Am hiểu giới luật

16/08/20152:28 CH(Xem: 13354)
Am hiểu giới luật

THỰC PHẨM CHO TÂM 
Nguyên tác: Food for the Heart của Thiền sư Ajahn Chah.
Thường Huyễn chuyển ngữ


Am hiểu Giới luật

 

Chúng ta thực tập việc này không phải dễ dàng. Có thể một số việc chúng ta nhận biết được nhưng vẫn còn rất nhiều việc không biết hết. Ví dụ, chúng ta nghe pháp hướng dẫn “nhận biết thân, rồi nhận biết tâm trong thân,” chẳng hạn, hay “nhận biết tâm, rồi nhận biết tâm trong tâm.” Nếu chưa thực tập những pháp này, chúng ta nghe xong có thể cảm thấy có trở ngại. Giới luật[i] cũng thế. Lúc trước, tôi từng làm thầy,[ii] nhưng chỉ là một vị “thầy nhỏ” chưa phải thầy lớn. Tại sao bảo là “thầy nhỏ”? Bởi vì tôi chưa thật sự thực tập. Tôi dạy Giới luật nhưng tôi chưa thực tập Giới luật. Đấy chỉ là một vị thầy nhỏ, một ông thầy ở bậc thấp. Tôi nói ông thầy bậc thấp bởi vì về lãnh vực thực tập, tôi thật kém cỏi. Suốt quãng thời gian tu tập tôi vẫn còn rất xa với lý thuyết, cứ như là chưa học Giới luật gì cả.

Tuy vậy, tôi muốn nói rằng, trong thời gian thực tập, chúng ta có thể hiểu thông suốt Giới luật một cách trọn vẹn bởi vì có vài trường hợp, dù chúng ta biết hay không biết vẫn phạm tội. Điều này rất nghiêm túc. Cũng lưu ý rằng nếu chưa hiểu nhiều về hành trì các điều luật hay giáo lý, chúng ta phải học với tất cả tấm lòng nhiệt thành và tôn kính. Nếu không biết, chúng ta hãy nỗ lực học. Nếu không tự nỗ lực, đó là một cái tội vậy.

Ví dụ, nếu quý vị hoài nghi... chẳng hạn có một ngưòi nữ, cho dù quý vị không hề biết đó là người nữ hay người nam, quý vị lỡ chạm họ.[iii] Quý vị không biết nhưng theo luật, “chạm” ... đó là sai. Tôi thường tự hỏi rằng tại sao đó lại là sai, nhưng khi chú tâm vào thực tập, tôi nhận ra rằng một hành giả phải có chánh niệm, anh phải hết sức thận trọng. Khi nói chuyện, va chạm, hay cầm nắm vật gì, việc đầu tiên là anh phải hoàn toàn chú tâm. Sai lầm trong trường hợp này là không chánh niệm hay không đủ chánh niệm, tức là thiếu chú tâm vào lúc ấy.

Lấy một ví dụ khác: Lúc ấy khoảng 11 giờ sáng, nhưng trên bầu trời mây dày che phủ cả ánh sáng mặt trời, và chúng ta lại không có đồng hồ. Đoán chừng có lẽ trưa rồi.... và thật sự cảm thấy đã trưa nên chúng ta thọ thực.  Đang lúc thọ thực, mây thưa dần, chúng ta định vị mặt trời và biết chỉ mới hơn 11 giờ. Đây vẫn bị xem là một tội.[iv] Tôi thường thắc mắc, “Tại sao? Lúc ấy vẫn chưa quá ngọ mà, tại sao lại phạm tội?”

Tội này bị xem là phạm bởi không chú tâm, thiếu thận trọng, không xem xét kỹ càng. Do thiếu sự câu thúc. Nếu có hoài nghichúng ta còn làm theo sự hoài nghi ấy, thế là phạm tội dukkaa (tác ác)[v] vì có nghi mà còn làm.  Chúng ta nghĩ rằng đã trưa khi sự thật không phải. Việc ăn tự thân nó không có gì sai, nhưng phạm tộichúng ta thiếu thận trọng và thiếu chú tâm. Nếu đã đến giữa trưa mà ta cũng không biết, tội đó còn nặng hơn, phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Nếu làm trong hoài nghi cho dù việc đó không đúng hay đúng, chúng ta vẫn phạm tội. Nếu làm việc ấy không sai, thì tội nhẹ hơn; nếu việc ấy sai thì tội nặng hơn vậy. Do đó Giới luật có thể làm chúng ta lúng túng, hoang mang. 

Một lần tôi đến gặp Thiền sư Ajahn Mun .[vi] Lúc ấy, tôi chỉ mới bắt đầu tu học. Tôi đọc tập Pubbasikkha[vii] và hiểu rất rõ ràng. Rồi tôi tiếp tục đọc đến tập Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo Luận), khi đọc đến chỗ tác giả viết Sīlanidesa - Tập Các Giới, Samādhinidesa (Tập Tu Định), Paññānidesa  (Tập Tu Tuệ). Tôi cảm thấy đầu muốn nổ tung. Sau khi đọc những tập sách ấy, tôi cảm thấy những lý thuyết cao siêu này vượt quá khá năng thực tập của người phàm. Nhưng ngẫm nghĩ soi xét lại, Đức Thế chẳng bao giờ dạy điều gì mà không thể thực tập được. Ngài không dạy, không tuyên nói những điều vô bổ, những điều không thiết thực cho chính Ngài và mọi người. Tập Sīlanidesa thật quá tỉ mỉ, tập Samādhinidesa cũng thế và  tập Paññānidesa càng tỉ mỉ hơn. Tôi ngồi quán chiếu, “Được, tôi không thể đi xa hơn nữa. Không còn lối nào phía trước.” Lúc ấy cứ như là tôi đã đến vạch chết.

Trong giai đoạn này, tôi quyết liệt đấu tranh với việc thực tập của tôi. Tôi bị mắc kẹt. Một ngày, có việc xảy ra, tôi đến đảnh lễ Thiền sư Ajahn Mun , tôi hỏi Ngài: “Thưa Hoà thượng, con đang làm gì đây? Con chỉ vừa mới bắt đầu thực tập nhưng vẫn không biết phương pháp đúng đắn. Con có rất nhiều hoài nghi. Con không thể nào tìm ra điểm then chốt trong việc thực tập.”

Ngài hỏi: “Sư đang gặp khó khăn gì?”

“Trong lúc thực tập, con đã lấy cuốn Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) và đọc, nhưng con không thể áp dụng gì trong việc tu của mình. Nội dung của Sīlanidesa, Samādhinidesa and Paññānidesa dường như không thực tiễn chút nào. Con không nghĩ có người nào đó trên thế giới này có thể thực tập chúng được, chúng quá chi tiết, tỉ mỉ. Chỉ nhớ một giới thôi cũng là khó rồi, chúng vượt ngoài khả năng của con.”

Ngài bảo tôi: “Này Sư, ....nhiều quá, đó không sai, nhưng thật ra cũng ít thôi. Nếu chúng ta đếm mỗi giới ra trong Sīilanidesa, đó thật là khó... đúng.... Nhưng thật sự, cái mà chúng ta gọi Sīlanidesa là luận ra từ tâm con người. Nếu tập cho tâm này biết xấu hổ, biết sợ hãi mỗi khi làm việc sai, chúng ta sẽ tự ngăn giữ, tự bảo hộ...

“Điều này giúp chúng ta hài lòng với sự đủ dùng, ít mong muốn, bởi vì chúng ta không thể quán xuyến nhiều hơn. Tập đến mức độ này,  chánh niệm trong chúng ta mạnh mẽ hơn. Chúng ta có thể duy trì chánh niệm trong mọi thời. Bất cứ ở đâu, chúng ta cũng có thể tự vực mình dậy, tinh tấn nhờ vào năng lượng chánh niệm. Sự thận trọng được gia cố thêm. Gặp việc gì hoài nghi, chúng ta không nói cũng không phản ứng theo sự nghi hại ấy. Nếu không hiểu điều chi, chúng ta đến hỏi vị thầy. Luôn cố gắng thực tập, từng giới điều một thật sự rất nặng nề, nhưng chúng ta nên quán sát tâm mình rằng chúng ta có sẵn sàng nhận tội hay không. Chúng tathừa nhận chúng không?

Lời dạy này rất quan trọng. Không nhất thiết phải nhận biết từng giới một, nếu chúng ta biết làm thế nào để thu thúc tâm mình.

“Tất cả các giới điều quý vị đọc nhớ nghĩ trong tâm, nếu quý vị vẫn không huân tu, chế ngự tâm mình bén nhạy và sáng suốt, thì lúc nào quý vị cũng sẽ rất dễ rơi vào trạng thái hồ nghi.  Quý vị gắng ghi nhớ lời dạy này của Đức Thế Tôn, “Luôn giữ tâm trầm tĩnh.” Việc gì đến, quý vị nghi ngờ, hãy rời sự nghi ngờ ấy ngay. Nếu không nhận biết rõ ràng chắc chắn, quý vị không nên nói hay làm gì cả. Ví dụ, quý vị tự hỏi: “Việc ấy sai hay đúng?” - Đó là quý vị không chắc chắn - thế thì quý vị đừng nói gì cả, không hành động gì cả, chỉ thận trọng, cũng không cảm thấy khó chịu gì cả.”

Khi ngồi lắng nghe và quán sát, tôi nhận ra lời dạy này khế hợp với tám cách xác định chân giả trong các luận lý theo như Đức Thế Tôn đã dạy:  Bất cứ luận thuyết nào tuyên bày đoạn diệt phiền não, đưa đến chấm dứt khổ, thoát ly đời sống dục lạc; vừa lòng với đồ đủ dùng, khiêm nhường và không can dự vào cấp bậc, vị trí; độc cư ẩn dật; luôn tinh tấn; dễ dàng duy trì... tám đặc tính này chính là đặc tính của Pháp Luật chân chánh, đấy là giáo pháp của Đức Thế Tôn. Bất cứ luận thuyết, giáo lý nào không tương hợp với tám đặc tính này không phải là luận thuyết chân chánh vậy.

“Nếu thành thật với lòng, chúng ta sẽ cảm thấy rất xấu hổ và lo sợ khi làm việc gì sai. Nên nhớ khi có tâm nghi ngờ chúng ta không nên phản ứng, cũng không nên nói gì hết. Sīlanidesa chỉ là trên ngôn ngữ. Ví như hiri-ottappa[viii] trong kinh điển là một việc nhưng trong tâm lại là việc khác.”

Học Giới luật với Thiền sư Ajahn Mun, tôi thông suốt nhiều điều. Lúc ngồi lắng nghe, trí tôi phát sáng ra. 

Vì vậy, thời gian học Giới luật, tôi đã gặt hái kiến thức này rất đáng kể. Suốt mùa An Cư, mỗi ngày tôi chuyên chú học sáu tiếng đồng hồ từ tối đến rạng sáng. Tôi học hiểu Luật khá đầy đủ. Tất cả các vấn đề về apatti[ix] trong Pubbasīkkha, tôi viết lại trong cuốn sổ tay và để trong túi thường mang theo. Tôi chí tâm học bộ môn này, song khoảng thời gian sau, tôi tạm dừng lại. Nghiên cứu Luật như thế cũng quá đủ với tôi rồi. Không phân biệt phần cốt lõi hay phần thêm thắt vào, tôi đều học hết. Đến khi am hiểu sâu hơn, tôi dừng lại vì đã quá nhiều. Tôi chỉ tập trung vào luyện tâm và rời xa dần sách vở.

Tuy vậy, khi dạy cho chư Tăng ở đây, tôi vẫn chọn bộ Pubbasīkkha  làm tiêu chuẩn cho việc dạy và học. Nhiều năm trôi qua, tại chùa Wat Ba Pong này, tự thân tôi đã đọc bộ này nhiều lần cho đại chúng nghe. Quãng thời gian ấy, mỗi khi lên Pháp toà, tôi thuyết giảng cho tới nửa đêm, sớm lắm là mười một giờ, có hôm đến hai giờ sáng mới nghỉ. Chúng tôi cùng tu học với nhau hết sức hoan hỷ. Sau khi lắng nghe đọc Luật, chúng tôi chiêm nghiệm những điều đã được nghe. Quý vị không thể thật sự hiểu Luật khi chỉ lắng nghe. Lắng nghe xong, quý vị cần phải quán chiếu, tìm tòi, nghiên cứu sâu hơn.

Mặc dù nghiên cưú trong nhiều năm, kiến thức của tôi vẫn không đủ vào đâu, bởi vì có quá nhiều chỗ mơ hồ. Kể từ lúc nghiên cứu luật tính đến nay cũng khá lâu, việc nhớ thuộc lòng giới luật có đôi chỗ không kỹ nữa, nhưng trong tâm tôi vẫn không khiếm khuyết chút nào cả. Tôi có một tiêu chuẩn - Giải quyết mối nghi để hiểu rõ ràng. Tôi cất hết sách vở và tập trung tu tập tâm mình. Sau đó, tôi không còn chút nghi ngờ nào về các giới cần phải giữ. Tâm có một nhận thức về giới hạnh đúng và rõ ràng, không còn sợ phải làm sai trái điều gì, dù đối với cộng đồng hay cá nhân mình. Tôi không giết hại động vật, dù là động vật nhỏ bé. Nếu có ai yêu cầu tôi cố tình giết một con kiến hay con mối, hay lấy tay dí bẹp, tôi không thể nào nỡ làm như thế được, ngay cả họ đưa cho tôi hàng ngàn baht bảo làm. Một con kiến hay một con mối ư! Đời sống của một con kiến vẫn có giá trị rất lớn đối với tôi.

Tuy nhiên, có thể tôi cũng khiến cho việc chết xảy ra như khi có cái gì bò nhung nhúc trên chân và tôi phủi xuống. Có thể có vật ấy bị chết song quán lại trong tâm, tôi thấy mình không mắc tội. Không chút gợn sóng hay hồ nghi. Tại sao vậy? Tại vì tôi không hề cố ý. Sīlam vadami bhikkhave cetanaham:  “Chủ tâm là cốt lõi của tu tập đạo hạnh.” Tôi biết mình không có ý sát hại bất cứ con vật nào. Lúc trước, khi chưa thông suốt về luật, đôi khi lỡ bước lên côn trùng và làm nó chết, tôi rất buồn khổ vì lỡ làm chuyện như vậy, và nghĩ mình đã phạm tội rồi.

“Cái gì?” “Không cố ý.” “Không cố ý, nhưng tôi đã không thận trọng!”  Cứ dằn vặt như thế, tôi buồn và lo lắng.

Cho nên Giới luật là làm cho hành giả tu tập Pháp cảm thấy khó khăn, nhưng nó có giá trị của nó. Trong việc này, các vị thầy thường bảo - “Giới luật nào chưa biết, các con nên học. Nếu không biết rõ, các con hãy đặt câu hỏi với những vị đang hành trì Giới luật.” Các vị thầy luôn nhấn mạnh điểm này.

Nếu không biết những điều ngăn cấm, chúng ta sẽ không biết mình phạm tội. Ví dụ, khi trước có Thượng toạ Ajahn Pow ở tu viện Wat Kow Wong Got, tỉnh Lopburi. Một hôm, Maha[x] - một học trò của Thượng toạ đang ngồi bên cạnh, một vài tín nữ bước đến và thỉnh, “Thưa Thượng toạ! Chúng con muốn thỉnh ngài đi tham quan với chúng con, xin ngài nhận lời?”

Thượng toạ Pow không trả lời. Cậu Maha ngồi bên cạnh nghĩ rằng Thượng toạ Ajahn Pow không nghe nên cậu nói:  

“Thưa thượng toạ, ngài có nghe rõ chứ ạ? Những tín nữ này thỉnh thầy đi tham quan.”

Thượng toạ nói: “Ta nghe rồi.”

Mấy tín nữ thưa thỉnh lại, “Thưa Thượng toạ, ngài có đi hay không ạ?”

Thượng toạ Pow vẫn ngồi yên, không trả lời gì cả. Khi những tín nữ đi khỏi, Maha hỏi thầy,  “Thưa Thượng toạ, sao ngài không trả lời họ?”

Thượng toạ nói, “Ồ, Maha, con không biết giới luật này đây? Nhóm người khi nãy toàn là người nữ. Nếu người nữ thỉnh mời con đi tham quan, con không được đồng ý, nhận lời. Nếu họ có sự sắp xếp chuẩn bị thì tốt. Nếu ta muốn đi, ta có thể đi bởi vì ta không tham dự vào việc chuẩn bị ấy.”

Maha ngồi tư lự: “Ồ, mình thật là ngốc.”

Trong Giới luật có ghi rằng đi tham quan du lịch với người nữ có sự sắp xếp chuẩn bị trước dù không phải chỉ hai người đi, đó là phạm tội pacīttiya 

Lấy một trường hợp khác. Cư sĩ để tiền trên chiếc khay mang đến cúng dường Thượng toạ Ajahn Pow. Thượng tạo cầm miếng vải để nhận.[xi] Nhưng khi họ đưa khay tiền đến, trước khi đặt nó xuống, Sư rụt tay lại. Rồi Sư nhẹ nhàng từ chối tịnh tài khi họ đã đặt xuống. Sư biết nó đang đặt ở đó nhưng tỏ ra không quan tâm đến, đứng dậy và đi khỏi. Bởi vì trong Giới luật, có giới đề cập nếu không tán thành tịnh tài thì không cần thiết cấm cư sĩ dâng cúng. Nếu Sư muốn có tiền, Sư phải nói là “Gia chủ, chư Tăng không được phép nhận cái này.” Sư phải nói với họ. Nếu quý vị muốn có tiền, quý vị phải ngăn gia chủ cúng dường vật chư Tăng không được phép nhận. Tuy nhiên, nếu quý vị thật sự không muốn tiền ấy, thì không cần nói gì hết. Quý vị để nó đó và đi.

Mặc dù Thượng tọa và các đệ tử tu tập với nhau nhiều năm, một vài đệ tử không thông hiểu việc hành trì giới luật của Thượng toạ Ajahn Pow. Việc này thật đáng tiếc. Đối với tôi, tôi ngẫm nghĩ rất nhiều về những giới tế nhị Thượng toạ Ajahn Pow nghiêm trì.

Giới luật có thể khiến một số vị hoàn tục. Khi họ học luật, nghi ngờ khởi lên liên tục. Họ quay về quá khứ suy nghĩ ... “Việc thọ giới của mình có thích hợp không?[xii] Vị thầy truyền giới cho mình có thanh tịnh không? Không có vị Tăng nào trong lễ thọ giới của mình thông hiểu Giới luật, có phải họ đang ngồi với khoảng cách không đúng không? Họ tụng kinhchính xác không?” Hàng loạt nghi ngờ cuồn cuộn trổi lên... “Giới trường mình thọ giới có đúng với nghi thức không? Có quá nhỏ không...” Họ nghi ngờ mọi thứ và rơi vào địa ngục luôn.

Vậy nên làm thế nào để tâm định tĩnh là điều rất khó vậy. Phải thật trầm lặng, thanh thản, quý vị mới không thể dính mắc vào trần cảnh. Nhưng để được trầm lặng, thanh thản, quý vị không nên cảm thấy phiền toái khi nhìn vào trần cảnh vẫn còn lắm sai lầm. Tôi phân vân và rất muốn hoàn tục do vì tôi thấy mình có quá nhiều sai sót trong việc tu hành và trong việc tu của một vài vị thầy nữa. Tôi như bị lửa đốt và không thể nào ngủ được vì vô số hồ nghi.

Nghi ngờ càng khởi lên bao nhiêu, tôi càng lập chí cố gắng thiền định bấy nhiêu. Cứ nghi ngờ trổi lên lúc nào là tôi thiền quán ngay lúc ấy. Thế rồi trí tuệ bừng sáng. Mọi việc bắt đầu chuyển biến. Khó mà mô tả được sự đột biến diễn ra ấy. Tâm tôi chuyển đổi và không còn chút nghi ngờ nào nữa. Tôi không biết nó đã thay đổi bằng cách nào, nếu tôi nói ra có thể họ sẽ không sao hiểu được.

Tôi quán chiếu lại bài pháp - Người trí phải biết chính mình (Paccattam veditabbo viññuhi). Đây phải là một sự nhận biết từ kinh nghiệm trực tiếp nơi mỗi người. Nghiên cứu, tầm tòi Pháp - Luật chắc chắn là đúng nhưng chỉ mới học thì vẫn còn khiếm khuyết. Nếu rời thực tập, nghi ngờ bắt đầu dấy lên. Trước khi đi vào thực tập, tôi không để ý đến những lỗi nhỏ nhặt, song khi bắt đầu thực tập, tôi nhận ra ngay cả một tội nhỏ như tội dukkaa cũng trầm trọng như tội pārājika. Lúc trước, tội dukkaa dường như không là gì cả, chỉ là chuyện vặt. Đấy là kinh nghiệm tôi nhận biết. Khi tối đến, quý vị có thể thú nhận rằng quý vị đã làm những điều ấy.  Rồi quý vị có thể phạm lại những lỗi lầm ấy. Cách thú tội như thế không thanh tịnh, bởi vì quý vị không chịu dừng lại, không quyết chí thay đổi. Quý vị không tự chế ngự được và cứ phạm tội nhiều lần. Vậy là không sáng suốt, không biết chuyển hoá tội lỗi.

Thật ra, về mặt chân lý tối hậu, không cần thiết phải đi theo lệ nhận tội, sám hối. Nếu thấy rằng tâm ta hoàn toàn thanh tịnh, không có bóng dáng của nghi ngờ, thì mọi tội lỗi cũng vắng bặt ngay đấy. Tự thấy không thanh tịnh bởi chúng ta còn lắm nghi ngờ, chúng ta vẫn dao động. Không thật sự thanh tịnh, nên chúng ta không thể tiến bộ trong tu tập. Chúng ta không nhận ra chính mình, đó là điều đáng lưu tâm. Giới luật giống như hàng rào bảo vệ chúng ta không phạm lỗi, nên chúng ta phải hết sức thận trọng.

Nếu quý vị không nhận ra giá trị thật sự của Giới luật cho chính mình, thế là gay go đấy. Nhiều năm trước khi đến tu viện Wat Ba Pong, tôi quyết định không sử dụng tiền. Gần như suốt mùa an cư, ý nguyện này khởi lên trong tâm tôi mạnh mẽ. Cuối cùng tôi quẳng cái túi đựng tiền đến trước Sư Maha đang tu chung với tôi lúc đó, nói: 

“Đây, Sư Maha, giữ số tiền này. Từ đây trở đi, ngày nào còn tu, tôi sẽ không nhận hay giữ tiền nữa. Sư làm chứng cho tôi nhé!”

“Sư hãy giữ nó, Sư có thể cần nó cho việc học của Sư đấy!” Sư Maha không chịu nhận tiền ngay, anh ta lúng túng....”

“Tại sao Thượng toạ muốn quăng bỏ tất cả tiền?”

“Sư khỏi cần phải lo cho tôi. Tôi đã quyết định rồi. Tôi quyết định từ tối qua đó.”

          Từ hôm ấy, cậu ta giữ tiền và dường như có một khoảng trống giữa hai chúng tôi. Chúng tôi ít cảm thông nhau. Cậu ta vẫn là nhân chứng cái ngày đáng nhớ của tôi. Cũng kể từ ngày ấy, tôi không đụng đến tiền cũng không nhờ vả mua giùm thứ gì. Tôi giữ giới không đụng đến tiền bạc dưới mọi hình thức. Tôi thường xuyên cảnh tỉnh chính mình kẻo làm sai điều gì. Trong thâm tâm tôi luôn tinh tấn thực tập thiền định. Tôi không cần đến tài sản nữa, tôi thấy nó như là độc dược. Dẫu quý vị đưa độc dược cho người, cho con chó hay gì gì khác, nó luôn mang đến sự chết chóc và đau khổ. Nếu chúng ta thấy rõ điều này, chúng sẽ nhất định tự bảo vệ mình không rớ đến độc dược.   Khi thấy rõ sự tai hại của nó, từ bỏ nó không khó gì.

Về thức ăn và dùng bữa được dâng cúng, nếu trong tôi khởi nghi, tôi sẽ không nhận chúng. Dù tinh khiết hay ngon cỡ nào tôi cũng không ăn. Lấy một ví dụ như cá chưa nấu chín. Giả như tôi đang sống trong rừng và quý vị đi khất thực nhận được chỉ có cơm và ít cá gói trong lá. Khi quý vị trở về tịnh thất và mở gói ra, quý vị thấy đó là cá sống... chỉ còn cách liệng nó đi![xiii] Ăn cơm trắng vẫn tốt hơn phạm giới. Cũng thế ấy, trước tiên quý vị có thể nói rằng quý vị thật sự hiểu, Giới luật trở nên đơn giản hơn.

Nếu có vị tăng muốn cho tôi một vài đồ cần dùng như bát, dao cạo hay bất cứ thứ gì, tôi sẽ không nhận trừ phi tôi biết họ cũng là những người đang tu tập giữ giới luật như tôi. Tại sao không? Làm sao quý vị có thể tin ai đó không giữ giới? Họ có thể làm nhiều việc. Những vị tăng không giữ giới luật không thấy giá trị của Giới, nên có thể họ giữ nhiều thứ không đúng với Giới. Tôi luôn cẩn trọng điều này.

Kết quả, một vài quý vị đồng tu ngờ vực tôi... “Sư ấy không sống hoà hợp với Tăng chúng, Sư ấy không giao thiệp...” Tôi vẫn không dao động: “Hẳn rồi, chúng ta có thể hoà hợp khi chúng ta chết. Đến khi chết, chúng ta sẽ cùng chung xuồng,” tôi nghĩ. Tôi sống trong nhẫn nại. Tôi là người rất nói ít. Nếu ai đó phê bình việc tu tập của tôi, tôi cũng thản nhiên. Tại sao? Vì dù cho tôi có giải thích gì gì đi nữa, họ cũng không thể nào hiểu được. Họ không có chút kinh nghiệm tu tập. Có lần khi tôi được mời đi cầu nguyện cho một lễ hoả táng và có tiếng ai đó nói, “...Đừng nghe lời Sư ấy! Cứ để tiền vào túi Sư ấy và đừng nói gì hết ... đừng để Sư ấy biết.”[xiv] Tôi nói: “Quý vị nghĩ tôi chết rồi hay sao? Quý vị biết đấy, chỉ vì nước hoa có chất cồn nên người ta cho rằng đó không phải là nước hoa. Khi quý vị muốn uống rượu nhưng giữa mọi người, quý vị bảo đó là nước hoa, rồi quý vị uống. Quý vị thật khùng điên!”

Giới luật có thể là khó. Quý vị phải tập hạnh bằng lòng với đồ đủ dùnglánh xa những điều gây hoạ hại. Quý vị phải biết và thấy đúng. Một lần, khi đi ngang Saraburi, đoàn của tôi nghỉ chân ở một ngôi chùa làng trong thời gian ngắn. Hạ lạp của vị trụ trì chùa cũng đồng với tôi. Buổi sáng, chúng tôi cùng đi khất thực rồi trở về tu viện và đặt bát xuống. Ngay sau đó, Phật tử mang nhiều đĩa thức ăn đến đặt trong phòng ăn. Rồi chư Tăng đến nhấc chúng lên, mở ra và đặt chúng theo cách cúng dường trịnh trọng. Một vị tăng đặt tay lên đĩa cho đến đĩa cuối cùng. Và rồi! chư Tăng mang chúng đi múc vào từng bát.

Năm vị Tăng cùng đi trong nhóm của tôi không vị nào chạm vào thức ăn đó. Khi đi khất thực, chúng tôi nhận cơm trắng, nên chúng tôi tuy ngồi chung với họ nhưng chỉ ăn cơm trắng, không ai trong chúng tôi dám ăn thức ăn trong đĩa.

Việc này diễn tiến như thế vài ngày đến khi tôi bắt đầu có cảm giác vị trụ trì cảm thấy khó chịu do ứng xử của chúng tôi. Một vị Tăng trong chùa có lẽ đến gặp vị trụ trì và thưa, “Những vị khách Tăng không ăn thức ăn. Con không biết họ đang làm gì đây.”

Tôi phải ở lại đó vài hôm nữa nên tôi đến vị trụ trì để giải thích.

Tôi nói, “Thưa Thượng toạ, cho con xin thưa việc với ngài một lát. Lúc này con có một vài việc nên ngài cho phép chúng con ở đây vài ngày nữa. Tuy nhiên con ngại là có một hai điều khiến Thượng toạ và quý Sư trong viện có thắc mắc đối với việc chúng con dùng cơm nhưng không lấy thức ăn do Phật tử cúng dường. Con xin được thưa rõ việc này. Việc ấy không có vấn đề chi cả, chúng con chỉ học cách thực tập Giới về nhận đồ cúng dường. Khi Phật tử đặt thức ăn xuống và rồi chư Tăng đến mở đĩa, sắp xếp theo vị trí và làm lễ cúng dường...cách này không đúng, đã phạm tội dukkaa. Nhất là cầm hay đụng vào thức ăn chưa được dâng cúng tận tay chư Tăng, thức ăn ấy không hợp lệ. Theo Luật, vị tăng nào ăn thức ăn ấy sẽ phạm tội.

“Vấn đề đơn giản chỉ có vậy, thưa Thượng toạ. Đó không phải là con phê bình ai cả, hay con cố gắng làm cho ngài và quý Sư trong tu viện thôi hành trì nghi thức bao lâu nay... không phải lý do nào hết. Con chỉ muốn thưa ngài hiểu thiện ý của chúng con, bởi vì chúng con cần ở lại đây vài ngày nữa.”

Vị thượng toạ chấp tay tỏ sự cung kính (añjali),[xv] “Lành thay! Lành thay! Ta chưa bao giờ thấy ở Saraburi có một vị Tăng giữ giới luật cẩn thận đến một giới nhỏ như Sư, thời buổi này thật khó tìm thấy người giữ luật như thế. Nếu vẫn còn những vị Tăng như thế này, họ phải sống xa Saraburi lắm. Tôi xin tán thán công đức của Sư. Tôi không còn vấn đề gì nữa cả, thật là hoan hỷ.”  

Buổi sáng hôm sau khi đi khất thực trở về, không còn vị Tăng nào đứng gần chỗ đĩa. Phật tử tự sắp xếp và dâng chúng đến chư Tăng bởi vì họ sợ chư Tăng sẽ không thọ dụng thức ăn. Từ hôm ấy trở đi, chư Tăng và hàng Sa di dường như không hoan hỷ, tôi cố giải thích cho họ hiểu để tâm họ mát mẻ hơn. Tôi nghĩ họ e ngại chúng tôi, họ im lặng vô phòng và tự nhốt mình lại.

Được hai ba hôm, họ luôn có vẻ dè dặt xấu hổ, tôi cố gắng làm cho họ cảm thấy bình thường. Thật sự tôi không có ý gì phản đối họ cả. Tôi không hề nói gì, chẳng hạn như “không đủ thức ăn,” hay “mang món này hay lấy món kia”. Tại sao không? Bởi vì trước đây tôi có tập nhịn đói, thỉnh thoảng bảy  tám ngày không ăn. Ở đây tôi có cơm trắng, như thế là đủ lắm rồi, tôi không chết. Tôi có sức khoẻ từ nơi việc thực tập, từ việc học và thực tập phù hợp.

Đức Thế Tôn là tấm gương của tôi. Bất cứ tôi đi đâu, bất cứ người khác làm gì, tôi đều không dính mắc vào. Tôi dành hết thời gian cho việc thực tập, lúc nào cũng thận trọngchú tâm đến thực tập

Người không giữ Giới luật hay không thực tập thiền định và người chuyên tu tập không thể cùng sống với nhau, họ phải đi con đường khác nhau. Lúc trước bản thân tôi không hiểu rõ ràng những điều này. Khi làm thầy, tôi dạy người khác nhưng tôi không thực tập. Thật là tệ. Khi nhận rõ điều ấy, việc thực tậptrí tuệ của tôi tiến xa hơn như mặt đất và bầu trời. 

Do đó, ai muốn đi vào rừng tạo lập những trung tâm hành thiền... đừng nên làm. Nếu quý vị chưa thật sự biết, đừng cố gắng, quý vị sẽ chỉ có thể làm hội chúng hỗn loạn thôi. Có vài vị Tăng nghĩ rằng sống trong rừng họ sẽ tìm thấy bình an, nhưng họ vẫn không hiểu bản chất của sự thực tập. Họ nhổ cỏ cho chính họ,[xvi] làm mọi việc cho chính họ... Họ biết thực tập thì không nhất thiết ở những chỗ như thế này. Họ sẽ không thành công trong việc tu học. Làm như thế không đưa đến tiến bộ. Một khu rừng yên tĩnh không giúp được gì cho việc tu tiến của quý vị, nếu quý vị hành trì sai.

Họ nhìn thấy chư Tăng sống trong rừng và vào rừng sống giống chư Tăng, nhưng họ và chư Tăng khác nhau. Y phục không giống, thói quen ăn uống không giống, mọi thứ đều khác cả. Họ không tu sửa mình, họ không thực tập. Nơi ấy rỗng không, không có việc gì. Nếu có, đó chẳng qua là nơi để khoe mẽ, quảng cáo cứ như là quầy bán dược phẩm thôi, không gì khác hơn. Những người thực tập chút đỉnh và rồi truyền đạt lại cho người khác, như vậy việc thực tập của họ vẫn chưa chín muồi, chưa thực sự thông hiểu. Trong một thời gian ngắn, họ sẽ nản chí và rơi rụng. Việc ấy chỉ mang lại phiền toái.

Thế nên chúng ta phải học đến một mức độ nào đó, hãy đọc lại Navakovada,[xvii] tập sách dạy gì? Hãy học, ghi nhớ cho đến khi nào hiểu tường tận mới thôi. Đôi khi thưa hỏi với vị thầy về những điều thù thắng hơn, vị thầy sẽ giải thích cho. Học như thế cho đến lúc thật sự am hiểu Giới luật.



[i] “Giới luật (Vināya)” là tên gọi chung cho các quy tắc, luật lệ trong thiền môn, những phép tắc của người xuất gia. Giới Luật có nghĩa là “đưa thoát ra hay giải thoát,” vì giữ gìn giới luật này không làm những hành động ác quấy, sai trái, xa hơn nữa là không có tâm xấu ác. Cũng có thể nói là thoát ra khỏi đời sống thế tục, thoát ra khỏi thế giới đầy tham chấp, ái luyến ràng buộc.

[ii] Điều này nói đến những năm đầu mới xuất gia của Hoà thượng Ajahn Chah, thời gian trước khi Ngài chuyên tu thọ hạnh đầu đà.

[iii] Điều học Tăng tàng thứ hai (Saghādisesa), liên quan đến việc xúc chạm nữ giới trong tâm có sự vui thích.

[iv] Chỉ cho Tội Ưng đối trị (Pācittiya) số 36 bàn về thọ thực ngoài khoảng thời gian được phép - từ lúc rạng đông đến trưa.

[v] Dukkaa — Tội “Tác ác,” đây là nhóm tội nhẹ nhất trong bộ Giới luật, nhóm này bao gồm rất nhiều giới nhỏ; pārājika — Tội Bất cộng trụ gồm có bốn giới, đây là nhóm tội nặng nhất, phạm tội phải bị trục xuất ra khỏi Tăng đoàn.

[vi] Thiền sư Ajahn Mun Bhuridatto là vị Thiền sư theo truyền thống đầu đà nổi tiếng nhất, được tôn kính nhất ở Thái Lan. Ngài có rất nhiều đệ tử là những vị thầy đạo hạnh, nhiều kinh nghiệm. Thiền sư Ajahn Chan là một trong số môn đệ của Ngài. Ngài viên tịch năm 1949.

[vii] Pubbasikkha Vannana — "Tập Luật Học Cương Yếu” (The Elementary Training) — tập sớ giải Pháp - Luật dựa trên các sớ giải Pāli; tập Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga) - tập sớ giải Pháp - Luật của Luận sư Phật Âm (Buddhaghosa).

[viii] Hiricảm thấy hỗ thẹn; Ottappa — Lo sợ làm sai. Hiriottappa là hai trạng thái tâm tích cực, là phần nền của lương tâm trong sạch và tính chánh trực đạo đức. Sự phát khởi hai tâm này do bởi lòng tôn trọng chính mình và người khác. Vì hiểu rõnhân quả nên thận trọng phát khởi là điều tự nhiên.

[ix] Apatti: gọi cho việc phạm vào các tội trong các nhóm tội quy định cho một vị Tăng Phật giáo.

[x] Maha: tên gọi cho các vị Tăng đang học Pāli và hoàn tất bốn năm hay cao hơn.

[xi] “Tấm khăn để nhận vật cúng dường” thường được chư Tăng Thái Lan dùng khi nhận đồ cúng dường từ nữ giới, chư Tăng không nhận vật dụng trực tiếp. Thượng toạ Ajahn Pow rút tay khỏi tấm khăn, ý muốn nói rằng thật sự Thượng toạ không nhận tiền.

[xii] Có những giới điều rất chi tiết chính xác thực thi trong nghi thức truyền giới, nếu không tôn trọng giữ vững có thể làm cho lễ truyền giới không thành tựu.

[xiii] Giới luật cấm chư Tỳ-kheo ăn thịt cá sống.

[xiv] Mặc dù chư Tăng nhận tiền là phạm tội, vẫn có nhiều vị nhận tiền. Một số vị nhận nhưng biểu hiện không nhận, có thể Phật tử trong trường hợp này thấy việc từ chối nhận tiền của Thượng toạ Ajahn Pow, nhưng nghĩ rằng thực ra vị ấy sẽ nhận nếu họ không cúng tiền thái quá, chỉ còn cách để gọn vào túi của ngài.

[xv] Añjali — Một cung cách chào hay tỏ sự cung kính truyền thống, như một người Ấn, khi gặp nhau chắp tay chào và nói Namaste (xin chào), hay người Thái thường nói wai. Sadhu nghĩa là “lành thay” một cách nói tỏ sự tán thán hay đồng ý.

[xvi] Một loại tội khác, phạm tội pācttiya (Ưng đối trị).

[xvii] Navakovada — Tập sách tóm tắt Pháp luật căn bản cho người mới xuất gia

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/09/2018(Xem: 11329)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.