Phẩm 1 Vô Thường

23/07/20193:13 CH(Xem: 4536)
Phẩm 1 Vô Thường

KINH PHÁP CÚ TÂY TẠNG
Tôn giả Pháp Cứu (Dharmatrāta) tuyển soạn

 Nguyên Giác dịch và ghi nhận
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation

Phẩm 1

VÔ THƯỜNG

 _____________________________________

Xin ngợi ca Ngài, Đức Phật toàn trí!
Nguyện cho tất cả đều được hạnh phúc!

 

 

Ghi nhận: Trước mỗi bài kệ có một ký số, ghi thứ tự trong Phẩm. Thí dụ, Phẩm Vô Thường này có 43 bài kệ. Sang Phẩm kế tiếp, ký số lại khởi đầu từ số 1.

Các bài kệ tương đương với bản Pháp Cú Pali sẽ có ngoặc đơn (Pali) bên cạnh  ký số đầu bài kệ, với dấu = trước ký số của bài kệ từ bản Pali.

Trong khi Pháp Cú Pali khởi đầu về tâm, rằng tâm dẫn đầu các pháp, Pháp Cú Tây Tạng khởi đầu về vô thường, rằng tất cả các pháp đang chảy xiết. Cả hai cách xếp đặt đều có chủ ý quan trọng.

Với Pháp Cú Pali, mở đầu là Phẩm Song Yếu, rằng tất cả pháp là do tâm tạo tác, rằng khắp thế giới chỉ là những cái được thấy, những cái được nghe, những cái được cảm thọ, được tư lường… Khổ Tập Diệt Đạo cũng thế, và do vậy sinh tửNiết Bàn không lìa tâm mà có.

Với Pháp Cú Tây Tạng, mở đầu là Phẩm Vô Thường, chỉ ra rằng từng khoảnh khắc trôi đi, chảy xiết, rằng từng khoảnh khắc tức khắc sinh và tức khắc tử, và do vậy là vô ngã, và đời người y hệt như chữ viết do gậy vẽ trên mặt nước, không hề có gì gọi là “tôi và của tôi.”

Một trong những phương pháp cảm thọ vô thường là chú ý vào nghe: âm thanh không từ đâu tới, không đi về đâu, vừa trôi quatịch diệt ngay, không níu lại được – Kinh Lăng Nghiêm của Bắc Tông viết rằng khi lắng nghe là có thể cảm nhận tức khắc trên toàn thân tâm mình các pháp ấn vô thường, vô ngã, bất như ý, rỗng rang không tịch.

 

Quán niệm vô thường cũng là lời dạy cuối cùng của Đức Thế Tôn trước khi vào Niết Bàn. Trường A Hàm 2, Kinh Du Hành viết rằng: “Thế nên các Tỳ-kheo chớ có buông lung. Ta chính nhờ không buông lung mà được thành Chánh giác. Vô lượng điều lành toàn nhờ không buông lung mà có được. Hết thảy vạn vật đều vô thường, đó là lời dạy cuối cùng của Như Lai.”

 

Bản Anh dịch Phẩm Vô Thường của Rockhill có 41 bài kệ, trong khi bản của Iyer và Sparham có 43 bài kệ.

 

 

Phẩm Vô Thường như sau.

 

1. Tôi tụng lại nơi đây lời Đấng Chiến Thắng dạy. Hãy nhiệt tâm, tỉnh thứcchú tâm nghe với tâm hoan hỷ.

2. Đức Phật là Đấng toàn trí, Đấng bảo vệ, Đấng vô lượng quyền năng, Đấng vô lượng từ bi, là người đã hoàn tất thân cuối trong cõi luân hồi, Đức Bạt Già Phạm, đã nói lên những lời này.

3. Than ôi! Những gì hợp đều sẽ tan; những gì được tạo tác đều sẽ hư rã. Những gì sinh ra đều sẽ chết. Chỉ trong tịch lặng, mới có hạnh phúc.

4. (= Pháp Cú Pali, bài kệ 146) Với người đang bị lửa thiêu đốt, niềm vui làm gì có được? Ngươi đang sống trong bóng tối, sao chưa bước đi tìm ánh sáng?

5. (149) Rải rác khắp hướng nơi đây là xương người màu xám tro; niềm vui nào mà ngươi nhìn ngó chúng nữa.

6. Từ khoảnh khắc mà ngươi vào bụng mẹ, chuyến đi từ sinh tới tử khởi đầu; một khi đã vào cõi này, là hết lùi nữa được.

7. Mới sáng sớm, còn thấy nhiều người nơi đây, đêm về là có vài người từ trần rồi; Mới hồi tối, còn thấy nhiều người nơi đây, sáng ra đã thấy vài người lìa đời.

8. Nhiều người nam và nữ đã chết khi còn rất trẻ, hay khi đang tráng niên; làm sao ngươi có thể tự nghĩ là còn trẻ và sẽ còn sống lâu dài?

9. Một số chết trong bụng mẹ, một số chết khi vừa ra đời, một số chết khi còn tập đi, và một số chết trong khi thành niên.

10. Một số chết già, và một số chết trẻ, một số chết khi thành người lớn; từ từ rồi tất cả đều biến mất, y hệt trái chín trên cây rồi sẽ rơi rụng.

11. Tất cả trái chín đều sẽ phải rơi và hư vữa; tương tự, ai đã  sinh ra cũng đều mang đầy nỗi sợ chết.

12. Đời người y hệt chiếc bình đất sét chói sáng từ người thợ gốm; tất cả cũng đều rồi bị tan vỡ.

13 (347) Dịch theo bản của Iyer và Rockhill: Y hệt như mạng nhện, nơi nhện di động tới lui trong lưới không thoát nổi; tương tự, đời người cũng trong bẫy của mong manh hư vỡ.

Theo bản Sparham: Y hệt như trên khung vải dệt, chỉ tơ sợi chạy tới lui để dệt cuối cùng cũng hết; tương tự, đời người.

14

Bản Iyer và Rockhill: Cứ mỗi chuyển động đều mang con nhện tới gần cái chết; tương tự, mỗi bước đời người đều tới gần cái chết thêm.

Bản Sparham: Y hệt từng bước của tử tội dẫn tới gần dàn treo cổ, nơi y sẽ bị treo và chết; tương tự, mỗi bước đời người.

15. Như một dòng sông chảy xiết mãi và không bao giờ trở lại; những ngày trong đời người cũng thế, trôi đi và không trở lại.

16. Niềm vui trôi nhanh và hòa lẫn với đớn đau; đời người nhanh chóng biến mất, y hệt chữ viết do gậy vẽ trên mặt nước.

17. (135) Như người mục đồng dùng gậy lùa bỏ vào chuồng, bệnh hoạn và tuổi  già lùa đời người vào cõi chết

18. Như nước từ dòng suối chảy ngày và đêm, giờ khắc đời người cũng thế; nó đưa chúng ta càng lúc càng gần hơn tới kết thúc.

19. (60) Đêm sẽ dài với người không ngủ nổi, đường sẽ xa với người quá mệt mỏi, vòng sinh tử luân hồi sẽ rất dài với người không biết Chánh  Pháp.

20. (62) “Các đứa trẻ này là con tôi, các tài sản này là của tôi…” Hễ nghĩ như thế là cứ khổ mãi. Bởi vì “cái tôi” không hề có, sao lại có cái gì là “của tôi.”

21. Định luật của cõi người là, bất kể ai có làm chủ hàng trăm ngàn tài sản trần gian, rồi cũng sẽ rơi vào sức mạnh của thần chết.

22. Tất cả tài sản cất giấu rồi cũng sẽ bị phân tán; tất cả những gì khởi lên rồi cũng sẽ bị rơi xuống; tất cả những gì gặp gỡ rồi cũng cách chia; đời người cuối cùng rồi sẽ phải chết.

23. Cuối đời người là chết, tất cả chúng sinh rồi cũng sẽ lìa đời; trong khi đó, kết quả những việc thiện và ác họ đã làm trong đời sẽ vẫn theo sát họ.

24. (126) Người làm ác, sẽ rơi xuống địa ngục; người làm lành, sẽ sinh vào cõi hạnh phúc. Người sống với chánh pháp sẽ không phạm lỗi, sẽ thành tựu Niết bàn.

25. Các vị Phật, và các vị Độc giác Phật, và tất cả các đệ tử của các vị Phật đều đã rời bỏ thân của họ lại; thì nói gì tới đám đông vô minh? (Trong ghi chú của Rockhill, dẫn theo Luận Thư, nói rằng không có hy vọng giải thoát gì cho người không tin vào chánh pháp, không rời bỏ nổi các say đắm trần gian.)

26 (128). Bất cứ nơi nào ngươi tới, cũng không thoát nổi cái chết, dù có lên trời cao, hay có xuống dưới biển sâu, hay có vào các hẻm núi.

27. Thấy rằng tất cả những người nơi đây, và tất cả người tương lai, đều rời bỏ thân này và từ trần; hiểu rằng thân người sẽ hư rã, người trí tuệ sống đời thanh tịnh theo chánh pháp.

28. Thấy tuổi già, thấy nỗi đau vì bệnh hoạn, thấy cái chết của người không chánh niệm, người tinh tấn sẽ rời bỏ căn nhà tù giam này; nhưng người đời thường lại ưa thích tấm thân, và không bỏ được nỗi tham.

29 (151). Ngay cả cỗ xe rực rỡ của quốc vương cũng sẽ bị hư hoại, thân người rồi cũng sẽ già; nhưng các vị tối thắng trong cõi người, dạy cho chúng sinh chánh pháp tối thắng này, sẽ không biết tới già lão.

30. Ngươi thực sự u tối và tội nghiệp, nếu không biết những gì là lối đi chân chánh; vì tấm thân mà ngươi quý trọng vui hưởng này sẽ là nguyên cớ cho ngươi tan nát.

31. Người ta có thể sống một trăm năm, rồi cũng phải chết; người ta có thể sống tới già, nhưng rồi bệnh cũng sẽ dẫn họ đi.

32. Người cứ mãi lăng xăng, không biết dừng lại, sẽ hư hoại từng ngày và đêm, đầy các sầu khổ sanh tử, y hệt con cá bị ném vào nước sôi.

33. Bản Rockhill: Đời này trôi xiết đêm và ngày; bất ổn y hệt dòng chảy của sông lớn; người trôi mãi, không quay lại được.

Bản Iyer và Sparham: Cho dù ngươi ngồi hay đi, dòng sông đời không trở ngược lại được, y hệt như sông chảy xiết, cuốn trôi cả ngày và đêm.

34. Thân người như cá trong vũng nước cạn; từng ngày và đêm trôi đi; làm gì có vui trong đời ngắn ngủi này.

35 (148). Sự chết sẽ kết thúc mạng sống, thân này nặng gánh vì già và bệnh, nhanh chóng suy yếu; mớ máu thịt này sẽ hư hoại sớm.

36. (41) A ha! Thân này sẽ sớm nằm trên đất, không ai chú ý, trống rỗng, không còn ý thức gì, bị ném ra một nghĩa địa y hệt khúc gỗ cháy đen.

37. Thân này liên tục đau đớn vì bệnh, cứ tiết ra những thứ bất tịnh, đè nặngtuổi già và chết, đâu còn tích sự gì?

38 (286) Bản Iyer và Sparham: Kẻ không thấy hiểm nguy, bất kể sinh mạng y hư hoại nhanh chóng, cứ nghĩ rằng mình sẽ ở nơi này cho mùa đông và rồi sẽ ở nơi này cho mùa hè.

Chi bằng hãy gom sức lực từ mớ xương thịt bất tịnh này, từ tấm thân thường bệnh hoạn và không ngừng tới gần sự chết, để tu cho thành tựu bình an tối thượng.

39 (288) Bản Rockhill: Vây quanh ngươi là con cháu và thân thuộc, nhưng không ai có thể giúp ngươi tỵ nạn, dù là cha, mẹ với bà con; ngươi không có một nơi để quy hướng.

Bản Iyer và Sparham: Ta sẽ làm chuyện này vào mùa hè tới hay mùa xuân tới, hay khi mùa đông tới. Nghĩ như thế, họ không thấy được nguy hiểm.

40. Bản Rockhill: Những việc làm như thế là cội nguồn hạnh phúc, mà ta sẽ nỗ lực thực hiện. Người tự sửa soạn mình như thế  sẽ vượt qua già, bệnh và chết.

Bản Iyer và Sparham: Như trận lụt quét qua một thị trấn, chết sẽ tới nhanh hơn, và cuốn trôi tất cả gia đình, vật dụngtài sản của những người mà tâm họ còn say mê các thứ đó.

41. Bản Rockhill: Hãy buông bỏ mọi thứ, để đi tìm niềm vui bất tận của thiền định; hãy thấy cái kết thúc của sinh và già khi bắt đầu tinh tấn [tu học chánh pháp]; hãy vượt qua các bữa tiệc của Ma Vương, và tỳ khưu sẽ vượt qua sinh và tử.

(Bản Rockhill: tới đây hết Phẩm Vô Thường)

 

 Bản Iyer và Sparham: Các con của ngươi không bảo vệ được ngươi khi cái chết tới với ngươi; ba mẹ, bạn bè ngươi cũng thế. Lúc đó, ngươi sẽ không có nơi ẩn trú.

42. Bản Iyer và Sparham: “Khi tôi làm xong điều này rồi tôi sẽ làm điều kia, và sau đó tôi sẽ làm chuyện đó.” Già, bệnh và chết gặm mòn đời những người cứ bận như thế.    

43. Bản Iyer và Sparham: Do vậy, hãy thường trực vui trong thiền định, tinh tấn tu học, nhìn thấy cái kết thúc sinh và tử, chinh phục hoàn toàn ma quân. Hỡi các tỳ khưu, hãy vượt qua sinh và tử.

(Bản Iyer và Sparham: hết Phẩm 1, về Vô Thường)
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/10/2020(Xem: 6039)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.