là luật. Làm sao phân biệt những nguyên tắc có tính luật với những nguyên tắc khác? Đâu là nguyên tắc luật, đâu là nguyên tắc phong tục? Đâu là nguyên tắc luật, đâu là nguyên tắc luân lý? Đâu là nguyên tắc luật, đâu là nguyên tắc tôn giáo? Cho nên, chuyện trước tiên là phải là phân biệt luật với phong tục, luân lý, tôn giáo. Đâu có dễ! Sự phân biệt này đến rất muộn trong các nền văn minh. Tất cả lẫn lộn với nhau trong các luật cổ. Luật cổ Trung Hoa chẳng hạn là một ví dụ gần gũi chúng ta . Với phong tục, hiện tượng luật có lẽ dễ phân biệt nhất, nhưng cũng đã khó rồi. Với luân lýtôn giáo, nhiều khi không phân biệt nổi. Vậy, bắt đầu với cái dễ trước. 

I - LUẬT VÀ PHONG TỤC.

So sánh với luân lý, phong tục ở cấp dưới. Đây là những nguyên tắc hành động theo thói quen, không bao hàm những phán đoán giá trị, cũng không lôi kéo theo những cắn rứt, những nhức nhối lương tâm trong trường hợp vi phạm. "Yêu nhau cởi áo cho nhau" là một câu hát tình tứ thôi, nhưng đeo nhẫn cho nhau thì đã đi vào tập tục của chàng và nàng. Vậy đeo nhẫn là một phong tục? Ở Âu Châu, người ta kín đáo liếc mắt nhìn nhanh nơi ngón tay xem nó có óng ánh vàng hay không, để gọi người nói chuyện với mình là "bà" hay "cô". Khổ thay, đợt sóng mới bây giờ ăn ở với nhau mà chẳng cần trang điểm gì cho ngón tay thứ tư mỹ miều nơi bàn tay trái cả.

Một số nhà xã hội học ở Mỹ đào sâu khái niệm phong tục, phân tích cấp bậc giữa folkways và mores, đưa đến sự phân biệt cao thấp giữa:

- law (luật)
- mores (phong tục nghĩa hẹp)
- folkways (cách sống của một dân tộc)

Folkways là những lề thói thông thường, không quan trọng, ta làm hằng ngày. Ví dụ: cách ăn mặc. Ở Huế ngày trước, mới đây thôi, các chị bán chè bán cháo gánh hàng với chiếc áo dài, cực mấy cũng vậy, nóng mấy cũng vậy. Ví dụ nữa: cách chào. Ở Âu Châu hôn nhau chút chút như kiến gặp nhau, ở Miến Điện thì chắp tay trang nhã, ở ta... thì thế nào nhỉ? Ví dụ thêm: cách ăn uống. Ở ta có cái thói (và cái thú) nhậu lai rai mà Âu Mỹ không có, nhậu và ăn hàng bất kể giờ giấc. Nhậu đó rất khác với tập tục khai vị (apéritif) của Âu Châu. Ở Âu Châu, món súp dọn trước; ăn tiệc cưới tiệm Tàu, món cháo dọn sau cũng hấp dẫn quá! Nói tóm, đó là thói quen, nhưng không phải là riêng của một cá nhân hay gia đình nào, mà là của một dân tộc hoặc ít ra của một tầng lớp xã hội.

Mores khó phân tích hơn. Ở Mỹ trước đây có thói buộc anh chàng sở khanh phải chữa lỗi bằng cách cưới cô gái trót mang thai với anh ta. Thói này có thể đã là luật trong thời đại trước (Thánh kinh Do Thái, Exode 22:16). Nhưng ngay trong xã hội hiện tại, vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng của nguyên tắc đó như một nguyên tắc đáng làm, phải chăng, hợp tình hợp lý.

Khác nhau giữa mores và folkways là hậu quả của vi phạm. Vi phạm mores thì làm thiệt hại quyền lợi kẻ khác: người con gái bị quyến rũ, đứa bé trong thai. Vi phạm folkways thì chẳng gây thiệt hại cho ai cả. Đó là nói thế, chứ xét cho kỹ, không đơn giản lắm đâu. Ví dụ: những nguyên tắc về lễ phép mà các tác giả Mỹ thường liệt vào folkways. Lễ phép cũng có thể được xem như một sự chú ý đến quyền lợi kẻ khác. Nhường chỗ cho phụ nữ trên xe buýt chẳng hạn. Hoặc mở cửa cho phụ nữ, hào hiệp đi sau, "em đi chàng theo sau", như trong bài thơ Đi chơi chùa Hương. Mấy ai làm đuôi mua hàng mà nhường chỗ cho phụ nữ nhỉ? Nói cho vui như thế để hiểu sự phân biệt của các ông triết gia, phân biệt giữa hình thức và nội dung trong cử chỉ lễ phép. Cách chào chẳng hạn là hình thức, khác nhau tùy dân tộc, đẳng cấp, thế hệ. Nội dung là ý niệm về tính cách ràng buộc, bổn phận. Ai phải lấy sáng kiến chào ai trước? Người kia chào tôi như vậy, tôi có bổn phận đáp lễ lại không? hay tỉnh bơ? Đây là những chuyện rất tinh tế trong tương quan xã hội mà khoa tâm lý xã hội học nghiên cứu

Vậy thì xã giao, lịch sự, danh dự v.v... có ràng buộc không? Câu trả lời thường là không. Cho nên phong tục khác luật. Giống như những nguyên tắc luật, những nguyên tắc ngoại pháp lý này có mục đích áp đặt những thái độ bên ngoài để đưa đến một trật tự trong quan hệ giữa người và người. Nhưng trật tự đó phần nhiều không liên hệ đến toàn thể xã hội, mà chỉ liên hệ đến nhóm này nhóm kia, tầng lớp này tầng lớp nọ trong xã hội. Còn khác với luật nữa là sự vi phạm những nguyên tắc của phong tục, vì không gây thiệt hạiđáng kể, nên không bị truy tố trước tòa án, trừ trường hợp vi phạm trầm trọng. Ví dụ: vô phép biến thành nhục mạ.

