Suy ngẫm
“LỜI PHẬT DẠY VỀ SỰ HÒA HỢP TRONG CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI -
HỢP TUYỂN TỪ KINH TẠNG PALI”
để cùng nhau xây dựng Tịnh Độ tại nhân gian
Thích Nhật Đạo
Một cuốn sách tuyệt vời với những lời giới thiệu của những “đại cao thủ”. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về quyển sách của Bhikkhu Bodhi, cũng là điều khiến tôi có chút tâm lý e ngại khi viết bài giới thiệu quyển sách này đến với cộng đồng. Nhưng thế giới vốn rộng lớn bao la, một tác phẩm tuyệt vời nhưng chắc chắn vẫn có rất nhiều người chưa biết tới, nên những lời giới thiệu của tôi có thể xem như một nốt nhạc cộng hưởng để tác phẩm có thể lan xa đến mọi người, mọi giới.
Đầu tiên xin được giới thiệu đôi nét về tỳ-kheo Bodhi. “Tỷ-Kheo Bodhi, thế danh là Jeffrey Block, sinh năm 1944 tại Brooklyn, New York. Ngài là một tu sĩ Phật giáo theo truyền thống Theravada… Năm 1973, sư thọ giới Tỷ-kheo với giới sư là ngài Ananda Maitreya, một vị sư học giả Phật giáo thuộc hàng ngũ lãnh đạo của Sri Lanka thời bấy giờ… Năm 2002, Tỷ-kheo Bodhi trở về New York. Hiện nay ngài cư ngụ tại Tu viện Chuang Yen, New York và giảng dạy Phật pháp tại đây và tại Bodhi Monastery ở New Jersey. Ngài cũng là Chủ tịch Hội Phật giáo Hoa Kỳ (BAUS), Hội Yin Shun và Chủ tịch sáng lập Quỹ Phật giáo Cứu trợ toàn cầu (Buddhist Global Relief) đặt trụ sở tại New York, nhằm mục đích cứu trợ nạn đói và nạn thất học toàn cầu.” (trích: Đôi nét tiểu sử Bhikkhu Bodhi).
Tác phẩm “Lời Phật Dạy về Sự Hòa Hợp trong Cộng Đồng và Xã Hội” được tỳ-kheo Bodhi trình bày gồm 10 chương. Như tựa đề của cuốn sách, “Hợp tuyển này có ý định làm hiển lộ những lời dạy của Đức Phật về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội”.
Trong Lời giới thiệu do chính Đức Dalai Lama thứ 14 viết đã tán thán đây là một “quyển sách xuất sắc” của “một nhà sư học giả Phật giáo đầy kinh nghiệm”. Và Đức Dalai Lama đã xác quyết: “Tôi chắc chắn rằng các Phật tử sẽ tìm thấy tuyển tập này rất giá trị”. Một lời giới thiệu tuyệt vời từ một Bậc thầy siêu tuyệt.
Còn Hozan Alan Senauke, một người bạn của tỳ-kheo Bodhi, trong Lời mở đầu đã khẳng định: “Ở đây là lời khuyên của Đức Phật về việc làm thế nào để sống hài hòa trong một xã hội có nhiều nguồn gốc sắc tộc và tôn giáo khác nhau, và không làm tổn hại chính họ hay người khác”.
Quyển sách còn một lời giới thiệu nữa của dịch giả Nguyên Nhật Trần Như Mai. Theo đó người dịch cho chúng ta biết: “Đây được xem như là quyển sách cần đọc tiếp theo quyển “In The Buddha’s Words” của Bhikkhu Bodhi, mà tôi đã dịch sang tiếng Việt với nhan đề “Hợp Tuyển Lời Phật Dạy Từ Kinh Tạng Pali” và đã xuất bản vào giữa năm 2016”.
Điểm qua những lời giới thiệu để chúng ta thấy rõ được tầm quan trọng và giá trị của quyển sách. Bây giờ chúng ta sẽ đi vào điểm chính, đó là nội dung quyển sách. Có thể nói, toàn bộ nội dung của cuốn sách là câu trả lời của Đức Phật (được tỳ-kheo Bodhi tuyển chọn và trình bày) cho câu hỏi ngàn đời:“Bạch Thế Tôn, tại sao trong lúc con người mong ước được sống trong hòa bình, không oán ghét hận thù, mà họ lại vướng vào vòng thù hận khắp mọi nơi?”. Một câu hỏi mãi vang vọng qua các thời đại, qua mỗi kiếp người, có thể rất nhiều người trong chúng ta cũng từng đặt câu hỏi như thế. Vì sao và vì cái gì?
Và tỳ-kheo Bodhi đã tuyển chọn những lời dạy của Đức Phật từ Kinh tạng Pali để trả lời cho vấn đề của thời đại nêu trên. Hợp tuyển ra đời, theo tác giả, “những lời dạy này cũng không cần thiết gắn liền với bất cứ đức tin hay hệ thống tín ngưỡng tôn giáo nào”.
Hợp tuyển gồm 10 chương, với chương I là Chánh kiến. Bởi theo tác giả, Đức Phật “đã nhấn mạnh vai trò của chánh kiến như là nguồn hướng dẫn cho đời sống đạo đức và tâm linh”. Tác phẩm kết thúc ở chương X: Thiết lập một xã hội công bằng. Một xã hội lý tưởng, nơi đó con người được sống trong hòa bình, không oán ghét hận thù. Theo tác giả, Đức Phật “đã thấy lời giải đáp cho một xã hội lành mạnh nằm trong việc hoàn thành trách nhiệm của mình đối với người khác”.
Với cá nhân tôi, quyển sách có hai điểm tuyệt vời và đặc biệt ấn tượng. Một, có lẽ chúng ta vì một số lý do, thường sẽ không đọc hết tất cả những lời dạy của Đức Phật… nên những Hợp tuyển như tác phẩm này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn vừa tổng quan, vừa chi tiết những lời dạy của Đức Phật. Đây là điểm tuyệt vời. Hai, trước mỗi chương, tác giả đều cẩn thận viết bài giới thiệu. Điểm này giúp người đọc dễ nắm khái lược những điểm trọng yếu mà tác giả chuẩn bị đề cập. Có lẽ đây là một trong những lý do mà Đức Dalai Lama đã tán thán Bhikkhu Bodhi là “một nhà sư học giả Phật giáo đầy kinh nghiệm”. Đây là điểm tôi đặc biệt ấn tượng.
Cuối cùng, tôi xin trích một đoạn trong Lời kết của Hozan Alan Senauke để khép lại bài giới thiệu: “Thuốc men cũng như giáo lý cần phải được đưa vào thân và tâm chúng ta, để chúng có thể tạo ra chất xúc tác giúp ta thoát khỏi khổ đau”. Bản thân chúng tôi vẫn luôn tâm niệm: “Cuộc đời khổ thì ít, mà chính chúng ta làm khổ nhau thì nhiều”, nên việc học Phật và thực hành những lời dạy của Ngài để sống hòa hợp, an lạc giữa đời luôn là điều tối quan trọng.
Hãy đến, suy ngẫm và cùng nhau thực hành Pháp:
“Người hành xử vì an vui của cả hai,
Cho chính mình và kẻ khác,
Khi biết đối phương đang sân hận,
Vẫn gìn giữ an bình trong chánh niệm”
Vài lời giới thiệu cho một tác phẩm tuyệt vời. LỜI PHẬT DẠY VỀ SỰ HÒA HỢP TRONG CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI – HỢP TUYỂN TỪ KINH TẠNG PALI, tác giả: Bhikkhu Bodhi, Nguyên Nhật Trần Như Mai dịch. NXB. Hồng Đức, đối tác liên kết: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. 318 trang. Sách ấn tống.
TP.HCM, ngày 05-06-2018
Thích Nhật Đạo
Xem thêm:
https://thuvienhoasen.org/a29585/loi-phat-day-ve-su-hoa-hop-trong-cong-dong-va-xa-hoi