Như Lý Tác Ý

27/05/201112:00 SA(Xem: 50702)
Như Lý Tác Ý

NHƯ LÝ TÁC Ý
Thích Nhất Hạnh

 

Chữ niệm nghĩa là nhớ. Chữ Hán viết phần trên là chữ kim, nghĩa là nay, phần dưới chữ tâm, nghĩa là lòng mình. Niệm là điều ta đang nhớ tới, đang nghĩ tới. Mà điều ta nhớ và nghĩ có thể là tà, có thể là chính, vì vậy nên có tà niệm và chánh niệm. Chánh là thẳng, tà là nghiêng. Chánh niệm tức là đặt những điều ngay, thẳng và điều tốt đẹp vào trong tâm nhớ nghĩ của mình.

Trong 51 tâm hành có một tâm hành tên là tác ý (manaskara, Pali là manasikara). Tác ý tức là khởi tâm để ý tới một đối tượng nào đó. Trước đó chưa chú ý tới, bây giờ ta chú ý tới, gọi là tác ý. Tác ý là một trong năm tâm sở biến hành. Và tác ý mở đầu cho một niệm. Như khi ta xem một truyện phim hay nghe một bài hát thì hình ảnh hay câu hát khiến cho ta tác ý. Nếu ta biết tu tập thì ta sẽ tác ý tới một điều chính, và ta duy trì điều chính đó lại. Khi nghe chuyện hay nhìn hình ảnh ta cũng có thể tác ý tới một điều bất chánh. Khi ta tác ý tới một điều chánh đáng, phù hợp với tinh thần bốn sự thật, với kiến thức về bốn loại thực phẩm, với giáo lý bát chánh đạo thì đó gọi là như lý tác ý hoặc là như pháp tác ý (yoniso manaskara).

Ngược lại là bất như lý tác ý (ayoniso manaskara). Chữ như lý được dịch từ chữ yoniso. Yoni có nghĩa là tử cung, cái cung của đứa con, mọi người đều sinh ra từ đó. Và vì thế yoni ở đây có nghĩa là cội nguồn. Khi đưa về đúng cội nguồn, không lạc hướng, thì gọi là yoniso. Đưa đi lạc khỏi cội nguồn thì gọi là ayoniso, dịch là bất như lý hay là phi như lý tác ý.

Thí dụ ở Làng Mai khi nghe tiếng chuông đồng hồ, mọi người trở về với chánh niệm, thở và mỉm cười. Ta lấy chánh niệm để soi sáng và như thế ta thực tập như lý tác ý. Khi nghe một tiếng hát đưa lòng ta tới những thương nhớ vẩn vơ, quên rằng ta đang ở đây để thực tập chánh niệm cùng với tăng thân, thì đó là phi như lý tác ý. Cho nên trong đời sống tu học, chúng ta phải tổ chức như thế nào để có thể thực tập được như lý tác ý trong mỗi giây phút. Khi bước vào nhà bếp, thấy một vị thiền sinh đang xắt cà rốt, tôi hay hỏi: ‘‘Anh đang làm gì đó?’’ Câu hỏi giống như một tiếng chuông để giúp người đó như lý tác ý. Trong một tăng thân tu tập với nhau chúng ta phải giúp nhau gióng tiếng chuông như lý tác ý cho nhau. Cách đi, cách đứng, cách ngồi, cách nhìn, cách làm việc của ta đều có thể có tác dụng giúp người khác thực tập như lý tác ý. Trong tăng thân chúng ta có những người làm được như vậy. Khi nhìn thấy họ ta tự nhiên trở về được với chánh niệm. Sự có mặt của họ có tác dụng như tiếng chuông tỉnh thức. Xây dựng tăng thân cũng là thực tập để cho mỗi lời nói, mỗi cái nhìn, mỗi cái động tác của ta là một tiếng chuông cho chính ta và cho người khác. Trong thiền viện, từ cách trình bày bàn thờ, cắm một bình hoa, một góc chùa cong, một tiếng chuông thỉnh đều chủ ý giúp chúng ta thực tập như lý tác ý. Cái gì trong thiền viện cũng phải được sắp đặt để nhắc nhở chúng ta phải trở về như lý tác ý. Như lý tác ý là giây phút khai sanh của chánh niệm. Ngược lại, nếu chúng ta sống trong một môi trường mà mọi thứ đều khiến chúng ta quên lãng, ta sẽ bị kéo theo bởi những phi như lý tác ý. Ngồi trong một quán rượu, tất cả những điều chúng ta nghe, thấy và cảm bằng sáu giác quan đều có tác dụng đưa chúng ta đi lạc vào phi như lý tác ý.

Khi chúng ta nghĩ tới những danh, lợi, tài, sắc, nhớ tới thuốc hút ‘‘nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên’’, thì niệm đó là tà niệm. Nhớ một người nào đến nỗi không làm ăn gì được, không tu học gì nổi, đó là tà niệm. Có khi chúng ta quán tưởng một dòng nước trong hay là một bầu trời xanh để cho tâm hồn thư thái, để tự nuôi dưỡng trước khi trở về đối diện những khó khăn hiện tại, việc này có thể là như lý vì chúng ta biết mình đang làm gì. Nhưng thường thì chúng ta không biết là mình đang mơ mộng và đang trốn tránh. Mà người tu học không trốn tránh thực tại. Tu học tức là đem chánh niệm chiếu vào đối tượng khổ đau, để tìm ra những nguyên do đã đem tới đau khổ. Mà thấy được khổ đếtập đế rồi, tự khắc ta thấy được đạo đế. Trốn tránh thì suốt đời ta không giải quyết vấn đề đau khổ của ta và của người.

Chánh niệm là một loại năng lượng để thắp sáng tâm ý. Chúng ta biết trong chiều sâu tàng thức của chúng tahạt giống chánh niệm. Không tu tập thì hạt giống bị vùi lấp qua nhiều lớp thất niệm, khổ đau phiền não. Tu tập là chạm vào hạt giống chánh niệm để nó nở thành hoa. Ta hãy tìm cách giữ nó lại trong phòng khách của tâm hành, vì đó là một người khách quý. Người khách đó là Bụt, vì chánh niệm chính là Bụt tương lai. Nuôi dưỡng chánh niệm là làm cho Bụt ở trong ta càng ngày càng sáng tỏ. Người tu tập giỏi có thể nuôi dưỡng ngọn đèn chánh niệm thường xuyên. Ngọn đèn đó sẽ đem chiếu sáng bốn lãnh vực, đối tượng của thiền quán.

Lãnh vực thứ nhất là thân. Thân, tức là uẩn đầu tiên trong ngũ uẩn, gọi là sắc uẩn. Có một kinh chuyên trình bày sự thực tập chánh niệm về thân, gọi là kinh Thân Hành Niệm. Kinh này có trong Trung Bộ (Majjima Nikaya), và cũng có trong bộ Trung A Hàm. Chánh niệm cũng soi sáng lãnh vực thứ hai gọi là lãnh vực cảm thọ. Thọ là những cảm giác của mình, những cảm giác vui, buồn. Những cảm thọ dễ chịu, khó chịu, hoặc không dễ chịu cũng không khó chịu, gọi là cảm thọ trung tính. Chánh niệm soi sáng lãnh vực thứ ba là tâm ý hay tâm hành. Bất cứ một tâm hành nào phát hiện là chánh niệm nhận diện được. Thấy tầm thì biết là tầm, thấy từ thì biết là từ, thấy tham thì biết là tham, thấy sân thì biết là sân, thấy mạn thì biết là mạn. Chánh niệm nhận diện tất cả 51 thứ tâm hành mỗi khi chúng phát hiện. Sau cùng chánh niệm soi sáng đối tượng của tâm hành, tức là các pháp. Pháp ở đây là tất cả mọi hiện tượng tâm lý cũng như vật lý, và sinh lý. Trước hết pháp là đối tượng của tưởng, tức là tri giác. Ở đây các pháp là đối tượng của tâm hành. Chúng ta soi sáng vừa chủ thể vừa đối tượng của tâm hành.

Chúng ta thường nghĩ nhầm năm uẩn là của một người này hay người kia. Phải nhớ năm uẩn không phải là một cái gì biệt lập, năm uẩn gồm cả chủ thể lẫn đối tượng. Mà đối tượng của năm uẩn bao gồm cả vũ trụ.

Người tu học dùng chánh niệm soi chiếu bốn lãnh vực thân, thọ, tâm ý và đối tượng tâm ý. Sự soi chiếu này đưa tới tuệ giác, có công năng tháo gỡgiải thoát cho bản thân người tu học.

(Trích: Trái Tim Của Bụt)

 


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
10/04/2011(Xem: 79844)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.