Nói như vậy, chứ sự phân biệt không dễ. Xã giao, lịch sự, danh dự... lắm khi cũng ràng buộc. Ở Âu châu, người ta nói: "Thưa quý bà, quý ông", có ai nói ngược đâu! Ở ta, nếu ai nói: "Vợ tôi và tôi", e rằng trong cử tọa có tiếng cười khúc khích. Thế hệ của mẹ tôi không bao giờ tiếp khách nơi bộ xa lông của cha tôi. Hãy xem cách ngồi của mẹ tôi: không bao giờ vắt chân chữ ngũ. Và hãy xem cách người ta khẩn khoản xin ai một đặc ân: chấp tay vái, lạy, quỳ. Không ai buộc phải làm như thế cả. Nhưng ai cũng làm. Lấy danh dự ra mà thề thốt, rồi không làm, chẳng chết chóc gì cả. Nhưng đừng tưởng rằng không có những nguyên tắc danh dự. Tất cả những chuyện đó tưởng như phát xuất từ bản năng mà kỳ thật là đã được quy định một cách thầm kín. Bởi vậy, rất khó phân biệt. Nhưng chính vì vậy mà sự phân biệt luật với phong tục là căn bản trong xã hội học luật. Montesquieu đã làm sự phân biệt đó trong tác phẩm L’Esprit des lois, nhưng Montesquieu chỉ mới dọn đường cho Marx thôi, Marx mới rành mạch: luật phát sinh ra từ tư hữu; trước khi có tư hữu, tất cả chỉ là phong tục.

Trong luật thành văn, sự phân biệt luật và phong tục có vẻ dễ hơn so với luật bất thành văn (hay là luật phong tục: droit coutumier). Nhưng nhất quyết thế này thì người Nhật chẳng hạn không tin. Ở Nhật, bên cạnh những nguyên tắc luật pháp có những nguyên tắc hành động khác không phải là luật pháp mà người ta vẫn tự buộc mình phải theo như thường. Đó là những nguyên tắc Giri. Giri là gì, người Nhật cũng không định nghĩa nỗi, chỉ có thể nói một cách chung chung rằng đó là cách thức phải cư xử đối với người khác tùy theo tình trạng xã hội của mình: con đối với cha, trò đối với thầy, tớ đối với chủ, kẻ chịu ơn đối với người thi ân... Chẳng hạn: chủ hãng phải biết chú ý đến đời sống riêng tư, gia đình của người làm công trong hãng; ngược lại, nếu chủ dọn nhà mà người làm công không biết đến giúp một tay thì thiếu sót Giri. Chẳng hạn: tôi quen hớt tóc ở hiệu anh Xoài; bỗng nhiên có ngày tôi đi hớt tóc ở hiệu anh Mít, thế là tôi áy náy lắm, vì cảm thấy cư xử không đúng với Giri.

Luật gia đình của Nhật thừa nhận hợp đồng hôn nhân. Nhưng nếu anh hôn phu nào đó, trước ngày cưới, đả động với người đẹp đến chuyện tiền bạc trong đời sống tương lai giữa hai người, thì anh ấy bạo gan quá, vì chẳng biết Giri gì cả. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao từ ngày ban hành luật gia đình ở Nhật chẳng mấy ai chọn hợp đồng hôn nhân.

Cái gì buộc người ta phải theo Giri? Danh dự. Sợ mất mặt! Mất mặt quan trọng lắm, nhiều khi còn quan trọng hơn cả mất mạng

Ruth Benedict phân biệt hai loại văn minh: một văn minh xây dựng trên ý niệm hổ thẹn, và một văn minh xây dựng trên ý niệm tội lỗi. Trong văn minh thứ hai, vi phạm một nguyên tắc luân lý bị xem như một tội lỗi. Ý tưởng lỗi đè nặng trên lương tâm người vi phạm. Bởi vậy, người ta cố tránh làm điều xấu để khỏi phải tự trách mình trong thầm kín của lương tâm; còn người khác biết hay không biết điều xấu mình đã làm, chẳng quan trọng gì cả.Trong văn minh hổ thẹn, ngược lại, người ta tránh làm lỗi để khỏi bị người khác chê cười. Bởi vậy, nếu không ai thấy mình làm lỗi, mình sẽ làm lỗi, bởi vì có mất mặt đâu. Điều mà người ta cố tránh là sự chê cười của người khác ngay cả trong những sự việc nhỏ nhặt của cuộc sống. Sự trừng phạt tâm lý đó khiến những nguyên tắc Giri được chấp hành một cách rất nghiêm túc. Khi mà Giri được đưa lên hàng đầu như thế, những nguyên tắc luật pháp xây dựng trên khái niệm luật và nghĩa vụ rất khó thấm vào xã hội

II - LUẬT VÀ LUÂN LÝ

Sự phân biệt rõ hơn, nhưng cũng không phải dễ.

Trước hết, luật và luân lý khác nhau về mục đích. Mục đích của luật là duy trì trật tự xã hội. Mục đích của luân lý là làm tốt bản thân, làm tốt nội tâm. Luân lý nói đến bổn phận. Rộng hơn nữa, nói đến công bằng, Luật cũng có nói đến bổn phận, nhưng ít. Chưa kể có lúc, vì trật tự xã hội, luật quy định trái với luân lý. Ví dụ: người ăn trộm một vật gì đó, có thể trở thành sở hữu chủ sau 30 năm. Trong luật hôn nhân của Pháp (và miền Nam cũ) không thể viện cớ lầm lẫn về nhân cách của chàng hoặc nàng (bằng cấp, gia tài...) để xin hủy bỏ giá thú. Phương châm của luật về chuyện này là: "trong lĩnh vực hôn nhân, tha hồ lừa dối".

Thứ hai, luật và luân lý khác nhau về khen chê. Luật chỉ xét hành động ở bề ngoài, luân lý xen vào bên trong, trong tim. Có lòng tham là xấu, là có tội. Đối với luật thì phải có hành động ăn cắp, ăn trộm mới có tội.

Thứ ba, do đó, cách chế tài, trừng trị, khác nhau. Trừng phạt của luân lý nằm ở bên trong, trong lương tâm; chế tài của luật là việc của cơ quan tài phán. Đối với luật, không ai được vừa là quan tòa, vừa là phạm nhân. Đối với luân lý, mỗi người là quan tòa của chính mình.

