PHƯỚC ĐỨC VÔ LƯỢNG
Quảng Tánh
Quảng Tánh
Cầu nguyện bình an, phúc lộc đầu xuân là nét văn hóa tín ngưỡng, tâm linh đậm chất nhân văn của tất cả những người con Phật. Bình an, phúc lộc và thịnh vượng là những mong ước chính đáng, và nhờ đó chúng ta mới có cơ hội thiết lập hạnh phúc cho mình cũng như chung tay góp sức làm điều tốt cho người, đẹp thêm cho đời.
Mơ ước thì nhiều, mong muốn lại vô tận nhưng xác định thành tựu điều gì là căn bản và quan trọng nhất để cầu nguyện, lập chí phấn đấu thì không phải ai đi lễ chùa cũng tỏ rõ. Theo Đức Phật, thiết lập sự thăng bằng, quân bình trong đời sống vật chất và tinh thần chính là nền tảng của hạnh phúc chân thực. Nếu chỉ thành đạt về phương diện vật chất mà hư hao về tinh thần thì không thể xem là có phước, nói chi đến việc thành tựu phước đức vô lượng. Ngài dạy:
“Một thời Phật ở nước Xá-Vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có ba việc hiện ở trước mắt, thời thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng. Thế nào là ba? Nếu tín hiện ở trước, thời thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng. Nếu tài hiện ở trước, thời thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng. Nếu trì phạm hạnh hiện ở trước, thời thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng.
Đó là, này Tỳ-kheo, có ba việc này hiện ở trước sẽ được phước vô lượng.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Tín, tài, phạm khó được,
Người thọ, người trì giới,
Biết ba việc này rồi,
Người trí tùy thời thí.
Lâu dài được an ổn,
Chư Thiên hằng nâng đỡ,
Tại đó tự vui thú,
Ngũ dục không biết chán.
Do đó, này các Tỳ-kheo, thiện nam tử, thiện nữ nhân, hãy tìm phương tiện thành tựu ba pháp này. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Cao tràng,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.512)
Thì ra, có niềm tin là thành tựu phước đức vô lượng. Điều này trong tầm tay của hết thảy những người con Phật! Cầu nguyện cho con có đầy đủ niềm tin, phát nguyện một lòng sắt son và trọn vẹn với niềm tin ấy. Tin chân thành vào Phật - Pháp - Tăng, tin chắc chắn vào Nhân quả - Nghiệp báo, tin sâu sắc vào Duyên sinh - Vô ngã. Chỉ cần một niềm tin vững chắc, không lay chuyển như thế thôi là chúng ta đã “được phước vô lượng”. Niềm tin ấy là chánh tín. Nhờ có chánh tín nên ta không tin vào những điều mơ hồ phi thực, phi nhân quả. Nhờ có chánh tín nên luôn tin vào chính bản thân mình, “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Mất niềm tin này là đánh mất tất cả, mọi sự thành công mà thiếu vắng niềm tin này chỉ là mộng huyễn bào ảnh mà thôi. Cho nên, niềm tin là cội nguồn của đạo, là mẹ của hết thảy công đức (Kinh Hoa Nghiêm).
Sau thành tựu niềm tin mới đến tài vật. “Có thực mới vực được đạo”. Tài vật là những phương tiện sống rất quan trọng. Để tạo nên nguồn tài vật dồi dào cũng phải trải qua muôn vàn khó nhọc, có người phải đổi bằng máu và nước mắt. Nên có nhiều tài vật là “được phước vô lượng”. Nhiều người nghĩ rằng, kiếm tiền thật khó nhưng tiêu tiền thì dễ vô cùng. Thực tế thì không phải như vậy. Kiếm tiền cũng phải chọn tiền “sạch”. Tiêu tiền cũng vậy, phải lợi mình lợi người, lợi trong hiện tại và tương lai.
Đặc biệt, có tiền mà không có đạo đức (phạm hạnh) thì không khéo là nguy to. Muôn kiểu ngông nghênh vô bổ ở đời đã minh chứng điều này. Không ít trường hợp giàu lên mới hư vỡ, đổ đốn. Nên sau khi thành tựu tín và tài, Thế Tôn chú trọng đến việc thành tựu phạm hạnh. Phạm hạnh đối với hàng Phật tử chính là ngũ giới cùng với các chuẩn mực đạo đức Phật giáo như hổ thẹn, khiêm nhường... Có phạm hạnh mới gọi là “được phước vô lượng”.
Cho nên, thật thiếu sót khi chỉ cầu mong cho con giàu có mà quên khấn nguyện thêm cho con thành tựu chánh tín và phạm hạnh. Thế Tôn đã chỉ rõ, những người con Phật “hãy tìm phương tiện thành tựu ba pháp này”. Nghĩa là, người con Phật muốn thiết lập hạnh phúc bền vững, lâu dài thì tự thân phải kiện toàn ba yếu tố căn bản chánh tín - tài vật - đạo đức. Những ai thành tựu như thế thì gọi là “được phước vô lượng”.