- Mục Lục
- Lời Nói Đầu
- Quyển Thứ Nhất
- Quyển Thứ Hai
- Quyển Thứ Ba
- Quyển Thứ Tư
- Quyển Thứ Năm
- Quyển Thứ Sáu
- Quyển Thứ Bảy
- Quyển Thứ Tám
- Quyển Thứ Chín
- Quyển Thứ Mười
- Quyển Thứ Mười Một
- Quyển Thứ Mười Hai
- Quyển Thứ Mười Ba
- Quyển Thứ Mười Bốn
- Quyển Thứ Mười Lăm
- Quyển Thứ Mười Sáu
- Quyển Thứ Mười Bảy
- Quyển Thứ Mười Tám
- Quyển Thứ Mười Chín
- Quyển Thứ Hai Mươi
- Quyển Thứ Hai Mươi Mốt
- Quyển Thứ Hai Mươi Hai
- Quyển Thứ Hai Mươi Ba
- Quyển Thứ Hai Mươi Bốn
- Quyển Thứ Hai Mươi Lăm
- Quyển Thứ Hai Mươi Sáu
- Quyển Thứ Hai Mươi Bảy
- Quyển Thứ Hai Mươi Tám
- Quyển Thứ Hai Mươi Chín
- Quyển Thứ Ba Mươi
- Quyển Thứ Ba Mươi Mốt
- Quyển Thứ Ba Mươi Hai
- Quyển Thứ Ba Mươi Ba
- Quyển Thứ Ba Mươi Bốn
- Quyển Thứ Ba Mươi Lăm
- Quyển Thứ Ba Mươi Sáu
- Quyển Thứ Ba Mươi Bảy
- Quyển Thứ Ba Mươi Tám
- Quyển Thứ Ba Mươi Chín
- Quyển Thứ Bốn Mươi
Đại Tạng Số
1425
LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Hán dịch: Tam Tạng Phật Đà La người Thiên Trúc cùng
Sa môn Pháp Hiển, đời Đông Tấn, Trung Quốc
Việt dịch: Thích Phước Sơn - Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh
Sài Gòn, Việt
Quyển Thứ Mười Chín
[376c]NÓI RÕ PHẦN THỨ TÁM CỦA 92 PHÁP ĐƠN ĐỀ.
57. GIỚI: CHE GIẤU
TỘI TỈ-KHEO KHÁC.
Khi Phật an trú tại
thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Lúc bấy giờ, Ưu Ba Nan Đà nói với người đệ tử
tùy tùng của Nan Đà anh mình như sau:
- Này tên kia, ngươi
hãy cùng ta vào xóm làng, đến một nhà kia, họ sẽ cúng dường ẩm thực cho ngươi.
Nếu ta có làm điều gì trái oai nghi tại đó, thì ngươi hãy che giấu, chớ nói cho
ai biết, vì ta là Thúc phụ của ngươi. Đồng thời ta cũng che giấu lỗi lầm cho
Hòa thượng của ngươi.
- Dù cho ông, cha hay
Hòa thượng của tôi có lỗi, tôi cũng không che giấu, huống gì là Thúc phụ.
Trưởng lão hãy tự che giấu lỗi lầm của Hòa thượng tôi, chứ tôi hoàn toàn không
thể che giấu lỗi lầm của trưởng lão.
Ưu Ba Nan Đà nghe trả
lời như thế, liền suy nghĩ: "Hôm nay ta sẽ làm cho ngươi đau khổ để biết
tay ". Thế rồi, hai người cùng vào thành, đến nhà một trưởng giả. Đàn Việt
trông thấy rất hoan hỉ, chào hỏi, rồi mời ở lại thọ trai. Ưu Ba Nan Đà lại suy
nghĩ: "Ta phải trông chừng mặt trời, khi nào gần đến giờ ngọ, ta sẽ sai
hắn trở về tinh xá để cho không kịp bữa ăn của chúng đồng thời cũng mất bữa ăn
ở đây, lui tới đều mất bữa ăn, cho hắn thấm nỗi khổ đau". Suy nghĩ thế
rồi, khi gần đến giờ ngọ, thầy bèn bảo ông kia trở về lại tinh xá. Vì sợ mất
bữa ăn cho nên ông ta vừa ngó chừng mặt trời vừa đi vội vã trở về tinh xá. Thế
nhưng, lúc ấy Tăng chúng vừa ăn xong, ra ngoài cổng tinh xá, đang ung dung đi
kinh hành. Từ xa, họ trông thấy ông ta miệng mồm khô rốc có vẻ như chưa ăn, họ
liền nói đùa:
- Sáng nay ngươi đi
theo Tỉ kheo giáo hóa vào thành, có được những thức ăn gì ngon chăng?
- Chỉ bị khổ não chứ
nào có thức ăn gì đâu.
Các Tỉ kheo nghe thế,
liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi Ưu Ba Nan Đà đến.
Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi đầy đủ sự kiện trên:
- Ông có việc đó thật
chăng?
- Có thật như vậy, bạch
Thế Tôn.
- Đó là việc ác, phi
pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp
được. Từ nay về sau, nếu biết Tỉ-kheo có tội thô ác, thì không được che giấu.
Thế rồi, Phật truyền
lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười
lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- Nếu Tỉ kheo biết
Tỉ kheo khác phạm Thô tội mà che giấu, thì phạm Ba dạ đề.
Giải thích:
[377a] Tỉ kheo:
Như trên đã nói.
Biết: Hoặc tự biết, hoặc nhờ nghe người nói
mà biết.
Thô tội: Như bốn Ba la di, mười ba Tăng già bà thi sa; đó gọi là
Thô tội.
Che giấu: Không muốn cho người khác biết.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Khi Tỉ kheo thấy người
khác phạm tội thô ác thì không được che giấu, nếu che giấu thì phạm tội Ba dạ
đề. Trường hợp Này cần phải nói với người khác. Nhưng khi nói, không phải nói
với bất cứ ai mà phải nói với Tỉ kheo tốt, hoặc nói với đồng Hòa thượng, A xà
lê. Nếu Tỉ kheo phạm tội kia hung bạo, hoặc dựa vào thế lực của vua, của đại thần,
của kẻ hung ác khiến họ có thể sát hại hay hủy hoại phạm hạnh của mình, thì
mình nên suy nghĩ: "Ông ta gây nên tội lỗi chắc chắn sẽ chuốc lấy quả báo,
ông ta phải tự biết việc ấy. Ví như khi bị hỏa hoạn, ta chỉ nên tự cứu lấy
mình, cần gì phải biết đến việc khác". Thế rồi, khi ấy lo giữ gìn tánh
mạng mình thì được xem là không có tội.
Nếu Tỉ kheo biết Tỉ
kheo khác phạm bốn Ba la di, mười ba tăng già bà thi sa, mà tất cả đều che giấu
thì phạm Ba dạ đề.
Nếu biết người khác
phạm ba mươi Ni tát lì, chín mươi hai Ba dạ đề, mà tất cả đều che giấu thì phạm
tội Việt tì ni.
Nếu biết người khác
phạm bốn Ba la đề đề xá ni, chúng học pháp, mà tất cả đều che giấu thì phạm tội
Việt tì ni tâm niệm sám hối.
Nếu biết Tỉ kheo ni
phạm tám Ba la di, mười chín Tăng già bà thi sa mà tất cả đều che giấu, thì
phạm Thâu lan giá.
Nếu biết Tỉ kheo ni
phạm ba mươi Ni tát kì, một trăm bốn mươi mốt Ba dạ đề mà tất cả đều che giấu,
thì phạm tội Việt tì ni.
Nếu biết Tỉ kheo ni
phạm tám Ba la đề đề xá ni, chúng học pháp, mà tất cả đều che giấu thì phạm tội
Việt tì ni tâm niệm sám hối.
Nếu biết Thức xoa ma ni
phạm mười tám hành pháp mà cho họ thọ học trở lại hoặc tất cả đều che giấu, thì
phạm tội Việt tì ni.
Nếu biết Sa di, Sa di
ni phạm mười giới, mà tất cả đều che giấu, hoặc cho họ xuất gia trở lại, thì
phạm tội Việt tì ni.
Sau cùng, cho đến biết
người thế tục phạm năm giới, mà tất cả đều che giấu, thì phạm tội Việt tì ni
tâm niệm sám hối. Thế nên nói:
"Nước có trùng,
không y
Ngồi chỗ dâm, chỗ khuất.
Xem quân trận, ba hôm
Đánh người và dọa đánh
Hết Bạt cừ thứ sáu."
Khi Phật an trú tại
thành Tỳ Xá li nói rộng như trên. Lúc bấy giờ, có người mặc giáp, mang cung tên
đi vào tinh xá, rồi cởi giáp bỏ cung, ngồi nghỉ dưới gốc cây. Khi ấy, tại vũng
đất cát trước sân tinh xá có đàn bồ câu đang ăn uống vui đùa. Tôn giả Ưu Đà Di
thấy thế, liền nói (với người ấy):
- Các hạ (trường thọ),
cho tôi mượn cung tên để tôi bắn thử một phát xem.
- [377b] Được thôi.
Ưu Đà Di liền lấy cung
và năm mũi tên, lắp tên vào, bắn năm phát, hạ năm con bồ câu, đoạn nhổ hết
lông, ghim chúng vào khúc cây, đem đến trao cho Thế Tôn, nói:
- Bạch Thế Tôn, đây là
thịt chim.
- Ở đâu mà có vậy?
- Bạch Thế Tôn, có
người mặc giáp, mang cung tên, đến trước sân tinh xá, rồi ngồi nghỉ dưới gốc
cây, con mượn cung tên ông ta để bắn thử mấy con chim, vì trước kia con đã từng
tập bắn nên bắn không trật.
- Này kẻ ngu si, đó là
việc ác, lẽ ra phải bỏ sớm, lại còn bảo là trước kia đã từng tập bắn nên bắn
trúng. Ông không từng nghe Ta dùng vô lượng phương tiện chê trách sự sát sinh,
khen ngợi không sát sinh hay sao mà nay còn làm việc ác bất thiện như vậy. Đó
là việc phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn
thiện pháp được.
Các Tỉ kheo liền bạch
với Phật:
- Bạch Thế Tôn, lẽ ra
nên khởi từ tâm cứu hộ chúng sanh, thế mà vì sao Ưu Đà Di lại cướp lấy mạng
sống của chúng mà không có lòng từ bi?
- Không những ngày nay
ông ta không khởi từ tâm mà trong thời quá khứ cũng đã từng như vậy, như trong
kinh Bổn Sinh Thích đề hoàn nhân đã nói rõ.
Thế rồi, Phật truyền
lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại Tỳ Xá li phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi
ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- Nếu Tỉ kheo cố ý
cướp đoạt sinh mạng của súc sinh thì phạm Ba dạ đề.
Giải thích:
Tỉ kheo: Như trên đã nói.
Cố ý: Trước tiên tạo ra phương tiện.
Cướp đoạt sinh
mạng của súc sinh:
Hoặc là Thân, Thân phần, Thân phương tiện.
Thân: chỉ cho toàn thân. Nếu giẫm đạp trên
thân của chúng sanh, hoặc lôi kéo, đè xuống muốn cho chúng chết mà chúng chết thật,
thì phạm Ba dạ đề.
Thân phần: Vì muốn sát hại chúng sanh nên dùng một trong các thứ:
hoặc chân, hoặc tay, hoặc đầu gối, hoặc cùi chỏ, hoặc răng, hoặc móng tay ...
để giết thì gọi là thân phần.
Thân phương tiện: Nếu dùng tay cầm các thứ như cây, gậy, gạch, đá... đến đánh,
hoặc đứng từ xa ném, muốn cho chúng chết mà chúng chết thật, thì phạm Ba dạ đề.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Hoặc Tỉ kheo muốn sát
hại sinh mạng của súc sinh bằng các thứ như: dao, thuốc, thoa, cho mửa, cho ỉa,
làm đọa thai...
1. Đao: Các loại dao lớn nhỏ cho đến một tấc sắt, nếu Tỉ kheo có
tâm sát hại thì khi cầm dao phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám hối; đụng đến thân
thể chúng, phạm tội Việt tì ni; chúng chết, phạm Ba dạ đề. Đó gọi là dao.
2. Thuốc: Có ba loại là: sanh, hợp và độc.
- Sanh: Như ở đất nước
Ni lâu, đất nước Uất xà ni có loại cỏ độc tên là Ca la; đó gọi là sinh.
- Hợp: Như thợ săn
dùng các thứ rễ cộng, lá hoa, trái, các loại cỏ trộn lại bào chế thành thuốc;
đó gọi là hợp.
- Độc: Chất độc của
rắn, chất độc của chuột, của chó sói, của mèo, của chó, của gấu, của báo, của
người v.v... các thứ như vậy gọi là độc.
Hoặc sinh, hoặc hợp,
hoặc độc, [377c] tất cả các thứ như vậy gọi là thuốc.
Nếu Tỉ kheo khởi tâm
sát hại muốn giết súc sinh, thì khi chế thuốc phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám
hối; khi thuốc chạm vào thân chúng phạm tội Việt tì ni; nếu chúng chết thì phạm
Ba dạ đề. Đó gọi là thuốc.
3. Thoa: Nếu Tỉ kheo khởi tâm sát hại muốn dùng thuốc bôi vào
thân súc sinh, khi bôi nghĩ rằng: "Ta bôi vào đầu, chân, mình để cho nó
chết khô", thì khi cầm thuốc phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám hối; khi
chạm vào thân nó phạm tội Việt tì ni; nếu vì thế mà nó chết thì phạm Ba dạ đề.
Đó gọi là thoa.
4. Mửa: Nếu Tỉ kheo khởi tâm sát hại, bào chế thuốc định làm cho
súc sinh mửa cả máu mủ ruột gan ra mà chết, thì khi chế thuốc phạm tội Việt tì
ni tâm niệm sám hối; khi thuốc chạm vào thân nó, phạm tội Việt tì ni; nhân đó
mà nó chết, thì phạm Ba dạ đề. Đó gọi là mửa.
5. Ỉa (đại tiện): Nếu Tỉ kheo khởi tâm sát hại, bào chế thuốc đại tiện, muốn
làm cho súc sinh đại tiện cả máu mủ ruột gan ra mà chết, thì khi chế thuốc phạm
tội Việt tì ni tâm niệm sám hối; khi thuốc chạm vào thân nó, phạm tội Việt tì
ni; do đó mà nó chết, thì phạm Ba dạ đề.
6. Làm đọa thai: Nếu Tỉ kheo khởi tâm sát hại, muốn làm đọa thai súc
sinh, thì khi tạo phương tiện, phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám hối; khi chạm
thuốc vào thân nó, phạm tội Việt tì ni; định giết mẹ mà chỉ làm đọa thai, thì
phạm tôi Việt tì ni; định làm đọa thai mà mẹ chết, thì phạm tội Việt tì ni;
định giết mẹ mà mẹ chết, thì phạm Ba dạ đề; định giết thai mà thai chết, cũng
phạm Ba dạ đề. Nhưng nếu súc sinh mang thai người, thì phạm tội Việt tì ni. Đó gọi
là làm đọa thai.
* Lại có các trường
hợp: Đi theo hàng, dùng chú Tì đà la, dùng mạt vụn, giăng lưới, gài bẫy, đào
hầm sập, đường đi, sông.
1. Đi theo hàng: có loài súc sinh đi từng hàng hoặc năm con, mười con,
hai mươi con, mà Tỉ kheo muốn giết con đầu lại giết nhầm con giữa, hoặc muốn
giết con giữa lại giết nhầm con sau, hoặc muốn giết con sau lại giết nhầm con
giữa, hoặc muốn giết con giữa lại giết nhầm con đầu, thì đều phạm tội Việt tì
ni. Nếu định giết con đầu mà con đầu chết, định giết con giữa mà con giữa chết,
định giết con sau mà con sau chết, thì đều phạm Ba dạ đề. Hoặc định giết bất cứ
con nào mà nó chết thì phạm Ba dạ đề. Đó gọi là đi theo hàng.
2. Dùng chú Tì đà
la: Nếu Tỉ kheo muốn giết súc sinh
bèn đọc chú Tì đà la, chú làm cho thây người chết đứng dậy, thì khi đọc chú
phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám hối; khi chúng kinh hãi lông dựng đứng lên thì
phạm tội Việt tì ni; nhân đó mà chúng chết, thì phạm Ba dạ đề. Đó gọi là dùng
chú Tì đà la.
3. Dùng mạt vụn: Nếu Tỉ kheo muốn sát hại súc sinh, bèn nghiền bột rắc lên
mình chúng định làm cho chúng chết khô, thì khi tạo phương tiện phạm tội Việt
tì ni tâm niệm sám hối; khi chạm thuốc vào mình chúng phạm tội Việt tì ni; nếu
nhân đó mà chúng chết thì phạm Ba dạ đề.
4. Giăng lưới: Nếu Tỉ kheo khởi tâm sát hại súc sinh, bèn giăng lưới
tại những nơi mà chúng thường đi, thường ăn, thường uống nước, thì khi giăng
lưới phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám hối; chạm đến thân chúng phạm tội Việt tì
ni. [378a] vì thế mà chúng chết phạm Ba dạ đề. Đó gọi là giăng lưới.
5. Gài bẫy: Nếu Tỉ kheo khởi tâm sát hại súc sinh bèn gài bẫy tại những
chỗ mà chúng thường đi, thường ăn và thường uống nước, thì khi gài bẫy phạm tội
Việt tì ni tâm niệm sám hối; chạm đến thân chúng, phạm tội Việt tì ni; vì thế mà
chúng chết, phạm Ba dạ đề. Đó gọi là gài bẫy.
6. Đào hầm: Nếu Tỉ kheo khởi tâm sát hại súc sinh bèn đào hầm tại những
nơi mà chúng thường đi, thường ăn và thường uống nước, thì khi đào hầm phạm tội
Việt tì ni tâm niệm sám hối; khi chúng rơi vào trong đó phạm tội Việt tì ni; vì
thế mà chúng chết, phạm Ba dạ đề. Đó gọi là đào hầm.
7. Đường đi: Nếu Tỉ kheo đang đi kinh hành trên đầu đường, thấy súc sinh
đến, liền suy nghĩ: "Giờ đây, ta sẽ làm cho không một mống nào thoát
chết", thế rồi khởi tâm sát hại xua chúng chạy đến chỗ sư tử, chỗ hổ báo,
chỗ đáng sợ, chỗ nhà vua săn bắn". Thì khi xua đuổi chúng, phạm tội Việt tì
ni tâm niệm sám hối; khi chúng phải chịu đau đớn, phạm tội Việt tì ni; vì thế
mà chúng chết, phạm tội Ba dạ đề. Đó gọi là đường đi.
8. Sông: Nếu chùa ở gần bên sông, Tỉ kheo đang đi kinh hành trên
bờ sông, trông thấy súc sinh đi đến, liền suy nghĩ: "Giờ đây ta sẽ làm cho
những con vật này không một con nào sống sót", thế rồi khởi tâm sát hại
xua chúng đến chỗ không an toàn, chỗ bờ dốc có nước xoáy, chỗ thi Thâu ma la
(?) đi qua, chỗ có sư tử hổ báo và chỗ nhà vua săn bắn; thì khi xua đuổi phạm
tội Việt tì ni tâm niệm sám hối; khi chúng phải chịu đau đớn, phạm tội Việt tì
ni; vì thế mà chúng chết, phạm Ba dạ đề. Đó gọi là sông.
Khi một Tỉ kheo khởi
tâm sát hại cầm dao thì phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám hối; khi chúng chịu
đau đớn thì phạm tội Việt tì ni; vì thế mà chúng chết thì phạm Ba dạ đề. Nếu
hai Tỉ kheo, nhiều Tỉ kheo thì cũng như vậy.
Nếu Tỉ kheo vì muốn sát
hại súc sinh, rồi đưa dao cho một người, hai người hay nhiều người khiến họ đi
sát hại, thì cũng như vậy. Nếu người được sai lại sai chuyền người khác, cho
đến nhiều người, thì khi đưa dao, phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám hối; khi
chúng chịu đau đớn phạm tội Việt tì ni; vì thế mà chúng chết, phạm Ba dạ đề.
Các trường hợp thuốc,
độc, thoa, mửa, ỉa, làm đọa thai, thì cũng như trường hợp dao đã nói rõ.
Nếu Tỉ kheo sát hại
sinh mạng của súc sinh mà hội đủ năm yếu tố sau thì phạm Ba dạ đề. Đó là: 1.
Súc sinh; 2. Tưởng đó là súc sinh; 3. Có tâm sát hại; 4. Khởi thân nghiệp; 5. Mạng
sống kết thúc. Đó gọi là năm yếu tố. Thế nên nói (như trên).
Khi Phật an trú tại
thành Xá Vệ nói rọâng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ kheo muốn cho nhóm mười sáu
Tỉ kheo trẻ sinh nghi ngờ hối hận liền nói như sau: "Đức Thế Tôn chế giới người
đủ hai mươi tuổi mới cho thọ giới Cụ túc, các ngươi chưa đủ hai mươi tuổi mà
thọ Cụ túc [378b] như thế không thể gọi là Thọ Cụ túc". Họ nghe nói thế
liền khóc rống lên. Phật nghe tiếng khóc, biết mà vẫn hỏi (các Tỉ kheo):
- Đó là tiếng khóc của
trẻ con nào thế?
- Bạch Thế Tôn, nhóm
sáu Tỉ kheo vì muốn cho nhóm mười sáu Tỉ kheo trẻ sinh nghi ngờ hối hận nên nói
như sau: "Đức Thế Tôn chế giới người đủ hai mươi tuổi mới cho thọ Cụ túc,
các ngươi chưa đủ hai mươi tuổi mà thọ Cụ túc, thế là chẳng phải thọ Cụ
túc". Vì họ nghe nói thế nên mới khóc lóc.
- Đi gọi nhóm sáu Tỉ
kheo đến.
Khi họ đến rồi, Phật
liền hỏi đầy đủ sự việc kể trên:
- Các ông có việc đó
chăng?
- Có thật như vậy, bạch
Thế Tôn.
- Vì sao như thế?
- Chúng con đùa cho vui
vậy mà.
- Này những kẻ ngu si!
Đó là việc ác, làm não loạn người phạm hạnh mà bảo là đùa cho vui. Các ông chớ
khinh thường bọn họ. Nếu họ nhập định thì họ có thể dùng sức thần túc xách các
ông ném vào một thế giới khác cho xem. Đó là việc phi pháp, phi luật, trái lời
Ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được. Từ nay về sau, Ta
không cho phép làm cho Tỉ kheo khác nghi ngờ, hối hận.
Thế rồi, Phật truyền
lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười
lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- Nếu Tỉ kheo cố ý
làm cho Tỉ kheo khác nghi ngờ, hối hận, không vui trong giây lát, thì phạm Ba
dạ đề.
Giải thích:
Tỉ kheo: Như trên đã nói.
Cố ý: Trước hết tạo ra phương tiện.
Nghi ngờ hối hận: Gồm có bảy việc: 1. Sinh; 2. Yết ma; 3. Hình tướng; 4.
Bệnh; 5. Tội; 6. Mạ lỵ; 7. Kiết sử.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
1. Sinh: Nói như sau: "Trưởng lão, đức Thế Tôn chế giới tuổi
đủ hai mươi mới cho thọ giới Cụ túc, ông chưa đủ hai mươi mà thọ Cụ túc, như
thế là không thành thọ Cụ túc". Nói như thế là nhằm làm cho người kia sinh
nghi, thì dù người ấy có nghi hay không nghi, đều phạm Ba dạ đề. Đó gọi là sinh.
2. Yết ma: Nói như sau: "Trưởng lão, đức Thế Tôn chế giới một
lần bạch ba lần yết ma, không có người ngăn cản yết ma (thì yết ma mới thành
tựu); thế mà ông bạch không thành tựu, yết ma không thành tựu, chúng Tăng không
thành tựu, tất cả đều không thành tựu; như vậy là chẳng phải thọ Cụ túc, không thể
gọi là thọ Cụ túc". Nói như vậy là nhằm làm cho người kia sinh nghi ngờ
hối hận, thì dù người ấy có nghi ngờ hối hận hay không, đều phạm Ba dạ đề. Đó
gọi là Yết ma.
3. Hình tướng: Nói như sau: "Trưởng lão, đức Thế Tôn chế giới thân
thể hoàn toàn, mới cho thọ Cụ túc; thế nhưng ông lưng cong, đi lệch đệch, mắt
quáng gà, chân quẹo, đầu ngoẹo, răng khểnh, thân thể không đầy đủ mà thọ Cụ
túc, như vậy không thể gọi là thọ Cụ túc". Nói như vậy là nhằm làm cho
người ấy nghi ngờ hối hận, thì dù người ấy có nghi ngờ hối hận hay không đều
phạm Ba dạ đề. Đó gọi là hình tướng.
4. Bệnh: Nói như sau: "Trưởng lão, đức Thế Tôn chế giới
[378c] người không bệnh mới cho thọ Cụ túc; thế nhưng ông bị bệnh ghẻ lở, hoàng
đãng, ung thư, bệnh trĩ, bị các bệnh như thế mà thọ Cụ túc, thì không thể gọi
là thọ Cụ túc". Nói như thế là nhằm làm cho người ấy nghi ngờ hối hận, thì
dù họ có nghi ngờ hối hận hay không, đều phạm Ba dạ đề. Đó gọi là bệnh.
5. Tội: Nói như sau: "Trưởng lão, đức Thế Tôn chế giới
người thanh tịnh mới cho thọ Cụ túc, thế nhưng ông phạm tội Ba la di, Tăng già
bà thi sa, Ba dạ đề, Ba la đề đề xá ni, Việt tì ni mà thọ Cụ túc thì không thể
gọi là thọ Cụ túc". Nói như thế là nhằm làm cho người ấy nghi ngờ hối hận,
thù dù họ có nghi ngờ hối hận hay không đều phạm Ba dạ đề. Đó gọi là tội.
6. Mạ lỵ: Nói như sau: "Trưởng lão, đức Thế Tôn chế giới
người hoan hỉ mới cho thọ Cụ túc, thế nhưng, ông không hoan hỉ, giận dữ hay
chửi mắng mà thọ Cụ túc, thì không thể gọi là thọ Cụ túc". Khi nói như vậy
là nhằm làm cho người ấy nghi ngờ hối hận, thì dù họ có nghi ngờ hối hận hay
không, đều phạm Ba dạ đề. Đó gọi là mạ lỵ.
7. Kiết sử: Nói như sau: "Trưởng lão, đức Thế Tôn chế giới
người thông minh trí tuệ mới cho thọ Cụ túc, thế nhưng ông ngu si vô trí, giống
như cục đất, như sừng dê, chim đỗ quyên, chim hồng hộc, mà thọ Cụ túc, thì
không thể gọi là thọ Cụ túc". Nói như thế là nhằm làm cho người ấy nghi
ngờ hối hận, thì dù họ có nghi ngờ hối hận hay không, đều phạm Ba dạ đề. Đó gọi
là kiết sử.
