do Nguyễn Hiền Đức sưu tập
HT Thích Như Điển viết Lời Giới Thiệu
gồm nhiều bài viết của Thầy Tuệ Sỹ
và bài của 20 nhà văn, nhà nghiên cứu viết về Thầy Tuệ Sỹ
Nói và viết cũng như ca tụng Thầy Tuệ Sỹ thì lâu nay đã có quá nhiều bài viết về nhiều thể loại khác nhau như: Văn Hóa Phật Giáo, Văn Chương, Thi Ca, Âm Nhạc v.v… nhưng để hiểu về tư tưởng của Thầy Tuệ Sỹ thì cần phải đọc hết tuyển tập nầy, chúng ta sẽ có được nhiều nhận xét hơn. Đã là “Viên Ngọc Quý” như cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ nhận xét về Thầy Tuệ Sỹ, Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát và Cố Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải, thì còn gì quý hơn ngọc trên đời nầy nữa mà chúng ta phải viết về những vị Danh Tăng, Danh Ni nầy; nhưng hôm nay Đạo Hữu Nguyên Tánh Nguyễn Hiền Đức muốn tôi viết lời giới thiệu tuyển tập nầy về Thầy Tuệ Sỹ thì tôi xin có vài lời trang trọng giới thiệu như sau.
Từ những năm 1969 đến năm 1971 khi tôi ở miền Trung vào Sài Gòn để học Trung Học đệ nhị cấp tại trường Văn Học và Cộng Hòa thì Thầy Tuệ Sỹ đang là Chủ Bút tờ Tư Tưởng và là Giáo Sư của Viện Đại Học Vạn Hạnh rồi. Tôi đã đọc Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh từ dạo đó, mà Thầy Tuệ Sỹ là một Tăng Sĩ trí thức đương thời, khi ai nghe qua Đạo Hiệu nầy cũng đều phải thán phục.
Rồi những năm sau đó tôi sang Nhật Bản du học, việc đọc tờ Tư Tưởng không có điều kiện nữa, nên cũng không biết về sinh hoạt của Thầy Tuệ Sỹ nhiều. Mãi đến những năm 1975 đến 1981 là giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất phải đương đầu với sự đàn áp của người cộng sản Việt Nam thì hình ảnh của chư Tôn Hòa Thượng: Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, chư Thượng Tọa Tuệ Sỹ, Trí Siêu, Ni Sư Trí Hải v.v… lại hiện lên rất rõ nét với chúng tôi, với những Tăng Ni vẫn còn một lòng kiên trinh với Giáo Hội Mẹ tại quê nhà. Nhất là khi hay tin Thầy Tuệ Sỹ, Thầy Lê Mạnh Thát bị án tử hình thì hầu như không có cuộc biểu tình nào tại Bonn (lúc ấy thủ đô của Tây Đức vẫn còn đóng tại Bonn) mà chúng tôi không tham gia. Cũng từ đó chúng tôi quen biết được người em gái duy nhất của Thầy Tuệ Sỹ đã từ Pháp sang Đức tham gia và phát biểu trong những cuộc biểu tình đối với cộng sản Việt Nam về việc đàn áp nầy trước sứ quán của họ. Kể từ đó cho đến nay tôi có được nhân duyên chỉ để nghe Thầy Tuệ Sỹ qua cặp vợ chồng em gái của Thầy Tuệ Sỹ mà thôi.
Rồi một hôm nhân đọc quyển “Thần Chú trong Phật Giáo” của Giáo Sư Lê Tự Hỷ, mà trong đó đa phần giải thích về Phạn Ngữ; nhưng ngôn ngữ nầy hầu như tôi không đọc cũng như viết được chữ nào; nên tôi đã viết E Mail và sau đó là lần đầu tiên trực tiếp điện thoại với Thầy Tuệ Sỹ, đã được Thầy giải thích cho những từ ngữ về Phạn Ngữ của bậc “Quảng Học Đa Văn”; nên từ đó đến nay tôi lại có nhân duyên biết về Thầy Tuệ Sỹ nhiều hơn, mặc dầu Thầy đang ở tại thất Hương Tích, Việt Nam, trong khi tôi vẫn đang cư ngụ tại Đức.
