Thư Viện Hoa Sen

Quyển Thứ Ba Mươi Chín

17/06/201012:00 SA(Xem: 10261)
Quyển Thứ Ba Mươi Chín

Đại Tạng Số 1425
LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hán dịch: Tam Tạng Phật Đà La người Thiên Trúc cùng
Sa môn Pháp Hiển, đời Đông Tấn, Trung Quốc
Việt dịch: Thích Phước Sơn - Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh
Sài Gòn, Việt Nam, PL 2543 (TL 2000)

Quyển Thứ Ba Mươi Chín

NÓI RÕ PHẦN THỨ BA CỦA 141 PHÁP BA-DẠ-ĐỀ.

100. GIỚI: CHO NGƯỜI CÓ CHỒNG DƯỚI 12 TUỔI THỌ GIỚI.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy những người con gái của dòng họ Thích, họ Câu-lê, họ Ma-la, họ Li-xa sau khi lấy chồng rồi mới xuất gia, từng chịu đựng những việc cực nhọc nên đã khôn ngoan. Đại Ái Đạo Cù-đàm-di bèn hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, những người nữ đã có chồng, chưa đủ 20 mùa mưa có thọ Cụ túc được không?

- Được.

Thế rồi, Tỉ-kheo-ni cho những người nữ đã lấy chồng 8 tuổi, 9 tuổi thọ Cụ túc, nhưng vì họ quá bé nhỏ, yếu đuối không chịu đựng được những việc cực nhọc. Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo lại đem việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Cho đến, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni cho những người nữ đã lấy chồng chưa đủ 12 mùa mưa thọ Cụ túc, thì phạm tội Ba-dạ-đề. 

Giải thích:

Chưa đủ 12 mùa mưa: Như trường hợp chưa đủ 20 mùa mưa ở trên đã nói rõ.

Người nữ đã có chồng: Người mà phạm hạnh đã bị hủy hoại. Nếu cho người như vậy thọ cụ túc thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Nếu người nữ đã lấy chồng muốn thọ Cụ túc trong pháp luật của đức Như-lai thì trước hết nên hỏi ; (536a) cho đến phải xem tay chân xương cốt.v.v...

Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

101. GIỚI: NGƯỜI CÓ CHỒNG 12 TUỔI CHƯA HỌC GIỚI MÀ CHO THỌ GIỚI.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, sau khi đức Thế Tôn chế giới không cho phép Tỉ-kheo-ni cho người nữ đã lấy chồng chưa đủ 12 mùa mưa thọ Cụ túc, thì Tỉ-kheo-ni cho những người nữ đã lấy chồng đủ 12 mùa mưa thọ Cụ túc. Thế nhưng, các Tỉ-kheo-ni than phiền rằng: "Ngươi là người nữ đã lấy chồng đủ hay chưa đủ 12 mùa mưa ai mà biết được!".

Các Tỉ-kheo-ni nghe thế bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo lại đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Thế rồi, Phật dạy: "Từ nay về sau, những người nữ đã lấy chồng đủ 12 mùa mưa phải cho học giới 2 năm".

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

- Nếu Tỉ-kheo-ni không cho người nữ đã lấy chồng đủ 12 mùa mưa học giới mà cho thọ Cụ túc thì phạm tội Ba-dạ-đề, như trong giới đồng nữ không học giới ở trên đã nói.

Kệ tóm tắt:

"Mắng ngay, độ phi pháp,
Mười pháp chưa đầy đủ.
Không yết ma nuôi chúng, 
Phạm giới, thiếu hai mươi.
Không học, học chưa đủ,
Học đủ, không yết ma.
Dưới hai mươi, không học,
Kết thúc phần thứ mười."

102. GIỚI: NGƯỜI CÓ CHỒNG HỌC CHƯA XONG MÀ CHO THỌ GIỚI.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, Tỉ-kheo-ni Ca-lê độ bà vợ của viên quan nhà vua là Tu-đề-na xuất gia cho thọ Cụ túc. Vì lúc còn ở nhà bà đã có thai nên dần dần bụng lớn. Các Tỉ-kheo- ni bèn khiển trách người đó rằng: 

- Đã thọ học giới mà có thai lẽ đáng phải trục xuất.

- Từ khi xuất gia đến nay tôi không hề biết chuyện đó.

Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo lại đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Người này từ lúc xuất gia về sau không biết đến việc ấy (việc dâm dục) tức là bào thai có từ lúc còn ở nhà. Nếu gặp trường hợp như vậy thì chưa nên cho thọ Cụ túc mà phải đợi đến sau khi sinh con. Nếu sinh con gái, thì sau khi sinh cho thọ Cụ túc. Nếu sinh con trai, thì đợi đến khi đứa bé dứt sữa mới cho thọ Cụ túc. Nhưng nếu có chị em thân thích nói: "Hãy bồng đứa bé đến đây để tôi nuôi dưỡng cho" - Nếu gặp trường hợp như vậy - thì nên cho thọ Cụ túc".

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo Cù-đàm-di truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni cho người nữ đã lấy chồng học giới chưa đủ mà cho thọ Cụ túc thì phạm tội Ba-dạ-đề, như trong điều đồng nữ học giới chưa đủ trên kia đã nói rõ.

103. GIỚI: CHO NGƯỜI CÓ CHỒNG THỌ GIỚI, KHÔNG LÀM YẾT-MA.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, sau khi Ngài chế giới không cho phép Tỉ-kheo-ni cho người nữ đã lấy chồng đủ 12 tuổi (536b) chưa đủ 2 năm học giới thọ Cụ túc, thì Tỉ-kheo-ni cho người nữ đã lấy chồng đủ 2 năm học giới thọ Cụ túc. Thế nhưng các Tỉ-kheo-ni chê trách người ấy: "Người học giới đủ hay chưa đủ ai mà biết được". 

Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo lại đem việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Thế rồi Phật bảo Đại Ái Đạo Cù-đàm-di truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni cho người nữ đã lấy chồng học giới đủ thọ Cụ túc mà không làm yết-ma, thì phạm tội Ba-dạ-đề, như trong điều đồng nữ không làm yết ma ở trên đã nói rõ.

104. GIỚI: CHO THỌ GIỚI RỒI MÀ KHÔNG DẠY DỖ.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy các Tỉ-kheo-ni nuôi nhiều đệ tử mà không dạy dỗ, để họ giống như trâu trời, dê trời, không biết giữ gìn sạch sẽ, oai nghi không đầy đủ; không biết phụng sự Hòa thượng, A-xà-lê, không biết phụng sự trưởng lão Tỉ-kheo-ni, không biết phép vào thôn xóm, ở A-luyện-nhã, không biết mặc y, cầm bát. Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô tới rồi, Phật hỏi: 

- Ngươi có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Đó là việc xấu. Vì sao ngươi độ người mà không dạy? Từ nay về sau phải dạy dỗ 2 năm.

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo Cù-đàm-di truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni cho đệ tử thọ Cụ túc rồi thì phải dạy dỗ trong 2 năm. Nếu không dạy dỗ thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Đệ tử: Tức là đệ tử cùng sống chung.

Hai năm: Tức là hai mùa mưa.

Dạy dỗ: Hoặc dạy A-tì-đàm, hoặc dạy Tỳ-ni.

A-tì-đàm: Tức là 9 bộ Kinh

Tì-ni: Tức là Ba-la-đề-mộc-xoa rộng rãi hoặc giảng lược. Nếu thấy họ có oai nghi nên khích lệ. Nếu thấy họ trái oai nghi, nên ngăn cản. Nếu như không dạy dỗ thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu như đệ tử không thể dạy, không muốn học thì phải trục xuất.

Nếu Tỉ-kheo không dạy bảo đệ tử cùng sống chung thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

105. GIỚI: THỌ GIỚI RỒI, KHÔNG HẦU THẦY.

Khi Phật an trú tại thành Xá-Vệ, lúc ấy Tỉ-kheo-ni độ đệ tử, sau khi thọ Cụ túc rồi, đệ tử bèn bỏ đi nơi khác. Do đó, Hòa thượng ni than phiền rằng: "Đức Thế Tôn chế giới bảo phải dạy đệ tử, nhưng đệ tử bỏ tôi mà đi, thì tôi dạy ai đây?"

