Ngày Thứ 7 PHÁP THOẠI 10

13/12/20153:24 SA(Xem: 10463)
Ngày Thứ 7 PHÁP THOẠI 10

Minh Đức Triều Tâm Ảnh 
(Sīlaguṇa-Mahāthera)
NHẶT LÁ RỪNG XƯA 2
(Pháp Thoại An Cư 2015)

Nhà xuất bản Văn Học

Ngày Thứ Bảy
PHÁP THOẠI 10 (Chiều ngày 22/6/ÂL)

 

Để thêm đức tin và thêm trí tuệ cho chúng ta khi đang theo dõi hơi thở, bám sát hơi thở, hôm nay thầy sẽ nói đến 5 quyền (căn) và 5 lực: Tín, tấn, niệm, định, tuệ. Từ quyền (căn) là dịch chữ Pāḷi Indriya. Indriya là khả năng kiểm soát, là khả năng dẫn đạo, nó có quyền lực chi phối các tâm sở khác... Ví dụ như tín, tín tâm sở. Khi tín tâm sở được củng cố, huân trưởng... khởi lên, thì nó có một quyền lực, một sức mạnh dẫn dắt, điều động các tâm sở khác bắt chúng phải tuân phục, đi theo. Tín có chánh tín và tà tín. Chánh tín của người Phật tử khi đã có rồi, vững chắc rồi, thì sẽ vượt qua tất thảy mọi khó khăn. Họ có thể thiếu cơm, rách áo mà không chau mày khi theo Phật. Họ có thể nhảy vào lửa, có thể vượt qua vực thẳm chông gai. Hình ảnh những người Tây Tạng quỳ lạy bằng cách nằm sấp trên đường để đến chỗ hành hương cả ngàn dặm sẽ minh chứng cho sức mạnh của đức tin ấy. Còn một số ngoại đạo, tà giáo cuồng tín thì sẵn sàng ôm bom tự sát, khủng bố... vì họ tin sẽ tới được với thánh Allah. Cuồng tín nó có sức mạnh ghê gớm như thế đó!

Gần vấn đề tu tập hơn. Khi ngồi thiền, mình tin vào bản thân mình, tin vào pháp, tin vào đề mục mà mình đã lựa chọn, tin vào vị thầy đang dẫn dắt mình. Chính những đức tin ấy tạo cho mình một sức mạnh, để kiên quyết không lơ là, không giải đãi, không buồn ngủ, không phóng tâm... để cho tâm nhẹ nhàng an trú. Tín tâm sở, một tâm sở thiện, có sức mạnh (quyền lực, indriya) thì nó sẽ kéo theo, điều động các tâm sở thiện khác.

Vậy thì do tín của ta chưa có hay chưa đủ? Chính chưa có hoặc chưa đủ nên các triền cái mới nẩy móng, sanh vuốt phá hoại sự an lành, an toàn của các thiện tâm sở.

Trường hợp khác, khi tín đã có rồi nhưng còn yếu thì ta sử dụng thêm năng lực thứ 2 đó là tấn tâm sở (trong tín, tấn, niệm, định, tuệ).

 Tấn ở trong thiền, trong ngũ quyền khác với tấn trong Tứ Chánh Cần. Tấn trong Tứ Chánh Cần có 2 vế, thiện và ác. Vế thiện thì, khi thấy thiện chưa sanh thì làm cho thiện được sanh khởi; khi thiện đã sanh rồi thì làm cho nó tăng trưởng. Vế ác, khi ác chưa sanh thì làm cho nó đừng sanh, khi ác đã sanh rồi thì làm cho nó diệt mất. Tứ Chánh Cần là một năng lực hữu vi, một nỗ lực, một sự cố gắng để làm lành lánh ác. Trong đời sống, trong sinh hoạt tu tập thường nhật là Tứ Chánh Cần này. Khi tu tập riêng lẻ cũng Tứ Chánh Cần nầy.

Còn tấn khi hành thiền thì nó “nhẹ nhàng” hơn nhiều. Có một cái rất tinh tế, vi tế ở đây, là nếu khởi nỗ lực hữu vi thì bên trong tiềm tàng bản ngã và sở đắc, bên trong ẩn giấu động lực của tham tâm sở. Thấy chưa? Nguy hiểm chưa? Vậy nên thầy dùng từ “nhẹ nhàng” ở trên, và khi ngồi thầy có dặn là để tâm rỗng không, “ngồi như chơi” đó sao! Tấn, trong không gian sinh hoạt này là buông thư, thanh thản để tâm nhẹ nhàng vào ra, xuống lên với hơi thở. Chỉ cần dính khít liên tục là đã toát lên công năng của tấn tấm sở rồi. Và khi tấn tâm sở được duy trì liên tục, ngoài việc hỗ trợ cho tín tâm sở, nó còn làm cho đau nhức lắng dịu, mà hôn trầm, thuỵ miên cũng phải tỉnh thức dậy.

Tấn tạo đủ năng lượng sẽ đưa đến niệm. Niệm đây cũng là Chánh Niệm trong Bát Chánh đạo; cũng là niệm trong Tứ Niệm Xứ. Tuy nhiên, niệm trong khi theo dõi hơi thở chỉ có nghĩa là ghi nhận, nắm bắt hơi thở liên tục, không gián đoạn. Và nhờ công năng của niệm mà định xuất hiện, sau đó là tuệ (có nhiều loại tuệ, cấp độ của tuệ chưa bàn ở đây).

Và khi mà 5 quyền đủ thuần thục, đúng độ thì phát sanh 5 lực. Ở đây, trong 37 trợ đạo phẩm gọi là 5 quyền, 5 lực. Có lực (bala) chúng mới mang sức mạnh thật sự. 5 quyền, 5 lực này giúp ta thành tựu các bậc thiền từ thấp lên cao cùng mở ra cánh cửa Tứ thánh đạo quả.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/10/2019(Xem: 8841)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.