Nhân duyên khác nữa là tôi phát nguyện đọc bộ Đại Tạng Kinh bằng chữ Việt, nhan đề là Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh. Bộ nầy có tất cả là 203 tập mà cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho dịch ra Việt Ngữ từ “Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh” bằng chữ Hán. Trong đó bộ Tạp A Hàm cũng như nhiều phần khác trong phần đầu của Đại Tạng Việt nầy Thầy Tuệ Sỹ đã bỏ công ra phiên dịch từ Hán Văn ra Việt Ngữ và chú thích rất mạch lạc, hầu như không có một lỗi nào cả. Thật là quá tuyệt vời. Với công đức to lớn như vậy Thầy Tuệ Sỹ đã để lại cho Đời và cho Đạo không biết bao nhiêu là giá trị Vô Ngôn.
Nay Đạo Hữu Nguyên Tánh Nguyễn Hiền Đức hiện cư trú tại Nam California Hoa Kỳ, thời trước năm 1975 cũng đã có cơ duyên cộng tác hỗ trợ Thầy Tuệ Sỹ ở nhiều phương diện qua tạp chí Tư Tưởng của Đại Học Vạn Hạnh, đã có công sưu tập lại những bài viết của chính Thầy Tuệ Sỹ và của những học giả, văn nhân, thi sĩ ở trong cũng như ngoài nước, trước và sau năm 1975 cũng như mãi đến trong hiện tại, là một việc làm quá sức nhọc nhằn; nhưng đầy ý nghĩa. Do vậy tôi xin trang trọng cung kính giới thiệu tuyển tập nầy viết về Thầy Tuệ Sỹ như là một nén tâm hương xin gửi đến để tri ân vị Thầy vĩ đại của Dân Tộc và của Phật Giáo Việt Nam. Đó là Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ trong hiện tại của năm 2020 nầy.
THÍCH NHƯ ĐIỂN
Viết xong vào ngày rằm tháng tư năm Canh Tý,
nhằm ngày 7 tháng 5 năm 2020, Phật Lịch 2564,
Phật Đản Sanh lần thứ 2644
tại Phương Trượng Đường Tổ Đình Viên Giác Hannover, Đức Quốc
Nguyễn Hiền-Đức
THẦY TUỆ SỸ LÀ VIÊN NGỌC QUÝ CỦA PHẬT GIÁO VÀ CỦA VIỆT NAM
Đã có nhiều Tác giả trong và ngoài nước viết về Thầy Tuệ Sỹ. Bài nào cũng giá trị, cũng thể hiện sự chân thành kính trọng và ngưỡng mộ Thầy về nhiều phương diện. Với chúng tôi, khi làm Tuyển tập thứ 5 này về Thầy Tuệ Sỹ, chúng tôi tâm đắc một số bài sau đây và đưa vào cuốn sách này:
- Thầy Thích Phước An trong bài Cụ Quách Tấn, Cụ Đào Duy Anh và Thầy Tuệ Sỹ tại Nha Trang, tháng 6 năm 1976, đã viết: “Khi tiễn Đào Duy Anh xuống núi, ông cứ đi một đoạn là dừng lại bắt tay anh Tuệ Sỹ, những cái bắt tay rất chặt. Cứ như vậy ông bắt tay cho đến khi xuống cuối dốc chùa mới thôi. Điều ấy chứng tỏ rằng Đào Duy Anh rất trân trọng về cuộc gặp gỡ này.
“Có một bài thơ của Quách Tấn, mà tôi nghĩ có thể tạm giải thích được. Ít nhất là trong trường hợp Quách Tấn và Tuệ Sỹ. Bài thơ ấy như thế này:
Bao phen bến hẹn đổi dời,
Làng phong tao vẫn con người thủy chung.
Gió lau thổi lạnh sóng tùng,
Hương xưa thắm lại cụm hồng ngày xưa.
Phải chăng chỉ vì muốn “thủy chung” với “cụm hồng ngày xưa” ấy, mà Quách Tấn và Tuệ Sỹ phải chấp nhận số phận lao đao của mình?”.
Xin thưa thêm rằng, Cụ Đào Duy Anh cũng đã phải gánh chịu cái số phận lao đao, nghiệt ngã của mình từ năm 1957, qua vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm”!
Cuộc hội ngộ lịch sử và tuyệt đẹp giữa Cụ Đào Duy Anh - Thầy Tuệ Sỹ diễn ra năm Cụ Đào đã 72 tuổi và Thầy Tuệ Sỹ mới 33 tuổi. Một già một trẻ cách nhau gần 40 năm, thế mà đối đãi như hai người bạn chí cốt, tri kỷ tri âm tự thuở nào. Chỉ có những Thiền sư, những kẻ sĩ, những bậc trượng phu, những bậc quân tử của Đông phương trầm mặc mới tương kính nhau, mới quý trọng nhau một cách khiêm cung và sâu sắc đến thế.
Và sau đó, Cụ Đào vào Sài Gòn gặp học giả, nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Sự chọn lựa này của Cụ Đào Duy Anh đã nói lên ý nghĩa và tầm vóc của hai nhân vật mà mình cần gặp, phải gặp. Tôi thầm nghĩ rằng nay Cụ Đào đang bay ở chân trời xa xăm, cao rộng ấy, Cụ đã mỉm cười thỏa lòng khi đã gặp Thầy Tuệ Sỹ và học giả Nguyễn Hiến Lê năm nào.
- Giáo sư Nguyễn Minh Cần, trong bài “Đọc Thơ Tù Của Thầy Tuệ Sỹ” đã viết:
“Vừa qua, được đọc mấy bài thơ chữ Hán của thầy Tuệ Sỹ đăng trên tờ Khánh Anh ở Paris (10.1996) với lời giới thiệu của Huỳnh Kim Quang, lòng tôi rất xúc động. Nghĩ đến Thầy, nghĩ đến một tài năng của đất nước, một niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam, một nhà Phật học uyên bác đang bị đầy đọa một cách phi pháp trong cảnh lao tù kể từ ngày 25.3.1984, lòng tôi trào dậy nỗi bất bình đối với những kẻ đang tay vứt “viên ngọc quý” của nước nhà (xin phép mượn từ này trong lời nhận xét của học giả Đào Duy Anh, sau khi ông đã tiếp xúc với Thầy tại Nha Trang hồi năm 1976: “Thầy là viên ngọc quý của Phật giáo và của Việt Nam”) để chà đạp xuống bùn đen... Đọc đi đọc lại, tôi càng cảm thấy rõ thi tài của một nhà thơ hiếm thấy thời nay và đặc biệt là cảm nhận sâu sắc tâm đại từ, đại bi cao thượng, rộng lớn của một tăng sĩ với phong độ an nhiên tự tại, ung dung bất chấp cảnh lao tù khắc nghiệt... Đạo vị và thiền vị cô đọng trong thơ của Thầy kết tinh lại thành những hòn ngọc báu của thơ ca.”
Về Cụ Đào Duy Anh có lẽ không cần phải giới thiệu nhiều. Ai cũng biết Cụ đã có những đóng góp to lớn, đã rực sáng về nhiều lĩnh vực. Cụ là một trong những người có công xây dựng nền khoa học xã hội - nhân văn hiện đại của Việt Nam; Cụ là một nhà từ điển học đặt cơ sở cho nền từ điển học hiện đại Việt Nam. Tác phẩm "Việt Nam Văn Hóa Sử Cương" của Cụ cùng với "Văn Minh An Nam" (La Civilization Annamite, 1944) của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên là những công trình khoa học đặt nền tảng cho sự hình thành nền văn hóa học hiện đại Việt Nam một cách khoa học. Về lĩnh vực sử học, Cụ đã tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu rất cơ bản về lịch sử Việt Nam, nhất là về lịch sử cổ đại và trung đại… Nói tóm lại, Cụ xứng đáng được tôn vinh là nhà văn hóa lớn, nhà bách khoa, nhà giáo dục lớn của Việt Nam.
Trong nhiều “nhận định” về Cụ Đào Duy Anh, tôi chọn ý kiến này của GS Phan Ngọc: "Đào Duy Anh là học giả lớn nhất Việt Nam thế kỷ XX và có uy tín quốc tế. Ông là người thực sự mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam theo quan điểm duy vật… Có thể nói không một người nào trong nước hay ngoài nước nghiên cứu văn hóa, xã hội, lịch sử Việt Nam mà lại không đọc những công trình của ông, thậm chí không dựa vào những kiến giải của ông để làm việc".