Phân biệt như thế xem ra giản dị. Cũng không giản dị đâu! Hai bên xâm nhập lẫn nhau!

Trước hết, nhiều luật bắt nguồn từ luân lý. Ví dụ: cấp dưỡng cha mẹ. Hoặc cấp dưỡng giữa hai vợ chồng ly hôn: ở đây, nguyên tắc công bằng được áp dụng. Trong Platon và từ Platon, giấc mơ luân lý hóa xã hội bằng luật vẫn ám ảnh trong đầu óc của nhiều chính thể.

Thứ hai, về chế tài, nhiều khi luân lý can thiệp rất hiệu nghiệm. Người ta không làm điều này điều nọ vì sợ chê bai, dù chê bai thầm lặng.

Thứ ba, luân lý đi vào luật nghề nghiệp. Ví dụ: rõ rệt nhất là trong ngành y.

Bởi vậy, hai ý kiến tranh luận với nhau từ lâu. Theo ý kiến thứ nhất, phải tách luân lý ra khỏi luật một cách mạch lạc. Theo ý thứ hai, luật phải được luân lý thường xuyên tưới nước như tưới cây. Tôi sẽ trình bày vấn đề này trong bài cuối.

III - LUẬT VÀ TÔN GIÁO

Hai bên liên quan với nhau rất chặt chẽ.

Trước hết, có những luật tôn giáo: luật cổ của La Mã, luật Do Thái, luật Hồi giáo, luật Ấn Độ giáo, luật Giáo hội (Ki-tô), giới luật Phật giáo...

Thứ hai, có những luật đã tách ra khỏi tôn giáo nhưng vẫn mang ảnh hưởng của tôn giáo nặng nề, như luật của Pháp trước Cách mạng 1789, hay ngày nay luật của các nước A Rập, luật của Do Thái. Phân biệt luật và các điều răn cấm của tôn giáo tại các nước này vừa khó vừa giả tạo. Ai cũng biết vài ví dụ: khăn quàng của phụ nữ Hồi giáo, thịt bò đã được làm phép của Do Thái, thịt heo cấm ăn trong Hồi giáo[1]. 

Thứ ba, ngay tại châu Âu, ảnh hưởng của tôn giáo vẫn còn. Tại Anh, báng bổ thần thánh vẫn còn bị phạt tội, tuy sự truy tố đã trở thành vô cùng hiếm hoi. Ngoài ra, ai dám bảo luật hôn nhân, ly dị không chịu ảnh hưởng tôn giáo? Nguyên tắc ưng thuận giữa hai vợ chồng là do đạo Ki-tô đưa vào.

Vậy thì luật và tôn giáo khác nhau chỗ nào? Ở chỗ chế tài. Vi phạm nguyên tắc tôn giáovi phạm mối tương quan giữa một người với Thượng Đế. Vi phạm luật thì Nhà nước trừng trị.

Tôi tóm tắt những điều đã nói ở trên: không ai định nghĩa được luật, cho nên phải tạm bằng lòng với một định nghĩa tương đối, xem luật như là những nguyên tắc hành động xã hội. Khốn thay, xem như là nguyên tắc, thì lại vấp phải nhiều khó khăn trong việc phân biệt với những nguyên tắc khác của phong tục, luân lý, tôn giáo, cũng là những nguyên tắc hành động xã hội

Bởi vậy, từ xưa đến nay, người ta thường nghĩ rằng trên những nguyên tắc đó còn có những ý niệm gì khác để diễn tả đúng hơn đối tượng của luật. Ý niệm gì? Một trong những ý kiến xưa nhất và bền bỉ nhất là công bằng (justice). Trong văn minh Hy Lạp, một thi sĩ hồi thế kỷ thứ 7 trước TL, Hésiode, đã đưa một ý nghĩ vào thần thoại: vị thần tượng trưng cho công lý, công bằng (Dikê) là con của Zeus (chúa tể của các vị thần) và Thémis, nữ thần tượng trưng cho luật. Cứu cánh của luật, như vậy, không phải là trật tự, mà là công bằng. Ý nghĩ này được tất cả các triết gia danh tiếng cổ Hy Lạp thừa nhận, nhất là với Platon và Aristote. Platon cố gắng tưởng tượng ra một nền luật pháp lý tưởng. Aristote thực tế hơn, suy nghĩ về một luật tự nhiên hợp với bản chất tự nhiên của sự vật, một luật tự nhiên có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh của từng xã hội và từng thời gian khác nhau.

Ý nghĩ về công bằng của cổ Hy Lạp ảnh hưởng trên các triết gia cổ La Mã. Họ nói: Không có công bằng, các vương quốc chỉ là lãnh thổ của bọn ăn cướp. Cicéron (thế kỷ 1 tr.TL) kể: Alexandre Đại đế bắt được một tên cướp biển khét tiếng, hỏi: "Tại sao nhà ngươi làm nghề cướp biển?". Trả lời: "Còn nhà vua, tại sao nhà vua làm nghề ăn cướp thế giới? Tôi chỉ có một chiếc tàu, nên người ta gọi tôi là ăn cướp. Nhà vua có cả một chiến thuyền, nên người ta gọi nhà vua là Đại đế". 

Celse, luật gia ở đầu thế kỷ thứ 2 định nghĩa luật như sau: luật là nghệ thuật của điều tốt và điều công bằng (tiếng La tinh: Jus est ars boni et aequi. Tiếng Pháp: le droit est l’art du bon et de l’équitable). Đối tượng của luật được Ulpien (thế kỷ 3) nói rõ: trao cho mỗi người phần thuộc về họ (tiếng La tinh: summ quique tribuera; tiếng Pháp: attribuer à chacun ce qui lui revient).