Các Tỉ-kheo ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo liền đem việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. (536c) Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô tới rồi, Phật hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Đó là việc xấu. Vì sao ngươi thọ Cụ túc rồi mà đi đến nơi khác? Ngươi phải phụng sự Hòa thượng ni trong 2 năm. 

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo Cù-đàm-di truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Khi Tỉ-kheo-ni thọ Cụ túc rồi phải theo hầu, cung phụng Hòa thượng ni trong 2 năm, nếu không theo hầu, cung phụng, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Người thọ Cụ túc: Chỉ cho đệ tử cùng sống chung.

Hai năm: Tức trong thời gian 2 mùa mưa.

Cung phụng: Tức cung phụng hòa thượng ni.

Theo hầu: Không được rời xa. Nếu không theo hầu, cung phụng thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nhưng nếu Hòa thượng ni trì giới lỏng lẻo, khiến đệ tử không muốn học, suy nghĩ: "Hòa thượng ni của ta chỉ đi đến những nơi không nên đến, nếu ta đi theo thì sợ tổn thương đến phạm hạnh", rồi bỏ đi để bảo toàn phạm hạnh thì không có tội.

Nếu Tỉ-kheo không theo hầu, cung phụng Hòa thượng, thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

106. GIỚI: NUÔI ĐỆ TỬ HÀNG NĂM.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy các Tỉ-kheo-ni cứ mỗi năm mỗi độ đệ tử cho thọ cụ túc, rồi tâm sinh nghi ngờ không biết có được làm như thế không, bèn hỏi Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo liền đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô tới rồi, Phật hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Từ nay về sau, Ta không cho phép cứ mỗi năm mỗi độ đệ tử mà phải để cách năm.

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni cứ mỗi năm mỗi nuôi đệ tử thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Mỗi năm: Cứ mỗi mùa mưa.

Nuôi đệ tử: Tức cho thọ cụ túc.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Phật không cho phép mỗi năm mỗi nuôi đệ tử mà phải để cách năm một. Nếu Tỉ-kheo-ni có phước đức thì năm thứ nhất cho đệ tử học giới, năm thứ hai cho thọ cụ túc, thì tuy năm nào cũng có độ mà không có tội. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

107. GIỚI: ĐỂ CÁCH ĐÊM CHO THỌ GIỚI.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo-ni Thọ-đề muốn cho đệ tử thọ Cụ túc bèn nói với Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà rằng: "Thưa Thánh giả, xin người mời giúp Tăng để cho đệ tử tôi thọ Cụ túc". Thế rồi Tỉ-kheo-ni Tăng bèn cho giới tử thọ Cụ túc (ở bản bộ yết-ma). Khi ấy, Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà mời được nhóm sáu Tỉ-kheo, Thọ-đề bèn hỏi:

- Cô đã mời giúp Tăng cho tôi được chưa?

- Đã mời được rồi.

- Mời được ai vậy?

- Mời được nhóm sáu Tỉ-kheo.

- Tôi không dùng những vị ấy.

Thế là đến sáng hôm sau, Thọ-đề liền mời các thiện Tỉ-kheo (537a) khác cho thọ Cụ túc. Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo liền đem đến trình bày lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo-ni Thọ-đề đến. Khi cô tới rồi, Phật hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không? 

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Này Thọ-đề, đó là việc xấu. Vì sao trong một chúng thanh tịnh mà ngươi để qua đêm mới cho thọ Cụ túc, lại còn khinh thường chúng nữa? Từ nay về sau, Ta không cho phép trong một chúng thanh tịnh mà để qua đêm cho thọ Cụ túc, cũng không cho phép khinh thường chúng.

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo Cù-đàm-di truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni ở trong một chúng thanh tịnh mà để qua đêm cho thọ Cụ túc thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Một chúng thanh tịnh: Tức thọ Cụ túc trong chúng của Tỉ-kheo-ni. 

Để qua đêm: Nếu để đến hôm sau mới cho thọ Cụ túc trong chúng của Tỉ-kheo thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói: Phật không cho phép ở trong một chúng thanh tịnh mà để qua hôm sau mới cho thọ Cụ túc; đồng thời cũng không cho phép khinh thường chúng, cũng không được mời chúng Tỉ-kheo ác cho thọ Cụ túc, mà trước hết phải đi thỉnh cầu thiện Tỉ-kheo. Nếu không thể mời đủ thì phải mời được một nửa hoặc hơn một nửa để làm yết-ma. Nếu trường hợp gặp nạn vua, nạn giặc không thể làm trong một ngày mà phải để qua đêm thì không có tội.

Trường hợp Tỉ-kheo cũng không được khinh thường chúng, cần phải mời được một nửa, hoặc hơn một nửa giới sư để làm yết-ma. Nếu khinh thường chúng thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên). 

108. GIỚI: ĐỆ TỬ CÓ LỖI MÀ KHÔNG THU XẾP.

Khi Phật an trú tại thành Tỳ-xá-ly, Lúc ấy Tỉ-kheo-ni Ca-lê độ người con gái thứ ba của dòng họ Li-xa xuất gia, thế rồi, cô này sống thân cận với người thế tụcngoại đạo. Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Tỉ-kheo-ni Ca-lê: "Cô biết đệ tử mình sống thân cận với người thế tụcngoại đạo mà vì sao không đưa kẻ ấy đến sống cách biệt ở nơi khác?".

Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo liền đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo-ni Ca-lê đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không? 

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Đó là việc xấu. Vì sao ngươi biết đệ tử sống thân cận với người thế tụcngoại đạo mà không cách ly họ? Từ nay về sau, Ta không cho phép làm như thế.

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Tỳ-xá-ly phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni độ đệ tửvấn đề mà không tự mình đưa họ hoặc sai người khác đưa họ đi xa ít nhất là 5,6 do tuần, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Độ người: Tức là Hòa thượng ni.

Đệ tử: Tức là đệ tử đồng hành.

vấn đề: Tức là đệ tử muốn thôi tu, hoặc là cha mẹ bà con muốn họ thôi tu, hoặc chồng (537b), chú muốn họ thôi tu.

Đưa đi: Hoặc tự mình đưa đi, hoặc sai người khác đưa đi.

Ít nhất là 5, 6 do tuần: Mức độï ít nhất là sáu do tuần.

Nếu đệ tử sống thân cận với người thế tục thì nên đưa họ đi du hành. Nếu bản thân mình già bệnh không thể làm được thì nên chuyển lời nhờ người khác dạy bảo rằng: "Ngươi nên đi vân du đảnh lễ chùa tháp sẽ được nhiều công đức, đồng thời gặp được những hội chúng tốt đẹp làm cho tầm hiểu biết của mình thêm mở mang, nếu ta mà không già cả thì ta cũng sẽ đi".

Nếu Tỉ-kheo có đệ tử cùng sống chung có vấn đề mà không tự mình đưa đi hoặc sai người khác đưa đến nơi khác thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

109. GIỚI: NGOAN CỐ KHÔNG NGHE LỜI KHUYÊN.

Khi Phật an trú tại Xá-vệ, lúc bấy giờ Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà chưa đủ 10 pháp mà độ đệ tử, rồi không dạy dỗ để họ buông lung giống như trâu trời, dê trời. Thế rồi có Tỉ-kheo-ni nói với Thâu-lan-nan-đà:

- Này Thánh giả, cô chưa đủ 10 pháp mà độ đệ tử rồi không chịu dạy bảo để họ như thế đó.

- Cô đố kỵ việc tôi độ đệ tử nên trách mắng tôi.

Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo liền đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Thâu-lan-nan-đà đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi: 

- Ngươi có việc đó thật không? 

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Đó là việc xấu. Vì sao ngươi chưa đủ 10 pháp lại độ đệ tử rồi không chịu dạy bảo mà còn trách móc người khác? Từ nay về sau, Ta không cho phép trách móc người khác.

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo Cù-đàm-di truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni A nói với Tỉ-kheo-ni B rằng: "Này Thánh giả, cô chưa đủ 10 pháp mà độ đệ tử thì phải dạy bảo họ", mà cô B trách ngược lại cô A thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Tỉ-kheo-ni: Hoặc Ni Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người.

Tỉ-kheo-ni B: Tức là Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà.

Chưa đủ 10 pháp: Tức là 10 pháp chưa thành tựu mà độ đệ tử, cho thọ Cụ túc, rồi có người khuyên can mà lại trách móc, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói.

Nếu Tỉ-kheo làm như trên thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

110. GIỚI: HỨA CHO THỌ GIỚI MÀ KHÔNG CHO THỌ.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có cô ni đang học giới nói với Thâu-lan-nan-đà:

- Thưa Thánh giả, con học giới đủ rồi cho con thọ Cụ túc.

- Được.

Sau đó, cô Ni học giới nhắc lại: "Thưa Thánh giả, con học giới đủ rồi, cho con thọ Cụ túc". Thâu-lan-nan-đà nghe thế mà không cho thọ Cụ túc, không nhờ người khác cho thọ, cũng không bảo đi nơi khác để thọ. Các Tỉ-kheo-ni bèn trách cô ta: "Trước đây cô hứa cho thọ Cụ túc, vì sao không cho thọ?" Tuy nghe lời trách móc ấy, nhưng (537c) cô vẫn không cho thọ.

Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo lại đem việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Thâu-lan-nan-đà đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Đó là việc ác. Vì sao ngươi hứa cho người khác thọ Cụ túc mà rồi không cho thọ? Từ nay về sau, Ta không cho phép làm như vậy.

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni nói với Thức-xoa-ma-ni rằng: Ngươi học giới đủ rồi ta sẽ cho thọ cụ túc", nhưng sau đó không cho thọ, không nhờ người khác cho thọ, cũng không bảo họ đi nới khác, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Thức-xoa-ma-ni: người tùy thuận học 18 việc trong 2 năm.

Nói rằng: Như trường hợp Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà hứa cho thọ Cụ túc mà sau đó tự mình không cho thọ cũng không bảo người khác cho thọ thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Nếu Tỉ-kheo-ni nói với Thức-xoa-ma-ni rằng: Ta sẽ cho ngươi thọ Cụ túc mà sau đó không có khả năng thì nên bảo người khác cho thọ. Nếu tự mình không cho thọ, không nhờ người khác cho thọ, thì nên bảo họ đi nơi khác để thọ Cụ túc. Nếu Tỉ-kheo-ni hứa cho Thức-xoa-ma-ni thọ Cụ túc mà sau đó không cho thọ thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Nếu Tỉ-kheo hứa cho Sadi thọ Cụ túc mà sau đó không cho thọ thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

111. GIỚI: KHÔNG BỆNH MÀ ĐI XE .

Khi Phật an trú tại Tì-xá-li, bấy giờ Tỉ-kheo-ni Bạt-đà-la-già-tì-lê đi xe lộng lẫy đến nhà bà con, bị người đời chê trách rằng: "Vì sao Samôn ni đã xuất gia mà giống như người thế tục, đi xe lộng lẫy, còn nhiều tham dục đến như thế?".

Các Tỉ-kheo-ni nghe thế bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo đem việc đó đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi: 

- Ngươi có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Đó là việc xấu. Từ nay về sau, Ta không cho phép làm như vậy.

Lại nữa, bấy giờ có một Tỉ-kheo-ni con dòng họ Thích, vì già bệnh ốm yếu, đi đường không theo kịp bạn bè phải đi sau, bị bọn giặc xâm phạm. Cuối cùng, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni không bệnh mà đi xe thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Bệnh: Nếu vì già bệnh ốm yếu hay là nhạc sĩ không thể đi được (thì đi xe) Thế Tôn bảo là không có tội.

Xe: Gồm có 8 loại, kể cả thuyền bè đó gọi là 8 loại; nếu sử dụng những thứ ấy thì phạm tội Ba-dạ-đề. (538a) Đức Thế Tôn không cho phép Tỉ-kheo-ni không bệnh mà đi xe, thuyền. Nhưng nếu có bệnh cũng không được đi xe do trâu đực kéo, mà được đi xe do trâu, ngựa, lạc đà cái kéo. Nếu vì bệnh không biết đó là con đực hay cái thì không có tội. Nếu đi đò ngang thì không có tội. Ngoài ra, nếu có nhân duyên thì được đi đò xuôi, ngược dòng sông.

Nếu Tỉ-kheo không bệnh mà đi xe, đò thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

Kệ tóm tắt:

"Chưa đủ, không yết-ma,
Hòa thượng không dạy bảo.
Đệ tử không theo hầu,
Hằng năm nuôi đệ tử.
Cách đêm thọ Cụ túc
Có chuyện, không đưa đi.
Chê trách, hứa thọ giới,
Đi xe thuyền cuối cùng
Hết phần thứ mười một"

112. GIỚI: KHÔNG BỆNH MÀ ĐỘI DÙ.

Khi Phật an trú tại Tì-xá-li, bấy giờ Tỉ-kheo-ni Bạt-đà-la-già-tì-lê đội dù, mang giày đi đến nhà bà con, bị người đời chê bai rằng: "Vì sao Samôn ni mà giống như người thế tục, còn đa dục đến như thế?".

Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo lại đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

Từ nay về sau, Ta không cho phép cầm dù, mang giày.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ có những cô gái của họ Thích họ Ma-la, trước kia vốn là nhạc sĩ, nay đã xuất gia, đi đường gặp lúc trời nóng bức rất là cực nhọc. Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy: "Từ nay về sau, Ta cho phép khi bệnh (được đội dù)".

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni không bệnh mà cầm dù, mang giày thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Bệnh: Nếu bị già yếu, bệnh hoạn, khiêng chân mà mang giày thì Thế Tôn nói là không có tội.

Ô dù: Như ô dù làm bằng vỏ cây, bằng đa-lê, bằng tre, bằng ma-lâu, bằng lá cây, bằng vải, đại loại các thứ dù tương tự như thế.

Giày: Loại giày một lớp, hai lớp.

Cầm: Nếu sử dụng thì phạm tội Ba-dạ-đề .

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Nếu cầm dù mà không mang giày thì phạm tội Việt tì-ni . Nếu mang giày mà không cầm dù cũng phạm tội Việt tì-ni. Nếu dùng cả hai thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu không dùng cả hai thì không có tội.

Nếu Tỉ-kheo cầm dù đẹp đẽ, mang giày hai lớp thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (538b) (như trên).

113. GIỚI: NẰM GIƯỜNG CAO QUÁ MỨC ĐỘ.

Khi Phật an trú tại Tì-xá-li, lúc ấy Tỉ-kheo-ni Bạt-đà-la-già-tì-lê đi đến nhà bà con, trải 2, 3 lớp nệm trên chiếc giường Khư-trù-la cao nghệu mà ngồi, bị người đời và ngoại đạo chê bai rằng: "Vì sao Sa-môn ni đã xuất gia mà còn giống như người thế tục, đa dục đến như thế?".

Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo lại đem việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Phật bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Vì sao ngươi ngồi trên giường Khư-trù-la cao quá mức độ như vậy? Từ nay về sau, Ta không cho phép làm như thế.

Đoạn Phật bảo Đại Ái Đạo Cù-đàm-di truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại Tì-xá-li phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni ngồi hoặc nằm trên giường nệm Khư-trù-la cao quá mức độ thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Quá mức độ: Cao hơn 8 ngón tay.

Giường nệm Khư-trù-la: Khư-trù-la gồm có 14 loại, cho đến giường Băng-cầu-la, Khư-trù-băng-cầu-la, nếu ngồi hay nằm trên đó thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Nếu ngồi suốt ngày thì phạm một tội Ba-dạ-đề. Nếu đã đứng lên rồi, ngồi xuống lại thì cứ mỗi lần ngồi lại phạm một tội Ba-dạ-đề. Nếu giường cao quá mức độ thì được chôn chân giường xuống (cho ngang mức độ) mà ngồi.