Nếu có người đến muốn
xin thọ Cụ túc mà đủ hai mươi tuổi, thì nên cho thọ Cụ túc. Nếu chưa đủ, thì
nên nói: "Ông hãy đợi đủ hai mươi tuổi đã". Nếu ông ta thọ Cụ túc một
chỗ khác thì không nên nói khiến ông nghi ngờ hối hận, nếu nói thì phạm tội
Việt tì ni.
Nếu Tỉ kheo (thấy người
khác) lúc thọ Cụ túc mà làm yết ma không thành tựu, thì nên đưa tay lên nói:
"Trưởng lão, phép yết ma của thầy không thành tựu". Nếu khi ấy không
nói, thì sau đó không được nói để cho họ sinh nghi ngờ hối hận. Nếu nói:
"Khi ông thọ Cụ túc, tác bạch không thành tựu, yết ma không thành tựu,
Tăng không thành tựu", thì phạm tội Việt tì ni.
Nếu có người mắt quáng
gà, lưng còng, chân đi khập khiễng, thân thể không hoàn toàn mà đến xin thọ Cụ
túc, thì nên bảo: "Hãy đợi đã". Nếu họ thọ Cụ túc từ chỗ khác rồi
đến, thì không được nói khiến họ sinh nghi ngờ hối hận. Nếu nói thì phạm tội
Việt tì ni.
Nếu người bệnh đến xin
thọ Cụ túc thì nên nói: "Hãy đợi đã". Nếu họ đã thọ Cụ túc từ nơi
khác rồi đến thì không được nói khiến cho họ nghi ngờ hối hận. Nếu nói thì phạm
tội Việt tì ni.
Nếu làm cho Tỉ kheo
nghi ngờ hối hận, thì phạm Ba dạ đề.
(Nếu làm cho) Tỉ kheo
ni (nghi ngờ hối hận) thì phạm Thâu lan giá.
(Nếu làm cho) Thức xoa
ma ni, Sa di, Sa di ni (nghi ngờ hối hận), thì phạm tội Việt tì ni.
(Nếu làm cho) người thế
tục (nghi ngờ hối hận), thì phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám hối.
[379a] Thế nên nói (như
trên).
Khi Phật an trú tại
thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, nhóm sáu Tỉ kheo thường thường thay y,
trước bữa ăn mặc chiếc khác, sau bữa ăn lại mặc chiếc khác. Phật biết nhưng vẫn
hỏi:
- Đó là những y nào vậy?
- Đó là y tịnh thí của
con.
- Vì sao y đã tịnh thí
cho người ta mà không xả, còn làm thành ba y để sử dụng? Từ nay trở đi, Ta
không cho phép y tịnh thí không xả mà sử dụng.
Thế rồi, Phật truyền
lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười
lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- Nếu Tỉ kheo đã
cho y cho Tỉ kheo, Tỉ kheo ni, Thức xoa ma ni, Sa di, Sa di ni, sau đó không xả
mà sử dụng, thì phạm Ba dạ đề.
Giải thích:
Tỉ kheo: Như trên đã nói.
Cho: Đã tịnh thí cho năm loại người.
Không xả: Sau đó không xả bỏ.
Sử dụng: Nếu làm ba y để sử dụng, thì phạm Ba dạ đề.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Nếu Tỉ kheo có nhiều y
mà quên không nhớ thì nên lấy hết tất cả y ấy để dồn một chỗ, rồi nói như sau
để xả: "Những chiếc y Này tôi tịnh thí cho mỗ giáp, mỗ giáp sẽ để tôi tùy
ý sử dụng; nay tôi xả tất cả". Nhưng nếu là ba y thì phải xả riêng từng
cái, nói như sau: "Y Tăng già lê Này thuộc trong số ba y của tôi mà trước
đây tôi sử dụng, nay tôi xả nó. Y Tăng già lê Này (một cái khác) thuộc trong số
ba y của tôi, nay tôi sử dụng. Y Uất đa la tăng Này thuộc trong số ba y của tôi
trước đây tôi sử dụng, nay tôi xả nó. Y Uất đa la tăng Này (một cái khác) thuộc
trong số ba y của tôi, nay tôi sử dụng. Y An đà hội Này thuộc trong số ba y của
tôi, trước đây tôi sử dụng, nay tôi xả nó. Y An đà hội Này (một cái khác) thuộc
trong số ba y của tôi nay tôi sử dụng. Đây là ba y của tôi, tôi luôn giữ gìn,
ban đêm không rời chúng."
Ngoài ra những tấm vải
khác dài chừng hai khuỷu tay, rộng chừng một khuỷu tay trở lên đều phải tịnh
thí tất cả. Phép tịnh thí nên nói như sau: "Thưa trưởng lão, đây là y dư của
tôi, tôi xin tịnh thí cho mỗ giáp, mỗ giáp sẽ để tôi tùy ý sử dụng. Nếu gặp
những dịp như giặt, nhuộm, vá y thì tôi sẽ sử dụng". Khi dùng xong, tịnh
thí xong thì phải đem móc trên giá y, và hằng ngày thường phải ghi nhớ. Nếu
quên, thì phải bảo đệ tử đồng hành, đệ tử y chỉ: "Đây là ba y của ta,
ngươi phải giúp ta để ghi nhớ hằng ngày". Nếu không có đệ tử thì nên viết
chữ ở chéo y. Nếu tự thân đối diện tịnh thí mà không xả, lại sử dụng, thì phạm
Ba dạ đề. Nếu không đối diện mà tự nói tịnh thí, rồi không xả mà sử dụng, thì
phạm tội Việt tì ni. Nếu đối diện với người khác tịnh thí mà không xả, lại sử
dụng, [379b] thì phạm Ba dạ đề.
Lại nữa, (nếu có y dư)
đem tịnh thí cho người khác mà không xả, lại sử dụng, thì phạm Ba dạ đề. Nếu
không biết y (của mình) thì phạm tội Việt tì ni. Nếu không có ba y thì phạm tội
Việt tì ni. Lúc thì xả, lúc thì dùng, phạm tội Việt tì ni. Nếu không xả mà đem
làm ba y để sử dụng, thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu không xả mà đem dùng cho việc của
tháp, của Tăng rồi cho người khác, thì phạm tội Việt tì ni. Không nên đối diện
nói tịnh thí mà nên nói tịnh thí gián tiếp với người khác. Thế nên nói (như
trên).
Khi Phật an trú tại
thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, nhóm sáu Tỉ kheo, trước bữa ăn, lấy
Tăng già lê của người nọ, lấy bát của người kia đem giấu chỗ khác. Khi đến giờ
khất thực, vị Tỉ kheo nọ định vào thôn xóm bèn tìm Tăng già lê, thì không có.
Lại có một Tỉ kheo khác đi tìm bát cũng không có. Thầy Tỉ kheo mất y liền hỏi
các Tỉ kheo: "Các trưởng lão, ai lấy Tăng già lê của tôi đi đâu rồi?".
Người mất bát thì hỏi: "Ai lấy bát của tôi đi đâu rồi?". Lúc ấy, nhóm
sáu Tỉ kheo liền cười, nói: "Trưởng lão, Tăng già lam Này rộng lớn, thầy
hãy đi tìm xem". Thầy ấy liền đi tìm hồi lâu mà không có. Nhóm sáu Tỉ kheo
liền nói: "Trưởng lão, cho tôi một vật gì đi, tôi sẽ tìm giúp cho
ông". Nghe nói thế, thầy biết là ông ta đã lấy giấu. Sau khi ăn, họ lại
giấu tọa cụ và ống đựng kim. Khi ăn xong, các Tỉ kheo muốn vào trong rừng ngồi
thiền, đi tìm tọa cụ nhưng không có, bèn hỏi: "Trưởng lão, ai lấy tọa cụ
của tôi đi đâu rồi?". Lại có Tỉ kheo khác cũng hỏi: "Ai lấy ống đựng
kim của tôi đi đâu rồi?". Nhóm sáu Tỉ kheo bèn cười, nói: "Trưởng
lão, Tăng già lam Này rộng lớn, thầy hãy đi tìm khắp nơi xem". Thầy ấy
liền đi tìm hồi lâu mà không có. Nhóm sáu Tỉ kheo lại nói: "Ông cho tôi
một vật gì tôi sẽ tìm giúp cho ông". Nghe nói thế, thầy biết là họ đã lấy
giấu. Do đó, các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo
gọi nhóm sáu Tỉ kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi đầy đủ sự việc trên:
- Các ông có việc đó
thật chăng?
- Có thật như vậy, bạch
Thế Tôn.
- Tại sao như vậy?
- Để đùa cho vui vậy mà.
- Này những kẻ ngu si,
đó là việc ác, làm não loạn các bậc phạm hạnh mà bảo là đùa cho vui à? Đó là
việc phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn
Thiện pháp được. Từ nay về sau, Ta không cho phép vì vui đùa mà cất giấu y,
bát, tọa cụ, ống đựng kim của người khác.
Thế rồi, Phật truyền
lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười
lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- Nếu Tỉ kheo lấy
giấu y bát, tọa cụ, ống đựng kim của người khác, dù là để vui đùa, thì phạm Ba
dạ đề.
Giải thích:
Tỉ kheo: Như trên đã nói.
Y: Gồm có bảy loại.
Bát: Như bát bằng đất, bát bằng sắt, chúng
được chia thành ba loại: thượng, trung và hạ.
Tọa cụ: Như Thế Tôn đã cho phép dùng.
Ống đựng kim: Trong ống có kim.
[379c] Giấu:
Hoặc tự mình giấu, hoặc bảo người khác giấu, dù là để vui đùa, đều phạm Ba dạ
đề.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Trong ba y, nếu giấu
một y nào đó, thì phạm Ba dạ đề. Nếu giấu tăng kì chi và các y khác thì phạm
tội Việt tì ni.
Trong ba loại bát, nếu
giấu một cái nào đó, thì phạm Ba dạ đề. Nếu giấu bát nhỏ, hoặc đồ đựng khác,
thì phạm Việt tì ni.
Nếu giấu tọa cụ thì
phạm Ba dạ đề. Nếu giấu những vật trải ngồi khác, thì phạm tội Việt tì ni.
Trong trường hợp giấu
ống đựng kim mà có kim trong đó, thì phạm Ba dạ đề. Nếu không có kim, thì phạm
tội Việt tì ni. Nếu có kim, chỉ thì phạm Ba dạ đề. Nếu không có kim, chỉ thì phạm
tội Việt tì ni. Nếu có kim chỉ, nhưng mở chỉ ra lấy giấu thì phạm tội Việt tì
ni.
Nếu vì đùa vui mà giấu
y của Tỉ kheo thì phạm Ba dạ đề; giấu y của Tỉ kheo ni thì phạm Thâu lan giá;
giấu y của Thức xoa ma ni, Sa di, Sa di ni thì phạm tội Việt tì ni. Sau cùng, nếu
giấu y của người thế tục thì phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám hối. Thế nên nói
(như trên).
Khi Phật an trú tại
thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, nhóm sáu Tỉ kheo từ trong thiền phòng
đứng dậy đi đến một chỗ khuất đứng núp, rồi vểnh tai, nhăn mặt, trợn mắt, le lưỡi,
giả tiếng kêu âu âu nhát nhóm mười sáu Tỉ kheo trẻ. Nhóm mười sáu Tỉ kheo trẻ
nghe thế kinh hãi cất tiếng khóc thét lên. Phật biết nhưng vẫn hỏi (các Tỉ
kheo): "Đó là tiếng khóc của trẻ con nào thế?". Các Tỉ kheo bèn đem
sự việc trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền bảo đi gọi nhóm sáu Tỉ kheo
đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các ông có việc đó
thật chăng?
- Có thật như vậy, bạch
Thế Tôn.
- Vì sao như vậy?
- Vì muốn đùa cho vui.
- Này những kẻ ngu si,
đó là việc ác; làm não loạn bậc phạm hạnh mà bảo là đùa cho vui. Các ông chớ
khinh thường bọn họ. Nếu họ nhập thiền định thì họ có thể dùng thần lực xách
các ông ném vào một thế giới khác đấy. Đó là việc phi pháp, phi luật, trái lời
Ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.
Thế rồi, Phật truyền
lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười
lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- Nếu Tỉ kheo khủng
bố Tỉ kheo khác thì phạm Ba dạ đề.
Giải thích:
Tỉ kheo: Như trên đã nói.
Khủng bố: Nếu dùng sắc, thanh, hương, xúc (để khủng bố) thì phạm
Ba dạ đề.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
1. Sắc: Nếu đứng núp tại chỗ tối, vểnh tai, nhăn mặt, trợn mắt, le
lưỡi cho đến cong một ngón tay, kêu tiếng âu âu để hù nhát thì dù người kia có
sợ hay không sợ, đều phạm Ba dạ đề. Đó gọi là sắc (dùng tướng trạng)
2. Thanh: Nếu dùng các thứ tiếng như tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng
lừa, hoặc kêu một hơi dài, hoặc chợt kêu, chợt nín, cho đến [380a] kêu tiếng vo
ve để hù nhát, thì dù người kia có sợ hay không sợ đều phạm Ba dạ đề. Đó gọi là
thanh (dùng tiếng kêu).
3. Hương: Nếu nói: "Trưởng lão, trong đó có hơi của rắn, hơi
của Phú đơn na, hơi của bò cạp", dùng các hình thức như vậy nói để hù nhát
người kia, thì dù người ấy có sợ hay không sợ đều phạm Ba dạ đề. Đó gọi là
hương (hơi).
4. Xúc: Gồm có các thứ: nóng, lạnh, nhẹ, nặng, trơn, nhám.
- Nóng: Nếu dùng lửa
hoặc ánh nắng mặt trời hơ nóng y, bát, tô, ổ khóa rồi đem áp vào thân người
kia, nói như sau: "Trưởng lão, lửa cháy, lửa cháy", làm như vậy khiến
cho người kia sợ, thì dù họ có sợ hay không, đều phạm Ba dạ đề. Đó gọi là nóng.
- Lạnh: Nếu dùng quạt,
dùng y mà quạt, hoặc rưới nước, rồi nói: "Trưởng lão, mưa tuyết, mưa
tuyết", làm như vậy để hù nhát người kia, thì dù người ấy có sợ hay không,
đều phạm Ba dạ đề. Đó gọi là lạnh.
- Nặng: Nếu dùng gốc
cây nặng hoặc cán cờ đè lên người kia rồi nói như sau: "Trưởng lão, tường
ngã, tường ngã"; làm như vậy để khủng bố người kia, thì dù họ có sợ hay
không, đều phạm Ba dạ đề. Đó gọi là nặng.
- Nhẹ: Nếu dùng những
cái y mỏng nhẹ trùm lên người kia, nói như sau: "Trưởng lão, mây rơi, mây
rơi"; làm như vậy để khủng bố người kia, thì dù họ có sợ hay không đều phạm
Ba dạ đề. Đó gọi là nhẹ.
- Trơn: Nếu dùng cộng
hoa súng, cộng hoa Câu mâu đầu, cộng hoa tu kiền đề, hoặc cái then cửa chạm vào
thân người kia, rồi nói như sau: "Trưởng lão, con rắn, con rắn", để khủng
bố người ấy, thì dù họ có sợ hay không, đều phạm Ba dạ đề. Đó gọi là trơn.
- Nhám: Nếu dùng cộng
hoa ưu đầu ma, cộng hoa phân đà lợi chạm vào thân người kia, rồi nói như sau:
"Trưởng lão, đây là con rít", nhằm khủng bố người ấy, thì dù họ có sợ
hay không, đều phạm Ba dạ đề. Đó gọi là nhám.
Nếu khủng bố Tỉ kheo
thì phạm Ba dạ đề; khủng bố Tỉ kheo ni thì phạm Thâu lan giá; khủng bố Thức xoa
ma ni, Sa di, Sa di ni thì phạm tội Việt tì ni. Sau cùng, nếu khủng bố người thế
tục thì phạm tội Việt tì ni tâm niệm sám hối. Thế nên nói (như trên).
Khi Phật an trú tại
thành Xá Vệ, được chư thiên và người đời cúng dường rất nhiều phẩm vật. Bấy
giờ, trong thành Xá Vệ có hai chị em người kia, (một người) đang mang thai mà
chưa sinh, vì có lòng tin nên xuất gia tu hành. Các Tỉ kheo ni trông thấy tướng
bụng của cô như thế, liền đuổi đi, rồi đem sự kiện ấy đến bạch lên Thế Tôn.
Phật dạy rằng mang thai ở nhà thì không có tội. Thế rồi, Tỉ kheo ni Này sau đó
sinh một bé trai, bèn đặt tên là Đồng Tử Ca Diếp. Đến năm tám tuổi, cậu bé ấy
xuất gia tu hành, thành A la hán. Rồi ông cùng với nhóm mười sáu Tỉ kheo mỗi người
đều mang thau tắm ra sông A kì la xuống nước tắm. Họ nằm sấp, nằm ngửa, bơi
qua, bơi lại đùa giỡn [380b], tát nước mà tắm.
Khi ấy, vua Ba Tư Nặc
đang đứng trên lầu nhìn xem bốn phương, thấy sự việc như thế càng sinh bất tín,
vì lúc này vua chưa tin Phật pháp, liền nói với phu nhân Mạt lợi: "Hãy xem
phước điền mà ái khanh phụng sự kia kìa". Vì phu nhân thâm tín không nghi,
nên không ngoái đầu lại xem, liền đáp: "Tâu Đại vương, có lẽ là họ xuất
gia còn trẻ, mới thọ Cụ túc nên chưa am tường giới luật, hoặc là đức Thế Tôn
chưa chế giới ấy, nên mới như thế". Vua bèn nói với phu nhân: "Ví như
khi gia trưởng nói thì quyến thuộc phải nghe theo; khi Hòa thượng A xà lê nói
thì đệ tử nghe theo; khi Sa môn Cù đàm nói thì đệ tử đều đáp: "Như vậy đó Thế
Tôn, như vậy đó Thiện Thệ". Thế mà trẫm nói với khanh, khanh không ngoái
lại xem". Lúc ấy, tôn giả Đồng Tử Ca Diếp đang nhập vào mức chót của Thiền
thứ tư, dùng Thiên nhĩ nghe được tiếng nói của nhà vua, liền bảo các Tỉ kheo
bạn: "Các trưởng lão, vua đang sinh tâm bất tín và phu nhân Mạt Lợi thì
lòng không vui, giờ đây chúng ta hãy làm cho họ phát tâm hoan hỉ". Thế
rồi, tất cả đều nói: "Lành thay", rồi mỗi người đều dùng thau múc đầy
thau nước để trước mặt sắp hàng ngồi kiết già đi trên hư không ngang qua trên
điện của vua. Bấy giờ, phu nhân Mạt Lợi đang ngồi ngoài trời, thấy bóng của họ
chiếu xuống, liền ngước lên xem, trông thấy họ đang ngồi kiết già theo thứ tự, trước
mặt đều đặt thau nước tắm mà đi trên hư không, giống như đàn nhạn chúa, khiến
tâm bà rất hoan hỉ, liền tâu với vua: "Đại vương hãy xem, phước điền của
nhà thiếp thần đức như thế đó". Vua thấy thế rồi, lòng rất hoan hỉ, liền
nói: "Lành thay! Trẫm được Thiện lợi, mong Thế Tôn cùng các Tỉ kheo sống
suốt đời trong nước của trẫm, để làm phước điền tốt nhất".
Các Tỉ kheo vì trước đó
nghe vua nhạo báng, nên đem nhân duyên ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo
đi gọi nhóm mười sáu Tỉ kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi đầy đủ sự việc
trên:
- Các ông có việc đó
thật không?
- Có thật như vậy, bạch
Thế Tôn.
- Nay Ta phạt các
ngươi; nhân việc các ngươi Ta phải chế giới cho các Tỉ kheo.
Thế rồi, Phật truyền
lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười
lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- Nếu Tỉ kheo đùa
giỡn trong nước thì phạm Ba dạ đề.
Giải thích:
Tỉ kheo: Như trên đã nói.
Nước: Gồm có mười loại.
Đùa giỡn: Nếu nhảy, lội, bơi qua lại, lặn xuống, trồi lên, quạt
nước, tạt nước, xối nước thì phạm Ba dạ đề.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
- Nhảy: Vì đùa giỡn mà nhảy xuống nước thì phạm Ba-dạ-đề. Nhưng nếu
đi trên bờ mà bị ngã xuống nước, hay đi trên thuyền mà va nhằm cây đá trên bờ
[380c] bị rơi xuống nước thì không có tội. Đó gọi là nhảy.
- Lội: Nếu vì đùa giỡn mà lội nước thì phạm Ba dạ đề. Nhưng nếu
đang đi đường phải lội nước, hoặc kéo vật gì qua sông, hoặc có công việc của
Tăng, của tháp ở bên kia bờ nên phải thường qua lại để giải quyết, hoặc vì muốn
tập bơi (mà lội nước) thì không có tội.
- Bơi qua lại: Nếu vì đùa giỡn mà bơi qua lại dưới nước thì phạm Ba dạ
đề. Nhưng nếu vì để quên vật gì ở bên kia bờ mà phải bơi qua để lấy, thì không
có tội.
- Lặn xuống: Nếu vì đùa giớn mà lặn xuống nước thì phạm Ba dạ đề. Nhưng
nếu bát, tô chén, ống đựng kim, các vật khác bị rơi xuống nước nên phải lặn
xuống lấy, thì không có tội. Hoặc vì tắm rửa mà phải lặn trong nước, thì không
có tội.
- Trồi lên: Nếu vì đùa giớn mà xuống nước rồi trồi lên khỏi nước thì
phạm Ba dạ đề. Nhưng nếu lấy vật thì không có tội.
- Quạt nước: Nếu vì đùa giỡn mà quạt nước thì phạm Ba dạ đề. Nhưng nếu
nước ở trên mặt nóng, muốn lấy nước mát nên phải quạt nước ở trên để lấy nước ở
dưới, thì không có tội.
- Tạt nước: Nếu vì đùa giỡn mà tạt nước thì phạm Ba dạ đề. Nhưng nếu
trên mặt nước có lăng quăng nên phát, tạt nước để chúng lặn xuống mà lấy nước
không có trùng, thì không có tội.
- Xối nước: Nếu vì đùa giỡn mà lấy nươc từ dưới sông đổ lên bờ thì
phạm tội Việt tì ni. Hoặc đổ nước từ trên bờ xuống sông cũng phạm tội Việt tì
ni. Nhưng nếu lấy nước dưới sông đổ lại xuống sông thì phạm Ba dạ đề. Nếu lấy nước
từ trên đất đổ xuống đất, thì phạm tội Việt tì ni. Nếu Tỉ kheo bị cảm gió, lể
đầu lấy máu khiến bị hôn mê, hoặc bị bệnh nhiệt mà hôn mê nên phải dùng nước
lạnh rưới lên đầu thì không có tội. Nếu trên thức ăn của Tỉ kheo bị Sa di quấy
phá (viết bậy bạ), sợ người thế tục sinh tâm bất tín, nên thầy tri sự lấy nước
xối đi, thì không có tội. Đó gọi là xối nước.
Nếu khi tắm cho Hòa
thượng, A xà lê mà lấy nước vẽ trên lưng các ngài thì phạm tội Việt tì ni.
Nếu vì đùa giỡn mà viết
chữ trên bát, tô, chén dùng đựng thức ăn của Tỉ kheo thì phạm tội Việt tì ni.
Nếu khi rửa chân mà
dùng nước vẽ lên cây hay trên ang, trên thạp, thì cứ mỗi chỗ vẽ phạm mỗi tội
Việt tì ni.
Nếu dùng ngón tay búng
trong nước thành tiếng thì phạm tội Việt tì ni.
Nếu lấy nước vung lên
trên không rồi đưa tay hứng lấy, thì phạm tội Việt tì ni. Thế nên nói (như
trên).
Khi Phật an trú tại
thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, vào các ngày chay mồng tám, 14, 15, Tỉ
kheo đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ thăm hỏi. Lúc ấy, nhóm mười sáu Tỉ kheo
đang ngồi tại một chỗ cách Phật không xa, nên Tỉ kheo ni Ưu Bát La và Sa di ni
Chi Lê cũng đến đảnh lễ thăm hỏi họ. Thế rồi, vì tuổi trẻ thích vui nên các cô
lại ngồi gần chỗ các Tỉ kheo, nhưng do ngồi không ngay ngắn, các Tỉ kheo thấy
thế [381a] bèn chỉ chỏ nhau mà cười. Ngay khi ấy có một Bà la môn xấu xí lưng
gù, chân quẹo dẫn theo cô vợ trẻ, thấy các Tỉ kheo cười, liền suy nghĩ:
"Chắc là các Tỉ kheo Này thấy ta xấu xí mà dẫn theo một bà vợ đoan chánh
nên cười ta chớ gì!", bèn nổi giận, nói: "Các Sa môn Thích tử không
biết phép tắc nên dựa vào hình tướng mà cười ta". Các Tỉ kheo liền đáp:
"Chúng tôi không cười ông". Bà la môn nói: "Không phải thế,
chính là đang cười tôi". Nói thế xong, ông liền đi đến chỗ Phật, nói như
sau: "Kỳ thay Cù đàm, Sa môn Thích tử không biết phép tắc, thấy tôi xấu xí
mà dẫn theo một người vợ đoan chính nên dựa vào hình tướng mà cười tôi".
Phật bèn tùy thuận thuyết pháp cho ông Bà la môn, chỉ cho những điều lợi ích,
vui vẻ, khiến ông hoan hỉ mà ra đi. Khi ông đi rồi, Phật liền bảo gọi nhóm mười
sáu Tỉ kheo đến. Lúc họ tới, Phật bèn hỏi:
- Có người Bà la môn
rất xấu xí mà dẫn theo một người vợ đoan chính, các ông thấy thế nên cười họ
phải không?
- Bạch Thế Tôn, chúng
con không cười ông Bà la môn.
- Vậy thì các ông cười
ai?
- Bạch Thế Tôn, vào
ngày chay, Tỉ kheo ni Ưu Bát La và Sa di ni Chi lê đến chỗ chúng con, rồi ngồi
không đoan chính, chúng con thấy thế chỉ cho nhau xem, do thế mà cười vậy.
- Các cô Ni ngồi không
đoan chánh thì các ông phải dùng phương tiện làm cho họ đứng dậy, chứ sao lại
cười? Nay Ta phạt các ông; nhân việc Này mà ta chế giới cho các đệ tử.
Thế rồi, Phật truyền
lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười
lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- Nếu Tỉ kheo dùng
ngón tay chỉ chỏ nhau thì phạm Ba dạ đề.
Giải thích:
Tỉ kheo: Như trên đã nói.
Nếu dùng một ngón tay
chỉ thì phạm Ba dạ đề; cho đến dùng năm ngón mà chỉ thì cũng như vậy; hoặc dùng
tất cả ngón tay cũng phạm Ba dạ đề. Nếu dùng nắm tay chỉ thì phạm Thâu lan giá.
Nếu dùng khúc cây, cành tre chỉ thì phạm tội Việt tì ni. Nếu Tỉ kheo cãi lộn
rồi dùng tay chỉ nhau thì phạm Ba dạ đề.
Nếu Tỉ kheo trực nguyệt
(được phân công làm việc trong tháng), hoặc làm tri sự, sai người ta dọn cơm,
dùng ngón tay chỉ nói: "Mỗ giáp, hãy đi dọn cơm", thì phạm Ba dạ đề.
Nếu cầm cành tre hoặc khúc cây chỉ, thì phạm tội Việt tì ni; chỉ nên nói:
"Mỗ giáp, hãy đi dọn cơm."
Nếu Sa di nằm ngủ, muốn
gọi dậy, thì nên khảy móng tay mà gọi. Nếu không dậy, thì nên dùng ngón tay nắm
áo kéo cho thức dậy.
Nếu các Tỉ kheo ngồi
tại nhà thế tục, có Tỉ kheo ngớ ngẩn ngồi không ngay ngắn thì nên nói:
"Ông hãy ngồi cho ngay ngắn". Nếu ông ta không hay thì nên nói:
"Hãy sửa lại y phục ông cho ngay ngắn". Nếu cũng không hay nữa thì
nên bảo: "Này kẻ ngớ ngẩn hãy che kín thân thể của ông".
Nếu Tỉ kheo đến ngồi
tại tinh xá của Tỉ kheo ni, Tỉ kheo ni đảnh lễ chân Tỉ kheo, rồi ngồi trước Tỉ
kheo mà không ngay ngắn, [381b] thì không nên nhắc nhở làm cho họ hổ thẹn, mà
nên bày phương tiện bảo họ đứng dậy đi lấy vật gì.
Nếu Tỉ kheo ngồi tại
nhà đàn việt, phụ nữ đến đảnh lễ chân Tỉ kheo, rồi ngồi trước Tỉ kheo mà không
ngay ngắn, thì không nên nói làm cho họ xấu hổ, mà nên dùng phương tiện sai họ
đi lấy một vật gì.
Nếu dâm nữ đến bỡn cợt để thử thách Tỉ kheo nên ngồi không đoan chánh, thì không nên nói mà chỉ nên lánh đi. Thế nên nói (như trên).
65. GIỚI: HẸN ĐI CHUNG ĐƯỜNG VỚI NGƯỜI NỮ.
Khi Phật an trú tại Tì
xá li, nói rộng như trên. Bấy giờ, có một người kia, nhân bà vợ làm điều gì đó
phật ý ông nên ông nổi giận cực độ, đánh một trận, rồi bỏ đi. Bà vợ suy nghĩ:
"Ông ấy chưa nguôi giận, nếu đánh một trận nữa, e ta chết mất. Giờ đây ta
nên chạy trốn", liền chạy ra khỏi cửa, bỗng trông thấy một Tỉ kheo vừa
khất thực xong, định ra khỏi thành, bà liền hỏi:
- Thầy định đi đâu vậy?
- Đi ra khỏi thành.
- Con muốn đi theo thầy.
- Này chị, đây là con
đường của vua, hà tất phải hỏi.
Thế là cô ta bèn đi
theo sau thầy. Sau lúc đánh vợ, ông chồng suy nghĩ: "Vợ ta bị đòn, e rằng
cô ta chạy trốn chăng?", liền vào phòng tìm, thì không thấy vợ, bèn hỏi
người khác: "Bà ấy đi đâu rồi?". Họ đáp: "Vừa mới đi ra, theo
con đường Này Này". Ông liền đuổi theo sau, bỗng trông thấy bà đang theo
sau Tỉ kheo, nên nổi trận lôi đình, mắng rằng: "Kẻ Sa môn tệ ác, dám dụ dỗ
vợ ta đi", bèn tóm lấy Tỉ kheo đánh cho một trận nên thân, rồi dẫn lên chỗ
quan xử kiện, nói như sau: "Ông Tỉ kheo Này dụ dỗ vợ tôi theo". Viên
quan xử kiện nói: "Hãy đem bọn họ lại đây để ta hỏi rõ thực hư". Thế
rồi, ông liền hỏi Tỉ kheo: "Ông là người xuất gia vì sao lại dẫn vợ người
ta đi?"
- Không phải vậy.
- Thế thì vì sao bà ấy
đi theo?
- Tôi vừa khất thực
xong định ra khỏi thành, thì người đàn bà ấy hỏi tôi định đi đâu, tôi đáp:
"Định rời khỏi thành". Bà ta nói: "Con cũng muốn đi theo ra khỏi
thành". Tôi đáp: "Này chị, đây là con đường của vua, hà tất chị phải
hỏi". Sự thật là như vậy.
Viên quan xử kiện liền
bảo (quân lính): "Đem Tỉ kheo Này đi, gọi bà kia đến". Rồi ông hỏi:
"Ông Sa môn ấy bắt ngươi đi chăng?"
- Không phải vậy.
- Thế thì vì sao cùng
đi với nhau?
- Vì tôi bị chồng đánh,
mà ông ta chưa nguôi giận, tôi sợ ông đánh một lần nữa e sẽ vong mạng, cho nên
tôi bỏ chạy, bỗng thấy thầy Tỉ kheo, tôi liền hỏi: "Tôn giả đi đâu đó?".
Thầy đáp: "Tôi định ra khỏi thành". Tôi nói tôi muốn đi theo thầy,
thầy bảo: "Đây là con đường của vua, cần gì phải hỏi". Sự thật là như
vậy, chứ không phải ông ấy bắt tôi.
Viên quan liền bảo bà
ấy đi ra, rồi gọi Tỉ kheo vào hỏi: "Ông là người xuất gia, vì sao bắt vợ
người ta đi mà còn nói dối để mong được thoát tội? Vừa rồi người đàn bà ấy nói
[381c] rằng chính ông bắt đi, vì sao ông lại nói không?".
Thầy Tỉ kheo đáp:
"Không phải vậy". Viên quan liền hỏi lần nữa, thì thầy cũng đáp giống
y như lần đầu, nên ông bèn bảo Tỉ kheo đi ra, rồi gọi người đàn bà kia vào,
hỏi: "Người đàn bà tồi tệ đáng chết kia, bỏ chồng trốn chạy nói dối gạt
quan để mong được khỏi tội sao? Vừa rồi Tỉ kheo bảo là có bắt ngươi thật, vì
sao ngươi nói là không?". Đáp: "Quả thật không phải như vậy".
Quan hỏi như vậy ba lần mà lời đáp của bà ấy vẫn như lúc đầu; do thế, quan giữ
người phụ nữ ấy lại, rồi gọi Tỉ kheo đến để xét nghiệm tình trạng, quan sát sắc
diện hầu biết rõ thực hư, thì thấy lời đáp của thầy vẫn như lúc đầu. Quan lại
hỏi Tỉ kheo: "Bát của ông tại sao bị vỡ?".
- Vì bị vỡ.
- Y vì sao bị rách nát?
- Vì bị rách.
- Cùi chỏ đầu gối vì
sao bị xây xát?.
- Vì bị thương.
Bà vợ còn giận chồng
chưa nguôi, thương Tỉ kheo phải chịu khổ như vậy mà không tố cáo với quan, liền
nói rõ đầøu đuôi sự việc với quan. Quan nghe biết sự tình, cực kỳ tức giận, nói
với ông chồng: "Tên tội phạm tệ ác kia, ngươi tưởng rằng ngoài vua ra
không còn ai nữa sao?", liền truyền lệnh cho viên quan thuộc hạ giải quyết
việc của Tỉ kheo, cấp phát thuốc men và y bát cho thầy, rồi bắt ông chồng kia
hạ ngục, tịch thu tài sản sung vào quốc khố.
Các Tỉ kheo bèn đem sự việc
ấy bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ kheo: "Mong sao tất cả các
ông vua đều có được tín tâm như thế! Trường hợp Này không kỳ hẹn với người ta
mà còn bị tai họa như vậy, huống gì là hẹn hò cùng đi với nhau. Từ nay về sau
ta không cho phép Tỉ kheo hẹn hò cùng đi chung đường với phụ nữ". Thế rồi,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại Tì xá li phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
-- Nếu Tỉ kheo hẹn
hò cùng đi chung đường với phụ nữ, thậm chí đi trong phạm vi một xóm làng, thì
phạm Ba dạ đề.
Giải thích:
Tỉ kheo: Như trên đã nói.
Phụ nữ: Hoặc là mẹ, hoặc là chị, em, hoặc là người lớn, trẻ con,
hoặc tại gia, xuất gia.
Cùng hẹn hò: Hoặc hẹn hôm nay, hoặc ngày mai, nửa tháng, một tháng...
Đường: Hoặc ba do diên, hai do diên, một do
diên, nửa do diên; hoặc một Câu lô xá, nửa Câu lô xá, cho đến khoảng trong một xóm
làng, thì phạm Ba dạ đề.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Nếu Tỉ kheo hẹn hò cùng
đi chung đường với phụ nữ trải qua những khoảng cách mỗi xóm làng thì phạm các
tội Ba dạ đề. Nếu đi qua đi lại, thì mỗi lần đi phạm mỗi tội Ba dạ đề. Ngoài
ra, giống như trong phần Bạt cừ thứ ba thuộc 92 giới, cùng hẹn hò đi chung
đường với Tỉ kheo ni đã nói rõ. Ở đây chỉ khác nhau là đi với phụ nữ mà thôi.
Thế nên nói (như trên).
Khi Phật an trú tại
thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, tôn giả A na luật an cư mùa hạ tại núi
tháp vừa xong, trở về thành Xá Vệ để hầu thăm vấn an Thế Tôn. [382a] Trên đường
đi gặp lúc hoàng hôn nên thầy muốn vào thôn xóm để tìm chỗ nghỉ ngơi. Lúc ấy,
trong thôn có một bà mẹ dẫn một cô con gái định ra khỏi thôn đểà lấy nước, thì
gặp nhau giữa đường. Cô gái thấy Tỉ kheo diện mạo đoan chính, oai nghi tề
chỉnh, liền sinh dục tưởng. Thầy vào làng đi tìm chỗ nghỉ khắp nơi mà không
được, liền suy nghĩ: "Ta hãy ra ngoài thôn tìm một gốc cây mà nghỉ ",
bèn trở ra, thì gặp lại mẹ con bà kia. Khi ấy cô gái hỏi mẹ: "Vị Sa môn
Này đi đâu trong đêm tối vậy?".
Mẹ đáp: "Không
biết".
Cô gái nói: "Vậy
mẹ hãy hỏi thử xem".
Bà mẹ liền hỏi:
"Sa môn lầm lũi ra khỏi thôn trong đêm tối định đi đâu vậy?".
Đáp: "Tôi vào
trong thôn tìm chỗ nghỉ mà không được nên định trở ra nghỉ dưới gốc cây".
Cô gái liền bảo mẹ:
"Nên đem ông về nhà cho ông nghỉ tạm".
Bà mẹ liền nói:
"Sa môn hãy theo tôi về nhà tôi sẽ cho nghỉ nhờ qua đêm". Tỉ kheo bèn
theo bà về nhà, bà liền chỉ một căn phòng và nói: "Sa môn, ông có thể nghỉ
trong phòng Này". Thầy Tỉ kheo liền trải nệm cỏ, ngồi kiết già. Mẹ con bà
ăn xong bèn vào phòng ngủ. Tỉ kheo vì đi đường mệt nhọc nên nằm xuống nghỉ
ngơi. Cô gái chờ mẹ ngủ say bèn từ từ lén đến chỗ Tỉ kheo, nắm kéo nệm cỏ. Tỉ
kheo hay được bèn trở dậy ngồi ngay ngắn. Vì phụ nữ tính rụt rè nên cô ta liền
bỏ đi. Khi cô đi rồi, Tỉ kheo bèn nằm trở lại. Nhưng trong chốc lát, cô ta lại
đến. Như Thế Tôn đã dạy, có năm loại người ban đêm phần nhiều không ngủ được.
Năm hạng người đó là:
1. Phụ nữ khởi dục
tưởng, nhớ đến nam nhi, nên ban đêm phần nhiều không ngủ được;
2. Nam nhi khởi dục tưởng nhớ đến phụ nữ,
nên ban đêm phần nhiều không ngủ được;
3. Quân đạo tặc có tâm trộm cắp, nên ban đêm
phần nhiều không ngủ được;
4. Nhà vua lo nghĩ việc nước, nên ban đêm
phần nhiều không ngủ được;
5. Tỉ kheo tinh tấn tu tập đạo nghiệp, nên
ban đêm phần nhiều không ngủ được.
Cô gái này cũng không
ngủ được, liền lén đứng dậy đi đến kéo tấm nệm cỏ của Tỉ kheo. Tỉ kheo hay
được, liền trở dậy ngồi ngay ngắn cho đến sáng. Hôm sau, thầy liền đi đến chỗ
Phật. Từ xa trông thấy thầy, Phật biết mà vẫn hỏi: "Ai quấy nhiễu xúc phạm
ông mà mặt mày không vui thế?".
Thầy bèn đem sự việc
trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống
tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ
kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- Nếu Tỉ kheo ngủ
chung một nhà với phụ nữ thì phạm Ba dạ đề.
Giải thích:
(Một số từ ngữ trên đã
giải thích).
Nhà: Cùng có trên một mái che, trong một
vách tường.
Nghỉ: Nếu cùng nằm ngủ thì phạm Ba dạ đề.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Nếu cùng một phòng mà
có cửa riêng biệt thì không có tội. [382b] Nhưng nếu khác phòng mà không có
ngăn cách thì phạm Ba dạ đề. Cùng phòng, có cách biệt cũng phạm Ba dạ đề. Nếu cùng
phòng mà khác cửa thì không có tội. Trên có lợp và có tường bao quanh thì phạm
Ba dạ đề. Trên có lợp mà xung quanh che một nửa thì phạm tội Việt tì ni. Nếu
trên có lợp mà không có ngăn xung quanh thì không có tội. Nếu có ngăn xung
quanh và có che ở trên thì phạm Ba dạ đề. Nếu có ngăn xung quanh và trên che
một nửa thì phạm tội Việt tì ni. Nếu có ngăn xung quanh mà trên không che, thì
không có tội.
Nếu Tỉ kheo cùng với
phụ nữ ở trong ngôi nhà, thì phạm Ba dạ đề. Nếu Tỉ kheo ở trong nhà còn phụ nữ
nằm nửa thân trong nhà, thì phạm tội Việt tì ni. Nếu Tỉ kheo ở trong nhà, phụ
nữ ở ngoài nhà, thì không có tội.
Nếu phụ nữ cùng với Tỉ
kheo ở trong nhà, thì phạm Ba dạ đề. Nếu phụ nữ ở trong nhà, Tỉ kheo nằm nửa
thân mình ở trong nhà (nửa thân ở ngoài), thì phạm tội Việt tì ni. Nếu phụ nữ ở
trong nhà, Tỉ kheo ở ngoài nhà thì không có tội.
Nếu vào các ngày lễ
Phật đản sinh, ngày Phật thành đạo, ngày kỷ niệm Chuyển pháp luân, kỷ niệm La
vân, kỷ niệm A Nan, kỷ niệm Ban giá vu sắt (lễ hội bố thí bình đẳng), phải thuyết
pháp suốt đêm thì nên tổ chức ở ngoài trời. Nếu gặp trời mưa gió hoặc tuyết rơi
lạnh, thì nên vào trong nhà, ngồi ngay ngắn. Nếu vì già bệnh không thể ngồi
được thì nên dùng vật gì ngăn che ra. Nhưng khi ngăn che không nên dùng vật
thưa mỏng ngăn che từ vai nách trở xuống.
Nếu Tỉ kheo đang đi
đường, khi vào xóm làng để nghỉ, thì phải nghỉ trong phòng riêng có vách ngăn.
Nếu không có nhà phải nghỉ ngoài trời, rồi gặp mưa gió tuyết lạnh phải vào trong
nhà thì nên ngồi ngay ngắn. Nếu vì già bệnh ốm yếu không thể ngồi được thì nên
dùng vật gì ngăn cách ra. Nếu không ngăn cách mà có người nữ đáng tin thì nên
bảo họ: "Ưu bà di, ngươi hãy ngủ trước để ta ngồi". Khi Tỉ kheo muốn
ngủ thì gọi họ dậy, nói: "Ta muốn ngủ, ngươi chớ ngủ. Nếu ngươi ngủ thì
ngươi sẽ không có phước".
Nếu (Tỉ kheo nghỉ chung
chỗ với các loài như) voi cái hoặc lạc đà, trâu, lừa cho đến gà mái, mà khi
chúng còn ngẩng đầu lên thì chưa phạm tội; nếu chúng gục đầu xuống ngủ thì phạm
Ba dạ đề. Nếu là chó cái nằm xoài đầu ra thì không có tội; nhưng khi nó gục đầu
xuống ngủ thì phạm tội Ba dạ đề. Cho đến vịt, công, gà mái, mà khi chúng còn
xoài đầu ra thì không có tội. Nhưng khi chúng gục đầu vào trong cánh, thì phạm
Ba dạ đề. Con voi khi còn đang đứng ngay ngắn thì không có tội, nhưng khi nó
thiếp ngủ thì phạm Ba dạ đề.
Nếu Tỉ kheo đang ngủ
trong phòng mà có bà mẹ bồng một bé gái đang ngủ đi vào phòng thì tất cả Tỉ
kheo đang ngủ đều phạm Ba dạ đề. Nếu lúc ấy thầy Duy na hay tri sự thấy vậy thì
nên bảo bà ta: "Bà hãy làm cho đứa bé thức dậy rồi mời bồng vào". Thế
nên nói (như trên).
Khi Phật an trú tại
thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, tôn giả Ưu Đà Di có một người bạn Bà
la môn quen biết ở cùng thôn; con gái ông ta đi lấy chồng ở một thôn khác; cô
sai người nhắn tin cho cha hoặc sư phụ (Ưu Đà Di) thường thường đến thăm cô,
như nhân duyên của giới Bất định thứ hai đã nói rõ, cho đến Phật bảo với Ưu Đà
Di: "Này kẻ ngu si, [382c] người thế tục tại gia mà còn biết phép tắc của
người xuất gia điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Ông đã có lòng tin xuất
gia mà lại không biết phép tắc nên làm của người xuất gia. Đó là việc phi pháp,
phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.
Từ nay về sau, Ta không cho phép ngồi một mình với phụ nữ tại chỗ trống
vắng". Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ
phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai
nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- Nếu Tỉ kheo ngồi
một mình với phụ nữ tại chỗ trống vắng thì phạm Ba dạ đề.
Giải thích:
(Một số từ ngữ trên đã
giải thích).
Một mình: Chỉ duy nhất một người nữ không có ai khác. Giả sử có
người khác mà đang ngủ, điên cuồng tâm loạn thống khổ, hoặc trẻ con, phi nhân,
súc sinh, thì dù có họ cũng xem như không có.
Chỗ trống vắng: Chỗ vắng vẻ.
Ngồi: Nếu cùng ngồi thì phạm Ba dạ đề.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Nếu Tỉ kheo cùng ngồi
với phụ nữ suốt ngày thì phạm một tội Ba dạ đề. Nếu Tỉ kheo hoặc người nữ nửa chừng đứng dậy đi, rồi ngồi
lại, thì cứ mỗi lần như vậy phạm một tội Ba dạ đề.
Nếu Tỉ kheo nhận lời
mời thọ trai, đến nhà đàn việt ngồi, rồi người nữ dọn cơm xong đến ngồi trước
Tỉ kheo, đoạn đứng dậy sớt thêm thức ăn, thì cứ mỗi lần đứng dậy ngồi xuống như
vậy phạm mỗi tội Ba dạ đề. Nếu một người nữ ngồi gần Tỉ kheo, một người nữ khác
lui tới sớt thêm thức ăn, thì khi người nữ kia đi ra, Tỉ kheo nên đứng dậy. Khi
đứng dậy, không nên vụt đứng dậy liền khiến cho người nữ đang ngồi sinh nghi
tưởng Tỉ kheo có ý đồ gì khác mà trước khi đứng, nên nói: "Này chị, tôi muốn
đứng dậy". Nếu cô hỏi: "Vì sao đứng dậy?", thì đáp: "Vì Thế
Tôn chế giới không cho phép Tỉ kheo ngồi một mình với phụ nữ ở chỗ vắng vẻ, cho
nên tôi đứng dậy". Nếu người nữ nói: "Tôn giả chớ đứng dậy, để con
đứng dậy", rồi cô đứng dậy, thì Tỉ kheo không có tội.
Nếu con gái dưới bảy
tuổi ngồi trên đường đi có tầng cấp, rồi chuyển ngồi trên tầng cấp thứ hai, lại
chuyển ngồi trên tầng cấp thứ ba, nếu cứ di chuyển chỗ ngồi như vậy, thì cứ mỗi
lần di chuyển phạm mỗi tội Ba dạ đề (?). Nhưng nếu trong nhà có tịnh nhân đang
làm việc qua lại không gián đoạn, thì (Tỉ kheo) không có tội. Nếu cửa hướng ra
đường, mà trên đường có người đi như Tỉ kheo khất thực không gián đoạn, họ cũng
như sự có mặt của tịnh nhân, nên (Tỉ kheo) không có tội.
Nếu Tỉ kheo cùng ngồi
trên gác với phụ nữ mà dưới gác tịnh nhân trông thấy Tỉ kheo, Tỉ kheo cũng
trông thấy tịnh nhân, thì không có tội. Hoặc Tỉ kheo ngồi một mình với phụ nữ
dưới gác mà trên gác có phụ nữ trông thấy thì cũng như vậy.
Lại có các trường hợp:
hoặc thấy mà không nghe, hoặc nghe mà không thấy, hoặc vừa nghe vừa thấy, hoặc
chẳng thấy chẳng nghe.
Thấy mà không nghe:
Tịnh nhân từ xa trông thấy Tỉ kheo cùng ngồi với người nữ mà không [383a] nghe
tiếng nói, thì phạm tội Việt tì ni.
Nghe mà không thấy:
Nghe tiếng nói mà không thấy người, thì phạm tội Việt tì ni.
Vừa thấy vừa nghe: Nếu
thấy cùng ngồi và nghe được tiếng nói, thì không có tội.
Chẳng thấy chẳng nghe:
trong trường hợp Này phạm tội Ba dạ đề.
(Nếu Tỉ kheo ngồi một
mình với phụ nữ mà bên cạnh) có người mù, thì phạm tội Việt tì ni. Nếu bên cạnh
có người điếc cũng phạm tội Việt tì ni. Nếu tịnh nhân ấy vừa mù vừa điếc, thì
phạm Ba dạ đề. Nếu có một tịnh nhân mù, một tịnh nhân điếc, thì không có tội.
Nếu tịnh nhân ngủ thì nên đánh thức họ dậy.
Tội này bao gồm lúc ở
thôn xóm lúc ở chỗ hoang vắng; hoặc đúng thời, hoặc phi thời; hoặc ban ngày
hoặc ban đêm; tại chỗ khuất, không phải chỗ trống; tại chỗ vắng vẻ, không phải
chỗ nhiều người; ở gần, chẳng phải ở xa. Thế nên nói:
"Cố đoạt làm
người khác nghi ngờ,
Không xả, lấy giấu và khủng bố.
Đùa dưới nước, chỉ chỏ lẫn nhau,
Cùng đi, cùng ngủ chung một nhà.
Tại chỗ hoang vắng cũng như vậy.
Đến đây vừa hết phần thứ bảy ".
Khi Phật an trú tại
thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, Tì xá Khư Lộc mẫu mời chư Tăng ở tinh
xá Kỳ Hoàn theo thứ tự, đến nhà bà thọ trai lâu dài. Bà cúi đầu đảnh lễ chân
chư tăng, lần lượt đến chỗ nhóm mười sáu Tỉ kheo, thấy họ còn nhỏ, thân sắc mềm
mại mà có thể bỏ nhà xuất gia, người nữ vốn nặng lòng từ nên thấy họ liền tưởng
họ như con, hơn nữa cũng do lòng tôn kính pháp, bà liền hỏi: "Khi tăng
chúng Kỳ Hoàn không cúng dường, các tôn giả ăn ở đâu?".
Đáp: "Khi đến giờ,
chúng tôi khoác y, cầm bát đi đến từng nhà khất thực".
Bà liền nói: "Này
các tôn giả, lúc nào không có cúng dường hãy đến nhà con thọ trai. Từ nay về
sau hễ hôm nào không có người cúng dường thì con sẽ cúng dường".
Các Tỉ kheo trẻ nghe
nói thế, liền nhận lời mời, đến bữa không có cúng dường, bèn tới nhà bà thọ
trai. Lộc Mẫu thỉnh Phật thường xuyên đồng thời cũng thỉnh A Nan, nên tôn giả A
Nan hằng ngày đến nhà bà, bỗng trông thấy nhóm mười sáu Tỉ kheo đang thọ trai
tại đó. Các Tỉ kheo trẻ Này sinh tâm phóng túng nói với Lộc Mẫu: "Thưa mẹ,
thức ăn Này nhiều quá!". Bà đáp : "Các con sớt bớt đi".
Họ lại nói: "Ít
quá!".
Bà bảo: "Các con
hãy thêm vào". Họ chê lạnh, nóng, cứng, mềm, ngọt, chua, mặn, nhạt đủ mọi
cách như vậy tỏ sự không hài lòng.
Lộc Mẫu vốn có lòng tin
và nhiều lòng từ nên đáp: "Tùy các con đòi cái gì thì ta cho cái ấy".
A Nan thấy thế, liền
nghĩ: "Nếu đây là nhà không có niềm tin, chắc chắn sẽ khởi ác tâm".
Đoạn, thầy đem sự việc
ấy đến bạch lên Phật, nói: "Lành thay Thế Tôn, mong rằng từ nay trở đi chớ
cho trẻ con thọ giới Cụ túc".
Phật liền dạy:
-"Từ nay về
sau, người chưa đủ hai mươi tuổi thì không được cho thọ giới Cụ túc".
[383b] Lại nữa, khi
Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, hai cha con người lẩm
cẩm kia có lòng tin bỏ nhà xuất gia tu hành. Người con làm Sa di, lo cung cấp
các thứ cho năm trăm Tỉ kheo. Các Tỉ kheo hoặc đòi cành dương, hoặc đòi lá cây,
vì quá nhiều người nên không thể cung cấp đầy đủ. Khi ấy thầy Tỉ kheo lẩm cẩm
suy nghĩ: "Ta chỉ có một đứa con mà phải cung cấp cho năm trăm Tỉ kheo, những
yêu sách quá nhiều không thể nào cung cấp cho xuể, như thế này thì không bao
lâu chắc chắn nó sẽ sinh bệnh. Nhưng Thế Tôn chế giới người chưa đủ hai mươi
tuổi thì không cho thọ giới Cụ túc, dẫu biết là không nên, song ta hãy cho nó
thọ để nó đỡ khổ". Rồi thầy mời các Tỉ kheo vào giới trường truyền giới Cụ
túc cho đứa bé. Sau khi thọ Cụ túc, các Tỉ kheo vẫn sai bảo như lúc trước:
"Sa di, đưa cho ta cành dương, lá cây".
Ông liền nói: "Tôi
đã thọ Cụ túc rồi vì sao còn gọi là Sa di?".
Các Tỉ kheo hỏi:
"Ai cho ông thọ?".
Đáp: "Cha tôi chứ
ai".
Các Tỉ kheo liền đem sự
việc ấy đến bạch lên Phật. Phật bèn bảo gọi Tỉ kheo lẩm cẩm kia đến. Khi thầy
đến rồi, Phật liền hỏi đầy đủ sự việc kể trên:
- Ông có việc đó thật
chăng?
- Có thật như vậy, bạch
Thế Tôn.
- Đó là việc xấu. Này
kẻ lẩm cẩm, vì sao ông biết người chưa đủ hai mươi tuổi mà cho thọ giới Cụ túc?
Thế rồi, Phật truyền
lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười
lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- Nếu Tỉ kheo biết
người chưa đủ hai mươi tuổi mà cho thọ Cụ túc, thì phạm Ba dạ đề. Các Tỉ kheo
nên khiển trách Tỉ kheo Này. Và người đã thọ kia không được xem là đã thọ Cụ
túc.
Giải thích:
(Một số từ ngữ trên đã
giải thích).
Chưa đủ: Chưa đủ hai mươi mùa mưa, dưới hai mươi tuổi, đó gọi là
chưa đủ hai mươi. Dưới hai mươi mùa mưa mà đủ hai mươi tuổi vẫn gọi là chưa đủ
hai mươi. Dưới hai mươi mùa mưa mà quá hai mươi tuổi cũng gọi là chưa đủ hai
mươi. Sinh vào mùa Đông rồi thọ giới vào mùa Đông mà chưa trải qua hết an cư,
đó gọi là chưa đủ. Sinh vào mùa Xuân rồi thọ giới vào mùa Xuân mà chưa trải qua
hết an cư, đó gọi là chưa đủ. Sinh lúc tiền an cư rồi thọ giới lúc tiền an cư
mà chưa trải qua hết tiền an cư, đó gọi là chưa đủ. Sinh vào lúc hậu an cư rồi
thọ giới lúc hậu an cư mà chưa trải qua hết hậu an cư, đó gọi là chưa đủ.
Khi người ấy (đã thọ
giới rồi (?)) dưới hai mươi tuổi mà một nửa số Tăng chúng bảo là dưới hai mươi,
một nửa bảo là đủ hai mươi, thì một nửa số người bảo dưới hai mươi phạm Ba dạ
đề, một nửa bảo đủ hai mươi không có tội. Người ấy được xem là thọ Cụ túc hợp
pháp.
[383c] Khi người này
dưới hai mươi tuổi, mọi người đều bảo là tuổi chưa đủ, mà cho thọ Cụ túc, thì
tất cả đều phạm Ba dạ đề. Người Này không được xem là thọ Cụ túc hợp pháp.
Khi người này dưới hai
mươi tuổi, mọi người đều bảo là tuổi đã đủ rồi cho thọ Cụ túc, thì tất cả đều
vô tội. Người này được xem là thọ Cụ túc hợp lệ.
Đủ hai mươi mùa mưa mà
dưới hai mươi năm, thì được xem là đủ hai mươi tuổi. Đủ hai mươi mùa mưa, đủ
hai mươi năm, thì được xem là đủ hai mươi tuổi. Đủ hai mươi mùa mưa, quá hai
mươi năm, thì được xem là đủ hai mươi tuổi.
Sinh vào mùa Đông, trải
qua an cư xong cho thọ Cụ túc, thì được xem là đủ hai mươi tuổi. Sinh vào mùa
xuân, an cư xong cho thọ Cụ túc, thì được xem là đủ hai mươi tuổi. Sinh vào lúc
tiền an cư, tiền an cư xong cho thọ Cụ túc, thì được xem là đủ hai mươi tuổi.
Sinh vào lúc hậu an cư, hậu an cư xong cho thọ Cụ túc, thì được xem là đủ hai
mươi tuổi.
Khi người ấy đủ hai mươi
mùa mưa, nửa số người bảo là đủ, nửa số bảo là chưa đủ, thì nửa số bảo chưa đủ phạm
tội Việt tì ni; nửa số bảo đã đủ vô tội. Người ấy được xem là thọ Cụ túc hợp
lệ. Khi người ấy đủ hai mươi mùa mưa (rồi cho họ thọ Cụ túc) mà mọi người bảo
là chưa đủ, thì tất cả phạm tội Việt tì ni. Người ấy không được xem là thọ Cụ
túc hợp lệ. Khi người ấy đủ hai mươi mùa mưa, tất cả đều bảo là đã đủ, thì tất
cả vô tội. Người ấy được xem là thọ Cụ túc hoàn hảo.
Nếu Tỉ kheo biết người
chưa đủ hai mươi tuổi mà cho thọ Cụ túc, thì các Tỉ kheo nên khiển trách Tỉ
kheo ấy, rồi bắt sám hối tội Ba dạ đề.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Nếu có người đến xin
thọ Cụ túc mà đủ tháng thì nên cho thọ Cụ túc; nếu chưa đủ, thì nên bảo họ đợi
cho đủ rồi mới thọ. Nếu người ấy không biết rõ tuổi, thì nên hỏi cha mẹ bà con
của người ấy. Nếu họ cũng không biết thì nên xem miếng ván ghi năm sinh. Nếu
cũng không có, thì nên xem vóc dáng của người ấy. Khi xem, không nên xem thẳng hình
thể, vì nếu là con nhà giàu có thì hình thể lớn mà tuổi nhỏ. Phải xem tay chân
người ấy đã có dấu hiệu trưởng thành chưa. Nếu đã làm như vậy mà vẫn không biết
thì nên hỏi xem thời tiết khí hậu đất nước của họ năm nào được mùa, mất mùa,
hạn hán, lụt lội (để đoán tuổi tác). Thế nên nói (như trên).
Khi Phật an trú tại
thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, hai nước Xá Vệ và Tì xá li có mối hiềm
khích, nên hằng năm đánh cướp lẫn nhau. Người Tì xá li đến Xá Vệ cướp bóc tài
sản của dân chúng rồi trở về cương giới của mình cho là yên ổn, cởi bỏ vũ khí
để nghỉ ngơi. Vua nước Xá Vệ suy nghĩ: "Ta là quốc vương, phải diệt trừ
quân địch để dân chúng yên ổn, lẽ nào lại để cho bọn giặc cướp đọat tài sản của
nhân dân?", liền truyền lệnh cho các tướng sĩ: "Các ngươi phải truy
kích bọn giặc cướp, bắt cho hết bọn chúng; nếu không bắt được thì chớ có trở về
tay không". Tướng sĩ suy nghĩ: "Lệnh vua rất nghiêm khắc, việc này
phải nhanh chóng thi hành", bèn tập họp quân lính, dò theo dấu vết truy
kích.
[384a] Khi ấy, các Tỉ
kheo tại Xá Vệ an cư xong, muốn đi đến Tì xá li, nhưng bị lạc đường nên rơi vào
chỗ bọn giặc cướp. Bọn cướp kinh ngạc, hỏi các Tỉ kheo:
- Các người là những
người nào?
- Chúng tôi là những
người xuất gia.
- Xuất gia theo đạo
nào?.
- Xuất gia theo họ
Thích.
- Thưa các đại đức, các
thầy định đi đâu đó?
- Định đến Tì xá li,
nhưng vì lạc đường, nên mới đến đây.
Nhân đó, bọn giặc liền
chỉ đường cho các Tỉ kheo. Thế rồi, các Tỉ kheo lại hỏi:
- Này các tráng sĩ, các
vị định đi đâu đó?
- Đi tới Tì xá li.
- Cho chúng tôi cùng
kết bạn với.
- Chúng tôi là bọn giặc
cướp, cướp đọat tài sản của kẻ khác, đi tắt trong những rừng cây, không theo
đường chính; còn các thầy là những người lương thiện, vì sao lại đi theo chúng
tôi? Đây là con đường thẳng, có thể theo đó mà đi.
Các Tỉ kheo lại yêu
cầu: "Hãy dẫn chúng tôi đi theo với, chớ để chúng tôi bị lạc đường một lần
nữa". Bọn giặc lại trả lời như lúc đầu. Hỏi qua, nói lại như thế đến ba
lần vẫn chưa dứt khoát, thì quân lính đuổi kịp, bèn tóm cổ bọn giặc cướp cùng
với các Tỉ kheo, đem đến chỗ nhà vua, tâu trình như sau:
- Tâu đại vương, đây là
bọn giặc cướp.
- Trước hết hãy dẫn các
Tỉ kheo đến đây.
Khi lính dẫn các Tỉ
kheo đến nơi, nhà vua bèn hỏi.
- Các ngươi là những
người xuất gia, vì sao lại làm kẻ cướp?
- Chúng tôi không phải
là kẻ cướp.
- Thế thì vì sao đi với
bọn chúng?
Các Tỉ kheo bèn đem sự
việc kể trên trình bày đầy đủ cho vua nghe. Nghe xong, vua sai lính đem các Tỉ
kheo đến một chỗ khác, rồi đem bọn giặc cướp đến. Khi chúng đến, vua hỏi:
- Những người xuất gia
Này có phải là đồng bọn với các ngươi không?
- Không phải là đồng
bọn.
- Thế thì vì sao họ lại
cùng đi với các ngươi?
Bọn giặc cướp bèn đem
sự việc trên trình bày đầy đủ với nhà vua. Vua liền sai lính đem bọn giặc cướp
đi, rồi dẫn các Tỉ kheo đến. Khi họ đến rồi, nhà vua hỏi:
- Các ngươi là những
người xuất gia vì sao làm kẻ cướp, mà còn nói dối lừa gạt quan trên để hòng
thoát tội. Bọn cướp đã khai rằng các ngươi là đồng bọn, vì sao còn chối cãi?
Các Tỉ kheo vẫn trả lời
như lúc đầu. Vua liền sai quân lính thả các Tỉ kheo đi, rồi đem bọn cướp ra trị
tội theo luật pháp. Nghĩa là bắt năm trăm tên giặc cướp Này mang vòng hoa Ca tì
la, đánh trống, dẫn chúng đi nhiễu quanh các ngã tư đường, thông báo cho dân
chúng biết. Đến khi sắp bị hành hình, bọn cướp bèn khóc rống lên. Bấy giờ, Phật
biết việc đó mà vẫn hỏi:
- Này các Tỉ kheo, có
chuyện gì mà nhiều người kêu khóc như vậy?
- Bạch Thế Tôn, đó là
tiếng kêu khóc của năm trăm tên giặc cướp bị nhà vua sai lính đem đi hành hình
đấy.
Phật liền bảo A Nan:
- Ông hãy đến nói với
nhà vua như sau: "Đại vương là vua của mọi người thì phải thương dân như
con mình, chứ vì sao lại đem giết cả năm trăm người trong một lúc?".
A Nan thọ giáo, bèn đem
những lời Phật dạy đến bảo với nhà vua. Vua liền nói:
- Thưa tôn giả A Nan,
tôi vẫn biết rằng nếu giết một người thì tội báo đã rất nhiều, huống gì giết
năm trăm người, nhưng bọn giặc cướp Này thường đến phá hoại xóm làng của tôi,
cướp bóc tài sản của dân chúng; nếu Thế Tôn có thể giáo hóa bọn chúng, khiến
chúng không cướp bóc nữa, thì tôi sẽ tha cho chúng được sống.
[384b] A Nan liền trở
về, đem những lời nhà vua nói, bạch đầy đủ lên đức Phật. Phật lại sai A Nan đến
nói với nhà vua một lần nữa như sau:
- Chỉ cần nhà vua tha
cho họ, thì tôi (Phật) sẽ giáo hóa họ từ nay về sau không còn làm kẻ cướp nữa.
A Nan lãnh giáo xong,
trước hết đến bộ phận hình sự, nói với viên giám sát: "Những kẻ có tội
này, đức Thế Tôn đã cứu họ rồi, các vị không được sát hại họ".
Rồi thầy hỏi bọn cướp:
"Các ngươi có thể xuất gia được không?".
Bọn cướp nói:
- Thưa tôn giả, nếu
trước đây chúng tôi xuất gia, thì đã không vướng phải nỗi khổ này. Nay chúng
tôi rất mong muốn, nhưng không biết làm sao cho được.
A Nan liền đi đến chỗ
nhà vua, thuật lại lời của Thế Tôn nói với vua: "Tôi có thể giáo hóa những
người này từ nay về sau sẽ không còn làm kẻ cướp nữa". Vua bèn ra lệnh giám
quan tha mạng cho họ, nhưng chưa cởi trói, mà dẫn đến chỗ Thế Tôn, để Thế Tôn
cởi trói cho họ.
Bấy giờ, đức Thế Tôn vì
muốn độ những người ấy nên ngồi ở chỗ đất trống. Bọn giặc cướp từ xa trông thấy
Phật thì những dây trói tự nhiên được tháo ra, họ liền cúi đầu đảnh lễ dưới
chân Phật, rồi đứng qua một bên. Phật quán sát túc duyên của họ, rồi tùy thuận
thuyết pháp như bố thí, giữ
giới, sự báo ứng của các hạnh nghiệp, bốn chân lý khổ, tập, diệt, đạo. Ngay lập
tức, họ đạt được quả vị Tu đà hoàn. Phật liền hỏi:
- Các ngươi có thích
xuất gia không?
- Bạch Thế Tôn, nếu
trước đây chúng con xuất gia thì đã không vướng phải nỗi khổ Này. Kính mong Thế
Tôn hôm nay độ chúng con xuất gia.
- Này các Tỉ kheo, hãy
đến một cách khéo léo (Thiện lai Tỉ kheo).
Khi Phật nói câu ấy thì
y phục trên mình của năm trăm tên cướp biến thành ba y, tự nhiên tay cầm bát,
uy nghi tề chỉnh, tựa như những Tỉ kheo đã được trăm tuổi, đều đắc quả La hán.
Các (cựu) Tỉ kheo liền
bạch với Phật:
- Bạch Thế Tôn, do đâu
mà năm trăm tên cướp nhờ ân đức của Thế Tôn tự nhiên được giải thoát?
- Không những ngày nay
mà trong đời quá khứ họ cũng đã nhờ ân đức của Ta mà được giải thoát, như trong
kinh Bản Sinh về loài khỉ đã nói rõ.
Thế rồi, Phật ra lệnh
cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi
ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu Tỉ kheo
cùng đi chung đường với bọn giặc cướp, dù chỉ trải qua một xóm làng, thì phạm
tội Ba dạ đề".
Giải
thích:
Giặc cướp: Bọn trộm cướp.
Hẹn: Hoặc hẹn hôm nay, ngày mai, một tháng,
nửa tháng v.v...
Đường: Hoặc ba do diên, hai do diên, một do
diên, một câu lô xá, nửa câu lô xá, cho đến trong khoảng một thôn xóm.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Không được hẹn cùng đi
chung đường với bọn giặc cướp. Khi Tỉ kheo muốn đi đâu thì nên kết bạn với
những người đi xe, những người đi bộ. Bọn giặc cướp có ba dấu hiệu có thể nhận
biết, đó là: mùi hương, khí sắc và dáng vẻ.
Mùi hương: Ở nơi hoang vắng, chúng có thể ăn thịt chín hoặc thịt
sống.
Khí sắc: Thường có khí sắc sợ hãi.
Dáng vẻ: Vì suốt ngày bị gò bó nên mặt đen, [384c] tóc vàng,
trông có vẻ hung ác giống như người ở cõi âm phủ.
Đó là ba dấu hiệu của
bọn giặc cướp, Tỉ kheo không nên đi chung đường với họ. Nếu như bọn cướp giả
mạo người tốt, mặc y phục đẹp, rồi đến nơi hoang vắng, chúng bàn với nhau rằng:
"Hôm nay chúng ta hãy vào thôn xóm ấy, phá hoại tường vách, cướp đọat tài
vật, không luận Sa môn hay Bà la môn, tất cả đều lấy hết", thì biết đó
chính là bọn cướp. Nhưng khi ấy không nên bỏ chúng mà đi ngay, mà phải tùy
thuận theo chúng, đợi đến nơi gần thôn xóm, mới tìm cách rời bỏ chúng. Nếu bọn
chúng phát giác được, thì nên nói: "Này các tráng sĩ, chúng tôi chỉ đi tới
đây thôi".
Nếu Tỉ kheo hẹn đi
chung đường với bọn cướp thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu đi chung đường với bọn nữ
tặc thì cũng như vậy. Nếu đi chung với bọn ăn trộm vàng thì phạm tội Ba dạ đề.
Nếu đi chung với bọn phản loạn, bọn mắc nợ thì phạm tội Việt tì ni. Thế nên nói
(như trên).
Khi Phật an trú tại
tinh xá Khoáng Dã, nói rộng như trên. Lúc bấy giờ, thầy Tỉ kheo lo việc kinh
doanh tự đào đất đổ nền nhà, hoặc làm ngói, làm gạch, nên bị người đời chê bai
rằng: "Sa môn Cù Đàm dùng vô lượng phương tiện đả kích việc sát sinh, ca
ngợi không sát sinh, thế mà nay Tỉ kheo lại tự tay đào đất làm nền nhà, hoặc
làm ngói, làm gạch, khiến tổn thương đến mạng sống. Đó là những kẻ bại hoại,
nào có đạo hạnh gì!". Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch với Thế Tôn,
Phật liền sai đi gọi Tỉ kheo lo việc kinh doanh đến. Khi thầy đến rồi, Phật bèn
hỏi:
- Này Tỉ kheo, ông có
làm việc đó thật chăng?
- Bạch Thế Tôn, có thật.
- Tuy trong đất không
có mạng sống, nhưng đó là việc mà người xuất gia không nên làm. Trái lại, nên
ít việc, ít dịch vụ, chớ để cho người đời chê trách mà mất đi điều phước thiện
của họ. Từ nay về sau, Tỉ kheo không được tự tay đào đất.
Thế rồi, Phật truyền
lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại Khoáng dã phải tập họp lại tất cả, vì mười
lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu Tỉ kheo
tự tay đào đất hoặc sai người đào, chỉ bảo họ đào, thì phạm tội Ba dạ đề."
Giải thích:
Tự tay mình: hoặc là tự thân, thân phần, thân phương tiện.
1/ Thân: Cất mình lên
nhảy nhót, chạy qua chạy lại, muốn làm cho hư đất, thì phạm tội Ba dạ đề. Đó
gọi là thân.
2/ Thân phần: Hoặc
tay, chân, đầu gối, khuỷu tay, móng tay; đó gọi là thân phần.
3/ Thân phương tiện:
Hoặc dùng cuốc xẻng, rìu búa tự tay đào đất hay đục vào tre gỗ, hoặc từ xa ném,
muốn làm cho đất hư hại; nếu đất bị hư hại, thì phạm tội Ba dạ đề.
Đất: Gồm hai loại: Sinh và tác.
1/ Sinh: Đất còn
nguyên sơ gọi là sinh.
2/ Tác: Gồm hai loại:
cơ tác và thượng tác.
a. Cơ tác: Chỉ cho đất
trên đường đi và đất dùng làm tường vách.
b. Thượng tác: chỉ cho đất đổ trên các tầng
lầu, trên mái nhà; đó gọi là thượng tác.
Tự đào: Tự mình đào hoặc sai người khác đào, dù chỉ bảo rằng:
"Hãy đào đất này", thì phạm tội Ba dạ đề.
[385a] Ba dạ đề:
Như trên đã nói.
Nếu tự mình tìm phương
tiện để đào cho nhiều đất thì phạm một tội Ba dạ đề. Nếu vừa làm vừa nghỉ, thì
mỗi lần nghỉ phạm một tội Ba dạ đề.
Nếu bảo người khác đào
mà người ấy đào một lần nhiều đất, thì phạm một tội Ba dạ đề.
Nếu nhắc đi nhắc lại,
bảo họ đào cho nhanh lên, thì mỗi lần lặp lại, phạm một tội Ba dạ đề.
Nếu Tỉ kheo muốn cho
đất bằng bèn tìm cách quét đất, thì phạm tội Việt tì ni. Nếu làm tổn thương đất
bằng dấu chân muỗi, thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu không tạo phương tiện, thì không
có tội.
Nếu dùng phương tiện
kéo cây gỗ muốn cho đất bị xây xước, thì khi kéo cây gỗ, phạm tội Việt tì ni.
Nếu đất bị tổn thương như dấu chân muỗi, thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu không dùng
phương tiện, thì không có tội.
Nếu lùa bò ngựa đi qua
muốn cho đất bị hư lở, thì cũng như vậy. Nếu không dùng phương tiện, thì không
có tội.
Nếu muốn cho đất bằng
phẳng bèn đi kinh hành, thì khi đi kinh hành phạm tội Việt tì ni; khi đất bị
tổn thương bằng dấu chân muối, phạm tội Ba dạ đề. Khi đứng, ngồi, nằm cũng như
vậy. Nhưng nếu không cố ý thì không có tội.
Nếu Tỉ kheo dùng chân
đạp vào cạnh bờ sông làm cho đất rơi xuống, thì mỗi lần đạp phạm một tội Ba dạ
đề. Nhưng khi đi cạnh bờ sông, (vô tình) làm cho đất sập, thì không có tội. Tuy
nhiên, nếu khối đất bị vỡ nặng hơn một người, thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu khối
đất bị vỡ nặng không bằng một người, thì không có tội.
Nếu Tỉ kheo cầm cây,
đá, ngói, gạch, cuốc, xẻng mà lỡ tay bị rơi xuống đất, dù đất bị tổn thương
cũng không có tội.
Nếu Tỉ kheo lo việc
kinh doanh có nhiều vật dụng của Tăng, của Tháp, muốn cất giấu trong đất, nhưng
đất ấy thuộc sinh địa, ở chỗ trống trải, thì không được tự tay mình đào, mà
phải sai tịnh nhân làm. Nếu đất ấy thuộc tử địa, ở chỗ khuất, thì được tự mình
đào đất, cất giấu. Nếu đóng cọc xuống đất thì phạm tội Việt tì ni. Nếu đất bị
tổn thương như dấu chân muỗi thì phạm tội Ba dạ đề.
Nếu Tỉ kheo muốn căng
tấm bạt thì phải đóng đinh ở bốn góc, nếu căng ở chỗ đất chết, vắng vẻ thì tự
tay đóng đinh không có tội. Căng ở chỗ đất sống, trống trải, thì phải sai tịnh
nhân làm. Khi tháo ra cũng phải sai lịnh nhân làm.
Nếu Tỉ kheo đóng đinh
vào trên vách trong phòng làm vỡ vách thì khi làm xong, phạm tội Việt tì ni.
Nhưng nếu trên vách trước đó đã có lỗ rồi, thì không có tội.
Nếu mặt đất có nước mưa
thấm mà Tỉ kheo làm vỡ hằng dấu chân chim thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu muốn vẽ
trên đất thì phạm tội Việt tì ni. Nếu đất bị tổn thương như dấu chân chim thì phạm
tội Ba dạ đề. Nhưng nếu vẽ trên đất bũn thì không có tội.
Nếu Tỉ kheo lo việc
kinh doanh muốn vẽ sơ đồ thì nên vẽ trên miếng gỗ, trên gạch. Nếu đất trên
phòng ởù đã cũ kỹ muốn dỡ bỏ thì không được tự tay dỡ mà phải sai tịnh nhân dỡ
bỏ.
Nếu Tỉ kheo muốn phá
bức vách thì nên sai tịnh nhân phá lớp đất tô ở bên ngoài rồi mới được tự tay
mình gỡ gạch, và khi đến sát mặt nền thì cũng phải sai tịnh nhân gỡ. Nếu bức
vách không tô đất mà bị nước mưa thấm ướt thì khi muốn dỡ bỏ phải sai tịnh nhân
dỡ vài ba lớp gạch trên mặt, rồi mới tự tay mình dỡ; và khi dỡ đến sát mặt đất
thì lại sai tịnh nhân dỡ tiếp. Nếu một đống ngói gạch bị mưa thấm ướt, thì khi
lấy, Tỉ kheo không được tự tay mình lấy mà phải sai tịnh nhân lấy chừng [385b]
vài ba lớp ở trên, rồi mình mới lấy; và khi đến sát đất lại sai tịnh nhân lấy
tiếp. Khi lấy ngói lợp nhà thì Tỉ kheo được lấy nhưng khi đến lớp ngói để sát
đất thì phải sai tịnh nhân lấy. Khi chất đống gạch cũng vậy.
Khi đất thuộc bị mưa
thấm ướt thì Tỉ kheo không được lấy mà phải sai tịnh nhân lấy cho hết lớp đất
thấm mưa, rồi mới tự lấy thì không có tội.
Nếu đất do chuột đào,
bị mưa thấm ướt, thì Tỉ kheo không được lấy mà phải sai tịnh nhân lấy.
Nếu sau cơn mưa thì Tỉ
kheo không được vét giếng mà phải sai tịnh nhân vét. Nếu tịnh nhân nhỏ không
làm được, thì phải đưa họ xuống giếng quậy cho nước đục, rồi Tỉ kheo mới vét.
Nếu nước ao, nước đọng sau cơn mưa thì Tỉ kheo không được tháo nước. Nhưng nếu
có bò ngựa đã lội qua thì Tỉ kheo được tháo. Nếu đất bùn gặp phải trận mưa thì
Tỉ kheo không được lấy mà phải sai tịnh nhân lấy.
Nếu đất trong ao trong
thạp gặp phải cơn mưa thì Tỉ kheo không được lấy mà phải sai tịnh nhân lấy.
Nếu sau cơn mưa có nước
đọng trên rãnh, trên máng xối thì Tỉ kheo không được tự tay khai thông mà phải
sai tịnh nhân khai thông.
Nếu khi đi đại tiểu
tiện dùng nước rửa mà để tay chà trên đất thì phạm tội Ba dạ đề. Sau khi đi
tiêu tiểu xong, phải dùng tro, bột đậu rửa tay.
Nếu nước mưa chảy xoáy
đất dồn thành một đống thì Tỉ kheo không được lấy mà phải sai tịnh nhân lấy.
Nếu ang, bình, thau
v.v... để ngoài trời, trải qua cơn mưa thì Tỉ kheo không được lấy mà phải sai
tịnh nhân lấy.
Nếu miếng ván dùng để
rửa chân trải qua cơn mưa thì Tỉ kheo không được cầm lấy.
Nếu các vật như gỗ, đá,
ngói, gạch để ngoài trời trải qua cơn mưa thì Tỉ kheo không được tự tay cầm lấy
mà phải sai tịnh nhân cầm lấy.
Nếu Tỉ kheo đào đất thì
phạm Ba dạ đề. Nếu đất đó lộn một nửa cát thì phạm tội Việt tì ni. Nhưng nếu
đất đó chỉ thuần là cát thì không có tội. Nếu Tỉ kheo đào đá, đá cuội, bụi đất
thì cũng như vậy (tức không có tội). Thế nên nói (như trên).
LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Hết quyển thứ mười chín.