Tiếng Pháp (cũng như tiếng Anh) có một từ mà tôi không dịch ra tiếng Việt được, bởi vì nó hao hao giống từ justice: đó là từ équité. Équité không hẳn là justice, nhưng tôi khó tìm ra được một từ tương đương trong tiếng Việt, đành phải dùng tạm từ công bằng. Aristote đã khai triển ý niệm équité và để lại ảnh hưởng trên các tác giả La Mã. Ai cũng biết, áp dụng một cách cứng nhắc những nguyên tắc không phải là điều hay, mà cũng chẳng phải là mục đích. Đôi khi điều đó đưa đến những hậu quả bất công. Aristote nói: nếu áp dụng luật mà luật lại phản lại luật, thì phải nhờ đến công bằng (équité). Ý nghĩ đó đi vào châm ngôn của La Mã: công bằng thái quá sẽ trở thành bất công (tiếng La tinh: summum jus summa injuria; tiếng Pháp: une extrême justice est souvent une injure). Áp dụng những nguyên tắc của luật chỉ có ý nghĩa khi nào sự áp dụng đó phục vụ cho ý nghĩ mà ta có về công bằng.

Trong luật hiện tại của Pháp, tòa án có thể xử theo công bằng (équité), nghĩa là không cần để ý đến luật. Cần phân biệt hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là vì thiếu luật (từ La tinh chuyên môn: praeter legem): đây là trường hợp dễ chấp nhận, bởi vì tòa án thiếu luật nên phải xử theo công bằng. Trường hợp thứ hai là gạt luật hiện hữu (contra legem): trường hợp này khó chấp nhận. Ngay cả ở Anh, bởi vì nguyên tắc "equity follows the law" không cho phép thẩm phán thay đổi giải pháp của common law. Riêng các phụ thẩm nhân dân tham dự các phiên tòa đại hình có quyền xử theo lương tâm của mình, không cần cắt nghĩa quyết định. Nghĩa là, trên thực tế, kết tội hoặc tha mà không cần để ý luật.

Nhưng lại có vấn đề định nghĩa khó khăn đặt ra: thế nào là công bằng? Khi nãy đã có định nghĩa: trao cho mỗi người phần thuộc về người đó. Có thể có hai diễn dịch khác nhau mà chính Aristote đã đưa ra. Thứ nhất là công bằng giao hoán (justice commutative). Khái niệm này có tính cách số học: trao cho mỗi người một phần bằng nhau. Luật của Pháp, bắt nguồn từ nguyên tắc bình đẳng của Cách mạng 1789, trọng công bằng dưới khái niệm này. Nói một cách khác, chẳng cần để ý người phạm pháp là nghèo, nạn nhân là giàu, tất cả đều bình đẳng trước luật pháp. Thứ hai là công bằng phân phối (justice distributive) nghĩa là có điều chỉnh, có đưa vào một vài phân biệt đối xử cân bằng, điều chỉnh trên nhiều tiêu chuẩn khác nhau: nguồn gốc gia đình, nhu cầu xã hội, nhiệm vụ xã hội... Khuynh hướng hiện tạinâng đỡ những phân biệt đối xử tích cực để bù trừ cho những bất bình đẳng trên thực tế bằng cách chấp nhận đặc ân có lợi cho những người yếu thế. Đó là chính sách affirmative actions áp dụng ở Mỹ với mục đích, chẳng hạn, nâng đỡ những sinh viên thuộc những dân tộc thiểu số vào học một số ngành hoặc trường đại học. Pháp rất lạc hậu về chuyện này, nhưng cũng bắt đầu theo trào lưu, ví dụ: định trước bao nhiêu phần trăm số phụ nữ sẽ được bầu vào những chức vụ có bầu cử.

Thêm một chuyện khó khác: công bằng cho đến mức nào? Đây là vấn đề đối chọi giữa công bằngtrật tự. Người ta thường trích một câu cho là của Goethe: nếu phải chọn giữa hỗn loạn và bất công, tôi chọn bất công. Câu nói có tính cách tổng quát quá, khó phê phán. Hỗn loạn như thế nào, bất công đến đâu? Nhiều khi luật chọn giải pháp trật tự, như những ví dụ tôi đã trích ở trên: vật ăn trộm trên 30 năm trở thành sở hữu; trong hôn nhân tha hồ lừa dối. Vi phạm cũng vậy, quá một thời gian nào đó thì được xóa: 10 năm đối với tội đại hình, 3 năm đối với tội tiểu hình, 1 năm đối với tội vi cảnh (luật của Pháp). Quyền đình công được công nhận ở Pháp, nhưng luật hành chánh Pháp cũng công nhận quyền trục xuất người đình công ra công xưởng.

Tóm lại, khó định nghĩa công bằng trong mỗi việc, khó dung hòa công bằng với trật tự. Tuy vậy, vẫn không ai thỏa mãn với định nghĩa luật như là những nguyên tắc: luật không phải chỉ là thế.

Tôi kể một chuyện đời xưa của Việt Nam để thấy rằng ta cũng nghĩ tương tự. Trong đầu của ta, ta có một ý niệm về luật cao hơn những nguyên tắc đã định, có thể là ý niệm về công bằng. Chuyện sau đây, tôi trích nguyên văn trong quyển Kho tàng truyện cổ Việt Nam của ông Nguyễn Đổng Chi: 

Một người tên là Vũ Đắc Đô có sức khỏe, giỏi lặn. Có lũ giặc biển đi 10 chiếc tàu đến cướp phá, bắt phụ nữ vùng ấy. Dân hàng tổng rao ai dẹp được thì "sống hàng tổng tết, chết hàng tổng giỗ" và muốn lấy chức gì việc gì hàng tổng cũng cho. Ông ấy nhận. Bèn ăn mặc rách rưới giả làm người mò cua bắt ốc ở chỗ gần tàu giặc. Khi bắt được đầy giỏ thì đem đến bán, hoặc xin ăn và có lúc cung cấp một vài tin tức lặt vặt. Giặc không nghi ngờ nên ông lân la làm quen, biết được đâu là tàu lính, đâu là tàu tướng. Sau một hôm dậy sớm, ông lặn xuống nước tìm đến tàu tướng trèo lên. Thấy chúng còn ngủ say, ông bèn chụp lấy hai thanh kiếm nắm ở hai tay mặc sức chém giết rồi nhảy xuống nước trốn về. Giặc mất tướng như rắn mất đầu, rút lui.

Thắng lợi, ông đòi ăn lộc của làng mình và đòi được hưởng đêm đầu với gái làng. Hàng tổng giữ lời hứa. Nhưng thanh niên làng thì không chịu. Họ vác sào đến đánh ông. Ông cầm kiếm ra, họ chạy; khi ông trở vào, họ lại đến. Cứ như vậy, một hôm ông vẫy kiếm, không ngờ vô tình chém phải cổ mình. Ông chết, nhưng tay vẫn cầm kiếm. Sau ba ngày quạ kêu, mới biết.

