Thập Nhị Nhân Duyên

22/11/201112:00 SA(Xem: 16716)
Thập Nhị Nhân Duyên


 PHÁP GIÁO NHÀ PHẬT
Đoàn Trung Còn


THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN

 

Giáo lý Thập nhị nhân duyên cũng là một phần quan trọng trong những giáo phápđức Phật truyền dạy trước nhất. Theo giáo lý này, tất cả vạn pháp đều sanh khởitồn tại, hủy diệt do nơi mười hai nhân duyên. Hay nói khác đi, các nhân duyên này chi phối toàn bộ quá trình sanh khởi của các pháp, như lời kệ sau đây:

Các pháp do nhân duyên mà sanh,

Các pháp do nhân duyên mà diệt.

Bậc đạo sư vĩ đại của chúng ta,

Thường giảng thuyết đúng thật như vậy.

諸法因緣生,亦從因緣滅。我佛大沙門,常作如是說。 Chư pháp nhân duyên sanh,

Diệc tùng nhân duyên diệt.

Ngã Phật đại sa-môn,

Thường tác như thị thuyết.

° ° °

Mười hai nhân duyên được trình bày trong tương quan sanh khởi như sau đây. Tuy nhiên, thứ tự trình bày ở đây hoàn toàn không có nghĩa là thứ tự sanh khởi. Phải hiểu rằng mười hai nhân duyên là một xâu chuỗi tròn khép kín, không có điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Nếu phá bỏ được bất cứ mấu chốt nào trong mười hai mấu chốt ấy, tức là sẽ phá vỡ được toàn bộ sự liên kết của chúng.

1. Vô minh Vô minh (無明), tiếng Phạn là Avidyā. Tức là sự mê tối, không hiểu đạo pháp, không hiểu những chân lý, bản chất của vạn pháp. Nói cụ thể hơn là không hiểu lý Tứ đế, không hiểu tính chất khổ não của đời sống. Chính vì sự không hiểu ấy mà sinh ra Hành.

2. Hành Hành (行), tiếng Phạn là Samskāras. Tức là những hành động tạo nghiệp, có thể là các nghiệp lành, nghiệp dữ, hoặc không lành không dữ. Như vậy, hành tức là sự tạo nghiệp, có thể do nơi ba nhân tố là thân, miệng và ý. Hành vốn do Vô minh sanh khởi, nhưng khi sanh khởi rồi thì tự nó dẫn đến Thức.

3. Thức Thức (識), tiếng Phạn là Vijnna. Thức là sự nhận biết, thức tâm, tùy theo nơi nghiệp lực mà sanh ra. Mà nghiệp lực chính là do Hành tạo tác, cho nên nói Hành sanh ra Thức. Do Thức ấy mà chúng sanh biết phân biệt ta với người, tâm với cảnh, hình thành nên một cái bản ngã riêng buộc mà đối đãi với vạn pháp. Thức tâm ấy đã sanh khởi rồi, lại kết hợp với các yếu tố vật chất như tinh cha, huyết mẹ... để hình thành một đời sống mới của cá nhân, được hợp thành từ năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Các phần thọ, tưởng, hành, thức đều vô hình, không thể nhìn thấy được, còn sắc tức là hính sắc thì có thể dùng các giác quan mà cảm nhận được. Cá thể đã hình thành, có đủ hai phần là Danh, tức là tên gọi; và Sắc, tức là các sắc chất hình tướng. Gọi chung là Danh Sắc. Vì vậy nên nói rằng Thức sanh ra Danh Sắc.

4. Danh sắc Danh Sắc (名色), tiếng Phạn là Nmarpa. Tức là một cá thể hoàn chỉnh được sanh khởi ra trong đời sống. Cá thể ấy đã có được sự nhận thức phân biệt giữa ta và người, chủ thể và khách thể, nên do nơi đối tượng có sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh khởi sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Khi căn và trần đã sanh khởi rồi, do nơi nghiệp lực mà sáu căn mới duyên theo lấy sáu trần, thành ra Lục nhập.

5. Lục nhập Lục nhập (六入), tiếng Phạn là Sada¬yatana. Tức là sáu căn nhập với sáu trần. Sáu căn sau khi đã hoàn chỉnh, do cảm lấy sáu trần liền sanh khởi ra Xúc để tiếp cận giữa căn và trần. Hay nói khác đi, Xúc tức là sự xúc chạm giữa căn và trần.

6. Xúc Xúc (觸), tiếng Phạn là Sparsa. Tức là sự xúc chạm giữa căn và trần. Do nơi xúc chạm, liền sanh khởi sự phân biệt tốt, xấu, yêu, ghét... mà lãnh thọ lấy. Như vậy gọi là sự sanh khởi của Thọ.

7. Thọ Thọ (受), tiếng Phạn là Védanā. Tức là sự lãnh thọ, hay là sự cảm nhận, nhận biết của sáu căn khi tiếp xúc với sáu trầnlãnh thọ lấy.

Xúc và Thọ đã sanh khởi ra trong một đời sống mới của một chúng sanh thì cứ thế mà tương tục cho đến khi đời sống ấy bị hủy diệt bởi Lão Tử, vì căn và trần đều liên tục tồn tại trong suốt đời sống của chúng sanh ấy.


8. Ái Ái (愛), tiếng Phạn là Trsnā. Tức là ưa mến, yêu thích. Khi Thọ đã sanh khởi, chúng sanh liền phân biệt đối tượng khách thể, và do đó sanh khởi nên tâm ưa thích những gì thích hợp với mình. Từ đó mà Ái được sanh khởi.

9. Thủ Thủ (取), tiếng Phạn là Upadna. Tức là nắm giữ, chiếm lấy. Khi Ái đã được sanh ra, tâm thức liền bám chặt lấy đối tượng ưa thích mà muốn chiếm hữu, giữ lấy cho riêng mình. Do đó mà sanh ra Thủ.

10. Hữu Hữu (有), tiếng Phạn là Bhāva. Tức là sự sở hữu, hay nói rộng hơn là toàn bộ sự hiện hữu, như đời sống, thế giới... Chính do tâm chấp hữu này, chúng sanh luôn nghĩ rằng mọi cái đều thuộc về sở hữu của mình, cho dù là cả thế giới này hay tất cả những gì tồn tại trong đó.

11. Sanh Sanh (生), tiếng Phạn là Jāti. Tức là sanh ra, là sự hình thành nên một chúng sanh trong đời sống. Khi Hữu đã sanh khởi tức là đã có đủ các điều kiện nhân duyên để một chúng sanh được sanh ra. Nếu không có Hữu thì không thể có Sanh, nên nói là Hữu sanh ra Sanh.

12. Lão tử Lão, tử (老死), tiếng Phạn là Jarmarana. Tức là già và chết, hai hiện tượng tự nhiên hủy diệt đời sống của mọi chúng sanh, không thể tránh khỏi. Vì sắc chất là vô thường, phải chịu sự hủy hoại, nên có sanh là có lão tử. Sự hủy diệt này cũng thuận theo nhân duyên, nên nói rằng: “Các pháp do nhân duyên mà sanh, cũng tùy theo nhân duyên mà diệt.”

° ° °



Nếu phân tích tương quan, thì mười hai nhân duyên này cũng không đi ngoài lý Tứ đế. Mười hai nhân duyên ấy đều ở trong Tứ đế hoặc khai mở, hoặc hợp lại mà ra, như là vô minh, hành, ái, thủ, hữu là năm chi, hợp thành Tập đế; thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, sinh, lão tử, là bảy chi, khai mở ra là Khổ đế. Trí tuệ hiểu rõ lẽ sinh diệt của nhân duyênĐạo đế. Dứt được hết cả mười hai nhân duyênDiệt đế.

Tu tập quán xét mười hai nhân duyên sẽ giúp trừ diệt được phiền não. Bởi vì diệt được mười hai nhân duyên thì các pháp không do đâu mà sanh khởi được nữa, nên người tu có thể thoát khỏi mọi sự ràng buộcđạt đến quả vị giải thoát.

Người tu tập mười hai nhân duyên, dùng trí tuệquán chiếu thấy rằng, do Vô minh duyên sanh ra Hành, do Hành duyên sanh ra Thức, do Thức duyên sanh ra Danh Sắc, do Danh Sắc duyên sanh ra Lục nhập, do Lục nhập duyên sanh ra Xúc, do Xúc duyên sanh Thọ, do Thọ duyên sanh ra Ái, do Ái duyên sanh ra Thủ, do Thủ duyên sanh ra Hữu, do Hữu duyên sanh ra Sanh, do Sanh duyên sanh ra Lão Tử, cùng với những phiền não, khổ sở trong cuộc đời. Sự duyên sanh như vậy gọi là thuận theo dòng sanh tử, nghĩa là cứ như vậy mà trôi chảy mãi không dừng, cái trước duyên sanh ra cái sau, cái sau lại duyên sanh ra cái sau nữa, mãi mãi tương tục.

Người tu tập quán xét rõ như vậy rồi, tự biết rõ con đường diệt trừ sanh tử phiền não cũng là do nơi mười hai nhân duyên này mà đạt đến. Người tu quán xét thấy nếu Vô minh bị diệt thì Hành sẽ diệt; nếu Hành diệt thì Thức sẽ diệt; nếu Thức diệt thì Danh Sắc sẽ diệt; nếu Danh Sắc diệt thì Lục nhập sẽ diệt; nếu Lục nhập diệt thì Xúc sẽ diệt; nếu Xúc diệt thì Thụ sẽ diệt; nếu Thụ diệt thì Ái sẽ diệt; nếu Ái diệt thì Thủ sẽ diệt, nếu Thủ diệt thì Hữu sẽ diệt; nếu Hữu diệt thì Sanh sẽ diệt; nếu Sanh diệt thì Lão Tử sẽ diệt. Trừ diệt được như vậy, gọi là đi ngược dòng sanh tử, dứt sạch được mười hai nhân duyên ấy, khiến cho phiền não sanh tử không do đâu mà sanh khởi được nữa.

Trong những thời gian không có Phật ra đời, những bậc có thiện căn trí tuệ có thể nhờ quán xét lý 12 nhân duyên này mà tự mình giác ngộ, nên gọi là Độc giác Phật. Vì các ngài do lý nhân duyêngiác ngộ, nên cũng gọi là Duyên giác Phật. 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
29/11/2010(Xem: 74457)
26/12/2021(Xem: 4285)
02/02/2024(Xem: 1098)
06/08/2017(Xem: 10628)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.