Đọc Sách “Về Thu Xếp Lại” Của Đỗ Hồng Ngọc: Trở Về Với Ta

05/04/20193:55 SA(Xem: 9160)
Đọc Sách “Về Thu Xếp Lại” Của Đỗ Hồng Ngọc: Trở Về Với Ta

ĐỌC SÁCH “VỀ THU XẾP LẠI”
CỦA ĐỖ HỒNG NGỌC:
TRỞ VỀ VỚI TA
Trung Kiên


Rất nhiều độc giả hẳn không xa lạ với tác giả Đỗ Hồng Ngọc; bởi tác giả không chỉ là bác sĩ tài năng đã viết nhiều cuốn sách về chăm sóc, phòng bệnh, nhất là cho trẻ em, mà còn là tác giả của nhiều cuốn sách dành cho tuổi xế chiều. Về thu xếp lại là một trong những cuốn sách thuộc thể loại này, tức sách viết vì người già và cho người già. Đây có thể xem là những chỉ dẫn “thu xếp hành trang” cho “chuyến đi cuối cùng” suôn sẻ.

 

Chúng ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Đã đến đây chắc hẳn ta phải từ một nơi nào đó tới, đã đến, chắc chắn phải đi. Chỉ có điều, từ đâu đến và sẽ đi đâu thì ta không thể biết. Có đó, rồi cũng không đó, không đó, mà cũng có đó. Chẳng vậy mà Đạo Hạnh Thiền sư đã cảm tác: “Có thì có tự mảy may/Không thì cả thế gian này cũng không/Kìa xem bóng nguyệt lòng sông/Ai hay không có, có không là gì ?” (Bản dịch của Huyền Quang tam tổ). Nếu không có CÓ, làm sao biết có KHÔNG. Không có KHÔNG, làm sao biết có CÓ. Có lẽ vì vậy mà những ca từ của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã vang lên, mở đầu cho câu chuyện đầu tiên của cuốn sách có tựa đề Cát bụi tuyệt vời: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/Để một mai vươn hình hài đứng dậy? Ôi cát bụi tuyệt vời/Mặt trời soi một kiếp rong chơi”. 
Về Thu Xếp Lại
Nếu như trong những cuốn sách của tác giả trước đó như: Gió heo may đã về, Già ơi… chào bạn! Già sao cho sướng?...là những lời khuyên để sống sao cho “ngon” khi gió heo may đã về; thì với Về thu xếp lại, không chỉ nói về việc sống sao cho tốt khi về già mà còn phải chuẩn bị hành trang cho “chuyến đi cuối cùng” và mãi mãi. Đó cũng chính là nội dung cốt lõi của cuốn sách này: “Có sinh ắt có tử, có tử ắt có sinh. Hơi vào có hơi ra và ngược lại. Cho nên người đạt đạo họ tỉnh queo, nôm na là họ… giác ngộ. Họ chẳng cần phải bối rối. Họ biết nó phải vậy. Như thị”.
Cuốn sách bao gồm 10 câu chuyện nhỏ, mỗi câu chuyện đều chứa đựng trong đó những triết lý cao thâm. Để đọc cuốn sách này, độc giả phải là người từng trải - mà cũng phải thôi, sách viết cho người già, chứ đâu có dành cho người trẻ. Nói vậy, không có nghĩa người trẻ không cần đọc. Đọc mỗi câu chuyện trong cuốn sách này, mỗi người bỗng nhận ra ta, thấy ta gần gũi: Như thị chứ chẳng đâu xa lạ. Đọc rồi, mới ồ lên, giá mà như Lục tổ Huệ Năng: “Không ngờ…, Không ngờ…!”, bởi thấy được bên trong, phát hiện ra những điều thú vị vốn rất gần gũi hàng ngày nhưng bởi tâm ta luôn bận rộn nên nhìn không ra. Đọc rồi, ta sẽ thấy “hình như ngó vào bên trong nhiều hơn ngó ra bên ngoài”. Đọc rồi, để chợt nhận ra lâu nay vốn “hoang phí năng lượng vào những chuyện không đâu, cho nên cơ thể căng cứng, rã rời”. Đọc rồi, để bỗng phát hiện ra “chẳng ai có thể thở giùm được ai đâu. Chẳng ai có thể “thiền” giùm ai được. Cho nên phải quay về nương tựa chính mình “một mình tôi đi, một mình tôi về…với tôi mà thôi”. Nói như lời mở đầu của cuốn sách thì đây là những dòng viết “Rất riêng tư, rất chủ quan”. Ngay trong những dòng mở đầu, tác giả đã rào đón cẩn trọng: “Những dòng viết này góp nhặt từ những trang nhật ký rời, từ những ghi chép lang thang không ngày tháng, rải rác nơi nọ, nơi kia, chỉ để sẻ chia cùng bè bạn thân thiết, những bè bạn cùng trang lứa, cùng tâm trạng”. Thế nhưng, sẽ thật là may mắn cho những ai đọc được cuốn sách này. 


Độc giả sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi đọc cuốn sách này: Có lúc tâm ta đắm chìm trong thâm trầm, suy tưởng; có lúc bật lên cười khúc khích như vừa phát hiện ra…chính mình mà lâu nay mình không chịu nhìn nhận…nó. Hỏi hay không? Hay! Hay sao nói coi? Không nói được! Có những cái hay nằm ngoài khả năng biểu đạt của ngôn ngữ. “Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn làm chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị” (Nguyễn Hiến Lê, 1972). Hãy đọc cuốn sách này bằng cái tâm an của một người từng trải để lắng nghe tiếng thì thầm của tâm ta tìm về mách bảo. “Thưa rằng: nói nữa là sai/Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào” (Bùi Giáng). Đọc Về thu xếp lại để bắt gặp mùa xuân và sống với một mùa xuân vĩnh cửu

Đọc 4 chương đầu tại đây:
Về thu xếp lại (Đỗ Hồng Ngọc) https://thuvienhoasen.org/a31683/ve-thu-xep-lai
Trung Kiên
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/10/2020(Xem: 6130)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.