Lời hứa của hàng tổng là luật: đó là hợp đồng. Hai bên thực hiện đúng hợp đồng. Nhưng hợp đồng đó trái với luật, trái với một ý niệm về luật có trong đầu của các trai làng. Ý niệm đó là gì, không ai nói lên được, cho nên không ai xử được. Nhưng phải xử, nếu không thì có cái gì đó bất công. Bất công quá đối với các cô gái. Và bất công hơn nữa đối với các cậu con trai! Gái trai gì cũng trở thành nạn nhân của một hợp đồng mà điều khoản quy địnhtính cách quá mông lung. Cái hay của câu chuyện là chính đương sự Vũ Đắc Đô tự xử mình, xử một cách tình cờ, nhưng phải có giải đáp, vì bất công thì không thể không xử được.

GIỚI LUẬT LÀ GÌ?

Bây giờ tôi dùng những khái niệm luật của Tây phương để thử tìm hiểu khái niệm về giới luật của Phật giáo. Tôi bắt đầu với hai tiểu tiết trước khi đi vào vấn đề chính này.

1 - Tiểu tiết thứ nhất, cốt để so sánh, liên quan đến khái niệm équité mà tôi đã tạm dịch là công bằng. Trong giới luật Phật giáo, khái niệm này được áp dụng rất rõ. Một ví dụ: cùng phạm tội Tăng tàn, tội được xử khác nhau tùy theo đức hạnh của người phạm tội. Có sáu hạng người được xử châm chước: người thông hiểu kinh tạng, người thông hiểu luật tạng, người thông hiểu luận tạng, người có tính biết hổ thẹn, hạng thượng tọa trưởng lão, người đại phước đức. Đây là ý nghĩa của phẩm Hạt Muối mà Hòa thượng Thiện Siêu, Thượng tọa Chơn Thiện đã giải thích rõ trong sách của các vị: Bỏ một nắm muối vào chén nước, nước mặn uống không được. Bỏ một nắm muối vào chum nước, nước vẫn uống được như thường. Nước trong chén ít như đức thiện của một người; nếu người đó làm thêm một việc bất thiện nữa nào có khác gì bỏ muối vào chén, uống sao được! Trái lại, nếu đức thiện nhiều như chum nước, lỡ làm một việc ác, nước vẫn chưa mặn. (Xem Cương yếu giới luật, H.T Thích Thiện Siêu, tr. 87-88).

2 - Tiểu tiết thứ hai, liên quan đến các xã hội không có luật. Ngành nhân chủng pháp lý cho ta biết rằng các xã hội sơ khai, sống trong các tộc (ethnies), có thể không biết luật. Ý muốn chung sống được thể hiện bằng những phản ứng rất loãng, thiếu tổ chức của quần chúng. Phong tục có thể nảy sinh nhưng không rõ rệt. Từ đó, một vài nguyên tắc, ít nhiều mơ hồ, có thể manh nha. Cũng từ đó, tôn giáo phát triển, rồi thói quen, nếp sống, rồi có thể luật. Nói như thế này chắc là mơ hồ quá. Nhưng ấy là muốn nói rằng, quan hệ với thần linh, những cử chỉ hằng ngày, y phục, trang sức, trang trí, rồi có thể cưới hỏi, trách nhiệm, hợp đồng v.v... tất cả những chuyện đối với người sơ khai, nằm chung trong một bòng bong những húy kỵ, ngăn cấm.

Đừng nói đâu xa, trong Cựu ước và Talmud, bên cạnh những nguyên tắc có tính luật, còn bao nhiêu những nguyên tắc khác chẳng ăn nhập gì đến luật: thức ăn, cách để tang... Luật Hồi giáo đầy những nguyên tắc phi luật như vậy. Luật Trung Hoa ở thế kỷ 17 phạt 60 trượng và đày một năm biệt xứ người con nào quên để tang khi cha mẹ chết. Luật Gia Long của ta cũng quy định chi tiết cách để tang của con cái, cách chào, cách lạy giữa vợ chồng, giữa vợ thứ và vợ chánh. Đừng có đùa: vi phạmbị phạt về hình đấy!

Lại nói đâu xa: luật nhà binh buộc cắt tóc ngắn khi nhập ngũ, buộc đánh bóng giày, buộc chào đúng phép.

Vậy thì, tiến trình lịch sử cho biết giữa tính luật và tính xã hội, biên giới không cứng nhắc, không bất di bất dịch.

Tôi đâu có ý so sánh xã hội thời Phật với xã hội sơ khai! Chỉ muốn nói rằng, tôi không ngạc nhiên tí nào khi biết rằng trong 12 năm đầu của đời sống tập thể, Phật không chế luật. Tập thể Tỷ kheo quây quần quanh Phật suốt 12 năm đầu giáo hóa là một xã hội không có luật! Luật không cần thiết vì đó là một xã hội toàn hảo. Vì Phật sống như thế nào thì tập thể sống như thế ấy. Vì như thế là đủ. Sống như Phật trước mắt. Cách sống đó với luật là một. Tất cả cách sống, nghĩa là tất cả luật nằm gọn trong một bài kệ:

"Thiện hộ ư khẩu ngôn,
Tự tịnh kỳ chí ý,
Thân mạc tác chư ác,
Thử tam nghiệp đạo tịnh
Năng đắc như thị hành
Thị đại tiên nhân đạo".

Hòa thượng Thiện Siêu tóm tắt ý nghĩa như sau: khéo giữ gìn thân miệng ý, đừng nghĩ bậy, đừng nói bậy, đừng làm bậy. Đó là Giới kinh của đức Thích Tôn.

Tất cả luật chỉ có ngần ấy. Luật mà không phải luật. Đó là cách sống. Giữa cách sống và luật không có biên giới, không có phân biệt. Phật sống như thế thì đệ tử sống theo như thế. Và thế là đủ.

Chỉ về sau, 12 năm sau đó, đoàn thể Tăng già phát triển rộng ra, xã hội toàn hảo lúc đầu chuyển biến, luật mới thành ra cần thiết để quy định đời sống cộng đồngđời sống đạo hạnh. Phật chế ra luật từ đó, chế ra mỗi luật nhân mỗi việc xảy ra trong Tăng chúng.

3 - Bây giờ, tôi đi vào vấn đề chính: tìm hiểu khái niệm giới luật của Phật giáo bằng cách đối chiếu với khái niệm luật mà tôi đã trình bày ở trên.

Đây chỉ là một cố gắng tìm hiểu, một đề nghị có thể là quá bạo gan. Nhưng đây là dịp tốt để tôi học hỏi, để nhận những lời chỉ trích, dạy bảo. Tôi có thể nói ở đây điều mà tôi hiểu, có thể là tôi hiểu sai, nhờ dạy bảo.

Thú thật, tôi đọc năm lần bảy lượt quyển Cương Yếu Giới Luật của Hòa thượng Thiện Siêu, mà chẳng phân biệt được thế nào là luật, thế nào là giới. Ở trang 32, Hòa thượng giải thích rất rõ và tôi tưởng tôi đã hiểu: có giới chưa hẳn có luật mà luật thì phải có giới: "Giới là điều răn, luật là quy luật thi hành giới. Không có luật thì giới không có cách thi hành". Rõ! Thế nhưng sau đó, người đọc lại lẫn lộn giới với luật, luật với giới.

Để hiểu, tôi chỉ còn có cách áp dụng kiến thức của tôi về luật.

Ở trên, tôi đã nói: không ai định nghĩa được luật là gì. Thế nhưng ai cũng hiểu thế nào là một điều luật, một đạo luật. Cấm không được đốt pháo: đó là một điều luật. Cấm không được đa thê: đó là một điều luật. Thế nhưng khi nào cũng có câu hỏi đặt ra: tại sao có điều luật đó? Về đốt pháo, dễ. Về đa thê, đã khó rồi. Bởi vì, ở một nước Hồi giáo chẳng hạn, sao lại cấm kỵ đa thê? Ai dám cấm kỵ đa thê? Cấm đa thê, điều luật đó chỉ có thể giải thích và được chấp nhận dưới ánh sáng của một quan niệm nào đó về giá trị. Nghĩa là điều luật đó được đặt ra vì một giá trị nào đó, tổng quát hơn.

Bây giờ tôi nhắc lại một chuyện khôi hài ở miền Nam trước đây: luật bà Nhu cấm ly dị...

Cấm ly dị: ai cũng thấy ảnh hưởng của một tôn giáo, đạo Ki Tô. Về hình thức, đó là một điều luật; về nội dung, nó khác tôn giáo ở chỗ nào?

Tôi phân biệt hình thức với nội dung như vậy để cố hiểu một cách đơn giản giới và luật. Giới là nội dung, luật là hình thức

Trong quyển Tỷ-kheo Giới của Hòa thượng Trí Quang, Hòa thượng dùng danh từ giới điều. Tôi thiển nghĩ rằng danh từ này làm dễ hiểu hơn, bởi vì giới điều đồng nghĩa với luật, với điều luật mà tôi vừa nói.

Bởi vậy, thay vì 250 giới, Hòa thượng nói 250 giới điều. Nói rõ hơn là 250 điều luật.

Trên 250 giới điều đó, Hòa thượng căn cứ vào nội dung mà quy nạp, nghĩa là phân loại. Phân loại như sau (tóm tắt):

- Liên hệ đến sát (sát sinh): 4 giới điều.
- Liên hệ đến đạo (trộm cắp): 2 giới điều.
- Liên hệ đến dâm: 8 giới điều.
- Liên hệ đến vọng... rồi đến y, bát, tọa cụ, ăn, học, tín đồ, thuyết pháp, cư xử trong tăng chúng v.v...

Như vậy là gì? Là có nhiều giới điều (điều luật) liên hệ đến một giới. Giới dâm có 8 giới điều, giới đạo có 2 giới điều, giới sát có 4 giới điều v.v...

Thế là sự phân biệt đã rõ giữa giới và giới điều (giữa giới và điều luật). Giới là nội dung, tổng quát hơn; giới điều là mỗi điều luật cụ thể để thực hiện cái tổng quát.

Quy nạp như vậy, Hòa thượng vẫn thấy chưa đủ tổng quát, cho nên Hòa thượng quy nạp một lần nữa, và chia 250 giới điều ra thành hai loại mà thôi, là:

1. Những giới điều cấm tội lỗi thực sự,

2. Những giới điều cấm cử động bất xứng. (Đây là những giới điều liên quan đến oai nghi)[2].

Như vậy, đi từ nội dung đến hình thức, đi từ tổng quát đến cụ thể, tôi vẽ cho tôi cái biểu đồ sau đây để dễ thấy:

Giới

Bài kệ của Phật: khéo giữ gìn thân, miệng, ý

Giới (liên quan đến tội lỗi)

Giới bất sát
Giới bất đạo
Giới bất dâm

Giới điều...

Giới (liên quan đến oai nghi)
y,cụ,bát
tín đồ
thuyếtpháp
Giới điều....

Cũng vậy, trong Bồ-tát giới: giới là bồ-đề tâm. Để gìn giữ và phát triển Bồ-đề tâm đó, chế ra những giới điều (điều luật)

Giới chia ra nhiều loại

Nhiếp luật nghi giới (trừ ác)
- 10 giớiđiều (trọngcấm)
- 48 giớiđiều (khinh)

Nhiếp thiện pháp giới (phương pháp)

Nhiếp chúng sinh giới (cứu độ chúng sinh)
1 giới điều

(Thiện Siêu, trang 210)

Bắt nguồn là giới. Tận cùng là những giới điều (= điều luật). Tất cả giới điều hợp lại thành một bộ luật, tức là Luật tạng (chứ không phải Giới tạng, Hòa thượng Thiện Siêu nói rõ ở tr. 32). Mỗi giới tổng quát hơn, nhắm vào một giới tổng quát hơn nữa. Để rồi kết cục quy vào một chữ Giới mà thôi là thân, miệng, ý, hay là nói theo Hòa thượng Trí Quang là nhắm vào cuộc sống viễn ly ác pháp (không ác ở thân, không ác ở miệng, không ác ở ý, tr. 24)

Bây giờ, tôi xin nêu lên ở đây một vấn nạn, vấn Như vậy, mỗi giới điều (= điều luật) đều có mang tính chất giới. Nhưng giới thì không cứ chấp chặt vào con số 250, 350. Tùy thời gian, tùy hoàn cảnh, giới điều có thể thêm bớt, sửa đổi, nhưng giới thì muôn đời và ở đâu chỉ có một. Bởi vậy, ai giữ được giới đó thì không cần luật nữa. Cho nên, trong 12 năm đầu, Phật không cần chế luật (chứ không phải không cần chế giới).

Bây giờ, tôi trở lại với chuyện tôi nói lúc đầu về chữ luật trong thế tục. Nói điều luật ai cũng hiểu. Nhưng nói luật một cách tổng quát, không ai định nghĩa được. Luật nhằm thực hiện giá trị tổng quát gì? Công bằng? bác ái? trật tự? hòa hợp? tự do? bình đẳng? Mà thế nào là công bằng? là trật tự? là tự do? v.v... Người Trung Hoa nghĩ khác. Người Mỹ nghĩ khác. Người Hồi giáo nghĩ khác. Người Ki tô giáo nghĩ khác... không có một giá trị tổng quát ( phổ quát) nào được chấp nhận bởi toàn thể, làm sao định nghĩa được luật?

Đó là điểm khác biệt giữa quan niệm luật của thế tụcquan niệm luật trong Phật giáo. Trong Phật giáo, vấn đề rất rõ: luật là để thực hiện giới. Cho nên ta nói: Giới luật. Giới là giá trị tột bực; luật là những quy tắc cụ thể để thực hiện giới..nạn của một Phật tử bị méo mó bởi nghề nghiệp của một luật gia. Vấn nạn này, tôi mang trong đầu từ lâu, nay nhân có cơ hội nói về luật và giới luật mới dám thổ lộ.

Đây là một "vụ án", có lẽ là "vụ án" quan trọng nhất trong lịch sử Phật giáo, nhưng quả là một vụ án tiêu biểu của tinh thần Phật giáo. Vụ án này, ai cũng biết, tạm gọi là "vụ án Ngài A nan".

Khi Phật nhập diệt, ngài Ca Diếp triệu tập 500 vị A la hán để nhớ lại, đọc lại, tụng lại những lời Phật dạy. Là thị giả của Phật trong suốt 25 năm, lại thông minh xuất chúng, đa văn tột bực, ngài A nan không thể vắng mặt trong dịp này. Khổ nỗi ngài chưa chứng được A la hán, bởi vậy không đủ tư cách để tham dự kiết tập. A nan chỉ còn một đêm chuyên tâm để đạt đến quả vị tột đỉnh đó; gần sáng ngài mệt quá, ngã mình xuống gối, đầu chưa đến gối thì ngài chứng.

Thành A la hán, A nan đi đến đại hội kiết tập. Nhưng trước khi được nhận vào đại hội, A nan bị ngài Ca Diếp buộc phải sám hối về 6 "tội" như sau. Tôi trích nguyên văn Cương lĩnh giới luật của Hòa thượng Thiện Siêu:

Thứ nhất: Tôn giả là người đầu tiên xin Phật độ cho hàng nữ nhân xuất gia, thế là phạm tội Đột-kiết-la, Tôn giả có nhận không?

A-nan đáp: Tôi xét việc đó, thấy tôi không có lỗi gì, bởi lẽ, tôi thấy Di mẫu rất có công lao đối với Thế Tôn, cho nên tôi thưa với Thế Tôn, nhắc Thế Tôn nhớ công lao ấy của Di mẫu và xin cho bà xuất gia là có nguyên do như vậy, chớ không vô cớ. Nhưng tôn giả Đại Ca-diếp bảo tôi như vậy, tôi tuân theo lời Đại Ca-diếp xin sám hối.

Thứ hai: Có một lần, Tôn giả mang y Tăng-già-lê cho Thế TônTôn giả đã giẫm chân lên trên y, thế là Tôn giả bất kính, phạm tội Đột-kiết-la.

- Thưa Tôn giả, tôi không phải bất kính đối với Thế Tôn mà giẫm lên y đang may cho Thế Tôn, nhưng vì lúc đó gió to quá mà không có ai đỡ giúp, cho nên tôi buộc lòng phải giẫm lên mé y để giữ cho gió khỏi tung vải lên. Nhưng mà Tôn giả đã nói thế thì tôi xin sám hối.

Thứ ba: Có một lần đức Thế Tôn sai Tôn giả đi lấy nước để Ngài uống. Tôn giả mang bát ra đi nhưng lại mang bát không trở về. Tôn giả nói rằng, khúc sông đó vừa có 500 cỗ xe đi ngang qua, nước đục quá không thể dùng được. Tôn giả không biết rằng nếu yêu cầu chư thiên họ sẽ dùng phép lực thì có thể làm cho nước trong để đem về cho Thế Tôn dùng hay sao? Tại sao Tôn giả không làm? Phạm tội Đột-kiết-la.

- Thưa Tôn giả, khi ấy chư thiên thì chưa hiện đến, nhưng Thế Tôn thì Ngài đang cần nước, cho nên tôi quên khẩn cầu chư thiên, nên đã quay về trình với Thế Tôn sự kiện nước đục vì bị 500 cỗ xe vừa đi ngang qua, không thể dùng được. Nhưng Tôn giả đã bảo vậy thì tôi xin sám hối.

Thứ tư: Khi đức Thế Tôn tuyên bố 3 tháng nữa là Như Lai nhập Niết-bàn, lẽ đáng Tôn giả hầu Thế Tôn, Tôn giả phải năn nỉ Thế Tôn cửu trú thế gian để lợi lạc hữu tình, nhưng tại sao Tôn giả không xin. Như vậy là phạm Đột-kiết-la.

- Tôn giả nói là tôi không muốn xin đức Thế Tôn cửu trú chứ gì? Thú thật, tâm tôi lúc đó như bị ma ám nên tôi không nhận ra. Khi nhận ra thì sự đã rồi. Tôi rất ân hận. Tôn giả nói tôi phạm Đột-kiết-la, tôi xin sám hối.

Thứ năm: Khi đức Phật nhập Niết-bàn, có một bà già nghe tin đến hầu Phật, bà thương mến Phật quá và đã để rơi nước mắt trên chân Phật, in dấu trên chân Ngài. Sao Tôn giả không can ngăn bà, lại để giọt nước mắt ấy làm ô nhiễm chân Phật. Như vậy là phạm Đột-kiết-la.

- Thưa Tôn giả, là người thị giả, khi ấy tôi thấy bà cụ có một lòng cung kính Thế Tôn quá nên tôi không dám can ngăn bà. Nhưng Tôn giả đã bảo có lỗi thì tôi xin sám hối.

Thứ sáu: Trước khi đức Phật nhập Niết-bàn, Ngài có dạy rằng: Thế Tôn đã dạy giới luật cho hàng xuất giatại gia. Riêng hàng Tỷ kheo thì Ngài có dạy tùy nơi, tùy lúc, có thể xả bớt tiểu tiểu giới, nghĩa là có thể bỏ đi những giới điều vụn vặt. Tại sao Tôn giả không thưa Phật, xả tiểu tiểu giới là những tiểu tiểu giới nào? Thế là phạm Đột-kiết-la.

- Thưa Tôn giả, lúc đó tôi cũng quên thưa Phật về chuyện ấy. Bây giờ Tôn giả nói tôi mới nhớ, nay Tôn giả bảo tôi sám hối, tôi cũng xin sám hối

Tôi chỉ đứng trên một điểm nhỏ "méo mó nghề nghiệp" để đọc bản án của Ngài Ca-diếp và các câu trả lời của Ngài A-nan, và từ đó thấy có hai vấn đề:

1. Ý của Ngài A-nan trong suốt và Ngài A-nan không thấy mình phạm tội. Ở mỗi câu kết luận, Ngài nói: "Nhưng mà Tôn giả đã nói thế thì tôi xin sám hối".

2. Chỉ có ở lời buộc tội thứ sáu (về vấn đề Phật nhập Niết-bàn), Ngài A-nan mới thấy mình có "lỗi". Và Ngài nói: "Tôi rất ân hận. Tôn giả nói tôi phạm Đột-kiết-la, tôi xin sám hối". Lời buộc tội thứ sáu của Ngài Ca-diếp (về những giới điều tiểu tiết) thật khó trả lời cho Ngài A-nan vốn là người quá thông minh để hiểu thế nào là tiểu tiết. Cách trả lời của Ngài A-nan cũng gần như cách trả lời chung: "Nay tôn giả bảo tôi sám hối, tôi cũng sám hối".

Từ hai ý nghĩ đó, tôi lại đem luật để chất vấn Ngài A-nan.

Nơi trang 139, quyển Cương yếu giới luật của Hòa thượng Thiện Siêu, tôi đọc thấy có hai trường hợp "phi pháp phi luật" như thế này:

- Một Tỷ kheo có tội mà nói không có.

- Một Tỷ kheo không thấy có tội, mà các Tỷ kheo nói có, thầy cũng sám hối xin bỏ. Đó cũng là phi pháp phi luật.

Tôi thấy điều này quan trọng lắm, bởi vì đó là ý nghĩa của sám hối. Không thấy có tội mà sám hối thì trật hai lần: trật với khái niệm "tội" và trật với khái niệm "sám hối". Thế thì Ngài A-nan đã chẳng trật hai lần hay sao? Đó là vấn nạn của tôi.

Tôi chỉ có cách trả lời như thế này thôi, và chính vì vậy mà tôi nêu "vụ án Ngài A-nan" ở đây:

Ngài Ca-diếp nêu luật ra để buộc tội, Ngài đứng trên lĩnh vực luật.

Ngài A-nan trả lời trên lĩnh vực giới. Giới của Ngài trong suốt như gương, vì thân, miệng, ý trong suốt như gương. Giới của Ngài đã trong suốt như vậy thì tôi cũng không nên lấy luật này luật nọ để chất vấn Ngài làm chi. Tôi làm như vậy là cốt để thử phân biệt giới và luật mà thôi.

Tôi kết thúc buổi nói chuyện hôm nay với lòng mong mỏi được nhận sự chỉ bảo của Hòa thượng Thiện Siêu về điểm này.

Cao Huy Thuần
Thượng Đế, Thiên Nhiên, Người, Tôi và Ta,
Trungtâm văn hóa Khuông Việt xuất bản, 1999 (tr. 8-31).
Nhà xuất bản TP Hồ Chi Minh, 2000 (tr. 1-37).
 
 

[1] Luật Do Thái cấm nuôi heo: không được nuôi heo "trên lãnh thổ Do Thái", nghĩa là trên đất Do Thái. Cho nên các trại nuôi heo để xuất cảng không nuôi heo trên đất mà nuôi trên sàn gỗ cách mặt đất vài phân!

[2] Tôi trích 2 ví dụ liên quan đến giới uy nghi :

1. «Nếu tỷ-kheo lấy ngón tay ngón chân thọc lét lẫn nhau thì phạm ba dật đề» (nghĩa là một lỗi nhẹ)

2. Ví dụ thứ hai là một bài tụng:

«Ví như loài ong,
hút lấy mật hoa 
thì không thương tổn
sắc hương của hoa,
mà chỉ hút lấy
cái vị mật ngọt.
Tỷ-kheo cũng vậy,
đi vào làng xóm
thì không can dự
công việc người khác,
không nhìn đáng làm
hay không đáng làm,
mà chỉ tự nhìn
bản thân mà đi,
coi có ngay thẳng
hay không ngay thẳng»
 
 


 

[1] Năm chương đầu của Thánh kinh (Bible) tức là Genèse, Exode, Lévitique, Nombres, Deutéronome (gọi là Pentateuque), được tín đồ Ki-tô giáo gọi là Cựu Ước, tín đồ của Do Thái giáo gọi là Năm chương của Moise. Luật Liên minh của Do Thái nằm trong Exode. Quyển sách thứ hai của luật nằm trong Deutéronome. Luật tu sĩ nằm trong Lévitique. Torah là năm chương của Pentateuque.

[2] Gaudemet, trang 122.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/06/2010(Xem: 31475)
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?