Nếu Tỉ-kheo ngồi giường Khư-trù-la cao quá mức độ thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

114. GIỚI: CÙNG NẰM CHUNG MỘT GIƯỜNG.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy nhóm sáu Tỉ-kheo-ni cùng ngủ chung trên một giường, một chõng, mền gối bị rách nát, giường chõng bị hỏng hóc. Các Tỉ-kheo-ni bèn đem sự việc ấy nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo bạch với Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô tới rồi, Phật bèn hỏi: 

- Ngươi có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Đó là việc xấu.

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni trải giường nệm ra cùng nằm chung thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Trải: Cùng một chõng, một giường, một mùng.

Giường: Gồm có 14 loại, thậm chí nếu nằm trên giường Chi-lan thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Không được nằm chung một giường mà nên nằm mỗi người một giường. Nếu giường ba chỗ ngồi thì được nằm hai người nhưng khi dang chân ra thì không được quá đầu gối. Nếu tấm nệm vuông thì ba tấm được dùng cho hai người nằm, nhưng khi dang chân ra thì không được quá đầu gối. Nếu trải dưới đất thì không được dùng cho nhiều người mà nên nằm cách nhau chừng một cánh tay dang ra. Nếu tọa cụ thì nên tự trải ra mà ngồi. Khi trời lạnh thì ở trên (538c) được phủ chung một tấm màn còn ở dưới mỗi người tự đắp mền riêng thì không có tội.

Nếu Tỉ-kheo cùng nằm chung một giường thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

115. GIỚI: RA ĐI KHÔNG TRẢ LẠI PHÒNG.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo-ni Ca-lê nhận phòng của Tăng rồi đóng cửa mà ra đi. Sau đó có Tỉ-kheo-ni khách là Thượng tọa đến, theo thứ tự nhận phòng, thấy cửa phòng đóng, than phiền rằng: "Đây là phòng ốc của Tăng vì sao lại đóng cửa rồi ra đi?".

Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Thế rồi, Phật bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Đó là việc xấu. Vì sao phòng của Tăng mà ngươi nhận rồi không trả, lại đóng cửa rồi ra đi? Từ nay về sau không được làm như vậy.

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni không xả phòng giường nệm của Tăng mà ra đi thì phạm tội Ba-dạ-đề. 

Giải thích:

Giường nệm của Tăng: Như giường nằm, giường ngồi, gối nệm và câu chấp.

Không xả: Không trả lại, không thưa mà bỏ đi nơi khác thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Nếu Tỉ-kheo-ni muốn đi đâu thì phải trả lại giường nệm, nói với người trông coi giường nệm biết rồi mới đi. Nếu không trả lại mà đi, thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu như phòng không bỏ trống, sau đó có người khác ở, thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

116. GIỚI: VÀO CHỖ TĂNG KHÔNG THƯA TRƯỚC.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, Tỉ-kheo-ni mẹ của Kiệt-trụ không nói trướcđột nhiên đi vào phòng Tỉ-kheo cha của Kiệt-trụ, rồi xoa sau lưng. Vị này quay lại nhìn thấy, liền kêu lên: - Đừng, đừng! Hãy xa tôi ra!

- Ngày trước tôi thường tắm rửa cho ông, nay tôi chỉ xoa một tí thì có gì mà kêu vang.

- Ngày xưa tôi là người thế tục, nay đã xuất gia không được làm như trước nữa.

Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không? 

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Đó là việc xấu. Vì sao ngươi không thưa trước mà đi vào tinh xá của Tỉ-kheo? Từ nay về sau Ta không cho phép làm như thế.

Thế rồi, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni không bạch trước mà đi vào Tăng-già-lam của Tỉ-kheo thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Tăng-già-lam của Tỉ-kheo: Ít nhất là chỗ ở của một Tỉ-kheo. 

Không bạch trước: Không nói trước, không gọi mà tự động vào như Tỉ-kheo-ni mẹ của Kiệt-trụ thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Nếu Tỉ-kheo-ni muốn đi vào trú xứ của Tỉ-kheo thì phải (539a) đến đứng trước cửa phòng bạch rằng: "Kính chào, Tỉ-kheo-ni (mỗ giáp) xin vào gặp, mong được sự cho phép". Khi ấy, Tỉ-kheo phải cân nhắc, nếu thấy Tỉ-kheo-ni ấy hiền thiện mà mình đang rỗi rảnh, đã khoác sẵn y phục, thì cho phép vào. Nếu mình đang có việc, hoặc đang làm đất hay đang ở trần thì nên nói: "Này chị em, hãy đứng chờ một tí", rồi xướng rằng: "Này các Trưởng lão, Tỉ-kheo-ni muốn vào, các vị hãy mặc y phục". Nếu thấy Tỉ-kheo-ni ấy bất thiện, không có oai nghi thì nên nói: "Cô đừng vào, Tăng đang có việc".

Nếu không nói trướcđi vào lần đầu thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nhưng nếu đi đến lần sau thì không có tội. Nếu không bạch mà đi vào thì khi dở lên một chân phạm tội Việt tì-ni, dở lên cả hai chân phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu đi trở ra thì phạm tội Việt tì-ni. 

Nếu Tỉ-kheo không nói trướcđi vào trú xứ của Tỉ-kheo-ni thì phạm tội Việt tì-ni. Khi muốn vào nên đến đứng trước cửa phòng bảo tịnh nhân nữ thông báo (rồi mới vào). Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

117. GIỚI: TRÚ NGỤ NHÀ THẾ TỤC.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo-ni đi đường gặp lúc hoàng hôn muốn vào trong thôn xin chỗ trú ngụ, bèn đến một nhà kia nói với người phụ nữ:

- Xin cho tôi nghỉ tạm một đêm.

- Chồng tôi đi vắng có thể chiều tối sẽ trở về.

Tỉ-kheo-ni cứ tiếp tục nài nỉ xin trú ngụ. Người phụ nữ nói: "Nếu chồng tôi không về thì cô có thể tạm nghỉ một đêm". Thế là bà ta cho nghỉ. Đến lúc chiều tối, ông chồng trở về, do kiết sử sai khiến, ông bèn giao hoan với bà vợ. Tỉ-kheo-ni này vì chưa ly dục nên nghe tiếng hai vợ chồng giao hoan lòng không vui, đến khi trở về tinh xá, liền nói với các Tỉ-kheo-ni. Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Cuối cùng, Phật bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không? 

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Vì sao ngươi biết thực gia dâm xứ mà vẫn trú ngụ? Từ nay về sau, Ta không cho phép làm như vậy.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ các Tỉ-kheo-ni đi đường đến lúc chiều tối bèn vào trong thôn tìm khắp nơi mà không có những nhà không có đàn ông, đành phải nghỉ tạm bên đường hẻm. Thế rồi vào lúc đêm khuya có mưa to gió dữ nổi lên, bị bọn thanh niên đến xâm phạm làm tổn thương phạm hạnh. Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy trình bày với Đại Ái Đạo. Cuối cùng, Phật dạy: "Từ nay về sau, trừ lúc khác (cho đến) dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni biết thực gia dâm xứ mà trú ngụ - trừ lúc khác - thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Lúc khác: Tức là lúc gió, lúc mưa, lúc bị đe dọa mất mạng, lúc phạm hạnh bị tổn thương; đó gọi là lúc khác.

Tỉ-kheo-ni: Như trên đã nói.

Biết: Hoặc tự biết hoặc do nghe người khác mà biết.

Thực: Người nữ là thực phẩm của người nam, người nam là thực phẩm của người nữ.

Gia: Tức gia tộc bốn chủng tánh.

Dâm xứ: Phòng ngủ của vợ chồng. Nếu Tỉ-kheo-ni trú ngụ nơi ấy thì phạm tội Ba-dạ-đề. Ngoại trừ khi khác thì đức Thế Tôn nói là không có tội. Khi khác tức là khi gió, khi mưa, khi bị mất mạng, (539c). Khi nghi ngờ bọn con trai làm tổn thương phạm hạnh; đó gọi là khi khác. Không được đã biết nơi đó là thực gia dâm xứ mà vẫn trú ngụ. Nếu nghi ngờ trong thôn có bọn con trai phóng đãng vì sợ bọn chúng mà trú ngụ thì không có tội. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên). 

118. GIỚI: ĐI XA KHÔNG CÓ BẠN.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ các Tỉ-kheo-ni ở Tì-xá-li an cư xong, muốn đến thành Xá-vệ lễ bái Thế Tôn, bèn đến tinh xá Tỉ-kheo, chào:

- Kính chào tôn giả! Con nghe nói tôn giả muốn đến thành Xá-vệ lễ bái Thế Tôn, có đúng thế không?

- Cô hỏi để làm gì?

- Con muốn đi theo.

- Đức Thế Tôn chế giới không cho Tỉ-kheo đi chung đường với Tỉ-kheo-ni.

- Ngày nào khởi hành vậy?

- Ngày mỗ.

Thế là các Tỉ-kheo-ni ghi nhớ ngày ấy, về chuẩn bị y bát rồi đúng ngày đến đứng chờ bên đường. Đến ngày ấy, các Tỉ-kheo ăn xong rồi lên đường. Khi trông thấy các Tỉ-kheo-ni bèn bảo nhau: "Các Tỉ-kheo-ni muốn đi theo chúng ta, chúng ta hãy đi nhanh lên". Khi ấy, các Tỉ-kheo-ni trẻ tuổi thì vội vã chạy theo, còn những người già bệnh, nhạc sĩ không theo kịp, lạc lại đàng sau, nên bị bọn cướp lột hết đồ đạc.

Các Tỉ-kheo-ni bèn trình bày với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo lại đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô tới rồi, Phật hỏi:

- Ngươi có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Tại sao không có khách buôn làm bạn mà ngươi dám đi đường đến nước khác xa xôi? Từ nay về sau, Ta không cho phép làm như vậy

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni không có khách buôn làm bạn mà đi đến nước khác xa xôi thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Không có bạn: Không có khách buôn làm bạn.

Nước khác: Một vương quốc khác. Nếu đi đến đó thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Khi Tỉ-kheo-ni muốn đi thì trước hết nên tìm thương nhân làm bạn. Nếu người ấy nói: "Thánh giả cứ đến đây, tôi sẽ sắp đặt để cho cô đi", thì nên xem xét người ấy. Nếu họ nói nghe hay ho mà trông họ không tốt, thì không nên đi theo, mà nên tìm những người tốt có đem theo vợ và con gái để cùng đi chung.

Nếu lúc ra đi gấp gáp không xem xét kỹ được đến giữa đường mới phát giác được thực hư, thì không được rời bỏ họ ngay lập tức mà phải đợi đến gần thôn xóm mới rời bỏ họ mà đi. Nếu họ hỏi: "Cô định đi đâu vậy?", thì nên đáp: "Tôi đi khất thực". 

Nếu Tỉ-kheo-ni không làm bạn với thương nhân trong khi đi đường thì phạm tội Việt tì-ni, khi đến nơi thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Nếu Tỉ-kheo không có thương nhân làm bạn mà đi đường xa thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên). 

119. GIỚI: DU NGOẠN THẮNG CẢNH.

(539c) Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo-ni đi với phụ nữ đến tham quan các khu vườn, hồ nước. Thế rồi, các phụ nữ đến bên hồ nước để ăn uống, còn Tỉ-kheo-ni thì vào trong thôn xóm để tham quan. Khi ấy, bỗng có các thanh niên từ trong rừng đi ra, quấy nhiễu Tỉ-kheo-ni.

Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Cuối cùng, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

- Nếu Tỉ-kheo-ni đến vườn, khu rừng, nơi hoang vắng trong lãnh thổ (quốc gia) để ngắm cảnh, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Trong lãnh thổ: Trong đất nước của một vì vua.

Vườn: Như vườn Am-bà-la cho đến vườn A-đề-mục-đa.

Khu rừng: Tức những khu rừng trồng cây.

Nơi hoang vắng: Tức những nơi không có nhà cửa. Nếu tham quan những nơi đó thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Nếu Tỉ-kheo-ni đi tham quan khu vườn, rừng, nơi hoang vắng, thì khi ra đi phạm tội Việt tì-ni, lúc đến nơi phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu đàn việt nữ giới mời đi với họ thì không có tội.

Nếu Tỉ-kheo vì ham vui mà đi tham quan vườn, rừng, nơi hoang vắng thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

120. GIỚI: NGỒI VỚI TỈ-KHEO Ở CHỖ KHUẤT.

Khi Phật an trú tại Tì-xá-li, lúc ấy người vợ cũ của Ưu-đà-di là Tỉ-kheo-ni Tu-xà-đề nói với thầy rằng: "Tôn giả, ngày mai tôi giữ phòng, tôn giả có thể đến thăm". Bấy giờ, tất cả Tỉ-kheo-ni đều vào thôn xóm khất thực, thì Ưu-đà-di khoác y, cầm bát đi vào tinh xá của Tỉ-kheo-ni. Thế rồi, hai người ngồi chòm hỏm ở phòng sau, để lộ bộ phận sinh dục, nhìn nhau với lòng đầy dục vọng. Lúc ấy có một Tỉ-kheo-ni già bệnh từ trong phòng bước ra để đi tiểu tiện, thấy thế rất xấu hổ, liền bước nhanh qua; rồi đem sự việc ấy nói với Đại Ái Đạo. Cuối cùng, Phật bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô tới rồi, Phật liền khiển trách: "Đó là việc xấu" (cho đến) Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni ngồi một mình với một Tỉ-kheo ở nơi vắng vẻ thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Một mình: Chỉ có một Tỉ-kheo, ngoài ra không có ai khác. Giả sử có người mà người ấy ngủ, hoặc say, hoặc điên cuồng, hoặc bị bệnh tâm thần, hoặc trẻ con đang kêu khóc, hoặc phi nhân, súc sinh thì cũng được xem là chỉ có một mình.

Nơi vắng vẻ: Chỗ khuất vắng không có người.

Ngồi: Nếu cùng ngồi với nhau thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Nếu Tỉ-kheo-ni ngồi với một Tỉ-kheo suốt ngày thì phạm một tội Ba-dạ-đề. Nếu nửa chừng đứng dậy rồi ngồi lại thì mỗi lần ngồi phạm mỗi tội Ba-dạ-đề.

Nếu Tỉ-kheo-ni ngồi một mình trong phòng, rồi đột nhiên có Tỉ-kheo đi đến, vào ngồi, thì Tỉ-kheo-ni nên nhanh chóng đứng dậy. Nhưng muốn đứng lên thì nên nói trước đừng để Tỉ-kheo lấy làm ngạc nhiên. Nếu Tỉ-kheo hỏi: "Vì sao mà đứng", thì hãy đáp: "Vì Thế Tôn chế giới không cho phép con ngồi một mình với Tỉ-kheo". 

Nếu ngồi một mình với đứa bé trai dưới 7 tuổi cũng phạm. Thế thì khoảng thời gian ngồi đó là bao lâu? - (540a) Khoảng thời gian đó bằng khoảnh khắc lấy thức ăn cho người xuất gia. Nhưng nếu có tịnh nhân làm việc đi lại vào ra không gián đoạn thì ngồi không có tội. Hoặc là cửa phòng hướng ra ngoài đường, mà trên đường có người đi lại không gián đoạn cũng không có tội. Trái lại, nếu người đi lại gián đoạn thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu tịnh nhân đang ngủ thì phải búng ngón tay đánh thức họ dậy. Nếu mình ở trên gác mà người dưới gác nhìn thấy, hoặc mình ở dưới gác mà người ở trên gác nhìn thấy, ba người luôn luôn nhìn thấy nhau thì không có tội.

Lại có các trường hợp: Thấy mà không nghe; hoặc nghe mà không thấy; vừa thấy vừa nghe; vừa không nghe, không thấy.

Thấy mà không nghe: Từ xa trông thấy Tỉ-kheo ngồi với Tỉ-kheo-ni mà không nghe tiếng nói.

Nghe mà không thấy: Nghe tiếng nói mà không nhìn thấy.

Đại loại hai trường hợp sau cũng thế. Nếu thấy mà không nghe thì phạm tội Việt tì-ni. Nếu nghe mà không thấy cũng phạm tội Việt tì-ni. Nếu vừa thấy, vừa nghe thì không có tội. Nếu không thấy, không nghe thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Tội này bao gồm các trường hợp: ở xóm làng; ở a-luyện-nhã; ban ngày; ban đêm; lúc đúng thời; lúc phi thời; ở chỗ che khuất chứ không phải ở chỗ trống trải, chỉ có một người chứ không phải nhiều người; ở gần nhau chứ không phải ở cách xa nhau. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên). 

121. GIỚI: NGỒI VỚI NAM GIỚI Ở CHỖ KHUẤT.

Khi Phật an trú tại Tì-xá-li, lúc ấy Tỉ-kheo-ni Bạt-đà-la đến nhà bà con, ngồi với anh em, chị em, trẻ con ở chỗ che khuất; Tỉ-kheo-ni khác thấy thế trách cứ rằng: "Vì sao người xuất gia mà ngồi chung với người thế tục ở chỗ kín đáo giống như người đời vậy?" Rồi cô đem việc ấy nói với Đại Ái Đạo. Cuối cùng, Phật dạy: "Từ nay về sau, Ta không cho phép ngồi với nam tử ở chỗ kín đáo (cho đến) dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni ngồi với nam giới ở chỗ che khuất thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Ba-dạ-đề: Như trong giới của Tỉ-kheo ở trên đã nói rõ.

Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

Kệ tóm tắt:

"Cầm dù, ngồi giường cao,
Cùng trải giường, không bỏ.
Không bạch, nghỉ chỗ dâm,
Không bạn, đi tham quan.
Cùng ngồi với Tỉ-kheo
Cũng như với nam giới.
Hết phần thứ mười hai".

122. GIỚI: ÔM ĐÀN ÔNG VÀO MÌNH MÀ THỦ THỈ.

Khi Phật an trú tại Tì-xá-li, lúc ấy Tỉ-kheo-ni Bạt-đà-la đến nhà bà con, đưa tay ra kéo anh em, chị em, trẻ con vào đứng gần bên mình rồi rỉ tai. Kẻ đầy tớ thấy thế hiềm nghi, nói: "Người xuất gia này đang nói thì thầm, chắc là nói về lỗi lầm của ta".

Các Tỉ-kheo-ni nghe thế bèn nói với Đại Ái Đạo Cù-đàm-di. Cuối cùng, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni đưa tay ra kéo nam tử vào đứng sát bên mình, rồi nói rỉ tai thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Tỉ-kheo-ni: Như trên đã nói.

Đưa tay ra kéo vào bên mình: Đưa tay ra kéo vào đứng gần kề bên.

(540b) Nói rỉ tai: Nếu nói thì thầm bên tai nhau thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Tỉ-kheo-ni không được đưa tay ra kéo nam tử vào đứng kề bên mình rồi nói chuyện, hoặc nói thì thầm. Nếu muốn nói chuyện thì phải đứng cách xa ngoài tầm tay. Nếu muốn bàn luận chuyện bí mật thì phải đứng cách hàng rào, cách bức tường, cách gốc cây hoặc cách bức màn. Nếu Tỉ-kheo-ni (nói rỉ tai với người khác) thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Nếu Tỉ-kheo đưa tay ra kéo người nữ vào đứng kề bên mình, nói chuyện thì thầm thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên). 

123. GIỚI: ĐI VÀO CHỖ TỐI CÓ ĐÀN ÔNG.

Khi Phật an trú tại Tì-xá-li, lúc ấy Tỉ-kheo-ni Bạt-đà-la đến nhà bà con; không nói trướcđột nhiên đi vào chỗ anh em, chị em, trẻ con đang ngồi trong bóng tối không có đèn, khiến những người bà con sững sờ hổ thẹn. Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Cuối cùng, cô đáp với đức Phật:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Vì sao ngươi biết nam tử đang ngồi trong chỗ tối không có đèn mà đi vào? Từ nay về sau, Ta không cho phép làm như vậy.

Thế rồi, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni biết nam tử đang ngồi trong chỗ tối không có đèn mà đi vào thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Chỗ nam tử đang ngồi: Chỗ mà họ thường nằm ngủ.

Chỗ tối: Chỗ không nhìn thấy nhau.

Không có đèn: Không có đèn dầu và các loại đèn khác. Nếu đi vào nơi đó thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Không được vào chỗ tối mà nam tử đang ngồi. Nếu có nhân duyên cần vào mà nghe những người ở trong đó đang nói năng lớn tiếng thì nên vào. Nếu không nghe tiếng nói thì trước hết nên sai người báo tin, hoặc gảy ngón tay, hoặc đốt đèn sáng cho thấy hình người, rồi có người gọi vào thì mới được vào. Nếu không báo trước, không gảy ngón tay, không đốt đèn sáng mà vào thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Nếu Tỉ-kheo không báo tin trước mà vào thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

124. GIỚI: XEM TRÌNH DIỄN VĂN NGHỆ.

Khi Phật an trú tại thành Vương-Xá, lúc ấy nhóm sáu Tỉ-kheo-ni đi đến trước chỗ tụ điểm ca nhạc chiếm chỗ ngồi xem. Khi bọn kỹ nhi trình diễn thì họ cất tiếng cười lớn, khiến mọi người bắt chước cười theo. Đến lúc mọi người cười thì họ lại im lặng tựa như người đang ngồi thiền. Đợi khi mọi người không cười nữa thì họ mới vỗ tay cười ầm lên. Do thế dân chúng bỏ các kỹ nhi mà nhìn Tỉ-kheo-ni. Vì vậy, bọn kỹ nhi không thu tiền được, nổi giận trách móc: "Vì bọn Sa-môn ni này mà chúng ta không thu tiền được".

Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Cuối cùng, Phật hỏi thì họ đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Đó là việc xấu. Vì sao các ngươi xem ca nhạc? Từ nay về sau, Ta không cho phép xem ca nhạc.

Thế rồi, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni xem trình diễn ca nhạc thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Ca nhạc: Trình diễn các loại như: múa, ca, đánh xập xõa, đánh trống, ít nhất là xem 4 người (540c) trình diễn thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói; không được xem ca nhạc. Nếu Tỉ-kheo-ni đi khất thực mà gặp vua, phu nhân của vua xuất hành có nghi vệ ca nhạc rồi mình trông thấy thì không có tội. Thế nhưng, nếu mình đang ở chỗ thấp mà cố y leo lên chỗ cao để nhìn xem thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Nếu đàn việt muốn cúng dường Phật, nên sắm các thứ kỹ nhạc, nghiền hương, kết vòng hoa, rồi nói với Tỉ-kheo-ni: "Thưa thánh giả, hãy giúp tôi bày biện các vật cúng dường này", thì khi ấy, mình được làm giúp họ. Nếu ở tại đó nghe tiếng nhạc mà mình có ý thích thú thì hãy bỏ đi.

Nếu Tỉ-kheo xem ca nhạc thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên). 

125. GIỚI: KHI CHÚNG TRANH CHẤP MÀ KHÔNG DẬP TẮT.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy trong các Tỉ-kheo-ni có sự tranh chấp sống không hòa hợp. Bấy giờ, Đại Ái Đạo Cù-đàm-di đang làm thủ chúng mà trong Tăng có sự tranh chấp khởi lên thì không thể dập tắt, còn những việc chưa phát khởi thì không thể ngăn chặn cho nó đừng sinh khởi. Các Tỉ-kheo-ni bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bảo gọi Đại Ái Đạo Cù-đàm-di đến. Khi Ni sư tới rồi, Phật liền hỏi:

- Này Cù-đàm-di, bà có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Vì sao sự tranh chấp phát sinh mà bà không dập tắt, còn những chuyện chưa phát sinh thì không tìm phương tiện ngăn chặn đừng cho sinh khởi? Từ nay về sau, khi có sự tranh chấp thì phải dập tắt.

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu các Tỉ-kheo-ni có sự tranh cãi chống đối sống không hòa hợp mà vị thủ chúng không dàn xếp dập tắt thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Tranh cãi: Cãi nhau bằng miệng.

Chống đối: Hai bên tranh thắng bại, sống không hòa hợp, rồi nói với nhau như: đúng pháp, phi pháp; đúng luật, phi luật; có tội, không có tội; tội nhẹ, tội nặng; tội có thể trị phạt, tội không thể trị phạt; tội có dư tàn, tội không có dư tàn; yết-ma đúng pháp, yết-ma phi pháp; yết-ma hòa hợp, yết-ma không hòa hợp; nên làm yết-ma, không nên làm yết-ma; yết-ma đúng chỗ, yết-ma không đúng chỗ.

Thủ chúng: Vị đứng đầu của chúng làm mẫu mực cho mọi người noi theo.

Không dàn xếp dập tắt: Nếu tự mình không dập tắt hoặc sai người khác dập tắt thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Khi các Tỉ-kheo-ni có sự tranh cãi chống đối nhau sống không hòa hợp, thì không được để yên như thế mà nhìn, mà phải tìm cách dập tắt, bảo họ sám hối lẫn nhau. Nếu sự việc không đình chỉ được cần phải làm yết-ma, thì nên tập họp Tăng để giải quyết. Nếu bản thân mình không đủ khả năng thì nên mời những Tỉ-kheo, Tỉ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di có đức độ trong các chúng khác đến dập tắt. Nếu sự tranh cãi khó giải quyết thì nên suy nghĩ: "Đó là do hạnh nghiệp của chúng sinh đang diễn tiến, hãy đợi (541a) thời gian chín mùi, tự nó sẽ kết thúc". Nếu suy nghĩ như thế thì không có tội.

Nếu các Tỉ-kheo tranh cãi chống đối nhau mà vị thủ chúng không tìm cách dập tắt thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).

126. GIỚI: BẢO PHỤ NỮ THOA HƯƠNG KỲ CỌ.

Khi Phật an trú tại Tì-xá-li, lúc ấy Tỉ-kheo-ni Bạt-đà-la đến nhà bà con xem họ tắm gội. Các phụ nữ nói với cô: "Để tôi kỳ cọ thân thể cho thánh giả đặng kiếm chút công đức". Vì thân thể của Tỉ-kheo-ni này đoan chính nên các phụ nữ muốn xem cho biết. Thế là cô đồng ý để họ kỳ cọ. Họ bèn dùng các thứ hương dầu bôi vào thân cô. Các Tỉ-kheo-ni thấy thế chê trách rằng: "Người xuất gia mà còn nhiều tham dục như thế!".

Do đó, các Tỉ-kheo-ni nói với Đại Ái Đạo. Cuối cùng, Phật hỏi và cô đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Vì sao ngươi bảo những phụ nữ thế tục kỳ cọ thân thể? Từ nay về sau, Ta không cho phép làm như vậy.

Thế rồi, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni bảo phụ nữ thế tục bôi dầu, hương thơm, kỳ cọ thân thể để tắm gội - trừ khi bệnh - thì phạm tội Ba-dạ-đề. 

Giải thích:

Phụ nữ thế tục: Những phụ nữ thuộc bốn chủng tộc.

Kỳ cọ để tắm gội: Dùng các thứ dầu, hương thơm bôi vào mình rồi kỳ cọ. Nhưng nếu vì già bệnh thì không có tội. Còn nếu như không có bệnh mà bảo họ kỳ cọ tắm gội thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. 

Nếu thân thể bị ghẻ lở thì được dùng thuốc bôi lên rồi tắm rửa. Nếu bị bệnh nhiệt thì được dùng đậu xanh giã nát rồi bôi lên. Nếu bị bệnh phong thì được dùng bột gạo lứt bôi lên. Nếu bị các chứng bệnh tạp thì được dùng các loại thuốc gia truyền bôi lên, không có tội. Nhưng sau khi bôi thuốc, không được ở trong chúng mà nên ở trong phòng bên cạnh, đến khi bệnh lành phải tắm rửa sạch sẽ rồi mới được vào trong chúng.

Nếu Tỉ-kheo không có bệnh mà bảo người thế tục kỳ cọ thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên). 

127. GIỚI: BẢO TỈ-KHEO-NI TẮM CHO MÌNH.

Khi Phật an trú tại Tì-xá-li, sau khi Thế Tôn chế giới không cho phép Tỉ-kheo-ni bảo phụ nữ thế tục kỳ cọ tắm rửa, thì Tỉ-kheo-ni Bạt-đà-la bèn sai Tỉ-kheo-ni kỳ cọ cho mình. Các Tỉ-kheo-ni bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni không bệnh mà bảo Tỉ-kheo-ni khác kỳ cọ tắm gội cho mình thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Nếu xoa bóp mà không kỳ cọ thì phạm tội Việt tì-ni. Nếu kỳ cọ mà không xoa bóp cũng phạm tội Việt tì-ni. Nếu làm cả hai thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Nếu Tỉ-kheo không có bệnh mà bảo Tỉ-kheo khác xoa bóp, kỳ cọ thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên). 

128. GIỚI: BẢO SA-DI-NI TẮM CHO MÌNH.

Đối với Sa-di-ni cũng như vậy. Thế nên, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni không bệnh mà bảo Sa-di-ni xoa bóp, kỳ cọ thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Sa-di-ni: Theo Phật xuất gia, thọ 10 giới.

Bảo xoa bóp kỳ cọ: Như trong phần Tỉ-kheo-ni đã nói.

129. GIỚI: BẢO THỨC-XOA-MA-NI TẮM CHO MÌNH.

(541b) Đối với Thức-xoa-ma-ni cũng như vậy. Thế nên, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni không bệnh mà bảo Thức-xoa-ma-ni xoa bóp, kỳ cọ thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Thức-xoa-ma-ni: Tùy thuận làm 18 việc và học giới trong hai năm.

Sai xoa bóp kỳ cọ: Như trong vấn đề Tỉ-kheo-ni ở trên đã nói.

130. GIỚI: SAI PHỤ NỮ TẮM CHO MÌNH.

Đối với phụ nữ thế tục cũng như vậy. Thế nên, đức Thế Tôn dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại: 

-- Nếu Tỉ-kheo-ni không bệnh mà sai phụ nữ thế tục xoa bóp, kỳ cọ thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Phụ nữ thế tục: Tức phụ nữ trong các gia đình thuộc bốn chủng tánh.

Xoa bóp, kỳ cọ: Như trong vấn đề Tỉ-kheo-ni đã nói.

131. GIỚI: KHÔNG TÔN TRỌNG LỄ BỐ-TÁT.

Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, lúc ấy Tỉ-kheo-ni Tăng tập họp định làm yết-ma Bố-tát thì Tỉ-kheo-ni Thọ-đề không đến, Tăng bèn sai sứ giả đi gọi:

- Thưa thánh giả, Tỉ-kheo-ni Tăng tập họp định làm yết-ma Bố-tát, mời cô hãy đến.

- Đức Thế Tôn chế giới nói rằng trong đời này hễ ai thanh tịnh thì được Bố-tát, ta thanh tịnh nên không cần phải đi đâu nữa.

Đại Ái Đạo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cuối cùng, Phật hỏi và cô đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Đó là việc xấu.

Thế rồi, Phật nói: "Ngươi không kính trọng Bố-tát thì ai kính trọng?" Cho đến, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni không tôn kính lễ Bố-tát thanh tịnh của mỗi nửa tháng thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Thanh tịnh Bố-tát: Nếu ngày 14, 15 Tỉ-kheo-ni không bệnh mà không đi đến cung kính Bố-tát thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Bệnh: Nếu vì già yếu đau ốm uống thuốc hay lể đầu chảy máu uống sữa, thì phải gởi dục thanh tịnh.

Nếu Tỉ-kheo-ni không bệnh mà không đến Bố-tát, hoặc có bệnh mà không gởi dục thanh tịnh thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Nếu Tỉ-kheo-ni không đến Bố-tát, hoặc có bệnh mà không gởi dục thanh tịnh thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Nếu Tỉ-kheo không đến Bố-tát, hoặc có bệnh mà không gởi dục thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (kệ tóm tắt):

"Đưa tay vời, không đèn,
Ca nhạc, không dập tắt.
Hương dầu, Tỉ-kheo-ni, 
Sa-di-ni, học giới.
Phụ nữ, không Bố-tát,
Hết phần thứ mười ba".

132. GIỚI: KHÔNG TÔN KÍNH TỈ-KHEO GIÁO HUẤN.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy trưởng lão Tỉ-kheo đi giáo huấn Tỉ-kheo-ni, nhưng nhóm sáu Tỉ-kheo không được đi giáo huấn. Thế là đến ngày giáo huấn, họ bàn nhau: "Chúng ta hãy đi giáo huấn". Rồi có người nói: "Đức Thế Tôn đã chế giới: Hễ không sai thì không được đi giáo huấn. Vậy chúng ta hãy ra ngoài cương giới đề cử lẫn nhau rồi đi". Thế rồi, họ ra ngoài cương giới đề cử lẫn nhau, rồi vào buổi sáng sớm khoác y đi đến trú xứ của Tỉ-kheo-ni, nói với Tỉ-kheo-ni: "(541c) Chị em hãy tập họp tất cả lại, chúng tôi sẽ giáo huấn".

Khi ấy, nhóm sáu Tỉ-kheo-ni liền nhanh chóng tập họp, nhưng các thiện Tỉ-kheo-ni thì không đến mà nói rằng: "Chúng tôi không nhận sự giáo huấn của những người không tuân thủ giới luật".

Bấy giờ, nhóm sáu Tỉ-kheo cùng với nhóm sáu Tỉ-kheo-ni nói chuyện thế tục trong giây lát rồi giải tán. Thế rồi, trưởng lão Nan-đà khoác y, cầm bát đi đến tinh xá, nói với Tỉ-kheo-ni: "Chị em hãy tập họp Tăng lại, tôi sẽ giáo huấn". Lúc ấy, các thiện Tỉ-kheo-ni liền tập họp đầy đủ, nhưng nhóm sáu Tỉ-kheo-ni thì không đến. Trưởng lão hỏi:

- Tỉ-kheo-ni Tăng đã tập họp chưa?

- Chưa tập họp.

- Ai không tập họp?

- Nhóm sáu Tỉ-kheo-ni.

Đoạn, trưởng lão bảo sai người đi gọi:

- Các chị em hãy đến để tôi giáo huấn.

- Chúng tôi không đến; vì đã thọ giáo huấn với nhóm các thánh giả rồi.

- Như vậy là Tỉ-kheo-ni không hòa hợp.

Nói xong, trưởng lão liền ra về. Khi thầy đến tinh xá, Phật biết nhưng vẫn hỏi:

- Ông giáo huấn sao nhanh thế?

- Bạch Thế Tôn! Khi đến giờ, con khoác y đến đó để giáo huấn, các thiện Tỉ-kheo-ni đều tập họp, nhưng nhóm sáu Tỉ-kheo-ni thì không đến; vì Tỉ-kheo-ni Tăng không hòa hợp nên con không thể giáo huấn.

- Đi gọi nhóm sáu Tỉ-kheo-ni đến đây.

Khi họ tới rồi, Phật liền hỏi:

- Các ngươi có việc đó thật không? 

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

Thế rồi, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Vào mỗi nửa tháng Tăng giáo huấn mà Tỉ-kheo-ni không cung kính, không đến nghe, thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Nửa tháng: Tức ngày 14 và ngày 15.

Tăng giáo huấn: Tức là giáo huấn Tỉ-kheo-ni. Nếu như không cung kính, không đến nghe thì phạm tội Ba-dạ-đề. 

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Nếu vì già yếu bệnh hoạn uống thuốc, hoặc lể đầu chảy máu uống sữa thì nên gởi dục nói như sau: "Con là mỗ giáp xin gởi dục vì sự giáo huấn" (Nói như vậy ba lần).

Nếu không có bệnh mà không đến, hoặc có bệnh mà không gởi dục thì phạm tội Ba-dạ-đề. Đến ngày Bố-tát, nên sai Tỉ-kheo-ni đem thỉnh nguyện đến chỗ Tăng nói như sau: "Tỉ-kheo-ni Tăng hòa hợp, xin cúi đầu đảnh lễ dưới chân Tỉ-kheo Tăng, hỏi về việc Bố-tát và thỉnh cầu giáo huấn" ( Nói như vậy ba lần).

Khi ấy, trong chúng Tỉ-kheo Tăng nếu có người đi giáo huấn Ni thì nên đáp: "Này chị em, tôi sẽ đến".

Nếu có Tỉ-kheo thành tựu 12 pháp thì nên làm yết-ma sai đi giáo huấn; còn nếu như không có thì hãy nói: "Không có người đi giáo huấn Tỉ-kheo-ni. Nhưng Ni chúng chớ phóng dật".

Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên). 

133. GIỚI: BẢO NAM TỬ PHÁ UNG NHỌT.

Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, lúc ấy Tỉ-kheo-ni Thọ-đề bị mụt nhọt mọc tại chỗ kín. Khi các Tỉ-kheo-ni vào thôn xóm khất thực hết thì có vị lương y chữa mụt nhọt đến, cô (542a) bèn bảo:

- Thưa y sĩ, ông hãy phá giùm mụt nhọt cho tôi.

- Có thể được.

Thế là vị thầy thuốc liền mổ ung nhọt, đắp thuốc vào rồi ra về. Khi các Tỉ-kheo-ni khất thực trở về, thấy dưới đấtmáu mủ, bèn hỏi Thọ-đề:

- Đây là máu mủ gì vậy?

- Tôi phá ung nhọt đấy.

- Vì sao cô có ung nhọt ở chỗ kín, không bạch với thiện Tỉ-kheo-ni mà lại phá?

Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Cuối cùng, khi Phật hỏi, thì cô đáp:

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Vì sao ngươi có ung nhọt từ đầu gối trở lên, từ vai trở xuống mà không bạch xin phép trước mà lại phá? Từ nay về sau Ta không cho phép làm như vậy.

Thế rồi, Phật dạy: Dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

-- Nếu Tỉ-kheo-ni có ung nhọt ở chỗ kín, từ đầu gối trở lên, từ vai trở xuống, không bạch xin phép trước mà để cho nam tử phá, tẩy rửa thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Giải thích:

Từ đầu gối trở lên: Tức là từ bắp vế trở lên.

Từ vai trở xuống: Tức là từ đôi nhũ hoa trở xuống.

Không bạch trước: Không bạch với thiện Tỉ-kheo-ni.

Xin phép: Làm yết-ma cầu thính ở giữa Tăng. Khi ở chỗ kín có ung nhọt mà muốn phá thì trước hết nên làm yết-ma cầu thính ở giữa Tăng (rồi mới phá). Người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin thánh giả Tăng lắng nghe. Ở chỗ kín của Tỉ-kheo-ni mỗ giáp có ung nhọt. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay cho Tỉ-kheo-ni mỗ giáp vào giữa Tăng xin pháp yết-ma phá ung nhọt:

Xin thánh giả Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo-ni mỗ giáp muốn vào giữa Tăng xin pháp yết-ma phá ung nhọt, vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

Nếu ở chỗ kín có ung nhọt thì nên bảo người đáng tin cậy, hoặc đệ tử y chỉ, hoặc bạn đồng Hòa thượng, A-xà-lê dùng kim hay móng tay để phá rồi rịt thuốc vào. Nếu bảo nam tử phá ung nhọt thì phạm tội Ba-dạ-đề.

Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Nếu bị mụt nhọt từ vai trở lên, từ đầu gối trở xuống mà muốn phá, hoặc muốn lể đầu chảy máu hay muốn lể cánh tay, thì nên sai phụ nữ nắm chặt nơi ấy để cho nam tử phá, thì không có tội.

Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên). 

LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hết quyển thứ ba mươi chín.

Tạo bài viết
24/06/2010(Xem: 32077)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: