Quyển Thứ Hai Mươi Tám

17/06/201012:00 SA(Xem: 8922)
Quyển Thứ Hai Mươi Tám

Đại Tạng Số 1425
LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hán dịch: Tam Tạng Phật Đà La người Thiên Trúc cùng
Sa môn Pháp Hiển, đời Đông Tấn, Trung Quốc
Việt dịch: Thích Phước Sơn - Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh
Sài Gòn, Việt Nam, PL 2543 (TL 2000)

Quyển Thứ Hai Mươi Tám

NÓI RÕ PHẨM TẠP TỤNG THỨ SÁU

VẤN ĐỀ Y CA-HI-NA

Khi Phật an trú tại Câu Thiểm Di, vườn Cù Sư La, được Chư Thiên và người đời cúng dường. Bấy giờ, phu nhân của vua Câu Thiểm Di đem 500 tấm lụa dâng cúng cho Thế Tôn. Phật bèn bảo A-nan: 

- Ông đem các tấm lụa này cho các Tỉ kheo. 

Nhưng các Tỉ kheo không lấy, nói với A Nan

- Đức Thế Tôn không cho phép cất vải thừa, dùng lụa này để làm gì? Hơn nữa, nó cũng chưa được giặt nhuộm, lại càng không hợp pháp

A-nan bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với A-nan: 

- Từ nay trở về sau, Ta cho phép cất vải thừa trong 10 ngày. 

Thế rồi, các Tỉ kheo cất các vải ấy đủ 10 ngày, bèn cầm đến bạch với Phật: 

- Các vải này đã cất đủ 10 ngày, bạch Thế Tôn! 

Phật liền dạy: 

- Từ nay trở về sau, Ta cho phép thọ y Ca-hi-na. Y Ca-hi-na có các trường hợp: thời gian; chúng Tăng nhiều người, một người; năm việc lợi ích; mới; chưa thọ; bất đình, tiệt tịnh; nhiễm tịnh; điểm tịnh; đao tịnh. 

1- Thời gian: Thời gian thọ y Ca-hi-na từ 16 tháng 7 đến 15 tháng 8. Đó gọi là thời gian

2- Chúng Tăng: Chúng Tăng làm y Ca-hi-na thì không được cho nhiều người, không được cho một người; nhiều người làm y Ca-hi-na thì không được cho một người. 

3- Năm việc lợi ích: Khỏi phạm năm tội sau đây: được ăn riêng chúng; được ăn nhiều chỗ; trước bữa ăn, sau bữa ăn đi đâu không cần bạch với chúng; được cất vải lâu ngày; được rời y mà ngủ. Đó gọi là năm việc lợi ích

4- Mới: vải mới. 

5- Chưa thọ: Chưa từng dùng làm ba y. 

6- Bất đình: Y tịnh thí khi xả rồi được dùng làm y Ca-hi-na. Đồng thời các loại y Tăng-già-lê, Uất-đa-la-tăng, An-đà-hội, y che ghẻ, y tắm mưa và những tấm vải được may thêu mà chưa sử dụng đều được dùng làm y Ca-hi-na. 

7- Tiệt tịnh: Cắt các tua để tác tịnh. 

8- Nhiễm tịnh: Nhuộm để tác tịnh. 

9- Điểm tịnh: Chấm ở góc để tác tịnh. (452b) 

10- Đao tịnh: Dùng dao cắt ba nhát, đứt ba sợi, cách đầu góc tấm vải chừng bốn ngón tay, đó gọi là đao tịnh. 

Nếu đàn việt cúng dường cho Tăng vải may y Ca-hi-na, thì không được im lặng thọ nhận, mà người thọ nhận nên nói như sau: 

- Nay tôi nhận vải để may y Ca-hi-na này cho Tăng. 

Khi nhận xong, đem vào giữa Tăng, tay cầm tấm vải căng ra, dơ cao lên nói như sau: 

- Xin đại đức Tăng lắng nghe! Nay Tăng được tấm vải này, nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nhận lấy tấm vải may y Ca-hi-na này. Đây là lời tác bạch

Xin đại đức Tăng lắng nghe! Nay Tăng được tấm vải này, Tăng nay nhận tấm vải may y Ca-hi-na này. Các đại đức nào bằng lòng nhận lấy tấm vải may y Ca-hi-na này thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói: Tăng đã bằng lòng nhận lấy tấm vải may y Ca-hi-na này xong, vì im lặng, tôi ghi nhận việc này như vậy. 

Khi nhận xong, xem trong Tăng ai có thể may y Ca-hi-na được thì làm yết ma giao cho một, hai hoặc ba người. Người làm yết ma nên nói như sau: 

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Nay Tăng được tấm vải này. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cử Tỉ kheo mỗ giáp, mỗ giáp và những người khác may y Ca-hi-na cho Tăng. Đây là lời tác bạch

- Xin đại đức tăng lắng nghe. Nay Tăng được tấm vải này, Tăng nay cử Tỉ kheo mỗ giáp, mỗ giáp và những người khác may y Ca-hi-na cho Tăng. Các đại đức nào bằng lòng Tỉ kheo mỗ giáp, mỗ giáp và những người khác may y Ca-hi-na cho Tăng thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. 

Tăng đã bằng lòng cử Tỉ kheo mỗ giáp, mỗ giáp may y Ca-hi-na cho Tăng xong, vì im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy. 

Một người làm chủ trong số những người làm yết ma, khi nhận tấm vải này, nên nói như sau: 

- Nhận tấm vải may y Ca-hi-na này, Tăng nên nhận. 

(Nói như vậy ba lần)

Khi giặt nên nói như sau: 

- Giặt y Ca-hi-na này, Tăng nên nhận. 

Khi cắt, khi may, khi nhuộm, khi điểm tịnh tùy theo việc làm gì đều nói như trên. 

Người dùng dao điểm tịnh, khi hạ dao cắt cách đầu góc tấm vải bốn ngón tay, nên nói như sau: 

- Y Ca-hi-na này Tăng nên thọ. 

(Nói ba lần như thế)

Khi làm các việc khác cũng phải nói như thế. Nếu tác tịnh mà không nói thì cũng được gọi là y Ca-hi-na, nhưng phạm tội Việt-tì-ni. Nếu làm các việc đều nói mà không tác tịnh, thì không được gọi là y Ca-hi-na, phạm tội Việt-tì-ni. Nếu mỗi việc làm đều khởi tâm tác tịnh, thì được gọi là y Ca-hi-na, không có tội. 

Nếu Tăng được y đúng thời, làm xong, thì tất cả nên hòa hợp. Người làm yết ma nên cầm y xổ ra, đưa cao lên, nói như sau: 

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Nay Tăng được y này đã làm xong. Nếu thời gian của Tăng đã đến, [425c] Tăng nay thọ y Ca-hi-na này. Đây là lời tác bạch

Xin đại đức tăng lắng nghe. Nay Tăng được y này đã làm xong. Tăng nay thọ y Ca-hi-na này. Các đại đức nào bằng lòng thọ y Ca-hi-na này thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. 

Tăng đã bằng lòng thọ y Ca-hi-na xong, vì im lặng; tôi ghi nhận việc này như vậy. 

Khi thọ y xong, nên xếp lại bỏ vào rương, rải hoa lên trên, rồi từ Thượng Tọa trở xuống theo thứ tự, nói lời tùy hỷ như sau: 

- Xin trưởng lão ghi nhớ cho, Tăng ở trú xứ này thọ y Ca-hi-na, tôi Tỉ kheo mỗ giáp xin tùy hỷ thọ cho đến hết bốn tháng mùa Đông. Khi ở trú xứ này hết thời hạn, tôi sẽ xả. 

(Nói như vậy ba lần)

Nếu đại chúng đông đến một vạn, hai vạn người, tập họp khó khăn, thì nhiều người được thọ y Ca-hi-na riêng, nhưng tất cả phải làm như đại chúng, chỉ có gọi tiếng nhiều người là khác thôi. Tuy nhiên, từ bốn người trở lên thì không được làm riêng. Nếu chỉ có một người làm thì khi thọ nên nói: 

- Nay tôi xin nhận tấm vải làm y Ca-hi-na này. 

(Nói như vậy ba lần)

Khi cắt nên nói như sau: 

- Y Ca-hi-na này nay tôi xin thọ. 

Khi may, khi giặt, khi nhuộm, khi điểm tịnh, khi cắt làm dấu tác tịnh đều nói như trên. 

Khi làm hoàn thành, tâm nghĩ miệng nói: 

- Tôi là Tỉ kheo mỗ giáp, thọ y Ca-hi-na này. 

(Nói như vậy ba lần)

Vấn đề thọ y Ca-hi-na có các trường hợp: Có trường hợp khi làm mà không phải khi thọ; Có trường hợp khi thọ mà không phải khi làm; Có trường hợp khi làm cũng là khi thọ; Có trường hợp không phải khi làm, cũng không phải khi thọ. 

1. Khi làm mà không phải khi thọ: Trong đây có khi cầm để làm mà không phải cầm để thọ trì, cũng được gọi là thọ. 

2. Khi thọ mà không phải khi làm: Khi cầm để thọ trì mà không phải cầm để làm, cũng được gọi là thọ. 

3. Khi làm cũng là khi thọ: Khi cầm để làm cũng là khi cầm để thọ. Đó gọi là khi làm cũng là khi thọ.

4. Không phải khi làm, cũng không phải khi thọ: Không phải thọ ngay khi cầm để làm, cũng không phải thọ khi thọ. 

Khi thọ nên tùy hỷ, nói: 

- Xin trưởng lão ghi nhớ cho, trú xứ này Tăng thọ y Ca-hi-na, tôi là Tỉ kheo mỗ giáp xin tùy hỷ thọ đến hết bốn tháng mùa đông, tùy theo trú xứ này mãn hạn, tôi sẽ xả. 

Đó là những vấn đề thuộc y Ca-hi-na. 

CHẲNG PHẢI Y CA-HI-NA. 

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ tôn giả Tôn Đà La Nan-đà dùng vải thưa làm y Ca-hi-na. Phật dạy: 

- Ta không cho phép dùng vải thưa làm y Ca-hi-na. 

Khi ấy tôn giả A Nan-đà dùng nhung kiếp bối làm y Ca-hi-na. Lại có Tỉ kheo dùng một miếng vải nhỏ để làm. Lại có Tỉ kheo dùng vải cũ để làm. Lại có Tỉ kheo dùng mền bằng lông dê để làm [453a] Lại có Tỉ kheo dùng mền bằng tóc để làm. Lại có Tỉ kheo dùng áo bằng cỏ để làm. Lại có Tỉ kheo dùng áo bằng da để làm. Lại có Tỉ kheo dùng áo bằng vỏ cây để làm. Lại có Tỉ kheo dùng áo bằng miếng gỗ để làm. Phật dạy: 

- Tất cả những thứ vừa kể trên đều không nên làm. Tất cả những thứ ấy đều chẳng phải là y, không thể gọi là y Ca-hi-na. 

Lại có các trường hợp không thể gọi là y Ca-hi-na như sau: 

- Làm lúc phi thời
- Không cắt bỏ các tua cho sạch. 
- Không nhuộm cho sạch. 
- Không điểm tịnh. 
- Không dùng dao tác tịnh. 

Những trường hợp như vậy đều không được gọi là y Ca-hi-na. 

THỂ THỨC XẢ Y CA-HI-NA. 

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ kheo thường thường thay y, trước bữa ăn, mặc một y khác, sau bữa ăn, mặc một y khác. Phật biết nhưng vẫn hỏi: 

- Những y mà ông thường thường thay đổi là y của ai vậy? 

- Bạch Thế Tôn! Đó là y của con. 

- Vì sao nhiều quá vậy? 

- Vì con thọ y Ca-hi-na. 

- Vì sao lúc nào ông cũng thọ y Ca-hi-na? Từ nay về sau phải xả bỏ. Có 10 trường hợp xả y như sau: 

1- Y cánh xả. 
2- Thọ thời xả. 
3- Thời cánh xả. 
4- Văn xả. 
5- Tống xả. 
6- Hoại xả. 
7- Thất xả. 
8- Xuất khứ xả. 
9- Thời quá xả. 
10- Cứu cánh xả. 

1- Y cánh xả: Khi thọ y Ca-hi-na, nghĩ như sau: "Khi ta may y xong sẽ xả y Ca-hi-na", thì khi may y hoàn thành, tức là xả. Đó gọi là y cánh xả. 

2- Thọ thời xả: Khi thọ y, suy nghĩ: "Khi ta thọ y này sẽ xả y Ca-hi-na", thì khi thọ y tức là xả. Đó gọi là thọ thời xả. 

3- Thời cánh xả: Nếu suy nghĩ: "Đến thời gian ấy ta sẽ xả y Ca-hi-na", thì khi tới thời gian ấy tức là xả. Đó gọi là thời cánh xả. 

4- Văn xả: Nếu suy nghĩ: "Khi nào ta nghe Hòa Thượng, A xà lê xả y Ca-hi-na thì ta sẽ xả". Sau đó nghe Hòa Thượng, A xà lê nói: "Hôm nay Tăng xả y Ca-hi-na", thì khi ấy tức là xả. Đó gọi là văn xả. 

5- Tống xả: Nếu suy nghĩ: "Khi nào ta đem cái y này cho người khác xong thì sẽ xả y Ca-hi-na", sau đó đem cho cái y của mình, tức là xả. Đó gọi là tống xả. 

6- Hoại xả: Trong thời gian sau khi thọ y Ca-hi-na rồi, bỗng nhiên một hôm nói: "Nay ta xả y Ca-hi-na", thì khi nói lời ấy tức là xả. Đó gọi là hoại xả. 

7- Thất xả: Nếu suy nghĩ: "Khi nào cái y này hư, hoặc mất không còn nữa thì ta sẽ xả y Ca-hi-na", sau đó chiếc y ấy bị hư hoặc mất, tức là xả. Đó gọi là thất xả. 

8- Xuất khứ xả: Nếu suy nghĩ: "Khi nào ta rời khỏi đây thì sẽ xả y Ca-hi-na", thì khi ra đi tức là xả. Đó gọi là xuất khứ xả. 

9- Thời quá xả: (453b) Nếu tới ngày 15 tháng chạp mà không xả, để đến ngày 16 đương nhiên là xả, nhưng phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là thời quá xả. 

10- Cứu cánh xả: Đến ngày 15 tháng chạp đương nhiên phải xả. Một người nên xướng ở giữa Tăng như sau: 

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Hôm nay Tăng xả y Ca-hi-na. (nói như vậy ba lần). 

Đó gọi là Cứu cánh xả. 

Trên đây là 10 trường hợp xả y Ca-hi-na. 

VẤN ĐỀ Y PHÁP.

Có các trường hợp sau đây: 

- Trong lúc an cư chưa xong; Khi an cư xong; Trong lúc đang an cư; Vì sợ mất mạng; Vì sợ mất phạm hạnh; Y phi thời; Y đúng thời; Việc xảy ra ở Câu Thiểm Di

1- Trong lúc an cư chưa xong. 

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, nhóm sáu Tỉ kheo an cư trong thôn xóm chưa kết thúc mà đến nhà đàn việt, nói như sau: 

- Này lão trượng! Hãy cúng dường y an cư cho tôi. 

- Thưa tôn giả! Nay chưa đúng lúc, đợi khi an cư kết thúc, mùa màng thu hoạch xong, nhân dân hoan hỷ nghĩ nhớ công ơn, phát tâm bố thí, thì bấy giờ mới có thể bố thí được. 

- Này lão trượng! Ông không biết rằng cuộc đời này vốn vô thường, hoặc bị nạn vua quan, nạn nước lửa, hoặc bị cướp bóc, lúc ấy tôi sẽ mất lợi mà ông cũng mất phước. 

- Tôn giả chỉ cho tôi thấy lẽ vô thường mà không tự thấy chính mình. Tôn giả muốn được gấp phẩm vật an cư để đem đi nơi khác, hay là muốn thôi tu mà gấp gáp đến như vậy? Kỳ thay, quái gỡ, nhiều tham dục không biết chán. 

Ông nói thế rồi, sinh tâm không hoan hỷ, bèn bỏ đi. Các Tỉ kheo liền đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật bèn hỏi nhóm sáu Tỉ kheo: 

- Các ông có việc đó thật không? 

- Có thật như vậy. Bạch Thế Tôn! 

- Này các Tỉ kheo! Vì sao an cư chưa kết thúc mà các ông đòi cúng dường y an cư? Từ nay về sau, Ta không cho phép an cư chưa kết thúc mà đòi cúng dường y an cư. Nếu ai làm như vậy thì phạm tội Việt tỳ ni. 

Đó gọi là trường hợp an cư chưa xong. 

2- Khi an cư xong. 

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, các Tỉ kheo ở tinh xá Kỳ hoàn an cư xong bèn chia y An cư. Lúc ấy, nhóm sáu Tỉ kheo an cư tại chỗ khác xong, liền đến giữa Tăng chúng Kỳ hoàn, nói như sau: "Thưa trưởng lão, đức Thế Tôn chế định khi an cư xong sẽ được phần y an cư. Tôi cũng đã an cư xong, đương nhiên phải được y an cư. Vậy hãy chia phần y an cư cho tôi". 

Các Tỉ kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy: 

- An cư nơi khác thì đương nhiên không được phần y an cư nơi này. Tùy theo an cư nơi nào thì nhận phần nơi đó. 

Đó là trường hợp an cư xong. 

3- Trong lúc đang an cư

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, nhóm sáu Tỉ kheo đến ngày an cư, (453c) bèn nhận phòng xá, rồi đem giày da, dụng cụ để nhuộm và các vật linh tinh khác bỏ vào trong phòng, đoạn, nói như sau: 

- Thưa các trưởng lão, tôi an cư nơi đây. Các vị chớ có chán ghét tôi. Tôi biết các vị thường không ưa tôi. 

Thế rồi, họ thuê người nhận phần y an cư. Đoạn, tìm nơi khác an cư

Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy: 

- Hễ an cư ở nơi nào thì nhận phần y ở nơi đó. 

4- Vì sợ mất mạng

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, tại Tỳ-Xá-Ly gặp nạn đói lớn, khất thực khó khăn. Các Tỉ kheo bèn đi đến thành Xá-vệ, gặp lúc các Tỉ kheo ở tinh xá Kỳ Hoàn vừa an cư xong, đang chia y. Các Tỉ kheo ở Tỳ Xá Ly bèn vào tham dự. Các Tỉ kheo ở Kỳ Hoàn hỏi: 

- Thưa các trưởng lão! Đức Thế Tôn chế định hễ an cư ở nơi nào thì được nhận phần y ở nơi đó. Vậy các vị an cư ở đâu? 

- Thưa trưởng lão! Chúng tôi sợ mất mạng nên mới đến đây. Nếu không đến đây thì e đói chết mất. 

Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy: 

- Nếu vì sợ mất mạng mà đến thì nên chia phần y. 

Đó gọi là trường hợp sợ mất mạng

5- Vì sợ mất phạm hạnh

Bấy giờ tại thành Vương Xá có một người con của ngoại đạo xuất gia. Khi ấy, cha mẹ muốn đến đem con về nhà thì những người khác nói: 

- Sa-môn rất trọng việc an cư, trong lúc an cư ắt hẳn không gây trở ngại gì, bấy giờ hãy đem về. 

Người chị vì thâm tín Phật pháp nên nói với em: 

- Cha mẹ muốn đem em về nhà, vậy hãy nhanh chóng lánh đi nơi khác

Người em bèn đi đến thành Xá-vệ, gặp lúc các Tỉ kheo ở tinh xá Kỳ hoàn vừa an cư xong, đang chia y. Thầy Tỉ kheo ấy bèn vào tham dự. Các Tỉ kheo ở Kỳ Hoàn hỏi:

- Này trưởng lão! Đức Thế Tôn chế định hễ an cư ở nơi nào thì được nhận phần y ở nơi đó, (ngoại trừ trường hợpnơi khác) sợ bị mất mạng mà đến mới được chia phần. Còn thầy thì như thế nào? 

- Vì cha mẹ muốn đem tôi về nhà, nếu tôi không đến đây thì sẽ mất phạm hạnh

Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy: 

- Nếu vì sợ mất phạm hạnh mà đến thì nên cho phần y. 

Đó gọi là sợ mất phạm hạnh

6- Y phi thời

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ kheo đi du hành trong nhân gian, chở đầy xe y đi đến. Phật biết mà vẫn hỏi: 

- Này Tỉ kheo! Y của ai thế? 

- Bạch Thế Tôn! Đó là y của con. 

- Đây là y đúng thời hay y phi thời? 

- Bạch Thế Tôn! Đây là y phi thời

- Đã tịnh thí chưa? 

- Bạch, chưa. 

- Tất cả các y đó nên cho chúng Tăng

Đó gọi là y phi thời

7- Y đúng thời. 

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ kheo đi du hành trong nhân gian, chở đầy xe y đi đến. Phật biết mà vẫn hỏi: 

- Này Tỉ kheo! Đó là y của ai vậy? 

- (454a) Bạch Thế Tôn! Đó là y của con. 

- Đây là y đúng thời hay y phi thời? 

- Đây là y đúng thời. 

- Y này nhiều quá, đem cho Tăng bớt một nửa. 

Đó gọi là y đúng thời. 

8- Việc xảy ra tại Câu Thiểm Di

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Lúc ấy, quân của nước Câu Tát La cướp lấy xóm làng Câu Thiểm Di, rồi kéo về thành Xá-vệ. Bấy giờ có Tỉ kheo ở tinh xá Kỳ Hoàn (thuộc Xá-vệ) đến xóm làng này đòi y cúng dường an cư. Các Tỉ kheo ở Câu Thiểm Di trước đó đã an cư tại xóm làng này, bèn nói: 

- Này trưởng lão! Trước đây tôi nương nơi xóm làng này mà an cư, lẽ ra tôi phải đòi trước.

Thế là hai người cãi nhau, rồi cùng kéo đến chỗ Phật, đem sự việc trên trình bày đầy đủ với Thế Tôn. Phật liền dạy: 

- Ai an cư tại đó thì được quyền đòi trước, rồi mới đến người khác. Nếu hai người cùng đòi thì nên cùng chia đều. Nếu Tỉ kheo an cư tại đó chưa đòi mà người khác đòi, thì phạm tội Việt tỳ ni. 

Lại nữa, lúc bấy giờ có hai đệ tử đồng hành của tôn giả Kiếp Tân Na nhân vì có việc bất bình nên xả giới, nhưng không hủy hoại phạm hạnh, rồi sau đó thọ cụ túc trở lại. Khi ấy, các Tỉ kheo ở Kỳ hoàn an cư xong, chia y mà không chia cho họ, nên họ nói: 

- Thưa trưởng lão! Vì có việc bất bình nên tôi xả giới, nhưng không hủy hoại phạm hạnh, rồi thọ cụ túc trở lại. Vậy nên chia phần cho chúng tôi

Thế rồi họ cùng đi đến, bạch với Phật. Phật dạy: 

- Nếu người nào có việc bất bình mà xả giới, nhưng không hủy hoại phạm hạnh, rồi thọ cụ túc trở lại, thì nên chia phần đồng đều. Thế nhưng, có 5 trường hợp không nên cho. Đó là: - Bị cử; - Thôi tu; - Qua đời; - Phá an cư; - Đi không dặn lại. 

1- Bị cử: Phạm một trong ba kiến giải, hủy báng Kinh điển, tà kiến, biên kiến, được khuyên can mà không bỏ lỗi, bị làm yết ma cử tội. Đó gọi là bị cử. 

2- Thôi tu: Người nào xả giới thì không nên cho. Nhưng nếu họ dựa thế lực của nhà vua, đại thần hay đảng cướp, nói như sau: 

- Nếu Sa-môn không chia phần cho tôi, thì tôi sẽ gây ra chuyện rắc rối

Với hạng người như thế tuy không đáng cho ta cũng nên cho. Đó gọi là người thôi tu. 

3- Qua đời: Người chết thì đương nhiên không được chia phần. Tuy nhiên, khi y an cư đã tập trung chưa chia, mà có người sắp mệnh chung rồi căn dặn đem phần mình cho người nào đó, thì khi người ấy qua đời, nên đem cho người đó. Đó gọi là qua đời (vô thường). 

