Đọc Tuyển Tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh”

20/06/20173:42 CH(Xem: 7959)
Đọc Tuyển Tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh”

ĐỌC TUYỂN TẬP
“ĐẠO PHẬT: ĐẤT NƯỚC, CUỘC SỐNG & TÂM LINH”
Nguyên Giác

 

blankCó cách nào nói ngắn gọn về tuyển tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh” của tác giả Đào Văn Bình? Hình như không thể nói kiểu đơn giản cho dễ nhớ, vì sức quyến rũ rất lạ kỳ; nơi đây độc giả khi mới đọc qua vài trang là sẽ được thu hút vào một thế giới rất riêng –văn phong rất cư sĩ như một Bồ tát vào đời, rất yêu nước đằm thắm để quên những nỗi đau tư riêng, rất thâm sâu như nhìn suốt hết những uẩn khuất trong lòng người, và rất ẩn mật trong một cõi tâm linh ẩn sĩ.

Khi nhà văn Đào Văn Bình viết về Đạo Phật, những dòng chữ thoạt như rất đời thường của ông hiển lộ trên trang giấy đẹp như thơ. Khi viết về đất nước, ông đứng nhìn vượt qua những cột cờ của nhiều thế kỷ và nhiều chế độ để thấy một dòng chảy sinh động từ ải Nam quan tới mũi Cà Mau. Khi viết về cuộc sống, ông từ tốn nói về phước đức đi lễ chùa, xây nhà thương, mở cô nhi viện, và về tinh yêu hóa giải các đau đớn trong đời. Khi viết về tâm linh, ông làm cho độc giả thấy rõ pháp ấn vô thường hiển lộ trên dòng văn với hình ảnh tóc xanh chuyển sang tóc trắng, khi hoa nở úa tàn dần, và sẽ thấy cách Đào Văn Bình mời gọi tịnh hóa thân khẩu ý rất đơn giản nhưng cực kỳ vi diệu ở từng suy nghĩ, từng lời, từng hành động trong đời thường.

Đây là một tuyển tập thích hợp với mọi thành phần độc giả, mọi lứa tuổi, và đọc hoài vẫn thấy như rất mới.

oOo

Tuyển tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh” của Đào Văn Bình do Annada Viet Foundation xuất bản, dày 560 trang, đang phát hành trên mạng Amazon, gồm 52 bài viết.

Tiểu sử sơ lược của tác giả như sau.

- Đào Văn Bình sinh năm 1942 tại Hải Phòng, quê cha đất tổ ở Khúc Thủy, Hà Đông.
- Năm 1954 theo cha mẹ vào Nam.
- Tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa- Đại Học Luật Khoa Sài Gòn năm 1966.
- Tốt nghiệp Cao Học Hành Chánh – Học Viện Quốc Gia Hành Chánh năm 1968.
- 1973-1975: Phó Tỉnh Trưởng các Tỉnh Quảng Ngãi và Kiến Hòa.
- 1984 vượt biển đến Mã Lai.
- Định cư vào San Jose, California từ năm 1985.
- 18 năm làm việc cho Học Khu Oak Grove School District, San Jose, California.
- Về hưu năm 2007 và tập trung vào các đề tài Phật Giáo và Chính Trị Thế Giới.
- Sự  nghiệp viết văn: Đã xuất bản 8 tác phẩm văn chương bao gồm: Thơ, Trường Thi, Hồi Ký, Truyện Ngắn, Truyện Dài, Kịch. Dịch toàn bộ tác phẩm Chuột và Người (Of Mice and Men) của John Steinbeck. Bản dịch được đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong năm 1996.

Nhà văn Đào Văn Bình tâm sự, rằng đây là cuốn sách về Phật Giáo duy nhất của đời ông, gồm những bài viết khoảng năm 1980 khi, theo lời ông, “tôi bỗng gặp được Ông Phật ở trong tù. Qua Mỹ tôi vẫn tiếp tục viết về Phật Giáo, mạnh nhất là thập niên 1990, mãi tới nay mới hoàn thành, tính ra cũng khoảng hơn 20 năm. Một số bài đã được đăng trên Thư Viện Hoa Sen. Tôi viết dưới dạng hơi “phóng túng” pha chút “văn chương” đôi khi là Thơ nhưng tuyệt nhiên không dám xa rời Chánh Pháp.”

oOo

Bài đầu tiên trong tuyển tập là “Mái Chùa Trụ Cột Hồn Dân Tộc” – trong đó, là lời mời gọi:

“...nếu không phục hồi lại khí phách và tâm linh dân tộc thì không thể nào đoàn kết để đối đầu với những cuộc xâm lăng của đủ thứ loại ngọai bang, công khai cũng như ngấm ngầm dưới mọi hình thức.” (trang 2)

Nhưng tâm linh dân tộc là gì?

“Đối với người Việt Nam, tâm linh của dân tộc rất linh thiêng nhưng không huyền bí. Nó không huyền bí vì nó không dựa vào Thần Linh. Đó là niềm tin vào giáo lý của Đức Phật bằng xương bằng thịt, rồi từ đó rút ra những giá trị đạo đức cao nhất, rồi chan hòa trong cuộc sống qua một thời gian rất dài rồi trở thành truyền thống dân tộc.” (tr.3)

Trong đó, chùa là:

“Còn Ngôi Chùa là nơi thờ Phậthiển nhiênbiểu tượng tâm linh của dân tộc.” (tr.4)

Tác giả nói chi tiết thêm, rằng chùa là nơi giải oan cho bất kỳ oan nghiệt nào, rộng mở cho bất kỳ dị biệt nào, cứu khổ độ sanh cho bất kỳ chúng sinh nào, giúp cô nhi và dân nghèo cho bất kỳ hoàn cảnh gian nan nào... (tr. 5-6).

Bài cuối trong tuyển tập là bài "Chữ Tâm Kia Mới Bằng Ba Chữ Tài" -- nơi đây, Đào Văn Bình viết như lời người anh dặn dò người em. Trước tiên, tác giả nói về lý của chữ Tâm trong nhà Phật:

“Cũng không cần phải tuân theo lời răn dạy của bất kỳ một tôn giáo nào mới có chữ Tâm. Chữ Tâm thuộc về tiên nghiệm chứ không thuộc về hậu nghiệm. Chữ Tâm hay cái Tâm nó nằm tràn đầy ở khắp hư không. Nó có cả ở trong ba đời hiện tại, quá khứ, vị lai. Nó “bất sinh, bất diệt, bất tịnh, bất cấu, bất tăng, bất giảm.”  Nó chính là Phật tánh của chúng sinh. Nó cũng chính là Trí Tuệ Bát Nhã vậy.

Tuy nhiên chúng ta phải công nhận rằng nếu được chỉ bảotu dưỡng thì chữ Tâm sẽ được bảo bọc giữ gìn, tức không bị lu mờ, sẽ sáng tỏ giống như tấm gương được lau chùi. Song điều đó không có nghĩa là phải có giáo dục thì chữ Tâm mới hiển lộ.” (tr.350, 351)

Tác giả nhắc tới các chữ "bất" trong Bát Nhã Tâm Kinh. Đó là nhìn từ Bắc Tông.

Khi nhìn từ Nam Tông, sẽ thấy trong Tạng Pali, ở Kinh AN 1.49-52 - Pabhassara Sutta,  cũng nói rằng Tâm này tiên nghiệm (có sẵn trước khi sinh ra), bị bụi tham sân si nhiễm vào, nhưng cũng thực sự là không hề bị nhiễm gì hết, mà chỉ tạm nhiễm thôi, vì nếu có thực nhiễm ô thì làm sao mà giải thoát ("Luminous, monks, is the mind. And it is defiled by incoming defilements. Luminous, monks, is the mind. And it is freed from incoming defilements.")

Đó là nói về lý, khi giải thích qua sự, Đào Văn Bình nói về Tâm là tấm lòng: ngay thẳng, cảm thông, tha thứ, bao dung, từ bi, biết an ủi, cởi mở, hy sinh, bố thí... Và ông viết:

“Nếu nội dung của chữ Tâm là như vậy thì tận cùng sâu thẳm của chữ Tâm cũng chính là chữ Tài. Cái tài thu phục nhân tâm, tài đem lại hạnh phúc, tình thương cho mình và cho muôn loài.” (tr. 352)

oOo

Gần như tất cả các bài viết của Đào Văn Bình vừa mang đặc tính uyên áo của giáo lý nhà Phật, vừa đưa ra những giải thích đời thường rất cụ thể.

Nhưng xuyên suốt tất cả các trang sách là chất thơ. Không mấy người viết văn xuôi mang nhiều chất thơ như thế. Và bạn có thể mở ra bất cứ trang nào của tuyển tập cũng thấy chất thơ.

Thí dụ, nơi đây sẽ trích phần đầu và phần cuối của bài “Hãy Sống Với Lòng Biết Ơn” (tr. 269, 271). Trong trích đoạn, sẽ thấy tác giả dùng câu ngắn xen lẫn câu dài để tạo ra âm nhạc, thích nghi với chủ đề, dùng hỉnh ảnh cụ thể chung quanh thay cho những ý tưởng trừu tượng để ngay cả các em thiếu niên cũng hiểu được. Nhà văn Đào Văn Bình mời gọi:

“Hãy biết ơn Mặt Trời đã cho ta sự sống.

Hãy biết ơn từng vạt nắng đang lung linh nhảy múa trong vườn để ta cảm nghiệm được sự ấm áp của thiên nhiên.

Hãy biết ơn Mặt Trăng kia đã cho ta bao đêm dài thơ mộng mà qua đó bao bài hát, bài thơ trữ tình nảy nở.

Hãy biết ơn từng con suối nhỏ để cho ta nghe được tiếng thủ thỉ của núi rừng.

Hãy biết ơn từng cơn gió nhẹ làm lòng ta tươi mát.

Hãy tạ ơn biển đã cho ta nguồn dinh dưỡng, từng chuyến viễn du đầy thi vị và những cuộc phiêu lưu mạo hiểm làm phong phú hóa tình cảm của con người.

... ...

Hãy biết ơn cả tiếng gà gáy trong những buổi trưa hè, tiếng võng đưa kẽo kẹt, tiếng sáo diều ngân, tiếng trẻ nói bí bô, tiếng con sáo hót, tiếng ai hát đúm, hát dân ca, hát văn, hát ru, hát hò quan họ để thấy hồn Việt Nam thiêng liêng, bất tử.

Hãy cám ơn cây Đa đã cho ta bóng mát.

Hãy cám ơn cả cái Đình để xóm làng mở hội, văn hóa lưu truyền, gái trai hò hẹn.

Hãy cám ơn cả cái Miếu vì qua đó ta thấy các tiên hiền, liệt sĩ, danh nhân vẫn còn ở với chúng ta.

Hãy cám ơn mái Chùa đã đứng đó qua vài ngàn năm để lưu giữ hồn dân tộc.

Hãy cám ơn cả những chuyện thần tiên để con trẻ hay ăn chóng lớn, người già quên đi bao nỗi nhọc và gái trai nuôi bao mộng đẹp.

Hãy biết ơn tất cả dù là một hạ mưa, hạt cát, hạt muối, bó rau, miếng khoai, miếng cà, miếng sắn.

Hãy biết ơntạ ơn tất cả.

Lòng biết ơnlòng Từ Bi là bài Kinh Sám Hối sâu xamầu nhiệm.

Kẻ sống với lòng biết ơn chính là kẻ sống với Chân Hạnh Phúc và là kẻ có tâm hồn cao thượng nhất.”

.

Có thể nói ngắn gọn, đây là một tập thơ bằng văn xuôi, viết để ngợi ca cuộc sống, nơi đó tác giả gắn liền với Phật giáo, đất nước và dân tộc. Tuyển tập này cần có trong mọi tù sách trường học và gia đình.

Độc giả ngoài Việt Nam tìm mua, xin vào trang https://www.amazon.com/ và gõ (không cần dấu tiếng Việt): “dao van binh” để mua. (hay click thẳng vào link: https://www.amazon.com/Phat-Nuoc-Cuoc-Song-Vietnamese/dp/1547152532/ref=sr_1_1?ie=UTF8&qid=1497005264&sr=8-1&keywords=dao+van+binh )

Sách đã bán trên toàn cầu, mục tiêu nhằm gây quỹ cho Giải Văn Học Phật Giáo Ananda Việt Awards.

Độc giả trong Việt nam không mua trực tiếp được, nhưng có thể vào:

https://thuvienhoasen.org/a27591/gioi-thieu-hai-cuon-sach-tai-lieu-moi

và xem hướng dẫn nơi cuối bài về cách mua qua văn phòng dịch vụ ở các thành phố lớn ở VN.

 

Xem thêm:

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/10/2019(Xem: 8722)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.