- Còn Văn Công Tuấn thì viết: “ Trên đời này, nếu chỉ được phép nhắc đến tên một nhà Văn hóa Phật giáo Việt Nam thì tên người ấy chắc chắn phải là Tuệ Sỹ; nếu chỉ được phép viết về một người của thế kỷ này thì nên viết về Tuệ Sỹ; nếu tôi chỉ phải nêu tên một người bằng tất cả niềm cảm phục và kính trọng thì tôi sẽ nêu tên Thầy Tuệ Sỹ”.
- Và rồi mới đây khi chúng tôi đọc bản thảo cuốn sách thứ 67 của Thầy Như Điển: “Vua Là Phật, Phật Là Vua” trong đó có đoạn Thầy Như Điển viết về các “nhân vật lịch sử” của Viện Đại học Vạn Hạnh như cố Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải, Thầy Tuệ Sỹ, Thầy Lê Mạnh Thát mà cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ gọi là những viên Kim Cương quý giá của Phật giáo Việt Nam, Xin dẫn đoạn của Thầy Như Điển viết về Thầy Tuệ Sỹ:
“… Còn Thầy Tuệ Sỹ với mình hạc xương mai; nhưng tư tưởng của Thầy thì cao hơn núi Thái và vững hơn bàn thạch, sáng giá hơn kim cương, dầu cho Thầy có sống ở dưới bất cứ hoàn cảnh nào. Những bộ kinh như: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, Duy Ma Cật Sở Thuyết v.v… là những tài liệu, dịch phẩm có giá trị muôn đời về sau nầy cho Phật giáo cũng như cho Dân Tộc.”
Vâng, Thầy Tuệ Sỹ thật sự là một viên ngọc quý của Phật giáo và của Việt Nam. Ai trong chúng ta mà không kính trọng và ngưỡng mộ Thầy và chúng ta luôn tin chắc rằng Thầy sẽ tồn tại lâu dài ở một vị trí rất cao, rất sáng trong lòng nhiều người, nhiều thế hệ trong và ngoài nước.
Tâm đắc về những cảm nhận như đã nêu nên tôi làm Tuyển tập: Thầy Tuệ Sỹ Là Viên Ngọc Quý Của Phật Giáo Và Của Việt Nam”.
Bộ Tuyển tập Thầy Tuệ Sỹ chúng tôi hoàn thành từ hơn 2 năm qua, gồm có 4 tập mang tên “Tuệ Sỹ - Những Phương Trời Viễn Mộng” đã có trên một số Trang Nhà Phật giáo. Còn tập thứ 5 này chúng tôi là Nguyên Tánh Nguyễn Hiền-Đức và Nguyên Đạo Văn Công Tuấn giữ lại vì sợ nội dung có vẻ như “tán thán”, “ca tụng” này sẽ làm Thầy Tuệ Sỹ ngại ngùng, phiền trách. Bản thân tôi trong nhiều năm được gần gũi, được giúp việc cho Thầy, còn Văn Công Tuấn thì được Thầy gọi là “Người Em Nhỏ” nên hai chúng tôi thấu hiểu và kính phục phong cách sống “Vô cầu” của Thầy. Nhưng nay thì “Duyên” đến, tôi liền bổ sung một số bài mới để dần hoàn chỉnh tập này và mong muốn được chia sẻ với chư vị.
Sau khi được Hòa thượng Thích Như Điển (Đức quốc) đã “duyệt” và đưa lên các Trang nhà Phật giáo từ ngày 25/05/2020; chúng tôi thật sự vui mừng về sự đồng thuận của nhiều chư vị với Tuyển tập này, trong đó có nhiều vị đã đọc, góp ý và chỉ cho các lỗi giúp chúng tôi sửa chữa bản thảo kịp thời. Chúng tôi chân thành cảm ơn sự khích lệ và “tán thán” này, xem đó là phần thưởng tinh thần quý giá. Đồng thời cũng có ý kiến đề nghị nên xuất bản tuyển tập này thành sách trên Amazon để tiện việc đọc và lưu giữ. Chúng tôi cũng nghĩ và mong được như vậy.
Thế nên, chúng tôi quyết định xuất bản cuốn sách này. Chúng tôi xin phép không thưa trình về sự tuyển chọn bài trong cuốn sách này; vì chúng tôi cảm nhận được rằng quý chư vị, quý tác giả sẽ thông cảm, độ lượng và chia sẻ sự khó khăn, đắn đo, cân nhắc và thậm chí là tiếc nuối của chúng tôi trong quá trình tuyển chọn chỉ còn hơn 250 trang theo khuôn khổ của một cuốn sách. Là người trong cuộc, chúng tôi đã trải qua những thời khắc phải “ngậm ngùi” khi gác lại bài này, hình ảnh kia - mà nhiều thân hữu đã dày công sưu tầm chọn lọc. Ngay cả đối với Thầy Tuệ Sỹ, chúng tôi đã phải “cắn răng” gác lại 3 bài và nhiều bài thơ mà trong nhiều năm qua vẫn luôn canh cánh trong lòng chúng tôi.
Chúng tôi nhớ lại rằng khi GS Trần Văn Khê - người đã có công vinh danh nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam làm cho thế giới phải ngưỡng mộ và kính trọng nền Văn hóa Việt Nam mà trong đó Văn hóa Phật giáo giữ vai trò chủ đạo và nòng cốt - đang lâm trọng bệnh ở Paris thì nhà thơ “Quận chúa” Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương và thân hữu ở đất Thần kinh đã âm thầm đọc, tụng kinh niệm Phật cầu an, cầu phước lành cho GS Trần Văn Khê. Có lẽ từ cảm ứng, từ trường, từ tâm truyền tâm… mà GS Trần Văn Khê đã lĩnh hội và dung nạp được trọn vẹn sự cầu an này nên Cụ đã khỏi bệnh.
Nghĩ vậy. Tin vậy với tất cả lòng chí thành, chúng tôi xem cuốn sách này là một việc làm rất tâm linh và giàu đạo vị để cầu mong Thầy Tuệ Sỹ sớm bình phục theo như cảm nhận rất mực chân thành và nghĩa tình sâu sắc của Hòa Thượng Thích Như Điển, Hòa Thượng Thích Phước An. Cầu mong Thầy Tuệ Sỹ sớm bình phục, thân tâm an lạc là tâm nguyện chân thành nhất và tha thiết nhất của rất nhiều người, nhiều giới ở trong và ngoài nước, nhất là trong thời điểm mà Thầy Tuệ Sỹ phải gánh vác trách nhiệm và sứ mệnh nặng nề với rất nhiều nghịch duyên và chướng duyên… mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã giao cho.
Cuốn sách này được xuất bản nhanh chóng, kịp thời, đúng lúc và được chăm chút kỹ lưỡng về nội dung, về kỹ - mỹ thuật như thế này là nhờ sự khích lệ đầy ưu ái; sự giúp đỡ đầy thương tưởng và hiệu quả của Hòa Thượng Thích Như Điển, cùng với quá trình làm việc nghiêm túc, miệt mài với tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao trong việc xuất bản sách của Nguyên Đạo Văn Công Tuấn và Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến.
Chân thành biết ơn Hoa Lan và anh chị Phù Vân - Phương Quỳnh đã sửa kỹ lỗi trong cuốn sách này và có nhiều góp ý quý giá.
Nhị vị Hòa Thượng Tuệ Sỹ và Như Điển đã căn dặn chúng tôi phải xin phép các Tác giả trước khi đưa bài vào cuốn sách này. Chúng tôi cung kính vâng lời. Xin được bày tỏ trước sự thâm tạ chân thành và lòng mong muốn được các Tác giả lượng thứ cho việc chúng tôi, vì nhiều lý do không thể liên lạc được với Quý Tác giả khi đưa bài và in ấn cuốn sách này.
Chúng tôi cũng rất mong nhận được những ý kiến phê bình của Quý vị Độc giả để chúng tôi có thể sửa chữa những sai sót không sao tránh khỏi.
Nguyên Tánh Nguyễn Hiền-Đức
Cẩn bút
Santa Ana CA trung tuần tháng 6 năm 2020
Tuệ sỹ những phương trời viễn mộng tập 3
Tuệ Sỹ Những Phương Trời Viễn Mộng Tập 4
'Tạp chí Tư Tưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh
.
- Từ khóa :
- Tuyển tập
- ,
- Tuệ Sỹ
- ,
- Viên Ngọc Quý