4- Phá an cưTỉ kheo không tiền an cư, không hậu an cư đương nhiên không được chia phần. Nhưng nếu họ dựa thế lực của nhà vua, đại thần hay bọn giặc mà nói rằng: "Nếu không cho tôi, tôi sẽ gây ra chuyện rắc rối", thì hạng người như vậy tuy không đáng cho, cũng nên cho. Đó gọi là phá an cư

5- Đi không dặn lại: Người ra đi mà không dặn lại lấy giúp phần y của mình, thì không nên cho. Khi chia, người chia phẩm vật nên hỏi: "Ai nhận phần cho mỗ giáp?". Nếu có người nhận thì nên hỏi: "Khi vị ấy đi có dặn thầy nhận không?" Nếu trả lời: "Không dặn", (454b) thì nên nói: "Thầy đừng lo về việc ấy". Nếu nói: "Có dặn", thì nên xem tướng người ấy. Nếu là người đáng tin, thì nên đưa. Nếu là người không đáng tin thì nên nói: "Thầy đừng lo về việc ấy". Nếu hai người ấy trước đây đồng chí hướng, thường nhận giúp cho nhau, thì nên đưa. 

Đó gọi là 5 trường hợp

PHẨM VẬT THUỘC TĂNG HIỆN TIỀN.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có một Tỉ kheo an cư xong, trở về thăm quê hương của mình. Những người bà con bèn thiết lễ cúng dường rộng rãi các y vật nhân dịp Tỉ kheo này về thăm. Chư Tăng trước đây an cư nơi xóm làng này nghĩ rằng vì mình an cư nên được cúng dường, do đó, không chia phần cho vị Tỉ kheo kia. Các người bà con bèn hỏi thầy: 

- Thầy có được phần y không? 

- Không được. 

- Chúng tôi vì thầy mà thiết lễ cúng dường này, tại sao lại không được? 

Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy: 

- Đàn việt vì Tỉ kheo này mà thiết lễ cúng dường, vậy nên chia phần cho thầy ấy. 

Rồi Phật tiếp: 

- Có 5 cách nói thì khi cúng dường như sau: Y này cúng dường cho chúng Tăng an cư; Tiền sắm y này cúng dường cho chúng Tăng an cư; Phẩm vật này cúng dường cho chúng Tăng an cư; Số tiền sắm vật dụng này cúng dường cho chúng Tăng an cư; Cúng dường cho những người an cư ở trú xứ này. 

Đó gọi là năm cách nói cúng dường

Nếu gia đình bố thí muốn cúng dường chung cho các Tỉ kheo khác, thì tùy theo ý nguyện của đàn việt, nên cho đều. 

Lại có bốn thứ phẩm vật tùy theo thí chủ nói mà thuộc về Tăng hiện tiền. Đó là khi họ nói: 

- Tôi cúng dường y; tiền sắm y; phẩm vật; tiền sắm vật dụng

Đó gọi là bốn thứ phẩm vật thuộc Tăng hiện tiền

Lại có 10 loại khi nhận được phải thuộc về Tăng hiện tiền. Đó là: 

1- Thuốc dùng đúng thời. 
2- Thuốc dùng ban đêm. 
3- Thuốc dùng trong bảy ngày. 
4- Thuốc dùng suốt đời
5- Vật của Tỉ kheo qua đời. 
6- Vật bố thí cho trú xứ. 
7- Vật cúng dường trong các dịp đại hội. 8- Y phi thời
9- Vật linh tinh
10- Mời thọ trai. 

1- Thuốc dùng đúng thời: bữa ăn trước, bữa ăn sau, bữa ăn a ba na, Tăng hiện tiền có quyền thọ hưởng. Đó gọi là thuốc (thức ăn) đúng thời. 

2- Thuốc dùng ban đêm: Gồm 14 loại nước uống như trước kia đã nói. Đó gọi là thuốc dùng ban đêm. 

3- Thuốc dùng trong bảy ngày: Sữa, dầu, mật, đường phèn, sữa tươi, mỡ, như trước kia đã nói rõ. Đó gọi là thuốc dùng trong bảy ngày. 

4- Thuốc dùng suốt đời: Ha lê lặc, Bỉ hê lặc, A ma lặc như trong giới thứ hai đã nói rõ. Đó gọi là thuốc dùng suốt đời

5- Vật của Tỉ kheo qua đời: Khi Tỉ kheo qua đời, thì y bát và các vật linh tinh thuộc quyền thừa hưởng của Tăng chúng hiện tiền. Đó gọi là vật của Tỉ kheo qua đời. 

6- Vật cúng dường cho trú xứ: Nếu đàn việt xây phòng Tăng, tinh xá, rồi mở đại hội đem trú xứ ấy và các vật khác cúng dường, thì Tăng hiện tiền được quyền thừa hưởng. Đó gọi là vật cúng dường cho trú xứ. 

7- Vật thu nhận trong dịp đại hội: Trong các dịp đại hội như Phật đản sinh, Phật thành đạo, Chuyển pháp luân, A nan, La Hầu La, năm năm đại hội một lần, các vật cúng dường trong những dịp ấy, Tăng (454c) hiện tiền được quyền thừa hưởng

8- Y phi thời: Nếu không có y Ca-hi-na thì 11 tháng, nếu có y Ca-hi-na thì 7 tháng; những vật cúng dường trong thời gian ấy, Tăng hiện tiền được quyền hưởng dụng. Đó gọi là y phi thời

9- Những vật linh tinh: Bát, sóng đựng bát, đai lưng, dao, hộp sắt, giày da, chai đựng dầu, túi da, chén, bình tưới, những vật cúng dường linh tinh như thế, Tăng hiện tiền được quyền nhận. Đó gọi là vật linh tinh

10- Mời thọ trai: Đàn việt mời Tăng theo thứ tự đến nhà họ cúng dường trai phạn. Đó gọi là mời thọ trai. 

Trên đây là 10 trường hợp Tăng hiện tiền được quyền hưởng dụng. 

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Vương Xá, lúc ấy các Tỉ kheo may y mà không cắt các tua vải, như đã nói rõ về ba loại hoại sắc trong giới Ba-dạ-đề ở trên. 

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có một Tỉ kheo đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi bạch với Phật: 

- Bạch Thế Tôn! Cho phép con mặc một y để ít ham muốn, ít bận bịu. 

Phật nói với thầy: 

- Ông giữ gìn ba y, bình bát, là ít ham muốn, ít bận bịu rồi. 

Lại có Tỉ kheo nói: 

- Cho phép con mặc hai y. 

Lại có Tỉ kheo nói: 

- Cho phép con dùng mền bằng lông dê. 

Lại có Tỉ kheo nói: 

- Cho phép con dùng mền bằng tóc. 

Lại có Tỉ kheo nói: 

- Cho phép con dùng mền bằng lông đuôi ngựa. 

Lại có Tỉ kheo nói: 

- Cho phép con mặc y phục bằng cỏ. 

Lại có Tỉ kheo nói: 

- Cho phép con mặc y phục bằng vỏ cây. 

Lại có Tỉ kheo nói: 

- Cho phép con mặc y phục bằng da. 

Phật dạy: 

- Tất cả các loại y phục kể trên đều không được mặc. 

Lại có Tỉ kheo nói: 

- Cho phép con sống lõa thể, ít ham muốn, ít bận bịu. 

Phật dạy: 

- Này Tỉ kheo! Đó là phép tắc của ngoại đạo. Chỉ cần giữ gìn ba y, bình bát tức là ít ham muốn, ít bận bịu rồi. 

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ các Tỉ kheo mặc y màu sắc lộng lẫy, bị người đời chê trách rằng: 

- Vì sao Sa-môn Thích tử mặc y màu sắc lộng lẫy chẳng khác gì người thế tục

Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy: 

- Ta không cho phép mặc y có màu sắc lộng lẫy. Màu sắc lộng lẫy tức là nhuộm bằng khâu khư, nhuộm bằng Ca di già, Câu bỉ la, Lặc xoa, Lô đà la, Phi uất kim, hồng lam, màu xanh, màu trắng, màu hoa, tất cả những màu sắc lộng lẫy đều không cho dùng. Chỉ nên dùng rễ, lá, hoa, vỏ cây để nhuộm, tối thiểu là dùng nước của đá mài để nhuộm. 

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Vương Xá, Ngài đi kinh hành trước hang đá của trời Đế Thích, thấy những bờ ruộng lúa ở Ma Kiệt Đề rõ ràng, chênh lệch nhau rất hợp lý. Thấy thế, Phật liền nói với các Tỉ kheo: 

- Y pháp của chư Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri trong quá khứ đều như thế đó. (455a) Từ nay về sau khi may y nên theo cách thức ấy. 

Lại nữa, khi ấy tôn giả Đại Ca Diếp may y Tăng già lê, đức Thế Tôn tự tay cầm lấy, tôn giả A-nan cắt, rồi có Tỉ kheo khâu lại, có Tỉ kheo may đường ngắn, có Tỉ kheo may đường dài, có Tỉ kheo may đường viền, có Tỉ kheo kết khuy. 

Lại nữa, có Tỉ kheo may y rồi vẽ lá cây lên y. Phật dạy: 

- Ta không cho phép vẽ lá cây trên y. 

Lại có Tỉ kheo may y nhiều lớp. Phật dạy: 

- Ta không cho phép may y nhiều lớp, phải cắt bỏ đi. 

Lại có Tỉ kheo may y kết dính hai đầu lại. Phật dạy: 

- Ta không cho phép may kết dính hai đầu lại mà nên may kết lại từng tấm. Tấm rộng nhất bằng bốn ngón tay, tấm hẹp nhất bằng hạt lúa lớn. 

Lại có Tỉ kheo may các điệp hướng về một bên. Phật dạy: 

- Ta không cho phép như vậy cần phải rẽ các điệp ra hai bên. 

Lại có Tỉ kheo may y các điều tướng bằng nhau. Phật dạy: 

- Ta không cho phép như vậy. Y 5 điều nên một dài một ngắn. Y 7 điều cho đến 13 điều nên may 2 dài, một ngắn. Y 15 điều nên may ba dài, một ngắn. 

Lại có Tỉ kheo may y rồi khâu dính các biên vải vào y. Phật dạy: 

- Ta không cho phép như vậy. Y ở phía sau nên để thông thoáng; nên làm như răng ngựa. (?)

Có Tỉ kheo y ở biên trên và biên dưới bị rách. Phật dạy: 

- Nên may viền ở các mép y. 

Có Tỉ kheo may y 4 màu sắc. Phật dạy: 

- Ta không cho phép như vậy. Chỉ nên dùng một màu sắc. 

Có Tỉ kheo được y với màu sắc rực rỡ muốn giặt cho hoại sắc. Phật biết mà vẫn hỏi: 

- Này Tỉ kheo! Ông định làm gì đó? 

- Bạch Thế Tôn! Vì Thế Tôn chế giới không cho phép mặc y có màu sắc rực rỡ, nên con muốn giặt cho hoại sắc

- Không cần phải giặt. Ta cho phép dùng những màu khác nhuộm cho hoại sắc

Y gồm có 7 loại: 
1- Y khâm bà la
2- Y kiếp bối. 
3- Y sô ma
4- Y câu xá da. 
5- Y xá na
6- Y ma. 
7- Y khu mâu đề. 

Đó gọi là y pháp

Kệ tóm tắt

"Bố tát và yết ma 
Gởi dục nói thanh tịnh
An cư cùng Tự tứ
Thọ y Ca-hi-na 
Phi y Ca-hi-na 
Xả y Ca-hi-na 
An cư xong, dâng y, 
Kết thúc phẩm thứ tư". 

VẤN ĐỀ TỈ KHEO BỊ BỆNH.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Phật bảo A-nan: 

- Ông hãy lấy cái khóa cửa lại đây, Như Lai muốn đi thanh tra phòng của chư Tăng

A-nan đáp: 

- Lành thay Thế Tôn

Rồi thầy cầm cái khóa cửa đi theo sau Thế Tôn. Đoạn Thế Tôn đi đến một căn phòng bị hư nát, thấy có một Tỉ kheo bị bệnh, nằm trên phân tiểu, không thể đứng dậy nổi. Phật bèn hỏi: 

- Này Tỉ kheo! Khí lực ông như thế nào? Cơn đau tăng hay giảm? 

- Bạch Thế Tôn! Cơn đau chỉ có tăng (455b) mà không giảm. 

- Hôm nay có ăn được không? 

- Không được, bạch Thế Tôn! 

- Hôm qua ăn có được không? 

- Không được, bạch Thế Tôn! 

- Hôm kia ăn có được không? 

- Cũng không được, bạch Thế Tôn! Con không được ăn nay đã 7 ngày. 

- Có thức ăn mà không ăn được hay không có thức ăn nên không ăn? 

- Không có thức ăn, bạch Thế Tôn! 

- Ở đây, có Hòa Thượng của ông không? 

- Không có, bạch Thế Tôn! 

- Có đồng Hòa Thượng không? 

- Không có, bạch Thế Tôn! 

- Có thầy giáo thọ không? 

- Không có, bạch Thế Tôn! 

- Có đồng thầy giáo thọ không? 

- Không có, bạch Thế Tôn! 

- Phòng bên cạnh không có Tỉ kheo sao? 

- Bạch Thế Tôn! Vì con hôi thối, họ không thích nên đã dời đi nơi khác, do đó, con cô độc đau khổ lắm, bạch Thế Tôn! Con cô độc lắm Thiện Thệ

- Ông đừng sầu não, Ta sẽ làm bạn với ông. Này Tỉ kheo! Hãy lấy y đưa đây, Ta sẽ giặt cho ông. 

Khi ấy, A-nan bạch với Phật: 

- Để đấy, thưa Thế Tôn! Y của Tỉ kheo bệnh để con giặt cho! 

- Ông giặt y đi, để Ta xối nước cho. 

Thế rồi, A-nan đem ra giặt, Thế Tôn xối nước. Khi giặt xong, thầy đem đi phơi nắng. Xong rồi, A-nan bồng Tỉ kheo bệnh đặt trên chỗ đất trống, lau chùi phân uế, đem giường gối và các vật bất tịnh ra ngoài, rưới nước trong phòng, quét dọn sạch sẽ, dùng giẻ lau lau sàn nhà, giặt giũ giường nệm, vá lại giường dây, đặt vào chỗ cũ, tắm rửa cho Tỉ kheo bệnh, rồi đem thầy đặt nằm lại trên giường. 

Khi ấy, Thế Tôn dùng bàn tay mềm mại, sắc vàng óng ánh được trang nghiêm bằng vô lượng công đức xoa trên trán Tỉ kheo, hỏi: 

- Cơn đau tăng hay giảm? 

- Nhờ ơn Thế Tôn dùng bàn tay đặt trên trán con, nên mọi nỗi thống khổ đều dứt hết. 

Bấy giờ Thế Tôn bèn tùy thuận thuyết pháp cho Tỉ kheo bệnh khiến thầy sinh tâm hoan hỷ. Rồi Thế Tôn tiếp tục thuyết pháp làm cho thầy đạt được pháp nhãn thanh tịnh. Sau khi Tỉ kheo khỏi bệnh Thế Tôn bèn đi đến chỗ đông đúc các Tỉ kheo, trải tọa cụ ngồi, rồi đem sự việc trên trình bày lại đầy đủ với các Tỉ kheo. Đoạn, ngài hỏi thầy Tỉ kheo ở phòng bên cạnh là ai. Vị ấy đáp: 

- Chính là con đây, bạch Thế Tôn! 

Phật liền nói với Tỉ kheo: 

- Những người đồng phạm hạnh với các ông bị đau ốm, các ông không săn sóc cho nhau thì ai săn sóc? Các ông mỗi người đều khác họ, khác nhà, vì niềm tinbỏ nhà xuất gia, sống không nhà, đều cùng một họ Sa-môn Thích tử, đồng tu phạm hạnh, nếu không săn sóc lẫn nhau thì ai săn sóc? Này Tỉ kheo! Ví như con sông Hằng, sông Diêu phù na, Tát la, Ma hê chảy vào biển lớn, liền mất tên cũ mà hợp lại thành một vị, gọi là biển lớn. Các ông cũng như vậy. Ai nấy đều bỏ họ cũ mà cùng chung một họ Sa-môn Thích tử. Các ông không săn sóc cho nhau thì ai sẽ săn sóc? Ví như các chủng tộc Sát lợi, Bà la môn, Phệ xá, Thủ đà la, mỗi người đều khác họ, cùng vào (455c) trong biển lớn thì được gọi là người đi buôn trên biển. Cũng như thế đó Tỉ kheo. Các ông mỗi người đều khác họ, khác nhà, vì niềm tin, bỏ nhà xuất gia, sống không nhà, đều cùng một họ Sa-môn Thích tử, nếu không săn sóc lẫn nhau thì ai săn sóc? Nếu Tỉ kheo bệnh thì Hòa Thượng phải săn sóc. Nếu khôngHòa Thượng thì đồng Hòa Thượng phải săn sóc. Nếu ai không săn sóc thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu có thầy giáo thọ thì thầy giáo thọ phải săn sóc. Nếu không có thầy giáo thọ thì thầy giáo thọ đồng hành phải săn sóc. Nếu ai không săn sóc thì phạm tội Việt tỳ ni. Nếu có người cùng phòng thì người cùng phòng phải săn sóc. Nếu không có người cùng phòng, thì người ở phòng bên cạnh phải săn sóc. Nếu không săn sóc thì phạm tội Việt tỳ ni. Nếu cũng không có người ở phòng bên cạnh thì Tăng phải sai người chăm sóc. Tùy người bệnh cần bao nhiêu người thì phải sai bấy nhiêu. Nếu không săn sóc thì tất cả Tăng đều phạm tội Việt tỳ ni. 

Này các Tỉ kheo! Các ông hãy trở về săn sóc Tỉ kheo ở phòng bên cạnh mình. 

Thế rồi, Phật biến hóa một Sa di bệnh ở cách Phật không xa, rồi Ngài bảo: 

- Các ông hãy săn sóc luôn cả Sa di bệnh ấy. Đó là cách phạt các ông làm phước vậy. 

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có hai Tỉ kheo ở phương Nam cùng đi đến thăm viếng Thế Tôn. Khi đi đến giữa đường, một Tỉ kheo lâm bệnh, một Tỉ kheo chờ đợi hai, ba ngày, bèn nói với Tỉ kheo bệnh: 

- Tôi muốn đi trước, đến thăm viếng Thế Tôn, thầy khỏi bệnh rồi sẽ đi sau. 

- Này trưởng lão! Đợi tôi khỏi bệnh rồi hãy cùng đi. 

- Thưa trưởng lão! Tôi không gặp Thế Tôn đã lâu ngày, ngưỡng mộ như khát nước không thể đợi nhau được nữa, khi nào khỏi bệnh thầy sẽ đi sau. 

Thế rồi, Tỉ kheo ấy đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng hầu một bên. Phật biết mà vẫn hỏi: 

- Ông từ đâu đến? 

Tỉ kheo bèn đem sự kiện trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật khiển trách: 

- Này Tỉ kheo! Đó là việc ác. Nếu có Tỉ kheo lòng đầy phóng dật, lười biếng không chuyên cần, không thể kiềm chế các căn, dong ruổi theo lục dục, dù ở gần Ta mà chẳng thấy Ta và Ta cũng không thấy người ấy. Trái lại, nếu có Tỉ kheo kiềm chế các căn, tâm không phóng dật, chuyên nghĩ về đạo, thì dù cách xa Ta vẫn thấy được Ta và Ta cũng thấy người ấy. Tại sao vậy? Vì tùy thuận pháp thân của Như Lai, phá hoại các việc ác, lìa bỏ tham dục, tu tập tịch tĩnh. Này Tỉ kheo! Cùng xuất gia tu phạm hạnh, các ông không săn sóc lẫn nhau thì ai săn sóc? Ông hãy trở lại trông nom vị Tỉ kheo bệnh ấy. 

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có hai Tỉ kheo ở nước Bát La Chân cùng kết bạn đi đến thăm viếng Thế Tôn. Khi đến thôn Ong, một Tỉ kheo lâm bệnh, vị Tỉ kheo kia đợi được hai, ba ngày, rồi nói với Tỉ kheo bệnh: 

- Tôi muốn đến thăm viếng đức Thế Tôn trước (456a) khi nào thầy khỏi bệnh rồi sẽ đến sau. 

- Này trưởng lão! Đợi tôi khỏi bệnh rồi cùng đi luôn. 

- Thưa trưởng lão! Tôi không gặp Thế Tôn đã lâu ngày, ngưỡng mộ như khát nước, không thể đợi nhau được nữa. 

- Nếu thầy nhất quyết muốn đi, vậy hãy vì tôi nhắn giùm cư sĩ Chất Đế Lợi. 

Thế rồi, thầy bèn đi đến chỗ cư sĩ, nói: 

- Này lão trượng! Hai chúng tôi từ xa đến, muốn viếng thăm Phật, nhưng nay một người lâm bệnh, phải tạm thời ở lại đây, xin lão trượng chăm sóc giúp giùm tôi. Tôi muốn đi trước đến vấn an Thế Tôn

- Thưa tôn giả! Nên ở lại chăm sóc nhau, khi khỏi bệnh rồi cùng đi luôn. 

- Này cư sĩ! Không thể được. Tôi không gặp Phật đã lâu ngày, trông mong như người khát nước. 

- Tôn giả có đến đó thì Thế Tôn cũng bảo thầy trở lại, chỉ uổng công nhọc sức mà thôi. 

Tỉ kheo vẫn nhất quyết đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi đứng hầu một bên. Phật biết mà vẫn hỏi: 

- Ông từ đâu đến? 

Tỉ kheo bèn đem sự việc kể trên trình bày đầy đủ với Thế Tôn. Phật khiển trách: 

- Này Tỉ kheo! Đó là việc ác. Các ông đều là những người khác họ, vì có lòng tin bỏ nhà xuất gia sống không nhà, cùng là họ Thích, lúc đau ốm không săn sóc nhau thì ai săn sóc? Ông hãy trở lại săn sóc cho Tỉ kheo bệnh ấy. 

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, có một Tỉ kheo từ phương Bắc đến, muốn thăm viếng Thế Tôn nhưng nghe nói bên đường có Tỉ kheo bị bệnh, bèn suy nghĩ: "Đức Thế Tôn chế giới hễ gặp người bệnh thì phải chăm sóc. Nếu ta gặp người ấy thì không thể bỏ đi". Nghĩ thế, thầy bèn quay lại đi con đường khác đến chỗ Thế Tôn, rồi cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng hầu một bên. Phật biết nhưng vẫn hỏi: 

- Ông từ đâu đến? 

- Bạch Thế Tôn! Con từ phương Bắc đến. 

- Đi đến bằng con đường nào? 

- Đi đến từ con đường mỗ. 

- Vì lý do gì mà bỏ con đường chính để đi con đường vòng vo? 

- Thầy bèn đem sự việc kể trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền khiển trách: 

- Này Tỉ kheo! Đó là việc ác. v.v... (cho đến): Ông hãy trở lại chăm sóc cho Tỉ kheo bệnh. 

PHƯƠNG PHÁP CHĂM SÓC TỈ KHEO BỆNH.

Nếu Tỉ kheo đi chung với người đi buôn, đến nơi hoang vắng rồi lâm bệnh thì Tỉ kheo đồng bạn không được bỏ đi, mà phải dẫn theo, đồng thời mang giúp y bát, lại phải gần gũi giúp đỡ, không được rời xa. Nếu đi không nổi thì nên đến thương nhân thuê mướn họ chở đi, nói như sau: 

- Này lão trượng! Người xuất gia này lâm bệnh không thể đi theo kịp bạn, hãy chở giúp giùm tôi để thoát khỏi hiểm nạn. 

Nếu được thì tốt, còn nếu như họ nói: "Này tôn giả, xe tôi đã chở nặng rồi", thì nên nói: 

- Này lão trượng! Tôi sẽ hoàn lại tiền lúa, cỏ cho ông. 

Nếu được, thì không nên để ngồi trên xe trâu cái chở cỏ ngựa v.v... , mà nên để ngồi trên xe trâu đực chở các thứ. (456b). Nếu bệnh nặng không phân biệt được gì, thì ngồi xe không có tội. Nếu đi xe không thể được thì nên để lại người nào có thể săn sóc bệnh nhân hoặc một, hai hay ba người, và bảo: 

- Thầy hãy chăm sóc người bệnh, để tôi vào trong thôn tìm xe cộ đến đón. 

Đồng thời để lại lương thực, cho người ở lại không bị thiếu thốn. Nếu ai cũng từ chối, nói: "Ai mà có thể hy sinh thân mạng mình ở nơi hoang vắng này", rồi không chịu ở lại, thì cũng không được bỏ đi mà phải che chòi rạp, rải cỏ làm nệm, đốt lửa, lấy củi nước giúp, để lại thuốc đúng thời, thuốc dùng ban đêm, thuốc dùng bảy ngày, thuốc dùng suốt đời, rồi nói với bệnh nhân: "Trưởng lão hãy yên tâm ở đây. Tôi tới thôn phía trước tìm xe đến đón". Khi đến trong thôn, không được nhiễu tháp, thăm hỏi Hòa Thượng, A xà lê mà chỉ nên nói với các Tỉ kheo ở trong thôn: 

- Ở nơi hoang dã có Tỉ kheo bệnh, chúng ta cùng đến đón về đây. 

Nếu họ hỏi: "Ở nơi nào?", thì hãy đáp: "Ở tại mỗ xứ". 

Nếu họ nói: "Nơi đó có nhiều cọp sói, e rằng chúng ăn thịt hết cả, đâu để sót mống nào!", dù nghe nói như thế cũng không được ở lại đó mà phải trở lại xem. Nếu từ xa thấy chim quạ, cũng không được trở lui mà phải đi tới nơi đó. Nếu thấy đã chết thì nên lễ bái nhục thân. Nếu còn sống thì nên đem vào trong thôn, nói với Tỉ kheo thường trú: 

- Thưa trưởng lão! Đây là Tỉ kheo bị bệnh ở nơi đó, tôi đã chăm sóc. Giờ đưa đến đây, xin trưởng lão trông nom giúp cho. 

Nếu Tỉ kheo ấy không chịu trông nom thì phạm tội Việt tỳ ni. Nếu không có Tỉ kheo, thì nên nói với Ưu bà tắc

- Này lão trượng! Ở nơi hoang vắng kia có Tỉ kheo bị bệnh, cho tôi mượn xe đến đón vị ấy. 

Nếu đàn việt hỏi: "Ở đâu?", v.v... , cho đến đón về nhà đàn việt, đặt nằm ở một phòng riêng kín đáo. Nếu nhiều người thì nên nhờ hai, ba người biết nuôi bệnh chăm sóc giúp. 

Nếu bệnh nhân nói: "Cần nhiều người cho vui", thì nên ở hết nơi đó để an ủi khuyên lơn; hoặc bệnh nhân đòi hỏi bữa ăn trước, bữa ăn sau thuốc đúng thời, thuốc dùng ban đêm, thuốc dùng bảy ngày, thuốc dùng suốt đời thì hãy cung cấp đừng để cho thiếu thốn. Nếu có Tỉ kheo khách đến thì không được nói liền: "Trưởng lão! Thầy hãy trông nom Tỉ kheo bệnh", mà nên nói: "Lành thay! Trưởng lão đến đây". 

Thế rồi, mang giúp y bát, chuẩn bị giường ghế, đưa nước rửa chân và dầu thoa chân. Nếu họ đến đúng giờ thì nên cung cấp bữa ăn trước, bữa ăn sau. Nếu họ đến không đúng lúc thì nên cung cấp nước trái cây phi thời. Sau khi họ nghỉ ngơi rồi, nên nói: 

- Trưởng lão! Vị Tỉ kheo bệnh này tôi chăm sóc đã lâu rồi, giờ đến phiên trưởng lão trông nom giùm. Nếu bệnh nhân qua đời thì nên cúng dường xá lợi

Nếu Tỉ kheo, Tỉ-kheo-ni cùng đi với khách buôn mà Tỉ-kheo-ni lâm bệnh, thì Tỉ kheo không được bỏ đi mà nên bảo họ rằng chị em cùng đi chung phải giúp đỡ lẫn nhau, như trường hợp của Tỉ kheo đã nói ở trên, chỉ trừ việc bồng đỡ. Nếu cần xoa bóp, (456c) xức dầu vào thân thì nên thuê phụ nữ làm. Nếu họ qua đời mà có y bát để lại thì nên dùng y bát trả công cho người hỏa thiêu. Nếu họ không có y bát thì nên bỏ đi. Nếu bị người thế tục chê trách rằng: "Vì sao để tử thi lại rồi bỏ đi?", mà mình có thể tưởng tượng thi thể đó như đất thì nên khiêng vác đi tới một nơi xa xôi. 

Lúc bấy giờ, tôn giả Ưu-ba-li bạch với Phật: 

- Bạch Thế Tôn! Nếu vị Tỉ kheo có đức lớn lâm bệnh thì phải chăm sóc như thế nào? 

Phật nói với Ưu-ba-li: 

- Nếu vị Tỉ kheo có đức lớn lâm bệnh thì không được để nằm trong phòng xếp, nhỏ, xấu xí; không được để nằm ở gần lối đi mà nên để nằm trong một căn phòng thông thoáng, rộng rãi. Các đệ tử đồng hành, đệ tử y chỉ phải thường xuyên hầu hạ hai bên, quét dọn trong phòng, rải đá, lau chùi sàn nhà, đốt các loại hương thơm cho đảm mùi hôi hám và sắp đặt giường ghế tươm tất. 

Nếu có Tỉ kheo đến thăm bệnh, nên dọn thức ăn trước, thức ăn sau. 

Nếu họ đến không đúng lúc, nên cung cấp thức uống phi thời

Nếu họ có hỏi việc gì thì người bệnh nên trả lời. Nếu người bệnh yếu sức thì thị giả nên trả lời thế. 

Nếu Ưu bà tắc đến thăm hỏi thì nên nói: 

- Lành thay! Lão trượng đến đây.

Đoạn, mời họ ngồi rồi giảng giải

- Ông được công đức rất lớn, như đức Thế Tôn nói: 

- Thăm hỏi Tỉ kheo trì giới bị bệnh thì chẳng khác gì thăm hỏi Ta. 

Nếu có người cúng dường thì hãy chú nguyện rồi nhận lấy. 

Nếu người bệnh muốn di tiểu đại, đòi đi gấp, thì không được để lâu mà phải đưa đi tức tốc. 

Nếu người bệnh không ra ngoài được thì nên dùng ba cái bô đựng phân tiểu: một cái trao cho người bệnh, một cái mang ra ngoài, một cái đem rửa sạch, bôi dầu rồi đem phơi nắng, để thay đổi mà dùng. Đồng thời để một người giữ cửa, không cho ai vào đột ngột; một người ở gần người bệnh, tùy thời thuyết pháp an ủi. Như thế đó Ưu-ba-li, vị Tỉ kheo có đức lớn bị bệnh, nên chăm sóc như vậy. 

Thế rồi, tôn giả Ưu-ba-li lại hỏi Thế Tôn

- Vị Tỉ kheo có đức hạnh nhỏ khi bệnh nên chăm sóc như thế nào? 

Phật nói với Ưu-ba-li: 

- Vị Tỉ kheo có đức hạnh nhỏ khi bệnh không nên đặt nằm nơi căn phòng rộng rãi, thông thoáng, e mùi hôi hám bốc ra ngoài; cũng không nên để nằm ở chỗ khuất kín, sợ khi chết không ai biết, nên để nằm ở giữa mọi người. Nếu người bệnh có Hòa Thượng, A xà lê, hoặc là đệ tử đồng hành, đệ tử y chỉ thì những người này nên chăm sóc. Nếu không có thì chúng Tăng nên sai người nuôi bệnh, hoặc một, hai, ba người lo trông nom. Nếu người bệnh ngoài y bát ra còn có tiền mua thuốc thì nên lấy đem đi mua thuốc cho thầy. Nếu không có thì chúng Tăng nên cho tiền. Nếu Tăng không có mà người bệnh có y bát đáng giá thì nên đem bán lấy tiền mua những thứ cần thiết cho thầy. Nếu người bệnh tiếc của, thì nên bạch với chúng Tăng

- Bạch đại đức Tăng! Tỉ kheo mổ giáp bị bệnh mà không hiểu lẽ vô thường, tiếc rẻ y bát không cho đem đổi thứ khác. 

Bạch Tăng rồi, nên dùng lời dịu ngọt thuyết phục để thầy hiểu rõ, rồi mới đem y bát đi trao đổi. Nếu cũng không có thì nên đi xin những thứ cần thiết về cho thầy. Nếu xin cũng không được thì nên lấy thức ăn ngon nhất của Tăng (457a) đưa cho. Nếu cũng không có thì người nuôi bệnh nên cầm theo hai cái bát vào thôn khất thực, rồi đem cái bát ngon hơn đưa cho thầy. Này Ưu-ba-li! Đó là cách thức chăm sóc một Tỉ kheo ít đức bị bệnh. 

Nếu người bệnh có đầy đủ 5 yếu tố sau đây thì rất khó săn sóc. Đó là: 

1- Không thể uống thuốc phù hợp với bệnh và ăn thức ăn phù hợp với bệnh. 
2- Không nghe lời khuyên của người nuôi bệnh. 
3- Bệnh tăng giảm không biết. 
4- Không kham nhẫn nổi sự đau đớn
5- Lười biếng vô trí

Đó gọi là 5 yếu tố người bệnh khiến cho người nuôi bệnh khó mà săn sóc

Nếu người bệnh có đầy đủ 5 yếu tố sau đây thì dễ dàng săn sóc. Đó là: 

1- Có thể uống thuốc phù hợp với bệnh, ăn thức ăn phù hợp với bệnh. 
2- Theo lời khuyên của người nuôi bệnh. 
3- Nếu có ai hỏi thì biết bệnh tăng hay giảm. 
4- Kham nhẫn được sự đau đớn
5- Tinh tấn, có trí tuệ

Đó gọi là 5 yếu tố người bệnh khiến cho người nuôi bệnh dễ dàng chăm sóc. 

Nếu ai đầy đủ 5 yếu tố sau đây thì không thể nuôi bệnh. Đó là: 

1- Hay nhờm gớm, không thể đem đổ bô đựng phân tiểu, ống nhổ. v.v... 
2- Không thể xin thuốc hợp với bệnh, thức ăn hợp với bệnh giúp cho bệnh nhân. 
3- Không thể thường thường tùy thuận thuyết pháp cho bệnh nhân nghe. 
4- Có tâm hy vọng (về lợi lộc). 
5- Tiếc rẻ công việc của mình. 

Đó gọi là 5 yếu tố khó mà nuôi bệnh. 

Ai thành tựu 5 yếu tố sau đây thì có thể chăm sóc người bệnh. Đó là: 

1- Ít nhờm gớm, có thể đem đổ bô đựng phân tiểu, ống nhổ. v.v... 
2- Có thể xin thuốc hợp bệnh, thức ăn hợp cho người bệnh. 
3- Có thể thường thường tùy thuận thuyết pháp cho bệnh nhân nghe. 
4- Không có tâm hy vọng (về lợi lộc). 
5- Không tiếc rẻ công việc của mình. 

Đó gọi là 5 yếu tố có thể trông nom người bệnh. 

Nếu bệnh nhân có đủ 9 yếu tố sau đây thì tuy chưa hết thọ mạng ắt hẳn sẽ chết đột ngột. Đó là: 

1- Biết những thức ăn có hại mà vẫn tham ăn. 
2- Sống không có điều độ
3- Thức ăn trong bụng chưa tiêu hóa mà ăn nữa. 
4- Thức ăn chưa tiêu hóa mà móc họng cho mửa ra. 
5- Thức ăn đã tiêu hóa muốn đi cầu mà vẫn cố kiềm chế
6- Ăn thức ăn không hợp với bệnh. 
7- Ăn thức ăn hợp với bệnh nhưng không có điều độ
8- Lười biếng. 
9- Không trí tuệ

Đó gọi là đầy đủ 9 yếu tố ắt hẳn sẽ chết đột ngột. 

Lại nữa, nếu ai đầy đủ 9 yếu tố sau đây thì sẽ không thể chết đột ngột. Đó là: 

1- Biết thức ăn không ích lợi nên ăn ít. 
2- Biết sống có điều độ
3- Thức ăn trong bụng tiêu hóa hết, mới ăn nữa. 
4- Không cưỡng bách mửa ra. 
5- Không cố giữ lại. 
6- Không ăn thức ăn không hợp với bệnh. 
7- Ăn thức ăn hợp với bệnh và ăn có điều độ
8- Không biếng nhác
9- Có trí tuệ

Đó gọi là người có đủ 9 yếu tố sẽ không chết đột ngột. 

Phật nói với Ưu-ba-li: 

- Có ba loại người bệnh. Đó là: 

1- Có loại người bệnh được thuốc hợp bệnh, được thức ăn hợp bệnh, có người nuôi bệnh đúng pháp mà chết. 
2- Có loại người bệnh không được thuốc hợp bệnh, không được thức ăn hợp bệnh, có người nuôi bệnh đúng pháp mà sống. 
3- Có người bệnh được uống thuốc hợp bệnh, được thức ăn hợp bệnh, được người nuôi bệnh đúng pháp, bệnh ắt hẳn bớt không đến nỗi bị chết. 

Này Ưu-ba-li! Trong số Tỉ kheo bị bệnh, vì không có người nuôi bệnh đúng pháp (457b) mà chết, vì được người nuôi bệnh đúng pháp mà sống. Do vậy cần khéo chăm sóc khiến cho bệnh nhân được yên ổn, tức là bố thí mạng sống vậy. Thế nên, chăm sóc bệnh được công đức rất lớn, chư Phật đều hoan hỷ. Đó gọi là cách thức chăm sóc người bệnh. 

VẤN ĐỀ THUỐC.

Khi Phật đang du hành tại nước Câu Tát La, tôn giả Xá-lợi-phất bị lên cơn động phong. Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền hỏi: 

- Này Tỉ kheo! Cần phải dùng thuốc gì? 

- Bạch Thế Tôn! Cần dùng ha lê lặc

- Từ nay về sau Ta cho phép Tỉ kheo bệnh được uống ha lê lặc

Thế rồi Phật nói với các Tỉ kheo: 

- Đợi khi Ta trở về lại thành Xá-vệ, nhắc lại Ta, Ta sẽ quy định về vấn đề thuốc men cho các đệ tử

Khi Phật trở về thành Xá-vệ, các Tỉ kheo bèn bạch với Phật: 

- Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn hãy vì các đệ tử mà chế định về việc thuốc men, giờ đây là đúng lúc

- Này các Tỉ kheo! Từ nay về sau Ta cho phép các Tỉ kheo bệnh được uống thuốc. Về thuốc có các loại: Củ đúng thời, củ phi thời. Cũng vậy, cọng, vỏ, lá, quả, nước uống. 

- Củ đúng thời: Củ cải, củ hành, củ khẩn xoa, củ a lam phù, củ khoai nước, củ ma đậu la, củ sen. Các thứ đó ăn chung với thức ăn, nên gọi là củ đúng thời. 

- Củ (rễ) phi thời: Rễ cây bà tra, rễ cây lá lốt, rễ cây dương liễu, rễ cây khư đề la, rễ cây tô kiện xà. Các loại như vậy không ăn chung với thức ăn, nên gọi là rễ phi thời. Ngoài ra, các loại cọng, vỏ, lá, hoa, trái cũng như vậy. 

- Nước uống: Gồm có nước uống đúng thời, nước uống phi thời

- Nước uống đúng thời: Tất cả nước gạo, nước bột gạo, sữa, sữa chua, nước trong. Đó gọi là nước uống đúng thời. 

- Nước uống phi thời: Tất cả loại đậu, tất cả ngũ cốc, tất cả loại thóc đem ngâm nước mà đầu không nứt ra, và tô, dầu, mật, đường phèn. Đó gọi là nước uống phi thời

Nếu Tỉ kheo bị bệnh mà thầy thuốc nói: "Cho ăn sẽ sống, không cho ăn sẽ chết", thì nên đem một cái nồi rửa 7 lần cho thật sạch, rồi lấy một nắm thóc đãi kỹ bỏ vào một cái túi buộc chặt lại, để vào trong nồi nấu mà đầu hạt thóc không nứt ra, đoạn đưa cho người bệnh uống. 

Tất cả đất cũng có loại đúng thời, có loại phi thời; trừ 8 loại tro, ngoài ra các loại tro khác cũng có loại đúng thời, có loại phi thời. Đó gọi là vấn đề thuốc men. 

TRÁCH NHIỆM LIÊN QUAN GIỮA THẦY VÀ TRÒ.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ kheo một tuổi hạ dẫn theo một đệ tử chưa có tuổi hạ, hai vai mang mỗi vai một túi y, trên đầu đội một túi, tay trái cầm bát và giày da, tay phải xách bình nước và túi da đựng dầu, cùng đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ. Cái túi y trên đầu thầy rơi trên đầu gối Phật, Phật bèn gạt ra, tuy Ngài biết nhưng vẫn hỏi: 

- Vật này của ai vậy? 

- (457c) Bạch Thế Tôn! Của đệ tử cùng đi với con. 

- Ông được mấy tuổi hạ? 

- Dạ một tuổi, bạch Thế Tôn! 

- Đệ tử mấy tuổi? 

- Dạ chưa có tuổi hạ. 

- Ông mới một tuổi hạ mà đã nuôi đệ tử chưa có tuổi hạ thì cũng giống như người yếu đuối mà lại cứu người yếu đuối

Thế rồi, Phật nói với các Tỉ kheo: 

- Bản thân mình không tự hàng phục được mà muốn hàng phục người khác thì không có lẽ đó. Bản thân mình không tự chế ngự được mà muốn chế ngự người khác, thật không có lẽ đó. Bản thân mình chưa tự độ được mà muốn độ người khác, thật không có lẽ đó. Bản thân mình chưa giải thoát mà muốn giải thoát cho người khác, thật không có lẽ đó. 

Này các Tỉ kheo! Tự hàng phục được mình rồi mới hàng phục người khác, điều đó có thể. Tự chế ngự được mình rồi mới chế ngự người khác, điều đó có thể. Tự độ được mình rồi mới độ người khác, điều đó có thể. Tự mình đã giải thoát rồi mới giải thoát cho người khác, điều đó có thể. Này các Tỉ kheo! Từ nay về sau, Ta không cho phép Tỉ kheo dưới mười tuổi hạ độ người xuất gia thọ cụ túc. 

Sau khi Phật đã chế giới không cho phép Tỉ kheo dưới mười tuổi hạ độ người xuất gia thọ Cụ túc, rồi Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà đủ mười tuổi hạ, độ người xuất gia thọ Cụ túc mà không dạy dỗ. Họ giống như trâu trời, dê trời, sống phóng túng không kỷ cương, không biết chế ngự, thiếu sự trong sạch, uy nghi không đầy đủ, không biết phụng sự Hòa Thượng, A xà lê, không biết vâng lời Tỉ kheo trưởng lão, không biết phép tắc vào thôn xóm, không biết phép tắc ở nơi hoang vắng, không biết phép tắc vào trong chúng, không biết cách thức khoác y cầm bát. Các Tỉ kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy: 

- Từ nay về sau, ai thành tựu mười điều kiện sau đây, Ta mới cho phép độ người xuất gia thọ Cụ túc. Mười điều kiện đó là: 

1- Giữ giới
2- Nghe nhiều A tì đàm
3- Nghe nhiều Tì ni
4- Học giới
5- Học định. 
6- Học tuệ. 
7- Có thể xuất tội và sai người khác xuất tội. 
8- Có thể nuôi người bệnh và nhờ người khác nuôi người bệnh. 
9- Khi đệ tử gặp nạn có thể giải cứu, hoặc nhờ người giải cứu
10- Đã đủ mười tuổi hạ. 

Đó gọi là mười điều kiện để Ta cho phép độ người xuất gia thọ Cụ túc. Tối thiểu là đủ mười tuổi hạ, biết hai bộ Luật thì cũng được phép làm thầy. 

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ kheo mệnh chung, hai người đệ tử cọng trú vì nhớ thương sầu thảm, cùng ngồi dưới gốc cây, như khách buôn bị mất của. Phật biết mà vẫn hỏi các Tỉ kheo: 

- Đó là Tỉ kheo nào vậy? 

Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy: 

- Từ nay về sau, Ta cho phép thỉnh thầy y chỉtôn kính vị này như Hòa Thượng. Thể thức thỉnh cầu thầy y chỉ bằng cách trật vai áo bên phải, quì gối, vịn tay vào bàn chân, nói như sau: 

"Kính xin Hòa Thượng (tôn giả) thương xót. Con là mỗ giáp, nay thỉnh cầu Hòa Thượng (458a) làm thầy y chỉ. Mong Hòa Thượng vì con làm thầy y chỉ. Con nương vào Hòa Thượng mà an trú". (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế). 

Lại nữa, có Tỉ kheo mới một tuổi hạ đã nhận Tỉ kheo chưa có tuổi hạ y chỉ, cho đến Tỉ kheo chín tuổi hạ mà nhận Tỉ kheo tám tuổi hạ y chỉ. Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy: 

- Từ nay về sau, Ta không cho phép người dưới mười tuổi hạ mà nhận người khác y chỉ

Thế rồi, nhóm sáu Tỉ kheo đủ mười tuổi hạ nhận người khác y chỉ mà không dạy dỗ, khiến họ giống như trâu trời, dê trời, cho đến không biết phép tắc khoác y cầm bát. Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy: 

- Từ nay về sau, ai thành tựu mười điều kiện sau đây, Ta mới cho phép nhận người y chỉ. Đó là: Giữ giới v.v... cho đến đủ mười tuổi hạ. Đó gọi là mười điều kiện được nhận người y chỉ. Tối thiểu là đủ mười tuổi hạ, biết hai bộ Luật cũng được nhận. Khi muốn cầu thỉnh thầy y chỉ, không được hấp tấp đến thỉnh ngay mà phải xem người nào thành tựu năm điều kiện sai đây mới nên thỉnh. Đó là: 

1- Có tấm lòng từ ái. 
2- Cung kính
3- Biết tự thẹn với mình. 
4- Biết xấu hổ với người. 
5- Sống an lạc

Đó gọi là 5 điều kiện nên thỉnh cầu làm thầy y chỉ

Lại có bốn hạng A xà lê. Thế nào là bốn? Đó là: 

1- Thầy (A xà lê) y chỉ
2- Thầy dạy giáo pháp
3- Thầy dạy giới Luật
4- Thầy dạy mình ở nơi vắng vẻ. 

Lại có bốn hạng A xà lê khác như sau: 

1- Có A xà lê không cần thưa mà nên bỏ đi. 
2- Có A xà lê nên thưa rồi mới ra đi. 
3- Có A xà lê dù ở đó khổ cũng phải đeo đuổi suốt đời
4- Có A xà lê sống được an lạc thì dù có bị xua đuổi, suốt đời cũng không rời bỏ. 

1- Hạng thầy không thưa mà đi: Có những vị thầy sống nương tựa với họ không có y phục ẩm thực, khi đau ốm không có thuốc men, cũng không thể thuyết giảng về quả vị Sa-môn vô thượng của người xuất gia tu phạm hạnh. Hạng thầy như vậy không cần thưa mà nên bỏ đi. 

2- Hạng thầy thưa rồi mới đi: Có những vị thầy sống nương tựa với họ, tuy có y phục ẩm thực, khi đau ốm có thuốc men nhưng không thể thuyết giảng về quả Sa-môn vô thượng của người xuất gia tu phạm hạnh. Hạng thầy như vậy nên thưa rồi mới đi. 

3- Hạng thầy dù khổ vẫn ở: Có những vị thầy sống nương tựa với họ, tuy không có y phục ẩm thực, khi đau ốm không có thuốc men, nhưng khéo thuyết giảng về quả vị Sa-môn vô thượng của hạnh xuất gia tu phạm hạnh. Hạng thầy như vậy tuy sống với họ cực khổ suốt đời cũng không nên rời bỏ. 

4- Hạng thầy sống gần được an vui: Có những vị thầy sống nương tựa với họ, họ có thể cung cấp y phục ẩm thực, khi đau ốm có thuốc men, có thể thuyết giảng về quả vị Sa-môn Vô thượng của người xuất gia tu phạm hạnh. Hạng thầy như vậy, dù có bị xua đuổi, suốt đời cũng không nên rời bỏ. 

Đó gọi là 4 hạng A xà lê

Lại có 4 hạng thầy nữa như sau: 

Dạy về phép tắc; làm chỗ nương tựa cho mình; điều phục tham dục sân hận ngu si. Trong đây, hạng thầy có thể vì đệ tử khéo thuyết pháp để đoạn trừ tham dục, sân hận, ngu si (458b) được xem là hạng thầy tối thượng tối thắng. Ví như từ sữa được sữa đóng váng, từ sữa đóng váng được sữa chua, từ sữa chua được đề hồ; đề hồtối thượng, tối thắng

TRÁCH NHIỆM THẦY ĐỐI VỚI ĐỆ TỬ.

Hòa Thượng, A xà lê nên dạy bảo đệ tử đồng hành, đệ tử y chỉ. Phương pháp dạy dỗ là: 

1- Họ không thanh tịnh nên ngăn cản
2- Khuyên đừng đến những nơi không nên đến. 
3- Họ bị yết ma phải giúp đỡ. 
4- Họ sinh tà kiến, mình phải giải tỏa, hay nhờ người giải tỏa. 
5- Tự mình xuất tội, hay nhờ người xuất tội. 
6- Khi họ bệnh, tự mình hoặc nhờ người chăm sóc. 
7- Khi họ gặp nạn, tự mình hoặc nhờ người giải cứu
8- Khi họ gặp nạn vua, giặc, mình phải hóa giải. 

1- Khi đệ tử không thanh tịnh, nên ngăn cảnKhi đệ tử phạm các giới nhỏ như: ăn riêng chúng, ăn nhiều chỗ, ở cùng nhà với phụ nữ, ngủ chung với người chưa thọ cụ túc quá ba đêm, làm tổn hại cỏ tươi, ăn trái cây không thanh tịnh, thì nên dạy: "Ông đừng làm như thế". 

Nếu đệ tử nói: "Thưa Hòa Thượng, A xà lê, con sẽ không làm nữa", thì tốt. 

Nếu họ nói: "Hòa Thượng, A xà lê hãy tự dạy mình, chứ dạy người khác làm gì!", thì nên bảo người coi việc giường nệm lấy lại giường nệm, bảo người coi việc ăn uống cắt đứt phần ăn. 

Nếu người đó hung ác, dựa vào thế lực của nhà vua, của đại thần, có thể gây ra rắc rối, thì hoặc là chính Hòa Thượng nên lánh đi nơi khác, hoặc là thầy y chỉ nên mang theo y bát ra khỏi cương giới ngủ một đêm rồi trở về, như vậy tức là cắt đứt sự y chỉ

Nếu đệ tử sống chung, đệ tử y chỉ có những hành vi bất tịnhHòa Thượng, A xà lê không dạy bảo thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là nên ngăn ngừa những hành vi bất tịnh

2- (Ngăn đệ tử đến) những nơi không nên đến: Như nhà của đồng nữ lớn tuổi, nhà quả phụ, nơi cờ bạc, chỗ quán rượu, Tỉ-kheo-ni có tiếng xấu, Sa di nitiếng xấu. Nếu đệ tử lui tới những nơi ấy thì Hòa Thượng, A xà lê nên bảo họ đừng tới lui những chỗ ấy, vì đó là nơi không nên đến gần

Nếu họ vâng lời thì tốt, cho đến ra khỏi cương giới ngủ một đêm rồi trở về, tức là cắt đứt sự y chỉ

Nếu đệ tử sống chung, đệ tử y chỉ lui tới những nơi không nên đến mà không dạy dỗ, thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là những nơi không nên đến. 

3- (Giúp đỡ khi đệ tử) bị yết ma: Nếu trường hợp đệ tử bị Tăng xử đoán làm các pháp yết ma chiết phục, không cùng nói chuyện, phát hỉ, tẫn xuất; hoặc đệ tử phạm một trong ba kiến chấp là hủy báng kinh điển, ác kiến, biên kiến; hoặc bị yết ma cử tội vì khuyên can mà không bỏ lỗi, thì Hòa Thượng, A xà lê nên vì đệ tử xin lỗi mọi người rằng: 

- Thưa các trưởng lão! Kẻ này trước đây có ác kiến, bây giờ đã bỏ, tùy thuận vâng lời. Kẻ phàm phu ngu si làm sao khỏi lầm lỗi! Đứa nhỏ mới học muộn màng này quả thực có lỗi đó. Từ nay tôi sẽ dạy bảo để y không tái phạm nữa. 

Sau khi đã làm cho tâm ý của đại chúng vui vẻ, hãy xin Tăng giải pháp yết ma. Nếu đệ tử cùng sống chung, đệ tử y chỉ bị Tăng làm yết ma mà thầy không giải tỏa cho họ thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là đệ tử bị làm yết ma

4- Khi ác tà kiến sinh khởi (458c) tự mình hoặc nhờ người hóa giải: Nếu đệ tử có những kiến chấp như hủy báng kinh điển, hoặc ác tà kiến, hoặc biên kiến thì Hòa Thượng, A xà lê nên dạy: 

- Ông đừng sinh khởi kiến giải như thế. Đó là việc ác, sẽ rơi vào đường ác, đọa xuống địa ngục chịu khổ lâu dài

Nếu dạy bảo y các điều như vậy mà y bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì nên nhờ người quen biết với y như sau: "Xin trưởng lão hãy khuyên người ấy từ bỏ ác kiến". Nếu không tự mình hoặc nhờ người hóa giải thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là đệ tửác kiến, tự mình hoặc nhờ người hóa giải. 

5- Tự mình xuất tội hoặc nhờ người xuất tội: Nếu đệ tử phạm tội có thể sửa trị, như phạm tội Tăng già bà thi sa mà che giấu, thì nên tự mình cho pháp Ba lợi bà sa

Nếu y không che giấu, thì nên cho pháp Ma na đỏa. Cho đến phạm tội Việt tỳ ni, thì nên tự mình trị phạt. 

Nếu mình không trị được thì nên nhờ người khác trị. 

Nếu đệ tử cùng sống chung, đệ tử y chỉ phạm tội mà thầy không tự mình xuất tội, không nhờ người khác xuất tội cho họ thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là tự mình hoặc nhờ người xuất tội. 

6- Khi đệ tử bệnh, tự mình hoặc nhờ người chăm sóc: Nếu đệ tử bị bệnh thì tự mình phải săn sóc hoặc nhờ người khác săn sóc. Không được sai người khác săn sócbản thân mình không quan tâm đến. Mỗi ngày nên đến thăm ba lần, và cổ vũ người nuôi bệnh: "Ông chớ nên uể oải, chăm sóc lẫn nhau là điều mà Phật rất khen ngợi". Nếu đệ tử cùng sống chung, đệ tử y chỉ lâm bệnh mà thầy không trông nom thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là đệ tử bị bệnh, tự mình hoặc sai người chăm sóc. 

7- Khi đệ tử lâm nạn, tự mình hoặc nhờ người đưa đi: Nếu thân nhân của đệ tử muốn lôi kéo đệ tử trở về nhà, thì thầy nên bảo họ lánh đi xa, để hoàn thành công đức xuất gia, và nên tự mình đưa đi. Nếu vì già bệnh hoặc bận công việc của Tăng thì nên nhờ người khác đưa đi giúp. 

Nếu không tự mình hoặc nhờ người đưa đi thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là khi gặp nạn, hoặc tự mình hoặc nhờ người đưa đi. 

8- Khi đệ tử gặp nạn vua, nạn giặc: Nếu đệ tử bị vua bắt đi thì thầy không nên bỏ mặc như vậy mà phải ở bên ngoài thăm dò tin tức. Nếu nhà vua hỏi: "Ai là Hòa Thượng, A xà lê?", thì khi ấy nên đi vào

Nếu sự việc bị hàm oan thì nên tìm người quen biết làm chứng. Nếu cần tiền của để theo đuổi công việc thì nên cho y bát. Nếu không có thì nên xin để cho. Nếu đệ tử bị giặc bắt đem bán nơi phương xa thì thầy nên tìm kiếm chuộc về. Nếu đệ tử bị nhà vua, bị bọn giặc bắt mà Hòa Thượng, A xà lê không cứu chuộc thì phạm tội Việt tỳ ni. 

Nếu Hòa Thượng, A xà lê (gặp các trường hợp trên) thì đệ tử cộng trụ, đệ tử y chỉ cũng phải can gián như vậy. Nhưng không được nói thô lỗ như để dạy bảo, mà phải dùng lời nhã nhặn khuyên can Hòa Thượng, A xà lê không nên làm việc đó. 

Nếu thầy nói: "Ta sẽ không làm nữa", thì tốt. Nếu (459a) Hòa thượng nói: "Im, im đi. Ngươi không phải Hòa Thượng, A xà lê của ta. Lẽ ra ta dạy bảo ngươi mà ngươi lại dạy bảo ta giống như vuốt mắt tre ngược chiều, ngươi chớ nói nữa", thì nên bỏ đi xa. 

Nếu đó là thầy y chỉ thì nên mang y bát ra ngoài cương giới ngủ qua một đêm rồi trở về y chỉ người khác. 

Nếu thầy có thế lực thì nên bỏ đi xa. 

Nếu không bỏ đi thì nên y chỉ người có đức độ. Nếu thầy đến những nơi không nên đến, hoặc bị yết ma thì phải lo giúp đỡ. 

Nếu thầy khởi ác kiến thì phải tự mình giải tỏa hoặc nhờ người giải tỏa; tự mình hay nhờ người xuất tội. Thầy bệnh hay không bệnh đều phải cung cấp

Nếu thầy gặp nạn thì nên đưa đi. 

Nếu bị vua, giặc bắt thì phải theo cứu giúp. Nếu đệ tử cọng trú, đệ tử y chỉ thấy thầy phạm những giới nhỏ mà không can gián, cho đến bị vua, giặc bắt mà không theo cứu giúp thì phạm tội Việt tỳ ni. 

NHỮNG CÔNG VIỆC ĐỆ TỬ PHẢI LÀM.

Đệ tử cọng trú, đệ tử y chỉ ở gần Hòa Thượng, A xà lê phải làm các việc sau đây: Đứng dậy đón tiếp; trả lời; làm việc; làm việc cho mình, làm giúp người khác; vấn đề y bát; tự cạo đầu, cạo đầu cho người; dùng dao chữa trị; cho và nhận; lấy thức ăn cho mình, lấy thức ăn cho người; tự mình trì kinh, dạy kinh cho người; gởi dục, nhận dục; uống thuốc; rời khỏi cương giới; tổ chức cúng dường; đi không thưa. 

1- Đứng dậy tiếp đón: Đệ tử thấy Hòa Thượng, A xà lê từ xa nên đứng dậy đón tiếp. 

Nếu đang ăn năm món ăn chính hoặc thọ trì hạnh ăn một lần không thể đứng dậy được thì nên cúi đầu xuống. 

Nếu thọ trì hạnh ăn một lần thì nên bạch với thầy. Thầy nên hỏi: "Ông có thể ăn một lần không? Nếu chịu đựng được thì nên thọ trì". Nếu đáp: "Không chịu đựng nổi", thì nên bảo đừng thọ trì

Nếu đệ tử thấy thầy mà không đứng dậy thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là không đứng dậy đón tiếp. 

2- Trả lời: Khi Hòa Thượng, A xà lê gọi thì đệ tử phải đáp. Nếu trong miệng đang ngậm cơm mà tiếng nói không khác thì nên đáp. Nếu không thể được thì đợi nuốt xong rồi mới đáp. 

Nếu thầy trách: "Vì sao nghe ta gọi mà không đáp", thì nên nói: "Vì trong miệng đệ tử đang ngậm cơm". Nếu thầy gọi mà không đáp thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là trả lời

3- Làm việc: Nếu Hòa Thượng, A xà lê bảo đệ tử làm việc ấy mà đúng pháp thì nên làm. Nhưng nếu bảo: "Gọi cô gái ấy đến, lấy rượu đem lại", thì nên dùng lời nhỏ nhẹ thưa lại: "Con nghe nói rằng các việc như vậy là phi pháp, không nên làm". Nếu thầy bảo làm việc đúng pháp mà không làm thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là bảo làm việc. 

4- Làm việc cho mình và làm việc với người: Nếu muốn làm việc gì thì nên hỏi thầy: "Con muốn làm việc ấy với mỗ giáp. Thầy nên xem tướng người ấy, nếu y không khéo trì giới thì nên bảo đừng làm việc với y. Nếu thấy kẻ ấy khéo trì giới thì nên cho phép cộng tác. Nếu đến phiên mình làm Duy na trực nguyệt thì nên bạch với thầy. Như trong Thiên uy nghi (459b) đã nói rõ. Đó gọi là tự mình làm việc và làm việc với người. 

