Chương 6. Đề-xá-ni

16/06/201012:00 SA(Xem: 11562)
Chương 6. Đề-xá-ni

TỨ PHẦN LUẬT 四分律
Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm. 

Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng

Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng 

CHƯƠNG VI 
ĐỀ-XÁ-NI[1]

I. NHẬN THỨC ĂN PHI THÂN LÝ NI NƠI TỤC GIA[2]
A. DUYÊN KHỞI
[695c17] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Lúc bấy giờ lúa gạo kham hiếm, nhân dân đói kém, người chết vô số, khất thực khó được.

Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc [3] đến giờ khất thực đắp y bưng bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ngày đầu nhận được thức ăn, mang đến cho tỳ-kheo. Ngày thứ hai, ngày thứ ba nhận được thức ăn, Liên Hoa sắc cũng mang đến cho tỳ-kheo.

Sau đó một thời gian, tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc mặc y bưng bát vào thành Xá-vệ khất thực. Lúc ấy có một ông trưởng giả đi xe cùng đoàn tuỳ tùng đến yết kiến Vua Ba-tư-nặc. Đám tuỳ tùng xua đuổi người dẹp đường để đoàn xe ông truởng giả đi. Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc tránh qua bên lề đường, bị sụp chân vào chỗ bùn, té úp mặt xuống đất. Ông trưởng giả thấy, động lòng thương liền dừng xe, bảo người hầu cận ông xuống đỡ Liên Hoa Sắc đứng dậy và dìu ra khỏi chỗ bùn. Ông trưởng giả hỏi:

«Dì bị bệnh gì mà té ngã như thế?»

Liên Hoa sắc trả lời:

«Tôi không có bệnh hoạn gì cả, Chỉ vì đói nên như vậy.»

Ông trưởng giả hỏi:

«Vì sao mà đói, khất thực khó được hay chăng?»

Liên hoa sắc trả lời:

«Khất thực dễ được. Nhưng ngày thứ nhất tôi xin được, đem về cho tỳ-kheo. Ngày thứ hai, thứ ba, thức ăn tôi xin được cũng đem cho tỳ-kheo. Cho nên đói.» 

[696a1] Ông trưởng giả hiềm trách, nói: 

«Sa-môn Thích tử thọ nhận không biết đủ, không nhàm chán, không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Nhận thức ăn của tỳ-kheo-ni không biết chút nhường nhịn. Người cho tuy không nhàm chán nhưng người nhận phải biết đủ chứ!»

Ông trưởng giả liền dẫn tỳ-kheo-ni này về nhà. Cho tắm rửa. Giặt y phục. Bảo người nấu cháo cho ăn. Cung cấp vật cần dùng; rồi nói: «Từ nay về sau, cô cứ đến nhà tôi mà ăn. Khỏi phải đi dâu. Nếu có nhận được thêm nơi nào khác, thì tuỳ ý cho người.»

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách những tỳ-kheo kia rằng: «Sao các thầy nhận thức ăn nơi tỳ-kheo-ni?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo kia:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông lại nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc kia mà không biết vừa phải?» 

Dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo kia rồi Phật bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, vào thôn xóm, tự mình nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni để ăn, tỳ-kheo ấy cần phải đối trước tỳ-kheo khác phát lồ rằng:[4] ‹Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.› Đây là pháp hối quá.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo nghi, không dám nhận thức ăn nơi tỳ-kheo-ni bà con. Đức Phật dạy:

«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo được nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni bà con

Các tỳ-kheo bệnh lại có sự nghi, không dám nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni không phải bà con. Đức Phật dạy:

«Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo bệnh được nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni chẳng phải bà con

Bấy giờ, các tỳ-kheo lại có sự nghi, nên khi tỳ-kheo-ni chẳng phải bà con đem thức ăn để dưới đất, không dám nhận, hoặc khiến người trao cho cũng không dám nhận, đức Phật dạy:

«Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo được nhận thức ăn như vậy.»

Từ nay về sau nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo nào, vào thôn xóm,[5] nếu không bệnh[6] mà tự tay nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni không phải thân quyến mà ăn, tỳ-kheo ấy cần phải đối trước tỳ-kheo khác[7] phát lồ rằng: ‹Đại đức,[8] tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.› Đây là pháp hối quá.[9]

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Bà con và chẳng phải bà con: như trên đã giải.

Bệnh: cũng như trên.

Thức ăn: có hai loại như trên đã giải.

Tỳ-kheo kia vào trong thôn xóm, đến tỳ-kheo-ni chẳng phải bà con, nếu không có bệnh mà tự tay nhận thức ăn để ăn. Ăn như vậy, mỗi miếng phạm một ba-la-đề đề-xá-ni.

Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni bà con; hoặc có bệnh; hay để dưới đất mà cho; hoặc khiến người trao; hoặc cho trong Tăng-già-lam; hoặc cho ngoài thôn xóm; hay là cho trong chùa ni. Trao như vậy, nhận để ăn thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách

II. THỌ THỰC DO NI CHỈ DẪN[10]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ, Khi ấy, có số đông tỳ-kheo và nhóm sáu tỳ-kheo cùng ngồi ăn ở trong nhà bạch y.[11] Nhóm sáu tỳ-kheo-ni đòi cơm canh cho nhóm sáu tỳ-kheo, nói rằng: «Đem canh nơi vị này! Đem cơm nơi vị kia.» Còn thì bỏ qua các vị khác ở trung gian mà chỉ đem thức ăn cho sáu tỳ-kheo này thôi.

Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy lại ăn thức ăn do nhóm sáu tỳ-kheo-ni yêu sách?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông ăn thức ăn do tỳ-kheo-ni yêu sách, trong khi các tỳ-kheo khác không được?» 

Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, khi ăn trong nhà bạch y, trong đó có tỳ-kheo-ni, chỉ bảo rằng: ‹Đem canh cho vị này, dâng cơm cho vi kia.› Tỳ-kheo nên nói với tỳ-kheo-ni ấy rằng: ‹Này cô, hãy thôi đi! Hãy để yên cho các tỳ-kheo ăn xong!› Nếu không có một tỳ-kheo nào nói với tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Này cô, hãy thôi đi! Hãy để yên cho các tỳ-kheo ăn xong!› Tỳ-kheo cần đối trước tỳ-kheo khác mà phát lồ rằng: ‹Bạch Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay tôi đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.› Đây gọi là pháp hối quá.

B. GIỚI TƯỚNG  
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Trong nhà: nơi có nam nữ ở.

Thức ăn: như trên đã nói.

Tỳ-kheo kia thọ thực nơi nhà bạch y, trong đó có tỳ-kheo-ni chỉ bảo rằng: «Đem canh cho vị này! Đem cơm cho vị kia.» Tỳ-kheo kia nên nói: «Này cô, hãy thôi đi! Để yên cho các tỳ-kheo ăn xong.» Nếu không có một tỳ-kheo nào nói như vậy: «Này cô, hãy thôi đi! Để yên cho các tỳ-kheo ăn xong;» mỗi miếng ăn phạm một ba-la-đề-đề-xá-ni.

Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: nếu có nói: «Này cô, hãy thôi đi! Để yên cho các tỳ-kheo ăn xong.» Nếu tỳ-kheo-ni tự mình là đàn-việt hoặc đàn-việt thiết trai nhờ tỳ-kheo-ni chiếu liệu; hoặc không có tâm thiên lệch đối với các tỳ-kheo, như vậy thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách

III. THỌ THỰC TỪ HỌC GIA[12]
A. DUYÊN KHỞI
1. ĐỆ TỬ KIẾN ĐẾ
Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật tại thành La-duyệt. Khi ấy, có gia đình cư sĩ, vợ chồng đều có lòng tin, làm người đệ tử đức Phật. Thường pháp của người đệ tử chư Phật đã kiến đế,[13] đối với các tỳ-kheo không có cái gì tiếc nuối, kể cả thịt trong thân mình. Mỗi khi các tỳ-kheo đến nhà thì luôn dùng thức ăn và các vật dụng cúng dường. Cúng dường như vậy cho đến nỗi nghèo khổ, cơm áo đều thiếu thốn. Những người hàng xóm đều nói như vầy: «Gia đình kia trước đây rất giàu có, của cải dư dật. Từ khi cúng dường sa-môn Thích tử đến nay, của cải khô cạn, bần cùng đến thế. Như vậy việc cung kính cúng dường chỉ đem lại sự nghèo khổ!»

Các tỳ-kheo nghe biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo: «Sao các thầy đến mãi nơi cư sĩ để nhận thức ăn và đồ cúng dường, không biết đủ, đến nỗi khiến cho của cải gia đình họ phải cạn kiệt như thế?»

Các tỳ-kheo đến [697a1] chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông lại đến mãi nơi nhà cư sĩ để nhận thức ăn cúng dường, đến nỗi khiến gia đình họ nghèo túng như vậy?»

2. YẾT-MA HỌC GIA
Dùng vô số phương tiện quở trách các Tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

«Từ nay về sau cho phép Tăng tác pháp học gia cho gia đình kia, bằng pháp bạch nhị yết-ma. Tác pháp như vầy: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, như trên mà tác bạch như vầy:

«Đại đức tăng xin lắng nghe. Trong thành La-duyệt này có một gia đình cư sĩ, cả vợ lẫn chồng đều đắc tịnh tín, làm đệ tử của Phật. Gia tài họ bị cạn kiệt. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng tác pháp yết-ma học gia, các tỳ-kheo không được đến gia đình kia nhận thức ăn mà ăn. Đây là lời tác bạch.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe. Trong thành La-duyệt này có một gia đình cư sĩ, cả vợ lẫn chồng đều đắc tịnh tín, làm đệ tử của Phật. Gia tài họ bị khô kiệt. Nay Tăng trao cho pháp yết-ma học gia, các tỳ-kheo không được đến nhà đó để nhận thức ăn mà ăn. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho cư sĩ kia pháp yết-ma học gia thì im lặng. Vị nào không chấp thuận xin nói.

«Tăng đã chấp thuận trao cho cư sĩ kia pháp yết-ma học gia rồi, Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»

«Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa,cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài

Muốn nói giới nên nói như vầy.

Tỳ-kheo nào, đã biết là nhà học gia, Tăng đã cho pháp yết-ma học gia rồi, mà đến nhà ấy nhận thức ăn để ăn, phải đối trước các tỳ-kheo khác phát lồ rằng: ‹Thưa Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, nay đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.› Đây là pháp hối quá.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Trong đó có tỳ-kheo trước có nhận sự thỉnh của gia đình, có sự nghi không dám đến. Đức Phật dạy:

«Có thỉnh trước thì cho phép đến.»

Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh không dám nhận thức ăn của học gia, đức Phật dạy:

«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo bệnh được nhận thức ăn nơi học gia để ăn.»

Khi ấy các tỳ-kheo thấy người cho thức ăn để thức ăn xuống đất mà cho, nghi không dám nhận. Hoặc khiến người mang cho; cũng không dám nhận. Đức Phật dạy:

«Cho phép nhận.» 

Từ nay về sau nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo nào, nếu trước đó đã tác yết-ma học gia, đối với học gia đó, không có sự thỉnh trước, không bệnh, tự tay nhận thức ăn và ăn. Tỳ-kheo ấy cần đối trước tỳ-kheo khác phát lồ rằng: ‹Tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay tôi đối trước Đại đức, xin phát lồ sám hối.› Đây là pháp hối quá.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Học gia :[14] là Tăng trao cho pháp bạch nhị yết-ma.

Nhà cư sĩ: như trên đã nói.

Bệnh: cũng đã nói ở trên.

Tỳ-kheo nào, học gia như vậy, trước đó Tăng đã trao cho pháp yết-ma cho họ rồi mà tỳ-kheo không được thỉnh trước lại không bệnh. Đối với trong nhà học gia như vậy mà nhận thức ăn để ăn, thì mỗi miếng ăn phạm Ba-la-đề-xá-ni.

Tỳ-kheo-ni, đôt-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: nếu đã được thỉnh trước; hoặc có bệnh; hoặc để xuống đất mà cho; hoặc nhận từ nơi người khác; hoặc học gia sau khi dâng cúng tài sản vẫn còn nhiều. Thảy đều thì không phạm.

3. GIẢI YẾT-MA HỌC GIA
Học gia kia, tài sản có lại dồi dào, đến trong Tăng xin giải yết-ma Học gia. Các Tỳ-kheo bạch Phật. đức Phật dạy:

«Nếu tài sản của học gia có lại dồi dào, họ đến giữa Tăng, xin giải pháp yết-ma học gia thì Tăng nên tác pháp bạch nhị yết-ma, giải cho họ. Trong chúng nên sai một người có khả năng tác pháp yết-ma, như trên mà tác bạch như vầy:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe. Trong thành La-duyệt này có một gia đình cư sĩ, cả vợ lẫn chồng đều đắc tịnh tín, làm đệ tử Phật, ưa thích cúng dường nên của cải bị khánh kiệt. Trước đây Tăng đã cho pháp yết-ma học gia. Nay của cải có lại dồi dào, họ đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma học gia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng giải pháp yết-ma học gia. Đây là lời tác bạch.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe. Trong thành La-duyệt này có một gia đình cư sĩ, cả vợ lẫn chồng đều đắc tịnh tín, làm đệ tử Phật, ưa thích cúng dường nên của cải bị khánh kiệt. Trước đây Tăng đã cho pháp yết-ma học gia. Nay của cải có lại dồi dào, họ đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma học gia. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng vì cư sĩ kia giải pháp yết-ma học gia thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

«Tăng đã chấp thuậncư sĩ kia giải pháp yết-ma học gia rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»

Khi ấy các tỳ-kheo đều nghi không dám nhận thức ăn từ cư sĩ đã được giải yết-ma học gia, bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo được nhận thức ăn nơi nhà đó. Nhận như vậy không phạm.»

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách

IV. THỌ THỰC NGOÀI TRÚ XỨ A-LAN-NHÃ[15]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Ni-câu-loại, Ca-duy-la-vệ, Thích-suý-sấu. Các phụ nữ trong thành Xá-di[16] và các phụ nữ Câu-lê[17] cùng nhau mang thức ăn đến trong Tăng-già-lam, cúng dường.

Bấy giờ bọn giặc[18] biết được, chận đường nhiễu hại.[19] Các tỳ-kheo nghe, đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn dạy.

«Từ nay về sau, các tỳ-kheo nên nói với các phụ nữ, ‹Đừng đi ra. Đường có bọn giặc cướp khủng bố.› Nếu họ đã ra ngoài thành thì nên nói: ‹Đừng đến Tăng-già-lam vì dọc đường có giặc khủng bố.› Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, sống tại a-lan-nhã, chỗ ở đáng nghi ngờ, có sợ hãi, không nhận thức ăn bên ngoài tăng-già-lam, mà chỉ bên trong tăng-già-lam nhận thức ăn để ăn,[20] cần đối trước tỳ-kheo khác mà phát lồ rằng: ‹Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, nay tôi đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.› Đây là pháp hối quá.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các đàn-việt biết trước là có sự khủng bố mà cố mang thức ăn đến. Các tỳ-kheo nghi không dám nhận để ăn. Đức Phật dạy:

«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo được nhận thức ăn như vậy.»

Khi ấy, các tỳ-kheo bệnh cũng nghi không dám nhận thức ăn như vậy. Đức Phật bảo:

«Từ nay cho phép các tỳ-kheo bệnh được nhận thức ăn như vậy.»

Bấy giờ, có thí chủ cúng dường bằng cách đem thức ăn để dưới đất, hoặc bảo người trao, các tỳ-kheo nghi không dám nhận. Đức Phật dạy:

«Từ nay cho phép các tỳ-kheo được nhận thức ăn như vậy.» 

Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo nào, sống nơi a-lan-nhã, xa xôi hẻo lánh, chỗ đáng nghi, có sợ hãi. Tỳ-kheo sống tại trú xứ a-lan-nhã như vậy, trước không nói cho đàn-việt biết,[21] không thọ nhận thức ăn bên ngoài Tăng-già-lam. Trái lại, không bệnh mà ở bên trong Tăng-già-lam, tự tay nhận thức ăn để ăn, tỳ-kheo ấy cần phải đến đối trước tỳ-kheo khác mà phát lồ rằng: ‹Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách. Nay tôi đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.› Đây là pháp hối quá.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Chỗ a-lan-nhã: là nơi cách thôn năm trăm cung. Cung là cách đo của nước Giá-ma-la.

Nghi có sự khủng bố: là nghi có giặc trộm cướp, khủng bố.

Bệnh: như trên đã nói.

Nếu tỳ-kheo a-lan-nhã ở chỗ xa vắng như vậy, trước không nói với đàn-việt, không nhận thức ăn ngoài Tăng-già-lam mà nhận trong Tăng-già-lam, không bệnh, tự tay nhận lấy thức ăn để ăn; mỗi miếng ăn phạm ba-la-đề-đề-xá-ni.

Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: trước có nói với đàn-việt; hoặc có bệnh; hoặc để dưới đất mà trao; hoặc bảo người trao; hoặc khi đến thọ giáo sắc, lúc thính pháp, tỳ-kheo tự có thức ăn riêng nay trao cho; thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách


[1] Tức Ba-la-đề đề-xá-ni 波羅提舍尼. Trong giới văn, dịch là hối quá 悔過. Ngũ phần 10 (T22n1421, tr.71c06): hối quá pháp 悔過法. Tăng kỳ 21 (T22n1425, tr.396b16): Đề-xá-ni 提舍尼. Thập tụng 19 (T23n1435, tr.131a05): Ba-la-đề-xá-ni pháp 波羅提舍尼法. Căn bản 49 (T23n1442, tr.897a18): Ba-la-để đề-xá-ni pháp 波羅底提舍尼法. Pali, Vin.iv. 175: cattāro pāṭidesanīyā.

[2] Tăng kỳ: Đề-xá-ni 2

[3] Liên Hoa Sắc 蓮華色. Xem Ch. iv ni-tát-kỳ 4 & cht.36

[4] Nguyên Hán: hướng dư tỳ-kheo thuyết 向餘比丘說. Ngũ phần: ưng hướng chư tỳ-kheo hối quá 應向諸比丘悔過. Tăng kỳ: ưng dư tỳ-kheo biên hối quá 應餘比丘邊悔過. Thập tụng: ưng hướng dư tỳ-kheo thuyết thị tội 應向餘比丘說是罪. Căn bản: nghệ chư bí-xô sở các biệt cáo ngôn 詣諸苾芻所各別告言. Pali: paṭīdesetabbaṃ tena bhikkhunā.

[5] Căn bản: ư thôn lộ trung 於村路中, «ở đường trong thôn xóm.» Ngũ phần: «tại các con đường…» Tăng kỳ: «trong nhà bạch y…» Pali: antaragharaṃ paviṭṭhāya, «sau khi đã đi vào nhà trong;» và giải: nhà (gharam) ở đây cũng chỉ luôn đường xe đi, đường hẻm, đường chữ thập…»

[6] Pali, hatthato, từ tay (của tỳ-kheo-ni) thay vì để xuống đất mà nhận»; không nói đến yêu tố «trừ bịnh.»

[7] Ngũ phần, Căn bản: «trước các tỳ-kheo khác.»

[8] Tăng kỳ: Trưởng lão 長老. Ngũ phần: Chư Đại đức 諸大德. Pali: āvuso, từ hô khởi, số nhiều. Vì sám hối trước nhiều tỳ-kheo, chứ không phải một như ba-dật-đề.

[9] Tức Ba-la-đề-đề-xá-ni pháp 波羅提提舍尼法, dịch là Hối quá pháp 悔過法 Pali: pāṭidesanīya dhamma (Skt. pratideśanīya dharma). Tăng kỳ (T22n1425, tr.396c25): «Ba-la-đề-đề-xá-ni, vì tội này hướng đến người (tỳ-kheo) mà phát lồ, không che dấu

[10] Tăng kỳ: đề-xá-ni 3.

[11] Ngũ phần, Thập tụng: có thí chủ thỉnh thực hai bộ tăng.

[12] Tăng kỳ: đề-xá-ni 4.

[13] Kiến đế 見諦 : đã thấy bốn Thánh đế, chứng đắc Tu-đà-hoàn. Ngũ phần: Trưởng giả Cù-sư-la 瞿師羅 tin ưa Phật pháp, thấy pháp, đắc quả. Tăng kỳ: Đại thần Tỳ-xà bố thí thái quá, gia sản khánh tận. Tăng tác yết-ma học gia. Thập tụng: tượng sư Thủ-la, thấy Bốn đế, đắc Sơ đạo. Căn bản: trưởng giả Sư Tử, đắc Sơ quả.

[14] Học gia 學家. Thập tụng: chỉ gia đình đã đắc Sơ quả. Pali: sekkhasammatāni kulāni, những gia đình đã được xác nhậnhữu học; giải thích: đó là gia đình tăng trưởng với tín, nhưng tổn giảm với tài sản.

[15] Tăng kỳ: đề-xá-ni 1.

[16] Xá-di thành trung chư phụ nữ 舍夷城中諸婦女. Xá-di, chỉ các Thích nữ (Xem Tứ phần đoạn sau, phần ba, Ch. xiv, T22, tr. 922c8). Ngũ phần, Thập tụng: chư Thích phụ nữ 諸釋婦女. Căn bản: Thích ca nữ 釋迦女. Pali: Sākiyāniyo.

[17] Câu-lê chư nữ nhân 俱梨諸女人. Không rõ. Ngũ phần: chư nô 諸奴. Pali: sākiyadāsakā, những người nô lệ của họ Thích.

[18] Pali: tena kho pana samayena sākiyadāsakā avaruddhā honti, vào lúc đó, các nô lệ của dòng họ Sakka nổi loạn. Ngũ phần: các nô lệ của dòng họ Thích đón đường các Thích nữ để cướp.

[19] Pali: Các tỳ-kheo biết có giặc chặn đường, nhưng không báo cho các phụ nữ họ Thích biết để đừng đi.

[20] Vì bọn cướp ẩn núp trong phạm vi Tăng-già-lam nên tỳ-kheo phải ra khỏi phạm vi ấy mà nhận thức ăn.

[21] Pali: pubbe appaṭíaṃviditaṃ, không báo cho biết trước (rằng trong phạm vi Tăng già lam có giặc cướp).





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
25/06/2010(Xem: 36124)
01/11/2012(Xem: 42001)
Ăn thịt chó lâu lâu lại nổi lên như một vấn đề trọng đại của đất nước, kéo theo những cuộc biểu tình, phản đối làm đau đầu chính phủ. Và người ta đã xót xa, lên án những người hành hạ chó hay ăn thịt chó. Đặc biệt trong thế giới Tây Phương và Hoa Kỳ. Mới đây trong cuộc tranh luận với Bà Harris trên đài truyền hình ABC, Ô. Trump nói rằng di dân Haiti ở Tiểu Bang Ohio đã ăn thịt thú cưng (chó mèo) khiến gây phản ứng phẫn nộ, thậm chí dọa giết khiến cộng đồng ở đây vô cùng lo sợ. Thế nhưng theo sở cảnh sát Springfield, nguồn tin trên không có gì đáng tin cậy và không có chuyện thú cưng bị hại hay làm bị thương hay hành hạ bới người dân ở đây. Đấy người ta yêu thú vật như thế đó và sẵn sàng giết người, bạo động để bảo vệ thú vật.
Mới đây, 250 nhà hàng và quán ăn ở phố cổ Hà Nội đã ủng hộ việc không tiêu thụ thịt chó, mèo bằng cách dán các poster tại nhà hàng với thông điệp “Chó mèo là bạn, không phải là thức ăn. Chúng tôi không phục vụ thịt chó mèo tại đây”.
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.