5- Vấn đề y bát: Khi muốn hơ bát hoặc kê đá làm lò để hơ thì mỗi việc đều nên thưa với thầy. Nếu không thể thưa từng việc một, thì chỉ cần nói: "Con muốn hơ bát". Một lần thưa là gồm tất cả. Khi hơ bát nên thưa Hòa Thượng, A xà lê có muốn hơ hay không. Nếu bảo hơ, thì nên hỏi cái nào hơ trước, cái nào hơ sau hay là hơ chung một lần. Nếu bảo hơ một lần thì nên hỏi cái nào để trên, cái nào để dưới, tùy thầy dạy nên làm theo ý. Khi muốn nhuộm y, nên thưa với thầy; hoặc khi giặt, vá, nấu, tất cả đều nên thưa. Nếu không thể thưa từng việc một thì chỉ cần nói: "Con muốn nhuộm y". Một lần thưa là gồm tất cả. Khi nhuộm y, trước hết nên hỏi Hòa Thượng, A xà lê có muốn nhuộm y hay không. Nếu nói: "nhuộm" thì nên hỏi cái nào nhuộm trước, cái nào nhuộm sau hay nhuộm cùng lúc. Nếu bảo "cùng nhuộm một lần", thì nên nhuộm y Hòa Thượng, A xà lê trước. Cũng vậy, khi vá, khi nhuộm, khi cầm, không được dùng y của thầy gói y của mình mà nên lấy y mình gói y thầy. Khi làm các việc về y bát mà không thưa với thầy thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là những việc thuộc về y bát

6- Tự cạo đầu và cạo đầu cho người khác: Khi mình muốn cạo đầu, nên thưa thầy. Thầy nên hỏi: 

- Ai cạo cho ông? 

- Dạ thưa mỗ giáp

- Mổ giáp có biết cạo không? 

- Việc đó dễ như trở bàn tay. 

Thầy nên nói: - Không nên. 

Nhưng nếu nói "biết" thì thầy nên quan sát người ấy. Nếu y không khéo trì giới thì cũng nên bảo: "Không nên". 

Nếu thấy y khéo trì giới, thì nên nói: "Cạo được". 

Khi muốn cạo đầu cho người khác, nên thưa với thầy: - Con cạo đầu cho Tỉ kheo mổ giáp. 

Thầy nên hỏi: - Ông có cạo được không? 

Nếu đáp: "Việc đó dễ như trở bàn tay có gì mà không làm được", thì thầy nên nói: "Không nên làm". 

Nếu đệ tử nói: "Con có thể làm được", thì thầy nên xem tướng y, nếu y không khéo trì giới thì nên nói: "Không nên làm". 

Nếu thấy y khéo trì giới thì thầy nên nói: "Ý kiến ấy rất hay". Nếu Hòa Thượng, A xà lê vào xóm làng, rồi thợ cạo đầu đến muốn cạo đầu thì mình nên bạch với các trưởng lão Tỉ kheo khác rằng: "Con muốn cạo đầu". Sau khi thầy trở về, nên thưa lại cho thầy biết. Khi thầy đi khỏi thì mình được nhờ thợ cạo, cạo đầu cho mình. Đó gọi là cạo đầu cho mình và cạo đầu cho người khác. 

7- Dùng dao chữa bệnh: Khi muốn mổ mụt nhọt cho người khác nên thưa với thầy: 

- Con mổ mụt nhọt cho Tỉ kheo mổ giáp. 

Thầy nên hỏi: 

- Ông làm có được không? 

Nếu đáp: "Việc này dễ như trở bàn tay mà có gì làm không được", thì thầy nên nói: 

- Không nên làm. 

Nếu nói: "Con có thể làm", thì thầy nên xem tướng, nếu y không khéo trì giới thì nên nói: 

- Không nên làm. 

Nếu thấy y khéo trì giới, thì nên hỏi mụt nhọt ở chỗ nào. Nếu nói: "Ở chỗ bẩn thỉu", thì nên nói: 

- Trong phạm vi cách cốc đạo (hậu môn) bốn lóng tay không nên chạm đến. Nếu lể đầu ra máu, hoặc chữa trị các mụt ở chỗ khác (459c) thì nên làm. 

Khi muốn phá mụt nhọt của mình, nên thưa với thầy. Thầy nên hỏi ở chỗ nào. Nếu cho biết ở chỗ bẩn thỉu thì nên bảo không nên làm. Nếu nói rằng ở những nơi khác thì cách xử trí như ở trên. Đó gọi là dùng dao để chữa bệnh. 

8- Cho và lấy: Khi muốn cho ai vật gì, nên thưa với thầy. Thầy nên hỏi: 

- Cho ai? 

Nếu nói: "Cho quả phụ, đồng nữ, dâm nữ, bọn vô lại, kẻ hung ác, Tỉ-kheo-ni mang tiếng xấu, Sa di ni mang tiếng xấu, Tỉ kheo không khéo giữ giới", thì nên bảo: 

- Không nên cho và thân cận với những hạng người như vậy. 

Nếu cha mẹ không tin Tam bảo, thì nên ít lui tới. Nếu có lòng tin thì nên cung cấp tận tình đừng để thiếu thốn

Khi muốn lấy vật của người khác nên thưa với thầy. Thầy nên hỏi: 

- Ai cho ông? 

Nếu đáp: "Do đồng nữ, cho đến Tỉ kheo không khéo giữ giới cho con", thì nên bảo: 

- Chớ nên giao du thân mật với những hạng người này. 

Nếu đáp: "Người đó khéo giữ giới", thì nên bảo: "Cứ lấy". 

Hỏi: 

- Khi cho hay nhận vật chừng cỡ nào thì không cần thưa với thầy? 

Đáp: 

- Như chừng nửa sợi chỉ hay nữa bữa ăn. Đó là các trường hợp cho và lấy không cần thưa. 

9- Lấy thức ăn cho người, lấy thức ăn cho mình: Khi người khác nhờ mình đi lấy thức ăn thì phải thưa với thầy rằng: 

- Con lấy thức ăn giúp cho Tỉ kheo mổ giáp. 

Thầy nên hỏi: 

- Vị Tỉ kheo ấy vì sao không đi lấy? 

Đáp: "Ăn ở đó cực khổ, ăn ở đây sướng hơn", thì nên nói: 

- Nếu vì muốn sướng thì đừng có nhờ người ta. 

Nếu lấy giúp cho Duy na hay người bệnh thì nên xem tướng người ấy. Nếu y không khéo trì giới thì nên nói: 

- Không nên đi. 

Nếu nói: "Đến phiên con đi lấy", thì nên bảo: 

- Lấy bát của người ấy rửa cho sạch rồi hợp chung với bát của mình cầm theo. 

Nếu nói: "Người ấy khéo trì giới", thì nên bảo: 

- Hãy lấy giúp cho ông ta. 

Nếu muốn nhờ người khác đi lấy giúp thức ăn thì nên thưa với thầy. Thầy nên hỏi: 

- Vì sao ông không đi? 

Nếu đáp: "Ăn ở đó cực khổ, ăn ở đây sướng hơn", thì nên nói: "Ông vì thích sướng nên không thể được". 

Nếu (người đệ tử này) đang làm Duy na hay bị bệnh, thì nên hỏi: 

- Ông nhờ ai đi lấy? 

Đáp: 

- Mổ giáp. 

Nếu thấy y không khéo trì giới, thì nên nói: - Không thể được. 

Nếu đáp: "Đến phiên người ấy lấy phần cho con", thì nên bảo: 

- Nên nhờ người khác, hoặc là người cùng một Hòa Thượng, A xà lê, hoặc là người khéo trì giới đi lấy giúp. 

Đó gọi là đi lấy thức ăn cho mình, lấy thức ăn cho người. 

10- Đọc Kinh, dạy Kinh cho người: Khi muốn dạy Kinh cho ai nên thưa với thầy. Thầy nên hỏi: 

- Dạy Kinh cho ai? 

Đáp: 

- Dạy Kinh cho Tỉ kheo mổ giáp. 

Lại hỏi: 

- Dạy Kinh gì? 

Nếu đáp: "Kinh Sa Lộ Da Đà", thì nên nói:

- Không được, đức Thế Tôn không cho phép

Nếu nói: "Chú Kinh", thì nên nói: 

- Được, nhưng hãy bảo ông ta đừng dùng Kinh này để làm kế sinh sống. 

Nếu đáp: "Kinh A Hàm", thì thầy nên xem tướng anh ta, nếu không khéo trì giới, thì nên nói: 

- Không được. 

Nếu thấy khéo trì giới thì nên hỏi: 

- Ngươi đọc Kinhtrôi chảy không? 

Đáp: "Không (460a) trôi chảy, để con hỏi lại ông ta rồi con sẽ dạy", thì nên nói: 

- Không nên dạy. 

Nếu đáp: "Đọc trôi chảy", thì nên bảo: 

- Cứ dạy. 

Khi mình muốn đọc Kinh cũng phải thưa với thầy, như cách thức ở trên. Đó gọi là tự mình đọc Kinh, dạy Kinh cho người. 

11- Gởi dục, nhận dục: Khi gởi dục hay nhận dục nên thưa với thầy, như vấn đề lấy thức ăn

12- Uống thuốc: Khi muốn ống thuốc trước hết phải thưa với thầy. Nếu đã ngồi rồi muốn uống sữa trước rồi ăn sau thì dù không thưa mà uống, cũng không có tội. 

13- Rời khỏi cương giới: Khi muốn rời khỏi Tăng già lam chừng 25 khuỷu tay nên thưa với thầy rồi mới đi. Nếu đi kinh hành hoặc ngồi thiền nên thưa để thầy biết chỗ. Nếu đang ở trước thầy mà muốn đi đại tiểu thì nên cúi đầu tỏ sự cung kính rồi mới đi. Nếu không ở trước thầy thì không tỏ sự cung kính, không có tội. 

14- Tổ chức bố thí rộng rãi: Nếu muốn tổ chức bố thí lớn, nên thưa với thầy rằng: 

- Con muốn bố thí hết tất cả những vật sở hữu của con. 

Thầy nên nói: 

- Người xuất gia cần phải có ba y, bình bát, tọa cụ, túi lọc nước, giày da. 

Nếu đệ tử nói: "Ngoại trừ các vật vừa kể, còn tất cả các thứ khác con muốn bố thí hết", thì thầy nên xem tướng người ấy, nếu y không khéo trì giới, không chịu tụng Kinh, hành đạo, nên nói: 

- Đồng ý

Nếu thấy y khéo trì giới, thường đọc tụng hành đạo, thì nên nói: 

- Bố thí chẳng phải là giải pháp tốt nhất. Ông nhờ các vật ấy làm phương tiện (như là món thuốc) để mà tọa thiền, tụng kinh, hành đạo

Nếu nói: "Con có thân nhân cung cấp cho y phục ẩm thực và thuốc chữa bệnh rồi", thì thầy nên nói: 

- Nếu thế thì thầy đồng ý

Đó gọi là bố thí rộng rãi

15- Thưa thầy rồi mới đi: Khi muốn đi đâu phải thưa trước với Hòa Thượng, A xà lê không được để đến lúc đi rồi mới thưa, mà phải thưa trước chừng một tháng, nửa tháng rằng: 

- Đệ tử muốn đến quốc độ ở mỗ phương. 

Thầy nên hỏi: 

- Về việc gì mà đi? 

Nếu nói: "Ở đây Tăng làm việc cực khổ, đọc Kinh, tụng Kinh cực khổ quá; Hòa Thượng, A xà lê còn bảo: ăn ít, uống ít, thức nhiều còn ở nơi kia thì sống sướng hơn", thì thầy nên nói: 

- Ông vì thế mà xuất gia, vì sao lại khước từ sự cực khổ? 

Nếu nói: "Hòa Thượng, A xà lê lo việc kinh doanh, không dạy Kinh cho con, nên con phải đi", mà mình có thể dạy được thì nên bảo: 

- Đừng đi. 

Nếu mình không thể dạy được mà trong chúng có người khéo trì giới, tụng Kinh lưu loát thì nên bảo đến người đó thụ giáo. Nếu cũng không có mà ở nơi kia có Tỉ kheo quen biết đa văn thì nên gởi gấm cho họ. Nếu lúc đi không thưa với Hòa Thượng, thầy y chỉ mà đi, thì phạm tội Việt tỳ ni. Ở đây, đệ tử cọng trú, đệ tử y chỉ đối với Hòa Thượng, A xà lê phải làm những việc ấy. Đó gọi là thưa với Hòa Thượng, A xà lê rồi mới đi. 

LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hết quyển thứ hai mươi tám.





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
25/06/2010(Xem: 36110)
01/11/2012(Xem: 41448)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :